XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Thư gửi cháu nhân ngày khai trường


KÍNH GỬI CÁC CHÁU NGÀY ĐẦU NĂM HỌC MỚI

Các cháu, nhân ngày đầu năm, khai giảng, tựu trường, chú lại có đôi lời dặn các cháu.
- Đứa nào muốn thành bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, thì lo học toán lý hoá sinh cho giỏi, sau còn dùng. Mấy đứa không thích mấy ngành này thì học cho đủ năm điểm qua lớp là được, học cho cố sau này quăng cũng vậy, đời chú tới giờ, chờ hoài vẫn chưa thấy ngày dùng sin, tang, cos, cotang...

- Học văn thì đọc sách cho vui, nhớ ngày sinh tháng đẻ tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, biện pháp nghệ thuật của tác phẩm để trả bài có điểm. Thời gian còn lại thì đi đọc sách, tiểu thuyết thế hệ mới của nước ngoài với trong nước. Đọc càng nhiều càng tốt, đọc đủ thể loại càng tốt. Bây đọc bây khôn ra nhiều lắm, tin chú đi.

- Giáo dục công dân hay Đạo đức thì bỏ mấy cái sáo sáo ngữ như "Tiên học lễ, hậu học văn", dạy hết năm này tới năm nọ, tụi nó đọc rào rào chứ có đứa nào nhớ làm theo. Dạy tụi nó cách lên mạng, lên facebook đọc tin tức thì kiểm chứng nguồn, biết tìm hiểu, biết suy nghĩ đến cảm nhận của người ta.

- À, còn lịch sử, học số cho nhớ để thi, chứ bớt bớt tin. Bên nào thắng thì bên đó là người tốt, chịu khó đọc từ nhiều nguồn, học từ nhiều nơi, tự dùng cái đầu để kiểm chứng, rồi sẽ thấy khác, khác lắm... rồi sẽ tự hào theo một kiểu khác.

- Sống hay chết gì cũng phải học cho thật giỏi Anh Văn, muốn tốt hơn thì học thêm các ngoại ngữ khác nữa, Việt Nam làm việc nhiều với thằng nào thì đi học ngoại ngữ thằng đó. Tiếng Tàu thích thì cứ học, đừng có bị mấy cái tinh thần hão làm mù mờ, học tiếng của nó để làm việc với nó khỏi bị nó lừa, để nó có chửi thì biết mà chửi lại. Học ngoại ngữ là cách duy nhất để bây hội nhập.

- Thể dục thì dẹp mẹ nó mấy môn nhảy xa, nhảy sào, nhảy cao, chạy đường dài... nhiều đứa thể lực nó yếu rồi sao nó theo kịp. Dạy tụi nhỏ cách bơi lội khi đường ngập, cách né cây ngã khi bão, cách chèo xuồng vượt đường ổ gà, Học trước mấy môn chạy vượt rào, ném đá giấu tay, thọc gậy bánh xe... biết đâu vài năm sau mấy môn này được đưa vô thi olympic thì chắc mẻm bợ ngay cái huy chương vàng và nổi tiếng ngay vì là người đầu tiên mang huy chương vàng về cho đất nước. Không thì cho học cách rút dây. Phát cho mỗi đứa một sợi dây kinh nghiệm rồi thi nhau rút. Mấy đứa con ông cháu cha ráng học môn này cho giỏi, sau rồi dùng.

- Nông nghiệp thì dẹp luôn mấy cái cách nuôi trồng vớ vẩn gì đi, trẻ giờ nó ở thành phố học mấy cái đó làm chi. Dạy nó phân biệt đâu là thực phẩm sạch, đừng có thấy ai share cái gì kêu có độc cũng tin. Đặc biệt mấy thằng con trai thì học cách phân biệt rau sạch, lớn rồi biết mà dùng, không thì về chỉ ba mấy đứa cách phân biệt rau sạch để bảo vệ má mấy đứa.

- Tin học thì bỏ mấy cái lập trình nham nhảm, hay hướng dẫn tạo cây thư mục, tạo file văn bản đó đi. Bỏ mẹ nó luôn cái hệ điều hành Dos đi, thế giới nó đi chợ bằng tên lửa rồi mà còn Dos với java. Ráng mà học cách làm CV, cách viết mail... mấy cái này sau này cần hơn.

- Học ít ít thôi, năm cấp ba yêu thử đi cho biết mùi thất tình với người ta. Chứ để lên đại học mấy đứa nó không có yêu thật lòng đâu.

- Ráng học hết năm 12, tự nhận ra coi bản thân mình giỏi môn nào, thích môn nào thì phát triển môn đó. Chọn trường Đại học thì phải kiên quyết với bản thân, không phải nghe ai nói gì cũng gật đầu chọn theo. Đời bây bây không lo, để người ta sai người ta khiển rồi sau này sao mà khá hả bây?

- Học xong lớp 12 đừng tưởng bây ngon, mới hoàn thành cái chương trình xoá mù chữ thôi. Còn lên Đại học, xong ra Đời học, mấy cái trường kia nó dữ dội hơn nhiều. Nên ráng, đời đứa nào cũng có 24 tiếng như nhau, hơn nhau ở chỗ xài sao cho nó khéo.

- Ráng học, đừng tin mấy con mấy thằng viết kiểu bài như "Bỏ học đại học lương 80 triệu..." tụi nó lừa đó, nó viết thiếu là mười ngàn đứa bỏ học, chín ngàn chín trăm chín mươi chín đứa thất nghiệp, có 1 thằng kia may thôi. Bây chắc không đủ may đâu, đừng thử.

- Để dành tiền từ giờ để đi du lịch, bước ra khỏi cái nước ngày nào thì đời mình khôn hơn ngày đó. Bây là con ếch, cái miệng giếng Việt Nam nhỏ, có ngon thì nhìn đời qua miệng giếng thế giới.

- Đừng quá tin vào đạo đức, đạo đức làm giả được, lương tâm thì không, nên sống sao cho cái lương tâm bây thanh thản là được.
Rồi, đi học đi mấy đứa...

Sau này học lớp 12 rồi đỗ Tú Tài và khi thi đại học xong cả lớp bọn bay phải nhớ kỹ…
- Em nào đỗ Đại học nhớ phải tạo quan hệ tốt với mấy em bị trượt, sau này các em ra trường còn dễ xin vào làm thuê trong công ty chúng nó.
- Em nào đỗ trường hạng A nhớ tạo quan hệ tốt với tụi đỗ trường hạng B, sau này lãnh đạo dưới quê toàn là chúng nó cả.
- Em nào đỗ trường hạng B nhớ tạo quan hệ tốt với đám học cao đẳng, chúng nó sau này là thầy dạy con cái các em đấy!
- Nhớ chơi thân với đám bỏ thi Đại học đi lính, vì chúng nó sau này đều thành cảnh sát giao thông, CB xã, phường với CA, cơ động cả
- Đám con nhà giàu phải chơi thân với mấy bạn gái xinh trong lớp, vì các bạn ấy có khả năng sẽ thành mẹ kế cúa các em đấy;

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái

Từ 1995 đến nay Việt Nam ta đầu tư thủy điện và hiện nay đã hết nguồn tuy nhiên rất ảnh hưởng môi trường, giá đầu tư khoảng 1 triệu USD/1Mwh tương đương 24 tỷ VNĐ; Nhưng thời buổi công nghệ sạch phát triển người ta đầu tư điện năng lượng mặt trời hay điện gió giá đầu tư chỉ còn 2/3 so với thủy điện, hy vọng nó có thể thay thế thủy điện và vài chục năm sau có thể phá bỏ thủy điện trả lại dòng chảy cho các con sông như Mỹ và các nước phát triển đang làm;

          Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để đầu tư xây dựng 1MW điện gió cần tới 2 ha đất, 1MW điện mặt trời cần 1 ha đất. Đó là chưa kể đến các yếu tố khác như nguồn vốn, kỹ thuật, diễn biến của thời tiết, thời gian lập dự án đầu tư, thi công xây dựng…Vì vậy, điện Mặt Trời áp mái đang được nhiều doanh nghiệp triển khai rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân, và các chủ đầu tư. Nếu làm tốt thì ngành điện có thể được xã hội hóa, rất có lợi cho người tiêu dùng và toàn thể nhân dân Việt Nam;
          Bạn có thể mua 1ha đất trang trại (ở những địa phương giá đất còn rẻ), dựng lên đó khoảng 7.000m2 mái chuồng trại và đâu tư điện năng lượng mặt trời áp mái sẽ cho công suất xấp xỉ 1MWh/700m2 mái /(1ha đất), chi phí cỡ từ 1-5 tỷ/ha đất.
          Giá đầu tư 1 hệ thống điện mặt trời áp mái công suất tối đa (nhà nước cho phép 1 pháp nhân) là 1Mwh ở mức từ 12 - 15 tỷ. Như vậy vốn đầu tư tất cả và cao nhât là xấp xỉ 20 tỷVNĐ (Nếu tiết kiệm và mua được đất rẻ thì chỉ 15 tỷ VNĐ thôi) .
          Các thủ tục hiện nay về điện mặt trời áp mái như sau:
          - Không cần giấp phép. Chỉ cần EVN khảo sát việc đấu nối với trạm biến áp 35kV trở xuống của họ (bao xa so với dự án chẳng hạn).
          - Bán điện cho EVN, theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020: Từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2020, giá mua điện (chưa bao gồm giá trị gia tăng) là 1.940 đồng/kWh (tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31/12/2019 là 23.155 đồng/USD).
Thế doanh thu như thế nào? Từ các thông số nói trên. Giả như 1 ngày có 4 tiếng nắng (theo cách thức tính tiêu chuẩn). Một tháng có 30 ngày. Công suất tối đa là 1Mwh = 1.000kWh. 1Kwh có giá 1.940 đồng.
Vậy ta có phép tính như sau:
          - 4 (tiếng nắng/ngày) x 1.000kWh x 1.940 đồng = 7.760.000 đồng/ngày.
          Suy ra: 1 tháng = 30 ngày x 7.760.000 đồng = 232.800.000 đồng.
         Vậy thì: 1 năm 12 tháng = 2.793.600.000 đồng (gần 2,8 tỷ đồng).
Doanh thu nói trên chỉ tính tiền bán điện. Chưa tính phần 7.000m2 trang trại có thể chăn nuôi hoặc trồng trọt, hoặc cho thuê.
Chỉ tính bán điện thì nhân sự cũng rất ít. Một ông bảo vệ/24/24 và vài con chó. Cùng với 1 nhân viên kỹ thuật, bảo trì nọ kia.
Tiền bạc cũng rất minh bạch. Hàng ngày hệ thồn thông báo vào app trên smartphone của chủ các thông tin là đạt công suất bao nhiêu, tương đương bao nhiều tiền, hàng tháng EVN chuyển tiền vào TK không phải đi đòi;
Nếu đầu tư rẻ 15 tỷ thì thời gian thu hồi vốn là 15/2,8 = trên 5 năm
Nếu đầu tư  đắt 20 tỷ thì thời gian thu hồi vốn là 20/2,8 =7 năm
Số thiết bị áp mài có độ bền và thời gian sử dụng 25 năm, vậy thì 18 năm chỉ ngồi thu tiền hưởng lợi rất an toàn trừ chiến tranh xảy ra mới bị lỗ vốn thôi;
Số ha đất mua được để phục vụ trang trại chăn nuôi và áp mái điện năng lượng mặt trời càng nhiều thì lãi càng lớn vì sẽ tiết kiệm được nhân công và tăng được giá cho thê trang trại;
Sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái không chỉ tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm điện năng đáng đầu tư hiệu quả trong thời điểm hiện nay. Hệ thống điện năng lượng mặt trời hòa lưới thân thiện với môi trường;
Nguồn năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Không sử dụng bất kỳ thành phần nguyên liệu hay phương thức sản xuất nào có ảnh hưởng tới môi trường. Nó cũng cho thấy những người chủ doanh nghiệp là những người có tầm nhìn chiến lược và có trách nhiệm chung với cộng đồng bảo vệ môi trường.
Xem thông tin EVN thanh toán tiền điện mặt trời tại ĐÂY


Đại Việt mấy lần đánh tan quân Nguyên?


Trong sách giáo khoa dạy học trò của VN lâu nay, cụm từ “Ba lần đánh tan quân Nguyên” quá quen thuộc. Hoặc có một dạng dị bản là “Ba lần đánh tan quân Nguyên Mông”. Lỗi này không phải do người viết sách bịa ra, mà lỗi trước hết do tầm chương trích cú. Và cho đến nay, ngay cả các học giả cũng tin bộ sử “Đại Việt sử ký toàn thư” do Ngô Sĩ Liên chủ biên là tuyệt đối đúng và miễn bàn luận.
Không phải như vậy.
Quân Mông Cổ xâm phạm Đại Việt năm 1258. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “tháng 12 ngày 12 năm Đinh Tị, (chú ý năm Đinh Tỵ là 1257, nhưng tháng 12 âm thì đã là 1258) , tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Vua thân hành đốc chiến…” Đó là năm Nguyên Phong thứ 7, tương ứng với Tống Bảo Hựu năm thứ 5.
Tướng Ngột Lương Hợp Thai tức là người có tên Mông cổ là Uriyangqadai, có sách phiên âm theo phiên âm Hán là Ngột Lương Hợp Đài, hoặc Ngột Lương Cáp Thai. Không hiểu sai sót ở đâu, do người dịch hay do chính Ngô Sĩ Liên, mà gọi tướng Uriyangqadai này là “tướng Nguyên”?
Viên tướng này thuộc quyền của Hốt Tất Liệt, khi đó Hốt Tất Liệt dưới quyền Mông Kha Hãn (Monkh Khan) dù đã chinh phục Đại Lý, chiếm nhiều vùng bắc Trung Quốc, nhưng chính quyền nhà Tống chạy xuống phía Nam, về danh chính ngôn thuận, vẫn là triều đình Trung Quốc. Năm 1257-1258, Hốt Tất Liệt chưa thiết lập triều Nguyên, còn phò Mông Kha đánh dẹp phía Bắc của triều (Nam) Tống.
Cũng chính Đại Việt sử ký toàn thư, đến năm Canh Thân 1260, là niên hiệu Thiệu Long thứ 3 của nhà Trần, Cảnh Định thứ 1 của Tống, thì triều Nguyên bắt đầu có niên hiệu Trung Thống năm thứ nhất. ĐÓ là năm lên ngôi của Nguyên Thế tổ Hốt Tất Liệt. Như vậy, đến 3 năm sau mới có triều Nguyên, sao năm 1257 đã gọi Ngột Lương Hợp Thai là “tướng Nguyên”? (và toàn bộ những chỗ chỉ quân địch của quan quân Trần, ĐVSKTT đều gọi là "quân Nguyên"?)
Cuộc kháng chiến lần thứ nhất của quân dân nhà Trần diễn biến trong thời gian ngắn, chỉ 12 ngày sau, ngày 24/12 âm lịch trận Đông Bộ Đầu, quân của Uriyangqadai (Ngột Lương Hợp Thai) đã bị đánh bại. Cần khẳng định rằng, đối phương của vua Trần Thái tông năm 1258 không phải là “quân Nguyên” mà là “quân Mông Cổ”. Còn 2 lần kháng chiến sau, năm 1284 và 1287 thì mới đúng là “quân Nguyên”.
Có ý kiến cho rằng phải gọi là “Nguyên Mông” thì nói “Ba lần đánh quân Nguyên Mông” là đúng. Điều này cũng hoàn toàn không đúng với sử liệu về Mông Cổ và nhà Nguyên. Phải khẳng định nhà Nguyên là một triều đại của Trung Quốc, mặc dù triều đình Nguyên do người Mông Cổ thống trị các sắc dân khác ở lãnh thổ Trung Quốc. Triều đình nhà Nguyên không thể coi là một triều đại của Mông Cổ giai đoạn đó được. Để làm rõ điều này, phải xét lịch sử Mông Cổ từ Thành Cát Tư Hãn (Tringit Khan phiên âm theo chữ Nga dùng tại Mông Cổ) và một giai đoạn dài sau khi ông ta mất, theo dõi những cuộc tranh giành ngôi Khan (đại Hãn) thì sẽ thấy Hốt Tất Liệt chỉ là người tranh ngôi Khan Mông Cổ trên danh nghĩa, và thực tế chỉ làm vua ở Trung Quốc mà thôi.
Hốt Tất Liệt (Khubilai) là Khan thứ 5 kế thừa Khan Mông Kha (Monkh) cùng là cháu nội Thành Cát Tư Hãn. Đây là nhánh đáng lý kế thừa ngôi Khan (út) nhưng thế hệ Khan thứ hai lại do chính Thành Cát Tư Hãn chỉ định nối ngôi là người con thứ 3 Ô Khoát Đài (Ogiodei). Hai nhánh phả hệ này, thế hệ sau đã lôi kéo những con cháu thuộc các chi nhánh khác yếu hơn đã tạo thành cục diện phân tranh ba bè bẩy mối, rất khó thống nhất. Tại chính Mông Cổ, một hội nghị Kurultai (bầu Khan) đã đưa người em khác của Hốt Tất Liệt lên ngôi Khan Mông Cổ. Hốt Tất Liệt đã phải tổ chức một hội nghị khác của riêng mình, phạm vi hẹp, để xưng Khan. Năm đó lập ra nhà Nguyên. Tất nhiên Hốt Tất Liệt không được thừa nhận, đã phải chiến tranh chinh phục 5 năm, đến 1264 mới đánh bại được Khan ở Mông Cổ. . Tuy vậy, đế quốc Mông Cổ chính thức tan rã, các vị đứng đầu chi phái khác, mặc dù không xưng Khan nhưng không thần phục Hốt Tất Liệt, trở về cai quản và giữ đất đai của mình. Hốt Tất Liệt thực tế không cai trị được đế quốc Mông Cổ như các Khan khác, và chính miền đất ngày nay là Mông Cổ và Tân Cương (TQ) và những vùng Trung Á, châu Âu do quân Mông Cổ chiếm được đều không thuộc quyền cai trị của Hốt Tất Liệt.
Trong loạt bài viết về Mông Cổ, có chi tiết người Mông Cổ nói chỉ đến Đại Việt rồi rút về, khoan nói đúng sai, nhưng nói thêm, đối với người Mông Cổ, chỉ coi như có 1 lần xâm lược Đại Việt đó. Quân Mông Cổ thực sự đánh Đại Việt có một lần năm 1258. Hai lần sau cách xa gần 30 năm, là cuộc xâm lược của một triều đình Trung Quốc, với các chỉ huy Mông Cổ và Hán, đội quân đông đúc người Hán tham chiến.
Do đó, nói đúng ra là: Nhà Trần đã 1 lần đánh thắng quân Mông Cổ, và 2 lần đánh thắng quân Nguyên. Không thể nói gộp kiểu bà đi chợ, mua 2 cân rau, một cân thịt, thì gọi là “mua 3 cân rau thịt” được. Nói “ba lần đánh tan quân Nguyên Mông” thật là khiên cưỡng, không đúng với sử liệu.
Tham khảo Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ, thì toàn bộ chiến cuộc 1258, ông không hề dùng từ nào là “quân Nguyên”, mà chỉ gọi là “quân Mông Cổ”, chỉ có đúng 1 từ thuật lời vua là còn chữ “Nguyên”. Trong khi đó, khi nói về cuộc chiến 1284 và 1287, Đại Việt sử ký tiền biên đều dùng chữ “quân Nguyên” mà không dùng chữ chỉ địch quân là “Mông Cổ”. Có thể nói, tác giả Ngô Thì Sĩ đã phân biệ rất rõ lần kháng chiến năm 1258 là quan quân Trần chống quân Mông Cổ, còn 2 cuộc kháng chiến 1284 và 1287 là kháng chiến chống quân Nguyên. Vấn đề là mấy chục năm qua, đã có sự đề cao Đại Việt sử ký toàn thư mà ít để ý đến bộ Đại Việt sử ký tiền biên, từ đó các tác giả soạn sách giáo khoa, viết báo gây nên một lầm lẫn kéo quá dài.
Không nói “ba lần đánh tan quân Nguyên” mà nói nhà Trần đã “một lần đánh thắng quân Mông Cổ và 2 lần đánh tan quân Nguyên” thì cũng không giảm đi tầm vóc và ý nghĩa chiến công của nhà Trần, mà còn nâng cao rõ rệt tầm vóc chiến công. Bởi vì 1 lần đánh thắng quân Mông Cổ, ý nghĩa lớn hơn nhiều nếu nói đánh thắng quân Nguyên.

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Địa danh xã Định Công và xí nghiệp gạch ngói Cẩm Trướng

Định Công là một xã nằm ở phía cuối của huyện Yên Định, cách trung tâm huyện (thị trấn Quán Lào) 13km về phía Đông Nam, cách thành phố Thanh Hóa 32km.
Xã nằm bên dòng sông Mã, sông Cầu Chày và dãy núi Voi bao quanh. Xã có vị trí địa lý: thượng chí là nghè trúc (phối thờ đền Bà Triệu) tại núi Quan Yên, giáp với xã Định Tiến, hạ chí là Ngã Ba Bông giáp 6 huyện: Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định và Thiệu Hóa, phía tây nam thượng chí giáp với Chu Vu (sườn Chò Vò, núi giáp giữa làng Cẩm Trướng và làng Hải), phía đông nam là sông Cầu Chày chảy từ thượng nguồn xuống, qua xã Định Thành đến Định Công rồi đổ ra sông Mã.
Núi Quan Yên đã được các nhà khảo cổ học phát hiện là nơi cư trú, nơi chế tác công cụ - là di chỉ xưởng của con người sơ kỳ đá cũ cách ngày nay khoảng 30 – 40 vạn năm. Đây cũng là nơi có nhiều dấu tích gắn với truyền thuyết về Bà Triệu – vị thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa chống lại nhà Đông Ngô (năm 248).
Ngã Ba Bông nơi tiếp giáp 6 huyện, địa danh mà “một con gà gáy 6 huyện cùng nghe”. Khu vực ngã Ba Bông tạo nên một quần thể các di tích văn hóa của 6 huyện: Huyện Vĩnh Lộc có động Tiên Sơn, huyện Hà Trung có đền Cô Bơ, đền Đức Ông, huyện Hậu Lộc có đền cô Chín. Xã Định Công – huyện Yên Định có nhà thờ công giáo tháp chuông cao đứng giữa trời mây non nước, có khu mộ và công trình Phủ Cẩm thờ công chúa Ngọc Hoa (Bà Đức Thánh Mẫu), di tích Đình Cẩm trướng, di tích Lê Quận Công (Lê Quốc Thực), Từ đường Phạm Quận Công (Phạm Đăng Khoa).
Sông Mã, sông Cầu Chày chạy qua địa bàn xã từ xưa đến nay vẫn chiếm vị trí quan trọng tỏng đời sống nhân dân các làng xã Định Công. Hai con sông này đã bồi đắp nên một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn và rất màu mỡ. Do có hai con sông chảy qua nên hiện nay ở Định Công có 2 bến đò ngang đó là bền đò Phú Ninh, bến đò Khang Nghệ và 1 cầu phao phục vụ đưa đón khách và nhân dân trong xã qua lại giao lưu, thông thương với các xã vùng lân cận.
Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 651,63ha, trong đó đất nông nghiệp là 390,35ha, đất phi nông nghiệp là 238,02ha, đất ở là 62,21ha. Dân số của xã là 3812 người với 1.190 hộ, được phân bố ở 4 làng (7 thôn) trong xã.
Định Công nằm trong vùng đồng bằng của huyện Yên Định, có khí hậu đặc trưng của khu vực nhiệt đới gió mùa. Độ ẩm không khí trung bình hàng năm từ 65 - 68%. Bình quân nhiệt độ trong năm dao động trong khoảng 22oC - 25oC. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10, nhiệt độ trung bình từ 28oC - 32oC, cao nhất là 37oC - 39oC. Mùa đông từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhiệt độ trung bình từ 15oC - 20oC, thấp nhất từ 6oC - 8oC. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.900mm. Mưa thường tập trung từ tháng 6 đến tháng 10.
Định Công chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính: gió mùa Đông Bắc (thường xuất hiện vào đầu tháng 10 đến tháng 3 năm sau, mang theo mưa phùn, nhiệt độ xuống thấp, gió rét, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống) và gió Tây Nam (xuất hiện khoảng cuối tháng 4 đến tháng 9 mang theo không khí khô nóng). Nhìn chung, điều kiện thời tiết trên địa bàn xã Định Công thuận lợi cho sinh hoạt và các ngành sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, thâm canh cây lương thực, cây rau màu, chăn nuôi. Tuy nhiên, đôi khi sảy ra thiên tai bất lợi cho đời sống và sản xuất của nhân dân như lụt bão về mùa mưa, mùa đông có các đợt rét đậm, rét hại kéo dài …
          Đất đai ở Định Công tập trung chủ yếu là loại đất phù sa được bồi đắp hàng năm bởi dòng sông Cầu Chày. Loại đất này có thành phần cát pha, đất thịt nhẹ, tơi xốp, thuận lợi cho việc trồng các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đây cũng là nơi thường xuyên bị ngập lụt nên phải bố trí các loại cây trồng phù hợp để tránh thiệt hại về mùa mưa lũ.
          Ngoài sản xuất nông nghiệp là nghề sống chính của người nông dân, ở Định Công còn có nghề phụ nổi tiếng như nghề làm gạch, ngói ở làng Cẩm Trướng nhờ có nguồn tài nguyên đất sét kết hợp với đất phù sa sông Mã, sông Cầu Chày tạo thành hai bãi lớn dọc sông, phù hợp để sản xuất gạch, ngói và làm phụ gia xi măng. Nằm ở vùng trong đê sông Cầu Chày - nơi có trữ lượng đất sét dồi dào và chất lượng cao, nên vốn từ xưa nghề làm gạch, ngói ở làng Cẩm Trướng đã rất phát triển và nổi tiếng khắp cả tỉnh. Dân gian vẫn còn lưu lại câu ca dao ca ngợi:
“Xây nhà gạch Cẩm
Mật ngọt Dương Hòa”
          Sản phẩm gạch ngói Cẩm Trướng – Định Công không chỉ cung cấp cho nhu cầu xây dựng trong tỉnh mà còn phục vụ các tỉnh khác như: Ninh Bình, Nam Định.
         Xí nghiệp gạch ngói Cẩm Trướng được xây dựng tại xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa vào những năm thập niên 60 của thế kỷ trước với tổng diện tích chiếm đất 22222m2; Đặc điểm địa lý gồm phía bắc giáp Khu đất quy hoạch dân cư mới của Xã Định Công và đất canh tác xứ Đồng Binh; Phía Nam giáp khu dân cư Thôn Cẩm Trướng, Phía Đông giáp đê sông Cầu Chày, Phía Tây giáp khu dân cư Thôn Cẩm Trướng; Tổng diện tích sử dụng cho sản xuất kinh doanh 123.144m2 (sau khi hoàn trả lại cho địa phương), trong đó 70.000m2 ao hồ, 30.000m2 xây dựng nhà xưởng văn phòng và đường quản lý xí nghiệp; bao gồm 6 lò đứng sản xuất gạch (23 vòng/năm) và 2 lò nằm sản xuất ngói (25 vòng /năm); Xí nghiệp được chuyển đổi cổ phần hóa từ năm 2001, công nghệ sản xuất còn tương đối lạc hậu so với Việt Nam và thế giới; Dây chuyền công nghệ tạo hình sản phẩm gạch và phôi ngói theo phương pháp dẻo bằng bằng máy đùn EG5 kết hợp hút chân không; Tạo hình ngói theo phương pháp dẻo bằng máy dập ngói 5 mặt 22 viên/m2; Phơi khô mộc (gạch) ngoài trời và (ngói) trong nhà dàn có mái che; Nung bằng lò thủ công, nhiên liệu là than cám đóng thành bánh, xếp sản phẩm gạch ngói và ghim than đốt theo phương pháp sản phẩm cố định lửa di động; (Công nghệ sản xuất như hình ảnh đính kèm); Sản phẩm làm ra hàng năm trên chục triệu viên, thu hút hàng trăm lao động của địa phương và vùng lân cận, xí nghiệp cảng vận tải thủy tại sông Cầu Chày thuận tiện vận chuyển đường sông nên giá cước vận chuyển tương đối rẻ đủ sức cạnh tranh về giá với thị trường vật liệu xây dựng trong tỉnh;
            Cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Định Công luôn chú trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển và có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện từng bước mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Mạng lưới điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa các làng, thôn, bưu điện văn hóa xã, công sở ủy ban nhân dân, hệ thống truyền thanh xã… không ngừng nâng cấp và hoàn thiện để phục vụ cho đời sống cư dân tại địa bàn ngày một phát triển. Hệ thống giao thông được cải thiện rõ rệt, đường liên thôn, liên xã phân phối khá hợp lý, tạo thành mạng lưới giao thông đi lại dễ dàng, đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày  cũng như giao lưu kinh tế với các vùng và các xã lân cận. Hệ thống các công trình trạm bơm, giao thông, kênh mương nội đồng được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi để Định Công phát triển một nền nông nghiệp bền vững.
Nhìn tổng quát về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, có thể nói Định Công hội tụ được nhiều điều kiện về địa chất, khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn thuận lợi để phát triển một nền kinh tế đa dạng, đặc biệt là kinh tế nông, lâm nghiệp. Cùng với phẩm chất cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, chịu thương, chịu khó của con người nơi đây là những nhân tố quan trọng để Định Công khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên trong, tranh thủ sự hỗ trợ từ các ngồn lực bên ngoài để thúc đẩy mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội trong xã phát triển, từng bước thay đổi bộ mặt quê hương ngày càng phát triển đổi mới toàn diện
 Bản đồ thôn Cẩm Trướng và xí nghiệp
Bản đồ xã định Công



Hình ảnh cánh đồng, nhìn về làng Phú Ninh
.
 Hình ảnh xí nghiệp gạch ngói Cẩm Trướng NĂM 1991
 Hình ảnh xí nghiệp gạch ngói Cẩm Trướng NĂM 1991
 Hình ảnh xí nghiệp gạch ngói Cẩm Trướng NĂM 1988


SƠ ĐỒ CÔNG NGHỆ SẢN XUẤT GẠCH NGÓI

 Hình ảnh xí nghiệp gạch ngói Cẩm Trướng 
 Hình ảnh xí nghiệp gạch ngói Cẩm Trướng NĂM 1991

 Hình ảnh xí nghiệp gạch ngói Cẩm Trướng NĂM 1993

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Một số quy tắc ngữ Pháp tiếng Việt


Xin nhớ quy tắc này để tránh việc sai chính tả:
Hỏi — Sắc — Ngang
Ngã — Huyền — Nặng

DÙNG DẤU HỎI – NGÃ

Chỉ nhắc cái cơ bản dễ nhớ để viết chính tả tương đối ổn và hạn chế lỗi ở mức thấp nhất .

1 . DÙNG TỪ LÁY THEO QUI ƯỚC :

– Dấu Hỏi đi với Sắc và Ngang .
– Dấu Ngã đi với Huyền và Nặng .

HỎI + SẮC :

– Gởi gắm, thổn thức, rải rác, khoảnh khắc, rẻ rúng, tử tế, cảnh cáo, sửng sốt, hảo hán, phản phúc, phản kháng, rửa ráy, quả quyết, khủng khiếp, khỏe khoắn , nhảm nhí , lở loét , lảnh lót , bảo bối , thưởng thức , thẳng thắn , thảng thốt , hiển hách , nhỏ nhắn , chải chuốt , rả rích , phảng phất , lả lướt , bổ báng , sản xuất .

– Mát mẻ , sắc sảo , mắng mỏ , vất vả , hối hả , hớn hở , xối xả , bóng bẩy , nóng nảy , sắp sửa , sắm sửa , hớt hải , lấp lửng , khúc khuỷu , tá lả , rác rưởi , trống trải , cứng cỏi , sáng sủa , sến sẩm , xấp xỉ , lém lỉnh , láu lỉnh , ngắn ngủi , chống chỏi , hốt hoảng , rắn rỏi , tức tưởi , chúi nhủi , nhắc nhở , nức nở , sấn sổ , ngất ngưởng , thắc thỏm , thấp thỏm , trắc trở , tráo trở , béo bở , ngái ngủ , gắt gỏng , kém cỏi , khấp khểnh , cáu kỉnh , kháu khỉnh , thất thểu , khốn khổ , tán tỉnh , ngúng nguẩy .

HỎI + NGANG :

– Nhỏ nhen , nhởn nhơ , ngẩn ngơ , vẩn vơ , lẳng lơ , lẻ loi , hỏi han , nở nang , nể nang , ngổn ngang , dở dang , giỏi giang , sửa sang , thở than , mỏng manh , chỉn chu , dửng dưng , trả treo , tả tơi , bỏ bê , mải mê , chở che , bảnh bao , hẩm hiu , phẳng phiu , khẳng khiu , rủi ro , mỉa mai , trẻ trung , nghỉ ngơi , ngủ nghê , tỉ tê , xỏ xiên , ngả nghiêng , đảo điên , hiển nhiên , lẻ loi , thảnh thơi , sản sinh .

– Dư dả , chăm chỉ , năn nỉ , thư thả , thon thả , thoang thoảng , trong trẻo , trăn trở , vui vẻ , thơ thẩn , thanh thản , mơn mởn , xăm xỉa , lêu lổng , hư hỏng , căng thẳng , dai dẳng , xây xẩm , san sẻ , xoay sở , hăm hở , xa xỉ , ngoe nguẩy , phe phẩy , đông đủ , tanh tưởi , chưng hửng , tiu nghỉu , sang sảng , nham nhở , chao đảo , gây gổ , sơ hở , cơ sở , tin tưởng , năng nổ , cưa cẩm , thăm thẳm , đưa đẩy , tưng tửng , say xỉn

NGÃ + HUYỀN :

– Bẽ bàng , vẫy vùng , nõn nà , vững vàng , đẫy đà , phũ phàng , bão bùng , sỗ sàng , vỗ về , rõ ràng , vẽ vời , sững sờ , ngỡ ngàng , hỗn hào , hãi hùng , sẵn sàng , kỹ càng , não nề , khẽ khàng , mỡ màng , lỡ làng .
Gần gũi , liều lĩnh , lầm lỗi , gìn giữ , buồn bã , tầm tã , suồng sã , rầu rĩ , thờ thẫn , hờ hững , sàm sỡ , xoàng xĩnh , phè phỡn , bừa bãi , thừa thãi , nghề ngỗng , lừng lẫy , ruồng rẫy , lờ lững , đằng đẵng , mò mẫm , lầm lũi , nhàn nhã, bằng hữu.

NGÃ + NẶNG :

– Lãng mạn , lũ lụt , hãm hại , nhẫn nhịn , lễ lộc , lỗi lạc , rũ rượi , lưỡng lự , chễm chệ , nhã nhặn , mẫu mực , chững chạc , dõng dạc , dữ dội , cãi cọ , nhão nhoẹt , kẽo kẹt , kĩu kịt , nhễ nhại , rõ rệt , lẫn lộn

– Gọn ghẽ , ngạo nghễ , vạm vỡ , lặng lẽ , lạnh lẽo , bạc bẽo , sặc sỡ , rực rỡ , rộn rã , vội vã , nghiệt ngã , hậu hĩ , hậu hĩnh , ngộ nghĩnh , gạt gẫm , hụt hẫng , dựa dẫm , nhẹ nhõm , bập bõm , chập chững , mạnh mẽ , chặt chẽ , sạch sẽ , ngặt nghẽo , khập khiễng , đục đẽo , ruộng rẫy , giặc giã , giặt giũ , giận dỗi , bụ bẫm , dạy dỗ , gặp gỡ , dụ dỗ , lạ lẫm , rộng rãi , tục tĩu , nhục nhã , dạn dĩ , rạng rỡ , rệu rã .

* TỪ KÉP LÀ TỪ THƯỜNG ĐI MỘT CẶP DẤU HỎI HOẶC NGÃ .

– Lã chã , bỗ bã , bẽn lẽn , bỡ ngỡ , mỹ mãn , dễ dãi , cũn cỡn , lững thững , ngẫm nghĩ , lỗ lã , lẽo đẽo , nhõng nhẽo , mũm mĩm , mẫu mã , vĩnh viễn , nhễu nhão .

– Thỏ thẻ , đỏng đảnh , lẻ tẻ , của cải , lẩm bẩm , lẩm cẩm , lảm nhảm , hể hả , kể lể , nhỏng nhảnh , lủng củng , thỉnh thoảng , lảo đảo , tỉ mỉ , thủ thỉ , lảng vảng , rủng rỉnh , loảng xoảng , hổn hển , lủng lẳng , lỏng lẻo , lải nhải , tủm tỉm , bủn rủn , xởi lởi , tẩn mẩn , lẩn quẩn , thỏn mỏn , chỏn lỏn , giả lả , bải hoải , bổi hổi , lẩn thẩn , lởm chởm , rỉ rả , thủng thẳng , bỏm bẻm , nhỏm nhẻm , xiểng niểng , lẩy bẩy

2 . TỪ NGUYÊN ÂM : DẤU HỎI

Ủa , ổi , ổng , ẩu , ủng , ỷ , ổn , ửng , ổ , ủy , ỏn ẻn , ong ỏng , im ỉm , âm ỉ , ấp ủ , ảo ảnh , ăn ở , êm ả , oi ả , yên ả , óng ả , ẩn ý , an ủi , ỉ ôi , ẩm ướt , ủ ê , uể oải , ít ỏi , ủn ỉn , oan uổng , ăng ẳng , ư ử , oẳn tù tì , ẻo lả , ủ rũ , yểu điệu , ỉu xìu , ảm đạm , uyển chuyển , quan ải , oản xôi , yểm trợ ( trừ : ễnh , ưỡn , ẵm , ỡm )

3 . TỪ HÁN VIỆT BẮT ĐẦU LÀ M , N , NH , L , V , D , NG THÌ DẤU NGÃ , CÁC CHỮ KHÁC DẤU HỎI .

Ghi nhớ 7 chữ này bằng câu “ Mình Nên Nhớ Là Viết Dấu Ngã “
– M : Mỹ nhân , Mẫu giáo , Mã đáo , Mãn nguyện , Mãng xà , Mãnh lực , Mẫn cán , Miễn nhiệm , Mão mũ
– N : Não bộ , Nữ nhi , Noãn hoa , Nỗ lực , Nã ( truy nã )
– NH : Nhẫn tâm , Nhãn tiền , Nhiễu loạn , Nhũ mẫu , Nhã nhạc , Nhã nhặn , Nhuyễn thể , Nhĩ ( mộc nhĩ ) , Nhưỡng ( thổ nhưỡng)
– L : Lão gia , Lễ nghi , Lĩnh hội , Lỗi lạc , Lữ khách , Lãng tử , Lưỡng tính , Lãnh địa , Luỹ thành , Lãm nguyệt , Lẫm liệt
– V : Vãn hồi , Viễn xứ , Vĩ đại , Võ sư , Vũ trang , Vĩnh hằng , Vững chãi
– D : Diễm phúc , Dũng khí , Dưỡng dục , Dĩ nhiên , Dõng dạc , Diễu hành , Dã ngoại , Dã tâm , Diễn thuyết
– NG : Nghĩa hiệp , Ngũ cốc , Ngữ hệ , Ngẫu nhiên , Nghiễm nhiên , Ngưỡng mộ , Ngã ( bản ngã )

4 . HỌ VÀ TRẠNG TỪ : DẤU NGÃ

– Họ Nguyễn , Võ , Vũ , Đỗ , Doãn , Lữ , Lã , Mã , Liễu , Nhữ
– Cũng , vẫn , sẽ , mãi , đã , những , hỡi , hễ , lẽ ra , mỗi , nữa , dẫu …

5 . DÙNG DẤU BẰNG CÁCH SUY LUẬN THEO NGHĨA . Ví dụ :

NỔI – NỖI :

– Chỉ sự trổi lên hơn mức bình thường thì dấu hỏi ( nổi trội , nổi bật , nổi danh , nổi tiếng , nổi mụn , nổi gân , nổi điên , nổi giận , nổi xung , nổi hứng , nổi sóng , nổi bọt , nổi dậy , chợ nổi , nông nổi , làm nổi , trôi nổi , hết nói nổi , chịu hết nổi , gánh không nổi )

– Cái nào mang tính biểu cảm thì dấu ngã ( khổ nỗi , đến nỗi nào , làm gì nên nỗi , nỗi lòng , nỗi niềm , nỗi ước ao , nỗi nhục , nỗi oan , nỗi hận , nỗi nhớ )

NGHỈ – NGHĨ :

– Liên quan đến sự dừng lại một hoạt động thì dấu hỏi ( nghỉ ngơi , nghỉ học , nghỉ việc , nghỉ hè , nghỉ lễ , nghỉ mệt , nghỉ dưỡng , nghỉ chơi , nghỉ mát , nghỉ thở , nghiêm nghỉ , nhà nghỉ , an nghỉ )

– Thể hiện cảm xúc suy nghĩ thì dấu ngã ( nghĩ ngợi , suy nghĩ , ngẫm nghĩ , nghĩ cách , thầm nghĩ , nghĩ quẫn , nghĩ bậy , cạn nghĩ )

MẢNH – MÃNH :

– Cái nào gợi hình dáng thì dấu hỏi ( mảnh trăng , mảnh ruộng , mảnh vườn , mảnh đất , mảnh xương , mảnh sành , mảnh vỡ , mảnh khảnh , mảnh mai , mảnh khăn , mảnh áo , mảnh vá , mảnh tình , mỏng mảnh )

Thể hiện tính chất thì dấu ngã ( dũng mãnh , mãnh liệt , ranh mãnh , ma mãnh , mãnh hổ , mãnh thú , mãnh lực ..)

KỶ – KỸ :

– Gắn với bản thân con người thì dấu hỏi (kỷ vật , kỷ niệm , kỷ luật , kỷ lục , kỷ yếu , ích kỷ , tự kỷ , vị kỷ , tri kỷ , thế kỷ , thập kỷ)

– Gắn với kỹ thuật , trình độ thao tác thì dấu ngã (Kỹ nghệ , kỹ năng , kỹ xảo , kỹ thuật , kỹ sư , kỹ nữ , kỹ lưỡng , kỹ càng , kỹ tính , nghĩ kỹ , giấu kỹ , tuyệt kỹ)
                                                                     
CHÚ Ý :

Qui ước cơ bản chứ không tuyệt đối , vẫn có một số từ ngoại lệ không theo qui ước trên như :

HỎI + NẶNG : – Hủ tục, hủ bại.

chữ “nữa” viết dấu ngã trong đa số trường hợp, chỉ khi nói về số lượng chia hai như ” phân nửa”, “một nửa”, thì viết dấu hỏi.
Bài viết có thể hữu ích (有益) cho những ai thường phạm lỗi chính tả “hỏi ngã”. Tuy nhiên, phải nên nói rõ hơn là luật “trắc, bằng” thường đi kèm theo với dấu “hỏi” và “nặng huyền” thì thường đi kèm với dấu “ngã” thì chỉ nên áp dụng với chữ kép “thuần” Việt mà thôi. Còn nếu là những từ kép Hán Việt thì “quy luật” đó không có được hiệu nghiệm cho lắm. Tôi xin cho thí dụ:
Ví dụ như chữ “sản xuất” (產出) ở trên là tiếng Hán Việt và “tình cờ” nó đi theo cái luật “bằng, trắc”. Tuy nhiên, nếu là “cộng sản” () hay “tài sản” () thì nó lại không có hợp với luật “huyền nặng”!

Lý do là vì chữ Hán Việt không hề thay đổi từ “hỏi” sang “ngã” hay ngược lại, khi cái chữ đó đi kẹp với những chữ có những dấu khác nhau.

Một khi chữ “sản” đã được viết với dấu “hỏi” rồi thì cho dù nó có đi kẹp với dấu gì đi nữa thì nó vẫn phải viết với dấu hỏi mà thôi.

Giống như chữ “phản ứng” (反應) thì là đúng với quy luật, dấu “hỏi” đi kèm với dấu “sắc”, nhưng “phản hồi” (反囘) thì không theo quy luật vì viết với dấu hỏi, nhưng lại đi kèm theo với dấu “huyền” !
Nguồn: FBK Thuỷ Bích

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Cao Biền





Tư liệu:Tiếng Trung: 高駢; tự Thiên Lý (千里); 821–887) là một viên tướng của nhà Đường, ông là người thay mặt cho nhà Đường cai quản Giao Châu (tên gọi khi đó của Việt Nam) từ năm 866 đến năm 875 với chức vụ tiết độ sứ. Sau lại làm phản nhà Đường và bị giết năm 887. Tổ tiên là người Bột Hải (Mãn Châu), sau di cư đến U Châu.

Cao Biền người gốc Bột Hải (Mãn Châu), sau ngụ U Châu. Cha là Cao Thừa Minh[1], ông nội là Nam Bình quận vương Cao Sùng Văn[2][1][3], thời Đường Hiến Tông Lý Thuần (806-820) là một danh tướng, chỉ huy cấm quân. Từ khi còn nhỏ, Cao Biền đã là người rất chịu khó trau dồi về văn học. Giao du với các nho sĩ, ông thường bàn luận đường lối chính trị một cách rắn rỏi. Cao Biền theo Chu Thúc Minh, làm tư mã.[4] Cao Biền làm quan, được thăng dần đến hữu thần sách đô ngu hậu, sau vì có công, lại được thăng làm phòng ngự sứ Tần Châu. Những năm đầu thời Đường Ý Tông (859–873), Cao Biền chỉ huy quân tại biên cương phòng chống người Đảng Hạng và Thổ Phồn, kiêm Tần Châu thứ sử.
Năm Hàm Thông thứ bảy (866), Cao Biền sang trấn thủ Giao Châu, làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ, cai quản cả Giao Châu và Quảng Châu. Năm Càn Phù thứ hai (875) đời Đường Hi Tông (873–888), nhà Đường chuyển ông đến cai quản Tây Xuyên. Cao Biền là người nghiêm khắc nhưng lạm dụng hình phạt, lạm sát cả người vô tội. Tuy vậy, trong thời gian cai quản Tây Xuyên ông đã có công lui quân Nam Chiếu.

Năm Càn Phù thứ sáu (879) quân đội của Hoàng Sào từ bờ nam sông Hoàng Hà tiến về phía tây, triều đình nhà Đường điều Cao Biền đến làm Trấn Hải Quân tiết độ sứ (ngày nay là Trấn Giang, Giang Tô)[3]. Quân của Hoàng Sào chuyển hướng tiến về hướng nam tới Chiết Giang. Tháng 5 năm Quảng Minh thứ nhất (880) tại Tín Châu (ngày nay là Thượng Nhiêu, Giang Tây) quân Hoàng Sào giết chết Hoài Nam tiết độ sứ (ngày nay là bắc Dương Châu, Giang Tô). Tháng bảy, quân Hoàng Sào vượt qua Trường Giang. Cùng năm, quân Hoàng Sào từ Quảng Châu (ngày nay thuộc Quảng Đông) tiến lên phía bắc tới khu vực Giang-Hoài, Cao Biền khiếp sợ uy thế Hoàng Sào, chỉ cố thủ Dương Châu, dù binh lực có trên 100.000 để bảo tồn lực lượng. Quân Hoàng Sào tiến vào Trường An, Đường Hi Tông khẩn cấp điều Cao Biền đem quân cứu giá, nhưng Cao Biền không tuân lệnh của nhà Đường mà lại cát cứ một phương. Năm Trung Hòa thứ hai (882), nhà Đường bãi miễn Cao Biền[3].

Về già, Cao Biền trở nên tin vào phép thuật thần tiên, trọng dụng thuật sĩ làm lòng người ly tán, tướng cai quản Hoài-Nam là Tất Sư Đạc rất lo sợ, năm Trung Hòa thứ năm (885) Cao Biền tạo phản, nhà Đường cử Tuyên Châu quan sát sứ là Tần Ngạn trợ chiến với Tất Sư Đạc. Năm Quang Khải thứ ba (887), Tất Sư Đạc xuất quân từ Cao Bưu, hợp cùng các tướng khác tấn công Dương Châu. Cao Biền phái người đi cầu cứu Dương Hành Mật, nhưng người của Cao Biền chưa tới nơi thì thành Dương Châu đã bị phá, Cao Biền bị bắt làm tù nhân, một thời gian sau bị Tần Ngạn, Tất Sư Đạc giết chết[3].

Tại Giao Châu

Năm Ất Dậu (865) Cao Biền được nhà Đường cử là đại tướng họp cùng giám quận là Lý Duy Chu đem quân sang đóng ở Hải Môn để giải quyết vấn đề Nam Chiếu. Cao Biền sinh ở cửa tướng lại là tay văn học uyên thâm dẫn 5000 quân làm tiền đạo và ước cùng Lý Duy Chu điều động quân hậu viện tiến sau. Lý Duy Chu không muốn Cao Biền thành công, và biết rằng Cao Biền giàu mưu lược, có tài quân sự ắt sẽ thắng trận. Nam Chiếu tuy đông nhưng man mọi và ô hợp, chiến đấu lại không có phương pháp. Y chỉ còn cách không đem quân tiếp viện để Cao Biền hao mòn dần thực lực mà thất bại. Cao Biền cất quân đi rồi, Lý Duy Chu vẫn cứ đóng binh nguyên vẹn tại chỗ.

Giám quận nhà Đường là Trần Sắc lại phái thêm 7.000 quân do tướng Vi Trọng Tể điều khiển sang tăng cường cho đoàn quân viễn chinh của Cao Biền. Bấy giờ Cao Biền mới xuất trận đã thắng được Nam Chiếu mấy kỳ, và tháng 6 năm 866 cho báo về Trung Quốc. Tháng 9 năm thứ 6 niên hiệu Hàm Thông (865), Cao Biền đánh úp quân Nam Chiếu đang gặt hái ở Phong Châu (Vĩnh Yên) và cướp thóc lúa đem về nuôi quân.

Biết tình thế khó khăn, vua Nam Chiếu phái Đoàn Tú Thiên làm tiết độ sứ đất Thiện Xiển (kinh đô riêng của Nam Chiếu ở tây bắc Giao Châu), phái Dương Tư Tấn đến giúp Đoàn Tú Thiên giữ Giao Châu, và cho Phạm Nê Ta làm đô thống phủ đô hộ.

Tin báo thắng trận của Cao Biền đến Hải Môn thì bị Lý Duy Chu chặn lại. Triều đình Trung Quốc lâu không thấy tăm hơi của Cao Biền liền cho hỏi Lý, Lý nói dối rằng Cao Biền vẫn không chịu xuất quân và án binh bất động ở Phong Châu. Thực ra lúc đó Cao Biền đã phá được quân Nam Chiếu, hàng được hơn 1 vạn quân, và đang vây hãm quân Nam Chiếu ở La Thành quá 10 ngày. Trong lúc đó Đường Ý Tông phái Vương Án Quyền và Lý Duy Chu tới thay họ Cao, và trước khi về kinh, Cao Biền đã phái Tăng Cổn về Trung Quốc trình bày tin tức thắng trận và mọi sự hãm hại của họ Lý. Sau khi giao binh quyền, Cao Biền cùng 100 thủ túc lên đường. Khi vua Đường hiểu rõ manh mối, Cao Biền được thăng chức kiểm hiệu công bộ thượng thư và được quay gót về Giao Châu tiếp tục việc đánh dẹp. Trong lúc này Vương Án Quyền và Lý Duy Chu mới đánh thành. Vương Án Quyền thì nhút nhát còn Lý Duy Chu lại tham lam tàn ác nên tướng tá không phục, nhờ vậy quân Nam Chiếu giải được vòng vây 2 lần trốn thoát quá nửa.

Đến khi Cao Biền trở lại, tháng 4 năm Hàm Thông thứ 7 (866) thì hạ được thành, đánh bại được Dương Tư Tấn, chém được Đoàn Tú Thiên, Phạm Nê Ta, Nạc Mi và Chu Cổ Đạo là thổ mán đã làm hướng đạo cho Nam Chiếu cùng sát hại hơn một nửa quân Nam Chiếu. Cao Biền lại đánh phá 2 động thổ mán đã theo Nam Chiếu và giết tù trưởng. Tháng 11 cùng năm, nhà Đường đặt Tĩnh Hải quân, dùng Cao Biền làm tiết độ sứ kiêm hành doanh chiêu thảo sứ các đạo. Bắt đầu từ đấy, Giao Châu đổi tên thành Tĩnh Hải quân tiết trấn.

Xét ra Giao Châu bị nạn Nam Chiếu ròng rã 10 năm vô cùng tai hại. Từ đó Cao Biền ở lại Giao Châu làm tiết độ sứ. Sau khi Nam Chiếu bại trận được vài năm, Trung Quốc bị loạn. Nam Chiếu lại lợi dụng cơ dấy quân. Vua Đường muốn phương nam được ổn định nên điều đình gả công chúa cho vua Nam Chiếu. Nam Chiếu liền cử một phái bộ đặc biệt sang đón công chúa trong đó có mấy thượng tướng. Cao Biền gửi mật thư cho vua Đường bảo trong phái bộ có 3 nhân vật cao cấp nhất là linh hồn của Nam Chiếu nên đầu độc họ để trừ hậu họa, sau này Nam Chiếu có phục hồi được ắt cũng còn lâu. Vua Đường y lời cho đánh thuốc độc vào rượu, các sứ giả Nam Chiếu bỏ mạng nhờ vậy nhà Đường giữ Giao Châu thêm một giai đoạn.

Cao Biền khởi việc xây thành đắp lũy ở các nơi biên cảnh để đề phòng giặc giã. Một kỳ công của ông là việc dựng lên thành Đại La bên bờ sông Tô Lịch. Thành này bốn mặt dài hơn 1.982 trượng, cao 2 trượng 6 thước. Bên ngoài thành có một con đê chạy theo để bao bọc lấy thành. Đê dài hơn 2.125 trượng 8 thước, cao 1 trượng rưỡi, dầy 2 trượng. Trong thành có tới 20 vạn nóc nhà. Sự sống của nhân dân rất là sầm uất. Ông lại khai phá các ghềnh thác để mở rộng đường thủy cho các thuyền bè buôn bán đi lại.

Về mặt cai trị, ông cũng có một chính sách rõ rệt tránh được mọi điều nhũng lạm của bọn thừa hành. Ông đã gây được thiện cảm giữa ông và dân chúng cho nên được tôn là Cao Vương. Ông lập các sở thuế để có tiền chi dụng.

Năm Ất Tỵ (875) vua Đường đổi Cao Biền đi làm tiết độ sứ tại Tây Xuyên (tỉnh Tứ Xuyên) và ưng thuận lời đề nghị của Cao Biền cho Cao Tầm (cháu Cao Biền) thay thế ở phương nam.

Thành Đại La

Thành Đại La ban đầu do Trương Bá Nghi cho đắp từ năm Đại Lịch thứ 2 đời Đường Đại Tông (767), năm Trinh Nguyên thứ 7 đời Đường Đức Tông (791), Triệu Xương đắp thêm. Đến năm Nguyên Hòa thứ 3 đời Đường Hiến Tông (808), Trương Chu lại sửa đắp lại, năm Trường Khánh thứ 4 đời Đường Mục Tông (824), Lý Nguyên Gia dời phủ trị tới bên sông Tô Lịch, đắp một cái thành nhỏ, gọi là La Thành, sau đó Cao Biền cho đắp lại to lớn hơn. Theo sử cũ thì La Thành do Cao Biền cho đắp có chu vi 1.982,5 trượng (≈6,6 km); thành cao 2,6 trượng (≈8,67 m), chân thành rộng 2,5 trượng (≈8,33 m), nữ tường[5] bốn mặt cao 5,5 thước (≈1,83 m), với 55 lầu vọng địch, 6 nơi úng môn[6], 3 hào nước, 34 đường đi. Ông còn cho đắp đê vòng quanh ngoài thành dài 2.125,8 trượng (≈7,09 km), đê cao 1,5 trượng (≈5,00 m), chân đê rộng 2 trượng (≈6,66 m) và làm hơn 400.000 gian nhà. Theo truyền thuyết, do thành xây đi xây lại vẫn bị sụt ở vùng sông Tô Lịch, Cao Biền đã cho trấn yểm tại đây để làm cho đất vững và chặn dòng long mạch của vùng đất này. Các di chỉ tìm được trong lòng sông tháng 9 năm 2001 được một số nhà nghiên cứu cho là di tích của bùa yểm này (xem Thánh vật ở sông Tô Lịch).

Người vợ

Theo thần phả ở Hà Đông, Cao Biền có một người vợ là Lã Thị Nga (Lã Đê nương), theo ông từ phương bắc sang Việt Nam. Bà không ở cùng Cao Biền trong thành mà ra ở bên ngoài, khu vực ngày nay là quận Hà Đông. Bà đã truyền nghề dệt lụa cho dân ở đây và trở thành bà tổ nghề dệt lụa Hà Đông. Sau khi Cao Biền về bắc, bà ở lại Tĩnh Hải quân. Sau nghe tin Cao Biền mất ở Trung Quốc, bà gieo mình xuống sông tự vẫn. Dân lập đền thờ bà ở bờ sông.

Đền thờ

Bản sách TT-TS FQ 40 18/X11, 11, Viện Thông tin Khoa học Xã hội - Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam - Ngọc phả Thần tích do Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Nhâm Thân – 1572 và Sách Thành Hoàng Việt Nam của Phạm Minh Thảo, Trần Thi An, Bùi Xuân Mỹ - NXB Văn hóa Thông tin 1997 viết: Năm ấy, Vương dẫn quân từ biển Đông Hải vào Giao Châu đánh giặc Nam Chiếu. Khi hành quân qua Nam Trì thấy bản doanh xưa kia của hai vị Lang Công, Bảo Công và đền thờ hai ông, lại thấy đất đai có hình thế quý, nhà cửa ở đây huy hoàng. Đền thờ ở thế đất rất quí Phượng Hoàng Hàm thư biết chắc là thần linh đền thiêng bèn cho dừng xe, đóng đồn ở đây và trú đêm ở đền. Đêm đến Vương vào trong điện khấn: “Nay thần tiến binh đánh giặc Nam Chiếu, hai vị linh Thần có anh linh thì xin phù hộ giúp quốc gia, tiễu trừ quân giặc. Sau này thành công hẳn được bao khen, sắc phong cúng tế, xin quân thần sau này một chốn, cùng phối hưởng lâu dài, há phải dài dòng, khấn cầu từ hay ý đẹp”. Nửa đêm, Vương chiêm bao thấy hai vị tướng đường đường, đầu đội mũ trăm sao mặc sán lạn, long bào giáp ngọc huy hoàng. Một vị cưỡi ngưạ trắng, cao hơn bảy thước tay cầm siêu đao vàng, một vị cưỡi hổ vàng tay cầm búa việt. Vương bèn hỏi: “Ngài là danh tướng nào vậy” Một vị xưng: “Thần gốc là Trung Thiên Bảo Quốc”, vị kia xưng: “Thần gốc là Trung lang Tế thế, đều là đại thần, tướng nhà Triệu thời xưa, nay thấy vương đem quân đi đánh giặc, chúng ta tình nguyện theo vương đánh giặc, âm phù tả hữu giúp cho vương thắng giặc, xin vương chấp thuận”. Thần vừa dứt lời thì Vương tỉnh giấc, biết là kỳ mộng báo trước sẽ thỏa nguyện công thành. Hôm sau, ngày 10/3 nhân dân Nam Trì hành lễ chúc mừng. Vương bèn truyền cho phụ lão Nam Trì: “Ta phụng mệnh Đường vương nhậm chức Đô hộ nước Nam. Nay giặc Nam Chiếu xuất sư dấy binh xâm phạm, vì thế ta tiến quân qua đây. Ngắm nơi đây thấy địa thế quan kỳ, có thế đất rất quí. Đền thờ được dựng chính giữa khu có thế Phượng Hoàng hàm thư nên nhân dân nhất định giàu có, phát nhiều công hầu”. Rồi cho dựng hành cung ở khu Ngọc Khê.
Tại trang Nam Trì có gia đình Phạm tên húy của ông là Tố, lấy vợ người gốc Nam Trì là Trần Thị Phương ở Ngọc Khê. Năm bà Trần Thị 21 tuổi nằm mộng vào chùa Hương Tích gặp Phật Bà Quan Âm hiện lên cho một cặp nhẫn vàng. Rồi bà có mang. Đến rằm tháng hai (15/2) năm Bính Thìn đẻ sinh đôi hai cô con gái. Khi đẻ hai nàng tố nữ, có con công ngũ sắc múa lượn trước sân nhà, hương thơm toả ra thơm nức. Lớn lên hai cô xinh đẹp tựa Hằng Nga, thể diện bồng đảo , nét mặt vui tươi như trăm hoa đua nở, mắt sáng long lanh tựa ngọc. Đến khi được hai tuổi cha mẹ đặt tên cô thứ nhất là A Lữ và cô thứ hai là Lự nương. Hai chị em trưởng thành thì tam tòng tứ đức nữ công bách hạnh, tam tòng tứ đức đủ đầy, công dung ngôn hạnh, tài giỏi hơn người. Ca kịch, thư họa, múa hát thanh sắc đều tuyệt vời. Năm 21 tuổi, khi Vương đang đang dựng hành cung, hai cô đến xem. Nhác trông thấy hai chị em có vẻ mặt yêu kiều lộng lẫy hơn người, Vương nghĩ đây là người thỏa nguyện toại lòng đây. Rồi Vương cho triệu vợ chồng họ Phạm đến bàn chuyện cưới hỏi. Ông bà đồng ý gả hai cô cho Vương. Vương cho mang bốn trăm thoi vàng dẫn cưới, cho dựng cung nương lưu tồn tồn đến đời sau gọi là hành cung Ngọc Khê. Năm ấy là năm Ất Dậu (865), Giám quận Lý Duy Chu ghanh ghét, không hiệp đồng, lại có âm mưu hãm hại Vương. Với năm nghìn quân tiên phong và bảy nghìn quân tăng cường của tướng Vi Trọng Tể, Vương vẫn tiến quân thẳng đánh Nam Chiếu. Khi giao chiến, trời đột nhiên tối sầm, sấm sét nổi lên dữ dội, hai vị thần Bảo Công, Lang Công hiện về, hỗ trợ hai bên tả hữu làm cho quân giặc chạy toán loạn, Chỉ một trận lớn, Cao Vương đã dẹp tan quân Nam Chiếu, lấy lại được Giao Châu. Dẹp yên được giặc, ngày 10/7 Vương trở lại hành cung Ngọc Khê. Dân làng hành lễ chào mừng tại trụ sở hội đồng nơi thờ phụng hai vị thần Lang Công, Bảo Công. Vương lại truyền rằng: “Cùng tại nơi phát lộ đền chính thờ hai vị Thần này, ta cũng hai vị quân thần mở hội lễ mừng vạn năm không thay đổi. Một lần nữa ta xin nói, ta phụng mệnh vua Đường làm Đô hộ nước Nam. Vừa qua giặc Nam Chiếu xâm phạm, làm cho nhân dân lầm than khổ cực. Ta mang quân đi tiễu trừ quân giặc qua nơi đây thấy thế đất cực quý, Thần thờ trong đền rất linh thiêng. Quả nhiên đêm về, hai vị linh Thần hiện lên xin tòng chinh hộ quốc. Ta có một nguyện ước cùng duyên phối hưởng như anh em chí tình. Tuy âm dương hai ngả nhưng chung một nguyên khí; tuy Nam Bắc hai phương nhưng đều chung một Trời nghĩa khí. Nên nay ta có ước nguyện làm anh em với hai vị quân thần, cùng xứng đáng hương hỏa vạn năm. Vì vậy, ta tuyên bố nước Nam sẽ lưu danh thơm bất hủ vạn năm”. Nói xong Vương ban vàng ngọc cho dân làng làm công quĩ. Sau cho tu sửa đền thờ và xây thêm Vọng cung làm chỗ tế lễ hai vị Thần. Tế lễ xong, Vương rước hai phu nhân về Tĩnh Hải vương phủ.

Sau Vương cho xây đồn ải ở biên thuỳ, chỉnh đốn việc công, đặt sổ sưu thuế thu cho việc công đầu tiên ở Giao Châu, đặt ra phép tắc; trị thủy sông ngòi xây dựng hải cảng để thông thương các nước, thương mại giao lưu… Thời kỳ Cao Vương trị nhậm, thiên hạ thái bình, nhân dân an cư, lạc nghiệp, phú túc; mọi người kính phục nên gọi Cao Vương. Làm Tiết độ sứ Giao Châu 9 năm, Hoàng đế nhà Đường triệu Cao vương về Bắc quốc cử làm quan Thái thú kinh Bình Châu quốc được 10 năm. Vương hoá ngày 10/8 năm Quý Tỵ (năm 887?). Tại nước Nam, nhớ ơn công lao to lớn của Vương, nhiều nơi đã lập đền thờ Vương.

Sau triều đại sau đều phong Cao Vương là Quốc vương Thiên tử, Bảo Công (Tể tướng Lữ Gia) là Trung Thiên Bảo quốc, Lang Công (Tướng Nguyễn Danh Lang) là Trung lang Tế thế. Các triều đại ba vị Thần đều giúp dân giúp nước hiển linh ứng báo nên đều được sắc phong mỹ tự, duệ hiệu Thượng đẳng Phúc thần. Nhà Lê sắc phong ba vị là Tá trị Hựu Thánh, Cương trực hiển Thánh và Dũng lược Quả đoán; chuẩn cho Nam Trì lập đền chính phụng thờ ba vị, định kỳ cúng tế bốn vị Thần vào các ngày sinh, ngày hóa và các ngày Khánh hạ gồm chữ húy, quần áo, thờ phụng.

Còn về hai vị phu nhân, sau khi Vương về Bắc quốc thì về quê dựng chùa nhỏ xuất gia, đi tu và bỏ tiền ra mua ruộng đất làm tự điền để sống. Đến ngày 15/11 hai bà làm lễ Phật rồi hoá. Dân làng an táng hai bà tại phía tây hành cung và lập miếu thờ tại khu Bảo Tàng (nay là đất Nam Trì).

Các truyền thuyết

Với Cao Biền, ngày nay ở dân gian Việt Nam vẫn còn những truyền thuyết hoang đường, như cho rằng Cao Biền thấy ở đất Giao Châu có nhiều kiểu đất đế vương, nên thường cưỡi diều giấy bay đi xem xét, rồi dùng phép thuật phá những nơi có hình thế sơn thuỷ đẹp, và chặn những đất có long mạch bằng cách đào những giếng khơi rất sâu.

Mỗi khi thấy người nào sức yếu, tay chân cử động run rẩy, người ta hay sử dụng câu gần như đã là thành ngữ: Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non. Người ta giải thích là Cao Biền có phép thuật "tản đậu thành binh", nghĩa là mỗi khi cần có quân lính đi đánh dẹp, không cần mộ người chỉ cần rắc đậu vào một bãi đất, rồi ủ kín, đọc thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính. Có lần Cao Biền đọc thần chú còn thiếu, khi mở ra những hạt đậu đã thành lính nhưng đều còn non chưa đủ sức, đứng lên không vững.

Một thuyết khác giải thích về Cao Biền dậy non là khi Cao Biền sang nước Nam với mục đích yểm bùa và triệt hạ long mạch thì ông có nuôi 100 âm binh để phục vụ mục đích này. Để nuôi đủ 100 âm binh Cao Biền nhờ một bà hàng nước mỗi ngày thắp một nén hương để gọi dậy một âm binh. Khi thắp đủ 100 nén hương trong vòng 100 ngày sẽ gọi dậy được đủ 100 âm binh. Nhưng bà lão nước Nam đã phá âm mưu của Cao Biền bằng cách thắp cả một lượt 100 nén hương trong vòng 1 ngày. Kết quả là âm binh của Cao Biền đã dậy đủ 100. Nhưng vì không đủ ngày, dậy non nên không có tác dụng.

Truyền thuyết dân gian kể rằng khi sang Giao Châu, Cao Biền thấy long mạch rất vượng, nên muốn phá đi, thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả tảng lập đàn cúng tế để lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch. Cao Biền có lần đến núi Tản, định dùng chước này, nhưng Tản Viên sơn thánh biết được, liền mắng Cao Biền rồi đi.Truyền thuyết núi Cánh Diều ở thành phố Ninh Bình kể rằng Cao Biền thường cưỡi diều giấy đi dò phá long mạch nước Nam, khi bay đến đất Hoa Lư đã bị một đạo sĩ cùng nhân dân ở đây dùng tên bắn, Cao Biền bị trọng thương, diều gãy cánh rơi xuống một hòn núi, từ đó hòn núi mang tên là núi Cánh Diều.

Xét ra, theo sử Trung Quốc, chính Cao Biền khi về bắc bị cấp dưới là Lã Dụng Chi cuốn vào những trò ma thuật phong thủy và trở thành nạn nhân của những trò pháp thuật đó. Nếu là thày phong thủy cao tay, ông phải là người đi mê hoặc người khác, không thể bị mê hoặc và bị chết bởi thuật này.

Sự tích đền Bạch Mã

Chuyện kể rằng Cao Biền đắp La Thành, mấy lần bắt đầu đều bị sụt lở. Một đêm, Cao Biền đứng trên vọng lâu nhìn ra, thấy một vị thần cưỡi ngựa trắng chạy đi, chạy lại như bay, rồi bảo Cao Biền cứ theo vết chân ngựa chạy mà đắp thành. Vì vậy, sau khi đắp thành xong, Cao Biền cho lập đền thờ vị thần ấy ở ngay nơi hiển hiện, gọi là đền Bạch Mã. Đền thờ này ngày nay vẫn còn ở phố Hàng Buồm, Hà Nội. Chuyện này còn có dị bản khác nói rằng Cao Biền đã cho đắp thành Đại La. Một hôm, Cao Biền ra chơi ngoài cửa đông của thành, chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có bóng người kì dị, mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, tay cầm thẻ bài màu vàng, bay lượn mãi theo mây. Cao Biền kinh sợ, định lấy bùa để trấn yểm. Bỗng đêm hôm ấy thấy thần báo mộng rằng:Ta là tinh anh ở Long Đỗ, nghe tin ông đắp thành nên đến để hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm?

Cao Biền lấy làm kỳ lạ, bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống để trấn yểm. Chẳng dè, ngay đêm đó mưa gió sấm sét nổi lên dữ dội, sáng ra xem, thấy vàng, đồng và bùa trấn yểm đều đã tan thành cát bụi. Cao Biền sợ hãi, bèn lập đền thờ ở ngay chỗ ấy và phong cho thần là thần Long Đỗ.

Sau này Lý Thái Tổ dời kinh đô đến đất này, đổi gọi Đại La là Thăng Long. Nhà vua sai đắp lại thành, nhưng hễ thành đắp xong lại lở, bèn sai người đến cầu đảo thần Long Đỗ. Chợt người cầu đảo thấy có con ngựa trắng từ trong đền đi ra, dạo quanh thành một vòng, đi tới đâu, để vết chân rõ ràng tại đó và cuối cùng vào đền rồi biến mất. Sau nhà vua cứ theo vết chân ngựa mà đắp thành thì thành không lở nữa, bèn nhân đó, phong làm thành hoàng của Thăng Long. Các vua đời sau cũng theo đó mà phong tới Bạch Mã Quảng Lợi Tối Linh Thượng Đẳng Thần

Khái niệm chủ yếu

"Lạc hoa lưu thủy" - Trong bài thơ "Phỏng ẩn giả bất ngộ = Thăm hỏi người ở ẩn mà không gặp (訪隱者不遇)": "Lạc hoa lưu thủy nhận Thiên Thai, bán túy nhàn ngâm độc tự lai = Hoa rụng, nước trôi, nhìn núi Thiên Thai, nửa say, ngâm thơ an nhàn, đến đây một mình (落花流水認天台、半醉閑吟獨自來)".
________

^ a b Cựu Đường thư, quyển 182 Cao Biền liệt truyện

^ Đại Việt Sử ký Toàn thư, Ngoại kỷ, Quyển V, Kỷ thuộc Tùy-Đường

^ a b c d Cao Biền () trên Bách độ Bách khoa

^ Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, quan chế đời Đường, các tiết độ sứ đều có hành quân tư mã, và ở mỗi châu lại có đặt một tư mã, cấp bậc bằng chức đồng tri phủ đời sau. Vậy chức tư mã Cao Biền làm đây là hành quân tư mã, chứ không phải là tư mã trong tam công

^ Bức tường nhỏ đắp trên tường thành lớn hay đê con chạch đắp trên mặt đê chính

^ Thứ thành đắp vòng ngoài cửa thành

Nguồn: http://vi.wikipedia.org