XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 14 tháng 2, 2024

GIÁP DƯƠNG XÁ (Làng quê Dương Đình Nghệ)

 HOÀNG TUẤN PHỔ

Đền thờ Dương đình Nghệ ở làng Dương Xá - Ảnh: ST

Dương Xá là tên chữ, chữ “Dương” chuyển từ tên nôm cổ: Ràng hay Dàng, tùy theo cách phát âm rung lưỡi (R) hoặc cong lưỡi (D). Từ miền ngược đổ xuôi, sông Mã gặp sông Lương tại nơi thuộc giang phận làng Dàng thành tên ngã ba Dàng. Từ ngã ba Dàng trở xuống đáng lẽ vẫn là sông Lường tức sông Lương thì người ta gọi nhầm sông Mã, lâu ngày hóa quen, cũng như sông Sũ (tên nôm sông Lương) biến ra sông Chu. Một bài thơ khuyết danh nôm cổ tả phong cảnh xứ Dàng:

Núi Hoa Phong gió trong như quạt,

Nước sông Lường bóng ngoạt như gương.

Đất dinh cơ trông thể như dường,

Khí thiêng đông đúc trời Dương dịu dàng.

 Theo cách nhìn phong thủy học, Dương Xá là đất dinh cơ họ Dương lấy núi Ngũ Hoa đằng đông làm trấn sơn, sông Lường như cánh tay ngai ôm bọc phía sau, các núi Bàn A, Bằng Trình làm hộ sơn. Vây quanh Dương Xá, chầu vào Dương Xá nhiều núi non kỳ lạ mang tên những con vật thiêng: núi Voi, núi Ngựa, núi Rùa, núi Mèo,… Đây là chốn “địa linh” tạo hóa dành riêng cho người hào kiệt và hào kiệt tất nhận ra nơi anh hùng dụng võ: Dương Đình Nghệ, Dương Thị Như Ngọc, Dương Tam Kha, Ngô Quyền… với hàng ngàn tráng sĩ xuất thân từ lò võ đất Dàng.

Trung Quốc cai trị nước ta suốt từ Tần, Hán đến Ngụy, Tề, Chu. Nhà Tùy dấy nghiệp năm 581, mới được 20 năm đã bắt đầu suy yếu. Lý Uyên nổi quân đánh phá khắp nơi. Quân Lương Túc tiến sang Giao Châu, đánh vào tận Cửu Chân. Thứ sử Lê Ngọc bỏ quận trị Tư Phố trống trải, lui vào phía trong là Đồng Pho xây thành đắp lũy tính kế lâu dài, giao vùng đất phía bắc cho con trai cả Ích Từ công bảo vệ. Tương truyền tổ tiên họ Dương vì có công tham gia dẹp giặc Lương Tiêu được ban phong từ núi Kim Ngưu đến núi Hoàng Ngưu, có quyền khai phá đất đai, mở mang trại ấp, phò tá Ích Từ công, Trung Quốc công. Khoảng năm 621, Tham Xung tá quốc, con trai út Lê Ngọc, bị tử trận ở Đường Nang, Nường Ba nữ tướng Dương Doanh công nữ, từ mặt trận Hoan Châu về cứu em không kịp, nhảy xuống sông tự tận. Họ Lê mất, vùng đất họ Dương được ban phong chỉ còn trên danh nghĩa. Đất nước quê hương lại sống trong lầm than đen tối dưới ách đô hộ nhà Đường. Họ Dương vẫn đứng đầu hương ấp Dương Xá, được quyền khai khẩn đất hoang, để chính quyền đô hộ thu khoản thuế tăng thêm và nặng hơn.

Thời Mạt Đường, quan lại cai trị Giao Châu nhiều kẻ ăn chơi xa xỉ, bóc lột tham tàn, trộm cướp nổi lên như ong. Hương ấp Dương Xá ở gần sông lớn thành nơi đầu sóng ngọn gió, thường xuyên bị giặc cướp đông hàng trăm người, ban đêm giong thuyền buồm tới cướp của giết người. Phủ đô hộ Giao Châu bất lực trước tình hình ấy, đành cho các hương ấp được tổ chức hương binh để tự bảo vệ lấy hương ấp mình. Họ Dương truyền đến Dương Đình Nghệ là trang hào kiệt từ lâu vẫn ngầm nuôi chí lớn đánh đuổi quan lại phương Bắc, gặp cơ hội lập đội hương binh, chiêu mộ trai tráng khắp nơi, được hàng nghìn người khỏe mạnh, mở lò võ Dương Xá đêm đêm luyện tập võ nghệ, nấp dưới danh nghĩa con nuôi để che mắt bọn quan lại cai trị.

Những năm cuối thế kỷ IX, họ Khúc ở Hồng Châu (nay thuộc Hải Dương) nổi lên, thế lực rất mạnh. Nhân lúc An Nam Tiết độ sứ Chu Toàn Dục ốm chết, nhà Đường chưa kịp cử người sang thay, hào trưởng Khúc Thừa Dụ đem quân chiếm lấy thành Đại La, tự xưng Tiết độ sứ và xin nhận mệnh lệnh với nhà Đường. Vua Đường đang lo đối phó với nhà Nam Hán, buộc phải công nhận và ban chức tước cho Khúc Thừa Dụ. Mới được một năm (906 – 907) Khúc Thừa Dụ mất, trao binh quyền cho con là Khúc Hạo. Khúc Hạo biết tiếng Dương Đình Nghệ mời ra làm tướng, giao cho cai quản miền Hoan - Ái. Từ một nghìn “con nuôi”, Dương Đình Nghệ nhanh chóng phát triển lên đến ba nghìn người. Ban ngày họ vẫn cày cuốc làm đồng áng như dân thường, đêm về mới luyện tập võ nghệ. Chính quyền họ Khúc đổi hương làm giáp, trên giáp là cấp huyện, hương ấp Dương Xá thành giáp Dương Xá. Giáp Dương Xá lúc này đã mở rộng địa giới khá rộng, tương đương một huyện.

Khi Dương Đình Nghệ ra làm tướng cho Khúc Hạo thì Lê Lương, người sau này làm giáp trưởng giáp Bối Lý, còn nhỏ. Nhưng Lê Lương thuộc dòng dõi Lê Ngọc được nhân dân rất mến mộ. Từ hàng trăm năm trước họ đã lập đền thờ Lê Ngọc, Ích Thừa công, Trung Quốc công ở các làng: Đồng Pho, Thạch Khê, Y Xá… Đến lúc Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn đầu độc, anh em, con cháu nhà họ Dương chia rẽ bè phái, thế lực trở nên yếu kém tạo đà cho Lê Lương nổi lên gây dựng lại cơ nghiệp tổ tiên, hễ nơi nào có đền thờ Lê Ngọc, Ích Thừa, Trung Quốc, đều là đất đai họ Lê. Giáp Dương Xá trước bao trùm cả huyện Đông Cương (thời Trần đổi Đông Sơn), nay chia đôi: phía nam là giáp Bối Lý, phía bắc là giáp Dương Xá. Rồi trong lúc họ Dương cùng họ Ngô (con cháu Ngô Quyền) lao vào cuộc chiến “tranh bá đồ vương”, họ Lê ở Bối Lý ra sức phát triển kinh tế, chẳng mấy chốc trở nên giàu có nhất Ái Châu.

Thời Lý – Trần, những giáp lớn như Dương Xá, Bối Lý (huyện Đông Sơn), Yên Duyên, Ngọc Sơn (Quảng Xương) đều gọi là hương. Thời Hậu Lê, bỏ hương chia xã. Đến thời Nguyễn, dấu tích đất Dương Xá của Dương Đình Nghệ còn thấy ở nhiều xã phía bắc huyện Đông Sơn, kéo sang một số nơi thuộc huyện Thiệu Hóa, huyện Triệu Sơn… Hiện nay, làng Dàng – Dương Xá thuộc xã Thiệu Dương, vẫn còn bảo lưu nhiều di tích trên mảnh đất cụ khởi tổ nhà họ Dương đến đây bổ nhát cuốc khai phá đầu tiên trên khúc đuôi con rồng núi Đông Sơn 99 khúc.

Thực ra, trước họ Dương, đất Long Vĩ - Đuôi Rồng đã rực rỡ thời kỳ đồng thau của nền văn minh Đông Sơn được cả thế giới ngưỡng mộ.

Dương Xá - Thiệu Dương nằm ở trung tâm khu vực lịch sử rộng lớn, cũng là một vùng nước  non kỳ thú. Bấy giờ là thế toàn tân (một vạn năm trở lại đây) của Kỷ đệ tứ. Địa mạo nhiều lồi lõm tạo ra sự phong phú cho cảnh vật. Trong vùng đất không rộng, bên cạnh sông ngòi, có đồng cỏ, hồ đầm, đồng lầy, bái cao, đồi gò, núi non…điều kiện tự nhiên thuận lợi để muôn loài vạn vật sinh tụ và phát triển. Thiên nhiên tươi đẹp giàu có hấp dẫn con người tối cổ thời kỳ tiền Hùng Vương và thời đại Hùng Vương đến quần cư trên miền đất sông Lương, bấy giờ chưa nối dòng sông Mã. Họ ở trong những hang động núi Tún, núi Voi,…dựng lều trại trên những núi Rùa, núi Đông Lĩnh, gò Chân Tiên,…xuống sông, suối, ao, đầm bắt cá, lên rừng hái rau quả, đào củ, ra bái săn bẫy hươu nai, lợn lòi, cày, cáo… Phong phú đáng kể là những cánh đồng sâu trũng: ngoài ốc, cua, tôm, cá…còn lúa hoang, lúa rài, nơi mở hội của các loài chim nước, nhỏ từ le le, cốc, cò,… lớn như: diệc xám, ngỗng trời, dang dang…

Đó là nguồn thức ăn quý báu, dồi dào vô tận đối với người Dương Xá - Thiệu Dương, Chân Tiên - Đông Khối thời đại Hùng Vương dựng nước vĩ đại. Đó cũng là nguồn sống tạo hóa dành riêng cho lớp “người vượn” thời kỳ trước Hùng Vương mà địa chỉ núi Đọ muôn thuở còn vang danh.

Từ làng Dương Xá đi ra, trên cánh đồng kề bên đường, năm 1960, cán bộ khảo cổ phát hiện một di chỉ có tầng văn hóa vừa rộng, vừa sâu, bề mặt khoảng 50.000m2. Trong phạm vi di tích đã khai quật 10.800m2 nổi bật lên 38 bộ xương người còn khá tốt so với những bộ xương tìm thấy ở những di chỉ khác. Những bộ xương người đó được chôn kèm theo nhiều di vật loại hình phong phú: vũ khí bằng đồng, gương đồng, ấm đồng, tiền đồng, kiếm sắt, đồ đá mài, hoa tai, vòng đeo tay, chuỗi hạt, đồ gốm,.v.v… Đặc biệt, có một chiếc đũa bằng đồng, một hiện vật độc đáo, chưa từng phát hiện thấy ở bất cứ di chỉ khảo cổ nào trên miền Bắc nước ta.(2)

Ba mươi tám bộ xương người là tập hợp cá thể quan trọng và đủ lớn để nhà chuyên môn dựng lại ngôi làng Dương Xá cuối thời đại Hùng Vương, một xã hội Hùng Vương thu nhỏ. Dương Xá thời ấy thuộc xã hội đã bắt đầu phân chia giai cấp: đại để có hai tầng lớp chính: tầng lớp trên là quý tộc tướng lĩnh, tầng lớp dưới là nhân dân lao động. Những bộ xương kèm đồ tùy táng quý giá bên mình, cho biết họ lúc sống là những quý tộc tướng lĩnh, đàn ông cổ tay, cổ chân đeo vòng đồng, tiếng kêu leng reng theo nhịp bước. Tay phải họ cầm cây dáo đồng sắc nhọn, vai trái đeo cây cung với những mũi tên đồng cánh én, lưng dắt rìu đồng hoặc lưỡi dao găm đồng. Họ dáng đầy oai vệ với cái đầu bờm xờm tóc râu, cất lên kiêu hãnh… Đàn bà trang điểm công phu, chải tóc, đeo vòng tai, chuỗi hạt, tóc búi lên đỉnh đầu lấy khăn bao lại, áo, yếm, váy đủ bộ, thêm chiếc khăn dài lượt thượt… Họ ngắm nghía khuôn mặt quý phái của mình trong chiếc gương đồng lớn đánh bóng sáng loáng, ăn trầu, nói chuyện phiếm cho hết thời gian…

Những bộ xương chôn dưới lớp đất sâu hơn có thể là dân lao động cùng với nô lệ chôn theo. Vật tùy táng bên cạnh họ là con dao, cái búa, lưỡi liềm, lưỡi cày, là những dụng cụ lao động và những đồ gốm dùng để đựng, và đun nấu. Trong một hố đất sâu 70cm, nhà khảo cổ tìm được một xương đầu trâu cùng dấu vết tro than, di cốt của trâu nhà. Đó là bằng chứng chăn nuôi gia súc của người.

          Dương Xá hai ngàn năm trước (hoặc hơn); họ đã chăn nuôi được đại gia súc (trâu, bò) tất yếu tiểu gia súc phổ biến và có phần phát triển. Người ta có thể ngờ cái xương đầu trâu ấy là di cốt con trâu hiến tế. Nhưng còn lưỡi cày đồng? Để làm gì nếu không phải để cày trâu? Chắc chắn người Dương Xá bấy giờ không còn là mới học làm ruộng mà đã biết nghề nông. Việc này hết sức quan trọng.        

 .......

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị ám sát bởi tên cận thần Kiều Công Tiễn phản bội. Tương truyền lúc Dương Tiết độ sứ qua đời, một ngôi sao trên trời sa xuống Kẻ Dàng, đến nay còn lại một cái hồ, dân làng gọi là hồ Sao Xỉa tức hồ Sao Sa. Có câu thơ ca ngợi:

         Non Đoài trông thể mày nga,

Nguyệt Hồ phương Mão ngoại sao sa tục truyền.

Non Đoài là dãy núi trùng điệp đằng tây, từ ngàn Nưa kéo đến. Phía đông Dương Xá là cụm núi Ngũ Hoa:

Núi Hoa Phong gió trong như quạt,

Nước sông Lường bóng ngoạt như gương.

Đất dinh cơ trông thể như dường,

Khí thiêng đông đúc trời Dương dịu dàng.

Ngũ Hoa hay Hoa phong gọi đầy đủ là Ngũ Hoa phong, một khóm núi từ năm cái vây cuối lưng con rồng dựng lên thành năm bông hoa đón gió. Mỗi bông hoa lại có dáng một nàng tiên đang đứng múa.

Từ “gió trong” nghe hơi lạ mà hay. Ta thường chỉ nghe nói “gió mát”, nhưng ở vùng đồi quang núi trọc, các thứ gió: gió lốc, gió xoáy, gió cuốn, gió lộng, gió thốc, gió quẩn, gió nồm, gió phơn, gió đông,…thường làm tung cát bụi, làm vẩn đục bầu không khí trong lành. Cho nên, phải là “gió trong”, mà bên trong “gió trong”, đã bao hàm gió mát, thứ gió mát trong suốt như lọc, không chút bụi bặm. Do sự cấu tạo, sắp đặt của năm ngọn núi theo cách đặc biệt, mọi thứ gió đi qua Ngũ Hoa phong đều được lọc hết bụi bặm trở thành “gió trong” thổi mát “như quạt”. Từ “gió trong” cùng với “bóng ngoạt như gương” cũng là hai hình ảnh đẹp: “thanh phong”, “minh nguyệt” thường đi đôi với nhau để tả cảnh trăng trong gió mát.

Thực ra, mấy câu thơ trên hàm ý địa lý phong thủy của Dương Xá, người xưa xem Ngũ Hoa phong như là “trấn sơn”, khác nào bức “bình phong” thiên tạo, vừa đón mọi thứ gió từ phương xa thổi tới vừa làm bình ổn gió để dương cơ họ Dương bốn mùa trong lành mát mẻ.

Núi Con Mèo cũng là một “trấn sơn” bảo vệ Dương Xá:

VỊNH THANH HÓA MIÊU TỬ SƠN

(Chữ Hán)

Hổ cứ giang biên tráng địa duy,

Kiền thai khôn dựng kỷ đa thì?

 Lăng tằng thạch cốt lăng sương dội,

Ẩn ước đài mao liễm lộ phì.

Phong động nộ hào kình án thiếp,

Nguyệt minh cố ảnh điểu kinh phi.

Võng Xuyên nhược hữu truyền thần thủ,

Miêu nhập đan thanh diệc nhất kỳ.

CAO BÁ QUÁT

(1808 – 1854)

Dịch thơ:

VỊNH NÚI CON MÈO Ở THANH HÓA

Bài I

Ngồi chặn bên sông dáng hổ già,

Trời thai đất nghén tự bao giờ.

Gồ ghề cốt đá làn sương dội,

Ấp ảnh lông rêu hạt móc sa.

Tiếng gió như gào kình sợ khiếp,

Sáng trăng rõ bóng chim bay xa.

Võng Xuyên ví có tay tài vẽ,

Vẽ bức tranh này chẳng lạ a?

HOÀNG TẠO dịch

(Thơ chữ Hán Cao Bá Quát

NXB Văn học – 1976)

Bài II

Như hùm chồm chỗm trấn bên sông,

Đất nở trời sinh khéo lạ lùng!

Cốt đá phơi sương to lớn xác,

Lông rêu thấm móc mượt mà lông.

Gầm gừ mượn gió, kình nem nép,

Mờ tỏ nhờ trăng, cú hãi hùng.

Truyền thần thợ giỏi nhờ ai đó,

Vẽ bức tranh này, thú vị không?

(HOÀNG TUẤN PHỔ dịch)

Giữ vị trí “hộ sơn” cho Dương Xá là núi Tiên–Sơn. Núi này tên chính là Hộ Sơn, Tĩnh Vương Trịnh Sâm lên chơi thấy phong cảnh đẹp mới đổi tên Tiên Sơn. Vương Duy Trinh trong sách Thanh Hóa kỷ thắng vẫn gọi là  Hộ Sơn và chép rằng: “Núi ấy hình thế Bàn A Sơn, mạch tới địa diện xã Dương Xá thì đột khởi”. Như vậy, về sơn long, địa mạch của Dương Xá  còn quan hệ tới cả Bàn A – Bằng Trình.

Phía trước Dương Xá, một trái núi giống hình con voi phủ phục làm “tiền án” cho đất “dinh cơ”. Núi tên chữ “Tượng Sơn”, tên nôm “Núi Voi”. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, đây là nơi chế tạo dụng cụ sản xuất bằng đá thuộc thời kỳ ĐỒ ĐÁ MỚI cách đây hàng vạn năm trước. Nó góp phần chứng minh cư dân Lạc Việt ở Dương Xá đã trải qua quá trình phát triển liên tục từ thời đại đồ đá sang đồ đồng, trên lưu vực sông Chu – sông Mã.(4)

Xa xa phía sau Dương Xá là núi Trịnh làm “hậu chẩm” người xưa đặt tên núi Kim Ngưu, tượng hình “tê ngưu vọng nguyệt”: tê giác ngắm trăng(5). Tại đây phát lộ một di chỉ mũi tên đồng dày đặc khiến người ta nghĩ đến nhiều khả năng có thể là một công xưởng sản xuất, hay một kho tàng lưu trữ, nó cũng giống như một bãi chiến trường trong cuộc chiến tranh Hùng – Thục hoặc trận đánh quyết tử với quân Mã Viện thời Hai Bà Trưng.

(còn nữa)

HTP (trích từ "Những làng cổ tiêu biểu xứ Thanh"-Hoàng Tuấn Phổ-NXB Dân trí-2000)

Chú thích:

- (1) Đặng Phong: Kinh tế thời Nguyên thủy ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội.

- (2) (3) (4)Tài liệu khảo cổ của Vụ Bảo tồn – Bảo tàng.

 - (5) Tê ngưu: Con tê giác. Loại thú ở rừng giống trâu, sừng mọc trên mũi. Nhưng có khi người ta cũng dùng chữ tê ngưu nghĩa là con trâu để phân biệt với hoàng ngưu là con bò. Hoặc chữ tê ngưu còn được hiểu là trâu rừng.

NGUỒN BÀI ĐĂNG

"LÀNG QUÊ BÀ TRIỆU", kỳ 4 "DI TÍCH KHẢO CỔ"

HOÀNG TUẤN PHỔ

Năm 1962, Khảo cổ học nước ta ghi nhận một phát hiện quan trọng: trên ngọn đồi thôn Định Kim, tục gọi làng Sỏi (nay thuộc xã Tân Phúc, huyện Nông Cống) xuất lộ di tích một nơi cư trú cổ, rất lớn. Đó là địa điểm khảo cổ học Núi Sỏi. Gọi là núi theo ngôn ngữ dân gian, đúng ra Núi Sỏi hiện thấy thuộc dạng đồi, gò. Núi Sỏi hiện tại chỉ cao 19m so với mặt biển, rộng 250m, dài tới 1.000m, cách đây 2.000 năm chắc cao hơn và dài rộng hơn. Núi Sỏi cách núi Nưa khoảng 1km đường chim bay về phía tây. Di chỉ là tầng văn hóa khảo cổ thời đại đồng thau phủ kín khắp bề mặt gò đồi, từ đỉnh xuống chân, và còn lan cả ra chung quanh, diện tích gần một triệu mét vuông. (Qua nghiên cứu bước đầu là 910.000m2).

Đây là địa điểm khảo cổ học di chỉ miền núi Nưa loại hình cư trú “lớn chưa từng thấy trên đất Thanh và cũng hiếm thấy trên miền Bắc” nước ta. Theo giáo sư sử học Lê Văn Lan: vào những thế kỷ đầu Công nguyên, địa điểm cư trú (và có thể cả khu mộ địa nữa) Núi Sỏi là đất huyện Cư Phong của quận Cửu Chân đời Hán và huyện Di Phong của quận Cửu Chân đời Ngô… Quanh vùng này cho đến nay, chưa tìm thấy một di chỉ khảo cổ nào tương tự di chỉ Núi Sỏi về mặt tính chất văn hóa và niên đại… Như vậy, rất có thể những cư dân đông đúc của di tích Núi Sỏi, sau khi đã theo các vua Hùng dựng nước trước Công nguyên, tránh được sự tàn sát của Mã Viện đầu Công nguyên, đến giữa thế kỷ III sau Công nguyên là những người đầu tiên đi theo và làm nòng cốt cho khởi nghĩa của Bà Triệu ở núi Nưa…(1)

Bộ di vật khảo cổ bước đầu tìm thấy ở Núi Sỏi có vũ khí: giáo, lao, mũi tên, đoản kiếm, dao găm,…một ít dụng cụ lao động, nhạc khí như trống đồng,… Các di vật này chủ yếu bằng đồng thau mang đặc trưng văn hóa Đông Sơn giai đoạn cuối, trong khoảng thời gian vài ba thế kỷ sau Công nguyên. Đó là giai đoạn bắt đầu chuyển tiếp sang sơ kỳ thời đại đồ sắt, thể hiện ở lớp trên cùng của tầng văn hóa khảo cổ.(2)

Cũng năm 1962, công nhân mỏ Crômmít Cổ Định ở chân núi Nưa cách Núi Sỏi khoảng 2 – 3km đường chim bay đào được một thanh đoản kiếm bằng đồng thau, cán kiếm là tượng tròn, đúc một phụ nữ với đầy đủ trang phục quý tộc: khăn, áo, yếm, váy, thắt lưng, đệm váy… Sau đó ít lâu người ta lại tìm thấy hai thanh đoản kiếm khác, có hình dáng tương tự, nhưng các chi tiết không đẹp bằng, cũng trên địa bàn núi Nưa vè phía bắc (nay thuộc huyện Triệu Sơn mới). Thanh đoản kiếm núi Nưa (Cổ Định) dài 0,5m, mặt phẳng, cán kiếm tượng người phụ nữ chống nạnh, gấu váy xòe ra ôm lấy đuôi kiếm, không chứng tỏ là loại vũ khí chiến đấu mà giống như thanh kiếm lệnh dùng để truyền lệnh chiến đấu và có sức mạnh quyền lực tựa quyền trượng hay vương trượng của bậc quyền chức cao cả. Những thanh đoản kiếm ấy có mối quan hệ với những lưỡi dao găm Núi Sỏi về mặt tạo dáng, khiến nhà nghiên cứu không thể không nghĩ tới chủ nhân của chúng là thủ lĩnh miền núi Nưa, cư trú tại trung tâm chạ Kẻ Sỏi rộng lớn, hùng mạnh,…

          Thanh đoản kiếm núi Nưa với số lượng 3 chiếc, trong đó có một chuôi kiếm đúc đẹp nhất, chưa tìm thấy ở bất cứ đâu tiêu bản thứ hai; xét về mặt loại hình khảo cổ, chúng từ những lưỡi dao găm của văn hóa Đông Sơn phát triển lên, hoàn toàn không thể nghĩ là vật du nhập từ bên ngoài. Một trong những vẻ đặc sắc của thanh kiếm là tượng người phụ nữ đúc tròn toàn thân. Lối ăn mặc là lượt, đủ bộ lệ của tượng người phụ nữ chưa thấy ở những pho tượng đồng thau nào thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại tương đồng. Trong khi tượng cán thanh kiếm núi Nưa trang phục kiểu quý tộc, tương tự phụ nữ ở các di chỉ khác: Đào Thịnh (Yên Bái), Bảo Vệ (Hà Tây), Tràng Kênh (Hải Phòng)…và ngay ở Đông Sơn (Thanh Hóa) niên đại những thế kỷ cuối trước Công nguyên và đầu Công nguyên, tất cả đều chỉ một lối phục trang mặc váy, cởi trần, như là họ thuộc lớp bình dân. Nếu ta quan sát thêm một số hình phụ nữ khắc họa trên các trống đồng, rìu đồng của văn hóa Đông Sơn, cũng thấy như vậy. Bộ trang phục váy, áo, khăn, cùng những chiếc vòng tai rất lớn và cả hai chuỗi vòng tay ken kín từ cổ tay lên tới tận khuỷu tay khiến giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng: Đây chính là hình ảnh truyền thống của những nữ thủ lĩnh bản địa khoảng trước, sau Công nguyên, nếu không phải là hình ảnh của chính ngay Bà Triệu.(3)

Người Việt Cửu Chân (Thanh Hóa) thời Hùng vương – An Dương vương tìm thấy Núi Sỏi, một nơi cư trú lý tưởng không kém làng chạ Đông Sơn bên sông Mã, nhưng vị trí, địa hình nhiều điểm khác Đông Sơn. Cách núi Nưa chỉ độ 2km, Núi Sỏi thuộc sơn hệ núi Nưa, như một hòn núi sót bé nhỏ, bị ngăn cách bởi sông Hầm Hầm (sau là sông đào nhà Lê hay Lãng Giang), hóa thành “xa lạ”. Thuở ấy, chắc Núi Sỏi nối liền núi Nưa bởi một thung lũng rộng, dài mọc đây sim, mua, lau, sậy, cỏ tranh,…và chằng chịt khe, hón, hồ, mau,…mùa mưa, thung lũng hứng nước lũ ngàn Nưa để tiêu dần ra sông Hoàng, con sông vốn là dòng cũ Lương Giang (sông Chu), cũng là nhánh lớn của sông Mã, chảy vòng vèo qua sông Yên, đổ xuống cửa lạch Ghép. Sông đào nhà Lê hiện thấy, có các tên sông Hầm Hầm, sông Lãng Giang, sông Nhơm, tiền thân là khe Hầm Hầm, ngày càng mở rộng do cây cối trên núi Nưa bị chặt phá, nước lũ đổ xuống ầm ầm suốt mùa mưa. Nhà Lê đào khe thành kênh, mở thêm một đường nước tiêu thủy xuống Cầu Quan rồi cùng sông Hoàng đổ ra sông Yên để quy về biển lớn. Theo truyền ngôn, đất đào sông đắp lên bờ thành gò, đống, dân nghèo không đất rủ nhau đến san gò bạt đống, cư trú dọc dài ven bờ, lập lên các làng: Ngẳn, Cầu Nhân, Lai Thôn, Đống Bằng, Đống Cao,…

          Núi Sỏi ở khoảng giữa sông Hoàng và sông Nhơm, nhưng gần với sông Hoàng hơn. Nó giống con rùa khổng lồ bò lên từ sông Hoàng giúp người dân an cư lạc nghiệp. Dựng làng trên đồi, gò bên sông, nhìn ra sông là truyền thống cư trú của người Lạc Việt. Không chỉ có núi và sông, hai tay phải chạ Kẻ Sỏi, khu đồng Lai “Tam thiên mẫu”(4), nhìn không thấy bờ, nối liền ba xã huyện Nông Cống: Tân Phúc, Tân Khang, Trung Chính ngày nay. Kề bên cánh đồng mênh mông này là dãy núi đá vôi Hoàng Sơn điệp trùng, tác dụng như con đê thiên tạo cao ngất trời, ngăn nước sông Hoàng tràn lên trong mùa mưa lũ. Mùa mưa, nước trên núi đá vôi rào rạt đổ xuống đồng “Tam thiên mẫu”, giúp người thau chua rửa phèn để cấy lúa, năm/hai mùa tươi tốt. So với các điểm cư trú thời đại đồng thau ven sông Mã, không nơi nào thuận lợi hơn cho nghề trồng lúa nước mở mang rộng lớn như cư dân Núi Sỏi cổ đại. Có lẽ đây là nguyên nhân chủ yếu tạo nên làng chạ Kẻ Sỏi thời đại đồng thau, một cộng đồng cư dân trù phú hiếm thấy. Bấy giờ người chạ Kẻ Sỏi còn được thừa hưởng nguồn lợi trời cho là Ngàn Nưa vô số đồi núi đỉnh cao ngọn thấp giăng bày trùng trùng điệp điệp, chỗ nào cũng chất đầy củ quả, rau cỏ, với những khe, vực, hồ, mau…ngang dọc bàn cờ, đông đặc tôm cá, và đàn đàn lũ lũ chim thú đua nhau bay lượn, chạy nhảy… Ngay ở trước mặt họ, chỉ cần quờ tay là tóm bắt được, biết bao thủy sản sông Hoàng, muông thú Hoàng Sơn (trăn, rắn, lợn lòi, khỉ, cày, sáo, chồn, hùm beo…) những đối tượng săn bắn hàng ngày của cư dân cổ đại.

Tuy nhiên, đối với cư dân lúa nước, tài nguyên thiết yếu vẫn là đồng “Tam thiên mẫu”, một khúc sông lớn từ thời tiền sử đã đổi dòng do nạn đại hồng thủy, tạo nên cả một “giang đảo” phù sa nổi nênh giữa biển “lúa trời”, “lúa ma” hoang dại. Môi trường sống thuận lợi, càng thuận lợi, dân số càng phát triển mạnh, đông lên nhanh chóng, người Núi Sỏi không thể chỉ sống bằng kinh tế hái lượm, dù cho phương thức săn bắn, hái lượm vẫn tiếp tục tồn tại. Họ phải biến đồng hoang lúa trời, lúa ma thành bờ xôi ruộng mật. Chắc hẳn họ đã biết cày trâu với lưỡi cày đồng hay sắt, những chỗ sâu trũng, lầy lội, không loại trừ biện pháp dùng trâu quần nát đất, khiến cây cỏ bị thối lũn, ruộng thêm màu mỡ…

          (Gần 2.000 năm sau, cư dân Núi Sỏi thời hiện đại, còn phổ biến tập quán đốt đồng sau vụ gặt. Thu hoạch vụ mùa xong, đồng tháo cạn nước, nông dân dùng dao phát “chém” rạ ngọt xớt, đem cây nạng đổ dồn thành đống. Qua ít hôm, rạ khô se nhanh chóng trong thời tiết hanh heo giá lạnh, chỉ cần mồi lửa châm vào, khói bốc lên trùm kín khu đồng. Đó là kinh nghiệm đốt rẫy làm nương của thời kỳ kinh tế nương rẫy đem áp dụng vào kinh tế lúa nước. Lửa đốt đồng, đốt luôn cả sâu, keo làm vệ sinh cho ruộng được sạch sẽ bệnh tật. Than rạ trả lại chất màu cho đất mà cây lúa đã lấy trong vụ vừa qua. Mùa hè, nông dân gánh hai đầu hai cái gầu sòng lội xuống ao xúc bùn hoa đổ lên bờ, tải thành lớp mỏng để phơi chóng khô. Bùn khô nỏ, nứt ra từng mảng, họ lật lên đập vỡ, tán nhỏ, tưới nước tiểu, gánh xuống đồng, vãi tung khắp ruộng. Đó là cách bón đạm, lân, kali, ,…hữu cơ hiệu quả, làm cho lúa cứng cây, lá xanh tốt, bông sây, hạt chắc. Trước năm 1945, đồng các làng: Sỏi, Ngẳn, Cầu, Lai,…năng suất có thể đạt tới 25 thúng thóc một mẫu Trung bộ (khoảng 650kg thóc) trong khi nơi khác chỉ độ 15 – 20 thúng. (Đây là năng suất một vụ, nếu ruộng chỉ cấy một vụ mùa thì năng suất cao hơn  nhiều).

Theo truyền thuyết, nhà họ Triệu nhiều đời là hào trưởng miền núi Nưa (Có thuyết nói Triệu Quốc Đạt, anh Triệu Thị Trinh làm huyện lệnh). Dĩ nhiên, gia đình họ Triệu phải bao quát cả đất đai, đồng ruộng trong vùng cho đến núi sông, hồ chằm thuộc phạm vi nhất định, với hàng ngàn đinh tráng, hàng vạn nhân khẩu. Đất rộng, người đông, của cải lắm, tài vật nhiều khiến tiếng tăm họ Triệu vượt khỏi miền núi Nưa đến các nơi xa xôi khác. Nắm trong tay một lực lượng người, của hùng hậu, lại ở chốn núi hiểm, rừng sâu, sông dài, vực thẳm,…tiến có thể “công”, lui có thế “thủ”, là cơ sở quan trọng, điều kiện tiên quyết để  một cô gái 20 tuổi ngang nhiên đối địch với chính quyền đô hộ của phương Bắc. Những tiếng trống đồng tụ nghĩa thiêng liêng, âm vang, hùng tráng do chính tay người phụ nữ mang sứ mệnh thần thánh, có sức cảm thông với đất trời, mà vai trò nam giới của chế độ phụ quyền chưa thể hoàn toàn thay thế, đã dội vào Ngàn Nưa hùng vĩ, theo gió bay đi, lan xa, lan xa tận hang thâm cùng cốc, lay động lòng dân, thúc giục hào kiệt… Đúng như câu nói truyền tụng bao đời: “Na Sơn nhất phiến, nhất hô thiên hạ biến!”

Ngày nay, miền núi Nưa làng xóm đông đúc, hiền hòa, quây quần dưới bóng Ngàn Nưa hùng vĩ. Trước năm 1945, hùm cọp vẫn đêm đêm mò vào tận làng bắt bò, lợn. Những chúa tể rừng xanh ấy đôi khi ngồi bên bờ khe dưới ánh trăng khuya, ngắm bóng mình lung linh dưới dòng nước chảy, mặc dù bờ khe bên kia, con người đang kéo vó hoặc rình bắt cá sộp ăn đêm… Những mẩu chuyện hùm beo, rắn rết,…người già miền núi Nưa kể sáng đêm không hết.

Những thế kỷ đầu Công nguyên, miền núi Nưa, ngoài chạ Kẻ Na của họ Trịnh (theo gia phả), hầu như chỉ tồn tại một làng Kẻ Sỏi (theo khảo cổ). Trong thế giới tự nhiên có bạn, có thù, càng lắm bạn càng nhiều thù, con người phải chụm lại nơi thuận lợi nhất, để nương tựa lẫn nhau, cùng nhau tồn tại và phát triển. Hơn thế, địa thế ấy còn rất thích hợp để anh hùng luyện chí, tuấn kiệt mài đao, bốn phương tụ nghĩa. Di vật khảo cổ Núi Sỏi nhiều nhất vũ khí, những dao găm, kiếm ngắn, mũi tên, mũi lao, giáo mác,…không giống loại vũ khí đã tìm thấy ở các di chỉ núi Trịnh, Thiệu Dương, Đông Sơn,… Hẳn là Núi Sỏi thời ấy có riêng xưởng đúc binh khí để đúc ra hàng loạt vũ khí, đáp ứng nhu cầu chiến đấu của quân sĩ.

Có lẽ sau khi Bà Triệu thất bại ở Bồ Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) giặc Ngô truy sát tận quê quán và làng chạ Núi Sỏi đã bị chúng “làm cỏ”. Truyền thuyết “Ngô thì phá tán” kể rằng miền núi Nưa, từ chạ Kẻ Sỏi đến chạ Kẻ Nưa bị quân Ngô san phẳng làng mạc, tất cả chìm trong máu lửa, chỉ còn lại mười tám người đàn ông chạy vào núi Nưa. (Cố nhiên, con số “mười tám” chỉ là tượng trưng). Giặc Ngô đuổi theo ráo riết. Nhờ con rùa từ dưới mau, hồ bò lên xóa sạch dấu vết, chúng sục tìm quanh quẩn một hồi, không biết đi lối nào, đành phải lui quân. Người Núi sỏi vẫn còn, nhưng làng quê Bà Triệu không thể phục hồi do chính sách trả thù tàn bạo, diệt tận gốc rễ của quân xâm lược. Một làng Sỏi khác, tên chữ Định Kim, nay thuộc xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, cũng ở trùm lên Núi Sỏi, ra đời đến hơn ngàn năm sau, khoảng cuối đời Trần, đầu đời Lê, hoặc cũng có thể sớm hơn…

*

*     *

Giáo sư Trần Quốc Vượng, đồng tác giả “Lịch sử Việt Nam” tập I – NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp – Hà Nội, 1983, cho rằng: “Bà Triệu hay Nàng Trinh (Triệu Ttrinh nương, Triệu Thị Trinh) của truyền thuyết dân gian, người miền núi Quân Yên, quận Cửu Chân. Quân Yên, trái núi đó vẫn giữ tên gọi ấy cho đến tận ngày nay, đứng sững bên bờ sông Mã gần ngã ba Bông, thuộc địa phận hợp tác xã Định Công của tỉnh Thanh Hóa. Dưới chân núi đó, khảo cổ học đã tìm thấy – trên cánh đồng Nếp Bắt – một làng cổ thời Đông Sơn muộn, một khu mộ táng cổ Đông Hán – Lục triều ở cồn Bạng, cồn Chùa, với rất nhiều trống đồng cổ loại I muộn. Khu lăng, khu mộ ấy chính là đất quê hương Bà Triệu, cũng là quê hương tiến sĩ Khương Công Phụ thế kỷ VIII ngày sau”. Để chứng minh thêm, tác giả kể truyền thuyết “Đá biết nói”, đại ý: Bà Triệu cùng chúng bạn vây bắt con voi trắng một ngà rất dữ tợn để trừ hại cho dân, lùa nó xuống đầm lầy và dũng cảm nhảy lên cưỡi đầu voi buộc nó phải khuất phục. Nghĩa quân Bà Triệu, những ngày đầu tụ nghĩa đã đục núi Quân Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá, đọc bài đồng dao: “Có bà Triệu tướng, vâng lệnh trời ra, trị voi một ngà, dựng cờ mở nước, lệnh truyền sau trước, theo gót Bà vương”. Nhờ đó cả vùng đồn ầm lên rằng núi Quân Yên biết nói, báo hiệu cho dân chúng biết Bà Triệu là “Thiên tướng giáng trần” giúp dân cứu nước. Vì vậy, hàng ngũ nghĩa quân thêm lớn, thanh thế thêm to. Họ kéo nhau xuống Phú Điền dựng căn cứ… (tr.344).

Vè tư liệu khảo cổ học, tác giả đưa ra quá sơ sài, chưa đủ để làm căn cứ rằng đất Quân Yên là quê hương Bà Triệu. Về truyền thuyết “Đá biết nói” càng chững tỏ Bà Triệu không ở Quân Yên, vì chính quyền đô hộ lẽ nào để yên cho Bà Triệu cùng nghĩa quân xuất hiện ngay trước mũi chúng.

Xin ghi lại đây để bạn đọc tham khảo.

HTP (trích từ "Những làng cổ tiêu biểu xứ Thanh"-Hoàng Tuấn Phổ-NXB Dân trí-2000)

Chú thích:

(1+2+3) -Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Ty Văn hóa Thanh Hóa, 1972.

(4)-Đồng này đã chia xẻ thành nhiều khu, nhưng quan sát kỹ vẫn có thể hình dung diện tích mênh mông thuở xa xưa của nó.

NGUỒN BÀI ĐĂNG


Thanh kiếm được phát hiện ở

khu vực núi Nưa - Ảnh:ST

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

Yên Định xưa và nay: Vùng đất chiều sâu những tầng văn hóa

Có thể nhiều người biết đền Đồng Cổ, biết Triệu Thị Trinh, Đào Cam Mộc, Lê Đình Kiên, nhiều người biết sông Mã, sông Nhà Lê, nhưng không phải ai cũng biết sâu sắc về Yên Định, vùng đất sản sinh ra những di tích, những nhân vật nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử và tinh hoa văn hóa Việt. Ký của Nguyễn Minh Khiêm

Yên Định là huyện thuộc vùng trung du tỉnh Thanh Hóa. Theo Quốc lộ 45, Yên Định cách thành phố Thanh Hóa chừng hai mươi tám ki-lô-mét về phía Tây. Thời xa xưa, Yên Định là vùng đất của bốn con sông. Đó là sông Mã, sông Cầu Chày (tên cổ là sông Chùy), sông Mạn Định và sông Nhà Lê. Mỗi mùa lũ về, sông Mã, sông Cầu Chày vẫn còn tràn trề sức sống mãnh liệt. Nó mang đến nguồn phù sa vô tận cho những cánh đồng, cánh bãi. Nhưng đôi khi nó cũng mang đến nỗi kinh hoàng trong giấc mơ đại hồng thủy thời khai sơn lập địa. Sông Mạn Định là sông tự nhiên và sông Nhà Lê (hay kênh Nhà Lê chỉ còn lại trầm tích lưu miên sử sách. Suốt chiều dài 528km, một lần duy nhất đổi dòng của sông Mã lại nằm trên đất Yên Định, do nhà Trần đào nắn từ Đồng Cổ, Đan Nê đến Kẻ Rọi, Yên Phong đã tạo nên một hồ nước mang tên Cựu Mã Giang dài 5,5km, rộng hơn trăm thước chạy qua bốn xã: Yên Thọ, Yên Trung, Yên Bái, Yên Trường. Nhiều người vẫn gọi Cựu Mã Giang là Tây Hồ của Yên Định. Nhìn rộng ra, Yên Định nằm giữa Đông Sơn, Thành Nhà Hồ và Lam Kinh.

Từ văn hoá, khảo cổ, di tích, truyền thuyết đến chính sử đều khẳng định, Yên Định có nhiều cái tự hào. Nhiều cái khởi nguồn, nhiều cái sớm nhất và nhiều cái nhất. Trải qua bao biến thiên thăng trầm lịch sử, nghìn năm Bắc thuộc, có lúc biến vĩ thay đổi từ chữ cái này thành chữ cái khác: An Định hay Yên Định, nhưng cơ bản, hàng nghìn năm vẫn là Yên Định. Tưởng đơn giản nhưng không phải vùng đất nào cũng có được sự bền vững hành chính, niềm tự hào nguồn cội ấy. Sách Địa chí huyện Yên Định ghi rõ “Cương vực huyện Yên Định ngày nay bao gồm đất đai của huyện Quan Yên (thời thuộc Tuỳ), Quân Ninh (thời thuộc Đường), thuộc quận Cửu chân. Trong suốt thời Hán đến Tam Quốc-Lưỡng Tấn, quận trị Cửu Chân đặt tại thành Tư Phố (làng Giàng, Thiệu Dương, Thiệu Hóa)” ( tr171). Một tài liệu khác ghi chép: “Gần hai nghìn năm trước, đây là vùng đất tạo nên các huyện Từ Phố, Võ Biên thuộc quận Cửu chân. Sau đó đổi thành các huyện Quân An, Ninh Duy. Thời thuộc Đường, hợp lại thành huyện Quân Ninh. Đến đời Đại Việt tự chủ, huyện được gọi là An Định rồi Yên Định”. Thời Đinh-Lê, nước Đại Việt, Yên Định vẫn giữ được tên An Định, rồi Yên Định. Thời Lý-Trần, Thanh Hóa có lúc đổi thành Thanh Hoa, thành Phủ, thành Trấn… nhưng Yên Định vẫn là huyện Yên Định. Năm 1242, thời Trần Thái Tông, Đại Việt có 12 bộ. Thanh Hóa đổi thành trấn Thanh Đô có 7 huyện, gồm: Cổ Đằng, Cổ Hoằng, Đông Sơn, Cổ Lôi, Vĩnh Ninh, Lương Giang và Yên Định. Năm 1403, triều Hồ, (Hồ Hán Thương là vua, Hồ Quý Ly là Thái Thượng Hoàng) đổi phủ Thanh Hóa thành phủ Thiệu Xương, có 4 châu, 11 huyện. Yên Định vẫn giữ được tên Yên Định. Thời nhà Hậu Lê, Thanh Hóa được đổi thành Thừa tuyên Thanh Hóa, có 6 phủ. Yên Định thuộc phủ Thiệu Thiên. Khi nhà Nguyễn lật nhà Tây Sơn cai trị đất nước, năm Gia Long thứ nhất, Thanh Hóa đổi thành trấn Thanh Hóa. Yên Định vẫn là Yên Định. Đó không đơn giản chỉ là một cái tên. Đó là sức sống, sự bền vững, định hình và khu biệt nhiều mặt địa lý, lịch sử, văn hoá, nhân chủng học tạo nên sự trường tồn của một vùng đất.

Yên Định cũng được khẳng định là chiếc nôi của người Việt cổ, là nơi xuất hiện đồng thời nền Văn minh núi Đọ, nền Văn hóa Sơn Vi và nền Văn minh trống đồng Đông Sơn rực rỡ.

Năm 1978, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tại núi Nuông, nằm sát bên tả ngạn Cầu Chày, thuộc xã Định Tiến nhiều công cụ đá cùng thời Núi Đọ. Cũng giai đoạn này, các nhà khảo cổ phát hiện nhiều hiện vật thời đồ đá cũ tại núi Quan Yên thuộc Định Tiến, Định Công. Từ những phát hiện các địa điểm khảo cổ học, các nhà khảo cổ học đã nghĩ tới mối liên hệ mật thiết thời đại đồ đá cũ cách đây ba bốn mươi vạn năm vùng Đọ - Nuông - Quan Yên. Như vậy Yên Định là một trong chiếc nôi đầu tiên của người Việt cổ sinh sống. Sang đến nền văn hoá Sơn Vi, có niên đại cách đây từ một đến hai vạn năm. Trên các gò, đồi thấp thuộc các xã Yên Lâm, Yên Tâm, Yên Lạc, Yên Thịnh, Yên Phú các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một số công cụ đá ghè đẽo thô sơ mang dấu ấn văn hoá Sơn Vi. Về giai đoạn tiền Đông Sơn và văn hoá Đông Sơn, Yên Định có hai di tích tiêu biểu là khe Tiên Nông, nằm trong núi Nuông và di tích Đan Nê (thuộc xã Yên Thọ). Các di vật được phát hiện ở đây chủ yếu là trống đồng, nồi đồng, vòng tai, khuyên tai. Tiêu biểu như trống đồng Định Công I, trống đồng Định Công II, trống đồng Định Công III, trống đồng Định Công IV. Trống đồng Định Công V, có đường kính lớn 61,5cm, hoa văn ba tầng, rất đẹp. Rồi trống đồng Đan Nê (Yên Thọ). Còn nhiều nơi nữa trên đất Yên Định tìm thấy trống đồng, thạp đồng thời văn hoá Đông Sơn. Cực đông huyện Yên Định là ngã ba Bông, nơi sông Mã phân thủy, một nhánh chảy ra Lèn, một nhánh chảy về Hàm Rồng rồi đổ ra cửa Hới, Sầm Sơn. Đoạn sông từ ngã Ba Bông lên đến Đồng Cổ của Yên Định đã xảy ra hàng trăm trận chiến ác liệt thời Lê - Mạc (1532 -1592).

Cực Tây Yên Định là hồ sen Đa Ngọc xã Yên Giang, (nơi được gọi là Cửu long tranh châu. Các thầy địa lý Trung Quốc coi Hồ Sen Yên Giang là huyệt đất phát đế vương). Yên Giang còn có Mã Cao là căn cứ của Hà Văn Mao, một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình (Nga Sơn) do Đinh Công Tráng (1842-1887) chỉ huy. Yên Giang còn được truyền tụng nhau sự kỳ bí về hố Sao Xỉa. Giữa một vùng đồi, cách không xa sông Hép, có một hồ nước sâu thẳm hàng trăm mét. Các cụ kể rằng, từ xa xưa, có một vì sao rơi xuống đó, tạo nên hồ nước kỳ lạ đó. Tây bắc Yên Định là dãy núi đá vôi trùng điệp Yên Lâm nối với trùng điệp núi non Cẩm Thủy, Ngọc Lặc. Có một hệ thống hang động mang tên Lê Lợi ở nơi này. Truyền thuyết cây đèn Phúc Chí như một minh chứng cho cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi đã gắn chặt với nơi này. Bây giờ, Yên Lâm được ví là bàn tiệc của ngành công nghiệp đá Thanh Hóa. Bao bọc cả miền Tây - Bắc Yên Định là một Nông Trường quân đội, một trăm phần trăm là những người lính miền Nam, vừa giải phóng Điện Biên Phủ 1954, được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra quyết định thành lập ngày 30 tháng 4 năm 1957, mang tên Nông trường Thống Nhất, Yên Định. Đất nước ta thống nhất đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Một sự trùng hợp lạ lùng. Nó như một linh cảm, một tiên tri của Đại tướng.

Hầu như làng nào của Yên Định cũng ghi dấu huyền thoại, truyền thuyết, sự tích, các tầng văn hoá nhiều đời, nhiều dòng họ chồng lớp lên nhau. Anh hùng hào kiệt sinh ra ở đây. Các nhân vật kiệt xuất trong lịch sử sinh ra ở đây. Các công thần của các triều đại lẫy lừng sinh ra ở đây. Các đền chùa miếu mạo linh thiêng, cổ xưa nhất Việt Nam sinh ra ở đây. Nếu ví Yên Định là một cây cổ thụ thì nhìn vào vân gỗ của cây cổ thụ ấy có thể soi thấu suốt chiều dài lịch sử văn hoá của dân tộc Việt.

Trước hết, nói về các ngôi đền cổ. Ở nước ta có nhiều đền chùa cổ. Đền thờ Ma Xuân Trường ở thành phố Việt Trì Phú Thọ, xây dựng năm 930, nay được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia, tính tuổi mới hơn một nghìn năm. Đền Bạch Mã ở Thăng Long, được vua Lý Thái Tổ cho xây năm 1010 thờ thần Long Đỗ. Đến nay, tuổi cũng mới hơn một nghìn năm. Nếu tính cả hệ thống Tháp Chàm Nha Trang, Ninh Thuận, Phú Yên, thánh địa Mỹ Sơn, tháp được xây sớm nhất cũng bắt đầu từ thế kỷ thứ bảy. Nhưng ở Yên Định có hai ngôi đền tuổi cao gần hai nghìn năm. Theo Linh tích núi Thiên Thai và Lịch sử Đảng bộ xã Yên Thọ năm 1930 - 2010: “Miếu Đồng Cổ được khởi dựng từ thời Hùng Vương thứ nhất, năm 938 TCN”. Tương truyền, đời vua Hùng Vương thứ nhất (938 TCN), khi nhà vua đi chinh phạt quân giặc Hồ Tôn ở phương Nam đã cho quân dừng lại ở chân núi Khả Lao Thôn. Đêm đến, nhà vua chiêm bao thấy có một thần tự xưng là thần miền Khả Lao Thôn xin được mượn trống đồng và dùi đồng để giúp nhà vua đánh giặc. Khi tỉnh giấc, nhà vua sai quân lính mang trống đồng, dùi đồng cho thần núi Khả Lao Thôn. Quả thực, khi xung trận, tiếng trống đồng vang lên văng vẳng trên không trung khiến quân giặc hồn siêu phách lạc. Thắng trận trở về, vua Hùng cho xây dựng lại miếu thờ. Trải qua nhiều đời vua tôn tạo, xây dựng, miếu thờ thần khả Lao thôn được gọi là đền Đồng Cổ - đền thờ thần Trống Đồng. Hiện nay ở nước ta có bốn đền Đồng Cổ: ngoài đền Đồng Cổ Khả Lao thôn (tức Đan Nê), còn có đền Đồng Cổ, Tây Hồ (Hà Nội), đền Đồng Cổ làng Nguyên Xá (Hà Nội) và đền Đồng Cổ, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Có một điều kỳ diệu là, cả ba đền Đồng Cổ kia đều được sinh ra từ đền Đồng Cổ ở Đan Nê.

Một đền rất cổ sơ nữa là Đền thờ thần Hợp Lang, người con thứ mười một của vua Hùng ở Chân Bái (xã Yên Bái). Theo truyền thuyết, đền được xây ngay từ thời thần Hợp Lang còn sống. Chuyện kể rằng, người con thứ 11 của Long Quân, diện mạo khác thường, trí dũng siêu việt, tính thích nước vui chơi nơi sông nước, có tên kiêng huý là Hợp Lang tước, xưng là tướng văn lạc hầu, chia ở phủ Hoài Hoan. Lạc hầu tính bẩm trời sinh, Long Quân có giặc mệnh sai ông nhậm trị ở giang đầu có thể nổi, chìm đùa chơi nơi sông nước hỏi thăm bến bờ, thời gian đó Lạc hầu bỗng theo dòng sông Mã, tìm đến sông ngòi nước biếc đất linh thiêng, một mình hiện hình đi đến đất Trang Chân Bái ở huyện Yên Định, nhiều lần ngóng 4 phương ngắm phía đông trông phía tây, quan sát trời đất, thấy giao tụ nước biếc linh thiêng, trong lành, hình sông thế núi uyển chuyển với giải đất anh linh trọng yếu. Lạc hầu gọi Cụ già Bản Trang cho xây dựng một ngôi Đền thờ ở bên sông. Công việc xong, Lạc hầu biến về thủy cung (tức ngày 4 tháng 4). Mấy trăm năm sau, khi giặc xâm phạm bờ cõi, Hai Bà Trưng đã vào đền Hổ Bái khấn cầu xin phù hộ. Quả nhiên linh nghiệm. Hai bà đánh giặc. Bà cho quân dân mở hội ăn mừng đúng một tháng (từ mùng chín tháng Hai đến mùng chín tháng Ba âm lịch). Từ đó đến nay, cứ vào dịp mùng Chín tháng Hai (âm lịch), xã Yên Bái lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ Hai Bà Trưng. Như vậy, ở Yên Định, hiện còn hai ngôi đền có lịch sử hơn hai nghìn năm tuổi. Ngoài ra, Yên Định còn hàng chục ngôi đền khác như đền thờ thần Cao Sơn (thờ Sơn Tinh) ở Yên Thọ, đền thờ Bạch Hổ Thiên Thần ở Yên Phú, Đền thờ Trương Công Mỹ ở làng Kiểu, Yên Trường…

Yên Định cũng là nơi sinh ra nhiều nhân vật lỗi lạc, có nhiều công lao đóng góp to lớn cho lịch sử oai hùng và tinh hoa văn hóa dân tộc. Định Công - Định Tiến đã sinh ra Triệu Quốc Đạt, Triệu Thị Trinh, những anh hùng chống giặc phương Bắc, thế kỷ thứ ba. Bà Triệu Thị Trinh còn có các tên khác như Triệu Ẩu, Triệu Trinh Nương. Các sách Nam Việt chí, Quảng Châu ký (sách của Trung Quốc viết vào thế kỷ IV, V) đã ghi rõ, Triệu Thị Trinh sinh ngày mùng 2 tháng 10 năm 226 tại Quân Ninh (tức huyện Quan Yên). Đến đời Đường được đổi thành huyện Quân An rồi Quân Ninh (Định Công - Định Tiến huyện Yên Định). Định Thành là nơi sinh ra Khương Công Phụ (731- 805). Theo cuốn tộc phả của họ Khương ở Thạch Thất (Hà Nội), Khương Công Phụ có nguyên quán tại hương Sơn Ổi, xã Cổ Hiển, huyện Quân Ninh, Ái Châu, quận Nhật Nam (nay là làng Tường Vân, xã Định Thành). Ông được vua Đường Đức Tông (nhà Đường) cho làm đến chức Tể tướng (780). Người được vua Đường đặc biệt yêu quý, trọng dụng. Bài thơ Bạch vân chiếu xuân hải phú của ông được coi là một kiệt tác văn học chữ Hán. Có người trong giới nghiên cứu văn học sử đánh giá là một tác phẩm mở đầu của nền văn học chữ Hán Việt Nam, là bài sớm nhất trong các bài phú hiện còn của nước ta. Đền thờ Khương Công Phụ ở Định Thành được xếp hạng di tích Lịch sử cấp quốc gia. Xã Định Tiến sinh ra Đào Cam Mộc, công thần số một đời Lý Thái Tổ. Ông có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua năm 1009 và có công soạn Chiếu dời đô cho Lý Công Uẩn. Thời nhà Lý còn có Định Long sinh ra Ngọ Tư Thành, Định Công sinh Lê Quốc Thực. Đời Nhà Hồ, Định Tăng sinh ra Tiến sĩ Hoàng Hối Khanh. Thời hậu Lê, Định Hòa sinh ra Ngô Kinh (1350-1433), Ngô Từ (1370-1453). Hai cha con nhà ông Ngô Kinh thuộc nhóm công thần số một của Lê Thái Tổ trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh (1418-1428). Định Hòa cũng là nơi sinh Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao (1421, con gái Ngô Từ). Bà là mẹ của vua Lê Thánh Tông. Đền thờ Ngô Thị Ngọc Dao và Phúc quang từ đường của họ Ngô ở Định Hòa được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Yên Định cũng là nơi sinh các nhân vật nổi tiếng như Trịnh Thiết Trường, tiến sĩ Trần Ân Chiêm, bảng nhãn Hà Tông Huân. Một nhân vật không ai quên được là Đại vương Lê Đình Kiên. Quê ông ở làng Thiết Đinh, Định Tường. Ông đã có công xây dựng phố Hiến, Hải Dương thành thương cảng sầm uất, được ca ngợi “Thứ nhất kinh kỳ. Thứ nhì phố Hiến”. Đền thờ ông ở làng Thiết Đinh đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia.

N.M.K - Báo Văn hóa và Đời sống

MƯỜI MỘT ĐỊNH LUẬT CAY ĐẮNG RÚT RA ĐƯỢC TRONG LỊCH SỬ 5000 NĂM CAI TRỊ CỦA TRUNG QUỐC

1. Định luật đũa ngà voi (Tượng nha khoái, 象牙筷): Chỉ kẻ lên cầm quyền bắt đầu sa đọa, phung phí, trác táng… Câu chuyện kinh điển: vua Trụ tại vị không bao lâu thì lệnh cho làm cho họ đôi đũa ngà voi. Hiền thần Cơ Tử thấy thế lo lắng nói, “đũa ngà voi không thể đi cùng đồ sành sứ, phải đi cùng chén tê giác, ly bạch ngọc. Ly ngọc không thể chứa lương thực rau dại, chỉ để dùng sơn hào hải vị. Dùng sơn hào hải vị không thể mặc đồ sơ sài, ở nhà tranh, phải mặc gấm vóc, đi kiệu hoa, ở nhà lầu. Trong nước không thỏa mãn được, phải ra ngoài tìm kiếm báu vật quý hiếm. Thần lo thay cho người.”

2. Định luật thỏ chết chó hầm (thỏ tử cẩu phanh, 兔死狗烹): Sau khi tận tâm cống hiến hết sức lực cho kẻ thống trị thì bị kẻ thống trị giết bỏ. Câu chuyện kinh điển: Việt Vương Câu Tiễn vì báo thù rửa hận, nằm gai nếm mật, tinh thần thật phi thường. Nhưng phẩm cách của Việt Vương Câu Tiễn rất tệ. Trong tình hình gian khổ tột cùng đã có hai công thần giúp ông ta, nhưng sau khi thành đại nghiệp thì một người bị giết chết, một người phải tháo chạy thoát thân

3. Định luật bao vây [xu nịnh] (bao vi, ): Một người đứng đầu (vua chúa…) luôn có vài người bao vây xung quanh nịnh hót, hệ quả là làm cho người này ngày càng ngu đần, có xu thế biến thành gần như con rối. Đây là định luật bao vây, diễn ra thường xuyên trong lịch sử Trung Quốc. Câu chuyện kinh điển: Trong “Xuất sư biểu”, Gia Cát Lượng đã luận về hưng vong của thiên hạ, “thân cận bề tôi tài đức, tránh xa tiểu nhân, thời Tiên Hán hưng thịnh nhờ thế; thân tiểu nhân, xa bề tôi tài đức, thời Hậu Hán bại suy vì vậy.” Tuy gian thần và tiểu nhân bị người người khinh bỉ, nhưng chúng lại chiếm giữ vị thế quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, quyết định hưng vong của một triều đại

4. Định luật dè chừng kẻ thù (thù giới, 敌戒): Nghĩa là bản thân chỉ mạnh mẽ hơn nhờ lòng cảnh giác, tranh đấu với kẻ thù

5. Định luật bè đảng (bằng đảng, 朋党): Tình trạng kéo kết bè phái làm sụp đổ triều đại

6. Định Luật Hoàng Tôn (黄宗): Dựa vào tổng kết của nhà tư tưởng triều Thanh là Hoàng Tông Hy (黄宗羲, 1610-1695), theo đó trong lịch sử Trung Quốc, vấn đề cải cách thuế khóa diễn ra liên miên, nhưng qua mỗi lần cải cách, sau khi người nông dân được hưởng mức thuế hạ thấp một thời gian thì lại chịu một mức khác cao hơn lúc trước cải cách

7. Định luật xử trảm năm đời (五世而斩): Công danh sự nghiệp của một người có ảnh hưởng đến nhiều đời sau (7).

8. Định luật quyền lớn hiếp chủ: Lịch sử Trung Quốc hàng ngàn năm luôn có khởi đầu và kết thúc theo kiểu “quyền lớn hiếp chủ” làm suy sụp triều đại: con Sở Thành Vương (楚成王, ?-626 TCN) ép Sở Thành Vương tự sát; công tử Quang của nước Ngô phái thích khách Chuyên Chư (专诸, ? – 515 Tr.CN) hành thích Ngô vương Liêu thành công và lên ngôi vương, tức Ngô vương Hạp Lư; thời Tây Hán có Vương Mãng soán ngôi, thời Tấn có loạt bát vương, do tám vị vương họ Tư Mã thuộc hoàng tộc nhà Tây Tấn gây ra từ năm 291 tới năm 306, làm nhà Tây Tấn suy yếu và khởi nguồn của loạn Ngũ Hồ Thập lục quốc của các tộc người tại Trung Nguyên dẫn đến sụp đổ nhà Tây Tấn; thời Tam Quốc có Tào Tháo… Triều Thanh (cuối thời Phong kiến Trung Quốc), Viên Thế Khải lộng quyền, đánh dấu hồi kết của vương triều này

9. Định luật da lông (皮毛): từ sau khi Tần Thủy Hoàng “đốt sách chôn nho”, giới trí thức Trung Quốc biến thành “lông”, chỉ còn làm phụ họa cho người chủ/lãnh đạo (da), họ không còn tư tưởng độc lập, đánh mất chính mình;

10. Định luật Chính quyền từ báng súng: Chỉ Trung Quốc không có dân chủ, lịch sử Trung Quốc thường chỉ dựa vào đấu tranh vũ trang để giành chính quyền (10).

11. Định luật Trên dưới làm nhau cùng ngu:

Trong lịch sử, bất kể “chính sách ngu dân” hay “đối sách ngu quân” đều có được “thành công” nhất định. Loại “thành công” này quả là nỗi đau xót của nước, nỗi xót xa của dân. Lỗ Tấn tiên sinh từng nói: “Xảy ra ngu dân là hệ quả của chính sách ngu dân.” “Chính sách ngu dân” sinh ra ra hàng loạt dân ngu, họ không thể biết được sự thật, trong tình trạng thông tin không có ứng đối, ngày ngày chỉ nghe được những lời dối trá, lời nói dối lặp đi lặp lại mãi được xem thành sự thật. Sự xuất hiện của vô số dân ngu, ở mức độ nhất định giúp gia cố quyền lực của kẻ thống trị độc tài, nhưng đồng thời lại làm cho toàn xã hội bao phủ trong không khí giả dối, bạo ngược, ngu muội, bạo lực, dễ tạo thành thảm họa mang tính toàn quốc.
Cuối đời nhà Thanh, do ảnh hưởng của chính sách bài ngoại mù quáng của triều đình nhà Thanh, các dân ngu thành lập Nghĩa Hòa Đoàn, mê tín vào công phu Trung Quốc, cho là vũ khí [nước ngoài] không làm gì được, rêu rao giúp Thanh diệt ngoại bang, ngăn chặn văn minh bên ngoài. Điều này cũng tương tự cảnh người dân Iraq thề bảo vệ Saddam Hussein, quyết chiến đến cùng với quân Anh và Mỹ. Từ Hy Thái Hậu (1835 – 1908) cũng bị dân ngu lừa gạt, cứ thế tin theo, ngang tàng tuyên chiến với 11 nước mạnh nhất thế giới, mong ngóng Nghĩa Hòa Đoàn diệt ngoại bang, trừ đại nạn. Nhưng rồi chỉ cần tám nước liên kết tổ chức đội quân có 20.000 người, đổ bộ lên từ Thiên Tân, không bao lâu đã đánh đến Bắc Kinh, Từ Hy Thái Hậu và Hoàng đế Quang Tự phải tháo chạy. Đây gọi là “quốc nạn Canh Tý” nhục nhã trong lịch sử Trung Quốc.

Thực tế, ở thời hậu toàn trị, chế độ chuyên chế làm toàn xã hội cùng ngu, từ trên xuống dưới, dối trá trở thành dầu bôi trơn duy trì hoạt động của xã hội toàn trị. Kẻ thống trị độc tài xa rời dối trá thì không thể duy trì được quyền lực; quốc dân không dối trá thì khó bề tồn tại. Trên dưới cùng ngu làm xã hội Trung Quốc chìm trong bể che giấu và lừa bịp, không thể tự thoát khỏi.

Đã đăng trên Văn Việt.