XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

THẢO NGUYÊN MÔNG CỔ

Tình cờ đọc bài viết về đất nước Mông Cổ của tác giả Nguyễn Xuân Hưng, thấy rất đáng suy ngẫm. Mạn phép tác giả xin được giới thiệu để các bạn trên fb cùng đọc:
Đuổi kịp Mông Cổ
1.
Tôi hỏi 100 người, thì đến 97 người bảo: Mông Cổ ấy à? nghèo lắm hả?
Sai. 
Khái niệm về một nước Mông Cổ nghèo khó ngự trị trong đầu óc dân Việt Nam từ xa thời cùng phe XHCN. Nhà văn Tô Đức Chiêu bảo tôi: “Tao đã đi Mỹ, Ai Cập, Ả rập xê út, Nga và Đông Âu, không kể châu Á như Tàu, Thái… Tức là gần hết thế giới, nhưng khi đi Mông Cổ, mới thấy mình khám phá ra một thế giới mới, nếu có dịp, tao đi 2 -3 lần nữa”.
Tôi thấy thế nên cũng đú theo, đi Mông Cổ một chuyến.
Mở ngoặc ngay là, khi anh (du lịch) đến đâu, anh phải tự vấn ta đến đấy để làm gì, muốn biết gì. Nói chung là nên đi phượt. Tôi có bài học kinh nghiệm về việc này, có 1 cậu trẻ đi cùng đến thảo nguyên Mông Cổ, cậu thốt lên chán nản: Ơ, đâu cũng như đâu, mênh mông cả, chả thấy cái gì. Vấn đề là cái gì?
Sau chuyến đi Mông Cổ, tôi rút ra kết luận, 30 năm nữa (hoặc hơn) không biết Việt Nam mình có đuổi kịp Mông Cổ hay không?
Mông Cổ diện tích gấp hơn 6 lần nước Việt Nam, dân số hơn 3 triệu người (bằng 1/2 Hà Nội). Mà 1/2 dân số ở thủ đô Ulan Bato. Hãy tưởng tượng hơn 1 triệu người ở rải rác trên lãnh thổ gấp 6 lần Việt Nam.
Mông Cổ có đặc biệt là có biên giới với Nga và Trung Quốc. Họ bị kẹp giữa 2 nước lớn, nên phải chọn 1, lịch sử đã chứng tỏ họ chọn đúng, chọn nước Nga để tránh nước Tàu kẻ thù. Chính chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch khuất phục trước chính phủ Stalin, mà công nhận Mông Cổ độc lập. Chuyện này chính phủ Mao cay cú ra mặt, công khai gọi Mông Cổ là Ngoại Mông, còn phần lãnh thổ Mông Cổ bị mất từ thời Nguyên triều, thì TQ gọi là Nội Mông (họ vẫn nhận đó là nước họ). Cấp độ cay cú ăn thua và nhòm ngó còn hơn một bậc so với Việt. Người TQ chưa gọi Quảng Đông là Nội Việt, mặc dù vẫn dùng từ Việt gọi Quảng, Việt ngữ là tiếng Quảng, họ chưa gọi Việt Nam là Ngoại Việt. Nói thế để biết mức độ nguy hiểm chênh vênh của con ngựa Mông Cổ trước con sói Trung Quốc.
Ở Mông Cổ, tôi được nghe câu chuyện tiếu lâm. Một người Mông Cổ gặp một người Nhật. Người Nhật cám ơn người Mông, vì bài học của Nguyên triều, nên nước Nhật quyết định không chiếm Trung Quốc nữa. Nếu chiếm nó, có lẽ nước Nhật đã thành Trung Quốc rồi. Đó là một câu chuyện tiếu lâm cay đắng mà không thể cười.
Ân oán giang hồ với người Tàu thì rất nhiều. Chỉ kể 1 chuyện. Các công ty xây dựng ở Ulan Bato, và nói chung các công ty khác cần nhân công, thì đều thuê nhân công TQ, vì người TQ sinh sôi như cỏ dại, ở đâu họ cũng mò đến. Nên các công ty có quy định, chỉ được thuê dưới 6 tháng, mà trong 1 năm không được thuê quá 1 lần. Nên người làm thuê phải đi về TQ ngay. Cảnh sát Ulan Bato rất dễ dãi với người Việt sinh sống ở thủ đô của họ, hình như có 7000 người, còn riêng người TQ thì phải thống kê rất cụ thể. Người bạn Mông Cổ nói với tôi: Việc lớn nhất của cảnh sát là đuổi người Trung Quốc hết hạn cư trú. Đúng vậy, họ không có tình trạng kẹt xe, không có tệ nạn nhiều, việc chính là không để lọt một cái trứng tu hú. Chuyện này 30 hay 50 năm nữa, Việt Nam cóc làm được, mà cũng chả làm.

2.
Nhìn trên phim ảnh, thấy thảo nguyên là những dải đất trùng điệp, cây cỏ lưa thưa, nếu chỉ có thế, chưa biết gì về thảo nguyên Mông Cổ cả. Hồi tôi đi tầm tháng 7 dương lịch, là tháng đã hết cỏ rậm. Cỏ rậm thì đến ống chân, đến đầu gối, còn khi chuẩn bị vào đông, cỏ bị đám gia súc gặm gần hết. Chỉ còn cỏ thấp và cỏ tái sinh.
Nói từ “cỏ” với người Việt, cũng không ổn. Cỏ của Việt Nam là thứ chả để làm gì. Điều này lỗi ở các nhà làm ngôn ngữ khoa học, địa lý. Đáng lý nên dùng từ “thảo mộc thân mềm” hay cái gì đó khác với “cỏ”. Cúi nhìn xuống, hàng trăm hàng nghìn loài cây gọi là cỏ rất khác nhau, riêng hình lá cũng thiên hình vạn trạng. Nếu vò vài cái lá rồi đưa lên mũi, sẽ thấy nhiều mùi vị rất khác. Mùi thơm thoang thoảng, mùi hắc, mùi nồng… Thực sự đó là một thế giới cây thuốc và loại cây như rau thơm ở VN, chứ không phải cây cỏ thông thường. Gia súc Mông Cổ từ hàng nghìn năm nay ăn thứ cỏ đó. Sau khi đi thảo nguyên, tôi mới lý giải được việc ở Mông Cổ, người ta ăn rất ít rau, ăn rất nhiều thịt, ngay cả người Việt ở xứ ăn rau, đến Mông Cổ ăn toàn thịt, mà tiêu hóa bình thường, không bị táo bón. Bởi vì lũ gia súc ăn thứ cỏ thiên nhiên hoang dã bổ béo thơm lừng như hàng nghìn năm nay nó vẫn ăn. Không như gia súc ở nơi nuôi công nghiệp.
Mông Cổ ngày nay vẫn du mục và người ta tự hào vì nếp sống du mục này. Ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông -Việt nói tiếng Việt sõi như người Việt, bảo tôi, rất may là thảm họa tập thể hóa, định canh định cư xảy ra rất nhanh, rồi thảo nguyên lại có sức sống quay lại nếp xưa.
Nếu ai đã đọc Tô-tem sói, của một nhà văn Trung Quốc (quyển này vang dội một thời trên văn đàn TQ) thì biết thảo nguyên Nội Mông đã bị tàn phá kinh khủng như thế nào. Họ dồn nén dân du mục vào hợp tác, triệt phá cách sinh hoạt truyền thống, mang hàng sư đoàn quân đội bắn sói. Sói là vật thờ của người Nội Mông, khi người chết, người ta kéo xác cha mẹ để ra một chỗ cho sói ăn. Người TQ Mao-ít bắn sói, thế là thỏ làm giặc, lại giết thỏ, lạc vào cái vòng quẩn, rồi đưa người Hán đến sinh sống, khiến thảo nguyên Nội Mông bị tiêu diệt. Trong quyển sách ấy, tác giả cũng nói, nhìn sang Ngoại Mông xanh tươi mà tiếc…

Nhìn thảo nguyên thì mênh mông, nhưng hoang dã hàng trăm thứ thú hoang vẫn ngày đêm sinh sống, tuân thủ cân bằng sinh thái của nó. Người Mông Cổ ngày nay có xe ô tô tải, có điện thoại di động, kéo theo cái nhà, và đàn gia súc, đi lang bạt trên thảo nguyên theo nhu cầu của gia súc. Thảo nguyên mênh mông, mình nhìn đâu cũng như đâu, nhưng chúng tôi đã được một chú bé 12 tuổi đưa từ thị trấn, đi xuyên 25 km đến đúng chỗ lều của bố mẹ chú bé. Hôm đi thảo nguyên, chúng tôi được đón tiếp Chủ tịch huyện đến chơi, cũng vì biết có khách Việt. Ông nói huyện ông có gần 80 hộ, diện tích huyện, khi đó làm phép so sánh, gần bằng tỉnh Hưng Yên cộng với Thái Bình. Chủ tịch huyện biết cả 80 hộ luôn. Quy định của họ chăn thả không giới hạn, nên có lúc có hộ gia đình chăn thả ở huyện khác (miễn là đăng ký vẫn ở huyện này). Chủ tịch người Đảng Dân chủ, alo gọi đồng chí Bí thư huyện ủy Đảng Nhân dân (đảng cộng sản cũ) thì đồng chí đang chăn ngựa, bèn cưỡi ngựa về. Bí thư huyện ủy đảng nào cũng  chăn ngựa. Riêng chuyện này, 50 năm nữa Việt Nam có theo kịp không?
3.
Người Mông Cổ có một niềm hãnh diện đã mất, đó là đã từng bá chủ thế giới, và còn một niềm kiêu hãnh vẫn còn, đó là sữa ngựa.
Thế giới văn minh và ở các nước phát triển có chỉ tiêu bao nhiêu lít sữa bò cho đầu người, thứ sữa đó người Mông Cổ chỉ làm lương khô, làm nguyên liệu chế biến, vì họ uống sữa ngựa. Hình như chỉ Mông Cổ dùng sữa ngựa làm thực phẩm chính yếu. Nó là nguồn gốc sức mạnh của các chiến binh từ xưa, và khiến người MC cao lớn.
Ngựa là gia súc chủ yếu ở thảo nguyên. Một hộ thường có vài trăm đến vài ngàn ngựa, thêm cừu và dê. Bao giờ cừu cũng đi kèm dê. Mùa đông cừu nằm trên giữ ấm cho dê moi cỏ chia nhau. Không có cừu dê chết rét, không có dê cừu chết đói. Kiểu chăn thả thiên nhiên ấy khác xa nông trại hiện đại. Kiểu vắt sữa ngựa cũng khác vắt sữa bò. Vì khi vắt sữa, luôn luôn có con ngựa con đứng cạnh. Người MC tôn thờ ngựa vì cả đức tính này, không buông tuồng vô cảm như bò, cứ vắt là ra sữa bất kể thế nào. Sữa ngựa làm bia, làm thức uống, nên con ngựa là đầu cơ nghiệp. Bò chỉ là loại thêm. Bò MC lông dài như voi mamut. Bây giờ cũng thoái giống, người MC buồn vì bò lông ngắn, còn gì là bò nữa.
Gia súc nuôi, thịt là thứ phẩm. Chính phẩm là lấy lông và da. Len MC đắt kinh khủng. Hình như hàng lông da là chủ lực xuất khẩu.

Cái lều Mông Cổ thật sự là một thứ thú vị. Cứ nói “lều” thì khó hình dung, đến mới thấy đó là cái biệt thự giữa thảo nguyên. Bây giờ lều có nhiều loại, từ 300 đến 30.000 đô Mỹ. Người TQ quá khôn, họ làm lều bán cho người Mông Cổ.
Trong cái lều Mông, tài nhất là cái bếp ở chính tâm nhà, tâm vòng tròn. Chất đốt bằng phân gia súc, thông hơi làm nhiệm vụ trụ chống giữa. Vào lều không nhận ra có bếp.
Người nông dân du mục cũng có vấn đề nan giải, đó là sinh ra và nuôi dạy trẻ. Du mục xa trung tâm thị trấn, nên nếu đẻ bất thường thì cấp cứu rất khó. Khi con 6 tuổi, phải cho nó đi học, thì nhà mất 1 người thường là mẹ hay chị lớn phải đưa lên thị trấn làm 1 cái lều ở nuôi con 1-2 năm mới yên tâm gửi con học nội trú. Ở các thị trấn thị tứ cứ thấy các cụm lều, đó là những người đi nuôi con học. Vì vậy, mà nhà nghèo hoặc quan điểm cũ chỉ cần đọc chữ, trẻ thất học.
Hình như chính việc hiếm người mà du mục có truyền thống quý người. Phụ nữ đẻ con là quý, con ai không quan trọng. Mấy ông Mông Cổ bảo, cộng đồng du mục có lệ, khách quý cao tuổi thì chủ nhà mời đầu dê. Thịt con dê, cái đầu là quý nhất. Còn khách trẻ và trung niên thì chủ nhà bảo con gái sưởi ấm cả đêm. Tôi không ở qua đêm ở thảo nguyên, nhưng nghe kể lại, các nhà văn Trần Nhương, Tô Đức Chiêu, Thúy Toàn có ngủ đêm thảo nguyên và được coi là khách quý trung niên. Vấn đề là các bác ấy có chịu đựng được mùi mồ hôi người ăn thịt cừu, uống sữa ngựa và 3 tuần mới tắm không thôi.
Người MC rất có ý thức giữ gìn môi trường thảo nguyên. Tôi khá ngạc nhiên. Mọi người picnic thu dọn rác tống lên xe về bãi rác ngoại ô vứt. Họ nói tivi có nhiệm vụ quan trọng nhất là tuyên truyền giữ sạch thảo nguyên. Và việc này chỉ có từ khi cách mạng dân chủ đa đảng. Người lái xe dẫn chúng tôi mặc dù xe chật, kiên quyết mang bao tải rác trên xe để về đến bãi rác ngoại ô.
Ở Ulan Bator, anh là công chức, lập tức được cấp 0,99 ha ở ngoại ô làm nhà nghỉ. Cuối tuần, chiều thứ 6, lũ lượt xe rời thủ đô ra ngoại ô. Thứ 7, Chủ nhật thủ đô vắng thênh thang. Tối CN, lại rồng rắn về thành phố. Nếu không phát động giữ thảo nguyên thì chả mấy chốc thảo nguyên nghìn đời thành bãi rác. Và họ đã làm được rất tốt. Tương tự thảo nguyên của họ là rừng là biển của người Việt, than ôi, chúng ta đã cư xử như là tự phá hủy cơ thể! Đuổi kịp Mông Cổ ư? Không bao giờ!

4.
Định nói nhiều chuyện khác, nhưng nhiều bạn hỏi đi du lịch Mông Cổ, nên tôi nói chủ đề này trước.
Các công ty du lịch VN cũng có tua MC, nhưng ít. Mùa đi là mùa xuân và hè, tốt nhất tháng 5-6 nhiều lễ hội, có nhiều cái để xem. Tháng 8 bắt đầu rét không đi thảo nguyên được. Đêm xuống 0 độ. Chênh lệch ngày đêm 10-20 độ. Tôi đi tháng 7, ban ngày 25-30 độ, đêm 5 độ. 8 giờ mới bắt đầu tối.
Tôi chọn cách tự đi. Mua vé khoảng 800 đô. Chú ý là không bao giờ nên chọn tuyến bay quá cảnh qua Bắc Kinh. Sự ty tiện nhỏ nhen của người TQ thể hiện ở cấp độ thể diện quốc gia, họ hành người đi Mông Cổ chết thôi. Nhiều người bị hành truyền kinh nghiệm rồi. Điều này tôi chưa bị nhưng tin. Ai đi từ Quảng Châu về HN sẽ thấy, khu đợi tàu ra máy bay đi HN bị nhét xuống dưới khoang ra cùng với bay nội địa của họ, cửa HN lẫn với Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Trùng Khánh…
Đi Mông Cổ từ VN thì nên bay quá cảnh qua Hàn Quốc. Khách sạn Ulan Bator cũng có nhiều loại như Hà Nội, có điều ít lựa chọn, giá đại khái như phố cổ.
Ulan Bator nhiều ô tô phân khúc rẻ. Đại khái như Lào, Cam. Ô tô cũ mới phong phú. Ô tô cũ của Nga, mới của Nhật, Hàn là chính. Người Việt ở Ulan Bator hầu như làm một nghề sửa chữa ô tô. Tôi có sơ bộ tìm hiểu, các hiệu sửa chữa ô tô đều đứng tên người MC. Họ không mặn mà mở rộng đầu tư nước ngoài, trái ngược với VN. Vì tôi đoán họ khôn ngoan, điều kiện người ít, không vội vàng tiến lên theo kiểu VN, TQ. Nhiều người Nhật, Hàn đến đầu tư chủ yếu làm công nghiệp thuộc da và lông thú, sản xuất len.
Hồi tôi đi MC cách đây 3 năm, cũng thấy có khách tua được công ty du lịch dẫn đi xem thảo nguyên, xem sinh hoạt du mục, ở nhà lều… Dĩ nhiên không thể bằng mình lọ mọ tự đi, cũng là may mắn có nhiều người giúp, gõ cửa ông nhà văn Dastseven, Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông-Việt, ông ấy chỉ dẫn cho đi…
Ẩm thực Mông Cổ đơn giản kinh khủng. Thịt con gì cũng chặt to cỡ cái mũ, cho vào nồi đại tướng, thêm qua quýt củ quả gì đó. Rồi được phát một con dao. Xin mời. Nước thì húp soàn soạt. Đại khái truyền thống như vậy. Món này rẻ như rau muống VN. Ngày nay thì siêu thị cũng đầy thực phẩm, hàng hóa. Khách sạn nhà hàng gì cũng có. Mức chi tiêu ở Mông cổ dĩ nhiên đắt đỏ hơn Hà Nội.
Mông Cổ không vội và không hào hứng hội nhập với các nước mà chỉ chọn lọc mấy nước truyền thống. Hàng tiêu dùng chủ yếu là Nhật, Hàn. Hàng TQ từ phía bắc TQ thì là hàng cao cấp. Nên ví dụ quần áo túi ví trang sức… Thanh niên mặc bình thường, cũng thấy toàn hàng hiệu, loại mà ở VN phải người rất giàu mới dùng.
Trung tâm thủ đô Ulan Bator nay là quảng trường Sukhe Bator, ngày xưa có mộ ông này, lãnh tụ cách mạng khai sinh nước CHDCND Mông Cổ từ thập niên 20, đại khái ông ấy như Hồ Chí Minh VN. Sau cuộc cách mạng dân chủ 199x, thì người ta mang mộ ông ấy về quê chôn, không để ở giữa thủ đô nữa, còn lại bức tượng oai hùng mà thôi. Vẫn kính trọng như cũ, chỉ không để mộ to tướng ở giữa thủ đô.

Khi tôi đến, còn tàn tích vài bệ tượng Lê Nin. Nói chung tượng lãnh tụ vô sản bỏ hết. Nhưng họ vẫn để bức tượng bán thân Hồ Chí Minh ở khuôn viên trường phổ thông liên cấp mang tên HCM. Đây là một loại trường chuyên hàng đỉnh của thủ đô như Am, Chu của HN. Buồn cười là các lãnh tụ lật đổ chế độ cộng sản MC phần lớn xuất thân từ đây. Tổng thống đầu tiên của chế độ đa đảng là học sinh xuất sắc trường HCM, 2 thủ tướng sau cũng là học sinh trường này.
Hồi Liên Xô sắp sụp, thì người Mông Cổ đã tự giải quyết. Đảng nhân dân cách mạng phải lên truyền hình tự nhận lỗi về những sai lầm rập khuôn mô hình Liên Xô. Nói chung cuộc chuyển chế độ của họ êm không gay cấn…
Ở Mông Cổ, tôn giáo chính là Thiền phái Mật tông Tây Tạng. Phật giáo bắt rễ vào cùng thời vào VN, nhưng là nhánh Tiểu thừa Ấn, sau chuyển Mật tông Tây Tạng. Chùa ở Ulan Bator thờ giáo chủ Đạt lai Lạt ma thứ 14, trưng ảnh vị ấy rất to và trang trọng. Đó là vị Lạt ma đang lưu vong mà Bắc Kinh coi là kẻ tử thù. Nếu chỉ du lịch đi qua ngắm cảnh mà không để ý thì không thấy sự khác biệt sâu sắc này, dẫn đến xã hội và nền chính trị Mông Cổ khác Việt Nam và khác các nước Phật giáo khác (Lào, Cam…) gần ta, khác một trời một vực.
Riêng vấn đề này, VN không còn đặt vấn đề đuổi kịp nữa, vì hai nước đang ở hai hệ quy chiếu khác…

Đạt Lai Lạt ma 14 ở Ulan Bator tháng 11/2016
5.
(Tôi định kết thúc câu chuyện Mông Cổ ở kỳ 4, nhưng rất bất ngờ là thông tin về MC lại ít như vậy, chắc là bài tôi viết cũng có chút bổ ích, nên kể thêm 2-3 kỳ nữa).
Mông Cổ nổi tiếng về ngựa, nhưng ít ai biết về con chó Mông Cổ và số phận bi phẫn của chó Mông Cổ.
Hiện nay, người du mục nào cũng nuôi chó, và giống chó đúng Mông Cổ. (Dĩ nhiên nó không phải chó gốc, phần sau sẽ nói). Loại này với chủ rất hiền từ, với khách không mời thì vô cùng dữ. Chúng tôi đi thảo nguyên bằng ô tô, nhưng đi qua đất của chủ chó, lập tức bị con chó xông ra nhe nanh xù lông sủa dữ dội. Đuổi theo cắn ô tô, cứ như cái ô tô có thể ngoạm được. Nhà trên thảo nguyên chỉ phân cách sở hữu (tạm) đất bằng một vết lõm dùng cuốc thành rãnh rất nông, mắt thường còn khó biết, nhưng nếu ô tô đi qua vạch phân giới ấy là con chó dừng lại.
Người đi thảo nguyên với tôi là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Mông Cổ, kể rằng: Ngày xưa, ngay cả thời Thành Cát Tư Hãn xâm lược châu Âu, có quy định mang chó Mông Cổ đi theo, và kiểm kê từng con một. Để đảm bảo không sổng con nào ở ngoài Mông Cổ. Tuy nhiên, lịch sử trớ trêu, người Mông Cổ đã chiếm và làm vua Trung Quốc, nên mất giống chó gốc vào tay Trung Quốc. Con chó bây giờ gọi là “Ngao Tây Tạng”, chính là con chó gốc Mông Cổ.
Mông Cổ làm chủ Trung Nguyên, lập ra nhà Nguyên, vẫn có truyền thống bảo vệ con chó Mông Cổ. Nhưng cũng đến ngày nhà Nguyên cáo chung. Chúng ta đọc lịch sử, chỉ biết nhà Nguyên thất bại, nhưng không biết rằng, triều đình Nguyên với người gốc Mông Cổ không hề ở lại Trung Quốc, mà rút toàn bộ về Mông Cổ. Giới tinh hoa quý tộc Nguyên gốc Mông có ý thức không ở lại Trung Quốc. Họ về Mông Cổ. Và một số ít lên Tây Tạng. Vì sao lại lên Tây Tạng? Vì khi đó Tây Tạng không/chưa bị Hán hóa, là một quốc gia độc lập. Tây Tạng là quê hương Phật giáo truyền sang Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn đã có lời thề, sẽ chiếm toàn thế giới, trừ (Ấn độ, Tây Tạng) quê hương Phật Giáo. Như vậy một bộ phận quý tộc Mông Cổ lên Tây Tạng, mang theo con chó Mông Cổ.

Theo ông Hàn lâm KHXH Mông Cổ, cho đến trước năm 1970, con chó Mông Cổ (Ngao Tây Tạng) còn vài trăm con trên lãnh thổ Mông Cổ. Chủ yếu ở vùng thảo nguyên xa. Người TQ có chiêu bài thu mua chó, bao nhiêu cũng mua, giá cao ngất ngưởng. Nhà nước dùng mọi cách cũng không giữ lại được. Khoa học kỹ thuật Mông Cổ khi đó lại lạc hậu. Nên cho đến năm 199x, chó Mông Cổ (Ngao Tây Tạng) chính gốc bị mất hết. Ngày nay, các con chó thảo nguyên trông dáng như Ngao Tây Tạng, không to bằng, là loại đã bị lai tạp cả.
Số phận con chó Mông Cổ cũng bi hùng chìm nổi như chính người Mông Cổ vậy.

6.
Các vua Hùng đã có công dựng nước… Mông Cổ.
Điều này tưởng như nói đùa chơi, mà là sự thật.
Khi tôi nói về lịch sử vua Hùng, ông Dashtseven, Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ- Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Mông Cổ, chăm chú một cách khác thường. Ông hỏi: Sao lại có tên “Hùng”? Tôi thuật lại các giả thiết khác nhau về tên gọi vua Hùng, trong đó có giả thuyết của ông Trần Quốc Vượng, nhà sử học số 1 của Việt Nam. Ông Vượng cho rằng, cộng đồng dân cư Việt đã gọi người đứng đầu là Khun hay Hun gì đó, khi có chữ Hán, người ta dùng chữ Hùng để ghi lại mà thôi. (Có giả thuyết họ Hùng và các giả thuyết khác). Ông Dashtsevan nói ngay: Tôi ủng hộ cách lý giải của ông Trần Quốc Vượng. (Vì các lý giải trong lịch sử Mông Cổ)
Người Mông Cổ cổ đại gọi người đứng đầu bộ tộc là Hung (hay Hun). Hung là vua, không cần gọi “vua Hung”. Khoảng tương tự trước thời Tần ở TQ, có một Hung đã thống nhất các bộ lạc trên lãnh thổ mà trung tâm là Mông Cổ bây giờ, tạo thành một nước rộng lớn, phía bắc ôm trọn hồ Bai Can, phía nam giáp với Bắc Kinh. Nước Mông Cổ cổ đại ấy rất hùng mạnh, nhiều lần đánh bại các nhà nước thuộc Chu (TQ) và đánh Tần, khiến nhà Tần phải xây Vạn lý trường thành để ngăn cản. Cho đến giữa thời Hán, khoảng 100-150 trước Công nguyên, nhà Hán đã có lần đánh bại được nước Mông Cổ đó, từ đó dẫn đến thời kỳ suy yếu của nhà nước Mông Cổ hùng mạnh. Trong sử sách của người Trung Quốc, vương quốc đó được gọi là “Hung Nô”. Hung Nô là tên gọi miệt thị trong sử TQ sau nhà Hán để gọi quân đội và các bộ tộc mà Hung đứng đầu. Sau này, sách TQ gọi các vua của Hung Nô là các Thiền Vu, cũng là một cách phiên âm mà sau này người Mông Cổ phải chấp nhận, miễn cưỡng và không thích, cũng như rất ghét tên gọi Hung Nô, ý của nhà Hán là “Hung nô lệ”, cái nước mà họ đã bắt làm nô dịch.
Nhìn lại Việt Nam ta, cái tên An Nam do triều đại TQ và Pháp dùng để chỉ một phương Nam an bài, bị nô dịch, thì người Việt Nam nào thích không? Tuy nhiên, lịch sử có giai đoạn An Nam, kể từ thời An Nam đô hộ phủ đến An Nam thuộc Pháp, thì vẫn là sự thật, cũng như người Mông Cổ còn lại dấu vết của vương quốc Hung Nô.
Đế quốc Hung Nô suy tàn, cho đến thế kỷ 13 có một người Mông Cổ vĩ đại đã lập lại đế quốc của họ rộng gần hết thế giới. Đó là Tringit Khan, người Việt gọi theo chữ Hán là Thành Cát Tư Hãn. Đây lại là câu chuyện khác.
Có một giả thuyết được nhiều người tin theo, đó là một bộ phận Hung Nô đã đánh dẹp sang tận châu Âu, hình thành cộng đồng dân tộc Hungari. Nhưng cũng có nhiều người phản bác. Tuy vậy, các cuộc chinh chiến của quân Hung Nô (chưa phải thời Tringit Khan) cũng để lại các chiến binh rải rác khắp châu Âu, mầm mống gen của họ còn đó, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, là một sự thật khó chối cãi.
Như vậy, có một mẫu số chung thời cổ đại, nhiều bộ tộc gọi người đứng đầu của mình là Hung/Hun/Khun… (Hiện nay, một số dân tộc thiểu số ở VN vẫn gọi là Khun). Nếu ông Xukhe Bator dạy quân dân, cũng có thể nói: “Các Hung đã có công dựng nước Hung vĩ đại, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy phần còn lại này”.
Tôi hỏi ông Dashtsevan: Các anh có lịch sử rất khúc khuỷu, có lúc mạnh chế ngự thế giới, có lúc suy tàn, vậy các anh dạy học sinh và tuyên truyền lịch sử như thế nào?
Ông Dashtsevan nói: “Sự thật. Chúng tôi ủng hộ quan điểm tham mưu với nhà nước phải nói sự thật và chỉ có sự thật, có tranh luận thì cũng thuần học thuật, đừng mang chính trị áp vào. Sự thật sẽ là bài học lớn. Điều này thời chính quyền của Đảng Nhân dân cách mạng thì cũng có khó khăn, nhưng dưới thời đa đảng thì thuận lợi”. Rất bất ngờ, ông chia sẻ quan điểm với tôi, đất nước của các vua Hùng của người Việt không chỉ bó hẹp ở Phong Châu và Đồng bằng sông Hồng, mà nó là phạm vi gần trùng với nước Nam Việt, còn lớn hơn nước Nam Việt của Triệu Đà. Bởi vì khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, là khôi phục nước Nam Việt và đất của vua Hùng. Chỉ có điều đó mới phù hợp với chính sử về gốc tích các vua Hùng (bây giờ thì việc Hai Bà chiếm 65 thành ở Nam TQ, có đền thờ khắp Quảng Đông, Quảng Tây đã nhiều người biết).
Nói sự thật, điều đó với việc tuyên truyền lịch sử ở Việt Nam còn đi sau Mông Cổ, còn đuổi mệt mới kịp…

7.
Người Mông ở Việt Nam (và các nước khác) là một bộ phận dân Mông Cổ đã thiên di. Điều đó là khẳng định của ông Dashtsevan. Ông đã nghiên cứu vấn đề này, đến cộng đồng Mông ở khắp các nước Đông Nam Á (Lào, Thái, Miama, Malaysia, Indonesia). Riêng ở Việt Nam, theo nguyện vọng của ông, tôi đã dẫn ông lên Bắc Hà để quan sát người Mông Bắc Hà.
Trong các tài liệu chính thức phổ biến ở Việt Nam, thì người Mông có nguồn gốc ở Nam Trung Quốc, di cư đến VN khoảng trên dưới 300 năm, có bộ phận chỉ 100-150 năm, và ý kiến nguồn gốc Mông Cổ là lần đầu tiên tôi nghe từ ông Dashtseven, một người nghiên cứu khoa học xã hội Mông Cổ.


Một bà cụ Mongo

Ông Dashtseven khảo cứu về truyền thuyết nguồn gốc di cư, có cộng đồng dân cư nói rõ đi từ thảo nguyên Mông Cổ, có bộ phận không nói rõ, nhưng đều nhận từ thời gian gần (mấy trăm năm) là từ miền cao nguyên Tây Tạng.
Lịch sử văn hóa Mông Cổ gắn chặt với Tây Tạng. Hiện nay, chữ của người Mông Cổ chính là bộ chữ truyền thống Tây Tạng, trông như giun nhưng viết từ trên xuống. Khi cách mạng dân chủ thành công, người Mông Cổ bỏ bộ chữ Xlavo của Nga, dùng chữ truyền thống của mình. Chữ Tây Tạng truyền theo con đường truyền đạo Phật. Tương tự như các giáo sĩ Bồ làm chữ quốc ngữ cho người Việt. Các thiền sư Tây Tạng đã mang chữ của họ cho người Mông cổ trung đại. Và khi người Mông Cổ làm chủ Hoa Hạ, nô dịch người Hán, họ có mối liên hệ quan trọng với người Tây Tạng. Khi nhà Nguyên thất bại, bộ phận dân cư không phải quý tộc và quan lại đã ở lại vùng chân núi Tây Tạng. Đó là bộ phận dân cư của các bộ tộc nghèo, nhiều bộ tộc khác với các bộ tộc theo Tringit Khan làm vua ở triều đình. Và họ tiếp tục chạy nữa, sau triều Tống, đến triều Thanh chinh phục Tây Tạng, họ vẫn chạy. Họ di cư đến vùng đất mới sau thì phải chọn chỗ trên cao như Việt Nam, chứ không phải đâu cũng ở cao. Ở Lào, người Mông ở thấp.
Quá trình du mục thảo nguyên chuyển đến du mục trên các triền núi, người Mông bắt buộc phải thay đổi nhiều tập quán, nhưng giữ lại tập tục du mục, trang phục và ứng xử với ngựa. Ở Bảo tàng dân tộc tại Mông Cổ, có thể tìm thấy các bộ trang phục na ná người Mông Việt Nam. Tại sao chỉ có người Mông ở trên núi cheo leo vẫn gắn bó với con ngựa như thế? Khi đến Bắc Hà, ông Dashtseven chú ý tìm hiểu các từ ngữ liên quan đến ngựa, và thấy nó có nhiều tương đồng với người Mông Cổ. Người Việt gắn bó với con gà, con lợn, thì đực, cái, động tác của chúng đều có từ riêng, nhưng với ngựa thì không như vậy. Còn người Mông thì khác, ngựa đực, cái, động đực, chạy, phi… đều có từ riêng cả.
Ở Mông Cổ, con dê thịt ra quý nhất cái đầu, con ngựa thì quý nhất bộ ruột. Người Mông Việt Nam làm thắng cố không có bộ ruột thì coi như không thành. Họ đem những hoa quả thuốc thang ở vùng nhiệt đới cho vào món ruột, làm nên món đặc biệt của người Mông.

Trang phục người Mông Việt Nam
Thời xưa làm báo, tôi đã đọc văn bản của Văn phòng chính phủ hướng dẫn các báo gọi chính thức người Mông là “Mông”, không phải H’mong như người Pháp gọi, vì người Mông tự gọi mình như thế (tuyệt nhiên không nên gọi là Mèo, vì đó cũng là cách gọi miệt thị có từ thời Pháp thuộc). Người Mông Cổ tự gọi mình là “Môn-gô”. Từ “Mông” là một từ Mongo đã Việt Hóa (có nước gọi là Môn). Cho đến nay, có lẽ nước ta cũng nên không gọi tên nước người ta theo kiểu Hán là Mông Cổ nữa. Cứ nên gọi là Mongo thì có khó gì.
Thực ra, hầu như nước nào lân cận đường chinh phạt của Tringit Khan đều có chuyện cộng đồng người gốc Mongo. Nhân có cơ duyên đi Mông Cổ, gặp ông Dashtseven được biết nhiều chuyện, viết nên để hầu bạn FB một lần.
Mông Cổ có 1 người như ông Dashtseven, ở đâu có người Mông là đến để nghiên cứu, để điền dã. Người Việt mình có ai như thế không ạ?

8.
Khi bắt đầu viết về Mông Cổ, tôi không ngờ câu chuyện lại kéo dài đến 8 kỳ. Chính bạn đọc FB đã khiến tôi có hứng thú. Vì người Việt ít thông tin về đất nước đó, nhưng cái chính là đất nước và con người Mông Cổ thực sự hấp dẫn.
Khi đến Mông Cổ, nhiều nơi có treo bản đồ Mông Cổ thế kỷ 13. Buồn cười là các bản đồ này chỉ na ná nhau mà không hoàn toàn giống nhau, bao gồm hết Trung Á, châu Âu, toàn bộ miền Địa Trung Hải, cả Đông Á, chỉ trừ Ấn Độ, Nhật Bản và Tây Tạng. Bởi vì vó ngựa Tringit Khan thổi qua Âu Á quá nhanh, quá nhiều, để lại cho hậu thế nhiều cách nhìn khác nhau. Có nơi, bản đồ có bao gồm Việt Nam ngày nay, nhưng có nơi lại chừa Việt Nam, coi như không có chuyện đã chiếm Việt Nam. Họ giải thích: Quân Mông Cổ đã đến đó, nhưng khí hậu không hợp, nên rút về. Ai chứ tôi thì thấy giải thích đó thỏa đáng.
Lịch sử Mông Cổ có trang hào hùng thế kỷ 13, nhưng cũng có trang bi thảm thế kỷ 17-18-19. Nhà Thanh làm vua Trung Quốc, sau khi đã thống trị Mông Cổ. Thời nhà Thanh, Trung Quốc đúng là bao gồm hết đất Mông Cổ và Tây Tạng. Cách mạng Tân hợi 1911 lật đổ Thanh triều, sau đó chuyển chính quyền sang Quốc dân đảng, có một thời kỳ tạo cơ hội độc lập cho Mông Cổ, nhưng phải đến 1922, dưới cái ô của Liên Xô, sau khi đã có Xukhe Bator chiến đấu với Hồng quân Liên Xô, thì Mông Cổ mới giành được độc lập một phần, nay là lãnh thổ hiện tại. Còn một phần gọi là Nội Mông đành nằm lại Trung Quốc.
Đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, lần nữa Mông Cổ có cơ hội lấy lại Nội Mông, nhưng không thể xảy ra, cũng vì cuộc mặc cả vì lợi ích các nước lớn. Liên Xô chỉ vì lợi ích của họ, lấy Nội Mông làm thứ mặc cả với Trung Quốc, chứ không kiên quyết lấy lại Nội Mông. Sự kiện này khiến cho xảy ra một số cái chết của lãnh đạo nhà nước Mông Cổ, cho đến nay vẫn là một nghi vấn lớn. Lãnh đạo Mông Cổ thời kỳ trước năm 1960 không hoàn toàn theo chủ nghĩa Stalin, các chủ trương tập thể hóa làm không đến nơi đến chốn, có phần hời hợt. Troibanxan là lãnh đạo nhà nước thời kỳ 194x, 195x còn là người có đầu óc độc lập dân tộc, chỉ coi Mông Cổ là nước liên kết với Liên Xô. Cái chết của ông vẫn còn là nghi vấn. Chỉ đến Xedenban 1960, nước Mông Cổ mới hoàn toàn theo mô hình Liên Xô. Tuy nhiên, ngay từ những năm 193x, khi Liên Xô những người Staninit thanh trừng nhau đẫm máu, Mông Cổ không bị lún sâu vào các mâu thuẫn xã hội kiểu Liên Xô hay kiểu cải cách ruộng đất ở Việt Nam. Nên vào đầu những năm 199x, khi có làn sóng dân chủ, những người cộng sản đã công khai nhận lỗi lầm và chịu thất bại trước lực lượng dân chủ. Và thảo nguyên của họ nhanh chóng sống lại nếp sống hàng nghìn năm (chỉ có bị gián đoạn 70 năm).
Khi tôi vào bảo tàng Mông cổ thời hiện đại, còn những bức ảnh một người cầm loa trước cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Ulan Bato, đó là người trở thành vị tổng thống dân chủ đa đảng đầu tiên của Mông Cổ. Người Mông Cổ sống ngàn năm với đàn gia súc, và họ học tính cách của các con vật của thảo nguyên. Nếu có cuộc tranh giành, thì con yếu quay đầu để đầu hàng trước, ít khi xảy ra tỷ thí đổ máu. Lực lượng trí thức tinh hoa là những người cầm đầu cuộc cách mạng dân chủ. Khi tôi đến Trường phổ thông liên cấp Hồ Chí Minh, mọi người đều hãnh diện vì trường sản sinh ra các lãnh đạo nhà nước thời kỳ dân chủ, và họ cũng khoái chí vì đã mang tên Hồ Chí Minh. Trong hiểu biết của nhiều người Mông Cổ, Hồ Chí Minh là lãnh tụ đã giành độc lập cho Việt Nam năm 1945, còn chuyện Người là cộng sản thì dĩ nhiên như vậy, cũng như Sukhe Bator của họ thôi. Sukhe Bator đã lập nước Mông Cổ thập kỷ 20, khuyết điểm của Đảng Nhân dân cách mạng sau năm 1960 không thể đổ tại Sukhe Bator được.
Cái nhìn của những người ban Mông Cổ về lịch sử cận đại khiến tôi rất suy nghĩ. Bao giờ nước Việt Nam tiến đến thực tế như của họ, quan điểm như của họ?

(Nguyễn Xuân Hưng)


Nguồn từ Facebook

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019

KINH NGHIỆM CUỘC SỐNG


Người xưa, bậc tiền nhân đã từng răn dạy:

1, Ăn no không gội đầu, đói không tắm. Rửa mặt nước lạnh, vừa đẹp vừa khỏe. Mồ hôi chưa khô, đừng tắm nước lạnh. Đánh răng nước ấm, chống ê chắc răng.

2, Ăn gạo có trấu, thức ăn có chất xơ . Nam không thể thiếu rau hẹ, nữ không thể thiếu ngó sen. Củ cải trắng, sống không tốt nhưng chín thì bổ. Ăn không quá no, no không nên nằm.

3, Dưỡng sinh là động, dưỡng tâm là tĩnh. Tâm không thanh tịnh, ưu tư vọng tưởng dễ nảy sinh. Tâm thần an bình, bệnh sao đến được. Nhắm mắt dưỡng thần, tĩnh tâm ích trí.

4, Dược bổ thực bổ, đừng quên tâm bổ. Coi tiền như cỏ, coi thân như bảo. khói hun cháy lửa, tốt nhất không ăn. Chiên dầu ngâm ướp, ít ăn thì tốt.

5, Cá thối tôm rữa, lấy mạng oan gia. Ăn mặc giữ ấm, nhất thân là xuân. Lạnh chớ chạm răng, nóng chớ chạm môi. Đồ chín mới ăn, nước chín mới uống.

6, Ăn nhiều rau quả, ít ăn đồ thịt. Ăn uống chừng mực, ngủ dậy đúng giờ. Đầu nên để lạnh, chân nên giữ ấm. Vui chơi biết đủ, không cầu an dật.

7, Dưỡng sinh là cần cù, dưỡng tâm là tĩnh tại.

8, Người đến tuổi già, thì phải rèn luyện, đi bộ chạy chậm, luyện công múa kiếm; đừng sợ giá lạnh, quét sạch sân nhà, hội họa thêm vui, tấm lòng rộng mở.

9, Nghe tiếng gà gáy, đừng cố nằm thêm, trồng hoa nuôi chim, đọc sách ngâm thơ; chơi cờ hát kịch, không ham phòng the, việc tư không nhớ, không chiếm lợi riêng.

10, Ẩm thực không tham, bữa tối ăn ít, khi ăn không nói, không nên hút thuốc; ít muối ít đường, không ăn quá mặn, ít ăn chất béo, cơm không quá nhiều;

11, Mỗi ngày ba bữa, thức ăn phù hợp, rau xanh hoa quả, ăn nhiều không sợ; đúng giờ đi ngủ, đến giờ thì dậy, nằm dậy nhẹ nhàng, không gấp không vội;

12, Uống rượu có độ, danh lợi chớ tham, chuyện thường không giận, tấm lòng phải rộng.

13, Tâm không bệnh, nên phòng trước, tâm lý tốt thân thể khỏe mạnh; tâm cân bằng, phải hiểu biết, cảm xúc ổn định bệnh tật ít;

14, Luyện thân thể, động cùng tĩnh, cuộc sống hài hòa tâm khỏe mạnh; phải thực dưỡng, no tám phần, tạng phủ nhẹ nhõm tự khai thông;

15, Người nóng giận, dễ già yếu, thổ lộ thích hợp người người vui; thưởng thức thư họa, bên suối thả câu, lựa chọn sở thích tự do chơi;

16, Dùng đầu óc, không mệt nhọc, bớt lo dưỡng tâm ít náo nhiệt; có quy luật, sức khỏe tốt, cuộc sống thường ngày phải hài hòa;

17, Tay vận động, tốt cho não, phòng ngừa bị lạnh và cảm cúm.

18, Mùa hè không ngủ trên đá, mùa thu không ngủ trên phản. Mùa xuân không hở rốn, mùa đông không che đầu. Ban ngày hoạt động, tối ngủ ít mơ.

19, Tối ngủ rửa chân, hơn uống thuốc bổ. Buổi tối mở cửa, hễ ngủ là say. Tham mát không chăn, không bệnh mới lạ.

20, Ngủ sớm dậy sớm, tinh thần sảng khoái, tham ngủ tham lạc, thêm bệnh giảm thọ. Tranh cãi buổi tối, ruột như sát muối.

21, Một ngày ăn một đầu heo, không bằng nằm ngủ ngáy trên giường.

22, Ba ngày ăn một con dê, không bằng rửa chân rồi mới lên giường.

23, Gối đầu chọn không đúng, càng ngủ người càng mệt. Tâm ngủ trước, người ngủ sau, ngủ vậy sẽ thành mỹ nhân.

24, Đầu hướng gió thổi, ấm áp dễ chịu, chân hướng gió thổi, hãy mời thầy lang.

25, Không ngủ nơi ngõ hẻm, độc nhất khi gió lùa.

26, Đi ngủ không thắp đèn, sáng dậy không chóng mặt.

27, Muốn ngủ để tấm thân nhẹ nhõm, chân không hướng tây đầu không hướng đông

(Sưu tầm)


Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2019

Ảnh cổ xưa Việt Nam 1850-1950

  Thời thuộc Pháp thì Bắc kỳ (Tonkin) và Trung kỳ (Annam) nhiều ảnh đẹp hơn Nam kỳ (Cochinchine), do mình người Miền Nam nên ưu tiên post ảnh Miền Nam nhiều hơn (và cũng do Miền Trung, Miền Bắc chưa biết nhiều), hậu sinh không lạm bàn chính trị, chỉ muốn chia sẻ để biết một thời tiền nhân chúng ta sống ra sao. Máy chụp ảnh đã có từ 1826 tại Pháp, vì vậy các thuộc địa ở Đông Dương có ảnh từ rất sớm và có mặt trong những thước phim đầu tiên nữa. Ảnh trong album trải dài khắp cả nước, được mình tổng hợp từ nhiều nguồn trong thời gian từ 2005 đến nay, đa số từ các kho lưu trữ của Pháp - tài liệu xưa và các bác lớn tuổi có chất lượng còn khá tốt, số lượng lớn tới vài ngàn tấm, sẽ chọn lọc post từ từ

- Xem ảnh, suy gẫm, giảm bớt cái tôi và cực đoan, chúng ta sẽ nắm bắt được rất nhiều điều vĩ mô, ở mức độ tổng quát cao và sự khách quan lớn 


* Nguồn: Flickr, Corbis, Pinterest, belleindochine, alamy, akpool ...
 Bàn chân Giao Chỉ - đặc điểm người Việt bản địa
(Số lượng người mang đặc điểm bàn chân này ngay từ xưa chỉ là số ít, không phải người An Nam nào cũng có bàn chân Giao Chỉ, cho đến nay thì còn rất hiếm)
...."Giao Chỉ là người Nam di, ngón chân cái toạc ra, đứng thẳng hai bàn chân thì ngón chân cái giao vào nhau, cho nên gọi là Giao Chỉ (chỉ là ngón chân cái)"....
Chú thích ảnh : Một tài liệu cổ thời Pháp nghiên cứu vấn đề Giao Chỉ, hình vẽ xương bàn chân của một bé trai 12 tuổi

Đôi vợ chồng người Bắc kỳ (Tonkin) khoảng năm 1890. Áo tơi bằng lá mà cô gái mặc cho đến giờ vẫn còn sử dụng và có 1 làng chuyên sản xuất ở Hà Tĩnh


Vua Thành Thái năm 1900, 21 tuổi - vua thứ 10 của triều Nguyễn — cùng với VUA THÀNH THÁI.


Ghe thuyền trên một nhánh sông Mekong - nhiều dừa giống Bến Tre quá, khoảng 1890


Cụ Đề Thám và các con khoảng năm 1903

Bắc kỳ, một thầy đồ đang dạy học - cuối TK 19

Châu Đốc, một bến ghe năm 1950 (ảnh của Urbain Calestroupat)



 Một khúc sông Bến Tre năm 1950 (ảnh của Urbain Calestroupat)

Tòa nhà Wang Tai (Vương Thái) đang xây năm 1867 - Nay là Trụ sở Hải quan TpHCM. Ảnh gốc chất lượng cao ngang ngửa 1 tấm panorama 4k hiện nay

Saigon 1875 - ảnh xưa nhất của dinh Norodom (dinh Thống đốc Nam kỳ) - Khởi công ngày Chủ nhật 23 tháng 2 năm 1868 - do chiến tranh Pháp - Phổ nên mãi tận 1875 mới xong, đến 1955 đổi tên là dinh Độc Lập, đến 1962 bị ném bom hư hỏng nặng phải đập bỏ để xây dinh Độc Lập mới, rồi 1975 bị ném bom nữa mới thành Hội trường Thống Nhất cho đến nay
(Photo by Emile Gsell)




 Nhà thờ Đức Bà Saigon năm 1879 - lúc này chưa có 2 đỉnh nhọn phía trên (theo motif của nhà thờ Đức Bà ở Paris) sau đó mới xây thêm 2 gác chuông nhọn lên trên


 Nhà thờ Đức Bà Saigon năm 1900


 Chợ Lớn Saigon năm 1866 - lúc này còn hoang sơ như một vùng quê, hình được chụp tốc độ chậm, không biết do máy thời ấy hay do tác giả cố ý để lấy đủ sáng


 Saigon, Chợ Lớn năm 1888 - lúc này thuyền buôn của người Hoa đã tấp nập

Saigon, Tháp Nước năm 1901 - Vị trí này hiện nay là Hồ Con Rùa, Quận 3, Tp. HCM



 Một cụ ông người Bắc kỳ (Tonkin) làm nghề thợ săn - năm 1890

Các quan lạy mừng vua Hàm Nghi


Bắc kỳ, các quan tân khoa kỳ thi Văn được ban mũ áo để vinh quy bái tổ ở trường thi Nam Định khoảng 1900


Bắc kỳ, tội ăn cắp bị xử đánh đòn, ảnh chụp khoảng đầu TK 20. Nhìn hình tự nhiên nhớ vở Ngao Sò Ốc Hến 


 Rước vua Duy Tân trong lễ đăng quang năm 1907 (vua mới 7 tuổi)

 Một trong những tấm không ảnh đầu tiên của Hà Nội khoảng 1910 và có lẽ là đầu tiên của Việt Nam luôn, chụp từ máy bay loại 2 tầng cánh "đời đầu", thấy rõ Hồ Gươm, cầu Long Biên (lúc đó cầu tên là Doumer theo tên của toàn quyền Đông Dương) và nội ô Hà Nội bên dưới
Các sĩ tử đi vào trường thi Nam Ðịnh khoa thi Hương năm Đinh Dậu - 1897

Dưới triều Nguyễn, cứ 3 năm triều đình lại mở khóa thi Hương ở các tỉnh lớn dành cho mọi đối tượng, người thi đỗ được gọi là Cử nhân, năm sau sẽ lên kinh đô để thi Hội và thi Ðình. Người đậu khóa thi Hội được gọi là Thám hoa, đậu khóa thi Ðình được gọi là Tiến sĩ.



 Bản thảo viết tay cuốn Dictionnaire Annamite - Latin (từ điển An Nam- La tinh) của ông Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine - Cha Cả) năm 1775, ảnh này chụp lại từ tủ trưng bày trong Bảo tàng

 Cholon, les quais 1900
Phố cặp bờ sông ở Chợ Lớn năm 1900 - kênh Tàu Hủ bên phải, nhìn thấy cầu Malabars (tiền thân của cầu Chà Và nhưng khác vị trí 1 chút), khu vực này người Ấn và người Chà Và (Indo, Malay) sinh sống nhiều 

PS: Chà Và là người Việt mình đọc trại ra từ chữ Java - chỉ những người buôn bán đến từ Indo và Malay, và sau đó các thương nhân người Ấn cũng được gọi là chung là Chà Và luôn vì họ khá giống nhau (bự con, đen, râu tóc rậm)
Nói thêm 1 chút, chôm chôm Sa hoa ở Chợ Lách cũng chính là đọc trại ra từ chữ Java, vì giống chôm chôm này nguồn gốc từ Indo
Quang cảnh các quan coi thi ở Huế năm 1900

Sĩ tử thi đỗ ra mắt quan lớn - Khoa thi ở Nam Định năm 1897


 Xướng danh ở Khoa thi Nam Định những năm 1900

 Cờ xí rợp trời quan sứ đến - Khoa thi ở Nam Định năm 1900

 Xem tên trên bảng vàng, tên anh mà không có thì chưa ... động phòng nhe chưa Khoa thi Hương ở Nam Định, năm Đinh Dậu - 1897 

Dưới triều Nguyễn, cứ 3 năm triều đình lại mở khóa thi Hương ở các tỉnh lớn dành cho mọi đối tượng nam, người thi đỗ được gọi là Cử nhân, năm sau sẽ lên kinh đô để thi Hội và thi Ðình. Người đậu khóa thi Hội được gọi là Thám hoa, đậu khóa thi Ðình được gọi là Tiến sĩ.



 Những nhạc công ở Saigon năm 1866 — cùng vớ Darren Murphy.

Nghệ sĩ hát bộ ở Saigon năm 1866



 Công trường xây dựng phố Charner (1870), bây giờ là đường Nguyễn Huệ


 Chợ Đồng Xuân Tết 1896 (Bính Thân)

Quang cảnh Hồ Gươm - Hà Nội năm 1896 - ảnh gốc rất đẹp và có chất lượng tốt đến ngạc nhiên



 Quang cảnh Hồ Gươm + cầu Thê Húc - Hà Nội năm 1896 - ảnh đẹp và có chất lượng tốt đến ngạc nhiên

Khai trương chạy thử tuyến tàu Hỏa đầu tiên ở Đông Dương, tuyến Sài Gòn- Mỹ Tho năm 1881


 Làm thùng gánh nước, rổ rá bằng tre năm 1890

Lợn ỉn - lợn Móng Cái, ảnh chụp năm 1860

Một đám cưới ở Saigon năm 1866. Ảnh gốc chất lượng rất cao, nước ảnh tuyệt hảo tuy có một vài người di chuyển nên hơi nhòe chút.


Một góc Đà Nẵng lúc quân Pháp mới đến, năm 1859


Một khẩu đại pháo của Pháp đang được vận chuyển bên cạnh Bạch Dinh ở Vũng Tàu năm 1890, vẫn còn tới nay



 Một ngôi làng ở ngoại ô Hà Nội 1890, có thông tin ghi đây chính là làng cổ Đường Lâm


 Một ngôi nhà đặc trưng của vùng Sài gòn - Nam bộ thời xưa khoảng 1860

Trung kỳ, Huế, lính võng quan đi công chuyện năm 1890



 Một xưởng mộc, thợ đang xẻ những cây gỗ lớn ở Hà Nội năm 1890

Nam kỳ, Mỹ Tho, đường Galliéni cặp bờ sông năm 1900, hiện nay là đường Trưng Trắc, khúc gần ngã 3 sông Bảo Định và sông Tiền (bến phà Tân Long), thành phố Mỹ Tho



 Nam kỳ, Mỹ Tho, đại lộ Bourdais năm 1950, hiện nay là đường Hùng Vương


 Nấu nước chè xanh đem bán ở Hà Nội 1890

Bắc kỳ, các bà các cô làm nghề hàng xáo (mua thóc về xay giã thành gạo, cám bán kiếm lời) những năm 1890


Nghề khảm trai mỹ nghệ (khảm xà cừ) ở Hà Nội cuối TK 19


Người cửu vạn đẩy xe cút kít chở gạo ở Hà Nội cuối TK 19


Người lái đò sông Đà của cụ Nguyễn Tuân đây quý vị, năm 1925



 Hà Nội - Những người ăn mày mặc áo tơi đứng bên một hàng phở, ảnh chụp cuối TK 19.

Những người cửu vạn (khuân vác, chở thuê) lúc rỗi việc ở trên phố Hà Nội cuối TK 19


 Những người dân Thái đưa đoàn thám hiểm Pháp dọc sông Đà ......... hình ảnh được tả trong tùy bút Người lái đò sông Đà của cụ Nguyễn Tuân

 Những người tham gia vụ Hà Thành đầu độc lính Pháp do cụ Đề Thám và 1 số cai đội + đầu bếp trong lực lượng Pháp cầm đầu bị bắt giam trong ngục Hỏa Lò. Người ngồi thứ 6 từ phải qua là nữ - Bà Nguyễn Thị Ba (thường gọi là Chiêu Sáu theo tên chồng) chủ quán cơm nơi nghĩa quân họp bí mật, trong số này có 19 người bị án tử hình và 13 người bị bêu đầu vào năm 1908

 Gánh phở rong trên phố Hà Nội năm 1890
Quan Giám khảo Trần Sĩ Trác tại trường thi Nam Định (1897) — cùng với TRẦN SĨ TRÁC.


 Những tấm ảnh màu đầu tiên ở Hà Nội năm 1913
Quan huyện và các nha lại đang tập trung trước phủ đường để nhận chiếu chỉ - Trương Long, Triệu Hổ VN xài gươm cán dài quá 
Những tấm ảnh màu đầu tiên năm 1913

Quan Tổng đốc Hà Đông - Hoàng Trọng Phu và gia đình


Những tấm ảnh màu đầu tiên năm 1913

Tổng đốc Hà Đông - Hoàng Trọng Phu


Thêm ảnh về vua Duy Tân đăng quang lúc 7 tuổi năm 1907

Bắc kỳ, phạm nhân bị xử đánh đòn bằng roi  năm 1890 

1 hèo nè, 2 hèo nè .....



 Sông Sài gòn khoảng 1850 - Còn quá hoang vu.
Lạ 1 điều là chữ Rivier trong ảnh không phải tiếng Anh hay Pháp mà là tiếng Hà Lan (cũng nghĩa là sông). Có thể tấm này do các nhà thám hiểm hoặc truyền giáo Hà Lan chụp và ghi chú

 Sông SG và rạch Bến Nghé khi vùng Khánh Hội còn hoang sơ, khoảng 1860, lúc này chưa có Trụ sở công ty tàu biển Messageries Maritimes - mà sau này là Bến Nhà Rồng

 Tàu đi Lạng Sơn, toa dành cho người Việt, năm 1901
Thảo Cầm Viên SG năm 1895, mấy cây sọ khỉ cổ thụ khổng lồ hiện nay lúc này chắc mới trồng 


 Những cô bé gánh lục bình (bèo Nhật Bản) đi bán cuối TK 19 ở Hà Nội. Chắc cho các quan trồng trong chậu làm cảnh vì hoa đẹp (cụm nào cũng có hoa) - lúc đó nó còn hiếm quý không tràn lan bình dân như bây giờ
Vận chuyển gỗ bởi những người "Cu li" năm 1905 ở Hà Nội


 Nghệ sĩ hát bộ ở Nam kỳ năm 1890
Vận chuyển cho bưu điện thời 1890



Vua ban yến cho các sĩ tử thi đậu năm 1900

 Vũng Tàu, đầu TK 20. Xa xa trên sườn Núi Lớn là Bạch Dinh
Xem xử chém phạm nhân bằng máy chém ở Hải Phòng , 1890



 Đấu vật trong lễ hội làng, Hà Nội 1890

 Hà Nội 1890. Những người chống Pháp bị đem ra xử, không biết thuộc khởi nghĩa nào.

 Tấm ảnh đầu tiên của Việt Nam - Đồn Hai Ở Đà Nẵng 
Ảnh do ông Jules Itier chụp ngày 31-05-1845 bằng máy Daguerreréotype, phát minh năm 1839. Phim là một tấm kim loại bằng đồng có tráng bạc.
Một số ảnh cung đình Huế ghi là chụp năm 1835 - tức sớm hơn ảnh này 10 năm - có nghi ngờ nhưng không biết như thế nào vì chưa tra cứu và xác thực được...

 Đám liên quân Pháp - Tây Ban Nha trên tàu chiến tấn công Đà Nẵng năm 1859-1860

 Saigon những năm 1859 đến 1868, trước khi Pháp bắt đầu quy hoạch và xây dựng thành phố
PS: Cái cầu tàu làm thủ công mà thẳng thớm đẹp ghê 

 Hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này) khoảng 13 tuổi, đứng sau là em họ Nguyễn Phúc Vĩnh Cẩn đang chuẩn bị sang Pháp học, khoảng năm 1926 — cùng với NGUYỄN PHÚC VĨNH CẨN và VUA BẢO ĐẠI.

 Từ trái sang phải là 3 hoàng tử em của Vua Thành Thái: Bửu Lũy, Bửu Trang và Bửu Liêm vào năm 1891 — cùng với BỬU LŨYBỬU TRANG và BỬU LIÊM.


 Tàu vào bến cảng Sài gòn năm 1868, vị trí chụp gần với ngã ba Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng hiện nay

Bưu điện Saigon năm 1895



 Người dân bản xứ Đà Nẵng năm 1859

Một con rạch ở Rạch Giá cuối TK 19


Chiến thuyền Pháp và Tây Ban Nha cập cảng Sài gòn năm 1868



 Ông Cao Xuân Dục, Tổng đốc Nam Định trong buổi lễ xướng danh kỳ thi Hương ở Nam Định năm 1897


 Ngự lâm quân triều Nguyễn cưỡi voi - khoảng thời vua Khải Định


 Notables Un Village Annamite, Saigon, Cochinchine, Vietnam, 1900

Các vị chức sắc trong làng ở Saigon, Nam kỳ, Việt Nam năm 1900


Saigon 1880. Thêm 1 góc chụp Kinh Lớn (kênh Charner - đường Nguyễn Huệ hiện nay), xa xa là nhà thờ Đức Bà lúc chưa có 2 đỉnh nhọn 

Ảnh của Emile Gsell



 Cửu vị thần công của thời Gia Long đặt trước kinh thành Huế, khoảng năm 1880 - mang tính tượng trưng không dùng để chiến đấu. Tất cả chín khẩu đều được phong "Thần Oai vô địch thượng tướng quân", sang đầu TK 20 thì được đem vào bên trong thành.
Về sau, khi lâm cảnh "nước mất, nhà tan", có một nhà thơ đến viếng Cửu vị thần công và ngẫu tác bốn câu thơ rằng:


"Cũng thì gan sắt, cũng da đồng,
Nằm giữ chi đây hỡi chín ông?
Nước lở, thành long khôn chống đỡ,
Mang danh "Thượng tướng" thẹn thùng không"

Cửa Đông thành Hà Nội 1873 bị quân Pháp của F.Garnier chiếm, lấy súng thần công của cụ Nguyễn Tri Phương cắm xuống đất



 Nữ nghệ sĩ đàn tranh Saigon sang Pháp biểu diễn ở Hội chợ thuộc địa Marseille năm 1906

Phà Thủ Thiêm đầu TK 20



Nam kỳ, một lá đơn kiện năm 1897 (Đinh Dậu, cách đây 120 năm), thời đó chắc có người viết đơn mướn vì chữ Quốc ngữ còn ít người được học - chữ đẹp ghê . Viết lại nội dung tờ đơn cho mọi người dễ xem như sau:
................
Thạnh An tổng, Xa man thôn (Sóc Trăng hiện nay)
Dân ban Triều Châu (người Hoa)
Quách Ấu
Bẩm quan lớn đặng (được) hiểu là hồi ngày mồng 2 tháng 2 năm Bính Thân có tên Hỉa Ý (chắc Hải Ý) tên Thiên Bửu tên Phụng Tống ở ngụ làng Xa man có vay của tôi 120 đồng giao mãng (mãn) năm thì trả cho tôi 460 giạ lúa thì trừ hết số bạc ấy có tên Kiêm Đại làm giấy cho tôi mà nay ở bên ấy không chịu trả lúa đó cho fải (phải) nên tôi đến xin quan lớn đòi 3 tên đó tới Tòa dạy nó trả 460 giạ lúa cho hiểu, bằng nó không có trả thì biên mãi gia sãng (sản) nó. Nếu nó không có gia sãng (sản) thì xin quan lớn bỏ tù nó
Nay bẩm,
Ngày 13 tháng 2 năm 1897
Quách Ấu



 Cầu Bình Lợi năm 1910 (anh em sinh đôi với cầu Ghềnh - Biên Hòa)
Chợ Bạc Liêu năm 1900


 Một góc Nam kỳ năm 1898-1905 - nhà có mái và vách lợp bằng lá dừa nước chằm và .... chiếc xe hơi không biết tỉnh nào

 Sân bay Bạch Mai - Hà Nội năm 1924
Những đoạn phim quay đầu tiên tại Việt Nam:

- Ngay sau khi hai anh em người Pháp Lumière sáng chế ra máy quay phim vào năm 1895, thì ngay năm 1896, họ đã sang VN quay 2 đoạn phim ngắn thời lượng chưa đến 1 phút là "Le Village de Namo" (ngôi làng Nam Ô gần Đà Nẵng), chiếu ở Pháp năm 1900
- Đoạn phim thứ 2 là “Indochine: Enfants annamites ramassant des sépèques devant la Pagode des dames" (Đông Dương: Trẻ em An Nam nhặt tiền xu do quý bà ném trước chùa), được quay cùng năm, chiếu năm 1903.



Cảm thương tiền nhân bị xứ văn minh hơn ức hiếp và coi rẻ, nhưng hãy gạt tự ái qua 1 bên vì nó lâu òi, quan trọng là bây giờ ta có làm cho họ khinh nữa hay không mà thô



 Một gia đình bá hộ giàu có trong làng ở Bắc kỳ, đầu TK 20, ông ấy gầy gò do hút thuốc phiện

 Chở lợn ra chợ bán ở Hà Nội cuối TK 19
Chị em ta cùng nhau đãi gạo thổi cơm, Bắc bộ cuối TK 19


 Cấy lúa ở Bắc kỳ cũng y chang như ở Nam kỳ  , đầu TK 20, khác ở chỗ hình như có căng dây để cấy cho thẳng 
Một lính kỵ binh phụ trách thông tin liên lạc - khoảng thời vua Khải Định

Bắc kỳ, Sở Địa chính Đông Dương, các nhân viên người Việt Nam đang vẽ bản đồ, đầu TK 20

Hai bà cháu hàng quà vặt ở Hà Nội, khoảng năm 1910. Đặc biệt bên dưới có ghi chú bằng chữ Quốc ngữ

Thêm một lá đơn kiện năm 1896 với kiểu chữ quốc ngữ khác


 Hội thi chim, đầu TK 20

Hà Nội, những người gánh tre đi bán, đầu TK 20. Trong bộ sưu tập, hình ảnh này và chiếc xe cút kít 1 bánh gỗ rất phổ biến, gần như là hình ảnh đặc trưng của Hà Nội thời đó.



 Thẻ công nhân của nhà máy dệt Nam Định, trong khoảng từ 1900 đến 1920

Một gia đình người Hà Nội tiêu biểu với trang phục truyền thống - đầu TK 20


Tây Nam bộ đầu TK 20

Ghi chú bên góc phải: Sampan à 2 rames (Xuồng ba lá 2 chèo)
Sampan là tiếng Pháp phiên âm từ tiếng Hán: Tam bản - 3 miếng - 3 lá




 Đường Paul Bert ở Hà Nội đầu TK 20 - phố Tràng Tiền hiện nay

Tòa Thị chính (Hôtel de Ville) thời Pháp khi mới xây xong (1898-1909). Lúc đó tầng hai ngắn không chạy dài theo suốt chiều dài của tòa nhà. Thường gọi dân dã là Dinh Xã Tây, đến thời Mỹ là Tòa Đô Chánh Sài Gòn - xây thêm tầng 2 chạy dài hết chiều dài tòa nhà nhìn bề thế hơn, sau 75 là Trụ sở UBND Thành phố Hồ Chí Minh đến nay.


Hớt tóc và lấy ráy tai dạo ở Hà Nội cuối TK 19, bên phải là 1 cụ lính khố xanh vừa ăn phở xong vừa đi vừa xỉa răng



 Nam kỳ - Vĩnh Long năm 1905 - Những người bán trái cây đang chờ ghe tới. Cô bác anh chị em ai ở Vĩnh Long xin xác nhận giùm đây là bến chợ nào, hiện nay còn không, xin cảm ơn ạ


 Nam kỳ - một khúc sông khoảng từ 1898 đến 1905 không biết chỗ nào, đang xác thực, hy vọng nó chính là 1 khúc sông Bến Tre


 Nghệ sĩ Năm Phỉ hồi thơ ấu (1916) và thời hoàng kim (1936)


 Sài Gòn xưa - Chợ Tân Định năm 1940 (xây năm 1926) và hiện nay

 Chợ Gò Công khoảng 1910 (xây năm 1898) - Sao có cụ nào mặc áo thun body trắng "mô đen" thế nhỉ ?  Chiếc xe đạp đòn dông nhôm Follis trong ảnh giờ còn giữ nguyên bản giá trị chắc cũng 50 triệu hơn 
Minh tinh Thẩm Thúy Hằng thời mới vào nghề năm 1957 - 17 tuổi (cô tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940 tại Hải Phòng, biệt danh "Người đẹp Bình Dương" do cô đóng phim đó chứ cô không phải người Bình Dương) - Ảnh chưa cổ nhưng thôi tạm xếp vào album này luôn


 Phụ nữ kéo ru lô cán đường ở Hải Phòng 1903. 

Tội nghiệp các bà các cô, tại sao nữ lại phải làm công việc nặng nhọc này, có rất nhiều ý kiến đưa ra, có người bảo do nam giới đã bị bắt đi lính hết, do nam giới làm chuyện khác....thực ra là do sự tính toán của những tay cai thầu làm đường người Pháp mà thôi, lương trả cho phụ nữ bao giờ cũng thấp hơn nam giới, nam giới tiền công cao hơn mà lại cứng đầu khó sai bảo hơn   - mà sự dẻo dai chịu cực chưa chắc đã hơn - công việc này không cần tốc độ mà chỉ cần bền bỉ


 Đường cái quan nối Sài Gòn và Chợ Lớn năm 1900, là đường Nguyễn Trãi hiện nay.

Những thông tin này do người đi trước tìm hiểu theo sử liệu và người đi sau tra cứu theo các bản đồ cổ + thông tin từ nhiều nguồn Việt Nam lẫn nước ngoài một cách nghiêm túc (tham khảo tài liệu của ông Trương Vĩnh Ký). Xin đừng hỏi là "Sao bạn biết?", "Bạn dám chắc không?" "Nếu tôi nói không phải đường Nguyễn Trãi thì sao?" ...... Nếu ai có cứ liệu của tấm ảnh này đáng tin cậy hơn của người đăng thì xin góp ý và bổ sung, người đăng sẽ lĩnh hội và cảm ơn.


 1. Chợ Vải (chợ Bến Thành cũ) nằm bên bờ trái Kinh Chợ Vải hay Kinh Lớn (kinh Charner) ảnh chụp năm 1866 (xây năm 1860) - đường trước chợ là đường Rigault de Genouilly, vị trí này nay là kho bạc Nhà nước TpHCM

2. Bờ phải - năm 1870, con đường bên bờ phải là đường Charner, đang thi công phố Charner
3. Lấp kinh - nhập 2 đường 2 bên kinh để làm đại lộ Charner năm 1887 - hướng nhìn ra sông SG, có thểthấy cột buồm và ống khói tàu thủy ngoài sông SG
4. Đại lộ Charner đã xong khoảng 1890, có đường tàu điện - nay là đại lộ Nguyễn Huệ - sau đó đập bỏ Chợ Vải (chợ cũ) để xây Chợ Mới ở vị trí khác (Chợ Bến Thành năm 1912), ảnh chụp hướng nhìn về tòa Thị Chính (UBND TP HCM hiện nay)
Ảnh: Émile Gsell
Tra cứu, diễn giải: Huynh Seldom

Lịch sử Lăng Cha Cả 

1. Ông Pigneau de Behaine còn gọi là ông Bá Đa Lộc (phiên âm Hán ngữ từ tên thánh Pedro (Bê đơ lô) hoặc ông Bi Nhu (phiên âm từ Pigneau), một giám mục người Pháp thân tín và được vua Gia Long trọng dụng, khi ông mất ở cửa Thị Nại - Quy Nhơn năm 1799, vua Gia Long tiếc thương đã cho đem thi hài về táng ở khu Vườn Xoài - Tân Sơn Nhứt (dân gọi là Lăng Cha Cả - có nghĩa là Mộ củaông cha (linh mục) lớn nhất) - là giao lộ Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa - Lê Văn Sỹ sau này). Nói thêm rằng tuy quý trọng ông Bá Đa Lộc nhưng vua Gia Long không theo Công giáo. 
2. Lăng Cha Cả năm 1866
3. Lăng Cha Cả năm 1867 - có xây thêm nhà nguyện nhỏ phía sau
4. Lăng Cha Cả năm 1890
5. Lăng Cha Cả năm 1960 - có mở rộng ra phía sau là một nghĩa trang Công giáo của quan chức hoặc người có công
6. Lăng Cha Cả năm 1966
7. Lăng Cha Cả hiện nay
Xin xem và cảm nhận lịch sử một cách khách quan - chân thành, đừng comment cực đoan, cảm ơn quý vị  . Nhiều ảnh gộp lại nên kích thước bị thu nhỏ, xin xem ảnh chất lượng cao hơn bên dưới ở phần comment.



 Bắc kỳ, những người đàn ông đánh bắt cá ngoài sông, năm 1909 (ảnh ghi chú Nam kỳ - Cochinchine là không đúng vì nón thúng và công cụ bắt cá của miền Bắc)

 Hà Nội - Bến xe kéo tay (pousse pousse) đầu TK 20
Hiệp biện đại học sĩ - Quan Khâm sai - Chánh sứ Phan Thanh Giản 1863. Hình chụp tại Paris nhân dịp ông dẫn đầu sứ bộ sang Pháp để xin chuộc đất.


Quê ông làng Bảo Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đậu cử nhân năm 1825, năm sau đậu tiến sĩ, ông là người đạt học vị cao nhất đầu tiên ở Nam Kỳ. Tính tình cương trực và thanh liêm, Phan Thanh Giản làm quan nhà Nguyễn qua ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và cũng từng bị giáng chức rồi lên chức nhiều phen....
"....Cho tới những ngày đầu năm 2008, Viện Sử học Việt Nam mới thống nhất kết luận rằng "Phan Thanh Giản là người nổi tiếng về đạo đức, có nhiều đóng góp trong lịch sử dân tộc; nên đề nghị tôn vinh ông, cho khôi phục, tôn tạo những di tích và những gì gắn liền với ông"; và đã được giới có thẩm quyền chấp thuận..."


Bác học Jean-Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký và một lớp học của ông khoảng 1865 (ảnh hiếm)

Ông sinh ngày 6 tháng 12 năm 1837 (tức năm Đinh Dậu, Minh Mạng thứ 17) tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre).
Học vị cao nhất: Giáo sư, Chánh đốc học đường tham biện Hậu bổ
Tài năng về ngôn ngữ xuất chúng, làm việc cho Pháp, từng bị ghép tội bồi bút cho Pháp, nhưng suốt đời ông chỉ mặc áo dài khăn đóng, và để lại cho đời - cho chính người dân An Nam nhiều tác phẩm khảo cứu giá trị, và hiện nay chính quyền cũng đã suy xét trả lại giá trị thực cho con người ông.
Năm nay là tròn 180 năm ngày sinh ông (Đinh Dậu 1837 - Đinh Dậu 2017)



 Chợ quê bán rau quả ở miền Bắc và miền Nam đầu TK 20


 Saigon - Tòa nhà Palais de Justice (Pháp Đình, tòa Thượng thẩm Saigon) năm 1895 trên đường Charles de Gaulle. Hiện nay là Tòa án nhân dân Tp.HCM nằm trên đường Nam Kỳ khởi nghĩa.

Tôi nhớ hồi 2004, bên Pháp có gửi công văn thông báo về việc quá hạn sử dụng của tòa nhà (quá 100 năm), họ trả toàn bộ hồ sơ thi công + bản vẽ cho VN và tuyên bố nếu tiếp tục sử dụng họ sẽ không chịu trách nhiệm.


Hình vẽ kiểu aerial view 3D của Sài gòn do đại úy hải quân Pháp Favre vẽ năm 1881, chi tiết đến kinh ngạc, ảnh gốc (scan lại từ hình vẽ) có kích thước 10.600 x 7.500 pixels, 300dpi (bằng 1 bức tường 4m x 3m) - dung lượng 35MB, tôi đã phóng to 4 vị trí chính lên cho dễ xem:
1. Bến Nhà Rồng đầu rạch Bến Nghé (lúc đó là Trụ sở công ty Tàu biển của Pháp)
2. Kinh Charner và 3 gian nhà của chợ Vải, lúc này chưa có tòa Thị chính (dinh Xã Tây - UBND TpHCM hiện nay) - kinh này sau bị lấp thành đại lộ Charner - đường Nguyễn Huệ hiện nay

3. Nhà thờ Đức Bà 
4. Ụ nổi khổng lồ của Thủy xưởng Arsenal (xưởng Ba Son sau này)
Hình vuông góc phải xa xa chính là thành Gia Định - ngay phía trước của Thảo Cầm Viên hiện nay.

Đoàn sứ bộ An Nam sang Pháp xin chuộc đất (3 tỉnh miền Đông bị Pháp chiếm) năm 1863, Chánh sứ Phan Thanh Giản ngồi giữa, ảnh này bị thiếu một người quan trọng: Thông ngôn Trương Vĩnh Ký. Ảnh: Emile Gsell — cùng với Án sát sứ tỉnh Quảng Nam Ngụy Khắc ĐảnChánh sứ Phan Thanh Giảnvà Tả Thị lang Bộ lễ Phạm Phú Thứ.


Bến nhà rồng 1882 (Công ty vận tải đường biển của Pháp là Messageries Maritimes xây dựng vào năm 1863 dùng làm nơi bán vé tàu và nơi ở cho các quản lý)



 Những người đàn ông cu-li kéo ru-lô cán đường (xe lu chạy bằng cơm) ở Sài gòn năm 1896, ở Hải Phòng thì toàn nữ kéo, ảnh snap từ đoạn phim nên hơi mờ


 - Tòa nhà của thương gia Wang Tai (王太 - Vương Thái) đang xây năm 1867

- Tòa nhà Wang Tai những năm 1900
- Trụ sở Cục Hải quan Tp. HCM hiện nay



 Vũng Tàu, Bạch Dinh năm 1910. Lúc này một phần Vũng Tàu có tên là Cap Saint Jacques (gồm 3 xã Thắng Nhất, Thắng Nhì và Thắng Tam), nghe ông bà xưa kể chuyện thường có nhắc tới "đi Cap", chính là đi Vũng Tàu chơi thời ấy.


 Chợ cũ Vũng Tàu (tức Chợ Cap), năm 1909

Bên dưới cái đồng hồ có ghi rõ Marché de Cap



 Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) - ảnh chụp 1 con đường đầu TK 20. Có một sự thú vị nhỏ: Trong ảnh ghi chú bằng tiếng Pháp: Route de Tivann, chính là đường Thùy Vân ("Tivann" do Pháp phiên âm từ tiếng Việt: Thùy Vân mà tiếng Pháp chữ H bị câm nên chỉ còn lại Tivann ...    . Trong một số ảnh khác thì Thùy Vân lại được phiên thành Ti-Ouan


 Route du Pont de Binh Loi - Đường qua cầu Bình Lợi (cầu cũ) đầu TK 20, chỉ có thể là Kha Vạn Cân (hiện nay) chứ Nơ Trang Long (hiện nay) khúc qua khỏi cầu nó ngoằn nghoèo lắm không thẳng thớm như vậy - La Jumantarie (hoặc Jumenterie) là chuồng nuôi ngựa giống (bên trái)

Saigon, người dân vui chơi Tết Nguyên đán (Canh Tý) - năm 1900, trên đại lộ Charner (Nguyễn Huệ)


Săn cọp ở Nam kỳ đầu TK 20


Citroen là hãng xe Pháp đầu tiên mở đại lý bán xe ở Saigon, năm 1901. Vị trí này sau đó là Khách sạn REX (xây dựng năm 1927), còn đại lý hãng Citroen dời về khu vực gần Diamond Plaza hiện nay, đổi tên là Saigon xe hơi công ty - bắt đầu cùng với người Việt liên doanh tạo ra loại xe hơi La Dalat - Made in Vietnam, sau đó nữa thì dời về số 37 Lê Thánh Tôn, Q1



 Saigon, Chợ Hóc Môn, khoảng 1890 đến 1910

Saigon, Chợ Bến Thành năm 1938, một góc chụp ít thấy



 Hà Nội, khách sạn Metropole (là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Hà Nội) lúc mới xây xong, năm 1901


 Bắc Ninh, các nhà sư của chùa Quang Minh, năm 1897. Ảnh đẹp và rõ như mới chụp hôm qua trong khi đã được chụp cách đây 120 năm.

(Nguyên ngữ caption: Bac Ninh 1897 - Bonzes de la pagode de Quang Minh)


Bờ xe nước ở sông Trà Khúc - Quảng Ngãi, năm 1926 - Hệ thống guồng quay dẫn nước sông vào ruộng làm toàn bằng tre . Người Pháp đã rất ngạc nhiên về công trình này và họ gọi là một nền công nghiệp - đăng trên báo Pháp luôn 

Nha Trang - Khánh Hòa năm 1926, những người phụ nữ đang phụ đúc bê tông


Tonkin khoảng năm 1930, Bến tàu Việt Trì - có chiếc tàu chạy bằng hơi nước đẩy bằng guồng


Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ và Vua Gia Long - Nguyễn Ánh, 2 đối thủ không đội trời chung nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam cuối TK 18. Đây là 2 chân dung đã được đánh giá là chân thực nhất về hai ông (được tái hiện từ những tranh vẽ xưa, tiền xưa, do Pháp vẽ, nhà Thanh vẽ)


Vũ khí của quân Xiêm bỏ lại lúc tháo chạy trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút (trên sông Tiền, TP. Mỹ Tho hiện nay), khi bị Nguyễn Huệ đánh cho tan tác vào đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785. Cây Kris (dao lưỡi lượn) ở giữa nhìn nổi da gà 

Đường từ Vũng Tàu đi Bà Rịa, đầu TK 20 (khoảng 1910)


Cây cổ thụ ở Biên Hòa, khoảng 1900, không biết ở khu vực nào (ảnh tô màu)



 Một góc phong cảnh Lái Thiêu, đầu TK 20



 Saigon, những người gánh nước thuê, năm 1920


 Saigon, gánh bán chè (hoặc cháo, bánh canh) của một gia đình, năm 1920, chắc không phải là phở hoặc hủ tiếu vì không có ống đũa và nồi nước lèo  
"Bắt giò" kho lưu trữ postcard của Pháp ghi chú nhầm, cùng ảnh "Người bản địa đánh trống" - khoảng 1920, mà 1 tấm ghi ở Tonkin Bắc kỳ, 1 tấm ghi ở Cochinchine Nam kỳ, theo mọi người thì ảnh này ở miền nào ạ ?

...............
PS: Hai ảnh chụp cùng địa điểm, cách nhau chừng 30' đến 1h, 2 người đánh trống khác nhau (Tuấn Hưng và Ưng Hoàng Phúc   )



Nam kỳ, những thợ săn trở về sau chuyến săn cọp, năm 1904


 Nam kỳ, những người bán da thú dạo trên đường phố Sài gòn, năm 1928 (số 1952 bên góc dưới trái là số thứ tự của bưu ảnh). Phía xa là nhà thuốc tây đầu tiên của SG, nhà thuốc Solirène, góc Bonard - Catinat (Lê Lợi - Đồng Khởi hiện nay), những người bán da thú đang đi trước mặt Nhà hát lớn SG.
Một cụ bà 82 tuổi, mặc trang phục có thể ở Trung kỳ, ảnh chụp đầu TK 20, cụ có bàn chân Giao Chỉ

Bắc kỳ, một cô gái đi bắt cua, đầu TK 20

Thời này khu vực Tonkin đã khá hơn thời cuối TK19, một số ảnh các cô ở Đồ Sơn cũng vậy, nhìn phốp pháp tròn trịa và khỏe mạnh, dù vẫn còn nghèo nhưng không đói



 Nam kỳ, chân dung một nam thiếu niên 15 tuổi điển hình, đầu TK 20
PS: Ngày xưa đen đúa và khắc khổ do lao động nặng không như bây giờ, ảnh các sĩ tử đi thi cũng vậy, khoảng 30 mà nhìn như 50
Saigon 1910, cầu Mống, Pháp ghi chú là "cầu Kha-Nhoi"   chắc có nhầm lẫn với "Khánh Hội" chăng ?


 Thảo cầm viên Saigon năm 1911, khu vực gần cổng vào

 Saigon, cha con người bán cỏ khô (cho bò, ngựa ăn), năm 1904

- Có ai nhìn ra cây cầu trong ảnh là cầu nào không, sao mình có trực giác chính là cầu Bình Lợi, do cấu tạo cầu bằng sắt bắt bu lông và nhìn khung cảnh ngoại ô ..... (các cầu sắt khác đa số là nội đô)

Sông Tam Bạc (Hải Phòng) nhộn nhịp, khoảng 1910

Không ảnh cảng Hải Phòng 1931

Người thiểu số ở làng Bobla, gần thác Bobla - Liên Đầm, Di Linh, Lâm Đồng, năm 1927

Saigon, lính thủy quân Pháp chạy xe gắn máy trên đường Catinat (Đồng Khởi hiện nay) năm 1946, chiếc xe là Harley Davidson 42WLA không yên sau (solo) xuất xưởng năm 1944 (đặc chủng dành cho quân đội, đặc biệt hộp sên nằm bên phải xe). Không biết ngã tư trong ảnh có phải là Catinat - Gia Long (Đồng Khởi - Lý Tự Trọng hiện nay) không


 Saigon, một người đánh xe ngựa mặc áo tơi, năm 1930
Bộ ảnh "Việt Nam 1850-1950" còn khoảng 5.500 ảnh nữa (đã post khoảng 150 ảnh)


 Bản đồ địa giới kiêm poster giới thiệu bản sắc 3 miền Việt Nam thời Pháp
Tonkin - Bắc kỳ, Annam - Trung kỳ, Cochinchine - Nam kỳ
Được vẽ bằng màu nước, đầu TK 20
VnExpress và một số trang khác đã nhầm lẫn tai hại, ảnh xưa ở trên của Wilbur E. Garrett chụp là ngã tư Thủ Đức, không phải ngã tư Hàng Sanh (Xanh)

PS: Cũng do lúc trước chưa xuất hiện nhiều thông tin đa chiều như hiện nay) và các cụ trên trang Bến Hàm Luông còn nhầm một số ảnh Bến Tre xưa huống chi lớp "copy & paste" sau này.



 Saigon, đường Rousseau năm 1911, hiện nay là đường Hùng Vương, khúc này chắc gần ngã 6 hiện nay, vì phía ngoài còn hoang sơ hơn nữa.
Đây là một trong những ảnh cực hiếm không có tại các trang ảnh ở Việt Nam
Nam kỳ, người Việt bản địa chăm sóc cá sấu (trong vườn thú công viên) ở Mỹ Tho, năm 1912


 Saigon, đường La Grandière năm 1910 và năm 1922, thời Mỹ là đường Gia Long, sau 1975 là đường Lý Tự Trọng đến nay, hình trên có thể thấy bv Grall tức bv Nhi đồng 2 hiện nay, còn đường chạy ngang ở hình dưới là đường Catinat, thời Mỹ là đường Tự Do, sau 1975 là đường Đồng Khởi đến nay.
Nha Trang, người chèo thuyền trên hồ, đầu TK 20 (không rõ là hồ nào, nhờ ai ở NT góp ý giúp, thank you

Phan Thiết, ngư dân kiểm tra và sửa chữa lưới cá trên bãi biển, đầu TK 20

Phan Thiết, thuyền đánh cá về neo đậu ở cảng, đầu TK 20


Nha Trang, một em bé vui mừng khi bắt được cá nhái lớn (cá xương xanh), đầu TK 20



 Nam kỳ, Chợ Lớn - người Hoa đang nhổ lông vịt, khoảng 1920. 

Có nơi lại ghi chú là ở Bắc kỳ Tonkin, cũng chưa xác thực được... hic


Bắc kỳ, một chợ bán lợn đầu TK 20, kho lưu trữ Pháp ghi chú ở Nam kỳ Cochinchine là không đúng vì nhìn trang phục và cách trói lợn rõ ràng là ở miền Bắc (miền Nam không trói lợn mà là cột he

Rảnh ghi chú lại 1 cái đơn kiện năm 1897 hôm trước đã post

Tổng Thạnh An (mình gõ nhầm thành "bổng" ) thuộc quận Thạnh Trị, Sóc Trăng hiện nay. Năm Bính Thân trong đơn là năm 1896, chủ nợ viết đơn kiện năm 1897 - lá đơn kiện này cách đây ngót nghét 120 năm !!!  giữ nguyên cách hành văn không chấm phẩy chỉ sửa vài chỗ sai chính tả nên đọc hơi mệt tý


Đầu TK 20 đã có câu đố ảo giác (postcard này in khoảng 1920) bạn thấy có bao nhiêu khối lập phương trong ảnh, 6 hay 7 ?

 Những em bé Saigon đầu TK 20. Cô bé ẵm em là mẫu nhí, cô còn xuất hiện trong nhiều ảnh khác nữa 
(Nguyên ngữ caption: Saigon - Enfants indigènes)

Nam kỳ, đầu TK 20, cụ bà bán bánh đúc, bánh mặn hay bánh hỏi ? (gâteaux de riz: bánh làm từ gạo)


Saigon, đường Nationale cuối TK 19, khoảng 1890, qua TK 20 (năm 1902) đổi tên là đường Paul Blanchy (tên thị trưởng người Pháp đầu tiên của SG), thời Mỹ đến nay là đường Hai Bà Trưng


 Saigon, tuyến xe lửa Saigon - Gò Vấp năm 1920 đang chạy dọc theo đường l'Église (đường Nhà thờ) - nay là đường Bùi Hữu Nghĩa bên hông chợ Bà Chiểu. Góc trên trái ra Đất Hộ (Dakao) góc dưới phải ra Lê Quang Định (hiện nay), ảnh chụp từ tháp chuông nhà thờ Gia Định ngay cua quẹo, số 280 Bùi Hữu Nghĩa hiện nay
Tứ đại mỹ nhân Hà thành năm 1930, từ trái qua, trên xuống: cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính Hàng Đẫy


PS: Thời đó mấy cô như vậy là đẹp lắm rồi, đừng so với bây giờ nhen 


Đồ Sơn, những em bé đang bắt cá ở bãi đá, đầu TK 20

Nam kỳ, một con kênh ở ĐB Sông Cửu Long năm 1929, tiếc là chưa xác định được ở tỉnh nào, cô chú, anh chị em ai biết về tấm ảnh xin chú thích thêm giúp ạ, xin cảm ơn

Saigon, những người phụ nữ đang đánh bài, đầu TK 20


 Saigon, chuồng voi ở Thảo Cầm Viên, đầu TK 20, hiện nay chuồng voi vẫn nguyên vị trí cũ
Saigon, đường Chasseloup Laubat, đầu TK 20, thời Mỹ là đường Hồng Thập Tự, hiện nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai

Saigon, cầu Sở Thú song song cầu Thị Nghè, đầu TK 20, cảm ơn một số anh em đã bổ sung chỉnh sửa thông tin bên dưới.

Saigon, một góc Sở Thú nhìn ra rạch Thị Nghè, đầu TK 20


 Saigon, đường Garcerie thời Pháp đầu TK 20, đến thời Mỹ là đường Duy Tân, sau 75 là đường Phạm Ngọc Thạch (khúc từ Hồ Con Rùa tới Võ Thị Sáu hiện nay, khúc từ nhà thờ Đức Bà tới HCR lại có tên là Blancsubé)

- Đường Duy Tân trong ca từ của nhạc sĩ Phạm Duy : 



.....Trả lại em yêu, khung trời Đại Học 
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát 
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát 
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt .......


 Saigon, Đường Blancsubé đầu TK 20, là đường Duy Tân thời Mỹ và đường Phạm Ngọc Thạch hiện nay - khúc từ Hồ Con Rùa tới Nhà thờ Đức Bà (tháp nước xa xa là HCR sau này)

 Saigon, tháp nước thời Pháp đầu TK 20, đến thời Mỹ là Hồ Con Rùa - chụp từ tháp chuông nhà thờ Đức Bà

 Nam kỳ, những người nông dân ở Tây Ninh, đầu TK 20

Nam kỳ, đầu kéo chạy hơi nước vận chuyển mía ở Tây Ninh, năm 1915, thuộc đồn điền Cam Tiêm của Pháp (vị trí nhà máy này hiện nay ở xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh)


- Saigon, nhà máy điện đầu tiên năm 1896 - ở sau lưng Nhà hát. Sau đó Nhà máy điện Chợ Quán (nhà đèn Chợ Quán) được xây dựng năm 1922, máy phát điện chạy bằng hơi nước với 5 lò hơi. Vị trí nhà máy toạ lạc tại số 8 Bến Hàm Tử, quận 5 hiện nay.

- Trạm điện dọc đường của CEE (Compagnie des Eaux et d’Électricité de Saigon - Công ty Điện nước Sài Gòn, thành lập năm 1900) đến nay vẫn còn thấy trên đường




 Hôm trước đã post ảnh sau lưng của một cô gái đi bắt cua ở Miền Bắc đầu TK 20, nay post luôn ảnh trước mặt cho đủ bộ 
Nam kỳ, chợ Ô Môn (Cần Thơ) năm 1900 và hiện nay (góc chụp ngược nhau)


Nam kỳ, một con đường làng ở Thủ Đức, năm 1909


Bắc kỳ, 2 cậu bé được giao nhiệm vụ đạp guồng bơm nước vào ruộng (chú thích tiếng Pháp ghi là "tưới lúa"), đầu TK 20


Một trong số rất ít ảnh quý hiếm về tỉnh Bến Tre thời Pháp

Trẻ em hái lá dâu tằm ở Ba Tri, khoảng 1900-1920




 Nam kỳ, Bến Tre. Những phụ nữ đang quay tơ dệt vải ở Ba Tri, khoảng 1900-1920

Nam kỳ, một tiệm giặt khô ở Lái Thiêu, đầu TK 20


Nam kỳ, Saigon

Một trong những bệnh viện lâu đời nhất Châu Á - Bệnh viện Quân đội (Hôpital Militaire) thời Pháp năm 1867, tại đây, nhà bác học Albert Calmette cho thành lập Viện Pasteur đầu tiên ở ngoài nước Pháp năm 1891, đến năm 1925 đổi tên thành Bệnh viện Grall, trên đường La Grandière. Từ năm 1978 đến nay là Bệnh viện Nhi đồng 2, số 14 đường Lý Tự Trọng.



Saigon, một cô bé đang giặt đồ, khoảng 1920, cục xà bông vuông trên bàn giặt là xà bông Marseille, lúc này chưa có xà bông cô Ba của ông Trương Văn Bền


Người Sài gòn đang chia tay Thương xá TAX sau 136 năm hiện hữu

Ảnh Thương xá TAX năm 1925 (xây năm 1880, lúc đầu tên là Les Grands Magasins Charner (GMC), qua rất nhiều đời chủ và thay đổi hình dạng.




 Hạ thủy tàu Albert Sarraut năm 1921 ở Thủy quân công xưởng Saigon (L’Arsenal de Saigon), sau 75 là Xí nghiệp Liên hợp Ba Son, từ 2014 đến nay là Tổng Công ty Ba Son


 Một số cảng ở Đông Nam Á đầu TK 20

Vietnam - Thailand - Singapore - Philippines - Indonesia



 Xây dựng đường cống thoát nước ở Sài gòn đầu TK 20



 Nam kỳ, Biên Hòa, bà cùng con gái và cháu ngoại đi chợ, 1910


 Bắc kỳ, Hải Phòng, những em nhỏ đi bắt cá ở Đồ Sơn, năm 1915

Nam kỳ, Vĩnh Long, chợ An Hữu cặp bờ sông, đầu TK 20 (Vị trí này xưa thuộc Vĩnh Long, hiện nay gần ngã ba An Hữu (An Thái Trung) thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)



 Nam kỳ, những người đánh xe bò ở miền Đông - có lẽ là Tây Ninh, đầu TK 20

Nam kỳ, đào kinh ở Đồng Tháp Mười bằng xáng múc cơ giới Gr. Picanon, khoảng 1919-1926


Tặng các bạn đồng môn - Bien Hoa École d'Art - Cao đẳng MTTT Đồng Nai - Trường mỹ nghệ tuổi đời hơn thế kỷ

Một số hình ảnh trường lúc ban đầu thành lập - 1903, bồn nước và đài kỷ niệm trước khuôn viên trường — cùng với Hoàng Anh VũGià Làng và Hoa Phuong.




 Nam kỳ, 'tỉnh' Biên Hòa đầu TK 20. Viên chức Pháp và vài khách người An nam qua sông Đồng Nai bằng đò năm 1902. Lúc này cầu Ghềnh xây chưa xong (1903 mới xong, 1904 khánh thành). Ngọn núi xa xa là núi Châu Thới, như vậy tấm ảnh này chụp trong khoảng giữa cầu Ghềnh và cầu Bửu Hòa hiện nay. Chiếc đò mũi bằng trong ảnh là tiền thân của phà sau này, những người đội nón lá là phu đò

(Tra cứu và chú thích: HMT)


Ga Đà Lạt năm 1938, năm 1970 và 2015

- Dự án xây dựng tuyến đường sắt từ Tháp Chàm đi Đà Lạt được toàn quyền Paul Doumer phê duyệt từ 1898 và khởi công xây dựng từ năm 1908 đến năm 1922, còn nhà ga được xây dựng từ năm 1932 đến 1938 thì hoàn thành. Công trình do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế. Người thi công công trình là thầu khoán Võ Đình Dung, với kinh phí xây dựng là 200.000 francs thời ấy.




 Nam kỳ, Bạc Liêu đầu TK 20, cầu quay thời Pháp (Pont Tournant) là cầu Kim Sơn hiện nay

Nam kỳ, khu vực bán trái cây ở chợ Trà Ôn, Vĩnh Long, đầu TK 20. Chợ này có kiến trúc cùng motif với các gian chợ Vải trên bờ kinh Charner, Saigon.


Bắc kỳ, một số nghĩa quân Yên Thế bị bắt và xử chém ở Quảng Yên, năm 1905, sau đó 3 năm lại đến vụ Hà thành đầu độc, một số công ty thông tấn của Pháp thời ấy đã cố ý lấy loạt ảnh này sửa ghi chú lại là cảnh xử tử các tử tội trong vụ Hà thành đầu độc 1908 (để bán được 1 lần nữa), một số trang mạng VN mình không tìm hiểu hoặc cẩu thả nên đã lấy nhầm ảnh này để minh họa cho vụ Hà thành đầu độc (loạt ảnh này có 5 tấm chụp ở các góc độ và thời điểm khác nhau tý)


Trung kỳ, thu hoạch muối ở Phan Thiết, đầu thế kỷ 20


Nam kỳ, chợ Tân Phú Đông (chợ Trung tâm Sa Đéc) đầu TK 20, là chợ Thực phẩm thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp hiện nay (được phục dựng lại theo kiến trúc chợ xưa chứ không phải giữ nguyên trạng)


Nam kỳ, Mỹ Tho, đường Galliéni năm 1900 và hiện nay là đường Trưng Trắc, khúc bến phà Tân Long. 

Ảnh này đã post hôm trước, tại hôm nay mình đi ngang khu này nên sẵn dịp chụp 1 tấm hiện nay luôn  , hai ảnh cùng vị trí cách nhau 117 năm 
- Cảnh quan thay đổi đôi chút, dòng sông vẫn vậy, những "cô cậu bé" chơi đùa ngày ấy, giờ nơi đâu, một chút lắng đọng để nghĩ về nhân thế ........ haiiiiiiiiiaaaa



Hà Nội, một cơn bão làm đổ ngã hàng loạt cây xanh quanh Hồ Gươm, ngày 9 tháng 6 năm 1903


Bắc kỳ (Tonkin), xay gạo làm bánh - hình ảnh cuộc sống đời thường điển hình, ảnh chụp khoảng 1920


Trung kỳ, khu vực bán gà thịt ở chợ Đông Ba - Huế, đầu TK 20. Hai chữ Hán góc dưới phải: An Nam


 Người Pháp đã lưu giữ và chú thích rõ ràng, vậy mà đăng lại chú thích bậy bạ  , không thèm coi sơ qua coi caption gốc người ta viết gì, bảo sao .... 

 Công trường xây dựng Le Théâtre Municipal de Saigon năm 1896 (Nhà hát thành phố Sài gòn), khánh thành năm 1900

Ảnh chụp cách đây 120 năm mà cứ ngỡ như hôm qua.... chất lượng ảnh và bảo quản tốt đến ngạc nhiên, file ảnh gốc kích thước 4000 x 3000 pixels, 150dpi.

Bắc Ninh, người thợ chạm khắc đồng và ông chủ của anh ta, năm 1897 (Đinh Dậu) - Làng nghề Đại Bái hiện nay. Ảnh: Firmin-André Salles



Một góc sông Hương - Huế năm 1934


Người dân xem đám tang vua Khải Định trên sông Hương - 1925



 Tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho là tuyến đường sắt đầu tiên của Việt Nam cũng là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương, được xây dựng vào năm 1881, đến 1885 thì xong.

Ảnh: Công nhân xây dựng đường sắt đoạn Tân An đang nghỉ giải lao, khoảng năm 1883


Vua Thành Thái và Toàn quyền Paul Doumer trong một sự kiện ở Hà Nội vào tháng 2 năm 1902

- Trong cuốn hồi ký về Đông Dương, Paul Doumer đã viết về người An Nam : "Điều không thể chối cãi được là những người này hơn hẳn tất cả các dân tộc xung quanh. Người Miên, Lào, Xiêm không chống được họ. Không một dân tộc nào ở đế quốc Ấn Độ có những đức tính của họ, phải tới Nhật mới thấy có một giống người tương đương. Người Việt và người Nhật chắc chắn thủa xưa có bà con với nhau. Cả hai đều thông minh, cần mẫn và can đảm". !!!!!????? 
PS: Paul Doumer sau khi "hết nhiệm kỳ" rời Đông Dương về Pháp sau đó thành tổng thống thứ 14 (1931-1932) của Pháp.



Một phố chợ ở Hải Dương năm 1900, sạch sẽ và ngăn nắp ghê  .Có thể nhận ra là phố nào hiện nay không các bác, ghi chú tiếng Pháp chỉ ghi ngắn gọn: Tonkin - Hai Duong. Rue Indigène (Đường của người bản địa)...hic


Các quan chức An nam chờ đón vua Khải Định tại cầu tàu cảng Marseille ngày 20-5-1922, để dự hội chợ thuộc địa Marseille (tổ chức ngày 21-6-1922)

PS: Lúc này có bàn ủi con gà rồi mà ta 
(Loạt ảnh này tổng cộng khoảng 30 tấm chất lượng cực tốt nhưng các trang thông tấn Pháp chỉ mới công bố vài năm gần đây)



Annam, Huế, một cô gái bán thuốc lá ngay lối vào khu Nhượng địa (khu phố Tây Huế), năm 1910s. Có bán chuối ngự nữa nhen bà con


 Nam kỳ, Bạc Liêu, trẻ em thi nhảy bao bố trong dịp Tết Đinh Mùi - 1907
(Cochinchine, Baclieu 1907 - Fêtes du Têt - Concours aux sacs)
(Cochinchina, Baclieu 1907 - Tet Celebrations - Bag jumping Contest)
Nam kỳ, bắc Cần Thơ 1910s

(Cochinchine, Can Tho, Bac et Passerelle du Bac)



 Annam, Huế. Thui một con bê để làm tiệc mừng trong lễ hội làng  , năm 1910
Thêm ảnh hiếm hoi về Bến Tre thời thuộc Pháp

- La maison commune d'An-Hôi - Nhà Hội đồng xã An Hội năm 1920 (chức năng hành chính tương tự như UBND xã, phường hiện nay, lúc này Thành phố Bến Tre hiện nay còn là xã An Hội của quận Châu Thành - đến thời Mỹ đổi tên thành quận Trúc Giang (tỉnh lị) của tỉnh Kiến Hòa). 
Vị trí Nhà Hội đồng này quay lưng về phía đình An Hội, đâu mặt vào chợ Bến Tre tức nằm ngay trên bồn phun nước trong công viên nhỏ trước chợ Phường 2 hiện nay


Mấy hôm nay vòng quanh thế giới, nay mình trở về nhà một chút  

VIỆT NAM. Sĩ tử đi vào trường thi Nam Định (có nơi ghi Hà Nam), khoa thi Nhâm Tý - 1912. 
- Ảnh dưới là quang cảnh trường thi Nam Định với các lều chõng ngăn nắp trật tự, giữa có chòi canh. Khoa thi này có bão lụt lớn giá lạnh - có sĩ tử chết cóng trong khi thi, tay còn nắm chặt quản bút, thật thương tâm




Nam kỳ, chợ Cần Thơ năm 1925

PS: Sau lưng có Nhà Hội đồng đâu mặt vào y chang như chợ Bến Tre xưa  Quy hoạch và kiến trúc Cochinchine thời đó hình như chung 1 motif




 Nhân vật đặc biệt nhưng ít thông tin nói về bà
Con gái út của Hoàng Hoa Thám - bà Hoàng Thị Thế (1901-1988) sau này đã trở thành một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng tại Pháp 
1. Cụ Đề Thám chụp ảnh cùng con gái út khoảng năm 1903
2. Bà Hoàng Thị Thế cùng mẹ (bà Đặng Thị Nhu) khi bị Pháp bắt ở đồn Chợ Gồ năm 1909
3. Ảnh chụp lúc bà 13 tuổi, được nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng nhận chăm sóc, năm 1914
4. Bà Hoàng Thị Thế lúc trên đỉnh cao sự nghiệp, năm 1938, bà cũng là diễn viên điện ảnh người Việt Nam đầu tiên.

Nam kỳ. Những người nông dân nghỉ xả hơi sau khi đập lúa, ảnh chụp trong khoảng 1900s. Hình ảnh này đến những năm 1980s vẫn còn nhưng cái bồ lúa đã cải tiến đóng bằng gỗ, bên trên dừng bằng phên tre hoặc lá xé (hồi nhỏ chơi năm mười thường trốn vào đây)
Nguồn: Facebook