Hà Nội một thời trai chinh chiến
Kính tặng các chàng trai Hà Nội
đi giữ đất biên cương phía Bắc,
biên giới Tây Nam
Tập thơ của đồng đội : Nguyễn Mạnh Hùng
THĂNG LONG
Thăng Long ơi chiều thu về phố cổ
Lưỡi gươm thiêng đã gửi lại Thần Rùa
Gió sông Hồng tiếng người xưa nhắc nhủ
Đất kinh thành vươn theo hướng Rồng bay.
Có một Thăng Long huyền thoại mãi sau này
Hồn đất nước sống trong từng viên ngói
Gạch tường thành rêu phong mờ sương khói
Điện Kính Thiên dân hợp lẽ đất trời.
Thăng Long ơi, Hà Nội em ơi
Nghìn năm tuổi, sức, trí, tình trai trẻ
Phố cổ xưa mãi mãi còn mới mẻ
Tâm hồn người yêu dấu đất Tràng An
Thăng Long ơi, xuôi ngược với thời gian
Hà Nội đẹp mùa hoa thơm, kết trái
Đường Thanh Niên dập dìu tình trai gái
Tượng đồng đen vững chãi nước non này.
Thăng Long ơi, sông núi hội về đây
Chiếu thiên đô rồng bay lên, gió cuốn
Tháng Tám xưa cờ sao vàng cuồn cuộn
Tiếng Bác Hồ vang vọng tới ngàn sau.
Thăng Long ơi, những năm tháng thương đau
Gồng gánh Kinh thành ra đi chiến đấu
Đất với trời lửa, đạn, hoa, xương máu
Lớp lớp trai đi mãi mãi không về.
Mỗi Hà dân trác tuyệt một bài thơ
Tháp bút tả thanh thiên, rùa ngậm kiếm.
GỬI NGƯỜI EM GÁI THĂNG LONG - HÀ NỘI
1.Anh
Giọt nước mắt rơi tan vào hồn đá
Giọt huyết hồng trắc nghiệm mảnh xương
Những linh hồn nghìn năm thất lạc
Tụ, tan vào nước mắt, máu em tôi
Những gì đây, chân Thành cổ xưa ơi?
Những vẹn nguyên đã đưa vào cổ viện
Mảnh gốm vỡ vẫn hiện hình lưu luyến
Lệ, huyết đào, son phấn... vấn vương trôi
Chân Thành cổ chiều nay một mình tôi.
Chàng trai xưa nhập vào thân hồn xác
Nghe rõ tiếng của một thời ly biệt
Anh nuốt tình, răng tự cắn dập môi
Còn bao nhiêu hồn phách dạt trôi
Đất trời Nam ấm vòng tay Mẹ
Thương mến lắm quãng đời trai trẻ
Vì lẽ gì hồn anh muốn xác tôi?
Thương nhớ ai hồn anh về tới nơi?
Chân Thành cổ một thời anh xao xuyến!
Con đường sỏi bánh xe lăn chiều muộn
Tuổi học trò, anh cũng giống hôm nay.
Quán lá bên sông
Nay sông cạn
Mảnh vỡ tình
la liệt đáy bùn đen.
Anh đã uống với ai?
Uống cho ai?
Uống lần sau chót?
Giọt rượu xưa đen xạm đất này!
Anh nhìn thấy Kinh thành ta bốc cháy
Ai đốt lửa quay đi, đầu không ngoảnh lại?
Cột gỗ mái trường oan khuất chẳng thành tro.
Đường kháng chiến gánh Kinh thành ra đi
Con ngựa nào bết máu người ngã xuống?
Các anh đi về đâu?
Phương Nam, hay phương Bắc
Phương Đông có biển xanh
Phương Tây núi đỏ;
Đất nước mình giặc giã ở bốn phương.
Anh nhớ lắm Kinh thành quê hương!
Nhớ người tình tắm sông về bên giếng
Anh đã kịp hôn trước giờ tiễn biệt?
Để em tôi thao thức đợi ngày về...
Những chàng trai của một thời đam mê
(Nghìn xác này gói trong da ngựa)
Những chàng trai đầu quân theo ngọn gió
Thổi tung trời, Đất Việt của ta ơi!
Các anh ép tình riêng,
Xa họ hàng, cha mẹ,
chào hàng sấu già
xa biệt em yêu
Các anh hôn lên những lớp rêu
Khoác chiếc áo Kinh thành
Lấy hồn trai Phù Đổng
Một hớp tình em:
cạn chén rượu Long Thành!
Mái đầu lính xanh,
tướng già tóc bạc
Những trận chiến trào dâng như ngọn thác
Bụi mịt mờ, khói toả những miền xa,...
Đã bao lần lửa cháy Kinh thành ta
Đã bao lần đoàn quân về như sóng
Đã bao lần những vòng tay trống rỗng
Đã bao lần em khóc mẹ, khóc anh...
Đã bao lần tóc bạc gọi đầu xanh,..
Đất nước mình duyên nợ các anh
Khói hương toả chiều nay chân Thành cổ
Khói xanh lơ, xanh một thời trai trẻ
Khói nhẹ nhàng như sống chết hồn nhiên...
2.Em
Em thân yêu! chưa kịp ướm chân giầy
Em mặc áo lụa là, yếm căng thắm đỏ
Em kéo anh vui chơi đêm trăng tỏ
Mơ mộng tình, thầm hẹn thắm nụ hôn!
Em đã cùng anh đi về phía Đông
Ngắm bình minh sóng nước sông Hồng
gió mặt trời lăn lằn lên mái tóc.
Anh nắm tay em tung tăng đến lớp.
Mái trường xưa thầy cũ chẳng quay về
Thầy cũng ra đi như tình anh gửi lại.
Cả một thời lưu lạc cánh rừng xanh?
Thầy quý mến em, thương yêu các anh...
Em đi về đâu trong những ngày ly tán
Em có chết mấy lần roi ngựa ác
Em có lạc đất trời, tỳ thiếp ở phương xa?
Mái tóc xanh,
da trắng, môi hồng
dáng em đẹp,
ánh mắt tình quyến rũ.
Có lúc nào quá khát đòi yêu?
Có lúc nào vì sắc tím ban chiều?
Em có thấy:
Những tấm thân:
gieo mình vào giếng cạn,
Chấm hết đời trinh tiết
đáy hồ Gươm
Trôi dạt hình trên sóng nước sông Hồng
Hay ôm hận
treo mình trên cành trúc
Thức tiếng gà nhao nhác, gió Hồ Tây?
Người ra đi thương xót em tôi
Em tôi khóc mấy đời ly biệt
Em tôi chết qua mấy thời loạn lạc
Em tôi cười bên sóng nước Hồ Tây
Ôi bóng dáng Kinh thành còn đây
Đã bao lần tiếng Thu về tha thiết
Đã bao lần sắc Thu vàng mải miết
Nhuộm cuộc tình thấm thoắt đá thời gian
Những linh hồn tan chìm vào lòng đất
Những linh hồn bị giam cầm nén chặt
Bụi thời gian, lũ lụt dội lên đầu
Hôm nay về đâu?
Hãy vờn bay trên Kinh thành lộng gió
Có khóc nữa không em? Thôi đừng khóc!
Thức một phần quá đủ bóng tình xưa
3.Tôi
Chiều hôm nay tôi vào chân Thành cổ
Ai vô tình nâng đỡ vượt tường cao.
Những bóng người tụ vào một góc
Bới tình em đau đớn quá chừng!
Nếu ngủ yên chắc em nín khóc?
Ôm hận tình vật vã mãi ngàn năm.
Tôi chỉ là người khách đến thăm
Vẫn dại dột như thời thơ bé
Dám leo trèo vào chân Thành cổ
Để chàng trai nào (bắt vạ) em tôi?
Em ơi, em cuộc đời sống có đôi
Thắm nụ hôn muôn chiều vào hạnh phúc
Nghìn năm rồi bao cuộc tình vũ khúc
Sắc tím trời nhuộm tím đêm đêm.
Xin tình anh, tình em êm êm
Để tôi về Ban mai hồng trên phố
Tôi sẽ viết đôi dòng chân Thành cổ
Vài nén nhang tự thắp bến sông Hồng.
Hớp rượu (tập tình) tôi nghẹn nấc bên song
Một lỗi hẹn ngàn năm còn bỏ ngỏ
Một nét đẹp Kinh thành em-dáng mẹ
Khắc khoải hoài ngửa mặt đón mưa lơi
Em ơi! em, có lẽ tôi mắc tội?
Cũng một thời ly biệt phương xa
Lần cuối cùng tình yêu không nói
Trong vòng tay tiếng gọi ...buông ra...
Có lẽ một phần hồn tôi ở đó?
Nặng chuyến tàu, tạm biệt lớp mồ xanh
Có lẽ nhiều lần tôi đi ngang
Đài dâng hương
đường Bắc Sơn nghiêng về Thành cổ
Có lẽ đôi lần tôi hít thở
Một linh hồn trôi lạc sống đòi yêu?
Cũng có thể một lần tôi quá liều
Đốt những bài thơ gọi hồn người bạn cũ....
Ơi em gái Thăng Long- Hà Nội
Ơi chàng trai chinh chiến hãy quay về
Em vẫn đó, vẫn sống chờ chung thuỷ
Môi tươi hồng, xinh đẹp mến yêu nhau.
HÀ NỘI MÙA THU 1978
Hà Nội mùa thu năm 78,
nước hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây trong xanh,
tường thành Thăng Long rêu phong cổ kính,
hoa sữa dịu thơm đêm về đường Nguyễn Du
câu thơ Kiều dần khô nước mắt.
Giặc dã lùi xa hiện dần lên trang sử,
mơ tình yêu khát vọng sống thanh bình.
Nhưng không. Lửa giặc cháy Tây Nam rần rật,
hồn Nguyễn Trãi hiện về nhắc hận ải Nam Quan
Trai Hà Nội ra đi bảo toàn hồn sông núi,
gió cuốn mặt đường lớp lớp lá thu bay.
Quên sao được những tháng ngày Lạc Thuỷ,
Hà Sơn Bình thao thức mấy đêm trăng
Nhớ dòng sông Hoàng Long mùa mưa,
Đêm không ngủ đón lũ về khủng khiếp.
Trai Hà Nội đến, đi lớp lớp,
áo binh nhì bạc phếch tháng tân binh.
Mẹ Âu Cơ, cha Lạc Long Quân,
lại đưa con xuôi Nam, ngược Bắc.
Gió heo may tháng Mười, mưa phùn tháng Tết.
Một sáng mờ sương đoàn xe qua cầu Long Biên tiến quân về ải Bắc.
Chúng ta đội ngũ lên đường dấn thân vào trận mạc,
vội bắt tay nhau hẹn ngày về Hồ Hoàn Kiếm,
đón gió sông Hồng, thổi bụi chiến chinh cùng hát vang bài ca Hà Nội
Trong đoàn quân điệp trùng năm ấy,
Ai về đâu, ai nằm lại chỗ nào ?
Quá hai mươi năm vẫn đôi lần thao thức,
nhớ nơi nào từng xa nhớ đất Thăng Long.
Chúng ta sống như cây rừng,
gió bão dập vùi, hứng bụi trần ai,
vẫn mãi mãi xanh tươi một thời trai trẻ,
mang tình yêu Hà Nội, yêu Em.
Chúng ta là nước sông Hồng cuộn trôi rồi trở lại,
bồi đắp phù sa, tưới mát đôi bờ.
Chúng ta chở cát xây thành
cho ngàn sau rêu phong mờ sương khói.
Hà Nội mùa Thu năm ấy,
trai Hà thành đi gió cuốn, rồng bay, rợp bóng đất Kinh kỳ.
***
Ra đi ngày ấy mùa Thu
Đói cơm, rộng áo bù xù tóc tai,…
Thế mà đã hai mươi năm
Cỏ già thay rễ, bạn nằm nơi đâu?
Lạy trời thêm nữa mưa ngâu
Hoàn dư nước mắt đất sâu ngậm cười.
Có thằng trong số chúng tôi
Vẫn sờn áo lính bụi trời đó đây
Vài thằng tạm sướng ngất ngây
Bỗng “thèm” nước mắt những ngày biệt ly
Vầng trăng con suối thầm thì
Đêm gác nghe tiếng hát ru âu ờ
Ta đi cha mẹ ngóng chờ
Cuối mùa hoa phượng tuổi thơ qua rồi.
RA TRẬN
Xa lắm rồi một chiều hoang chợ Đập*
Ngàn ngàn người đi đứng dưới trời mưa
Bước lên xe, nắm tay vào tuyến lửa
Không khóc mà sao em mắt đỏ hoe ?
Phố Vọng mờ sương đón tiễn đoàn xe
Thư rơi bên đường sớm nay mẹ khóc
Cửa sổ đóng, mọi người đang yên giấc
Cặp mắt nào sửng sốt dõi đoàn xe
Vai kề vai những trái tim tuổi trẻ
Hơi ấm nồng nàn thắp lửa cho nhau
Không một tấm hình để lại mai sau
Chỉ mươi phút đoàn xe qua Thành phố
Để lại ngàn sau hàng hàng bia mộ
Đốt nén hương trầm sưởi ấm hồn trai
Chúng tôi đi tuổi mười tám, hai hai
Vùi thân xác bên bờ sông nước đỏ
Lên cơn sốt trong chiều mưa, đêm gió
Đuổi quân thù máu đổ mặt trời loang
Đến tận cùng khốc hại của chiến tranh
Không thể khác, không thể nào khác được.
Sống, tàn, chết vì quê hương đất nước
Cái bi, hùng, hài, ngộ đến tầng mây
Những đứa con về Thành phố hôm nay
Lại tan biến vào dòng đời bươn bả
Đèn rực sáng con đường xưa không ngủ
Cặp mắt nào khắc khoải dõi người xe
***
Người mẹ bốn hai, tuổi còn rất trẻ
Đến bây giờ con mới hiểu ngày xưa
Đợi mòn mỏi, bữa cơm chiều thắp lửa
Lá thư nhoè con chữ gấp làm tư
Năm đôi ba lần kẻ đến người qua
Lời thăm hỏi thêm dầu đèn khắc khoải
Mẹ và em sống âm thầm chờ đợi
Cha và anh chinh chiến mãi chưa về
(Bốn vòng chết trên đầu xanh, tóc trẻ,
Đau tột cùng trút xuống mẹ, em ta)
Một thoáng rùng mình không thể hiện ra
ở nhà ta còn bao nhiêu nhà khác ?
Tiếng mõ chùa khóc than đời đen bạc
Khan khốc hoài, tháng tháng cúng hồn vong
Mẹ vẫn sống những tháng ngày hy vọng.
***
Đoàn xe đi êm êm, thuyền xuôi sông
Chiếc đi đầu nhớ thương ai dừng lại
Người lính về nhà xách ra chai rượu
Chất anh hùng đâu cần đến hơi men
Đêm ải Chi Lăng xóm vắng không đèn.
Vách đá dựng, người khổng lồ đứng gác.
Ngủ màn trời, sớm mai vào trận mạc
Đạn nổ ầm ầm, biên giới không xa
Gầm rú lên, một đoàn quân thiết xa
Người xạ thủ nhô đầu trên tháp pháo
Chào chúc nhau cố giữ gìn lấy “gáo”
Hoả tiễn chếch nòng tít hút vào đêm.
Rượu Nàng Hương truyền hơi ấm êm êm
Người lính già ôm vai chàng lính trẻ.
Con lớn rồi không sà vào lòng mẹ
Sương trắng mềm đâu phải tấm chăn bông.
Khói súng đen máu đỏ quện tanh nồng
Người chiến sỹ như ngàn xưa giữ đất
Người áo vải đuổi giặc thù giáp sắt
Trận long trời tan tác bóng chim muông.
Chiến tranh tàn, điêu hãy nói không không .
Đi bảy về ba, phố hoa phượng đỏ
Khóc lớn, mừng thầm sớm xuân đào nở
Ráng hồng chiều như máu túa chân mây
BỐN MÙA
Tôi vẫn nhớ những tháng ngày nơi ấy
Áo lính bạc mầu, cỏ úa tàn khô
Đói, rét đi vờ vật dưới trăng mờ
Đêm Tháng Chạp, lửa rừng thay chăn ấm
Tôi vẫn nhớ mùa xuân hoa đào mận
Nở sáng rừng, mặt lính tuổi hai mươi
Bước thấp, cao em khúc khích tiếng cười
Đến chợ thì nhanh, trở về thì chậm
Mùa hè đến rủ nhau vào rừng rậm
Qua kẽ lá thấy trời xanh cao tít
Bữa ngủ trưa kiến rừng toan làm thịt
Gối lá rừng cho giấc mộng hoàng lương*
Tiếng thập thình cối nước ở đầu nương
Gió bông đùa, hương rừng say ngây ngất
Sáng sớm mai, tưởng mơ nhưng là thực.
Giỏ cốm đầy ai để sẵn đầu song.
Đồng đội ơi những năm tháng trắng trong.
Muốn sống lại những ngày mùa như thế.
Xa lắc rồi, ai nghe mà kể lể
Tiếng cối nước vọng về, hương cốm ở đâu đây.
ĐỊA DANH
Những địa danh nghìn tư ngày nơi ấy
Những mái nhà sàn nương ngô cối nước
Tên bản làng đã trở thành thân thuộc
Trong nỗi niềm thương nhớ suốt đời tôi
Coòn Pheo, Coòn Coọng, Nà Đươi
Ngã ba Tam Lung có cây đào hoa trắng
Trái mận, quả lê trĩu ngọt vườn đầy nắng
Vầng trăng treo trên sóng nước Kỳ Cùng
Mẹ bảo anh là bộ đội Nà Bung
Em gọi anh là người Coòn Coọng
Ngày rằm nghe câu si, hát lượn
Xanh cốm, hương hồi khăn gói trao tay
Em dạy anh nói tiếng Nùng, Tày
Anh bảo em cách cầm cây bút
Cùng nhau hát dưới mái trường mới dựng
Mắt đen tròn trên trang giấy trắng thơm
Những địa danh không thể nào quên
Ngói máng, nhà sàn, nương ngô cối nước
Giặc thù còn rình mò biên ải bắc
Ta lập chiến hào trồng mới hàng cây
Nhớ Mẹ
Trên mũ người chiến sỹ viết:
“Núi cao nhớ cha, rừng sâu nhớ mẹ”
Gửi về mẹ mảnh trời thu mây bay
Kỳ Cùng uốn quanh, xanh xanh bờ bụi
Quả trám bùi, trái lê vàng xóm núi
Bà mế Tày nơi con vẫn đến thăm
Qua chùa vàng, chùa bạc Ăng Co Thom
Mùa Biển Hồ, cá tranh nhau mặt nước
Khăn cà ma uốn quanh rừng thốt nốt
Nước ngọt lành, mỗi sớm mặt trời lên
Nếu mai sau mở lại những con đường
Đưa mẹ thăm những nơi con từng đến
Triệu, triệu nén nhang, ngàn ngàn ngọn nến
Thắp sáng gọi hồn- đồng đội chúng con
Nhưng mẹ ơi, chiều mưa Bát -Tam- Boong
Dòng Săng- ke không biết gì đức hạnh
Đường tiếp vận quân thù đang chốt chặn
Cơn sốt rừng ức hận tuổi hai mươi
Đừng buồn nữa. Bạn ơi đừng tức tưởi
Chúng ta về đi, đứng dáng hiên ngang
Cố sống qua mùa khô An-Lung-Viêng
Rồi xuôi dòng trở về Tôn- Lê- Sáp
Hà Nội ơi, cùng nhau ta ca hát
Có dáng kiều mơ mộng phía trời xa
Cây gạo Ngọc Hà nở hoa Tháng Ba
Mùa lễ hội, Chùa Hương người chen lối
Cẩn thận nhé, những khoảng rừng sáng tối
Đến kịp rồi súng nổ khắp nơi nơi
Ta chiến đấu xua tan đi tội lỗi
Cho đất này ngọn cỏ lại hồi sinh
ĐỒNG ĐỘI
Ta bỗng nhiên gặp nhau là người lính
Một quãng đời hai đứa mãi không quên
Những cuộc hành quân mờ trăng
Bụi đỏ áo quần sương giăng giăng nhớ
Có những đêm hai ta cùng không ngủ
Trao nhau điếu thuốc ngắm trăng suông
Dáng Hùng cao gầy đi trong đoàn quân
Cần ăng ten lắc lư để cho mình nhìn thấy
Ngày trở về cái đêm băng rừng ấy
Trăng đỏ cuối trời mắt mình cứ hoa lên
Thương mình, Hùng trao gậy động viên
Đêm ngủ đồng ngô, đêm cuối đời quân ngũ
Hùng ơi nhiều lúc giật mình trăn trở
Kỷ niệm xưa đôi lúc cứ hiện về
Mình không ân hận gì những tháng năm như thế
Nhưng thoáng buồn cứ lảng vảng đâu đây
Hùng sẽ đi, đi xa hơn mình thấy
Hùng sẽ yêu hơn lửa đêm nằm rừng
Có một điều Hùng nhé đừng quên
Năm tháng trẻ trung chúng mình là người lính.
ĐIỆP VÀ HẠM
Chia tay nhau các anh vào Tây Ninh
Còn chúng tôi ngược về biên ải bắc
Khi lửa cháy ở hai đầu đất nước
Đã bao lần thần chết gọi chúng tôi
Điệp Hạm ơi, chỉ vài tấc nữa thôi
Các anh về mẹ và em mừng rỡ
Trang sách hay, câu thơ, bài toán khó
Vẫn đợi chờ hai đứa vạn ngàn năm
Bánh xe quay trên lớp mìn: ầm
Giấc mơ đẹp tung lên ngàn sắc đỏ
Điệp, Hạm ơi, các anh thành bất tử
Nhánh cỏ này xanh mát ở vườn hoa
TÌNH GẦN VÀ XA
Em đã đi qua mười mùa thu nước Nga
Hái củi khô rừng thơ Êxênhin
Nhặt lá vàng rơi vườn quê Puskin
Vẫn ngơ ngác nhớ chiều thu Hà Nội
Em bé bỏng thân cò lặn lội
Tuyết rơi rơi lấp trắng mấy dòng sông
Khao khát gì, bôn ba tìm lẽ sống
Lời thơ buồn vương vấn khói chiều xưa
Tôi đã đi qua nhoà nhạt mấy mùa mưa
Cánh rừng mùa khô, dòng sông nước đỏ
Giấu trong ba lô câu thơ dang dở
Đêm quân hành thương nhớ mảnh vườn xưa
Chiến tranh qua rồi để lại những giấc mơ
Vẫn hốt hoảng dù đầu giường dao dắt
Trong giấc ngủ vẫn trào dâng nước mắt
Lời thơ nào thấm tháp nỗi cô đơn
***
Trót vô tình về qua đường Thanh Niên
Bao dáng hình thon thả giữa mùa thu
Hoa cúc vàng trời xanh như quyến rũ
Thoáng trên đầu tóc bạc đã bao năm
Em ngày xưa tóc xanh cười duyên thắm
Đưa em về hoa sữa mấy mùa thơm
Không hứa hôn bởi ta còn trẻ quá
Anh lên đường ngơ ngác lá thu bay
Lại vô tình ngồi bên em chiều nay
Bài thơ cũ làm sao em yêu thích ?
Ai bù đắp những gì ta đã mất?
Trăng trái mùa vẫn chín nửa làn môi
Bây giờ em chờ ai chiều đơn côi
Lời nguyện nào chắp lại vầng trăng
Anh vẫn yêu một tình yêu trong trắng
Đón em về trong sắc nắng mùa thu.
TƯ LỆNH
Mười bảy tuổi theo đoàn quân Nam du
Đến bây giờ tư lệnh tá bốn sao
Vào chiến dịch ông mang theo kính lão
Căn dặn từng người trước cuộc hành quân
Tóc dựng ngược trước sa bàn chiến trận
Bàn tay sần tin cậy bất kỳ đâu
Đời tư ông- tấm màn sương yêu dấu
Chinh chiến hoài ngót ngét bốn mươi năm
Một buổi chiều trên hậu cứ Con-Đăng
Đoàn tải thương lính tráng về lăn lóc
Người ta bảo hằng đêm ông thầm khóc
Thương chàng trai dâng hiến tuổi xuân thì.
CHÍNH UỶ
Xắc cốt mềm chéo vai người chính uỷ
Mệnh lệnh đời ông cất giữ trong tim
Những bài ca ông thức viết hằng đêm
Lời tâm tình đến bao nhiêu chiến sỹ.
Bên Hồ Gươm nơi quê hương Chính uỷ
Đón giao thừa, hương khói cúng cầu an
Mẹ khăn chùng khấn vái nguyện lành con
Vợ yêu chồng không may thêm áo đẹp.
Trước chiến trận những con người gang thép
Đưa đoàn quân chiến thắng trở về
Có hậu phương dẫn tránh trận hồn mê
Bao người thân ngày đêm chờ, ngóng đợi
TRĂNG TRỐI
Anh nhắm mắt trong vòng tay đồng đội
Vết thương thù tàn phá tuổi hai mươi
Giữ bình yên, anh xung phong truy đuổi
Giặc điên cuồng, tuyệt vọng lẽ thường thôi
Áp tai gần nghe lời anh trăng trối:
“Con không về báo đáp mẹ cha ơi
Con chết trẻ hồn xanh cao vờn vợi-
cành sấu xoà xuống cửa phố nhà ta
Cho anh hôn vầng trán em, nơi xa
Gió vẫn đùa hương hoa thơm ngào ngạt
Ôm hôn em, anh ra đi biền biệt
Suốt hành trình chỉ có một tình Em
Hà Nội vào Thu lời rao êm êm
Sáng sớm ra con đã đòi quà cốm
Mẹ đừng buồn một lần con hái trộm
Búp sen hồng ao vắng xóm Từ Liêm”
TỘI ÁC
Cánh đồng hoang, đồng chết, Tuols’leng [1]
Giếng ngập thây người, xương phơi trắng xoá
Nơi diệt chủng, lính Ăng - ca đày đoạ
Man rợ tột cùng đâu phải binh đao !
Đến bây giờ tôi hiểu rõ vì sao ?
Người giết người cùng quê hương phum, sóc
Khi người chết không trở thành tang tóc
Thì óc người như óc thú rừng sâu
XUÂN 1980
Mùa xuân năm tám mươi qua mau
Chẳng mong gì xuân nay trở lại
Có phút giây khiến lòng tôi sợ hãi
Cùng đồng đội mình thấm đậm thương đau
Những cuộc hành quân đi giữa rừng sâu
Những chiều mưa rơi, sẫm xanh màu áo
Nơi cất giữ tình yêu, mơ ước khát khao
Nơi mùa xuân đến sớm lại đi mau
Để lại màu xanh, ngời trên sắc áo
Nỗi nhớ Thăng Long của người lính xa nhà
BA NGƯỜI LÍNH
Ba thằng chúng tôi vác nặng trên vai
Vượt qua núi cao nhiều đá nhọn.
Hùng bảo đi đường này
gần hơn, nhưng mệt đấy.
Tôi nhỏ gầy, Hợp, Hùng cao to
đến đỉnh dốc thằng nào cũng mệt.
Hợp, Hùng tựa lưng vào vách đá.
Sợ ngồi xuống là không muốn dậy
Rừng cây lặng im.
Vách đá lặng thinh.
Chẳng biết hai thằng nghĩ gì?
Nhưng riêng tôi chỉ mong sớm về nơi tập kết
Không có gió, nhưng hơi thở ngàn xưa của đá
phả vào tôi, như đứng trước máy lạnh bây giờ.
Bước chân dồn nhịp thở.
Chúng tôi xuống dốc nhanh hơn
như có ai vẫy gọi, đợi chờ.
Kia rồi, một nàng tiên trong cổ tích
Hay người đẹp xóm núi này.
Chào các anh, tiếng nàng trong trẻo quá.
Em nghiêng nón, rẽ cành cây
lấy về nón nước trong đầy, nhìn cũng mát.
Hùng, Hợp giục tôi mau uống để lấy nước đổ lên đầu.
Nàng tiên trong nón nước,
Mắt đen, môi đỏ, tóc bồng bềnh,
gương mặt dáng người đẹp như huyền thoại.
Em nghiêng nón, quạt mát cho chúng tôi
như mẹ quạt cho lũ con đi nắng trở về.
Hùng, Hợp phì phèo điếu thuốc ngủ lúc nào không hay.
Tôi say đắm, ngắm nàng tiên giữa thời trận mạc.
Gió bắt đầu thổi,
tôi nhắm măt xem có phải giấc chiêm bao.
Rồi hốt hoảng lay Hợp, Hùng đứng dậy.
Nàng đã đi rồi, bóng người nhẹ nhàng
trên con đường heo hút dẫn tới cánh rừng xa
Tôi hét gọi, nhưng Hợp, Hùng ngăn lại.
Biệt kích rừng còn lảng vảng đâu đây.
Hai mươi năm sau, gặp nhau.
Hai thằng vẫn cười hỏi tôi:
Lúc chúng tao ngủ, mày chia tay nàng tiên
sao chưa bao giờ kể lại?
Hùng, Hợp bảo đó là chuyện cổ tích giữa chiến trường
mà chúng tôi là người được mộng.
Riêng tôi đi tìm, không thấy nàng đâu,
suýt thì mất mạng.
Chúng tôi vẫn giữ nguyên kỷ niệm,
giấc mơ đẹp giữa chiến trường đầy khói lửa và biệt ly.
Phải chăng gặp em và ngụm nước thần phù hôm ấy,
để chúng tôi bao lần thoát chết trở về.
Phải chăng em, hồn kết lại
từ những cô gái trắng trinh, ngàn xưa đợi chờ người yêu chinh chiến.
Em hiện về nơi chân dốc, cánh rừng năm ấy phù hộ chúng tôi
Để thêm ba cô gái không lặng lẽ khóc thầm.
HOA PHƯỢNG
Trùm lên màu xanh khăn choàng đỏ thắm
Cháy giữa trời như lửa, hồng than
Dưới mặt trời còn rực rỡ thắm hơn
Tự ngàn đời vẫn mùa hoa phượng đỏ
Có cô bé nào ngồi bên cửa sổ
Ngậm cánh hoa đôi mắt ướt mơ màng
Tiếng ve vẽ vào nền trời trong sáng
Hát bài gì cho mỗi lúc xa nhau
Chúng tôi đi không kịp học kỳ sau
Chúng tôi đi trong những ngày dữ dội
Nơi tiếng súng, chiến trường vẫy gọi
Cánh hoa rơi trên tóc bạc của thầy
Cánh hoa rơi trên vai áo em gầy
Em thầm thì bên tôi tình tha thiết
Hoa phượng cháy trong lòng tôi da diết
Cứ chập chờn trong chớp lửa đạn bom
Chúng tôi về sau năm tháng chiến tranh
Bên cửa sổ mộng mơ nghe em giảng
Ve lại hát, reo lời ca trong sáng
Vui mừng hơn anh sắp cưới em rồi…
Cho tôi yêu, yêu trọn một nụ cười
Cho tôi gọi mãi tên em là phượng vỹ
Để tôi nhớ thương suốt cuộc đời chiến sỹ
Để màu hoa thắm đỏ sắc tình đời.
TIỂU ĐỘI
Người thứ nhất:
Trượt đại học em lang thang khắp nơi
Bốc vác Gầm Cầu, đạp mướn xích lô
Hai hai tuổi, đời giăng hai lưới khổ
Được trở về đi xuất khẩu “cu ly”
Người thứ hai:
Tao thợ hàn bậc bốn vội ra đi
Nhà cao tầng vắt mình trên giàn giáo
Vợ dại, con thơ, phiếu dầu, sổ gạo
Bố mẹ già biết nhờ cậy vào đâu ?
Người thứ ba:
Em mười ngày đại học y năm sau
Xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận
Tuổi thanh niên không có gì vướng bận
Anh hùng ca muôn dặm chốn sa trường
Người thứ tư:
Dân Hàng Đào thành phần sống tiểu thương
Anh chị em rộng dài đường ăn học
Tôi “Lê Lai” mẹ già buồn muốn khóc
Mắng mọi người, thương xót số phận tôi
Người thứ năm:
Sẹo cánh tay này ngày anh lên ngôi
Cai lũ đàn em chuyên câu cá trộm
Chán, bỏ “nghề” xung phong đi chiến trận
Chuộc lỗi lầm bằng chút “nghiệp” binh đao
Người thứ sáu:
Tôi ra đi mơ mộng một tình yêu
Đất nước mình chí trai oai hùng lắm
Xưa “Tây Tiến” nay Tây Nam ngàn dặm
Sóng Mê- Kông trôi dạt đãi anh hùng
Người thứ bảy:
Chính ta đây dân gốc phố Hà Trung
May vá , bán buôn, triền miên, lam lũ
Tổ quốc cần không đắn đo suy nghĩ
áo bạt này sương gió nhớ mang theo
Người thứ tám:
Bố mẹ em vất vả, Tứ Liên nghèo
Trồng cây cảnh, quanh năm trông vụ Tết
Xuân xanh còn mà đồng tiền mau hết
Mẹ bấm rau từng ngọn được mấy hào
Người thứ chín:
Tôi con nhà gia giáo phố ông Cao *
Bố vụ trưởng, mẹ nhà văn- hoạ sỹ
Bức tranh lớn vẽ người đi chống Mỹ
có một thằng bé nhỏ chạy theo sau
Người thứ mười:
Quê hương tôi không biết ở nơi đâu
Tuổi thơ bụi lớn lên trong phố chợ
Bom Mỹ dội đêm cuối năm man rợ
Phố Khâm Thiên, tội ác nợ muôn đời
Người thứ mười một – Tiểu đội trưởng:
Bảy năm rồi tao không phép nghỉ ngơi
Hai năm tuổi quân hàm già thượng sỹ
Năm bảy sáu * trót yêu con tướng nguỵ
Lý, tình đời không một chút xảo xiên
Đồng lòng đi ngày mai vào Pai Lin
Quyết một trận Tà Xanh gìn giữ chốt
Anh hùng ca không lúc nào mai một
Lãng tử oai hùng- chất lính Thủ đô.
CHIA LỬA
Lính Khâm Thiên:
“-Hãy để em đi, anh còn mẹ cha
Vợ trẻ, con thơ chẳng thể bơ vơ
Em “tự do” không còn gì mắc nợ
Cõi vĩnh hằng sau trước lại gặp nhau”
Lính thợ hàn:
“-Đừng làm thế khiến lòng anh quặn đau
Tuổi thơ em sống mờ trong phố chợ
Em phải trở về tìm cha, đón mẹ
Đừng để anh mang nợ suốt cuộc đời…
Anh em mình chinh chiến đến tận nơi
Chung lẽ sống cùng nhau chia cái chết
Đạo lý đẹp đời đời dân nước Việt
Đá xanh ngàn, trầu thắm đỏ trên môi”
XOÁ NỢ
“- Chúng điên dại hại ta mất ba người
Cướp đôi mắt của một chàng lính trẻ
Bắt được chín thằng xin đem bắn bỏ.
Chín con người run sợ, hết cuồng điên”
“- Anh nghỉ đi, đây thuốc lá Điện Biên
Xử chúng nó, lũ lầm đường lại giống
Giao chúng nó cho Hội đồng cách mạng
Đưa chúng về phum, sóc với người thân”
Cứu nhân dân ba chiến sỹ hy sinh
Vì đồng đội, suốt đời anh bóng tối
Nợ thì xoá, còn đây là lầm lỗi.
Chiến tranh tàn- điêu-đắng- hận- buồn- đau.
HÀNH HÌNH
“-Bắn toán trước, không biết toán phía sau
Chúng nó trườn lăn như rắn hai đầu
Luật sinh tồn, đớp mồi rồi ẩn náu
Thủ phạm, nạn nhân ngạo ngược kiếp đời
Chúng bâu lấy em mở bài đánh hội
Trận mưa đòn thù hận chẳng ai nguôi.
Thằng bị thương nhe hàm răng chó đói,
Man rợ thét gào kiệt sức mới thôi.
Em tỉnh lại, nồng nặc mùi tanh hôi.
Hùm mắc bẫy giữa một bầy sói xám,
mắt đảo điên, mặt thú người đen xạm
Chờ trực xé mồi, ăn sống, nuốt tươi.
Phí thừa đi ngôn ngữ các giống người
Thằng mặt đen mờ đưa em giấy bút
Em vội vẽ người đàn bà la hét
Nhìn con mình xé xác ở rừng xanh
Chúng nó liếm môi, mắt đảo hơi nhanh
Thằng bị thương cướp của em đôi mắt
Vẫn biết rằng mặt trời rồi sẽ tắt
Mà đêm trường, địa ngục sớm với em”.
BÌNH ĐỘ 400 *
Đêm tháng Năm vào Bình độ Bốn Trăm
Đoàn xe trôi êm êm, tầm đại bác
Thuốc súng tanh, lá rừng kêu xào xạc
Chúng no máu rồi không cắn nữa đâu?
Lắc lư xe quan tài vượt về sau
Máu dỏ xuống đường cuốn vào cát bụi
Lại xe quan tài vượt lên lầm lũi
Tốp thương binh bê bết máu mặt, mày
Đám cướp kia Thánh, Phật dạy ăn chay
Chẳng kiêng gì ngày Rằm, mồng Một !
Đạn cày xới đất tơi trồng cây tốt
Tưới máu người cướp, giữ đất biên cương.
Tư lệnh Hoàng Đan trận này cầm quân
Ông bảo rằng: Sống, chết, thời, vận, số !
Cả Trung đoàn ào ào như thác lũ
Bình độ Bốn Trăm bình địa trận người.
Những chàng trai sống, chết trận này ơi!
Mưa đổ xuống ông Trời tuôn nước mắt
Ơn nhớ mãi thân người đi giữ đất
Người trở về ăn, sống, ở ra sao ?
NHỮNG NGÀY QUA BẾN SÔNG GIANG
1.Bến Ngưu
Chiều qua bến sông Giang nhìn nước chảy,
ngắm ánh dương rơi rớt đá xanh ngàn,
nhìn người qua sông cho nguôi nỗi nhớ .
Có nhiều đứa tìm, xem con gái tắm.
Nó sướng thầm đến 20 năm sau mới chịu lộ
Cái “may mắn” làm cho tính ki- bo trỗi dậy.
Tôi cười : “Bạn sướng tựa tiên ông”.
Mõ trâu lốc- cốc rừng chiều Nà Bản,
cả một đàn “nghéngọ” qua sông.
Con đi đầu “trẻ trai” sung sức,
hất cái sừng kiêu ngạo xuống dòng xanh.
Nước trắng xoá cả một bầy ngụp lặn.
Chúng biết gì “cái án” đã kề bên.
Lính tắm trần la hét người bến sông,
mặt em đỏ cúi nghiêng trên bè mảng.
Con sông xanh bờ tre,
dòng sông cong eo em vẫn rì rào câu hát:
“... Có một thời trai trẻ bến sông Giang...”
Trâu vơi dần theo cái đói đoàn quân,
cứ hai ngày một chú ngưu về chầu Thần Lúa,
đám bọt bèo trôi trôi, dòng sông xanh sạch,
những khung xương “khủng long” nay hoá thạch.
Hoá đá hết rồi
một thuở sống “xa hoa”.
2. Bến Tử
Rồng cô đơn, rồng cực kỳ hung dữ.
Những cơn lũ ập về trôi dạt chiếc cầu phao.
Đêm tháng năm lội ra roi cát,
ngửa mặt ngắm sao trời ngân câu hát vu vơ,...
Con đường vòng không đi,
chúng tôi qua đường tắt
Trút hết áo quần vấn đầu, cuốn áo mưa.
Dòng sông rộng đến không ngờ,
nước êm êm dễ sợ
Sắp đến bờ mà nước vẫn cứ sâu
Tưởng là chết về bên kia biên giới
Vẫy đạp bừa gặp đá ở dưới chân.
Chàng tên Thống vừa đi uống rượu;
Đòi qua sông thưởng thức “thiên thần”;
Quê sông Đáy từng bơi như con vịt;
Không kịp rồi nước lũ đã cuốn trôi.
Thương tiếc quá một quãng đường chinh chiến;
Chàng nằm yên trên mỏm núi “Non Thần”.
Dòng sông dữ đã cướp bao số phận,
ngán Kỳ Cùng trôi đẩy phía trời xa.
Đã bao lần tôi dầm mình hốc nước,
bắt con cá trúng mìn,
mắt áp đáy dòng sông.
Tôi đã hôn lên từng tảng đá,
bứt quả doi rừng nguôi cơn khát đường xa,...
Người Tày,Nùng lặng thầm bến nước,
bóng áo chàm thấp thoáng rừng xanh.
Ta đã sống vượt lên trên số phận,
đành phải quen tiếng nổ rợn người
Lựu đạn liệng trong đêm, mìn cài trong lá,
quán nước ven đường án mạng biết vào ai?
3.Về quê hương anh Hoàng Văn Thụ
Một chiều Đông có hai người lính.
Hứng máu anh hùng hay tập tính thi nhân?
Súng chéo vai, gậy tre băng đồi, dốc
Bến sông ơi đêm hãy đón ta về!
Qua triền sông, cánh đồng sau vụ gặt,
khói rừng chiều êm ái quá em ơi!
Rừng mận đào môi căng muốn nở
Lá sau sau tía hồng hứa hẹn những chồi xanh
Sương sa xuống mưa bay lất phất
Gió rừng thổi từng cơn mát lạnh
Bạn chân giầy, tôi chân dép bước đi
Qua núi cao theo vết trâu đi,
rừng chiều vắng, người chỉ đường xa tít
Thương chân giầy, cõng bạn vượt suối nông,
hơi ấm trên lưng bây giờ còn ấm !
nếu đụng vào biệt kích,
bỏ mạng trên đường quê anh Thụ.
Xương tấp xương !
Trời gần tối chúng tôi đến thăm,
có con chó chạy ra hít, hít...
Ngôi nhà sàn năm xưa
Anh đi về cùng đồng đội
Cột nhà mốc, kẽ nhăn thớ gỗ tháng năm
Khói mái sàn nghi ngút trong mưa
Chủ nhà đón mời nhau bên bếp lửa
ánh hỏa hồng gương mặt mới thân quen
Cơm rượu- thịt trâu- rau rừng mời ăn
Chủ nhà hình như ăn rất ít
ôi vị ngọt bùi tình thân thiết
ánh lửa hồng soi Mế tuổi 80 .
Mế là em mẹ anh Hoàng Văn Thụ,
vết nhăn trên má vết nhăn cột nhà
Mế kể lại những ngày xa xưa ấy
Tiếng Kinh- Tày câu được, câu chăng
Con đã hầu chuyện một chứng nhân
Bước bậc thang nhà sàn
nơi người xưa ẩn mình làm cách mạng
Con đã nghe tiếng rừng chiều u ám.
Ngửi khói củi hương hồi, hương quế thơm thơm
Vị rừng đầu môi, đã trôi vào trong dạ
Thấy bóng người trong mưa,
hay Anh Thụ trở về ???
Vẫn tiếc rằng sau bao năm xa cách
Anh vẫn mong về lần cuối,
Lửa rực hồng tôi muốn ngủ qua đêm
Bạn bảo về, anh ta ưa kỷ luật
Nếu ở lại có thể gây tai ách
Biệt kích rừng lảng vảng ăn sương
Chia tay Mế, nhận chai dầu, cây đuốc
Cháy bập bùng, tôi ngoái lại tìm chi ?
Trong ký ức một đêm Đông xa lắc
Cho con thêm vài lần cúng Mế ở chùa quen!
Lối đi về theo vết chân trâu,
lửa chập chờn ẩn hiện rừng phương Bắc.
lửa chập chờn ẩn hiện rừng phương Bắc.
Có lẽ đêm nay,
giặc cũng say mềm bên bếp lửa nơi nao?
Cái sướng khổ- buồn vui- sống chết
Muôn kiếp đời thích sống - sướng -vui
Sông Giang ơi ! hẹn về không gặp bến,
cánh đồng đêm sương phủ trắng lấp trời.
Chúng tôi đi loanh quanh
“quẫy đạp” niềm hy vọng,
Tìm vào nhà dân theo ánh lửa hồng
Đêm đen đã biến ta thành tòng phạm
Cửa cài kín không ai thức mở
Chim lợn kêu tưởng vãi linh hồn!
Người dân sợ những lời dối trá
Đạn lên nòng tiếng “xoạch” chẳng ai ưa?
Người bạn sợ khi tôi gõ cửa
Tiếng “ngô, vừng” tuyệt vọng quay ra.
Chợt nhớ chuyện:
(áo lông ngỗng Mỵ Châu chạy giặc, nhớ chồng)
Tôi bảo theo hướng bã mía trên đường
sẽ dẫn tới bến sông
Vẫn may tuổi thơ còn ánh hồng ký ức
Chúa mỉm cười cho chúng tôi bè ở bên này
Sao lại thế? - bởi bên kia ít người
đò bè thích bến đông !
Chúng tôi qua sông nước lạnh vỗ về
Gió nửa đêm như thằng quái ác
Đuốc tắt phải dừng che áo bật diêm
Tháo bấc tiếp dầu làm đường dài phía trước
Hai chú lính chập chờn qua giốc đá cheo leo
Về đến lán chỉ còn que diêm cuối
Đuốc sắp cạn dầu,
tôi lạnh người hơn cả đoạn đường xa!
Bao năm trôi qua
Tình người quê anh Thụ:
Đón tiếp ân cần, nhân ái rất thâm sâu
Họ chính xác diêm- dầu đoạn đường về tiễn biệt
Có những lời không nói để nhớ nhau.
4. Bến oan hồn
Cuộc hành quân mật danh M 79
Gấp khúc biên thuỳ “diễu võ, giương oai”
Mìn muỗi nổ đùng đoàng “vui” pháo Tết
Đám ma rừng nhăn nhó khóc ời ơi.
Chúng tôi cười khoác súng ống rong chơi
Qua vườn đào hoang vào nhà vắng chủ
Đêm vô hồn tự ru mình giấc ngủ
Sáng thót người -chính giữa bãi tha ma
Nhớ rồi! ai ơi ới trong mơ:
Bóng oan hồn đuổi nhau xô tôi ngã
Không dậy được, qua một ngày vất vả
Người- ma ơi lính tráng nửa “ma người”
CỤ VÀ BẬP
Người lính Mường Bùi Văn Cụ to cao
Vào chiến trường rượu trắng xách cả can
Giữa hai trận xếp bằng nhâm nhi rượu
Phơi áo quần tượng đá dám thi gan ?
Bập yếu gầy đi cùng đường gian nan
Chữa khí tài giữ làn mưa lửa đạn.
Quê Gia Lâm, xóm Bát Tràng, Đa Tốn
Khói đốt lò gốm sứ vẫn xung thiên
Cụ gọi Bập sang hầm uống rượu tiên
Vừa chạm chén, pháo nổ tan chỗ cũ
Bập bảo rằng: suốt đời tao ơn Cụ
Chén rượu này qua chín tử, mười sinh.
TUẤN TRẮNG
Tuấn chợ Hàng Da bạch diện thư sinh
Gái Điềm He xinh xinh, xin “chết”
Cây trổ hoa, tình yêu trên hết
Cưới người tình trước lúc Tuấn ra quân
TUẤN GẠO
Tuấn Từ Liêm vóc dáng chú gấu đen
Đánh giặc giỏi, trèo cây rừng cũng giỏi
Tuấn khoẻ làm, hay cười không khéo nói
Che chở cứu người, lửa đạn mưa dông
Tuấn trở về ghì lái chiếc công nông
Đất, cát, sỏi, xi măng, gỗ, thép
Trong lồng ngực một trái tim tươi đẹp
Yêu cuộc đời này như mẹ yêu con.
KIM CHỈ
Lẽ ra xe chỉ luồn kim
Người tình vá áo, biết tìm ở đâu ?
Đứng chân ở giữa rừng sâu
Con trai kim chỉ -Thị Mầu tụng kinh
Ngón tay dỏ máu vô tình
Đường kim nguệch ngoạc ra hình chữ chi
Quần rách rộng bước chân đi
áo rách nắng gió, da bì, tóc sương
Bạn cười xấu hổ soi gương
Tấm hình dĩ vãng nhớ thương một thời?
CẢM XÚC BAY ON *
Tôn Lê Sáp, mênh mang tha hồ bơi
Thời loạn lạc nét cổ xưa hoang dã
Đáy trầm tích, nổi lên bao buồn bã
Mùa Biển Hồ giác ngộ các sinh linh.
Tượng Bay- on nuôi đời sống tâm linh
Bốn mặt người mỉm cười nhìn bốn hướng
Người xưa muốn Ăng co đời thịnh vượng,
Tiếng chuông chùa vang vọng đến ngàn năm
Vũ nữ xinh, người tạc tượng giam cầm
Gửi lại đời sau tấm tình bằng đá
Nét tài hoa, đôi tay sần vất vả.
Áp-sa-ra về non nước hồi xuân
Đá bóng lên theo cung bậc thời gian
Cảm xúc đẹp mỗi thời xa vắng khác
Những người lính đến đây như trẻ lạc
Ngắm tiên nữ tội trần, ngửa mặt khát mưa rơi
Chúng tôi đi làm nghĩa vụ cuộc đời
Gìn giữ Ăng Co, hình hài đất nước
Trả lại màu xanh, cánh rừng thốt nốt
Buông lưới chài, Tôn- Lê- Sáp, Mê- Kông
SỐT RÉT
Ruồi rừng Cu-leng, muỗi đồng Cam Pông
Rét run người nóng như đốt, như thiêu
Cơn mê sảng anh gọi tên người yêu
Đợi anh về ngày tàn phai chinh chiến
Con thuyền nhỏ Hồ Tây chiều lưu luyến
Mái chèo khua mặt hồ lăn lăn sóng
Theo người lớn đi suốt mùa cá cóng
Cá không về rét mướt chạy theo sau
Nắng tháng sáu bát canh rau dầm sấu
Cây đa già trút lá suốt mùa đông
Em thơ ngây cặp sách, tóc nơ hồng
Học chung thầy về cùng chiều phố nhỏ
Dòng sông Hồng một đêm trăng sáng tỏ
Dát ánh vàng lấp lánh tới bờ xa
Gió bay tóc em, anh nhận mùi hoa
Gói khăn tay thêu hình chim hạnh phúc
Cháy mất rồi trận mùa khô Xa- Mát
Anh mình trần về chân núi Bà Đen
Tràng Tiền ơi gửi tới những que kem
Hương tóc em làm anh nguôi cơn khát
Anh gắng gượng qua mùa khô nóng rát
Vượt sông Stưng Xen về lại Bờ Hồ
Hà Nội mình đang độ giữa mùa Thu
Hoa cúc vàng bồng bềnh trên đường phố.
LẠC RỪNG
Vết thương nhẹ đường dài thành khốn khổ
Lỡ nhịp rồi không theo kịp đoàn quân
Đêm hoang vắng nơi anh tạm dừng chân
Túp lều xiêu chuyện tình yêu cổ tích
Dấu vết này dường như không có địch
Người đi xa rồi, nấm mốc rêu phong.
Lương khô anh còn, bi đông nước trong
Bữa cơm chiều qụa rừng kêu dáo dác
Mắc võng nghi binh, anh nằm chỗ khác
Súng, đạn trên nòng sống chết kề bên
Đêm cô đơn, anh thức, ngủ triền miên
Sợ ma hơn người, thú rừng hơn giặc
Đêm thức, ngủ là đêm dài dằng dặc
Bình minh lên, anh chớp mắt lặng im
Đống xương người kia, nháo nhác tiếng chim
Nhắm mắt, trườn đi thoát khỏi tầm nhìn.
Lại một người tóc dài rối như điên
áo quần rách như người rừng tiểu thuyết
Tay chỉ ba lô, miệng kêu Nam, Việt
Anh hiểu rồi, họ đói muốn xin ăn
“Từ hôm nay mình lại hết cô đơn
Có người dẫn đường tìm về Siêm - Riệp
Người trốn vào rừng tránh xa cái chết
Gặp người lạc rừng, sống chết có nhau
SÔNG ĐỰC
Về Chi Ma theo đường lá sau sau *
Bụi chẳng bay xa, bụi phủ xuống người
Mắt trong sáng, má mồ hôi “rớm máu”
Ngang dọc biên thuỳ chinh chiến cuộc chơi
Dòng sông trũng, đá mòn ngàn ngàn tuổi
Đại đội tắm trần vùng vẫy mê ly
Nước mơn man, bờ đá trắng cọ kỳ
Vách đá dựng, cây rừng không xấu hổ
Dòng nước chảy, tan loang màu bụi đỏ
Đại đội lên bờ, nước lại xanh nguyên
Đá liệu còn trong trắng chính chuyên?
Nước vẫn chảy ngàn đời không biết mỏi.
NGƯỜI TÌNH CHUNG THUỶ
“Em lẩn trốn lời thầm thì ướm hỏi
Tránh nhiệt tình gần gũi tuổi thanh xuân
Bạn cùng lứa vui chồng con sớm tối
Em vẫn chờ, tin đợi một tình anh
Người đàn bà, con gái thời chiến tranh
Nụ hoa lớn, búp chồi non trước lửa
Vui cười đấy mà lo âu ấp ủ,
cả cuộc đời khiên, mộc bước người đi
Ngắm hình anh thầm đọc những trang thư
Chàng trai trẻ tươi cười cùng đồng đội
Xa vắng em xin anh đừng vấp vội
Lửa duyên tình vương víu lối anh qua
Mùa xuân về em nhớ tới tháng Ba
Anh dối mẹ đưa em đi lễ hội
Qua gờ đá, anh dang tay hứng đợi
Sợi dây rừng xoắn xít bện vào nhau
Hành quân xa chân anh đừng có đau
Nhớ mắc mùng tránh muỗi rừng, sốt rét ?
Em mong ước hoà bình về trước Tết
Anh nguyên lành bên mái phố thân yêu
Bài thơ tình anh viết tặng người yêu
Lính chiến gì dáng thư sinh yểu điệu.
Em không viết những câu thơ còn thiếu
Anh hay đùa, “thương a lính tình tang”
THƯ TÌNH CỦA LÍNH
Con đường phượng đỏ me vàng
Bằng lăng tím, ve kêu vang đất trời
Mến yêu kỷ niệm một thời
Mơ màng ánh mắt em tôi đến trường
Màu hoa, ánh mắt vấn vương
Theo tôi đi khắp nẻo đường binh đao
Đỏ, vàng lửa khói chiến hào
Hoàng hôn tím, đêm đen bao cửa hầm
Cỏ non đã kịp nảy mầm
Chiều mưa biên giới tôi thầm nhớ em.
**
Anh nhớ kem mùa đông Hà Nội
Em nhớ ngày hạ trắng bán chăn bông.
Em yêu thích Hồ Tây, quán Gió
Nhà cao tầng nay khuất bóng mặt gương
Em có về thăm hoa Ngọc Hà không nhỉ ?
Gạch lấp vùi, hồng cúc hết kiêu sa
Những con đường sáng đèn cao áp
Trăng non- già ra bãi cát sông khuya
Hà Nội đẹp trong mơ, đẹp trong ký ức
Đẹp giữa ban ngày “bịt mặt” sạch cho nhau
**
Chúng ta có một thời kiêu, đắng
Có những ngày Hà Nội dưới mưa bom
Chúng ta vui trên những con đường
Buổi ban mai leng keng tầu điện
Trong mắt anh, em một lần xinh diện
Dáng kinh thành tha thướt trút mùa thu
Em đã đi trên con đường hoa sữa ?
Dẫu lẻ tình cũng bớt chút cô đơn.
Êm bên tai lời rao hương cốm
Tiếng xoáy tròn trong ký ức thương yêu
Những chiều đông đìu hiu
Gánh hàng rong gợi tình về phố cũ
Có đêm nào em nhớ ai không ngủ ?
Nghe tiếng sóng sông Hồng mê mải dưới chân đê
Những ngày anh ra đi
Mong nhớ lắm, vầng trăng bên cửa sổ
Khao khát quá một nụ hôn bé nhỏ
Bóng người tình nhoà nhạt núi mờ sương
**
Anh cùng em đi trên con đường
Em học ở trường, anh chơi trên phố
Nhà em ăn gạo sổ
Bố mẹ anh rau lúa bãi sông Hồng;
Anh giúp mẹ làm vườn mờ mịt chiều Đông
Những buổi sáng xếp rau lên tàu điện
Mẹ mua cho bánh cốm
Anh suýt ốm đòn trong những cuộc chơi...
Thế rồi nước sông trôi
Bồi đắp phù sa nuôi anh ăn học
Bút gẫy trên giảng đường điềm gở chiến tranh
Ngày anh đi em sắp biết mùi hoa sữa?
Lớp lớp trai lên đường, em gọi: anh ơi!
Nam chinh Bắc chiến kiếp kiếp người !
Nơi thiên cổ vẫn nhớ về Hà Nội.
Có lúc nào em thấy mình mắc lỗi:
Một chút gì sơ suất với nghìn năm
Một lỗi lầm bé nhỏ với Thăng Long?
Đến thăm mẹ anh nơi bến bãi Sông Hồng
BAN MAI
Năm năm rồi đêm với thực là đêm
Ngọn đèn mờ soi vết thương chiến sỹ
Đêm đen mềm ru rờ vào giấc ngủ
Trăng hạ tuần mờ méo xuống mặt ta
Lính Hàng Đào khe khẽ hát bài ca
Về Hà Nội, đoàn quân đi như sóng
Lính sinh viên vẫn thói quen mơ mộng
Hà Nội, Em ơi,… một trái tim hồng
Đêm Thiên hà tĩnh lặng cõi hư không
Núi khắc nghiệt, rừng đồng minh cái chết
Đêm hắc- ín nuôi dưỡng mầm huỷ diệt
Sao trời ơi bừng cháy sáng lên đi
Khe khẽ chân người đổi gác thầm thì:
- Dậy đi em, ngoài trời ba giờ sáng
Nhìn phía đông một vầng mây trăng trắng
Thần Ban Mai thức dậy với ta rồi.
VỀ THĂM ĐẤT BINH NHÌ
Hai mươi năm trước một sáng mùa thu,
trời trong xanh mà nắng không dịu ngọt.
Hơn một 1000 người tiễn đưa 42 sinh viên lên đường nhập ngũ.
Chẳng ai vui trong những phút giây này.
Người xưa nói: “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.
Khi lửa cháy ở hai đầu đất nước,
máu vẫn đổ liên hồi trên mảnh đất biên cương.
Tôi 18 lẻ một ngày, đứa lớn nhất chớm vào 21,
học ở các khoa, các khoá trong trường.
Tôi đã khóc không phải vì hèn nhát,
bao người che nước mắt lặng thầm.
Thằng Đồng cùng lớp nắm tay tôi xúc động
“Hùng ơi đi đừng chết trở về”
Chúng tôi biết những tháng ngày phía trước,
là dằng dặc đau thương, biệt ly khắc khoải đợi chờ
của những người thân yêu, của những mùa hoa sữa.
Ngày mai trên giảng đường,
bàn học trống, điểm danh không tiếng có,
những chiến trường thêm tay súng xung phong.
Tuổi còn trẻ chưa biết yêu,
chưa kịp hôn nhưng nhiều nỗi nhớ, lắm mộng mơ.
áo lính xanh như màu xanh tuổi trẻ,
chúng tôi lên đường trong tiếng gió thu reo.
Nơi chúng tôi ở, trèo qua quèn Mu đi vào chợ Đập,
cô gái Mường nước ngập đến eo mà không ướt váy.
Ngắm nhìn các em in trên dòng suối,
nước lung linh và ánh mắt đung đưa,
một biệt hiệu cho thằng Quang ti-vi là thế:
những biệt danh Nhàn lô lô,Thư xã đội,
Xuân chi điền, Bập bùng, Hợp cóc,
Cường quái và cả Chuông lưu manh.
Bãi tập bắn có đồi sim chín mọng,
tím răng môi nhớ mực tím học trò
Những buổi chiều êm ả cuối thu,
trên bãi cỏ xanh nghe gió rừng xào xạc,
ngửa mặt nhìn trời theo làn mây trắng,
đọc cho nhau nghe những đoạn thơ hay,
bịa chuyện yêu đương như là tiểu thuyết.
Ba tháng sau, cứ từng ngày, từng ngày,
đại đội tập trung nghe gọi từng người
đứng ra một hàng lên đường làm nhiệm vụ.
Tôi nhớ một chiều tháng Mười,
dưới chân núi “con rùa kéo con chuột”
chia tay đồng đội vào biên giới Tây Nam.
Cuộc đi chiến trường lặng thầm sau này với tôi trở nên quen thuộc.
Ai còn, ai mất hiện ở đâu?
Bốn mươi hai sinh viên sau ba tháng chia đi nhiều ngả,
khắp nẻo đường đất nước có chúng tôi.
Bập, Hợp, Hùng, Cường ở lại sau cùng:
đi Lạng Sơn trong những ngày ác liệt.
Tạm biệt làng quê, núi đồi, các mẹ, các em,
nơi chúng tôi ở những ngày đầu đời lính, nhiều kỷ niệm yêu thương…
Để rồi 20 năm sau, 11 thằng cùng nhau trở lại,
cũng một ngày tháng 11 như xưa.
Số phận đã mỉm cười, chúng tôi đi qua chiến tranh rồi trở lại.
Hôm nay mỗi thằng mỗi số phận, buồn vui, giàu có, khó nghèo
mà vẫn như lính ngày xưa cười đùa, châm chọc.
Chúng tôi nhớ con đường thân quen
dẫn đến mái nhà ngày xưa từng ở,
Quèn Mu sỏi đỏ, đập nước rêu xanh,
những ông, bà người còn người mất,
những thanh niên tuổi như chúng tôi ngày trước
lắng nghe chuyện cổ tích:
bộ đội ở nhà dân, bộ đội đi chống lụt, bộ đội đuổi gà.
Một cháu trai 19 tuổi hỏi tìm kỷ niệm về người cha thuở ấy,
giọt máu bộ đội mình để rơi trước khi đổ máu ở chiến trường.
Chúng tôi hứa tìm lại cội nguồn để cháu còn hy vọng.
Hai mươi năm quãng thời gian không ngắn
Chỉ có nửa ngày đi tìm kỷ niệm.
Và vẫn dưới mái tranh chúng tôi ngồi ăn sắn,
nhắc lại chuyện xưa rồi hát khúc quân hành.
Tôi tìm chỗ tôi ngủ trong căn nhà ông Nhiếp,
nơi để súng, ba lô, rẽ cỏ cây tìm về lối cũ.
Thằng Hợp tìm cây ớt từng sưởi ấm bữa cơm chiều đông muối nhạt.
Anh tìm lại các em ngày ấy, tuổi 17, 15 rất đẹp
Người lính trẻ như tôi đùa nghịch,
Thao hay gọt cho anh ăn quả gì chua ngọt,
Mơ bảo đầu anh Hùng như trái gáo còn xanh.
Bờ giếng đầu làng muộn một chiều đông,
Nhạn và anh đùa nhau té nước,
em dỗi hờn vẫn nhường anh tấm khăn lau mặt,
áo em ướt rồi khăn anh giữ một mùa trăng.
Hai mươi năm những mong về gặp em,
Nhạn,Thao, Mơ đi lấy chồng anh không gặp mặt.
Thôi cứ để kỷ niệm hai mươi năm trước.
Tình vô tư dịu nhẹ nếp đời thường.
Không hẹn trước nhưng chúng tôi trở lại.
Những người lính đến, đi, trở về thức dậy nỗi niềm xưa.
Bát nước chè xanh, củ khoai, củ sắn
mái nhà tranh, cánh đồng nước ngập..
vẫn còn đây những tháng ngày trẻ trung gian khổ,
là kỷ niệm tươi hồng nhớ mãi suốt đời ta.
NGÀY VỀ
Không ồn ào sôi động lúc đi ra
Con tàu sắt vặn mình về phương Bắc
Gió biển Nha Trang, vui buồn man mác
Ôm gối, ngồi sàn nhường chỗ cho em
Ba lô toòng teng đi giữa phố đêm
Sợ nhà thức anh lang thang phố vắng
Hoa sữa ngậm sương, mặt hồ phẳng lặng
Đường Nguyễn Du anh vẫn đón em về.
Người mở cửa chờ đón anh là mẹ
Người run run dường như sắp ngã
Quẳng ba lô anh chạy vào đỡ mẹ
Con đây mà, con của mẹ, mẹ ơi
Bình minh lên Thành phố mới đông người
Xe hai bánh lăn quay cuồng phố cũ
Thấp thoáng đây bóng người quen lam lũ
Sắc thu vàng phao phớt phố nhà ta.
Anh em con đi bảy trở về ba
Sống thế nào vì người không còn nữa?
Ai đắp đổi nỗi buồn đau của mẹ ?
Chúng con thề chăm sóc mẹ, cha, em
Việc đầu tiên thay mới mái nhà tranh
Con đã qua những đêm mưa tầm tã
Qua những mùa khô nắng như đổ lửa
Mái phố nghèo đi suốt cuộc chiến tranh
Lại khai trường một sáng thu trong xanh
Em cuối khoá đón anh vào lớp mới
Tuổi xuân còn cuộc đời em vẫy gọi
Thoáng ráng chiều tím tái chiến trường xa.
ANH CÒN NHỚ !
Hồng Hà ơi buổi tiễn người đi vẫn hẹn ngày về
Lớp lớp trai chúng mình chung cảnh ngộ
Tạm xa trường vào lính rừng xanh
Sáng sớm Thu mặt trời rực đỏ
Môi mọng hồng đưa tiễn các anh...
Nắng chiều đi đêm đến quá nhanh
Bếp nhà dân thì thầm em bé nhỏ
Sáng heo may mây mù che phủ
Giọt nước mắt cuối cùng tắt ngấm trên mi.
Mùa thu về, thu mải miết ra đi
Đời chinh chiến còn gì để mất ?
Ngậm nỗi buồn, niềm vui, đắng chát
Thân xác vùi, thân xác muốn dựng lên.
Đường ra trận dừng chân mốc đường biên
Nghe gió thổi, mõ trâu rừng lốc cốc
Tiếng mìn nổ quen rồi khô không khốc
Những nụ cười đành vụt tắt trên môi.
Cả đội hình tiểu đoàn dạt trôi
Qua sông, qua suối, qua đèo.
Thương đời lính đói nghèo
Súng đạn nhiều hơn cơm ăn, áo mặc
Ở bên kia, phía bắc
Một lũ trai rình chiếm đất này.
Có niềm mê say?
Trước mũi tên hòn đạn.
Bao chàng trai bỏ mạng
Cuộc chiến điêu tàn, giao tranh trộm cướp.
Những con thú đói mồi rình đớp:
Quên một miền quê khoai lúa, màu mì!
Quên sách Trời phân định chi ly
Quên mối nhục ngàn năm xông ụ mối
Cuối thế kỷ Hai mươi mấy cái đầu tăm tối.
Lại dở trò trung cổ ớn lắm thay...
Mây ngây thơ, mây mờ qua hai phía
Mấy dòng sông chung nước uống trên nguồn
Tiếng chú gà gáy sáng mặt trời lên
Phiên chợ đường biên cười đùa nghiêng ngả!
Hãy bỏ qua những trò chơi nghiệt ngã
Một thời trai chinh chiến đã xa rồi
Quê hương ơi! mẹ chờ em mong đợi
Âm vang bến sông Hồng dòng lũ cuốn trôi...
Kỷ niệm này có thể ở đôi nơi ?
Mơ ước sống được trở về đi học
Mơ ước ấy đã bao lần nén khóc
Bạn thân yêu yên nghỉ ở bìa rừng,...
Chiến tranh? Không! hãy nói câu đừng
Chúng ta sống trong thời kỳ hội nhập
Vẫn còn kia nước mái đê, con đập.
Bồi trúc mỗi mùa cho ngô lúa lên xanh!
PHỐ CŨ
Phố, gần quê có cây gạo cây đa
Nước ao, hồ thơm hoa sen, hoa súng
Ngôi chùa nhỏ có bao người viếng cúng
Đom đóm lập loè rờn rợn đáng yêu
Nét cổ xưa có cái gì kiêu điệu
Bê tông hoá rồi, thước thợ lên ngôi
Hồ ao lấp gạo đa không sống nổi
Đom đóm tàn bên cao áp thuỷ ngân.
Chú bé chăn trâu nay đã lục tuần
Hồi tưởng về không gian ngày trước
Cháu của ông không thể nào biết được
Bố nó còn phảng phất một cành đa.
Đom đóm lập loè hoa gạo tháng Ba?
Hồ hẹp lại không còn sương lãng đãng
Búp đa chát đã ngược về dĩ vãng
Lối vào chùa hun hút khối bê tông.
NGƯỜI ÂM
Con:
Tờ lịch thời gian quên ngày chiến trận
Mẹ mất rồi, ai nhớ giỗ con đâu?
Mười tám, hai hai lấp lánh ánh sao
Cánh rừng xanh bạc phai màu ký ức
Con nóng lạnh, nắng mưa ngầu đất cát
Hồn vất vương đây đó tán cây già
Con không về nước Triệu * chiến trường xa
Mười năm nữa tan biến vào cát bụi.
Con muốn về khóc, la, hờn, cực, tủi
Như ngày nào Mẹ khẽ trót đánh yêu
Con muốn về bên mộ Mẹ thân yêu
Dù nắm đất cho đời con xanh cỏ.
Mẹ:
Mái phố nghèo ấm áp tiễn con đi
Giấy gọi con vào trường đại học Y
Mẹ xếp phẳng đợi con về đi học
Bốn năm sau nhận tin con vừa mất
Nơi chiến trường xa lắc, xa lơ
Mẹ dại điên sống quanh quẩn bàn thờ
Lúc nhắm mắt ôm con về với đất.
Máu Mẹ chảy nơi chiến trường ác liệt
Xương Mẹ tan cát bụi chỗ con nằm
Vía gọi hồn khắc khoải đến ngàn năm
Cỏ mãi xanh, khôn thiêng về với Mẹ.
LUÂN HỒI XANH
Bút gẫy, nghiên trào mực tím
Cây súng lằn da, chỉ thiên, chỉ địa, lúc ngang nòng.
mở đường rừng, đường hào, đường chiến chinh,
núi cao vực sâu, đi suốt đêm thâu,
đón ánh bình minh,
níu ánh chiều ngắm nhìn gương mặt bạn.
Tuổi ấu thơ theo người khóc tiễn người ra bãi tha ma.
Tôi chỉ trào nước mắt một lần
khi bạn kéo lên xe thùng,
thấy mẹ mình ôm em gái khóc.
Rồi từ đó:
Trái tim chìm vào rừng xanh, sông sâu, đất lạnh.
Gương mặt đá cứng ở trên ngàn,
khô như ngói chùa trăm gian, ngàn tuổi.
Chiến trường đâu phải “mùa xuân tuổi trẻ”:
Ngọn lửa bên này thiêu đốt lửa hung tàn bên kia,
đuổi xua quân xâm lược.
Chiến lũy cao, hào uốn lượn, hầm sâu mấy lớp, bãi mìn,
chốt chặn lũ xâm lăng.
Những tháng năm xa dân,
sống với thiên nhiên tình cảm.
Những chàng trai chiến trận
quên mình vì đất nước quê hương.
Máu vẫn chảy về tim,
“cặp vé khứ hồi” đã được đời miễn phí.
Anh về đất, tan vào đất, lắng lọc dòng sâu
cho người sống mang về tập vé khứ hồi.
Tôi thả từng chiếc vé vào trong gió
cùng mảnh mảnh thư tình dở dang không địa chỉ,
mang về làm chi,
không để mẹ buồn.
Lùi về ngàn xưa cha ông mình dựng nước,
giữ yên bờ cõi, mở mang bãi lúa nương dâu.
Bao đời chiến chinh loạn lạc,
lớp trai xưa khác gì chúng tôi hôm nay,
hồn về đất mẹ.
Người lính, ơi người lính!
quân hàm không còn thấp hơn được nữa,
thân hồn bay cùng gió ngàn khơi,
ngược non cao, không còn dấu vết.
Am miếu đình chùa,
tượng đài ghi công danh chiến trận lẫy lừng,
sử xanh ghi chiến công tướng lĩnh, quân dân.
Trận chiến nhỏ như săn đàn thỏ,
những đội hình bất xứng, chết oai linh.
Các anh về với cỏ cây, ngời xanh mắt lá.
Đất chứng giám, trời ghi danh,
còn ai sống kể công, viết truyện.
Nơi đâu trên đất nước mình
nếu không đất cát, bùn lầy, kẽ đá,
gốc cây, bàn tay thân ái…cắm nắm hương
thì xi măng, gỗ thép, plastic, mặt nước,…khoảng không
hãy đặt lên khoanh chuối, bát hương, nhành hoa
cúng viếng hồn trai chưa một lần hôn môi con gái,
từ ngàn xưa đến nay quên mình vì độc lập tự do.
Trước chiến trận, người chỉ huy ra lệnh :
Nếu chưa giết được giặc thì phải sống,
hết giặc về chăm mẹ, yêu em.
Ai phù hộ tôi đi qua cái chết,
bạn tội lỗi gì không sống đến hôm nay?
Những chùm pháo bầy, toán quân biệt kích,
đói rét bệnh tật, tai nạn, thiên tai, …
hái hoa bờ sông thấy xác người bồng bềnh trôi theo dòng lũ,
hái rau rừng gặp mồ đất mới
bó hương giả, ruột tre tươi không cháy.
Tấm bia đâu?
Phải chăng ai đó xa xôi
hay rất gần thương thân tôi,
hay thương “người” đã nhiều lần bất hạnh
được đầu thai lần cuối phải yên lành!
Thương cánh đồng lúa hoa thì con gái,
thương em đi cấy mạ ống lỡ thời.
Tháng năm ấy tôi đâu có biết,
những xóm làng, ngõ phố vắng con trai.
Những đám tang, con gái đàn bà đào huyệt,
đám cỗ bàn, giỗ chạp rượu tràn sân.
Em hất xuôi tuổi xuân vào tháng năm khô khốc,
em hắt ngược chén rượu tình bi tráng vượt bờ vai.
Sáng em ra bờ sông hái hoa cài mái tóc,
Sóng nước vỗ dịu dàng hy vọng ngày mai!
Vầng trăng khuyết đến bây giờ vẫn lẹm,
một chiếc giầy thất lạc đến ngàn năm.
Ai đắp đổi tình yêu đợi chờ chàng trai chinh chiến?
Hồn ai còn thương nhớ mến yêu em?
Có lẽ mẹ thương con nhiều hơn tất cả.
Mẹ xót giọt máu hồng viễn xứ Cánh Đồng Chum,
Giọt máu đào thấm đất rừng xăng lẻ
Trường Sơn ơi! Con yên nghỉ đại ngàn
Máu tình nguyện xanh núi rừng Đăng -rếch,
Máu tuổi trẻ trôi hồng sông nước biên cương,
Hòa nước biển mặn mòi
Sống chết kỳ cùng danh giá một đời trai.
Mẹ ngậm ngùi, còn sức đâu mà khóc.
Hương lụi tàn, hương tỏa tận âm ty.
….
Nay trên đời lớp lớp con trai
trí lực tình trẻ trung như ngày tôi ra trận,
sống hồn nhiên theo dòng thời gian trôi về phía trước.
Các anh xưa, bạn tôi không chết.
Được một lần hóa kiếp chọn bào thai.
Tôi gần như nguyên lành cùng bao người tàn phế,
cầm cuống vé khứ hồi mong được sống bình yên.
***
Khói lam chiều mẹ gọi về ăn cơm
Khói hương tỏa sớm hôm chân Thành cổ
Khói xanh lơ xanh một thời trai trẻ
Khói nhẹ nhàng như sống chết hồn nhiên.
TÂM HỒN ĐỨC PHẬT
Một lần ngã trên đèo.
Người lính dân tộc Mường, anh Bùi Văn Mịu đỡ trên tay
Những người lính không hò theo tiếng nổ
Cái chết người sung sướng nỗi gì đâu.
Những người lính trầm tư thương cảm nhau
Xua đuổi giặc, tinh nhanh hơn bầy cáo
(Rằm Trung thu gấu ăn trăng mờ ảo
Lấy mâm thùng gõ đuổi, gấu chạy đi)
Những người lính không hề thích quân thù
phun máu đỏ trước lưỡi lê họng súng.
Người lính chiến buộc quân thù lảng tránh
Sông “ Âm -Dương” nước đục đỏ đôi bờ
Những người lính lãng mạn chất nhà thơ
Nếu phải chết thảnh thơi về với cỏ.
Đường chiến tranh gặp nhiều người như thế
Mang tâm hồn Đức Phật ở bên ta
Giữ Hoà bình hiệu số : một trừ ba
Một trừ mười . Hoà bình là trên hết.
(Gấu gặm trăng cứ ngỡ là bánh mật
Quỹ đạo quay trăng tròn sáng vô tư)
Một người về, chín người mãi ra đi
Miền cực lạc đầu thai cười đắc đạo.
Chắc phận mình chết tan tành xác pháo
Đói lả đi bước hụt giữa lưng đèo
Phúc phận Phật -Trời xanh dõi nhìn theo
Làn gió nhẹ vào tay Bùi Văn Mịu
Đường hành quân trang nghiêm chùa, đền, miếu
Bồng súng nghe sư cụ dạy mấy điều
Qua mồ, mả, nghĩa trang tôi thấu hiểu
Lòng lặng thầm khấn vái cõi người âm
Mìn giặc thối, đạn lép, trái phá câm
Thử đức hy sinh, thách lòng dũng cảm
Người lính chiến mang tâm hồn Đức Phật
Nơi quê nhà tháng tháng Mẹ ăn chay.
HỘI CHỨNG LẠ
Thức cứng cành, ngủ lá cây xấu hổ
Giấc mộng du hoang dại hãi hùng
Chiến tranh-con ma nhập vào anh
Đêm la hét cứng tay bóp cổ.
Vợ chịu đựng mười năm trời khốn khổ
Hương khói cô hồn, ngải bùa trấn quỷ trừ ma,…
Đêm giáp lá cà: bóp cổ, giặc đâm
ám ảnh tắm máu mình, xác thù dưới thân anh ấm, lạnh.
Không về trời, hồn ma oan nghiệt cuồng điên
Chiến tranh người còn, kẻ mất.
Tay bóp cò, ấn nút, gài mìn, rút chốt, bóp cổ, đâm chém
đánh đập, khảo tra, tận cùng người hại người.
Chùng tay là chết.
Trời xanh phán xét, lãng quên đi?
Bác sỹ phẫu thuật thần kinh,
để anh sống yên ổn tinh thần
người đi giữ đất, cứu dân-đuổi giặc lẽ thường tình.
Sao hồn ma không trừng phạt tội lỗi
cõi đời đen bạc hại chúng sinh?
Sao hồn ma không yên nghỉ nơi quê nhà
Không dịu êm vào cát bụi, lùm cây?
TRẤN AN
Những người lính hai bờ chiến tuyến
Bắn vào nhau lẽ thường tạo hoá ?
Nhận mình là người, bên kia là sói
Sư tử tung bờm giành con cái
Bò tót húc màu đỏ trêu ngươi
Máu chảy thành sông, vinh quang biển cả
Không phải thế
Không thể xoá nhoà các cuộc chiến tranh
Kẻ cướp đất, khác người giữ đất
Người cứu dân khác kẻ hại dân
Chính nghĩa thắng hung tàn, máu đổ
Của cải ở đời thấm nước mắt, mồ hôi,..
Nhưng bạn ơi !
Cái giá của lòng tham
Niềm vui của vinh quang
Ngậm ngùi, đắng cay, ân hận
Những con người hiền lành ra trận
Những con người dữ dằn xung trận
Kẻ thù ở phía trước
Phía sau về quang vinh
Gió bão thổi hết mình, gió bão tan
Còn đủ thời gian đời sau chê khen
Bên chiến thắng phê người chiến bại
Đồng loại hại nhau sao lại giống người ?
Hôm nay gặp nhau:
Biết khóc hay cười
Câm lặng, vô tư
Số phận đã đi qua
Chúng ta là người lính-
thường dân mang màu trái đất:
Yêu hoà bình
Quý độc lập tự do
Có thể cho nhau tất cả
trừ tội ác.
VẾT THƯƠNG THỜI TIẾT
Kỷ vật chiến trường anh mang tặng hết
Vết sẹo vai gầy đi mãi tháng năm
Anh chợt mỉm cười mỗi lần bơi, tắm
Mỗi lần lên chùa thêm một nén nhang
Vết sẹo âm dương sống cùng thế gian
Tạc vào vai anh lưỡi rìu thần chết
Trái gió, trở giời anh thường sớm biết
Một đài thời tiết không cần máy đo
Đau nhức là trời sắp mưa
Bải hoải, bơ phờ ngày mai trời rét
Ngứa rát chắc rằng nóng bức
Tê tê dịu mát xuân thu
Vết đau làm anh mất ngủ
Giấc mơ già cỗi hoang tàn
Sẹo ơi mày đừng kêu than
Anh vẫn ăn chay niệm Phật
BẢN LĨNH
Cơm áo đời thường gian khổ - chiến tranh
Lấy vợ, sinh con, công danh, sự nghiệp
Sinh hoà bình, lớn binh đao tử biệt
Ngày trở về thời bao cấp khốn nguy
Máu xương tiền đổi nghiệp sống “cu ly”
Phương trời Âu tuyết rơi nhầm số phận
Mẹ ơi Mẹ, suốt đời con chiến trận
Đối diện “ sinh tồn”, đối mặt “ sinh nhai”
Con vượt qua bằng sức vóc con trai
Cơ nghiệp mở mang, mái nhà hết dột
Mẹ hãy vui lên vườn cây tươi tốt
Gốc vững bền, phúc đức Mẹ cho con.
NGƯỜI LÍNH HỒ TÂY
Về tới Nghi Tàm sóng nước xôn xao
Ghếch mái chèo lên thuyền trôi tuỳ bến
Hồ Tây ơi suốt đời ta lưu luyến
Đêm bão giông hay mặt nước thanh bình
Ngửa mặt ngắm trăng thuyền trôi lênh đênh
Bẻ một cành sen nhớ về bến cũ
Sóng tay mẹ vỗ về giấc ngủ
Mơ nàng tiên bay đến tự tình
Lướt qua ánh trăng chim nhỏ xinh xinh
Vỗ cánh chao nghiêng gọi tình líu ríu
Đậu lên cành hoa này chim nhỏ xíu
Gọi gió đưa thuyền về tới bến mơ.
DAY DỨT
Sao tôi không chết, trở về
Đạn mìn kiêng, ai nguyện thề vận may?
Những chàng trai trẻ đi thay
Chân đài liệt sỹ phủ đầy hoa thơm
Thấy mình lỗi, nợ. Hằng đêm-
ướt nhoè nét chữ giấy mềm Hạm ơi
Thân này ví xẻ làm đôi?
Văn bằng học một, vợ thời hai con
(Tưởng như Điệp, Hạm vẫn còn
Hoàng An trẻ đẹp cười ròn đâu đây
Nhật Minh qua tuổi thơ ngây
Tân về phố Mẹ một ngày không xa)
Chúng con phụng dưỡng Mẹ, Cha
Tấm lòng hiếu thảo gọi là con ngoan
Phải đâu áo ấm, khăn quàng
Công Cha, nghĩa Mẹ sinh thành, bảo ban.
HÀ NỘI THÂN YÊU
Đoạn cuối cùng anh trở về Hà Nội
Xóm Ngọc Hồi “đại hội” chiến binh
Hồn các anh vì sao lung linh
Trái đất quay, vần xoay vũ trụ
Đến bao giờ các anh về đông đủ?
Tên phố, số nhà đâu đó ngàn thu
Hoá đất bụi ngời xanh trên mắt lá
Hồn lập loè trong đốm sáng lân tinh
Tổ quốc ghi công, đất nước ân tình
Sông núi dịu dàng hương hoa thơm lức
Tên các anh khắc sâu vào tâm thức
Lớp lớp người kính cẩn một nhành hoa
Thăng Long ơi ! Từ thuở chiếu thiên đô
Lớp lớp trai băng mình trong lửa đạn
Dáng mẹ, tình em tiễn người ra trận
Sắc thu vàng lóng lánh nước hồ Tây
Thăng Long ơi ! Từ thuở Bác về đây
Bao chiến công oai hùng, oanh liệt
Thủ đô ngàn đời, muôn năm Đất Việt
Mến yêu hoà bình xua đuổi chiến chinh.
Hà Nội, em ơi ! Thân gái xinh xinh
Nết thảo thơm duyên dáng đất Kinh thành
Thương dáng kiều phai phớt tuổi xuân xanh
Nợ các em một thời trai chinh chiến
Sợi tơ tình buộc lòng người lưu luyến
Ở nơi nào vẫn nhớ tới Thủ đô
Tình yêu em, hiện vào trong mơ
Gió Tây Hồ, hoa sữa phố nhà ta
Các chàng trai rồi lại đi xa
Giữ sợi tình về dệt thêu tổ ấm
Một chồi non góp mùa xuân tới sớm
Một nụ cười xinh mãi Hà Nội em
Biên giới 1978- Hà Nội 2005
------------------------------------------
Tác giả TS. Nguyễn Mạnh Hùng, sinh năm Canh Tý, quê Bắc Giang, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1978 -1982), sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân (1977, 1982-1985), NCS Viện Kinh tế học Việt Nam (1995 -2001), hiện đang làm việc tại Hà Nội.
Tác phẩm:
1. Việt Nam có một năm như thế (viết chung với Cao Ngọc Thắng, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1990)
2. Khu chế xuất, Khu công nghiệp với cơ hội đầu tư vào Việt Nam (Đồng chủ biên với Đào Thiêm, Tiếng Việt- Anh 1993)- Export processing zones and industrial estates: Investment opportunities in Vietnam (Vietnamese-English -1993)
3. Các dự án đầu tư ở Việt Nam đến năm 2000 (Đồng chủ biên với Đào Thiêm, Việt - Anh, Nxb. Chính trị Quốc gia, 1995) -Investment projects in Vietnam to the year 2000 (Vietnamese - English, The National Political Publishing House - 1995)
4. Danh mục các văn bản pháp quy thời kỳ đổi mới (Nxb.Thống kê, 1995)
5. Các dự án xây dựng cảng và đường thủy Việt Nam đến năm 2010 (Đồng chủ biên với Phùng Văn Thành, Việt - Anh, Nxb.Thống kê, 1996) - Projects of building ports & waterways in Vietnam by the year 2010 (Vietnamese - English, Statistical Publishing House - 1996).
6. Các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp lớn của nhà nước và dự báo nhu cầu cơ bản của thị trường (Nxb.Thống kê, 1996)
7. Quy hoạch ngành và chương trình quốc gia ở Việt Nam đến và sau năm 2000 (Nxb. Thống kê- 1997)
8. Hướng dẫn đầu tư vào các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao ở Việt Nam (Đồng chủ biên với Lê Thanh Sơn, Việt - Anh, Nxb.Thống kê, 1998) -Investment Guidance to Industrial, Export processing high technology Zone (Vietnamese - English, Statistical Publishing House - 1998)
9. Các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp lớn của nhà nước và dự báo nhu cầu cơ bản của thị trường (Việt - Anh, Nxb.Thống kê, 1998) -Government Agencies, large State Corporation & Forecast on Fundamental market demands (Vietnamese - English, Statistical Publishing House - 1998)
10. Khuyến khích đầu tư – thương mại vào các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam (Nxb.Thống kê, 2000)
11. Các dự án đầu tư ở Việt Nam đến năm 2010 (Nxb.Thống kê, 2001)
12. Danh mục các dự án đầu tư ở Việt Nam đến năm 2010 (Tiếng Việt-Anh Nxb. Thống kê, 2001) -Investment projects in Vietnam to the year 2000 (Vietnamese - English - Statistical Publishing House - 2001)
13. Kinh tế xã hội Việt Nam 2002 kế hoạch 2003- tăng trưởng và hội nhập (Nxb.Thống kê, 2003)
14. Chiến lược-kế hoạch - chương trình đầu tư phát triển kinh tế -xã hội Việt Nam đến năm 2010. (Tiếng Việt-Anh, Nxb. Thống kê, 2003)- Strategies –Plans- Programs of Vietnam Socio –Economic Development investment to the year 2010. (Vietnamese - English - Statistical Publishing House - 2003)
15. Kinh tế xã hội Việt Nam hướng tới tăng trưởng-hội nhập- phát triển bền vững (Nxb.Thống kê, 2004)
16. Cơ quan Chính phủ, kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước (Nxb.Thống kê 2004)
17. Những bài thơ trong mơ - Thơ, Nxb.Hà Nội, 1997.
18. Hà Nội một thời trai chinh chiến -Trường ca- Nxb.Quân đội nhân dân, 2006.
19. Chuyện tình bên Thành cổ - tiểu thuyết- Nxb. Hội Nhà văn, 2007
* Chợ Đập: Thuộc huyện Lạc Thuỷ, Hoà Bình, nơi xuất quân đi chiến trường.
* Giấc mộng hoàng lương – Giấc mộng kê vàng- tích cổ : Một người khách trọ mơ thấy mình may mắn, sung sướng, tỉnh dậy nồi cháo kê vẫn chưa chín
[1] *nhà tù Tuols’leng-gần Phnômpênh
* Phố Cao Bá Quát, Hà Nội
* Năm 1976
* *dải đất Việt Nam thuộc tỉnh Lạng Sơn , mùa hè năm 1981
* Bay- on là mô típ tạo hình bốn mặt, xuất xứ ở Ấn Độ
* Cây cao ở rừng núi biên giới Lạng Sơn, màu đỏ tía về mùa thu, lá mùa xuân non, làm món rau sống.
* Nước Triệu thời Xuân Thu nổi tiếng về chiến trận với chân thành Hàm Đan xương phơi trắng xoá, dân lấy làm củi đốt -theo Sử ký Tư Mã Thiên,
** Những năm thập kỷ 60- 80, việc cung cấp nhu yếu phẩm bằng tem phiếu định lượng theo bậc lương, nghề nghiệp thường gọi là “ phiếu, bìa, sổ, tem “ theo ký hiệu A, B,..N, với nhiều cấp cửa hàng. Gia đình nào có việc được nhiều người góp vào để mua hàng. Hình ảnh nghèo nhưng có nét đẹp hiếm có trong lịch sử nói về tình người, lối phố.