BỨC THƯ NGƯỜI CHA GỬI CHO CON
VÀO NHỮNG NĂM 80 CỦA THẾ KỶ TRƯỚC
Hôm nay cha viết thư này,
Gửi qua thằng bạn chỗ mày về chơi.
Cả nhà mừng lắm con ơi,
Thùng hàng mới nhận, bán lời lắm nghe
Niken đẩy được chục que,
Vòng bi thắng đậm hơn xe rất nhiều,
Điều hòa chẳng được bao nhiêu,
May nhờ trong ruột khá nhiều thuốc tây,
Biết không, mấy cuộn e-may,
Tính qua chí ít năm cây có thừa!
Xô tôn đã dặn đừng mua,
Tại sao mày cứ đóng bừa vào đây.
Thùng sau lưu ý thuốc tây,
Đồ nhôm nghỉ khoẻ chớ dây làm gì.
Lanh-cô, e-rich, am-pi,
Kháng sinh tổng hợp kiểu gì cũng chơi.
Got-den xem kỹ con ơi,
Kẻo mà quá "đát" là đời đi tong!
Hóa chất có xoay được không ?
Cha đây đang có hợp đồng triệu đô
Hải quan con chớ có lo,
Thằng nhỡ cha đã cài kho Hải Phòng.
Còn như ở tuyến hàng không,
Cậu con soi máy khám trong Nội Bài.
Từ nay cho tới tháng Hai,
Chú ba đi Bỉ, dì hai đi Bồ,
Đều tờ-răng-dít Liên Xô
Thông tin giá cả báo cho kịp thời.
Đồng rúp thì mất giá rồi,
Lấy xanh mà tính lãi lời bảo cha,
Cần gì ghi thật rõ ra:
Đồng hồ, áo chấm hay là áo phông,
Áo thêu ở ngực con công,
Hay là xi-líp có bông hồng cài,
Áo da đểu, xuyến treo tai,
Nữ hoàng lộng lẫy con xài tiếp không ?
Bên ấy gái Cộng khá đông,
Theo cha nên đánh cả vòng tránh thai
Thể thao mác giả Ki-tai,
Hay mì chính Thái với đài Hồng Kông.
Bây giờ đang giữa mùa đông,
Con xem loại tất xù lông thế nào ?
Áo ren các kiểu ra sao,
Ki-mô-nô đã đi vào sử xanh.
Cá sấu một thủa tung hoành,
Te-pe nay đã trở thành thiên thu
Sự đời nghĩ cũng phù du,
Mốt này kiểu nọ tít mù cung mây.
Mới vừa như hổ bướm bay
Bướm vừa rã cánh, hổ quay về rừng.
Hươu kia khí thế bừng bừng
Nay đang ôm hận giữa rừng áo da
Mèo vừa mới ló sang Nga,
Chịu không thấu lạnh, vượt qua Po-lần.
Ào ào áo gió ra quân,
Hỏi xem sống được mấy tuần nữa đây ?
Xét xem thế sự ngày nay
Thị trường biến hóa đổi thay chóng đầu.
Đồ thật thì đắt, tiền đâu!
Mình buôn như thế bằng hầu người ta
Tiền dân Nga, đất dân Nga,
Theo cha đồ rởm vẫn là lời hơn.
Ngoài ra trong chuyện bán buôn,
Thị trường quyết định thiệt hơn rất dầy.
Hàng sang con chớ đổ ngay,
Đợi thời mà bán đến tay người dùng.
Liên bang rộng lớn vô cùng,
Sức trai con cứ vẫy vùng đôi chân.
Dè chừng với lũ công nhân
Tham gia "quân đội" nhân dân rất nhiều.
Ma-fia trấn lột đủ điều,
Quen nghề đạo chích từ nhiều năm naỵ
Ngang nhiên chiếm cứ sân bay,
Cướp hàng từ cửa sân bay vừa về,
Tránh voi thời chẳng xấu gì,
Lĩnh hàng chi chúng vài tì mà ra
Bây giờ kể chuyện bên ta
Tình hình nát bét như là hũ tương
Mấy lần hội nghị Trung Ương
Xem ra cũng chẳng có phương kế gì
Dân tình ca cẩm như ri
Kêu thì kêu vậy làm gì được nhau
Thằng giàu nó vẫn cứ giàu,
Kẻ nghèo vẫn kiếp ngựa trâu tôi đòi.
Bung ra nay đã hết thời,
Sức dân đã kiệt dẫu trời cũng thua
Trong Nam lục tỉnh mất mùa
Sơn la sau một trận mưa tan tành.
Trông vời mấy nước đàn anh,
Liên bang tận số cứu mình chẳng xong.
Cu ba một mớ bòng bong
Nga cúp viện trợ khó lòng đứng yên.
Báu gì ông bạn Triều-tiên
Vốn quen vay nợ quỵt tiền đồng minh.
Mấy nhà lãnh đạo Bắc kinh,
Thế cô đổi giận làm lành với ta
Mối tình hữu nghị Việt-Hoa,
Sau cơn cắt xé dần dà lên hương.
Nhân vì Hoa-Việt thông thương,
Hàng Tàu tràn ngập thị trường nước ta
Dân tình kiếm cớ qua Nga
Mượn danh đi học, thực là đi buôn!
Đào vàng sập cả núi non,
Nghe đâu đã đỡ lại còn khiếp hơn:
Quỳ Châu cùng cốc thâm sơn,
Ai đem hồng ngọc đến chôn xứ này ?
Nhiều thằng số đỏ vận may,
Đã ô-tô Nhật, lại xây nhà lầu,
Khối thằng bỏ xác rừng sâu,
Khối thằng ngã nước trọc đầu như sư!
Ông trời ăn ở khéo ư ?
Người ăn chẳng hết kẻ thừa đổ đi!
Trách trời cũng chẳng được gì,
Có thân ta "tự độ trì" mà thôi.
À, hôm chủ nhật vừa rồi
Mấy anh tổ lái vào chơi nhà mình.
Nghe đồn ở tận Bắc kinh
Năm đô một bịch to uỳnh nhân sâm,
Ở Nga trăm tám mươi đồng
Đem về Hà nội đếm không hết tiền
Bây giờ thời thế đảo điên,
Ông già bà lão phóng tiền ra mua
Năm nay thời tiết trái mùa
Bão to, lụt lớn, chiêm mùa trắng taỵ
Trời thì cao, đất thì dày,
Trung Ương đang hứa chuyển lay tình hình!
Nhân đây kể chuyện nhà mình
Để con được rõ tình hình con nghe:
Thằng hai đánh bạc, gá xe!
Thằng ba thì vẫn rượu chè liên miên
Thằng tư thì mới vượt biên,
Thằng năm tháng trước lại lên Hỏa lò!
Con sáu học dốt như bò,
Thi trượt tốt nghiệp vào lò mat-xa
Khoe rằng lương tháng triệu ba,
Ngoài ra còn khoản puốc-boa rất dày,
Hôm qua khóc với mẹ mày:
Mẹ ơi! Con mấy tháng này. .. mất kinh!
Khách hàng thì rất linh tinh,
Làm sao biết khối duyên tình của ai ?
Tao nghe đứng cả tóc mai,
Vội mời thầy thuốc phá thai tại nhà.
Tạ thầy mất chục đô la,
Mong thầy kín tiếng kẻo mà. .. về sau
Thầy thuốc nháy mắt gật đầu:
"Lần sau cô bị em hầu cô ngay".
Nhân đây nói đến chuyện mày:
Nghe đâu cũng xứng là tay giang hồ!
Người yêu rải khắp Liên-xô
Và trong số đó chục cô có bầu!
Cha không trách khứ con đâu,
Đương trai cứ việc kẻo sau tiếc thầm.
Nhưng còn tính chuyện hôn nhân,
Lút-se nên chỉ một lần mà thôi.
Phải suy tính kỹ con ơi,
Trong cơn hoan lạc ngừng lời trăm năm.
Thường khi chung gối, chung chăn,
Người thường dễ dãi đem thân hiến bừa.
Và rồi cha cũng có nghe
Con yêu cô bé cùng quê tỉnh mình.
Hẳn rằng a-ná phải xinh,
Nên con mới phải nghiêng mình trao taỵ
Nghe cha ghi kỹ điều này:
Phải con ông cốp. .. xấu, gầy cũng yêu!
Ông cha cực khổ đã nhiều,
Sống xa Hà nội thiệt nhiều nghe con.
Núp mình dưới bóng ô tròn,
Tương lai xán lạn, lầu son đuề huề.
Hồ Gươm liễu rũ xum xuê,
Hàng Ngang, Hàng Bạc, Thụy Khuê, Tràng Tiền,
Đồng Xuân chợ họp liên miên,
Mùa nào thức nấy sẵn tiền dễ mua
Thăng Long đất cũ người xưa
Mình con tỉnh lẻ ai dưa mình vào.
Xa xôi tình cảm dạt dào
Bận gì thì cũng ghi vào lời cha:
Coi chừng với lũ gái Nga,
Kẻo mà lại dính Si-da có ngày!
Cha
P.S.:
À, quên tao hỏi điều này:
Chẳng hay sức khỏe của mày ra saỏ
Học năm thứ mấy trường nào ?
Phòng khi nhỡ có ai vào tao khoe
Dặn thêm đừng có mua xe,
Bây giờ lãi độ năm que là cùng,
Mà chỗ thì chiếm nửa thùng,
Khuân vác lại nặng phát khùng, phát điên.
Em mày vốn tính ngại phiền,
Mặc dù nó thích dây chuyền từ lâu,
"Con chẳng dám xin anh đâu"
Cha
BỨC THƯ NGƯỜI CON GỬI CHO CHA
Hôm nay nhận được thư Cha
Gửi tay thằng bạn về nhà mới sang
Cầm bút con viết vội vàng
Thăm cha thăm mẹ họ hàng anh em. ..
Cha ơi cha nghĩ mà xem
Tiền con được mấy mà suy nghĩ nhiều?
Tiền con làm chẳng đủ tiêu
Nghìn rưởi một tháng có nhiều đâu cha
Tiền ăn ngàn mốt ngàn ba
Tiền uống, tiền hút thế là hết toi
Cha ơi thử tính mà coi
Tiền ăn không có thì đòi mua chi
Lốp đen lốp đỏ làm gì
Moay-ơ xích líp thôi thì đừng mang
Vải đen, len dạ bi vòng
Thôi cha đừng ước, đừng mong làm gì
Xe đạp nói đến làm chi
Nhà mình đường đất nghĩ gì xe hơi
Thuốc tây khó kiếm cha ơi
Máy khâu, giấy ảnh không hời lắm đâu
Cha nghe tin chắc lòng sầu
Nhưng con còn biết kiếm đâu ra tiền
Gái Tiệp thì đẹp như tiên
Tóc vàng, da trắng, mắt viền mi xanh
Nụ cười nghiêng nước nghiêng thành
Cầm lòng không được, con đành bước theo
Đói nghèo, thì mặc đói nghèo
Sang tây một chuyến phải theo đến cùng
Rượu tây nổi tiếng khắp vùng
Bia tây vang tiếng lẫy lừng thế gian
Khi vui mấy cốc, mấy can
Khi buồn mấy chén là tan hết sầu
Xin cha đừng có lo âu
Nhà mình liềm búa đã lâu rồi mà
Giai cấp vô sản phong ba
Ngày đêm vất vả, nhưng mà có ăn
Trong lúc cả nước khó khăn
Nhà mình giàu có thừa ăn sao đành
Lại thêm trộm cắp tinh ranh
Nó trộm, nó cướp lại thành tay không
Đã đành mất của, mất công
Lại thêm tính mạng cũng không an toàn
Ở nhà nóng nực vô vàn
Điện thì không có quạt bàn làm chi
Quạt mo tốt quá còn gì
Lúc cần có thể mang đi theo người
Tiện lợi thì lại gấp mười
Để ngồi cũng được, che người cũng xong
Mát thì lại đúng ước mong
Không sợ hỏng hóc bên trong bao giờ
Những khi nhà có khách mời
Mỗi người một chiếc, gió trời mát chung
À quên còn chuyện cuối cùng
Cha dặn là phải mua sâm, nhung vào
Nhưng họ có bán đâu nào
Cửa hàng không có thì đào đâu ra ?
Con cũng rất đỗi thương cha
Gửi cha, chai rượu để nhà uống chơi
Rượu này ngon lắm cha ơi
Uống vào một cốc là vơi hết sầu
Rượu này nổi tiếng châu Âu
Uống vào cốc nữa là đầu hết đau
Uống giờ, bổ mãi về sau
Còn hơn sâm của bọn Tàu cha ơi
Họ hàng thân thích đến chơi
Mỗi người một chén nhớ mời nghe cha
Cho thêm vui cửa, vui nhà
Lại thêm tình nghĩa mặn mà anh em
Thương mẹ đói khổ khát thèm
Lấy quần bò cũ con đem may liền
May áo biếu mẹ trước tiên
Con may cái nữa cho liền các em
Đấy cha thử tính mà xem
Tiết kiệm từng tí con đem về nhà
Nghĩ thì cũng thực xót xa
Nhưng tiền không có biết là làm sao
Ở nhà cơ cực, lao đao
Bên tây con cũng có nào sướng đâu
Thôi con dừng bút thư đầu
Để còn cho kịp làm thêm buổi chiều
Thư sau con sẽ nói nhiều
Phân tích cụ thể khỏi phiền lòng cha
Đừng mong quà cáp phiền hà
Đời đời bền vững ấy là bản năng
Hàng hoá mấy thứ lăng nhăng
Người ta đánh giá mà tăng thêm phiền
Ở nhà ruộng khoán xã viên
Nhận thêm mấy mẫu có liền thóc ngay
Thôi cha cố gắng cuốc cầy
Nhà mình giàu có ai hay đâu mà.
Con
BÌNH LUẬN
Rằng hay thì thật là hay
Đọc xong cứ thấy cay cay thế nào,
Cảnh mình cũng thế năm nao
Bàn là xích líp cũng nhào vô mua,
Thuốc tây xếp hàng cả trưa,
Bà Tây bực bội: "Hãy đưa chúng về...!" (=đuổi dân mình về nước)
Một thời kinh tế khó khăn,
Đồng lương chẳng đủ, miếng ăn phải mò,
Trí thức bỏ mối, làm cò,
Xuất ngoại đầu óc chỉ lo chạy hàng,
Moay xo, xi líp… làng nhàng,
Kiếm chác tý tỉnh để mang về nhà,
Ngày nay tình thế khác xa,
Trí thức xuất ngoại, xuất ra không về,
Nghĩ đời cũng thật nhiêu khê,
Dù ai gang thép cũng mê đồng tiền ?
Nguồn: Sư tầm Internet
Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010
Các đập nước và hồ chứa ở thượng nguồn:có hay không nguy cơ môi sinh tiềm ẩn cho hạ nguồn sông mekong?
Các đập nước và hồ chứa ở thượng nguồn:có hay không nguy cơ môi sinh tiềm ẩn cho hạ nguồn sông mekong?
Sông Mê Kông phát tích từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) ở độ cao trên 5000m, chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) rồi qua Myanma, Thái Lan, Lào, Cămpuchia và Việt Nam, là nguồn lợi lớn vô cùng của các nước ven sông. Những năm gần đây đã thường xuyên có những cảnh báo về các tác động làm thay đối dòng chảy ở thượng du làm ảnh hưởng đến vùng đồng bằng ( mà ta vẫn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long) ở hạ du. Tuy nhiên, thông tin về thực trạng đó và ý đồ trong tương lai kèm theo cách nhìn nhận và đánh giá còn khác nhau. Xin giới thiệu dưới đây bài viết của tác giả Lê Anh Tuấn (ĐH Cần Thơ) và rất mong các nhà nghiên cứu cùng bạn đọc tham gia trao đổi ý kiến về chủ đề quan trọng này. BBT.
CÁC ĐẬP NƯỚC VÀ HỒ CHỨA Ở THƯỢNG NGUỒN: CÓ HAY KHÔNG NGUY CƠ MÔI SINH TIỀM ẨN CHO HẠ NGUỒN SÔNG MEKONG?
Lê Anh Tuấn
Đại học Cần Thơ
1. VẤN ĐỀ
Trong các ngày gần đây, theo thông báo kêu gọi tiết kiệm điện của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam phát hằng ngày trên làn sóng của Đài Truyền hình Việt Nam: hiện nay hầu hết mực nước ở các hồ chứa nước ở Việt Nam giảm từ 20 – 40% so với mực nước trung bình hằng năm ở cùng thời kỳ, đặc biệt hồ chứa Hoà Bình – nơi nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, mực nước xuống thấp nhất trong vòng 40 năm qua! Mặc dầu tất cả các hồ chứa ở Việt Nam lấy nước từ các hệ thống sông khác nhau nhưng quả thật, mùa khô năm 2004 đang diễn ra đặc biệt gay gắt. Đi dọc theo suốt chiều dài sông Mekong từ Bắc xuống Nam, ta có thể thấy sự khô hạn rất rõ nét. Tại thủ đô Vientian của nước Lào xuống vùng Savanakhet - Champasak, hầu hết các con sông suối trên các phụ lưu đều khô cạn, người ta có thể đi bộ thong dong giữa lòng sông, các cánh đồng hữu ngạn phía Thái Lan đều nứt nẻ khô cằn và gần như bỏ trắng, các vùng tả ngạn phía Tây nguyên Việt Nam, các cánh rừng hiếm hoi còn lại đang có nguy cơ bùng cháy cao độ. Người viết bài này, từ máy bay từ Bangkok về Saigon vào chiều ngày 11/4/2004, nhìn xuống gần như thấy toàn một màu trắng xám, không còn mấy màu xanh trên các cánh đồng ở Campuchia. Các tỉnh duyên hải vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, nước mặn đang tràn sâu vào đất liền. Hiện tượng này khiến nhiều người nhìn ngược lên các con đập ở phía thượng nguồn sông Mekong, phía các hồ chứa ở Vân Nam, Trung Quốc, nơi mà các số liệu kỹ thuật về qui mô khai thác và ảnh hưởng của nó vẫn còn là những thông tin mơ hồ ngay cả những quốc gia liên quan dọc theo sông Mekong như Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam.
Đập nước DaChaoShan (Đại Triều Sơn) của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong
Theo một số tài liệu dẫn chứng, Trung Quốc đã dự kiến 14 - 15 bậc nước tương ứng với hồ chứa tương ứng cho mục tiêu thủy điện kéo dài dọc theo khu vực Vân Nam, trên thượng nguồn sông Mekong và đã hoàn thành hai đập thủy điện là đập Dachaoshan - Đại Triều Sơn (dung tích sử dụng/dung tích tối đa là 240 triệu m3/ 890 triệu m3, công suất phát điện xấp xỉ 1350 MW/năm) và đập Manwan - Mạn Loan (dung tích sử dụng/dung tích tối đa là 258 triệu m3/ 920 triệu m3, công suất phát điện xấp xỉ 1500 MW/năm). Các đập còn lại thì chỉ ở mức nghiên cứu tiền khả thi và khả thi. Cách đây gần 10 năm, người viết bài này cũng đã từng gặp một số chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc đang khảo cứu thủy văn tại Lào, biết họ có ý muốn tạo một hành lang thủy lộ ở từ Vân Nam xuống Lào và tiếp tục kéo dài qua thác Khone của tỉnh Champasak của Lào đến Cambodia nhằm tạo điều kiện cho các con tàu có tải trọng khoảng 150 tấn đi lại dễ dàng. Ngoài ra, còn một một số công trình hồ chứa nước ở các phụ lưu sông Mekong (không có trên sông chính) cũng đang dự kiến xây dựng ở các quốc gia duyên hải ở Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam. Một câu hỏi lớn cần đặt ra, các đập nước - hồ chứa và cả ý đồ tạo các tuyến giao thông thủy này có ảnh hưởng đến tình trạng lũ lụt - hạn hán, hay nói xa hơn có hay không nguy cơ cho một thảm họa môi sinh đối với các quốc gia hạ nguồn sông Mekong hay không?
Các vấn đề môi sinh có thể hoặc chưa có thể gây hiểm họa trước mắt, sự biến đổi hệ sinh thái thường diễn ra từ từ ngoại trừ những tai nạn lớn do thiên tai như bão lụt, động đất, núi lửa hoặc sự bất cẩn của con người như vỡ đập, cháy nổ hóa chất, rò rỉ chất phóng xạ ... nhưng hầu hết việc khắc phục hậu quả của môi trường suy thoái thường rất khó khăn, lâu dài và tốn kém, nhiều lúc không hồi phục hoàn toàn được. Do vậy, thái độ thận trọng, có trách nhiệm và có ý thức bao giờ cũng rất cấn thiết. Chúng ta không thể thờ ơ, vô tâm, vô cảm với các vấn đề hiện tại và tương lai của đất nước nhưng chúng ta cũng không nên quá hoảng hốt phóng đại sự việc, cảm nhận vấn đề quá bi quan hoặc đôi khi tạo một cao trào hoảng hốt tỉ như các nước hạ nguồn sông Mekong như đang đứng trước một kho vũ khí hủy diệt hàng loạt vậy!!!
Đập thuỷ điện Tiểu Loan cao 292m, dung tích 15 tỷ m3 nước, công suất 4.200 Megawatt,
Ảnh internet
2. KHÁI QUÁT SÔNG MEKONG VÀ HIỆN TRẠNG KHAI THÁC
Chúng ta đã biết, sông Mekong là một trong các con sông lớn nhất và có chế độ thủy văn phức tạp nhất Đông Nam Á, được xếp hàng thứ 10 về lưu lượng nước, thứ 15 về chiều dài và thứ 25 về diện tích lưu vực trên thế giới. Sông Mekong có chiều dài tổng cộng 4.350 km, diện tích lưu vực là 795.000 – 810.000 km2, với tổng lượng dòng chảy hàng năm ra đến biển Đông là trên 500 tỷ m3 nước. Dòng sông là mạch máu quan trọng cho việc phát triển kinh tế - xã hội cho một phần Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam (xem bảng 1). Lưu vực Mekong được xem là các khu dự trữ sinh quyển và đa dạng sinh học lớn chỉ sau lưu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Tuy vậy, các số liệu địa lý - thủy văn dòng sông có thu thập tương đối đầy đủ và có trao đổi so sánh thường xuyên chỉ được thực hiện ở đoạn từ biên giới Thái Lan - Miến Điện ra đến Biển Đông, chiếm chừng 75% diện tích toàn lưu vực (xem bảng 2). Hợp tác quốc tế thể hiện qua sự hình thành Ủy hội sông Mekong (MCR) với 4 thành viên là Thái Lan – Lào – Cambodia và Việt Nam. Các thông tin phía trên thượng nguồn dòng sông, chiếm gần 25%, diện tích lưu vực rất ít ỏi và thiếu cơ sở kiểm chứng do Trung Quốc và Miến Điện đến nay vẫn không tham gia vào Ủy ban này và không có sự chia xẻ thông tin đến các quốc gia hạ nguồn. Tuy nhiên, điều này không thể là cơ sở để Trung Quốc, kể cả Miện Điện, phủ nhận trách nhiệm của mình trong việc gây ảnh hưởng đến con sông quốc tế này.
Sông Mekong quả xứng đáng là mạch máu chính cho các nước hạ nguồn của nó. Khoảng 70 – 80 % lương thực sản xuất ở các quốc gia Thái – Lào – Miên - Việt đều lấy nước từ sông Mekong, khoảng 50% diện tích lưu vực sông Mekong được sử dụng để sản xuất nông nghiệp và chúng ta có thể mạnh dạn khẳng định lưu vực sông Mekong là vựa lúa lớn nhất thế giới với 2 cường quốc xuất cảng lúa lớn là Thái Lan và Việt Nam. Trên 65 triệu người dọc theo lưu vực sông Mekong sử dụng nguồn nước này để sản xuất, sinh sống và sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là nơi mà mức tăng dân số, cả việc tăng dân số tự nhiên và tăng dân số cơ học, thuộc loại cao nhất ở Châu Á: từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt vào giữa năm 1975, dân số ở trung và hạ lưu lưu vực sông Mekong tăng gấp đôi! Sức ép tăng dân số, tham vọng phát triển kinh tế nhanh cho kịp các con rồng, con hổ trong khu vực khiến dòng sông đang đứng trước một thử thách lớn về sự biến đổi chất lượng nước và động thái nước chưa từng có trong lịch sử địa lý hình thành con sông từ kỷ Tân sinh cho đến nay: hiện nay con sông đang được tận tình chú ý khai thác từ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, hàng loạt các nhà máy, khu công nghiệp hình thành dọc theo hai bên bờ sông, các trại cá, hồ cá liên tiếp được xây dựng, các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng mau chóng xây dựng, qui mô số lượng phát triển vận tải thủy tăng nhanh, các hồ chứa - đập thủy điện lần lượt xây dựng. Trong khi đó, diện tích rừng đầu nguồn và hai bên dòng sông đang giảm đi rất nhanh, nhu cầu rất lớn về gỗ xây dựng, chất đốt cho một số đông dân số vẫn là một áp lực nặng nề cho môi sinh khu vực. Việc phá rừng vẫn còn là một mục tiêu mở rộng diện tích canh tác khiến sự xói mòn và bạc màu đất ngày càng trầm trọng.
Hình ảnh con sông bị các công trình thuỷ điện chặn dòng-Internet
Bảng 1: Phân đoạn trên sông Mekong
Phân đoạn
|
Diện tích
lưu vực*
|
Chiều dài*
|
Quốc gia
liên quan
|
Đặc điểm dòng chảy – dân cư
| ||
km2 | % | km | % | |||
Thượng lưu | 150.000 | 19 | 3.100 | 71 | Trung Quốc Miến Điện Lào | Dòng chảy mạnh, lòng sông hẹp và sâu, nhiều ghềng thác, đi lại trắc trở. Dân cư thưa thớt. |
Trung lưu | 456.000 | 57 | 750 | 17 | Thái Lan, Lào Cambodia | Lưu vực rộng, lòng sông mở rộng và sâu hơn, phía Bắc và Trung Lào đi lại dễ, phần giáp Lào – Cambodia nhiều thác lớn, hiểm trở, đi lại rất khó khăn. Đoạn này sông có rất nhiều chi lưu từ 2 phía hữu ngạn (Thái Lan) và tả ngạn (Lào và Việt Nam). Ở Cambodia, sông Mekong nối với sông TongLeSap - Biển Hồ là nơi điều tiết dòng chảy quan trọng nhất cho phần hạ lưu. Phần trung lưu là nơi phát sinh chủ yếu các con lũ ở hạ nguồn. Dân cư tập trung dọc theo 2 bên triền sông, ở mức độ vừa phải . |
Hạ lưu | 194.000 | 24 | 500 | 12 | Cambodia Việt Nam | Từ PhomPenh, dòng sông phân làm 2 nhánh và chảy về Việt Nam, đổ ra biển Đông bằng 8 cửa. Dòng chảy trên sông chậm lại, bề rộng sông mở rất lớn, nhiều cù lao xuất hiện, ảnh hưởng của thủy triều từ biển Đông trên hệ thống sông rất rõ rệt. Ảnh hưởng của lũ lụt lên cuộc sống và sản xuất rất lớn. Mật độ dân cư cao. |
Đập thuỷ điện Mạn Loan
Bảng 2: Lưu vực Mekong qua 6 quốc gia duyên hà
Quốc gia | Lưu vực Mekong (km2)* | % lượng nước trung bình** |
1. Trung Quốc | 167.000 | 16 |
2. Miến Điện | 24.000 | 2 |
3. Lào | 201.000 | 35 |
4. Thái Lan | 182.000 | 18 |
5. Campuchia | 156.000 | 18 |
6. Việt Nam | 65.000 | 11 |
(*) Các số liệu ở các cột này chỉ gần đúng và được làm tròn số để dễ hình dung.
(**) Tỉ lệ này có thay đổi hằng năm, tùy thuộc lớn vào lượng mưa rơi trong khu vực, mức độ bốc hơi, thấm xuống đất, độ che phủ mặt đất và hình thái địa lý vùng.
3. mỘt sỐ NỀN TẢNG THỰC TẾ
3.1. Mục tiêu của các đập nước - hồ chứa
Một trong các mục tiêu khai thác thủy lợi các dòng sông là thủy điện. Bằng cách nhân 2 con số lưu lượng và cao độ mực nước là các nhà thủy học có thể hình dung ra qui mô của một nhà máy sản xuất điện năng không tốn nhiên liệu, được xem là rẻ tiền, dễ thực hiện và ít gây ô nhiễm môi trường (?). Các lưu vực sông có lượng nước chảy lớn và bậc nước cao được xem là các vùng có nhiều tiềm năng về thủy điện. Xây dựng một con đập chắn ngang dòng chảy của một con sông sẽ hình thành một hồ chứa nước ở phía thượng nguồn. Hồ lớn hay nhỏ tủy thuộc vào nhiều yếu tố: cao độ của đập chắn, diện tích khu trũng, điều kiện địa chất, địa hình, lượng nước bổ sung và điều tiết theo thời kỳ, qui mô khai thác nguồn nước, ... Có thể nói, từ giữa thế kỷ thứ 19 và suốt thế kỷ 20 là thời kỳ phát triển số lượng đập chắn - hồ chứa nước nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Hầu như chưa có hệ thống sông nào trên thế giới chưa được con người xây dựng đập chắn - hồ chứa, khác nhau chỉ ở qui mô lớn nhỏ mà thôi. Nhiều quốc gia có mạng lưới sông ngòi phong phú, nguồn thủy điện chiếm trên 80% so với các nguồn năng lượng khác và xem đây như là một một chìa khóa mấu chốt cho động lực phát triển kinh tế quốc gia. Đập nước được xem là một biện pháp hữu hiệu để trị thủy, kiểm soát dòng chảy, giữ nước trong mùa mưa để hạn chế lũ lụt ở hạ nguồn và xả nước ở mùa khô để giảm bớt hạn hán. Từ các hồ chứa này, người ta còn chú ý khai thác nước cho việc tưới ruộng, cấp nước sinh hoạt, vận tải thủy, nuôi cá trong hồ chứa, sử dụng các hồ chứa như là một địa điểm điều hòa khí hậu, là nơi tham quan du lịch, hoạt động thể thao nước, nơi an dưỡng chữa bệnh, ... Trước những năm 1950, hầu như mọi người, ngay cả những nhà môi trường, đánh giá các mặt tích cực của các hồ chứa nước bao giờ cũng cao hơn các hạn chế của nó.
3.2. Tác động môi trường có thể có của các đập nước
Bài học của đập Aswan ở Ai Cập – do Liên Xô xây dựng trước đây - có lẽ là một bài học điển hình nhất mà các nhà môi sinh học trên thế giới lấy làm ví dụ cụ thể cho việc đánh giá tác động môi trường đối với các đập nước gây ra. Trong bài này, tác giả không có ý định tường thuật các điển hình như vậy chỉ có một số liệt kê chính về tác động môi trường có thể có của các đập nước, như:
+Một lượng lớn phù sa sông bị giữ lại ở trong lòng hồ chứa làm chất lượng ở hạ nguồn giảm, đồng ruộng sẽ thiếu phù sa màu mỡ bồi bổ khiến nông dân phải nhập phân bón hóa học vừa tốn tiền, vừa tác hại cho đồng ruộng, sinh vật chung quanh và cả con người.
+Nhiều loại cá sông không thể tồn tại và phát triển vì đường đi để sinh sản và kiềm ăn của chúng bị cắt đứt. Một số công trình hồ chứa có hạng mục xây dựng đường đi cho cá nhưng thực tế nhiều nới có công trình này nhưng lượng cá trên sông vẫn tụt giảm thê thảm, có nhiều nơi chưa đến 10% so với khi chưa có công trình.
+Nước trong hồ chứa bị tù đọng có thể sẽ là nơi phát sinh nhiều dịch bệnh từ nguồn nước như sốt rét, sốt xuất huyết, sên sán, tảo độc, ...
+Một lượng lớn diện tích cây rừng bị mất đi do lòng hồ phải ngập nước, ảnh hưởng này có thể làm giảm nguồn gien thực và động vật quí hiếm, đa dạng. Nếu trong khu vực lòng hồ có các di tích văn hóa, lịch sử, khảo cổ thì việc mất đi các di tích này là một điều cũng khá đáng tiếc.
+Việc di dân và vấn đề định cư người dân sinh sống trong khu vực lòng hồ có thể là một khó khăn, do tác động đến sự an cư, phong tục tập quán người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
+Các đập nước lớn có thể gây ra nhiều biến động liên quan đến địa chất, địa hình, thổ nhưỡng. Nước trong lòng hồ có thể thấm qua các tầng đất gây úng nước, tăng mức độ bão hòa các lớp thổ nhưỡng, có thể ảnh hưởng đến việc ổn định vỏ trái đất ở khu vực. +Một số nơi hiện tượng động đất, đất chuồi xảy ra thường xuyên sau khi có các hồ chứa. Nếu không khảo sát kỹ địa chất, nước trong lòng hồ có thể thấm và hòa tan các mỏ muối khoáng dưới đất gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng bên trên.
+Sự thay đổi chế độ dòng chảy trên sông có thể tạo ra một hình thái xói lở và bồi lấp mới ở hạ lưu. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng một phần ổn định bờ sông và hệ sinh thái hai bên bờ sông.
+Nước khi chảy qua các turbine máy phát điện sẽ gia tăng nhiệt độ do ảnh hưởng của hiện tượng ma sát dòng chảy với đường ống và thiết bị turbine. Nước xả ra có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ nước bình thường của dòng sông cũng gây ra các ảnh hường đến hệ sinh thái và sử dụng nước ở các vùng cận kề nhà máy phát điện.
3.3. Vấn đề vỡ đập và ảnh hưởng đối với hạ lưu
Ngay từ thập niên 1950, các nhà thủy lực học đã có các khảo cứu các sự kiện liên quan đến tai họa do vỡ đập gây ra. Khi một con đập đột ngột bị vỡ, lúc đó, một khối lượng nước lớn tức thời vỡ oà gây một trận lũ xoáy ập tràn xuống các vùng trũng hạ lưu, có thể làm ngập và phá vỡ nhanh chóng các công trình, cuốn trôi nhiều sinh mạng, hoa màu, gia súc. Liên đoàn các kỹ sư Quân đội Mỹ (US. Army Corps of Engineers, theo Anonymous, 1975) đã đếm được trên toàn nước Mỹ có khoảng 50.000 con đập có chiều cao trên 25 ft (tương đương 7.6 mét) hoặc hồ nước có dung tích chứa trên 50 acre ft (tương đương 62.000 m3). Trong số này, có khoảng 20.000 đập nước nằm ở các vị trí nếu có nguy cơ khi vỡ đập sẽ gây ra các tổn thất cao về nhân mạng và tài sản. Các con đập này hiện đang là những đối tượng được bảo vệ chặt chẽ, phòng ngừa các hiểm họa khủng bố có thể xảy ra.
Đập nước có thể bị vỡ do các nguyên nhân như nước lũ dồn về quá lớn vượt qua khả năng xả của đập tràn, áp lực nước lớn có thể phá vỡ kết cấu công trình của đập nước, hoặc do các tác nhân khác như thấm ngang quá lớn gây sạt lở mái đập, các công trình dẫn nước qua đập bị phá hủy, hoặc do động đất tại chỗ hoặc các chấn động địa chất tạo sóng cường trong hồ chứa làm trượt mái đập.
Dự báo tổn thất do vỡ đập thường không chính xác lắm vì nó phụ thuộc vào hoàn cảnh và thời điểm đập bị vỡ. Trường hợp đập vỡ trùng với thời kỳ mưa lũ, triều cường ở hạ lưu thì tổ hợp các thảm họa này sẽ nhân cao các tổn thất. Nếu hạ lưu là các vùng đồng bằng hẹp và dài thì nguy cơ càng tăng và tổn thất sẽ lớn hơn vùng đồng trũng rộng. Nếu trên một hệ thống sông nhiều bậc nước, kịch bản vỡ nhiều đập nước do nguyên nhân thiên nhiên (như động đất, lũ cực lớn,...) hoặc do con người (do phá hoại, khủng bố, ...) cần phải xem xét và thực nghiệm cẩn thận trên các mô hình vật lý hoặc toán học (ví dụ như mô hình toán DAMBRK của Fread, D.L., 1982).
3.4. Tác dụng của Biển Hồ đối với Đồng bằng sông Cửu Long
Sông Mekong sau khi từ địa phận tỉnh Champasak, Lào đổ xuống thác Khone vào khu vực Stungsteng – Kratíe của Cambodia theo hướng Bắc Nam thì rẽ vào dòng TongLe Sap rồi tách ra thành 2 dòng riêng biệt và chảy xuôi theo hướng Tây Bắc – Đông Nam xuống Việt Nam qua 2 ngã Tân Châu (sông Tiền) và Châu Đốc (sông Hậu) . TongLeSap là một vùng trũng lớn, có chế độ thủy văn Sông - Hồ. Giữa dòng chảy là một một hồ chứa thiên nhiên lớn, mang tên là Biển Hồ (Great Lake). Biển Hồ là một hồ điều tiết lớn (hình a, b và c), vào mùa lũ nó có dung tích chứa hơn 60 tỷ m3 nước trải ra ở một vùng có chiều dài 150 km, bề ngang nơi rộng nhất là 32 km, với diện tích mặt thoáng là 11.000 km2, chiều sâu có nơi lên đến 8 – 10 m. Mùa khô diện tích mặt nước bị thu hẹp chỉ còn chừng 3.000 km2, chiều sâu trung bình chỉ còn 0,8 – 2,0 m do nước được xả tự nhiên xuống hạ lưu. Biển Hồ là nơi cung cấp nguồn cá chủ yếu cho Cambodia và Việt Nam. Nhờ tác dụng điều tiết của Biển Hồ mà cường độ lũ trên sông Mekong ở Việt Nam không lớn lắm, lũ của sông Mekong không lên nhanh như các con sông ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam, trung bình mỗi ngày nước lên ở Tân Châu chừng 20 cm/ngày, tối đa không quá 34 cm/ngày. Tại Châu Đốc, tốc độ nước lũ lên trung bình chừng 15 cm/ngày và không quá 35 cm/ngày. Đặc điểm khác biệt lớn nhất về lũ lụt của sông Mekong so với các con sông khác ở Việt Nam là nước lên chậm và rút cũng chậm (khoảng 2 tháng). Chính nhờ Biển Hồ mà lũ lụt không phải là một tai họa thực sự to lớn đối với Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng chính nhờ Biển Hồ mà nhiều giống cá sinh sôi phát triển cung cấp một lượng đạm lớn cho bữa ăn người dân ở đây. Biển Hồ đã được Liên hiệp quốc công nhận là một trong các khu vực dự trữ sinh quyển lớn của thế giới.
Hình a: Biển Hồ lúc dòng chảy bình thường (theo MCR)
Hình b: Biển Hồ lúc dòng chảy mùa mưa (theo MCR)
Hình c: Biển Hồ lúc dòng chảy mùa khô (theo MCR)
Các dự án kiểm soát lũ ở hạ lưu sông Mekong do Ủy ban sông Mekong (1960 – 1981) và Đoàn Phát triển Đồng bằng (Hà Lan, 1974) cho thấy nếu hình thành một cống đập Tongle Sap nhằm kiểm tra nước sông Mekong vào Biển Hồ thì có thể có sự can thiệp của con người vào thiên nhiên ở đây vào việc kiểm soát lũ: mùa lũ lớn thì tích nước vào Biển Hồ, khi lũ bắt đầu rút thì đóng các cửa cống lại tạo điều kiện cho nước ở Đồng bằng sông Cửu Long rút nhanh hơn. Lượng nước giữ lại trong Biển Hồ sẽ được tháo dần dần trong mùa khô nhằm bảo đảm cho tưới ruộng, giao thông thủy và đẩy lùi ranh mặn ra phía biển Đông. Theo tính toán mô hình, với mức lũ như năm 1961, công trình này có thể làm giảm mực nước lũ tại Phnom Penh là 0,41 m, tại Châu Đốc là 0,2 m và tại Tân Châu là 0,19 m. Tuy nhiên, dự án này cũng chưa đánh giá hết nguy hại do sự sụt giảm sản lượng cá ở Biển Hồ, ảnh hưởng giao thông thủy giữa Phnom Penh và Tongle Sap và sự biến đổi về sinh thái môi trường thực và động vật khu vực.
4. THẢO LUẬN
Nông dân Việt Nam có câu nói: “Thượng điền tích nước, hạ điền khan”, nghĩa là ruộng trên cao giữ nước thì ruộng dưới thấp chịu sự khan hiếm nước. Tuy nhiên, câu này không thể áp dụng cho một lưu vực rộng lớn như hệ thống sông Mekong. Chúng ta đã biết, nước trên sông Mekong chủ yếu là do mưa, nước mưa ở thượng nguồn sông góp khoảng 25% tổng lượng nước. Phần còn lại là từ phần trung và hạ lưu sông. Đoạn thượng nguồn, lưu vực sông dài và hẹp nên lưu lượng dòng chảy lớn, tốc độ dòng chảy nhanh, mức độ tập trung nước cao. Còn đoạn trung và hạ lưu, lưu vựa mở rất rộng nên khả năng tập trung nước chậm hơn rất nhiều. Khả năng tập trung nước vào dòng chảy sông phụ thuộc vào: (1) diện tích lưu vực, (2) hình dạng lưu vực, (3) lớp phủ thực vật, (4) độ dốc lưu vực, (5) điều kiện địa chất, thổ nhưỡng và (6) quan trọng là cường độ và thời gian mưa.
Chúng ta thử làm một sơ tính nhỏ, nếu cộng cả hai dung tích tối đa của 2 đập nước Dachaoshan và Manwan ta sẽ có một lượng nước là 1.810 triệu m3 nước. Đem lượng nước này rải trên diện tích lưu vực đoạn trung lưu sông Mekong là 456 triệu km2 (bỏ qua phần hạ lưu), thì được một lớp nước không quá 4 mm. Như vậy, giả sử có một trận mưa rất nhỏ khoảng 10 mm kéo dài khoảng vài mươi phút và rơi đều trên toàn lưu vực này, chúng ta sẽ nhận được một lượng nước cao hơn gấp hai lần tổng lượng nước tối đa của hai đập nước trên. Nếu hệ số tập trung nước trên sông là 50% thì lượng mưa trên đã đủ tích đầy hai hồ chứa này. Thật sự, trường hợp hai đập này cùng vỡ một lúc thì tác hại tức thời của nó chỉ xảy ra ở đoạn sông dài khoảng vài chục đến vài trăm km về phía hạ lưu và không mở rộng trung bình quá 3 km cho hai bên bờ. So với chiều dài trên 3.000 km đến Việt Nam, ảnh hưởng của đập nước này đối với sự ngập lụt của Đồng bằng sông Cửu Long là rất nhỏ và gần như không đáng kể.
Ý đồ sử dụng các đập nước này như các quả bom môi sinh để đe dọa các nước hạ lưu là một điều khá vớ vấn, mang tính tưởng tượng nhiều hơn thực tế. Không thể nào so sánh bom “vật lý” và bom “môi sinh” trong trường hợp này. Điều khác biệt lớn nhất là bom “môi sinh” này nổ tại chỗ, nghĩa là bom nổ ngay trên sân nhà của chủ nhân của nó, khác với các loại bom “vật lý” khác là chúng nổ trên sân đối phương! Họa chăng chỉ có một ít tác hại đối với vùng đầu biên giới Thái – Lào, đó là chưa nói “trái bom” này sẽ tạo nên tình cảnh “gậy ông đập lưng ông” đối với chính Trung Quốc! Ngược lại sự phỏng đoán, chính Trung Quốc là người phải lo bảo vệ các quả bom “môi sinh” này trong sân nhà của mình.
Hạn hán hiện nay ở các quốc gia hạ nguồn sông Mekong chưa hẳn là do các công trình trên sông. Nhiều con sông ở Đông Nam Á khác với sông Mekong cũng có những hiện tượng tương tự. Một giả thiết đang được chú ý là Châu Á hiện đang bắt đầu đối phó với sự trở lại của hiện tượng El Nino (?), hiện tượng này đã tùng xảy ra từ tháng 12/1982 đến tháng 2/1983 với sự hình thành các dòng nước nóng chạy dọc theo đường xích đạo trên biển Thái Bình dương tạo sự khô hạn trải dài từ vùng Đông Nam Á đến bờ biển phía Tây của Châu Mỹ mà gần đây có thể là một biểu hiện. Vấn đề này không dự kiến xem xét sâu ở đây.
Vần đề cần thảo luận ở đây là các đập nước này ảnh hưởng ra sao đối với các hệ sinh thái và việc điều tiết nước cho các tiểu vùng đầu nguồn của sông Mekong đoạn đầu biên giới Thái – Lào nếu không có sự phối hợp và thông báo kế hoạch thời gian và qui mô đóng mở cửa van đập nước. Như đã nói ở trên, Trung Quốc vẫn chưa đồng ý tham gia vào Ủy hội sông Mekong nên sự trao đổi, bàn bạc bị hạn chế và việc đánh giá tác động môi trường không thể nào chi tiết và thường mang tính phiếm diện, chủ quan.
Hiện trạng phá rừng, khai hoang thiếu kiểm soát dọc theo các vùng rừng núi hai bên thượng và hạ lưu đang là một điều báo động. Người viết bài này, sau nhiều năm công tác phát triển nông thôn tại Lào, đã đau lòng chứng kiến nhiều cánh rừng nhiệt đới bị tàn phá, khai thác bừa bãi do các công ty Thái Lan và Lào. Hàng ngày có hàng đoàn xe tải chở đầy các thân gỗ lớn từ Lào nối đuôi nhau qua Cửa khẩu biên giới Thái – Lào. Trong khi đó, công tác trồng và săn sóc rừng tiến triển rất chậm chạp. Ở Cambodia, tình trạng khai thác gỗ rừng cũng đã và đang diễn ra tương tự như ở Lào. Hằng năm, vào mùa mưa lũ, người viết đã quan sát thấy có sự xói lở nghiêm trọng bờ sông Mekong và bào mòn mãnh liệt các lớp thổ nhưỡng trên các triền dốc nơi mà những năm về trước còn là những cách rừng phong phú. Nước lũ trên sông Mekong đầy ắp bùn cát và các thân cây lớn bị đổ ngã cuốn trôi theo dòng chảy. Hiện tượng này, mặt dầu có mặt tích cực là bồi bổ ruộng đồng cho vùng hạ lưu sông ở Cambodia và Việt Nam, làm mũi Cà Mau ở Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm kéo dài ra biển từ 80 – 100 mét. Mặt khác, sự bào mòn và bồi lắng này cũng làm thu hẹp dung tích của Biển Hồ. Tuy nhiên, tiến trình này cũng không phải nhanh chóng vì dòng chảy mang phù sa có khuynh hướng chảy xuôi về hạ lưu hơn là đổ ngược vào Biển Hồ (xem hình b). Đến nay, việc đánh giá sự bồi lắp Biển Hồ vẫn chưa có một nghiên cứu nào dài hạn và sâu rộng nhưng cũng dễ nhận thấy là hiện tượng này đang xảy ra đều đặn. Điều này, cũng khó mà xây dựng một bức tranh dự báo cho tương lai Biển Hồ. Mặc dầu sự biến đổi về môi sinh do hiện tượng bồi cạn Biển Hồ diễn ra rất chậm chạp và khó nhận thấy nhưng vẫn là điều cũng cần cảnh báo cho các nhóm môi trường cần lưu ý.
Có thể người ta sẽ có các dự án khai thác bùn cát trong lòng Biển Hồ bằng xáng thổi, xáng múc hoặc xáng cạp gì đó. Bùn cát khai thác được sẽ dùng để san lấp các vùng dân cư hoặc sản xuất khác. Có thể người ta củng có thể xây dựng các cống xả bùn cát đáy kết hợp với cống đập kiểm soát nước ra vào Biển Hồ. Tuy nhiên, kinh phí cho các ý tưởng này cũng khá lớn.
Một tác động môi sinh có thể tiên đoán được là sự bùng nổ dân số cao ở tiểu vùng sông Mekong mà các nhà môi trường xem đó như một quả bom: bom dân số. Quả bom này đã làm thu hẹp nhanh chóng các vùng núi rừng, sản sinh ra một khối lượng rác thải nước thải và khí thải khổng lồ hàng ngày. Việc giải quyết lương thực và năng lượng để đáp ứng sự gia tăng nhanh dân số khiến tình trạng môi sinh ngày càng nan giải. Chỉ trong vòng chưa đến 3 thập niên, số người sử dụng nguồn nước trực tiếp trên sông Mekong đã tăng gần gấp đôi: hiện nay có 20 triệu người Thái, 5 triệu người Lào, 10 triệu người Cambodia và 20 triệu người Việt Nam đang sống nhờ nước sông Mekong.
Việc hợp tác quốc tế giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà kỹ thuật thủy lợi, các chuyên gia môi trường, các nhà giáo dục và các nhóm xã hội liên quan bao giờ cũng là điều cần thiết và quan trọng. Môi trường, đặc biệt là môi trường nước, là một vấn đề nhạy cảm vì nó liên quan đến cuộc sống hiện tại và tương lai của hàng triệu người.
Không phải vô cớ mà Tổ chức Liên hiệp quốc đã từng cảnh báo một nguy cơ chiến tranh vì NƯỚC có thể xảy ra trong thiên niên kỷ thứ ba bên cạnh các xung đột về chính trị, tôn giáo, sắc tộc và các mâu thuẫn về kinh tế khác.
Vấn đề trên đây vẫn còn bỏ ngõ và gần như chưa có lời giải đáp thỏa đáng cho đến thời điểm hiện nay và ít nhất việc nghiên cứu cặn kẽ các khía cạnh liên quan đến sông Mekong còn kéo dài khoảng vài ba thập kỷ nữa .../.
Nguồn: Hội đập lớn Việt Nam
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)