XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

TẢN MẠN VỀ VIRUS CORONA

 Tôi tình cờ đọc được trên Facebook của người bạn, bài viết sau đây của một TS. BS. Y khoa về virus corona. Thấy hay quá, xin copy về để giới thiệu với quý thân hữu. Lưu ý, gần cuối bài viết, vị TS. BS. này cũng có đề cập đến tinh dầu trong việc góp phần ngăn ngừa và điều trị Covid-19.

TẢN MẠN VỀ VIRUS CORONA ... BÌNH TĨNH & NHÌN NHẬN VẤN ĐỀ  QUA 3 KHÍA CẠNH : KHOA HỌC TỰ NHIÊN , KHOA HỌC XÃ HỘI & KHOA HỌC TÂM LINH

Bài viết của TS.BS. Nguyễn Đỗ Ngọc Linh

Đại dịch coronavirus đã diễn ra liên tiếp trong 2 năm nay nhưng con người vẫn chưa thực sự hiểu về nó.

Lúc đầu thì các bác sỹ và các nhà khoa học cho rằng coronavirus gây nhiễm trùng hô hấp thì cũng giống như cúm, chỉ phải đeo khẩu trang khi có triệu chứng để tránh lây cho người khác, thay vào đó rửa tay thường xuyên là quan trọng nhất. Sau đó cũng chính các nhà khoa học lại nói rằng khẩu trang và giãn cách là quan trọng nhất trong phòng Covid?!?

Lúc đầu thì các bác sỹ cho rằng cũng giống như cúm, chỉ những người già, có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch thì mới có nguy cơ tử vong, người trẻ, hệ miễn dịch tốt thì có mắc cũng chỉ như cúm mùa thôi. Nhưng rồi họ cũng không thể giải thích được tại sao vẫn có rất nhiều ca bệnh trẻ tuổi, khỏe mạnh cũng bị mắc, suy hô hấp nặng và tử vong. Họ nhận thấy rằng virus không phân biệt già trẻ, bệnh lý nền hay không, cũng không phân biệt giàu nghèo, nổi tiếng hay không nổi tiếng, ai cũng có thể bị.

Chúng ta thấy virus xuất hiện khắp nơi, bất cứ chỗ nào. Cho dù người ta đổ cho toàn cầu hóa, mọi người di chuyển máy bay dễ dàng nên có thể lây từ châu lục này sang châu lục khác, nhưng không hoàn toàn như vậy.

Thực tế thì virus bình thường không thể di chuyển nhanh và xa đến thế, thường thì ổ dịch cũng cần thời gian ủ bệnh rồi mới có thể lây lan ra chỗ khác. Mà như vậy thì nếu 1 thành phố hay 1 quốc gia bị bệnh thì các thành phố và các nước xung quanh phải bị lây trước chứ? Tại sao cùng lúc xuất hiện ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ …?

Các nhà khoa học cho rằng virus lây qua giọt bắn, tiếp xúc, nên yêu cầu sát trùng đủ thứ và giãn cách. Họ phân loại F0, F1, F2,… những người tiếp xúc với F0 thì được gọi là F1 và bị cách ly rồi truy vết.

Nhưng dần dần trong quá trình chống dịch, họ đều thấy nhiều trường hợp rất lạ kỳ, người cùng một nhà, nhưng người này bị người kia không bị: chồng dương tính, vợ vẫn âm tính, mẹ dương tính, con 8 tháng tuổi đang bú mẹ lại âm tính. Nhiều người giải thích bây giờ âm tính vì bệnh chưa phát thôi, vài hôm nữa dương ngay ý mà. Nhưng cũng không phải. Người dương tính vẫn là dương tính mà người âm tính vẫn là âm tính. Có những người chẳng đi đâu, chẳng tiếp xúc với ai, chỉ ngồi trong nhà cũng dương tính. Con Covid này hình như nó biết chọn người để…lây nhiễm? Nó không lây nhiễm theo cách mà các bác sỹ và các nhà khoa học từ trước đến nay vẫn hiểu về loài virus. Rồi đến gần đây thì họ lại bắt đầu thay đổi khái niệm, không phải cứ tiếp xúc với F0 là thành F1 ?!?

Vẫn chưa hết, cách đây không lâu, chúng ta vẫn cho rằng vaccine là cứu cánh duy nhất của đại dịch. Nhưng rồi bây giờ thì sao?

Số ca nhiễm Covid ở Mỹ tăng vọt trở lại mặc dù tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ đạt rất nhanh trên 50% với Pfizer và Moderna. Tại Israel, số ca nhiễm nặng đang tăng gấp đôi sau mỗi 10 ngày mặc dù tỷ lệ và tốc độ tiêm vaccine của nước này thuộc hàng đầu thế giới. Khả năng lây nhiễm chủng Delta của người đã tiêm chủng đầy đủ cho người khác không thua kém gì từ người chưa tiêm. Điều đó làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả của việc miễn dịch cộng đồng bằng vaccine mặc dù hiệu quả bảo vệ của vaccine khỏi tình trạng bệnh nặng vẫn cao.

Ngay cả chúng tôi, những người nghiên cứu về vi sinh vật, cũng hiểu rằng, tất cả những biện pháp của con người từ trước đến nay đều là chạy theo vi sinh vật. Các nhà khoa học có điều chế ra loại kháng sinh mới thì chỉ một thời gian ngắn sau là xuất hiện vi khuẩn đề kháng. Vaccine thì chưa hiệu quả nhiều với virus. Đặc biệt, cấu trúc của virus quá đơn giản nên cứ trung bình sau 106 lần nhân lên của virus là xuất hiện 1 đột biến mới. Như vậy thì hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đều có chủng virus mới, chẳng qua là nó đã đủ trội lên để gây thành dịch do biến chủng mới hay chưa thôi.

Rõ ràng, cần phải bình tĩnh lại và nhìn nhận vấn đề.

Rõ ràng cái dịch bệnh này có điều gì đó mà giới hạn của khoa học hiện nay chưa thể lý giải được một cách cụ thể và chính xác về loài virus này.

Chính tôi, là một tiến sỹ, bác sỹ chuyên ngành vi sinh, nhưng tôi cũng thấy khó giải thích trước tình cảnh dịch bệnh trước mặt, nó khác nhiều so với những gì tôi được học, đã biết và đã từng nghiên cứu.

Tại thời điểm đợt dịch thứ nhất, phó trưởng khoa Y của đại học y khoa UCSF email cho tôi và nói rằng ông đang rất lo lắng vì không biết làm sao để bảo vệ nhân viên và sinh viên của ông trước đại dịch, chúc lành cho các bạn. Đại học Stanford, tượng đài y khoa của tôi cũng sụp đổ khi họ nói họ chẳng hiểu cái dịch này như thế nào. Cũng từ đó, tôi muốn tiếp cận nó theo hướng mới hơn là khoa học thuần tuý. Tôi cho rằng phải mở rộng trí óc hơn, cái nhìn phải lớn hơn, rộng hơn, dựa trên ba khía cạnh: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, và khoa học tâm linh thì mới hiểu được phần nào về đại dịch này.

Con người chủ yếu mới chỉ nhìn nhận đại dịch ở khía cạnh khoa học, có một số ít người nhìn nhận nó ở khía cạnh khoa học xã hội, và rất ít người hơn nữa nhìn nhận nó ở khía cạnh khoa học tâm linh. Trên mạng, trong sách, đã có quá nhiều người nhìn nhận đại dịch coronavirus ở góc nhìn khoa học, nên tôi không muốn viết về nó nữa, mà tôi muốn nhìn nhận nó ở khía cạnh khoa học xã hội và khoa học tâm linh.

Chẳng hạn, tại sao nếu nhìn vào số lượng người chết do Covid thì thực ra không bằng 1 trận chiến tranh. Thậm chí còn không bằng số người chết hàng năm vì tai nạn giao thông tại Việt Nam.

Tại sao người ta không sợ chiến tranh, không sợ tai nạn giao thông, mà lại hoảng loạn vì virus? Là vì chiến tranh người ta còn biết đánh ai, ai đánh, biết kẻ thù là ai, chiến lược thế nào, đánh từ đâu, phòng thủ thế nào. Nhưng virus thì không thấy đâu cả. Không biết đánh từ đâu, phòng thủ thế nào nên tâm lý con người, tâm lý xã hội, họ sợ và hoảng loạn. Từ đó mà tình hình dịch bệnh cứ nặng dần lên.

Một góc khác ở khía cạnh khoa học xã hội. Mọi người cứ hỏi làm sao để dập dịch, làm sao để chống lại Sars-CoV2. Nhưng riêng tôi, tôi thấy nó là sự cân bằng của Tạo Hóa mang lại. Người ta chỉ nói về tác hại của Covid mà rất ít người nhìn nhận khía cạnh tích cực của nó.

ĐẠI DỊCH NÀY DẠY CHO CHÚNG TA RẤT NHIỀU BÀI HỌC:

1. Khi phải đối diện với bệnh tật hay bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống, cách tốt nhất là giữ sự bình thản. Chúng ta học cách sống chậm lại và có khoảng lặng và yên tịnh cho mình.

2. Con người cần phải học lại cái CĂN BẢN SỐNG. Tôi nhận thấy nhiều người trẻ trong cuộc sống xã hội đủ đầy hiện nay, vốn dĩ chưa từng trải qua thảm họa như chiến tranh, thiên tai, bệnh dịch, cũng chưa từng biết thiếu thốn là gì nên chỉ quan tâm đến những việc phù phiếm.

Ví dụ như đợt dịch thứ nhất, người ta đổ xô đi tranh cướp giấy toilet mà quên đi những nhu cầu tối thiểu khác của con người, họ thiếu căn bản sống, những kỹ năng sinh tồn tối thiểu.

Giãn cách xã hội khiến hàng quán không thể mở cửa, nhiều người vốn dĩ đã quen ăn hàng, không tự nấu ăn bao giờ, tự dưng cuộc sống bị đảo lộn. Họ than vãn rằng dịch buồn quá, chẳng làm được gì, chẳng được đi đâu. Họ cần tập lại từ việc đi chợ, nấu ăn, và lo cho người thân của mình đủ ăn. Họ cần học lại bài học về sự sinh tồn.

3. Con người cần hiểu ra rằng đừng có tham lam vật chất quá. Mà chúng ta cần học cách trân trọng thức ăn, nguồn nước, không phung phí, không bỏ thức ăn thừa mứa. Ví dụ trước kia chê ỏng chê eo món này ngon món kia dở, phải có cái này cái nọ mới chịu được. Bây giờ có miếng rau trong bát cơm đã thấy mừng, chịu thiếu thốn một tý thấy cũng không chết ai. Nhịn một tý, không đi chơi, không đi ăn, thiếu tiện nghi... vẫn sống tốt. Hãy tập trong sự thiếu thốn để biết ĐỦ.

4. Con người học được bài học về CƯ AN TƯ NGUY, nghĩa là lúc đang yên ổn, bình yên thì nên nghĩ tới lúc nguy nan. Chúng ta học được cách phải tiết kiệm, phải biết ăn dè, không tiêu hết những gì mình làm ra để dự phòng lúc nguy cấp.

5. Con người học được bài học về cách lưu trữ bảo quản: Có những điều trước đây con người không chịu làm nhưng bây giờ có dịch thì bắt đầu biết suy nghĩ hơn.

6. Chúng ta học ra được rằng, PHÚC HƯỞNG TẬN THÌ HỌA SẼ TỚI, đừng nên ăn tận, uống tận, hưởng tận. Chừa đường cho người thì trời mở đường cho mình.

7. Chúng ta học cách thích nghi, chấp nhận mọi biến động của cuộc sống. Cũng giống như biến thể Delta còn đang hoành hành, biến thể Lamda mới đã xuất hiện. Chúng ta không còn cách nào ngoài việc thích nghi với mọi nghịch cảnh.

8. Chúng ta hiểu rõ hơn chữ VÔ THƯỜNG, không có gì là bất biến trong cuộc đời này. Chúng ta cảm giác được sự sống chết rất mong manh xảy ra rất gần xung quanh mình. Chúng ta hiểu rõ rằng nên quan tâm, dành thời gian cho cha mẹ già nhiều hơn bởi có thể một biến động quét qua ta không còn kịp nói lời từ giã họ. Đại dịch xảy ra, cũng bộc lộ cái tình giữa con người với con người. Họ kỳ thị những người bị dương tính. Nghĩa tử là nghĩa tận, vậy mà người ta chỉ vì sợ con virus mà quên đi cái tình, cái nghĩa. Thấy tội cho những người ra đi đúng vào đợt dịch. Đám tang lạnh lẽo, lẻ loi, không người đưa tiễn.

Chúng ta cũng học cách nhường cơm xẻ áo và yêu thương những ai đang khó khăn hơn mình. Ta cũng nhận ra tình người tự nhiên vốn dĩ không nên hại nhau, không nên lợi dụng nhau, nên tôn trọng nhau.

9. Đại dịch làm giảm nạn tắc đường mà không một chính phủ nào trên thế giới làm nổi. Nhưng chúng ta cũng học được rằng khi hết dịch sẽ không bao giờ càm ràm nhăn nhó mỗi khi ra đường kẹt xe, nắng nóng.

10. Đại dịch đã làm giảm ô nhiễm môi trường: Môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng, có thể khiến trái đất diệt vong vì hiệu ứng nhà kính, vì sự nóng lên của trái đất, vì băng tan hai cực…Nếu chỉ hô hào kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường thì sẽ chẳng ai làm.

Nhưng chỉ cần đại dịch Covid xảy ra, mọi người không ai ra đường, không xả khói, nhà máy ngừng sản xuất, hàng chục nghìn chuyến bay bị hủy, làm giảm hàng nghìn tấn CO2 thải ra môi trường. Chỉ số môi trường của Hà Nội và TPHCM chưa bao giờ chuyển sắc xanh như vậy.

Nếu nhìn từ Google Earth sẽ thấy có những khu vực cây cối mọc xanh trở lại vì không có sự tàn phá của con người.

Và như vậy, có phải virus corona đang cứu Trái đất khỏi nguy cơ diệt vong không? Đây là một khoảng lặng để con người nhận ra mình đã tàn phá tự nhiên như thế nào. Có thể sau đại dịch con người sẽ thay đổi.

11. Chúng ta học văn hóa xếp hàng và kiên nhẫn chờ đến lượt.

12. Chúng ta học cách hòa hợp với bạn đời, với con cái, với người thân khi ở gần nhau quá nhiều.

13. Chúng ta học cách tự sống ổn một mình, học cách sống cô đơn.

14. Chúng ta học cách thử thách sức chịu đựng của bản thân.

15. Chúng ta học cách tự chữa bệnh khi các bệnh viện đều quá tải.

Chắc hẳn các bạn cũng học được rất nhiều bài học sau dịch Covid này

* Các lời khuyên phòng bệnh COVID:

Ngoài các thuốc theo phác đồ của Bộ y tế và các phác đồ quốc tế, nên áp dụng các biện pháp không dùng thuốc để hỗ trợ:

- Ngồi thiền mỗi ngày có thể giúp cho chúng ta giữ được sự bình thản, tăng sức đề kháng, giảm stress và vì thế phòng ngừa phần nào những tác hại của virus.

- Tập thở tích cực: Ra ngoài sân thoáng (không nên ngồi trong phòng kín). Hít thở bằng miệng, mở miệng ra để thở. Hít vào thật sâu, hai tay giơ lên, cúi xuống thở ra hai tay đưa xuống, khi đến gần cuối thì thở ra, thì thở hắt mạnh ra để đẩy nốt phần khí cặn trong phổi ra.

- Súc miệng nước muối hàng ngày và tránh không để cho cổ họng bị khô.

- Tập thể dục mỗi ngày.

- Mở cửa để không khí lưu thông thông thoáng cho nơi ở.

- Trong trường hợp không may bị nhiễm virus, có thể xông các loại lá có tinh dầu: đun sôi lá sả, chanh, vỏ bưởi, hoa cứt lợn, lá bạc hà, lá tía tô… ngày 2 lần, nếu thấy khó thở thì có thể xông nhiều hơn 3-4 lần. Vùng miền nào có các loại lá có tinh dầu đều có thể dùng được hết. Khi nước đã sôi già, khi chuẩn bị xông, bỏ vài giọt dầu gió vào nồi và xông, khi đó hơi bốc lên cùng với dầu gió làm tăng hiệu quả xông. Hoặc chỉ đun nóng nước rồi cho dầu vào nếu không có cây lá tinh dầu.

- Ăn uống: Cố gắng tìm mọi cách ăn uống đầy đủ trong hoàn cảnh của mình. Một số gợi ý thêm:

o Nước đậu đen

o Nước lá tía tô giúp giải cảm rất tốt. Uống như trà, có thể thay nước lọc.

o Nước gừng, chanh, sả, mật ong cũng rất tốt.

- Và cuối cùng, YẾU TỐ TINH THẦN LÀ QUAN TRỌNG NHẤT VÌ AI CŨNG HIỂU ĐẾN GIỜ NẦY KHÔNG CÓ THUỐC NÀO ĐỂ TRỊ COVID CẢ.

Yếu tố tinh thần và niềm tin sẽ là chất liệu cần thiết để được hồi phục. Người nào có tôn giáo thì nên cầu nguyện theo tôn giáo đó, còn ai không có tôn giáo thì bình tâm, ngồi hít thở đều đặn, không nên hoang mang.

Hãy sống lạc quan và tích cực để có thể vượt qua tất cả mọi khó khăn!

PS:

Hình Dược sư Lưu ly Quang vương Phật, họa sĩ Lê Nguyễn Bảo Trân.



Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

QUYẾT ĐỊNH 111/CP NGÀY 14/7/1977 VỀ BAN HÀNH CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VÀ CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VỀ NHÀ ĐẤT ĐỐI VỚI CÁC TỈNH PHÍA NAM

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 111/CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 1977


QUYẾT ĐỊNH


VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VÀ CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CHO THUÊ Ở CÁC ĐÔ THỊ CỦA CÁC TỈNH PHÍA NAM


HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Tiếp theo bản tuyên bố của Chính phủ về chính sách đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam hiện nay;

Để tăng cường quản lý nhà đất và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân ở các tỉnh phía Nam;

Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng và của đồng chí Trưởng Ban Cải tạo Công thương nghiệp tư doanh Trung ương trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 25/2/1977;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này bản chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị các tỉnh phía Nam.

Điều 2. Các đồng chí Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các đồng chí chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam có trách nhiệm thi hành quyết định này, các đồng chí Bộ trưởng các Bộ Xây dựng, Nội vụ, Ngoại giao và các đồng chí Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp tư doanh Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn các ngành, các cấp thi hành quyết định này, tuỳ theo chức năng quản lý và những vấn đề có liên quan đến ngành mình.

Phạm Hùng

(Đã ký)


CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VÀ CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CHO THUÊ Ở CÁC ĐÔ THỊ CÁC TỈNH PHÍA NAM

(Ban hành theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ số 111/CP ngày 14/4/1977)

MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Việc quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị, các tỉnh phía Nam cần đạt được mục đích, yêu cầu sau đây:

- Xoá bỏ kinh doanh bóc lột về nhà đất; thực hiện thống nhất quản lý của Nhà nước về nhà đất ở đô thị.

- Cải tạo đến đâu, quản lý tốt đến đó, đồng thời tiến hành quy hoạch, bố trí, sắp xếp điều chỉnh lại những khu vực sản xuất, khu vực hành chính, sự nghiệp, khu vực ở và các cơ sở phúc lợi công cộng... sao cho công bằng; hợp lý và có lợi nhất, trên tinh thần tận dụng cơ sở sẵn có, kết hợp với xây dựng mới; từng bước giải quyết chỗ làm việc cho cơ quan Nhà nước và chỗ ở cho công nhân, nhân viên và nhân dân lao động chưa có chỗ ở hoặc ở quá chật, cải thiện từng bước điều kiện nhà ở của nhân dân góp phần ổn định và phát triển sản xuất.

- Tăng cường việc bảo quản, sửa chữa nhà cửa và từng bước cải tạo và xây dựng thành thị theo hướng xã hội chủ nghĩa.

I. CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NHÀ ĐẤT, CHO THUÊ:

1. Nhà nước quốc hữu hoá toàn bộ nhà cho thuê, không kể diện tích cho thuê nhiều hay ít của tư sản mại bản, của địa chủ, của tư sản gian thương lớn, của những người phạm tội nặng về chính trị và kinh tế của các tổ chức phản động.

2. Nhà nước trực tiếp quản lý toàn bộ nhà cho thuê của các chủ là cá nhân, công ty, đoàn hội, tôn giáo v.v... trừ trường hợp nhân dân lao động có ít diện tích cho nhau thuê để ở hoặc cho ở nhờ.

Tuỳ theo chất lượng, công dụng của từng ngôi nhà, tuỳ theo diện tích cho thuê nhiều hay ít, tuỳ theo thu nhập của chủ nhà cao hay thấp, Nhà nước để cho những chủ nhà là cá nhân được hưởng một phần tiền thuê nhà. Phần chủ nhà được hưởng sẽ do Bộ Xây dựng quy định cụ thể, nhiều nhất không quá 25% tiền thuê nhà.

Riêng đối với những chủ nhà là cá nhân có ít nhà cho thuê để ở, diện tích cho thuê dưới 150 m2 ở các tỉnh, dưới 200 m2 ở thành phố Hồ Chí Minh, hoặc thu tiền cho thuê nhà (không kể tiền đặt cọc) hàng năm dưới 600 đồng ở các tỉnh và 800 đồng ở thành phố Hồ Chí Minh thì trước mắt chủ nhà vẫn được tạm thời cho thuê nhưng phải chấp hành đầy đủ những quy định thống nhất về đăng ký, hợp đồng giá cho thuê, điều lệ bảo quản sửa chữa, quyền lưu trú của người thuê.

3. Nhà nước trực tiếp quản lý tất cả các biệt thự cho thuê (không kể diện tích nhiều hay ít) và toàn bộ diện tích nhà cho thuê không phải để ở mà để làm cửa hàng, bệnh viện, trường học (không kể diện tích cho thuê nhiều hay ít). Nhà nước trực tiếp quản lý tất cả các cư xá công và tư, không kể là cư xá cho thuê hay ở không mất tiền. Đối với những căn hộ mà người ở đã mua đứt và có giấy tờ hợp lệ thì coi như của riêng, nếu không phải là đối tượng bị tịch thu trưng thu thì người đã mua nhà được Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu.

4. Đối với thần sĩ trí thức, gia đình có công với cách mạng có nhà cho thuê thì vận động họ hiến. Công nhân, viên chức Nhà nước và Đảng viên có nhà cho thuê hoặc đang quản lý nhà cho thuê thì giao những nhà đó cho Nhà nước quản lý.

5. Những chủ có nhà cho thuê mà không có chỗ ở được giữ lại một diện tích để ở tương đương với bình quân diện tích chung ngoài xã hội hoặc có thể rộng hơn một ít tuỳ theo cấu trúc của ngôi nhà.

6. Nhà nước trực tiếp quản lý toàn bộ đất cho thuê không phân biệt diện tích nhiều hay ít và nói chung không bồi hoàn, trừ trường hợp đặc biệt.

7. Người đang thuê đất được phép sử dụng mà không được mua bán, chuyển dịch và phải tuân theo những quy định về quản lý nhà đất ở đô thị.

II. ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT VẮNG CHỦ

1. Tất cả những nhà, đất và tài sản vắng chủ của người Việt nam và ngoại kiều đều do Nhà nước trực tiếp quản lý. Khi người chủ về, Nhà nước sẽ giải quyết với họ. Không ai được chiếm dụng, tự ý chuyển nhượng, mua bán nhà cửa, tài sản vắng chủ khi không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Nhà nước quản lý sử dụng những nhà, đất và tài sản vắng chủ cho thuê theo chính sách cải tạo nhà cho thuê.

3. Nhà nước quản lý sử dụng những nhà, đất và tài sản vắng chủ của những người đã ra nước ngoài làm ăn buôn bán, hành nghề từ trước ngày giải phóng, khi họ trở về sẽ tuỳ từng trường hợp mà nghiên cứu giải quyết sau.

Riêng đối với những người sau đây, khi họ trở về, Nhà nước sẽ xét từng trường hợp cụ thể mà trả lại nhà cửa, tài sản cho họ:

a. Những người làm ăn lương thiện đi chữa bệnh, đi thăm viếng bà con, đi học ở nước ngoài.

b. Những người đi tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến.

c. Những người là nhân dân lao động vì hoang mang sợ hãi bỏ chạy đi các nơi trước và trong những ngày giải phóng.

4. Những nhà, đất và tài sản mà trước khi vắng, chủ nhà đã uỷ quyền hợp pháp cho những người là con đẻ, vợ hoặc chồng hợp pháp của mình quản lý thì những người ấy được tiếp tục quản lý và phải chấp hành những chính sách quản lý nhà, đất của Nhà nước; trường hợp chưa kịp uỷ quyền hợp pháp thì Nhà nước cho phép những người là cha mẹ, con đẻ, vợ hoặc chồng hợp pháp của họ trước đây đã ở trong những nhà ấy, nay được tiếp tục ở nhưng không được bán, chuyển dịch bất động sản.

Đối với thân nhân không phải là cha mẹ, vợ chống, con của các chủ vắng mặt mà trước đây cùng ở chung với chủ nhà, nếu nay còn ở lại thì sẽ được thu xếp cho ở một chỗ trong nhà hoặc xếp ở nơi khác.

5. Những trường hợp xin thừa kế, xin hiến nhà, đất và tài sản vắng chủ sẽ được nghiên cứu giải quyết từng trường hợp cụ thể theo chính sách.

6. Uỷ ban nhân dân thành phố, tỉnh thống nhất quản lý những nhà đất và tài sản vắng chủ tại địa phương.

Cơ quan quản lý nhà đất và cơ quan tài chính chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng, kiểm kê định giá, xử lý và thanh toán với chủ nhà khi họ trở về theo đúng các chính sách chế độ và thống nhất quản lý nhà đất và tài sản vắng chủ của Nhà nước.

III. ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CỦA CÁC ĐOÀN, HỘI TÔN GIÁO

Để bảo đảm thống nhất quản lý nhà cửa, bảo đảm tôn trọng tự do tín ngưỡng và căn cứ vào các chế độ, chính sách khác của Nhà nước, việc quản lý của các đoàn, hội tôn giáo ở các tỉnh phía Nam được quy định như sau:

1. Nhà nước bảo hộ mọi nhà thờ, chùa chiền, miếu mạc, thánh thất được thực sự và thuần tuý dùng vào việc thờ cúng hành đạo.

2. Nhà nước tịch thu toàn bộ nhà đất của các Đoàn Hội các tổ chức không được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động.

3. Nhà, đất của các đoàn, hội, các tổ chức khác và của các tôn giáo hiện đang cho thuê được giải quyết theo chính sách chung về nhà, đất cho thuê. Riêng đối với các nhà tập trung của các tổ chức, các tôn giáo đã cho hội viên, giáo dân của mình nhờ, hoặc ở thuê với giá rất rẻ mà không nằm trong phạm vi nơi thờ cúng, hành đạo thì Nhà nước có thể xét cấp hẳn cho người đang sử dụng.

4. Những nhà cửa đất đai khác còn bỏ trống hoặc dùng vào mục đích không phải thờ cúng, hành đạo, thì Nhà nước vận động thuyết phục giáo dân giao cho Nhà nước dùng vào việc phục vụ lợi ích chung.

IV. ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT CỦA CÁC TỔ CHỨC VÀ CÁ NHÂN THUỘC BỘ MÁY CAI TRỊ CỦA NGUỴ QUÂN NGUỴ QUYỀN VÀ ĐẢNG PHÁI PHẢN ĐỘNG

1. Mọi loại nhà cửa, đất đai trước ngày Giải phóng do chính quyền Mỹ nguỵ quản lý hoặc dành cho những tổ chức hay cá nhân, thuộc nguỵ quân nguỵ quyền và các tổ chức đảng phái phản động sử dụng, nay đều là tài sản công cộng, do Nhà nước trực tiếp quản lý.

2. Nhà cửa, đất đai của những người sau đây đều do Nhà nước trực tiếp quản lý:

- Sĩ quan nguỵ quân cấp từ thiếu tá trở lên.

- Sĩ quan cảnh sát từ cấp trung uý trở lên.

- Cán bộ thuộc bộ máy cai trị của nguỵ quyền đã giữ chức vụ, từ Chủ sự phòng cơ quan Trung ương, Ty phó, Quận phó trở lên.

- Các phần tử ác ôn, mật vụ, tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng.

3. Những người có nhà cho thuê và nhà thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý, tuỳ theo chức vụ cấp bậc, quá trình hoạt động dưới thời Mỹ nguỵ và thái độ chính trị hiện nay của đương sự mà có thể chiếu cố dành cho một diện tích ở thích đáng, nếu chưa có chỗ ở.

V. ĐỐI VỚI NHÀ ĐẤT CỦA NGOẠI KIỀU

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thừa nhận mọi cam kết của chính quyền Mỹ nguỵ với các nước và các tổ chức quốc tế có cơ quan ở miền Nam Việt Nam.

Nhà nước không thừa nhận quyền sở hữu về bất động sản đã có của các nước và của ngoại kiều trên lãnh thổ Việt Nam từ trước ngày Giải phóng. Chính phủ sẽ giải quyết các vấn đề tồn tại về các loại nhà, đất này theo hướng sau đây:

1. Quốc hữu hoá không bồi hoàn toàn bộ đất đai, nhà cho thuê của chính phủ nước ngoài và ngoại kiều. Xét trường hợp cụ thể có hình thức xử lý đích đáng; không bồi hoàn, bồi hoàn tượng trưng, bồi hoàn một phần tuỳ theo quan hệ ngoại giao giữa nước ta với nước hữu quan nếu là nhà thuộc quyền sở hữu của Nhà nước hữu quan, và tuỳ theo tính chất kinh doanh bóc lột của ngoại kiều nếu là nhà thuộc quyền sở hữu của ngoại kiều.

2. Tịch thu toàn bộ tài sản:

a. Của nước trực tiếp tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam.

b. Của ngoại kiều trực tiếp phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

c. Của nước ngoài đã được sử dụng vào mục đích của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

3. Đối với nhà làm việc và nhà ở của các Chính phủ nước ngoài khác và của các tổ chức quốc tế thì giải quyết như sau:

Nếu là nhà mua hoặc tự xây cất hợp pháp, căn cứ vào quy hoạch của đô thị mà có thể cho họ giữ lại một số nhà cần thiết để làm cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan nghiệp vụ được Nhà nước ta chấp nhận. Những nhà không dùng vào công việc trên thì phải nhượng lại.

Đối với những nhà không mua hoặc xây cất không hợp pháp thì Nhà nước quản lý không bồi hoàn.

4. Nhà của ngoại kiều:

- Đối với những ngoại kiều được ở lại nước ta làm ăn sinh sống, có nhà tự xây dựng hợp pháp thì được thừa nhận quyền sử dụng để ở.

- Đối với ngoại kiều được phép xuất cảnh:

Nếu là người lao động, thì Nhà nước cho phép bán nhà mà họ đang ở hoặc tự xây cất hợp pháp.

Nếu có cha mẹ, vợ chồng hợp pháp, con đẻ được ở lại và đã cùng ở chung một hộ thì có thể được xét cho nhận uỷ quyền quản lý.

Đối với nhà của ngoại kiều không phải là nhân dân lao động thì trước khi xuất cảnh đều phải giao lại cho Nhà nước quản lý, và tuỳ từng trường hợp, Nhà nước sẽ không bồi hoàn, bồi hoàn tượng trưng, hoặc bồi hoàn một phần.

PHỦ THỦ TƯỚNG

********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 305-CP     Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH 

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 305-CP NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 1977 BỔ SUNG CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ VÀ CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐỐI VỚI NHÀ, ĐẤT Ở ĐÔ THỊ CÁC TỈNH MIỀN NAM

 

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Tiếp theo bản tuyên bố của Chính phủ về chính sách đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam hiện nay và Quyết định số 111/CP ngày 14-4-77 của Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất ở đô thị các tỉnh miền Nam;

Để tăng cường quản lý nhà đất và đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân ở các tỉnh miền Nam'

Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng và của đồng chí Trưởng ban Cải tạo công nghiệp tư doanh trung ương;

Để bổ sung một số điểm trong chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất ở các đô thị các tỉnh miền Nam.

 

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay thay đổi đề mục văn bản tên gọi của chính sách ban hành kèm theo Quyết định 111/CP ngày 14-4-77 là "Chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất ở đô thị các tỉnh miền Nam".

Điều 2: Bãi bỏ các điều qui định trong điểm 2 mục IV của văn bản chính sách ban hành kèm theo QĐ 111/CP và thay thế bằng đoạn sau đây:

"Đối với nhà cửa đất đai, của những người sau đây:

- Sĩ quan quân đội Mỹ nguỵ ở cấp thiếu tá trở lên,

- Sĩ quan cảnh sát Mỹ nguỵ từ cấp trung uý trở lên,

- Những người làm việc trong bộ máy cai trị của chính quyền Mỹ nguỵ đã giữ chức vụ từ Chủ sự phòng trở lên ở cơ quan trung ương, từ Ty phó, Quận phó trở lên ở các cơ quan địa phương,

- Các phần tử ác ôn, mật vụ tình báo, chiêu hồi cố tình phản cách mạng,

- Những người tham gia các tổ chức đảng phái phản động đã giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp huyện, quận trở lên thì tuỳ theo thái độ chính trị trước và hiện nay, tuỳ theo tội ác đối với nhân dân nhiều hay ít và tuỳ theo nguồn gốc giá trị sử dụng nhà cửa đất đai của họ mà Nhà nước tịch thu, trưng thu, trưng dụng, trưng mua hoặc để cho họ sử dụng.

Đối với những người khác không thuộc diện Nhà nước xử lý nhà đất của họ nhưng vì thái độ chính trị của họ phản động, có nhiều nợ máu với nhân dân, quần chúng căm ghét, yêu cầu xử lý thì căn cứ vào chính sách chung và quyết định".

 

Phạm Hùng

(Đã ký)



Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

TỶ PHÚ BILL GATES: THÔNG ĐIỆP TÂM LINH TỪ ĐẠI DỊCH COVID-19

 

Tôi là một người tin tưởng mạnh mẽ rằng có một mục đích tâm linh đằng sau mọi thứ đang xảy ra, cho dù đó chúng ta cho rằng điều đó tốt hay xấu. Đại dịch Covid - 19 không phải là thảm họa, virus giống như một "sự sửa chữa tuyệt vời" cho thế giới. - Đó là những thông điệp sâu sắc từ đại dịch Covid-19 qua góc nhìn của tỷ phú Bill Gates;

Tỷ phú đã viết một bức thư mở gửi đến toàn bộ thế giới: Virus Corona thực sự dạy chúng ta điều gì?

Khi suy ngẫm về điều này, tôi muốn chia sẻ với bạn những gì tôi cảm thấy virus Corona/Covid-19 thực sự đang tác động tới chúng ta:

1. Nó nhắc nhở rằng, tất cả chúng ta đều bình đẳng

Bất kể văn hóa, tôn giáo, nghề nghiệp, tình hình tài chính ra sao, hay chúng ta nổi tiếng như thế nào. Bệnh này đối xử với tất cả chúng ta giống như nhau.

Nếu bạn không tin tôi, chỉ cần hỏi Tom Hanks.

2. Nó đang nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều kết nối và ảnh hưởng.

Mỗi người đều có thể ảnh hưởng đến mọi người khác. Nó nhắc nhở rằng, những đường biên giới mà chúng ta đặt ra hầu như chẳng có giá trị gì với loại virus đang lây lan không cần "hộ chiếu" này.

Nó đang nhắc nhở rằng, nó có thể "áp bức" chúng ta - những người dành cả cuộc đời sống trong áp lực.

3. Nó nhắc nhở rằng, sức khỏe là quý giá.

Covid- 19 cho chúng ta nhận ra rằng: Sức khoẻ của chúng ta quý giá đến thế nào và chúng ta sống thế nào đến nỗi bỏ bê nó bằng việc ăn thực phẩm chế biến và nước uống bị ô nhiễm đủ mọi loại hóa chất. Nếu chúng ta không chăm sóc sức khỏe bản thân, tất nhiên chúng ta sẽ bị bệnh.

4. Nó nhắc nhở về sự ngắn ngủi của cuộc sống

Và về những điều quan trọng nhất mà chúng ta phải làm như là việc giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là những người già hoặc bệnh tật.

Mục đích của chúng ta là không phải việc thu mua những cuộn giấy vệ sinh để tích trữ.

5. Nó nhắc nhở rằng, xã hội vật chất của chúng ta đã phát triển ra sao

Và khi gặp khó khăn, chúng ta nhớ rằng đó là những thứ thiết yếu và giá trị mà chúng ta cần cho cuộc sống (thực phẩm, nước, thuốc...) trái ngược với những thứ xa xỉ không cần thiết mà đôi khi chúng ta chi quá nhiều tiền để mua.

6. Gia đình & tình thân

Nó đang nhắc nhở chúng ta, cuộc sống gia đình và tình thân quan trọng như thế nào và chúng ta đã bỏ bê điều này đến mức nào. Nó buộc chúng ta trở lại nhà để có thể xây dựng lại và củng cố gia đình của chính mình.

7. Công việc thực sự của chúng ta

Nó nhắc nhở rằng,việc chúng ta làm không phải chỉ là nghề nghiệp, nó là những gì chúng ta tạo ra và duy trì. Công việc thực sự của chúng ta là chăm sóc, bảo vệ lẫn nhau, mang lại lợi ích cho nhau.

8. Nó nhắc nhở chúng ta kiểm soát bản ngã của mình.

Nó đang nhắc nhở rằng cho dù chúng ta nghĩ con người vĩ đại, tuyệt vời đến mức nào, thì vẫn có một loại virus có thể khiến thế giới của chúng ta "dừng lại".

9. Nó đang nhắc nhở rằng, sức mạnh của sự tự do nằm trong tay chúng ta.

Chúng ta có thể chọn hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ, cho đi, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau hoặc chúng ta có thể chọn ích kỷ, tích trữ, chỉ chăm sóc duy chỉ cho bản thân.

Thật vậy, những khó khăn hiện tại đã làm nổi bật màu sắc thực sự của cuộc sống con người hiện nay.

10. Nó đang nhắc nhở rằng, chúng ta có thể kiên nhẫn, hoặc có thể hoảng loạn.

Chúng ta có thể bình tĩnh và hiểu rằng, tình huống bệnh dịch tương tự có thể đã xảy ra trong lịch sử và rồi chúng sẽ đi qua. Hoặc chúng ta có thể hoảng loạn và coi như đây là tận thế. Vì vậy, lựa chọn thái độ tiêu cực chỉ gây hại nhiều hơn cho bản thân bạn, chứ không có lợi.

11. Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng, đây có thể là một kết thúc hoặc một khởi đầu mới.

Đây có thể là thời gian suy ngẫm và thấu hiểu, học hỏi từ những sai lầm của mình. Hoặc nó có thể là khởi đầu của một chu kỳ sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi chúng ta học được bài học mà chúng ta phải học.

12. Nó đang nhắc nhở rằng, Trái Đất này bị bệnh.

Chúng ta cần xem xét tốc độ phá rừng, cũng khẩn cấp như tốc độ các cuộn giấy vệ sinh đang biến mất khỏi giá trong siêu thị. Chúng ta ốm vì ngôi nhà Trái Đất của chúng ta bị bệnh.

13. Nó đang nhắc nhở chúng ta rằng, sau mỗi khó khăn, luôn có sự dễ dàng.

Cuộc sống có chu kỳ, và đây chỉ là một giai đoạn trong chu kỳ tuyệt vời của cuộc sống. Chúng ta không cần phải hoảng sợ, giai đoạn này rồi cũng sẽ qua.

Trong khi nhiều người coi virus Corona/Covid-19 là một thảm họa lớn, tôi thích ý nghĩ cho rằng nó giống như một sửa chữa tuyệt vời. Nó được gửi để nhắc nhở về những bài học quan trọng mà chúng ta dường như đã quên.

Và điều quan trọng hơn là liệu chúng ta có học được các bài học hay không.

“Sau một đêm, chúng ta thức dậy và thấy mình ở một thế giới khác.

Ở đó, Disney bỗng dưng chẳng còn phép màu.

Paris chẳng còn lãng mạn.

New York chẳng còn đứng lên.

Vạn Lý Trường Thành chẳng còn là pháo đài

Và Thánh địa Mecca hoàn toàn trống trải.

Những cái ôm và nụ hôn trở thành vũ khí sát thương, không thăm viếng bố mẹ và bạn bè trở thành cử chỉ yêu thương.

Đột nhiên ta nhận ra sức mạnh, sắc đẹp và tiền bạc đều vô nghĩa, vì ta chẳng thể có được nguồn ôxy mà ta mặc nhiên vẫn có.

Thế giới thì vẫn tiếp tục đời sống của mình, một đời sống thật đẹp. Nó chỉ nhốt con người lại trong những cái lồng. Phải chăng nó muốn gửi đến ta một thông điệp:

“Này loài người, ta không cần các ngươi. Không khí, đất đai, nguồn nước và bầu trời vẫn ổn dù không có ngươi. Khi trở lại, hãy nhớ: các người chỉ là khách trên hành tình này, chẳng phải là chủ của ta”.

Ai đó đã viết những dòng trên và nó đang viral trên các mạng xã hội phương tây. Tìm mãi không ra tác giả của lời đó, ngoài những chữ “Anonymous” ở cuối trích dẫn. Cuối cùng, xin các thêm một câu, được cho là của Tiên tri Muhammad: “Hãy đến và rời khỏi hành tinh này như một người xa lạ, hoặc một lữ khách”.

Kết luận:

Con người ta thật ra chỉ cần rất ít.

Hầu như tất thảy chúng ta đã và đang tất bật vội vàng, sân si, giãy nảy lên để nhất định tìm kiếm thật nhiều tiền bạc dù phải thiên di, xa Tổ quốc, xa gia đình, mẹ cha, vợ chồng và con cái để mưu cầu một cuộc sống thật tốt thật hoàn hảo. Ai nghĩ rầng chỉ cần thật giàu có là đã được an toàn trong cái mớ hỗn độn của thế nhân.

Sau tất thảy kiếm tìm, phát triển và toan tính. Thứ cần nhất để người ta an toàn thật ra lại quá đỗi giản đơn, một cuộc sống giản dị có đủ thức ăn và nước uống trong ngôi nhà bé nhỏ của mình với những người thân. Thật ra chúng ta đã và đang làm gì từ trước đến giờ vậy nhỉ?

Con người Muốn quá nhiều thứ trong khi lại Cần rất ít

Mong dịch bệnh này cuối cùng cũng sẽ trôi qua. Và khi rời khỏi những “cái lồng”, tâm hồn của mỗi người đã ít nhiều được thanh tẩy.

Theo The Sun

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

ĐỨA CON HOANG...!

 

"Đồ con hoang”..., từ nhỏ nó đã sớm nghe người ta nói như thế mỗi khi nó xuất hiện. Trong cái đầu óc còn non nớt của một đứa trẻ, nó không hiểu “con hoang” nghĩa là gì. Nhưng nhìn những biểu cảm trên gương mặt của người lớn và cả đám trẻ con nhiều tuổi hơn nó, nó hiểu người ta chẳng dành chút thiện ý nào cho nó cả.

Đã nhiều lần nó chạy về hỏi mẹ. Nhưng mẹ chỉ thường ôm nó vào lòng và ngập ngừng “kệ người ta đi con ạ, con là con trai ngoan của mẹ, là cháu cưng của ông bà ngoại là được rồi”. Mỗi lần như thế nó đều thấy khoé mắt của mẹ ươn ướt và bà mau chóng dùng tay lau nhanh trước khi giọt nước mắt lăn dài trên má. Vài lần như thế, nó đã thôi không hỏi thêm nữa.

Lớn lên một chút, nó bắt đầu tò mò về cha. Nhiều buổi họp phụ huynh, đám bạn của nó đều có cha lẫn mẹ cùng đến trường. Riêng nó lúc nào cũng chỉ lủi thủi đi theo mẹ. Tuyệt nhiên mẹ chưa một lần nhắc về cha nó...!

Làng nó nghèo lắm, lại rất nhỏ. Cứ xóm trên có chuyện gì là dăm ba phút sau cả xóm dưới đã biết chuyện. Cứ mỗi buổi sáng khi trời còn tờ mờ, màn sương sớm còn chưa tan hết nhưng tiếng chân của những người nông dân ra đồng đã vọng khắp xóm. Mẹ nó thường dậy rất sớm để bắc một nồi cơm độn với khoai cùng một ấm nước nhỏ cho ông bà ngoại rồi mới vác cuốc ra đồng. Mẹ không quên để cho nó một bát nước cơm úp trong cái lồng bàn mỗi sáng. Nó luôn thích cái cảm giác khi thức dậy được hít hà cái bát nước chắt lại từ gạo mà mẹ dành riêng cho nó, bà thường pha thêm một chút đường nâu cho ngọt. Cái vị ngọt thanh từ gạo và đường ấy dẫu bao năm tháng qua đi, nó đã được nếm thử thêm nhiều món mới, nhưng chẳng thứ nào có thể thay thế được.

Vào mỗi buổi trưa khi mặt trời đã lên tới đỉnh đầu; ngoại thường bọc một nắm xôi, hoặc một phần cơm nhỏ với muối mè cùng bát nước chè để nó mang ra đồng cho mẹ. Nó thích ngồi dưới rặng tre già, ngửa mặt lên đón những làn gió mát trong lành, nghe tiếng chim lảnh lót trong bụi cây và nhìn mẹ ăn hết phần cơm sau một buổi sáng mệt nhọc. Nó và mẹ thường ngồi ở một góc, cô lập hẳn với những người khác. Thỉnh thoảng nó lại bắt gặp ánh mắt đầy mỉa mai của họ khi nhìn về phía mẹ con nó.

Lớn lên một chút, trong một lần đi học về, thằng Cán ở xóm dưới vừa thấy nó đã trề môi giễu cợt “đồ con hoang, đồ đứa cháu mà nhà ông Tư Lành không nhận...!".

Chiều hôm đó nó quyết về hỏi ngoại. Có lẽ ngoại nghĩ rằng nó đã đủ lớn để nhận thức được hoàn cảnh của mình nên bà không giấu nó nữa. Ngoại chậm rãi kể với nó rằng thời con gái, mẹ nó đem lòng yêu chú Hai con ông Tư Lành ở xóm dưới. Hai người qua lại được một thời gian thì mẹ nó trót mang bầu...

Ở cái làng nhỏ mà ai cũng biết mặt nhau và việc “ăn cơm trước kẻng” là một điều cấm kỵ ở thời đó, nên ông Tư Lành quyết không cho chú Hai nhận cái thai. Nhưng cái lý do lớn nhất có lẽ là vì ông bà ngoại nó nghèo, trong khi cái tư tưởng “môn đăng hộ đối” vẫn còn được coi trọng trong những nhà giàu có trong làng.

Mẹ nó lầm lũi ôm cái bụng ngày càng lớn lên trong sự mỉa mai của làng trên xóm dưới, trong ánh mắt rầu rĩ của bà ngoại và tiếng thở dài mỗi đêm của ông ngoại. Rồi mẹ cũng sinh ra nó. Ngày mẹ trở dạ sinh nó cũng là ngày ông Tư cưới vợ cho “người cha” không nhận nó. Nghĩ đến đó, nó thấy thương và xót xa cho mẹ đến tận cùng...!

Từ ngày biết chuyện, nó không còn lầm lũi bỏ đi mỗi khi nghe người ta gọi nó là “đồ con hoang”....!

Nó thường quay lại nhìn thẳng vào mặt họ bằng ánh mắt đanh thép như một cách đáp trả rồi hiên ngang bước thẳng về phía trước. Con hoang thì đã sao? Mẹ nó chỉ sai khi trót mang bầu trước khi cưới. Nhưng có lẽ cái sai nhất là mẹ nó đã chọn lầm người. Mẹ con nó không mang lỗi lầm gì với xóm giềng để mà phải sống trong sự miệt thị và chế giễu của họ, nó đã cứng rắn nói với mẹ như thế mỗi lần nhìn bà lầm lũi ngồi một góc ăn vội bát cơm vào những lúc nghỉ trưa ở giữa đồng.

Nó học giỏi nhất lớp. Cuối năm lúc nào nó cũng mang về cả chồng sách vở được bao bìa thật đẹp đẽ trong miếng giấy kiếng màu đỏ, bên trên đính kèm cái giấy khen học sinh xuất sắc. Nó thấy thật vui khi nhìn ánh mắt hạnh phúc của mẹ những lần bà giúp nó dán bằng khen khắp tường nhà. Nó đã nghĩ, đây là điều duy nhất mà nó có thể làm cho mẹ lúc này. Nó muốn thấy mẹ nó được cười và hạnh phúc...!

Cứ thế rồi nó cũng lớn lên bằng những chén cơm độn khoai và chén nước cơm mẹ dành cho nó mỗi ngày. Nhà nó nghèo thật đấy, nó cũng vẫn là “đứa con hoang” như người ta vẫn gọi, nhưng bữa cơm chiều ở nhà nó lúc nào cũng vang lên tiếng nói rộn ràng của nó cùng tiếng cười của ngoại và mẹ...!

Vào một buổi trưa hè tháng Bảy, năm nó sắp tròn 18 tuổi, nó chạy như bay, băng qua những cánh đồng lúa mơn mởn. Những giọt mồ hôi chảy dài trên vai áo không ngăn được gương mặt đầy rạng rỡ của nó. Nó hét vang giữa những cánh đồng bạt ngàn “Mẹ ơi, con đậu thủ khoa rồi...!".

Mẹ nó buông cái cuốc giữa đồng, bà chạy ào về phía nó. Đó là lần đầu tiên trong đời nó thấy mẹ hạnh phúc đến trào nước mắt, nhưng bà không dùng tay để gạt đi nữa. Và đó cũng là lần đầu tiên những người xóm giềng không nhìn nó bằng ánh mắt tội nghiệp và giễu cợt mà bao năm qua mẹ con nó vẫn phải nhận từ họ...

Nó lên thành phố học. Giữa phố thị ồn ào, phồn hoa với tiếng còi xe và những toà nhà chọc trời; nó nhớ ghê gớm cái tĩnh lặng thanh bình nơi làng quê nghèo. Nhớ những buổi trưa nó mang cơm cho mẹ, nhớ ánh mắt thân thương bà luôn dành cho nó. Nó nhớ cả lời ca dao mẹ ru nó những đêm dài từ khi nó còn rất nhỏ...!

Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi

Ầu ơ… Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời.

Ầu ơ… Gió đưa bụi chuối sau hè

Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ…

Nó tự nhủ sẽ cố gắng học thật giỏi để đền đáp công ơn của mẹ. Bà có quyền lựa chọn bỏ nó, nhưng bà chấp nhận sự miệt thị của xóm giềng để sinh ra nó và bù đắp cho nó bằng tất cả những gì bà có thể. Nó hiểu được nỗi niềm và sự hi sinh vô bờ của mẹ nó...!

Buổi sáng ngày nó chuẩn bị bảo vệ luận văn tốt nghiệp thì nó nhận tin báo từ quê mẹ nó nhập viện vào đêm khuya. Nó gắng hoàn thành tốt bài luận đã chuẩn bị mấy tháng trời rồi đón xe về với mẹ...!

Mẹ nó nằm im trên giường tiều tụy với gương mặt lộ vẻ đau đớn. Bác sĩ báo cho nó biết mẹ nó bị ung thư dạ dày, phẫu thuật là phương pháp duy nhất có thể mang lại hy vọng sống...!

Nó cầm tay mẹ động viên “nhất định mẹ sẽ khỏe trở lại, mẹ hãy cố gắng nhé”. Nó nhờ ngoại lên viện chăm sóc mẹ những ngày chờ phẫu thuật. Nó trở lại thành phố xin làm thêm phục vụ ở quán phở, đêm về lại viết những bài báo ngắn cho các toà soạn mà nó được nhận cộng tác. Nó luôn là sinh viên xuất sắc của Khoa Báo Chí nên rất nhiều bài báo của nó được lựa chọn và đăng tải. Nó làm ngày làm đêm mong tích cố được phần nào để chữa bệnh cho mẹ. Nhưng mẹ nó chẳng đợi được đến ngày phẫu thuật...!

Bà trút hơi thở cuối cùng vào một buổi chiều mưa tầm tã, tô phở nó bưng cho khách vỡ tan trên nền nhà. Nó mất mẹ thật rồi...!

Chỉ còn hơn tháng nữa thôi, nó sẽ được mặc chiếc áo Tân Cử nhân, cầm chiếc bằng đỏ trên tay, nó mong biết bao đến ngày đó để mẹ có thể nhìn nó tự hào...! Thế nhưng, giờ đây đầu nó đội khăn trắng, tay ôm chặt di ảnh mẹ. Nó nào đã làm được gì cho Mẹ.

Nó cố gạt nỗi đau trở lại thành phố để bắt đầu những ngày tháng thực tập trước khi được nhận việc chính thức. Nó biết nó còn phải là chỗ dựa vững chắc cho ông bà ngoại.

Trong một lần trên đường đến tòa soạn, nó bị một chiếc xe bốn chổ tông trúng, chiếc mũ bảo hiểm rẻ tiền văng ra xa, chân nó bị bánh xe cán qua. Nó chỉ kịp nhìn thấy lờ mờ trước mắt rất đông người xúm lại rồi chìm vào cơn mê dài...

Nó tỉnh dậy trong một căn phòng kín, xung quanh dây nhợ gắn đầy người. Bác sĩ bảo nó đã hôn mê hơn ba tuần, phần chân bị tổn thương nặng nên tạm thời không thể đi lại được...!

Nó ngước mặt lên trần nhà, chỉ là một màu trắng toát lạnh lẽo đầy đáng sợ đáp lại nó. Nó tự hỏi tại sao cuộc đời lại giáng cho nó thật nhiều đau khổ, thử thách quá... Nó từ một đứa “con hoang” như người ta vẫn gọi, trở thành một đứa con ngoan của mẹ, niềm tự hào của gia đình và là tấm gương cho lũ trẻ trong làng, những năm tháng ấy nào có dễ dàng gì.

Mẹ đã “gánh” nó đi qua những năm tháng tuổi thơ, “gánh” luôn phần trách nhiệm của người cha đã bỏ rơi nó. Giờ nó còn mẹ đâu để mà lại “gánh” nó trong quãng đường này?Nó phải tự tiếp tục bước đi trên đôi chân của chính mình thôi...

Nó quyết tâm tập vật lý trị liệu cho đôi chân. Có những lần bước đi đau đớn khiến nó muốn bật khóc nhưng điều gì đó vẫn khiến nó ngăn lại và tiếp tục cố gắng. Có hôm chiếc nạng gỗ tuột ra khỏi tay khiến nó ngã sóng xoài ra đất, nhưng chưa một lần nó lại bỏ cuộc. Nó phải trở lại là chính nó, phải cố gắng bước tiếp phần đời mà mẹ đã dành tặng cho nó; một cách hiên ngang, mạnh mẽ và có ích nhất. Bởi dẫu mẹ có ở nơi nào, nó vẫn muốn mẹ thật tự hào về nó....!

* Nước mắt chảy xuôi: Chỉ làm nguôi kí ức...!

* Nước mắt chảy ngược: Mới thấm được niềm đau...!

“Cuộc sống có quyền đẩy bạn ngã, nhưng đùng ngồi đó than khóc hãy đứng dậy và tiếp tục cố gắng hết sức là quyền của bạn...!"*

(sưu tầm)

Thứ Tư, 25 tháng 8, 2021

KHIÊU VŨ QUỐC TẾ

 Trong quá khứ, đã đôi lần tôi muốn viết đôi giòng về Khiêu Vũ Quốc Tế (KVQT) nhưng rồi lại chần chừ vì nghĩ rằng bài viết sẽ không được đón nhận bởi người đọc khi tự nó mang tính kỹ thuật khô khan. Đúng, viết về KVQT mà không đề cập đến phần kỹ thuật thì chắc chắn bài viết không chuyển tải một giá trị nào. Thế nhưng một khi nguyên tắc, kỹ thuật được đề cao bài viết chắc chắn sẽ trở thành khô khan cho những người chưa có ý niệm về 

khieuvumôn nghệ thuật. Đây là điều làm tôi chần chừ. Hôm nay tôi viết, nhưng viết ở sự dung hòa giửa hai trạng huống vừa nêu được phần kỹ thuật một cách khái quát cho những người muốn tìm hiểu nhưng không đi sâu vào chi tiết, cơ bãn làm bài viết khô khan cho độc giả phần đông. Với lại, đây là môn nghệ thuật lớn dựa trên kỹ thuật, đòi hỏi nhiều kỹ năng, hình thành qua thời gian thành không thể trình bày hết mọi khía cạnh về kỹ thuật trong bài viết ngắn. Vậy Khiêu Vũ Quốc Tế (International Ballroom) là gì, cái từ ngữ không mấy xa lạ khi càng lúc càng nhiều người ưa thích tìm hiểu?

KVQT xuất phát từ Anh quốc, được dùng trên quốc tế về tranh giải và hiện đang phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên khắp các đại lục, chia làm hai nhóm: Standard và Latin. Nhóm Standard (tạm dịch Cổ điển Tây Phương) bao gồm năm  vũ điệu: Waltz, Tango, Slow Foxtrot, Viennese Waltz và Quick Step. Nhóm Châu Mỹ Latin bao gồm các vũ điệu: Chachacha, Samba, Rumba, Pasodoble và Jive. Các vũ điệu Standard mang tính lịch lãm, sang trọng, quý phái Tây Phương trong lúc nhóm Latin bao gồm những thể điệu khiêu vũ có tính lãng mạn, tình tứ đi đôi với đam mê gợi cảm, phản ảnh nghệ thuật sinh động của người Châu Mỹ Latin. Mỗi nhóm có động tác đặc thù và kỹ thuật riêng do vậy giày và trang phục cũng khác nhau đễ xứng hợp với động thái của hai lối nhảy. Sau đây là phần kỹ thuật của hai nhóm tôi xin trình bày một cách tổng thể:

Kỹ thuật Standard: Khiêu vũ Standard đòi hỏi những kỹ thuật sau: sự Nối kết (Connection), Thăng bằng (Balance), Động tác bàn chân (Footwork), Dẫn và Theo (Lead and Follow) và kỹ thuật Quay Phần Thân (CBM-Contra Body Movement) mà sẽ được dẩn giải một cách khái quát ở phần dưới.

Kỹ thuật Latin: Trong năm vũ điệu trừ điệu Pasodoble và Jive động thái chuyển hông (hip movement, rotation) là một trong những kỹ thuật chính của khiêu vũ Latin bởi khiêu vũ Latin mà không xử dụng kỹ thuật chuyển hông là điều hoàn toàn thiếu sót. Là kỹ thuật, cơ bãn cử động hông phải đi theo quy luật chứ không lắc lư một cách tùy tiện, sai nguyên tắc. Cũng trong khiêu vũ Latin đặc biệt ba thể điệu Chachacha, Rumba và Samba kỹ thuật đòi hỏi phải bước bằng mủi chân, giử chân và đầu gối thật thẵng. Với đôi chân bước thẳng tính từ mủi chân người khiêu vũ sẽ có những bước đi đẹp và gợi cảm, qua đó động tác chuyển hông cũng sẽ dễ dàng. Chỉ trừ điệu Samba là thể điệu nhún nhảy (bouncing) nên đầu gối được phép cong (bent) lúc hạ thân người. Xa hơn, khiêu vũ Latin đòi hỏi người luyện tập phải tạo dáng điệu (posture): thẵng người, thân hình được nâng cao, khi di chuyển thân người được di chuyển trước và ở mọi thời điểm trọng tâm của người khiêu vũ nằm trên lườn bàn chân phía trước; chưa kễ, đôi vai phải ở trong tư thế thoải mái và tương đối ít chuyển động. Còn nữa, những động thái như thăng bằng, nối kết, kỹ thuật bàn chân và sự chuyển động không ngừng của cơ thể (continuous body movement) là những kỹ năng phải được phát triển trong khiêu vũ Latin.

Chưa hết, với cả hai thể loại Standard và Latin, nhịp điệu (timing), sự diển đạt (interpretation), diển cảm (expression), sự nổi bật giửa hai động thái (contrast), cảm thụ âm nhạc (musicality), bài bãn (choreography, routine) cũng là những động thái, kỹ năng cần thiết đối với người học khiêu vũ đễ có bước nhảy đẹp. Còn nữa, sáng tạo (creativity) cũng là một điểm son nhưng chỉ dành cho những người ở trình độ cao khi đã nắm vững kỹ thuật. Biết kết hợp đầy đủ những kỹ thuật và động thái trên người khiêu vũ xem ra đã đi khá xa trên lãnh vực nghệ thuật.

Sau đây tôi xin trình bày một cách khái quát về kỹ thuật đễ người đọc có một cái nhìn tổng thể về KVQT.

Sự nối kết (Connection) –  Connection rất quan trọng trong khiêu vũ, nhờ có connection đôi khiêu vũ hiểu được ý định, động tác của nhau hài hòa trong tiết điệu mà không cần qua đàm thoại. Trong khiêu vũ Standard sự nối kết được thể hiện khi đôi khiêu vũ giử được khung sườn và mọi điểm tiếp giáp trên cơ thể qua đó người dẫn chuyển động thái qua người theo đễ cả hai hài hòa nên một trong bước nhảy. Thiếu connection, khung sườn sẽ vở ra, bước nhảy sẽ chao đảo, ý niệm dẫn và theo sẽ mất đi. Trong khiêu vũ Latin, sự nối kết được thể hiện qua cánh tay của nam và nử và qua sự chuyển động của toàn thân đễ thông tri cho nhau, thống nhất qua động thái. Nhờ có connection cả hai giử được dáng điệu (posture) hiểu được động tác của nhau, tạo nên sự hài hòa trong bước nhảy.

Thăng bằng (Balance) – Là kỹ thuật đòi hỏi phải có trong khiêu vũ cũng như trong mọi môn vũ nghệ thuật nói chung. Đây là kỹ thuật được nhìn từ nhiều góc cạnh nhưng tính giới hạn của bài viết không cho phép đi sâu vào chi tiết. Nói một cách ngắn gọn thăng bằng giúp cơ thể giử được trọng tâm. Thiếu kỹ năng nầy cơ thể sẽ lung lay, bước nhảy sẽ mất thăng bằng. Trong cả hai thể loại Standard và Latin, đễ giử được thăng bằng các động thái sau phải được thể hiện: trọng tâm, thế đứng, khoảng cách cần thiết giửa nam và nữ, khuôn mặt và hướng nhìn, đối cân bằng, thân hình được nâng cao, kỹ thuật nâng hạ bàn chân. Bạn có biết không chỉ một trong hai của đôi khiêu vũ hạ đặt bàn chân sai kỹ thuật, không đúng timing khung sườn sẽ lung lay, bước nhảy sẽ chao đão.

Động tác chân (Footwork)– Footwork là một trong những kỹ thuật quan trọng của khiêu vũ cần có trong cả hai thể loại đễ tạo được sự cân bằng. Trong những buổi học tập và thực hành ở những năm đầu vũ sư cứ mãi nhắc đi nhắc lại bốn chữ, “heel, flat, ball, toe” (gót, bằng, lườn bàn chân, ngón chân) cho đến một lúc người học khiêu vũ thuần thục với bước nhảy, không còn phải nghĩ ngợi lúc nâng hạ bàn chân. Nắm được kỹ năng nầy người khiêu vũ sẽ nhảy được những bước lên xuống (rise and fall) tuyệt đẹp trong thể loại Standard, giử được bước chân thật thẵng và gợi cảm trong những thể điệu Latin.

Kỹ thuật quay phần thân (CBM- Contra Body Movement) – Đây là kỹ thuật khó và rất quan trọng đòi hỏi phải cósoncam trong lúc nhảy Standard đễ giúp đôi khiêu vũ giử được khung sườn. Kỹ thuật nầy đòi hỏi sự mềm dẽo của phần thân khi bước chân trẹo với thân người. Tôi không muốn và không thể đi sâu vào chi tiết bởi đây là kỹ thuật khó đễ được diển tả qua ngòi bút mà phải bằng hình tượng của đôi học viên trên sàn tập luyện. Một điều chắc chắn khiêu vũ Standard mà không nắm được kỹ thuật CBM kể như con đường tiến đi vào ngỏ cụt.

Dẫn và Theo (Lead and Follow) – Trong khiêu vũ, ở cả hai thể loại Standard và Latin, vai trò dẫn (leading) của người nam rất quan trọng. Nhân sự nắm vai trò chủ động, hiểu rõ kỹ thuật, chịu trách nhiệm về nhịp điệu, động tác vũ hình, phương hướng trên sàn nhảy và biết đưa cả hai ra khỏi đám đông, chướng ngại. Ngoài ra nhân sự còn phải hiểu thế đứng (dance position), bước nhảy và sự thăng bằng của người nữ đễ giử mọi động tác hài hòa cho cả hai. Vai trò của người nữ thường chỉ biết theo. Tuy vậy, theo tôi, người nữ phải là một người theo năng động (active follower), nắm vững kỹ thuật, hiểu rõ động tác, theo đúng nhịp điệu, giử vững khung sườn, giử posture thật đẹp đễ hài hòa bước nhảy ở bất cứ thời điểm nào và điều tối kỵ là không được diển vai trò hướng dẫn bởi đó là công việc của người nam. Có điều, trong khiêu vũ Latin người nam dẫu nắm vai trò chủ động nhưng lại phải diển vai vế khiêm nhường, chịu lu mờ đễ hình ảnh của người nữ được nổi bật. Họ được ví như cái giá treo tranh, treo lên bức tranh tuyệt mỹ. Nắm được như thế, cả hai sẽ hài hòa trong bước nhảy, hòa quyện trong nhạc khúc, tạo được nét đáng yêu trong khiêu vũ. Tôi còn nhớ vị thầy của tôi một lần đã nói, “người nam cần mười năm đễ trở thành người dẫn giỏi trong khi nữ cần ba năm là theo giỏi rồi.” Chính vậy, qua mọi giờ học người nam được hoặc bị chiếu cố nhiều hơn và điều nầy không lạ khi chúng ta thấy phần đông vũ sư đều là nam giới.

Nhịp điệu –  Nhịp điệu rất quan trọng trong khiêu vũ, vì vậy, ban giám khảo thường đặt nhịp điệu hàng đầu khi chấm điểm. Bước nhảy có đẹp, có ấn tượng đi mấy nhưng nhảy không đúng nhịp sẽ bị loại từ đầu. Dĩ nhiên người học khiêu vũ không bị đòi hỏi phải có trình độ cao về nhạc lý như kỹ thuật xướng âm, hòa âm hoặc phối khí; tuy thế, cũng phải có trình độ tối thiểu về âm nhạc, biết cấu trúc của khung nhạc, biết phách, nhịp và ở trình độ cao hơn phải biết thể hiện tính cảm âm, hồn nhạc qua đó động thái và bước nhảy sắc nét hơn, gợi cảm hơn, hài hòa với thể nhạc tạo đam mê, thích thú. Theo tôi, một người nhảy đúng thời điểm (timing)  chưa hẵn là đạt được trình độ nếu chưa nhảy đúng tiết điệu (rhythm) và cao hơn chưa thể hiện được tính cảm âm, hồn nhạc (musicality) của điệu vũ. Tôi dẫn dụ, cùng một bước nhảy, người ở trình độ sơ cấp hoặc trung cấp thể hiện khác với một người ở trình độ cao cấp dẫu rằng cả hai cùng nhảy đúng “timing”. Sự khác biệt giửa hai trình độ là sự nhẹ nhàng, thuần thục, tự tin và điêu luyện mà đôi khiêu vũ gặt hái qua thời gian luyện tập. Đơn giản, khi nói đến nhịp điệu người học khiêu vũ phải hiểu được thế nào là phách và nhịp (beat and rhythm). Phách được hiểu là những khoãng thời gian bằng nhau, mạnh nhẹ khác nhau, phách mạnh đầu khung nhạc và phách nhẹ kế tiếp, được lập lại một cách điều đặn, tuần hoàn trong lúc nhịp được gọi là tiết tấu bao gồm các phách trong khung nhạc. Chính vì tiết tấu mà âm nhạc tạo ra các thể điệu khác nhau: Tango, Foxtrot, Samba, Chachacha, Rumba…….. Điều thú vị là bước nhảy lệch phách (syncopation) được dùng nhiều trong khiêu vũ, bước nhảy khác với sự di dịch bình thường mà mục đích đễ tạo những bước nhảy sinh động, cũng là bước nhảy giúp người khiêu vũ thu lấy khoãng cách hoặc giúp người khiêu vũ trở lại với động thái di dịch bình thường. Hiểu được, người khiêu vũ sẽ thấy bước nhảy syncopation linh động chưa nói là cần thiết trong khiêu vũ nhưng đây cũng là bước nhảy thử thách. Điều thú vị nữa là kỹ thuật delay beat (làm chậm, trì hoãn phách) cũng là kỹ thuật cao trong khiêu vũ, đặc biệt là khiêu vũ Latin đễ tạo động thái sắc bén, bước nhảy linh hoạt. Có điều người khiêu vũ phải thận trọng khi xử dụng kỹ thuật nầy bởi đây là bước nhảy đầy thử thách “trì hoãn không có nghĩa là trể nhịp”. Nói một cách chính xác khiêu vũ mà không có khái niệm về âm nhạc sẽ thua thiệt thật nhiều trong tiến trình học hỏi bởi đây là môn nghệ thuật dựa trên âm nhạc qua đó sự chuyển động cơ thể hài hòa với nhịp phách.

Bên cạnh các kỹ thuật cơ bãn vừa mô tả ở trên các điểm đặc trưng sau đây cũng cần thiết đối với người học khiêu vũ:

Năng khiếu – Người có năng khiếu, có tư chất bẩm sinh sẽ thu nhập nhanh hơn trong tiến trình học khiêu vũ. Môn nghệ thuật nào cũng vậy người có năng khiếu sẽ là người trổi vượt.

Có partner cùng sở thích – Học khiêu vũ quốc tế là cả một tiến trình dài lâu, đòi hỏi phải có thời gian và tập luyện. Chính vì vậy vai trò của một đối tác (partner) rất cần thiết. Thường thì trên sàn nhảy quốc tế người ta chỉ thấy những cặp vợ chồng hoặc bồ bịch có cùng sở thích mới theo đuổi được thời gian lâu dài. Ngoài vợ chồng thật khó vì mổi nhân sự cho dẫu cùng sở thích nhưng lại có đời sống riêng, giờ giấc riêng thành khó có chung thời gian tập luyện. Chưa kễ, sự kết nối trong khiêu vũ Standard đòi hỏi hai thân thể dính chặt vào nhau, hài hòa nên một đễ giử vững khung sườn. Còn nữa, cữ chỉ gợi cảm, quyến rũ tình tứ, diển đạt đam mê giửa đôi khiêu vũ trong thể điệu Latin xem ra thật khó cho những đôi khiêu vũ không phải vợ chồng hoặc tình nhân. Chính vậy trên sàn nhảy International những đôi nhảy đẹp thường là những cặp vợ chồng hoặc tình nhân gắn bó, có thời gian bên nhau, không tỵ hiềm đụng chạm. Những người nhảy giao lưu (social dancers) tôi không đề cập bởi họ chỉ là thành phần bước vào sân chơi không trang bị cho mình kỹ thuật đòi hỏi.

Khả năng tài chánh – Khả năng tài chành cũng là vấn đề bởi đây là môn chơi nghệ thuật đòi hỏi tốn kém khi phải trả học phí, chưa kễ áo quần, trang phục.

Đừng đễ căng thẳng chen vào – Thường thì quá trình học tập gian nan, đôi lúc mất cả hứng thú vì đụng phải kỹ thuật khô khan lại trước mắt con đường nghệ thuật còn dài dễ sinh ra căng thẳng. Chưa kễ, những lúc bước nhảy chưa đạt, kỹ thuật chưa chuẩn dễ sinh ra cáu cọ rồi cải cọ giửa đôi học viên dẫu cả hai đều ý thức rằng khiêu vũ là môn nghệ thuật mang đến sự hài hòa, hứng thú giửa đôi bạn nhảy. Vậy thì không nên đễ căng thẳng xen vào trong lúc tập luyện chuyện làm cản trở bước tiến của người học khiêu vũ.

Phải dành thời giờ tập luyện – Là môn nghệ thuật thể hình, khiêu vũ đòi hỏi phải có thời giờ tập luyện đễ tiến bộ. Càng tập luyện bước nhảy càng thuần thục, điêu luyện. Có điều tập luyện sai kỹ thuật cũng là điều tối kỵ trong khiêu vũ bởi tạo thói quen khó sửa sau nầy.

Học khiêu vũ thường có hai cách: học nhóm (group) và học tư (private). Học nhóm lệ phí rẽ hơn nhưng người học khiêu vũ không được hướng dẫn và sửa bảo cặn kẽ bởi trong lớp không riêng mình mà còn nhiều học viên khác nữa. Điều chung chung là phần đông những người học nhóm thường muốn học nhanh, học vũ hình (figures) mà ít chú trọng về chi tiết, kỹ thuật dẫu ý thức rằng bước nhảy tự nó không giúp học viên trở thành người khiêu vũ đẹp. Học private tốn kém hơn nhưng người học khiêu vũ được dẫn giải chi tiết, đi sâu vào kỹ thuật, nắm vững cơ bãn từ đó bước nhảy mới đẹp được. Bạn nên biết rằng cùng một bước nhảy nhưng cách học hỏi và diển đạt của hai nhóm hoàn toàn khác nhau. Tôi dẫn dụ bước “Natural Turn” căn bãn trong vũ điệu Waltz, người khiêu vũ giao lưu chỉ cần bỏ ra mươi, lăm phút đồng hồ đễ học trong khi người tranh giải bỏ ra bao nhiêu thời gian và còn thực tập dài lâu đễ bước nhảy thuần thục, điêu luyện trong đó các kỹ năng được nắm vững: nhịp điệu, lực đẩy, đối thăng bằng, trọng lực cơ thể, kỹ thuật nâng hạ bàn chân, vị trí, khung sườn và các điểm tiếp cận, phương hướng, khuôn mặt…. Do đó người tranh giải phải là những người theo học private bởi họ được tiếp cận kỹ thuật, đào sâu cơ bãn và chuyên chú tập luyện cho tiến trình đi lên.

Vậy thì bạn chọn nhóm nào cho thích hợp với mình? Câu trả lời tùy thuộc vào bạn khi    các điểm sau phải được cân nhắc: mức độ nhận thức về khiêu vũ, thời giờ và khả năng tài chánh. Có người chỉ thích học đũ đễ nhảy giao lưu trong những đám tiệc. Có người kẹt giờ giấc, làm đổi giờ, có con dại không theo đuổi được môn học lâu dài và quan trọng nhất là khả năng tài chánh bởi như tôi nói môn chơi tốn kém thật nhiều. Nếu bạn là người rơi vào tình huống ở trên tôi khuyên bạn ghi tên học nhóm cũng đũ rồi.

Khác biệt giửa Khiêu vũ Quốc tế và Khiêu vũ Bắc Mỹ: Nói đến khiêu vũ Quốc Tế cũng nên nói sơ qua về khiêu vũ Bắc Mỹ. Ở Hoa Kỳ hoặc Canada, ngoài môn khiêu vũ Giao lưu (Social Dances) có hai trường phái chính về khiêu vũ: International và American. Tôi  xin trình bày một vài nét tổng thể giửa hai trường phái đễ bạn thấy được sự khác biệt giúp bạn khỏi phải ngỡ ngàng cũng như nhầm lẫn khi chọn cho mình một lối đi. Như trên đã nói, KVQT xuất phát từ Anh quốc, một cách chính xác hơn từ ISTD (Imperial Society of Teachers of Dancing) và IDTA (International Dance Teachers’s Association) được dùng trong quốc tế về tranh giải và hiện đang phát triển mạnh ở nhiều quốc gia trên thế giới trong lúc American Ballroom xuất phát từ Hoa Kỳ, hình thành qua các hệ thống vũ đường Athur Murray, Fred Astaire và các vũ đường độc lập ở Hoa Kỳ, sinh hoạt trên địa bàn Bắc Mỹ. So với thể điệu Quốc tế, thể điệu Bắc Mỹ mang tính giao lưu, giản đơn qua hình thái và lối ứng dụng kỹ thuật không quá khắt khe như trường phái Quốc tế dẫu rằng cả hai đòi hỏi sân nhảy lớn rộng. Tuy nhiên, trong một chiều kích nào đó, nhiều bước nhảy thu gọn trong trường phái Bắc Mỹ cho phép đôi khiêu vũ được nhảy trên sàn nhỏ hơn. Riêng về kỹ thuật hai trường phái có sự khác biệt về cơ bãn mà tôi xin được diển tả như sau. Trong khiêu vũ Cổ điển Tây Phương (International Standard) đôi khiêu vũ nhảy trong thế đóng (closed position) trong khi trường phái Bắc Mỹ (American Smooth) cho phép đôi khiêu vũ được bung ra trong nhiều bước nhảy, được rời tay nhau, cho phép quay đào và còn có những bước nhảy độc lập, động thái mà mà ở khiêu vũ Cổ Điển Tây Phương hoàn toàn không cho phép. Riêng về khiêu vũ Latin động thái hông được thể hiện khi bước trên chân duỗi thẵng trong trường phái Quốc Tế trong khi hip action được thực hiện trên chân với đầu gối lỏng trong trường phái Bắc Mỹ (American Rhythm). Đi vào sân chơi, người khiêu vũ sẽ nhận ra sự khác biệt giửa hai trường phái và càng nhận ra

KVQT càng lúc càng phát triển mạnh khắp các đại lục với những chương trình thi tranh mang tính kỹ thuật và nghệ thuật cao được tổ chức bởi các Câu lạc bộ thế giới: WDC (World Dance Council), WDSF (World Dancesport Federation), IDO (International Dance Organization)…..…. với những giải Europe, North America, Blackpool Dance Festival, Asia, Russia, UK….. Trái lại American Ballroom đến mãi bây giờ vẫn quanh quẩn trên địa bàn Bắc Mỹ và ngày góp mặt với 5 châu xem như còn xa vời vợi. Những chương trình hiện đang được trình chiếu trên truyền hình “Dancing With The Stars” và “So You Think You Can Dance” dùng thể loại American, mang tính giao lưu, nhẹ về kỹ thuật. So với đôi mắt bình thường của một người chưa từng học KVQT thì những bước nhảy đó là những bước nhảy đầy ấn tượng. Nhưng đối với những người đã từng được đào tạo một cách nghiêm túc trong  hệ thống KVQT thì những bước nhảy đó không mang tính biểu tượng cao, chỉ nhất thời tạo được những nét hoành tráng đầy màu sắc bên ngoài.

Khiêu Vũ Thể Thao (Dancesport) – Viết về KVQT mà không đề cập đến môn Khiêu Vũ Thể Thao (Dancesport) cũng là một thiếu sót. Dancesport được xem là môn thể thao nghệ thuật chú trọng về thi đấu (dance competitions) ra đời đã gần ba thập niên, xuất thân và hình thành từ KVQT với mục đích tham gia vào tranh đua ở Thế Vận Hội Olympic mà luật lệ và thể thức có tiêu chuẩn thống nhất trên địa bàn quốc tế. Được biết sau quá trình vận động vào ngày 5 tháng 9, 1997, WDSF (World Dancesport Federation) đã được Thế Vận Hội Quốc Tế công nhận là bộ phận đại diện cho Dancesport đem vận hội mới cho những người yêu thích khiêu vũ. Từ đó nhiều Câu lạc bộ Khiêu vũ đổi tên thành khiêu vũ thể thao cho hợp với trào lưu. Được biết, Dancesport không chỉ là bộ môn nghệ thuật  mà còn là môn luyện thể chất mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe và vẻ đẹp cơ thể. Chính vì vậy người khiêu vũ được mang một tên gọi rất ư thể thao “vận động viên khiêu vũ”. Khi nhảy cũng như khi tập luyện vận động viên đòi hỏi phải dùng thể lực, xử dụng cả thân lẫn tâm đễ đạt tiêu chuẩn. Có điều, dẫu rằng đã được Ủy ban Olympic công nhận là môn thể thao chính thống nhưng đến thời điểm nầy Dancesport vẫn chưa chính thức thi đấu tại Olympic và càng lúc càng lắm người hoài nghi Dancesport trong tương lai sẽ có mặt bên cạnh các bộ môn của giải thể thao quốc tế.

Học khiêu vũ đễ có bước nhảy đẹp và điêu luyện xem ra thật gian nan, đòi hỏi phải có thời gian lâu dài học hỏi và tập luyện. Khác với lối học từ chương, học sinh chỉ cần ngồi một chổ cắn bút rung đùi năm qua tháng hết sẽ nhận lấy mảnh bằng tốt nghiệp. Khiêu vũ lại khác đòi hỏi nhiều thời gian và ngày tốt nghiệp xem như lơ lững ở chân trời bởi điểm dừng nghệ thuật không bao giờ có. Cũng khác với lối học từ chương, người khiêu vũ phải xử dụng vừa não bộ vừa toàn thân mà lắm lúc thân thể không chịu nghe theo não bộ bao giờ. Theo cảm nhận của tôi trong tiến trình học khiêu vũ mỗi một vũ sinh có hai bộ nhớ: bộ nhớ não bộ (mind memory) và bộ nhớ cơ thể (body memory). Bộ nhớ não bộ giúp người học khiêu vũ ghi nhận kỹ thuật, học tên bước nhảy, nhớ vững nguyên tắc, tính toán động tác. Một lúc bước nhảy đã thuần thục động thái được chuyển về bộ nhớ cơ thể, tàng trử ở đó, nằm sâu trong cơ bắp đễ rồi phát huy theo phản xạ, linh hoạt theo vô thức luồn lách vào hồn nhạc, tạo thành những bước nhảy hòa quyện giửa hai người.

Toronto hiện là thành phố địa bàn hoạt động của môn KVQT và ở một tầm mức cao hơn là thành phố đăng cai nhiều giải khiêu vũ địa phương cũng như quốc tế. Ở đây mười năm trở lại nhiều câu lạc bộ khiêu vũ được mở ra, phát triển nhanh theo trào lưu mà thành phần vũ sư uyên bác phần đông đến từ nước Nga nhận ra thành phố có nhiều cơ hội. Cá nhân tôi là một trong những người tiên phong trong cộng đồng đi vào môn KVQT, có cơ hội học hỏi về cơ bãn, kỹ thuật nên có dịp đến nhiều sàn nhảy, giao lưu có, biểu diển có gặp gở nhiều cộng đồng, sắc tộc, từ đó có cơ hội mục kích, học hỏi. Chung chung dân tình họ lịch lãm, có trình độ và ý thức cao về môn nghệ thuật khiêu vũ điều dễ tạo thiện cảm và nễ phục đối với khách tham dự không cùng sắc tộc. Họ tôn trọng đám đông, không lớn tiếng, ồn ào và điều mà tôi thích nhất là họ tôn trọng sàn nhảy một cách đặc biệt, không băng qua lại một cách tự tiện đặc biệt trong lúc biểu diển. Ban tổ chức của họ có trình độ cao về nghệ thuật, am hiểu tempo về nhạc khiêu vũ quốc tế, xử dụng âm thanh ánh sáng hài hòa phù hợp với tiêu chuẩn của một sàn nhảy Ballroom. Nói chung cách tổ chức của họ thật đáng khâm phục từ nhiều góc cạnh cần cho tôi và bạn học hỏi. Riêng về khiêu vũ phần đông họ cũng nhảy ở trình độ giao lưu tuy vậy ở giửa đám đông lúc nào cũng có những bông hoa tuyệt đẹp. Hôm nay nhìn lại, sau bao nhiêu năm học hỏi tôi đã đi qua một đoạn đường khá dài, thế nhưng, nhìn về phía trước chân trời nghệ thuật vẫn còn thật xa. Điều mà tôi nhận ra và thường hay chia sẽ với những người gần gủi là ngày đầu tập tễnh bước lên sàn khiêu vũ tôi thấy mọi người đều nhảy đẹp chỉ trừ tôi ra. Sau bao nhiêu năm học hỏi tôi nhận ra chẵng còn một ai nhảy đẹp nữa, trong đó có cả chính tôi. Xem như vậy thì môn chơi bít lối ra rồi!

Tôi viết bài nầy không ngoài mục đích đem đến bạn, người muốn biết về KVQT một khái niệm về môn nghệ thuật và xin chia sẽ với bạn một vài cảm nghĩ. Bài viết không có tính cách quảng cáo cho một trường học, một trường phái lại cũng không vì mục đích đề cao cá nhân; bởi lẽ, tôi và bạn, cả hai đang đứng thật xa từ đích điểm nghệ thuật và điều mà tôi xác tín là chẵng ai đến được đích điểm nghệ thuật bao giờ. Bài viết cũng không nhằm mục đích đào sâu về kỹ thuật của từng điệu nhảy thuộc trường phái KVQT bởi môn học xem ra rộng lớn không thể đóng khung trong vài trang giấy ngắn, với lại, sự hiểu biết của con người trong nghệ thuật còn lắm giới hạn. Đễ kết luận, tôi muốn chia sẽ với bạn: nghệ thuật ở lãnh vực nào cũng đẹp, cũng đáng yêu, đòi hỏi phải vươn lên. Điều mà tôi yêu thích là được nhìn những đôi nhảy với những bước nhảy bình dị, không đắn đo kỹ thuật, không nề hà nguyên tắc, nhưng bước theo tiếng nhạc với khuôn mặt đáng yêu và biết chia sẽ nổi hứng thú cho người bạn của mình. Bởi vậy, không cần biết bạn đang khiêu vũ với trường phái nào, sàn nhảy nào, chỉ cần bạn vui, yêu đời bên partner dễ thương của bạn và tôn trọng những người chung quanh là bạn đang sống với nghệ thuật và như tôi nói đã là nghệ thuật thì lúc nào cũng đẹp, cũng đáng yêu.

Toronto, March 20th , 2016

Bài từ Nguyễn Hùng Sơn