XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2025

Diễn biến Trận chung kết AFF cup lượt về ngày 05.01.2025 tại sân Thái Lan

ĐỘI THAILAND BỊ QUẢ BÁO
Bài của Phan Chi
Một trận đấu căng thẳng, nhiều cung bậc cảm xúc xứng đáng là trận thư hùng giữa hai kỳ phùng địch thủ. Đội VN đã vô địch nhờ thắng 2-1 trên sân nhà và 3-2 trên sân khách. Rất thuyết phục!
Trận đấu diễn ra theo một kịch bản không tưởng. Phút thứ 7 Tuấn Hải ghi bàn rất đẹp. Tôi sẽ phân tích bàn thắng này sau. Đội Thailand dâng lên gỡ bàn, tạo sức ép liên tục. Cầu thủ ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhất là Ngọc Tân đã mắc lỗi, chuyền bóng vào chân tiền đạo đối phương và anh này lập tức trừng phạt, sút xa hiểm hóc, gỡ hoà 1-1 cho đội nhà.
Phút 34, Xuân Son bứt tốc, cố quá sức và bị chấn thương, Tiến Linh vào thay.
Hiệp 2 Thailand ghi bàn thứ hai một cách vô cùng bẩn bựa. Đình Triệu chủ động ném bóng ra ngoài biên do có cầu thủ bị chấn thương, theo thông lệ đội Thailand phải trả lại bóng cho đội VN nhưng họ đã chuyền nhau và ghi bàn. Đội VN ngỡ ngàng, tranh cãi rất lâu nhưng trọng tài vẫn công nhận bàn thắng cho đội Thailand vì đội Thái chơi đúng luật, trừ luật fair play.
Ngay sau đó đội Việt Nam như bị chọc tức, vùng lên tấn công và đội Thailand bị nghiệp quật nhãn tiền. Tiền vệ đội Thailand đốn ngã liên tục hai cầu thủ VN. Trọng tài không do dự, thân ái tặng anh ta chiếc thẻ vàng thứ hai làm anh này buồn bã rời sân, cúi đầu xin lỗi gần năm vạn khán giả nhà, nhận thức được Thailand đã rơi vào thế khó.
Chỉ vài phút sau, đội VN dâng lên tấn công, bắt đội Thailand phạm sai lầm, hậu vệ Thailand đá phản lưới nhà trong nỗ lực phá bóng.
Những phút cuối của 15 phút bù giờ hiệp hai, ta được thêm một bàn thắng khi thủ môn Thailand dâng cao tham gia tấn công. Hai Long nhận đường chuyền từ Quang Hải, bình tĩnh đi qua hậu vệ đối phương, từ giữa sân sút bóng vào lưới trống Thailand. Bóng từ từ đi vào lưới như chọc tức đội Thailand và cả cầu trường, trừ những người có quốc tịch VN trên sân và hàng triệu người xem truyền hình đang vỡ oà sung sướng.
Tôi mỏi tay rồi, mai viết tiếp.
Tiếc cho Xuân Son bị chấn thương. Nhưng cũng cho ta câu trả lời nếu không có anh ấy thì đội VN có thể chơi sòng phẳng với Thailand hay không?
HIỆP 2 CỦA BÀI VIẾT TỐI QUA
Trước tiên tôi xin cảm ơn hơn 1200 bạn đã like và thả tim bài THAILAND BỊ QUẢ BÁO tôi viết tối qua ngay sau trận ta thắng chung kết lượt về trên sân của người Thái. Điều đó động viên tôi tiếp tục chia sẻ những ý kiến về bóng đá của mình trong tương lai để phục vụ các bạn.
Bài đó tôi phân tích người Thái bị nghiệp quật ra sao trong trận chung kết, bài này tôi sẽ viết về việc họ bị nghiệp quật ra sao trong CẢ GIẢI ĐẤU gồm 8 trận, trung bình hơn 3 ngày một trận, khốc liệt hơn rất nhiều các giải đấu khác. Nói một cách khác là phân tích nguyên nhân thắng lợi của đội VN và thất bại của đội Thailand.
Giải đấu, để lên ngôi vô địch, ta cần giải quyết các bài toán về kỹ thuật, chiến thuật và chiến lược. Phải phân bổ sức ra sao, làm công tác tâm lý cho từng cầu thủ và cả đội thế nào.
1. Về kỹ thuật, HLV trưởng đội tuyển tài giỏi đến mấy cũng không thể nâng cấp cho cầu thủ trong vòng vài tuần tập trung đội tuyển. Kỹ thuật, kỹ năng của cầu thủ là công việc của các HLV đào tạo trẻ và HLV các câu lạc bộ. Thailand là đội bóng, bên cạnh thể hình tốt (4 Thái kiều nhập tịch), là đội có kỹ thuật cá nhân tốt nhất giải. Họ chơi mượt, phối hợp gắn bó nhịp nhàng, dứt điểm tốt. Có thể nói đội VN thua Thailand 0-1 về kỹ thuật bóng đá, thua cả các tiểu xảo, đánh kín, phạm lỗi chiến thuật.
2. Về chiến thuật. Các BLV thường hiểu chiến thuật là sơ đồ bố trí đội hình, 4+3+3, hay 5+3+2 v. v. và các biến thể của nó. Bóng đá hiện đại không cứng nhắc theo một sơ đồ chiến thuật nào cụ thể. Tuỳ thời điểm và tình huống hậu vệ có thể dâng cao tham gia tấn công và tiền đạo nhiều khi lui về hỗ trợ phòng ngự.
Phải hiểu chiến thuật là phòng ngự tích cực hay tấn công áp đặt. Trong một trận đấu, tuỳ tình huống có lúc phải phòng ngự có lúc lại nên tấn công.
Sai lầm chiến thuật của đội Thailand là nặng về tấn công, lỏng lẻo phòng thủ. Có thể vì họ mạnh hơn các đội khác, cho Singapore dẫn trước 2 bàn họ vẫn lội ngược dòng thắng lại 4-2. Họ cũng bị Campuchia ghi bàn trước, trận bán kết một bị Philippines thắng 2-1, lượt về vẫn thắng lại như thường.
Trong khi đó, đội VN vừa qua cơn khủng hoảng dưới thời ông Troussier, người hâm mộ và chính các cầu thủ đã mất niềm tin vào đội tuyển quốc gia. Ông Kim Sang Sic đã áp dụng chiến thuật dùng hiệp 1 để chạy rô đa đội hình luôn bị xoay tua, hiệp 2 mới ra đòn quyết định. Nhiều người chê ông ấy, chê đội VN đá hiệp 1 lúng túng, chán ngắt, vất vả mới thắng được Lào, Indonesia rồi hoà may mắn với Philippines.
Với đội bóng đang trong tình trạng suy nhược sau thời Troussier như đội VN, ông Kim áp dụng chiến thuật vừa chạy vừa xếp hàng. Và đó là chiến thuật đúng, ai chê kệ họ, miễn là vào được chung kết.
Cách đây hai hôm tôi có còm trong nhà GS Trần Ngọc Vương rằng “các trận trước chung kết hiệp một đội VN xay lúa giã gạo, hiệp hai mới nấu cơm” là vậy.
3. Về chiến lược
Đội vô địch là đội thắng trận cuối cùng chứ không phải thắng đẹp ở vòng bảng và thua trận chung kết. Đội Thailand thắng giòn giã Đông Timo mười bàn trận ra quân chẳng để làm gì mà còn phản tác dụng. Thắng dễ 4 trận ở vòng bảng, ông HLV đội Thái ngạo nghễ tuyên bố sẽ thắng tất cả 8 trận! Nói trước bước bước không qua. Các cầu thủ Thái ngạo mạn, kinh thường đối phương (họ hỏi Xuân Son là ai, đội VN có sợ chúng tôi không khi trả lời báo chí trước hai trận chung kết).
Ông HLV đội Thailand đã làm hỏng tâm lý đội Thailand. Khi tâm lý đã hỏng, gặp đội VN tuy kém hơn nhưng kiên cường và khôn ngoan hơn, người Thái bị mất kiểm soát, đá láo, chơi không fairplay và thua nhục nhã.
Ngược lại đội VN khiêm tốn, biết người biết ta, không ồn ào, cố gắng giải quyết từng trận một. Chiến thuật xoay tua của ông Kim ban đầu bị một số người không hiểu, chê bai.
Xoay tua để dưỡng sức cầu thủ. Không thể dấu bài sau 3-4 trận đấu, HLV các đội khác đâu phải gà mờ. Ông Kim còn GIẤU NGƯỜI. Ông nhốt con mãnh hổ Tuấn Hải trong chuồng, đến trận quyết tử mới tung anh ta ra sân. Đội Thailand không có điều kiện nghiên cứu Tuấn Hải nên chưa có đối sách và anh ta đã ghi bàn tuyệt đẹp ngay ở phút thứ 7 của trận đấu làm mọi toan tính, kế hoạch của ông HLV người Nhật đổ vỡ.
Cú đòn bất ngờ còn ở chỗ ai cũng nghĩ đội VN đang dẫn một bàn sau trận lượt đi sẽ chơi phòng ngự để bảo toàn lợi thế, dẫu có hòa đi nữa cũng lên ngôi vô địch. Nhưng không, ngay những phút đầu trận, trên sân đối phương gần năm vạn người Thái đang hò reo ủng hộ đội nhà, đội VN đã tổ chức tấn công, không sợ bố con thằng nào như thằng cháu tôi bình luận khi ngồi xem cùng ông. Thế mới thấy ông Kim rất giỏi.
4. Về công tác tâm lý đội bóng.
Như trên đã viết, trái ngược với đội Thailand bị hỏng tâm lý, kiêu ngạo, ông Kim xây dựng đội VN không tự ty, phải tự tin nhưng không khinh thường đối phương. Phải thấy mình còn nhiều nhược điểm cần phải khắc phục, phải nỗ lực và đoàn kết hơn nữa.
Tóm lại, theo 4 tiêu chí trên đội VN thắng Thailand 3-1, vô địch là chuẩn không cần chỉnh.
Các BLV trên đài cứ nhắc đi nhắc lại nào là lòng yêu nước, nào là tinh thần dân tộc. Điều đó không sai, nhưng nói nhiều thành sáo ngữ.
Tinh thần dân tộc VN, một dân tộc mấy ngàn năm từng thắng quân xâm lược hùng mạnh hơn mình, là biết đoàn kết, lấy yếu đánh mạnh, khôn ngoan có chiến lược và sách lược đúng đắn.
Bài viết khá dài, cảm ơn các bạn đã chịu khó đọc. Lão Hâm tôi già rồi, đêm qua không dám đi bão, đành đi bão trên bàn phím vậy.
Cử ông cháu ngoại đích tôn đi bão thay ông:
Nhìn bóng từ từ đi vào lưới như thế này mới sướng:
May be an image of 3 people, people playing football, people playing American football, television and text
See insights
Boost a post
All reactions:
You, Hiếu Đặng, Hoà Vũ and 30 others

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

Thế hệ Gen X, Y, Z, Alpha, Beta, Gama... là gì? Mỗi thế hệ có gì khác nhau?

THẾ GIỚI NGÀY NAY CHIA CÁC THẾ HỆ VẬN HÀNH

Thế hệ Gen X, Y, Z, Alpha, Beta, Gama... là gì? Mỗi thế hệ có gì khác nhau?

Thế hệ được định nghĩa là một nhóm người được sinh ra trong cùng một khoảng thời gian và tên thế hệ nhằm thể hiện xu hướng phân loại bản thân của từng nhóm người theo các mốc thời gian cố định. Dưới đây là một danh sách ngắn gọn, không toàn diện về các thế hệ gen, bao gồm thế hệ gen X, Y, Z, Alpha và một số thế hệ trước đó được nhắc đến nhiều hiện nay.

1. Thế hệ giữa chiến tranh – The Interbellum Generation (1901-1913)

Thế hệ giữa chiến tranh (The Interbellum Generation), hay còn gọi là thế hệ hậu Thế chiến thứ nhất, là những người sinh ra trong giai đoạn 1901-1913. Họ là những người chứng kiến những biến động lớn của thế giới trong thế kỷ 20, bao gồm Thế chiến thứ nhất, Đại suy thoái và Thế chiến thứ hai.

Thế hệ giữa chiến tranh được coi là một thế hệ đặc biệt, bởi họ đã phải trải qua những thử thách và khó khăn mà thế hệ trước chưa từng phải đối mặt. Họ là những người chứng kiến sự tàn phá của chiến tranh, sự nghèo đói của Đại suy thoái và sự phát triển của chủ nghĩa phát xít.

Những người thuộc thế hệ giữa chiến tranh đã có những đóng góp quan trọng cho xã hội. Họ là những người lãnh đạo trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và nghệ thuật.

2. Thế hệ vĩ đại nhất – The Greatest Generation (1910-1924)

Thế hệ vĩ đại nhất, hay "The Greatest Generation" trong tiếng Anh, là thuật ngữ được sử dụng để chỉ thế hệ người Mỹ sinh sống trong thời kỳ 1910 đến 1924. Thuật ngữ này được tạo nên bởi nhà báo Tom Brokaw trong cuốn sách cùng tên "The Greatest Generation" xuất bản năm 1998.

Thế hệ này được coi là vĩ đại bởi họ đã phải vượt qua nhiều thử thách và khó khăn lớn trong suốt cuộc đời. Họ đã trải qua cuộc Đại suy thoái (The Great Depression) lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Sau đó, phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, cả trong vai trò lính và hậu phương để hỗ trợ nỗ lực chiến đấu.

Thế hệ vĩ đại nhất được coi là mạnh mẽ, kiên cường và biết ơn. Họ đã tạo nên nền móng cho sự phục hưng kinh tế – xã hội của Hoa Kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ II và được coi là một phần quan trọng để tạo nên các thế hệ sau này.

3. Thế hệ im lặng – The Silent Generation (1925-1945)

Thế hệ im lặng, hay còn được gọi là The Silent Generation, là thế hệ sinh ra trong khoảng thời gian từ cuối thập kỷ 1920 đến giữa thập kỷ 1940. Thuật ngữ "thế hệ im lặng" xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách "The Lonely Crowd" của các nhà xã hội học David Riesman, Nathan Glazer và Reuel Denney, xuất bản năm 1950.

Thế hệ này nhận được tên gọi "im lặng" bởi vì những đặc điểm chung trong cách họ tiếp cận cuộc sống và tham gia vào các vấn đề xã hội. Thế hệ im lặng đã trải qua những thách thức lớn trong thời kỳ lịch sử như Cuộc khủng hoảng kinh tế thập kỷ 1930 và Chiến tranh thế giới thứ hai. Họ thường được miêu tả là những người cần kiểm soát chi tiêu, trung thành với công việc và gia đình, ít nổi bật trước các cuộc phản kháng, quan điểm chính trị của các thế hệ trước.

4. Thế hệ Baby Boomer Generation – Thế hệ bùng nổ dân số (1946-1964)

Thế hệ bùng nổ dân số, hay còn được gọi là thế hệ Baby Boomer, là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ một nhóm lớn người sinh ra hoặc được sinh ra trong khoảng thời gian từ khoảng năm 1946 đến 1964. Thuật ngữ "Baby Boomer" bắt nguồn từ tình trạng gia tăng đáng kể của tỷ lệ sinh trong thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi mà một số lượng lớn người Mỹ và người dân ở các quốc gia khác trên thế giới sinh con.

Thế hệ Baby Boomer trải qua nhiều sự kiện quan trọng trong cuộc sống, tạo ra một ảnh hưởng lớn đến xã hội và văn hóa. Họ đã trải qua thời kỳ nhạy cảm như cuộc cách mạng văn hóa trong thập kỷ 1960 và 1970, cuộc cách mạng phụ nữ, phong trào dân quyền,... Thế hệ này cũng đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và thay đổi về cách thức công việc, kinh doanh được thực hiện.

Hiện nay, Baby Boomers đang bước vào giai đoạn tuổi già và góp phần vào sự thay đổi của hệ thống chăm sóc sức khỏe, kinh tế và xã hội. Sự gia tăng tuổi thọ và sự tăng trưởng dân số đang tạo ra nhiều thách thức và cơ hội cho xã hội để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của thế hệ này.

5. Thế hệ gen X (1965 đến 1980)

Gen X là gì?

Gen X (Generation X) là thế hệ những người được sinh ra vào khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1980. Ở Việt Nam, Gen X thường được gọi là thế hệ 8x. Tên gọi Gen X bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết "Generation X: Tales for an Accelerated Culture" (Thế hệ X: Những câu chuyện về một nền văn hóa tăng tốc) của tác giả Douglas Coupland được xuất bản năm 1991. Cuốn tiểu thuyết này kể về cuộc sống của những người trẻ tuổi thuộc thế hệ X, những người được sinh ra và lớn lên trong một thời đại đầy biến động.

Gen X là thế hệ đầu tiên chứng kiến sự thay đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế dựa trên công nghệ thông tin. Họ đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ, internet và các công nghệ mới.

Đặc điểm của gen X

Tự lập: Thế hệ X thường được miêu tả là thế hệ tự lập, do thời kỳ tuổi thơ và thanh thiếu niên của họ diễn ra trong giai đoạn không ổn định, trong đó xảy ra nhiều sự thay đổi xã hội, kinh tế và chính trị. Điều này đã khuyến khích thế hệ X phát triển khả năng tự lập, độc lập và kiên nhẫn trong việc đối mặt với khó khăn.

Kỹ năng làm việc: Gen X thường được cho là có kỹ năng làm việc tốt, nhờ vào khả năng thích ứng và khả năng làm việc nhóm hiệu quả. Họ thường được coi là nhóm người làm việc hiệu quả và có khả năng giải quyết vấn đề tốt.

Giới tính: Thế hệ X trải qua sự thay đổi về quan điểm về giới tính và vai trò xã hội. Họ chứng kiến sự gia tăng của phong trào nữ quyền và nhận thức về tình dục. Thế hệ X thường có xu hướng đề cao tính công bằng giới tính và chấp nhận sự đa dạng trong giới tính.

Gia đình: Gen X coi trọng vai trò của người cha và người mẹ trong việc nuôi dưỡng con cái và xây dựng một gia đình ổn định.

Kỷ luật công việc: Thế hệ X thường được miêu tả là có tinh thần làm việc chăm chỉ, kiên nhẫn và có kỷ luật. Họ có xu hướng đề cao giá trị và sự độc lập trong công việc.

Cảm xúc và biểu đạt: Thế hệ X thường được miêu tả là thể hiện cảm xúc ít hơn so với các thế hệ khác và có xu hướng giữ kín những suy nghĩ, cảm xúc cá nhân. Họ thường có cái nhìn trung lập và đánh giá các vấn đề qua nhiều khía cạnh.

Lưu ý: Không phải tất cả những người thuộc thế hệ Gen X đều có đặc điểm này, có thể biến đổi và có sự khác biệt trong từng cá nhân.

6. Thế hệ gen Y (1981 đến 1996)

Gen Y là gì?

Thế hệ Gen Y (tiếng Anh: Generation Y hay Millennials) là một thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ nhóm người sinh ra trong khoảng thời gian từ những năm 1981 đến khoảng năm 1996 - 2000. Đây là thế hệ tiếp theo sau Thế hệ X và trước Thế hệ Z. Thuật ngữ "Gen Y" bắt nguồn từ thuật ngữ "Generation Y" và được sử dụng để miêu tả những người trẻ tuổi trong giai đoạn chuyển từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21.

Thế hệ Gen Y có những đặc điểm riêng biệt do sự phát triển công nghệ và thay đổi xã hội. Họ thường được biết đến như là thế hệ kỹ thuật số, có sự tiếp xúc sớm và mạnh mẽ với internet, công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội. Gen Y cũng thường được mô tả là thế hệ có tư duy linh hoạt, khá sáng tạo, đòi hỏi công việc ý nghĩa và gắn bó lâu dài.

Đặc điểm gen Y

Tính cách cởi mở, lạc quan: Gen Y thường có tính cách cởi mở, lạc quan, thích khám phá và trải nghiệm những điều mới mẻ. Họ cũng có xu hướng hòa nhập tốt với xã hội và dễ dàng thích nghi nhanh chóng với những thay đổi.

Tinh thần tự lập, độc lập: Gen Y được xem là thế hệ tự lập và độc lập nhất trong lịch sử. Họ có xu hướng tự lập trong suy nghĩ và hành động, không thích dựa dẫm vào người khác.

Sẵn sàng học hỏi, thay đổi: Gen Y là thế hệ có ham học hỏi và sẵn sàng thay đổi. Với việc luôn tìm tòi những kiến thức, kỹ năng mới để phát triển bản thân và thích nghi với sự thay đổi của thế giới.

Quan tâm đến các vấn đề xã hội: Gen Y là thế hệ có ý thức trách nhiệm xã hội cao. Họ quan tâm đến các vấn đề xã hội và môi trường, và mong muốn đóng góp những điều tích cực cho cộng đồng.

Quan trọng là: Không phải tất cả những người thuộc thế hệ Gen Y đều có đặc điểm này, mỗi người có thể có những khác biệt nhất định trong phong cách, tính cách, đặc điểm,...

7. Thế hệ gen Z (1997 đến 2012)

Gen Z là gì?

Thế hệ Gen Z (tiếng Anh: Generation Z hay Zoomers) là thuật ngữ được dùng để chỉ thế hệ được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012. Gen Z là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trong thời kỳ bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông. Gen Z cũng được gọi là "iGeneration" hoặc "Digital Natives", bởi họ lớn lên trong một thời đại mà công nghệ số, Internet và các thiết bị di động phát triển mạnh mẽ.

Họ cũng được biết đến với sự quan tâm đến bảo vệ môi trường, đa dạng văn hóa và xã hội, cũng như quyền lợi cá nhân và sự công bằng. Gen Z đang dần trở thành lực lượng lao động chính trong xã hội và có tác động lớn đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Họ được kỳ vọng sẽ là thế hệ tiên phong, dẫn dắt các thay đổi tích cực trong tương lai.

Đặc điểm của gen Z

Kỹ năng công nghệ: Gen Z được sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ số, vì vậy họ thường có kỹ năng công nghệ cao và dễ dàng tiếp cận với các thiết bị điện tử, mạng xã hội và ứng dụng di động.

Tích cực sử dụng mạng xã hội: Gen Z thường tiêu thụ nhiều thời gian trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, TikTok, Facebook,... Họ thích chia sẻ thông tin, hình ảnh và video, thích tương tác với người khác thông qua mạng xã hội.

Tính toán thông minh: Gen Z có xu hướng thông minh và tự tin với công nghệ. Họ thường tìm kiếm thông tin, giải quyết vấn đề và học tập thông qua internet và các nguồn tài nguyên trực tuyến.

Đa nhiệm và tìm kiếm sự đa dạng: Gen Z thường có khả năng chuyển đổi giữa nhiều nhiệm vụ và hoạt động một cách linh hoạt. Họ cũng đặc biệt quan tâm đến việc khám phá và tìm kiếm sự đa dạng trong các lĩnh vực như văn hóa, sáng tạo và giới tính.

Tư duy sáng tạo, cởi mở: Gen Z được xem là thế hệ có tư duy sáng tạo và cởi mở hơn các thế hệ đi trước. Họ không ngại thể hiện bản thân, luôn sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ.

Tính cạnh tranh cao: Gen Z được sinh ra trong một thời kỳ mà thị trường cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là trong thị trường lao động. Chính vì vậy, thế hệ này cần không ngừng cải tiến, học tập liên tục để nâng cao bản thân, làm nổi bật mình với các nhà tuyển dụng.

Tôn trọng sự đa dạng: Gen Z được giáo dục trong một môi trường đa dạng về văn hóa và sắc tộc. Họ có cái nhìn cởi mở về thế giới và tôn trọng sự khác biệt của mỗi người, đặc biệt là giới tính.

Đây chỉ là cách nhìn chung về thế hệ gen Z, không mang bất kỳ tính áp đặt nào. Cần hiểu rằng gen Z là một thế hệ rất đa dạng, mỗi cá nhân trong thế hệ này đều có những đặc điểm, tính cách riêng. Việc áp đặt những đặc điểm chung cho toàn bộ thế hệ Z là không chính xác và có thể gây ra những hiểu lầm, định kiến không đáng có.

8. Thế hệ gen Alpha (2013 đến 2025)

Thế hệ Gen Alpha là gì?

Thế hệ Gen Alpha (tiếng Anh: Generation Alpha - viết tắt α) là thuật ngữ dùng để chỉ những người sinh từ năm 2013 đến năm 2025. Họ là thế hệ đầu tiên được sinh ra hoàn toàn trong thế kỷ 21 và thiên niên kỷ 3. Hầu hết các thành viên thế hệ Alpha đều là con cái của thế hệ Millennials (Thế hệ Gen Y).

Gen Alpha được xem như là một “Digital Native” khi các đứa trẻ thuộc thế hệ này là thế hệ đầu tiên sinh ra trong thời kỳ mà smartphone, mạng xã hội và các thiết bị kỹ thuật số khác đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Do còn rất trẻ, hiện tại vẫn còn ít nghiên cứu chính thức về Gen Alpha và tác động của công nghệ đối với họ. Tuy nhiên, dự kiến Gen Alpha sẽ trải qua một môi trường kỹ thuật số ngày càng phát triển, có thể ảnh hưởng đến cách họ tương tác, học tập và xã hội hóa trong tương lai.

Đặc điểm của gen Alpha

Kỹ năng công nghệ: Thế hệ gen Alpha sinh ra và lớn lên trong một thời đại mà công nghệ số đã trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, những đứa trẻ thuộc thế hệ này có kỹ năng sử dụng công nghệ, điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị kỹ thuật số khác từ khi còn rất nhỏ.

Quyết định trở nên độc lập hơn: Gen Alpha là thế hệ có tinh thần độc lập, tự lập cao, họ có khả năng ra quyết định và giải quyết vấn đề độc lập, bởi họ tin vào khả năng của bản thân.

Có sự đa dạng trong lối sống, thị hiếu, quan điểm: Gen Alpha là thế hệ có sự đa dạng cao trong lối sống, thị hiếu và quan điểm. Họ không bị gò bó bởi những chuẩn mực truyền thống, mà có xu hướng cởi mở và chấp nhận sự khác biệt.

Đa văn hóa và đa sắc tộc: Thế hệ Alpha sống trong một thế giới ngày càng đa văn hóa và đa sắc tộc. Họ có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống khác nhau từ khi còn nhỏ.

Lưu ý: Những đặc điểm này chỉ là một số đặc trưng chung được đưa ra về thế hệ Alpha và không áp dụng cho tất cả các cá nhân trong thế hệ này. Các đặc điểm này có thể thay đổi theo từng cá nhân và theo sự phát triển của thế giới xung quanh.

Đây chỉ là một số điểm khác nhau chung và có thể có sự chồng chéo giữa các thế hệ. Sự khác biệt cụ thể cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào các cá nhân trong từng thế hệ.

Các thế hệ Gen X, Y, Z hay Alpha đã chứng kiến những cuộc cách mạng công nghệ và xã hội đáng kinh ngạc trong thế kỷ 21. Từ Gen X, người đã trải qua sự thay đổi từ thế giới analog sang kỷ nguyên số, đến Gen Y (hay còn gọi là Millennials), những người đã trở thành những nhà lãnh đạo kỹ thuật số và đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội.

Hay Gen Z, thế hệ trẻ đã trở thành những người tiêu dùng thông minh, sáng tạo và đam mê công nghệ. Họ đã chứng kiến sự bùng nổ của di động, mạng xã hội và truyền thông kỹ thuật số, tạo ra một thế giới kết nối liên tục và thông tin nhanh chóng. Mới đây nhất là gen Alpha, thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trong một thế giới hoàn toàn số hóa. Đây là những đứa trẻ thông minh, linh hoạt và sẵn sàng thích ứng với công nghệ. Với sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, Gen Alpha đặt ra một tiềm năng tuyệt vời cho tương lai với những cơ hội và thách thức mà trước đây không ai có thể tưởng tượng được.

Mỗi thế hệ Gen mang đến những đóng góp độc đáo và tạo ra những thay đổi to lớn trong xã hội và kinh tế. Từ việc thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp, mua sắm và giải trí, các thế hệ Gen đã thúc đẩy sự tiến bộ và sáng tạo trong nhiều lĩnh vực.

Thế giới bắt đầu đón chào thế hệ Gen Beta

Sau Gen Y, Gen Z, Gen Alpha, giờ đây những đứa trẻ đầu tiên của Gen Beta (tức những người sinh từ năm 2025 đến 2039) đã xuất hiện.

Một trong những thành viên thuộc thế hệ Gen Beta đầu tiên chào đời tại Việt Nam

Tuy nhiên, do cách chia các thế hệ chỉ mang tính ước chừng nên vẫn xuất hiện nhiều cách chia khác nhau. Theo trang McCrindle, những người thuộc thế hệ Gen Y sinh từ năm 1980 đến 1994, Gen Z sinh từ năm 1995 đến 2009 và Gen Alpha sinh từ năm 2010 đến 2024. Tức mỗi thế hệ cách nhau đúng 15 năm.

Còn riêng đối với Gen Z, cũng có nhiều cách tính khác nhau. Chẳng hạn, Cục Thống kê dân số Mỹ phân loại Gen Z là thế hệ sinh từ 1997 đến 2013, trong khi Canada định nghĩa Gen Z là những người sinh ra từ 1997 đến 2012.

Cách đặt tên cho các thế hệ dựa trên bảng chữ cái tiếng Hy Lạp. Do vậy, sau alpha sẽ là beta.

Theo nhiều dự đoán, thế hệ tiếp theo sau thế hệ Gen Beta (tức những người sinh từ năm 2040 đến 2054) có thể được gọi là Gen Gamma.

Nhà nghiên cứu xã hội học người Úc Mark McCrindle ước tính những thành viên thuộc thế hệ Gen Beta (tức những người sinh ra trong giai đoạn 2025 - 2039) sẽ chiếm ít nhất 16% dân số toàn cầu vào năm 2035.

Ngoài ra, khá đông những người thuộc thế hệ Gen Beta có thể chứng kiến thế giới bước sang thế kỷ 22, bởi những đứa trẻ sinh năm 2025 sẽ chạm mốc 76 tuổi vào năm 2101.

Những người thuộc Gen Beta được sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển vượt bậc. Vì thế, họ sẽ được làm quen với công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) ngay từ khi mới sinh, trải nghiệm một cuộc sống được tự động hóa ở mọi khía cạnh, mọi lĩnh vực như học tập, làm việc, chăm sóc sức khỏe và cả vui chơi, giải trí.

Tuy nhiên, trang McCrindle dự đoán những bậc cha mẹ thuộc thế hệ Gen Z, tức cha mẹ của thế hệ Gen Beta sẽ có thể trở nên thận trọng hơn trong việc để con cái tương tác với thế giới kỹ thuật số, trong bối cảnh công nghệ phát triển ngày càng nhanh.

Theo McCrindle, 36% cha mẹ thuộc thế hệ Gen Z hoàn toàn đồng ý rằng họ nên giới hạn thời gian con trẻ sử dụng các thiết bị thông minh như điện thoại. Trong khi đó, chỉ có 30% cha mẹ thuộc thế hệ Gen Y đồng ý với ý kiến này.

Ngoài công nghệ, các thành viên của Gen Beta cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề biến đổi khí hậu, sự thay đổi dân số và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Lý do là thế hệ Gen Beta được nuôi dưỡng bởi những người thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z vốn đã có ý thức nhiều hơn về các vấn đề môi trường.

Theo Trung tâm nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington D.C, 71% những người thuộc Gen Y và 67% những người thuộc Gen Z tin rằng thế giới nên đặt vấn đề biến đổi khí hậu lên hàng đầu để đảm bảo một hành tinh bền vững cho tương lai.