XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

GIAI ĐOẠN NGUYỄN TRÃI KHÔNG ĐƯỢC NHÀ LÊ SƠ TRỌNG DỤNG

 

           Nguyễn Trãi là một nhân vật lịch sử gắn liền với Vụ án Lệ Chi Viên. Không chỉ ở trong nước mà Tổ chức UNESCO cũng từng tổ chức kỷ niệm nhân dịp 600 năm ngày sinh của ông. Tuy nhiên nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng Nguyễn Trãi không được triều đình Lê Sơ trọng dụng như nhiều người vẫn nghĩ.

           Trọng dụng ở đây hiểu theo nghĩa có vai trò quan trọng trong triều đình, quyết định các vấn đề quốc gia, dân tộc. Nguyễn Trãi không có ảnh hướng chính trị lớn lao với các Hoàng đế nhà Lê cũng như triều đình đương thời bởi các cơ sở sau đây.

           1. Vài trò trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn.

           Cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra từ năm 1418 đến 1427 thì Đại Việt Sử ký Toàn Thư, Lam Sơn Thực Lục không chép gì về Nguyễn Trãi từ năm 1418 cho đến năm 1426. Ông chỉ được nhắc đến trong vai trò văn thư trong hai năm cuối cuộc khởi nghĩa.

            Những quân sư tham mưu về văn cho Lê Thái Tổ làm nên chiến thắng của Khởi nghĩa Lam Sơn phải kể đến Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Nguyễn Nhữ Lãm.

           2. Tước vị, chức quan thấp.

            - Tước vị: Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì năm 1429, Hoàng đế Lê Thái Tổ phong Nguyễn Trãi tước vị Á hầu, một tước vị thấp, xếp thứ 6 trong hàng phẩm tước gia ban (1. Huyện thượng hầu; 2. Á thượng hầu; 3. Hương thượng hầu; 4. Đình thượng hầu; 5. Huyện hầu; 6. Á hầu; 7. Quan nội hầu; 8. Quan phục hầu; 9. Trước phục hầu)

            - Chức vụ đầy đủ năm 1928: "Tuyên phụng đại phu, Nhập nội hành khiển Môn hạ Hữu gián nghị đại phu, Đồng Trung thư lệnh sự, tứ Kim tử ngư đại, Thừợng hộ quốc, Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi"

           Chức quan lớn nhất là Nhập nội hành khiển điều hành việc hành chính trong Hoàng gia (trước đây thời Lý - Trần đây là chức của các hoạn quan). Vai trò của Nguyễn Trãi giống như một thư ký giúp việc văn phòng cho triều đình.

            Văn bia của Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi soạn chỉ ghi "Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển tri Tam quán sự, thần Nguyễn Trãi vâng soạn”. Đây là những chức vị hết sức khiêm tốn.

           3. Chưa có ảnh hưởng tới Hoàng đế.

          - Tháng 8/1433, Hoàng đế Lê Thái Tổ phế giáng con trưởng Lê Tư Tề làm Quận vương, con thứ Nguyên Long kế thừa tông thống. Sai nhập nội Thiếu úy Lê Khôi, Đô đốc Phạm Vấn, Đại Tư đồ Lê Sát và Tư khấu Lê Ngân được vua trao trọng trách phụ chính (không có tên Nguyễn Trãi)

           - Năm 1435, Nguyễn Trãi được một số quan đại thần tiến cử để dạy học cho Lê Thái Tông (khi đó 12 tuổi) nhưng Hoàng đế không ưng nên đã từ chối việc này.

           4. Thất bại trong "cuộc chiến nhã nhạc" với Lương Đăng.

           Nguyễn Trãi được Lê Thái Tổ giao nhiệm vụ soạn điển chế, lễ nghi nhưng chưa hoàn thành nhiệm vụ. Đến đời Lê Thái Tông, Hoàng đế sai thêm Lương Đăng (một hoạn quan) cùng soạn. Sau đó cả hai xảy ra bất đồng, dẫn đến cãi vã trên điện triều .

          Tiếng nói của Nguyễn Trãi không được lắng nghe và Lê Thái Tông đã chọn theo phương án của Lương Đăng (1437).

           5. Không được trọng dụng nên về ở ẩn.

           Giai đoạn 1437 - 1438, Nguyễn Trãi về Côn Sơn ở ẩn.

           Năm 1439, Hoàng đế Lê Thái Tông đã khôi phục chức vụ cho Nguyễn Trãi là “Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu gián nghị đại phu kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ, tri Tam quán sự, đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự, á đại trí tự, tứ quốc tính Lê Trãi”.

          (Nguyễn Trãi được giao thêm nhiệm vụ “đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự” một chức trách quản lí chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, cho nên mới có cơ hội mời Lê Thái Tông ghé chơi và băng hà năm 1442).

           1439 - 1442 có lẽ là giai đoạn ông được trọng dụng, ông được giao làm chủ khảo khoa thi năm 1442. Tiếc rằng, cũng năm đó ông bị án oan tru di tam tộc.

           Nguyễn Trãi tài năng nhưng chủ yếu là lời ca ngợi về tài năng văn chương.

          Tuy nhiên, việc đề cao và truyền thông quá về ông có thể che mờ đi vai trò của những nhận vật lịch sử đương thời (do không còn nhiều sử liệu để tra cứu công trạng) hoặc thậm chí đặt ra những giả thuyết âm mưu hiện đại làm sai lệch lịch sử.

          Đây là lời luận bàn để mang đến một góc nhìn của một người hậu thế sau ông nhiều thế kỷ. Tài năng văn thơ và những đóng góp của ông cho lịch sử sẽ vẫn luôn được khắc ghi. Vụ án oan Lệ Chi Viên vẫn luôn là nỗi luyến tiếc của người đời.

Nguồn tham khảo:

- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

- Đại Việt Thông Sử.

- Lịch triều hiến chương loại chí.

Nguồn #LêSơ từ facebook Cuong Pham

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét