XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

TRẬN CHIẾN THÀNH ĐA BANG

NƠI ĐẶT DẤU CHẤM HẾT CHO NHÀ NƯỚC ĐẠI NGU

           Suốt mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc, bên cạnh những trận chiến oanh liệt tại Bạch Đằng, Hàm Tử, Xương Giang, Đống Đa ... thì chúng ta cũng từng nhận không ít thất bại trong cuộc chiến giữ nước. Trận chiến thành Đa Bang năm 1407 là một trong những thất bại đó. Đây là trận đánh quyết định của thời đại đó, đánh dấu sự thất bại toàn diện của chính quyền Đại Ngu trên mọi phương diện xây dựng và bảo vệ đất nước. Khi nhà Minh đánh bại nhà Hồ, họ đã tiêu diệt đi cả một nền văn hóa rực rỡ của cha ông ta. Thời nhà Hồ là một thời điểm mang tính chất bước ngoặt trong lịch sử. Trận thành Đa Bang là trận đấu quyết định của nhà Hồ. Thua trận Đa Bang là chúng ta mất nước !.

           Năm 1400, Hồ Quý Ly phế Thiếu đế nhà Trần lập nên nhà Hồ, đặt tên nước là Đại Ngu.

           Tháng 5/1406, triều Minh cử 1 đạo quân lớn do tổng binh Quảng tây là Hàn Quan cùng các tướng Hoàng Trung, Lữ Nghị đưa Trần Thiêm Bình về nước làm vua. Được tin báo, Hồ Quý Ly sai quân lên biên giới phía bắc chặn đánh. Đạo quân Minh hộ tống bị đánh thiệt hại nặng nề, buộc phải giao nộp Thiêm Bình và rút chạy về nước. Âm mưu xâm chiếm nô dịch nước ta dưới chiêu bài “phù Trần diệt Hồ” của nhà Minh bị phá sản.

           Tháng 7/1406, Hồ Quý Ly đi tuần du, xem xét các địa thế hiểm yếu, quan trọng về mặt quân sự, phán đoán đường tiến quân của giặc để chuẩn bị phòng ngự. Ông cho xây dựng hệ thống công trình phòng thủ có quy mô lớn (dài gần 400km), kéo dài từ núi Tản Viên, men theo sông Đà, sông Hồng, sông Luộc và sông Thái Bình. Hệ thống công trình phòng thủ là chướng ngại vật gồm những bãi cọc, xích sắt cùng với các đồn quân tại khắp các cửa sông, cửa nguồn, quan ải… nhằm ngăn chặc các trục đường thủy, bộ mà Hồ Quý Ly dự kiến quân Minh sẽ đánh vào. Trong các tuyến ngăn chặn đó, quan trọng nhất là tuyến phòng thủ dọc bờ Nam sông Hồng và khu vực thành Đa Bang (nay thuộc xã Phong Vân, Ba Vì, Hà Nội).

         Tháng 12/1406, vua Minh Thành Tổ quyết định cử đại quân đánh chiếm nước ta. Lần xuất quân này, nhà Minh huy động 80 vạn quân các loại gồm bộ binh, kỵ binh và quân phục dịch chia làm 2 đạo đánh vào nước ta.

         - Một đạo do Trương Phụ, Trần Húc chỉ huy, dẫn 40 vạn quân đi theo đường qua Bằng Tường vào ải Pha Lũy (ải nam Quan, Lạng Sơn)

        - Một đạo quân do Mộc Thạnh dẫn 40 vạn quân từ Mông Tự (Vân Nam) tiến theo đường sông Hồng.

          Theo kế hoạch tiến công đã vạch sẵn, 2 đạo quân này sau khi vượt qua biên giới, tiến sâu vào nội địa, sẽ nhanh chóng hội quân ở vùng Bạch Hạc, rồi vượt sông Phú Lương (sông Hồng) đánh thành Đa Bang, và từ đó tiến lên đánh Đông Đô, Tây Đô rồi chiếm cả nước ta.

           Quân Minh sai người “treo bảng kết tội” nhà Hồ, hoặc viết hịch “phù Trần diệt Hồ” vào những mảnh ván thả xuôi theo dòng sông để đánh vào tinh thần quân lính và khoét sâu mâu thuận trong nội bộ triều Hồ. Nhiều quân sỹ, vốn không ưa chính sách khắc nghiệt của triều Hồ nay càng tỏ ra chán nản, không còn tinh thần chiến đấu. Nhân đó một số sỹ phu quý tộc cũ của nhà Trần đã chạy sang đầu hàng quân Minh. Điều đó càng khiến quân sỹ nhà Hồ thêm hoang mang dao động.

           Thế quân Minh mạnh, chúng ồ ạt tiến đánh các tuyến phòng thủ nhà Hồ xây dựng. Quân nhà Hồ dựa vào chiến lũy và tường thành kiên cường chống trả. Các tướng Hồ Nguyên Trừng và Hồ Đỗ dẫn quân rút lui, rồi dựa vào hệ thống phòng tuyến dọc sông Hồng và sông Chú để cự địch. Nhờ có phòng tuyến quy mô lớn và kiên cố, quân nhà Hồ đã chặn đứng bước tiến của giặc Minh gần 2 tháng. Tuy nhiên trong thời gian ấy, quân Hồ hầu như co vào cố thủ trên tất cả các mặt trận mà không biết đánh mạnh vào sau lung hoặc cạnh sườn đội hình tiến công của địch. Hơn nữa, các tướng Hồ không nắm được đâu là hướng tiến công chủ yếu của giặc nên dàn đều lực lượng đối phó trên cả 2 hướng Đông Đô và Đa Bang. Lợi dụng tình thế ấy, bọn Trương Phụ, Mộc Thạch quyết định tập trung binh lực mở cuộc tiến công chiếm thành Đa Bang.

           Thành này đước đắp bằng đất rất cao và kiên cố. Phía trong tường thành có hào sâu với những cọc tre vót nhọn chôn ngầm. Phía ngoài tường thành có những hồ rộng cắm chông tra ở dưới để bẫy người và ngựa của giặc. Quân Hồ đóng trong thành rất đông và tổ chức canh phòng nghiêm ngặt. Tuy nhiên bên ngoài thành Đa Bang lại có những bãi cát rộng chạy từ tây bắc sang đông nam, rất thuận lợi cho quân địch đổ quân tập kết lực lượng lớn đánh thành. Những bãi cát này lại nằm sát khúc sông cạn có thể bắc cầu phao qua được.

          Thành Đa Bang trở thành tâm điểm cuộc chiến, nếu mất thành thì toàn bộ chiến lũy dài mấy trăm cây số sẽ thất thủ, vận mệnh nước ta cũng lâm nguy.

           - Ngày 10/1/1407, Mộc Thạch dẫn quân đánh chiếm cửa sông Thao và cửa sông Tuyên Quang ở Bạch hạc. Lực lượng quân Hồ trấn giữ ở đây do tướng Hồ Xạ chỉ huy không chống đỡ nổi phải rút sang bờ nam.

          - Ngày 15/1/1407, quân Minh khiêng thuyền ra bãi sông Phú Lương, đối ngạn với thành Đa Bang ở bên bờ nam. Sau đó chúng làm gấp cầu phao chuẩn bị vượt sông.

           - Đêm 17/1/1407, Trương Phụ tập trung hầu hết quân đánh úp bãi Mộc Hoàn. Tướng Hồ chỉ huy đóng giữ nơi đây là Nguyễn Công Khôi mải vui chơi nữ sắc, không phòng bị. Trước sức tấn công bất ngờ của địch, thuyền bị cháy gần hết, toàn quân bị tiêu diệt. Trong khi đó Hồ Nguyên Trừng ở xa không biết để ứng cứu. Chiếm được bãi Mộc Hoàn, quân minh liền theo cầu phao vượt sông, rồi cho quân vây kín thành Đa Bang. Quân Trương Phụ tập kết ở bãi cát phía tây bắc thành.

            - Đêm 19/1/1407, quân Minh từ 2 phía tiến công ồ ạt. Khi quân Minh xông tới liền bị quân Hồ đánh trả quyết liệt. Chỉ trong 1 đêm kịch chiến, xác giặc đã chất cao ngang mặt thành. Nhưng với lực lượng đông gấp bội, quân Minh hết đợt này đến đợt khác lao vào. Chúng liều chết vượt hào, dùng “vân thê” (thang mây) trèo lên mặt thành đông như kiến và từ 4 mặt thành đánh thốc lên. Quân Hồ chiến đấu ngoan cường nhưng đánh không lại phải rút vào thành cố thủ.

           - Sáng ngày 20/1/1407, quân Hồ lại đục tường thành cho voi ra đánh. Biết voi sợ sư tử, quân Minh vẽ hình sư tử trùm lên đầu ngựa và bắn tên lửa khiến voi sợ phải thụt lui vào trong. Quân Minh đuổi theo hút vào trong thành, quân nhà Hồ thua to, các tướng nhà Hồ là Lương Dân Hiến và Thái Bá Nhạc tử trận. Quân Minh dùng hỏa khí bắn cản, voi bị thương, phải chạy trở vào. Thừa cơ, quân Minh rượt theo, ùa vào cướp thành. Tàn quân Hồ phải bỏ thành rút chạy.

             Thế là chỉ trong gần 2 ngày đêm công kích, quân Minh đã đánh chiếm được thành Đa Bang, 1 vị trí then chốt trong tuyến phòng thủ cơ bản của vương triều Hồ. Thành bị hạ, quân Minh đánh chiếm được thành Đa Bang cùng 12 voi chiến và vô số binh khí. Quân nhà Hồ ở dọc sông tan vỡ, lui về giữ Hoàng Giang. Ngay sau đó, quân Minh tràn vào chiếm Đông Đô (thành Thăng Long).

          Việc Đa Bang thất thủ đã mở đầu cho sự thất bại không thể cứu vãn của cuộc kháng chiến chống Minh do nhà Hồ lãnh đạo. Đến tháng 6/1407, tại cửa Kỳ La, núi Cao Vọng, cha con Hồ Quý Ly cùng nhiều triều thần bị địch bắt đưa về phương Bắc. Đại Ngu bị diệt vong, nước ta bị phương Bắc xâm chiếm.

Nguồn tra cứu: Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Nguồn tham khảo: Bài viết Thành Đa Bang và trận đánh quyết định số phận nhà Hồ, Trung tâm nghiên cứu lý học phương Đông, Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á, Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét