Tôi
xin gửi bài viết để các thầy cô giáo nhìn lại xem mình đã dạy được cho
học sinh mình bằng bao nhiêu % kiến thức và giá trị. Đã dùng cách nào để
dạy học sinh, làm các em thích "văn của xã hội" hơn " văn của giáo dục"
là lỗi ở đâu. (Nguyễn Hữu Tân) "Dạy Văn sao chúng ta không cho các em
một cái Cần" Tôi là một người của xã hội nửa cũ nửa mới. Tôi có cảm nhận
rằng học sinh bây giờ có điều kiện về vật chất rất tốt nhưng điều kiện
tinh thần vươn lên thì rất yếu. Xung quanh các em bây giờ có quá nhiều
điều cám dỗ, nhiều sự hấp dẫn mang tính "hội đồng" lôi kéo, rủ rê. Các
em thì không được trang bị đầy đủ những kiến thức, những bản lĩnh để
đứng vững trong môi trường sống. Tôi không nói cụ thể về những vấn đề mà
các em đang gặp phải. Nói về nguyên nhân dẫn tới hướng tư duy, cách
tiếp nhận cuộc sống thì trước hết không ai có quyền trách các em mà phải
hướng tới việc trách những bậc phụ huynh, không chú ý quan tâm tới việc
giáo dục, định hướng cho con em mà chỉ tập trung vào việc đối phó với
"kinh tế". Còn nữa, đó là trách nhiệm của các thấy cô giáo, giả dụ như
môn Văn. Nói chính xác ra liệu có thầy cô giáo nào dạy văn lại có thể
toàn tâm toàn ý hiểu được đúng giá trị của các tác phẩm văn học, hay chỉ
ép học sinh hiểu theo đúng giáo trình, đúng ý của giáo viên. Có phải
các thầy cô giáo hiểu được giá trị thực tế của các tác phẩm cũng có thể
diễn đạt, trình bày, dạy dỗ cho các em với tư duy của "người lớn" áp cho
tư duy của "nhi đồng" hay không? Các thầy cô giáo có bao giờ tự hỏi lại
mình xem mình đã làm được gì đúng nghĩa với trách nhiệm giáo viên,
những gì đã làm được, những gì chưa làm được. Bản thân vợ tôi cũng là
một giáo viên, cô ấy gặp phải nhiều học sinh ở trong một xã hội mới "đổi
đời" nhờ quy hoạch. Học sinh rất hư, có thể nói là "vô văn hóa". Và vợ
tôi cũng rất nóng tính. Điều hệ quả tất yếu là có học sinh nữ lớp 9 (lưu
ban 2 năm) sau giờ học bị vợ tôi cho một cái tát vị tội quá xấc xược đã
kéo một nhóm bạn trai đầu xanh đầu đỏ tới cổng trường định hành hung.
Sự việc đã phải nhờ tới công an can thiệp". Với những định kiến về giáo
viên bây giờ, có thể vợ tôi sẽ được ra giới "truyền thông" để "vinh danh
tên tuổi" nhưng may mắn là "không". Như chúng tôi, như các bạn ngày
xưa, sợ thầy cô giáo hơn sợ bố mẹ. Còn các em bây giờ "sợ không được
chơi, sợ không được thể hiện cái tôi cá nhân hơn bất kỳ cái gì". Hôm
qua, tôi có đọc một bài dịch trên một blog rất có giá trị, tôi đã in ra
và đưa vợ tôi nghiên cứu. Nếu dạy được học sinh là một cái tốt, còn nếu
không dạy được học sinh thì cố gắng sau này dạy con. Tôi xin gửi bài
viết đó ở dưới đây để các thầy cô giáo nhìn lại xem mình đã dạy được cho
học sinh mình bằng bao nhiêu % kiến thức và giá trị. Đã dùng cách nào
để dạy học sinh, làm các em thích "văn của xã hội" hơn "văn của giáo
dục" là lỗi ở đâu: Người Mỹ dạy bài học "Cô bé Lọ Lem" như thế đấy! Giờ
học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem. Trước tiên
thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong,
thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi. Thầy: Các em thích và không thích nhân vật
nào trong câu chuyện vừa rồi? Học sinh (HS): Em thích Cô bé Lọ Lem
Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa nhưng không thích bà mẹ kế và chị con
riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô
chị kia đối xử tồi với Cinderella. Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà
Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì? HS:
Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại
mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm. Thầy: Bởi
vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự
gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào
cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà
xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng
phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai
mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ
ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ
kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử
hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy. HS: (im lặng,
lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản
Cinderella đi dự vũ hội. Thầy: Vì sao thế? HS: Vì... vì em yêu con gái
mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu. Thầy: Đúng. Vì thế chúng
ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt.
Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con
mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ
chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi. Bây giờ thầy hỏi một
câu khác: Bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm
chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi
được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội? HS: Vì có cô
tiên giúp ạ. Cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí
thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.
Thầy: Đúng, các em nói rất đúng. Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô
tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?
HS: Đúng ạ. Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella
có thể về nhà được không? HS: Không ạ. Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi
thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng
ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên
là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng
tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho
mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở
thành vợ của hoàng tử được không? HS: Không ạ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì
Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu. Thầy:
Đúng quá rồi! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ
kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa,
rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định
Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử? HS: Chính là Cinderella ạ. Thầy:
Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù
bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho
Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình
nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em
nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế
không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế
nào? HS: Phải biết yêu chính mình ạ. Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể
ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không
yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo
cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự
yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có.
Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của
hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng
không? HS: Đúng ạ, đúng ạ! Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu
chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không? HS: (im lặng một lát) Sau 12
giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy
tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ. Thầy: Trời ơi! Các em thật
giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp
Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem - chú thích của người
dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ
cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở
thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu
chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không? Tất cả học sinh hồ
hởi vỗ tay reo hò. Thời Hàn Băng (nhà báo Trung Quốc) Cảm nghĩ sau khi
đọc bài: “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy” Thời Hàn
Băng (nhà báo Trung Quốc) Bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem
như thế đấy” để lại trong tôi một ấn tượng mạnh hơn bất cứ lời bình nào
về nền giáo dục của nước Mỹ. Người thầy giáo trong bài báo ấy chẳng khác
một thiên thần. Ông đem lại cho lũ trẻ lòng công bằng, tình yêu thương,
tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tư duy lý tính, ý nghĩa của cuộc
đời … Với cách giáo dục như thế, sao mà lũ trẻ không có tình thương, sao
mà chúng còn chịu sự ràng buộc và hạn chế của những điều này khoản nọ
nào đấy ? Tôi bỗng nhớ lại hồi học trung học, thầy giáo có tổ chức cho
chúng tôi học tập tấm gương Lại Ninh. Chuyện Lại Ninh như sau: Ngày 13
tháng 3 năm 1988, thiếu niên Lại Ninh 14 tuổi bỗng phát hiện thấy có đám
cháy trong rừng, anh liền tức tốc chạy tới chỗ cháy và cầm lấy một cành
cây hăng hái quên mình dập lửa. Tuy các đội viên đội chữa cháy từng
khuyên mọi người chớ chạy đến gần đám lửa, nhưng vì không đành lòng nhìn
thấy tài sản của nhà nước bị thiệt hại, Lại Ninh vẫn tiếp tục dập lửa.
Sau cùng đám cháy rừng bị dập tắt, hơn 3500 mẫu rừng được cứu thoát,
trạm vệ tinh chuyển tiếp truyền hình trong rừng và nhà kho của công ty
dầu lửa cũng bình yên vô sự. Sáng hôm 14, người ta tìm thấy xác Lại Ninh
trong đống tro rừng. Tay phải anh vẫn còn nắm chặt cành cây, mặt hướng
lên đồi, cặp kính cận thị văng đâu mất, tay trái bám lấy mặt đất, chân
phải ở tư thế leo lên đồi. Lại Ninh đã vĩnh biệt chúng ta nhưng tinh
thần của anh mãi mãi còn sống với chúng ta. Anh là tấm gương để chúng ta
học tập noi theo ! Anh mãi mãi là niềm kiêu hãnh của chúng ta ! Lại
Ninh là một thiếu niên tốt và có tinh thần quý trọng của công rất cao.
Thế nhưng tại sao chúng ta không dạy dỗ trẻ em cách phòng tránh khi có
cháy rừng mà lại khuyến khích các em chạy tới đám cháy? Có “tài sản nhà
nước” nào quý hơn tính mạng con người chăng? Những người thân của Lại
Ninh sẽ phải chịu đựng nỗi đau như thế nào vì chuyện ấy? Còn có cách
giáo dục nào thiếu đạo đức hơn lối dạy trẻ em như thế không? Nhất là
ngày nay, trong khi một lũ quan tham ra sức chiếm đoạt “tài sản nhà
nước” thì ta vẫn tiếp tục dạy dỗ các em hy sinh thân mình để bảo vệ một
loại tài sản nào đó, thử hỏi đạo trời ở đâu? Tại nước Mỹ, khi xảy ra
nguy hiểm, các thầy cô giáo bao giờ cũng khuyên răn học trò rời xa ngay
nơi đó và hướng dẫn chúng rất tường tận cách tránh né. Họ hiểu rằng tính
mạng giữ được thì lại có thể làm ra tài sản… Cách giáo dục của chúng ta
thì có thể đưa bao nhiêu thanh thiếu niên ưu tú đi tới chỗ chết ! Thế
nhưng trước đây tôi đâu có biết đạo lý ấy. Tôi từng mong muốn mình cũng
được như Lại Ninh liều thân chữa cháy, dẫu có hy sinh trong đám lửa thì
cũng không quản ngại. Cho tới năm học lớp 12, tôi được một thầy giáo trẻ
(dạy môn sử) có lương tri bảo ban, dần dần hiểu rõ thực chất của nhiều
vấn đề, từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ sâu sắc. Sau khi trở thành nhà báo,
đi nhiều thấy nhiều, tôi dần dần hiểu ra rằng tính mạng con người, tình
thương yêu, lòng khoan dung và niềm tin mới là thứ đáng quý nhất. Kiểu
giáo dục khuyên bảo lũ trẻ con ấu trĩ xông vào cứu cái gọi là “tài sản
nhà nước” ấy thật đáng trách, ngay cả loài cầm thú cũng chẳng làm thế.
Tất cả mọi thứ vật chất đều có thể làm lại, riêng sinh mạng thì không
thể. Cách giáo dục ấy hủy hoại lũ trẻ từ nhỏ, xóa bỏ thiên tính của
chúng, ươm trồng hạt giống tính nô lệ. Ngay từ ở nhà trẻ, có cô giáo đã
quyết định thái độ đối xử với từng cháu tùy theo bố mẹ cháu chức vụ cao
hay thấp, giàu hay nghèo; ngay từ tuổi ấy chúng đã dần dần học được cách
lấy lòng cô giáo. “Nô tính” ấy thâm căn cố đế tới mức sau này có người
leo lên địa vị lãnh đạo rồi mà vẫn còn giữ thói cũ, thậm chí còn nặng
hơn. Thấy khách nước ngoài thì cung kính vâng vâng dạ dạ; thấy quần
chúng bình thường thì nạt nộ ra oai… Thật là đáng buồn làm sao! Chế độ
giáo dục xóa bỏ lương tri, tính người, hủy hoại tình thương yêu, trau
dồi nô tính và tính phục tùng, gạt người nghèo ra khỏi ghế nhà trường
chẳng những chỉ đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo mà còn hủy hoại tiền đồ
của một dân tộc. Nếu không thấy rõ sự khác biệt giữa chúng ta với người
Mỹ ngay từ cách giáo dục trẻ em, nếu không cải tổ nền giáo dục mà cứ
phát triển theo kiểu giết gà lấy trứng như thế này thì chúng ta sẽ mãi
mãi chẳng đuổi kịp người Mỹ và con cháu chúng ta sau này sẽ phải trả giá
đau khổ cho cách tăng trưởng kinh tế này./. Nguyễn Hải Hoành Lược dịch
theo báo Trung Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét