Đặng Phương Nghi
Nếu các nguồn sử liệu trong nước về Tây Sơn đã được xuất bản hay khai thác gần hết, thì còn nhiều các nguồn sử liệu ngoại quốc chưa được phát hành. Các nguyên bản đó hiện đang được lưu trữ tại các Nha Văn khố Âu châu mà hầu hết là các thư tính trao đổi giữa các Giáo sĩ ngoại quốc.
Một số đã được đăng tải hoặc trong bộ Lettres Édifinates et Curieuses của Gia Tô hội, bộ Nouvelles lettres Édifinates của Hội Truyền giáo Ba Lê, và A. Launay, Documen Tây Sơn historiques sur la mission de Cochinchine, M. E. P, 1925, hoặc trong các Tập san như: Bulletin des Amis du Vieux Hué, Bulletin de la Société des Études Indochi-noises, Bulletin de l’École francaise d’Éxtrême – Orient, Revue de l’Extrême – Orient, T’oung Pao Revue Indochinoise…Nhưng còn một số lớn chưa được khai thác hay xuất bản. Tài liệu về Tây Sơn còn nhiều, nhưng trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ có thể trích một vài bản văn chọn lọc. Hy vọng rằng tài liệu này sẽ góp thêm một chút ánh sáng cho sự hiểu biết về lịch sử Tây Sơn.
Chắc chắn, việc sử dụng loại tài liệu này rất tế nhị vì các giáo sĩ không tránh khỏi chủ quan, nhưng nhờ nó ta có một ý niệm về dư luận quần chúng và tình trạng xã hội dưới thời Tây Sơn, không kể đến nhiều chi tiết quan trọng về “Các cuộc Bắc tiến” của Nguyễn Huệ mà không một tài liệu chính thức nào nói tới.
Những tài liệu trích dịch dưới đây là những trang nhật ký của Hội Truyền giáo ở Bắc kỳ, đã chép các việc xảy ra ở Bắc Kỳ rồi gửi về Hội Truyền giáo Trung ương ở Paris (Société des Missions estrangères de Paris). Thời kỳ này Giáo hội được điều khiển bởi Đức giám mục Davoust (Jean) 1728-1789. Ông đến Bắc kỳ năm 1753. Đến năm 1759, đi La Mã và Paris, nhưng tới năm 1782 lại trở sang Ma Cao và 1783, trở lại Bắc kỳ. Những trang nhật kỳ này đáng lẽ phải tàng trữ tại Thư viện Hội Truyền giáo Ba Lê, nhưng vào thời Cách mạng Pháp (khoảng năm 1792), Hội Truyền giáo Ba Lê bị thất lạc nhiều tài liệu, và những trang nhật ký này không hiểu lý do nào đã sang Nha Văn khố Quốc gia Ba Lê. Chính vì vậy, hầu như đã không có ai biết về tài liệu của Hội Truyền giáo Ba Lê này.
(Tài liệu lưu trữ tại Nha Văn Quốc gia Bá Lê(Paris, Archives Nationales F5 ; A 22).
Nhật ký về những sự kiện đáng ghi nhớ đã xảy ra trong địa phận Giáo hội Bắc Kỳ(1)về chính trị, dân sự và tôn giáo(1a) từ tháng 8-1787,cho tới trung tuần tháng 10-1788(tr.216)
Từ hồi tướng Coũ Chỉnh(2) trở về thủ đô Bắc Kỳ vào cuối tháng 1-1787, và từ lúc tân chúa (hay kẻ thống trị) Quế(3) tự tử tho lời đồn vài tháng sau khi thấy đảng mình bị tiêu diệt và sự nghiệp của mình bị phá hủy hoàn toàn, quyền lực của nhà vua trẻ tuổi Chiêu Thoung(4)hình như đã hồi phục được sự vẻ vang xưa và mỗi ngày một củng cố trong khi các tiên vương như Cảnh Hưng, như chúng tôi đã từng nói, chỉ là những vị vua trên danh nghĩa và tượng trưng mà thôi.
Các vụ quấy rối trước đây do “giặc Tây Sơn” gây nên chỉ còn rất hiếm trong nội địa Bắc Kỳ ; phần đông quân lính Tây Sơn đã rút vào Nam và chỉ còn một ít đóng tại xứ Nghệ An và vùng Bô Chinh(5) giáp giới Nam kỳ thượng(6). Nhưng than ôi, sự yên ổn đó chẳng được lâu dài.Tướng Coũ Chỉnh sám hối cho lòng tin cậy và sự khinh suất của ông, hay sự vị nể quá đáng đối với một kẻ thù nguy hiểm(Tây Sơn) vì ông tuồng như nhường cho họ miếng đất Bắc Kỳ trên để họ cai trị, có chỗ vùng vẫy và lối vào tiến chiếm vương quốc khi cơ hội thuận tiện. Vả lại, đáng lẽ tướng Chỉnh phải thận trọng và hiểu rằng tình trạng thái bình mà Bắc Kỳ đang hưởng từ 9, 10 tháng nay, là do sự ân cần và tính dũng mãnh của ông ít hơn là do tình thế chiến trận giữa ông bạo chúa đáng sợ miền Nam kỳ thượng, tục gọi là Đức Oung(7), em thứ 8 của tiếm vương Nhạc và người anh(Nhạc). Tiếm vương buộc lòng phải chịu dưới quyền của em mình và phải nhận mọi điều kiện em mình đặt ra. Quả nhiên, khi Đức Oung hành quân trở về, ông ta vẫn chưa hài lòng về sự bành trướng mới mẻ xứ Phú Xuân của ông. Ông không quên trở lại kế hoạch tiến chiếm Bắc Kỳ mà ông đã nghiên cứu lâu nay.
Ngày 6-12-1787, tôi nhận được nhiều tin đặc biệt và 2 lá thư của ông Le Breton(8), người trợ tế đại diện cho tôi ở vùng giáp giới Nam kỳ đề ngày 20 và 23-11 cho rằng :
1) Chừng một tháng nay, một vị tướng của tàu Attila(9) (Nguyễn Huệ) tên là Vach Quinh(10) đã trở lại xứ Nghệ mộ rất nhiều lính và bắt dân chúng cung cấp một số lượng gạo khá lớn.
2) Từ hai, ba ngày nay, một vị quan khác, cao cấp hơn, trước gọi là Chương Nha, sau đổi thành Đô đốc, rồi Đức Oung và sau cùng gọi là Tiết chế(11) (tất cả các loạn tướng thời đó đều đổi tên như thay áo) cũng tới xứ này những 20 hay 25 con voi và 4.000 đến 5.000 lính Nam Kỳ, chắc là tính tiền lên về phía kinh thành của vương quốc này. Tuy nhiên thượng cấp của ông ta có lẽ chỉ có ý định gửi ông ta ra Bắc Kỳ để mộ lính, thu gạo và ở đó dò xét hành vi và mọi sự đòi hỏi của Coũ Chỉnh và Chiêu Thoung, vị vua bị điều khiển. Múc đích của viên tuyển mộ dân quân Bắc Kỳ là để thay thế các lính cũ của loạn quân Phú Xuân (Nguyễn Huệ) mà từ rầy chúng ta sẽ gọi là Bắc vương (sau ngày ông ta thắng Nhạc tức Thái Đoc(12) và chia lãnh thổ của ông ra làm ba phần chỉ để lại cho người anh 3 tỉnh nhỏ ở giữa quốc gia và cái chức vị Hoàng đế tuy long trọng nhưng lố bịch. Ông tự xưng là Bắc Bình vương tức vua xứ Bắc, biểu lộ như vậy mưu đồ thanh toán Bắc kỳ địa phận phía bắc Nam kỳ thượng). Vì đội ngũ đã bỏ rơi ông để theo Nhạc, trong hoặc sau thời kỳ chiến tranh giữa ông (kẻ chinh phục và phân phát vương vị) và tiếm vương (Nhạc). Ông bị lâm vào tình trạng phải thu thập trên lãnh thổ nhỏ bé của ông những thành phần thuộc giai cấp hạ lưu, những tay anh chị lưu manh, nông dân và cấp cho họ khí giới. Đó là những người lính được chỉ định hoặc để ngăn ngừa một sự tấn công bất thần của quân địch (tuy bị bại trận nhưng được tăng cường với rất nhiều đào binh) hoặc để trù định xâm chiếm Bắc kỳ. Sự đoàn do Tiết chế và Vanh Quinh chỉ huy được phân tán và chỉ định vào các cơ đội dân quân tuyển tại xứ Thanh Nghệ và Bố Chính (bộ phận dùng vào việc dưỡng binh). Sư đoàn này có nhiệm vụ giám sát, bắc buộc những người dân quân phải chiến đấu chống anh em họ. Họ tàn sát ngay tại chỗ những kẻ nào tìm cách trốn tránh hay từ chối đầu quân cho họ. Vì thế trong một cơ đội cứ một người lính Nam kỳ (của Tây Sơn) thì trung bình lại có khoảng 30 hay 100 lính Bắc kỳ.
Trong một khoảng thời gian ngắn. Tiết chế đã thành lập được một quân đội có lẽ hơn 30.000 người. Quả nhiên, ông ta trực chỉ kinh đô và tới xứ Thanh vào trung tuần tháng chạp. Bấy giờ chính quyền Bắc kỳ mới thức tỉnh khỏi cơn mê ngu nguội của họ và trù liệu những biện pháp cần thiết để đẩy lùi quân địch hay ít nhất cũng ngăn không cho họ tiến vào xứ Nam để vào hoàng thành. Những trận đụng độ đầu tiên giữa hai bên xảy ra ngay sau ngày lễ Giáng sinh. Mặc dầu thỉnh thoảng thua mấy trận và thiệt hại một số lính chính quy, vài trăm lính tập Bắc kỳ, quân Tây Sơn vẫn tiến từ từ về bờ cõi xứ Nam (tức tỉnh Sơn Nam) và chỉ còn cách tư dinh tôi có nữa ngày đường, lại mệt hơn nữa là trong tình trạng nguy cấp như thế mà sự bất hòa lại thình lình bộc phát giữa Coũ Chỉnh và Đốc Chiên trấn thủ xứ Nam (mà tôi đã nhắc tới trong cuốn nhật ký viết năm trước).Sự lủng củng này bắt nguồn từ sự ghen ghét của Đốc Chiên trước uy danh lừng lẫy của Coũ Chỉnh. Đốc Chiên ghép cho Coũ Chỉnh tội ban phát những đặc ân phi pháp cho những kẻ tay chân và chỉ lo tới sự tiến cử họ trong khi đó chính ông và những quan lại dưới quyền ông mới là những kẻ tận tụy với việc nước lại không được đếm xỉa tới. Đốc Chiên vì tham vọng và đố kỵ, cho rằng thời cơ thuận tiện để báo thù Coũ Chỉnh đã tới và định nắm lấy nó nhưng ông nghĩ rằng hành động phản bội của ông không những gây tổn hại cho địch thủ (Coũ Chinh), cho cả nhà vua nói riêng và Vương quốc nói chung mà còn cho cả ông nữa. Ngày 30 tháng 12, một viên sĩ quan theo Công giáo chỉ huy một sư đoàn trọng yếu của hạm đội hoàng gia dưới quyền của Đốc Chiên có viết cho tôi một lá thư trong đó ông cho tôi hay rằng Đốc Chiên không những không đem lực lượng cản địch mà ngược lại còn dự định vượt tuyến vào Nam hàng Tây Sơn. Trước đây, ông ta cùng với Coũ Chỉnh hợp tác với Tây Sơn, (đồng thời tôi nhớ rằng) nhờ vậy ông ta được Tiết chế Tây Sơn ban cho một thẻ thông hành và một số hộ vệ quân. Vì Đốc Chiên đã nhiều lần tỏ ra dũng cảm và am tường chiến thuật của địch nên lính Bắc kỳ tin cậy và sẵn sàng tuân lệnh ông ta hơn các tướng khác. Tin tức về sự phản bội đó làm thay đổi tức thì cục diện chiến cuộc vì nó khuyến khích lòng can đảm của quân Tây Sơn và gây kinh hoàng trong đội ngũ lính Bắc kỳ. Tuy bị bạn đồng liêu bỏ rơi một cách hèn nhát như vậy, Coũ Chỉnh vẫn không nổi giận và giả vờ viết liên tiếp mấy cái thư cho Đốc Chiên, nhân danh Vua và Tổ quốc, khẩn thiết yêu cầu ông này từ bỏ ý định tai hại của ông và gác lại mối di hận sang một bên (vì lợi ích chung). Nhưng tính kiêu căng và sự ngoan cố chung của những kẻ bội phản làm hắn bỏ ngoài tai mọi điều khuyên răn. Bởi vậy Coũ Chỉnh bắt buộc phải đích thân chỉ huy đội ngũ còn lại và cấp tốc rời thủ đô để chặn đường và tấn công địch. Trong khi đó, một vị Hoàng thân (cậu hay chú bác của vua Lê Chiêu Thoung) được cử đi dẹp giặc, gây hoang mang trong dân cư kinh đô vì sự đào tẩu về kinh thành một cách quá vội vã của ông. Coũ Chỉnh tức giận và muốn trừng trị nghiêm khắc người này để làm gương và cảnh báo các vị quan và binh lính dưới quyền ông. Vì vậy ông tâu với vua rằng ông chỉ nhận lãnh trách nhiệm điều khiển cuộc chinh phạt quyết định sự thành bại của đất nước với điều kiện phải bêu đầu ông hoàng kia về hành vi hèn hạ của ông. Vua Chiêu Thoũng không dám từ chối sự đòi hỏi đó. (Chắc chắn hình phạt đáng sợ đó không phù hợp với phong tục Tây Phương và ở đấy mọi người sẽ coi đó là một hành động dã man). Sau đó vào ngày 4 (hoặc 5 gì đó) tháng giêng. Coũ Chỉnh lên đường. Theo nhiều lời đồn thì ông bị ám ảnh bởi những điều gở mà ông đã nhận thấy khi xem xét các tinh tú vì ông ta am hiểu cặn kẽ chiêm tinh thuật). Vả lại ông ta cũng biết rằng mình không được lòng quân sĩ của ông. Qủa nhiên, khi ông ra tới trận tuyến , ông nhận thấy rằng quân đội của ông sẵn sang đào ngũ hay chưa đánh mà đã muốn hành quân Tây Sơn. Trong tình trạng hiểm nghèo đó, vì sợ rơi vào tay Tiết chế, ông không làm gì khác hơn là rút lui một cách kín đáo vào đem 6 và 7 tháng giêng để trở về Hoàng thành. Người ta kể rằng khi tới nơi vừa thấy nhà vua, ông liền kêu rằng: “Bloi oi là Bloi! Nhà Lê đã mất rồi!”(13) rồi ông cầm lấy tay nhà vua. Cả hai vừa khóc vừa xuống một chiếc thuyền chở họ đi ẩn tại “xứ Boc” hay “xứ Bắc”.
Không chậm trễ, Tiết chế xua quân tiến về kinh đô và vào thành với phần lớn quân sĩ của ông vào ngày mùng 9 tháng 1. Hôm sau chiến hạm Le Castries của Pháp qua ngang Bắc Kỳ.
Ngày 10, tướng Nam kỳ cho quân đuổi theo Coũ Chỉnh để bắt ông này và mời vua Chiêu Thoũng trở về kinh thành. Cố nhiên nhà vua không dám nhận lời mời. Cuối cùng ngày 12, Coũ Chỉnh bị chính một người đồng hương (và cùng là một cựu chiến hữu) của ông là Ba Trang Thuoc(14) bắt. Coũ Chỉnh kháng cự một cách dũng cảm nhưng khi thấy con trai ông bị giết một cách dã man ngay trước mặt ông và hơn nữa, theo người ta kể lại vì ông bị thương nặng nơi cánh tay, ông bị bắt buộc phải đầu hàng. Ngay đó, ông bị nhốt trong một cái cũi có buộc đầu con trai ông ở trên. Ông bị đưa về kinh đô. Người ta quả quyết rằng Tiết chế dự định gửi ông vào Phú Xuân để nộp ông cho “Nam kỳ bạo quân” hay Tân Bắc vương. Nhưng lính Bắc kỳ gọi là quân Tam Phủ(15), kẻ thù bất cộng đáy thiên của người tù nhân danh tiếng này, đã hò hét đòi giết ông ngay nên Tiết chế không dám khước từ. Đó là dư luận dân gian. Sự thật thì Tiết chế lúc đó có vẻ không những mong muốn độc lập mà còn hy vọng độc chiếm Bắc kỳ ly khai với chủ ông, nên ông đã rất mừng khi đã trừ được một kẻ địch đáng sợ như Coũ Chỉnh. Coũ Chỉnh, vị tướng bất hạnh bị xử tử tại Hoàng thành hôm 15 tháng 1 và thi thể trần truồng với cái đầu cảu ông bị bêu mấy giờ liền cho công chúng xem. Người ta kể rằng khi Tiết chế đọc bản án tử hình, kể tội ông là một kẻ nghịch lệnh và phản bội, không chịu đến gặp Bắc Vương mặc dù đã nhận được nhiều lệnh gọi, Coũ Chỉnh trả lời rằng : “Ông tốt phúc mà bắt được tôi vì nếu không, chính ông sẽ mất đầu (như tôi sắp mất đây) cuối năm nay”. Cái chết bi thảm của tướng Coũ Chỉnh như thế đó. Ông ta hình như chỉ “trèo cao để ngã đau”. Quyền lực của ông dưới thời vua Chiêu Thoũng mạnh đến nỗi vị vua này định cho ông nhập Hoàng gia bằng cách thừa tự ngài, việc ban thưởng này là rất hi hữu ở các quốc gia khác ! Coũ Chỉnh từ chối. Thực ra, chắc hẳn ông sợ rằng một ân sủng quá đáng như thế đối với dòng dõi ông có thể gây ác cảm và làm thiên hạ chống ông. Vả lại trong triều đình, việc gì ông cũng định đoạt cả. Ngay nhà vua cũng có vẻ nể sợ ông. Ngài hết sức tránh những việc có thể làm mất lòng ông. Đến nỗi một hôm, một số người có cửa hàng tại hoàng thành đến tố cáo với tướng Chỉnh rằng một vài vị hoàng thân, chú bác và cậu vua đến bức hiếp họ không cho họ buôn bán, Coũ Chỉnh bất bình bắt vua phải trừng phạt những người này. Chiêu Thoũng lập tức phải cho bắt mấy người đó nộp cho Coũ Chỉnh. Sau khi quở trách các vị này ông liền bắt họ phải bồi thường thiệt hại do họ gây ra. Còn cấm họ từ rầy không được la cà trong phạm vi thành phố nếu không tuân lệnh sẽ bị trừng phạt. Lệnh cấm đó tỏ ra có hiệu nghiệm.
Tiết chế mãn nguyện và tự đắc về thành tích đầu tiên của ông nên thế nào cũng bắt được Chiêu Thoũng. Ông còn khoe khoang rằng ông sẽ cho nhà vua trình diện dân chúng Hoàng thành nhân dịp chào đón năm mới (Bắc kỳ). Nhưng nhà vua này đã phải cải trang nay dưới hình thức này mai dưới hình khác , có khi phải đội lốt một người nông dân, phải chặt củi trong rừng. Rồi khiên lên trên vai (như chính ông đã thú nhận trong một bức thư cảm động mà ông gửi cho thần dân ông ít lâu sau). Nhờ vậy ông đã thoát khỏi cuộc truy tầm của bọn tay chân Tiết chế.
Những người nào quen suy tưởng thời cuộc bằng nhân nhãn, chỉ coi cái ách vận của Chiêu Thoũng như một trò đùa tàn nhẫn của tạo hóa. Nhưng các giáo sĩ được biết rằng vị vua đó đã đánh dấu sự đăng quang của ông bằng cách chấp chiếu các bằng sắc cho dân những vùng muốn vị thành hoàng lên phẩm trật cao hơn với một giá rất đắt. Hành vi đó (đối với chúng tôi) bắt nguồn từ ba cái tật xấu (của quan lại cũng như của dân chúng) : lòng kiêu căng, tính biển lận và sự mê tín. Những vị giáo sĩ khi biết được cái tin chẳng lành đó, hình như đã tiên đoán, ngay lúc đó, một cuộc cách mạng mà hậu quả sẽ là sự chiếm đoạt ngai vàng và lãnh thổ bởi người ngoài. Họ đinh ninh rằng tại Coũ Chỉnh không những không chống sự mê tín dị đoan đó mà lại còn khuyến khích nó một cách đê tiện. Chính ông đã nhận được bằng sắc(16) [do vua ban] và sai một anh lính cận vệ Công giáo mang tờ đó về quê ông(17)nên trước sau ông cũng gặp thảm họa nhục nhã.
Còn tên Đốc Chiên bất trung, hắn không được hưởng lâu sự hoan hỉ của mối thù đã trả. Vài ngày sau sự thất bại và trước ngày hắn bắt và xử tử Coũ Chỉnh, hắn nhận được lời khuyến cáo của vài người bà con hắn ( đang bị Bắc vương giữ làm con tin) ở Phú Xuân bảo hắn chớ có đến thành này. Hắn bèn viết thư cho Coũ Chỉnh xin tha tội đào ngũ của hắn, viện cớ rằng đó là một mưu nhỏ do hắn nghĩ ra để tấn công quân Tây Sơn. Nhưng chẳng may lá thư của hắn của bị địch bắt được, thành thử hắn trở thành kẻ bội phản khả ố đối với hai bên. Tuy nhiên vì lúc đó, hắn có vẻ quả quyết và bị dồn vào thế phải chiến đấu với Tiết chế, nên vua Chiêu Thoũng định che đậy sự phản bội của hắn. Ông ra lệnh cho hắn phải tấn công tiền quân của địch, trong khi cánh quân khác sẽ đánh úp hậu quân còn lại. Từ lúc đó, tức là từ trung tuần tháng giêng, có nhiều trận đánh ác liệt giữa Đốc Chiên và Tiết chế.
Đến cuối tháng 3, tháng 4 chiến tranh tuy ngăn trở sự hung đồ của Tiết chế nhưng không có hậu quả gì hơn là tăng gia sự tàn phá và sựu khốn cùng trên đất nước. Trong khi quân Nam kỳ làm chủ Hoàng thành và thủ phủ xứ Nam, vị trí bố phòng trọng yếu độc nhất của vương quốc và Đốc Chiên hãy còn đống đồn ở nơi cũ với chiếm thuyền và đủ loại tàu bè, giữ chắc thế thủ ; Tiết chế cùng Vach Quinh (vị tướng hung bạo mà tôi có nói ở đầu bài) và các quan tướng khác bố trí dọc bờ sông các đội vệ binh đủ loại đẻ dò xét động tỉnh của tướng Bắc kỳ. Những vị tướng Nam kỳ quấy phá Đốc Chiên không ngừng và phái bộ hạ đi khắp nơi sách nhiễu dân chúng đủ điều. Người ta chỉ nghe nói đến mộ lính, quyên gạo, quyên tiền. Khi một tổng vừa mới cấp cho Tiết chế một số lính mới đúng ngày đã hẹn (mỗi sự chậm trễ hoặc thiếu sót về vấn đề đó đều bị trừng trị tức thì) người ta lại thấy chẳng bao lâu, những con chim kên kên (chỉ những người lính mới đó) trở lại mang theo danh sách hay bản kê những người có tiếng giàu có hay sung túc [phú hộ], những kẻ có hiềm khích nhiều hay ít với chúng phải nộp bao nhiêu lượng gạo hay bao nhiêu tiền. Chúng khám xét nhà cửa lấy cớ để tìm kiếm khí giới làm cho tôi một bữa phải trốn giữa đồng ruộng, ngay buổi trưa lúc nắng chang chang trong khi chúng lục lọi và làm một bản kê khai tài sản của dinh thự tôi. Chúng còn đòi hỏi tất cả hội đoàn nông dân, làng mạc, thôn xóm phải trình cho chúng biết tình trạng hay bản kê khai chính xác những đất đai của họ nhằm mục đích trưng tập thuế má, và các phụ đảm công khác cùng mộ lính tráng. Tệ hơn nữa tạo nhiều nơi quân Tây Sơn còn tuyển các thiếu nữa trẻ. Chúng đã cướp nhiều cô khỏi tay cha mẹ để làm tỳ nữ hay làm cung nữ cho tên Tiết chế. Muốn dân Bắc kỳ không tài nào chống lại chúng, chúng cho các thủ hạ làm mật sứ đi khắp nơi triệt hạ tất cả những thành lũy hay gò (mô) đất [244] được dựng lên mấy năm trước để chống bọn giặc cướp tại các thôn làng. Nhưng tôi phải ngừng tại đây vì tôi bắt buộc phải thú nhận rằng mưu mô của họ, được sắp trước một cách tinh xảo quá. Những thủ đoạn quấy rối của chúng khiến tôi không thể (tự phụ) là đã trình bày được một ý niệm đầy đủ về tình trạng hỗn loạn và lộn xộn toàn diện… (quân Tay Sơn quấy nhiễu các vị giáo sĩ) [255]. Trong lúc đó Tiết chế vẫn đóng bản doanh tại Hoàng thành, trong phủ chúa được ông biến thành một thứ pháo đài. Ông không che giấu được sự bối rối tuy bề ngoài khinh miệt tướng Đốc Chiên. Ông sợ tướng này là vì bây giờ trong tay ông chỉ còn một số ít lính Tây Sơn (hay Nam kỳ) thực thụ mà thôi vì phần đông lính Nam chết đói hay mất hiệu lực chiến đấu, nguyên do là ở bệnh tật và chiến tranh. Không những ông không hy vọng gì về việc bạo quân Nam kỳ hay Bắc vương gửi quân tăng viện cho ông (tuy vậy ông không ngớt khoe khoang là vẫn nhận được đều đều quân tiếp viện để lung lạc tinh thần quân Bắc kỳ) mà ông còn lo sợ sự phẫn nộ của Bắc vương vì ông khăng khăng từ chối nhiều lần không chịu tuân lệnh gọi ông về Phú Xuân sau khi giết được Coũ Chỉnh. Ông lại còn tình nghi là đã có tham vọng chiếm ngai vàng Băc kỳ đáng lẽ là của chủ ông (Bắc vương) nhân lúc người này đang đánh nhau với Tiếm vương Nhạc, Bắc vương không thể đích thân ra Bắc kỳ để xem xét tận tường các hành động của Tiết chế. Ông phải giao nhiệm vụ đó cho một vị quan thân tín tên là Đại Tư mã(18)kẻ thù công khai của vị tướng tham vọng (Tiết chế). Vị quan này ra Bắc vào đầu tháng 2 với một quân đoàn 2.000 người. Ít lâu sau ông tới kinh đô. Ông không thèm đến chào Tiết chế mặc dù ông này chức lớn hơn. Ông lúc nào cũng tỏ vẻ lãnh đạm và có nhiều ác cảm với Tiết chế. Sự chia rẽ giữa tướng sĩ Nam kỳ cộng với những thắng lợi của Đốc Chiên và vài phe đảng Bắc kỳ khác chống lại Tiết chế bắt đầu làm chúng tôi hy vọng. Nhất là từ trung tuần tháng 4, chúng tôi hy vọng rằng Bắc kỳ sắp thoát nạn quân Tây Sơn khốn nạn vì chúng không giấu diếm sự bối rối của chúng khi quân Tây Sơn thi nhau đào ngũ và ẩn trốn trong nhà những người dân nào chịu chứa chấp họ.
Nhưng chúng tôi không ngờ rằng chúng tôi đang sống trước một cuộc đại cách mạng đặt Vương quốc này dưới uy quyền chúng. Thật vậy, vào cuối tháng 3(19) khi Bắc vương đã thắng hai, ba trận quân đội của Tiếm vương Nhạc được cử tới đánh ông (Bắc vương) để trả thù việc ông làm cho anh ông mất thể diện 1787(20), ông chỉ nghỉ tới cuộc chinh phạt Bắc kỳ dự định vào tháng 4. Lúc đó vua Chiêu Thoũng cùng với Đốc Chiên nhờ một chiến thuật đặc biệt, vừa mới phá tan một đội quân lớn của địch. Nghe tin Bắc vương sắp ra. Đốc Chiên vội bỏ dinh sở cũ để lên thuyền trốn ra biển(21). Mãi ngày hôm sau, 30 tháng 4, tin Đốc Chiên bỏ trốn (không rõ duyên cớ đính xác) mới đến tai tôi. Nhưng khi tới bờ biển, Đốc Chiên không có thì giờ thả neo để tìm kiếm lương thực tại vùng lân cận, thì một trận cuồng phong ngược chiều nỗi lên làm phân tán hạm đội của ông. Vì vậy hải quân ông rơi vào tay địch và ông bị bắt vào đầu tháng 5. Còn vua Chiêu Thoũng khó khăn lắm mới thoát nạn được, bằng cách băng qua rừng núi. Hiện giờ, người ta vẫn không biết đích xác vị hoàng đó ra sao. Dân Bắc kỳ không quên nhận xét (như một việc đáng lưu ý) rằng sự liên kết giữa vua và Đốc Chiên cũng là sự mở đầu tai vận của vị tướng từ trước tới giờ có tiếng là tốt số.
Trong khi đó Bắc vương tiến rất mau, cầm đầu một đại binh cùng đoàn hộ giá gồm 150 con voi. 100 người nằm võng, rất nhiều kiệu sơn vàng lộng lẫy (một cái dành cho Bắc vương, và một cái cho công chúa Hân, cô của Chiêu Thoũng và vợ cả của ông)(22). Ngày 2-5, tôi hay tin Bắc vương chỉ còn cách trú sở tôi có một ngày đường. Ngày mồng 7, tôi được biết ông đã vào kinh thành sáng mồng 4 nhưng không lộ vẻ vui tươi gì. Có người nói rằng quan Tiết chế có ra đón ông tại một địa điểm cách xa thủ đô nhưng thật ra là với ý định chặn đường và tấn công ông ; nhưng khi thấy ông được bảo vệ kỹ lưỡng quá, nên Tiết chế giả vờ vui vẻ như không hề có tình ý gì. Dù sao Bắc vương vẫn cho người bắt ông tức khắc. Sáng hôm sau, mồng 5 tháng 5, ông bị trói dẫn ra pháp trường và bị bắt quì ở đó cho công chúng xem, phơi mình dưới nắng gay gắt của mặt trời. ngày hôm sau ông bị xử trảm. Đó là vận số xứng đáng [227] cho một kẻ khác máu đã từng gieo tang tóc cho tổ quốc nói chung và Bắc kỳ nói riêng. Theo một lá thư của ông La Mothe(23) thì một người phu khiêng kiệu của các chúa Bắc kỳ đã bị đâm chết bằng một ngọn giáo theo lệnh Tiết chế (không cần phải qua một thủ tục nào cả) ở ngay trong dinh của ông 4 ngày trước khi ông bị xử trảm.
Ngày 10 tháng 5, một ngày trước lễ Thánh Linh giáng lâm, một vị quan tư lệnh Bắc kỳ tên là Lê Thai(24) và anh (hay em) rể của Coũng Chỉnh bị quân Tiết chế bắt từ trước và bị giam giữ tại Hoàng thành, cũng bị Bắc vương ra lệnh xử trảm… (mưu toan rửa tội hai người nay bất thành)…
Tuy Bắc vương ra Bắc để lật đổ loạn đảng Tiết chế và để giữ chắc công cuộc cai trị vương quốc được phó thác cho ông nhưng ông sợ vị thái tử hợp pháp của Nam kỳ (Nguyễn Ánh) trở về nay mai và xâm chiếm bất thình lình. Ông phải lập tức lên đường vào Nam với những binh lính mới mộ được tại Bắc kỳ để bố trí phòng thủ và kháng cự lại. “Tân Attila” đó chẳng bao giờ chịu ngồi không tại thủ đô. Ngày 11-5, ông đến cung điện vua Chiêu Thoũng, hình như để chiếm hữu ngai vàng. Song, ông thận trọng không dám công khai tự xưng là vua Bắc kỳ và đành lòng đặt sự cai trị vương quốc trong tay với 4, 5 vị quan Nam kỳ hay Tây Sơn: vị quan thứ nhất là Đại Tư Đồ(25) cháu rể ông và rể tiếm vương Nhạc ; vị quan thứ hai là Đại Tư Mã(26), sư phó ông (mà tôi [228] đã có nói tới) nổi tiếng là dũng cảm và thông minh trong việc điều khiển mọi công viêc (nhiều người trong đó có ông Serard(27) tin là vị này theo Công giáo).
Ngày 15-5, Bắc vương – từ ít lâu nay ông chỉ tự nhận là Đức lệnh(28), nghĩa là vị Hoàng lập pháp – công bố một sắc lệnh mà nội dung là :
1) Năm 1786, ông có ra cứu Bắc kỳ và tôn vương Chiêu Thoũng khỏi áp bức của vị Hoàng họ Trịnh định tiếm vị vua dưới cái tên Chúa.
2) Ông đã giao cho Coũng Chỉnh nhiệm vụ trông nom nhà nước nhưng vị quan này không làm tròn nhiệm vụ đó vì thế ông phải phái Tiết chế ra triệt hạ và lật đổ Coũng Chỉnh, nhưng cuối cùng trái với sự mong đợi của ông, Tiết chế lại lạm dụng quyền thế để quấy nhiễu, hà hiếp dân chúng nên nhà vua (Bắc vương) phải đích thân đến tận nơi để tái lập trật tự.
Sau vài dòng vào đề như trên, ông tiếp rằng : 4 ngày trước, nghĩa là ngày 11-5, các quan văn võ tới yết kiến ông có hảo ý đệ đơn xin tha cho hoàng tộc Lê và tôn thất chúa Trịnh. Đoạn ngỏ lời với dân Bắc kỳ, ông hỏi họ thích sống dưới chế độ nào: bị một ông hoàng huyết thống nhà Lê cai trị (ông giả vờ không nhắc đến tên Chiêu Thoũng) hay khẩn cầu ông ở lại điều khiển quốc gia để được hưởng một sự thái bình hoàn toàn và vĩnh cửu, dưới sự bảo hộ, giúp đỡ của ông. Ông kết thúc sắc lệnh đó bằng cách yêu cầu mọi công dân (không phân biệt giai cấp, phẩm tước và địa vị) cho biết ý định của họ về việc này.
Cùng lúc ấy, một sắc dụ khác của Bắc vương công kích vua Chiêu Thoũng được ban hành. Nội dung của nó là :
1) Vua Chiêu Thoũng là một kẻ vô ơn bạc nghĩa, phản bội sự trợ giúp của Bắc vương.
2) Vị hoàng đó là một gánh nặng cho quân đội và thần dân của ông. Ông đã không ngừng sách nhiễu họ đủ kiểu đến nỗi họ phải buộc lòng rời bỏ nhà cửa ruộng vườn để tản mát khắp nơi.
3) Chiêu Thoũng đã phạm trong tội [229] gian dâm và loạn luân ghê tởm với em gái ông và sát nhân vì ông đã cho giết một cách dã man cùng một lúc 3 người chú (bác hay cậu) ông và 1 người vợ của Cảnh Hưng, tổ phụ của ông (tuy nhiên Bắt vương không có trưng bằng cớ).Với những hành động bẩn thỉu và kinh tởm đó, ông không đáng sống chút nào vì thế Bắc vương cho hay rằng bất cứ ai bắt sống Chiêu Thoũng, mẹ và em trai ông ta(29) nộp cho chính quyền sở tại sẽ được tặng thưởng xứng đáng, nơi cư trú sẽ được miễn (suốt đời) khỏi phải trả các thứ thuế, phụ đảm và không phải làm sưu dịch ; ngược lại nếu ai biết chổ ẩn nấu của Chiêu Thoũng mà không báo ngay hay dám chứa chấp ông ta, nếu nhà cầm quyền mà biết được, sẽ bị xử tử tức thì không ân giảm, làng hoặc nơi trú ngụ sẽ bị phá hủy hoàn toàn và biến thành tro.
Trong khi chờ đợi, vì Bắc vương sắp phải lên đường vào Nam, ông nhất định cho phá hủy thủ đô Bắc kỳ, gọi là Kẻ Cho(30), Kinh đô và Kinh kỳ và xây lại tại xứ Nghệ An một Hoàng thành mới(31) gần quốc gia nhỏ bé của ông (Phú Xuân) và gần Nam kỳ thượng, ở khoảng giữa hai vương quốc. Ông liền cấp tốc cho thực hiện kế hoạch này. Trước hết ông cho phá tất cả các biệt thự của các chúa cũ và của những người chuyên chế biện sự nhà Trịnh ở trong hoàng thành và cho chất lên thuyền những vật liệu, đồ đạt quí nhất và tài sản cùng với một số lớn gạo thu nhặt được để mang tới chỗ được chỉ định là nơi xây cất thành phố tương lai gọi là Phủ Thạch hay Thành Rum. Ông cũng không bỏ sót các dinh vua Chiêu Thoũng và cung điện các nhà vua nhà Lê (ông cho phá tan hết). Ông cho lấy đi tất cả những thứ ông thích, ngay cả đá lát nữa (theo lời đồn). Nhưng, như thế vẫn chưa làm ông thỏa mãn. Tôi nhận được nhiều lá thư và được nhiều người cho biết rằng vào cuối tháng 5 và đầu tháng 6, Bắc vương nghĩ và kiếm đủ cách tịch thu tiền những kẻ giàu có. Ông lợi dụng một vị quan Trung Hoa tên là Thiẽm Bảy(32), con rễ vua Cảnh Hưng như ông tức là anh (hay em) “cột chèo” bằng cách bảo vị này kê khai những tên đại thương gia giàu có và những tư nhân có nhiều tiền để ông xua lính vào cướp. Cuối cùng ông kiếm chuyện với tên đồng lõa ti tiện này (tức vị quan Trung Quốc). Ông cho tra tấn thật dã man tên đó cùng với vợ hắn để ép chúng làm tờ kê khai đít xác của cải của chúng. Ông đã thành công trong việc chiếm đoạt tài sản kếch xù của chúng.
Mấy lá thư đó còn cho tôi biết rằng :
1) Người ta không biết gì hơn nữa về các phản ứng của vị Bắc vương đang phẫn nộ vì sự thất bại của đội quân do ông phái đi dẹp các loạn quân Bắc kỳ còn lại và dân cư miền thượng.
2) Bà góa phụ Cảnh Hưng, mẹ vợ ông có lần xin ông tha cho các vị quan Bắc kỳ, đặc biệt là cho Đốc Chiên. Người ta đồn rằng bà có cho Đốc Chiên 100 thoi (hay đỉnh) vàng để ông ta dùng vào việc mua chuộc các quan lại, bảo tồn cái đầu ông. Nhưng vì sợ hải trước sự phẫn nộ của con rễ bà, bà đã bỏ trốn. Bắc vương lập tức cho tịch thu đồ đạc và tài sản của bà Công chúa Bắc kỳ (tức là bà Hân) vợ ông bị đánh 20 roi theo lệnh ông. Hình như bà này đã oan trách chồng bà vì sợ ngược đãi đối với mẹ bà.
3) Khi mẹ vợ ông bị điệu về triều đình, ông đã trách mắng bà thậm tệ vì mối cảm tình của bà đối với Đốc Chiên. Số vàng do bà cấp cho Đốc Chiên để chạy tội phải vào tay ông. Ông còn cho lấy cung của Đốc Chiên, vị tướng đáng thương này đã bị đóng gông gần một tháng nay. Rồi ông cho đánh vị tướng này 40 trượng vì tội từ chối, không chịu khai chổ vua Chiêu Thoũng ẩn trốn. Cuối cùng, ông ra lệnh xử trảm vị tướng này ngày 1 tháng 6.
4) Ông vừa mới cho giết bào đệ vua Chiêu Thoũng; bị bắt khi đánh nhau với quân Tây Sơn.
5) Ông còn giữ tại Hoàng thành tất cả các văn võ đại thần Bắc kỳ, không cho phép họ ra khỏi thành bất cứ vì nguyên do gì. Người ta không biết số mạng của họ rồi đây sẽ ra sao.
6) Ông cho tuyển chọn rất nhiều thợ và nghệ sĩ đủ loại để mang họ theo ông. Ông dùng họ vào việc xây cất tân kinh thành. Ông bắt mỗi nghiệp đoàn [230] phải cấp cho ông ít nhất 15 người.
7) Ông mới ra lệnh mộ một đội quân 240.000 người gồm toàn lính cũ thuộc cựu quân đội vương quốc, và nhiều dân quân mới. Trong thời gian 5 ngày, mọi khu vực phải cấp đầy đủ số lính mới. Số lính được tuyển mộ vượt hẳn nhu cầu chiến tranh của Bắc kỳ và gần gấp đôi số mà chính quyền trước có lệ tuyển và duy trì.
8) Lại có lệnh mới bắt nộp ngay lập tức và cùng một lúc các thứ thuế được trả làm hai kỳ trước kia, các thứ thuế gạo tháng 2 và tháng 10, tất cả các thuế má khác chưa được trả đầy đủ ; không ai được than phiền hay bày tỏ ý kiến về việc đó. Các xã trưởng và phú hộ (hào mực) nào không tuân lệnh ngay sẽ bị đánh 100 trượng hoặc sẽ bị xử tử tùy theo họ phạm trọng tội hay khinh tội.
Đó là đại khái kết quả của những cuộc hành quân và cách xử lý của Bắc vương trong thời gian ngắn ông lưu lại tại thủ đô Bắc kỳ. Ông rời nơi này sau ngày lễ thánh Jean(33) để về Phú Xuân chặn đường vị vua hợp pháp đang tìm cách chiếm lại đất đai của ông (Nguyễn Ánh). Ông hấp tấp đến nỗi ông chỉ ghé ở một ngày tại nơi được chỉ định xây thành phố mới. Theo thư của ông Breton nhận được hồi cuối tháng 7, cuộc hành trình gian khổ ấy cộng với cái khí tiết nóng bức quá độ đã làm nhiều binh lính, ngựa và voi phải bỏ mạng giữa đường. Từ ngày ông ấy trở vào Nam kỳ, chúng tôi không nhận được tin tức nào về việc làm và sức khỏe của ông ấy (Bắc vương)… (tác giả nói về tình trạng hiện tại)… Hiện thời, cả Bắc kỳ đều trong tình trạng chiến tranh, đâu đâu cũng thấy khí giới. Chỗ nào cũng có bè đảng. Tuy chúng không chịu kết hợp với nhau nhưng chúng cũng chẳng ghét quân Tây Sơn lắm. Thành thử quân Tây Sơn, tuy ít ỏi, [231] lợi dụng được sựu chia rẽ và bất hợp tác của chúng để tiêu diệt chúng dần dần nhờ khí giớ của những người dân Bắc kỳ bị họ bắt làm lính đi theo họ (quân Tây Sơn). Họ dùng những người dân Bắc kỳ này làm mộc và đắp thành lũy. Từ ít lâu nay, người ta đếm được khoảng 5 hay 6 đối thủ tranh vương vị Bắc kỳ. Đầu tháng 4, tôi nhận được một đại chứng thư của một trong những tên giang hồ, tự nhận là con cháu một vương gia cũ họ Lý và là người kế vị chính thống(34) của ngôi vua. Hắn ta dùng những lời lẽ bay bướm nhưng mập mờ đại để khuyến cáo tôi tán trợ phe hắn. Hắn hứa sẽ dành nhiều đặc quyền cho tôn giáo mà tôi đang truyền bá, nếu thành công. Thư đó không đề năm thứ hai Chiêu Thoũng mà lại đề ngày thứ nhất xuân Mậu Thân, năm mặt trời chu chuyển (tức là năm 1778). Ai cũng biết rằng tôi không bao giờ trả lời một lá thư như thế.
Ngày 13-8, tôi nhận được một lá thư của ông Serard đề ngày 10, cho biết rằng một thủ lĩnh một đảng nọ ở Bắc kỳ vừa mới tuyên bố : là con chúa một vị đại thần tên là Trạng Trình(35) người đã từng nâng vào hàng chất phẩm cao nhất tức là chức Tể tướng vương quốc). Hắn lại còn khoe khoang là được chỉ định làm vua theo một lời sấm truyền mà hắn bảo lấy trong cuốn Sam ki(36). Cuốn này đưuọc khắc lên đá và viết bởi vị sĩ phu trên (Trạng Trình). Vị sĩ phu này được dân Bắc kỳ coi là Nostradamus(37) của họ.
Trong cuốn nhật ký này, tôi chưa nói tới các hoạn quan Bắc kỳ vì khi tôi bắt đầu viết cuốn này tôi chưa biết rõ đời sống của họ. Giờ đây, tôi chép lại bài trần thuật mà tôi vừa mới nhận được ngày 9 tháng 11. Tác giả của bài viết này là một vị linh mục tự nhận là người được mục kích nhiều sự việc ly kỳ nhất. Ông ta viết bài này theo lời dặn của tôi. Đây là bản dịch sát nghĩa của bài đó :
Thưa đức ông, tôi lấy làm hân hạnh được dâng lên đức ông bài trần thuật này kèm với tất cả sự kính cẩn của tôi. Trước hết, tôi xin nói về những việc làm của ông hoàng lập pháp Đức lệnh hay Bắc vương, sau khi tới thủ đô Bắc kỳ. Khi vừa mới nhập thành, ngài lập tức ra chỉ thị cho các văn võ đại thần và các hoạn quan của cựu quốc vương Bắc kỳ, gọi là vua hay Đức thống trị, và của người nắm hết quyền hành lúc bấy giờ là chúa, phải tuân theo ý ngài, đến yết kiến (ra mắt) ngài ngay, không được chậm trễ, để bày tỏ lòng tôn kính ngài. Ai nấy đều tin chắc rằng Bắc vương ra Bắc kỳ là để chiếm ngai vàng vương quốc mà thôi. Song phần lớn các quan văn võ không vội tuân lệnh đó và chỉ có thiểu số quan lại đến ra mắt Bắc vương. Những người ra trình diện đều bị bắt ngay lập tức. Họ phải trả một số tiền chuộc ít hay nhiều tùy theo chức vụ và tư cách của họ nếu họ muốn chạy tội. Còn nếu không có tiền chuộc họ sẽ bị xử tử. Phần đông các vị quan bỏ trốn không chịu giáp mặt Bắc vương. Phẫn nộ trước các hành động kinh thị ý ngài, Bắc vương liền cho bắt họ lại và ra lệnh tịch thu tài sản của họ. Còn các hoạn quan, binh sinh ở tại triều đình vì vậy rất chóng giàu có (và ngày một giàu hơn). Ngài ra lệnh bắt họ lại, gây áp lực mạnh và canh chừng nghiêm ngặt để họ chịu nộp cho chính quyền vàng bạc lụa là của họ. Ngược lại, nếu họ cứ cứng đầu mãi, thì họ sẽ bị giết. Những kẻ giàu có vì muốn bảo đảm an ninh cho đời sống và gia đình họ nên chấp nhận trả cho chính quyền một số tiền lớn. Những người này, nhờ cách đó mà hưởng một đời sống khá dễ chịu. Nhưng họ sợ ngài lại làm khó dễ một lần nữa, nên bỏ trốn rất xa nơi [232] trú ngụ của họ. Các hoạn quan (tại hoàng thành) vì nghèo mà không thể nộp tiền cho nhà cầm quyền, đều bị trói tay sau lưng và đeo ở cổ một đồng tiền. Họ gồm 2 hoặc 300 người bị dẫn độ về Phú Xuân (tại Nam kỳ thượng) trong tình trạng đó. Nếu bỏ trốn mà bị bắt lại, họ sẽ bị xử tử liền tại chỗ. Đó là trường hợp một hoạn quan đã bỏ trốn từ hai ngày nay. Quân Tây Sơn ra lệnh cho dân làng ông phải đem nộp ông ta ngay nếu không cả làng sẽ bị trừng phạt. Dân làng buộc lòng phải tuân lệnh và vị quan khốn nạn lại rơi vào tay của quân Tây Sơn. Chúng liền xử tử ông và treo đầu ông bên lề đường… một hoạn quan khác trốn đi đã được một ngày thì chúng hay tin và cho người đuổi theo. Nhưng vì ông không dám về nhà, chúng bắt dân làng phải nộp cho chúng người anh (hoặc em) của ông nếu họ không muốn cả làng họ bị phá hủy. Rồi chúng mang người anh (em) đó theo các tù binh khác. Nhưng tới một quảng đường thấy không có cách nào bắt ông này công khai cả nên chúng đành thả ông ra. Quân Tây Sơn chỉ muốn moi tiền của các tù binh thôi nên gia đình bà con họ đến đón đường xin chuộc cho họ chúng chịu liền, (nếu họ nhận điều kiện của chúng). Thật là một cảnh tượng “đau lòng” khi thấy cha mẹ, anh em, vợ con ( ?) và họ hàng các hoạn quan vượt mấy dặm đường đi theo họ từ thủ đô tới một làng xa xôi hẻo lánh, vừa khóc vừa rên rỉ như đi đưa đám, rồi nhìn lại và nghe họ từ biệt nhau bằng những lời lẽ thật thắm thiết và cuối cùng chứng kiến cảnh quân Tây Sơn thúc dục những nạn nhân bạc mệnh và khốn nạn của họ lên đường. Đó là việc mà tôi đã chứng kiến tận mắt.
Ký tên Thomas Diên
Linh mục người Bắc kỳ.
Nhưng vì loại người đó rất khả ố và đáng khinh đối với nông dân Bắc kỳ, dân chúng không chú mấy tới sự thất sủng của họ, và vì phần đông họ thù ghét Thiên Chúa giáo, nên đạo này chẳng tổn hại gì khi họ chết cả.
Ngày 18-12-1788.
Nhật ký về những sự kiện đáng ghi nhớ trong địa phận Giáo hội Bắc kỳ về chính trị, dân sự, tôn giáo từ tháng 10-1788 cho tới cuối tháng 7-1789.
… Tiếm vương ấy (Bắc vương) đang bận xây tại Huế, theo một lá thư của đức ông La Bartette đề ngày 17-8 và nhận được ngày 24 tháng 10, một pháo đài rất cao rộng đã làm chết rất nhiều người (thợ), để bảo đảm thành phố đó chống lại mọi sự đánh úp hay công kích của Tự quân chính thống vì ông không ngớt lo sợ Tự quân trở về nay mai. Đức ông nói thêm rằng có tin đồn Bắc vương sẽ ra Bắc kỳ vào tháng 11.
Ngày 25-10, tôi nhận được một lá thư gửi tới từ Hoàng thành đề ngày 21 báo rằng khi Hoàng đế Trung Hoa được một đơn thỉnh nguyện của mẹ và vợ(38) Chiêu Thoũng đã ẩn náu tại đế quốc đó, thông tri cho ngài vận khốn nguy của vua Chiêu Thoũng, theo lời đồn, Hoàng đế cho gửi 300.000 người vừa đi bộ lẫn đường bể sang cứu vua Chiêu Thoung chống quân Tây Sơn. Đồng thời tôi nhớ rằng các lãng tụ đảng Ô Bắc kỳ hình như phấn khởi bởi tin đó.Mới đây có âm mưu công kích giặc Tây Sơn khắp nơi ngõ hầu tiêu diệt họ. Nhưng kế hoạch hay ấy không thể tiến hành được, hoặc vì kế hoạch bị phát giác kịp thời, hoặc vì người chủ mưu dự định đó không dám hành động. Ngày 18-11, tôi đọc một lá thư dề ngày 20 tháng 9 của đức ông La Bartette gửi cho ông Le Breton, trong đó Đức ông cho biết rằng : Tiếm vương Phú Xuân hay Bắc vương vừa mới phong cho con trai ông làm Nam vương lúc đó mới có 7 tuổi, nhưng hoàng tử đó được coi như được 12 tuổi, vì theo như lời đồn, các quan muốn nịnh người cha nên tặng cho người con nhiều tuổi hơn(39).
2)Bắc vương đã ấn định ngày 11 tháng 10 (Âm lịch) tức ngày mồng 8 tháng 11 là ngày ông tự phong mình làm Hoàng đế dưới danh hiệu “Quang Trung” ( có nghĩa là ánh sáng trung ương, tức là theo sự giải thích có lẽ đúng nhất, mặt trời của vũ trụ) đồng thời ông đang bận tính một kế hoạch vĩ đại theo như một sắc lệnh ban bố ngày 6 tháng 10 (Âm lịch) hay ngày 3 tháng 11 gởi cho đại thần Đại Tư mã và tất cả các quan hay sĩ quan Tây Sơn làm việc tại Bắc kỳ ; ngày 19, một giáo đồ Bắc kỳ rất thân với Đại tư mã có cho bản sao của sắc vị đó. Tự văn bản đó như sau :
“Bởi sắc lệnh này ta cho các tướng Đại Tư mã, Đại đốc(40) và các sĩ quan khác biết rằng từ trước tới nay các vua chúa đều lấy luật pháp để cai trị thần dân và duy trì hòa bình, nên ta cũng noi gương các vị tiền bối mà đánh dấu ngày khởi đầu triều đại ta bằng cách soạn ra một bộ luật để dân chúng sống trên đất đai ta nghiêm ngặt tuân theo. Vì thế ta đã giao cho các quan tư pháp và tham chính viện nhiệm vụ hoàn tất tác phẩm đó trong 1, 2 tháng. Trong khi chờ đợi ta ban bố vài pháp quy yêu cầu mọi người và mỗi các ngươi đứng đắn thi hành. Nội dung điều lệ đó như sau :
1) Nếu một sĩ quan hay binh lính nào phạm tội gì, các quan văn võ sẽ họp lại để xử họ và nếu họ đáng bị xử tử họ sẽ bị kết án tử hình.
2) Song le trong thời chiến tranh, mỗi lần một vị chỉ huy sai bộ hạ mình đi đánh địch, bộ hạ đó phải tuyệt đối tin theo, người nào tử trận một cách can đảm sẽ được vẻ vang. Trái lại ai vì sợ chết mà bỏ trốn sẽ bị sỉ nhục. Bởi vậy ta cho phép xử tử tức thì những kẻ trốn bổn phận cũng như những kẻ cho địch có thời giờ dưỡng sức lại và tấn công vì hèn nhát hay vì chậm chạp ; sau rồi các tướng lãnh phải báo cáo hành động của họ trong trường hợp đó.
3) Khi chiến tranh chấm dứt và khi quân đội tở về kinh đô và được trả lại cho chính quyền, không một quan chỉ huy nào được tự tiện xử tử một người ngang quyền hay ngang chức và ai mà vi phạm luật này sẽ không có hi vọng được khoan hồng.
4) Một lần xảy ra chuyện gì liên quan đến quốc gia hay công ích, mọi người đều phải lưu ý ngay đến việc đó kẻo một sự chậm trễ nhỏ nhặt có thể gây trở ngại cho công việc.Thời bình, sự mau lẹ đó cũng cần thiết rồi, huống chi tại Bắc kỳ nơi cuộc chiến càng ngày càng ác liệt, một cuộc chiến mà các ông phải coi như việc trọng yếu bởi vì mỗi giây mỗi phút có thể mang lại nhiều sự thay đổi bất ngờ liên tiếp theo nhau như gió, như chớp hay như hơi và những biến chuyển đó lúc thì thuận, lúc thì nghịch thành thử không thể căn cứ trên cái gì chắc chắn được. Bởi vậy mỗi khi nhu cầu quốc gia hay tình hình chiến tranh bắt phải họp để thảo luận về những việc phải làm và mỗi khi ngày giờ họp được ấn định, các quan văn võ sẽ phải họp ngay lập tức vào ngày giờ đó [238] để bàn bạc và quyết định với nhau. Nếu bất đồ có người vì sơ suất mà quên tới nơi họp đúng giờ, ta cho phép Tư mã và Đại Đô phạt họ tùy theo lỗi nặng hay nhẹ.
5) Nếu mỗi khi thuộc hạ quan chỉ huy chi đội hay thuộc hạ của ông đi đuổi bắt kẻ gian, đáng lẽ bảo vệ và che chở dân vô tội và hiền lành họ lại cưỡng đoạt của cải dân gian, áp bức đàn bà con gái, hay cướp phá những nơi họ đi qua thì cách cư xử đó thật đáng trách và chỉ mang đến cho dân chúng đáng thương sẽ đau khổ và thất vọng, vì họ phải chịu nhiều tai vạ hơn dưới thời Nhậm hay Tiết chế. Họ cư xử như vậy thì làm sao dân chúng yên lành được ? Và làm sao gọi hành động đó là giải phóng dân chúng khỏi áp bức, và làm sao phạt thủ phạm cho được ? Vậy ta ra lệnh cho các sĩ quan phải công bố trong trung đội hay binh đoàn mình điều nghiêm cấm, không được lấy bất cứ vật gì của dân dù là một ngọn cỏ, nhưng ta không ngớt tuyên cáo trước đây. Các sĩ quan sẽ chắc chắn làm vừa lòng ông ta và đúng theo tình ý ta nếu hết sức thi hành điều nghiêm cấm đó. Ai cư xử như vậy có thể tin rằng sau khi chia sẽ cùng ta những nỗi khổ nhọc và những mối hiểm nghèo của thời chiến này, họ cũng sẽ chia sẽ thanh danh và hưởng thú vui thời bình cùng ta. Vả lại nữa, không ai có quyền dựa vào sự vắng mặt hay sự cách xa của ta để phiền nhiễu cướp bóc dân chúng và uy hiếp đàn bà con gái. Chỉ có khi nào ngưng và dẹp được những bạo hành đó, họ mới có thể tự phụ giữ nổi chức vụ và bảo đảm an ninh cho cá nhân và gia đình họ, bằng không, đừng mong gì ta dung thứ họ.
Đó là những điều ta muốn ngươi phải biết
Ngày 3-10 (Âm lịch) năm Thái Đức (Tiếm vương Nhạc) thứ 11”.
Lúc đó Bắc vương chưa thực thụ tự xưng
Hoàng đế dưới danh hiệu Quang Trung(41).
Ngày 29-11 tôi được tin trấn thủ xứ (Sơn) Nam của Tây Sơn tên là Đốc Thung(42) vừa mới có ý định sai người đi lùng bắt các giáo sĩ với hy vọng làm giàu nhờ sự bắt bớ đó…[239]… Ngày 13 tháng 11 ( ?), hai người lính Bắc kỳ, thuộc quân đội Tây Sơn chạy trốn đến nơi chúng tôi ở và kể lại rằng quân Nam kỳ đã bị đánh tan trong 6 cuộc giao chiến; một số lớn tử trận, quân còn lại thì tẩu tán. Tin đầu đó được đón tiếp theo nhanh chóng bởi nhiều tin khác: Chiều Ngày 15 và hôm 16, Đại tư mã và các sĩ quan Tây Sơn khác đã rời bỏ thủ đô và chạy trốn với dội ngũ, khí giới và hành lý họ. Nhưng không thấy ai bị bắt cả. Ngày 17, một phần quân đội Trung Hoa vào thủ đô cùng với vua Chiêu Thoũng. Ngày 19 xứ giả của Hoàng đé Trung Hoa là đại tướng chỉ huy quân đội Thiên hoàng tên gọi là Toũ Đốc(43) đã nhiệm mệnh và tuyên bố Chiêu Thoũng làm vua Bắc kỳ. Viên binh Trung Hoa gồm độ 280.000 người, một nửa đóng trong thành phố, nửa còn lại ở bên kia sông. Quân đội đó được cung cấp rất nhiều lương thực cần thiết mang từ bên Trung Hoa sang. Thành thử họ không phải là một gánh nặng cho Bắc kỳ và không hề quấy nhiễu dân chúng. Quân Trung Hoa đã phá tan tất cả các đồn vệ binh quân Tây Sơn lập trong kinh thành hay trong vùng lân cận. Người Nam kỳ nào rơi vào tay chúng đều bị xử tử không tha một ai(44).
Đó là yếu lược một lá thư của một Linh mục trông coi giáo dân Hoàng thành viết cho tôi đề ngày 26-12 và tới tay tôi ngày hôm sau. Nhưng đấy không phải là cách duy nhất cho chúng tôi biết tin tức về sự thất bại của địch (Tây Sơn) : từ ngày 17, các làng mạc đánh trống để đánh dấu sự vui mừng của họ vì trông [240] tuy là một nhạc khí được dân Bắc kỳ ưa chuộng đã bị cấm đánh và ngưng sử dụng từ ngày quân Tây Sơn làm chúa tể xứ này. Chẳng bao lâu các đồn do địch chống giữ tại xứ Nam kỳ bị phá hủy hết. Chính quân địch cũng bị công kích bởi dân cư các làng. Họ còn nhiều khi cướp bóc và tàn sát chúng. Chúng rút lui về xứ Thanh Hóa tại doanh trại cũ của chúng và đóng đồn phòng ngự tại đó. Quân Trung Hoa chẳng hề lo ngại việc ấy làm dân chúng lấy là ngạc nhiên vì ai cũng tưởng thế nào họ cũng đuổi kỳ được quân Tây Sơn không cho chúng có thì giờ nghỉ ngơi trước khi rút ra hết khỏi vương quốc. Thái độ hay tính khinh địch của quân Trung Hoa đầy ngạo khí vì đã thành công chúng chống lại một kẻ địch lợi hại làm cho những người biết suy nghĩ e sợ và tiên đoán những biến chuyển về sau.
Cũng ngày 27-12, tôi nhận được mấy bản văn thư từ thủ đô gửi tới những biến cố đã giúp Chiêu Thoũng lấy lại ngai vàng của ông. Vì những sắc lệnh đó chứa nhiều điểm kỳ khôi đáng biết nên tôi đã tóm tắt hoặc dịch những bản đó dưới đây :
Sắc lệnh thứ nhất là một lời tuyên ngôn hay khuyến cáo mà đại thần Trung Hoa đảm đương việc canh chừng biên giới đế quốc và Bắc kỳ gửi cho các quan dân Bắc kỳ, trong đó họ mô tả một cách cảm động những nổi khốn khổ của vua Chiêu Thoũng. Họ trách các quan dân Bắc kỳ đã không chịu hợp tác với nhau bằng những lời lẽ thiết tha và giảng cho họ hiểu những hậu quả đáng tiếc không thể tránh được của thái độ đó. Họ khuyến khích mọi người đoàn kết lại và cùng nhau vùng dậy chống cừu địch chung, nhất định giải thoát nhà vua và tổ quốc họ. Họ kêu gọi quan dân suy nghĩ kỹ vì chỉ có cách đó mới bảo toàn được danh dự họ (quan dân) và mới tránh cho họ sự chê bai của thiên hạ. Họ còn thêm rằng : nếu quan dân Bắc kỳ chịu hành động như vậy, họ sẽ không quên báo cáo cho Thiên hoàng biết và quan dân xứng đáng được Thiên hoàng bảo trợ và sủng ái hơn.Ngài sẽ nhớ đến lòng nhiệt thành và công trạng của các quan dân và việc đó sẽ được vĩnh viễn lưu truyền trong sử ký đế quốc (Trung Hoa). Sau đó, từ lời khuyên dụ đến lời dọa nạt cho đến lời khoe khoang (kiểu người Trung Hoa) họ tuyên bố với các quan Bắc kỳ mà họ coi như trẻ con rằng nếu các quan từ chối không chịu nghe những lời khuyên bảo khôn ngoan đó, họ cũng sẽ báo cáo cho Thiên hoàng biết và ngài thế nào cũng chừng trị họ (quan Bắc kỳ)(45). Các quan phải biết rằng lực lượng quân sự của đế quốc thật là ghê gớm, rằng Trung Hoa không thiếu tiền và lương thực và quân Trung Hoa đi đến đâu thì không một thành lũy nào mà họ không phá hủy được, không một pháo đài nào mà họ không triệt hạ được. Quan dân Bắc kỳ hãy thức tỉnh khỏi cơn mê say cuồng loạn của họ bằng cách rời bỏ phe giặc, kẻ thù của quốc gia dân tộc để trở về với vị vua chính thống của họ. Bằng không, Thiên hoàng sẽ gửi sang đây một đạo quân mạnh mẽ đến nỗi đi đến đâu đá phải nát, ngọc phải tan để bắt họ trị tội. Lúc đó, họ chỉ còn nước tự trách mình vì đã không sáng suốt kịp thời để né tránh tai họa. Bởi vậy, họ phải cân nhắc thật chính chắn nên theo phe nào và bàn cãi kỹ càng với nhau phải hành động ra sao trước khi báo cho các vị quan Trung Hoa biết ý kiến của họ. Các vị này sau đó sẽ báo cho Thiên hoàng biết kết quả. Trong khi chờ đợi, Thiên hoàng đã sai một danh tướng Trung Hoa cùng với một đạo quân gồm 4 binh đoàn đuổi theo giặc Nhạc để giết hắn cùng các tướng khác vì tội hắn thật quả đáng chết. Các quan Trung Hoa còn nhắc lại rằng : “nếu sau khi đọc cáo thị này các ông rời bỏ phe giặc để về quy hàng nhà vua và dẫn cả hoàng tộc trở về thủ đô, Thiên hoàng sẽ tha tội các ông. Nhưng nếu các ông vẫn còn mê muội. Không sợ cơn phẫn nộ của ngài mà còn cố chấp, ngài sẽ gửi thêm 800.000 người qua đường thủy và đường bộ để bắt hết thảy các ông hòng trị tội. Chắc hẳn từ khi có xứ Bắc kỳ cho tới nay, chưa có một cuộc chinh phạt nào lớn như vậy.Dù các ông có khinh thường lệnh ngài, các ông cũng sẽ bị tiêu diệt và không có một người nào trong các ông có thể than phiền là chưa được cảnh cáo trước”.
Bài sau đề ngày 17 – 12, là một bài khuyến cáo của ba đại tướng Trung Hoa gửi cho dân Bắc kỳ. Nội dung bài này như sau : Từ khi quân đội Thiên hoàng lên đường vào Nam nhanh như hỏa tốc, lệ như chớp bão, dữ tợn như sấm sét, họ mới tới một con sông đã gặp quân địch. Họ đã giết hơn 1000 tên địch và đánh đuổi lũ tàn quân rồi đem vua Chiêu Thoũng trở về thủ đô bình an vô sự. Họ không chậm trễ khi đuổi theo giặc tới nơi ẩn trú cuối cùng của chúng(46) để tiêu diệt cả giống chúng. Chúng ta cho toàn dân Bắc kỳ hay biết rằng khi Thiên hoàng được tin các người trở thành mồi cho lũ giặc Tây Sơn, ngài đã cảm kích tình trạng bi đát ấy và đã gửi viện binh sang để giải thoát các người khỏi cảnh giông bão và khói lửa. Chúng ta cũng xin nói rằng đội ngũ của Thiên hoàng đi đến đâu cũng đều để yên cho dân làng làm ăn , không gây một tổn hại nào. Chúng ta còn phái sĩ quan đi khắp nơi để dò xét xem có tên lính nào xâm nhập gia cư dân chúng để ăn cướp không và chúng ta có ra lệnh xử tử tất cả những tên này và đem bêu đầu chúng dù chúng chỉ ăn cắp một ngọn cỏ. Như vậy toàn dân đều có thể an tâm làm việc hàng ngày như thường không phải lo sợ cho số mạng mình hoặc bỏ nhà cửa ra đi. Sau hết, nếu chẳng may quân Tây Sơn có ẩn nấu tại nơi nào đó, các người phải cố kiếm ra vị trí của chúng đặng đi thông báo cho quân đội Trung Hoa. Ai trái lệnh này là chứa chấp chúng trong nhà sẽ không mong được sống sót mà còn chịu chung số phận như chúng. Chúng ta xin thông báo cho các ngươi trước để sau này nếu có phải chết thì đừng hối hận.
Bản thứ 3 là 1 sắc lệnh trong đó Hoàng đế Càn Long tuyên bố lập ông hoàng Chiêu Thoũng làm vua Bắc kỳ. Đây bản dịch bài đó : Ta thừa mệnh trời mà làm Hoàng đế muốn mọi người biết rằng :
1)Mối quan tâm của người cai trị một đế quốc là duy trì hòa bình trong hay ngoài đế quốc mình.
2) Không có việc thiện nào đáng giá hơn sự giúp đỡ kẻ khốn khổ khỏi bị áp bức và sự biểu lộ tình thân hữu lớn nhất là nâng đỡ kẻ bị sa sút và phục hồi tài sản họ.
Căn cứ trên nguyên tắc đó, bổn phận đầu tiên của những công dân nào đã từng được hưởng ân huệ của quốc vương họ và đã cha truyền con nối chức vị cao. Khi nước họ bị đe dọa bởi sự tiêu diệt và dân họ phải sống trong sự hỗn loạn và sự quấy nhiễu ( bổn phận đầu tiên của họ, tôi nhắc lại) chắc hẳn là sự hợp sức để phá tan kẻ thù, để cứu tổ quốc điêu tàn của họ và phục hưng mọi sự sai cho từ rầy trở đi từ trong ra ngoài chỉ là hòa bình và an ninh. Mới đây từ quân vương quốc Bắc kỳ là Lê Duy Kỳ ngay sau khi tổ phụ ông băng hà đã bị áp chế bởi một người dòng họ Nguyễn Nhạc – tên này đã tàn phá vương quốc và chiếm lấy ngọc tỷ – và bắt buộc phải rời bỏ kinh thành và xứ sở ông để lang thang đây đó rồi sang ẩn náu tại đế quốc ta. Nhân trong tình trạng đau đớn đó, quốc vương nhớ rằng từ 180 năm nay Bắc kỳ thuộc về đế quốc ta và cống nộp cho ta và thấy quốc vương đó không có tham vọng nào hơn là bảo tồn di sản do tổ tiên ông để lại gồm có 16 tỉnh với điều kiện cũ, không nghĩ tới tăng rộng nó, ta động lòng trước bỉ vận của ông và muốn ông kính phục ta thêm nữa, ta đã gửi một đạo quân chống kẻ thù ông để chúng biết uy lực của ta và để giải phóng Bắc kỳ khỏi sự áp bức của chúng rồi bồi phục ngai vàng cho quốc vương. Đồng thời ta cũng khuyến cáo các thần dân ông phải đoàn kết để đánh đuổi kẻ địch. Sau hết, đạo quân của ta chỉ huy bởi tướng Đại Nhân(47) ( đặc sứ [ 241] của Hoàng đế) sau khi đánh đuổi quân địch và chấm dứt nỗi thống khổ và sự lưu vong của quốc vương đã dẫn ông về thủ đô ông bình an vô sự và đã khiến thần dân ông hàng phục ông. Vậy được toàn quyền quyết định, tướng Đại Nhân đã nhân danh ta tuyên bố là từ rầy ông là vua Bắc kỳ ( tức là An Nam quốc vương) và thay mặt ta ban cho ngài một ngọc tỷ mới”.
Sau đó, nói thẳng với Chiêu Thoũng, Hoàng đế kết thúc như sau : Ông hãy cố gắng sửa đổi các tệ tập và an bình lại xứ ông theo mệnh lệnh và ý định của ta. Ông hãy sống yên vui với thần dân ông. Ông hãy canh chừng cẩn thận biên giới, đừng nhãng bỏ việc nước và chớ tự đặt ông vào thế mất nước một lần nữa vì qua tin tình trạng hòa bình hiện tại bởi sự tin tưởng đó có thể bị trả bằng một giá rất đắt. Làm như vậy ông sẽ thực thụ chứng minh lòng biết ơn của ông đối với ta vì hai ân huệ mà ta đã ban cho ông ( phục hưng đất nước ông và vương chức ông) và mới mãi mãi duy trì lãnh thổ ông. Ông hãy nhớ lời khuyến cáo này của ta. Ta chào ông.
Ngày 10 tháng 11 năm Càn Long thứ 35( tức là ngày 7 – 10 – 1788).
Sau cùng bảng thứ 4 gửi đến làm tôi ngạc nhiên là bản thảo một lá sớ do một Linh mục trông coi giáo đồ ở kinh thành gửi cho một bạn đồng lưu của ông ta trú ngụ gần nơi tôi ở. Đơn thỉnh nguyện này được mấy vị quan theo Công giáo, bộ hạ mới của vua Chiêu Thoũng, nhận trình lên…
[242]… Trong khi quốc vương đang cho lùng bắt vài vị quan có tội ( phản bội) trong số đó có hai vị bị kết án tử hình vì năm ngoái đã nộp em ông cho Tiếm vương Phú Xuân ( để bị xử tử như tôi kể trước đây), quân đội Thiên hoàng hay “Tiên triều” (48) đó là tên mà sĩ quan và binh lính Trung Hoa tự đặt cho họ vì lòng kêu căng thậm tệ của chúng – chỉ thao diễn hay vận động quân sự để phô trương hơn là vì thực ích và chỉ nghĩ tới ăn mừng năm mới vào ngày 26-1 hơn là lo về việc quân Tây Sơn. Quân này, một mặt phấn khởi bởi sự thờ ơ và tính nhút nhát của chúng, mặt khác kích thích bởi lời đe doạ và sự e sợ cơn phẫn nộ của Hoàng đế Quang Trung hung bạo khi ông hay tin chúng tháo lui(49), tha hồ cướp phá trở lại. Tại những nơi chúng đóng, chúng cho mộ một cách nghiêm ngặt nào là binh lính, tiền bạc hay lương thực. Chúng đốt phá các làng mạc đã hoan hỉ chứng kiến mối nhục nhất thời của chúng, hay đã tiếp đón binh đội Bắc kỳ, hay không đủ tư cách chịu đựng sự trưng thuế mới. Ngày 16-1, 2 học trò trường Kẻ Vinh(50) của chúng tôi, gần vùng quân “giặc” đóng, đến nhà tôi cho tôi biết rằng hôm trước quân Tây Sơn đã đốt thành tro một làng lớn gần sát cạnh Kẻ Vinh. [265] ( Dân Bắc kỳ) thấy quân Trung Hoa, những kẻ tự hào là người đến giải phóng họ, chẳng làm nghĩa vụ dẹp loạn Tây Sơn, hồi tỉnh khỏi cơn say mê ( nhất thời), hết tin tưởng nơi những tên lính Thiên triều đó. Thay vì ca tụng chúng như trước, họ bắt đầu công khai chỉ trích tình trạng bất động và tính cách khiếp sợ trước quân Tây Sơn của đạo quân này. Chẳng bao lâu sự hoan hỉ của công chúng, nhất là của những kẻ theo tà giáo ( tức là theo Tam giáo) nhường chỗ cho sự thất vọng ê chề. Những người trên đã đóng góp tiên bạc để xây lại và sửa chữa những đền chùa đã bị địch phá phách, cũng để tỏ lòng tôn kính đối với những vị thần của họ nhân những buổi hội hè, chè chén, ăn uống thô tục. Ngày nào cũng vậy, người ta chỉ thấy các sứ giả đem hung tin về tới thủ đô. Trong khi đó các sĩ quan Trung Hoa bỏ qua tai những lời kêu than và vô tình trước những đại bại, chỉ biết kêu gọi Tư mã và quân Nam kỳ đầu hàng hay ra giao chiến thử tài. Địch nhân sự thách đố đó sớm hơn quân Tàu tưởng và sự thành công của họ giống như người ta tiên đoán và báo động mặc dầu phần đông dân chúng vẫn chưa chịu tin. Quả nhiên, Hoàng đế Quang Trung mà nhiều người Bắc ( nghe theo lời tuyên truyền của Trung Hoa) tưởng đã tạ thế, rời Phú Xuân khi hay biết về tình trạng nguy cấp của sự nghiệp ông nếu ông không ra Bắc kỳ. Ông tiến như vũ bão ra Bắc chỉ mất có một ngày, không quản đường xa khó nhọc đã giết chết nhiều ngựa voi của ông, trong khi người khác phải mất 3,4 ngày. Từ ngày 20-1, quân Tây Sơn do Tư mã chỉ huy đâm ra lên tinh thần vì biết ông sắp tới. Một trung đoàn vài ngàn lính Tây Sơn đã tấn công một biệt đội lớn Bắc kỳ ở gần Kẻ Vinh. Chiến thắng, họ ( Tây Sơn) tàn phá cả một vùng giáp nơi xảy ra cuộc giao tranh. Sau đó, trung đoàn này được sát nhập vào binh đoàn được Quang Trung giao cho nhiệm vụ tiến về phía thủ đô, được lệnh đột kích ngay quân Trung Hoa, không phải chờ quân tiếp viện. Khi binh đoàn này vừa tới xứ Nam sau khi đi qua Thanh Hoá, thì binh lính Tây Sơn đã lan tràn ở chung quanh vùng tôi ở như một lũ chó săn háu đói. Ngày 24, chúng bắt tôi phải bỏ trú sở của tôi đi sang làng khác giữa ban trưa nóng bức. Nhưng vài tên cướp đó ngày đó lại đi theo tôi, vì thế tôi lại phải đánh lừa chúng đi ẩn trốn tại một nơi tương đối an ninh hơn, trọn ban đêm. Ngày hôm sau là ngày thánh Paul cải giáo và là ngày chủ nhật thứ 3 sau lễ cứu chúa hiển hiện, ngoài sự đau đớn không được tổ chức và dự lễ mít tinh, tôi còn nhận được tin địch vào nhà tôi (mà tôi mới bỏ ngày hôm trước) và chiếm cứ nó. Chúng còn cướp phá các nhà tư nhân nào có đồ vật khả dĩ chúng đem theo được, lục lọi khắp nơi và đào đất tìm gạo hay tiền bạc mà dân cư kiếm cách giấu không để lọt vào tay chúng. Vùng này có 9, 10 làng và tất cả các làng đều bị những tên cường đạo tràn ngập cùng một lúc [226]. Vài làng bị hoàn toàn phá hủy đến nỗi dân cư phải lâm vào cảnh đi ăn xin. Người ta phải bất những trước cảnh bần cùng và chết đói gây bởi quân Tây Sơn vì tại khắp vùng không ai có thể làm phúc cho hàng ngàn người bất hạnh này… (sự đào tẩu của tác giả) tôi phải lang thang khắp nơi, với đủ hạng người, phần đông theo tà giáo, vì quân địch đang lùng bắt.
Ngày 26 hay 27 tháng 1, Hoàng đế Quang Trung đi qua xứ Nam và trực chỉ thủ đô. Ngày 28 ngài tới Kẻ Vôi hay Hà Koi(51), một thị trấn cách thủ đô có một ngày rưỡi thôi, và nghỉ tại đó. Người ta nói với tôi rằng, có một tướng Trung Hoa tên là Đô Khou Coung(52) đến gặp ngài tại đó để báo tin cho ngài biết là Hoàng đế Càn Long vừa gửi một đại binh tới tiếp viện cho Bắc kỳ. Quang Trung giả vờ không tin điều đó nhưng ngài biết rằng ngài chỉ có hai con đường để chọn: một là phải ra qui hàng, hai là sửa soạn giao chiến vào ngày thứ 6 năm mới tức ngày 31-1. Vài ngày trước đó, các tướng Trung Hoa, vì tự phụ, cho công bố lại tất cả các khu phố kinh thành một bản cáo thị kêu gọi công chúng đến làm chứng và mục kích tại chỗ trận chiến sắp xảy ra. Chúng còn hứa sẽ bao vây và bắt trọn quân Tây Sơn và trao giải thưởng cho ai có thể khuyến dụ Quang Trung đích thân tấn công chúng tại thủ đô Bắc kỳ vì như vậy sẽ tránh cho họ đỡ mất công đi tìm kiếm ngài. Mặc thái độ phách lối ấy, lời thách của họ được chấp nhận và ngày tốt lành được ấn định bởi quân Trung Hoa mê tín, nhưng Quang Trung, khôn ngoan hơn đã ra tay trước ngày đó. Ngày 28-1, tướng Đại Tư mã tấn công liền mấy tiền đồn của Trung Hoa. Quân Trung Hoa bị đánh bất ngờ và không kịp điều động binh lính đi cứu viện vì họ không đề phòng trước. Song le, người ta thừa nhận rằng có một số lính Trung Hoa bỏ chạy hôm ấy nhưng hôm sau ngày 29 họ bình tĩnh trở lại, quyết tâm đánh đuổi địch, giết và gây thương tích cho nhiều lính Tây Sơn và khá đông voi trận. Sự kiện này làm Quang Trung lo ngại. Ngày 30-1 [267], Quang Trung rời Kẻ Vôi trên lưng voi và đến chung sức, khuyến khích đội ngũ ông nhưng khi thấy họ chiến đấu không được hăng hái lắm, ông liền bỏ voi và dùng ngựa. Theo lời đồn, ông đeo hai cái đoản đao (gươm) và chạy ngang dọc chém rơi đầu nhiều sĩ quan và binh lính Trung Hoa làm rất nhiều người chết về tay ông. Ông luôn hô xung phong và lúc nào cũng ở trận tuyến đầu. Lúc bấy giờ một số ít tàn quân Trung Hoa, bị rối loạn hàng ngũ, lại bị dồn ép và bị tấn công cả bốn mặt, thấy hậu vệ đội Bắc kỳ nao núng, chúng liền bỏ cuộc và chạy thẳng về thủ đô. Quang Trung dẫn quân Tây Sơn đuổi theo chúng bén gót, phá được một cửa thành và làm chủ tình thế. Theo bản trần thuật sát sự thật nhất, ít nhất là 1/3 bị chết đuối khi chen nhau qua sông trên cái cầu phao (vì không chịu nỗi sức nặng của hàng ngàn người nên cái cầu này liền sụp xuống), 2/3 còn lại bị dẵm (hay chém) nát hoặc bị bắt làm tù binh. Quân Tây Sơn thì cố giấu giếm tổn thất của họ. Ai cũng nói rằng ít nhất có 8000 lính Tây Sơn bị giết trong số đó có mộ sĩ quan cao cấp (cũng là dũng sĩ của Quang Trung) tên là Đo Đoc Lân(53). Ngài (Quang Trung) biểu lộ sự thương tiếc ông này bằng cách cử hành long trọng tang lễ cho ông khi chiến trận còn sặc mùi tử khí. May thay, vua Chieu Thoũng đã trốn đi được với mẹ ông vừa từ Trung Hoa trở về từ hôm trước hay hai ngày trước cùng với hoàng gia. Họ chạy lên xứ Bắc cùng Toung Đoc(54) (là người đầu tiên bỏ trốn) và một số lính còn sót lại của “đại quân” Trung Hoa. Vị quan dũng cảm nhất của Trung Hoa có lẽ là Diên Chu Mai Thu(55) chỉ huy độ 1000 người. Khi bị quân Tây Sơn vây chặt, ông vẫn cố thủ đồn ông một cách can đảm tới tận sáng 31; cuối cùng thấy không có hy vọng thoát thân, ông liền tự tử, binh lính của ông bị địch giết sạch. Không chậm trễ, Quang Trung sai tướng Tư mã dẫn một phân đội kỵ binh đuổi theo tàn quân Trung Hoa. Tới một con sông tên là Soung Thoung(56), hai bên đánh nhau lần nữa và Tư mã bị thua liên tiếp hai trận lại còn bị địch bắt sống. Nhưng theo một nguồn tin khác, ông đã rút lui sau khi bị thiệt hại lớn. Những lời đồn về trận này xung khắc nhau nhiều quá, nên tôi không dám bảo đảm bất cứ ngồn tin nào. Có một điều chắc chắn là khi cuộc giao chiến đẫm máu ở Hoàng thành chấm dứt (và từ ngày 30-1) có nhiều tin đồn rằng quân Thiên triều sắp trở lại. Nhưng tới hôm nay, ngày 30-3, người ta vẫn chưa thấy chúng đâu và có lẽ chẳng bao giờ người ta còn nhìn thấy chúng nữa. Dù sao chúng không thể nào mà trở sang ngay được. Hiện nay, dân Bắc kỳ đều coi chúng là ngu xuẩn mặc dù họ có tin cậy chúng lúc ban đầu.
Trong khi chờ đợi, Quang Trung để đề phòng một cuộc xâm lăng bất ngờ đã cho xây trong 3 ngày 3 đêm liền, chung quanh điện vua Chiêu Thoũng, một mô đất dày 20 “piê”(57) và cao 12 “piê”. Về việc này, ông La Mothe đã phải thốt lên rằng: ʽʽ Thật là hiếm những người đáng sợ và quỉ quyệt như ông ta! Ông ta đã cho đem về Phú Xuân và về tân kinh đô của ông ( Quang Trung ) bằng đường bộ chứ không phải bằng đường thuỷ ( vì ông sợ tàu bè chất nặng quá có thể chìm xuống đáy biển hoặc gặp bão giữa đường) 2,3.000 cỗ đại bác và súng thần công ( chiến pháo), không biết bao nhiêu là súng dài và khí giới khác cùng với vô số tiền bạc và ( đại khái) tất cả những vật liệu quý giá bắt được của quân Trung Hoaʼʼ. Đó, kết quả của cuộc chinh phạt ấy là như vậy, nó đem đến đau đớn và nhục nhã cho quân Trung Hoa và lợi lộc cùng vẻ vang cho quân Tây Sơn.
[268] Cuối cùng, Quang Trung, sau một thời gian lưu trú tại thủ đô Bắc kỳ mà ông đã hoàn toàn phá huỷ và biến thành trơ trọi, đã trở về Nam kỳ thượng vào ngày 25 mang theo nhiều voi nhưng ít người. Phần lớn quân đội của ngài đã tử trận, một phần lớn hơn nữa đã chết vì bệnh dịch và số còn lại mệt mỏi quá không đủ sức mang theo vũ khí, nhiều người chỉ có thể lê lết nhờ một cái gậy thành ra họ thác dọc đường như rạ và tất cả đều nghĩ rằng không còn bao giờ thấy lại Phú Xuân nữa. Trước khi rời kinh thành Bắc kỳ, Quang Trung có lập một hội đồng gồm vài vị quan có nhiệm vụ duy trì mọi việc trong tình trạng cũ ( của ông để lại). Các đội và các đồn vệ binh được đặt khắp nơi để mộ lính, thu thuế, ( nộp bằng tiền, gạo hay bằng các thực phẩm khác), lập sổ điền địa ghi đầy đủ ruộng đất của các tư nhân mà chúng bắt nộp thuế theo ý chúng, và để duy trì áp lực trên dân chúng. Mục đích của chuyến đi (vào Nam) này là gì? Có phải để đi đánh ông hoàng muốn cướp ngôi vua Nam kỳ của ngài không? Chúng tôi chưa được biết rõ điều đó mặc dù có nhiều tin đồn được truyền đi về việc đó từ lâu nay. Tài liệu lưu trữ tại Hội Truyền giáo Hải ngoại Ba Lê ( Sté des Missions étrangères de Paris).
Trích trong tập Tonkin 692
20-1- 1790. Thư của ông La Mothe gửi cho ông Blandin(58) tr. 158-159.
…Ông Letondal có viết cho chúng tôi rằng Đức ông Adran đã trở về Nam kỳ hạ từ 5,6 tháng nay thật, nhưng đường sá bị giặc ( quân Tây Sơn) canh giữ kỹ quá nên Đức ông không cho chúng tôi biết tin ông. Tiếm vương dũng cảm và tàn bạo, chúa tể Nam kỳ thượng và Bắc kỳ không mấy lo sợ quân đội gồm người Ấn Độ, Xiêm, Trung Hoa và Bồ Đào Nha… Ngay đến Hoàng đế Trung Hoa cũng có vẻ vì nể tân Attila này vì ngài mới phong ông làm vua Bắc kỳ qua trung gian một vị đại sứ(59), quên cả việc 50.000 binh lính Trung Hoa đã chết vì tay Tiếm vương năm ngoái chỉ trong một cuộc giao chiến (thôi)(60) ; trận đó quân Trung Hoa, được trang bị đầy đủ khí giới, từ súng cho tới gươm và đông gấp 10 quân Tiếm vương… Tiếm vương không thèm rời Nam kỳ để “sắc phongʼʼ tại thủ đô chúng tôi ( Bắc kỳ) và chỉ chịu phái một vị quan thường nhân danh ông. Ông này mặc áo của chúa ông ( Quang Trung) làm vị đại sứ của Trung Hoa phải kính nể…Ách Tây Sơn còn được thích hơn ách quân Trung Quốc hay nói cho đúng thì sự thống trị của họ dễ chịu hơn triều đại các vị vua trước, vì họ không ngược đãi các tôn giáo và biết cầm giữ điều khiển lính họ, ( dân chúng và đạo tặc mấy năm trước thương đốt phá nhà chúng tôi) thành thử nếu họ bớt đừng bắt dân chúng đáng thương phải đóng nhiều thuế quá và họ bớt tàn nhẫn trong vài trường hợp có lẽ chúng tôi không mong đuổi họ với 1 vị chúa nào khác.
Trích trong tập Tonkin 700
Kẻ Vinh ngày 6-10- 1786. Thư của ông Le Roy(62) gửi cho Đức Veren và các giáo sĩ khác tại Nam kỳ, tr.1307-1309.
“Tại xứ Nam, chúng tôi nhận được thư của Đức Veren và ông Toussain(63) mà một người lính tuỳ tùng của Tiếm vương Nhạc đã đưa lại cho một linh mục của chúng tôi ở xứ Nghệ An tên là Cha Tần, nhưng mãi lâu sau lúc Nhạc trở về ( Quy Nhơn) cha người Bắc kỳ ấy mới gửi thư lại cho ông Breton”.
… Ngày 16-7, quân địch ( Tây Sơn) được kẻ phản nghịch Coũ Chỉnh chỉ huy đã tới, bằng rất nhiều thuyền bè, cách trường của chúng tôi tại làng Kẻ Vinh một ngày đường. Chúng đi rất nhanh. Có vài người lính của một đại thần Bắc kỳ đã bắn vào quân Nam kỳ, nhưng sau đó quân này vẫn giữ trật tự khi tới thị trấn lớn tên là Vị Hoàng, nơi có một vựa gạo mới mang từ Nam kỳ ra. Quan quân Bắc kỳ đã bỏ trốn và địch liền chiếm cứ tất cả các đồn và kho của vương quốc nhưng họ không làm hại ai và vẫn trọng công lý khắp nơi. Dân chúng thấy họ cư xử nhân đạo như vậy chỉ chê cười quân “giặc” và không ai nghĩ tới cách ngăn chặn họ tiến tới Hiến Nam(64), nơi trấn thủ chúng tôi ngụ. Họ ra chợ che chở dân chúng khỏi bị quân ăn cắp quấy nhiễu và chặt đầu liền tại chỗ không cần làm thủ tục, những tên bị nộp cho họ. Muốn được lòng dân hơn, có khi họ xử trảm ngay cả lính của họ vì mấy người này đã quấy nhiễu dân chúng ở chợ. Cuối cùng ông ta ( người gửi thư) còn cho biết chúa Nguyễn vài ngày nữa, sẽ ra Bắc. Chúng tôi còn nghĩ rằng người Anh và người Hoà Lan sẽ đi theo ông vì người ta thường bàn tới tàu Âu châu, đại bác… và các khí giới khác được thông dụng tại Âu châu. Ít lâu sau người ta thấy một chiếc thuyền lớn của người em Nhạc ( còn gọi là Đức Oũ) long trọng tới. Dân chúng Bắc kỳ dại khờ từ khắp nơi chạy tới coi các ông chúa và nghe nhạc của họ. Đêm 18-19 tháng 7 , chúng tôi nghe thấy tiếng súng đại bác nổ cả đêm. Đó là một cuộc giao chiến giữa quân Bắc kỳ và kẻ địch tại Hiến Nam, Trấn thủ cũ của chúng tôi cùng vệ binh và con ông chống cự hết sức, nhưng vì sợ hãi xâm chiếm, binh lính họ bỏ trốn một cách hèn nhát ; và sau khi bị thiệt hại 200 người, quân Bắc kỳ không dám đụng độ địch nữa. Quân (Tây Sơn) nhân lúc đang thắng thế, tiến thẳng ra kinh đô và ngày 20-7, chúng vào đó không gặp sự kháng cự nào. Thượng đế đã lấy mất trí suy đoán của quan binh chúng tôi vì ai nấy đều thi nhau trốn chạy toán loạn và mặc hết để cứu cái mạng sống của họ. Người ta kể rằng lính Bắc kỳ chỉ bắn có 12 phát súng vào quân Nam kỳ thôi, rồi họ bỏ chạy và đốt cháy vài toà nhà do đó 1-4 thành phố bị thêu rụi. Địch có viết trên cờ họ chữ “Diệt Trịnh phù Lê” bởi vậy chỉ có chúa Trịnh và bộ hạ cùng binh lính ông chạy trốn thôi. Gia đình nhà Lê ở lại kinh đô và 2 ngày sau khi chúng đến nơi, quan quân Nam kỳ đến ra mắt vua Cảnh hưng với đầy đủ lễ nghi. Người ta tưởng ngài đã băng hà nhưng ngài chỉ thác một tháng sau thôi. Trước khi mất đi, vị vua tuổi tác đó đã gã một công chúa cho Đức Oũ(65). Chạy được một, hai ngày thì chúa Trịnh bị chính thần dân ông bắt lại và định mang ông nộp cho quân Nam kỳ nhưng ông không cho chúng thì giờ làm vậy vì ông đã tự thắt cổ chết. Thế là hết đời ông hoàng bạc phước, đã được quân đội đem ra khỏi tù đặt lên ngai vàng và đã cầm đầu chính quyền trong một thời kỳ đen tối(66), như quý ông đã biết. Quân địch đã cướp hết mọi thứ chúng chỉ để lạ những căn nhà trống không và các dinh thự thôi. Chúng vét sạch cả phủ Chúa và biến đền chùa thành nhà của quan. Chúng đem chôn các ngẫu tượng và không thờ thần nào cả. Có người còn phao tin rằng hai Đức Oũ (Nhạc và Huệ) đều theo Công giáo và có rất nhiều giáo đồ trong quân đội. Có một vị quan Nam kỳ, sau khi rửa tội tại nhà một linh mục chúng tôi, đã viết thư cho đức Céram(67) nhờ đức ông cho ông biết voi (?) ở đâu để ông ta lĩnh phần. Các lái buôn xứ này làm giàu nhờ sự đói kém gần đây. Chúng không thương xót những kẻ chết đói đáng thương nằm dài dọc bên lề đường, lại còn đầu cơ gạo để bán với giá đắt hơn. Hình như Thượng đế đã có chủ tâm dẫn quân Nam kỳ vào vương quốc này để trừng phạt những kẻ tàn bạo đó. Các lái buôn mất hết thuyền và vàng bạc thành thử mỗi ngày lại có kẻ âm thầm về nhà, thân thể bị lột trần chỉ còn một mảnh khố nhỏ, nhưng cũng may vì chưa bị giết. Lúc họ về tới nhà, họ còn gặp nhiều tai nạn nguy hiểm hơn nhiều. Đạo tặc lan tràn khắp nơi như kiến, và cắn hết mọi thứ như châu chấu của “Ngày tận thế”. Chúng nhảy xổ vào các lái buôn; cướp đốt nhà họ và giết khá nhiều người. Gần Cửa Bang, có một hòn đảo danh tiếng tên là Biện Sơn(68), trước dân cư gồm toàn lái buôn độ 3.000 người, trong số đó có 6,700 giáo đồ. Những kẻ bất hạnh đó trước kia làm giàu trên xương máu người nghèo nhờ bất công và tham nhũng, lần này Thượng đế đã trần phạt họ và trên nhiều người như thế chỉ còn 2, 30 người sống sót mà thôi. Năm nay thật là năm đen tối của Bắc kỳ. Phủ Yên Trường ở xứ Thanh(69) là kho tàng của học Trịnh nên đầy vàng bạc và chiến lợi phẩm thu được tại Nam kỳ, đã bị quân Bắc kỳ bỏ lại. Những quân cướp (thật chứ không phải quân Tây Sơn) đã ùa vào đấy lấy những gì có thể cướp được. Chúng đánh, giết và tranh giành nhau từng vật một. Sau đó quân Nam kỳ tới và cướp sạch hết. Ai cũng tin rằng quân Nam kỳ sẽ thay thế nhà Trịnh. Chúng công bố vài sắc lệnh mà ai khinh thường. Sau chót, sau khi đã thu nhặt hết chiến phẩm, Đức Oũ sửa soạn để ra đi, nói rằng mục đích ra Bắc của ông là đánh đuổi quân Trịnh đang áp bức nhà Lê, nay nhiệm vụ đã xong ông xin trở về. Đang lúc đó, lại có tin khác: đó là tin vua trời với 30 con voi và một vạn quân đã qua xứ Nghệ, xứ Thanh và xứ Nam và đã tới Kẻ Chợ trong một thời gian ngắn. Người đó chính là Nhạc. Ông lưu lại tại Kẻ Chợ có 2, 3 ngày, rồi ông lại hấp tấp trở về (Nam kỳ) qua xứ Nghệ và Bố Chính, tất cả đội ngũ Nam kỳ về theo ông, kẻ theo đường bể, người đường bộ. Không ai ngờ tới chuyện này cả nên được tin, nhiều kẻ bạo nhất cũng phải xanh mặt. Hết vua, hết quan, hết bạc, hết gạo, cả vương quốc bị bỏ rơi cho lũ đạo tặc… Chúng tôi tưởng chừng sắp khốn đến nơi, và thật vậy, nên Thượng đế để hàng triệu quân tâm ác nảy nở ở Bắc kỳ, chúng tôi sẽ không còn trên thế gian này nữa. Lũ giặc (Nam kỳ) lúc ra Bắc thì hiền lành, nhưng lúc về Nam thì ngược lại: chúng đã cướp bóc dân chúng hai bên sông. Giữa sự hỗn loạn này nhiều sự phạm thượng (thần thánh) đã xảy ra. Nhiều linh mục của chúng tôi đã mất bình dầu thánh, hoặc tế phục, thánh tước, sách vở. Quân đạo tặc còn xé tế phục để may quân phục. Người ta có thấy nhiều đứa chết trong bộ áo lễ trắng…
… Sau khi địch đi, các quan lập chú (hay bác, nguyên văn oncle) của tiên chúa trược gọi là “Oũ Quận Quế(70) lên ngôi chúa. Nhưng có người cạnh tranh ngôi chúa với ông. Quan quân đang chia rẽ. Nhiều xứ không có trấn thủ hay trấn thủ lại đi cướp bóc. Tại vài nơi, các làng họp nhau lại để hỗ trợ nhau trong công cuộc bắt kẻ gian. Lúc nào người ta cũng dọa chúng tôi là Coũ Chỉnh và phe ông ta càng ngày càng mạnh. Quân Nam kỳ không cho phép ông vào Nam và đã ngược đãi ông. Dù sao, ông đang lập một đảng mới và nếu dân chúng không chịu nộp những sắc thuế mà quân đội ông có quyền thu ở Bắc kỳ, giặc (Tây Sơn) chắc sẽ thắng và chúng tôi sẽ còn bị áp bức lâu hơn nữa. Quân Trung Hoa mất hết tàu bè của họ mà quân Tây Sơn tịch thu để chở khí giới, chiến lợi phẩm về xứ chúng. Các phu trạm (người đưa thơ) của chúng tôi không đi được vì thế tôi không biết thư của chúng tôi có được người Trung Hoa mang đến Áo Môn như chúng tôi hy vọng không. Mùa màng tháng 10 rất tươi tốt, nếu mất mùa chúng tôi đã nguy rồi.
28-5-1790: Thư của ông La Mothe gửi ông Letondal(71) tr.1398.
…Thật vậy, đức ông Adran đã trở về địa phận Giáo hội của ông như chính ông đã viết cho chúng tôi, nhưng đường giao thông nối liền các vùng Nam kỳ bị cấm chặc chẽ đến nỗi bây giờ tôi mới tin Đức ông về, nếu ông không cho chúng tôi hay. Đức ông Veren chủ giáo phụ tá của đức Adran láng giềng chúng tôi, cũng nhờ có ông mới biết tin đó. Muốn đường được mở, phải có một cuộc cách mạng nữa lây chuyển và biến đổi cả Nam lẫn Bắc kỳ. Đó là biến cố mà chúng tôi chờ đợi hằng ngày từ khi chúng tôi được tin chúa Nguyễn hay vua Nam kỳ được người Bồ Đào Nha ở Áo Môn trợ giúp. Nhưng chúng tôi không giấu rằng nếu viện trợ đó ít quá, chắc thế nào nó cũng vậy, rất có thể vua Nam kỳ sẽ không chống nỗi khí giới, kinh nghiệm và mưu lược cũng như dũng cảm của Tiếm vương; tôi không nói tới Nhạc, hiện đang chiếm cứ miền Trung Nam kỳ và hình như đã mất một phần đất của ông cho em ông, mà tôi nói đến em ông, người đã chiếm được Bắc kỳ và hiện đóng đô tại vùng Nam kỳ gần nới cư trú của đức ông Veren và các giáo sĩ khác. Ông này còn dễ sợ và khó trừ khử hơn ông kia nhiều. Hiện giờ ông làm chúa tể và cai trị một mình vương quốc Nam kỳ nhỏ bé của ông gọi là Phú Xuân. Còn người cai trị chúng tôi là con trai ông, một đứa bé độ 6,7 tuổi mà chúng tôi phải gọi bằng chúa. Nhưng đứa bé đó có tướng và quan giỏi biết kìm giữ chúng tôi và bắt chúng tôi phải kính nể. Nói thật ra, sự thể không đến nỗi nào. Chúng tôi cũng bị phiền nhiễu nhưng chúng tôi tránh khỏi trộm cướp dưới tân triều này , và về phương diện tôn giáo, chúng tôi được hưởng nhiều tự do và an ninh hơn dưới thời các tiên vương khác.
Trích trong Cochinchine 746.
6-6-1787. Thư của ông Doussain (t(72)) gửi ông Blandin, tr.201.
Vậy là quân giặc tràn vào chỗ chúng tôi ở đúng ngày lễ ʽʽ Minh Thánhʼʼ(72a), lúc dân Bắc kỳ ít ngờ nhất. Quan lớn của chúng tôi(73) còn đang bận làm lễ cầu tuần cho sự bình phục của ông một cách thành kính ( tại một đền danh tiếng ở Phú Xuân) thì có người đến báo có đánh nhau ở ngay ngoài đồn. Thế là ông bỏ khẩn cầu, bỏ ăn chay, bỏ cúng lễ để chạy đi triệu tập binh lính và cố gắng kháng cự. Mới vào giặc bao vây “đồn” vì muốn để cho ông có thì giờ đầu hàng. Các quan họp lại bàn tán ; quan lớn và vài vị khác muốn treo cờ bạc(74) nhưng các quan khác không chịu, chỉ muốn cho dương cờ điều. Thấy vậy quân giặc xông vào quân ông và gây một cuộc thảm sát dã man. Quan lớn bị bắt và điệu ra trước mặt vua Nhạc ; sau đó ông bị chém đầu. May sao, một thanh niên bị băm( ?) nửa người thoát được và chạy về dinh các báo tin các bạn anh đã chết hết và chỉ có thể thoát thân được nếu bỏ trốn. Được tin đó tất cả binh sĩ của thành Cát chạy trốn. Giữa đường, chúng bị dân làng quấy phá và đòi treo cổ (họ). Thấy vậy chúng nói: “Nếu dân chúng tới xử tử chúng ta thì “chém” (họ), nếu lính địch thì “chịu đầu” (hàng)”. Người ta báo tin ấy cho quân giặc lúc đó đã tới Bố Chính bằng đường bể. Giặc nhận 200 người và 5 con voi trận và dẫn họ tới trước mặt quan Tây Sơn. Ông này ra lệnh đẩy họ xuống biển. Quân “đồn” lẩn trốn quân Tây Sơn, nhưng khi tới Bố Chính, chúng bị dân cư (ở đó) vây bắt và nộp cho quan địa phương. Phần đông bị chặt đầu hay bị quăng xuống biển. Chỉ có quân ʽʽđồn Đồng Hới’’ là trốn thoát được không thiệt hại gì. Mới đầu họ bị chiến thuyền tấn công nhưng khi thấy không chống đỡ nỗi, họ rút lui vào 1 khu rừng gần đó ( rồi họ ?) tiến ra Bắc kỳ. Nhạc có 2 người em, 1 người đã ra Kẻ Chợ mà không báo tin cho anh biết, ( bây giờ lại muốn làm vua vùng này). Ông để anh ông trở về Qui phủ ( nơi đóng đô của ông này) rồi tự xưng là Đức Chúa. Nhạc hay tin ấy không bằng lòng và cảnh cáo người em. Nhưng ông này không những không vâng lời lại mà còn mộ một đạo quân 60.000 người đến giao chiến với Nhạc tại Qui phủ. Ông ấy ( Nguyễn Huệ) ở đó từ ngày lễ Tro thánh. Họ đánh nhau hai lần. Người ta đồn rằng Đức Chúa đã mất đến nữa số quân. Điều chứng tỏ sự ông đang gặp khó khăn là việc ông bắt mọi người phải ra trận. [204] Đức Chúa đi đánh anh ông xong rồi còn dự định ra Kẻ Chợ để xưng Chúa ở đó. Việc ấy có thể có lắm vì ông rất quan tâm đến nó. Ông có 3 đại thần ở ngoài Bắc, một người ở chợ Vĩnh, ( xứ Nghệ) và hai người ở Bố Chính. Ai cũng nghĩ rằng dù có thua ( anh ông), ông cũng sẽ ra thẳng Bắc kỳ. Ông (Letondal) nên biết rằng Đức Chúa đã lấy làm vợ một công chúa nhà Lê. Mới đây có một đại sứ Bắc kỳ vào Nam kỳ. Người ta không biết lý do của vụ đi sứ đó.
Ấn Độ 23-7-1788. Thư của đức ông La Bartette gửi cho …( ?)(75), tr.179-185.
… Một người mới từ “Phan Thít”(76) gần vùng Đồng Nai tới đây nói với chúng tôi rằng nhiều bạn lái buôn của ông mới từ Đồng Nai về quả quyết với ông rằng quan đội ông Chủng(77) đang đánh nhau ác liệt với ông đốc Sâm(78), người được giặt bổ làm trấn thủ Đồng Nai, đã bao vây ông này ( Sâm) cùng đội ngũ ông, thành thử quân Tây Sơn chỉ còn một khu đất nhỏ chung quanh cửa Cần Giờ(79). Tin đó có thật hay không? Chúng tôi không biết tính sao vì có nhiều tin đồn quá làm chúng tôi không biết vịn vào đâu. Tôi tin một điều là quân đội “chúa Nguyễn” hiện đang ở Đồng Nai vì ai cũng nói như vậy. Ngoài ra 3, 400 chiến thuyền do tân vương ( Nguyễn Huệ) gửi vào Đồng Nai từ 2 tháng nay để chở gạo vào Phú Xuân vẫn chưa về ; như thế là họ đã gặp trở ngại. Vả lại nếu “ông Chủng” ở đó, quân của ông không biết đề phòng gián điệp kỹ lưỡng lắm. Chắc chắn Đốc Sâm đã kiếm được cách phái một chiếc thuyền mang tin chiến tranh với chúa Nguyễn cho tân vương lúc bấy giờ đang ở Bắc kỳ. Ông này liền bỏ xứ Nam để cấp tốc về Phú Xuân. Đường đi thường phải mất 20 ngày mà ông chỉ cần 10 ngày thôi cho nên một số binh lính của ông, vì không theo kịp bị chết ở dọc đường. Ông đã cho triệu tập tất cả binh lính lại tại Phú Xuân. Chắc ông đã thu được nhiều lương thực tại Bắc kỳ, nếu ông không thể nuôi quân đội được vì thực phẩm mà ông trông đợi từ Đồng Nai chưa về tới nới. Hiện nay, ở Phú Xuân, vận chuyển dữ lắm. Người ta tin rằng quân đội ông sắp vào Quảng nhưng không biết để đánh nhau với Nhạc hay để tiến vào Đồng Nai. Chắc ông trù định cả hai việc vì sợ lâu ngày quân đội chúa Nguyễn sẽ tăng cường nhưng ông cũng phải ra Qui phủ kết liễu cuộc tranh chấp giữa ông và anh ông. Vả lại, quân đội sẽ không tới Đồng Nai được trừ phi hạ bệ được anh ông. Nếu quân đội chúa Nguyễn ra đây khi tân vương còn ở Bắc kỳ thì bây giờ mọi việc đã xong xuôi vì nếu tân vương muốn trở về Nam kỳ, ông sẽ bị chặn ở Luỹ Sậy, vả lại tất cả dân Bắc kỳ sẽ nổi loạn vì họ đều chán ghét ông ( Nguyễn Huệ) trong thâm tâm họ và chỉ mong chúa Nguyễn ra thôi… Cuộc chinh phạt Bắc kỳ lần trước đã làm chết rất nhiều người ( vì đói, vì mệt, vì bệnh hay vì gươm giáo). Giả thử ông Chủng muốn đợi, ông ấy phải củng cố lực lượng của ông tại Đồng Nai hay nơi khác để ngăn sự tấn công và sức gắng của địch.
Từ khi Tân vương về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự : ông đã cho xây cất 1 bức tường cao 20piê (thước) [182] chung quanh dinh ông. Hình như ông gấp lắm ; ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ. Người ta nói rằng ông cho đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói, ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng ông làm như vậy vì ông sợ thuỷ quân (địch). Chính tại thành này ông đã cất số vàng bạc kiếm được ở Bắc kỳ.
Ngoài ra, Tân vương tỏ vẻ khinh thường khi có người nhắc tới chiến tranh giữa ông và ông Chủng hay Nhạc, anh ông. Không những nhạo báng mà thôi, ông còn dùng nhiều từ “sỗ sàng” : Ông sẽ phải trả thái độ đó bằng một giá rất đắt vì có nhiều người dũng cảm của ông mà vẫn bị sa bẫy.
Vào khoảng tháng 2 năm nay, ông Chưởng Nhậm hay ông Tiết chế đến xứ Nam với một đội quân [183] độ 40.000 người. Thấy vậy vua Chiêu Thống chạy trốn với Cống Chỉnh. Ông này bị quân Tây Sơn bắt và bị chặt đầu. Họ không bắt được vua. Chắc ông đã trốn sang lục địa Trung Hoa. Trong khi ấy, quân Bắc kỳ họp lại khá đông và giao chiến khá lâu với quân Tây Sơn, nhưng họ không làm ra trò trống gì. Ông Tiết Chế luôn luôn thắng. Tuy vậy ông không hưởng hiệu quả của cuộc chiến thắng của ông được lâu vì “ông Đốc Ba”(80) buộc ông vào tội muốn tranh ngôi với chúa ( Nguyễn Huệ) nên chúa lập tức ra Bắc ra lệnh xử trảm ông cùng nhiều lãnh tụ đảng ông. Cuối cùng “Đức Chúa” đã được tôn làm vua Bắc kỳ hôm 25 tháng 4 (Âm lịch).
Xứ Nghệ, 16-8-1788. Thư của ông Breton gửi cho… tr.187-196.
Tôi phái đến ông một người đã từng ở Hội Thung(81), bên cạnh Trong Xảnh(82). Đó là hai làng ở trên bờ sông lớn. Thuyền buồm Trung Hoa thường qua sông ấy để tới xứ này. Cửa biển vùng này gọi là cửa Hội… ( Tình hình có lợi cho chúa Nguyễn; hai anh em Tây Sơn bất hoà; Nguyễn Huệ yếu vì không có tướng phụ tá; Bắc kỳ cũng yếu và chỉ có vài quân Nam kỳ canh giữ thôi)…
[189] Hiện ai cũng ngạc nhiên khi thấy dân Bắc kỳ bị điều khiển như đàn cừu bởi có một, hai tên Nam kỳ phóng đảng xuất hiện thân từ bọn hạ dân và chỉ thăng quan từ hồi ra Bắc.
Tiếm vương Phú Xuân sắp cho tịch thu các tàu bè ở xứ Ngự và xứ Thanh và mang rất nhiều đội ngũ đi đánh quân nhà vua ( Nguyễn Ánh) tại Đồng Nai [190] khi gió thuận, nghĩa là sau ngày Thánh Michel(83). Họ đã làm bản kê các tàu bè rồi…( chúa Nguyễn đang đợi viện trợ của Pháp quốc)…
Các Giáo sĩ nói rằng vua Bắc kỳ đã trốn thoát. Họ không biết vị hoàng ấy hiện ẩn náu ở nơi đâu. Từ nhiều tháng nay, có tin đồn ở Áo Môn (Macao) và Quảng Châu (Canton) rằng ông đã tị nạn tại Trung Hoa và nhân danh chư hầu Hoàng đế, ông có xin Hoàng đế gửi viện binh sang đánh kẻ thù của ông. Tin ấy đã được nhật báo Bắc Kinh xác nhận. Theo thư từ Quảng Châu gửi cho tôi, báo đó nói rằng vị phế vua đó có xin viện binh Trung Hoa và Hoàng đế đã nhận lời. Thư từ Bắc Kinh gửi tới tôi từ vài ngày nay làm tin đó thêm xác thực. Thư đó cho biết rằng vua Bắc kỳ hiện ẩn náu tại một tỉnh Trung Hoa cùng với gia đình ông; ông có cầu cứu Hoàng đế và Hoàng đế đã chấp thuận; ngài đã tiếp ông xứng với chức vị ông…( quân đội Trung Hoa đang sửa soạn để sang Bắc kỳ).
[195] Chắc chắn đội ngũ (Trung Hoa) đã rời Quảng Châu từ một tháng nay và người ta hay tin họ đã tới Quảng Tây. Quân Trung Hoa được biết rằng tên giặc (Nguyễn Huệ) đã khoe khoang sẽ tới giao chiến với họ và chiếm một phần đế quốc họ. Đức ông Veren viết rằng ông ta có khoe như vậy thật…
[196] Ngoài tội lấn quyền hiển nhiên mà ông mới phạm bằng cách cướp một chư hầu của đế quốc, quân Trung Hoa còn tức ông vì ông quấy nhiễu lái buôn Trung Hoa. Năm 1788 (tức là năm nay), ông đã tịch thu thuyền bè của họ ở Bắc kỳ để chở chiến lợi phẩm của ông vào Nam kỳ. Những năm trước, ông đã bắt giết nhiều thương nhân Trung Hoa.
30-6-1788. Thư của Đức ông Veren gởi… tr.198-204.
Chiến tranh bùng nổ tháng 1 (Âm lịch) năm ngoái giữa hai anh em Nhạc và ông Tám và chấm dứt vào tháng 5 (Âm lịch). Một phần lớn dân Huế tử trận, sau đó hai anh em chia tay nhau Nhạc ở lại phủ ông ở Qui Nhơn còn em ông về Phú Xuân… Hình như ông Tám cai trị, từ xứ(84) Chăm ra Bắc kỳ và anh ông từ Quảng Ngãi tới Ðồng Nai. Từ đó, Nhạc đã đặt vệ binh tại Quảng Ngãi ở bờ cõi xứ Chăm và em ông cũng cho canh giữ vùng xứ Chăm giáp giới với Quảng Ngãi. Hai anh em rình nhau lắm ; nhìn ngoài họ không bao giờ họ có thể hợp nhau được. Vào khoảng tháng ba năm nay, sau khi Nhạc gây hấn tại biên giới Chăm làm như ông muốn chiếm đoạt xứ ấy và tiến thẳng ra Bắc, em ông lập tức cho quân ra kháng cự và chỉ trong vài ngày ông đánh Nhạc đại bại, tướng Nhạc thì bị voi dày. Sau chiến thắng đó, ông Tám trở về Phú Xuân. Từ đó, sự nghiệp Nhạc gặp vận xấu, ông bị áp phục không còn gì và không đủ tư cách đương đầu với em ông.
Khi ông Tám ra Bắc, ông có giao lại Phú Xuân cho một người rất đần độn. Ông ta muốn mộ hết mọi người làm lính ông ta cho [200] bắt tất cả đàn ông từ 12 cho đến 60 tuổi. Lính ở xứ này như vậy đó. Chỉ còn lại có đàn bà, con nít và nhiêu lão. Gần như không có ai cày ruộng, không ai dám đi câu cá. Những người nào đã trả tiền để được miễn đi lính sau rồi cũng bị bắt và lôi đi đánh trận như người khác…[200] Tất cả những của cải cướp được tại Bắc kỳ hiện ở Phú Xuân…( Tình hình rất có lợi cho chúa Nguyễn. Quân Trung Hoa có lẽ sang Bắc kỳ. Chúng đã mua đại bác của người Anh)… [204] Người ta nói rằng Hoàng đế cho người nói với ông Tám rằng ông phải rút lui ngay khỏi Bắc kỳ bằng không ngài sẽ phái quân đội sang đuổi ông.
(1) Để dễ hoạt động, Hội Truyền bá Thiên Chúa giáo chia truyền giáo hội của họ tại Việt Nam làm 2, một ở Bắc kỳ ( từ Bắc Bố Chính trở ra) và một tại Trung và Nam kỳ; mỗi khu vực do một vị Giám mục cai quản và một vị giam mục phụ tá. Nhưng Giáo hội Bắc kỳ chỉ gồm có miền Tây Bắc kỳ thôi vì miền Đông được giao phó cho dòng thánh Dominique từ năm 1693.
(1a). Ở đây chúng tôi chỉ chú trọng trích dịch về phần chính trị và dân sự mà thôi.
(2) Nguyễn Hữu Chỉnh hay Cống Chỉnh.
(3) Trịnh Bồng (xem chú 270)
(4) Vua Lê Chiêu Thống.
(5) Bố Chính (Bắc)
(6) Nguyên văn: Huaute Cochinchine. Đó là tên dung để chỉ Trung kỳ bấy giờ.
(7) Đức Ông
(8) Francois Louis Le Breton (1749-1789) thụ chức giáo sĩ 1774, sang Việt Nam (Bắc kỳ), vào năm 1777, cư ngụ tại Trang Nứa, Nghệ An.
(9) Các giáo sĩ gọi Tân Attila vì Nguyễn Huệ được ví như Attila, một vị vua Hung Nô, đã từng được coi là kẻ “bách chiến bách thắng” làm mưa làm gió Âu châu vào giữa thế kỷ thứ 5.
(10) Vách Quinh?
(11) Vũ Văn Nhậm, được Nguyễn Nhạc phong chức Tả quân đô đốc vào tháng 4 năm Bính Ngọ (1786) khi Tây Sơn đánh chiếm Thuận Hóa và được Nguyễn Huệ phong chức Tiết chế đem quân ra Bắc bắt Nguyễn Hữu Chỉnh vào năm Đinh Mùi (1787). Chương Nha có lẽ là Chưởng Nha, một chức võ quan cũng có thể là Chưởng Nhâm (chức chưởng như Chưởng phủ và Nhậm dễ bị người Tây phương viết sai là Nha) Đức Ông chỉ là tiếng gọi người được trọng vọng.
(12) Thái Đức.
(13) Nguyễn Văn.Bloi=trời.
(14) Ba Trang Thuốc?
(15) Quân Tam Phủ: quân ưu binh tuyển ở ba phủ Thanh Hóa (Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia) và 12 huyện Nghệ An từ thời Lê trung hưng. Sau trở thành kiêu binh.
(16) “Bằng Sắc” phong thần cho các thần hoàng.
(17) Nghệ An
(18) Đại Tư mã Ngô Văn Sở.
(19) Chú thích thêm của tác giả. Ông La Bartette mới được phong chức Giám mục Veren (a) và đáng làm “chủ giáo phụ tá” cho Đức Ông Adran đã cho chúng tôi biết rằng một vị quan tên là Trần Đức trước đã từng ngược đãi Công giáo và chỉ huy đội tiền vệ, đã bị bắt: thân ông bị voi dày, còn đầu ông bị bêu trong ba ngày ở Faigo, một thành phố của Nam kỳ thượng.
(a) La Bartette (Jean) – 1744 -1823 ở Nam kỳ năm 1773-1774 tại Dinh Cát. Năm 1784 được phong chức Giám mục Veren.
(20) Do Nguyễn Nhạc cũng bị Nguyễn Huệ đánh thua vào năm 1787 hay vì một nguyên do nào khác, Nguyễn Huệ đã làm anh mất thể diện ?
(21) Bờ biển Trấn Sơn Nam.
(22) Ngọc Hân công chúa là cô của Lê Chiêu Thống nhưng không phải là vợ cả của Nguyễn Huệ.
(23) La Mothe (Charles) – (1751-1816). Giáo sĩ sang Bắc kỳ năm 1782, năm 1793, phụ tá cho giám mục Longer ở địa phận Kẻ Vinh (Nam Định).
(24) Lê Thái phải chăng là Nguyễn Như Thái? Khi Vũ Văn Nhậm mang quân ra Bắc, Nguyễn Hữu Chỉnh có tâu với vua Lê cho Nguyễn Như Thái làm Thống lĩnh (tư lịnh) quân ra Bắc kỳ để chống với Tây Sơn, nhưng Nguyễn Như Thái lại bị chết trận rồi. (Hoàng Lê nhất thống chí).
(25) Ngoài Vũ Văn Nhậm còn ai là rể của Nguyễn Nhạc lại được Nguyễn Huệ trọng dụng? Phải chăng có sự lầm lẫn?
(26) Đại tư Mã Ngô Văn Sở.
(27) Serard (Philippe) – (1738-1804). Giáo sĩ sang Bắc kỳ 1762 ở Kẻ Vinh.
(28) Đức Lệnh, tiếng kêu người được trọng vọng.
(29) Em trai vua là Lê Duy Chỉ.
(30) Kẻ Chợ: Đông Kinh (Hà Nội)
(31) Kinh đô mới là Phượng Hoàng Trung Đô tại Nghệ An.
(32) Thiêm Bảy?
(33) Lễ Thánh Jean (Jean Baptiste) : 24 tháng 6.
(34) Mưu toan lập lại nhà Lý?
(35) Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
(36) Sấm Kí.
(37) Nostradamus (Michel de Notre dme). Nhà chiêm tinh và y sĩ ở Saint Resmy (1503 -1560), tác giả cuốn Centuries, 1 loại Sấm Ký.
(38) Mẹ và vợ. Chú thích của tác giả: Trong lá thư “ nhiệm mệnh” mà tôi sẽ nhắc tới sau.Hoàng đế Kiền Long (Càn Long) hình như nói rằng: “ Tân Vương Bắc Kỳ đang ẩn náu tại Trung Hoa và chính ông đến cầu viện”.
(39) Nam Vương: Quang Toản.
(40) Đại Tư mã Ngô Văn Sở và Đại đô đốc Phan Văn Lân…
(41) Chú thích của tác giả: Có lẽ đó là văn thư cuối cùng của ông đề niên hiệu anh cả ông vì chính mắt tôi đã thấy hai sắc lệnh đề ngày 2 và 7-2 mang niên hiệu năm đầu triều đại hay đế chính Quang Trung.
(42) Đốc Thung?
(43) Toũ: Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị.
(44) Chú thích của tác giả: “Người ta còn quả quyết rằng hồi đầu chúng quen thói tàn ngược bắt ăn thịt và người đáng thương”.
(45) Chú thích của tác giả: Khi đọc bài này một người có thể nghỉ rằng quân Trung Hoa tuy không lộ ra sợ chính họ bị khốn vì quân Tây Sơn hơn là sợ quân Bắc kỳ và hình như họ lấy làm sướng nếu xui được quân Bắc kỳ đánh nhau với kẻ thù của họ.
(46) Chú thích của tác giả: Tên phách láo đã không giữ lời hứa.
(47) Đại nhân, tiếng “xưng hô”, tức Tôn Sĩ Nghị.
(48) Thiên Triều.
(49) Chú thích của tác giả: Mấy giáo đồ Bắc kỳ là bộ hạ của quan Đại Tư mã mà tôi nhắc tới ở trên, đã quả quyết với tôi rằng Tiếm vương phạt vị quan này về tội hoảng sợ bằng cách trừ ông một tháng lương thực và cấm ông không được đụng với thực phẩm của binh lính. Ngoài ra tôi còn nhớ rằng :
1) Quang Trung có tới tổng doanh của ông (Quang Trung) tại Vân Sang (a) và mời các quan võ cao cấp dự tiệc, nhân đó ông bắt Đại Tư mã quỳ xuống cách xa ông trong khi các quan khác ăn uống và dùng lời lẽ gay gắt, dữ dội nhất quở trách về tính nhút nhát của ông này.
2) Ít lâu sau, muốn làm ông (Đại Tư mã) thất đảm, Quang Trung cho xử trảm viên trấn thủ Than Hoa (b) và một đại thần khác bị khép tội quấy nhiễu đàn áp dân chúng trước mặt ông.
3) Quang Trung bắt ông (Đại Tư mã)lại ra chỉ huy quân đội.
4) Quang Trung bãi chức Tổng Nguyên soái của ông (Tư lệnh quân đội tại bắc kỳ hồi trước).
a. Một địa danh gần núi Tam Điệp.
b. Trấn thủ Thanh Hóa không rõ là ai ?
(50) Kẻ Vinh: Nam Định.
(51) Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, Hà Đông.
(52) Đô Khou Coung?
(53) Đô đốc Lân nay không phải Đô đốc Phan Văn Lân vì về sau vua Quang Trung ủy cho Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân coi việc binh ở Bắc, Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích coi việc giao thiệp với Trung Hoa sau khi Vua đại phá được quân Thanh và trở về Nam (Hoa Bằng, Quang Trung, anh hùng Dân tộc, Nx Bốn phương, 1951, tr.219).
(54) Tổng Đốc Tôn Sĩ Nghị.
(55) Điền châu Sầm Nghi Đống?
(56) Soung Thoung = Sông Thương?
(57) 1 piê: 1 thước, (độ 0, 324).
(58) Blandin (Pierre – Antoine) – 1753 -1802, Giaó sĩ sang Bắc kỳ 1778, tới 1784 về Paris.
(59) Sứ Trung Hoa sang làm lễ “truyền phong” vua Quang Trung làm An Nam Quốc Vương.
(60) Trận Đống Đa?
(61) Xem chú 50.
(62) Le Roy (Jean) – (1754-1803).
Giáo sĩ sang Bắc kỳ 1780, truyền giáo ở địa phận Kẻ Vinh (Nam Định).
(63) Toussain: Doussaint (xem chú 272).
(64) Thủ phủ trấn Sơn Nam.
(65) Đức ông Nguyễn Huệ.
(66) Trịnh Khải được bọn Kiêu binh địa lên ngôi chúa.
(67) Đức giám mục Céram tức Đức cha J.Danoust.
(68) Theo Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Thanh Hóa, 916; tập Thượng của Cao Xuân Dục, Biện Sơn đảo ở phía ngoài cửa Bạng (Thanh Hóa) 7 dặm, chỗ tránh gió rất tốt cho thuyền bè đi bể.
(69) Phủ Trường Yên xứ Thanh Hóa. Nay thuộc tỉnh Ninh Bình.
(70) Ông Quận Quế: Côn Quận công Trịnh Bồng. con Trịnh Giang, vào hàng bác của Trịnh Khải. Khi Nguyễn Hữu Chỉnh ra Bắc, Bồng chạy lên làng Quế Ổ, trấn kinh Bắc, liên kết với bọn người ở Quế Ổ chống lại Chỉnh. Phải chăng vì có liên hệ với Quế Ổ nên được gọi là Quận Quế?
(71) Letondal (Claude) – 1733-1813 “Thầy tư quản sự” (procureur). Tại Macao từ năm 1785.
(72) Doussaint (Jean Adré) 1756-1809 sang Nam kỳ 1781. Năm 1807 giữ chức Phó giám mục địa phận Bá Đa Lộc.
(72a) Lễ vào ngày thứ tư đầu tiên của mùa Chay (Carême) vào dịp lễ Phục sinh, khoảng tháng 1, 3.
(73) Viên trấn thủ Thuận Hóa, Phạm Ngô Cầu.
(74) Cờ trắng là cờ hàng, còn cờ điền?
(75) Không thấy chép người nhận thư.
(76) Phan Thiết.
(77) Nguyễn Ánh
(78) Thời kỳ này, viên trấn thủ Đồng Nai của Tây Sơn, trấn giữ thành Gia Định là quan Thái Bảo Phạm Văn Tham, người Tây phương đọc là Sâm?
(79) Một cửa sông Đồng Nai.
(80) Đô đốc Phan Văn Lân?
(81) Hội Thung?
(82) Trọng Xảnh?
(83) Ngày 29-9.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét