XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Nếp nhà

Hồi còn bé, cha mẹ bận việc đồng áng, mấy chị em tôi tự lo việc nhà. Ở nông thôn nhiều việc lắm, làm cả ngày không hết, cứ xong việc này lại đẻ ra việc khác: thổi cơm, nhặt rau, gánh nước, chăn trâu, băm rau lợn, rút rơm, quét sân quét nhà, tát nước, đuổi gà… lớn lo việc lớn, bé lo việc bé. Cũng chẳng tránh được lúc suy bì tị nạnh, tủi thân, chỉ có điều thói quen lao động, sự chăm chỉ đã hình thành từ đấy. Sau này lớn lên mới hiểu rằng chả có trường nào dạy tốt hơn trường đời, thầm biết ơn bố mẹ, biết ơn cuộc sống tuy vất vả đã cho mình những bài học lớn lao, quý giá.
Có những điều mãi sau này chững chạc mới cảm nhận ra. Nhiều bài học về lối sống được các cụ truyền cho con cháu thật tự nhiên, thiết thực. Ở trường, các thầy cô giáo dạy văn hóa, còn ở nhà bố mẹ truyền cho cách sống, cách ứng xử với đời. Nhiều bài học giản dị mà thấm thía lắm. Chẳng hạn lần đầu tiên cầm cây chổi quét nhà. Cái lưng cứ thuỗn lên, quơ bên nọ quơ bên kia vài cái đã xong. Mẹ tôi bảo, con ạ, muốn quét nhà sạch phải chịu khó cúi cái lưng xuống, phải móc máy chỗ này chỗ kia, đừng một nhát đến tai hai nhát đến gáy như vậy. Mẹ dặn thêm, khi nhà có đông người, nếu quét phải nhẹ cây chổi, đừng hất tung bụi vào người khác, và nhất là nhà có khách thì đừng lấy chổi ra quét, đợi khách về hãy làm. Đại loại các cụ nhắc vậy, hồi nhỏ chỉ nghe và làm theo thôi, sau lớn mới thấy thấm thía, hóa ra việc quét nhà đâu có đơn giản tí nào.
Cứ mỗi ngày một chút, những bài học từ cuộc sống ngấm dần vào từng thói quen, hành vi, suy nghĩ. Chúng tôi trưởng thành từ những lời răn nho nhỏ của bố mẹ, anh chị, rằng khi ăn uống phải: Ăn trông nồi ngồi trông hướng, phải biết mời người trên rồi hãy ăn, đừng húp canh soạt soạt, chan canh phải bỏ đũa xuống mâm, đừng vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói chuyện, không được ngậm đũa, đừng khua gõ thìa, nhà đột xuất có khách chớ lên tiếng hỏi thiếu đủ cơm hay không; khi đi đứng phải nhớ: không lê guốc dép loẹt quẹt, ngang chỗ người lớn trò chuyện phải cúi thấp người xuống, vào chùa hay đến đám tang chớ cười nói ồn ào, ngồi chỗ đông người phải gọn gàng kín đáo, khách đến chơi lúc ra về phải tiễn, đừng vội vàng đóng cổng khép cửa ngay sau lưng khách; trong quan hệ cộng đồng: đừng nhìn kỹ săm soi của cải của người khác, mượn ai thứ gì nhớ trả đúng hẹn, không bắt nạt đứa bé hơn, một điều nhịn chín điều lành… Hầu như đứa trẻ nào ngày trước cũng ngấm những bài học giản dị mà sâu sắc như thế, góp phần quan trọng hình thành nên nhân cách sau này.
Gần đây có không ít bậc cha mẹ than phiền con cái họ không chịu nghe lời, sống thờ ơ, ích kỷ, chả biết kính trên nhường dưới, coi thường những chuẩn mực đạo đức cần thiết. Dư luận xã hội cũng rất nhiều lần cảnh báo sự xuống cấp, hư hỏng của bộ phận không nhỏ lớp trẻ, bày tỏ sự lo ngại về tương lai. Nhưng liệu đã có mấy người làm cha mẹ tự hỏi mình, đối với con cái, họ đã cần mẫn chăm lo, vun trồng, uốn nắn từ khi con trẻ còn là cái mầm cái chồi, cành non như các cụ từng làm ngày xưa chưa?
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét