XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

HAI ĐỀ NGHỊ CỦA MYANMA VỀ GIÁO DỤC MÀ CHÚNG TA KHÓ NUỐT

Khi bàn về cải cách ở Myanmar, lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi có mấy ý kiến về giáo dục mà tôi thấy rất tâm đắc.
Trước tiên bà bảo, sau giai đoạn thuộc địa và thời kỳ sống trong chuyên chế, nay cái mà Myanmar cần là đào tạo nhiều thợ học nghề chứ không phải đào tạo kỹ sư.
Đội ngũ trí thức trẻ, cần thì cần thật nhưng phải là thứ thiệt. Lấy đâu ra đại học tử tế để có số kỹ sư cần thiết ấy? Vậy phải tạm xếp yêu cầu đó lại.
Cách chuẩn bị tích cực nhất là nhờ nước ngoài, theo kinh nghiệm của Myanmar là nhờ Anh.
Lâu nay sách sử dạy trong các trường học Myanmar vẫn soạn theo tinh thần của các nhà sử học Anh khi viết về Myanmar. Cả nền giáo dục trước sau tính là phải theo những chuẩn mực quốc tế.
Riêng đại học Rangoon vẫn là đại học có tiếng ở Đông Nam Á.
Vậy mà theo Aung San Suu Kyi, thế vẫn chưa đủ. Bà bảo trong thời gian giới quân sự nắm quyền, giới sinh viên được đào tạo thành những con người biết vâng lời và làm theo mệnh lệnh hơn là con người sáng tạo. Và bà đề nghị phải làm lại nền đại học này. Trong tình hình của Myanmar, nước phải nhờ là nước Anh.
Chỉ có cách đó
Thoáng đọc, chắc ai cũng thấy các đề nghị nói trên dựa trên những nguyên tắc xa lạ với giáo dục VN.
Ngay cái chuyện đừng tính đại học vội mà hãy lo đào tạo công nhân lành nghề -- ý kiến ấy cũng khó nuốt lắm. Như thế là thoái thác cái đề án “xây dựng công nghiệp hiện đại nông nghiệp hiện đại, văn hoá giáo dục tiên tiến” sao ? Ai mà chịu nổi.
Đến như cái điểm đi nhờ giáo dục nước ngoài, lại càng không ai nghe được.
Ta quen thói tự tin, cho rằng cái gì cũng phải lấy tinh thần độc lập tự chủ làm đầu. Thế thì ai lại muối mặt đi nhờ các nước phương Tây mà ta vừa thèm muốn được như họ, vừa căm ghét sao họ hơn mình nhiều thế?
Sở dĩ người Myanmar đi tới những định hướng trên đây, bởi ở họ có một tinh thần thực sự cầu thị.
Họ cho rằng họ phải học hỏi nước ngoài nhiều thì mới có được một nền giáo dục cần thiết.
Ta thì luôn luôn tự hào rằng mình có một truyền thống giáo dục hết sức tốt đẹp, và chỉ cần có tiền là sẽ làm được hết.
Trong mọi việc ta thường chỉ lo làm dáng. Khi đứng trước một việc mà thâm tâm thấy bất lực, liền đánh bài lấp liếm, mức cao hơn nữa là tự lừa dối chính mình cho xong chuyện.
Nhưng tôi vẫn thấy trong hoàn cảnh của ta, cái phương án Myanmar nói trên là phương hướng khả dĩ.
Trước mắt là không nên thảo luận về cải cách gì cả.
Bộ phận giáo dục hiện nay đã hỏng hẳn với nghĩa là tự nó không thể nghĩ ra phương hướng thay đổi. Và giả sử có phương hướng đúng thì những người trong cuộc cũng không theo nổi.
Ví dụ dù có tung ra bao nhiêu tiền của chăng nữa thì bộ phận soạn sách giáo khoa ở ta hiện nay cũng không sao làm nổi một bộ sách giáo khoa cần thiết.
Và giá có bộ sách ấy thì hệ thống giáo viên cũng không đủ sức dậy theo.
Vừa rồi có một đề nghị là phải trả lại tự do cho ngành giáo dục. Nhưng kinh nghiệm của tôi bên văn chương cho thấy một bài học khác. Các nhà văn của ta bị trói quá lâu, đúng hơn là bị đào tạo vội vàng, cũng tiên thiên bất túc y như bên giáo dục. Luôn miệng đòi tự do nhưng lại không biết làm gì với thứ tự do đó cả. Khi được cởi trói một chút thì chỉ có tự do hoang dại là phát triển.
Từ bỏ chủ nghĩa bình quân
Cũng phải nói thêm, sở dĩ chúng ta biết không đạt chuẩn mực vẫn cứ làm, lý do là vì muốn ai cũng được hưởng phúc lợi giáo dục. Ngay trong hoàn cảnh xã hội chưa trưởng thành mọi mặt trong đó khâu thấy rõ nhất là về kinh tế, ta cũng vẫn cố phổ cập giáo dục rộng rãi để lấy tiếng và để mọi người ai cũng có thể vừa lòng.
Nay có lẽ đã đến lúc chúng ta phải lựa chọn: hoặc chất lượng giáo dục hoặc số lượng.
Tức một việc đau xót có thể xảy ra, là phải tạm thời từ bỏ nguyên tắc phổ cập đó, lùi một bước tiến ba bước.
Giống như trong kiếm sống, phải có người giàu trước người giàu sau, -- thời gian trước mắt, trong giáo dục chúng ta chỉ có thể bảo đảm cho một số nhỏ thanh thiếu niên được học hành cẩn thận, còn đa số sẽ chỉ được trang bị một ít kiến thức cơ bản rồi lo học nghề, để ra làm thợ, có lẽ như thế sẽ hợp lý hơn chăng?
Còn làm như hiện thời, cố để mà phổ cập giáo dục là một việc quá sức, và thực tế là sẽ không bao giờ có thể có giáo dục với nghĩa đúng đắn của nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét