XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Cuộc chiến Pháp-Thanh: từ đó Đại Nam ta thoát Tàu, thuộc Pháp

Trương Quang biên soạn
Hôm nọ một bạn Soi có gửi cho tôi ảnh chụp bức tranh này, và hỏi tôi đây là sự kiện gì mà lại có quân Pháp đánh quân Tàu ở… Lạng Sơn của ta.
Quân Pháp chiếm Lạng Sơn, tháng Hai 1885, dưới sự chỉ huy của tướng Oscar de Négrier, trong chiến tranh French-Sino (Pháp-Mãn Thanh). Hình từ Wikipedia
Trong công cuộc thôn tính thuộc địa, đế quốc Pháp đã gây ra rất nhiều cuộc chiến. Một trong số đó là cuộc chiến Pháp-Thanh (French-Sino War, 8. 1884 – 4. 1885), với mục đích xóa bỏ sự ảnh hưởng của triều Mãn Thanh lên Đại Nam (tên của Việt Nam thời ấy) đồng thời áp đặt sự thống trị của Pháp lên Bắc kỳ (sau khi đã hoàn toàn thôn tính Nam kỳ). Rất nhiều trận đánh đã diễn ra trên đất Bắc kỳ trong giai đoạn Pháp và Mãn Thanh choảng nhau. Sau đây là một số tình tiết dẫn đến cuộc chiến này:
1. Nhìn Đại Nam cắt đất, Mãn Thanh uất
Khi Nguyễn Ánh đánh bại triều Tây Sơn và lập nên triều Nguyễn-Gia Long, Đại Nam luôn chịu sự ảnh hưởng chính trị của triều đình Mãn Thanh, như nhận sắc phong từ Thanh triều, định kỳ cống nạp và đi sứ sang Trung Quốc. Đến khi Tự Đức cắt 6 tỉnh Nam Bộ cho Pháp để cầu lấy hòa bình giả tạo, triều đình Mãn Thanh, với danh nghĩa “bảo hộ” các nước chư hầu, thấy thế rất bất mãn, và mâu thuẫn với đế quốc Pháp trở nên gay gắt
2. Việt và Thanh, thêm Hắc Kỳ quân cùng đánh Pháp
Sau khi Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần 2 (năm 1882) và mở rộng tiến công ra toàn Bắc kỳ, triều Nguyễn buộc phải ký Hòa ước Harmand (1883), công nhận sự chiếm đóng, quản lý và bảo hộ của Pháp đối với Bắc kỳ, mọi vấn đề ngoại giao với Tàu phải thông qua Pháp.
Ký hòa ước Harmand (1883), công nhận sự chiếm đóng, quản lý và bảo hộ của Pháp đối với Bắc kỳ
Triều Thanh không công nhận hiệp ước này vì nhiều lý do: tiếp tục duy trì ảnh hưởng chính trị lên Đại Nam, ngăn chặn sự uy hiếp của Pháp đối với vùng Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây). Và vì không muốn mất hình ảnh của một nước “bảo hộ”, triều Mãn Thanh đã đưa quân vào Bắc kỳ theo yêu cầu cứu viện của triều Nguyễn. Thế là vào giai đoạn này,quân viễn chinh Pháp phải đối mặt với liên quân Việt-Thanh và quân cờ đen (Hắc Kỳ quân – đây rất có thể là lực lượng vũ trang do triều Mãn Thanh đưa vào Bắc kỳ nhằm chống phá và gây rối loạn trật tự).
Quân cờ đen

Francis Garnier bị quân Cờ đen đâm chết ở Cầu Giấy. Hình từ trang này

3. Hòa ước Patenôtre: Phải chăng là giọt nước tràn ly?
1883–1884 là giai đoạn quân Pháp giằng co với liên quân Việt-Thanh (một bộ phận quân Việt vẫn tiếp tục chiến đấu mặc dù hiệp ước Harmand đã được ký kết). Dựa trên ưu thế về hỏa lực, quân Pháp đã chiếm được phần lớn Bắc kỳ, chỉ còn khu vực gầnbiên giới với Trung Quốc (gần ải Nam Quan)là quân Thanh vẫn tiếp tục chiếm giữ.
Quân Pháp tấn công thành Bắc Ninh
Dựa trên đà thắng, chính phủ Pháp đã cử đại diện sang Thiên Tân ký với triều Thanh bản quy ước Thiên Tân 6.1884, trong nội dung bản quy ước giữa Pháp và nhà Thanh năm 1884 đã có điều khoản nhà Thanh công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam (công nhận hòa ước Harmand), quân Thanh phải rút khỏi Bắc kỳ.
Sau những thất bại của liên quân Việt-Thanh, tháng 6.1884 triều Nguyễn ký tiếp Hiệp ước Patenôtre với Pháp, xác nhận lại Hiệp ước Harmand và thêm nhiều điều khoản bất bình đẳng.
4. Thế mà chiến tranh vẫn nổ ra
Vào cuối tháng 6. 1884, sự kiện Bắc Lệ xảy ra (liên quân Việt-Thanh phục kích tấn công quân Pháp), khiến Pháp có cớ để gây ra cuộc chiến tranh Pháp-Mãn Thanh (French-Sino war) với 3 hướng tiến công chính: Taiwan, duyên hải Đông Nam Trung Quốc, từ Bắc kỳ đánh lên vùng Lưỡng Quảng.
Trận Bắc Lệ (hay trận cầu Quan Âm) ở Lạng Sơn, quân Việt-Thanh tấn công quân Pháp gây thiệt hại nặng.
Ba tuyến tấn công của Pháp, hai tuyến ở đất Tàu, một tuyến ở đất ta
5. Pháp đuổi Thanh về tận Ải Nam Quan
Trong bài viết này, tôi chỉ tập trung vào hướng tiến công từ Bắc kỳ đánh lên vùng Lưỡng Quảng, là hướng đánh được mô tả trong bức tranh mà Soi gửi ở đầu bài.
Từ tháng 9. 1884 đến tháng 1. 1885, quân viễn chinh Pháp dựa vào hỏa lực vượt trội và sự phối hợp chuyên nghiệp của lục quân, hải quân đánh bộ, pháo binh, và những binh đoàn lính Lê Dương Bắc Phi,đã đánh hạ nhiều cứ điểm quân Thanh và Hắc kỳ quân, như cứ điểm Kép, Lam, Chu, … rồi đẩy mạnh về hướng Lạng Sơn và sau đó hướng về biên giới Việt-Trung (ải Nam Quan).
Quân kỳ của quân Thanh trong hình vẽ có thể là Chính Hồng kỳ hoặc là Tương Hồng kỳ,hai loại này là Hạ Ngũ kỳ trong Bát kỳ* (trong biên chế Bát kỳ quân Thanh thì Thượng Tam kỳ tinh nhuệ hơn nhiều so với Hạ Ngũ kỳ). Vì quân lính vốn không được tinh nhuệ, lại chỉ nhận được sự chi viện yếu kém của quân khu Quảng Tây, quân Thanh phải rút về Ải Nam Quan (cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay) vào ngày 13. 02. 1885. 
Quân Pháp chiếm Lạng Sơn, tháng Hai 1885. Chú ý trong tranh, phía quân Pháp có lính lê dương.
Quân Pháp không tha, tiếp tục truy kích đến tận Quảng Tây, nhưng vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của quân Thanh,Pháp buộc phải rút lui về giữ Lạng Sơn vào cuối tháng 2. 1885
6. Mãn Thanh phản công, đến lượt Pháp thua, Mãn Thanh vẫn cúi đầu
Cuối tháng 3. 1885, quân Thanh ở Quảng Tây quyết phản công với lực lượng đông áp đảo (Tàu bao giờ chẳng thế!). Quân Pháp bỏ Lạng Sơn vào ngày 28 tháng 3. Lữ đoàn rút chạy hỗn loạn về vùng châu thổ sông Hồng, mất hết các chiến quả thu được trong chiến dịch năm 1885.
Sau thất bại của Pháp ở Lạng Sơn, chính giới Pháp đã gây sức ép buộc thủ tướng Jules Ferry từ chức và tìm kiếm hòa đàm với triều Mãn Thanh.
Nhìn tổng thể thì quân Pháp vẫn chiếm ưu thế với các chiến thắng trên hai chiến trường khác, khiến cho triều Thanh phải ký hiệp ước Thiên Tân năm 1885. Theo hiệp ước Thiên Tân, nhà Thanh công nhận hòa ước Patenôtre (đồng nghĩa công nhận sự thống trị của Pháp ở Đại Nam), rút quân ra khỏi Bắc kỳ và chấm dứt nhúng tay vào nội bộ Đại Nam
Ký hòa ước Thiên Tân. Hình từ trang này
*
Theo góc nhìn chủ quan của tôi thì hiệp ước Thiên Tân là một thất bại về mặt chính trị của triều Mãn Thanh, nó chấm dứt sự ảnh hưởng chính trị của triều Mãn Thanh lên triều Nguyễn và tạo một tiền đề cho các nước đế quốc trong việc chia cắt những nước chư hầu khác (Myanmar, Lào, bán đảo Triều Tiên, …) của triều Thanh (và sau này là Trung Quốc). Triều Thanh cũng nối gót triều Nguyễn trong việc cắt đất cầu hòa (chả khác nào cắt thịt nuôi hổ)
Do đây là sự kiện lịch sử về chiến tranh, nên có nhiều thông tin trái chiều về quân lực và tổn thất của hai bên. Tôi chỉ nêu ra nguyên nhân, sơ lược diễn biến và kết quả của sự kiện để Soi có thể hiểu được cái tranh kia vẽ gì.
*
Chú thích:
Bát kỳ trong quân đội Mãn Thanh được chia làm Thượng Tam kỳ và Hạ Ngũ kỳ
- Thượng Tam kỳ: gồm Chính Hoàng kỳ, Tương Hoàng kỳ, Chính Lam kỳ (về sau bị chuyển xuống Hạ Ngũ kỳ ). Đại hãn (vua) trực tiếp nắm giữ Thượng Tam kỳ. Chỉ những người Nữ Chân thuộc Thượng Tam Kỳ mới được đích thân Đại Hãn lựa chọn vào đội bảo vệ riêng của mình

- Hạ Ngũ kỳ: gồm Chính Bạch kỳ (về sau được chuyển lên Thượng Tam kỳ), Tương Bạch kỳ, Chính Hồng kỳ, Tương Hồng kỳ, Tương Lam kỳ, được giao cho các Bối lặc (vương hầu) thân tín thay mặt Đại hãn nắm quyền quản lý. (Nguồn: Wikipedia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét