XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Chó Phú Quốc: Huyền thoại và sự thật

 
VietNamNet) - Một dạo, có nhiều lời đồn, chó Phú Quốc đã bị tuyệt chủng. Nhưng nay, đã có nhiều trại nuôi chó Phú Quốc. Thậm chí, chó Phú Quốc còn được được dưa vào danh sách bảo tồn gen.
Một con chó Phú Quốc , loại chó con vài ba tuổi hiện có giá... vô chừng!
Có khi chỉ mấy trăm ngàn đồng mà cũng có khi đến... hàng ngàn đô! Giá cả tùy thuộc vào cái sự... “thích” của người mua.
Hầu hết người đi mua chó Phú Quốc về nuôi đều tin, chó Phú Quốc có những đặc điểm khác thường so với con chó cỏ (tức chó nhà)...
Bạn có thể xem đoạn phim ngắn về chó Phú Quốc ở đây (Nguồn: HTV)
Lông xoáy, chân màng vịt, khôn hơn chó Béc-giê?
Trước tiên, đã nói chó Phú Quốc là chó phải có đốm lông xoáy trên lưng. Rất dễ nhận ra chòm xoáy lông đặc biệt này trên lưng chó Phú Quốc.
Thứ đến, người ta... “đồn”, chân của chó Phú Quốc có cái màng như màng ở chân vịt. Nhờ vậy, chó Phú Quốc bơi rất giỏi!
Một đặc điểm khác của chó Phú Quốc là rất tinh khôn.
Có người còn nói, nó còn dễ dạy hơn cả chó Béc-giê.
Chó Phú Quốc khôn hơn chó nhà nên nó quyến luyến chủ và biết nghe lời lại bảo vệ chủ hết mình. Theo như lời đồn, một chú chó Phú Quốc đã từng phi thân chặn một con rắn hổ định cắn chủ. Chú chó lãnh nguyên miếng ngoạm của con rắn và chịu hy sinh để cứu chủ...
Lời đồn đại thì nhiều, hư hư, thực thực... Môt dạo, còn có những thông tin nói, chó Phú Quốc đã bị... tuyệt chủng!
Thăm trại nuôi chó Phú Quốc ở Cần Thơ
Chưa rõ thế nào là tuyệt chủng, nhưng riêng Trại nuôi chó Phú Quốc của Công ty Vương Trung Sơn đặt tại ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, Thị xã Tân Hiệp, Hậu Giang thì có khoảng 100 con, loại 2 tuổi-theo như ông Lê Hoàng Tâm, Giám đốc điều hành của Công ty Vương Trung Sơn ở khu vực Cần Thơ.
Theo ông Tâm, Trại được thành lập từ năm 1999 với khoảng... 300 con chó Phú Quốc. Sau một thời gian nuôi, nhân giống thì nay, Trại có khoảng hơn 100 con chó Phú Quốc loại 2 tuổi.
Trại thuê hẳn một bác sĩ thú y để chăm sóc chó ở Trại.
Bác sĩ thú y Nguyễn Thị Minh Hòa, người chăm sóc chó ở Trại cho biết, chó Phú Quốc ở đây được nuôi chủ yếu bằng cơm và cá biển. Khi chó sinh đẻ hoặc chó con thì được uống nước lọc! Bác sĩ Hòa còn cho biết, Trại có 4 chó đực để phối giống và 30 chó cái. Thường thì chó cái đẻ khoảng 2 lứa. Mỗi lứa sinh được 4-5 chó con. Tỷ lệ đực cái khi sinh ra, bình quân là 1:1. Còn tỷ lệ nuôi sống sau khi sinh lên đến 95%.
Không rõ ở các nơi khác nuôi chó Phú Quốc thế nào, nhưng ở Trại nuôi chó của công ty Vương Trung Sơn, chó ở đây thấp con và đào hang hố rất dữ. Một chú chó đã đào thủng luôn nền xi măng của chuồng nuôi thông ra ngoài. Một chú khác đào sâu luôn chuồng nuôi thành một cái hang và... ẩn mình trong đó, thò cái đầu vàng ệch ra ngoài nhìn khách tham quan Trại một cách vô tư!
Trong khi đó, ngay tại TP.HCM cũng có một trại nuôi chó Phú Quốc...
Chó Phú Quốc về thành phố
Đó là Trại nuôi chó Phú Quốc của Lương y Trịnh Hiền Hữu, thường gọi là Sáu Hữu, năm nay trạc 60 tuổi.
Ngoài nghề xem mạch, bốc thuốc ở nhà riêng tại P.12, Q.6 –TP.HCM, ông Sáu Hữu còn nhiều thú đam mê khác mà nuôi chó Phú Quốc là một.
Lương y Trịnh Hiền Hữu trong trại nuôi chó ở Củ Chi - TP.HCM
Theo lời ông Sáu Hữu, ông mê chó Phú Quốc từ năm 1968 sau khi được một người bạn từ Phú Quốc mang vào Thành phố cho ông một chú chó Phú Quốc.
Từ năm 2000, khi bắt đầu râm ran thông tin về chó Phú Quốc đã bị tuyệt chủng, ông Sáu Hữu đã lặn lội ra Phú Quốc và đi khắp đảo để tìm mua lại những chú chó Phú Quốc đang nuôi ở những gia đình trên đảo.
Nói chuyện với ông Sáu Hữu về chó Phú Quốc, có thể nghe ông nói cả ngày không chán. Ông Sáu Hữu còn phân biệt được chó Phú Quốc nhưng là chó Phú Quốc thuộc vùng nào ở Phú Quốc như chó Bắc Đảo, Cửa Cạn hay Cửa Lò...  
Hiện nay, Trại nuôi chó Phú Quốc của lương y Trịnh Hiền Hữu đặt tại Tân An Hội, Củ Chi đang nuôi gần 50 chú chó Phú Quốc mà theo ông, đều là những chú chó Phú Quốc rặt giống đưa từ đảo Phú Quốc về nuôi, cho phối giống và sinh sản.
Những chú chó Phú Quốc được nuôi ở đây, ngoài xoáy lông đặc trưng thường thấy, chúng còn có đặc điểm dễ nhận ra là chân cao và bụng thon. Phần bụng ngay 2 chân sau đều hóp lại, na ná như loại chó săn thường thấy ở các phim nước ngoài.
Nhìn kỹ vào mắt của chúng, trông rất “tợn”. Dân nuôi chó gọi đây là “mắt cọp”.
Ông Sáu Hữu cho biết, một chú chó nuôi ở Trại này được định giá vốn là 2 triệu đồng một con 3, 5 tháng tuổi. Tuy nhiên, đối với dân nuôi chó chuyên nghiệp, giá cả còn tùy... vào cái sự thích của người mua, chứ không thể nói giá được.
Ông Sáu Hữu kể, một người nuôi chó đã từng vào Trại ông để ngắm chó. Ngắm xong, người này chọn một con xoáy đuôi ngựa và tỏ vẻ quyến luyến chú chó có xoáy lông đặc biệt này. Ông Sáu Hữu nói, 1.000 USD. Không nói, không rằng, người này móc ví, chồng đủ...
Chó Phú Quốc... Phú Lâm, Phú GIáo hay Phú Hòa Đông?
Thế nhưng, thế nào là chó Phú Quốc rặt giống?
Xem ra, dân nuôi chó và một số nhà khoa học chỉ còn có thể trông vào chòm lông xoáy đặc biệt được cho là chỉ có ở chó Phú Quốc. Thế nhưng, cả bác sĩ thú y Nguyễn Thị Minh Hòa (Công ty Vương Trung Sơn) và ông Sáu Hữu đều tiết lộ, cho dù cho hai con chó Phú Quốc có xoáy lông rất đẹp, giao phối với nhau, chưa chắc đã cho ra chó có xoáy lông.
Tỷ lệ chó sinh ra có xoáy lông chỉ vào khoảng hơn 40% mà thôi.
Do đó, nếu người mua chó Phú Quốc chỉ căn cứ vào đặc điểm này thì “thua””là cái chắc. Ông Sáu Hữu nói vui, có khi đó không phải là chó phú Quốc mà là chó... Phú Lâm, Phú GIáo hay Phú Hòa Đông cũng không chừng!
Còn cái màng giống màng chân vịt ở chó Phú Quốc?

 

Bác sĩ thú y Phạm Anh Dũng, Đội phó Đội Động vật thuộc Thảo Cầm Viên Sài Gòn tin là, chó Phú Quốc có màng giống chân vịt.
Còn ông Sáu Hữu kịch liệt phản bác “huyền thoại””này. Theo ông, chó nào mà không có cái màng ở chân nếu như bành chân nó ra. Cái khác là ở chổ, vẫn theo ông Sáu Hữu, nhìn kỹ, sẽ thấy bàn chân của chó Phú Quốc khi đứng sẽ chụm hẳn lại theo một thế rất vững, từa tựa như bàn chân cọp.
Theo ông Sáu Hữu, chó Phú Quốc sở dĩ bơi nhanh hơn những loài chó khác vì kiểu bơi của nó hơi tương tự kiểu bơi trườn sấp
Tóm lại, không ai chắc thế nào là chó Phú Quốc nếu chỉ dựa vào xoáy lông và cái màng chân vịt ở chân chó.
Như vậy, chỉ còn cách phân tích gen chó Phú Quốc xem có gì khác biệt so với chó cỏ (chó nhà) hoặc các loài chó khác. Đưa cho Thạc sĩ Nguyễn Văn Biện, người đã nhiều năm khảo sát về chó Phú Quốc xem mẫu thông tin trên một số báo, nói ông đã nghiên cứu ADN của 500 con chó Phú Quốc. Ông Biện cười xòa, kinh phí đâu mà làm dữ vậy!

 
 
Thạc sĩ Biện cho biết, phân tích gen chó Phú Quốc hiện chưa làm được do tốn kém và phức tạp.
Ông mong muốn, sẽ có một bộ kít thử giống như bộ kít thử tôm bệnh. Chỉ cần lấy một mẫu tế bào ở chó, phết vào bộ kít nó sẽ hiện thị ngay kết quả, đây có phải là chó Phú Quốc không?
Cho tới nay vẫn chưa có nghiên cứu, phân loại chó nhà VN, cũng như nguồn gốc của chúng.
Có ý kiến cho rằng chó nhà ở miền Nam có thể là từ chó hoang Phú Quốc mà ra. Còn chó nhà ở miền núi phía Bắc có thể có nguồn gốc từ sói đỏ vì chó ở miền núi có đuôi thẳng như chó sói.
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là giả thuyết...
Chưa nguy cấp nhưng thuộc diện phải bảo tồn gen

Theo TS Võ Văn Sự, Trưởng bộ môn động vật quý hiếm và đa dạng sinh học (Viện Chăn nuôi), chó Phú Quốc không được đưa vào Sách đỏ VN do chưa có nguy cơ tuyệt chủng.
Tuy nhiên, chó Phú Quốc là một trong 60 giống vật nuôi nội địa  nằm trong Đề án Bảo tồn quỹ gen vật nuôi quốc gia.
Đề án này được tiến hành từ những năm 1990.
Theo đó, chó Phú Quốc được Viện Chăn nuôi theo dõi để bảo tồn gien. Nếu phát hiện chúng trong tình trạng nguy cấp thì phải có biện pháp xử lý tức thời.
Trên thế giới có khoảng hơn 400 giống chó khác nhau, trong đó có 50 giống phổ biến, chiếm 90% số lượng chó trên thế giới. Thế nhưng, chỉ có ba quần thể chó có đặc tính xoáy lưng là chó Phú Quốc Việt Nam, chó xoáy lưng Thái Lan và chó xoáy lưng Phi châu.
Nguồn gốc chó Phú Quốc: Chưa có lời đáp rõ ràng...


Về hình thức, chó Phú Quốc Việt Nam và chó xoáy lưng Thái Lan có nhiều điểm giống nhau.
Riêng chó xoáy Phi Châu có những khác biệt rõ hơn như khá lớn con (30 -39kg), tai lớn và cụp và do tính hung dữ, nó còn có biệt danh là chó săn sư tử Phi châu. Còn chó Phú Quốc còn có tính thân thiện với con người, rất thính, giữ nhà tốt, bắt chuột giỏi.
Hai nhà khoa học Mỹ, Merle Wood và Merle Hidinger, cho rằng xoáy lưng từng chỉ có ở giống chó xoáy miền Đông Thái Lan và giống chó xoáy Châu Phi. Do đó, những cái xoáy lưng trên giống chó Phú Quốc hiện nay chắc chắn bắt nguồn từ giống chó Thái.
Cách đây ít nhất 400 năm, những ngư dân Thái Lan đã vô tình trở thành các nhà tạo giống khi họ tới đánh bắt hoặc buôn bán ở vùng biển Phú Quốc.
Tuy nhiên, ThS Nguyễn Văn Biện thuộc ĐH Cần Thơ đã phản biện lại giả thuyết trên. Ông nói, giả thuyết trên là vô lý vì cách đây 400 năm các ngư phủ Thái Lan không thể vượt 400-500 cây số để tới vùng biển Phú Quốc... 
Nông Khắc Ý - Minh Sơn - Hương Cát
Nguồn: Vietnamnet
 
Chó Phú Quốc - xưa và nay !
Cách đây hơn một thế kỷ, chó Phú Quốc đã được những người yêu chó đem về châu Âu và trở thành món quà quý ở Vườn bách thảo Paris. Năm 1894 tại cuộc triển lãm hoàn vũ Anvers, Vương quốc Bỉ, 2 con chó Phú quốc mang tên Xoài và Chuối của một người Pháp tên Gaston Hélouin đã đoạt giải nhất và nhì. Hai con chó đoạt giải được rao giá mỗi con từ 10 tỉ đến 15 tỉ đồng hiện nay.

Theo những tài liệu mà giáo sư - viện sĩ Dư Thanh Khiêm (thành viên của Hiệp hội Chó giống thế giới) cất công nghiên cứu và sưu tầm được, phong trào thi chó đẹp bắt đầu phát triển mạnh vào thập niên 1880. Bá tước Henri de Bylandt, với những hoạt động đa dạng trong giới yêu chó giống đã xuất bản cuốn sách về tiêu chuẩn chó đẹp. Sách được dịch ra ba thứ tiếng (Anh, Pháp, Đức). Trong cuốn sách này, ở cuối bản tiêu chuẩn chó Phú Quốc, bá tước đã chú thích câu sau: “Tôi đã có dịp chấm thi giống chó này tại Anvers, tôi rất ấn tượng bởi dải lông ở sống lưng. Tôi không hề biết một giống chó nào khác có lông mọc theo lối này cả”.

Thế giới đánh giá cao.

“Chó Phú Quốc - Niềm tự hào của Việt nam”. Đó là chủ đề của chuyên luận do giáo sư - viện sĩ Dư Thanh Khiêm chủ trì vừa diễn ra vào ngày 20-7 tại TPHCM. Cuộc trao đổi này đã thu hút đông đảo những người yêu chó và quan tâm đến giống chó Phú Quốc. Nhiều tài liệu quý đã được công bố.

Theo đó, sự thật về chó Phú Quốc được thế giới nhìn nhận và đánh giá cao cách đây hơn một thế kỷ qua những cuộc thi. Các tài liệu lưu trữ của giáo sư - viện sĩ Dư Thanh Khiêm chứng minh rằng: Các giống chó tham dự dogshow thời bấy giờ có giá từ 50 đến 100 quan Bỉ thì giá của mỗi con chó Phú Quốc là 25.000 quan. Và đây là giống chó đầu tiên có dải lông mọc ngược được thế giới nhìn nhận.

Ông Yves De Clercq, Giám đốc Điều hành Liên đoàn Quốc tế chó giống (FCI), đã xác nhận vào ngày 11-1 rằng: “Cơ quan FCI có 2 tập sách của bá tước Henri de Bylandt và quả thật chúng tôi đã có dịp ngưỡng mộ giống chó này, chó săn thỏ Phú Quốc hồi xưa khá phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay giống chó này không còn nằm trong danh sách những giống chó được FCI nhìn nhận”.

Những đặc tính ưu việt.

Nhiều giả thuyết đưa ra rằng nguồn gốc của chó Phú Quốc được cướp biển mang từ Úc châu đến. Nó cực kỳ tinh khôn, trung thành. Đặc tính phân biệt với các giống chó khác là có khung hình vuông, lưng thẳng, ngực nở, bụng thon. Chó Phú Quốc có một đường xoáy chạy thẳng trên sống lưng từ vai đến xương khung với bề ngang khoảng 1 - 2 phân, đuôi không quăn tít. Lông lưng xoáy lại cứng và dài hơn bình thường. Lúc đuổi mồi hoặc gặp đối thủ mạnh tấn công, ngay lập tức hàng xoáy dựng đứng lên như cái bờm ngựa. Tốc độ rượt đuổi con mồi đạt 60 km/giờ.

Khác với mèo, các giống chó đều sợ độ cao. Nhưng riêng chó Phú Quốc thì việc leo hàng rào, leo cây, leo tường là chuyện bình thường. Ông Jean-Jacques Dupas, Tổng Thư ký Hiệp hội Chó giống Pháp, đã rất ngạc nhiên khi biết được đặc tính này của chó Phú Quốc.

Chó Phú Quốc còn có thể sống tự lập bằng tự săn mồi, không cần đến con người để sống còn. Nó có thể tự làm hang để đẻ. Chó Phú Quốc rất dễ huấn luyện, được các chuyên gia xếp vào loại chó săn có cách chạy zig zag với khả năng hãm phanh để chuyển hướng mà các loại chó khác không có được. Đặc biệt chó Phú Quốc có thể bơi và lặn.

Chỉ còn 1% thuần chủng.

Chó giống có đăng ký thương hiệu trên thế giới hiện nay có giá thương mại rất cao, không ít chú chó giống có giá trung bình 10.000 USD/con. Trong khi đó, chó Phú Quốc của Việt Nam là một giống chó quý hiếm, được đánh giá cao nhưng lại không có sự đầu tư và quan tâm đúng mức, nếu không nói là giống chó này đang bị mai một dần theo thời gian. Nhiều chủ trang trại đầu tư nuôi chó Phú Quốc chủ yếu chạy theo lợi nhuận và đa phần phải bỏ cuộc. Theo đánh giá của các chuyên gia thì chó Phú Quốc hiện nay đang đứng bên bờ vực thẳm của hiểm họa tuyệt chủng, chỉ còn 1% thuần chủng chó Phú Quốc, số còn lại đã bị lai tạp các giống khác.

Trao đổi với chúng tôi, giáo sư - viện sĩ Dư Thanh Khiêm cho biết: “Để cứu vãn chó Phú Quốc, chúng ta cần gìn giữ và phát triển một số chó có dáng chuẩn với chất lượng cao. Xin phép chính phủ thành lập một Hiệp hội Chó giống cấp quốc gia. Bước tiếp theo sẽ xin gia nhập FCI. Và cuối cùng đăng ký thương hiệu. Có làm được những điều trên mới tránh được nguy cơ biến đổi gien và tuyệt chủng giống chó đặc biệt quý này”.

Và đây là ảnh con Phèn - được công nhận là một Phú Quốc thuần chủng:
Hình ảnh

(Theo http://www.nld.com.vn)
 
Ý kiến giáo sư Khiêm về hiện trạng não ruột của Phú Quốc 
Dư Thanh Khiêm
Hiệu trưởng Viện giáo dục Woluwe-Saint-Pierre - Bruxelles
Elevage de Mirjana  
 
Cái này có lẽ đã cũ, nhưng thiết nghĩ diễn đàn ta cũng nên phải có đầy đủ để sau này mọi người còn tiện lạm bàn về PQ, nên em spam luôn cho có anh có em với các diễn đàn khác nhá. :001_unsure:
Mời mọi người thưởng thức:

Một số bài báo viết về chó Phú quốc đã không ngớt khẳng định đó là một " động vật quý hiếm được thế giới nhìn nhận" và điều nghịch lý là không ít tay nuôi chó lại kêu gọi đi tìm "thương hiệu cho chó Phú quốc".

Vậy đâu là sự thật ?

Ngoài một số web Thái, Pháp, Ý, Tây ban nha đề cập đến giống chó này, Liên đoàn quốc tế chó giống, cơ quan quốc tế duy nhất mà trụ sở đặt tại Vương quốc Bỉ – với nhiều thành viên khắp năm châu – chưa hề chính thức nhìn nhận chó Phú quốc. Đó là một sự thật không thể chối cãi.

Nuôi chó giống, dự thi các dogshow cấp quốc gia, quốc tế và thế giới để tranh giải vô địch là nỗi đam mê từ hơn 30 năm qua nhưng tôi không may mắn được gặp qua một người đồng hương nào có thú này trong những lần dự thi ở Pháp, Đức , Ý, Luxembourg, Hoa kỳ…

Trong thập niên 1980, một anh bạn đã lặn lội ra Phú quốc tìm chó giống với mục đích mang qua Bỉ giao cho tôi phụ trách thủ tục để chó được nhìn nhận. Thất bại lần thứ nhất vì không đi ra khỏi cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Vài năm sau một anh bạn khác đã mang đến tận sân bay Bangkok và chó bị tịch thu tại đó. Song song với việc này, một anh rể VN hăm hở viết kịch bản để quay một phim tài liệu về chó Phú quốc. Những nhiệt tình đóng góp của chúng tôi được kết thúc qua tiếng thở dài của anh bạn vài năm sau : "Trễ rồi bạn ơi, chó Thái đã được nhìn nhận, mình đành bó tay thôi !".

Tôi không muốn khoanh tay ngồi nhìn vì giải pháp vẫn còn đó, nhưng chúng ta cần chung sức để cùng nhau làm việc.

Nguồn gốc chó Phú quốc:

Những người am tường về chó Phú quốc thường dựa theo việc chó có tên trong từ điển Larousse nhưng đã có nhà giáo hỏi tôi tại sao tìm mãi không thấy. Phần hai của từ điển Petit Larousse được dành cho các địa danh, những nhân vật nổi tiếng trên thế giới và hoàn toàn không có tên chó Phú quốc. Thật ra phải tìm trong cuốn từ điển Larousse du chien, loại bỏ túi và hiện không còn lưu hành, mới có một bài viết khá ngắn gọn: chó Phú quốc được bọn cướp biển(1), có lẽ vào thế kỹ 17 hoặc 18, mang đến đảo và có gốc gác với cho hoang dingo của Úc châu.

Theo tôi, quan điểm này có thể duoc rút ra từ bài báo « Cho dao Phu quôc », bài đầu tiên viết về đề tài này và xuất bản ngày 21 tháng 11 năm 1891 của ông E. Oustalet. Theo tác giả trước đó, F. Doceul, môt quan chức cua chinh quyền Pháp, đã đưa về Viện Bảo tàng Vạn vật học Paris ba chó Phú quốc, hai đực và một cái. Ông Oustalet đưa ra giả thuyết chó Phú quốc và dingo có họ hàng vì đã tìm thấy những loại chó tương tự ở những đảo giữa hai nước. Nếu nhìn vào cấu trúc tổng thể của chó dingo và Phú quốc thì lời giải thích hoàn toàn hợp lí vì chúng ta quá đặt nặng một trong những đặc tính của chó, đó là dải lông mọc ngược (tôi không muốn dùng từ « xoáy ») trên sống lưng. Giả thuyết này cho phép ông Oustalet giải thích sự có mặt của một động vật có vú ở một châu lục mà hầu hết mọi động vật đều là những thú có túi (marsupiaux).

Một ẩn số khác là việc Larousse dùng từ flibustiers – bọn cướp biển vùng Caraïbes – để chỉ những người mang chó đến VN. Cho đến nay tôi vẫn chưa tìm ra đáp án.

Chó Thái & chó Phú quốc

Ba giống chó – Rhodesian ridgeback(2), chó Thái lan(3) và chó Phú quốc – cùng có dải lông mọc ngược trên sống lưng, nhưng theo tôi, lại không có liên quan gì với nhau vì cấu trúc, trọng lượng, hình dáng – đầu, chiều cao – đều khác biệt.

Chúng ta nên hiểu nguồn gốc dải lông này như một sự sàng lọc của thiên nhiên :Trong cuộc sống hoang dã với những cuộc tranh đấu sống còn, mọi động vật cần áp đảo đối thủ bằng nhiều cách, con người thì phùng mang trợn mắt, thú vật thì gầm gừ và xù lông. Với định luật đào thải tự nhiên, những con thú có gène dải lông mọc ngược là những động vật được thiên nhiên ưu đãi.

Lời cảnh báo của họa tuyệt chủng

Trước đây qua nhiều thế kỷ, luật đào thải tự nhiên đã đóng vai trò giúp chó Phú quốc được bảo tồn qua nhiều thế hệ nhưng hiện nay, chó đã trở thành một «thương phẩm» nên hiểm họa tuyệt chủng có nguy cơ trở thành một thực tế.

1. Nguy cơ thứ nhất : ai là chuyên gia về chó?

Ở các nước Âu châu, cứ mỗi lần một giống chó trở nên thời thượng là các chuyên gia lên tiếng cảnh báo về khả năng suy thoái. Thí dụ điển hình là chó berger Đức với căn bệnh trật khớp xương chậu (hip dysplasia HD) vô phương cứu chữa(4). Riêng về chó Phú quốc, chúng ta lấy gì đảm bảo những con chó giống của các trại nuôi là thuần chủng? Và thế nào là thuần chủng? Chúng ta có thể so sánh những con chó hiện nay với tổ tiên nó trong những bức hình của thế kỹ thứ 19 để xem sự khác biệt?

Muốn làm một tay nuôi chó đúng nghĩa là một điều vô cùng khó khăn vì phải có những kiến thức của:

- một bác sĩ thú y, có khả năng chẩn đoán bệnh, chích ngừa, đỡ đẻ, giải phẩu khẩn cấp trường hợp bao tử có vấn đề sau bữa ăn,

- một nhà tâm lý học thú y để hiểu những phản ứng của chó, một động vật lãnh thổ - phản ứng đối với những chó lạ trên đất mình hoặc trên đất
lạ, và một động vật sống trong đàn mà chủ đàn phải là người nuôi chó,

- một nhà di truyền học, nắm rõ những quy luật để phối giống (inbreeding, linebreeding, outcross...),

- một nhà nghiên cứu về chó có lối nhìn sắc bén để nhận ra những lỗi lầm cũng như những ưu điểm của mỗi con chó để có thể quyết định việc phối giống hợp lý.

2. Nguy cơ thứ hai: Sức ép kinh tế

Trước nhu cầu ngày càng tăng về chó Phú quốc, các nhà nuôi chó sẽ bị sức ép của đồng tiền và sẽ nhân giống đại trà và một cách cẩu thả, trong khung cảnh kiến thức còn thiếu sót. Mai đây chúng ta sẽ có vô số chó bị lỗi (défaut) vì các gène thoái hóa trở nên trầm trọng.
Nhân giống chó Phú quốc hoàn toàn không có nghĩa là bảo vệ giống chó đó mà ngược lại góp phần hủy diệt nó.

3. Nguy cơ thứ ba: Đi sai đường

Việc chúng ta đi tranh cãi với Thái lan về sự khác biệt giữa hai giống chó là một điều hoàn toàn vô ích. Nếu giống chó của họ được nhìn nhận, đó chẳng qua là nhờ sự giúp đỡ của Nhật bản. Riêng chúng ta đủ bản lãnh để làm việc này.

Ngoài ra, những nhà nuôi chó hiện nay muốn “thương hiệu” chó Phú quốc được nhìn nhận với hy vọng tha hồ hốt bạc. Đó chỉ là một ảo tưởng.

Các chuyên gia về chó có thể bỏ ra những số tiền khổng lồ (5) để có thể có một con chó đọat danh hiệu vô địch. Những chú chó này phải có giấy khai sinh chính thức (pédigrée) và hội đủ những điều kiện để tham dự một dogshow, những việc mà trong điều kiện hiện tại chúng ta chưa thể có.

Giải pháp nào cho chó Phú quốc?

Trước mắt, các nhà nuôi chó phải có tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn chó giống, loại bỏ không thương tiếc những con có những lỗi sau:

-Mí mắt từ đen trở ra trắng, hậu quả của sự phối giống đại trà : gène thoái hóa.

-Răng của hai hàm phải chạm nhau như hình cái kéo, không được hô, hoặc hàm dưới lồi ra. Răng phải đủ, không thiếu những PM 1, 2, 3.

-Tinh hoàn chỉ có một: gene thoái hoá .

-Nhìn từ phía đuôi, hai chân sau không thẳng có xu hướng xòe ra như cẳng vịt. Hai chân trước không thẳng.

-Lưng bị lõm xuống.

-Từ 15 đến 18 tháng tuổi, ngực phải sâu xuống tận khuỷu chân trước. Khoảng cách giữa hai chân trước ở phần ngực phải đủ lọt hai hoặc ba ngón tay.

Đặc điểm và cũng là yếu điểm quan trọng nhất của chó Phú quốc là tính hoang dã. Trong hoàn cảnh hiện tại chúng ta không thể nào đủ khả năng để cho tham dự một dogshow nào. Vấn đề xã hội hóa (điều kiện hóa) chó phải làm ngay từ bây giờ.

Một yếu tố quan trọng khác trong việc lựa chọn là việc quan sát chó lúc chạy nhưng đó là việc của những nhà chuyên môn.

Trong một tương lai mà tôi hy vọng gần đây, chúng ta phải tổ chức một cuộc hội thảo về chó Phú quốc, trao đổi những kinh nghiệm và tôi sẳn sàng đưa ra những bước đi cần thiết để chó Phú quốc được thế giới nhìn nhận. Chừng nào chúng ta sẽ lập hội đồng xác nhận những con chó tiêu biểu nhất để nhân giống?

Chó Phú quốc là một di sản của tiền nhân mà tất cả mọi người Việt đều có bổn phận gìn giữ và phát huy. Đọan đường chúng ta đi sẽ phải đến Vương quốc Bỉ. 

Bản tiêu chuẩn số 001/VN/20.09.2009 của VKA
(Hiệp Hội Những Người Nuôi Chó Giống Việt Nam)

CHÓ PHÚ QUỐC
Zoom in (real dimensions: 800 x 726)Hình ảnh
Nguồn gốc: Đảo Phú Quốc, Việt Nam.
Ngày thông qua bản tiêu chuẩn gốc có hiệu lực: 20.09.2009
Công dụng: làm chó săn kết hợp giữa tốc độ và khứu giác.
Phân loại:
Nhóm 5: Những giống chó cổ xưa và chó Spitz.
Phân nhóm 8: Các giống chó săn nguyên thủy có dải lông mọc ngược trên lưng.
Không sử dụng làm chó nghiệp vụ

Sơ lược về lịch sử:

Chó Phú Quốc là một giống chó nguyên thủy, đã được nuôi từ rất lâu trên đảo Phú Quốc, thuộc vùng biển của tỉnh Kiên Giang, Việt Nam để hỗ trợ con người đi săn và canh gác. Do có vị trí địa lý biệt lập với đất liền, nên giống chó này không bị lai tạp với các giống chó khác.

Một số cá thể chó Phú Quốc đã được người Pháp mang về châu Âu để giới thiệu từ cuối thế kỷ 19. Trong đó, có hai cá thể chó Phú Quốc là Xoài (con đực) và Chuối (con cái), sinh năm 1892 và thuộc sở hữu của một người Pháp tên là Gaston Helouin sống tại Helfaut, Pas-de-Calais, miền bắc nước Pháp.

Xoài và Chuối đã đoạt giải nhất và nhì trong một cuộc thi chó tổ chức tại thành phố Lille, nước Pháp và đã được chọn để tham gia cuộc triển lãm chó Hoàn Vũ diễn ra trong trong ba ngày 14, 15 và 16 tháng 7 năm 1894 tại Anvers, vương quốc Bỉ.

Đây là giống chó duy nhất có dải lông mọc ngược và là một trong 316 giống chó đầu tiên có bản tiêu chuẩn được ghi nhận trong cuốn sách “Les races de chiens” của bá tước Henri de Bylandt, xuất bản năm 1897.

Ngoài ra, còn có 3 cá thể khác đã được nuôi tại dưỡng tại Vườn thực vật Paris (Pháp). Chúng đã được nhà động vật học Emile Oustalet xem xét và nghiên cứu và nhìn nhận như là tổ tiên của giống chó Dingo tại Úc Châu.

Trong nỗ lực duy trì và bảo tồn giống chó này, Hiệp Hội Những Người Nuôi Chó Giống Việt Nam (Vietnam Kennel Association – VKA) đã tái lập và thông qua bản tiêu chuẩn của giống chó Phú Quốc dựa trên bản tiêu chuẩn cổ của Bá tước Henri de Bylandt.

NGOẠI HÌNH CHUNG:

Có hình dáng tổng thể của loài chó săn đuổi mồi nhưng có đầu và thân mình nặng hơn. Chúng có kích thước trung bình với khung xương nằm trong một hình vuông. Cơ thể gọn gàng nhưng rất rắn chắc, các cơ bắp nở nang.

TÍNH CÁCH VÀ KHÍ CHẤT:

Rất cảnh giác. Có thể lực tốt và rất linh hoạt và bền bỉ khi săn mồi. Có tốc độ khá nhanh, có khả năng thay đổi tốc độ và hướng chạy một cách đột ngột, đặc biệt trong những khoảng không gian ngắn, chật hẹp. Không sợ độ cao, có thể leo trèo, nhảy cao rất tốt, bơi lội giỏi.

Rất thân thiện với con người, thích hợp nuôi để đi săn và làm bạn trong gia đình.

CÁC TỶ LỆ QUAN TRỌNG:

Chiều cao tới vai:Chiều dài cơ thể là 1: 1
Chiều dài toàn đầu:Chiều dài mõm là 2: 1
ĐẦU: Thon, dài vừa phải và cân đối.

VÙNG HỘP SỌ:

Hộp sọ: Hơi cong khi nhìn ngang, bằng phẳng khi nhìn từ trên xuống.
Trán: Có những nếp nhăn dọc theo đầu khi đang chú ý.
Điểm tiếp giáp giữa sống mũi và trán: hơi cong nhẹ.

VÙNG MẶT:
Mũi: Mũi có màu đen.
Sống mũi: Thẳng.
Mõm: Hình chữ V, gốc mõm khá rộng. Sống mõm thuôn đều và hơi tròn. Mõm dài bằng nửa chiều dài toàn đầu.
Môi: Gọn gàng, khép chặt và có màu đen.
Lưỡi: Có đốm màu đen. Chó có lưỡi đen hoàn toàn được ưa chuộng hơn.
Hàm: Hàm trên và hàm dưới chắc khoẻ. Xương hàm tương đối thẳng và dài.
Răng: Đầy đủ, rất phát triển và chắc khoẻ. Các răng cửa cắn khít vào nhau hình cắt kéo.
Mắt: Có kích thước trung bình, hình hạnh nhân. Mắt có màu đen tới màu nâu tối. Mắt màu vàng hổ phách có thể được chấp nhận. Mi mắt và viền mắt phải có màu đen. Mắt không quá sâu hoặc quá lồi, không được nằm thấp và xệ quá.
Tai: Nằm hai bên hộp sọ, dựng đứng như hình vỏ sò và hướng về phía trước. Tai to vừa phải, cân đối, không nhọn lắm, phía trong tai ít lông.

CỔ: Dài và mềm mại, linh hoạt, khoẻ, nở rộng về phía vai giữ cho đầu ngẩng cao, hướng chếch lên so với xương sống. Da ở phía dưới cổ căng, không có diềm cổ.

GIỌNG SỦA: Chói tai.

THÂN MÌNH

Lưng: Thẳng và chắc khoẻ.
Hông: Chắc khoẻ, rất phát triển. Nhìn nở nang, rắn chắc và thon thả.
Mông: Không dốc lắm.
Ngực: Ngực sâu, nhưng không quá rộng. Hình dáng lồng ngực không phẳng nhưng cũng không tròn. Chó trưởng thành có ngực sâu đến khuỷu chân trước. Xương sườn khỏe, các xương xếp sát vào nhau.
Bụng: Rất thon.

ĐUÔI: Ngắn, cong hình cánh cung, rất linh hoạt. Độ dài của đuôi không chạm tới kheo chân sau. Đuôi thẳng tự nhiên tiếp theo phần cuối của xương sống. Khi dựng lên thì chóp đuôi không cong tới sống lưng. Gốc đuôi tròn dày và thon dần về phía đầu của đuôi.

CHÂN

HAI CHÂN TRƯỚC:
Chân trước: Hai chân thẳng tắp và song song với nhau khi nhìn từ phía trước cũng như phía bên, cách nhau vừa phải. Khuỷ chân nằm sát thân mình, không hướng vào trong cũng như ra ngoài.
Vai: Nổi rõ và xiên.
Cổ chân: Thẳng khi nhìn từ phía trước, nghiêng không đáng kể khi nhìn từ phía bên.
Bàn chân: Khá dài, hình bầu dục, có đệm chân dày.
Ngón chân: Chụm và khít và nhô cao.
Móng chân: Màu đen. Với chó màu vàng, móng chân có thể có màu nâu và phù hợp với màu lông.

HAI CHÂN SAU:
Bắp đùi: Rất nở nang, cơ bắp và săn chắc.
Khuỷu chân sau: Chắc khoẻ, góc gấp khúc vừa phải.
Cổ chân sau: Thẳng và song song khi nhìn từ phía sau.
Bàn chân sau: Dài vừa phải, hình bầu dục, có đệm chân dày.
Ngón chân sau: Chụm khít và nhô cao. Chó có móng đeo cần cắt bỏ.
Móng chân: Màu đen. Với chó màu vàng, móng chân có thể có màu nâu và phù hợp với màu lông.

CHUYỂN ĐỘNG:

Bước chạy nhẹ nhàng, khoan thai nhưng vững chắc. Với tốc độ trung bình thì các bàn chân tạo thành hai đường thẳng song song trên mặt đất. Các chân không đá vào trong cũng như ra ngoài. Khi nhìn từ phía trước, hai chân trước và sau di chuyển lên xuống trên một đường thẳng, vì thế vai, khuỷu chân trước và khớp nối cổ chân phối hợp với nhau gần như trên một đường thẳng. Khi nhìn từ phía sau, khuỷu chân sau và khớp háng cũng phối hợp với nhau trên một đường thẳng. Cách chạy đó làm cho sải chân trông dài, khoan thai nhưng mạnh mẽ hơn. Sự vận động một cách toàn diện của con chó phải nhịp nhàng và cân bằng. Khi chạy nước kiệu, đầu chó phải luôn ngẩng cao, đuôi chó cũng vểnh cao trên lưng.

DA:

Tương đối mỏng và căng, ôm sát vào các cơ bắp. Không có diềm cổ.

LÔNG

Lông ngắn và cứng, ôm sát vào thân mình. Chiều dài lông ngắn hơn 2cm. Loại lông nhung không được chấp nhận.

Bờm lưng là một dải lông mọc ngược dọc theo sống lưng. Màu của lông trên bờm lưng sậm hơn và nhìn nổi rõ trên lưng .

Bờm lưng có hình dạng khác nhau, nhưng phải đối xứng qua xương sống và có độ rộng không vượt quá độ rộng của lưng. Chiều dài bờm lưng lớn hơn 1/2 chiều dài của lưng.

Trên bờm lưng có các xoáy tròn nằm ở phía đầu của dải lông mọc ngược. Các xoáy tròn nằm ở các vùng khác trên bờm lưng vẫn được chấp nhận nếu đối xứng.

Màu lông: thuần nhất, bao gồm các màu sau:
- Màu đen.
- Màu vàng, bao gồm các khoảng màu từ đỏ đến vàng. Màu vàng có mặt nạ đen là màu được ưa chuộng. Màu vàng với đầu các sợi lông có màu đen không được ưa chuộng.
- Màu vện với các sọc đen trên nền màu vàng.

CHIỀU CAO:
Chó đực: chiều cao tính đến vai từ 50 đến 55cm.
Chó cái: chiều cao tính đến vai từ 48 đến 52cm

Chênh lệch cao hoặc thấp hơn tiêu chuẩn 2cm có thể được chấp nhận.

TRỌNG LƯỢNG:

Từ 15 đến 20 kg với chó đực và từ 12 đến 18 kg với chó cái. Chó cần phải có chiều cao và cân nặng tương xứng với nhau.

LỖI: Những gì khác biệt với các đặc điểm đã nêu ở trên sẽ bị xem là lỗi. Phải xem xét mọi chi tiết một cách nghiêm ngặt và đánh giá trong tổng thể chung và mức độ ảnh hưởng của những lỗi đó đến sức khoẻ và chức năng của con chó.

CÁC LỖI NGHIÊM TRỌNG CẦN PHẢI LOẠI BỎ:
Quá dữ tợn hoặc quá nhút nhát.
Không có dải lông mọc ngược.
Bị bệnh u nang biểu bì (Dermoid Sinus Cyst - DSC).
Thiếu các răng tiền hàm PM 1-2-3.
Mũi và môi không phải màu đen.
Mắt: Mi mắt không có màu đen, chảy xệ. Viền mắt trở ra trắng. Màu mắt nhạt (vàng, xanh…). Hai mắt khác màu nhau.

Các con chó có các đặc điểm bất thường về hình thể và và thần kinh cần phải loại bỏ.

Chú ý: Chó đực phải có đầy đủ hai tinh hoàn nằm trong bìu dái.
Nguồn: Yeuthiennhien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét