XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

LỊCH SỬ SƠ LƯỢC LÀNG PHÚ LĨNH, XÃ VĨNH TIẾN, HUYỆN VĨNH LỘC TỈNH THANH HOÁ

Làng Phú Lĩnh còn có tên là Phú Sơn. Làng nằm sát bên dòng sông Mã và lại có một quả núi nhỏ và thấp quen gọi là núi Phú Lĩnh. Nhưng núi Phú Lĩnh cũng liền một dãy với núi Ngưu Ngoạ (trâu nằm) của làng Thọ Đồn (xã Vĩnh Yên).
Làng Phú Lĩnh có Chùa Linh Giang, cách Thành Nhà Hồ khoảng 1,5 km về phía Tây. Chùa nằm sát bờ sông Mã, Tiền Đường ngoảnh hướng Tây, lưng tựa vào núi Phú Sơn (hay còn gọi là núi Phú Lĩnh). Nơi đây, phong cảnh hữu tình, sản vật phong phú, đất đai màu mỡ. Có lẽ, người xưa cho rằng đây là nơi hội tụ, hun đúc khí thiêng.
Chùa Linh Giang được xếp hạng Di tích Kiến trúc văn hóa Nghệ thuật cấp tỉnh tại Quyết định số 460/QĐ ngày 08 tháng 11 năm 2000. Theo các cụ già trong làng kể lại, đất chùa xưa kia rộng rãi, chiếm giữ cả một góc sườn đồi và cánh bãi phù sa phía trước chùa. Phía Bắc là khu Văn Chỉ, phía Nam là đình làng Phú Lĩnh, Bến Ngự và bến đò Thổ Sơn, phía Đông dựa vào sườn núi Phú Lĩnh. Chùa ngoảnh về hướng tây (Tây Trúc), phía trước là dòng Mã Giang, bên kia bờ là làng Xổ, thuộc xã Quý Lộc, huyện Yên Định. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, chùa Linh Giang còn cổng Tam quan, gác chuông, Phật đường, nhà Tổ, nhà Mẫu. Trong chùa có rất nhiều tượng Phật. Đặc biệt, phía trước chùa, gần Tam quan có hai cây thông cổ thụ cao tới mấy chục mét, đường kính gốc như chiếc nong đại, cỡ trên 1,5m.
Hệ thống thờ tự
Nhà Mẫu: thực ra, đây chính là ngôi nhà duy nhất của chùa Linh Giang xưa còn lại, nhân dân địa phương quen gọi là chùa Đá. Sau khi xây dựng xong ngôi Tiền đường, ngôi nhà này được chuyển sang thờ Mẫu.
Trong nhà có ba bệ thờ mới được xây trong những năm gần đây. Gian giữa thờ Mẫu Thiên (Mẫu Liễu Hạnh), gian bên phải thờ Đức Thánh Trần, có 3 long ngai, tượng Trần Triều ngồi trên long ngai đội mũ bình thiên, gian bên trái thờ mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Trong nhà còn một số đồ thờ và một chiếc chuông đồng nhỏ khoảng 10 kg. Tất cả tượng và đồ thờ, đồ tế khí đều mới.
Nhà Tiền đường: ngôi nhà này làm năm 2006, quay về hướng tây. Lớp trên cùng là ba pho tượng Tam Thế. Lớp thứ hai là tượng Thiên thủ, thiên nhãn. Cạnh hai bên là tượng Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, hai tay cầm cành hoa sen. Lớp thứ ba, ở giữa là tượng Phật A Di Đà, bên trái là tượng Dược Sư, bên phải là tượng Ngọc Hoàng. Lớp thứ tư, bên phải là tượng Đức Ông, bên trái là tượng Đức Thánh Hiền. Lớp thứ năm là tòa Cửu Long Thích Ca sơ sinh, phía dưới là chiếu để nhà sư tụng kinh và thực hành nghi lễ tôn giáo.
Toàn bộ tượng trong chùa mới được nhà chùa tạo dựng và Phật tử cung tiến. Tượng và các đồ thờ, đồ tế khí đều của thời đại mới, kỹ thuật tinh xảo, trang nhã, đẹp đẽ.
Nhà Tổ: nhà gồm bốn gian quay hướng nam, khép vuông góc với nhà Tiền đường, tạo hình chữ Đinh (J), dài 12 m, rộng 8 m. Nhà lợp ngói mũi, có chắn mái. Ba gian bên phải liên thông làm nhà thờ. Gian ngoài phía bờ sông được xây tường ngăn cách làm nhà ở cho chư Tăng. Trong ba gian nhà thờ, gian giữa lớp trên thờ Tổ Tây (Đạt Ma), có hai vị Thị giả hai bên. Gian bên phải là thờ tượng Hồ Chí Minh. Trong nhà còn một chiếc chuông đồng nhỏ mới đúc nặng khoảng 10 kg.
Phía trước sân chùa có một tượng Quán Thế Âm Bồ tát, chất liệu bằng xi măng cốt thép, tượng cao 2,4 m, đặt trên bệ xi măng cao 1 m. Sân chùa được lát gạch. Thấp thoáng trong sân chùa có mấy cây nhãn, cây xoan già, hai cây đại mới trồng cạnh cổng ra vào và một số loại cây khác. Rải rác dưới gốc cây, góc vườn, còn sót lại những con rùa đá, đá tảng kê cột nhẵn thín với mưa nắng của thời gian, khiến ta không khỏi ngậm ngùi nuối tiếc.
Chùa Linh Giang nằm trong một vùng một thời tấp nập ngựa xe, trên bến dưới thuyền, gửi gắm niềm tâm linh và tình cảm của hàng trăm thế hệ, đồng thời là chứng tích của biết bao những thăng trầm lịch sử.
Chùa Linh Giang là một địa chỉ, một mắt xích không thể thiếu trong quần thể Di tích Lịch sử Thành Nhà Hồ (Thành Nhà Hồ nằm giữa hai sông, sông Mã và sông Bưởi, hai sông gặp nhau phía Nam Thành nhà Hồ, Sông Bưởi nhập và sông Mã (cuối nước) tại Vĩnh Khang; Phía Bắc Thành là núi Thổ tượng (đầu non) trên nữa gần kề có chùa Lê Sơn Núi Quan Vịnh; Phía Nam Thành có núi Đốn Sơn (Núi Đún) có chùa Tường Vân (Chùa Giáng) dưới chân núi; Phía Đông Thành có núi Hắc Khuyển cạnh núi có Chùa Thái Bình (Chùa Bèo); Phía Tây Thành có núi Phú Sơn (Hắc khuyển kéo dài) nay gọi là núi Phú Lĩnh có chùa Linh Giang (tựa lưng vào núi quay mặt ra sông Mã)
Hiện nay làng Phú Lĩnh có:
- Diện tích: 72,2 ha, trong đó: Đất nông nghiệp 41,49 ha; Đất phi nông nghiệp 25,94 ha; Đất GTTL + nghĩa địa 3,25 ha; Đất chưa sử dụng 1,52 ha.
- Dân số: 605 người; số hộ: 183 hộ;
- Nhà văn hóa làng: Có; diện tích: 144 m2 ;
- Khu thể thao làng: Có; diện tích: 1.821 m2
- Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp Vĩnh Yên; phía Nam giáp thôn Thổ Phụ; phía Tây giáp Sông Mã; phía Đông giáp làng Xuân Giai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét