75 năm thủy lợi Việt Nam và 44 năm thủy lợi
Gia Lai
1/ 75 năm phát triển Thủy lợi Việt Nam
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt
đới gió mùa với hệ thống sông, suối dày đặc với gần 3.500 sông, suối có chiều
dài từ 10 km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình của tất cả các con sông
vào khoảng 843 tỷ m3, trong đó khoảng 520 tỷ m3 sản sinh ở bên ngoài lãnh thổ
(tương ứng 62% tổng lượng nước mặt), nguồn nước nội sinh trên lãnh thổ Việt Nam
vào khoảng 323 tỷ m3, tổng trữ lượng khai thác nước ngầm tiềm năng khoảng 48,5
tỉ m3/năm– tương đương khoảng 5,7% tổng lượng nước mặt, tập trung tại một số
lưu vực sông lớn, phân bố không đồng đều trong lãnh thổ dẫn đến tình trạng căng
thẳng về nước theo mùa với sự bất cân đối giữa cung, cầu và có xu hướng gia
tăng khó khăn cho công tác điều phối, phân bổ nguồn nước cho các mục đích phát
triển. Bên cạnh đó, nước ta là một trong các quốc gia hứng chịu thiên tai nhiều
nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, với xu hướng lũ lụt và hạn hán
gia tăng.
Cách đây 75 năm, ngày 28/8/1945, Chủ
tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông Công chính - cơ quan thực
hiện chức năng, nhiệm vụ về Thuỷ lợi của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa. Qua quá trình trưởng thành và phát triển, với nhiều chủ trương,
chính sách đúng đắn, hệ thống thủy lợi đã từng bước phát triển. Thời kỳ Pháp
thuộc, chúng ta mới chỉ có 13 hệ thống thủy nông phục vụ sản xuất nông nghiệp,
đến nay, đất nước đã có một hệ thống hạ tầng thủy lợi ngày càng hoàn thiện. Theo
kết quả điều tra, hiện có 4 công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt (Cửa Đạt,
Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng), 122 hệ thống công trình thủy lợi vừa và lớn
(hệ thống có nhiệm vụ tưới hoặc tiêu thoát nước cho 2.000ha trở lên). Nhiều hệ
thống công trình thủy lợi lớn đã được đầu tư, xây dựng đưa vào khai thác. Ở
phía Bắc có một số hệ thống tiêu biểu, như: Núi Cốc, Cầu Sơn - Cấm Sơn, Bắc Nam
Hà, Bắc Hưng Hải,… miền Trung, Tây Nguyên có công trình thủy lợi Cửa Đạt, Sông
Mực, Kẻ Gỗ, Thạch Nham, Phú Ninh, Đồng Cam, Biển Hồ, Krong Pak Thượng, Buôn
Joong… miền Nam có hệ thống thủy lợi Sông Ray, Dầu Tiếng - Phước Hoà, Đồng bằng
sông Cửu Long có hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp, Tứ Giác Long Xuyên,
Đồng Tháp Mười, Ô môn-Xà no, Nam Măng Thít…. Giai đoạn gần đây, nhiều hệ
thống công trình thủy lợi quy mô lớn đã và đang được đầu tư xây dựng từ
nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và vốn vay ODA, như: hồ chứa nước Bản
Mồng, Sông Sào, Ngàn Trươi, Rào Đá, Đá Hàn, Thác Chuối, Tả Trạch,
Định Bình, Vân Phong, Nước Trong, Tân Mỹ, Bản Lải; hệ thống thủy lợi
Phan Rí - Phan Thiết, Phước Hòa, Easup Thượng, Bắc Bến Tre, Cái Lớn – Cái Bé … đã từng bước
góp phần phục vụ hiệu quả sản xuất, dân sinh, góp phần thay đổi nhiều vùng đất,
từ khô cằn, thường xuyên bị ngập lũ, lụt, chua, phèn, nhiễm mặn trở thành những
vùng đất trù phú, thuận lợi cho sản xuất, dân sinh.
Pháp luật thủy lợi được hoàn thiện,
Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017 và có hiệu lực thi
hành từ ngày 01/7/2018 là văn bản pháp lý quan trọng để công tác thủy lợi phát
triển, định hướng đổi mới thông qua:
Nhà nước
tiếp tục đầu tư công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt, công trình thủy lợi
lớn, công trình ở vùng khó khăn; tổ chức cá nhân sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy
lợi đầu tư công trình thủy lợi nội đồng.
Vận hành hồ chứa thủy điện, vận hành
liên hồ chứa phục vụ thủy lợi, trong đó,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương
thực hiện việc điều tiết nước hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi trong trường
hợp hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ lớn. Đây là bước luật hóa các nội
dung công việc đã được ngành thủy lợi tham mưu giúp Chính phủ trong thời gian
hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đặc biệt giai đoạn Elnino 2014-2016, vụ Hè
Thu 2019 và vụ Đông Xuân 2020 vừa qua.
Chuyển đổi cơ chế “thủy lợi phí” sang
“giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi” là nội dung có tính chất quan trọng đột phá.
Thực hiện cơ chế giá sẽ làm thay đổi nhận thức của xã hội, từ thủy lợi “phục
vụ” sang “dịch vụ”; gắn trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ thủy lợi và bên sử
dụng dịch vụ thủy lợi; giúp người sử dụng dịch vụ hiểu rõ bản chất nước là hàng
hóa, coi dịch vụ thủy lợi là chi phí đầu vào trong sản xuất, nâng cao ý thức sử
dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Thực hiện cơ chế giá nhằm thu đúng, thu đủ từ
các đối tượng sử dụng dịch vụ thủy lợi phi sản xuất nông nghiệp, như: cấp nước,
phát điện, tiêu, thoát nước….
Cơ quan chuyên môn thuộc lĩnh vực
thủy lợi có thẩm quyền, trách nhiệm tham mưu, cấp phép xả nước thải vào công
trình thủy lợi, tạo sự thống nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ thủy lợi, bảo vệ
chất lượng nước trong công trình thủy lợi.
Đến nay, hệ thống văn bản hướng dẫn
thi hành Luật Thủy lợi đã được ban hành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, hiệu quả
trong thi hành Luật; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Thủy lợi Việt
Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thủ tướng Chính phủ, Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt gần 50 quy hoạch thủy lợi cho toàn
bộ các lưu vực sông, hệ thống công trình thủy lợi trên phạm vi toàn quốc làm cơ
sở đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi quốc gia.
Tổ chức quản lý nhà nước ở Trung ương
đã thành lập Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Cục quản lý
xây dựng công trình… trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực
hiện chức năng quản lý nhà nước về thủy lợi. Đến nay, tất cả các địa phương đã
thành lập Chi cục Thuỷ lợi. Ở cấp huyện, thành lập Phòng Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thuỷ
lợi. Nhìn chung, các cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi đã thực hiện tốt
chức năng tham mưu giúp việc cho các cấp lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành phục
vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Hệ thống đơn vị sự nghiệp trực thuộc
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có các đơn vị chủ lực, như Viện Khoa học
Thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam,
Trường Đại học Thủy lợi... Công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi,
công trình cấp nước sinh họa nông thôn đang từng bước đi vào nền nếp, phục vụ
tốt sản xuất, dân sinh. Hiện cả nước có khoảng 90 doanh nghiệp quản lý, khai
thác công trình thuỷ lợi, trong đó có 6 đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn quản lý các hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bắc Nam Hà,
các hồ Dầu Tiếng, Cửa Đạt, Tả Trạch, Ngàn Trươi. Về quản lý, khai thác công
trình thuỷ lợi nhỏ và hệ thống thủy lợi nội đồng, cả nước khoảng 17.000 tổ chức
thủy lợi cơ sở, bao gồm các loại hình chủ yếu là: (i) Hợp tác xã có làm dịch vụ
thủy lợi (Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và Hợp tác xã chuyên khâu thủy nông),
(ii) Tổ chức hợp tác (Hội sử dụng nước, Tổ hợp tác, Tổ, Đội thủy nông); và
(iii) Ban quản lý thủy nông. Quản lý cấp nước nông thôn có Trung tâm Quốc gia
nước sạch và VSMTNT (trực thuộc Tổng cục Thủy lợi), các Trung tâm nước sạch và
VSMTNT trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh; các tổ chức cộng đồng quản
lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.
Hệ thống thủy lợi được phát triển trong suốt quá trình lịch sử đất nước,
hiện nay có trên 900 hệ thống thuỷ lợi có quy mô diện tích phục vụ từ 200 ha
trở lên; trong đó, có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn với diện tích phục vụ
trên 2.000 ha. Tổng số công trình thủy lợi là 86.202 công trình, gồm: 6.998
đập, hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 0,05 triệu m3 và có chiều cao đập từ
05 m trở lên; 19.416 trạm bơm; 27.754 cống; 15.975 đập dâng; 16.057 đập tạm;
291.013 km kênh mương các loại (82.744 km kênh mương đã được kiên cố); 25.960
km đê các loại; 16.573 công trình cấp nước tập trung cấp nước sinh hoạt nông
thôn.
Công trình thủy lợi cấp nước tưới cho
khoảng 4,28 triệu ha/11,54 triệu ha (chiếm 36,5%) tổng diện tích đất canh tác
nông nghiệp, trong đó, hằng năm tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha/7,68 triệu ha
gieo trồng; cho cây trồng cạn 0,22 triệu ha/0,37 triệu ha gieo trồng (đạt 59%);
cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6 tỷ m3 nước cho sinh
hoạt, công nghiệp; dần nâng mức bảo đảm phòng chống lũ, chống ngập cho các đô
thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi cũng được khai
thác kết hợp với phát điện, giao thông thủy, bảo vệ môi trường. Hệ thống thủy
lợi giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc phục vụ sản xuất nông
nghiệp, góp phần quan trọng tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ,
cải tạo đất, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, đưa sản lượng
nông nghiệp Việt Nam từ chỗ không đủ cung cấp nội địa (bị thiếu đói vào năm 1945)
đến trở thành một trong nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu. Trên
88,5% số dân số nông thôn đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, (trong đó
51% sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn), với khoảng 44% dân số nông thôn được cấp
nước từ công trình cấp nước tập trung, 56% dân số nông thôn sử dụng công trình
cấp nước quy mô hộ gia đình.
Qua 75 năm phát triển, được sự quan
tâm của Đảng, Nhà nước, đóng góp của nhân dân, công tác thủy lợi đã đạt được
những kết quả to lớn, tuy nhiên, cũng bộc lộ những hạn chế, trước thách thức từ
biến đổi khí hậu, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội lớn, và nhiệm vụ bảo đảm an
ninh nguồn nước quốc gia.
Công tác quy hoạch thủy lợi chưa kịp
đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Quản lý khai thác công
trình thủy lợi, công trình hiệu quả chưa cao, hệ thống công trình chóng xuống
cấp; nhiều hồ đập, kênh mương bị xuống cấp, mức bảo đảm xả lũ giảm, công trình
cấp nước nông thôn hoạt động không hiệu quả, thiếu đồng bộ; nước trong hệ thống
công trình có nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng. Tổ chức, bộ máy, đặc biệt lực
lượng cán bộ quản lý khai thác ngày càng đông nhưng năng suất lao động không
được cải thiện. Khoa học công nghệ còn chưa chuyên nghiệp, chưa có động lực để
giải quyết tốt yêu cầu của thực tế.
Trong
sản xuất nông nghiệp mới chú ý đến cây lúa, còn cây trồng cạn và thủy sản là
lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có đóng góp giá trị gia tăng cao cho sản xuất
nông nghiệp lại chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phòng chống thiên tai
chưa quan tâm đúng mức đến quản lý rủi ro, giải pháp phòng chống thiên tai còn
nặng về giải pháp công trình nhưng còn nhẹ về giải pháp phi công trình. Công
tác dự báo, cảnh báo thiên tai còn đôi lúc chưa sát với thực tế, nhiệm vụ phòng
chống, thiên tai chưa lồng ghép tốt vào các nhiệm vụ phát triển. Hoạt động dịch
vụ nước còn mang tính bao cấp, chưa tạo được hoạt động theo hướng kinh tế thị
trường, hạn chế sự tham gia và phát huy tính chủ động, sáng tạo của khu vực
doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng và nhân dân tham gia. Phát triển bền vững cấp
nước nông thôn đòi hỏi sự tham gia của khu vực tư nhân, của cộng đồng và hộ gia
đình nhưng chưa có chính sách thực sự tạo động lực…
Một số vấn đề nổi cộm cần giải quyết
như hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, hạ thấp mực nước tại các lưu vực sông
ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh. Năm 2019, cùng thời điểm, khi
khu vực Miền Trung xảy ra hạn hán nghiêm trọng, thì Miền núi phía Bắc, Tây
Nguyên và Tỉnh Thanh Hóa lũ lụt, ngập úng gây thiệt hại lớn. Năm 2020, mặn xâm
nhập sâu, xuất hiện sớm và đạt mức kỷ lục tại Đồng bằng sông Cửu Long; các
tháng đầu mùa cạn, dòng chảy về Đồng bằng sông Hồng suy giảm, trong khi lượng
nước tích được tại các hồ chứa lớn thiếu hụt trầm trọng so với trung bình nhiều
năm. Hạ thấp mực nước sông vùng Đồng bằng sông Hồng tác động bất lợi đến hoạt
động lấy nước của hầu hết các hệ thống công trình thủy lợi lớn, làm gia tăng
tình hình ô nhiễm nguồn nước, gián đoạn giao thông thủy; hàng năm Vụ Đông Xuân,
các hồ chứa thủy điện phải điều tiết về hạ du khoảng 5 tỉ m3 nước.… Tại vùng
ĐBSCL, đo đạc giám sát gần đây cho thấy nguồn nước ngọt về vùng đồng bằng có xu
thế giảm, mặn đến sớm hơn, xâm nhập càng sâu vào các sông, sụt lún đất tại một
số khu vực làm gia tăng hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước trên diện rộng,
cũng như ngập lụt, úng, đặc biệt tại các đô thị, vùng dân cư tập trung. Đầu
tháng 4/2020, trên sông Cổ Chiên và sông Hậu ranh mặn 4 g/l xâm nhập sâu từ
42-43 km, sông Hàm Luông là 78km, sông Cửa Đại và Cửa Tiểu là 57km, sông Vàm Cỏ
Đông là 86km, sông Vàm Cỏ Tây 127km, sông Cái Lớn 62km - diện tích thiệt hại
tính đến tháng 4/2020 do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 43.000 ha lúa Đông Xuân,
1.700ha cây ăn trái và 94ha rau màu, khoảng 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ hàng năm xảy ra thiếu nước, giai đoạn từ tháng
5 đến tháng 7/2020, tỉnh Bình Thuận thường xuyên có khoảng 27.000 hộ dân thiếu
nước sinh hoạt.
Tình hình mưa lũ cực đoan gây ngập
lụt, lũ, úng… thường xuyên xảy ra, hàng năm trên toàn quốc có trên dưới 250.000
ha lúa và hoa màu bị thiệt hại do ngập úng, các vùng thường xuyên bị ngập úng
là các địa phương có địa hình úng, trũng, khó tiêu thoát, như: Nam Định, Thái
Bình, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Khánh Hòa… và ngay cả các vùng ven đô của các thành
phố lớn, nơi đang diễn ra đô thị hóa nhanh chóng. Về thiệt hại nhà cửa, cơ sở
hạ tầng do ngập úng, lũ cuốn và sạt lở cũng thường xuyên xảy ra, trong đó những
năm mưa bão khốc liệt như năm 2017 có đến hơn 8.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn
trôi, gần 600.000 ngôi nhà bị sạt lở, năm 2020 sạt lở bờ sông diễn biến phức
tạp tại vùng ĐBSCL… Thiệt hại do mưa lớn, lũ xảy ra lớn nhất ở khu vực miền
Trung, các tỉnh miền núi. Sạt lở không chỉ diễn ra do mưa lớn, lũ lớn (như ở
các vùng miền núi hay khu vực miền Trung) mà còn do hoạt động khai thác, phát
triển kinh tế xã hội, do các hoạt động điều tiết, thay đổi chế độ dòng chảy…
như ở hạ lưu các hồ thủy điện, thủy lợi lớn miền Bắc, miền Trung, nhất là các
khu vực có độ dốc lớn, hay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động khai
thác nguồn nước, phát triển kinh tế xã hội cũng làm cho tính chất đối tượng bề
mặt tiêu thoát thay đổi dẫn tới hệ số tiêu cho các vùng bị thay đổi so với
thiết kế ban đầu, cùng với đó do sự thay đổi cực đoan của khí hậu dẫn tới gia
tăng hệ số tiêu thực tế nên khi công trình đi vào phục vụ thường không đáp ứng
được nhu cầu cần tiêu khu dân cư, đô thị cũng như diện tích canh tác nông
nghiệp. Quá trình phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng làm ngăn cản
hướng tiêu, khẩu độ tiêu thoát lũ, úng ngập là những thách thức lớn đòi hỏi cần
nghiên cứu, có giải pháp ứng phó phù hợp.
Phát triển dân số và quá trình đô thị
hóa trong thời gian qua đã và đang gây sức ép đến môi trường nước trong các hệ
thống công trình thủy lợi, đặc biệt tại các vùng hạ du lưu vực sông Hồng, sông
Đồng Nai…. Mức độ ô nhiễm nguồn nước trong các kênh, sông, hồ ở các thành phố
lớn, các khu tập trung dân cư rất nghiêm trọng. Trong tổng lượng nước thải phát
sinh ra các lưu vực sông, lượng nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp
vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hiện chỉ có 12,5% nước thải sinh hoạt từ các đô
thị loại IV trở lên được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy định. Nguồn nước này
cũng là đầu vào của hệ thống công trình thủy lợi là nguyên nhân khiến cho nước
trong hệ thống không thể quay vòng, tái sử dụng, ô nhiễm nguồn nước trầm trọng
diễn ra tại các hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống, Bắc Nam hà, Sông
Nhuệ. Thống kê của ngành Y tế cho thấy bệnh tiêu chảy liên quan tới ô nhiễm môi
trường nước vẫn đứng đầu danh sách về tổng số ca bệnh trên toàn quốc. Ô nhiễm
môi trường nước cũng gây những thiệt hại kinh tế không nhỏ trong hoạt động sản
xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Gia tăng nhu cầu sử dụng
nguồn nước, cùng vấn đề ô nhiễm nguồn nước làm phát sinh các mâu thuẫn, xung
đột trong xã hội.
Phát triển thủy lợi đang đứng trước
thách thức lớn từ biến đổi khí hậu với thực tiễn diễn biến lũ, ngập lụt, úng,
hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn... ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân
sinh; khoảng 70% dân số có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai, ô
nhiễm liên quan đến nước. Năm 2019, cùng thời điểm, khi khu vực Nam Trung bộ
xảy ra hạn hán nghiêm trọng, thì Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ lũ
lụt, ngập úng gây thiệt hại lớn. Năm 2020, diễn biến bất thường của hạn hán,
thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra tại vùng ĐBSCL, ĐBSH, Nam Trung bộ và Tây
Nguyên.
Việc các quốc gia ở thượng nguồn các
sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch xây dựng các hồ thủy
điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông, dự báo sẽ
gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng
bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng. Phát triển thủy điện trên dòng chính
sông Mê Công, gia tăng sử dụng nước, chuyển nước lưu vực sông tại các quốc gia
thượng nguồn sẽ tác động lớn đến vùng ĐBSCL nước ta, theo nghiên cứu của Hội
đồng Ủy hội sông Mê Công Quốc tế năm 2017 khi các công trình thủy điện hoàn
thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo
ngược, đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người
dân vùng ĐBSCL của nước ta - dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm 97% ở
thời điểm năm 2040.
Hoạt động phát triển, đô thị hóa,
công nghiệp hóa tạo sức ép lớn lên công tác thủy lợi, qua tác động làm suy giảm
nguồn nước, lấn chiếm không gian cho nước, cản trở các tuyến thoát nước, trong
khi, công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu đã xuống cấp. Nhiệm vụ trước đây
công trình thủy lợi được thiết kế để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa
đáp ứng được yêu cầu phục vụ nền sản xuất đa dạng và hiện đại, hoạt động phát
triển kinh tế của đất nước giai đoạn vừa qua. Hệ thống thủy lợi chủ yếu tập
trung cấp, tiêu nước cho cây lúa; phần lớn diện tích canh tác cây trồng cạn
chưa được tưới, hoặc tưới bằng các biện pháp lạc hậu, lãng phí nước; diện tích
cây trồng áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn hạn chế. Bên cạnh
đó, chất lượng nước trong một số hệ thống công trình không bảo đảm để cấp cho
sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu
phục vụ nuôi trồng thủy sản. Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động
không hiệu quả còn chiếm tỉ lệ lớn; tại nhiều vùng nông thôn chất lượng nước
cấp cho sinh hoạt nông thôn chưa đạt quy chuẩn nước sạch. Hoạt động phát triển
kinh tế-xã hội đất nước, đô thị hóa, công nghiệp hóa đã tạo sức ép lớn lên công
tác thủy lợi, qua tác động làm suy giảm nguồn nước, lấn chiếm không gian cho
nước, cản trở các tuyến thoát nước - trong khi nhiều công trình thủy lợi được
xây dựng từ lâu với năng lực thiết kế thoát nước mưa, nước lũ thấp.
Tác
động từ biến đổi khí hậu, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, cùng với hạn chế,
tồn tại trong công tác thủy lợi là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước
quốc gia. Tổng lượng nước hiện đã khai thác, sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam
hàng năm khoảng 100 tỷ m3/năm, dự báo đến năm 2030 sẽ cần khoảng 111 tỷ m3/năm,
trong đó tỷ trọng nhu cầu nước nông nghiệp chiếm khoảng 83-85%, sinh hoạt 2-3%,
công nghiệp 5-6%, môi trường 8-9%.
Với mục tiêu phát triển thủy lợi theo
hướng hiện đại, linh hoạt, bảo đảm cấp nước cho dân sinh, các ngành kinh tế,
góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần bảo đảm an ninh
nguồn nước quốc gia. Đồng thời, chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại
do thiên tai gây ra, ứng phó với trường hợp bất lợi nhất, nâng cao mức bảo đảm
tiêu thoát nước, phòng chống lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ môi
trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn các lưu vực
sông; góp phần xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai. Trong thời gian
tới, cần tập trung triển khai vào thực tiễn các nội dung của Luật Thủy lợi,
Chiến lược Thủy lợi Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,
trong đó, chú trọng các nhiệm vụ:
Trước tiên, triển khai lập quy hoạch
thủy lợi phạm vi quốc gia, các lưu vực sông, các hệ thống công trình thủy lợi
làm cơ sở đầu tư công trình thủy lợi trên phạm vi toàn quốc nhằm góp phần bảo
đảm an ninh nguồn nước quốc gia, trong đó tập trung xây dựng tầm nhìn, giải
pháp thủy lợi phù hợp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng bằng sông
Hồng; giải pháp chuyển nước lớn; giải pháp cho diễn biến hạ thấp lòng dẫn đáy
sông, hạ thấp mực nước tại vùng hạ lưu các lưu vực sông; giải pháp cải thiện
chất lượng nước trong công trình thủy lợi.
Thứ hai, tiếp tục đầu tư công trình
lớn vùng Tây Nguyên, Miền Trung, ĐBSCL; hoàn thiện các hệ thống thủy lợi;
nghiên cứu đề xuất giải pháp chuyển nước, kết nối nguồn nước phạm vi liên vùng;
nghiên cứu hình thành mạng lưới chuyển nước quốc gia; đầu tư công trình điều tiết,
công trình kiểm soát lũ, nạo vét các trục kênh để chủ động trữ nước, công trình
chuyển nước ngọt ra vùng ven biển đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế,
xã hội, cấp nước cho các ngành kinh tế,đặc biệt tại vùng ĐBSCL, ĐBSH.
Thứ ba, tập trung ứng phó với thiên
tai tại khu vực Miền Trung, Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và ĐBSCL, đặc biệt
đối với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập lũ, ngập lụt, sạt lở bờ sông,
bờ biển, sạt lở đất…
Thứ tư, thúc đẩy chuyển từ cơ chế
“thủy lợi phí” sang “giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi”, phân rõ vai trò chủ quản
lý và đơn vị khai thác công trình thủy lợi, đổi mới phương thức hoạt động quản
lý, khai thác công trình thủy lợi, chuyển mạnh sang đặt hàng, đấu thầu quản lý,
khai thác công trình thủy lợi.
Thứ năm, quan tâm đặc biệt đến an
toàn đập, an toàn công trình thủy lợi, đến năm 2025 cần sửa chữa, nâng cấp
khoảng 1200 hồ chứa nước xung yếu; đồng thời nâng cao năng lực dự báo (mưa, lũ)
phục vụ vận hành hồ chứa theo thời gian thực;
Thứ sáu, triển khai đồng bộ các giải
pháp để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào nước sạch nông thôn; huy động cộng
đồng tham gia xây dựng, quản lý hệ thống cấp nước quy mô nhỏ, hoạt động cấp
nước hộ gia đình, đặc biệt cấp nước sạch ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; rà
soát cơ chế chính sách, áp dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng, tính bền
vững trong cấp nước sinh hoạt quy mô hộ gia đình – lồng ghép nhiệm vụ cấp nước
sinh hoạt nông thôn vào xây dựng nông thôn mới.
Nhìn lại chặng đường đã qua, từ khi
thành lập ngành Thuỷ lợi, qua các giai đoạn tổ chức có sự thay đổi, tên gọi có
khác nhau nhưng bất kỳ ở đâu và trong thời gian nào, các nhiệm vụ thuỷ lợi vẫn
luôn được thực hiện với quyết tâm cao và đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà
Đảng và Nhà nước giao phục vụ phát triển nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát
triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường. Thủy lợi không những có đóng góp
quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực quốc gia mà còn đưa
nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều loại nông sản có vị thế cao trên
thị trường quốc tế. Những thành tựu này có được trước hết là nhờ sự quan tâm
của Đảng, Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân và sự phấn đấu, cống hiến không
mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành Thuỷ lợi từ ngày thành lập
đến nay. Chúng ta vui mừng trước sự trưởng thành và tham gia đóng góp ngày càng
quan trọng của ngành Thủy lợi vào thành tựu chung của nền nông nghiệp và sự
phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tấm Huân chương Sao Vàng, phần thưởng
cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng cho ngành Thủy lợi năm 1995 nhân kỷ niệm 50
năm ngày thành lập Ngành là sự đánh giá và ghi nhận công lao to lớn của Ngành
Thủy lợi.
Năm 2020, đất nước đang khẩn trương
thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp trong bối
cảnh tác động của biến đổi khí hậu, của hoạt động phát triển ở thượng nguồn các
lưu vực sông quốc tế ngày càng phức tạp. Yêu cầu, nhiệm vụ của công tác thủy
lợi ngày càng lớn, đòi hỏi cần phải tập trung nỗ lực, nâng cao tính chủ động,
sáng tạo, đổi mới tư duy trong công tác quản lý. Cùng với sự kiện Quốc hội ban
hành Luật Thủy lợi, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Thủy lợi Việt Nam
giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đội ngũ cán bộ thủy lợi sẽ tiếp
tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng
và Nhà nước giao phó.
GS.TS Nguyễn Văn Tỉnh
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi
2/ Thủy lợi Gia
Lai 44 năm hình thành và phát triển
Đối với tỉnh Gia Lai-Từ sau ngày 17/3/1975,
ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 và cụ thể hơn là từ sau Nghị quyết
đại hội đảng IV năm 1976 ngành thủy lợi Gia Lai-Kon Tum chính thức được thành
lập, cho đến nay trải qua bao nhiêu năm xây dựng và trưởng thành, ngành thủy
lợi từ điểm xuất phát ban đầu toàn tỉnh chưa hề có công trình thủy lợi, sản
xuất của nhân dân phụ thuộc vào nước trời 1 vụ mùa mưa, những năm 1976-1991
ngành thủy lợi Gia Lai-Kon Tum đã xây dựng nên những công trình ban đầu ở Gia
Lai như: Hồ Ia H’Rung, Hồ Hoàng Ân, Hồ Ia Glai, Hồ Biển Hồ, Hồ Phú Cần, đập
dâng Ia Peet, đập Uar, đập Chư Jôr,..ở Kon Tum: Hồ Đăk Uy, Hồ Đak Rơn Ga, Hồ
Đăk Sa Men, Đập Đăk Cấm, ,…sau ngày chia tỉnh 1991 đến nay ở địa bàn Gia Lai
ngành đã tạo ra hệ thống thủy lợi đầy đủ với 340 công trình thủy lợi lớn nhỏ
(gồm 112 hồ chứa, 188 đập dâng, 40 trạm bơm điện) với tổng năng lực tưới theo
thiết kế 54.684ha đảm bảo tưới đủ nước cho 48.001ha (trong đó có 26.620ha lúa,
2.785ha màu, 18.596ha cây công nghiệp).
Riêng công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai quản lý và
khai thác 38 công trình thuỷ lợi loại vừa và lớn (gồm 12 hồ chứa, 22 đập dâng),
4 trạm bơm điện với tổng năng lực thiết kế là 31.472 ha, đảm bảo phục vụ tưới
đủ nước cho trên 29.000 ha diện tích lúa, màu, cây công nghiệp, ao nuôi thuỷ
sản trên địa bàn 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai.
Nhờ có thủy lợi, thủy nông, thủy điện
và sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, từ một tỉnh nghèo nàn, lạc hậu với kinh tế
nông nghiệp tự cung tự cấp, du canh du cư, Gia Lai đã chuyển sang nền kinh tế
hàng hóa phát triển đa dạng, có tốc độ tăng trưởng cao và cơ cấu kinh tế chuyển
dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế
bình quân liên tục.… kết cấu hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế-xã hội từng
bước được đầu tư cơ bản; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Gia Lai
đang trên đà phát triển trở thành vùng kinh tế động lực trong khu vực Tam giác
phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.
Ngoài ra trong suốt chiều dài trưởng thành và phát triển ngành cũng đã đào
tạo cho tỉnh nhà những cán bộ nòng cốt của đảng và nhà nước tiêu biểu như
nguyên chủ tịch UBND tỉnh Đào Quang Phổ, Phó bí thư-Chủ tịch Hội đồng nhân dân
Phạm Đình Thu, UV Thường vụ Tỉnh ủy-Chủ nhiệm UBKT tỉnh đảng bộ-Ksor Keng. Giám
đốc Ty thủy lợi – Huỳnh Lầu, Giám đốc Sở thủy Lợi Phạm Xuất,..v.v….
Ngành Thủy lợi tỉnh Gia Lai có được
những thành quả to lớn trên trước hết là nhờ sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của
Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT, sự
phối hợp giúp đỡ của các ngành liên quan trong tỉnh và toàn thể nhân dân, hộ
dùng nước thủy lợi trong đó có các thế hệ cán bộ công nhân viên qua các thời kỳ
trong suốt những năm qua. Ẩn sau vóc dáng các công trình thủy lợi mà chúng ta
nhìn thấy hôm nay, ngoài sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của các ngành, các cấp từ
địa phương đến Trung ương, còn có hình ảnh, dáng dấp, máu xương của những đồng
nghiệp đã ngã xuống, còn có mồ hôi, nước mắt của đồng nghiệp đang có mặt hôm
nay và chúng ta mãi mãi không quên những bước chân vượt đại ngàn, hố thẳm, dốc
sâu, những lần nằm lán trời mưa bị sốt rừng, rét núi,…những cuộc dò tìm, tháo
gỡ bom mìn, những tàn tích chiến tranh để lại trên mảnh đất Tây Nguyên này, nơi
công tình thủy lợi được xây dựng nên cũng là nơi đi qua của bao lớp người khảo
sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình. Để rồi tụ hội sự quan tâm, đầu tư,
giúp đỡ, sự hy sinh lớn lao của lớp người đi trước, những công trình thủy lợi
lần lượt được ra đời. Thủy lợi dễ nhìn thấy nhất đó là Nước từ thượng nguồn
trong xanh theo dòng kênh chảy về những vùng đất đỏ bazan, tiếp thêm sinh lực
mới cho cây trồng phát triển, đã và đang làm nên một Tây Nguyên giàu đẹp như
hôm nay và mai sau.
Xin phép được thay mặt ngành Thuỷ
lợi, Ban Liên lạc Hội đồng nghiệp thủy lợi Gia Lai bày tỏ lòng biết ơn đối với
sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; cảm ơn sự phối hợp giúp đỡ
của các Ty, Sở, Ngành liên quan, các địa phương, các cơ quan truyền thông, báo
chí đã hết lòng giúp đỡ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thuỷ lợi Gia
Lai; cảm ơn các đơn vị khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng công trình đã góp
phần cho sự ra đời của các công trình thủy lợi. Và đặc biệt là cảm ơn sự cống
hiến của những người đã và đang làm thủy lợi.
Xin được gửi tới thế hệ các cụ, các
bác Hưu trí Thuỷ lợi, những người đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp
thuỷ lợi trong những thời kỳ khó khăn của đất nước và tỉnh nhà vừa qua. Chúc
các cụ, các bác, các đồng chí luôn mạnh khoẻ và tiếp tục có những đóng góp xây dựng
ngành và bồi dưỡng, truyền đạt cho những thế hệ sau những kiến thức, kinh
nghiệm quý báu để hoàn thành các nhiệm vụ của Ngành trong thời gian tới. Chúc
toàn thể cán bộ công nhân viên chức-người lao động đang hoạt động trong các
lĩnh vực thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai phấn đấu không ngừng, vươn lên
giành những thành tựu mới.
Ban Liên Lạc Hội đồng nghiệp thủy lợi Gia Lai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét