XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

KÍ ỨC VỀ BẾP MÙN CƯA

Đỗ Hoàng Linh

Đời sống càng được nghiên cứu bao nhiêu, người ta càng hồ hởi giũ bỏ sự bất tiện nhếch nhác nhanh chóng bấy nhiêu. Trào lưu xã hội chung như thế, chuyện bếp núc trong mỗi gia đình cũng không phải là ngoại lệ.
Mấy ông đầu rau cổ lỗ đã hóa thân thành bếp ga, lò vi sóng, bếp điện, nồi cơm chảo điện, ... chỉ loáng thoáng bảo tồn một số bếp dầu bình dân khói um, và lạc hậu nhất là bếp than tổ ong mà các bà các chị nheo mắt chun mũi, nghiêng mình quạt phành phạch sáng tinh sương nhóm lò trên hè phố.
Tất nhiên, nét xưa mấy chục năm ngự trị của bếp thô sơ, tận dụng phế liệu sẵn có, như mùn cưa, trấu và rơm dần dần mất hẳn.

Những năm 70 của thế kỉ trước, đại gia đình tôi đều đun mùn cưa, vì dầu hỏa quí hiếm lắm. Tất cả nắp thùng hàng, vách ngăn, hòm, mặt bàn, chân ghế hỏng đều được chẻ nhỏ ra làm mồi nhóm bếp.
Láng giềng nhờ họ hàng xa gần có xưởng đục đẽo tự mang bao tải chở mùn về đun. Còn nhà tôi quen lệ đợi hai ông bà bán mùn cưa dạo qua phố tuần đôi lần.
Mùa đông rét căm căm, ai cũng áo bông, áo trấn thủ, mũ biên phòng bịt chặt hai vành tai, vậy mà bác trai vận độc chiếc may ô cũ, gò lưng kéo xe ba gác dài thượt, chất đến ba chục bao tải mùn cưa căng phồng (do họ tự tay lụi hụi cân buộc từ 4 giờ sáng tại xưởng mộc gần bệnh viện đường sắt mạn Cầu Giấy). Bác gái đi đất, gấu quần bó chun, chít khăn mỏ quạ, tay lồng quai nón tua rua vịn vào cuối xe vừa đẩy vừa rao : "Ai mùn cưa !". Đều đặn hai lần âm khàn đục của bác trai, một lần âm lảnh lót của bác gái. Cô tôi đã đứng đợi sẵn ở cổng, giơ tay vẫy dừng. Bác trai choàng một tấm khăn thô rất rộng tránh rằm đâm giặm người, cúi mình ghé lưng vào, bác gái cởi dây chằng vần bao xuống, bác trai thong thả tóm lấy hai đầu bao tải đi băng băng lên gác, đổ mùn cưa vào một cái bồ góc bếp, gấp gọn tải, vỗ bồm bốp, nhận tiền ra xe trao lại cho bác gái rồi mùn cưa tiếp tục lên đường. Tôi mắt tròn, mắt dẹt trầm trồ đặt cho bác ấy biệt hiệu Hécquyn. Mùa hè nóng nực, oi bức, hai bác phó đi hàng sớm hơn nhưng chẳng cần rao nhiều bởi các bậc cao niên đã đứng đầy hè phố vươn vai hít thở, mọi người tíu tít mua bán rôm rả, mồ hôi mướt mát trên vồng ngực và bắp tay bác phó, đẹp như pho tượng đồng thau ...

Đun mùn cưa phải đùng kiểu bếp riêng, đó là loại lò gò hàn bằng tôn bán cả loạt dọc phố Hàng Thiếc (hình dáng cũng như lò than bây giờ).
Đóng bếp là một công đoạn phức tạp đòi hỏi sức lực và sự khéo léo. Lấy một cái chai 0,65 đặt đứng vào giữa bếp, đổ mùn cưa đầy ắp, lèn chặt xuống, từ từ vừa xoay vừa rút chai lên, khoét thủng cửa lò, cho ủi vào nhóm bếp.
(Nếu nhồi chặt quá, lửa không cháy hết mùn cưa trong lò, thì vừa thiếu nhiệt vừa phí mùn. Ngược lại, nếu ấn lỏng tay thì chỉ đun một lúc mùn sẽ cháy hết và sập lò, thế là cơm không chín).
Thao tác lâu dần nên thạo việc, trời mưa đông rả rích, gió hút ù ù mấy anh em quây quanh lò mùn cưa, nhanh tay đấy củi cho đượm lửa, mồm xít xoa, mắt đắm đuối nhìn vào mấy củ khoai tây bi hoặc khúc sắn vùi kín mong dậy mùi để chia nhau. Khoảng trống đỏ rực giữa lò có lúc là hạt mít, khi là mấy con cà cuống, thậm chí có cả trứng của chuồng gà hàng xóm !
Những hôm trời nồm mùn cưa ẩm, thổi hết hơi toét mắt trong khói xanh đặc quánh mà lửa vẫn lom dom, lúc ấy cáu lên, phải cầu viện vài giọt dầu hỏa mới thành công.
Vào dịp tết, muốn hầm món chân giò măng thì càng vui. Mấy cái bếp đều được huy động hết, cùng nổi lửa rồi châu vào dưới đáy một cái nồi nhôm to, vừa tàn hết bếp y như rằng cả măng lẫn thịt đều nhừ toét béo ngậy.
Ấy nhưng không phải lúc nào cũng ôm cái bếp này để hưởng sự sung sướng. Mùa hè vốn đã quá dư thừa nóng rồi, trong nhà ngoài đường hầm hập như thiêu đốt ngồi không mồ hôi còn rỉ rả chảy dài huống chi làm bạn với lò đỏ lửa ? Cho nên đành chuẩn bị rau, đậu, gạo từ chiều, đợi khi cả nhà về đủ mới nhóm lò nấu ào ào một loáng, lúc ủ cơm đợi chín thì tranh thủ đi tắm, thế là tiện một công đôi việc.

Tới thập kỷ thứ 8, đi thực tế Sinh viên ở Thạch Thất, tôi biết thêm trấu và rơm.
Cách sử dụng bếp này đơn giản mà qui trình giữ lửa nghệ sĩ hơn. Mộc mạc mỗi chiếc kiềng ba chân đặt trên một đùm trấu góc bếp đã khô cong, bới một chỗ trũng để nhồi rơm vào châm lửa, hà hơi thổi tiếp sức mấy cái, lửa lập tức bùng lên, lách tách cháy đượm đà.
Mỗi khi vết cháy đen đỏ lan rộng ra vành ngoài là lúc phải gảy thêm trấu vào phủ vàng mặt cháy, tiếp rơm thêm giữ lửa bén đều.
(mấy lần đầu chưa quen, tất yếu mắt cay xè giàn giụa, cứ ngửa cổ lên lấy hơi rồi chổng mông, nhắm tịt mắt thổi phù phù đến khi bùng lên quầng hồng của lửa mới nhao ra ngoài sân thở gấp hổn hển).
Trên kiềng đương nhiên là những món đồng quê : cơm gạo mới, cá om dưa, khoai sọ luộc đã đành, nhưng ngoài món ăn bữa chính, vào những ngày đông cần hơi ấm sẽ là chảo thóc nếp cái rang, thậm chí cả ngô giống và không thể thiếu mấy củ khoai nghệ vùi (bữa nào đúng vụ sẽ có món lạc rang cả vỏ). Kì nghỉ hè đã chạy diều, leo núi, tát ao, ... nên thể nào cũng có món châu chấu rang muối, cua đồng nướng xiên hoặc ốc bươu luộc, …vì thế gian nhà bếp xập xệ lúc nào cũng ngập khói rơm nồng thơm quyện tiếng hát, tiếng cười sảng khoái.
Khi tốt nghiệp Đại học, nhà tôi thôi đun mùn cưa chuyển hẳn sang đun bếp dầu, bếp điện, vì vậy càng nhớ trấu và rơm, hễ có cơ hội cả bọn kẽo kẹt đạp xe về quê, mồm nghêu ngao : Nổi lửa lên rơm ...

Gió mùa đông bắc hàng năm vẫn vậy, lâm thâm mưa phùn, nhưng mùn cưa đã dùng làm gỗ ép công nghiệp.
Một số vùng ngoại thành, các bà các chị thi thoảng tận dụng trấu rơm để đun nồi cơm, hãm ấm chè xanh gọi là hương vị quê.
Ngay cả lúa cũng được xay xát bằng máy, trấu không tách thành hai mảnh mà vụn lổn nhổn lẫn cám, khiến lợn còn chê, phải thay thế bằng bã bia và cám tổng hợp, cho nên trấu ủ làm phân bón.
Nhưng hễ bất chợt nhìn làn khói lam mỏng mảnh vật vờ trên mái nhà ngói xanh rêu, tôi lại nhớ và vẫn khâm phục bác phó mộc phăm phăm cõng bao mùn cưa thủa nào và một hình ảnh Hà Nội chân chất, giản dị ập đến từ dĩ vãng thân thương …

***

Hai bác bán mùn cưa năm 1982.
Ảnh : John Ramsden (Anh).
 — cùng với Trần Quang Dũng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét