Sau
trận 1672, quân Trịnh “chia binh đóng đồn ở các đường trọng yếu châu
Bắc Bố Chính, phòng giữ nghiêm nhặt, lấy sông Gianh làm giới tuyến (phía
nam sông là Nam Hà, phía bắc sông là Bắc Hà.) Từ đây Nam Bắc nghỉ
binh.” Đó là lời của Thực lực tiền biên, quyển sử của nhà Nguyễn, phe
phía Nam . Chúng ta không gặp một xác nhận như thế trong quyển sử của
nhóm Lê Trịnh phía Bắc tuy cũng có những lời cam nhận giới hạn quyền lực
của mình: “(Trịnh xếp đặt quan tướng) khống chế biên thuỳ, giữ yên dân
một phương.” Họ chỉ dùng chữ “hà”: Bắc Hà, Nam Hà khi nói về sông Lam
trong trận chiến 1655-60 vào thời gian quân Nguyễn lấn đất làm nổi lên ý
thức về biên giới trên vùng đất xa xôi càng lúc càng mở rộng thêm bởi
người khác, còn đối với chính họ thì tính chất chủ quyền chỉ mơ hồ trong
hình ảnh của thời xa xưa: “Nhân dân hai xứ của các ngươi vốn là nhân
dân ở đất của Thánh tổ Thần Tông Hoàng triều, không phải do họ Nguyễn
khai thác mà có.” (Hiểu dụ hai xứ Thuận Quảng 1672.)
Nói
như thế là để khẳng định tham vọng chủ quyền nhưng thực tế kiến thức và
quyền lực cũng khiến họ Trịnh không thấy có nhiều vướng víu tình cảm
với vùng đất “do một số thú vật đã thiết lập một nước li khai ở biên
giới phía nam” của họ như thấy trong bức thư Trịnh Tráng cầu viện
Batavia năm 1637. Chúa xin giúp tàu thuyền, súng ống, binh lính, hứa khi
thành công sẽ ban tặng vàng bạc và nhất là “sẽ trao xứ Quảng Nam” cho
họ cai trị, nghĩa là chỉ để đổi chủ vùng đất, bởi vì Hà Lan “có thể thu
hoạch các sản phẩm trong vùng và gửi một phần cho triều đình” Lê Trịnh –
giống như họ Nguyễn khi còn chịu nạp tô thuế Thuận Quảng. Trịnh Tráng
còn bám víu vào quan điểm Đông Việt Tây Việt của đất nước khi bày tỏ
trong thư mối “lo ngại điều bất ngờ có thể xảy ra ở phía biển (Mạc)” nên
không thanh toán được “bọn thú vật” kia nhưng với con cháu thì mối lo
phương Nam cũng không giải quyết gì được. Thời ngưng chiến 1672 là một
thú nhận bất lực để nhóm li khai trương ra bảng hiệu mới: Nam triều
(1719) trước khi người cầm đầu chính thức xưng Vương.
Vùng
này trên bản đồ thế giới, như ta đã thấy, chỉ có danh xưng Chamba xuất
hiện đầu tiên theo hồi kí của Marco Polo còn thì ông chỉ nói mơ hồ về xứ
Caugigu (Giao Chỉ Quốc). Với các bản đồ từ tin tức của thương nhân,
giáo sĩ mới xuất hiện tên Kẻ Chợ (“Cachu” 1561) sau cả từ Cauchechina
(1526), có lẽ là do thương nhân đánh dấu vùng đất “Cochi [Giao Chỉ] của
China” để khỏi lẫn với “Cochin của India” cho nên lúc đầu nó bao gồm
toàn Đại Việt, lấn xa lên vùng phía bắc (bản đồ 1599) và đến mãi thế kỉ
XVIII vẫn còn tên vùng Thượng/Haut Cochinchine chỉ phần đất phía bắc của
Nguyễn so với vùng Basse Cochinchine ở phía nam. Với Alex de Rhodes
(1650) thì thấy phân biệt Tunkin / Đông Kinh và Cochinchina với địa điểm
HOA (Thuận Hoá/Huế) ghi thật lớn. Những dạng chữ khác nhau trên văn
bản, bản đồ: Tonchino, Tonqueen, Tunkin, Tonquim/n... đó đều là dẫn xuất
từ kinh đô Trịnh Lê của thời Lê sơ: Đông Kinh. Vẫn còn phần đất Ciampa
phía tây nam Ran Ran. Tính chất chủ quyền phân hai rành rẽ trên phần
đông bán đảo Đông Dương cũng được người ngoại quốc xác định với bản đồ
1751 có hai chữ Tonquim và Cochinchine đặt đúng vị trí của hai chính
quyền Trịnh Nguyễn. Nhưng tất cả đều không ghi nhận được tiếng nói người
dân thường chỉ vùng đối ứng với nơi mình ở: Đàng Ngoài và Đàng Trong.
Cho mãi đến bản Đại Nam hoạ quốc toàn đồ xuất hiện ở Calcutta 1838, hơi
muộn, của Taberd.
Vì
sao có hai tên này? Các bản dịch những bài viết của người Âu về xứ
Tonquim, Cochinchine, ngày nay thường được chuyển qua hai từ nôm: Đàng
Ngoài và Đàng Trong với sự đồng tình của thời thế muốn dùng một danh
xưng nôm. Năm 1838 là lúc Gia Long đã thống nhất được 36 năm, kinh đô
đang ở Huế, giữa nước. Người ta dễ dàng dựa theo vị trí đó để chấp nhận
lối giải thích, là danh xưng được cấu tạo theo lối nhìn qua ngôn ngữ
bình dân về phương hướng: “ngoài” Bắc, “trong” Nam. Tuy nhiên rõ ràng
hai danh xưng trên không phải dùng chỉ tình trạng chia cắt khu vực dưới
triều Nguyễn mà là rơi rớt của một hiện tượng có từ trước, từ thời có
hai chính quyền Trịnh, Nguyễn. Lúc đó không thể có một địa điểm Miền
Trung để nhìn “ra ngoài” Bắc, đi “vào trong” Nam. Chúng ta đã thấy trên
mặt chính thức, Trịnh dựa vào Lê để coi Nguyễn là phản thần li khai, kẻ
chiếm giữ bất hợp pháp hai thừa tuyên Thuận Quảng của Lê, không nhìn
nhận có một xứ Đàng Trong nào hết. Còn Nguyễn tuy chưa kịp thành lập
nước nhưng người ngoại quốc đã thấy chủ quyền của vùng đất là thuộc về
ai nên dùng chữ Cochinchine/a riêng biệt, chưa kể họ đã nhìn vào vùng
giao thương họ tiếp xúc mà gọi là “nước Quảng Nam” với thủ phủ là Cacham
(Kẻ Chàm) trên thôn Thanh Chiêm ngày nay.
Chứng
tích về tình trạng Nguyễn muốn là “riêng biệt” xuất hiện trên văn từ
sớm nhất là ở tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí 1719 của Nguyễn
Khoa Chiêm: Họ muốn là “Nam triều” đối kháng với “Bắc triều” của Trịnh.
Phương hướng, địa vực nam/Nam, bắc/Bắc rành rẽ như thế không chừa chỗ
cho một điểm giữa để thành hình một nội dung trong/ngoài như ý nghĩa đã
gán cho hai danh xưng bình dân kia. Người ta đã chỉ dừng lại ở các danh
từ chung đang sử dụng rồi tìm cách giải thích cho hai danh từ riêng kia
chứ không chịu đẩy vấn đề đến tận nguồn gốc của nó. Thiết tưởng ý nghĩa
đó chỉ có thể tìm thấy khi ta trở lại với lối nhìn phương hướng cụ thể
của người Việt những thế kỉ về trước, khi phải vươn tầm mắt ra ngoài
vùng châu thổ.
Chứng
tích lịch sử để lại rất nhiều và rất muộn (trường hợp bức thư Trịnh
Tráng 1637 kia) cho thấy triều đình, nhân vật ở Thăng Long đã nhìn các
vùng đất phía nam châu thổ (theo cách nhìn ngày nay) là nằm ở phía tây
đối ứng với vị trí phía đông của họ, để phát sinh những cách ứng xử đã
bàn nơi các chương sách trước. Một cách nhìn từ vị trí đẳng cấp trên
trong xã hội như thế có thể chuyển qua trong lối nói hàng ngày, nơi sinh
hoạt của tầng lớp dân chúng bên dưới. Phía tây chỉ là rừng núi âm u,
nơi sinh hoạt của lớp cư dân man, lão thấp kém như lớp người Lào, người
Chiêm mà triều đình Thăng Long đã cất công trừng phạt. Từ hình tượng bên
trong rừng núi phía tây tối tăm, đối ứng với phía ngoài đồng ruộng rộng
rãi thênh thang nơi người dân nhìn thấy hàng ngày, đã phát sinh hai cặp
đối ứng trong-tây, ngoài-đông trên đường di chuyển nam bắc của người
dân Việt đương thời. Và thế là xuất hiện hai danh xưng Đàng Trong, Đàng
Ngoài sau khi người dân nhận ra có hai vùng đất thuộc hai chính quyền
riêng biệt đang trên đà ngưng chiến lâu dài, nghĩa là trong khoảng
1672-1774.
Một
trăm năm đoạn tuyệt, nghỉ binh giúp cho các lãnh chúa có cơ hội củng cố
địa vị của mình theo với tình thế và phương tiện có được, gần như không
còn dính dấp với nhau nữa khiến cho đến khi “gặp lại”, Tây Sơn, một kẻ
đại diện khác của Đàng Trong đã xưng hô với Lê, ông chủ danh nghĩa cũ
của toàn vùng, một điều “quý quốc”, hai điều “quý quốc” mang tính xa lạ,
đưa đẩy khách sáo, bày tỏ một thực tế không những về quyền lực khác
biệt mà còn vẽ ra một cách nhìn mới về nội dung đất nước: nước không còn
chỉ thuộc về ông vua như trước nữa. Ý thức của thực tế mới đó được Lê
Chiêu Thống, sau khi Tây Sơn rút quân, nhận ra nơi cái “nước trống
không”, không của cải, không quyền lực nằm ngoài thân xác bậc Con Trời
của chính ông.
Vua và chúa trong một trăm năm sinh tồn ở Đàng Ngoài
Đã
nói, trong hai phần ba thế kỉ của thời kì đầu Trung hưng, đứng chân
trên đất chiếm lại của nhà Mạc, chính quyền Lê Trịnh đã tạo dựng một
hình thức quyền bính mới nhưng dựa trên các nội dung quan niệm cũ, có xê
xích sửa đổi theo tình thế đòi hỏi. Họ bắt gặp các vấn đề mới phải giải
quyết với nhiều thành công bên trong nhưng sự thất bại cuối cùng lại
đến từ bên ngoài vùng quản trị của họ.
Vẫn
chế độ lưỡng đầu mà thực quyền về tay chúa với sự nhẫn nhịn của vua tuy
không phải là lúc nào cũng ghìm nén được. Thương nhân phương Tây cũng
biết tình hình này nên khi có mang hàng đi biếu thì vua hưởng ít hơn,
chỉ được 2/3 của chúa. Chúa không thể làm vua thì tìm cách đem con gái
nhà họ Trịnh vào cung, có khi ghép cả gái lỡ thời như trường hợp hoàng
hậu của Thần Tông. Vì vua có khi chỉ là cháu chúa nên tất nhiên Trịnh
Tạc “được phép vào chầu vua khỏi lạy, chỉ bắt ghế ngồi bên cạnh.” Thế mà
Trịnh Giang còn làm đảo lộn nhiều hơn các ông chúa khác: phế vua, lập
vua rồi phế vua, giết vua.
Thật
ra đó chỉ là những thời điểm nổi bật của tình trạng bức xúc khi chúa
muốn làm vua mà không được, nguyên do có phần vì lâu ngày lí thuyết, lí
tưởng trở thành thói quen ứng xử, thành kiến khó gỡ bỏ khiến ngay cả
chúa cũng phải dè dặt. Đã nói, Trịnh Tạc muốn các quan sau khi chầu vua,
mặc ngay cả triều phục vào chầu chúa liền bị bác bỏ cho nên đến ông
cháu chắt (Trịnh Cương) được Tham tụng Nguyễn Công Hãng xin mặc áo vàng
liền từ chối tuy với thời gian cầm quyền thực sự lâu dài cũng biết làm
việc truất phế vua. Là phụ nữ, vợ Trịnh Doanh dễ dàng thấm nhuần thói
tục / lí tưởng nên đã buộc con (Trịnh Sâm) không được ngồi cùng mâm với
Thái tử Duy Vĩ mà không ngờ đã đem đến tai nạn cho ông này. Chúa nhường
cho vua một vài hình thức quyền hành tưởng là hư vị không ngờ trong tình
hình quyền lợi có ít phải tranh giành gay gắt thì danh vị lại vẫn còn
có giá cho nên vua dự coi thi, ban phát bằng cấp cho cống sĩ, nhiều
người vẫn sử dụng các tờ sắc “nội hoàng... đến hơn 1000 người” (Lê Quý
Đôn) đó để luồn lọt thăng tiến, và đạt kết quả gây ra một chừng mực rối
loạn trong tổ chức điều hành.
Chê
trách danh vị quan lại đương thời, Tự Đức phê: “Tham tụng, bồi tụng là
gia thần của Phủ Chúa, Thượng thư, Thị lang là vị hão của triều đình.”
Đúng là các lệnh tổ chức chòng chéo đã khiến cho quan chức thừa danh vị
nhưng có vẻ như người ta cũng dành ra một sự phân công tối thiểu cho hệ
thống hai tầng đó như sự việc thu lạm, ẩn lậu thuế năm 1725 chứng tỏ.
Nguyên người sai phạm bị Công phiên xác nhận có tội, lại kêu cầu quan
chức Công bộ bác bỏ. Tuy cơ quan phúc thẩm cuối cùng đồng ý với bản án
đầu tiên, quan chức làm sai phải tội nhưng điều đó cho thấy hình như
quan của Bộ, nghĩa là với danh vị của Vua, còn có chút việc làm phúc
thẩm công việc thuộc quyền hạn nhân vật của Chúa. Trong vụ binh biến
1674 giết Bồi tụng của Ưu binh, quan chức “xúi giục” có hai ông Thượng
thư “làm trái sắc chỉ bị bãi truất”, thế mà khi dẹp loạn xong, những
người này được “khôi phục”, “lại được dùng” bằng cách tụt hạng, xuống
Thị lang, gọi là để trừng trị! Cho nên bên dưới xa, người giàu có dư
ruộng, cứ tưởng là hối lộ lên được đến cấp cao nhất, lại đem cung tiến
cả hàng trăm mẫu để vua phải lập kho thóc riêng mang danh hiệu của mình.
Đến tình thế này thì thực lực vật chất và danh vị được song hành khiến
vua Lê vẫn còn một chút uy thế – dù nhỏ nhoi, cho đến khi gặp phải các
ông chúa kiêu ngạo nổi giận. Như Trịnh Sâm bắt giam cả thái tử Duy Vĩ,
không đợi đến lúc kẻ-ở-bậc-trên lên làm vua. Và bị đẩy đến bước đường
cùng, năm 1738, một số hoàng tử nổi loạn, vượt thoát ngoài kinh thành để
Lê Duy Mật trở về mở rộng căn cứ xưa của Nguyễn Kim, chống cự Trịnh đến
hơn nửa thế kỉ.
Thật
ra so với nhiều người cầm quyền khác, các ông chúa Trịnh không đến nỗi
tệ hại như sử sách của kẻ thù họ vẽ ra. Nguyễn đứng trên quan điểm kẻ
thắng cuối cùng không nói làm gì nhưng những người chống đối khác, mang
danh hiệu “phù Lê”, cũng nhìn họ như một thứ tội đồ của lịch sử chỉ vì
họ là kẻ thất bại mà thôi. Công tích của họ tuy còn người nâng đỡ ghi
chép nhưng địa vị tông tộc của họ rốt lại đã phải đi theo cái Phủ Chúa
bị Chiêu Thống ra lệnh đốt tan tành năm 1787. Công bình nhìn lại, ta
thấy không có ông chúa nào mà không xứng đáng với tính cách người thủ
lĩnh cả. Họ giết nhau để giành ngôi hay giữ ngôi nhưng rõ ràng là thật
tận lực trong địa vị lãnh đạo đất nước. Trịnh Căn có một tuổi trẻ hư đốn
theo lời gia phả họ Đặng nhưng đã len lách lên đến tột đỉnh bằng chính
quân công của mình trước khi chứng tỏ khả năng điều hành. Trịnh Cương là
người thi hành cải cách nhiều nhất, có căn bản nhất như cải cách thuế
khoá 1723, hình phạt cũng bớt phần tàn khốc (không chặt tay 1721, không
xử tử xã trưởng ẩn lậu dân đinh.) Trịnh Giang bị lật đổ với cớ làm hư
hỏng triều chính nhưng đó là khi ông ta đã đắc chí và mang bệnh hoạn,
còn khi mới lên ngôi ông vẫn sử dụng Nguyễn Công Hãng để thi hành những
cải cách lớn lao dù đã bị ông này chê nặng lời khi còn là Thế tử.
Bình
thường cứ mỗi ông chúa lên là một cố gắng gây dựng cơ đồ, vun đắp tiếp
cho các công trình về trước hay chỉnh đốn lại những gì sa sút của các
ông chúa trước vì cầm quyền lâu ngày nên trở thành giãi đãi, mỏi mệt,
buông lung... Các ông chúa tuy phải diệt trừ người thân để nắm quyền
nhưng họ cũng từng triệt hạ kẻ lộng quyền dù là thân thuộc, tay chân tin
cẩn để bảo vệ cơ nghiệp chung. Trừng trị xong là đến vỗ về: Chính Trịnh
Cương khởi đầu làm thơ tiễn đưa sứ thần (1715 rồi 1718) mà dấu vết còn
lại kèm theo nhân vật Nguyễn Biểu đã khiến ông Hoàng Xuân Hãn đặt sự
việc vào đầu thế kỉ XV. Và cũng chính liên tục dưới đời các chúa đã ban
phát những bài “giáo hoá” mà chi tiết là vào năm 1663, liên tục trong
các năm 1676, 1710, 1751 như để tỏ vai trò thân cận, không để dân chúng
Đông Kinh nghĩ tới vùng Thanh Nghệ – Tây Việt xa lạ nữa. Tất cả lịch sử
làm chúa của Trịnh không cho thấy họ mắc vào tình trạng của các triều
đại chỉ hưng khởi với vài người mở đầu rồi tiếp theo là những con người
bạc nhược yếu đuối, đam mê hưởng thụ.
Di chứng đối kháng Tây-Đông Việt: Ưu binh và biến loạn
Trận
chiến 1672 dữ dội cuối cùng rốt lại không thành công khiến cho Trịnh
không còn mơ tưởng về mảnh đất phương Nam nữa. Ta đã thấy ảnh hưởng tàn
bạo của cuộc chiến đi vào tâm thức của vài người lãnh đạo ở Đàng Trong.
Và tất nhiên tình hình đó không tránh khỏi xảy ra ở đất Đàng Ngoài tuy
là dưới biểu hiện khác.
Với
ý định thanh toán kẻ địch một lần sau khi đã an tâm và kiêu ngạo với
chiến thắng phía Bắc (Mạc và con cháu chúa Bầu), Trịnh Căn huy động đến
cả trăm ngàn quân cho chiến dịch. Và đây là thành phần ưu tú của Trịnh
Lê, đặc biệt dùng bảo vệ cơ nghiệp nhà chúa, nên quen gọi là Ưu binh, có
nguồn gốc từ đất Tây Việt mà thời gian lâu dài trấn đóng vùng trung
châu đến Trịnh Cương còn nhận ra (1721): “Từ lúc trung hưng, dùng binh
lính Thanh Nghệ diệt giặc Mạc, khôi phục đất nước, rồi giữ luôn binh
lính ấy đóng ở kinh đô để đủ số lính chầu chực và bảo vệ hoàng thành...”
Tuy cũng có sự phân biệt chi li: “Thanh Hoá là ấp thang mộc, Nghệ An là
dân ứng nghĩa... (Trịnh Cương 1724) cho nên quân đó còn được gọi là
quân Tam phủ (của Thanh Hoá) nhưng nói chung vẫn là cùng một hệ thống
binh dịch và quyền lợi. Với thành phần, công dụng riêng biệt như thế thì
dưới mắt người ngoại quốc, loại Ưu binh này trông như một đoàn quân
chiếm đóng thật không sai.
Tất
nhiên trong tình trạng mở rộng khu vực quản lí thì phần lính đó không
đủ nên phải tuyển thêm người trung châu theo nhu cầu cấp thời, được gọi
là lính Tứ trấn của bốn trấn chung quanh kinh đô, cần thì tuyển mộ, hết
việc thì cho về làm ruộng (trường hợp đánh Cao Bằng 1664, sau khi đánh
bắt Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương 1753). Họ như là một loại lính
trừ bị so với Ưu binh là lính hiện dịch. Quy định có sẵn cho nên sau
chiến dịch 1672, việc giải tán lính Tứ trấn đã không xảy ra biến cố gì.
Nhưng với thời bình thì thành phần lính Thanh Nghệ kia là dư thừa thấy
rõ. Sử quan Trịnh Lê cố lấp liếm sự việc Ưu binh nổi loạn năm 1674,
nhưng sử quan Nguyễn cũng không nhiều lời. Chúng ta chỉ biết đại khái
“Ưu binh Thanh Nghệ cậy có công lao, sinh ra kiêu ngạo phóng túng, (Bồi
tụng Nguyễn) Quốc Trinh, (Tham tụng Phạm) Công Trứ bàn cách kìm hãm ức
chế bớt đi, vì thế binh lính không bằng lòng.” Thế là họ đón đường giết
Quốc Trinh, kéo nhau phá nhà Công Trứ. Công việc trừng trị của Trịnh Tạc
cho ta thấy phía Chúa không có đường lối đối phó nào ngoài cách phủ dụ
bằng tiền bạc với lính, nhẹ tay với quan triều như e sợ sự liên kết của
hai tập đoàn này. Còn về phía binh lính thì sự phản kháng cũng chỉ mang
dấu vết ô hợp, chưa đủ là mối lo sụp đổ quyền bính.
Tuy
nhiên sự việc cũng khiến chúa Trịnh thấy phải cải cách quân đội, một
mặt để chia bớt trách nhiệm của Ưu binh mà cũng là bớt áp lực từ phía
này trong lúc vẫn phải giữ sự ưu đãi dành cho họ. Trịnh Cương ra quy
định (1721) lính Tứ trấn cũng là một thành phần hiện dịch như Ưu binh.
Sự lựa chọn rộng rãi hơn: dân ở bốn trấn chỉ chịu 1 lính cho 5 đinh, nhờ
thế mà Thanh Nghệ cũng được hưởng phân suất đó thay vì lấy 1 lính từ 3
đinh như trước. Tuy nhiên Ưu binh vẫn lãnh lương nhiều hơn Nhất binh.
Những quy định, hành động tiếp theo có vẻ như muốn đẩy địa vị lính Tứ
trấn lên tầm quan trọng mới vì ngoài việc ban cấp và trông chừng thi
hành việc cấp ruộng cho lính Tứ trấn còn có việc thành lập 6 quân doanh
như muốn thống nhất quân đội (1722) và có lễ duyệt binh trọng thể cho
lớp lính mới này (1724). Vô tình mà một lực lượng đối trọng với Ưu binh
đã thành hình.
Công
việc cải cách không được thuận lợi suôn sẻ vì giới hạn phương tiện
Trịnh có được. Nhu cầu cai trị bằng sức mạnh khiến Trịnh dù không phải
là Mạc cũng phải thi hành chính sách cấp ruộng cho lính như Mạc. Nhưng
đem ruộng công cấp cho lính thì “dân không có gì để sinh nhai” như lời
tâu của quan đương thời (1733). Vì thế mà từ năm 1727, lính Tứ trấn có
tên riêng là Nhất binh do lẽ hạ tiêu chuẩn chọn lựa: cứ 10 đinh mới
tuyển 1 lính. Nhà nước do đó lấy ít lính, bớt được số ruộng phải chia
cấp. Có những chủ trương thụt thò, bỏ tuyển lính, lấy thêm lính chứng tỏ
sự bối rối của nhà cầm quyền trước nhu cầu trị an cấp bách và phương
tiện thực hiện. Người ta phải lập phép Đoàn kết, tổ chức Hương binh bắt
làng xã tự lo việc an ninh để triều đình không phải chịu tổn phí về sinh
hoạt, vũ khí. Nhưng loạn càng lớn thì rốt lại vẫn phải cần đến Ưu binh
cho nên Trịnh Doanh thay Trịnh Giang liền tuyển thêm Ưu binh (1740). Vấn
đề thành ra trở lại như cũ với sự đe dọa chực chờ qua năm tháng.
Trịnh
không giữ yên được vùng trung châu vì nhiều lí do trong đó có lí do
ngược đời là vì chính những cải cách muốn đem đến ổn định bằng các thể
thức pháp chế rành rẽ. Đã nói, phép Bình lệ của Phạm Công Trứ đề ra năm
1664, trong buổi đầu giúp Trịnh thu thuế, bắt người nhưng theo với thời
gian, và nhất là khi thời bình trở lại thì một chính sách “gọn nhẹ”,
biếng nhác như vậy lại cho thấy những khuyết điểm lớn lao.
Kết
quả bình định ở biên giới phía bắc giúp cho Trịnh Căn kiểm tra địa vực
dưới quyền bằng cách lập sổ Tu tri (1694) ghi chép địa phận các làng xã
với chi tiết bên trong, như một loại bản đồ viết, tập họp lại có thể
thành một thứ địa chí đến từng đơn vị hành chính nhỏ đương thời. Nắm
được tổng số lượng điền sản qua kiểm tra, Phủ Liêu liền thi hành chính
sách quân điền, ít ra là theo cách thức đời Hồng Đức một chừng mực,
tưởng rằng có thể tạo được sự ổn định cho việc nuôi dưỡng sức dân. Tuy
nhiên thực tế đã không được như xưa. Phan Huy Chú nhận xét về lệnh phong
cấp 1711 này: “Sơn Nam Hạ nhiều ruộng đất công, làm được. Các nơi khác
không có mấy, có nữa thì cũng đủ cho cung cấp binh lương, ngụ lộc, không
thể nào chia cho các hạng được.” Ấy thế mà Trịnh không thể buông bỏ
thân thuộc, những người phục vụ mình, vẫn phải giữ việc cấp ruộng cho
họ, cấp dân nuôi họ, càng lúc càng nhiều thể loại đến mức coi như người
thụ hưởng chỉ dừng lại ở tờ lệnh mà thôi. Nói như Lê Quý Đôn: “Hộ phiên
phát chế lộc, ngụ lộc cho các quan, từ một hai đến hơn 10 xã, người được
ban cấp tự thu lấy.” Ông đã so sánh tình trạng này với ngày xưa, theo
tình hình thực ấp giả định và thật phong chỉ đúng mức độ hưởng thụ,
nhưng rõ ràng là thực tế đương thời còn hỗn loạn hơn. Chính sách quân
điền 1711 không hẳn đã được thi hành rõ rệt vì các năm 1712, 1713 tiếp
theo là những năm hạn, lụt, “chết đói đầy đường.” Cho nên từ đó ta có
thể suy ra tại sao cứ liên tiếp có các tờ tâu về cường hào, các nhà
quyền quý lấn lướt dân lành, đồng thời với những tấm bia ca tụng các đại
thần, các ông thái giám, bà cung tần rộng rãi khoan thứ cho dân làng,
đến cả việc chia lại ruộng đất cho làng, cúng hậu nơi chùa – một số
trường hợp “rộng rãi” đó chỉ là do thực tế không có cách nào lấy được
phần đã ban cấp trên giấy tờ kia. Ai vụng về, kém thế hơn nữa, không
biết “tự thu lấy” thì như Tham tụng Nguyễn Viết Thứ đầu thế kỉ XVIII,
khi chết đi “nhà thanh bạch”, chúa phải trả nợ giùm trong lúc mọi người
giàu to vào thời ấy, cả đến một viên huyện thừa thấp thỏi mà cũng có
ruộng, có tiền hiến cho chùa.
Thật
ra không phải chỉ có những sơ hở ngay từ trong chính sách mà chính các
lệnh ban hành cho thấy tính chất hối lộ đối với tầng lớp trên không phải
là một tội phạm. Lính, như một tầng lớp có chừng mực cao hơn dân
thường, thế mà đi lính phải nạp tiền cho công quỹ, lính (hẳn là Ưu binh)
vào hầu gần với chúa thì nạp tiền càng cao (Phan Huy Chú). Đặt thuế
mới, ví dụ thuế muối (1732) thì muốn có giấy phép kinh doanh, ngoài lễ
vật trọng hậu cho người giám đương, còn phải có lễ vật dâng lên chúa.
Cho nên không lấy làm lạ là Lê Quý Đôn lấy tiền thu được trong kì thanh
tra ở Thanh Hoá (1771), cũng như từng lấy tiền nạp kiện của dân chúng
đem cung đốn cho Trịnh Sâm để tiến thân (“người làm quan không có lương
bổng thường xuyên, bổng lộc phải trông vào việc kiện tụng,” Cương mục
1746) – ông chỉ khôn ngoan hơn người khác, những kẻ vì giữ riêng cho
mình nên gặp tai vạ khủng khiếp hơn mà thôi.
Tình
trạng bất lực trong quản lí thấy rõ ở những lệnh trái ngược nhau như
nhận định 1723 về việc thi hành “bình lệ” mà còn phải nạp “(thuế/tiền)
ngoại ngạch, khoa điều, sai phái nặng gấp hai thuế chính ngạch.” Xác
nhận (1729) “dân nghèo phiêu lưu ngày càng khốn khó” thế mà “hộ trú ngụ
thì nhà cửa vững vàng... bọn tạp lưu thì của cải đầy đủ...” Nhưng cải
cách thì lại gây ra xáo trộn mới khiến phải huỷ bỏ (lệnh 3 năm làm sổ
đinh một lần 1722 lại trở về với quy định 12 năm một lần 1730) hay phải
có những biện pháp xoa dịu. Đánh thuế đồng và muối (1720), thuế buôn,
lấy 1/40 giá trị hàng chở trên thuyền qua lại sở tuần ti (1723). Thế rồi
thuế thổ sản phải bãi bỏ (1732) vì người nộp thuế sơn chặt cây, người
nạp vải lụa ngừng dệt, người khai thác gỗ, tre bỏ nghề, người bị thu
thuế mật không chịu trồng mía; vì thuế bông thuế chè mà vườn tược bỏ
hoang... Nhân vật được sử quan cho là chính yếu trong các cải cách về
thuế khoá, thi cử, chấn chỉnh quan trường, cả đến việc đề nghị phê phán
quan cai trị... từ khi Trịnh Cương lên là Nguyễn Công Hãng – Lê Anh Tuấn
ở mức độ cũng quan trọng nhưng có vẻ thấp hơn. Thế mà sau những cải
cách, sử quan lại cho rằng “Nguyễn Công Hãng thay đổi phép tắc, chỉ chăm
làm những việc phiền phức, dân phiêu tán có đến 527 làng... nhiều người
oán ghét.” Không phải chỉ có quan chức mà cả sĩ tử, học trò (1728). Cho
nên ông bị giết (1732) không phải chỉ vì tội nói xấu, ngăn trở Trịnh
Giang lên ngôi chúa lúc trước mà vì tội để mả phát vượng khí, có nghĩa
là tội từ những lời xúc xiểm của kẻ thù lúc các chính sách cai trị đã
hết tác dụng, bắt đầu gây ra khủng hoảng mới. Hai năm sau, Lê Anh Tuấn
bị giết tiếp hẳn cũng cùng lí do chịu tội thất bại trong cải cách như
người đồng liêu nhiều nhiệt tình kia. Các ông này chịu rủi ro hơn một
người đồng liêu khác về sau: Lê Quý Đôn.
Cải
cách thất bại, rối loạn tiếp theo càng nổi rõ hơn trong tình trạng
người cầm đầu suy nhược. Với bề mặt ổn định tương đối do các cải cách
đưa đến cùng lúc tổ chức chặt chẽ hơn thêm với sự tập trung quyền hành
qua tổ chức Giám ban, Trịnh Giang bắt đầu hưởng thụ. Nhưng do đó ông
cũng tuỳ thuộc hơn vào kẻ thân cận khiến uy tín sút giảm đi theo với
bệnh tật phải buông bỏ quyền hành. Rối loạn ở bên ngoài, trước nhất là
từ những vùng xa. Các vùng ngoài trung châu không an toàn khiến cho quan
cai trị chỉ điều hành từ xa, phó mặc cho các phụ đạo có khi nổi dậy
hoặc chém giết lẫn nhau. Con cháu họ Mạc lẻn về cũng từng chiếm được Cao
Bằng, nên Nguyễn Công Hãng được đưa lên vùng “béo bở” đó như một ân
sủng, lại từ chối “chỉ muốn ở bên cạnh chúa” mà thôi! Các nhân vật nổi
loạn thất bại ở trung châu chuyển về hoạt động trên vùng thượng du như
Nguyễn Diên của phe Ninh Xá, có kẻ đã tồn tại đến cả đời con như trường
hợp Hoàng Công Chất – chữ lót “văn” dùng cho tên “giặc cỏ” ở Sơn Nam này
đến đây đã trở thành “công”/Ông khi hùng cứ cả vùng tây bắc. Đó là chưa
kể Lê Duy Mật đứng chân trên vùng Trấn Ninh xa hơn.
Những
dấu hiệu nổi loạn cứ càng ngày càng to rộng hơn theo với đà suy nhược
của nhà cầm quyền. Muốn làm đối trọng đồng thời phụ giúp với Ưu binh thì
người ta lập Nhất binh như đã nói. Phép Đoàn kết, tổ chức một loại
hương binh tuy có kết quả bất ngờ là giúp cho họ Trịnh làm việc đảo
chính cung đình thay Trịnh Giang, cứu vãn cơ đồ nhưng lại cũng tạo ra
tình trạng mất an ninh khác vì đã trao vũ khí vào các toán người có lúc
thực sự trở thành trộm cướp mang danh nghĩa chính quyền. Loạn từ nhỏ ra
lớn chứng tỏ ở trường hợp những người xuất hiện ban đầu không có họ mà
chỉ có tên trống trơn: Tế, Bồng nổi dậy, làm đà cho người đầy đủ tên họ:
Nguyễn Danh Phương đánh chiếm một vùng núi Tam Đảo cả mười năm trời.
Người nổi dậy cũng không phải là “nông dân” thuần tuý như nhóm Ninh Xá
(1739) có bậc tôn trưởng là Nguyễn Mại, đỗ tiến sĩ, chuyển qua làm quan
võ, trấn thủ Cao Bằng, Sơn Tây (1715) mà danh tiếng được gián điệp
Nguyễn đưa về tận Thuận Hoá. Sử quan Nguyễn gọi nhóm Ninh Xá là “nghĩa
quân”, được Tự Đức khen “đúng” hẳn không phải chỉ vì chống đối họ Trịnh
mà một phần chính vì dính dấp đến ông quan trấn thủ được họ khen là “có
sức mạnh, trí lực, có tài về chính trị” này.
Mối
liên hệ giữa những kẻ nổi loạn và chính quyền cũng không phải là hoàn
toàn cắt đứt. Tuy nhóm Ninh Xá dựng cờ Phù Lê, nhưng họ đúc tiền riêng
“Ninh Dân thông bảo” với thâm ý lập triều đình khác, và Nguyễn Tuyển lại
từng là gia khách của Hoàng Công Phụ – điều này đã khiến Phụ xuất quân
định phủ dụ giặc, bất ngờ để trống phủ Chúa cho Trịnh Doanh lên ngôi. Kẻ
nổi dậy khi yếu thế, nếu chịu đầu hàng thì cũng tìm được mối liên lạc
đến cả vợ chúa Trịnh, như trường hợp Nguyễn Danh Phương được dung túng,
“nghiễm nhiên lập một nước đối địch” trong 10 năm trời. Có kẻ được phong
chức tước cao như Nguyễn Hữu Cầu làm Hương Nghĩa hầu (1746), kể cả
“giặc cỏ” Hoàng Văn/Công Chất cũng được chiêu dụ theo lời hứa “trao quan
tước, chiếu theo từng địa điểm mà cho cai trị.” Những kẻ cầm đầu này
khó có thể làm hàng thần lơ láo nhưng những người ở cấp thấp thì dễ dàng
chịu khuất phục như nhóm con cháu Đinh Văn Tả (tướng bình định Cao
Bằng), Hoàng Phùng Cơ. Họ sẽ nổi bật thành nhân vật cần thiết khi những
kẻ khác lẩn tránh, như lúc Tây Sơn ra Bắc. Rồi cũng có trường hợp ngược
lại như tay chân của Hoàng Ngũ Phúc lại trở thành cướp, hẳn cũng giống
như những người của thành phần “chí nguyện binh” tuyển mộ đánh giặc mà
Trịnh Doanh cho giải tán khi chỉnh đốn quân đội (1740).
Quan
cướp lẫn lộn như thế nhưng họ Trịnh gặp thành công chỉ vì sự chống đối
đã diễn ra ngay ở vùng có quan hệ đến sự tồn vong của dòng họ nên phải
cố gắng ổn định tình hình. Trịnh Doanh đã thấy “vùng Đông Nam là nơi đẻ
ra của cải, thuế khoá của quốc gia” nên tự điều khiển quân tướng, linh
động sử dụng người, không nề hà gốc gác quan văn (Phạm Đình Trọng), lính
(Nguyễn Phan), kẻ đầu hàng, cả người tuy thân thuộc nhưng khởi đầu chỉ
là kẻ cơ hội (hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc)... Ông cũng không bắt tội Phạm
Đình Trọng không nghe lệnh chiêu dụ Nguyễn Hữu Cầu, bỏ qua việc Đình
Trọng tổ chức quân ngũ riêng, không biết có phải bằng tiền vay liều rồi
hi vọng quỵt nợ nếu thành công như trường hợp Hoàng Ngũ Phúc nghe lời
anh quân sư khách buôn hay không. Quân nổi loạn dù sao cũng là ô hợp như
nhóm Ngân Già tuy hung dữ, xông trận vác dao chém bừa bãi nhưng không
có đồn lũy, chỉ dựa vào nơi bùn lầy hiểm trở. Trong lúc đó quân lính của
Trịnh vẫn có tính chất chính quy, trang bị súng ống như thấy trong các
lệnh thu mua diêm tiêu trên vùng thượng du, thuốc súng qua khách thương
ngoại quốc ở Kinh thành, ở “phố Lai triều” / Phố Hiến. Rốt lại Trịnh
Doanh cũng qua được thời kì nguy khốn những năm 1740-1741, chận Lê Duy
Mật, Nguyễn Danh Phương từ xa, phá quân Ninh Xá, Ngân Già, mở rộng khu
vực an ninh, giải toả áp lực quân nổi dậy sát kinh thành để tiếp tục
chinh phạt Nguyễn Hữu Cầu trên vùng biển xa, rồi diệt trừ Cầu và Nguyễn
Danh Phương cùng một lúc (1751), dành cho Trịnh Sâm thanh toán Hoàng
Công Chất (1769), Lê Duy Mật (1770) về sau.
Nhưng
Trịnh Doanh cũng không thể vượt thời đại của mình. Lời phê của Tự Đức
là khá oan uổng: “(Doanh) cũng không phải là người giỏi.” Tuy đã giải
tán giám ban để xoa dịu các quan văn võ phải xấu hổ khi thấy bị ghép
ngang hàng với người thiến, nhưng Doanh vẫn phải dùng thái giám cầm quân
đánh giặc, vài người bị đặt vào thế đứng ở hàng đầu nên càng lúc càng
tỏ ra xuất sắc như Hoàng Ngũ Phúc, tuy có người gặp rủi ro như Hoàng
Công Kì. Muốn có tính chính danh, Doanh để cho quan triều lo việc thuế
má nhưng rốt lại cũng giao vào tay nội giám (1755). Thiếu tiền cho nhu
cầu quân bị, ông phải thu thuế Gia tô chồng lên thuế chính thức (1742),
vẫn phải cho bán quan mua tước ngay lúc mới cầm quyền (1740), rồi một
lần nữa trong tám năm sau, vẫn giống chính sách của Trịnh Giang (1736),
người bị lật đổ. Cải cách thi cử cũng là dịp cho nhà nước kiếm tiền chi
phí quân dụng: Ai nộp ba quan thì được miễn khảo hạch và vào trường thi
ngay, cho nên đến ngày thi, học trò xéo lên nhau, có người chết (1750).
Hiện tượng làm mất mặt chính quyền về chính sự hãnh diện trí thức của cơ
cấu quyền lực đó cần thiết đến nỗi sau khi bãi bỏ ba năm sau lại phải
tiếp tục năm 1765.
Thiếu
tiền nhưng thực tế lại phải kén quân. Dù có quân phù trợ, hương binh,
chí nguyện binh, thực sự đăt vệ binh ở Tứ trấn nhưng rốt lại vẫn không
thể lơ là với quân Ưu binh cốt cán. Ngay cả khi thấy chiến trận ở vùng
sông nước cần thành lập quân thuỷ, người ta vẫn đặt Ưu binh chen vào làm
nòng cốt. Cho nên dù các nơi khác còn giặc, chỉ mới dẹp xong Ngân Già,
Ninh Xá, triều đình vẫn phải tính việc thưởng công, thế là Ưu binh nhân
dịp đòi quyền lợi, đòi được tính thêm quan tước ngoài lượng ruộng được
chia phần. Lại cũng như lần trước xa, họ không thấy thoả mãn nên kéo
nhau đi đốt nhà Tham tụng Nguyễn Quý Cảnh, lùng tìm người để giết
(1741).
Sử
quan Nguyễn cho rằng: “Ưu binh kiêu ngạo, hung hãn đã thành thói quen,
không thể nào kềm hãm được.” Không thể nào kềm họ được nhưng chính họ
cũng chỉ là một lực lượng quấy đảo không đủ sức lật đổ triều đình như
chúng ta lại thấy họ xuất hiện lần nữa trên chính trường vào hồi tranh
chấp cuối đời (1783-84) với hành động hung bạo hơn: phế chúa, lập vua.
Bản chất họ là một tầng lớp tay sai, đứng trên dân thường một bực vì có
ruộng ở mực ưu đãi, lương trên cả lính Nhất binh, nhưng họ cũng phải nạp
“tiền vọng” cho triều đình khi được/bị tuyển mộ, tiền đó hẳn là xén vào
số lương lính của họ. Lại thêm những quy định phải nạp tiền vọng “và
các tiền khác (?)” khi muốn vào những vị trí hầu cận cao hơn. Cho nên dù
là Ưu binh, vẫn có lính trốn. Quyền lợi nhiều có vẻ là ở những cấp bậc
chỉ huy Cơ, Đội của họ theo lối quy định cấp chung cả (một/nhiều) xã cho
đơn vị để lấy lương mà lại có số lượng cho từng người một – phần thừa
ra hẳn thuộc về những người chỉ huy. Cuộc biến loạn năm 1741 đòi thưởng
quan tước theo số dân của xã là để làm tăng phần thưởng, nhưng cũng chỉ
sẽ về tay những người chỉ huy. Lính trơn vẫn bị gạt ra bên ngoài. Vì thế
chúa Trịnh tuy gặp khó khăn vẫn trấn áp được Ưu binh, còn các ông quan
triều, nếu không trốn chạy vào phủ chúa để khỏi bị giết thì lại núp sau
lực lượng địa phương bị bạc đãi hơn: lính Tứ trấn, như trường hợp Nguyễn
Khản / Nguyễn Lệ (1784). Những mâu thuẫn địa phương sâu sắc vẫn còn thể
hiện qua những dịp biến động lớn dù rằng nhiều trăm năm đã trôi qua.
Những đổi thay đồng thời với biến loạn
Những
thông tin về tình trạng nổi dậy, mất an ninh xã hội lúc nào cũng vẫn
thường được ghi chép, không cứ gì phải đợi đến ngày nay với kĩ thuật
tinh vi nhanh nhạy, với quan điểm “chống phong kiến áp bức.” Vì cứ theo
đà lôi cuốn của định kiến mà khi sử quan Nguyễn chép hai sự kiện “không
mưa”, “được mùa” của năm 1728 có vẻ trái ngược nhau liền bị Tự Đức gằn
giọng. Thật ra thì không ai khác hơn dân chúng cảm thấy tình hình như
thế nào để than vãn hoặc hưởng thụ trong cuộc sống ngắn ngủi của họ. Vì
sự tồn vong của chính mình, Trịnh cũng phải có các biện pháp cứu chữa:
chẩn cấp cho dân đói, tha thuế, lực dịch, phủ dụ cho dân yên ổn làm ăn.
Cho nên ngay dưới đời Trịnh Giang, giữa những dòng sử kể về sự truỵ lạc
của Giang, về khổ nạn dân chúng phục dịch, ta vẫn thấy sử quan chen vào
những dòng ngắn ngủi “Lúc ấy nhân trong nước thái bình...” Đói rét tuy
có thể là nhân hoạ nhưng vẫn là do thiên tai mà khả năng con người đương
thời không chế ngự được. Người dân vốn quen sống chịu đựng, nhẫn nhịn
lại phụ thuộc vào sự tuần hoàn thiếu/đủ của chỉ một mùa, một năm ngắn
ngủi nên “đói” đó rồi lại “no” đó là chuyện bình thường. Lại có những sự
kiện đổi thay thật quan trọng nhưng sử quan ở tầng lớp trên không quan
tâm tới nên để chúng hoặc chìm lấp đi hoặc lạc vào những loại “chuyện
kể” lệch hướng. Ví dụ trường hợp nhập khẩu một loạt các cây mè/vừng, đậu
phộng/lạc, và cây bắp/ngô vào Đại Việt.
Trước
hết, ngày nay còn có hai từ khác nhau dành cho mỗi loại cây lương thực
này, vốn từ gốc châu Mĩ, chắc chắn là khởi đầu qua những thương nhân Tây
phương, (đậu phộng có dấu vết vào Trung Hoa năm 1682, cây mè vào đầu
thế kỉ XVIII) đã đi vào Việt Nam, riêng rẽ đến hai vùng có hai chính
quyền khác nhau nên mới mang hai tên khác nhau. Ở Đàng Trong, một loại
được gọi là cây/trái “bắp” chắc là theo hình tượng cơ bắp của con người.
Còn ở Đàng Ngoài thì chữ “ngô” lại cho thấy gốc gác địa phương chuyển
dẫn trực tiếp: Đó là từ Trung Quốc mà người Việt theo thói quen từ xưa
chỉ nhìn ở phần Nam của nước đó, nơi có nước Ngô một thời đưa người đến
cai trị, cái tên được in trí nhiều hơn với những truyện kể về thời Ngô,
Việt có Tây Thi, Phạm Lãi... Truyền thuyết về việc nhập giống ngô vào
Đàng Ngoài qua chuyện ông sứ thần giấu hạt trong lỗ đít (nên ngô không
được dùng cho cúng tế) chứng tỏ sự chuyển tiếp không được suôn sẻ –
không hẳn vì lí do chính trị, vì sự ngăn cấm của quan lại Trung Hoa mà
có thể vì thành kiến khó chấp nhận cái mới của người Việt. Dù sao thì
dân Việt thế kỉ XVIII cũng được thấy thêm một loại cây lương thực ngắn
hạn, quan trọng ngang tầm lúa – “lúa ngô”, không phải dầm chân trong
nước mà vẫn phát triển qua những tháng không mưa, để được trồng trên
những vùng đất cao, chỉ cần một chừng mực tưới tiêu. Tóm lại, thấy một
vật phẩm cứu đói thần kì trong thế kỉ XVIII và các thế kỉ sau mà sử quan
bỏ qua để lâu ngày sự quen thuộc sẽ trở thành bình thường – tầm thường
nếu có ai gợi lên, nhắc tới. Còn hai loại cây hạt dầu kia hẳn đã giúp
người nông dân khốn khổ Đàng Ngoài chịu đựng thêm qua những ngày mùa
đông giá buốt, đói lạnh.
Chúng
ta không rõ những người dân Đò Mè trồng rau cải cho người Hà Lan trú
ngụ ở đấy có truyền đạt gì cho vùng trung châu hay không. Chỉ biết cây
thuốc lá, mà Lê Quý Đôn biết gốc gác từ Philippin: “tạm-ba-cô”, thấy ở
nam Trung Hoa, đến Đàng Ngoài qua ngả Lào (1660) được “quan, dân, đàn bà
con gái đua nhau hút”, khiến cho hai lần lệnh cấm 1665 không thấy hiệu
quả. Sự mê đắm đó tập trung vào một dạng đặc biệt của cây mê thảo này
với tên riêng: “thuốc lào”, thực sự thêm một lối giải trí ngoài rượu
chè, cờ bạc bị cấm đoán, đã đem lại cho đám dân cực nhọc những giây phút
quên lãng cuộc đời khốn khổ, và cho cả những người của tầng lớp quan
quyền một chút ảo vọng về con đường công danh gập ghềnh, có khi đầy cay
đắng với những rủi ro bất thường từ sấm sét trên cao, với những xung đột
kèn cựa từ các đồng liêu của nhiều nguồn gốc đào tạo...
Đói
rét vẫn có đấy nhưng người có tiền của không phải chỉ là công hầu, quận
chúa, quan chức. Họ giàu đủ có tiền để mua quan chức, nhiều lần. Người
có tiền đông đến mức bỏ ra nạp tiền thông kinh (chưa kể những thứ dành
sẵn cho những bước tiếp theo) để giày đạp nhau trong trường thi. Người
ta có nhiều tiền, đủ để cho quan chức vay tổ chức quân binh dẹp loạn,
một hình thức đầu tư khó thấy thu hồi vốn trong tình hình binh loạn dâng
lên tứ phương, thế mà người ta vẫn làm! Số tiền đầu tư phi nông nghiệp
dồi dào như thế gợi ý về một tình hình ối đọng tiền bạc mà khu vực ruộng
đất không thu hút hết được. Bởi vì ở đó vẫn còn một khu vực ruộng công
to lớn mà nhà nước cố bám giữ để ban phát mà duy trì quyền bính tuy rằng
đã thấy tư nhân cố len lách chiếm giữ khiến nhà nước phải đề ra biện
pháp lấy lại quyền lợi. Đó là tình hình dẫn đến quyết định đánh thuế
ruộng tư của nhà nước Lê Trịnh trong thế kỉ XVIII.
Ruộng
tư đã thấy xuất hiện trong sử sách từ các triều đại độc lập đầu tiên vì
lí do giản dị là nó đã có mặt trong thời Bắc thuộc theo với tổ chức
chính quyền ngoại trị. Nhà nước các triều đại đầu không đánh thuế ruộng
tư vì “muốn bớt gánh nặng cho dân” như Lê Tắc nói, tuy ông không dùng
chữ “tư điền” rõ rệt mà vẫn cho ta hiểu như thế. Thật ra có thể hiểu sát
sao hơn như ta đã nhận ra tính chất thu hoạch của nhà nước Lí Trần là
dựa trên phần tư điền của mình, trên phần chia của các hào trưởng, thủ
lãnh địa phương, không thể nào đi sâu sát từng mảnh đất riêng rẽ được.
Với thời gian, Trần Hồ cũng đã mon men vào ruộng tư khi cho lập thuế
đinh đánh luỹ tiến theo số ruộng thủ đắc. Phép quân điền đời Lê sơ thay
thế sự quản lí thông qua tầng lớp hào trưởng tàn tạ bằng việc ban cấp,
chia cắt cho một hệ thống quan chức, xã dân đưa quyền bính trung ương
đến tầng lớp thấp trong xã hội, và vẫn là quản lí một số lượng lớn ruộng
đất gom góp tất cả lại theo nguyên tắc “đất trong thiên hạ là đất của
vua”, không tranh cãi. Nhưng khi quân quyền suy yếu, thế phân tranh kéo
dài thì sự chiếm đoạt lâu dài trở thành đương nhiên – điều này thấy ngay
trong những lệnh phân xử mua bán tư điền riêng rẽ của các triều trước,
buộc có một hạn định thời gian cho việc chuộc lại ruộng cầm thế chẳng
hạn. Thời Trung hưng, như đã thấy, Trịnh cứ nhắc lại, lập các lệnh “theo
thời bình”, như của thời Hồng Đức nhưng rõ ràng không thể hồi phục
quyền lực như trước kia nên ruộng đất cứ vuột khỏi tay chính quyền càng
lúc càng nhiều.
Phép
Bình lệ chủ yếu nhắm vào phần ruộng đất, dân chúng của nhà nước quản
lí, căn bản của chính sách chung vẫn còn đó, những cải cách lẻ tẻ chỉ
gây thêm phiền nhiễu mà nhà nước vẫn không thu được tiền của về trung
ương. Thời gian 12 năm giữa hai kì kiểm kê / duyệt tuyển là thời kì “vô
chính phủ” để hỗn loạn thành hình khó cứu chữa. Năm 1711 có lệnh cấm các
nhà “quyền quý, hào phú” thiết lập các trang trại, những nơi không
những mang mầm mống cát cứ mà còn tách rời quyền lực trung ương trên đất
ruộng, trên dân đinh chịu sưu dịch nữa. Đã có những điều chỉnh phép
Bình lệ từ năm 1716, 1719 chia đều thuế khoá và lực dịch không phải chỉ
nhắm vào tình trạng đinh suất mà còn nhằm vào sự thủ đắc điền thổ được
đo đạc lại. Chính quyền biết rằng đã để lọt ra ngoài phần ruộng đất tư
càng lúc càng lớn rộng theo với đà rối loạn xã hội thuận tiện cho việc
đầu cơ đồng thời với sự phát triển thương mại mang thêm giá trị cho hàng
nội vào tay một số người chuyển sang việc đầu tư vào ruộng đất theo với
tâm thức chung của thời đại. Nhận xét năm 1723 “những kẻ ruộng đất liền
bờ... đều là hạng người được miễn trừ, không phải đóng góp” dẫn đến
việc đánh thuế ruộng tư năm 1728 tuy rằng cũng lại có những quyết định
điều chỉnh thụt thò như ta đã nói.
Không
phải ngẫu nhiên mà những nhà giàu đã xuất hiện vào thời gian sau lúc
thi hành phép Bình lệ. Lê Quý Đôn dẫn sách Trung Hoa, kể chuyện huyền
thoại về cảnh tiền đồng nối đuôi nhau với cờ phướn bay suốt hai tháng từ
châu Quỳnh (Hải Nam) đến “đất Giao Chỉ” rồi suy ra sự giàu có của một
số người trong nước lúc đương thời “vàng bạc tiền thóc kể đến hàng vạn,
vườn đẹp ruộng tốt khắp mọi phương.” Và năm xảy ra chuyện “tiền bay”
thật có ý nghĩa: 1699. Không phải những người này “tay trắng bỗng nên
giàu to”. Sử ghi các năm 1702, 1703 dân đói phiêu tán, dù được miễn giảm
thuế má, lao dịch nhưng đến năm 1708 vẫn chưa ổn định, và trong thời
gian đó thì Nguyễn Thị Thuyết, “Bà Bổi” của Lê Quý Đôn, đã nhân dịp năm
1703 đói kém, dân đói mà cho vay lấy lãi cùng bán thóc “mua” ruộng!
Trong
những người giàu Lê Quý Đôn kể ra, tất cả đều thuộc tầng lớp thấp:
huyện, (hương) cống, phụ nữ. Người ta còn tìm ra được tên một phụ nữ
khác cũng dâng vua một số lượng lớn, phải lập kho riêng để chứa thóc thu
hoạch. Ông huấn đạo phủ Thiên Quan (Thái Bình) chỉ được lưu danh nhờ
tấm bia (1738) tán tụng công đức của “bà vợ chính” mà thôi. Chúng ta
không rõ những “Bà” này có lợi dụng được tình hình giao thương phát
triển của thời đại với người Âu đến lập nghiệp hay không bởi vì tài liệu
không nói đến. Nhưng với tính cách tần tảo của phụ nữ thường được ca
tụng, như Bà Bổi được ghi trong bia 1720 là “nhà nghèo, chí thú làm ăn”
thì tuy không thấy tổ chức buôn bán của các bà, ta cũng có thể nghĩ rằng
họ đã gián tiếp hưởng lợi từ tình hình đó. Thêm nữa, những người giàu
có cũng đều là dân Hải Dương, Sơn Nam Hạ, thuộc vùng đông, đông nam tích
chứa của cải nhiều nhất nước. Đất ruộng của Sơn Nam Hạ có tác dụng
trong chính sách quân điền đã được Phan Huy Chú nói đến. Các báo cáo của
Lê Trọng Thứ 1742, Lê Quý Đôn 1774 cho thấy ruộng ẩn lậu vào tay cường
hào địa phương rất nhiều. Khi quân Nguyễn chiếm bảy huyện ở Nghệ An được
nhiều người Đàng Ngoài hưởng ứng thì một dân nội ứng đoan quyết rằng
Hải Dương mà không nộp thuế thì chính quyền Trịnh đổ ngay. Chính Trịnh
Doanh trong những lần khốn khó bình định vùng nổi dậy ở đông nam, cũng
phải thừa nhận mục đích là để chiếm lại vùng “nhân dân đông đúc, sản vật
phong phú... là đất Quan Trung, Hà Nội của nước nhà.”
Ở
đây cũng là cửa ngõ ra vào của thương thuyền ngoại quốc theo một tuyến
sông được gọi chung là La Rivière de Tonquin từ một cửa sông Thái Bình
đến tiền cảng Đò Mè / Domea lên Phố Hiến trước khi đến Kẻ Chợ / Đông
Kinh. Theo chính sách tách biệt với thương nhân phương Tây, triều đình
Lê Trịnh đã để cho người Hà Lan (1637, đóng năm 1663 rồi mở 1665) lập
thương điếm ở Kinh thành, ở ti Hiến sát Sơn Nam Hạ thành tên Phố Hiến
nổi danh ở Đàng Ngoài như Hội An so với Đàng Trong. Người Anh cũng vào
Kẻ Chợ mở thương điếm năm 1683. Tình hình buôn bán thật ra không suôn sẻ
như người ta mong tưởng vì sự cạnh tranh giữa các công ti cùng mang tên
Đông Ấn nhưng có cái đuôi theo quốc gia xuất phát: Hà Lan, Anh, Pháp.
Họ cũng lại than phiền về sự hạch sách, đòi hối lộ các bà phi, của quan
quyền bản xứ tuy thật ra cũng nhờ đó họ vượt qua được những ngăn cấm, ví
dụ với lệnh cấm lấy người nước ngoài mà một nhân viên Hà Lan trưởng chi
điếm Kẻ Chợ (1663) đã có vợ Việt sinh ra người con lai Samuel Baron làm
việc cho Anh năm 1672, trông coi thương điếm ở Phố Hiến năm 1678. Bà
“me Tây” đầu tiên kia không phải thuộc dòng thấp kém vì từng đi ngoài
đường với áo tía, thứ màu riêng dành cho công hầu, vương tước trong lệnh
1661 – sắc áo thấy cả trên mình Trịnh Cương khi nhún nhường không nghe
lời nịnh thần xin chúa mặc áo vàng!
Việc
buôn bán không đạt lợi nhuận khiến Anh bỏ đi năm 1697, trước người Hà
Lan năm 1700, chỉ còn người Pháp bám trụ vì ngoài việc buôn bán họ còn
có mục đích truyền giáo để giành giật quyền làm Con cưng của Giáo hội
nữa. Sự nhiệt thành trong hành động Tông đồ của người Pháp, người phương
Tây nói chung không phải đã không có ảnh hưởng của việc bài đạo càng
lúc càng mạnh: lệnh chính thức bắt đầu 1663, rồi gay gắt, bắt thích chữ
vào mặt (1712), xử tử giáo sĩ... Nhà nước không nhiệt tình với thương
nhân ngoại quốc một phần vì chiến tranh với Đàng Trong đã chấm dứt từ
1672, triều đình không có nhu cầu thiết yếu về việc mua súng đạn, hay
lấy thế hù dọa đối phương nữa: Năm 1680 Trịnh còn đổi tơ cho Anh lấy đại
bác nhưng năm 1689 Anh đưa chào hàng 20 khẩu, Trịnh chỉ lấy có 7 khẩu!
Về phía thương nhân thì thấy hàng hoá trong xứ không đủ cho việc trao
đổi đều đặn, liên tục trong năm nên họ không cần giữ một trụ sở thường
trực trong xứ. Họ chỉ “buôn hàng chuyến” như thế họ tiếp xúc trực tiếp
với dân chúng, tuy không tránh khỏi nhưng bớt được mối trung gian quan
quyền, và do thế tuy rằng trên các tiểu sử để lại của những người giàu
đã kể không có dấu vết giao thiệp với người ngoại quốc mà ta vẫn nghĩ
rằng họ có hưởng lợi từ những chuyến buôn với bên ngoài kia.
Họ
Trịnh đánh thuế các món hàng ngoài danh mục cổ điển: thuế thổ sản,
muối, kim loại chứng tỏ vẫn có một dòng giao thương nội địa vừa với tầm
mức sinh hoạt kinh tế trong nước. Câu chuyện tiền từ Hải Nam bay sang
Đàng Ngoài phản ảnh tình hình buôn bán vào cuối thế kỉ XVII, đầu thế kỉ
XVIII của thương nhân Trung Hoa mang tiền đồng Trung Quốc trực tiếp trao
đổi với sản phẩm của dân chúng nước Việt đem về nước họ, hay làm trung
gian chuyển cho thương nhân người Âu. Các lệnh quy định cư trú cho khách
buôn ở nhiều địa điểm cho thấy họ là người Trung Hoa, đồng thời cũng
thấy có lệnh bắt buộc đồng hoá để bớt khó khăn trong sự kiểm soát những
người này. Lại cũng không thấy dấu vết thương đoàn của người Việt trên
vùng trung châu nhưng trong biến loạn 1786 lúc Tây Sơn ra Bắc, các giáo
sĩ nhắc đến cơ nghiệp tan tành của đám Các lái xứ Thanh: “thuyền, thóc,
tiền sạch cả”. Còn người dẫn quân Tây Sơn ra Bắc làm đảo lộn cơ nghiệp
nhà chúa là con nhà lái buôn xứ Nghệ, gia tư có cả hàng vạn. Có nghĩa là
xứ Thanh Nghệ không phải chỉ cậy Ưu binh, mà còn có cả sức mạnh thương
buôn từ thần, từ thế nữa.
Đã
nói, tình hình giao thương ở Đàng Ngoài tuy không có tầm mức quốc tế
lớn rộng nhưng so với nội địa thì những hoạt động trong thời Lê Trịnh đã
phức tạp hơn ở những thế kỉ về trước. Điều đó chứng tỏ nơi các lệnh
truyền nhắc nhở nhiều đến vấn đề tiền tệ. Thiếu tiền cho lưu thông, nhà
nước cấm kén chọn tiền, phải đúc thêm tiền mà lệ thuộc vào các tiền hiệu
Trung Quốc đang lưu hành nên “nhái” giả các tiền này khiến phát sinh
những tên hiệu, niên hiệu quái gở làm đà cho những phóng tay bừa bãi hơn
nữa về sau. Nhà nước đích thân mở thêm lò đúc tiền ở địa phương, quanh
các năm 1740 (tiền niên hiệu Cảnh Hưng còn lại rất nhiều, rất đa dạng)
cho nhu cầu quân dụng rồi có lệnh bãi bỏ năm 1753, lấy cớ tiền các trấn
đúc quá lạm, mỏng xấu, chỉ giữ lại hai lò đúc ở kinh thành mà thôi. Thế
là không thể ngăn được tình hình đúc lậu trong dân chúng cho kịp với nhu
cầu lưu thông, và cũng bởi lí do người dân quen với lối kiếm lợi lộc dù
là ít ỏi cũng vẫn nhảy xô vào.
Quyền
lực trung ương không tới làng xã nên tuy thiếu tiền trong lưu thông mà
vẫn có thể sinh chuyện thông đồng với thương nhân ngoại quốc qua trung
gian người Hoa chuyên chở kim loại đồng, tiền đồng ra ngoài. Thông đồng
xảy ra giữa thương nhân Quảng Châu, Macao với người Anh khoảng giữa
1707-1721, với Bồ, Hà Lan qua các sự kiện năm 1734, 1744, dù có các lệnh
1718, 1726 chận bắt các thuyền chở tiền lậu. Tình hình tiền tệ rối rắm
như thế nảy sinh sự phân biệt giá trị của hai cách tính đếm, hai loại
tiền trong lưu thông: tiền cổ/quý, tiền sử/gián không những làm khổ
thương nhân nước ngoài mà lại là căn cứ cho những chính sách thuế khoá,
lương bổng, thăng thưởng... thấy trong các lệnh rối mù của nhà nước ở
thế kỉ XVII, XVIII.
Nhưng
chủ yếu vì tình hình cơ bản của xã hội là nông nghiệp nên hoạt động của
các nhà giàu kia mang tính đầu cơ ruộng đất rõ rệt. Tiền kiếm được chỉ
dùng mua ruộng chỉ vì không có lối thoát đầu tư gần gũi nào khác. Thế mà
lại có nhiều lí do khiến cho việc đầu cơ trở nên bấp bênh. Ruộng đất
manh mún không tập trung để tạo quyền lực, mà tập trung thì cũng không
tạo hiệu suất khá hơn vì cách thức sản xuất vẫn không đổi. Có quá nhiều
quyền lực nhìn vào để xâu xé ruộng đất không chỉ từ trên cao của vua
chúa, quan quyền mà còn ngay bên cạnh, ở các người bên trong làng xã. Vì
thế người giàu có sau khi thu tóm ruộng nương lại phải chia ra: cung
tiến là một cách hối lộ người trên, chia cho làng xã là cách hối lộ
người xung quanh bảo đảm an toàn cho phần ruộng dành cho con cháu, cho
sự an toàn ở địa phương của chính bản thân những người này. Lập hậu cũng
là một cách hối lộ làng xã thông qua việc hối lộ thần thánh để mua sự
an thân có bảo đảm cho rằng đến cả đời sau. Cách điều chỉnh ruộng đất
không mang tính tự nguyện, từ tâm như thế: “Không ai giàu ba họ, không
ai khó ba đời” đã tạo ra trong một lúc một tình hình quân bình tài sản
tương đối trong xã hội, và đã chận trước được những biến động loạn li mà
không ai thấy ra. Đồng thời về lâu về dài tạo ra một nếp sống loanh
quanh xóm làng, bụi lúa, con trâu cho cả những người giàu có.
Tuy
nhiên cũng không nên quên khía cạnh tích cực của các thế kỉ này. Nhà
giàu bỏ tiền mua quan chức, nuôi binh lính đã góp phần vào việc ổn định
cho chính quyền Lê Trịnh. Cả người góp chỉ có ba quan để đạp nhau vào
trường thi cũng là theo đà mở rộng học vấn đương thời, và tiếp sức cho
nó. Có chê trách tình trạng “học tủ” như ghi nhận năm 1693 thì đó cũng
chỉ là kéo dài trong loạn li kết quả không tránh được của nền học vấn
nhắm vào thi cử mà Lê Quý Đôn cho là gốc gác từ thời Hồng Đức. Tuy nhiên
không có cái phong khí đua đòi đó và sự sung túc của một lớp người tiếp
sức cho thì không có cảnh Vũ Thạnh bị bãi chức (1699) về nhà mở trường
dạy học, “mỗi khi đến ngày giảng tập, nhà học không đủ chỗ chứa, học trò
thường mượn thuyền nan cặp vào bên hồ (Bảy Mẫu) nghe lởi giảng dạy.”
Trước ông ta có Nguyễn Đình Trụ bị giáng cách, “dạy bảo... học trò cả
hàng ngàn người... thành đạt hơn 70 người.” Sử quan cho là “nhân rỗi
việc” nhưng chúng ta thấy ra một lớp thầy đồ cao cấp ở xóm làng cũng là
hình thành từ sự lạm phát nho sĩ đương thời. Lạm phát nhưng cũng là bức
tường thành ý thức chống đỡ cho chế độ khỏi sự xâm nhập của những luồng
tư tưởng khác, cụ thể vào thời này là sự rao giảng Đạo mới của người
phương Tây. Có một điều mỉa mai là nếu Lê Quý Đôn không ăn của đút, chỉ
sống thanh bạch như nhà nho “thực bất cầu bão” thì khi chết đi may ra
được chúa Trịnh trả nợ giùm chứ không đủ tiền mua sách do giao thương
đem lại để hiểu cả những vấn đề mới nhất thuộc loại “trái đất hình
tròn”, và đem ứng xử trong khi làm việc nước để thành nhà bác học như
người ta ca tụng ngày nay.
Dù
sao thì sinh hoạt văn hoá dồi dào của Đàng Ngoài rõ ràng là nổi bật
trong thế kỉ XVII, XVIII. Lê Hi làm Tham tụng “thiên hạ sầu bi” để lại
tiếng xấu nhưng cũng là người hoàn thiện tập họp sử kí nhiều đời, của
nhiều người đến nay mới được chính thức in ra lần đầu (1697). Ý thức và
khả năng chất chứa sách vở của thế kỉ XVIII qua hai vọng tộc Ngô Thì,
Phan Huy, Nguyễn Tiên Điền, Trường Lưu... không những làm xuất hiện các
sáng tác, biên tập của từng cá nhân mà còn làm nền tảng cho sự thành
hình bộ Lịch triều hiến chương loại chí đồ sộ của thế kỉ sau nữa. Và một
nền văn chương chữ nôm cũng thành hình nhuần nhuyễn cho đến chúa Trịnh
cũng làm thơ nôm. Thơ quốc âm đã kể chuyện, phản ảnh thực sự tâm tình
của người dân nước đương thời, không phải vướng víu vì cái khuôn khổ chữ
Hán văn vẻ nhưng dù sao cũng là xa lạ, kiêu kì... Ở thế kỉ trước người
ta chỉ ra lệnh cấm truyện nôm “nhảm nhí” nơi lời Giáo hoá (1663) nhưng
qua thế kỉ sau thì có lệnh tịch thu sách “in ra để buôn bán”, trừng trị
(1718) những người tàng trữ, nghĩa là người ta đã phải chống đối một
phong trào lớn. Đặng Trần Côn viết khúc ngâm Chinh phụ hẳn là ảnh hưởng
từ biến động những năm 1740 nhưng tiếng vang chỉ vượt ra ngoài vòng nho
sĩ, rộn rã đến với dân chúng là bằng những khúc diễn nôm tiếp theo, cho
nên những lời “tục tĩu” ở Bích Câu kì ngộ kí vẫn còn nằm trong vòng khép
kín của những người thông thạo chữ Hán. Thử nghĩ nếu bản diễn âm dịch
trọn vẹn những lời kia? – Và đúng là nhà nho đã không dám làm chuyện ấy
chỉ vì động đến nền tảng đạo đức vẫn đang được đề xướng, cổ động cho lớp
người đông đảo mà họ quản trị. Tất nhiên với người đời nay, nếu có một
bản nôm như thế thì họ lại thấy không có gì may mắn hơn vì nhờ đó mà họ
hiểu được một quá khứ chân thật hơn.
Tạ Chí Đại Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét