Tạ Quang Bửu (23/7/1910 – 21/8/1986) là một Giáo sư, nhà toán học
người Việt; ông cũng từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Đại
học và Trung học chuyên nghiệp của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông cũng
được bầu làm đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khóa VI
(1946–1981).
Ông
là một nhà khoa học uyên bác trên nhiều lĩnh vực, không chỉ trong khoa
học tự nhiên mà cả trong các khoa học xã hội như lịch sử, cổ học. Về cổ
học, ông đọc được Luận ngữ, Đại học, Trung Dung, Mạnh Tử, Đạo đức kinh,
Nam Hoa kinh... trong nguyên bản Hán ngữ. Về ngôn ngữ, ông thành thạo
tiếng Anh, tiếng Pháp, sử dụng được tiếng Đức, đọc hiểu tiếng Nga, tiếng
Hán, tiếng Hi Lạp cổ, tiếng Latinh. Khi còn đi học, ông chỉ cốt sao thu
nhận được nhiều kiến thức nhất chứ không quan tâm đến việc thi lấy
bằng. Bên cạnh việc nghe giảng tại giảng đường đại học, ông dành phần
lớn thời gian tự học, tự cập nhật kiến thức. Khi làm bộ trưởng Bộ Đại
học và Trung học chuyên nghiệp, ông đã góp phần to lớn vào việc xây dựng
nền đại học trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, vào sự nghiệp đào tạo
và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ thuật ở miền Bắc Việt Nam
trong thời kỳ này.
Ông là người tham gia sáng lập Hội Vật lý Việt Nam (năm 1966).
Ông
đã được Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam tặng thưởng: Huân chương Độc
lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến
thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương
Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba.
Năm
1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) về
khoa học công nghệ với tập hợp các công trình "Giới thiệu khoa học kĩ
thuật hiện đại (sau 1945), chỉ đạo các nhiệm vụ quan trọng trong kháng
chiến chống Mỹ cứu nước và những quan điểm xây dựng ngành Đại học và
Trung học chuyên nghiệp nước nhà". Các công trình của ông được đánh giá
là đã định hướng phát triển một số ngành khoa học cơ bản; chỉ đạo kỹ
thuật việc rà phá bom mìn phong tỏa Vịnh Bắc Bộ, Hải Phòng và chỉ đạo
những nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng khác trong kháng chiến chống Mỹ.
Tiểu sử
Tạ Quang Bửu được sinh ra trong một gia đình nhà giáo tại thôn Hoành Sơn, xã Nam Hoành, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Năm
1922, Tạ Quang Bửu thi vào trường Quốc học Huế và đỗ thứ 11. Sau đó ông
ra Hà Nội học trường Bưởi. Năm 1929, sau khi đỗ đầu tú tài Việt và đỗ
đầu tú tài Tây ban Toán, ông nhận được học bổng của Hội Như Tây Du học
của Nguyễn Hữu Bài và sang Pháp học.
Tại
Pháp, năm 1929 ông đăng ký học lớp toán đặc biệt của trường Louis le
Grand về toán học và vật lý lý thuyết, đăng ký học cử nhân toán ở Viện
Henri Poincaré. Ở đây có hai giảng đường lớn: Hermite dành cho cử nhân
và Darboux dành cho những người học trên đại học. Ông đã đến nghe giảng ở
Hermite và tham dự các buổi xê-mi-na ở Darboux. Tại đây, ông đã tiếp
xúc với nhiều nhà toán học trẻ của nước Pháp, bí mật tham gia nhóm
Nicolas Bourbaki. Mục đích của nhóm này là tổng kết toàn bộ thành tựu
toán học của loài người,mọi thành viên khi in các công trình toán học dù
dưới dạng báo hay sách đều kí một bút danh là N.Bourbaki. Nhóm đã công
bố hơn 40 công trình đồ sộ, được đánh giá cao. Năm 1961, ông cho ra đời
tác phẩm về "Cấu trúc của Bourbaki".
Ông
thi đỗ vào trường Centrale Paris năm 1930, theo học chương trình cử
nhân khoa học ở Đại học Sorbonne, học toán ở các Đại học Paris, Đại học
Bordeaux (Pháp) từ 1930 đến 1934 và được trường Bordeaux trao đổi sang
Đại học Oxford (Anh) trong một thời gian ngắn. Tại đây ông học thêm vật
lý lượng tử.
Trở
về nước năm 1934, ông không ra làm quan mà đi dạy toán và tiếng Anh tại
trường tư, ban đầu là trường Phú Xuân, sau là trường dòng Providence
(Thiên Hựu) ở Huế. Ngoài tiếng Anh và toán, lí, hóa ông còn dạy các môn
khoa học tự nhiên khác theo yêu cầu của nhà trường. Các môn này (động
vật, thực vật, khoáng vật) ông tự nghiên cứu trong sách chuyên ngành cao
hơn nhiều so với chương trình trung học rồi lên lớp với những mẫu hiện
vật tự sưu tầm. Với thể thao, ông cũng tỏ ra xuất sắc ở một số môn và
truyền đạt kinh nghiệm luyện tập cho các học sinh như: đánh bóng bàn
theo kiểu Barma (đương kim vô địch thế giới về bóng bàn, người
Hunggary), tập điền kinh theo phương pháp khoa học nhất, bơi sải
(crawl)...
Đại diện Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam Tạ Quang Bửu ký Hiệp định đình chiến ở Đông Dương
Từ
1942 đến 1945, ông đi làm công cho hãng Điện-Nước SIPEA, được cử phụ
trách nghiên cứu. Ông đã thiết kế nhiều bộ phận cho các nhà máy điện,
tái sinh dầu nhờn cho Qui Nhơn. Ông đã khước từ Huân chương Bắc đẩu do
Pháp trao vì thiết kế đường dây điện cao thế cho nhà máy vôi Long Thọ.
Ngoài ra ông vẫn tranh thủ học thêm và nghiên cứu cơ học lượng tử và
phương trình vi phân.
Ông
là một trong những người tiên phong của Việt Nam dự trại Tráng sĩ của
tổ chức Hướng đạo Việt Nam . Thi đỗ, ông được cấp bằng trại trưởng và là
đại diện huấn luyện cho toàn Đông Dương. Ông được bầu làm Huynh trưởng
Hướng đạo sinh Trung Kỳ.
Tháng
8/1945, ông ra Hà Nội tham gia cách mạng. Từ tháng 9/1945 đến 1/1946,
ông đã đảm nhận chức vụ Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ
lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, rồi Thứ trưởng Bộ Quốc
phòng.
Năm
1946 ông tham gia đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự
Hội nghị Đà Lạt, rồi Hội nghị Fontainebleau (Pháp) đàm phán với Pháp và
nhân đó sang Zurich dự lễ kỷ niệm 200 năm thành lập Hội các nhà khoa học
tự nhiên Thụy Sĩ vào tháng 7 năm đó.
Tháng
7 năm 1947, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 8 năm 1947,
ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau đó một năm trở lại cương vị Thứ
trưởng Bộ Quốc phòng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu đã chỉ đạo và
biên soạn cuốn sách "Bắn máy bay bằng súng trường tập trung" phổ biến
rộng rãi khắp nơi và sau đó khiến máy bay Pháp phải dè chừng trên vùng
trời Việt Nam . Kinh nghiệm này cũng được áp dụng cho dân quân du kích
Việt Nam dùng súng trường bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ trong
Chiến tranh chống Mỹ.
Tháng
8 năm 1948 ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa được thành
lập, sau đó còn làm Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương.
Tuy
kiêm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác nhau, ông vẫn dành thời gian
truyền thụ kiến thức của mình cho các thế hệ học trò. Ngay trong những
ngày Cách mạng mới thành công, ông vừa tham gia các công việc của chính
phủ vừa giảng dạy môn vật lý tại Đại học Hà Nội.
Năm
1954, ông tham gia đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự
Hội nghị Geneva về Việt Nam trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và
là người đại diện cho Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam kí văn bản
Hiệp nghị đình chỉ chiến sự tại Việt Nam và Lào, thường được biết đến
dưới cái tên Hiệp định Geneva về Việt Nam.
Ngay
sau khi miền Bắc được giải phóng, ông được cử làm Hiệu trưởng Đại học
Bách khoa Hà Nội (1956-1961) đồng thời là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng Thư ký
Uỷ ban Khoa học Nhà nước. Là lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Nhà nước, ông
trực tiếp làm trưởng ban Sinh vật - Địa học. Các bài giảng của ông về
sinh học hiện đại có các giáo sư đầu ngành đến dự.
Ông
là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp từ 1965
đến 1976. Giáo sư Tạ Quang Bửu đã đề xuất cải tiến nội dung giảng dạy
những điều "cơ bản nhất, hiện đại nhất và sát hợp với điều kiện Việt Nam
nhất". Theo sự chỉ đạo của Giáo sư, hệ thống các ban thư kí các bộ môn
và các ngành đào tạo được thành lập để cải tiến chương trình đào tạo
đồng thời các cán bộ có trình độ cao và kinh nghiệm giảng dạy cũng được
tập hợp để biên soạn các giáo trình... Những năm đầu của thập niên 1970,
ông đã tổ chức một loạt các cuộc hội thảo về phương pháp giảng dạy đại
học. Chủ trương mở rộng quy mô đào tạo bằng việc lập nhiều trường chuyên
ngành đã được phối hợp chặt chẽ với chính sách tuyển chọn mỗi năm hàng
trăm sinh viên, cán bộ ưu tú để gửi đi đào tạo tại các nước xã hội chủ
nghĩa.
Thời
kỳ này, giáo sư Tạ Quang Bửu vẫn tham gia giải quyết những vấn đề gay
cấn nhất trong khoa học kỹ thuật quân sự. Mùa hè năm 1972, Tổng thống Mỹ
Richard Nixon ra lệnh thả thuỷ lôi trên sông biển và phong toả cảng Hải
Phòng. Ông đã trực tiếp chỉ đạo một tổ nghiên cứu thiết kế, chế tạo khí
tài phá thuỷ lôi (mật danh GK1) để chống lại thủy lôi chiến lược MK 52
của Mỹ, khí tài phá bom từ trường (mật danh GK2) do Tiến sĩ Vũ Đình Cự
làm tổ trưởng.
Đêm 14 tháng 8 năm 1986, ông đột ngột ngưng làm việc do rối loạn tuần hoàn não và một tuần sau, ông qua đời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét