XIN CHÀO VÀ CẢM ƠN CÁC BẠN ĐÃ ĐẾN VỚI BLOGSPOT.COM CỦA LUU VAN CHUONG

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2016

Nữ giả Nam thi đỗ tiến sỹ dưới triều Mạc

Một số sách có nói đến nhân vật Nguyễn Thị Toàn, Nguyễn Thị Duệ người xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, Hải Dương giả dạng nam nhi với các tên Nguyễn Ngọc Toàn, Nguyễn Văn Du, đỗ tiến sĩ dưới triều nhà Mạc.

Nguyễn Thị Duệ - Nữ Tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử khoa bảng Việt Nam
Từ những ghi chép trên sách
- Sách "Những gương mặt phụ nữ Việt Nam tiêu biểu" (NXB KHXH-1976), trang 165 chép: "...Năm 20 tuổi, nhà Mạc mở khoa thi Hội, khoa ấy Toàn đỗ đầu, thầ y học của Toàn  đỗ thứ nhì... Bấy giờ các kỳ thi Hội, thi Đình bài thi đều do Ngọc Toàn thẩm định. Khoa thi ứng chế năm Tân Mùi (?) lấy Nguyễn Thọ Xuân đỗ đầu, chữ viết của Nguyễn Thọ Xuân không mấy ai đọc được, chỉ có bà mới hiểu nổi".
- Sách "Hải Dương phong vật chí" (NXB Lao Động 2009), trang 240 chép: "Ở thôn Kiệt Đặc, huyện Chí Linh có bà Nguyễn Thị Du, khi lên 12 tuổi, gặp lúc nhà Mạc đang ở giai đoạn cuối, người cha đưa bà lên trấn Cao Bằng, bà ăn mặc giả làm con trai tìm thầy tu nghiệp. Họ Mạc mở khoa thi Hội ở Cao Bằng... Khoa ấy bà đỗ thứ nhất... Nhà Mạc mất, bà ẩn cư vào trong hang núi, bị quân Trịnh bắt được... Tân Vương muốn tìm một nữ học sĩ để dạy cung nhân, bà được tiến cung dạy học gọi là Lễ sư. Gặp kỳ thi Hội, thi Đình văn quyển do bà duyệt định".

- Sách "Nữ sĩ Việt Nam " (NXBVN TP.HCM - 2000), trang 107 chép: "Nguyễn Thị  Toàn (Chiêu Ứng phu nhân) 1527 - 1592 giả dạng làm trai lấy tên là Nguyễn Ngọc Toàn đậu tiến sĩ dưới triều nhà Mạc".
Như vậy cả ba tác phẩm đều viết: Có một Nguyễn Thị Toàn hoặc Nguyễn Thị Duệ, người xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương giả dạng nam nhi với tên là Nguyễn Ngọc Toàn hoặc Nguyễn Văn Du, đỗ đầu kỳ đại khoa (không xác định được khoa nào) ở cuối triều nhà Mạc. Từ đó, các kỳ thi Hội, thi Đình quan giám khảo đã mời bà duyệt định lại các bài văn những người thi đỗ.
Đến nghiên cứu các nguồn sử liệu
Nghiên cứu các nguồn sử liệu, các nhà khoa bảng Việt Nam dưới thời nhà Mạc, từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp là 63 năm, nhà Mạc tổ chức được 22 kỳ đại khoa. Đồng thời, triều Lê Trung Hưng ở giai đoạn này tổ chức được 3 kỳ chế khoa, 3 kỳ thi Hội. Như vậy, cả thời Lê - Mạc từ 1529 - 1592 tổ chức được 28 kỳ đại khoa lấy đỗ 11 vị trạng nguyên, 13 vị bảng nhãn, 20 vị thám hoa, 110 vị hoàng giáp và 374 vị đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, không có ai tên là Nguyễn Ngọc Toàn hay Nguyễn Văn Du.

Các khoa thi dưới thời phong kiến Việt Nam nói chung và nhà Mạc nói riêng, quan trường đều do nhà vua cắt cử. Ngoài vua ra không ai được phép xem xét bài thi của thí sinh. Khi chưa truyền lô, yết bảng mà thông tin của kỳ thi lọt ra ngoài thì toàn bộ quan trường đều bị giáng phạt, nhẹ thì cách chức, nặng thì lưu đày, xử trảm. Như vậy làm sao mà quan giám khảo lại "mời bà Duệ Phi thẩm định bài thi của những người đã được lấy đỗ".
Về khoa thi ứng chế năm Tân Mùi, triều nhà Mạc chỉ có một năm Tân Mùi (1571) đây là khoa thi Hội chứ không phải khoa thi ứng chế (chế khoa). Nhà Mạc không mở chế khoa. Khoa này không có ai là Nguyễn Thọ Xuân đỗ thám hoa mà có Nguyễn Thọ Xuân đỗ thứ 2 hàng đệ tam giáp khoa Canh Thìn (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp.
Như vậy, dưới triều Lê  - Mạc có thể có một Nguyễn Thị Toàn hoặc Nguyễn Thị Duệ tài sắc thông minh, thơ hay học giỏi được tôn vinh vào hàng nữ sĩ như lễ nghi Nguyễn Thị Lộ, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm hay nữ sĩ Đạm Phương sau này. Còn về việc có một Nguyễn Thị Toàn hoặc Nguyễn Thị Duệ giả dạng nam nhi thi đỗ đầu kỳ đại khoa nào đó dưới triều nhà Mạc thì sử sách chưa bao giờ ghi chép.
Đinh Văn Niêm (Khoa học Đời Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét