Trang

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ - Phân 3 (Quyển 1-6)



NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - MARIUYTX

QUYỂN 1: PARIS XÉT QUA MỘT HẠT BỤI NHỎ CỦA NÓ

Chương 1 + 2

PARVULUS (Bé bỏng)

Paris có đứa trẻ, trong rừng có con chim. Con chim là con chim sẻ, đứa trẻ là thằng “nhóc con”.
Gắn hai ý niệm đó với nhau, một chứa đựng tất cả cái lò lửa hừng hực, một tất cả bình minh, làm cho hai tia lửa đó chạm nhau: Paris và tuổi trẻ, sẽ nẩy ra sinh vật nhỏ mà Pơlôtơ (Paute: nhà hát kịch La Mã, thế kỷ thứ ba trước công nguyên) sẽ gọi là Humuncio (con người nhỏ).
Đứa bé ấy lúc nào cũng vui. Ăn thì ngày no, ngày đói, nhưng tối nào muốn đi xem hát cũng đi được. Người không bận áo, chân không vướng giầy, đầu không có mái nhà, đứa bé ấy giống như con chim con không còn gì cả trên trời kia. Nó vào trạc từ bảy đến mười ba tuổi, tụm năm túm ba, lê la trên vỉa hè, trời là màn, đất là chiếu; quần của bố mặc dài và quết đất, mũ của một bố khác, chụp quá mang tai, quần lủng lẳng chỉ còn một dải treo thế mà nó chạy lăng xăng cả ngày, dòm chỗ này, ngó chỗ khác, nhặt cái này, quơ cái kia, lê la hết giờ này qua giờ khác, phì phèo điếu thuốc, chửi rủa, văng tục như ma, vào ra quán rượu thậm thọt, quen kẻ cắp, mày tao với gái điếm, nói lóng, hát nhảm thế mà chẳng có chút ác ý nào. Vì lòng nó chứa một hòn ngọc, hòn ngọc tuổi thơ ngây, mà ngọc thì có ngâm dưới bùn cũng chẳng tiêu tan trong bùn. Chúa muốn rằng khi con người còn là trẻ con thì lòng phải ngây thơ vô tội.
Nếu người ta hỏi cái thành phố khổng lồ: “Thằng bé ấy là ai?”. Nó sẽ trả lời: “Con tôi”.
MỘT VÀI DẤU HIỆU ĐẶC BIỆT CỦA NÓ
Thằng ngốc Paris là đứa bé tí hon của mụ mẹ khổng lồ.
Ta cũng không nên cường điệu quá. Chú tiên đồng của hè rãnh ấy, mình đôi khi cũng có một cái sơ mi nhưng chỉ có một chiếc thôi; thỉnh thoảng chân cũng xỏ giày, nhưng là đôi giày không đế, hãn hữu nó cũng có nhà và nó cũng yêu cái nhà ấy, bởi vì trong nhà có mẹ nó; nhưng nó thích hè phố hơn bởi vì ở đấy nó được tự do. Đứa bé ấy có những trò đùa nghịch, trò ác riêng của nó, nhắm vào bọn tư sản mà nó thù ghét. Nó cũng biết ví von: chết thì nó bảo là: ăn trầu bồ công anh đằng rễ; nó có nghề nghiệp riêng của nó; gọi xe, hạ bực lên xuống, đưa người qua đường trong những trận mưa rào để lấy thuế quá giang và gọi đó là bắc những chiếc cầu nghệ thuật, rao những bài diễn văn của chính quyền cho nhân dân nghe, nạo đất giữa các viên đá rải đường; nó có tiền tệ của nó là tất cả những mảnh đồng nho nhỏ mà nó nhặt được ngoài đường. Cái thứ tiền kỳ lạ mang tên lôcơ (loque: mảnh) có một thị giá cố định và được ấn định rất chặt chẽ trong cái xã hội tí hon lang thang này.
Nó cũng có cái thế giới súc vật riêng của nó mà nó quan sát một cách chăm chú trong các góc, các xó: con bọ rùa, con bọ xanh hình đầu lâu, con nhện cỏ, con “quỉ”, con sâu đen cuốn cái đuôi có hai sừng để dọa kẻ thù. Nó cũng có một con quái vật thần thoại của nó, có vẩy dưới bụng mà không phải con thằn lằn, có mụn xù xì trên lưng mà không phải là con cóc, nằm trong những lỗ các lò vôi bỏ trống và những giếng những cống nước khô, đen sì, lông lá nhầy nhụa, con vật ấy bò đi khi thì nhanh, khi thì chậm, không có tiếng kêu, nhưng mà nhìn người ta, con vật dễ sợ đến mức chưa ai từng thấy. Nó gọi con quái vật ấy là “thằng điếc”. Tìm thằng điếc dưới đá là một thú vui vào cái loại thú vui kinh hoàng. Một thú vui khác… đột nhiên lật một viên đá lát đường để tìm những con bọ cạp. Mỗi khu ở Paris đều nổi tiếng với những con vật kỳ thú có thể tìm thấy. Có những con “chọc tai” ở những cổng trường Uyếcxuylinơ, có những con cuốn chiếu ở điện Păngtêông, có những con nòng nọc ở quảng trường Săng đơ Mácxơ. Còn cái vốn từ ngữ thì thằng bé ấy chẳng kém Tânlêrăng: hắn chẳng kém trắng trợn nhưng mà hắn lương thiện hơn. Tính hắn vui, hài hước bất ngờ, cái cười rộ, cười điên của nó làm cho các chủ hiệu phải ngẩn ngơ, cái cười vui nhộn của nó rất phong phú, đi từ hài kịch cao cấp xuống tận trò hề.
Một đám ma đi qua. Trong số những người đi đưa có một ông thầy thuốc. Một thằng nhóc kêu to: “Các thầy lang bàn giao công trình của họ từ bao giờ thế?”
Một thằng nhóc khác đứng trong đám đông. Một vị trưởng giả nghiêm nghị, mang kính và dây đồng hồ, quay lại phẫn nộ: “Đồ khốn kiếp, mày vừa “quàng lưng” vợ tao”.
- Thưa ngài, tôi! Xin ngài cứ khám người tôi xem (Chú nhóc con này chơi chữ Prendre la taille: nghĩa bóng là ôm lấy người ta; prendre nghĩa đen là cầm, nhón lấy cái gì)


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 1 - Chương 3 + 4

NÓ THẬT DỄ THƯƠNG

Buổi tối, chỉ với vài xu, cũng có thể kiếm được thằng bé ấy (Nguyên văn Latinh: homuncio) đi xem hát. Vừa bước vào cái ngưỡng cửa thần kỳ ấy, nó cải hóa hoàn toàn. Nó không còn là thằng nhóc nữa mà là chú bé titi. Những rạp hát là những con tàu thủy đặt ngược, đáy lộn lên trên. Chính ở cái đáy ấy mà cái đám titi này chồng chất. Thằng titi đối với thằng nhóc, cũng như con bướm đối với con sâu. Cũng một con vật ấy nhưng không bò lê mà bay lượn. Chỉ cần có mặt nó với những tia sáng tươi vui mà nó phát ra, với cái độ nồng nhiệt hào hứng của nó, với những cái vỗ tay giống như vỗ cánh, đủ khiến cho cái đáy thuyền chật hẹp, hôi hám, tối đen, tiều tụy, bẩn thỉu, xấu xa, ghê tởm ấy mang tên là “Thiên đường”.
Hãy cho một đứa trẻ những cái vô ích và tước hết những cái cần thiết, nó sẽ thành thằng “nhóc con”.
Thằng nhóc con thế mà cũng có khiếu văn chương. Xu hướng văn chương của nó – chúng tôi nói điều này mà nó có phần tiếc – không phải là xu hướng cổ điển. Theo bản chất của nó, nó ít mô phạm. Đơn cử một thí dụ: cái lừng lẫy của nữ nghệ sĩ Mácxơ (Mars thường gọi là cô Mars, nữ nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng của nước Pháp, đầu thế kỷ 19, đóng rất tài tình những nhân vật của Moliète và Marivaux, 1779-1847) vào trong đám công chúng những trẻ con bão táp ấy liền được điểm thêm một chút gia vị hài hước. Thằng nhóc con gọi cô Mácxơ là cô Muysơ.
Nhân vật ấy nói bô bô, chế nhạo mỉa mai, ẩu đả, quần áo tã như một đứa trẻ con và bệ rạc như một nhà triết học. Câu cá ở cống, săn ở rãnh, biến rác rưởi thành vui tươi, la hét, quát tháo ở góc phố, đầu đường, vừa cười, vừa cắn, huýt sáo chế nhạo và hát ca, hoan hô và đả đảo, dung hòa bài ca ngợi chúa Alêluya với điệu khôi hài Matăngtuyluyretơ, tung tất cả các điệu nhạc thơ từ điệu De profundis đến điệu Siêngli, chẳng tìm mà vẫn thấy, biết cái nó không biết, tự nghiêm khắc với mình mà vẫn ăn cắp vặt, điên rồ mà vẫn khôn ngoan, trữ tình mà vẫn thô tục, ngồi xổm trên đỉnh núi Ôlanhpơ (Olympe: tên một ngọn núi ở Hy Lạp. Theo thần thoại Hy Lạp, núi này là nơi ở của các vị thần) lăn lộn trong đống phân mà đứng dậy người đầy sao sa. Thằng nhóc Paris là Rabơle (Rabelais: nhà văn nổi tiếng thế kỷ 16 nước Pháp, hiện thực và trào phúng) cỡ nhỏ.
Quần nó mà không có túi đựng đồng hồ thì nó không bằng lòng.
Nó ít khi ngạc nhiên, càng không hay sợ, chế giễu mê tín, xì hơi những kẻ bốc đồng, nhạo báng những chuyện thần bí, đứa nhạo cả ma, làm cho kẻ say sưa vỡ mộng, đưa những nét châm biếm vào những phóng đại hùng ca. Không phải vì nó thô lậu, nhưng vì nó muốn thay thế những viễn cảnh trang nghiêm bằng một bức tranh sặc sỡ phường chèo. Nếu Ađamaxto (Adamastor: thần khổng lồ làm bão tố) hiện ra nó sẽ bảo: “Ô kìa? Ngáo ộp!”

IV - NÓ CŨNG CÓ THỂ CÓ ÍCH
Paris bắt đầu bằng anh chàng vô công rồi nghề và kết thúc ở chú nhóc con, hai nhân vật mà không một thành thị nào có được: ở đây là sự thừa nhận thụ động tự thỏa mãn bằng việc nhìn ngó, ở đấy là sáng kiến vô tận: anh chàng Pơruđom và chú Phuiu. Chỉ có Paris mới có những loại ấy trong lịch sử sinh vật của nó. Tất cả trật tự quân chủ là dựa vào anh chàng vô công rồi nghề và thằng nhóc con là tất cả vô chính phủ.
Đứa trẻ xanh xao của vùng ngoại ô Paris sống và phát triển, “thắt nút” và “cởi nút” trong nghèo khổ đau đớn, trước thực tế xã hội và những sự việc của con người, nó là một nhân chứng tư lự. Nó tưởng nó vô tư lự, vô tình thực ra nó không như thế. Nó trông nhìn sẵn sàng để cười đùa; nhưng cũng sẵn sàng để làm việc khác nữa. Dù anh là ai, mang tên là Thành kiến, Nhũng lạm, Ô nhục, Áp bức, Vô lý, Độc đoán, Bất công, Cuồng tín, Bạo ngược thì hãy coi chừng thằng nhóc con há hốc miệng ấy.
Thằng bé ấy sẽ lớn dần.
Thứ đất nào đã nặn thành nó? Đất bùn nào cũng được. Một nắm bùn, một hơi thở thổi vào, thế là thành Ađam. Chỉ cần có một thần thiêng thổi qua. Lúc nào cũng có một thần thiêng đi qua con người thằng nhóc con. May rủi tạo nên con người bé nhỏ ấy. May rủi đây chúng tôi hiểu na ná như phiêu lưu. Con người tí hon ấy nặn bằng cái thứ đất chung của mọi người: dốt nát, mù chữ, ngơ ngẩn, thô tục, là một dân Iôni hay một dân Bêôxi (Ionie: một miền cận đông cổ, có dân Hy Lạp ở, nổi tiếng là thông minh; Beotie: một miền Hy Lạp cổ, dân mang tiếng là ngu dốt)? Hãy chờ đây: Currit rota (Tiếng Latinh nghĩa là bánh xe luân chuyển). Cái tinh thần của Paris, con quái vật đẻ ra những đứa trẻ con từ ngẫu nhiên và những con người từ số phận, trái với người thợ gốm La tinh, từ một cái vại thô đã làm nên một cái bình quý.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 1 - Chương 5

BIÊN GIỚI CỦA NÓ

Thằng nhóc con yêu thành thị, đô hội, nó cũng thích nơi vắng vẻ quạnh hiu. Urbis amator (Người ham mê thành thị) như Phuyquyxơ; rururus amator (Người ham mê nông thôn) Phơlaquyxơ.
Lang thang mà suy nghĩ, tức là đi thơ thẩn, là một cách dùng thì giờ tốt của các nhà triết học, nhất là ở cái vùng nông thôn hơi dở dang khá xấu xí nhưng lạ lùng và bao gồm hai thứ cảnh vật, cái vùng bao quanh một số thành phố lớn, đặc biệt là Paris. Quan sát vùng ngoại ô là quan sát cái lưỡng thể. Hết ngọn cây, bắt đầu mái ngói, hết bãi cỏ, bắt đầu đường đá, hết luống cày, bắt đầu các dãy hàng hiệu, hết những vết rãnh bánh xe, bắt đầu những đam mê, hết tiếng rì rào thần tiên, bắt đầu tiếng ồn ào của con người, do đó mà có một lý thú đặc biệt.
Vì thế cho nên những vùng ít hấp dẫn này mà người qua đường kêu là buồn, đã trở thành những con đường dạo chơi, có vẻ như không mục đích của con người thơ thẩn.
Người viết những dòng này, trong nhiều năm tháng đã quen đi dạo ở các vùng cửa ô Paris, nơi đã để lại những kỷ niệm sâu sắc. Những bãi cỏ sát đất, những lối đi gồ ghề đá, những đá vôi, đất vôi, thạch cao, những vùng rộng bỏ hoang hẳn, hay bỏ hóa một vụ, những cây rau đầu mùa của các nhà trồng rau đột nhiên hiện ra ở cuối một khu đất, cái hỗn hợp cảnh hoang vu và thành thị, những khu rộng vắng tanh mà tiếng trống trại lính bỗng rộn lên, như tiếng bập bẹ của chiến trận, những cảnh vắng lặng ban ngày, trộm cướp ban đêm, cái cối xay rã cánh còn quay trước gió, những cái bánh xe trong các mỏ đã cũ, những quán rượu bên cạnh nghĩa địa, sự hấp dẫn huyền bí của những bức tường đen tối, chia cắt những bãi rộng mênh mông, hoang vắng, tràn ngập ánh sáng và đầy cánh bướm, tất cả những cái đó đã làm tôi say mê.
Hầu như không có ai trên trái đất này biết các khu hẻo lánh lạ lùng ấy: La Gơlaxie, La Quynetơ, cái bức tường Gơrơnelơ ghê tởm, lỗ chỗ đầy vết đạn, ngọn đồi Môngpácanxơ, cái hố Phôxơôlu, khu Ôbiê trên bờ sông Mácnơ, Mông Xuri, La Tôngbơ Ixoarơ, La Pierơ Pơlatơ, Satiông nơi có một cái mỏ đã cũ đã hết đá nay chỉ dùng để trồng nấm, miệng mỏ có một cái nắp đậy bằng những tấm gốc mục. Vùng ngoại ô Rômơ có ý nghĩa của nó, vùng ngoại ô Paris cũng có ý nghĩa riêng của nó. Đứng trước một cảnh vật mà nhìn thấy những cánh đồng, những nhà cửa, những cây cối, mới chỉ nhìn thấy bề mặt; tất cả những cái vẻ bên ngoài của sự vật đều là những ý nghĩ của Chúa. Cái nơi mà một cảnh đồng quê tiếp giáp với một thành phố bao giờ cũng nhuốm một nỗi buồn man mác và thấm thía. Thiên nhiên và nhân loại đều muốn tâm sự với ta. Những nét độc đáo của địa phương thể hiện rõ ở đây.
Ai đã đi dạo như chúng tôi trong những khu vắng vẻ tiếp giáp vùng ngoại ô, mà người ta có thể gọi là những vườn trẻ của Paris, cũng thoáng thấy đây đó, ở những nơi vắng nhất, vào một giờ bất ngờ nhất, đằng sau một cái rào thưa, hay trong một góc tường ảm đạm những trẻ em, túm tụm, ồn ào, xanh xao, bùn dây, bụi bặm, rách rưới, đầu tóc lởm chởm, quần hoa dua xanh đang chơi đánh chấn vòng gạch. Chúng đều là những trẻ em nghèo. Những phố xa, ngoại thành này là môi trường dễ thở của chúng, vùng ngoại ô là của chúng. Chúng luôn luôn đến nơi này để lang thang. Chúng tha hồ hát một cách hồn nhiên, những bài hát bậy bạ nhất. Chúng ở đây hay nói đúng hơn, chúng sinh sống ở đây, không có con mắt ai dòm ngó, trong ánh nắng êm dịu tháng năm hay tháng sáu, quỳ lổn ngổn xung quanh một cái lỗ sâu, bắn bi với ngón tay cái, tranh giành nhau từng đồng kẽm, chẳng lo sợ ai trách cứ, như con chim sổ lồng cất cánh bay, thả dây, sung sướng. Khi thoáng thấy bóng người lớn, chúng sực nhớ rằng chúng cũng có nghề nghiệp và cũng phải kiếm ăn, chúng liền mời bạn mua một chiếc bít tất đen đầy những bọ dừa hay là một chùm hoa xoan. Những đám trẻ con kỳ lạ ta hay gặp như thế là một trong những thú mê người của vùng ngoại ô Paris. Nhưng sự gặp gỡ ấy cũng làm ta se lòng.
Thỉnh thoảng trong đám con trai nhỏ ấy có những em gái nhỏ - có phải là chị em của bọn con trai kia không? – gần như là thiếu nữ rồi, gầy còm, xanh mét, bàn tay sạm nắng, mặt lỗ chỗ những nốt đỏ, tóc chít những vành hoa lúa mạch hay hoa mào gà, vui tươi, ngơ ngác, đi chân đất. Có khi gặp các cháu gái ấy nhằn những trái anh đào trong đám lúa. Buổi chiều thường nghe thấy tiếng các em cười. Những nhóm trẻ ấy, giữa nắng ấm ban trưa, hay mờ thoáng trong bóng hoàng hôn, làm cho người đi dạo chơi thơ thẩn phải suy nghĩ nhiều và hòa vào giấc mơ đang diễn ra trong trí.
Paris: tâm điểm, ngoại ô, chu vi; thế là tất cả thế giới rồi, đối với các trẻ nhỏ ấy không bao giờ, không bao giờ chúng đi quá ra ngoài khu vực ấy. Chúng không thể ra khỏi cái vùng khí quyển của Paris, cũng như cá không thể ra khỏi nước. Đối với chúng, qua cửa ô hai dặm là không có gì nữa cả. Ivơry, Giăngchii, Accơi, Belơvilơ, Obeviliê, Mêninmôngtăng, Soadilơroa, Biăngcua, Mơđông, Ixi, Văngvơ, Xevơrơ, Puytô, Nơii, Gienơviliê, Côlôngbơ, Rômanhvilơ, Safu, Axơnierơ, Bungivan, Năngle, Ăngganh, Noadilơxech, Nôgăng, Guôcnay, Đơrăngxi, Gônexơ (Tất cả đều là vùng ngoại ô của Paris), những nơi đó là tận cùng vũ trụ.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 1 - Chương 6

MỘT ÍT LỊCH SỬ

Vào thời ấy, cũng sát vào thời kỳ này rồi, thời xẩy ra câu chuyện kể trong bộ sách này, chưa có như bây giờ một viên cảnh sát của thành phố ở một góc đường (chưa phải lúc nên bàn hơn thiệt về sự tốt đẹp này). Những trẻ con lang thang đầy cả Paris. Thống kê bấy giờ cho một con số trung bình là 260 trẻ không nhà cửa, nhặt được mỗi năm trong các cuộc đi tuần của cảnh sát trong các khu đất hoang, trong những ngôi nhà đang xây dựng và dưới gầm cầu. Một trong những cái tổ ấy đã trở thành nối tiếng, đã sản sinh ra “những con chim én cầu Accolơ”. Chuyện đó là một triệu chứng xã hội tai hại nhất. Tội ác của người lớn bắt đầu từ cuộc sống lang thang của trẻ nhỏ.
Tuy vậy phải loại trừ Paris. Trong một chừng mực tương đối và mặc dầu thực tế cũ chúng tôi vừa nhắc lại, việc loại trừ ấy rất xác đáng. Trong khi ở bất cứ một thành phố lớn nào khác, một đứa trẻ lang thang sẽ là một người lớn hư hỏng, trong khi ở hầu hết khắp nơi, một đứa trẻ không ai chăm sóc như là đã dành sẵn và giao phó cho những tật xấu thói hư của xã hội nhấn chìm như có định mệnh, làm tiêu tan cả tính lương thiện và lương tri, thì trái lại thằng nhóc của Paris – ta hãy nhấn mạnh vào điểm này – dù xù xì và sứt mẻ rất nhiều ngoài da, bên trong vẫn còn nguyên bản chất. Một điều cao đẹp đáng nhìn, hiện rõ tính thanh niên sáng ngời trong các cuộc cách mạng quần chúng, đó là cái tính ngay thật không mua chuộc được, xuất phát từ ý niệm tiềm tàng trong bầu không khí của Paris, như muối tiềm tàng trong nước bể. Hít thở Paris là giữ gìn tâm hồn trong sạch.
Điểm chúng tôi nói trên đây không tránh cho chúng tôi khỏi se lòng mỗi khi gặp một trẻ nhỏ mà xung quanh người như thấy bay lơ lửng những sợi chỉ gia đình đã bị dứt đứt. Trong nền văn minh hiện đại – hãy còn xa mới hoàn chỉnh này – những gia đình đổ vỡ, tiêu tan trong bóng tối không phải là hiếm có, bất thường, những gia đình không còn biết con cái mình đã ra sao, những gia đình đã bỏ vãi ruột rà của mình trên đường phố. Do đó mà có những số phận con người mờ mịt. Cái đó đã được mệnh danh – cái thực tế đáng buồn ấy đã đi vào ngôn ngữ - là “bị vứt ra mặt đường Paris”.
Nhân đây cũng phải nói là những chuyện đem con bỏ chợ ấy, chế độ quân chũ cũ không ngăn cấm. Một ít cái cảnh “xã hội Ai Cập” hay “bôbêm” ấy, trong những cái tầng lớp dưới của xã hội cũng là điều kiện tiện lợi cho tầng lớp trên và “được việc” cho nhà quyền thế. Thù ghét việc cho con em nhân dân đi học vẫn là một giáo điều kinh viện. “Hay chữ lỏng” thì ích lợi gì? Đó là khẩu hiệu. Mà đứa trẻ lang thang là kết quả tất nhiên của đứa trẻ ngu dốt.
Vả lại triều đình một đôi khi cần trẻ con, lúc ấy họ cho đi hớt trẻ của Paris.
Dưới triều vua Lui XIV – để khỏi phải đi ngược thời gian xa hơn – nhà vua muốn lập một đội hải thuyền. Việc ấy chính đáng, ý kiến tốt. Nhưng hãy xét xem biện pháp thế nào? Không thể có hải thuyền, nếu bên cạnh thuyền buồm mà gió muốn đưa đi đâu thì đưa và để khi cần kéo những thuyền buồn này không có những con thuyền muốn đi đâu cũng được, hoặc bằng mái chèo, hoặc bằng hơi nước. Những thuyền có người chèo (Nguyên văn galères – thường thường họ bắt người tù khổ sai chèo. Do nguồn gốc lịch sử ấy mà chữ galères trong tiếng Pháp không những chỉ những chiếc hải thuyền lớn có người chèo mà còn chỉ tội hình khổ sai chung thân nữa; Galérien: người tội phạm bị bắt chèo thuyền) trong hải quân lúc bấy giờ, cũng như bây giờ những tàu thủy chạy bằng hơi nước. Vậy thì phải có những galerơ, những thuyền galerơ chỉ có thể đi lại khi có những người galêriêng. Vậy thì phải có những galêriêng. Thủ tướng Conbe ra lệnh cho các quan đầu tỉnh và các tòa án địa phương kết án khổ sai càng nhiều người càng hay. Và các vị thẩm phán đã hết sức tích cực trong việc này. Một người không ngả mũ khi một đám rước thánh đi qua, thế là có thái độ “tín đồ cải cách” phải đi tù khổ sai. Gặp một đứa trẻ ngoài đường phố, miễn nó 15 tuổi rồi và không có chỗ ngủ, thế là cho đi khổ sai. Triều đại lớn! Thế kỷ lớn! (Lịch sử Pháp còn gọi vua Lui XIV là Lui Đại đế và thế kỷ 17 là thế kỷ lớn)
Dưới triều vua Lui XV, không còn bóng trẻ con ở Paris, cảnh sát hốt chúng đi, không biết để làm chuyện bí mật gì. Người ta thì thầm một cách kinh hãi, những ước đoán quái gở về cái nước tắm đỏ của nhà vua. Bácbiê kể những chuyện đó một cách tự nhiên. Có trường hợp bọn cảnh sát không tìm đủ trẻ em vô thừa nhận, bắt cả trẻ em có bố. Bố chúng thất vọng, xông vào đánh cảnh sát. Trong trường hợp ấy tòa án can thiệp và bắt treo cổ. Treo cổ ai? Bọn bắt người à? Không, những người bố nọ.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 1 - Chương 7

BẦY “NHÓC CON” CÓ THỂ CÓ VỊ TRÍ TRONG BẢNG PHÂN LOẠI TẦNG LỚP XÃ HỘI Ở ẤN ĐỘ

Loại nhóc con của Paris hình như là một tầng lớp xã hội. Người ta có thể nói: không phải dễ ai cũng được ở trong các tầng lớp ấy.
Từ “nhóc con” (gamin) được in trên sách lần đầu tiên và từ ngôn ngữ bình dân bước vào ngôn ngữ văn học năm 1834. Chính trong một quyển sách nhỏ nhan đề là “Côlôđơ, anh nghèo kiết” (“Calude Gueux” nhan đề là một cuốn tiểu thuyết của Victo Huygô xuất bản năm 1834) mà danh từ đó xuất hiện. Việc đó làm nhiều người bất bình nhưng danh từ đó đã lọt.
Những yếu tố của sự quý trọng trong giới nhóc con rất đa dạng, phong phú. Chúng tôi đã biết và quen một chú nhóc con rất được kính trọng và khâm phục vì chú này đã được trông thấy một người ngã từ trên tháp của nhà thờ Đức Bà xuống; một chú nữa vì đã lẻn được vào sân sau của điện Anhvailiđơ, nơi mà các bức tường của vòm điện được cất tạm và đã “thó” một ít chì của các tượng đó; một chú thứ ba vì đã trông thấy một chiếc xe hòm chở khách đổ, một chú nữa vì chú này “thân” với một anh lính đã tí nữa chọc thủng mặt một gã tư sản.
Vì thế cho nên ta hiểu được câu than thở này của một chú nhóc con Paris, một lời tổng kết sâu sắc khiến người tầm thường cười mà chẳng hiểu gì: “Trời ơi trời! Số mình đen đủi thay! Mình chưa được trông thấy một gã nào ngã từ gác năm xuống hè mới khổ chứ!”
Câu nói sau này hẳn là một câu nói ý vị của nông dân: “Này ông kia! Bà nhà ông chết vì bệnh, sao ông không đi mời thầy thuốc cho bà ấy? – Chao ôi! Thưa ngài, những kẻ nghèo chúng tôi chết một mình được”. – Nhưng nếu tất cả bẩm tính thụ động và nhạo báng của nông dân nằm trong câu nói kia thì chắc chắn tất cả cái tự do tư tưởng, vô chính phủ của chú bé ngoại ô lại ở trong câu nói này: một tử tù trên chiếc xe đưa hắn ra pháp trường đang lắng nghe cha giải tội. Chú bé Paris kêu to: “Hắn nói với cha cố của hắn đấy, ôi thằng cáy”.
Về mặt tín ngưỡng thì thái độ táo bạo làm tăng giá trị của chú “nhóc con”. Không tín ngưỡng rất là quan trọng.
Dự những vụ hành hình là một nhiệm vụ, chúng chỉ máy chém cho nhau xem và cười. Chúng đặt cho nó tất cả các thứ tên cúng cơm: “thế là hết xúp”. “Tên cảu nhảu”, “bà mụ Thiên Thanh”, “Miếng ngoạm cuối cùng”… Để nhìn cho kỹ, không bỏ sót tí nào, chúng trèo tường, leo lên ban-công, trèo lên ngọn cây, đu người trên cánh cổng sắt, bám vào ống khói lò sưởi. Chú nhóc con bẩm sinh là thợ lợp mái cũng như là thủy thủ. Hắn chẳng sợ mái nhà cũng như cột buồm. Không có đình đám nào vui hơn là đến pháp trường Gơrevơ. Xamxông và linh mục Môngtexơ là những cái tên đại chúng nhất. Họ la ó kẻ tử tội để cho hắn bạo hơn. Có khi họ khâm phục tù nhân ấy: chú nhóc Laxơnerơ thấy tên Đôtông ghê gớm chết một cách dũng cảm quá, đã phải thốt lên câu nói chứa đựng cả một tương lai: “Mình ghen với hắn ta”.
Cái giới “nhóc con” ấy không biết Vônterơ nhưng mà biết Papavoanơ. Trong những chuyện đặt ra họ để lẫn lộn những “chính khách” với những sát nhân. Họ ghi nhớ và truyền lại về sau các trang phục cuối cùng của các nhân vật đó. Họ biết là Tolôrông đội một cái mũ sốp-phơ, Avơrin có một cái mũ lưỡi trai da rái cá, Luven có một cái mũ tròn, ông già Đơ Lapooctơ hói và đi đầu trần, Caxtanh thì hồng hào và rất xinh, Bơri có một bộ râu rômăngtic (Romantique: Danh từ lãng mạn đi vào ngôn ngữ thông thường của tiếng Pháp), Giăng Máctanh vẫn giữ đai quần, Lơcuphê và mẹ hắn cãi nhau; một chú nhóc con nói xen vào: “Thôi đừng trách móc cái oán giận cái sọt của anh”. Một chú khác bé quá, muốn nhìn rõ Đơbácke khi hắn đi qua, đã chọn được một cái cột đèn treo trên bờ sông và leo lên đó. Một cảnh binh đứng gác chỗ ấy, cau mày trợn mắt nhìn chú. Chú nhóc vội nói: “Thưa ngài cảnh binh, cứ cho tôi trèo” và để cho chính quyền cảm động, chú nói thêm: “Cháu không ngã đâu”. Người cảnh binh trả lời: “Mày ngã thì mặc xác mày chứ việc gì đến tao”.
Trong giới nhóc con, một tai nạn lớn lao là một việc rất đáng kể. Người ta sẽ được trọng vọng cao độ nhất nếu đã bị đứt tay, đứt chân đến “tận xương”.
Quả đấm không phải là yếu tố tầm thường của sự trọng thị. Một câu mà các chú nhóc thường thích nói là: “Ta cũng khá khỏe đấy chứ!” Thuận tay trái là một điều nhiều chú thèm; lác mắt cũng là một điều quý.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 1 - Chương 8

CÂU NÓI LÝ THÚ CỦA ÔNG VUA VỪA QUA

Mùa nực chú nhóc hóa thành con ếch; buổi chiều khi trời sẩm tối, trước các cầu Austéclit và Iêna, từ trên những thuyền than và những thuyền giặt, chú lao đầu nhảy xuống sông Xen và nhảy vào tất cả các sự vi phạm luật phong hóa và trật tự thành phố. Thế mà các cảnh binh thành phố vẫn cẩn mật, do đó mà nẩy ra một hoàn cảnh rất bi kịch, đã sản sinh ra một lời báo hiệu rất huynh đệ và rất đáng nhớ: cái lời nói ấy nổi tiếng vào khoảng 1830 là một lời báo hiệu có tính chất chiến lược, chú này báo cho chú khác, ngâm nga như một câu thơ của Hôme với một cách điệu khó diễn đạt, như là một điệu Elơđixơ của các thầnPanatênê và người ta cảm thấy ở đó có Êvôhê thời cổ xưa. Lời ám hiệu ấy như sau: “Ơ hay Titi, ơ này! Có cọp đấy, có cú đấy, gọn hàng và xéo đi, chuồn cống ấy”.
Đôi khi cái con ruồi ấy – các chú thường gọi nhau như thế - biết đọc; đôi khi biết viết, nhưng chú nào cũng viết vẽ bôi vẽ bác. Các chú không ngần ngại gì tự trang bị cho nhau, không biết bằng một cách bồi dưỡng bí mật lẫn cho nhau nào, tất cả những tài năng cần thiết cho lợi ích công cộng. Từ 1815 đến 1830 các chú bắt chước tiếng kêu của gà tây, từ 1830 đến 1848 các chú vẽ bôi những quả lê trên tường. Một buổi chiều mùa hè vua Lui Philip (Những người phản đối vua Lui Philip vẽ những hình biếm họa, biến mặt vua thành một quả lê) đi bộ về cung, bắt gặp một chú nhóc, tí xíu, cao bằng chừng này, đang cố nghển lên, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, để vẽ một quả lê khổng lồ, bằng than trên trụ cổng Nơiy. Vua Lui Philip với cái vui tính thừa hưởng của vua Hăngri IV đã giúp chú nhóc con vẽ xong quả lê rồi cho chú một đồng Lui vàng và bảo chú: “Trên đồng tiền này cũng có quả lê đấy!”
Chú nhóc con rất ưa thích huyên náo. Cái trạng thái bạo động rất phù hợp với chú. Chú rất ghét các cha cố. Một hôm giữa phố Uynivecxitê, một chú trong nhóm trẻ buồn cười này để tay lên mũi, làm dấu nhạo trước cái cổng lớn của số nhà 69. Một người qua đường hỏi: “Sao mày lại làm cái trò ấy ở cái cổng này?”. Đứa trẻ trả lời: “Trong ấy có một cha xứ”. Thật vậy, nhà ấy là dinh của vị khâm mạng tòa Thánh. Tuy vậy mặc dầu cái tính ngạo mạn kiểu Vonte ấy đến mức độ nào, nếu có dịp chú nhóc con được mời tham gia tốp đồng ca trong nhà thờ, chú nhóc cũng có thể nhận và khi ấy chú phục vụ buổi lễ một cách rất nghiêm trang. Có hai chuyện mà chú nhóc khao khát như Tăngtalơ (Tantale: nhân vật trong thần thoại Hy Lạp bị thần Giuypite bắt chịu tội hình đứng trong nước mà chịu khát, dưới những cây chín cành mà chịu đói), chú luôn luôn mơ ước mà không đạt được: đó là lật đổ chính phủ và khâu lại cái quần dài của chú.
Chú nhóc hoàn chỉnh là chú nắm được lý lịch của tất cả cảnh binh thành phố Paris và mỗi khi gặp một cảnh binh bao giờ chúng cũng có thể trông mặt chỉ tên một cách đích xác. Chú đếm tên bọn họ trên đầu ngón tay, nghiên cứu tác phong của họ và có những ghi chú đặc biệt về mỗi một tên cảnh binh ấy. Chú đi guốc vào bụng những nhân viên của sở cảnh sát. Chú có thể nói với bạn, nói ngay, không cần suy nghĩ và nói mạnh dạn: Tên này là một tên phản bội; - tên này rất ác; - tên này to kếch; - tên này lố bịch (tất cả các từ ấy; phản bội, ác, to kếch, lố bịch trong miệng của chú có những ý nghĩa đặc biệt); - tên này tưởng Pôngnôp là nhà riêng của hắn và cấm không cho người ta dạo mát trên rìa cầu ở ngoài lan can; - tên kia có cái thói “kéo tai các vị”…


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 1 - Chương 9 + 10

HỒN XƯA CỦA XỨ GÔLƠ

(Gaule: tên của nước Pháp thời cổ đại)
Có một phần chú bé ấy trong Pôcơlanh (Poquelin: tên thực của Môlie), đứa con của chợ Paris và một phần trong Bômácse. Tính nhóc con là một sắc thái của tinh thần Gôloa. Nó làm cho người biết phải trái có thêm sức mạnh cũng như cồn làm rượu vang thêm mạnh. Đôi khi cái tính ấy cũng là một khuyết điểm, Hôme cũng có lúc rườm rà, đúng và có thể nói là Vonte cũng “nhóc”. Đêmulanh là dân ngoại ô. Săngpiône, người vẫn đả kích những phép mầu của thánh, cũng từ hè phố Paris sinh ra; ngày bé, ông đã từng tè trên các cửa nhà thờ Xanh Giăng đơ Bôve và Xanh Têchiên duy Mông; ông đã nhạo báng khá nhiều lần cái hòm thánh tích của nữ thánh Giơnơvievơ cho nên sau này có thể ra mệnh lệnh cho cái lọ đựng máu của thánh Giăngviê.
Chú nhóc Paris biết tôn kính, biết mỉa mai và biết ngỗ ngược. Răng của chú rất tởm vì chú ăn đói và đau dạ dày, nhưng chú có đôi mắt đẹp vì chú thông minh. Ngay cả trước mặt Chúa trời Giêôva, chú cũng có thể nhảy lò cò trên những bậc thềm đưa đến thiên đường. Chú có những cái đá khá mạnh. Lúc nào chú cũng có thể trỗi dậy, lớn lên. Chú lê la ở cống rãnh, nhưng vùng đứng lên ngay khi có cuộc khởi nghĩa, chú vẫn ngỗ ngược cả trong mưa đạn, lúc nãy là một thằng nhãi, bây giờ là một anh hùng! Như em nhỏ thành Tebơ, chú dám vuốt râu sư tử, Bara đánh trống là một nhóc của Paris. Chú hô to: Tiến! Như con ngựa của Kinh thánh nói: Đi! Và trong một phút từ một trẻ nhỏ chú đã trở thành một người khổng lồ.
Đứa con của vũng bùn này cũng là đứa con của lý tưởng. Bạn hãy đo cái tầm rộng đôi cánh từ Môlierơ đến Bara (Bara: thiếu niên anh hùng trong cách mạng Pháp 1789. Một mình bị vây, bị buộc phải hô: “Nhà vua muôn năm” nếu muốn được tha, em đã hô “Cộng hòa muôn năm” và bị giết chết).
Nói tóm lại, để rút tất cả vào một câu, chú nhóc là một trẻ nhỏ vui đùa vì chú nghèo khổ.

X - PARIS ĐÂY, NGƯỜI ĐÂY
Cũng để tóm tắt tất cả một lần nữa, chú nhóc của Paris, ngày nay, cũng như chú Graquyluyxơ thành Rômơ xưa, đó là hình ảnh nhân dân trẻ con mang trên trán vết nhăn của thế giới già cỗi.
Chú nhóc là một vẻ đẹp của quốc gia nhưng cũng là một bệnh tật. Bệnh tật này phải chữa. Chữa cách nào? Bằng ánh sáng.
Ánh sáng làm cho mọi vật lành mạnh.
Ánh sáng làm cháy sáng.
Tất cả những ánh sáng tốt lành của xã hội đều bắt nguồn từ khoa học, văn học, nghệ thuật, giáo dục. Hãy đào tạo những con người. Hãy làm cho họ sáng lên để họ tỏa hơi nóng làm ấm chúng ta. Sớm muộn vấn đề giáo dục toàn dân rực rỡ sẽ được đề ra với uy lực không gì cản nổi của chân lý tuyệt đối, thực sự và lúc bấy giờ những kẻ lãnh đạo, dưới ánh sáng của tư tưởng Pháp sẽ phải chọn một trong hai điều này: những thiếu niên của nước Pháp, hay những nhóc của Paris, những ngọn lửa trong ánh sáng hay những bóng ma trơi trong đêm dày.
Chú nhóc biểu hiện Paris và Paris biểu hiện thế giới.
Vì Paris là một số tổng hợp, Paris là đỉnh của loài người. Tất cả cái thành phố kỳ diệu ấy là một sự rút ngắn tất cả những nếp sống đã chết đi và những nếp sống hiện hành. Ai nhìn Paris tưởng nhìn thấy cả những tầng sâu của tất cả lịch sử và giữa những tầng đó là những bầu trời và những ngôi sao. Paris có đền Capitolơ, tòa thị sảnh, có một đền Péctênông, nhà thờ Đức bà, có một đồi Avăngtanh, ngoại ô Xanh Ăngtoanơ, có một Adinariom, một trường Xoócbon, một đài phong thần Păngtêông, một con đường Thiêng, tức đại lộ Italiêng, một Phong tháp tức là dư luận quần chúng: và Paris thay cái tội bêu thây bằng cái lố bịch. Anhmagiô (chàng công tử Tây Ban Nha), của Paris là chàng pharô (chàng công tử Paris), người tơrăngxtêvêranh (dân ngoại ô thành La Mã) là dân phôbuariêng, anh haman (phu khuân vác ở các nước Hồi giáo) của nó là chú phođơlanhan (phu khuân vác ở chợ Paris), anh ladarônê (dân lang thang, lưu manh ở Ý) là bọn pegơrơ (dân lưu manh du côn ở Paris), chàng cócnây (hạng ăn chơi ở thành Luân Đôn) là cậu găngđanh (chàng công tử bột ở Paris). Tất cả cái gì ở xứ khác có, Paris cũng có. Chị hàng có poaxécđơ của Đuymácse có thể sánh với chị hàng lá của Ơripiđơ; anh ném đĩa Vêgianuyxơ sống lại với anh leo dây Phômôdô; Têrapôngtigơnuyxơ Milexơ có thể khoác tay anh lính thủ pháo Vađơbôngcơ; Đamadipơ với gánh hàng tạp hóa của anh sẽ sung sướng ngồi cùng các hàng xén. Lâu đài Vanhxen có thể giam Xôcơratơ, như Agôragiam Điđơrô, Grimô đơ la Râynierơ đã nghĩ ra món thịt bò rán mỡ như Quyêctuyxơ món thịt dím quay. Chúng ta thấy xuất hiện lại dưới mái Ac đơ Lêtoilơ anh đu dây của Pơlôtơ; gã ăn gươm ở Pơxilơ mà Apuylê gặp, thì bây giờ là gã nuốt kiếm trên Pôngớp; cháu ông Ramô và Quayrơquyliông ăn bám là một cặp đôi rất tương xứng; Ecgađilơ có thể nhờ Đêgơrơphơi giới thiệu đến gặp Căngbaxêrex; có bốn chàng Muyxcađanh ở Rômơ: Anxêmacxuyxơ, Phơđơrômuyxơ, Điabôluyxơ và Acgiripơ từ trên Lacuuốctiơ đi xuống trong chiếc xe trạm của Labatuy; Ôluygielơ cũng chẳng đứng lâu trước Cônggriô hơn là Saclơ Nôđiê trước Pôlikinen; Máctông không phải là một con hổ cái nhưng Pacdalixca cũng không phải là một con rồng; anh hề Păngtôlabuyxơ nói nhạo chàng ăn chơi Nômăngtanuyxơ ở tiệm cà phê Anh: Ecmôgienơ là ca sĩ giọng cao ở Săng Êlidê và bên cạnh chàng, Tơradiuyxơ khố rách, mặc như anh hề Bôbesơ cầm rá xin tiền. Anh chàng quấy rầy níu khuy áo bạn trước cung Tuylơri làm bạn phải nhắc lại sau hai nghìn năm câu hỏi của Texpơriông: “Tôi đang vội, ai níu áo tôi?” Rượu vang ở Xuyrexnơ nhại rượu vang ở Anbơ. Cái ly đỏ vành của Đêdôgiê cân xứng với cái cốc lớn của Balatơrông. Nghĩa trang Perơ Lasedơ trong đêm mưa bốc lên những ánh ma trơi như nghĩa trang Exkili và cái hố của người nghèo mua năm năm cũng ngang với chiếc quan tài thuê của người nô lệ.
Bạn thử xem có cái gì ở trên đời mà Paris không có. Cái thùng rượu của Tơrôphôniuyxơ không chứa đựng cái gì mà cái thùng của Mexme không có Ecgaphilaxơ sống lại với Cagơliôxtơxơ; thầy tu Vadaphăngta hiện hình với bá tước Xanh Giecmanh; nghĩa trang Xanh Mêda cũng có nhiều phép mầu nhiệm như chùa Hồi giáo ở Đamaxơ.
Paris có một Edôpo là Mayơ, một Căngđidơ là tiểu thư Lơnoócmăng. Paris cũng sửng sốt như Đenphơ trước những cảnh ảo hóa hiện ra trước mắt chói lòa; nó cũng làm bàn quay như Đôđonơ làm quay những chiếc ghế ba chân. Nó đặt cô gái lẳng lơ lên ngai vàng cũng như Rômơ đặt kỹ nữ lên ngai vàng và nói chung nếu Lui XV tồi tệ hơn Cơlôđơ thì bà Đuy Bari còn khá hơn Mexalinơ. Paris đã hòa trong một điển hình kỳ dị chưa từng thấy, một điển hình đã sống và chúng ta đã từng sát cánh, cái trần truồng của Hy Lạp, cái ung thối của Hêbrơ và cái trào phúng của xứ Gaxcônhơ. Nó trộn lẫn Điôgen, Giôb và Payaxơ, khoác cho một cái bóng ma những số báo cũ của tờ Lập hiến và thành nhân vật Côđơruych Đuycơlơ.
Mặc dù Pơluytacơ nói: “Bạo chúa không già đi”. Rômơ, với Xila cũng như với Đômixiêng, đã phải chịu nhẫn nhại và pha thêm nước cho rượu vang pha loãng đi. Sông Tibơrơ cũng là một sông Lêtê (Tibre: sông chảy qua thành La Mã; Léthé: trong thần thoại Hy Lạp, con sông âm phủ Léthé có nghĩa là “Quên”. Những người chết uống nước sông này, quên hết chuyện cũ trên trần) nếu ta tin lời ca tụng hơi giáo điều của Varuyxơ Vibixquyxơ: “Chúng tôi chiếm sông Tibơrơ chống lại Gơraquyxơ uống nước sông Tibơrơ thì quên đấu tranh chống phiến loạn (Nguyên văn Latinh: Contra Gracchos Tiberim habemus. Bibere Tiberim, id est seditionem oblivisci)”. Paris một ngày uống một triệu lít, nhưng không vì thế mà khi cần, Paris không dóng trống trận và đánh mõ ầm ĩ.
Nhưng ngoài những cái đó thì Paris rất hiền lành. Cái gì nó cũng bằng lòng. Paris không khó tính lắm về sắc đẹp. Thần vệ nữ của nó là người da đen; quý hồ làm cho nó vui cười và nó tha thứ hết; xấu làm cho nó vui; quái gỡ làm cho nó cười; cả sự giả dối nữa, cái thứ trắng trợn tối đa ấy, cũng không làm cho nó công phẫn. Nó văn nghệ đến mức không bịt mũi trước Badilơ và lời cầu Chúa của Táctuyphơ không làm cho nó chướng tai, cũng như Hôraxơ không thấy cái nấc của Priapơ là khó chịu. Không có nét nào của bộ mặt loài người lại thiếu trên cái mặt của Paris. Cuộc khiêu vũ Mabiơ không phải là cuộc múa pôlimniêng của Gianiquylơ, nhưng mụ mua bán đồ trang sức cũng nhìn soi mói ả lẳng lơ như mụ mối Xtaphila dòm ngó cô gái trinh nữ Pơlanêdiom. Cửa ô đáng vật không phải là một Côlidê, nhưng người ta cũng hung dữ như có con mắt của Xêda. Mụ chủ tiệm người Xiri có duyên dáng hơn mụ Xaghê, nhưng cũng như Viêcgilơ lui tới quán rượu ở Rômơ thì Đavit Đănggiê, Bandắc và Salê cũng thường ngồi chén chú chén anh ở tiệm rượu Paris. Luôn luôn Paris ngự trị, những nhân tài chói lòa ở đó và những cái đuôi đỏ cũng đầy rẫy ở đó: Chúa Ađônai rong qua Paris trên chiếc xe mười hai bánh sấm chớp; thàn Xilenơ túy lúy bước vào Paris trên thùng rượu khổng lồ. Xilenơ ở đây tức là Răngpônô.
Paris đồng nghĩa với vũ trụ. Paris là Atenơ, là Rômơ, là Xibarixơ, là Giêruydalem, là Păngtanh. Tất cả các nền văn minh đều được cô đúc ở đây, tất cả các chế độ mọi rợ cũng ở đây. Paris mà không có một cái máy chém thì cũng sẽ rất bực mình.
Có một ít quảng trường Grevơ (một pháp trường ở Paris) cũng tốt. Tất cả cái hội hè đình đám triền miên ấy sẽ là gì nếu không có thứ gia vị kia? Luật pháp của chúng ta đã chuẩn bị chu đáo cho điều đó và nhờ có luật pháp, cái lưỡi dao kia mới rỏ máu trên đám hội ngày thứ ba béo ấy.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 1 - Chương 11 + 12

NHẠO BÁNG, TRỊ VÌ

Có cái gì hạn chế được Paris không? Không. Không có một thành phố nào thống trị người ta mà đôi khi lại phỉ báng người ta. Ngày xưa Alêchxanđơrơ nói với dân thành phố Aten: “Hỡi người Aten! Làm vừa lòng được các người!” Paris không những làm ra luật, Paris còn là ra “mốt”, Paris không những làm ra mốt, Paris còn làm ra “lề thói”. Khi nó muốn, Paris có thể ngớ ngẩn được: đôi khi nó cũng làm cái trò ấy và lúc bấy giờ thì cả vũ trụ cũng ngớ ngẩn theo nó, nhưng rồi Paris thức tỉnh, dụi mắt và nói: “Ơ! Sao mình ngu xuẩn thế!” và cười rộ vào mặt cả loài người: một thành phố như vậy, quả là một kỳ quan! Thật là một điều kỳ dị, khi cái vĩ đại ấy và cái lố bịch ấy chung đụng với nhau. Khi Tất cả cái đường bệ ấy không hề bị trò đùa nhại kia làm mất vẻ oai nghiêm và cũng một cái miệng ấy có thể hôm nay thổi vào kèn của ngày phán xét cuối cùng và ngày mai thổi vào cái ống sáo củ tỏi. Cái vui nhộn của Paris ngự trị! Cái vui của Paris tựa như lôi thần; cái nhộn của Paris mang ấn kiếm. Một cái chau mày của Paris đôi khi làm nổi dậy dông tố. Những cuộc bùng nổ, những ngày lịch sử, những kiệt tác, những việc phi thường, những hùng ca Paris đi đến tận cùng vũ trụ và cả những câu chuyện cóc nhảy của nó đang đi xa như vậy. Cái cười của Paris là một miệng núi lửa phun khắp trái đất. Những lời cười cợt của nó là những đốm lửa. Nó truyền cho cả nhân loại những tranh biếm họa của nó cũng như lý tưởng của nó, những lâu đài đồ sộ nhất của nền văn minh nhân loại cũng để cho nó giễu cợt và sẵn sàng làm cho những trò nghịch ngợm của nó thành bất diệt. Paris thật tuyệt vời, nó có một 14 tháng 7 phi thường, giải phóng cả trái đất; nó khiến cho tất cả các quốc gia dân tộc phải thề cái lời thề “Giơ đơ Pơmơ” (Lời thề của đẳng cấp bình dân ngày 20/6/1789 họp ở phòng Giơđơ Pômơ quyết định không giải tán trước khi lập cho được một hiến pháp cho nước Pháp, cách mạng 1789); đêm 4 tháng 8 của nó thủ tiêu trong ba tiếng đồng hồ một nghìn năm phong kiến. Nó làm cho lôgic của nó trở thành bắp thịt của ý chí tất cả mọi người, nó tự nhân lên trăm, ngàn lần, với tất cả những hình thức của cao cả. Nó chiếu rọi ánh sáng của nó vào Oasinhtơn, Kooxiuyxkô, Bôliva, Bôtdarixơ, Riêgô, Bem, Manim, Lôpedơ, Giôn Brao, Garibanđi. Chỗ nào tương lai sáng lên là có nó: nó ở Bơxtơn năm 1779, ở đảo Lêông năm 1820, ở Pextơ năm 1848, ở Palecmơ 1860. Nó nói vào tai các người Mỹ chống chế độ nô lệ tập hợp ở bến sông harpơxơ Pheri và vào tai những nhà ái quốc Ăngcônơ hợp nhau trong bóng tối của Arơsi, trước quán Gôdi trên bờ biển, cái khẩu hiệu mãnh liệt Tự do. Nó làm nên Canarixơ, nó làm nên Kirôga; nó làm nên Pidacanơ, nó làm nên Kirôga; nó làm nên Pidacanơ; nó tỏa cái vĩ đại khắp nơi trên trái đất. Đi theo phía ngọn gió thổi, Baiơn đã hy sinh ở Mixôlôngghi và Madê ở Bacxơlon. Nó là cái bục diễn thuyết dưới chân Mirabô, là miệng núi lửa dưới chân Rôbexpierơ. Sách của nó, sân khấu của nó, nghệ thuật của nó, khoa học của nó, văn học của nó, triết học của nó, là sách giáo khoa của nhân loại. Nó đã có Paxcan, Rênhiê, Coócnây, Đêcáctơ, Giang Giăc, Vônterơ cho mỗi phút một và Môlierơ cho mọi thế kỷ. Nó làm cho cả nhân loại nói tiếng nói của nó và tiếng nói ấy đã trở thành tiếng trí tuệ, nó xây dựng cho tất cả mọi tinh thần cái ý niệm Tiến bộ và những nguyên lý giải phóng loài người mà nó đã đúc lên là những thanh gươm gối đầu giường của tất cả các thế hệ và chính tâm hồn của các nhà tư tưởng và các nhà thơ của nó từ 1789 đã làm nên những anh hùng của tất cả các dân tộc. Thế mà tất cả những cái đó không ngăn cản nó nghịch ngợm. Cái thiên tài vĩ đại mà người ta gọi là Paris, vừa thay đổi cả bộ mặt của thế giới với cái sánh sáng của nó, vừa bôi nhọ cái mũi của Buginiê trên tưởng đền thờ Têdê và viết: “Cơrêđơviơ ăn cắp!” trên Kim tự tháp.
Paris, bao giờ cũng nhe răng; khi nó không gầm thét thì nó cười.
Paris như thế đó. Những ngọn khói trên các mái nhà của nó là những luồng tư tưởng của vũ trụ. Bảo nó là một đống bùn và một đống gạch đá cũng được, nhưng trên hết, nó là một tinh thần. Nó không phải chỉ to lớn, nó mênh mông vô tận. Vì sao! Vì nó dám nghĩ, dám làm.
Dám nghĩ dám làm, chỉ như thế mới tiến bộ được.
Tất cả những chinh phục diệu kỳ đều là phần thưởng của táo bạo. Muốn có cách mạng không phải chỉ có Môngtexkiơ tiên đoán, Điđơrô tuyên truyền, Bômácse báo trước, Côngđoócxê tính toán, Aruê chuẩn bị, Ruxô suy nghĩ mà đủ. Phải có Đăngtông dám làm.
Tiếng kêu: “Táo bạo!” là lời “Ánh sáng hãy hiện ra!” (Nguyên văn Latinh: Fiat Lux). Muốn cho nhân loại tiến lên, luôn luôn ở trên những đỉnh cao phải có thường xuyên những bài học hiên ngang nêu gương dũng cảm. Những hành động táo bạo làm cho lịch sử chói ngời và là một trong những nguồn ánh sáng lớn lao của con người. Bình minh đã dám khi bình minh lên. Thử làm, mạnh bạo làm, cứ làm, kiên trì làm, chung thủy với bản thân mình, vật lộn với số phận, khinh thường tai họa đến mức làm cho tai họa phải ngạc nhiên, khi thì đương đầu với cường quyền, khi thì vả vào mặt sự đắc thắng say sưa, đứng vững, đối đầu; đó là tấm gương mà các dân tộc cần có, đó là ánh sáng truyền điện lực vào cho họ. Cũng một tia chớp ghê gớm đã đi từ ngọn đuốc của Pơrômêtê tới cái điếu của Căngbơrôn.

***
XII - TƯƠNG LAI TIỀM TÀNG TRONG QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN
Còn nhân dân Paris, dù đã là người lớn vẫn cứ là chú nhóc con. Miêu tả em bé Paris tức là miêu tả thành phố Paris. Vì vậy chúng tôi đã nghiên cứu con chim ưng kia ở trong con chim sẻ tự do này.
Ta hãy nhấn mạnh điểm này, là cái giống thuần túy của Paris xuất hiện nhiều nhất ở vùng ngoại ô. Đó mới là Paris chính cống, đó mới là bộ mặt thực của Paris, ở đó dân Paris lao động và đau khổ mà đau khổ và lao động là hai bộ mặt của con người. Ở đó lúc nhúc nhiều vô kể những con người vô danh, đầy dẫy những điển hình kỳ lạ nhất, từ bác phu dỡ hàng ở La Rapê, đến anh đồ tể ở Môngphôcông. Xixêrôn nói “cặn bã thị thành” (Tiếng Latinh: Fex urbis), Bơckơ, công phẫn nói thêm “Dân hạ lưu” (Tiếng Latinh: Mob), bùn rác, quần chúng, dân hèn, nói như thế cũng dễ thôi. Nhưng cũng được. Có quan trọng gì? Nếu họ đi chân đất thì có làm sao? Họ không biết đọc? Cũng cóc cần. Có phải vì thế mà ta bỏ rơi họ không? Ta có quyền rủa cảnh buồn khổ của họ không? Ánh sáng có thể chiếu rọi vào tận đám quần chúng đó không? Ta hãy trở lại cái tiếng kêu gọi: ánh sáng! Và kiên trì kêu gọi: ánh sáng! Ánh sáng! Biết đâu đấy, những khối u minh dầy đặc ấy lại không trở thành trong suốt. Những cuộc cách mạng chẳng phải là những cuộc thay hình đổi dạng là gì? Hãy tiến lên! Hỡi các nhà triết học, hãy giảng dạy, hãy soi rọi, hãy đốt sáng, hãy nghĩ thành tiếng, hãy nói to lên, hãy vui vẻ chạy tới mặt trời bao la, hãy hòa mình vào những quảng trường, hãy báo những tin vui, hãy phổ biến chữ cái, hãy tuyên bố những pháp quyền, hãy hát những khúc hát Mácxâyedơ hãy gieo mầm phấn khởi, hãy hái những cành sồi xanh. Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc. Cái đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Ta hãy biết khai thác các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói lòa, rung động trong những giờ phút nào đó. Những bàn chân không ấy, những cánh tay trần ấy, những giẻ rách ấy, những ngu độn ấy, những ô nhục ấy, những bóng tối ấy có thể dùng để chinh phục lý tưởng. Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy chân lý. Cái thứ cát ô uế mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ trở thành phalê rực rỡ. Chính nhờ cái phalê ấy mà Galilê và Niutơn phát hiện những vì sao.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 1 - Chương 13

CHÚ BÉ GAVƠRỐT

Tám hay chín năm sau những sự việc kể trong phần thứ hai của câu chuyện này, người ta thường thấy trên đại lộ Tăngpơlơ và ở trong vùng Satôđô, một em trai nhỏ khoảng mười một, mười hai tuổi, có thể coi là ứng đáp đúng các lý tưởng chú “nhóc” phác họa trên kia, nếu với cái cười của tuổi em trên môi, trái tim em không hoàn toàn âm u và trống rỗng. Em bé đó cũng mặc một cái quần dài, nhưng lại không phải của cha em, một cái áo cánh ngắn, nhưng lại không phải của mẹ em: những người từ thiện nào đó đã cho em quần áo ấy. Thế mà em cũng có cha và có mẹ. Nhưng cha em không nghĩ đến em và mẹ em không yêu em. Em bé ấy là một trong những em nhỏ đáng thương hơn cả, có cha, có mẹ mà lại mồ côi.
Em bé ấy không ở đâu khoan khoái bằng ở ngoài đường. Những viên đá lát đường không rắn bằng trái tim mẹ em. Với một cái đá, bố mẹ em đã vứt em vào cuộc đời và thế là em đã bay đi.
Đó là một chú bé vui nhộn xanh xao, nhanh nhẹn, tinh khôn, ưa chế giễu, có vẻ mặt hoạt bát mà ốm yếu. Chú đi, chú lại, chú hát, chú cười, chú mò rãnh, ăn cắp vặt một tí, nhưng vui vẻ như con mèo hay con chim sẻ; chú cười khi người ta gọi chú là “nhãi ranh” nhưng tức giận khi người ta gọi chú là “mất dạy”. Chú không có nhà ở, không có bánh ăn, không có lửa sưởi, không có ai yêu, nhưng chú vui sướng vì tự do.
Khi những em nhỏ đáng thương ấy trở thành người thì hầu hết bị cái cối xay của xã hội bắt gặp và nghiền nát nhừ, nhưng khi các em còn nhỏ, thì các em thoát khỏi được vì các em bé bỏng, chỉ một cái lỗ hổng nhỏ cũng đủ cứu được các em.
Nhưng dù bị cha hay mẹ mang con bỏ chợ như vậy, đôi khi cứ cách hai hay ba tháng, em lại nói: “Chà! Mình phải viếng thăm bà bô một chút chứ!”, thế là em rời đại lộ, bỏ rạp xiếc, ô Xanh Máctanh, đi xuống bờ sông, qua cầu, ra ngoại ô, đến khu Xanpêtơrie, rồi đến đâu? Đến cái số nhà 50-52 mà bạn đọc đã biết, đến cái nhà nát Gorbô.
Cái nhà nát số 50-52 thường vắng vẻ bỏ không và luôn luôn mang cái biển: “Có phòng cho thuê”, hồi ấy, thật là hãn hữu, lại có mấy người ở; và những người này, như lệ thường ở Paris – hoàn toàn không quen thuộc nhau, không có quan hệ gì với nhau. Tất cả bọn họ đều thuộc cái giai cấp nghèo khổ, bắt đầu với anh tiểu tư sản túng thiếu nhất và nối tiếp qua từ tầng đáy cùng cực của xã hội, đến hai nhận vật đón nhận tất cả những cái rác rưởi vật chất của văn minh, người phu dọn cống và kẻ bới rác.
Người trương nhà hồi gvg ở đã chết rồi và người thay thế cũng giống hệt. Tôi không biết nhà triết học nào đã nói: “Không bao giờ thiếu các mụ già”.
Mụ già này tên là Buyêcgông, lý lịch của mụ không có gì đáng chú ý, ngoài cái “triều nhà vẹt” ba đời của mụ, ba con vẹt đã lần lượt trị vì tâm hồn mụ.
Những kẻ nghèo khốn nhất trong đám những người ở thuê này là một gia đình bốn mạng: một người bố, một người mẹ và hai cô con gái đã khá lớn, cả bốn đều ở trong một cái buồng tiều tụy, một trong những gian phòng mà chúng tôi đã nói đến.
Cái gia đình ấy thoạt nhìn không có gì đặc biệt ngoài sự túng thiếu cùng cực. Người bố khi thuê buồng này bảo tên là Giôngđơret. Ít bữa sau buổi dọn nhà mà chẳng dọn gì đến cả ấy – theo cách nói đáng ghi nhớ của mụ trương nhà này, cũng kiêm gác cổng và quét cầu thang chung như mụ trương nhà trước – lão Giôngđơret ấy đã nói với mụ:
- Bà này! Nếu có ai đến hỏi một người Ba Lan, một người Ý hoặc một người Tây Ban Nha ở đây, thì là tôi đấy nhé.
Gia đình này là gia đình chú bé khốn khó và vui vẻ ấy. Chú trở về đây và lại thấy cái nghèo khổ, cái tiều tụy thảm hại và đáng buồn hơn nữa, không có một nụ cười: bếp lò lạnh tanh, lòng người cũng lạnh tanh. Khi chú bước vào buồng thì người ta hỏi: “Mày ở đâu về?” Chú trả lời: “Ở ngoài đường”. Khi chú đi thì nhà lại hỏi: “Mày đi đâu?” Chú trả lời: “Đi ra đường”. Mẹ chú lại bảo: “Mày đến đây làm gì?”
Chú bé sống không chút tình thương yêu cũng như đám cỏ nhợt mọc trong hầm tối. Chú không thấy thế là đau khổ mà cũng chẳng trách ai. Chú cũng không thấy thế là đau khổ mà cũng chẳng trách ai. Chú cũng chẳng biết đúng một người, một người mẹ thì như thế nào.
Ấy thế mà mẹ lại rất yêu hai đứa chị của chú.
Chúng tôi quên không nói rằng ở đại lộ Tăngpơlơ, người ta gọi chú là chú bé Gavơrốt. Cái tên ấy ở đâu ra? Chắc cũng như cái tên Giôngđơret của bố chú.
Có những gia đình cùng khổ thường thay tên đổi họ như vậy để không ai biết được tung tích.
Cái buồng của Giôngđơret ở cuối hành lang. Cái buồng bên là buồng của một chàng thanh niên rất nghèo tên là ông Mariuyt.
Ta hãy giới thiệu ông Mariuyt.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - MARIUYTX

QUYỂN 2: NHÀ ĐẠI TƯ SẢN

Phố Busơra, phố Normăngđi và phố Xanhtông ngày nay còn vài người dân cũ nhắc đến một cụ già tên là Gilơnormăng, nhắc đến một cách thích thú. Khi họ còn là thanh niên thì ông lão này đã già rồi.
Đối với những ai bùi ngùi nhìn về cái quá khứ rộn ràng những bóng dáng lờ mờ thì cái hình ảnh ấy hãy còn chưa mất hẳn trong những đường sá chằng chịt như mạng nhện gần khu Tăngpơlơ.
Thời vua Lui XIV, các đường phố ấy mang tên tất cả các tỉnh nước Pháp, giống như bây giờ ở khu Tivôi, người ta lấy tên của tất cả các thủ đô châu Âu mà đặt cho các phố. Nhân tiện nói qua: đấy là một sự tiến lên, dấu hiệu của tiến bộ.
Năm 1831 lão Gilơnormăng vẫn còn khỏe mạnh như mọi người. Lão đã thành ra một nhân vật rất lạ mắt chỉ vì sống lâu quá và kỳ dị, vì không giống một ai bây giờ nữa, tuy ngày xưa lão cũng giống tất cả mọi người. Thật là một ông già đặc biệt, người của một thời đại khác, một người tư sản hoàn chỉnh và hơi kiêu hãnh của thế kỷ mười tám, một người mang cái dòng dõi tư sản của mình với cái vẻ của các vị hầu mang tước hầu của họ. Lão đã ngoài chín mươi tuổi nhưng lưng vẫn chưa còng, nói vẫn sang sảng, rượu vẫn đánh tì tì, mắt vẫn sáng, ăn nói vẫn khỏe, ngủ vẫn ngáy vang. Lão vẫn còn nguyên ba mươi hai cái răng. Khi đọc sách lão mới cần kính. Vẫn đa tình, nhưng thường nói rằng từ mười năm nay đã dứt khoát không bén mảng đến đàn bà nữa. Lão bảo rằng: không thể làm cho đàn bà cảm được nữa; lão không bảo vì lão già khọm, nhưng lão bảo vì lão đã nghèo rồi. Lão nói: “Nếu ta không bị sa sút thì… hừ… hừ…!”
Lão chỉ còn một số lợi tức chừng mười lăm nghìn phơrăng. Điều ước mơ của lão là gom góp một cái gia tài lớn, có được một trăm nghìn phơrăng lợi tức để bao được vài mụ nhân tình.
Người ta thấy rõ lão không phải thuộc lớp người tám mươi gầy còm, ốm yếu, lúc nào cũng khặc khừ sắp chết như ông Vonte, không phải cái thứ tuổi thọ hom hem rạn nứt, lão già cứng cáp này vẫn luôn luôn mạnh khỏe.
Nhận thức của lão nông cạn, vội vàng, lão tính hay cáu bẳn, nổi nóng luôn một cách vô lý. Khi người ta nói trái ý lão, lão vung cái gậy lên; lão đánh đập người ta như hồi “thế kỷ lớn” trước. Lão có một cô gái năm mươi tuổi không chồng, mà lão mắng và đánh như đánh mắng một đứa trẻ lên tám. Lão tát người ở ra trò và chửi luôn mồm: đồ chết giẫm! Lão quen rủa: ôi cái quân giầy rách, cái quân giầy rách nầy! Lão có những thói thường kỳ lạ: hàng ngày lão để một người thợ cạo, trước kia đã mắc bệnh điên, cạo mặt cho lão; người thợ cạo ghét lão lắm, hắn ghen với lão vì vợ hắn xinh và lẳng lơ. Lão tự phụ mình biết phán đoán mọi điều và tự hào là rất tinh ý. Lão thường nói: “Kể ra mình cũng là một người sâu sắc; một con rận đốt, mình có thể đoán được con rận ấy của mụ đàn bà nào lây sang”.
Những lời mà lão thường nhắc là con người có cảm xúc và thiên nhiên. Lão không hiểu cái từ thứ hai này với cái khái niệm lớn lao mà thời đại chúng ta đã trả lại cho nó. Lão dùng theo kiểu của lão, trong những chuyện châm biếm bên cạnh lò sưởi. Lão nói: “Muốn làm cho văn minh cái gì cũng có nên thiên nhiên cho ta cả những cái mẫu man rợ rất ngộ nghĩnh. Châu Âu có những tiêu bản thu nhỏ lại của châu Á và châu Phi. Con mèo là con hổ phòng khách, con thằn lằn là một con cá sấu bỏ túi, các vũ nữ rạp Ôpêra là những cô gái rừng da hồng. Các cô ấy không ngoạm mà gặm các chàng trai. Hay là các mụ phù thủy! Các mụ biến họ thành những con sò và nuốt chửng họ. Người mọi Caraibơ ăn thịt người để lại xương, các cô ấy để lại vỏ. Phong tục của ta là như thế. Chúng ta không ngốn, chúng ta nhấm. Chúng ta không tiêu diệt một lúc, chúng ta xé dần”.

**
II
NGƯỜI LÀM SAO, NHÀ LÀM VẬY

Lão ở khu Mere, phố Phidơ đuy Canven, số nhà 6. Nhà đó của lão. Cái nhà đó đã dỡ đi và xây lại, số nhà có lẽ đã đổi rồi, ở Paris thường có những cuộc “cách mạng” số nhà luôn. Lão ở một gian buồng rộng và cũ kỹ trên tầng thứ nhất, một mặt nhìn ra phố, một mặt quay vào vườn; buồng căng đến tận trần những tấm thảm Bôbơlanh và Bôve rất lớn dệt những cảnh diễm tình cổ xưa; mấy chiếc ghế dựa cũng chạm trổ những hình đó thu nhỏ. Lão che cái giường nằm của lão bằng một bình phong chín cánh sơn Côrômăngđen. Cửa sổ che những màn dài có nếp gấp rất đẹp mắt. Ngay dưới mỗi cửa sổ có khỏanh vườn liền với cái cầu thang mười hai hay mười lăm bậc, lão lên xuống son són. Bên cạnh buồng ngủ của lão có một phòng sách; lão còn dành riêng một cái buồng nhỏ rất xinh, có treo một tấm thảm rất đẹp bằng rơm kết hoa và dệt hình hoa huệ, những tù khổ sai ở dưới chiến thuyền của vua Lui XIV đã dệt tấm thảm này cho một nhà quý tộc để hắn tặng nhân tình của hắn. Lão Gilơnormăng quí cái buồng ấy và dùng làm nơi tiếp nhân tình. Lão thừa hưởng tấm thảm của một bà dì họ ngoại, cũng thọ đầy trăm tuổi. Lão từng có hai vợ. Lão có cái phong thái của hạng người nửa triều thần tuy chưa hề chầu vua, nửa quan án, điều mà lão có thể làm. Khi nào lão vừa ý, lão cũng vui vẻ và trìu mến. Thuở còn trẻ, lão thuộc các loại đàn ông bị vợ lừa dối, nhưng được nhân tình gắn bó, vì lão là một người chồng rất cau có và một người tình rất âu yếm. Lão rất sành về hội họa. Trong phòng lão có một bức truyền thần tuyệt diệu không biết vẽ ai, của họa sĩ Giócđăng, nguệch ngoạc rất nhiều nét rườm rà như cây rừng. Bộ áo của lão Gilơnormăng không phải kiểu Lui XV cũng không phải kiểu Lui XVI, mà là kiểu Anhcơroayap (Tên một nhóm bảo hoàng, ăn mặc đồng phục rất lố lăng) thời kỳ đốc chính. Hồi đốc chính lão cho lão còn trai trẻ lắm và ăn mặc rất đùng thời trang. Bộ áo của lão bằng dạ mỏng, ve áo rộng, đuôi áo như đuôi cá thu, khuy lớn bằng thép. Quần ngắn và giầy có khóa. Lão luôn luôn bỏ tay vào túi áo ghi lê. Lão nói một cách dõng dạc:
- Cách mạng Pháp là một lũ côn đồ.

Hồi mười sáu tuổi, một tối, ở rạp Ôpêra, hắn đã được cái vinh dự một lúc hai mỹ nhân đứng tuổi và nổi danh mà Vonte ca ngợi, nàng Camacgô và nàng Xalê, cùng một lúc chĩa ống nhòm vào hắn. Bị hai phía lửa kẹp lại, lão đã rút lui một cách anh dũng về phía một cô vũ nữ nhỏ tên là Naăngri, cũng mười sáu tuổi, tối tăm, không ai biết, như một con mèo. Lão mê cô bé ấy. Một lần lão kêu lên khoái chá: úi chà! Sao mà nó đẹp thế, cô bé Ghimarơ, Ghimarơđini, Ghimarơđinetơ, lần vừa qua mà tôi gặp nó, tóc uốn kiểu “tình cảm lâu bền” với những chiếc hoa tai “đến đây mà xem” bằng ngọc bích, chiếc áo dài màu “những người mới đến”, chiếc bao tay lông thú “khuấy động”! Đương tuổi thanh niên hắn đã mặc một chiếc áo kiểu Nanh Lôngđơranh mà hắn thường nhắc tới một cách say sưa: “Tôi trang phục như một người Thổ chính cống của phương đông chính cống”. Bà Đơ Buphơle, ngẫu nhiên gặp hắn một lần khi hắn 20 tuổi đã gọi hắn là một “chàng trai mê hồn”. Tất cả tên nhân vật trong chính giới đang cầm quyền, hắn đều cho hèn mọn và tư sản. Đọc báo chí, mà hắn gọi là những tờ “tin tức” những “gadetơ”, hắn luôn luôn phì cười. Hắn nói: “Úi chào! Những anh chàng ấy là ai thế? Cơrơbie! Huyman! Cadimia Pêriê! Cái trò ấy mà là thượng thư! Tôi hình dung đọc tin này trên một tờ báo. Ông Gilơnormăng thượng thư! Buồn cười quá nhỉ. Nhưng chẳng sao, họ ngu đần lắm, cho nên rồi cũng yên cả”. Hắn ngang nhiên gọi mọi việc bằng cái tiếng chính xác, hay tục tĩu, không cần giữ ý tứ gì cả trước mắt phụ nữ. Hắn nói thô, văng tục, trâng tráo, một cách bình tĩnh, ngang nhiên, theo phong cách lịch sự ngày trước. Đó là cái kiểu thoải mái, không câu nệ của thế kỷ của hắn. Ta cũng nên nhớ rằng thời kỳ thơ cầu kỳ tao nhã cũng là thời kỳ văn xuôi sống sượng thô tục. Người cha đỡ đầu của hắn đoán rằng hắn sẽ là một thiên tài và đã đặt cho hắn cái tên có ý nghĩa này: Luc Expri.
***
CON NGƯỜI GẦN TRĂM TUỔI
Trong những năm thơ ấu, ở trường trung học Mulanh, nơi quê hương của hắn, hắn đã được tặng nhiều giải thưởng. Hắn đã được chính công tước Nivécne, mà hắn vẫn gọi là công tước Nơve tuyên dương. Cả quốc hội Công ước, cả cái chết của vua Lui XVI, cả Napoleon, cả ngay dòng họ Buốcbông trở về, tất cả biến cố ấy không xóa được trong ký ức của hắn kỷ niệm ngày tuyên dương ấy. Công tước Nơve đối với hắn là nhân vật tiêu biểu của thế kỷ. Hắn vẫn nói: “Ôi chao! Thật là một vị vương công đường bệ, xinh đẹp làm sao nhất là với chiếc băng xanh của ngài”. Đối với lão Gilơnormăng thì nữ hoàng Catơrin đệ nhị đã đề bồi lại cái tội chia cắt nước Ba Lan khi nữ hoàng đã mua với giá ba ngàn rúp cái công thức bí mật về liều thuốc vàng của Bêtuyxep. Nói đến chuyện này thì hắn say sưa. Hắn nói: Liều thuốc vàng, cái thuốc màu vàng của Bêtuyxep, những giọt thuốc của tướng Lamôtơ ở thế kỷ XVIII, giá một Lui vàng một lọ nửa phân khối, là thứ thuốc trị tất cả những tai họa của tình yêu, thứ thuốc bách giải, chống thần Vệ nữ. Vua Lui XV đã gửi tặng Giáo hoàng hai trăm lọ. Hắn sẽ phát không nếu người ta bảo hắn rằng liều thuốc vàng này chỉ là một thứ muối Pecelôruya sắt mà thôi. Lão Gilơnormăng tôn sùng dòng họ Buốcbông và kinh tởm cách mạng 1789. Lão luôn luôn kể lại cho người ta nghe hắn đã làm thế nào để thoát khỏi khủng bố và hắn đã phải mất bao nhiêu vui vẻ, lạc quan, bao nhiêu thông minh để khỏi bị chặt đầu. Nếu một người trẻ tuổi nào lại đi ca ngợi chế độ cộng hòa trước mặt hắn thì hắn sẽ giận xám ngắt người đi đến chết ngất. Đôi khi hắn nhắc đến cái tuổi 90 của hắn và nói: tôi hy vọng sẽ không chứng kiến hai lần 93 (Năm 1793 là năm Cách mạng Pháp đấu tranh dữ dội nhất chống thù trong giặc ngoài). Khi khác thì hắn nói với mọi người rằng hắn sẽ sống 100 tuổi.

BAXCƠ VÀ NICÔLÉT
Lão có những học thuyết của lão. Thí dụ như học thuyết này: “Khi một người đàn ông yêu say mê đàn bà, mà lại có một người vợ mà hắn ít chú ý đến, xấu xí, cáu bẳn, vợ chính thức, đầy đủ quyền hạn, ngồi bệ vệ trên bộ luật và khi cần cũng biết ghen tuông thì chỉ có một cách giải quyết để được yên ổn, là để cho bà vợ giữ tay hòm chìa khóa. Sự thoái vị ấy sẽ đem lại cho hắn tự do. Lúc bấy giờ thì bà vợ sẽ bận rộn, sẽ say mê đếm tiền đế hoen rỉ cả tay, lo đào tạo tá điền, buộc trại trưởng vào khuôn phép, triệu tập các đại tụng, chủ tọa khi họp các viên thừa phát, giải thích cho những phụ tá của thừa phát, thăm các thày cãi, quan tòa, hầu kiện, thảo hợp đồng, quyết định những khế ước, thấy mình là bà chủ toàn quyền, bán, mua, xếp đặt, ra lệnh này, ra lệnh khác, hứa và rút lời hứa, cam kết và hủy bỏ, nhường đi rồi nhượng lại, dàn xếp thứ này, đảo lộn thứ kia, thu vén, phung phí; mụ làm những điều ngu xuẩn mà lấy làm sung sướng, thích thú, thế là mụ được an ủi. Trong khi bị chồng khinh bỏ thì mụ sung sướng phá hoại cơ nghiệp của chồng”. Cái học thuyết ấy, lão Gilơnormăng đã thực hiện cho chính bản thân lão và nó đã trở thành lịch sử cuộc đời lão. Vợ lão, người vợ thứ hai, đã sử dụng cơ nghiệp của lão khôn khéo đến mức khi nào góa vợ, lão chỉ còn vừa đủ để tiêu dùng, bằng cách đem gửi hầu hết gia tài theo kiểu thực lợi chung thân, chỉ được lĩnh khoảng mười lăm ngàn phơrăng lợi tức mỗi năm mà ba phần tư sẽ bị cắt khi lão chết. Lão đã không ngần ngại, vì lão không nghĩ gì đến việc để lại gia tài cho con cháu. Vả lại lão đã thấy rằng những gia tài cũng gặp lắm chuyện bất ngờ, thí dụ đã biến thành của công; lão đã được thấy cái chuyện chiết giảm một phần ba gia tài và lão không tin tưởng lắm ở quyển sổ cái. “Cũng chuyện phố Canhcăngpoa thôi!” Lão thường nói thế. Cái nhà đang ở, trong phố Phiơ đuy Canve, như chúng tôi đã nói, là nhà của lão.
Lão Gilơnormăng có hai người ở “một đực và một cái”, khi nuôi một người ở mới, lão có thói quen đặt tên lại, người ở trai thì quê ở tỉnh nào lão lấy tên tỉnh ấy mà gọi, thí dụ như Nimoa, Côngtoa, Poatơvanh, Pica. Người ở trai cuối cùng đương làm cho lão là một người to lớn, sù sì, đã năm mươi lăm tuổi không tài nào chạy được hai mươi bước, nhưng vì hắn sinh ở Bayon nên lão Gilơnormăng đặt tên cho hắn là Batsecơ (Người miền núi Pirênê, phía nam nước Pháp, có tiếng là can đảm, lanh lợi). Còn người ở gái thì ai lão cũng đặt cho một tên duy nhất là Nicôlét (cả mụ Manhông sẽ nói đến sau đây).
Một lần một mụ đầu bếp rất lành nghề, dòng dõi gác cổng gia truyền, đến xin việc. Lão hỏi: “Mụ muốn xin mỗi tháng bao nhiêu lương?” – “Thưa ba mươi phơrăng” – “Tên mụ là gì?” – “Thưa là Ôlanhgi” – “Ta cho mụ năm mươi phơrăng và mụ sẽ đổi tên là Nicôlét”.

***
VI
THOÁNG BÓNG MỤ MANHÔNG VÀ
HAI ĐỨA TRẺ

Lão Gilơnormăng khi có gì buồn bực là phát khùng, khi thất vọng thì lão điên tiết lên. Đầu óc lão đầy thành kiến và lão lại rất tự do bừa bãi. Một điều lão thích nhất là làm ra vẻ ta đây vẫn trẻ trai tình tứ và lão muốn mọi người tin như vậy. Lão bảo thế mới là “lừng danh công tử”; cái “lừng danh công tử” ấy cũng lắm lúc làm cho lão mang vạ một cách kỳ khôi. Một hôm người ta vứt vào nhà lão một cái giỏ như giỏ hến, đựng một đứa con trai sơ sinh, khóc oai oái và bọc chặt tã lót mà một mụ người ở bị lão đuổi sáu tháng trước đổ cho là con lão. Lão Gilơnormăng lúc bấy giờ đã chẵn tám mươi tư tuổi. Mọi người xung quanh lấy làm bất bình và la lối: cái con mụ quạ mổ ấy đánh lừa ai được chứ? Sao nó lại táo bạo thế, lại dám vu oan giá họa đểu giả như thế? Lão Gilơnormăng không tỏ vẻ khoái chí và bảo mọi người: “Gì kia chứ? Có gì lạ? Các người ngạc nhiên? Y như những kẻ ngu độn. Công tước Ănggulem, con hoang của Hoàng đế Saclơ IX, tám mươi lăm tuổi còn cưới một cô ả mười tám; ngài Viêcginan tức hầu tước Đaluy, anh em của đức giáo chủ Đơxuốcđi, tổng giám mục xứ Boređo, tám mươi ba tuổi, ngủ với con thị tỳ của bà chánh án Giăccanh, còn sinh được một đứa con trai thật kháu khỉnh và viện trưởng Tabarăng, một vĩ nhân của thời đại, ra đời khi thân phụ ông đã tám mươi bảy tuổi. Những chuyện như vậy có gì là lạ. Còn chuyện trong Kinh thánh nữa! Nhưng về cái ông nhỏ này thì nó không phải là con ta. Tuy vậy cũng phải trông nom cho nó. Không phải lỗi tại nó”. Lão giải quyết một cách thật dễ dàng kẻ cả. Nhưng mụ Manhông năm sau lại gửi đến cho lão một đứa con trai nữa. Lần này lão mới chịu thua. Lão cho đem trả mụ Manhông hai đứa trẻ và hứa gửi cho chúng mỗi tháng tám mươi phơrăng với điều kiện là mụ Manhông không được làm như thế nữa. Lão còn dặn thêm: “Ta muốn mẹ chúng nó phải trông nom chúng nó cẩn thận, thỉnh thoảng ta sẽ đến thăm chúng”. Và lão đến thăm hai đứa trẻ thật.
Lão có một ông em, làm linh mục giữ chức giám đốc trường Đại học Poachiê và chết năm bảy mươi chín tuổi. Lão bảo: em tôi mất sớm. Người em lão là một anh hà tiện, nhưng vì làm linh mục, hắn thấy có nhiệm vụ phải bố thí cho người nghèo, hắn chỉ cho những mảnh chinh, mảnh kẽm không tiêu được nữa. Hắn đã tìm được đường xuống địa ngục bằng lối thiên đường. Trái lại lão Gilơnormăng anh thì lại hào phóng, bố thí ra trò, bốc tiền không đếm. Nếu lão giàu có thì lão còn bố thí đế vương hơn nữa. Lão muốn cái gì là lão làm, cái gì dính dáng đến lão cũng phải đường hoàng lớn lối mới được, cả khi người ta đánh lừa đánh cắp của lão. Một lần trong một vụ chia gia tài, lão bị một tên biện sự ăn bớt của lão một cách thô bỉ và vụng về, lão trịnh trọng tuyên bố: “Hừ! Hạng bần tiện quá! Nó làm cho ta cũng phải xấu hổ. Thế kỷ này cũng suy đồi cả rồi, ăn cắp cũng không ra trò nữa. Hừ! Đánh cắp của hạng này thì cũng phải đánh cắp cho ra vẻ chứ! Ta đã bị mất cướp như ở trong rừng, nhưng hắn ăn cướp một cách kém cỏi quá. Sylvoe sinl consule dignoe!
Lão có hai vợ, độc giả đã biết: vợ trước sinh được một gái, nay là gái già, vợ sau cũng được một gái đến độ ba mươi tuổi thì chết, cô gái này chẳng biết vì đâu, vì tình yêu hay ngẫu nhiên, đã lấy một anh chàng trong quân đội cộng hòa và đế chế, được tặng huân chương trong trận Austéclit đã được phong đại tá ở trận Oateclô. Lão Gilơnormăng vẫn bảo: “Quả là một sự biêu riếu cho gia đình nhà ta”. Lão nghiện thuốc lá nặng và hay lấy tay vò một cách duyên dáng cái yếm đăng ten trước ngực. Lão không tin Chúa lắm.

Đó là chân dung của Luc Expri Gilơnormăng, lão vẫn còn nguyên tóc, mới ngả màu xám, chưa trắng bạch và lúc nào cũng uốn theo kiểu tai chó. Nói chung vẫn có vẻ đáng kính với tất cả những điều đó.
Lão mang tính chất của thế kỷ 18, phù phiếm mà vĩ đại.
Những năm đầu thời kỳ quân chủ phục hưng, lão Gilơnormăng còn trẻ - năm 1814, lão mới có bảy mươi tư tuổi – lão ở khu ngoại thành Xanh Giécmanh, phố Secvăngđôni, gần Xanh Suynpit. Lão mới về khu Mare khi lão thôi không giao thiệp nữa, lúc ấy lão đã ngoại tám mươi tuổi.
Rút lui khỏi xã hội rồi, lão cũng rút lui vào những thói quen bất di bất dịch của lão. Cái điều mà lão cố giữ nhất, là không bao giờ mở cửa ban ngày, không tiếp ai ban ngày; dù việc gì, dù ai, cũng đến chiều tối mới mở cửa. Lão ăn cơm lúc năm giờ chiều, sau đó thì mở cửa tiếp khách: đó là tục lệ của thời đại lão, lão nhất định không thay đổi. Lão bảo: “Ban ngày bẩn thỉu lắm! Không đáng mở cửa. Khi sao trên trời lấp lánh thì tâm hồn người quân tử mới ngời sáng”.
Lão nhất định không mở cửa tiếp ai ban ngày dù người ấy là đức vua. Một kiểu cách của thời đại lão.

***
VIII
HAI MÀ KHÔNG NÊN CẶP

Hai người con gái của lão Gilơnormăng, chúng ta đã nói đến. Chị hơn em mười tuổi. Từ thuở nhỏ, hai chị em đã chẳng giống nhau chút nào, từ mặt mũi đến tính tình, họ không có vẻ gì là chị em cả.
Người em là một tâm hồn đáng yêu, quay về phía ánh sáng, say hoa lá, thơ, nhạc, nhẹ nhàng, bay bổng, đầy nhiệt tình, từ thuở nhỏ đã đính ước trong lý tưởng với hình ảnh lờ mờ của một chàng trai dũng cảm.
Người chị cũng có cái ước vọng của mình: một ông chồng trong mơ chủ thầu hay lái súng giàu sụ, ngu đần cũng được, quý hồ là một đống tiền hoặc một ông tỉnh trưởng. Những buổi chiêu đãi ở dinh tỉnh trưởng, những cuộc dạ hội của chính quyền, một nhân viên tiếp tân với cái dây chuyền đeo cổ, những bài diễn thuyết ở thị sảnh, cái danh hiệu: bà lớn tỉnh trưởng, tất cả những ước mơ ấy quay lộn trong trí tưởng tượng của cô chị. Mỗi cô theo đuổi giấc mộng riêng của mình như vậy, ngay từ hồi còn là những cô gái nhỏ. Mỗi cô một đôi cánh mộng: cô em bay bổng với đôi cánh thiên thần, cô chị lặc lè với đôi cánh ngỗng.
Những ước vọng của người ta có bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn ở dưới cõi trần này. Ở thời đại chúng ta, có cái thiên đường nào ở dưới hạ giới đâu. Cô em đã gặp được người chồng mơ ước, nhưng cô em lại chết. Cô chị thì đến bây giờ vẫn chưa chồng.
Cô chị bây giờ là điển hình của những cô gái già mô phạm, một mụ đàn bà trinh chánh tiết hạnh cổ lỗ với cái mũi dài nhọn hoắt và một bộ óc tối tăm, thô thiển bậc nhất. Có một điều đặc biệt, ngoài những người ruột thịt trong gia đình, chưa hề ai biết tên thật của cô chị. Người ta vẫn gọi cô là cô Gilơnormăng – chị.
Cô Gilơnormăng – chị có thể thi với các cô tiểu thư Anh về khoản e lệ. Cô là sự đoan trang khắc khổ đến đen tối. Cô nhớ mãi một điều làm cô ghê tởm nhất trong đời: có hôm một người đàn ông đã trông thấy cái nịt bít tất của cô.
Càng già cô càng quá quắt. Cái yếm ngực của cô không bao giờ đủ dây, không bao giờ đủ cao. Nào cặp, nào ghim. Bất cứ chỗ nào cũng có, cả những chỗ mà không ai nghĩ đến dòm ngó. Cắt rất nhiều lính canh cho một pháo đài không bị đe dọa, âu cũng là thói quen của những cô tiết hạnh.
Thế mà có một điều lạ lùng khó hiểu, thuộc những bí ẩn của ngây thơ; cô lại ưa để cho một sĩ quan kỵ binh ôm hôn, đó là người gọi cô là bà cô, tên là Têôđuyn.
Mặc dù có viên sĩ quan kỵ binh được ưu đãi kia, cái nhãn hiệu “tiết hạnh” mà chúng tôi đã dán cho cô vẫn rất thích hợp. Cô Gilơnormăng thuộc loại những tâm hồn tranh tối, tranh sáng. Cái tiết hạnh đó nửa là đức tốt, nửa là thói xấu.
Với cái tiết hạnh ấy, cô lại thêm rất sùng đạo. Cô ở trong hội Đức mẹ đồng trinh, trong một vài ngày lễ cô mang một cái khăn choàng trắng, lẩm nhẩm những bài kinh đặc biệt. Cô tôn trọng “thánh huyết”, tôn sùng “thánh tâm”, chiêm ngưỡng hàng giờ trước một bàn thờ kiểu Dòng Tên cổ lỗ, trong một nhà nguyện mà tín đồ bình thường không vào được và để cho tâm hồn bay bổng giữa những đám mây bằng cẩm thạch và những tia hào quang khắc trên gỗ thếp vàng.
Cô có một bạn cùng đi xem lễ, gái già đồng trinh như cô, tên là tiểu thư Vôboa. Cô Vôboa đần độn, bên cạnh cô thì cô Gilơnormăng sung sướng thấy mình như một con phượng hoàng. Ngoài những lời cầu kinh agenes dei (con chiên của Chúa) và ave Maria (kinh mừng Maria), cô Vôboa chỉ thạo làm các thứ mứt. Cô Vôboa là một con người hoàn toàn trong loại người như cô, cô là sự ngu độn toàn vẹn, không mảy may có dấu vết của sự thông minh.
Cũng nên nói rằng đối với cô Gilơnormăng thì càng già cô lại càng tiến. Những con người tiêu cực thường như thế. Cô ấy chưa bao giờ độc ác cả, thế cũng coi như là tương đối có hảo tâm; những góc cạnh mòn dần với năm tháng và tuổi tác đã làm cho con người dịu đi. Cô ấy buồn, buồn âm thầm, mà chính cô không hiểu vì sao. Cả con người của cô tỏa ra cái dáng ngơ ngác của một cuộc sống sắp tàn, mà chưa bao giờ bắt đầu.
Cô Gilơnormăng – chị quản lý gia đình của bố. Lão Gilơnormăng có cô con gái cũng như Đức cha Biêngvơnuy có cô em gái. Cái cảnh gia đình một ông lão già với một cô gái già như vậy cũng không phải là hiếm; hai cái già yếu nương tựa lẫn nhau, thật là cảm động.
Trong nhà, giữa ông lão và cô gái ấy còn có một đứa trẻ, một đứa con trai lúc nào cũng im lặng run sợ trước mặt lão Gilơnormăng. Lúc nào nói chuyện với đứa bé lão cũng lớn tiếng, nghiêm nghị, hoặc giơ cao cái gậy – “Đến đây! Ông nhỏ!” – “Lại đây thằng nhãi, thằng oắt…” – “Nói đi, thằng khỉ” – “Đứng đây, đồ khốn!”… nhưng mà lão rất yêu đứa bé.
Đứa bé ấy là cháu ngoại lão. Chúng ta sẽ gặp lại đứa bé ấy.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - MARIUYTX

QUYỂN 3: ÔNG VÀ CHÁU

Chương I & II
MỘT PHÒNG KHÁCH NGÀY TRƯỚC

Khi lão Gilơnormăng còn ở phố Xecvăngđôni, lão thường lui tới mấy phòng khách rất đứng đắn và rất quí phái. Tuy là tư sản, lão Gilơnormăng cũng được tiếp đón. Vốn đã là người lịch thiệp, thông minh, lại đươc dư luận gán cho nhiều điều thông minh, lão hóa ra thông minh bội phần, cho nên lão được người ta tiếp rước niềm nở, mong đợi khao khát.
Chỉ nơi nào lão có thể thống trị được lão mới đến. Có những người muốn có ảnh hưởng, muốn được mọi người chú ý đến mình với bất cứ giá nào. Nếu không là người tiên tri thì là thằng hề. Lão Gilơnormăng không thuộc loại người này. Lão vẫn ngự trị trong các phòng khách bảo hoàng mà lão lui tới, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn lòng tự trọng của lão. Ở đâu lời nói của lão cũng có uy tín. Lão đã đối đáp với ông Đơ Bônan và cả ông Bănggi Puyvalê.
Vào khoảng 1817, thường lệ không mấy khi sai, mỗi tuần hai buổi chiều lão lại chơi nhà bà nam tước T. ở phố Phêru, gần nhà lão. Bà này là một người đứng đắn và đáng kính, chồng bà hồi sinh thời, dưới thời vua Lui XVI làm đại sứ nước Pháp ở Bá Linh. Nam tước Đơ T. thuở bình sinh say mê những chuyện viễn ảo thôi miên, đã chết trong khi bỏ nước Pháp ra ngoài, không còn chút gia sản nào ngoài mười cuốn sách chép tay, gáy da đỏ, in chữ vàng, những hồi ký rất lạ lùng về Mexme và cái thùng của ông ta.
Bà Đơ T. vì giữ phẩm giá của mình, nên đã không xuất bản những hồi ký đó và đã sống với một lợi tức công trái nhỏ còn rớt lại không biết vì sao. Bà T. xa lánh triều đình, nơi bà cho là phức tạp, bà sống trong một khung cảnh ẩn dật cao quí và thanh bạch. Vài người bạn mỗi tuần hai buổi đến họp trong phòng khách của bà quả phụ ấy; phòng khách này là một phòng khách bảo hoàng thuần túy. Người ta uống trà, rồi tùy theo thời thượng thích ưu sầu hay sôi nổi, người ta hoặc thở than hay thốt lên những lời kinh tởm về thời đại, về hiến chương, về phái Bônapac, về cái băng xanh ban phí cho bọn tư sản giày vò, về xu hướng khuynh tả của vua Lui XVIII và người ta thì thầm với nhau về những hy vọng mà Đức ông, sau này là vua Saclơ X, nhen nhúm.
Ở đây, người ta hoan nghênh một cách huyên náo và vui mừng những bài hát thô tục, trong đó Napoleon được gọi tên là Nicôta. Cả những bà công tước tế nhị nhất và xinh đẹp nhất đời cũng say sưa hát những khúc hát đây, tặng cho phái liên hiệp:
Hãy nhét vào trong quần
Mẩu sơ mi thòng lõng
Để người đừng kêu ầm:
Đó là lá cờ trắng
Mà bọn “yêu nước” giương.
Người ta thú vị với những trò chơi chữ lộn mà họ cho là ghê gớm, những cách chơi chữ ngây thơ mà họ coi là rất thâm độc, họ soạn những đọa thơ tứ tuyệt, cả những cặp thơ đôi, thí dụ cặp thơ đôi về nội các Đêxon, một nội các ôn hòa có các ông Đơca và Đơxe tham gia:
Để củng cố ngai vàng lung lay gớm ghê
Phải thay cả xoong, thay cả ca, thay cả xe
Hoặc người ta xếp đặt cả một danh sách các đại biểu của Viện nguyên lão “một viện tả khuynh kinh khủng” và người ta ghép những tên để làm sao có những câu thế này chẳng hạn: “Đamat, Xabơrăng, Guviông Xanh Xia”. Họ làm thế một cách vui nhộn.
Trong cái môi trường ấy, người ta nhại giễu cách mạng. Họ có mưu mô như muốn mài cho nhọn những căm phẫn sẵn có trong nhân dân theo chiều ngược lại. Họ hát cái điệu hát: “Mọi việc rồi sẽ tốt”:
Ờ, mọi việc, mọi việc rồi sẽ tốt!
Bọn Buyônapactit sẽ bị treo cổ trên cột.
Những bài hát cũng như máy chém. Hôm nay nó chặt cái đầu này, ngày mai nó chặt cái đầu kia, thản nhiên như thường, chỉ như một đổi thay chi tiết.
Trong vụ án Phuyanđexơ, thời kỳ ấy, năm 1816, người ta bênh vực Baxtiđơ và Giôdiông, bởi vì Phuyanđexơ là buyônapactit. Và người ta gọi những người theo xu hướng tự do là bọn anh em bằng hữu; lúc bấy giờ, đó là cách chửi thậm tệ nhất.
Cũng như một số gác chuông nhà thờ, phòng khách của bà Nam tước T. có hai con gà trống. Một là lão Gilơnormăng, một là hầu tước Đơ Lamôtơ Valoa, người mà người ta thường giới thiệu thì thầm vào tai với một thái độ tôn trọng riêng: “Bạn biết không? Đấy là ngài Lamôtơ trong vụ án chuỗi hạt đấy”. Trong đảng phái thường có những thứ “ân xá” lạ lùng như vậy.
Chúng tôi nói thêm: trong giới tư sản những nhà danh giá nếu giao thiệp quá dễ dãi sẽ thấy danh giá nhà mình kém sút đi, cho nên phải chú ý tiếp ai, không tiếp ai. Đứng cạnh những người rét lạnh thì nhiệt độ của mình sẽ giảm, gần gũi những kẻ bị coi thường thì danh giá của mình cũng kém sút đi. Giới thượng lưu thế phiệt ngày trước đứng trên luật lệ đó cũng như tất cả những luật lệ khác. Marinhi, em mụ Pôngpađua (Nữ hầu tước Pôngpađua, nhân tình của Lui XV, xài phí công quỹ bị nhân dân khinh ghét) là khách của hoàng thân Đơ Xubidơ. Dù là? Không, bởi vì là. Đuy Bary, cha đỡ đầu của con mẹ Vôbécniê (Tức nữ bá tước Đuy Bary, bị nhân dân khinh ghét, chết trên đoạn đầu đài năm 1793) được tiếp đón niềm nở, ở phòng khách thống chế Đờ Risơliơ. Thế giới đó là thiên đình, Meccuya và hoàng thân Ghêmênê vào ra ở đây như ở nhà mình. Kẻ trộm cũng được tiếp nhận miễn nó là thần linh.
Bá tước Đơ Lamôtơ, năm 1825, là một ông già bảy mươi lăm tuổi. Không gì đáng chú ý ở ông ta ngoài cái dáng lặng lẽ và long trọng, cái khuôn mặt xương xẩu và lạnh lùng, cử chỉ rất lịch sự nhã nhặn, cái áo cài cúc đến tận cà vạt và đôi chân dài luôn luôn vắt chữ ngũ và cái quần dài rộng quá mức mầu đất sém. Mặt mày ông ta cùng màu với quần.
Cái ông Lamôtơ đó được coi trọng trong phòng khách do cái “tiếng tăm” của ông ta và cũng lạ đấy nhưng mà đúng như vậy, do cái tên Đơ Valoa.
Về phần Gilơnormăng thì lão được kính trọng là xứng đáng. Lão có uy tín vì lão có uy tín. Tuy sốc nổi, lão vẫn có một phong thái hiên ngang tự trọng, có nhân cách, có phần tự hào của giới tư sản và cái đó cũng không làm thương tổn sự vui tính của lão. Cái tuổi già của lão lại tăng thêm vẻ bệ vệ cao quí ấy. Đã là cả một thế kỷ thì phải có cái gì khác chứ. Năm tháng chồng chất đã khiến cho mớ tóc trên đầu trở nên đáng sùng kính.
Lão lại thường có những lời nói rõ là những tia lửa của chất người ngày xưa. Thí dụ: khi vua Phổ, sau khi khôi phục ngai vàng cho vua Lui XVIII, đến yết kiến Lui XVIII với danh hiệu là bá tước Ruypanh, thì người đích tôn của Lui XIV tiếp ngài với tí ngạo mạn tinh vi, coi ngài là hầu tước Brăngđơbua. Lão Gilơnormăng rất tán thưởng thái độ của Lui XVIII.
- Tất cả những vua nào không phải là vua nước Pháp chỉ là vua địa phương thôi – lão nói.
Một hôm khác người ta đàm luận về tờ báo: Tin nước Pháp.
- Chủ bút tờ báo đó bị xử trí ra sao?
- Phải treo bút.
- Chữ bút ấy thừa (Treo bút: suspendu, nói về báo chí, treo, tức treo cổ - pendu nói về tội xử người phạm tội nặng) – Lão Gilơnormăng nhận xét như thế.
Những lời như vậy xây dựng nên cả địa vị.
Trong buổi lễ nhà thờ mừng ngày kỷ niệm họ Buốcbông được phục hồi, thấy ông Đơ Tanlêrăng đi qua, lão nói: “kìa quan thượng ác” (Nguyên văn: son excellence (không viết hoa) le Mal vừa có nghĩa “tuyệt vời xấu”, “tuyệt vời ác” vừa có nghĩa là cụ lớn xấu (hay ác). Son Excellence viết tắt là S.E. dùng để xưng hô các quan thượng thư, các đại thần cũng như nói tướng công hay cụ lớn. Chúng tôi đành dịch tạm cùng hai nghĩa như vậy).
Lão Gilơnormăng thường đến phòng khách cùng đi với cô con gái lão, người cao như con sếu, trên bốn mươi tuổi mà trông già như năm mươi và một đứa bé trai nhỏ, trạc bảy tuổi, trắng trẻo, hồng hào, tươi tắn, đôi mắt ngây thơ tin cậy. Mỗi khi đứa bé tới mọi người đều nhao nhao khen ngợi:
- Cháu bé xinh quá nhỉ! Tiếc quá! Tội nghiệp.
Đứa bé ấy là đứa bé đã nói qua trên kia. Người ta gọi nó là “thằng bé tội nghiệp”, vì bố đứa bé là một “tên giặc cướp sông Loa”.
“Tên giặc cướp sông Loa” ấy là con rể lão Gilơnormăng, độc giả đã biết cái người mà lão Gilơnormăng vẫn gọi là “một sự biêu riếu cho gia đình nhà ta”.

***
II
MỘT CÁI BÓNG MA ĐỎ HỒI ẤY

Hồi ấy nếu ai qua cái thị trấn Vécnông nhỏ bé và đi dạo chơi trên chiếc cầu đồ sộ - mà có lẽ chẳng bao lâu nữa người ta sẽ thay thế bằng một cái cầu dây sắt ghê tởm – đứng trên cầu nhìn xuống, sẽ thấy một người đàn ông cả ngày đi đi lại lại trong một khoảnh đất bốn phía bọc tường trên tả ngạn sông Xen; dọc theo bờ sông là cả một dãy những khoảnh đất như vậy đầy hoa tươi, nếu to hơn nhiều thì gọi là vườn hoa, nhỏ hơn chút ít thì bảo là chùm hoa. Tất cả những khoảnh đất ấy một đầu thì sát mặt sông, một đầu thì giáp một gian nhà ở. Người đàn ông trạc năm mươi tuổi, đội một chiếc cát két da, mặc một cái quần và một cái áo dạ thô màu xám, có dính một mảnh băng trước kia màu đỏ, chân đi guốc, da sạm nắng, mặt gần như đen, tóc hầu bạc, một cái sẹo rộng từ trán kéo xuống tận má, lưng khom khom còng như một người già trước tuổi, tay cầm một cái mai hay một cái kéo xén cây. Năm 1817 người đó ở cái khoảnh đất hẹp nhất và cái nhà tiều tụy nhất trong khu này. Người ấy ở một mình, cô đơn, thầm lặng và nghèo khổ, chỉ có một mụ giúp việc, không già không trẻ, không xấu, không đẹp, không ra vẻ nông dân, không ra dáng thị thành – Cái vườn con của người đàn ông ấy nổi tiếng trong thị trấn về hoa đẹp. Chăm bón vun trồng hoa là công việc duy nhất của ông ta.
Cần cù, kiên nhẫn, chăm chú cả ngày vun tưới, ông ta đã tạo nên những giống hoa tuy líp, hoa thược dược mà tạo hóa hình như chưa nghĩ ra. Ông ta rất tài giỏi, ông đã đi trước nhà bác học Xulănggiơ Bôđanh, nghĩ ra cách vun những mô đất mùn để trồng những giống cây quý và hiếm của châu Mỹ và Trung Quốc. Từ sáng tinh mơ, ông ta đã ở ngoài vườn châm, tưới, cắt xén, đi lại giữa những bóng hoa, vẻ trìu mến, hiền dịu và buồn buồn, có khi mơ mộng, yên lặng hàng giờ lắng nghe tiếng chim hót trên một cành cây, hay nghe tiếng một em nhỏ líu lo trong một căn nhà, hay đăm đăm nhìn trên đầu ngọn cỏ một hạt sương long lanh dưới ánh mặt trời như một nụ hoa tai. Ông ta ăn uống thanh đạm, dùng sữa nhiều hơn uống rượu. Ông ta nhường nhịn cả những đứa bé, người ở của ông có khi gắt với ông. Tính ông rụt rè đến nỗi như e ngại tất cả mọi người; ông ít khi phố, chẳng gặp ai ngoài những người nghèo thường đến gõ kính cửa nhà ông và cha xứ, viện trưởng Mabơp, một ông lão hiền lành. Nhưng nếu có ai ở trong thị trấn hay ở xa đến muốn xem những giống hoa hồng và hoa tuy líp của ông và gõ cửa nhà ông thì ông tiếp đón với nụ cười. Chính ông ấy là “tên giặc cướp sông Loa”.
Người nào hay đọc những tập ký ức quân sự hồi đó, những tiểu sử quân nhân, tạp chí Mônitơ hay những tập kỷ yếu quân đội chắc phải chú ý đến một cái tên thường trở đi trở lại: tên Giorgiơ Pôngmecxi. Hồi còn thanh niên anh Giorgiơ Pôngmecxi ở trong trung đoàn Xanhtônggiơ thuộc binh đoàn sông Ranh bởi vì các trung đoàn thời quân chủ vẫn giữ nguyên tên tỉnh của mình, cả cho đến khi nền quân quyền sụp đổ và chỉ được phiên chế lại từ năm 1794, Pôngmecxi đã chiến đấu ở Xpia, ở Oócmơ, ở Nơxtat, ở Tuyêkem, ở Anđây; ở Mayăngxơ trong hậu đội Husa, ông ta là một trong số hai trăm người đương đầu với cả một đạo quân của Hoàng thân Đơ Hét, đằng sau chiến lũy Angđécnắc và chỉ rút lui theo đại quân khi đại bác địch đã phá tan chiến lũy; ông đã chiến đấu trong đội quân của tướng Cơlêbe ở Mácsiên và ở trận Mông Palitxen, trận này ông bị đạn gãy cánh tay. Rồi ông được chuyển qua biên giới Ý và ở đây ông vào số ba mươi lính thủ pháo đã giữ đèo Tăngđơ với Giube. Sau trận ấy, Giube được thăng thiếu tướng và Pôngmecxi, thiếu úy. Pôngmecxi ở bên cạnh Behiê giữa mưa đạn, trong cái ngày Lôđi lịch sử mà Bônapac đã nói: Behiê vừa là pháo binh, kỵ binh và lính thủ pháo. Ông nhìn thấy vị tướng cũ của mình, Giube, ngã xuống ở Nôvi, trong khi ông ta vung gươm thét: tiến lên! Vì chiến dịch cần đến, đại đội của ông cùng với ông xuống một chiếc thuyền tải nhổ neo từ thành Giên để đi đến một hải cảng nhỏ nào đó không nhớ, ông lọt vào một ổ gồm bảy tám chiếc thuyền buồm Anh. Viên thuyền trưởng người Giên định vứt đại bác xuống biển, giấu quân trong khoang thuyền rồi nương bóng đêm mà chuồn, giả dạng thuyền buôn. Pôngmecxi cho kéo cờ tam tài lên cột buồm và hiên ngang đi dưới đại bác của các chiến thuyền Anh quốc. Cách đó hai mươi dặm, càng táo bạo hơn, Pôngmecxi dùng chiếc thuyền tải của mình tấn công và bắt sống một chiếc thuyền vận tải lớn của Anh trên đường chở quân đến đảo Xixin. Thuyền chở người ngựa nhiều đến tràn be. Năm 1805, ông ở trong sư đoàn Male, cái sư đoàn đã đánh lấy thành Gôngxbua của đại công tước Phecđinăng. Ở Oêttenghen, đạn vãi như mưa trong khi ông đưa tay ôm lấy đại tá Môpơti chỉ huy trung đoàn kỵ binh số 9 bị tử thương. Ông đã tỏ ra xuất sắc ở Austéclit trong cuộc hành quân tiến hành dưới lưới lửa quân thù. Khi kỵ binh cận vệ của Sa hoàng nghiền nát một tiểu đoàn của trung đoàn bộ binh số 4, Pôngmecxi ở trong số những người phục thù đã đánh cho bọn cận vệ đó thất điên bát đảo. Hoàng đế ân thưởng Bắc đẩu bội tinh cho ông. Pôngmecxi đã lần lượt chứng kiến tướng Uyêcmơxe bị bắt ở Măngtu, Mêlatx ở Alêchxăngđri, Mack ở Ulm. Ông ở trong binh đoàn thứ tám của đại quân đoàn mà tướng Morchiê chỉ huy, quân đoàn này đã đánh chiếm Hăng bua. Sau đó ông sang sư đoàn 55 bộ binh trước kia là trung đoàn Flăngđrơ. Ở Ailao, ông chiến đấu trong nghĩa địa mà viên đại úy anh hùng Lui Hugo, chú của tác giả sách này, đã đơn độc với đại đội tám mươi ba đội viên của mình, chống trả cuộc tấn công của toàn bộ đạo quân địch trong hai tiếng đồng hồ. Pôngmecxi ở trong số ba người sống sót trong nghĩa địa ấy. Ông dự trận Fritlan. Rồi thì Môtxcu, rồi sông Bêrêđina, rồi Luytden, Bôđren, Đrexđơ, Oasao, Laixich và đèo Gienhauxen. Rồi đến Môngmiray, Satô Chieri, Craông, bờ sông Mác, bờ sông Enơ và các cứ điểm Laông ghê gớm. Là đại úy, trong trận Acnêlơ Đức, ông chém chết mười tên lính Cô-dắc và cứu không phải các vị tướng chỉ huy mà viên hạ sĩ của mình. Trong dịp ấy, ông ta hầu như bị băm vằm và người ta lấy được hăm bảy mảnh xương vỡ chỉ riêng trong cánh tay trái. Tám hôm trước khi Paris đầu hàng, ông thuyên chuyển với một người bạn và trở thành kỵ binh. Ông ta có cái mà trong chế độ cũ, người ta gọi “có đủ hai tay nghề”, nghĩa là nếu lính thì sử dụng gươm cũng tốt, súng cũng hay, nếu là sĩ quan thì cầm tiểu đoàn kỵ binh cũng sành, tiểu đoàn bộ binh cũng thạo. Khả năng ấy được sự huấn luyện quân sự làm cho hoàn chỉnh, đã làm nảy nở một số binh chủng đặc biệt, như binh chủng đầu rồng, nó vừa là kỵ binh vừa là bộ binh. Ông hộ giá Napoleon ra đảo Enbơ. Ở Oateclô ông chỉ huy một tiểu đoàn kỵ binh trong lữ đoàn Luynơbua. Ông đem lá cờ đến ném dưới chân Hoàng đế, người ông đầy máu. Khi giật lá cờ, ông bị một nhát kiếm chém ngang mặt. Hoàng đế thích chí phán truyền: Anh là đại tá, anh là Nam tước, anh được ban Bội tinh hạng tư đó! Pôngmecxi trả lời: Thần xin thay mặt quả phụ của thần cảm tạ Hoàng đế. Một giờ sau ông rơi xuống vực Ôhanh. Người Giorgiơ Pôngmecxi ấy là ai. Cũng là “tên giặc cướp sông Loa”.
Chúng ta từng nghe ít nhiều về chuyện Pôngmecxi chúng ta nhớ lại sau trận Oateclô, ông được người ta kéo ra khỏi khu vực Ôhanh, rồi ông lại liên lạc được với đại quân, rồi từ trạm quân y này sang trạm quân y khác, ông trở về doanh trại bờ sông Loa.
Khi họ Buôcbông được khôi phục, ông bị thải hồi, theo chế độ nửa lương, rồi sau phải quản thúc ở Vecnông. Vua Lui XVIII coi những việc quyết định trong thời kỳ Bách nhật là không có giá trị, nên không thừa nhận chức đại tá, tước nam cũng như huân chương Bắc đẩu bội tinh hạng tư của Pôngmecxi. Nhưng ông ta thì không bao giờ quên ký tên: Đại tá nam tước Pôngmecxi – Ông chỉ có một chiếc áo xanh cũ, nhưng mỗi khi ra đường, không bao giờ ông quên cài vào cái phù hiệu Bắc đẩu bội tinh hạng tư. Ông biện lý đã cảnh cáo ông rằng công tố viên có thể truy tố ông về tội mang bội tinh đó một cách trái phép. Khi có người trung gian không chính thức báo cho ông biết chuyện ấy, ông trả lời với nụ cười chua chát: “Không biết tôi không nghe hiểu tiếng Pháp, hay là ông không biết nói tiếng Pháp nữa, nhưng sự thật thì tôi không hiểu ông muốn nói gì!” Rồi tám hôm liền ông ra phố với cái phù hiệu ấy, mà chẳng ai dám hỏi gì ông cả. Hai ba lần ông thượng thư bộ binh và viên tướng chỉ huy đạo quân trong tỉnh viết thư cho ông với địa chỉ: “Gửi thiếu tá Pôngmecxi”. Ông gửi trả lại những bức thư đó, không thèm mở xem. Sống lâu dài với Napoleon, Pôngmecxi đã – xin lỗi bạn đọc – lây cái hơi hám của vua mình, vì trong thời gian đó Napoleon cũng gửi trả lại những bức thư Huychxơn Lô gửi cho tướng Bônapac.
Ngày xưa ở La Mã, một số tù binh Cátaginoa cũng nhất định không chào Flaminiuyt. Những người lính đó đã có chút ít tâm hồn Anniban.
Một buổi sáng ông ta gặp viên biện lý ngoài phố Vecnông, ông tiến đến trước mặt y và hỏi: ngài biện lý, tôi có quyền mang vết thương trên mặt không?
Tất cả nguồn lợi của ông chỉ là cái bán bổng thiếu tá ít ỏi. Ông đã tìm thuê căn nhà nhỏ nhất ở Vecnông và sống một mình, sống như thế nào, ta đã biết. Dưới thời kỳ đế chế, giữa hai chiến dịch, ông ta đã kết hôn với cô Gilơnormăng-em. Ông lão tư sản trong lòng căm phẫn lắm, nhưng cũng đành ưng thuận, chỉ biết thở dài tự an ủi: “Bao nhiêu gia đình quí tộc cũng đã phải chịu như vậy mà!” Năm 1815, bà Pôngmecxi, một người vợ đáng phục về mọi mặt, cao quí hiếm có và rất xứng đáng với chồng, bà đó qua đời để lại một đứa con trai nhỏ. Đứa có nhỏ đó tất nhiên phải là nguồn hạnh phúc của đại tá Pôngmecxi trong cảnh cô đơn, nhưng ông cụ ngoại nhất định bắt đứa cháu và dọa tước hết quyền thừa kế của nó. Người cha đành phải nhượng bộ vì quyền lợi của con; mất con, ông yêu hoa vậy.
Ông đã thoát ly cuộc đời, không hoạt động, không tham gia âm mưu chính trị nào. Ông chỉ nghĩ đến những việc vô hại ông đang làm và những việc lớn ông đã làm. Ngày này đến ngày khác ông chờ đợi một bông hoa cẩm chướng hoặc là hồi tưởng trận Austéclit.
Lão Gilơnormăng không hề đi lại với con rể. Đối với lão, đại tá Pôngmecxi là một tên giặc cướp; đối với đại tá, lão là một anh già vô nghĩa lý. Không bao giờ lão Gilơnormăng nhắc đến đại tá Pôngmecxi nếu không phải là để chế giễu cái nam tước của ông. Lão đã giao ước với Pôngmecxi là không bao giờ ông ta được gặp mặt con, nói chuyện với con, nếu không thì đứa bé sẽ phải trao trả lại cha nó và bị tước quyền thừa kế. Đối với gia đình lão Gilơnormăng, Pôngmecxi chẳng khác gì một thằng hủi. Họ muốn nuôi dạy bé hoàn toàn theo ý họ. Đại tá Pôngmecxi có lẽ đã tính lầm khi nhận những điều kiện ấy, những ông ta nhẫn nhục chỉ vì cho rằng làm như vậy là phải và chỉ có ông là người hy sinh. Gia tài lão Gilơnormăng cũng chẳng là mấy, nhưng gia tài của cô Gilơnormăng chị thì rất lớn. Người dì không có chồng ấy có phần thừa kế rất lớn của bên ngoại, đứa cháu của người em bà tự nhiên là người thừa ế của bà.
Đứa bé tên là Mariuyt biết là mình có bố, nhưng chỉ biết thế thôi. Không hề có ai nói chuyện với nó về bố nó. Nhưng ở những nơi ông nó thường dẫn nó đến, những chuyện xì xào, to nhỏ, úp mở dần dần cũng làm cho đứa bé hiểu lờ mờ và chịu sự thẩm lậu và xâm nhập của cái môi trường sống ấy của nó, dần dần nó cũng thấy xấu hổ và đau xót khi nghĩ đến bố nó.
Đứa bé ngày càng lớn; trong thời gian ấy, đại tá Pôngmecxi cứ hai ba tháng lại lên Paris, như một tội nhân lẩn trốn và đứng chờ ở cửa nhà thờ Xanh Xuynpit đón bà dì Gilơnormăng dẫn cháu đi lễ. Đứng khuất sau một cái cột, sợ bà dì quay lại trông thấy, ông nín thở, nhìn con. Người chiến sĩ mang thương tật trên mặt ấy sợ mụ gái già.
Vì những chuyến đi ấy mà ông ta quen biết cha xứ Vecnông tức là lão viện trưởng Mabơp.
Ông linh mục đáng kính ấy là anh em của vị quản lý tài sản của nhà thờ Xanh Xuynpit. Ông này đã nhiều lần bắt gặp người đàn ông đứng nhìn đứa trẻ, ông đã để ý đến vết gươm chém trên má và giọt nước mắt trong mi. Con người có vẻ đàn ông đàng hoàng ấy mà lại khóc như một mụ đàn bà, đã làm cho ông linh mục chú ý đặc biệt. Hình ảnh con người ấy in sâu trong trí ông. Một hôm Vecnông ra thăm em, ông ta gặp đại tá Pôngmecxi và nhận ra người đứng ở nhà thờ Xanh Xuynpit. Ông ta nói chuyện với em và cả hai người mượn một cớ nào đó đến thăm đại tá. Thăm một lần rồi lân la nhiều bận khác; đại tá Pôngmecxi lúc đầu còn giữ ý, sau cởi mở lòng mình và hai anh em ông linh mục đã hiểu hết chuyện đại tá Pôngmecxi và biết đại tá hy sinh hạnh phúc của mình để bảo đảm tương lai của con như thế nào.
Cha xứ vì vậy mến phục ông và ông đại tá cũng quí mến vị cha xứ. Một linh mục già và một quân nhân già, khi họ đều chân thành và hiền hậu, thì họ hiểu nhau và hòa cảm với nhau không ai bằng. Vả lại ấy cũng chỉ như là một người thôi: một người hy sinh cho Tổ quốc hạ giới, một người cho Tổ quốc thiên đình, cũng chẳng khác gì nhau.
Một năm hai lần, ngày 1 tháng giêng và ngày Xanh Giorgiơ, Mariuyt viết chiếu lệ những bức thư cho bố, những bức thư do cô Gilơnormăng đọc cho viết, như những bức thư mẫu trong tập thư từ. Lão Gilơnormăng chỉ cho phép viết thế thôi: trái lại người cha viết trả lời cho con những bức thư thật âu yếm mà lão Gilơnormăng vò bỏ vào túi, không đọc.


Phòng khách của bà Đờ T., đó là tất cả sự hiểu biết của Mariuyt Pôngmecxi về cuộc đời. Mariuyt chỉ nhìn đời qua cái cửa sổ ấy; cái cửa sổ ấy thật là tối tăm, nhìn qua chỉ thấy đêm, ít thấy ngày, chỉ thấy hơi lạnh, ít thấy khí ấm. Đứa trẻ khi chưa bước chân vào nơi đó thì tươi sáng, thơ ngây; ở nơi đó, nó trở thành buồn bã và thật là trái ngược với tuổi thơ ấu, lại nghiêm nghị nữa. Ở giữa rặt những con người bệ vệ, kỳ dị ấy, đứa bé ngơ ngác, trang nghiêm. Tất cả chung quanh đều dồn lại làm tăng cái ngơ ngác ấy.
Trong phòng khách của bà T. có những bà già quí tộc rất đáng kính trọng, như các bà Matăng, Nôê, Lêvixơ mà người ta gọi là Lêvi, Căngbixơ mà người ta gọi là Căngbidơ. Những khuôn mặt cổ kính ấy, những cái tên như tên trong kinh thánh ấy, trong trí của đứa bé lẫn lộn với kinh Cựu ước mà em học thuộc lòng; và khi tất cả các bà ấy, ngồi đông đủ quây tròn xung quanh một cái lò sưởi sắp tàn, dưới ánh sáng mờ tối của một chiếc đèn phủ mạng xanh, với những vẻ mặt nghiêm trang, những mái tóc xám gio hay trắng toát, những chiếc áo dài thượt của một thời cũ mà người ta chỉ nhìn thấy rõ những màu ảm đạm, thỉnh thoảng mới nói một lời đường bệ và nghiêm khắc, cậu Mariuyt bé nhỏ nhìn họ với con mắt ngơ ngác, hãi hùng tưởng chừng đó không phải là những người đàn bà, mà là những lão trượng, những đạo sĩ, không phải là những con người thật, mà lã những bóng ma.
Cùng với những bóng ma ấy, có thêm một số giáo sĩ, khách quen của phòng khách cổ này và vài nhà quí tộc, hầu tước Xaxơnây, bí thư của bà Đơ Beri, tử tước Valôri, đã xuất bản với bí danh Salơ ĂngtoanSơ những bài ca độc vận, hoàng thân Bôphôrơmông, tuy còn trẻ mà tóc đã hoa râm, với bà vợ xinh đẹp và thông minh, mặc áo nhung đỏ tươi, tua kim tuyến, cổ rất rộng làm cho những bóng tối âm u kia phải hoảng hốt, khó chịu, hầu tước Đơ Côriôlixơ Đétxpinudơ, con người sành nhất nước Pháp về cái thứ “lễ độ tương xứng”, bá tước Đamăngđơrơ, người có vẻ mặt ân cần và hiệp sĩ Đơ Pođơghi, trụ cột của thư viện Cuvơrơ, còn gọi là phòng làm việc của nhà vua. Ông Đơ Pođơghi hói, dáng hom hem chứ chưa phải già thực, kể chuyện rằng năm 1793, hồi mười sáu tuổi ông đã bị tống vào nhà lao khổ sai vì phản động và bị xiềng chung với một ông già tám mươi tuổi, giám mục Marơpoa, cũng phản động, nhưng là giáo sĩ phản động, còn ông thì là quân nhân phản động. Bấy giờ là ở nhà lao Tulông. Nhiệm vụ của hai người ấy là cứ đêm đến thì ra nơi máy chém nhặt những đầu lâu và thi thể những người bị chém ban ngày; họ vác trên lưng những thân người đầm đìa máu chảy và sau gáy họ chiếc áo khoác đỏ tù khổ sai của họ, có một lớp máu, buổi sáng thì khô, buổi tối thì ướt. Những câu chuyện bi thảm ghê gớm ấy, người ta thường kể nhiều trong phòng khách của bà T.. Vì nguyền rủa Mara nhiều quá, người ta hóa ra hoan nghênh Tơristayông. Một vài nghị sĩ vào loại “không kiếm được” (Nghị viện hồi ấy, 1815-1816, được mệnh danh là “Viện không kiếm” vì nó bảo hoàng cực đoan) đến đây chơi bài. Ông Tibô đuy Salarơ, ông Lơmácsăng Đơ Gimicua và kẻ trào phúng nổi tiếng của cánh hữu, ông Coócnê Đanhcua. Ông thẩm phán Đơ Phetret, với chiếc quần ngắn và bộ chân gầy, thỉnh thoảng tạt vào phòng khách này khi đi đến ông Tanlêrăng. Ông đã là bạn ăn chơi của bá tước Đactoa và ngược lại với Arixtôtơ đã bò cho Căngpaspơ cưỡi, ông đã khiến cho ả Ghima bò dưới đất và như thế đã tỏ cho cổ kim biết một vị thẩm phán đã trả thù cho một nhà triết học.
Còn các giáo sĩ thì có linh mục Anma, người đã được nghe ông Larôdơ, cộng tác viên của ông ở báo Tiếng sét nói với mình: “Chà, ai mà không năm mươi tuổi, trừ mấy thằng nhãi con thôi!”, viện trưởng Lơtuôcnơ, người giảng đạo của nhà vua, viện trưởng Phơrayxinu, lúc ấy chưa là bá tước, chưa là giám mục, chưa là thượng thư, chưa là nguyên lão nghị viện và lúc nào cũng mặc một cái áo thầy tu cũ, đã mất khuy, và viện trưởng Keravơnăng, cha xứ ở Xanh Giécmanh đô Pơrê: thêm vào đó có đức khâm mạng của giáo hoàng hồi đó là Đức cha Măcsi, tổng giám mục Nidibixơ sau này là giáo chủ, đáng chú ý vì cái mũi dài có dáng nghĩ ngợi của ngài. Còn một đức cha Panmiơri, linh mục ở triều đình giáo hoàng, một trong bảy vị tham nghị, cai quản nhà thờ vòng ngoài, hiện hộ sư của các vị thánh (Có chua tiếng Latinh: Postulatore di santi) là người trông coi các vấn đề phong thánh, gần như là công cáo viên về ban thiên đường. Sau nữa có hai giáo chủ, đức cha Đơ Laluydecnơ và đức cha Đơ Clemông Tônerơ. Đức giáo chủ Đơ Laluydecnơ là một nhà văn và vài năm sau vinh dự là ký giả những bài báo trong tờ “Người bảo thủ” bên cạnh những bài của Satôbriăng. Đức cha Đơ Clemông Tônerơ là tổng giám mục Tuludơ và thường về nghỉ ở Paris với cháu là hầu tước Đơ Tônerơ, trước là thượng thư bộ Hải quân và bộ Chiến tranh. Giáo chủ Đơ Clemông Tônerơ là một ông già nhỏ bé, vui vẻ, thường để lộ những đôi bít tất đỏ khi ngài kéo chiếc áo nhà tu lên. Đặc điểm của ngài là căm ghét bộ Bách khoa và say mê chơi bi-a. Người qua đường hồi ấy, những buổi chiều mùa hè, đi qua phố bà Hoàng, nơi có dinh của Clemông Tônerơ, thường đứng lại để nghe tiếng các hòn bi va chạm vào nhau và tiếng nói lanh lảnh của giáo chủ với linh mục đi theo ngài ở hội nghị bầu giáo hoàng, là đức cha Côtơrê, giám mục miền Carixtơ: “Ghi điểm đi linh mục, ta trúng hai viên”. Giáo chủ Đơ Clemông Tônerơ đã được giới thiệu đến phòng khách của bà T. bởi người bạn thân nhất của ông, đức cha Đơ Rôcơlôrơ, nguyên là giám mục Xănglixơ và là một trong bốn mươi vị hàn lâm. Ông Đơ Rôcơlôrơ đáng chú ý bởi cái tầm vóc cao lớn của ông và sự có mặt thường xuyên của ông ở viện Hàn lâm; qua cửa kính của một gian phòng bên cạnh thư viện, nơi viện Hàn lâm thường họp, những người tò mò, mỗi thứ năm vẫn thường ngắm vị cựu giám mục Xănglixơ, thường đứng, tóc mới rắc phấn, bít tất tím, quay lưng ra phía cổng như để cho người ta trông thấy cái cổ áo giám mục của ông. Tất cả các giáo sĩ ấy, mặc dầu phần lớn vừa là nhân vật trong triều vừa là nhân vật giáo hội, vẫn làm tăng thêm cái vẻ nghiêm trang của phòng khách bà T. trong đó có năm vị nguyên lão nghị viện của nước Pháp, hầu tước Đơ Vibơray, hầu tước Đơ Talaruy, hầu tước Đecbuviơ, tử tước Đăngbơray và công tước Đơ Valăngtinoa, làm rõ thêm dáng công khanh thế phiệt của nơi ấy. Công tước Đơ Valăngtinoa đây, tuy là ông Hoàng Mônacô, tức là hoàng thân quốc trưởng nước ngoài, đánh giá nước Pháp và viện nguyên lão Pháp cao đến mức coi đó là hai tiêu chuẩn để ông so sánh mọi điều. Chính ông đã nói: “Các vị giáo chủ là các vị nguyên lão Pháp ở Rômơ: các lorơ là những nguyên lão Pháp ở Anh”. Dẫu sao – vì trong thế kỷ này, Cách mạng phải có mặt ở khắp nơi, các phòng khách phong kiến này, như chúng tôi đã nói, cũng bị thống trị bởi một nhân vật tư sản. Lão Gilơnormăng ngự trị ở đó.
Đó là tinh hoa, tinh hoa thuần khiết của cái xã hội Paris trắng. Tất cả những gì danh tiếng lừng lẫy, dù là thuộc ý thức bảo hoàng, cũng đều bị gạt ra. Trong cái tiếng tăm lừng lẫy luôn có một thứ tự do vô chính phủ. Satôbriăng mà đến cái phòng khách này thì người ta cũng có cảm tưởng như là lão Đuysen thôi. Cũng có một vài nhân vật qui phục Cách mạng được châm chước tiếp nhận trong giới bảo hoàng chính thống này. Bá tước Bơnhô được đón tiếp có mức độ trong phòng khách.
Những phòng khách “quí tộc” ngày nay không giống những phòng khách ấy. Ngoại ô Xanh Giécmanh ngày nay có màu tà giáo. Những người bảo hoàng ngày nay là những người mị dân, nói thế để khen họ đấy.
Ở nhà bà T. khách lui tới là những người thượng lưu, thị hiếu của họ tao nhã và kiêu hãnh, với một nề nếp lịch sự trang trọng. Những tập quán ở đây có nhiều sắc thái tinh vi, không cố ý, nó là tất cả chế độ cũ, đã chôn vùi rồi, nhưng vẫn sống. Một vài thói quen ấy, nhất là về ngôn ngữ, có vẻ rất lạ lùng. Những kẻ “sành sỏi” mà hời hợt có thể cho là quê mùa, những cái thực ra chỉ là cổ kính. Người ta gọi một phụ nữ là bà tướng, người ta cũng có khi gọi bà Đại tá. Bà Đơ Lônggơvin và Đơ Sơvorơdơ, nên thích cách gọi như thế hơn được gọi là bà Hoàng: bà hầu tước Đơ Lơrêki, cũng thích người ta gọi là bà Đại tá.
Chính cái giới nhỏ mà lớn ấy đã đặt ra ở cung điện Tuylơri cái kiểu cách trong khi được hầu chuyện thân mật với vua, dùng ngôi thứ ba gọi là nhà vua, chứ không dùng “Vôtrơ magiextê” (tiếng xưng hô đối với vua để tỏ ý sùng kính dùng ở ngôi thứ hai). Tiếng “Vôtrơ magiextê” đã bị “tên tiếm đoạt làm cho ô uế”.
Ở đó người ta phê phán mọi sự việc và mọi nhân vật. Người ta chế nhạo cả thời đại, như thế đỡ phải tìm hiểu thời đại. Người ta giúp nhau nhìn thấy những sự lạ và truyền cho nhau cái phần ánh sáng họ có trong trí tuệ của họ. Matuydalem báo tin mới cho Epimêniđơ. Anh điếc làm cho anh mù hiểu biết thời đại. Người ta tuyên bố cả thời gian từ Côblenđơ (thành phố ở nước Đức, nơi năm 1792, bọn quí tộc xuất cảnh tập hợp thành lập đạo quân chống nước Pháp cách mạng) trở đi là không có. Cũng như họ nói Lui XVIII, ơn Chúa, đang ở năm thứ 25 của triều đại mình, các quí tộc bỏ nước, có quyền tính tuổi thanh niên của họ là hai mươi nhăm.
Tất cả đều hài hòa; không có cái gì sống mà mãnh liệt quá, lời nói chỉ thoảng như một hơi thở, nhật báo cũng cùng một kiểu với phòng khách, chỉ như một tờ giấy lặng lẽ. Cũng có thanh niên nhưng họ gần như chết. Ngoài hành lang, đồng phục bọn tôi tớ kiểu xưa. Những con người ấy, hoàn toàn quá vãng, cũng có người kẻ hầu người hạ như họ. Tất cả đều có vẻ đã sống mãn số từ lâu rồi, nhưng vẫn không chịu xuống mồ. Bảo thủ, sự việc bảo thủ, người bảo thủ, thế là gần hết cuốn từ điển họ dùng, phải ngửi được và là vấn đề chính ở đây. Chính kiến cũng xông hương trong cái nhóm người cổ kính này và là tư tưởng ở đây cũng có mùi hương bài. Đấy là cả một thế giới xác ướp. Chủ thì ướp hương, người ở thì độn rơm.
Một bà hầu tước già, trước lưu vong và nay sa sút, chỉ còn một người bõ già, vẫn cứ nói: “Bọn gia nhân của tôi”.
Nhóm người ấy làm gì ở phòng khách của bà Đơ T.. Họ là “uyntơra” (bảo hoàng cực đoan).
“Uyntơra”: cái từ ấy, tuy rằng khái niệm nó biểu hiện chưa mất hẳn, nhưng ngày nay không có nghĩa nữa. Ta hãy giải thích cái từ ấy.
Uyntơra tức là đi quá giới hạn. Là lấy danh nghĩa ngai vàng mà công kích nhà vua, lấy danh nghĩa thờ Chúa mà công kích cái mũ của các vị giám mục: là đánh đập cái vật mà mình kéo theo mình; là cất vó đá hậu khi cùng đứng trong cỗ xe với ngựa khác; là phê phán cái đống lửa thiêng chưa thiêu chín kẻ tà đạo; là trách cái thần tượng còn ít tôn sùng thần thượng; là chửi rủa vì quá tôn kính; là bảo giáo hoàng không trọng đầy đủ tòa thánh, nhà vua còn ít bảo hoàng, đêm còn quá nhiều ánh sáng; là nhân danh màu trắng mà chê tuyết bạch ngọc, lông thiên nga, cánh hoa huệ; là ủng hộ một cách nhiệt tình đến mức thành kẻ thù; là tán thành mãnh liệt đến phản đối.
Tinh thần Uyntơra là đặc điểm tiêu biểu của giai đoạn đầu thời kỳ quân chủ phục hưng.
Trong lịch sử không có thời kỳ nào giống thời gian bắt đầu từ năm 1814 và kết thúc vào khoảng 1820, lúc ông Vilelơ, con người thực tế của phái hữu, lên nắm quyền. Sáu năm ấy là một giai đoạn lạ thường, vừa ồn ào, vừa buồn tẻ, vừa vui vẻ, vừa tối tăm, sáng tỏ như dưới ánh bình minh đồng thời bao phủ bóng tối của những tai họa lớn còn tràn ngập chân trời và đang dần dần chìm sâu vào quá khứ.
Trong cái ánh sáng và cái bóng tối ấy, có cả một tiểu thế giới và vừa mới vừa cũ, vừa khôi hài vừa buồn thảm, vừa trẻ trung vừa già cỗi đang dụi mắt; trở về giống hệt như trở dậy, không có gì giống nhau hơn thế. Một bọn người nhìn nước Pháp một cách bực dọc, hậm hực và nước Pháp nhìn lại họ một cách mai mỉa, những con cú già hầu tước đầy đường, bọn đã trở về, bọn đang trở về, những “tên nguyên là…” (danh từ dùng trong các bản án thời Cách mạng Pháp để gọi các tên quí tộc và thầy tu phản động trước khi nêu tên và chức vị cũ của chúng) kinh ngạc trước mọi việc, những nhà quí tộc lưu vong, thiện tâm, thiện chí vừa mỉm cười vừa rơi lệ sung sướng được thấy lại Tổ quốc, thất vọng không được trông thấy lại chế độ quân chủ của họ; lớp quí tộc thập tự viễn chinh phỉ nhổ lớp quí tộc thời đế chế, tức là lớp võ quan quí tộc; những dòng giống lịch sử đã mất ý thức lịch sử; những đứa con các chiến hữu của Saclơmanhơ khinh miệt những chiến hữu của Napoleon. Những lưỡi gươm như chúng tôi vừa nói lại chửi lại những lưỡi gươm. Lưỡi gươm Fôngtơnoa chỉ là một trò cười, một lưỡi gươm rỉ: lưỡi gươm Marănggô thì bị căm ghét và bị coi là một mã tấu. Ngày xưa phủ nhận Hôm qua. Người ta không còn có ý thức về cái lớn lao, cũng như không ý niệm thế nào là lố bịch. Có kẻ gọi Bônapac là Xcapanh. Cái thế giới ấy không còn nữa. Ngày nay không còn tí gì nữa, ta hãy nhắc lại điều đó. Khi chúng tôi nêu lên một hình ảnh nào đó và chúng tôi muốn làm nó sống trở lại trong trí tưởng thì thấy nó lạ lùng như ở thời kỳ tiền hồng thủy. Nó đã biến hẳn với hai cuộc cách mạng. Tư tưởng là những đợt sóng hùng mạnh biết bao! Nó vùi lấp rất nhanh chóng những cái nó có nhiệm vụ phá hủy và chôn vùi, nó đào nhanh chóng những cái vực sâu khủng khiếp.
Đó là bộ mặt của những phòng khách của thời kỳ xa xôi và ngây thơ ấy mà ông Mactanhvilơ có nhiều trí tuệ hơn Vônte.
Những phòng khách ấy có một thứ văn học và chính trị của họ. Fiêvê ở đây là thần thánh. Ông Agiê ngự trị. Ở đây người ta bình luận sách của Connê, ký giả và người bán sách cũ ở bờ sông Malake, Nabôlêông thì hoàn toàn là con yêu tinh đảo Coocxơ. Về sau đưa cái tên hầu tước Đơ Buôcnapactê, tổng tư lệnh quân đội nhà vua vào lịch sử là một nhượng bộ đối với xu hướng của thời đại.
Những phòng khách ấy không giữ được tính chất thuần túy của nó lâu dài. Ngay từ 1818 một vài lý thuyết gia đã bắt đầu xuất hiện, đó là một điều đáng lo ngại. Cái kiểu của họ cũng là bảo hoàng đấy, nhưng mà lại cứ thanh minh. Cái chỗ những phần tử Uyntơra rất kiêu hãnh tự hào, thì những nhà bảo hoàng ý luận này có vẻ lấy làm xấu hổ phần nào. Họ thông minh, họ biết im lặng, nhưng nguyên lý chính trị của họ có tráng thêm một cái vỏ kiêu hãnh vừa phải. Tất họ sẽ thành công. Họ thắt ca vát trắng rất to, áo cài khuy rất nghiêm chỉnh; cái này cũng có lợi cho họ. Cái sai lầm hay cái tai hại của phái bảo hoàng lý luận là họ tạo nên một thế hệ thanh niên ông cụ. Họ có những dáng điệu hiền triết. Họ mơ mộng ghép vào cái nguyên lý tuyệt đối và quá trớn của nền quân chủ một chính quyền ôn hòa; họ đem chủ nghĩa tự do bảo thủ đối lập với chủ nghĩa tự do phá hoại, nhiều khi một cách rất thông minh. Họ tuyên bố: “Đừng kết án chủ nghĩa bảo hoàng. Nó đã làm được khá nhiều việc. Nó đã phục hồi truyền thống, nhà thờ, tôn giáo, sự kính trọng. Nó chung thủy, dũng cảm, hiệp sĩ, yêu thương, tận tụy. Nó đem hòa hợp, dù rằng có nhiều miễn cưỡng, những vinh dự lớn lao mới của dân tộc với những cái vĩ đại truyền thống của nền quân chủ. Nó có sai lầm là không hiểu cách mạng, không hiểu đế chế, không hiểu vinh quang, tự do, những tư tưởng trẻ, những thế hệ trẻ, không hiểu thời đại. Nhưng cái lỗi của nó đối với ta, ta há không phạm đối với nó một đôi khi hay sao? Cách mạng mà chúng ta thừa kế phải thông hiểu tất cả. Công kích chủ nghĩa bảo hòang là làm trái ngược chủ nghĩa tự do. Sai lầm lớn và mù quáng làm sao? Nước Pháp cách mạng không tôn trọng đúng mức nước Pháp lịch sử, nghĩa là thiếu tôn trọng mẹ mình, thiếu tôn trọng bản thân mình. Sau ngày 5 tháng 9, người ta đối xử với những lớp quí tộc của nền quân chủ cũng như sau ngày 8 tháng 7 người ta đối xử với những lớp quí tộc của thời đế chế. Họ đã bất công đối với con chim phượng hoàng, chúng ta bất công đối với bông hoa huệ. Lúc nào cũng cần phải có cái gì để cấm chỉ ư? Bóc lớp vàng bọc cái mũ miện của vua Lui XIV, cạo cái huy hiệu của vua Hăngri IV, cái đó có ích lợi gì? Chúng ta cười giễu ông Đơ Vôblăng đã xóa tất cả các chữ N trên cầu Iêna. Ông ấy đã làm việc gì thế? Làm cái việc chúng ta làm thôi. Buvinơ là của chúng ta cũng như Marăngô. Những bông hoa huệ là của chúng ta cũng như chữ N. Đó là di sản chung của chúng ta. Sao lại làm nó tiêu hao đi? Không được phủ nhận Tổ quốc trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Tại sao không ôm hết tất cả lịch sử? Tại sao không yêu tất cả nước Pháp?”
Những nhà bảo hoàng lý thuyết phê phán và bảo vệ chủ nghĩa bảo hoàng như thế đấy, còn chủ nghĩa bảo hoàng lại bất bình khi bị phê phán và giận dữ khi được bảo vệ.
Phái Uyntơra tiêu biểu cho giai đoạn đầu của chủ nghĩa bảo hoàng, phải liên hiệp tiêu biểu cho giai đoạn thứ hai. Thái độ khôn khéo thay thế cho thái độ sôi sục. Ta hãy tạm giới hạn việc phác họa này ở đây.
Trong quá trình kể lại câu chuyện ở bộ sách này tác giả đã gặp cái khoảnh khắc kỳ lạ này của lịch sử hiện đại. Tác giả đã phải nhìn lướt qua vào đó và phác họa một vài khâu của xã hội ngày nay không ai còn biết gì nữa. Nhưng tác giả phác quá vội vàng và không có ý đắng cay, hay giễu cợt gì. Những kỷ niệm trìu mến, tôn kính và dính líu đến mẹ tác giả, gắn bó chặt chẽ tác giả với cái quá khứ ấy. Vả lại cũng cần phải nói cái xã hội nhỏ bé ấy cũng có cái lớn lao của nó. Người ta có thể cười nó một chút, nhưng không thể khinh nó, ghét nó. Đó là nước Pháp ngày xưa.
Mariuyt Pôngmecxi học hành đại khái như tất cả những đứa trẻ khác. Rời hỏi tay bà dì Gilơnormăng, nó được ông ngoại giao phó cho một giáo sư đáng kính thuộc loại kinh viện ngây thơ nhất. Cái tâm hồn tươi trẻ đang mở ra ấy bị chuyển từ tay một mụ đàn bà khắc khổ qua tay một anh đồ gàn. Rồi Mariuyt học trung học, xong vào trường đại học luật khoa. Anh bảo hoàng, cuồng tín và khắc khổ. Anh không yêu ông ngoại mấy vì sự vui vẻ và trắng trợn của ông ta làm anh khó chịu. Về cha anh thì anh tỏ ra âm thầm.
Dù sao Mariuyt cũng là một cậu bé nhiệt tình nhưng bình tĩnh, cao quí, quảng đại, kiêu hãnh, tín ngưỡng, say sưa. Tự trọng đến mức sắt đá, trong sạch đến mức thô lỗ.

***
IV
NGÀY CUỐI CÙNG CỦA TÊN GIẶC CƯỚP

Khi Mariuyt học xong trung học thì lão Gilơnormăng cũng không lui tới ở xã hội thượng lưu nữa. Lão rời bỏ khu ngoại thành Xanh Giecmanh và phòng khách của bà nam tước T. đến khu Mare, trong căn nhà phố Phidơ đuy Canve. Gia nhân của lão, ngoài người gác cổng, có mụ hầu buồng Nicôlét, vào thế chân cho mụ Manhông và lão Batscơ thở hổn hển, nặng nề đã nói đến trên kia.
Năm 1827, Mariuyt vừa mười bảy tuổi. Một buổi chiều về nhà, anh thấy lão Gilơnormăng tay cầm một bức thư:
- Mariuyt, ngày mai cháu đi Vecnông.
- Có việc gì ạ?
- Gặp cha cháu.
Mariuyt rùng mình. Anh có thể chờ đợi mọi việc nhưng có việc này anh không ngờ, là phải gặp cha anh. Không có gì đột ngột, bất ngờ và nói trắng ra khó chịu đến như việc ấy. Muốn xa mà phải gần. Không phải chỉ là một điều buồn bực, thật là một việc khổ dịch.
Ngoài mâu thuẫn về xu hướng chính trị, Mariuyt còn tin chắc rằng, cha anh, mà lão Gilơnormăng khi hiền dịu gọi là tay đao phủ, không yêu anh; chắc chắn như thế, vì nếu có chút tình cha con thì hắn đã chẳng bỏ con cho người khác như vậy. Thấy cha không yêu anh, anh cũng không yêu cha, anh nghĩ cũng chẳng có gì lạ.
Mariuyt kinh ngạc đến nỗi không hỏi gì được nữa. Lão Gilơnormăng nói thêm:
- Hình như hắn ốm. Hắn muốn gặp cháu.
Yên lặng một lát, lão tiếp:
- Sáng mai đi sớm. Hình như ở Fôngten có xe khởi hành lúc sáu giờ sáng, chiều tới nơi. Đi ngay chuyến ấy. Hắn bảo là kíp lắm.
Rồi lão vò nát lá thư và nhét vào túi. Mariuyt có thể đi ngay tối hôm ấy và sáng sớm hôm sau có thể tới gặp cha. Một chiếc xe ngựa ở phố Bulô hồi ấy thường đi Ruăng ban đêm và qua Vecnông. Cả lão Gilơnormăng, cả Mariuyt không ai nghĩ đến, hỏi xem chuyến xe ấy.
Ngày hôm sau, sẩm tối, Mariuyt đến Vecnông. Đèn phố đã bắt đầu sáng. Mariuyt hỏi người qua đường đầu tiên mà anh gặp nhà ông Pôngmecxi. Trong tư tưởng, anh tán thành chính quyền phục hưng, không thừa nhận chức đại tá và tước nam của cha anh.
Người ta chỉ nhà cho anh. Anh giật chuông. Một người đàn bà cầm chiếc đèn con ra mở cửa.
- Ông Pôngmecxi?
Người đàn bà đứng im.
- Có phải đây không?
Người đàn bà gật đầu.
- Tôi có thể nói chuyện với ông ấy không?
Người đàn bà lắc đầu.
- Nhưng mà tôi là con ông ấy. Ông ấy đợi tôi.
- Ông ấy không đợi anh nữa.
Bây giờ anh mới thấy người đàn bà ấy khóc.
Người ấy chỉ tay vào một cái buồng thấp, anh bước vào. Căn phòng có cây nến soi sáng, đặt trên bệ lò sưởi, có ba người đàn ông, một người đứng, một người quỳ và một người mặc sơ mi, nằm sóng sượt trên nền gạch.
Người nằm dưới đất là đại tá Pôngmecxi.
Hai người kia là thầy thuốc, một là cha xứ đang cầu nguyện.
Từ ba hôm trước, đại tá Pôngmecxi bị sốt vì đau óc. Lúc mới ốm ông đã e ngại có chuyện không hay, viết thư cho lão Gilơnormăng để gọi con đến. Bệnh càng trầm trọng. Buổi chiều ngày Mariuyt đến Vecnông đại tá bị cơn mê sảng, ông đang nằm trên giường bỗng đứng hẳn dậy, người ở gái ngăn cản không được. Ông thét:
- Con tôi không đến, tôi phải đi đón con tôi.
Thế rồi ông đi ra phòng và ngã vật trên nền gạch hành lang. Khi Mariuyt đến, ông vừa tắt thở.
Người ta đi gọi thầy thuốc và cha xứ. Thầy thuốc đến chậm quá, cha xứ đến chậm quá, con ông cũng đến chậm quá.
Dưới ánh nến lờ mờ, ông nằm sóng sượt, người ta nhìn thấy trên má nhợt nhạt của ông một giọt nước mắt lớn chảy từ con mắt đã chết. Mắt đã đục tròng, nhưng giọt nước mắt chưa khô. Giọt nước mắt đã chảy vì con ông đến chậm.
Mariuyt nhìn người anh gặp lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng, cái diện mạo đáng kính, cương nghị, hai con mắt mở mà không nhìn gì nữa, mớ tóc bạc, hai cánh tay cứng cỏi chằng chịt những vết xám là những vết gươm chém và những chấm đỏ như ngôi sao là những vết đạn. Anh nhìn cái vết gươm ghê gớm chém ngang mặt, làm cho cái diện mạo trời sinh hiền từ ấy có một vẻ anh dũng lạ thường. Anh nghĩ rằng người ấy là cha anh và người ấy đã chết, nhưng anh vẫn lạnh lùng.
Anh cũng thấy buồn, nhưng cái buồn khi đúng trước bất cứ một người chết nào.
Một vẻ tang tóc xót xa bàng bạc cả gian phòng. Người ở gái rên rỉ ở một góc, cha xứ cầu nguyện, người ta nghe thấy tiếng ông thổn thức, thầy thuốc lau mắt. Cả cái xác chết cũng khóc.
Ông thầy thuốc, vị linh mục và người ở gái nhìn Mariuyt qua mối buồn của họ và không nói lời nào. Anh ta mới là người lạ. Mariuyt thẹn thùng, lúng túng vì thấy mình lạnh nhạt. Tay anh cầm mũ, anh để cho chiếc mũ rơi xuống đất, làm như anh cảm động không cầm được nữa.
Lúc ấy anh thấy hối hận và tự thấy mình đáng khinh. Nhưng có phải lỗi tại anh đâu. Anh không yêu cha anh thì biết làm thế nào.
Đại tá Pôngmecxi không để lại cái gì. Đồ đạc trong nhà bán đi chỉ vừa đủ chi tiêu vào đám tang. Người ở gái tìm thấy một mảnh giấy đem giao cho Mariuyt.
Chính tay đại tá Pôngmecxi đã viết:
“Gửi cho con tôi – Hoàng đế đã phong tước nam cho ta trên chiến trường Oateclô. Vì chính quyền phục hưng không nhận cái tước vị mà ta đã trả bằng máu của ta, con ta sẽ thừa hưởng và mang cái chức tước ấy. Chắc hẳn là con ta sẽ xứng đáng…”
Mặt sau, đại tá ghi thêm:
“Cũng ở trận Oateclô này một viên đội đã cứu sống ta. Viên đội ấy tên là Tênácđiê. Gần đây hình như ông ta mở một quán ăn nhỏ trong một xóm gần Paris, ở Senlơ hay ở Môngphecmây. Nếu con ta gặp ông ấy thì sẽ hết sức giúp đỡ ông ta”.
Không phải vì kính trọng cha, nhưng vì sự kính cẩn trước cái chết, rất tự nhiên và mạnh mẽ trong lòng người, Mariuyt cầm mảnh giấy và cất đi.
Chẳng còn dấu vết gì của đại tá Pôngmecxi. Lão Gilơnormăng bán cho hàng đồ cũ thanh gươm và bộ nhung phục của ông. Về mảnh vườn thì những người hàng xóm nhổ hết cây, bẻ hết hoa quí, chẳng bao lâu mảnh vườn của ông mọc đầy gai góc.
Mariuyt chỉ ở lại Vecnông có bốn mươi tám giờ. Sau tang lễ, anh trở về Paris và lại tiếp tục học luật và cũng quên cả cha anh, như là không có cha anh vậy. Hai ngày thì chôn cất xong, ba ngày thì người ta quên.
Mariuyt có một miếng nhiễu đen trên mũ, thế thôi.

Chương V & VI
ĐI LỄ NHÀ THỜ LẠI CÓ LỢI ĐỂ THÀNH NGƯỜI CÁCH MẠNG

Mariuyt vẫn giữ những thói quen tín ngưỡng như thuở nhỏ. Một ngày chủ nhật nọ, anh đến nghe giảng kinh ở nhà thờ Xanh Xuynpit trước bàn thờ Đức Mẹ, nơi dì anh xưa vẫn thường dắt anh đến. Mariuyt hôm ấy vơ vẩn đãng trí hơn mọi ngày, anh đến quỳ đằng sau một cái cột, trên một chiếc ghế bọc nhung lưng ghế có ghi: Ông Mabớp, sự lý giáo hội.
Buổi giảng kinh vừa bắt đầu thì một ông già đến, nói với Mariuyt:
- Thưa ông, chỗ này của tôi.
Mariuyt vội vàng lùi ra, ông già quỳ xuống ghế.
Buổi giảng kinh xong, thấy Mariuyt vẫn đứng nghĩ ngợi thẩn thờ ở cách mấy bước, ông lại gần nói:
- Tôi xin lỗi đã làm phiền ông lúc nãy và còn làm phiền ông bây giờ nữa, chắc ông cũng cho tôi là nhiễu sự, tôi phải nói để ông rõ.
- Thưa ông, không cần thiết ạ.
- Cần lắm chứ! Tôi không muốn ông hiểu lầm tôi – Ông xem, tôi quí cái chỗ này. Hình như quỳ trên ghế ấy thì nghe giảng kinh thấm thía hơn. Vì sao? Tôi sẽ nói chuyện ông rõ. Chính ở chỗ này, trong bao nhiêu năm, cứ hai ba tháng một lần, tôi đã thấy một người bố đáng quí đến chờ để nhìn thấy đứa con mình, đứa con mà ông ta không có cách nào gặp được, không có lúc nào khác gặp được, vì những sự thu xếp gia đình thế nào đấy đã cấm đoán ông ta. Ông ta đến lúc mà người ta đưa con ông đi về. Đứa trẻ không ngờ có cha nó ở đấy: có lẽ đứa bé ngây thơ đó cũng không biết nó có một người cha nữa! Người cha đứng khuất đằng sau cột để người ta khỏi trông thấy. Ông ta đứng nhìn đứa con và khóc. Ông ta yêu quý đứa trẻ quá, tội nghiệp! Tôi đã trông thấy thế, nên cái chỗ này là một chỗ quý báu đối với tôi, tôi đã quen xem lễ ở chỗ này. Tôi thích chỗ này hơn chỗ ghế chính thức mà tôi có quyền giữ với tư cách là sự lý. Tôi cũng đã quen chút ít người cha đau khổ ấy. Ông ta có một người bố vợ, một bà cô già giàu có, cũng gọi là họ hàng, nhưng họ dọa sẽ tước quyền thừa kế của con ông, nếu ông đế tìm gặp nó. Ông ta đã hy sinh để cho đứa trẻ sau này giàu có, sung sướng. Người ta chia rẽ cha con ông vì một lý do chính trị. Chắc chắn là tôi tán thành những xu hướng chính trị, nhưng có những người làm quá trớn. Lạy Chúa! Không nên vì người ta đã ở trận Oateclô mà đi coi người ta như một con quái vật. Không phải vì thế mà có thể chia rẽ được cha con người ta. Ông ta là một đại tá của Bônapac. Hình như ông ta chết rồi. Ông ta ở Vecnông, em tôi là cha xứ ở đó, tên ông ta là Pôngmecxi hay Môngecxi gì ấy.
- Pôngmecxi.
Mariuyt nói và mặt anh bỗng nhiên tái lại.
- Đúng rồi, Pôngmecxi. Hay là ông cũng quen biết ông ta?
- Thưa ông, ông ấy là cha tôi.
Ông quản lý nhà chung già chắp hai tay kêu lên:
- À, thế ông là đứa trẻ ấy. Phải rồi, đúng rồi, cậu bé ấy bây giờ đã trưởng thành rồi. Con ơi! Con có thể sung sướng tự hào là đã có một người cha yêu con hết sức.
Mariuyt đưa tay dìu ông lão về tận nhà.
Ngày hôm sau anh thưa với lão Gilơnormăng:
- Cháu đã sắm sửa đi săn cùng vài người bạn. Ông cho cháu đi ba ngày nhé.
- Bốn ngày cũng được. Đi cho thỏa thích cháu ạ.
Lão Gilơnormăng nhay nháy mắt ra hiệu bảo bà con gái.
- Hắn có trò yêu iếc gì đây!

***
VI
GẶP MỘT ÔNG QUẢN LÝ NHÀ CHUNG THÌ CÓ TÁC DỤNG GÌ?

Mariuyt đi đâu, sau này ta sẽ biết.
Mariuyt vắng mặt ba ngày, rồi anh lại trở về Paris, đi thẳng tới thư viện trường luật, hỏi lấy bộ tạp chí Mônitơ. Anh đọc bộ Mônitơ, xem tất cả những sách về thời kỳ Cộng hòa và đế chế, xem tập ký ức ở đảo Xanh Êlen, tất cả các tập ký ức, báo tập san, tuyên cáo; anh đọc ngốn ngấu hết. Lần đầu tiên anh thấy tên cha anh trong kỷ yếu của Đại quân, anh phát sốt cả một tuần lễ. Anh đến tìm gặp các vị tướng cũ của cha anh, trong đó có bá tước H. Cố Mabơp mà anh đến thăm, đã kể lại quãng đời cha anh ở Vecnông, nơi ẩn dật, cái vườn hoa và cảnh cô đơn của cha anh, Mariuyt dần dần hiểu rõ cha anh, một con người hiếm có, cao cả mà dịu hiền, vừa là con sư tử vừa là con chiên non.
Say mê trong việc nghiên cứu ấy, nó chiếm cả thời giờ, cả tư tưởng của anh, anh không năng gặp ông anh và dì anh nữa. Chỉ thấy mặt anh lúc giờ ăn rồi anh lại biến mất. Người dì càu nhàu, lão Gilơnormăng thì tủm tỉm: hừ, hừ, đúng là cái tuổi mê gái. Thỉnh thoảng lão lại nói: chà, lão tưởng là chuyện phơ phất, thế mà hóa ra chuyện say mê.
Chuyện say mê thật, Mariuyt đang say sưa sùng kính cha anh.
Một sự biến đổi lớn lao đang diễn ra trong tư tưởng anh. Sự biến đổi ấy gồm rất nhiều giai đoạn nối tiếp nhau. Đây cũng là trường hợp chung của nhiều tâm hồn trong thời đại chúng ta, vì vậy nên chúng tôi thấy cần nhắc lại tất cả những giai đoạn ấy.
Mariuyt sửng sốt ngạc nhiên trước những trang lịch sử ấy.
Kết quả đầu tiên là anh choáng mắt.
Chế độ Cộng hòa và Đế chế, trước đây đối với anh chỉ là những danh từ ghê tởm: chế độ cộng hòa, một cái máy chém dựng trong hoàng hôn; đế chế, một lưỡi gươm vung trong đêm tối. Anh đã trông thấy rõ, nơi trước đây anh chỉ thấy hỗn loạn đen tối, bây giờ anh ngạc nhiên, vừa vui mừng, vừa hoảng sợ thấy sáng ngời những ngôi sao: Marabô, Vecnhiô, Xanh Giuyt, Rôbetspie, Cami Đêmulanh, Đăngtông và chói lọi một mặt trời: Napoleon. Anh ngạc nhiên không biết đứng trước cái thực tế nào nữa. Ánh sáng làm anh lóa mắt, lùi bước. Dần dần anh hết ngạc nhiên, quen với cái hào quang rực rỡ ấy, anh hết choáng váng khi nhận định những sự việc vĩ đại ấy, anh không còn hãi hùng đứng trước những nhân vật lớn lao ấy. Cách mạng và Đế chế chói lòa ánh sáng hiện lên trước cặp mắt say sưa của anh. Anh thấy rõ rệt những sự việc và những nhân vật của hai thời đại ấy kết tinh lại trong hai hiện thực vĩ đại: Chế độ cộng hòa kết tinh trong sự khôi phục chủ quyền của quần chúng nhân dân, Đế chế kết tinh trong bá quyền của ý thức hệ Pháp trên toàn cõi châu Âu. Anh thấy rõ cách mạng xây dựng hình ảnh vĩ đại của nhân dân và Đế chế, hình ảnh vĩ đại của nước Pháp. Trong thâm tâm, anh thấy tất cả cái đó là tốt đẹp.
Cái choáng ngợp ấy, trong nhận thức quá chung chung ban đầu, bỏ qua nhiều điều mà chúng tôi không thấy cần thiết nói đến ở đây. Chúng tôi chỉ kể lại tình trạng một tâm hồn đang trong quá trình tiến tới. Những tiến bộ không cùng xảy ra một lúc. Chúng tôi nói thế một lần thôi, đối với chuyện kể trước và kể sau này nữa.
Chúng tôi tiếp tục:
Anh sực thấy rằng từ trước đến nay anh đã không hiểu Tổ quốc anh cũng như không hiểu cha anh. Anh không biết Tổ quốc, không biết cha anh; một thứ bóng đêm dày đặc đã che phủ mắt anh, thế mà anh tự nguyện để như thế. Bây giờ anh mới thấy rõ. Một mặt anh thán phục, một mặt anh quí yêu.
Anh hối hận, thương tiếc, anh tuyệt vọng khi nghĩ rằng bây giờ tất cả tâm hồn anh, anh chỉ có thể bày tỏ với một nấm mồ. Trời! Nếu cha anh còn sống, nếu anh còn cha anh, nếu Chúa Trời hiền từ và thương người làm cho cha anh sống lại, anh sẽ nhảy bổ vào lòng cha anh, anh sẽ kêu lên: “Cha ơi! Con đây, con của cha đây, trái tim của con cũng là trái tim của cha”. Anh sẽ ôm hôn mớ tóc bạc để nước mắt chan hòa trên mớ tóc ấy, chiêm ngưỡng cái vết gươm trên mặt, nắm chặt tay cha anh, vuốt ve quần áo, ôm hôn chân cha anh. Trời ơi! Sao người cha ấy lại chết sớm thế, chết khi chưa đáng tuổi chết, chết khi công lý chưa trở lại, khi con chưa trở về với tình yêu mến cha. Trái tim của Mariuyt luôn luôn thổn thức và luôn luôn kêu: “Hỡi ôi!”. Bây giờ anh mới trở thành thực sự nghiêm nghị, thực sự đúng đắn, vững chắc trong tín ngưỡng và trong tư tưởng. Cứ mỗi lúc, mỗi lúc những tia sáng mới của chân lý lại làm cho lý trí anh thêm sáng tỏ. Hình như anh thấy anh tự nhiên lớn thêm lên nhờ hai hiện tượng rất mới đối với anh: cha anh và Tổ quốc.
Như khi người ta có một cái chìa khóa, tất cả đều rộng mở: anh cảm thông những cái anh đã căm thù, anh thấm thía những điều anh đã oán ghét. Bây giờ anh thấy rõ ràng cái ý nghĩa cao cả, thiêng liêng, nhân bản của những sự việc lớn lao mà người ta đã dạy anh phải ghét, những nhân vật vĩ đại mà người ta dạy anh phải thù. Khi anh nghĩ lại những quan niệm cũ của anh, quan niệm mới ngày hôm qua thôi, mà anh tưởng đã lâu lắm rồi, anh căm phẫn và mỉm cười khinh bỉ.
Từ chỗ khôi phục lại thanh danh của cha anh, anh tiến tới khôi phục thanh danh của Napoleon.
Nhưng việc sau không phải là dễ dàng.
Từ thuở thơ ấu, người ta đã nhồi vào đầu óc anh những nhận xét của phái bảo hoàng 1814 về Bônapac. Tất cả những thành kiến, những quyền lợi riêng, những ác cảm tự nhiên của phe bảo hoàng tập trung lại để xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của Napoleon. Họ còn căm thù Napoleon hơn là căm thù Rôbetspie. Họ đã lợi dụng sự mệt mỏi của nhân dân, sự thù oán của các bà mẹ. Đối với họ, Bônapac đã trở thành một con quái vật kỳ dị. Để miêu tả Bônapac cho phù hợp với trí tưởng tượng của nhân dân – như chúng tôi nói vừa rồi, trí tưởng tượng của quần chúng giống trí tưởng tượng của trẻ con – đảng phái bảo hoàng hồi 1814 đeo cho ông liên tiếp tất cả những mặt nạ ghê gớm từ kinh khủng nhưng lớn lao đến ghê gớm mà lố bịch, từ bạo chúa Tibe đến con ngoáo ộp. Như vậy, khi nói đến Bônapac, người ta có thể tha hồ oán khóc hay là phì cười quý hồ là vẫn căm thù. Từ trước đến bây giờ về “con người ấy” – người ta vẫn gọi Bônapac như thế - Mariuyt không có ý kiến nào khác. Những thành kiến ấy đã gắn liền với cái bản tính kiên nghị của anh. Ở trong anh có một chú bé cứng đầu oán ghét Napoleon. Tất cả tấm màn đen tối bao phủ Napoleon trước mắt Mariuyt tan dần khi Mariuyt đọc lịch sử, nhất là khi nghiên cứu các sử liệu. Anh thoáng thấy một cái gì vĩ đại và ngờ ngợ rằng anh đã nhận định sai lầm về Bônapac cũng như về mọi việc khác. Mỗi ngày anh nhìn rõ hơn, anh leo dần dần những bậc thang tin tưởng. Lúc đầu còn hầu như miễn cưỡng, rồi sau khi say sưa như bị thu hút cám dỗ không sức nào cưỡng lại được. Những bậc thang đầu còn tối tăm, những bậc thang tiếp theo nhờ ánh sáng và cuối cùng là những bậc thang sáng rực, huy hoàng của lòng hưng phấn.
Một đêm, anh ngồi một mình trong gian phòng nhỏ sát mái nhà. Ngọn nến đang cháy, anh tì khuỷu tay xuống bàn đọc sách bên cạnh cửa sổ. Không gian từ bên ngoài lan vào trong tư tưởng anh làm anh nghĩ vơ vẩn liên miên. Quang cảnh đêm tối lạ lùng thay, những tiếng rầm rì không biết từ đâu, rộn đến, trên trời sao Thiên vương đỏ rực như cục than hồng, sao Thiên vương một nghìn hai trăm lần to hơn trái đất, đêm tối đen, sao lấp lánh, thật là hùng vĩ.
Mariuyt đọc những tập kỷ yếu của Đại quân, những đoạn hùng ca viết ngay trên chiến trường; thỉnh thoảng anh đọc thấy tên cha anh, còn tên Hoàng đế thì luôn luôn trở lại trên mặt giấy. Tất cả thời kỳ Đế chế vĩ đại hiển hiện, anh thấy như cả ngọn nước thủy triều dâng lên trong lòng anh, anh thấy hình như cha anh đôi lúc lướt qua bên anh như ngọn gió và tiếng nói cha anh vẳng bên tai. Dần dần anh trở nên khác lạ. Anh tưởng nghe tiếng trống trận, tiếng đại bác, tiếng kèn, tiếng bước chân nhịp nhàng của từng đoàn quân, tiếng vó ngựa phi xa xa của các đoàn kỵ binh; thỉnh thoảng anh ngước mắt lên trời nhìn, những chùm sao khổng lồ chói sáng trong cao thẳm vô tận, rồi mắt anh nhìn xuống sách và ở đây anh lại thấy những sự việc vĩ đại biến chuyển rầm rầm. Trái tim anh thắt lại. Người anh run lên, ngất ngây, hồi hộp hứng khởi, rồi bỗng nhiên, không hiểu vì sao, dưới áp lực gì, anh đứng nhổm lên, giơ hai cánh tay ra ngoài cửa sổ, nhìn chằm chằm vào bóng đêm yên lặng, vùng đen tối không cùng, cõi mênh mông vô tận và thét to lên. Hoàng đế muôn năm!...
Từ giờ phút ấy, tất cả đã rõ rệt. Con yêu tinh đảo Corxơ, tên cướp ngôi – tên bạo chúa – con quái vật loạn luân với đứa em nó – thằng hề đi học Tanma – kẻ đầu độc nhân dân Giapha – con hổ - tên Buyônapactê, tất cả tan biến và được thay thế trong trí óc của anh bằng một hào quang mờ ảo, rực rỡ, với trên đỉnh cao không tới cái bóng ma mờ cẩm thạch của vị hoàng đế tướng quân. Hoàng đế, đối với cha anh, mới là người chỉ huy rất thân yêu mà quân sĩ kính phục và sẵn sàng hy xinh vì Người. Đối với Mariuyt thì còn hơn thế. Hoàng đế là người xây dựng cái hệ của nước Pháp, tiếp tục cái hệ La Mã để thống trị hoàn cầu, là vị kiến trúc sư kỳ diệu của một cuộc sụp đổ, là người tiếp nối Saclơmanhơ, Lui XI, Hăngri IV, Risơliơ, Lui XIV và Ủy ban cứu quốc. Cũng có vết bẩn, cũng có lầm lỗi, có tội ác nữa, nghĩa là vẫn là con người; nhưng lầm lỗi mà uy nghiêm, vết bẩn mà chói ngời, tội ác mà oai hùng. Ông là con người tiền định, đã bắt buộc các quốc gia phải gọi nước Pháp là: đại cường quốc. Còn hơn nữa, ông là hiện thân của nước Pháp, chinh phục cả Châu Âu bằng lưỡi kiếm cầm trong tay và cả loài người bằng ánh sáng ông chiếu rọi. Bônapac đối với Mariuyt là bóng sáng ngời sẽ đứng lên trấn giữ biên giới, bảo vệ tương lai. Chuyên chế đấy, nhưng độc tài: chuyên chế bắt nguồn từ một chế độ cộng hòa và tóm tắt một cuộc cách mạng. Đối với anh, Napoleon trở thành con người của nhân dân, như Giêsu là con người của Chúa.
Như mọi tín đồ mới tin đạo, sự giác ngộ của anh làm cho anh say sưa, anh lao mình vào tin tưởng và anh đi quá xa. Bản tính của anh như vậy, đã lao xuống một cái dốc, anh không kìm được đà nữa. Cái cuồng tín ở lưỡi gươm lôi cuốn anh và làm cho thêm phức tạp cái nhiệt tình vì lý tưởng. Anh không nhận ra rằng anh đang sùng bái lẫn lộn cả thiên tài và bạo lực, nghĩa là anh sùng bái một bên là cái thần thánh, một bên là cái gì thú vật. Từ cái sai lầm nọ anh rơi vào cái sai lầm kia về nhiều phương diện. Anh hoan nghênh tất cả. Trên con đường đi tới chân lý cũng có thể gặp sai lầm. Lòng tin tưởng quá mạnh của anh làm cho anh đã tin là tin toàn bộ. Trên con đường mới lúc phê phán những sai lầm của chế độ quân chủ cũng như lúc đánh giá cái oanh liệt của Napoleon, anh không kể gì đến những trường hợp giảm khinh.
Dù sao anh đã được một bước vĩ đại. Ở năm tháng mà ngày trước anh thấy chế độ quân chủ sụp đổ, thì ngày nay anh thấy nước Pháp mới xuất hiện. Phương hướng của anh đã thay đổi hẳn, trước là phía mặt trời lặn, bây giờ là phía mặt trời mọc. Anh đã quay hẳn mặt lại.
Những cuộc cách mạng xảy ra trong tư tưởng anh, gia đình anh không hề biết tới.
Trong sự cải tạo huyền bí ấy, khi anh đã trút hẳn cái da bảo hoàng, cực đoan, quý phái, khi anh đã trở thành hoàn toàn cách mạng, dân chủ triệt để và gần như cộng hòa, anh đến một cửa hiệu khắc chữ ở phố Orphevơrơ trên bờ sông và đặt một trăm tấm thiếp mang danh hiệu: Nam tước Mariuyt Pôngmecxi.
Đó cũng chỉ là kết quả tất nhiên của sự thay đổi trong tâm tư anh, sự thay đổi biến diễn chung quanh một điểm trung tâm: cha anh. Nhưng anh chẳng quen thuộc ai, chẳng có thể đưa cho bất cứ người gác cổng nào nên anh đành bỏ những tấm danh thiếp ấy vào trong túi.
Một kết quả khác cũng tất nhiên là anh càng gần cha, càng gẫn những điều mà vì đó cha anh đã chiến đấu hai mươi lăm năm, anh lại càng xa ông anh. Chúng ta đã biết từ trước tính tình của lão Gilơnormăng không hợp với anh. Có những lủng củng giữa một thanh niên nghiêm nghị và một ông già phất phơ. Cái vui nhộn của Giêrôngtơ (nhân vật điển hình ông già bướng bỉnh, ngớ ngẩn trong hài kịch Pháp. Môlie đã chế giễu nhân vật ấy trong hài kịch của ông) làm chướng tai gai mắt cái u buồn của Vecte (nhân vật lãng mạn, chán đời trong tác phẩm của Gơtrơ). Khi còn chung xu hướng chính trị, chung tư tưởng, Mariuyt cùng lão Gilơnormăng gặp nhau như cùng đi trên một cái cầu. Khi cái cầu đó đổ, vực thẳm ngăn cách hai người. Thêm vào đấy Mariuyt hết sức căm phẫn khi nghĩ rằng chính lão chính lão Gilơnormăng đã vì những lý do ngu xuẩn dứt tình cha con anh, làm cho cha mất con, con mất cha.
Kính yêu cha quá, anh dần dần đi đến chỗ gần như căm ghét ông.
Nhưng bề ngoài vẫn không ai thấy gì. Mariuyt chỉ càng ngày càng thêm lạ lùng. Bữa ăn thì ít nói, ngoài hai bữa ăn ít khi ở nhà. Khi dì anh trách anh, anh trả lời dịu dàng và viện cớ bận học, đi nghe giảng, học thi, nghe thuyết trình… Ông anh thì vẫn đinh ninh chẩn đoán: mê gái, ta biết tỏng rồi.
Thỉnh thoảng Mariuyt lại đi vắng.
- Nó đi đâu thế nhỉ? Bà dì thắc mắc như vậy.
Một lần, cũng trong một cuộc đi vắng ngắn ngày như vậy, theo lời giối của cha anh, anh đến Môngphecmây tìm người đội Oateclô tức là người chủ quán Tênácđiê. Nhưng Tênácđiê vỡ nợ, hàng quán đóng cửa, không ai biết vết tích hắn ở đâu nữa. Lần đi tìm Tênácđiê ấy, Mariuyt vắng nhà bốn hôm.
Ông già Gilơnormăng bảo:
- Thằng bé chịu khó chạy thật!
Ở nhà cũng thấy hình như anh đeo trên ngực, bên trong áo sơ mi một vật nhỏ gì buộc vào một sợi băng đen.

Chương VII & IX
CHIẾC VÁY NÀO ĐÂY

Chúng ta đã nói đến một viên sĩ quan kỵ binh. Đấy là một người cháu họ bên nội của lão Gilơnormăng, hàng chắt. Người thanh niên ấy sống xa gia đình, ở ngay trong doanh trại. Trung úy Têôđuyn Gilơnormăng quả là một sĩ quan xinh xắn: người thon thon như con gái, hắn có một cái kiểu kéo lê thê thanh gươm như người chiến thắng, râu mép vểnh lên. Hắn rất ít về Paris nên Mariuyt chưa gặp hắn bao giờ. Hai chú cháu họ ấy chỉ biết tên nhau thôi. Têôđuyn là cháu cưng của bà cô Gilơnormăng, hình như chúng tôi đã nói; bà ấy ít gặp hắn vì vậy nên càng yêu; không năng gặp người thì dễ tưởng người ta có đủ thứ ưu điểm.
Một buổi sáng, bà Gilơnormăng về phòng riêng, rất xúc động tuy xưa nay bà bình thản. Mariuyt lại vừa xin phép ông đi vắng ít ngày và xin đi ngay buổi chiều hôm ấy.
- Được cứ đi.
Lão Gilơnormăng đã trả lời như vậy và nhướng đôi lông mày nghĩ thầm:
- Ấy nó lại ngủ lang lần nữa!
Bà Gilơnormăng rất thắc mắc, bà vừa lên cầu thang để về buồng mình, vừa đặt cái chấm than: “Quá quắt thật!” rồi lại cái chấm hỏi: “Nó đi đâu mới được chứ?” Bà phỏng đoán một mối tình có lẽ bất chính, một người đàn bà trong bóng tối, một cuộc hẹn hò, một sự bí mật và bà cũng lấy làm thích thú muốn chĩa đôi mục kỉnh của bà vào đó. Thưởng thức một bí mật cũng thích như biết trước tiên một việc tai tiếng. Những tâm hồn hiền đức không ghét những chuyện ấy. Sùng đạo thì sùng đạo, nhưng người ta vẫn thầm kín ham biết những vụ tai tiếng càn dỡ.
Bà Gilơnormăng đang thèm muốn biết một chuyện bí mật.
Để khuây khỏa mối thèm khát bất thường đó, bà ta đem cuộn sợi ra thêu những kiểu thêu thời đế chế và quân chủ phục hưng, thêu rất nhiều những chiếc bánh xe. Bà đang miễn cường làm cái việc bất đắc dĩ ấy thì bỗng nhiên cửa mở. Bà ngước mũi lên. Trung úy Têôđuyn đứng trước mặt bà và chào lối nhà binh. Bà reo lên sung sướng. Bà già, bà khắc khổ, bà ngoan đạo, bà là bà cô, nhưng thấy một sĩ quan trai trẻ vào phòng mình, bà cũng thích. Bà reo:
- Cháu Têôđuyn về đấy à?
- Cháu đi qua thôi cô ạ.
- Hôn cô đi chứ!
- Đây.
Têôđuyn ôm hôn bà cô. Bà cô đi ra phía ngăn tủ con, mở tủ.
- Cháu ở đây hết tuần chứ?
- Thưa cô, chiều nay cháu phải đi ngay.
- Không được!
- Phải vậy, như toán ấy.
- Cháu Têôđuyn, cô van cháu! Ở lại đây.
- Lòng thì muốn ở, nhưng kỷ luật không cho phép. Chuyện dễ hiểu thôi. Chúng cháu phải chuyển doanh trại từ Mơlon nay đến Gayông. Phải đi qua Paris. Cháu nghĩ: ta phải tạt vào thăm cô ta đã.
- Nào để thưởng công khó của cháu đây.
Cô dí vào tay cháu mười đồng Lui. Têôđuyn bảo:
- Công khó gì đâu, cô yêu quí, cô định nói cái thú đến thăm cô đấy à?
Têôđuyn ôm hôn cô lần nữa; bà cô khoan khoái bị cái quân hàm sướt chút ít da cổ.
- Cháu có đi ngựa cùng với trung đoàn không?
- Không cô ạ. Cháu định thăm cô, cháu có giấy phép riêng. Hầu ngựa của cháu dắt ngựa đi. Cháu đi xe hàng. À nhân nói xe hàng, cháu hỏi cô cái này.
- Cái gì cháu?
- Thế chú Mariuyt Pôngmecxi cũng đi xa à!
- Sao cháu biết?
Bà Gilơnormăng bỗng như được gãi vào chỗ ngứa của mình.
- Lúc đến Paris, cháu đi thẳng ra trạm xe ngựa để giữ chỗ.
- Thế nào?
- Đã có người giữ một chỗ ở dẫy trên rồi. Cháu thấy ghi tên trên giấy.
- Tên gì?
- Mariuyt Pôngmecxi.
Bà cô kêu lên:
- Thằng hư! Thằng chú của cháu không nết na đứng đắn như cháu đâu. Hừ, ngủ đêm trên xe ngựa!
- Cháu cũng ngủ đêm trên xe.
- Cháu thì vì nhiệm vụ, hắn thì vì lêu lổng bừa bãi.
- Gớm!
Lúc này một biến cố đã xảy ra, cô Gilơnormăng đã nghĩ được một điều – nếu là đàn ông thì bà đã vỗ trán – bà gọi Têôđuyn:
- Cháu có biết là chú cháu không biết mặt cháu không?
- Không. Cháu thì cháu đã thấy mặt chú ấy, nhưng chú ấy thì chưa bao giờ thèm nhìn cháu.
- Thế là hai chú cháu cùng đi một chuyến xe à?
- Chú ấy ngồi ghế trên, cháu ngồi trong xe.
- Xe đi đâu?
- Đến Ăngđơlitx.
- Mariuyt đến đó à?
- Trừ phi chú ấy cũng xuống giữa đường như cháu. Cháu thì đến Vecnông cháu xuống để đáp xe thư đi Gayông. Cháu chẳng biết Mariuyt đi đâu.
- Mariuyt! Cái tên gì mà xấu thế. Ai lại gàn dở đặt tên nó là Mariuyt. Còn cháu thì tên cháu là Têôđuyn hay bao nhiêu chứ.
- Cháu lại thích tên là Anphrê.
- Này cháu Têôđuyn.
- Cháu nghe đây, gì thế cô?
- Để ý nghe nhé!
- Cháu để ý.
- Chú ý chưa?
- Chú ý.
- Mariuyt bỏ nhà luôn.
- Hừ! Hừ!
- Hắn đi xa.
- À, à!
- Hắn ngủ lang.
- Ồ! ồ!
- Hừ! Có điều gì ám muội đây, cô muốn biết rõ.
Têôđuyn trả lời một cách bình tĩnh như một người từng trải:
- Lại váy ngắn váy dài nào đây thôi.
Và với nụ cười nửa nạc nửa mở, tỏ ra là anh ta biết thừa rồi:
- Một cô gái tơ.
- Hẳn thế rồi.
Bà cô tưởng nghe thấy ông lão Gilơnormăng nói. Ông và cháu cùng nói: một cô gái tơ, với một giọng như nhau, cho nên bà lại càng thêm tin chắc.
Cô nói tiếp:
- Cháu hãy làm vui lòng ông và cô, giúp cô việc này. Cháu theo dõi Mariuyt, Mariuyt không biết mặt cháu, càng dễ theo. Chắc hắn có cô ả nào đấy, cháu cố xem là ai, cháu viết thư kể chuyện cho cô. Ông cũng thích biết chuyện ấy lắm.
Têôđuyn không lấy làm thích thú lắm với cái việc do thám ấy, nhưng mười đồng Lui đã quyến rũ anh, anh hy vọng có thể có những khoản tiếp theo. Anh nhận lời và nói:
- Cháu sẵn sàng làm vui lòng cô.
Và anh tự bảo:
- Thế là mình thành bảo mẫu (Chữ duègne có nghĩa là một mụ già, gia nhân trong một nhà quí tộc, có nhiệm vụ theo hầu giữ gìn một thiếu nữ, thiếu phụ quí tộc).
Bà Gilơnormăng ôm hôn cháu:
- Chắc chắn Têôđuyn thì chẳng bao giờ bừa bãi như thế. Cháu tôn trọng kỷ luật, cháu phục tùng lệnh trên, cháu tôi là người thận trọng, có trách nhiệm, chắc cháu chẳng bao giờ bỏ nhà đi với một ả nào.
Têôđuyn nhăn nhở đắc ý như tên tướng cướp Cáctút được khen là người lương thiện.
Chiều cái hôm Têôđuyn và bà Gilơnormăng gặp nhau ấy, Mariuyt lên xe, không một chút nghi ngờ có người theo dõi mình. Còn người có nhiệm vụ theo dõi, thì việc đầu tiên sau khi lên xe là ngủ khì. Giấc ngủ rất ngon lành đầy đủ như người có nhiệm vụ ngủ. Anh canh gác Acguytx này ngáy cả đêm.
Sáng tinh sương, người lái xe hô to:
- Vecnông. Trạm Vecnông – Ai đi Vecnông thì mời xuống.
Trung úy Têôđuyn bừng tỉnh giấc và càu nhàu, còn ngái ngủ:
- Được rồi, tôi xuống đây.
Rồi trí nhớ dần dần trở lại, khi tỉnh ngủ, hắn nghĩ đến cô hắn, mười đồng Lui và nhiệm vụ tường thuật lại hành tung của Mariuyt. Hắn bật cười:
- Có lẽ hắn không còn ở trên xe nữa.
Hắn vừa cài lại cúc áo quân phục vừa nghĩ thầm:
- Có lẽ hắn đã xuống Poatxi, hoặc xuống Tơrien; nếu không xuống Mơlăng thì có thể đã xuống ở Măngtơ, hay nếu không thế thì phải xuống ở Rolơboa, hay là đi tới Paris rồi hoặc rẽ tay trái về Evơrơ hay tay phải về Larốtsơ Guyông. Cô ơi! Cô đuổi theo hắn vật. Viết cái quái gì về cho bà già nhỉ?
Lúc bấy giờ, ở trong hòm xe nhìn qua khung kính, Têôđuyn thấy một quần đen bước từ trên ghế đàng trước xuống xe, Têôđuyn nói một mình:
- Hay là Mariuyt.
Đúng là Mariuyt thật.
Một người đàn bà nhà quê bé nhỏ, đứng bên cạnh xe, xen vào giữa những con ngựa và người đánh xe, đang mời khách mua hoa. Chị rao:
- Mời quí vị mua hoa tặng các bà, nào!
Mariuyt đến bên chị, chọn những bông hoa đẹp nhất. Têôđuyn thấy vậy nhảy phắt từ trên xe xuống và nói:
- Thế này thì cũng đáng chú ý thật. Hắn tặng những bông hoa đẹp ấy cho ai? Chắc là cô ả phải đẹp lắm mới xứng với bó hoa quí kia. Ta phải xem mặt cô ả mới được.
Bây giờ thì không làm theo ủy nhiệm nữa mà chính Têôđuyn cũng tò mò muốn biết như con chó săn không săn cho chủ mà săn cho mình. Têôđuyn theo dõi Mariuyt.
Mariuyt thì không để ý gì đến Têôđuyn. Những thiếu phụ lịch sự trên xe bước xuống, Mariuyt chẳng để ý đến ai, hình như anh không nhìn thấy gì chung quanh mình.
Têôđuyn nghĩ:
- Say mê đến thế thì thôi!
Mariuyt đi thẳng về phía nhà thờ.
Têôđuyn nghĩ:
- Đúng lắm! Nhà thờ, phải rồi. Cuộc gặp gỡ mà có thêm chút kinh kệ thì thật là thú vị. Chẳng gì đẹp bằng một khóe mắt đưa tình qua cửa Chúa.
Đế nhà thờ, Mariuyt không vào, quay về cuối nhà thờ, rồi biến mát sau một góc tường bên.
Têôđuyn nói:
- Hẹn nhau ở ngoài nhà thờ. Nào ta đi xem mặt cô ả.
Rồi anh rón rén đi về góc tường chỗ Mariuyt ngoặt. Đến đó Têôđuyn dừng lại sửng sốt.
Mariuyt đang quỳ trên đám cỏ, trước một nấm mộ, hai tay ôm trán. Anh đã rắc những cánh hoa trên mộ. Ở đầu nấm mộ, chỗ đất đắp nhô lên, chỗ đầu người chết, có một chiếc thập tự gỗ sơn đen với mấy chữ trắng: Đại tá nam tước Pôngmecxi. Nghe tiếng Mariuyt khóc nức nở.
Cô gái tơ ấy hóa ra là một nấm mồ.

***
VIII
CẨM THẠCH CHỌI HOA CƯƠNG

Lần đầu tiên khi rời khỏi Paris, Mariuyt cũng đã đến đây. Mỗi lần lão Gilơnormăng bảo: “Thằng nhãi lại ngủ lang” thì đúng là Mariuyt đến đó.
Trung úy Têôđuyn ngẩn ngơ khi bất ngờ chạm trán một nấm mồ. Anh có một cảm giác bực bội lạ lùng, không sao phân tích được: lòng tôn kính một nấm mồ xen lẫn lòng tôn kính một đại tá. Têôđuyn rút lui, để lại Mariuyt một mình trong nghĩa địa, anh lùi ra như theo một quân lệnh. Cái chết hiện lên với những lon đại tá, anh chào gần như theo kiểu nhà binh. Không biết viết gì cho bà cô nên anh không viết thư nữa và câu chuyện Têôđuyn theo dõi mối tình của Mariuyt sẽ im lìm không tăm hơi gì nếu không có một việc ngẫu nhiên khác theo một sự xếp đặt huyền bí đã xảy ra ở Paris như là một tiếng dội của câu chuyện ở Vecnông.
Ba ngày sau, Mariuyt ở Vecnông trở về Paris, sáng sớm anh về nhà ông. Sau hai đêm trên xe ngựa không ngủ anh thấy cần phải đi bơi một giờ cho tươi tỉnh lại nên vội về phòng, cởi áo ngoài đi đường, bỏ cái dây đen quàng ở cổ và cội vàng đi tắm.
Lão Gilơnormăng dậy rất sớm, như các ông già mạnh khỏe; nghe tiếng Mariuyt về, với tất cả cái sức già của lão, lão vội vàng leo rất nhanh cầu thang lên phòng Mariuyt ở sát mái nhà để hôn cháu và hỏi xem nó ở đâu về.
Nhưng anh chàng trai trẻ xuống thang nhanh hơn là ông già leo lên, khi lão Gilơnormăng vào phòng thì Mariuyt không còn đấy nữa.
Giường vẫn nguyên nếp, trên giường sờ sờ cái áo ngoài và cái dây đeo cổ.
- Thế này càng hay.
Lão Gilơnormăng nói thế và một lát sau, lão vào phòng khách; cô Gilơnormăng đã ngồi đó, đang thêu những bánh xe độc mã.
Lão vào phòng hớn hở, thắng lợi. Một tay cầm cái áo, một tay cầm sợi dây đeo cổ và nói to.
- Thắng lợi rồi! Bí mật sắp khám phá đây. Kín đáo tinh vi gì rồi ta cũng biết, xem nó bữa bãi như thế nào, cái thằng nhãi tâm ngẩm này. Ta đang lật một cuốn tiểu thuyết đây! Ta có chân dung đây!
Chiếc dây đeo cổ có buộc một cái hộp xinh xinh bọc da đen như là một cái huy chương.
Ông lão già cầm cái hộp, ngắm nghía một lúc với cái khoái chá, cái say sưa và cái tức tối của một người đói bụng, nhìn thấy diễu qua trước mặt một mâm cơm ngon lành nhưng không phải dành cho mình.
- Chắc đây là một cái ảnh. Cái món này thì lão biết. Chúng thường âu yếm đeo trên trái tim. Lũ ấy dại lắm! Chắc là một cô ả nhà quê trông mà rùng mình, cái bọn thanh niên ngày nay chẳng còn biết đẹp là gì.
- Cha mở xem nào!
Bấm một cái chốt lò xo thì nắp hộp mở ra, nhưng chỉ thấy một mảnh giấy gấpcẩn thận.
Lão Gilơnormăng bật cười nói:
- Của chị gửi cho anh đây. – Lão biết thóp rồi, một mảnh thư tình.
- À, đọc xem nào, bà cô nói.
Bà Gilơnormăng miệng nói, tay đeo kính lên mặt, cả hai người mở mảnh giấy ra và đọc:
“Gửi cho con tôi – Hoàng đế đã phong tước nam cho ta trên chiến trường Oateclô. Vì chính quyền phục hưng không nhận cái tước vị mà ta đã trả bằng máu của ta, con ta sẽ thừa hưởng và mang cái chức tước ấy. Chắc hẳn là con ta sẽ xứng đáng…”
Sự xúc động của cha con lão Gilơnormăng thực không sao tả được. Họ thấy lạnh toát người như mắc phải lãnh khí từ một chiếc đầu lâu thổi đến. Hai bố con không nói một lời. Nhưng lão Gilơnormăng nói thầm một mình:
- Chữ viết của tên đao phủ.
Bà Gilơnormăng thì lật đi lật lại mảnh giấy, mân mê mãi rồi lại để vào trong hộp.
Cũng lúc ấy một gói vuông bọc giấy màu xanh ở trong túi áo ngoài rơi ra. Bà Gilơnormăng nhặt lấy mở ra xem. Đây là gói danh thiếp một trăm chiếc của Mariuyt. Bà đưa một chiếc cho bố. Lão Gilơnormăng đọc thấy mấy chữ:
“Nam tước Mariuyt Pôngmecxi”
Lão già bấm chuông. Nicôlét vào. Lão cầm cái dây đeo cổ, cái hộp và chiếc áo, ném tất cả xuống đất ở giữa phòng khách và bảo:
- Mang trả những thứ giẻ này đi.
Một không khí yên lặng nặng nề kéo dài suốt một tiếng đồng hồ. Ông lão già và cô gái đều ngồi xuống, xây lưng vào nhau, mỗi người theo đuổi ý nghĩ của mình, nhưng nó có lẽ cùng một tâm tư. Cuối cùng cô Gilơnormăng nói:
- Đẹp chưa?
Mấy phút sau Mariuyt vào. Anh vừa tắm về. Chưa bước qua bậc cửa buồng anh đã thấy ông anh cầm một cái danh thiếp của anh; thấy anh, lão Gilơnormăng cười gằn mà nói với cái dáng trịch thượng của người tư sản thường trấn áp được người ta:
- Hừ, hừ, hừ, hừ! Cậu cả bây giờ là nam tước rồi. Tôi chúc mừng cậu nhé. Thế là nghĩ gì?
Mariuyt hơi đỏ mặt:
- Thế nghĩa là tôi là con bố tôi.
Lão Gilơnormăng không cười nữa, quát lên:
- Bố mày là tao!
Mariuyt nói tiếp ý anh, mắt nhìn xuống, vẻ nghiêm nghị:
- Bố tôi là một người tầm thường nhưng anh dũng đã phụng sự một cách vinh quang chế độ cộng hòa và nước Pháp, là một nhân vật lớn lao trong cái lịch sử lớn lao nhất mà loài người đã làm nên, đã sống một phần tư thế kỷ trên chiến trường, ban ngày dưới làn mưa đạn, ban đêm trên bãi tuyết, trong vũng bùn, dưới trời mưa, đã giật hai lá cờ của địch, đã nhận hai mươi vết thương, đã chết trong lãng quên, trong ruồng bỏ và chỉ có một khuyết điểm là đã quá yêu hai kẻ vong ân: Tổ quốc và tôi.
Thật quá sức chịu đựng của lão Gilơnormăng.
Khi nghe chữ chế độ cộng hòa, lão đã đứng dậy, nói vùng lên thì đúng hơn. Mỗi lời nói của Mariuyt quất vào mặt lão như những luồng gió trong ống bễ lò rèn thổi vào đống than hồng. Mặt lão lúc đầu sầm tối, sau đỏ hồng rồi đỏ như gấc, rồi đỏ rực lên.
Lão gào thét:
- Mariuyt! Thằng trời đánh. Tao không biết cha mày là ai, tao không muốn biết, tao không thèm biết, tao chỉ biết là cả cái bọn ấy đều là đồ khốn nạn, đồ khố dây, đồ sát nhân, đồ mũ đỏ, đồ ăn cắp. Tất cả, tất cả, tao chả thèm biết riêng đứa nào, tất cả, nghe chưa, Mariuyt! Mày biết không! Cái nam tước của mày như chiếc dép của tao ấy. Tất cả đều là bọn kẻ cướp đã theo Rôhetspic, những quân lục lâm đã theo Buyônapáctê (Bọn bảo hoàng quen đọc tên tục của Napoleon như vậy có dụng ý mỉa mai khinh rẻ. Đây là cách phát âm theo tiếng Ý) tất cả là một lũ phản nghịch đã phản bội, phản bội, phản bội, nghe chưa! Phản bội đức vua chính thống; tất cả đều là những quân hèn nhát đã chạy trốn trước quân Phổ và quân Anh ở Oateclô. Đó, đó, ta biết rõ như thế đó. Nếu ngài bố mày cũng ở trong đám ấy, thì – tao có biết đâu! – Thì cũng buồn đấy, nhưng kệ kiếp mày. Hân hạnh thưa ngài!
Đến lượt Mariuyt là hòn than đỏ, mà lão Gilơnormăng là cái ống bễ. Cả người anh run lên, anh không biết sẽ làm gì, đầu anh bốc nóng, anh như người linh mục thấy người ta ném tất cả bánh thánh của mình đi, người pha-kia thấy người ta nhổ vào thần tượng của mình. Không thể để cho người vô tội vạ nói những lời như vậy trước mặt anh. Nhưng làm thế nào? Người thóa mạ cha anh, lại là ông anh. Làm thế nào để trả thù cho cha mà không xúc phạm đến ông? Không thể thóa mạ ông mà cũng không thể không trả thù cho cha. Một bên là một nấm mồ thiêng, một bên là một mái tóc bạc. Một hồi lâu, anh như say lảo đảo, đầu óc quay cuồng, rồi anh ngước mắt, nhìn thẳng vào mặt ông và thét lên như sấm:
- Đả đảo bọn Buôcbông, đả đảo con lợn ỷ Lui XVIII!
Lui XVIII đã chết được bốn năm, nhưng điều đó không quan trọng.
Mặt lão già đương đỏ tía, bỗng trắng nhợt đi như mái tóc lão. Lão quay lại trước một pho tượng bán thân của Quận công Beri để trên bệ lò sưởi và cúi rạp đầu chào một cách đặc biệt trịnh trọng. Rồi lão đi lại hai lần, chậm bước, im lặng, từ lò sưởi ra cửa sổ, rồi từ cửa sổ về lò sưởi, suốt cả gian buồng, bước nặng chình chịch, sân buồng kêu răng rắc như dưới những gót chân của một tượng đá. Lần thứ hai lão nghiêng đầu về phía con gái, bà con gái yên lặng, ngơ ngác như một con chiên già trước cảnh xung đột ấy. Lão cười một cách khá bình tĩnh và nói:
- Một vị nam tước như ngài đó và một anh tư sản như tôi không thể cùng sống với nhau trong một nhà.
Rồi đứng thẳng người lên, run cầm cập, mặt tái mét, dữ dội, lão chỉ thẳng tay vào Mariuyt quát:
- Bước!
Mariuyt bỏ nhà đi.
Ngày hôm sau lão Gilơnormăng bảo bà con gái:
- Cứ sáu tháng một, bà gửi sáu mươi pistôn cho thằng khát máu ấy và đừng bao giờ nói chuyện nó với tôi.
Mối giận còn sôi sục mãi, không làm sao tiêu hết, trong suốt hơn ba tháng lão vẫn cứ gọi cô con gái là bà.
Về phần Mariuyt, anh ra đi căm phẫn. Có một việc xảy ra càng làm anh căm phẫn thêm. Thường thường có những việc khó tránh làm cho các tấn bi kịch gia đình trở nên bi đát thêm. Vì những việc ấy, người ta có nhiều cớ để giận nhau hơn, tuy rằng lỗi của mỗi người không có gì nặng hơn. Mụ Nicôlét khi theo lệnh chủ mang vội những “thứ giẻ” của Mariuyt vào buồng anh, đã vô tình đánh rơi cái hộp da con đựng mảnh giấy của đại tá Pôngmecxi, có lẽ đánh rơi trên cầu thang lên gác xép, chỗ đó rất tối. Cái hộp và mảnh giấy ấy mất hẳn. Mariuyt đinh ninh rằng “ông Gilơnormăng” – từ hôm ấy anh chỉ gọi lão như thế thôi – đã vứt cái chúc thư của cha anh vào bếp lửa. Anh vẫn thuộc lòng những lời di chúc ấy, nghĩa là lời di chúc ấy không mất. Nhưng mảnh giấy, bút tích của cha anh, cái kỷ niệm thiêng liêng ấy, tất cả trái tim anh, người ta đem làm gì rồi?
Mariuyt ra đi chẳng bảo ai là anh đi đâu, mà cũng không biết mình sẽ đi đâu, trong túi chỉ có ba mươi phơrăng, một chiếc đồng hồ và vài cái quần áo trong một cái túi. Anh lên một chiếc xe ngựa, thuê giờ và đi liều tới xóm la tinh.
Mariuyt sẽ ra sao?


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 4 - NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA NHÓM A.B.C

Chương 1 + 2

MỘT NHÓM SUÝT CÓ TÊN TUỔI TRONG LỊCH SỬ

Thời kỳ ấy, bề ngoài có vẻ bình thản, có một luồng cách mạng chuyển qua. Những luồng gió từ thời 89 và 92 (1789-1792, những năm sôi nổi nhất của Cách mạng Pháp) xa xôi đã trở về, phảng phất trong không khí. Có thể nói lớp thanh niên hình như đang lột xác. Thời gian trôi qua, con người thay đổi, mà không ngờ là mình thay đổi. Cái kim chạy trên mặt đồng hồ cũng chạy cả trong lòng người. Mỗi người đều tiến bước. Bọn bảo hoàng trở thành tự do, bọn tự do thành dân chủ.
Thật như một ngọn nước thủy triều dâng lên kèm theo nghìn ngọn triều xuống nhỏ nhỏ. Tính chất của triều xuống là nhào trộn; do đó có những hỗn hợp rất kỳ dị về xu hướng: người ta vừa tôn sùng Napoleon vừa tôn sùng tự do. Chúng tôi kể lịch sử thôi. Những thứ ấy là những ảo ảnh của thời đại. Dư luận đang chuyển qua nhiều giai đoạn; có chủ nghĩa bảo hoàng kiểu Vonte, một thứ xu hướng lạ lùng, thì thứ chủ nghĩa tự do sùng bái Bônapac cũng chẳng lấy gì làm kỳ dị.
Có những nhóm khác đứng đắn hơn, nhóm này đi sâu vào nguyên lý, nhóm kia chú trọng pháp quyền. Người ta say mê tư tưởng tuyệt đối, người ta thấy trước những thực hiện vô cùng tận. Quan niệm tuyệt đối chính vì nó cứng rắn, đẩy tư tưởng người ta bay vút lên trời xanh, lửng lơ trong cõi vô biên. Chẳng cái gì làm cho người ta mơ mộng bằng một giáo lý tuyệt đối. Không tưởng ngày hôm nay, ngày mai sẽ thành xương thịt.
Những tư tưởng tiến bộ như những cái hòm hai đáy. Một cái gì kin kín đe dọa “trật tự hiện hành”, cái trật tự khả nghi và xảo trá. Dấu hiệu rõ rệt của cách mạng. Dã tâm thống trị chạm trán với dự định cách mạng của nhân dân, cùng ở chỗ âm mưu lật đổ. Những cuộc bạo động đương thai nghén là sự trả lời xứng đáng cho những âm mưu toan đảo chính của bọn cầm quyền.
Ở nước Pháp hồi ấy chưa có những tổ chức bí mật rộng lớn như tổ chức tughenbun (tổ chức bí mật của sinh viên Đức chống lại quân Pháp xâm lược Đức đầu thế kỷ XIX) của Đức và tổ chức cácbônari (tổ chức bí mật rộng lớn của nhân dân Ý đầu thế kỷ XIX đấu tranh cho tự do và thống nhất của dân tộc Ý) của Ý; nhưng rải rác mọi nơi có những cơ sở bí mật đâm chồi nẩy nhánh. Ở tỉnh Exơ có nhóm Cuguốc đương thành hình; ở Paris trong số những tổ chức loại ấy, có hội những người bạn của ABC.
Những người bạn của ABC là gì? Bề ngoài là một hội nhằm mục đích giáo dục nhi đồng, bên trong là một tổ chức để cải tạo con người.
Họ tự nhận là những người bạn của ABC, Abetxê (Abaisse đọc gần như A.B.C: cái gì bị hạ xuống, người bị chà đạp, vùi dập) tức là người dân. Họ muốn nâng người dân dậy. Một cách chơi chữ, nhưng không phải là một trò chơi đáng cười.
Có những cách chơi chữ, về chính trị, đôi khi rất quan trọng; thí dụ: Castratus ad castra (lại điều tới doanh trại) đã làm cho Nácxetxơ thành một đại tướng và Barbari et Barbarini (người man rợ và dòng dõi “man rợ”, giáo hoàng Uybain VIII thuộc dòng họ Barbarini) và Fueros y Fuegos (luật và lửa) và Tu é Petrus et superhane petram (Phêrô nghĩa là đá và trên nền đá này ta xây dựng giáo hội. Trong những câu Latinh và Tây Ban Nha trên đây có những cách chơi chữ mà chúng tôi không dịch)…
Những người bạn của ABC không nhiều. Đây mới chỉ là một cái mầm tổ chức bí mật, có thể gọi là một bè, nếu một bè cũng có thể tạo nên những anh hùng được. Họ thường hội họp ở hai nơi trong thành phố Paris, gần khu chợ, trong một tiệm rượu tên là Côranhtơ, sẽ nói đến sau này và gần đền Păngtêông trong một tiệm cà phê nhỏ ở quảng trường Xanh Misen, tiệm cà phê Muydanh, bây giờ đã phá hủy rồi; nơi hội họp thứ hai gần khu sinh viên.
Những cuộc thảo luận của nhóm bạn ABC thường là ở gian buồng bên trong tiệm cà phê Muydanh. Buồng đó, cách cửa hàng khá xa bằng cả một cái hành lang dài, có hai cửa sổ và một cái cầu thang kín đi ra phố Gơre. Họ hút thuốc, uống rượu, nói cười nhộn nhịp. Họ nói bô bô tất cả mọi chuyện, nhưng họ thì thầm với nhau một chuyện riêng. Trên tường treo một tấm bản đồ cũ nước Pháp thời kỳ cộng hòa. Chỉ cái đó cũng đủ làm một tên thám tử chú ý.
Phần lớn những người bạn của ABC là sinh viên, đoàn kết mật thiết với mấy người thợ. Đây là những nhân vật chính, một phần nào họ đã trở thành những nhân vật lịch sử: Ănggiônrátx, Côngbơphe, Giăng Pơruve, Phơiy, Cuốcphêrắc, Bahôren, Letsgơlơ hay Legơlơ, Giôly Gơrăngte.
Bọn thanh niên ấy thân thiết với nhau như cùng chung một gia đình. Tất cả bọn, trừ Legơlơ, đều là những người miền Nam.
Thật là một nhóm người đặc biệt. Tên tuổi họ nay đã tan mờ trong quá khứ sâu thẳm, nhưng đến đoạn này của tấn bi kịch, thiết tưởng cũng nên chiếu rọi một chút ánh sáng để nhìn thấy rõ những nhân vật thanh niên đó trước khi họ chìm đắm trong bóng tối của một tấn kịch bi hùng.
Ănggiônrátx mà chúng tôi nói đến trước hết, bạn đọc sau này sẽ hiểu vì sao, là con một và con nhà giàu.
Ănggiônrátx là một thanh niên dễ ưa, nhưng cũng có thể trở nên đáng sợ. Chàng đẹp như một thiên thần. Đó là Ănggiônrátx man dã. Nhìn ánh mắt tư lự của chàng, người ta có thể tưởng trong một kiếp trước anh đã từng trải qua một cuộc đấu tranh cách mạng, đảo điên, nghiêng ngửa. Chàng có một truyền thống, một nếp cách mạng như là đã thực sự chứng kiến cách mạng. Chàng biết tất cả những tiểu tiết của cái đại sự ấy. Một tính cách vừa là thánh vừa là tướng, khá lạ lùng đối với một thanh niên. Vừa là giáo sĩ, vừa là chiến sĩ; trước mắt là chiến sĩ của nền dân chủ vượt lên trên phong trào hiện đại là giáo sĩ của lý tưởng. Con người mắt sâu thẳm, mi mắt hơi đỏ, môi dưới dày và dễ dàng khinh mạn, trán cao. Một khuôn mặt có nhiều trán, cũng như một khung cảnh có nhiều trời. Cũng như một số thanh niên của đầu thế kỷ này và cuối thế kỷ trước, sớm nổi tiếng, chàng rất trẻ, tươi thắm như một thiếu nữ, tuy rằng có những giờ phút xanh xao tư lự. Đã trưởng thành rồi nhưng vẫn có vẻ trẻ con. Hai mươi hai tuổi của chàng tưởng như là mười bảy. Chàng nghiêm nghị, hình như chàng không biết ở trên trái đất này có một sinh vật gọi là phụ nữ. Chàng chỉ có một sự say mê: pháp quyền; một tư tưởng: lật đổ chướng ngại. Ở trên núi Avăngtanh, chàng sẽ là Giơraquyxơ; trong thời kỳ Quốc ước chàng sẽ là Xanh Giuyxtơ. Chàng ít ngắm hoa hồng, chàng không biết mùa xuân, chàng không nghe chim hót. Bộ ngực trần của nàng Evanê cũng không làm chàng xúc động hơn Arixtôgitông; đối với chàng, như đối với Acmôđiuyxơ, hoa chỉ có tác dụng để che lưỡi gươm. Trong những giờ phút vui cười chàng cũng vẫn nghiêm nghị. Trước tất cả cái gì không phải là chế độ cộng hòa, chàng cúi mặt nghiêm trang. Chàng là người tình nhân lạnh như đá của thần Tự do. Ngôn ngữ của chàng như có hồn thiêng và rung động như ngôn nữ một thần tụng. Chàng có những phút giây đột ngột, mở rộng mênh mông đôi cánh. Không may cô gái nào đến gần chàng! Nếu một thiếu nữ lẳng lơ của quảng trường Căngbơre hay phố Xanh Giăng đơ Bôve, bắt gặp khuôn mặt mới ra trường Trung học đó, cái lưng kiếm đồng xinh xắn đó, những hàng mi dài hung hung đó với đôi mắt xanh lơ, với mái tóc bù phất phơ trước gió, với đôi má hồng tươi, đôi môi trinh bạch, hàm răng ngon lành, mà đâm ra thèm muốn cái bình minh ấy và định lấy sắc đẹp của mình thử chàng, tức khắc một cái nhìn lạ lùng và dữ tợn sẽ chỉ cho cô nàng trông thấy ngay cái vực chia cách và dạy cho cô nàng chớ lầm tiên đồng lẳng lơ của Bômacse với tiên đồng ghê gớm của Êđêsien.
Bên cạnh Ănggiônrátx, đại diện cho lôgích của Cách mạng, Côngbơpherơ là triết lý của Cách mạng. Giữa lôgích của Cách mạng và triết lý của Cách mạng có cái điều khác nhau là cái lôgích kia có thể kết thúc bằng chiến tranh, còn triết lý của Cách mạng thì ngược lại chỉ có thể dẫn tới hòa bình. Côngbơpherơ bổ sung và điều chỉnh Ănggiônrátx. Côngbơpherơ không cao bằng Ănggiônrátx nhưng rộng hơn. Anh muốn người ta bồi dưỡng cho trí tuệ những nguyên lý rộng rãi của những ý niệm khái quát. Anh nói: Cách mạng nhưng mà văn minh; và xung quanh cái đỉnh cao chót vót, anh mở ra chân trời xanh rộng. Do đó mà những quan điểm của Côngbơpherơ người ta có thể dễ dàng đi tới được và thực hiện được. Cách mạng với Côngbơpherơ dễ thở hơn là với Ănggiônrátx. Ănggiônrátx biểu đạt cái quyền thiên phú của Cách mạng, còn Côngbơpherơ cái quyền tự nhiên, người thứ nhất gần với Rôbepherơ, người thứ hai sát với Côngbơpherơ. Hơn Ănggiônrátx, Côngbơpherơ sống cuộc đời của tất cả mọi người. Nếu hai người thanh niên ấy lưu danh lại được cho lịch sử, một người sẽ là chính nhân, một người sẽ là hiền nhân. Ănggiônrátx kiên cường hơn, Côngbơpherơ nhân từ hơn. Homô và Vir (Homo: người bình thường; Vir: người cương nghị), đúng là hai chỗ khác nhau của hai người ấy. Cũng như Ănggiônrátx nghiêm nghị, Côngbơpherơ hiền dịu một cách tự nhiên theo thiên tính của mình. Anh ưa cái từ “công dân”, nhưng anh thích từ “con người” hơn. Anh sẵn sàng nói “Hombre” như người Tây Ban Nha. Anh đọc tất cả mọi thứ sách, đi xem hát, đi nghe những lớp giảng công cộng, học lý thuyết phân cực ánh sáng của Aragô, say mê nghe bài giảng của Giôphơroa Xanhtilerơ giải thích hai chức năng của động mạch cổ ngoài và động mạch cổ trong: một làm ra cái mặt và một làm ra bộ óc. Anh theo dõi thời sự khoa học từng bước, đối chiếu Xanh Ximông với Phuariê, tìm đọc loại chữ tượng hình Ai Cập cổ đại, đập vỡ những hòn cuội nhặt được và bàn về địa chất học, vẽ theo ký ức một con ngài, vạch ra những sai lầm về tiếng Pháp trong Từ điển của viện Hàn lâm, nghiên cứu Puyxêguya và Đơlơdơ, không khẳng định cái gì, kể cả những phép mầu của thánh, không phủ nhận cái gì kể cả chuyện ma, giở đọc tập báo Lơ Mônitơ, suy nghĩ. Anh tuyên bố rằng tương lai ở trong tay người thầy giáo và chú ý đến những vấn đề giáo dục. Anh muốn rằng xã hội luôn luôn nâng cao trình độ trí thức và đạo đức, lưu hành khoa học như tiền tệ, làm tư tưởng được lưu thông, làm trí tuệ của thanh niên lớn lên, anh sợ rằng sự nghèo nàn hiện tại của các phương pháp, sự cùng quẫn của quan điểm văn học thu hẹp trong hai ba thế kỷ cổ điển, cái giáo điều tàn bạo của những kẻ sính chữ gắn nhãn hiệu nhà nước, những thiên kiến kinh niên và những nếp bảo thủ, cuối cùng sẽ biến trường học thành những bể nuôi trai sò nhân tạo. Anh uyên bác, trong sáng, chính xác, bách khoa, cần cù và đồng thời mơ mộng đến mức “ảo tưởng viễn vông” như các bạn anh vẫn nói. Anh tin tưởng vào tất cả những mơ mộng ấy: đường sắt, mổ không đau, in hình trong buồng tối, dùng điện truyền tin, điều khiển khinh khí cầu. Mặt khác anh không sợ những thành lũy chống lại loài người dựng lên khắp nơi bởi mê tín, bởi chuyên chế và thành kiến. Anh thuộc số những người tin rằng khoa học cuối cùng sẽ đi bọc qua những thành lũy ấy. Ănggiônrátx là một chỉ huy, Côngbơpherơ là một người hướng đạo. Người ta muốn là chiến hữu của người này và là bạn đồng hành của người kia. Không phải Côngbơpherơ không có khả năng chiến đấu; anh không từ chối vật lộn với chướng ngại, đấu tranh với nó mãnh liệt và sôi nổi; nhưng dần dần đem giáo dục những chân lý cơ bản và ban hành những luật pháp thực tế, làm cho loài người hòa hợp với số phận của họ, thì Côngbơpherơ ưa thích hơn. Nếu phải chọn giữa hai thứ ánh sáng, thì chiều hướng của anh là chiếu rọi hơn là đốt cháy. Một đám cháy có thể tạo ra một bình minh, đã đành rồi, nhưng tại sao không đợi mặt trời mọc. Một ngọn núi lửa chiếu sáng, nhưng bình minh chiếu sáng tốt hơn. Côngbơpherơ có lẽ ưa cái màu trắng của cái đẹp hơn là cái rực sáng của Cao cả. Một thứ ánh sáng có khói mù làm vẩn đục, một sự tiến bộ mua bằng bạo lực, chỉ thỏa mãn một nửa cái trí tuệ đa cảm và nghiêm túc ấy; một dân tộc từ trên cao đâm đầu vào chân lý, một 93, làm anh hoảng sợ. Tuy vậy tù hãm, động, trệ làm cho anh ghê tởm hơn, anh ngửi thấy mùi thối rữa chết chóc. Dẫu sao anh cho bọt sủi vẫn hơn là hơi thối, anh thích suối đổ hơn là ao tù và thích thác Niagara hơn là đầm Môngphôcông. Nói tóm lại anh không muốn ngừng chân mà cũng không muốn bước vội. Trong khi những người bạn sôi nổi của anh say mê cái tuyệt đối một cách hiệp sĩ, tôn thờ và kêu gọi những cuộc phiêu lưu cách mạng huy hoàng thì Côngbơpherơ có xu hướng để cho tiến hóa làm việc, cái tiến hóa thực thà, có lẽ lạnh lùng nhưng trong sáng, không có chút gì đáng trách, phớt như tiền, nhưng không gì làm xao xuyến. Côngbơpherơ có thể quỳ gối chắp tay, cầu xin cho tương lai đến với tất cả cái vẻ trong trắng của nó và để cho không có cái gì khuấy vẩn bước tiến hóa mênh mông về phía đạo đức của các dân tộc. Anh thường nhắc luôn là cái tốt phải trong trắng. Thật vậy, nếu cái vĩ đại của Cách mạng là nhìn thẳng vào lý tưởng chói lòa và bay tới đó, qua sấm sét, với lửa và máu dính vào móng vuốt, thì cái đẹp của Tiến hóa là không bị dây một vết bẩn nào. Giữa Oasinhtơn tiêu biểu cho cái này và Đăngtôn hiện thân cho cái kia, có cái khác biệt phân cách thiên thần có đôi cánh thiên nga với thiên thần mang cánh chim ưng vậy.
Giăng Pruve lại còn có một tính cách ôn hòa êm dịu hơn Côngbơpherơ nữa. Tên anh trước là Giơăng, với kiểu phát âm đặc biệt một thời ngắn ngủi phù hợp với cái phong trào mãnh liệt và sâu xa đã dẫn tới việc nghiên cứu rất cần thiết cái thời kỳ trung cổ. Giăng Pruve có một người yêu, trồng một chậu hoa, chơi sáo, làm thơ yêu nhân dân, xót thương số phận phụ nữ, thương khóc trẻ em, cũng tin tưởng Tương lai, Chúa và phê phán Cách mạng về việc đã làm vơi đi một cái đầu đế vương, tức là đầu Ăngđrê Sơniê (nhà thơ trữ tình lớn của nước Pháp cuối thế kỷ XVIII. Bị cách mạng xử tội tử hình vì chống lại Cách mạng). Anh có cái giọng nói bình thường thì êm dịu nhưng đột ngột có thể biến thành cương nghị; thông thạo văn học đến mức uyên bác, hầu như là nhà đông phương học. Hơn cả, anh rất hiền; và đây là một điều rất giản dị đối với ai hiểu rằng cái hiền rất gần với cái cao cả, về mặt thơ anh ưa thích cái mênh mông. Anh biết tiếng Ý, tiếng Latinh, tiếng Hy Lạp và tiếng Hêbrơ; do đó anh chỉ đọc có bốn nhà thơ là Đănglơ, Giuyvêna, Esylơ và Ixai. Về thơ Pháp anh thích Cornây hơn Raxin và Agripa Đôbinhê hơn Cornây. Anh thích dạo chơi lang thang trong cánh đồng lúa mạch hoang dại và hoa mua xanh, theo dõi mây trời như theo dõi thời sự. Trí tuệ của anh có hai thái độ, một ngả về phía con người, một ngả về phía Chúa. Anh nghiên cứu học tập hoặc là chiêm ngưỡng. Cả ngày anh đào sâu các vấn đề xã hội; vấn đề tiền lương, tư bản tín dụng, hôn nhân, tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do luyến ái, giáo dục, hình án, cùng khổ, lập hội, quyền sở hữu, sản xuất và phân phối, cái huyền bí trên trần đang trùm bóng đêm lên cái tổ kiến loài người; và buổi chiều anh ngắm các vì sao, những con vật to lớn ấy. Anh cũng là một con nhà giàu như Ănggiônrátx. Anh ăn nói dịu dàng, hơi nghiêng đầu, cúi mặt, cười nói một cách lúng túng, ăn mặc xoàng, có dáng điệu vụng về, hơi một tí là đỏ mặt, rất nhút nhát. Nhưng rất dũng cảm.
Phơiy là một người thợ làm quạt, mồ côi cả cha mẹ, làm chật vật mới được ba phơrăng một ngày và chỉ có một tư tưởng: giải phóng thế giới. Anh còn có một sự lo lắng nữa: học tập mà anh cũng gọi là tự giải phóng. Anh đã tự dạy anh đọc và viết; tất cả những cái anh hiểu biết, anh đều tự học lấy cả. Phơiy có một tấm lòng rộng lượng. Tim anh mở rộng mênh mông ôm lấy tất cả. Chàng thanh niên mồ côi ấy đã nhận tất cả các dân tộc làm gia đình của mình. Không có mẹ, anh đã nghĩ đến Tổ quốc. Anh không muốn ở trên mặt đất này có một người không có Tổ quốc. Anh ấp ủ trong lòng anh, với cái linh tính sâu xa của người bình dân, cái mà ta gọi bây giờ là “ý niệm về dân tộc”. Anh đã cố ý học lịch sử để công phẫn có ý thức. Trong cái tao đàn thanh niên không tưởng, chăm chú vào công việc nước Pháp, anh đại diện cho những cái gì ở bên ngoài. Anh chuyên tìm hiểu Hy Lạp, Ba Lan, Hungari, Rumani, Ý. Anh luôn luôn nói đến những cái tên ấy, có khi đúng lúc có khi không, với tính kiên trì của pháp lý. Nước Thổ xâm chiếm đảo Cretơ Texali, nước Nga chà đạp Vacxôvi, nước Áo xâm lược Vơnidơ, những sự xâm phạm bức hiếp ấy làm anh tức tối không chịu được. Trong tất cả những việc đó hành động bạo lực lớn năm 1772 làm anh phẫn nộ tột bậc. Không có cái gì hùng hồn hơn là sự công phẫn đúng đắn. Cái hùng hồn của anh là loại hùng hồn ấy, anh không bao giờ ngừng nói đến cái niên đại nhục nhã ghê tởm ấy: 1772; về cái dân tộc cao quý và anh dũng đã bị thủ tiêu vì phản bội, cái tội ác tay ba ấy, cái vụ phục kích khổng lồ ấy, điển hình và mẫu mực của tất cả những vụ thủ tiêu một quốc gia. Từ ngày đó nhiệm vụ khác đã xảy ra đối với nhiều dân tộc cao quí, xóa mất giấy khai sinh của các dân tộc ấy. Tất cả những vụ hành hung, sát hại dân tộc ngày nay đều xuất phát từ vụ chia chiếm nước Ba Lan. Vụ chia chiếm nước Ba Lan là một định lý mà các vụ xâm phạm chính trị ngày nay là những hệ luận. Từ gần một thế kỷ nay, không có một tên độc tài, một tên phản bội nào không thông qua, phê chuẩn, dự ý, không sai một chữ (Tiếng Latinh trong nguyên bản: nevarietur) cái văn bản phân chia nước Ba Lan. Khi người ta nghiên cứu hồ sơ cái vụ phản bội hiện đại, vụ phản bội này là vụ đầu tiên. Hội nghị Viênnơ tham khảo cái tội ác này trước khi hoàn tất cái tội ác của nó. 1772 là tiếng kèn xua chó săn, 1815 là tiệc bầy chó chia ruột thú. Đó là bài nói thường xuyên của Phơiy. Người công dân nghèo ấy tự nhận là người đỡ đầu của Công lý và Công lý đã cho anh cái phần thưởng là làm cho anh trở nên cao cả. Ấy cũng bởi là trong pháp quyền có cái phần vĩnh cửu. Vacxôvi không thể là tác-ta, cũng như Vơnidơ không thể là Đức. Các vua chúa muốn làm cho được như vậy chỉ mất công và mất danh dự. Sớm hay muộn Tổ quốc bị dìm xuống dưới nước sẽ bị nổi và hiện lên mặt nước. Hy Lạp vẫn trở lại là Hy Lạp, Ý trở lại là Ý. Sự phản kháng của pháp quyền chống hành động xúc phạm tồn tại mãi mãi? Tội cướp đoạt một quốc gia không có kỳ hạn miễn tố. Những vụ cướp bóc lừa đảo cao cấp không có tương lai. Người ta không thể xóa dấu ấn của một quốc gia như cái nhãn hiệu của một chiếc khăn tay.
Cuốcphêrắc có một người cha mà mọi người gọi là ông Đơ Cuốcphêrắc. Một trong những tư tưởng sai lầm của giai cấp tư sản dưới thời quân chủ phục hưng về vấn đề thế gia và quý tộc là tin vào giá trị của cái từ “đơ”. Người ta biết rằng cái từ “đơ” ấy không có ý nghĩa gì: nhưng những tư sản thời báo La Minecvơ đề cao cái từ “đơ” ấy, đề cao quá đến nỗi người ta tự thấy bắt buộc phải gạt bỏ nó đi. Ông Đơ Sôvơlanh bảo người ta gọi ông là ông Sôvơlanh, ông Đơ Cômáctanh là ông Cômáctanh, ông Căngxtăng đơ Rơbecơ là ông Bengiamanh Căngxtăng, ông Đơ La Đơphayetơ là ông La Phayetơ. Cuốcphêrắc không muốn đi chậm đàng sau và tự gọi mình gọn lỏn là Cuốcphêrắc.
Về Cuốcphêrắc chúng tôi hầu như có thể nói thế thôi, còn về các mặt khác thì chỉ cần nói rằng: Cuốcphêrắc à? Thì xem Têlômiét là đủ.
Thật vậy, Cuốcphêrắc có cái ngôn ngữ của tuổi trẻ mà người ta có thể gọi là cái đẹp của ma quái trí tuệ. Về sau thì cái xinh đẹp ấy mất đi như cái xinh đẹp của hai chân, sẽ trở thành anh tư sản và trên bốn chân sẽ trở thành con miu miu.
Cái thứ trí tuệ ấy, những thế hệ thanh niên của cái trường học, những lớp trẻ tiếp nhau lớn lên, truyền lại cho nhau, trao tay cho nhau, gần như là ý nguyện, cho nên như chúng tôi vừa nói, một người lạ mới đến năm 1828, nếu nghe Cuốcphêrắc tưởng là nghe Têlômiét năm 1817. Chỉ khác Cuốcphêrắc là một thanh niên trung thực. Dưới cái vẻ ngoài giống nhau của trí tuệ trên bề mặt, sự khác nhau giữa Têlômiét và Cuốcphêrắc rất lớn. Con người tiềm tàng bên trong rất khác nhau giữa anh thứ nhất và anh thứ hai. Ở Têlômiét có một viên biện lý và ở Cuốcphêrắc có một hiệp sĩ.
Ănggiônrátx là người cầm đầu, Côngbơpherơ là người hướng đạo, Cuốcphêrắc là trung tâm. Những người khác thì cho nhiều ánh sáng, Cuốcphêrắc thì tỏa nhiều nhiệt lượng. Thực tế thì anh có tất cả tính chất của một trung tâm: sự tròn trịa và tính tỏa nhiệt.
Baoren có mặt trong cuộc hành động đổ máu hồi tháng 6 năm 1822, nhân dịp đám tang của anh thanh niên Lalơmăng.
Baoren là một con người vui tính nhưng lại khó chơi, dũng cảm, tiêu pha vô độ, hoang phí và có khi rộng rãi, ba hoa và có khi hùng hồn, bạo dạn và có khi trâng tráo. Một bản chất quỷ quái nhất có thể có được. Anh có những chiếc áo ghi lê táo bạo và những quan điểm đỏ chót: thích huyên náo to nghĩa là thích gây gổ, càng thích hơn nữa là nổi loạn và trên nổi loạn là cách mạng. Lúc nào anh cũng sẵn sàng đập một miếng kính, rồi nạy một viên đá lát đường, rồi lật đổ một chính phủ để xem hiệu quả ra sao. Sinh viên năm thứ 11. Anh đánh hơi ngành luật, nhưng không học luật. Châm ngôn của anh là: Thầy kiện ư? Không bao giờ, và gia trưng là: một cái bàn con trên đó có mũ vuông. Mỗi khi anh đi qua trường luật, ít khi anh đi như thế lắm, anh cài kín cái áo cổ ngoài của anh, thời đó chưa có áo khoác và anh đề phòng lây bệnh. Nhìn cái cổng trường luật anh bảo: Đẹp lão quá! Thấy ông khoa trưởng, ông Đenvanhcua, anh kêu: Chao ôi! Cái di tích đồ sộ nhỉ! Những bài giảng trong trường đối với anh là đề mục để làm những bài ca chế giễu và các giáo sư là những mẫu để biếm họa tốt. Anh chẳng làm gì, chỉ ngồi không ăn một món lợi tức khá to là 3000 phơrăng. Bố mẹ anh là những nông dân mà anh đã tập cho biết kính trọng con mình.
Anh nói về bố mẹ anh: các cụ là nông dân chứ không phải tư sản, vì thế các cụ có trí thông minh.
Baoren vốn tính phù phiếm. Sống tản mạn ở mấy tiệm cà phê; bạn khác thường đến đâu thì quen đến đó, anh thì không có thói quen. Anh thơ thẩn khắp nơi. Lang thang là tính người, thơ thẩn là tính người Paris. Thực chất anh sâu sắc và anh suy nghĩ lắm chứ không như cái vẻ ngoài mà người ta thấy. Anh giữ mối liên lạc giữa nhóm bạn của ABC và các nhóm khác chưa thành hình rõ rệt, nhưng sau này sẽ hiện rõ.
Trong cái hội nghị của các đầu trẻ này có một hội viên đầu hói.
Hầu tước Đavơray, mà vua Lui XVIII đã phong công tước vì đã đỡ cho ngài trèo lên một chiếc xe độc mã ngày vua bỏ nước, kể chuyện rằng năm 1814, khi vua Lui XVIII về nước và lên bộ ở Cale, một người đến trình với vua một lá đơn. Vua hỏi: Ngươi muốn xin gì? – Tâu bệ hạ, một chức trưởng trạm. – Tên ngươi là gì? – L’Aigle (L’aigle: chim phượng hoàng, cũng có người gọi ó hay ưng. Chim phượng hoàng là quốc huy thời Đế chế. Nhà thơ và triều thần cũng thường gọi Napoleon là chim phượng hoàng).
Vua cau mày nhìn chữ ký trên lá đơn và thấy tên viết thế này: Lesgle (cũng đọc như L’aigle). Cách viết không thân Bônapac ấy làm vua cảm động và ngài bắt đầu mỉm cười. Người đưa đơn nói tiếp: - Tâu bệ hạ, tổ tiên của hạ thần là một quan hầu trông coi chó săn được người ta mệnh danh là Lesgueules (viết liền hai từ Les gueules: những cái mõm). Cái tên hiệu ấy đã thành tên của hạ thần. Hạ thần tên là Lesgueules, giảm âm tiết đi thành Lesgle và thoái hóa thành L’Aigle. Câu chuyện ấy làm cho vua cười. Sau này vua ban cho người ấy cái trạm Meaux (Maueaux, đọc là Mô. Nhà văn, nhà hùng biện Bôtxuyê được mệnh danh là chim phượng thành Mô vì ông là giám mục địa phận Maueaux) không biết cố ý hay vô tình.
Hội viên đầu hói của nhóm là con của ông Lesglơ và ký tên là Lesglơ (đơ Mô). Các bạn của anh đã gọi tắt anh là Bôtxuyê. Bôtxuyê là một thanh niên vui tính nhưng thường không gặp may. Sở trường của anh là không bao giờ thành công trong bất cứ việc gì. Nhưng trái lại cái gì anh cũng cười cợt. Hai mươi nhăm tuổi, đầu anh đã hói. Cha anh cuối cùng đã tậu được một cái nhà và một cánh đồng, nhưng đứa con ấy đã vội vã làm mất tong cánh đồng và ngôi nhà ấy trong một vụ kinh doanh thất bại. Anh mất hết chẳng còn gì. Anh có kiến thức và thông minh nhưng anh thua non mãi. Cái gì cũng bỏ anh, cái gì cũng lừa anh. Cái anh xây dựng lên đổ sập xuống đầu anh. Nếu anh bổ củi thì anh đứt tay. Nếu anh có một cô nhân tình thì anh thấy mình bỗng nhiên cũng có một người bạn trai. Lúc nào cũng có một đau khổ xảy ra cho anh, vì thế mà anh hóa ra vui. Anh bảo tôi ở dưới một mái nhà mà ngói luôn luôn rơi. Anh không ngạc nhiên vì đối với anh, tai nạn là điều dự kiến. Anh nhìn một cách thanh thản những cái không may xảy đến và mỉm cười với những trớ trêu của số phận như một người quen nghe những điều đùa rỡn. Anh nghèo nhưng cái túi vui tính của anh thì bao giờ cũng vợi. Anh thường phải tiêu đến đồng cuối cùng. Khi khổ nghèo đến nhà anh, anh chào hỏi một cách thân mật người bạn quen ấy, anh vỗ vào bụng các thảm họa. Anh quen thân với Vận hạn đến mức gọi nó với cái tên cúng cơm của nó: chào anh! Anh Ghinhông!
Những giày vò của số phận đã làm cho anh hóa thêm tháo vát, đầy sáng kiến. Anh rất nhiều mưu mẹo. Anh không có tiền, nhưng anh vẫn có cách, khi anh muốn “tiêu phá giời” một chuyến. Một lần anh đã tiêu trong một đêm một trăm phơrăng trong một bữa cơm đãi một cô gái tầm thường; khiến cho anh trong giữa cuộc truy hoan ấy nói lên một câu đáng ghi nhớ: “Hỡi cô gái năm đồng vàng, hãy cởi giầy cho ta!” (Nguyên văn: Fille de cinq louis, nghĩa như đã dịch những có sự chơi chữ không dịch được. Cinq Louis đồng âm với Saint Louis, thánh Louis, mỹ hiệu của một vua hiền nước Pháp ngày xưa. Câu của Bôtxuyê hàm nghĩa khoác lác là bắt một công chúa – con gái vua Saint Louis cởi giầy cho mình; đồng vàng gọi là louis vì có khắc hình vua).
Bôtxuyê không vội vàng, anh chậm rãi tiến tới cái nghề luật sư của anh. Anh đã học theo kiểu Baoren. Ít khi Bôtxuyê có ở nhà, nhiều khi anh sống lang thang, khi ở nhà bạn này, khi ở nhà bạn khác, thường là ở nhà Gioly. Gioly học thuốc và kém Bôtxuyê hai tuổi.
Gioly là anh bệnh tưởng trẻ. Ở trường y, anh học làm bệnh nhân có kết quả hơn là làm thầy thuốc. Mới 23 tuổi mà anh tưởng là đã già họm và cả ngày anh chỉ thè lưỡi soi trong gương. Anh khẳng định rằng con người cũng nam châm hóa như một cái kim và trong buồng anh, anh đặt cái giường anh nằm đầu quay về phương nam và chân về phương bắc, để cho ban đêm sự tuần hoàn của máu anh không bị cản trở bởi luồng từ trường lớn của trái đất. Khi có dông, anh bấm tay xem mạch đập. Tuy vậy anh vui nhộn hơn tất cả. Tất cả những điều rắc rối trái ngược ấy: trẻ trung, gàn dở mảnh khảnh, vui nhộn, sống chung với nhau một cách hòa thuận, tạo nên một con người kỳ quặc mà dễ ưa mà những bạn anh, rất phung phí những phụ âm có cánh, gọi là Gio-lllly – Giăng Pơruve bảo anh: mày có thể bay lên với bốn L đấy (L: đồng âm với aile: cánh).
Gioly có thói quen lấy đầu gậy gãi mũi: triệu chứng của một trí tuệ tinh tường.
Tất cả những thanh niên rất khác nhau ấy – mà chúng ta phải nói đến một cách nghiêm túc, đều có chung một tín ngưỡng: sự tiến bộ.
Tất cả đều là con của cách mạng Pháp. Những người vô tâm nhất trong bọn họ, khi nhắc đến năm 89 cũng trở nên trịnh trọng. Cha đẻ của họ trước có xu hướng ôn hòa, hoặc bảo hoàng, hoặc tự do tín điều; không hề chi, cái đó đã qua rồi, họ mới lớn lên, không dính dáng gì đến họ. Nguyên lý cách mạng thuần túy chảy trong mạch máu họ.
Họ gắn với Nhân quyền bất khả xúc phạm và Nhiệm vụ tuyệt đối, không có màu sắc quá độ nào.
Giữa những tâm hồn say mê ấy, đầy tin tưởng ấy, có một kẻ hoài nghi. Sao hắn lại ở trong đám người ấy được? Do liên hệ. Người hoài nghi ấy là Grăngte. Hắn thường ký theo R, theo kiểu chơi chữ (R: ta gọi là R hoa, Pháp gọi là grand R (R lên), cũng đọc như Grastalre). Grăngte không tin gì cả. Nhưng anh là một trong những sinh viên đã học được nhiều nhất ở Paris. Anh biết cà phê ngon nhất là ở hiệu cà phê Lămblanh, bàn bi-a tốt nhất ở hiệu cà phê Vonte, bánh ngon gái đẹp ở quán Ecmita, đại lộ Đuymen, gà mái ghẹ nấu ngon nhất ở hàng mụ Xaghê, cá ngon nhất ở cửa ổ Quynét và rượu vang trắng ở cửa ô Côngbakhá lắm. Tóm lại, anh biết tất cả những chốn ăn chơi. Ngoài chuyện đấm đá, nhậu nhẹt, anh còn biết vài điệu vũ và mê đánh gậy. Trên hết là nát rượu. Người anh rất xấu trai. Cô thợ giầy đẹp nhất thời ấy, Iêcma Boácxy, bất bình về sự xấu xí của anh, đã phán: Grăngte là một sự vô lý. Nhưng vốn khoác lác, Grăngte không lấy thế làm điều. Anh nhìn đăm đăm và âu yếm tất cả những phụ nữ anh gặp, với vẻ như nói: “Nếu ta muốn thì được ngay”; anh tìm cách làm cho bạn bè tin rằng anh được đông đảo phụ nữ ham muốn.
Tất cả những danh từ dân quyền, nhân quyền, khế ước xã hội, cách mạng Pháp, cộng hòa, dân chủ, nhân đạo, văn minh, tín ngưỡng, tiến hóa đối với Grăngte hình như không có nghĩa lý gì, chỉ làm cho anh mỉm cười. Hoài nghi là thứ bệnh còi của trí tuệ, hoài nghi không để cho một ý niệm nào nguyên vẹn trong đầu óc anh. Anh mỉa mai cuộc sống. Châm ngôn của anh là: không có cái gì là chân lý ngoài cốc rượu đầy của ta. Anh cười cợt tất cả những hy sinh trong tất cả những đảng phái, cười người anh cũng như cười người cha, cười Rôbetxpie em cũng như Loadơrôn. Anh kêu: “Họ chết thì được gì chứ!” Anh nói về cây thánh giá: “Đó là một cái giá treo được việc!” – Đi đêm, chơi bời, phá giới, thường say sưa, anh thường làm cho những chàng hay nghĩ ngợi kia khó chịu với câu hát luôn luôn lặp lại: Ta say gái đẹp, ta thích rượu ngon. Theo điệu: Hăngri đệ tứ muôn năm.
Nhưng người hoài nghi ấy lại có một cuồng tín, anh không cuồng tín ở một lý tưởng, một giáo lý, một nghệ thuật, một khoa học; anh cuồng tín một con người; con người ấy Ănggiônrátx. Grăngte phục, yêu, sùng bái Ănggiônrátx. Người hoài nghi, vô tổ chức ấy gắn bó cực đoan nhất. Ănggiônrátx cám dỗ Grăngte bằng cái gì? Bằng lý luận chăng? Không! Bằng tính tình. Cũng là một hiện tượng khá phổ biến. Cũng như quy luật màu sắc bổ sung. Cái gì ta thiếu ắt ta thèm. Ai yêu mê ánh sáng bằng người mù. Cô gái lùn mê anh quân nhạc trưởng cao lênh khênh. Con cóc lúc nào cũng ngước mắt nhìn trời cao; để làm gì? Để nhìn con chim bay. Hoài nghi bò lết trong người Grăngte cho nên Grăngte thích nhìn đức tin bay lên cao vút ở Ănggiônrátx. Anh thấy không thể thiếu Ănggiônrátx được. Anh không nhận thấy rõ – và cũng không cần tìm hiểu vì sao – con người trong trắng, lành mạnh cương quyết, thẳng thắn, cứng rắn, ngây thơ ấy đã làm anh say mê. Tự nhiên anh mến phục con người trái ngược với anh. Những tư tưởng mềm yếu, nghiêng ngã, rã rời, ốm o, vô hình của anh bám lấy Ănggiônrátx như bám vào một cái xương sống, dựa vào cái xương sống ấy. Đứng cạnh Ănggiônrátx thì Grăngte lại trở thành một con người, một cá tính. Tâm hồn của anh cũng có hai nhân tố có vẻ mâu thuẫn: vừa mỉa mai vừa thân ái. Trong cái vẻ lạnh nhạt của anh có bao nhiêu tình cảm thiết tha. Lý trí của anh không cần tin tưởng, nhưng tâm hồn anh không thể thiếu tình bạn. Thật là một sự trái ngược lớn, vì tình yêu lại là tin tưởng. Bản tính của Grăngte là như vậy. Có những con người bẩm sinh là trang sau, là phía sau, là mặt trái của một cái gì chính; như Pôluych, Patơrôcơlơ, Niduyt, Ơdamiđat, Ephetiông, Pechmêgia (Tên những nhân vật của một số anh hùng trong thần thoại hoặc truyện cổ Hy-La). Họ cần phải dựa vào một kẻ khác mới sống được. Tên họ đi theo với một tên khác, tên họ đàng trước có một chữ và họ không có một cuộc đời riêng. Đời họ là mặt trái của một cuộc đời khác. Grăngte thuộc loại người ấy. Anh là mặt trái của Ănggiônrátx.
Hầu như có thể nói rằng những mối tương đắc bắt đầu từ những chữ cái. Trong bảng chữ cái, O và P không tách rời nhau được. Ta có thể tùy ý đọc O và P hay Oret và Pilat (đôi bạn thân nổi tiếng trong lịch sử cổ đại Hy Lạp).
Grăngte như là một vệ tinh của Ănggiônrátx. Anh ở cùng với nhóm thanh niên ấy. Anh sống ở đấy và chỉ ưa sống ở đấy; anh theo họ bất cứ ở đâu. Thích thú của anh là luôn luôn nhìn thấy hình bóng họ đi lại trong cảnh trời quay tít cung thang. Người ta cũng chịu đựng anh vì anh vui tính.
Ănggiônrátx, con người đầy tin tưởng, khinh anh chàng hoài nghi ấy; Ănggiônrátx, con người thanh đạm, khinh anh chàng say rượu ấy. Đối với Grăngte, Ănggiônrátx chỉ dành một chút tình thương ban ơn. Grăngte như một Pilát ép uổng. Lúc nào cũng bị Ănggiônrátx xua đuổi, gắt gỏng. Bị xua đi, anh vẫn trở lại; lúc nào anh cũng tấm tắc ca ngợi Ănggiônrátx: chao! Pho tượng cẩm thạch, đẹp làm sao!
***
II
BÔTXUYÊ ĐỌC VĂN TẾ BƠLÔNGĐÔ
Một buổi trưa, cũng có quan hệ với những sự việc kể trước kia như bạn đọc sẽ thấy, Legơlơ đang khoái chá tự vào khung cửa tiệm cà phê Muydanh, để mơ màng; anh giống một pho tượng chống đỡ mái nhà đang đứng nghỉ; anh chỉ đỡ cái mơ màng của anh thôi. Anh nhìn ra quảng trường Xanh Misen. Đứng tựa lưng cũng là một cách ngủ đứng mà những con người mơ mộng rất ưa. Legơlơ thành Mô đang nghĩ vớ vẩn nhưng không bùi ngùi đến một chuyện không may vừa xảy ra cho anh hai hôm trước ở trường Luật, nó đã thay đổi cả kế hoạch tương lai của anh, tuy rằng kế hoạch ấy cũng còn rất lờ mờ.
Anh đang mơ màng, nhưng một chiếc xe ngựa vẫn chạy qua trước mặt anh và anh cũng trông thấy nó. Hai con mắt mơ hồ của anh qua tấm màn mơ mộng nhìn thấy một chiếc xe hai bánh đi trên quảng trường, đi từ từ như phân vân vô định. Chiếc xe ấy muốn tìm ai? Sao lại đi bước một như thế? Anh nhìn vào trong xe. Trong xe, bên cạnh người đánh xe có một chàng thanh niên trước mặt chàng có một cái túi to. Trên mặt túi có một dòng chữ đen lớn viết trên một tấm thiếp khâu vào vải: Mariuyt Pôngmecxi .
Cái tên ấy làm Legơlơ thay điệu bộ. Anh đứng thẳng dậy và gọi to người thanh niên trong xe:
- Ông Mariuyt Pôngmecxi!
Thấy có người gọi, chiếc xe dừng lại.
Người thanh niên, cũng có vẻ đang suy nghĩ lung lắm, ngước mắt lên và hỏi:
- Gì?
- Ông là Mariuyt Pôngmecxi?
- Chính thế.
Legơlơ nói tiếp:
- Tôi đang tìm ông:
- Lạ nhỉ? – Mariuyt hỏi.
Người thanh niên trên xe chính là Mariuyt, anh vừa bỏ nhà ông ra đi; người hỏi anh đó bây giờ anh mới trông thấy lần thứ nhất.
- Tôi chưa được quen ông.
Legơlơ trả lời:
- Tôi cũng vậy, tôi không biết ông.
Mariuyt tưởng là một anh hề nào, một anh chàng muốn chộ người giữa phố; anh chau mày cau có vì anh đang khó chịu sẵn.
Legơlơ vẫn bình thản nói tiếp:
- Hôm kia anh không đến lớp?
- Hình như thế.
- Đúng rồi còn gì.
- Anh cũng là sinh viên? – Mariuyt hỏi.
- Phải, cũng như anh, hôm kia tôi tình cờ đến lớp, anh cũng biết, thỉnh thoảng cao hứng người ta mới đến lớp. Giáo sư đang điểm danh. Anh biết những lúc ấy là họ lo lắm. Gọi tên ba lần không trả lời là họ xóa tên. Thế là sáu mươi phơrăng vứt xuống biển.
Mariuyt bắt đầu chú ý. Legơlơ nói tiếp:
- Bữa đó lão Bơlôngđô điểm danh. Anh biết lão chứ! Cái mũi nhọn hoắt và ranh mãnh! Lão khoái trá đánh hơi những anh chàng vắng mặt. Hôm ấy lão quỉ quyệt bắt đầu ngay với chữ P. tôi không để ý nghe vì tôi không liên can gì chữ ấy. Việc điểm danh tiến hành trôi chảy. Không xóa sổ được ai cả vì toàn thế giới đều có mặt. Bơlôngđô buồn. Tôi nghĩ thầm: chàng Bơlôngđô yêu dấu ơi! Hôm nay anh chẳng chặt đến cái đầu nhỏ xíu nào cả. Bỗng nhiên Bơlôngđô gọi đến tên Mariuyt Pôngmecxi. Chẳng ai trả lời, Bơlôngđô hí hửng gọi to hơn: Mariuyt Pôngmecxi và lão cầm lấy cái bút. Anh này, tôi nghe động thiện tâm, tôi nghĩ: một anh chàng lương thiện sắp bị gạch tên. Cần chú ý! Anh tướng này chính là một con người không cần đúng giờ, đúng khắc. Không phải một cậu sinh viên gương mẫu, chỉ biết học, học mòn đũng quần, một cậu oắt con bẻm chữ, giỏi khoa học, giỏi văn chương, giỏi giáo lý, giỏi triết lý, một con người ngu ngốc, mà đàng hoàng gấp nếp làm tư, mỗi góc người ngồi ở một trường đại học. Đây chắc là một anh chàng lười đáng kính, biết dạo chơi, biết nghỉ ngơi, biết dạo theo gái, biết tán tỉnh và có lẽ bây giờ đang tán cô ả của mình cũng nên. Phải cứu anh chàng này. Cho Bơlôngđô chết! Bơlôngđô đã chấm cái ngòi bút đen sì sì vì cả gạch tên vào lọ mực và đưa đi đưa lại con mắt cú vọ nhìn khắp lớp học, rồi gọi lần thứ ba: Mariuyt Pôngmecxi!
Tôi trả lời: Có mặt! Thế là anh không bị gạch tên.
Mariuyt cảm động nói:
- Anh!
Legơlơ nói thêm:
- Còn tôi thì bị xóa sổ.
Mariuyt bảo:
- Tôi không hiểu anh nói gì.
Legơlơ nói tiếp:
- Có gì rắc rối đâu! Tôi ngồi gần bàn của giáo sư, để khi gọi tên thì trả lời nhanh và cũng ngồi gần cửa để chuồn cho chóng. Giáo sư nhìn tôi chằm chằm. Bỗng nhiên lão ta nhay sang chữ L. chữ đầu tên của tôi. Tôi ở tỉnh Mô và tên là Legơlơ.
Mariuyt ngắt lời:
- Legơlơ! Cái tên đẹp nhỉ.
- Vâng! Lão Bơlôngđô gọi đến cái tên đẹp ấy, lão hét: Legơlơ! Tôi trả lời: Có mặt!
Lão Bơlôngđô bấy giờ nhìn tôi với cái vẻ dịu dàng của con hùm, mỉm cười và bảo:
- Nếu anh là Pôngmecxi thì anh không phải là Legơlơ (Chơi chữ, hiểu theo nghĩa mỉa mai thì: Nếu anh là Pôngmecxi thì anh không phải loài chim phượng). Câu ấy chắc có làm phật lòng anh phần nào nhưng đối với tôi thì nó mới thật là thảm hại. Nói câu ấy xong, lão gạch tên tôi.
Mariuyt kêu:
- Thưa anh! Tôi ân hận quá.
Legơlơ ngắt lời:
- Trước hết tôi muốn xông hương ướp xác lão Bơlôngđô, bằng mấy lời ca tụng, coi như lão chết rồi. Chẳng có gì khác đối với con người gầy như que củi, trắng bệch, lạnh ngắt, cứng đờ và hôi hám ấy. Tôi nói: Erudimini qui judicatis terram. Đây là mồ mả Bơlôngđô đó, bosdisciplinoe (nguyên bản có chua chữ Latinh), con chó anh gác, ông thần điểm danh, thuở sinh thời ngay thẳng, vuông vắn, đúng đắn, cứng rắn, lương thiện và khả ố. Chúa Trời đã gạch tên lão như đã gạch tên tôi.
Mariuyt nói tiếp:
- Tôi thật buồn…
- Anh bạn trẻ ơi! Anh nên coi đó là một bài học. Về sau thì đến lớp cho đều.
- Tôi thành thật xin lỗi anh.
- Anh đừng làm cho người khác bị gạch tên nữa.
- Tôi lấy làm khổ tâm…
Legơlơ bỗng bật cười:
- Tôi thì lại rất khoái chí! Tôi sắp phải làm luật sư! Bị gạch tên thế là thoát. Tôi không màng những vinh quang của nghề ấy. Tôi không phải bênh vực người vợ góa, không phải công kích trẻ mồ côi. Hết áo thụng, hết tập tự. Thế là tôi được xóa tên. Ông Pôngmecxi, nhờ ông đó. Tôi muốn đến thăm ông một cách long trọng để cám ơn ông. Ông ở đâu xin cho biết.
- Ở trong xe này – Mariuyt trả lời.
Legơlơ vẫn bình tĩnh:
- Dấu hiệu giàu sang đây. Thành thực mừng ông. Đây là một chỗ ở chín nghìn phơrăng tiền trọ một năm.
Ngay lúc đó Cuốcphêrắc ở trong tiệm cà phê đi ra. Mariuyt buồn bã mỉm cười:
- Tôi mới ở đây được hai giờ và tôi muốn tìm đường dọn đi. Nhưng đó là cả một đại sự. Tôi không biết đi đâu bây giờ.
Cuốcphêrắc mời Mariuyt:
- Thế mời ông đến đằng tôi.
Legơlơ nói xen:
- Đáng lẽ tôi được ưu tiên mời, nhưng tôi lại không có cái “đằng tôi” đó.
Cuốcphêrắc bảo Legơlơ:
- Im đi, Bôtxuyê.
Mariuyt ngạc nhiên:
- Bôtxuyê à? Hình như anh tên là Legơlơ.
- Vâng, Legơlơ tỉnh Mô, theo ẩn dụ là Bôtxuyê, Legơlơ trả lời.
Cuốcphêrắc leo lên xe:
- Anh đánh xe, đến khách sạn Poóc Xanh Giắc.
Và ngay chiều hôm ấy, Mariuyt có chỗ ở hẳn hoi trong một gian phòng khách sạn Poóc Xanh Giắc, ngay bên cạnh Cuốcphêrắc.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 4 - Chương 3 + 4

NHỮNG SỰ NGẠC NHIÊN CỦA MARIUYTX

Qua vài ngày thôi, Mariuyt trở thành bạn thân của Cuốcphêrắc. Thanh niên là cái tuổi dễ thân và những vết thương mau hàn gắn. Ở với Cuốcphêrắc, Mariuyt thấy thoải mái, trước nay anh chưa hề thấy dễ chịu như vậy. Cuốcphêrắc không hỏi gì Mariuyt. Anh thấy không cần thiết hỏi gì. Đối với thanh niên cứ nhìn mặt nhau là hiểu cả. Không cần nói. Thậm chí có người bộc lộ tất cả trên vẻ mặt. Trông nhau là hiểu nhau rồi.
Tuy vậy, một buổi sáng Cuốcphêrắc đột ngột hỏi Mariuyt:
- À! Chính kiến của anh thế nào?
Mariuyt hầu như có lấy làm phật ý.
Cuốcphêrắc hỏi lại:
- Anh là gì?
- Dân chủ Bônapac.
Cuốcphêrắc bảo:
- Thế ra là màu xam xám của con chuột vừa hết sợ.
Ngày hôm sau Cuốcphêrắc dẫn Mariuyt đến tiệm cà phê Muydanh và anh mỉm cười nói thầm với Mariuyt “Tôi phải giới thiệu anh với Cách mạng” và Cuốcphêrắc đưa Mariuyt vào gian buồng nhóm bạn của ABC. Anh giới thiệu Mariuyt với các đồng chí khác bằng một tiếng giản dị nói khe khẽ mà Mariuyt không hiểu: một học trò.
Mariuyt rơi vào một cái tổ ong trí tuệ. Tuy tính ít nói và trầm tĩnh, anh cũng không phải tay vừa.
Xưa nay sống cô đơn, Mariuyt đã có thói quen suy nghĩ một mình, chỉ thích mình nói riêng với mình, vì vậy anh cũng e ngại rụt rè trước đám thanh niên mau mồm mau miệng này. Những cái mới lạ khác ở họ lôi kéo anh và cũng làm anh day dứt. Tất cả những khối óc phóng khoáng và luôn luôn hoạt động ấy làm cho ý nghĩ của anh quay cuồng; nhiều khi trong rối loạn, nó bay khá xa anh, phải khó nhọc lắm mới tìm lại được mối; có khi anh không nhớ lại được mình nghĩ gì nữa. Họ bàn luận với nhau về triết lý, văn chương, nghệ thuật, lịch sử, tín ngưỡng một cách rất bất ngờ, anh thoáng thấy những khía cạnh lạ lùng, anh không sắp xếp những cái đó cho nên anh tưởng như còn hỗn loạn. Khi cắt đứt với ông và theo chính kiến cha, anh cho rằng tư tưởng của anh đã có một cơ sở vững chắc; bây giờ thì anh ngờ ngợ rằng anh chưa nắm được gì, anh lo lắng và không dám tự thú nhận như vậy. Góc độ anh đứng để nhìn sự vật lại bắt đầu di chuyển. Những chân trời tư tưởng của anh hình như nghiêng ngã, thật là một cuộc xáo trộn lạ lùng. Anh thấy trong lòng gần như đau khổ.
Đối với những người thanh niên ấy, hình như không có cái gì mà họ cho là “đã cố định”. Về bất cứ vấn đề nào anh cũng nghe thấy những câu nói lạ lùng anh chưa nghe quen nên lấy làm khó chịu.
Một tờ quảng cáo rạp hát rao một vở bi kịch cổ điển, Bahôren kêu lên:
- Đả đảo thứ bi kịch cổ điển thích thú của bọn tư sản.
Nhưng Mariuyt lại thấy Côngbơphe nói:
- Anh lầm rồi! Bahôren ạ. Bọn tư sản thích kịch cổ điển thì mặc họ thích. Bi kịch cổ điển với những nhân vật mang tóc giả cũng có lý do tồn tại của nó, tôi không phải vì Etsin mà phủ nhận nó. Trong giới tự nhiên có những giống chưa hoàn thành, những mẫu hình bắt chước; một cái mỏ không ra cái mỏ, cánh không ra cánh, vây chẳng ra vây, chân chẳng ra chân, với tiếng kêu thảm thiết làm cho người ta phì cười, con vịt đấy. Bên cạnh chim có gà vịt, thì tại sao không có bi kịch cổ điển bên cạnh bi kịch cổ điển.
Cũng có hôm tình cờ, Mariuyt qua phố Giăng Giắc Rutxô cùng với Ănggiônrátx và Cuốcphêrắc. Cuốcphêrắc nắm cánh tay Mariuyt bảo:
- Chú ý, đây là phố Pơlatơrie, nay cải tên là phố Giăng Giắc Rutxô vì khoảng sáu mươi năm trước đây có một cái gia đình kỳ dị đã ở phố này. Cái gia đình Giăng Giắc và Têredơ. Thỉnh thoảng gia đình ấy sinh con: Têredơ thì cho ra đời, còn Giăng Giắc thì cho vào cô nhi viện.
Nhưng Ănggiônrátx cự Cuốcphêrắc:
- Không được nói gì đến Giăng Giắc. Con người ấy đáng phục. Ông ta bỏ con mình, phải, nhưng ông đã nhận nhân dân làm con.
Không một ai trong nhóm thanh niên ấy nói tiếng hoàng đế. Chỉ có Giăng Pruve thỉnh thoảng gọi Napoleon; mọi người khác đều gọi Bônapac. Ănggiônrátx gọi: Buônapac.
Mariuyt có phần ngạc nhiên. Bước đầu của sự hiểu biết (Nguyên bản tiếng Latinh: Onitium sapientloe).
* * *
IV - BUỒNG TRONG CỦA TIỆM CÀ PHÊ MUYDANH
Một trong những buổi tranh luận giữa những người thanh niên ấy mà Mariuyt vẫn dự, có khi cũng có ý kiến, đã tác động rất mạnh đến tinh thần anh.
Buổi tranh luận ấy cũng ở buồng trong tiệm cà phê Muydanh. Nhóm bạn của ABC hôm đó có mặt gần đông đủ cả. Ngọn đèn dầu thắp sáng trưng. Họ nói chuyện này, chuyện khác, ồn ào nhưng không say sưa. Trừ Ănggiônrátx và Mariuyt yên lặng, mỗi người đều có ít nhiều diễn thuyết vu vơ. Những cuộc nói chuyện giữa đồng chí thường có những lúc ồn ào vô hại như vậy. Tranh luận mà cũng như trò đùa lộn xộn thôi. Người ta tranh cãi, người nói đi, kẻ nói lại bốn phía.
Không có người phụ nữ nào được vào trong gian buồng ấy, trừ Luidông, chị rửa bát trong tiệm, thỉnh thoảng đi qua buồng từ chỗ rửa bát sang nhà bếp.
Grăngte say mềm ba hoa làm ồn cả một góc buồng. Hắn nói phải, hắn nói trái ầm ĩ. Hắn thét:
- Ta khát, hỡi những người trần gian, ta nằm mơ thấy cái thùng rượu. Heđenbe bị ứ máu não lăn ra và ta là một trong mười hai con đỉa để chích máu hắn. Ta muốn uống. Ta muốn quên cuộc đời. Đời là một chuyện bịa đặt ghê tởm, ai đã đặt bày nó ra. Chẳng được bao lâu, chẳng quý giá gì. Sống cho được phải bươu đầu sứt trán. Đời là một bức phông, không có được mấy cảnh có thật. Hạnh phúc là một cái khung tranh cổ lỗ sơn có một mặt. Êchelêdiat (một bộ sách trong thánh kinh của đạo Gia tô) nói: “Tất cả là phù phiếm!”. Ta cũng nghĩ như ông lão này, cái ông lão có lẽ không có thực bao giờ. Con số không, vì không muốn trần truồng, đã khoác cái áo phù phiếm. Ôi! Phù phiếm! Người khoác cho tất cả mọi vật những tiếng thật kêu. Cái xó bếp gọi là một phòng thí nghiệm, gã múa may là một giáo sư, một anh chàng làm xiếc góc chợ là một huấn luyện viên thể dục, một anh đấm bậy là một nhà quyền thuật, một anh bán thuốc là nhà hóa học, một anh cắt tóc là một nghệ sĩ, một anh xúc bùn là một kiến trúc sư, một thằng dô kề là một nhà thể thao, một con mọt đất là một con thanh long trùng. Phù phiếm có mặt trái, mặt phải; mặt trái thì ngu, đó là anh da đen với những vòng nhẫn, hoa thủy tinh; mặt trái thì ngốc, đó là nhà triết học với bộ quần áo tã. Anh thứ nhất làm ta khóc thương, anh thứ hai làm ta cười rộ. Cái mà người ta vẫn gọi là những vinh dự và những phẩm giá, hay là vinh dự và phẩm giá nữa, thường là vàng giả. Bọn vua chúa chơi đùa với lòng kiêu ngạo của con người. Caliguyla phong cho một con ngựa làm đại thần, Salơ II phong một miếng thịt bò làm hiệp sĩ. Anh hãy sánh vai với đại thần Anhxitatuyt và tiểu nam tước “Thăn bò”.
Còn chân giá trị của con người cũng chẳng đáng quý gì hơn. Hãy nghe những hàng xóm láng giềng nói nhau. Trắng nói về trắng thật hung dữ; bông huệ muốn vùi dập con bồ câu trắng; mụ đi lễ dè bỉu mụ đi vái độc địa hơn con rắn lục hay con hổ mang xanh. Tiếc là tôi dốt quá, nếu không tôi có thể vạch ra một trăm chuyện, nhưng tôi chẳng biết gì cả. Chẳng hạn tôi vẫn tinh khôn. Hồi tôi là học trò họa sĩ Gơrô, tôi không bôi bác những bức tranh nhỏ mà đi xoáy táo. Rapanh là giống đực của Rapinơ (Rapin: học trò hội họa; Rapine: việc trộm cướp). Đấy là nói tôi. Còn các bạn thì cũng chẳng hơn gì tôi. Tôi cóc cần những đức tốt của các bạn, những ưu điểm, những tính ưu việt của các bạn. Mỗi tính tốt gắn liền với một tính xấu: cần kiệm đi tới hạ tiện, rộng rãi đi tới hoang phí, can đảm gần với táo tợn, mộ đạo quá cũng là giả dối. Cái áo của Điôgienơ thủng bao nhiêu lỗ thì trong đạo đức có bấy nhiêu tính xấu. Anh phục ai, kẻ bị giết hay người giết? Xêda hay Bruytuyx. Thường người ta đứng về phía kẻ giết người. Bruytuyx muôn năm! Bruytuyx đã giết! Đạo đức là thế. Đạo đức? Đồng ý, nhưng cũng là điên rồ. Những vĩ nhân ấy mang những vết bẩn lạ kỳ. Bruytuyx, người giết Xêda, lại mê một cái tượng trẻ con. Tượng đó do nhà điêu khắc Hy Lạp Stơrôngyliông tạc, người cũng đã tạc một bức tượng nữ kỵ sĩ gọi là Chân đẹp, Echnơmôxơ và Nêrông mang theo trong các cuộc hành trình của ông. Nhà điêu khắc Stơrôngyliông chỉ để lại có hai pho tượng ấy, hai pho tượng đã làm cho Bruytuyx và Nêrông hòa hợp với nhau. Bruytuyx mê cái tượng này, Nêrông mê cái tượng kia. Lịch sử chỉ là một sự nhai lại. Thế kỷ này đánh cắp thế kỷ khác. Trận Marănggô sao chép trận Pitna. Trận Tônbiăc của Clôvitx và Austéclit của Napoleon giống nhau như hai giọt máu. Tôi chẳng quí trọng chiến thắng. Chẳng có gì ngớ ngẩn hơn là chiến thắng. Thuyết phục mới thực là vinh quang. Nhưng anh hãy thử chứng minh một cái gì xem có được không nào? Các anh chỉ muốn thành công, ôi, tầm thường biết bao! Các anh chỉ muốn thành công, ôi, bần tiện biết bao! Than ôi! Bất cứ ở đâu cũng là hư danh và hèn nhát. Tất cả đều phục tùng. Thắng lợi, cả ngữ pháp nữa. Si volet usus (Nếu muốn thì dùng) như Horaxơ nói. Tóm lại tôi khinh rẻ loài người. Ta có đi xuống từng phần không? Các anh muốn tôi kính phục các dân tộc ư? Kính phục dân tộc nào, theo ý các anh? Dân Aten, những dân Paris thuở trước, đã giết Phôxiông như Côlinhi của ta và nịnh nọt những bạo chúa đến mức Anaxêphorơ bảo: mùi nước đái của Pidixtơratơ thu hút loài ong. Con người vĩ đại nhất của Hy Lạp trong thời gian 50 băm là nhà ngữ pháp học, bé nhỏ đến mức phải lấy chì đụp vào đế giầy để khỏi bị gió cuốn đi. Trên quảng trường rộng nhất của Côranhtơ, có một pho tượng do Xilaiông tạc, mà Plinơ đã xếp loại. Đó là tượng Êphixtatơ. Êphixtatơ đã làm gì? Êphixtatơ đã đặt ra cái món võ ngáng chân. Thế là tóm tắt cả Hy Lạp và vinh quang. Sang các dân tộc khác. Phục nước Anh chăng? Phục nước Pháp chăng? Phục nước Pháp, tại sao? Tại Parsi chăng? Tôi vừa nói ý kiến của tôi về Aten. Phục Anh chăng? Vì Lôngđơrơ ư? Tôi ghét Cáctagiơ. Vả lại Lôngđơtơ, thủ đô của xa hoa, cũng là thủ đô của bần cùng. Chỉ trước cửa nhà thờ Sarin Crôxơ, mỗi năm có một trăm người chết đói. Anbiông như thế đấy. Tôi thêm nữa cho đủ, tôi đã trông thấy một cô gái Anh múa với một vành hoa hồng và đôi kính xanh. Thế là một cái mặt lợn cho nước Anh. Không phục Giôn Buyn, có phục người anh em Gônatăng không? Tôi không ưa lắm người anh em chủ nô ấy. Cắt cái khẩu hiệu Time is money (thì giờ là tiền bạc) thì nước Anh còn gì? Cắt cái khẩu hiệu Cotton is king (bông vải là vua) thì nước Mỹ còn gì? Nước Đức là máu trắng, nước Ý là mật đắng. Ca ngợi nước Nga chăng? Vonte phục nước Nga, Vonte phục cả Trung Quốc. Tôi đồng ý là nước Nga có những cái đẹp của nó, chẳng hạn cái chế độ độc đoán mạnh của nó. Nhưng tôi thương hại những kẻ độc đoán. Họ có một sức khỏe mong manh. Alêxi mất đầu, Pie bị đâm chết, Pôn phải thắt cổ, một Pôn khác bị xéo chết dưới đế giầy, mấy Ivăng bị cắt tiết, một lô Nicôla và Badin bị đầu độc. Rõ ràng là cung điện của Nga hoàng xấu xa bẩn thỉu quá. Tất cả các dân tộc văn minh chỉ bày ra trước mắt các nhà tư tưởng các chi tiết: chiến tranh. Chiến tranh văn minh đã sử dụng triệt để và tổng hợp tất cả các loại cướp bóc, từ lối cướp đường của dân Tơrabuykerơ trong những hẻm núi Giaxa đến cách ăn cắp của người Da đỏ Cômăngsơ trong cái Hẻm Khả nghi. Các anh sẽ bảo: châu Âu vẫn hơn châu Á chứ? Tôi đồng ý châu Á là trò đùa; nhưng tôi không hiểu vì lẽ gì các anh cười ông Đại latma, các anh, những dân tộc phương Tây, đã đem những cái rác rưởi của vua chúa, từ cái áo lót mình dơ bẩn của hoàng hậu Idaben đến cái ghế thủng đít của Hoàng thái tử làm thành kiểu cách thời thượng và thanh tân? Các con người ơi! Tôi xin bảo các ngài, thôi đi, ở Bơruyxen, các người uống nhiều bia nhất, ở Xtôckôm nhiều rượu mạnh nhất ở Mađơrit ăn nhiều sôcôla nhất, ở Angxtecđam nhiều rượu đỗ tương nhất, ở Lôngđơrơ nhiều rượu vang nhất, ở Côngxtăngtinôplơ nhiều cà phê nhất, ở Paris nhiều rượu khổ ngải nhất. Đấy là tất cả những điều bổ ích cần biết. Nói tóm lại thì Paris hơn cả. Ở Paris những người nhặt giẻ cũng tế nhị như người Xabaritơ. Điôgien có lẽ muốn là một người nhặt giẻ ở quảng trường Môbe hơn là một nhà triết học ở Paris. Các anh nên biết thêm rằng những tiệm rượu của người nhặt giẻ gọi là Bibinơ; những tiệm nổi tiếng nhất là La Caxơron và Labatoa. Nào đâu tất cả các quán rượu, quán trà, tiệm ăn, rạp hát, các chai to, chai nhỏ, thùng lớn, thùng bé, bibinơ của những người nhặt giẻ và lữ quán của các vị quốc vương phương Đông, tôi chứng nhận với các ngài tôi là một gã ăn chơi hưởng lạc, mỗi bữa ăn của tôi ở tiệm Risa là 40 xu, tôi cần có những tấm thảm Ba Tư sang trọng đến mức hoàng hậu Clêôpatrơ trông thấy phải lăn mình lõa lồ trên đó. Nhưng Clêôpatrơ ở đâu? A! Em Luiđông đấy ư? Chào em!
Thao thao bất tuyệt, Grăngte túy lúy, đang ba hoa trong cái góc của chàng ở buồng trong tiệm cà phê Muydanh và kéo tay chị rửa bát đĩa vừa đi qua.
Bôtxuyê giơ tay ra định bắt anh thôi nói, nhưng Grăngte lại càng ba hoa hơn.
- Con phượng hoàng Mô, bỏ tay xuống. Cậu chẳng làm cóc gì được tôi với cái dáng điệu Ipôcratơ không nhận lễ Actaxéc. Tớ miễn cho cậu cái nhiệm vụ can mình. Vả lại mình đang buồn. Các anh muốn mình nói gì? Con người xấu lắm, con người chẳng ra hình thù gì. Con bươm bướm là vật hoàn mỹ. Con người là phế phẩm. Chúa đã nặn hỏng con vật này. Quần chúng là một mớ xấu xa chọn lọc. Kẻ nào cũng khốn nạn hết. Đàn bà vần với xấu xa. Phải, tôi chán chường, lại thêm buồn bã, thêm nhớ nhung, u uất và tôi cáu, tôi gắt, tôi ngáp, tôi ngán, tôi đập tôi, tôi quấy tôi. Chúa! Hãy xéo đi!
Bôtxuyê lại kêu:
- Im đi thôi R. hoa!
Bôtxuyê đang tranh luận với một nhóm khác về một điểm pháp luật và đang sa lầy vào một câu đầy tiếng lóng tư pháp.
- Còn tôi, tôi chỉ là một nhà luật học nửa mùa, giỏi lắm là một ông biện lý tài tử, tôi khẳng định điều này: theo tập quán của xứ Noócmăngđi vào dịp lễ Xanh Misen, mỗi năm phải nộp cho lãnh chúa một món thuế nếu không được miễn, tất cả mọi người và mỗi người, những chủ sở hữu, những kẻ bị tịch biên di sản, về tất cả các hợp đồng, trường kỳ tô tá, khế ước cho thuê, thế tập tài sản, hợp đồng về tài sản công cộng, cầm đồ thế sự.
Grăngte ngâm nga:
- Thế sự nhân tình ôi a!
Bên cạnh Grăngte có một cái bàn con với một tờ giấy, một lọ mực, một cái bút với hai ly rượu. Chắc chắn họ đang thai nghén một vở hài kịch. Chuyện lớn này phải bàn nhỏ và hai cái đầu đang chụm vào nhau làm việc:
- Hãy chọn tên nhân vật, khi có tên nhân vật, sẽ có chủ đề.
- Đúng rồi, đọc đi, mình ghi.
- Ông Đôrimông.
- Một lão sống về lợi tức?
- Đúng rồi.
- Con gái lão Xêlextinơ.
- …tinơ. Gì nữa?
- Đại tá Xanhvan.
- Xanhvan, cổ lắm. Nên gọi là Vanxanh.
Bên cạnh nhóm kịch tác gia tập sự, một nhóm khác thừa lúc ồn ào, thầm thì bàn với nhau chuẩn bị một cuộc đấu kiếm. Một chàng già, 30 tuổi khuyên một gã trẻ 18 và nói cho anh này biết rõ đối thủ của anh là ai.
- Chà! Phải đề phòng đấy! Một mũi kiếm cừ khôi đấy. Đường kiếm rất gọn, tấn công mạnh, không có miếng trá đao nào thừa, cổ tay dẻo, hoa nhanh, đánh như chớp, đỡ tài, phản công chính xác, hừ, thế mà lại còn cầm kiếm tay trái nữa chứ!
Ở góc đối lập với Grăngte, Giôly và Bahôren chơi đôminô và nói chuyện nhân ngãi, Giôly bảo:
- Cậu sướng nhé. Cô ả của cậu lúc nào cũng cười,
- Cô ta cười là sai lầm đấy. – Bahôren đáp – Nhân tình của ta mà cười là sai lầm, vì họ cười cũng như khuyến khích mình lừa họ. Thấy họ cười mình chẳng còn hối hận, nếu cô ả buồn, mình mới thấy áy náy.
- Đồ bạc bẽo! Một phụ nữ lúc nào cũng cười là rất quý! Không bao giờ có chuyện xô xát!
- Đó là do cái hiệp ước chúng mình đã ký với nhau. Khi làm cuộc liên minh thần thánh nhỏ đó, chúng mình đã quy định biên giới của mỗi bên, không bên nào được vượt quá. Phía gió bấc là xứ Vô, phía gió nam là xứ Gex. Do đó mà có hòa bình.
- Hòa bình là hạnh phúc đang tiêu hóa.
- Còn cậu Giôly, ra sao rồi, cuộc xích mích của cậu với ả… cậu biết mình nói ai rồi chứ?
- Cô ả vẫn làm mày làm mặt với mình một cách kiên trì, ác độc.
- Nhưng cậu vẫn là gã tình nhân đáng thương cảm vì gầy guộc.
- Chao ôi!
- Ở địa vị cậu thì mình phớt, mặc cô ta đấy.
- Nói thì dễ.
- Làm cũng dễ. Có phải cô ả tên là Muysisetta không?
- Phải, úi chà! Cậu Bahôren ơi! Một cô ả tuyệt vời, có khiếu văn thơ, chân nhỏ, tay xinh, ăn mặc bảnh, nõn nà, tròn trịa, đôi mắt tình tứ mơ mộng. Mình như say như dại.
- Thế thì cậu ạ, phải chiều cô ta thôi, diện sang, khéo điệu bộ. Đến cửa hàng Stôp sắm một chiếc quần len da bảnh. Ăn tiền đấy.
- Bao nhiêu?- Grăngte thét.
Ở góc thứ ba họ đang tranh luận về thơ ca. Thần thoại Hy Lạp tranh chấp với thần thoại Gia-tô. Các thần Ôlanhpơ được Giăng Pruve bảo vệ, với xu hướng lãng mạn của anh. Giăng Pruve chỉ nhút nhát lúc nghỉ ngơi. Khi đã bị kích thích, thì anh hùng hồn và trong sự hưng phấn có cái vui tươi. Lúc ấy, Giăng Pruve vừa vui vẻ vừa trữ tình.
- Ta chớ có chửi rủa thần thánh, Có lẽ thần thánh vẫn còn sống. Giuypite với tôi không phải đã chết. Các anh bảo thần thánh ảo mộng. Thế mà trong thiên nhiên, thiên nhiên nguyên vẹn như bây giờ, khi tất cả những ảo tưởng đó đã biến mất rồi, người ta vẫn còn tìm thấy tất cả những thần thoại lớn. Cái núi kia trông như một pháo đài, như ngọn Vinhơmalơ chẳng hạn, với con mắt tôi, vẫn là cái mũ của thần Xibelơ. Ai bảo rằng thần Răng đêm đêm không đến thổi vào thân cây liễu rỗng và lấy các ngón tay lần lượt bịt, mở các lỗ trên thân cây. Vả tôi vẫn thấy phảng phất bóng dáng nàng Iô trong cái thác Pixơvaxơ (Iô: nữ thần bị Giuypite biến thành bò cái. Thác Pissevanche dịch ra là thác Bò đái).
Trong góc cuối cùng họ bàn chính trị. Người ta mạt sát cái hiến chương do vua ban bố. Côngbơpherơ bênh vực yếu ớt, còn Cuốcphêrắc thì đập tơi bời. Chẳng may trên bàn lại có một bản hiến chương của Tukê, Cuốcphêrắc nắm lấy nó và mồm thì thao thao lý lẽ, tay thì vung vẩy tờ giấy.
- Thứ nhất, tôi không thích có vua. Dù chỉ xét về mặt kinh tế, tôi cũng không muốn có vua. Vua là một kẻ ăn bám. Vua không phải là một của cho không. Hãy nghe đây: sự đắt đỏ của vua Chúa. Khi vua Phơrăngxoa I chết, quốc trái của vua nước Pháp là ba mươi ngàn livơrơ; khi Lui XIV băng, nợ lên tới hai tỉ sáu trăm triệu với giá hai mươi tám livơrơ một mác, nghĩa là theo giá tiền 1760 với sự tính toán của Đêmarê, bốn tỉ năm trăm triệu và theo tiền bây giờ là mười hai tỉ. Thứ hai, dù Côngbơpherơ không vừa ý, phải nói rằng một hiến chương do vua ban bố là một thủ đoạn văn minh không tốt. Bảo vệ cái quá độ, làm êm dịu bước chuyển tiếp, làm nhẹ bớt sự rung chuyển, chuyển cả một dân tộc một cách yên lặng từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ, bằng những cái ảo tưởng lập hiến này, không có lý lẽ nào đáng ghét hơn. Không! Không! Đừng bao giờ đưa cho nhân dân một ánh sáng giả tạo. Các nguyên lý tàn lụi, vàng vọt đi cái hầm tối lập hiến của các anh. Không, không cho thoái hóa, không có thỏa hiệp nào cả. Không có cái gì do vua ban cho dân cả. Trong tất cả những sự ban ơn ấy, đều có cái điều khoản 14. Tay này đưa cho, vuốt kia nắm lại. Tôi cương quyết từ chối cái hiến chương của các anh. Một hiến chương là một cái mặt nạ, ở dưới là dối trá. Một dân tộc thừa nhận một hiến chương là đã thoái vị. Dân quyền chỉ là dân quyền khi nó trọn vẹn. Không! Không hiến chương gì cả.
Trời đang mùa đông, hai khúc củi đang cháy trong lò sưởi. Cám dỗ quá, Cuốcphêrắc không giữ tay nổi. Anh vò nát cái hiến chương Tukê tội nghiệp và ném vào đống lửa. Giấy cháy bùng. Côngbơpherơ như một nhà triết học, nhìn cái kiệt tác của vua Lui XVIII cháy và chỉ nói vài lời:
- Hiến chương hóa kiếp thành ngọn lửa.
Rồi thì chế nhạo, châm biếm, chơi chữ, giễu cợt, tất cả cái gọi là vui nhộn Pháp, là hài hước Anh, cái thanh nhã, cái thô kệch, những lý lẽ chính đáng, những lý lẽ bậy bạ, tất cả những tràng pháo vang rộn ràng trong đối thoại, từ mọi chỗ nổ tung lên một lúc, chằng chịt trên đầu mọi người như một cuộc bùng nổ vui vẻ.




NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 4 - Chương 5 + 6

CHÂN TRỜI MỞ RỘNG

Những sự va chạm của các đầu óc trẻ với nhau có cái tuyệt là không thể tiên đoán được cái tia lửa và ước phỏng cái ánh chớp. Cái gì sẽ bùng ra lát nữa. Không thể biết được. Cái bật cười xuất phát từ sự cảm động. Giữa khi đùa cợt cái nghiêm túc lại có thể hiện ra. Những động lực thúc đẩy bật ra từ một lời, một tiếng ngẫu nhiên. Tài hùng biện của mỗi người ngự trị. Một lời châm biếm có thể đưa đến những sự bất ngờ. Đó là những cuộc thảo luận có những bước ngoặt đột ngột và viễn cảnh thay đổi thình lình. Ngẫu nhiên là người dàn cảnh trong những cuộc tranh luận này.
Trong những cuộc đấu khẩu ồn ào giữa Grăngte, Bahôren, Pơruve, Bôtxuyê, Côngbơpherơ và Cuốcphêrắc, bỗng nhiên một tư tưởng nghiêm chỉnh xuất hiện rất lạ lùng.
Không biết vì sao một lời nói đột ngột tự nhiên được thốt ra, nổi bật lên, làm cho mọi người chú ý. Chẳng ai biết được, như chúng tôi đã nói. Đang lúc ồn ào, Bôtxuyê kết thúc một câu nói với Côngbơphe bằng cái ngày lịch sử.
- 18 tháng sáu 1815: Oateclô.
Mariuyt đang ngồi cạnh một cốc nước, cằm tỳ vào bàn tay, hủy tay chống trên mặt bàn. Nghe tiếng Oateclô anh bỗng bỏ tay ngẩng đầu lên và nhìn chăm chú bọn người đang tranh luận.
- Chúa ơi! Cuốcphêrắc kêu (lúc này Trời ôi đã quá mốt).
- Con số 18 ấy thật kỳ dị buộc tôi phải chú ý. Con số định mệnh của Bônapac. Đặt chữ Lui trước số 18 và chữ Bơruyme sau số 18 thì chúng ta đã tóm tắt cả số phận của con người ấy với cái đặc điểm đầy ý nghĩa này là số 18 đặt sau thúc bách số 18 đặt trước (Bônapac đảo chính để cầm quyền ngày 18 tháng sáu mù năm 1799 và sau này bị Lui XVIII thay thế năm 1815).
Ănggiônrátx, từ đầu vẫn yên lặng bỗng nói với Cuốcphêrắc:
- Anh muốn bảo rằng đền tội theo sát ngay tội ác phải không?
Mariuyt đã rất xúc động vì bất ngờ thấy gợi đến Oateclô, khi đến cái danh từ tội ác thì anh không giữ được bình tĩnh nữa.
Anh đứng dậy, từ từ đi về phía cái bản đồ nước Pháp treo trên tường, trên bản đồ ở góc dưới trong một ô riêng có vẽ một hòn đảo. Mariuyt để ngón tay trên cái ô riêng ấy và nói:
- Đảo Corxơ. Một hòn đảo nhỏ đã làm cho nước Pháp thành một nước rất lớn.
Lời nói của Mariuyt như một luồng gió lạnh vút qua. Mọi người ngừng hẳn lại. Người ta cảm thấy một việc nghiêm trọng sắp xảy ra.
Bahôren cãi nhau với Bôtxuyê, định ưỡn người cho ra vẻ như anh thường làm, cũng bỏ ý định ấy và ngồi yên để lắng nghe.
Ănggiônrátx, không nhìn ai, con mắt xanh của chàng như đăm đăm nhìn không gian, trả lời Mariuyt:
- Nước Pháp không cần có hòn đảo Corxơ nào mới lớn. Nước Pháp lớn vì là nước Pháp Quia nominor leo.
Mariuyt không chịu chùn bước. Anh quay về phía Ănggiônrátx và như rung động từ đáy lòng, anh cất cao tiếng nói:
- Tôi không hề có ý muốn làm giảm giá trị nước Pháp nhưng ghép tên Napoleon với nước Pháp đâu có phải là làm xấu nước Pháp. Cũng phải nói rõ ý kiến của tôi. Tôi mới đến, xa lạ với các anh, nhưng tôi phải thú thật là các anh làm tôi ngạc nhiên. Chúng ta bàn chuyện gì? Chúng ta là người thế nào? Các anh là người thế nào. Ta phải nói rõ quan niệm của chúng ta về Hoàng đế. Các anh gọi Buyônapáctơ, đọc chữ u chẳng khác gì bọn bảo hoàng. Cũng cần phải nói là ông tôi còn tệ hơn nữa: ông lão vẫn gọi: Buyônapáctê. Tôi vẫn tưởng các anh là những người thanh niên. Lòng hăng hái của các anh ở đâu? Và các anh hăng hái về cái gì chứ? Nếu không khâm phục Hoàng đế thì khâm phục ai? Còn đòi gì hơn nữa? Nếu một vĩ nhân như thế còn không vừa lòng các anh thì các anh còn muốn vĩ nhân nào khác nữa? Hoàng đế có tất cả, Hoàng đế hoàn toàn. Trong óc Người chứa đựng toàn bộ khả năng của con người. Người làm những bộ luật như Giuytxtiniêng, đọc chỉ dụ như Xêda, những lời nói của Người như chớp của Patscan lẫn sấm sét của Taxitơ, Người làm lịch sử và viết sử, thông cáo của Người là những bản anh hùng ca, Người phối hợp con số của Niutơn với mỹ từ của Mahômét. Người để lại phương Đông những lời nói hùng vĩ như Kim tự tháp, ở Tinxit Người dạy cho bọn đế vương thế nào là đường bệ, ở Hàn lâm viện khoa học Người đối đáp với Lapơlátxơ, ở Hội đồng quốc gia Người tranh cãi với Méclanh, Người làm cho hình học của người này và pháp lý của kẻ khác có một linh hồn. Người là pháp lý với các luật gia, là tinh đẩu với các nhà thiên văn học, như Cơrômuen, khi có hai cây nến sáng thì thổi bớt một cây, Người cần kiệm mặc cả một cái núm màn cửa. Người thấy cả, biết cả, nhưng vẫn có một nụ cười hồn nhiên, chất phác bên nôi đứa con nhỏ. Đùng một cái, cả châu Âu hãi hùng lắng tai nghe từng đạo quân rầm rộ xông lên, từng bãi đại bác chuyển động, những chiếc cầu phao mọc dài ra trên các mặt sông, những đoàn kỵ binh như mây cuộn phi trong dông bão, tiếng hò la, tiếng kèn trống vang dội các ngai vàng rung chuyển, bờ cõi các quốc gia di động trên bản đồ, người ta nghe tiếng một lưỡi gươm thần rút ra khỏi vỏ, người ta thấy Hoàng đế đứng hiên ngang giữa chân trời, bàn tay sáng rực, đôi mắt chói lòa, trong sấm chớp. Người giương hai cánh rộng là Đại quân và Đội cận vệ bách chiến và lúc ấy Người là vị thần chiến tranh.
Tất cả mọi người im lặng, Ănggiônrátx cúi mặt. Nín lặng thì bao giờ cũng có vẻ như là đồng tình hoặc là bị dồn vào chân tường. Mariuyt hầu như không kịp thở, nói tiếp hăng hái hơn:
- Các bạn ơi! Chúng ta phải công bằng. Là đế quốc của một vị đế vương như thế, thật là một số phận vinh quang cho một dân tộc, nhất là dân tộc ấy lại là dân tộc Pháp, dân tộc đã đem thiên tư của mình thêm vào thiên tư của con người ấy! Xuất hiện là trị vì, tiến lên là chiến thắng, mỗi trạm hành quân là một thủ đô, đem lính thủ pháo của mình đặt lên các ngai vàng, ra sắc dụ chấm dứt những triều đại, thay đổi bộ mặt của Âu châu theo bước chân xung kích, khi cảnh cáo thì tưởng như tay nắm chuôi gươm của Chúa Trời, trong một người mà là cả Anniban, Xêda và Saclơmanhơ, là thần dân của một vĩ nhân mỗi buổi bình minh đem lại một tin chiến thắng vang dội, lấy tiếng súng thần công điện Anhvalit làm chuông báo thức, ném vào trong ánh sáng chói lòa những tên muôn đời rực rỡ: Marănggô, Accôn, Austéclit, Iêna, Vagơram, luôn luôn tung những chùm sao chiến thắng trên vòm trời nghìn thuở, làm cho đế quốc Pháp huy hoàng như đế quốc La Mã, là một đại cường quốc với một đại hùng quân, tung những đội binh hùng dũng đi khắp trái đất như những con chim phượng hoàng từ đỉnh núi tung bay khắp nơi, chiến thắng, làm bá chủ, chớp nhoáng đánh gục thiên hạ, làm một dân tộc vàng son rực rỡ vì vinh quang, đi xuyên lịch sử với tiếng kèn vang rộn của một đội nhac thiên binh, chinh phục thế giới hai lần, bằng sức mạnh chinh phục và ánh sáng quang vinh thật là hùng vĩ. Còn cái gì vĩ đại hơn?
- Có! Tự do – Côngbơpherơ trả lời.
Đến lượt Mariuyt cúi mặt. Cái tiếng giản dị, lạnh lùng ấy xuyên qua luồng cảm hứng hùng tráng của Mariuyt như một lưỡi thép và anh thấy như cả cái hứng khởi của anh tan biến đi. Khi anh ngẩng mặt lên thì Côngbơpherơ không còn đấy nữa. Côngbơpherơ hình như khoái chí đã phá ngang chương tụng của Mariuyt nên bỏ đi, cả những người khác cũng đi theo anh, trừ Ănggiônrátx. Gian buồng trống rỗng. Còn một mình Ănggiônrátx với Mariuyt; anh nhìn Mariuyt một cách nghiêm nghị. Mariuyt hình như đã tập trung lại được ý nghĩ, có vẻ chưa chịu thua; còn một chút sôi nổi trong lòng, Mariuyt định biến thành những tam đoạn luận để trả thù vào Ănggiônrátx, nhưng ngoài cầu thang bỗng có tiếng người vừa hát vừa đi ra phố. Đó là Côngbơpherơ. Anh hát:
Nếu Xêda cho ta
Vinh quang và chinh chiến
Mà bắt ta phải xa
Mẹ ta,
Thì ta sẽ bảo Xêda:
Trả ngài ngai vàng và xe trận,
Mẹ ta ta yêu hơn, tình tình tang!
Mẹ ta ta yêu hơn.
Giọng hát vừa âu yếm vừa dữ dội của Côngbơpherơ làm cho bài hát có một vẻ hùng dũng lạ lùng. Mariuyt suy nghĩ, mắt nhìn lên trần nhà và tự nhiên nhắc lại: Mẹ ta?...
Bỗng nhiên anh thấy Ănggiônrátx nhẹ nhàng đặt tay trên vai anh:
- Công dân Mariuyt, mẹ ta là nước cộng hòa.
**
VI
GIA TÀI CHẲNG CÓ GÌ
Sau buổi chiều ấy, Mariuyt thấy tâm hồn lay chuyển và một mối buồn u ám. Cái cảm giác của anh có lẽ cũng như của mặt đất khi người ta lấy lưỡi sắt rạch ra để vùi một hạt thóc giống; mặt đất như chỉ cảm thấy vết thương; cái xao xuyến khi hạt giống nảy mầm và niềm vui khi cây lúa nở bông sau này mới đến.
Mariuyt không vui. Anh vừa tìm được một tín ngưỡng chả lẽ lại bỏ ngay đi. Anh muốn cả quyết là không. Anh tự bảo, không nên hoài nghi, nhưng anh vẫn thấy bắt đầu hoài nghi, ở giữa hai tín ngưỡng: một tín ngưỡng chưa thoát, một tín ngưỡng chưa thành, thật là day dứt khó chịu; cái bóng hoàng hôn ấy chỉ những tâm hồn như con dơi thích thú. Con mắt của Mariuyt quen nhìn thẳng, cần có ánh sáng thực sự. Cái hoài nghi mập mờ làm cho anh đau khổ. Mặc dù anh muốn đứng yên chỗ cũ, giữ nguyên tin tưởng cũ, anh thấy bắt buộc phải tiếp tục, phải tiến, phải nhận xét, suy nghĩ phải đi xa hơn. Sẽ đi đến đâu? Anh lo lắng là sau khi đã tiến được bao nhiêu bước đến gần cha anh, bây giờ anh lại phải đi những bước ra xa. Anh càng nghĩ, càng thấy bứt rứt. Chung quanh anh như toàn đèo dốc. Anh không đồng ý với ông anh, cũng không đồng ý với các bạn anh; đối với ông thì anh là tàn bạo, nhưng đối với bạn, họ coi ông là lạc hậu, anh thấy cô đơn cả về hai phía: phía đối với người tuổi già và phía đối với người tuổi trẻ. Anh không đến tiệm cà phê Muydanh nữa.
Trong lúc tâm hồn hoang mang như vậy, anh không nghĩ đến những vấn đề thực tế của cuộc sống nữa. Nhưng thực tế không để cho ai quên mình được, nó trở lại bất ngờ và anh chạm trán với nó.
Một buổi sáng người chủ khách sạn vào phòng Mariuyt:
- Ông Cuốcphêrắc đã nhận bảo đảm cho ông.
- Phải.
- Nhưng tôi cần tiền.
- Ông bảo ông Cuốcphêrắc đến cho tôi gặp.
Cuốcphêrắc đến, người chủ khách sạn đi ra. Mariuyt bây giờ mới nói với Cuốcphêrắc điều mà anh trước kia chưa muốn nói: là anh chẳng khác gì người một thân một mình, không có bà con họ hàng gì.
- Thế rồi anh sẽ ra thế nào?
- Tôi chẳng biết.
- Anh sẽ làm gì?
- Cũng chẳng biết nữa.
- Anh có tiền không?
- Có mười lăm phơrăng.
- Có muốn vay tiền tôi không?
- Không bao giờ.
- Anh có bộ áo nào không?
- Đây.
- Anh có đồ vàng bạc không?
- Một cái đồng hồ.
- Bạc?
- Vàng, đây.
- Tôi biết một người buôn áo quần sẽ mua cái áo ngoài và một cái quần của anh.
- Tốt lắm.
- Anh sẽ chỉ còn một cái quần, một ghi lê, một cái mũ và một cái áo ngoài.
- Còn đôi giầy ống nữa.
- Ồ! Anh không đi đất à? Sang trọng nhỉ!
- Thế cũng đủ.
- Có người thợ đồng hồ sẽ mua chiếc đồng hồ quả quít của anh.
- Tốt.
- Không, chưa tốt đâu, sau đó sẽ làm gì?
- Làm gì cũng được, quý hồ là việc lương thiện.
- Anh biết tiếng Anh không?
- Không.
- Tiếng Đức?
- Không.
- Thôi được!
- Tại sao?
- Tôi có một người bạn, chủ hiệu sách, muốn làm một thứ bách khoa từ điển, nếu biết tiếng Đức, tiếng Anh, anh có thể dịch cho hắn những mục tiếng Đức hay tiếng Anh. Cũng chẳng được mấy, nhưng đủ sống.
- Tôi sẽ học tiếng Anh và tiếng Đức.
- Còn trong khi chờ đợi?
- Chờ đợi thì tôi gặm dần bộ quần áo và chiếc đồng hồ.
Người buôn quần áo đến, mua bộ quần áo hai mươi phơrăng. Mang cái đồng hồ đến người chữa đồng hồ, hắn mua bốn mươi nhăm phơrăng.
Mariuyt khi trở về khách sạn, bảo Cuốcphêrắc:
- Cũng khá đấy, với mười lăm phơrăng của tôi nữa thế là tám mươi phơrăng.
- Thế còn món nợ khách sạn? – Cuốcphêrắc nhắc.
- Chết, mình quên bẵng đi mất.
- Khốn! Anh ăn hết năm phơrăng thì học xong tiếng Anh, năm phơrăng thì học xong tiếng Đức. Như thế hoặc là anh có tài ngốn một ngoại ngữ nhanh quá hoặc một đồng trăm xu chậm quá.
Bà Gilơnormăng vốn là một con người khá tốt trong những hoàn cảnh đau buồn. Bà đã lần mò tìm ra chỗ ở của Mariuyt. Một buổi sáng, Mariuyt ở lớp về thấy bức thư của bà dì và món tiền sáu chục đồng pistôn, nghĩa là sáu trăm phơrăng tiền vàng trong một cái hộp gắn xi.
Mariuyt gửi trả lại bà dì số tiền ấy kèm một bức thư kính cẩn, báo với dì anh là anh đã có kế sinh sống và kiếm đủ chi dùng. Lúc ấy anh còn đúng ba phơrăng.
Bà dì không nói gì với ông lão Gilơnormăng, sợ ông lão càng thêm bực dọc. Ông lão đã chẳng bảo rằng đừng có ai nhắc đến cái thằng khát máu ấy hay sao?
Mariuyt không muốn mang nợ, rời bỏ khách sạn Poóc Xanh Giắc.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 5 - NGHÈO KHỔ LẠI HÓA HAY

Chương 1 + 2

MARIUYTX TÚNG QUẪN

Cuộc đời hóa nên khắc nghiệt đối với Mariuyt. Gặm quần áo và cái đồng hồ chưa thấm vào đâu, Mariuyt còn phải nuốt bao nhiêu những thức cay đắng của đời anh. Thật là ghê rợn: ngày không có cái ăn, đêm không nhắm mắt, tối không đèn, lò không lửa, hàng tuần không có việc làm, tương lai không hy vọng, áo rách khuỷu, cái mũ nát làm bọn con gái chê cười; buổi chiều về nhà thì cửa đóng vì thiếu tiền nhà, người gác cổng láo xược, anh chủ quán vô lễ, láng giềng khinh rẻ, mọi thứ nhục nhã, phẩm giá tiêu ma, bất cứ việc gì cũng phải nhận làm, chán ngán, chua cay, ê chề. Mariuyt hiểu ngậm đắng nuốt cay là thế nào, mà ngoài những cái cay đắng ấy thì nhiều khi cũng chẳng có cơm cháo gì mà nuốt nữa. Giữa cái tuổi mà người thanh niên cần tự trọng, vì cần được yêu, Mariuyt thấy mình bị chế giễu vì rách rưới, thấy mình bị khinh rẻ vì nghèo túng. Giữa tuổi thanh niên đầy kiêu hãnh nhiều khi anh cúi mặt nhìn đôi giầy thủng và anh phải chịu những hổ thẹn, bất công, những tủi nhục thấm thía của nghèo khổ. Thật là những thử thách tốt và đáng sợ qua đó người hèn yếu trở thành xấu xa, nhưng người cương nghị trở nên cao cả. Số mệnh ném con người vào cái lò đun ấy mỗi khi muốn có một thằng đểu cáng hay muốn tạo nên một bậc vĩ nhân.
Trong những cuộc vật lộn nhỏ bé thường nảy ra những hành động lớn lao. Có những thứ dũng cảm bền bỉ và âm thầm bảo vệ từng tấc đất trong bóng tối chống với sự đe dọa khắc nghiệt của túng thiếu và tai họa. Thắng lợi cao cả và huyền bí, không ai hay, không tên tuổi, không kèn trống. Cuộc sống, đau khổ, cô đơn, lạc lõng, nghèo đói là những chiến trường sản sinh ra anh hùng, những anh hùng vô danh có khi vĩ đại hơn những anh hùng lừng lẫy.
Những con người cương nghị và cao quí đã được đào tạo như vậy. Cảnh bần cùng thường như mẹ ghẻ, nhưng đôi khi cũng là mẹ thật. Tâm trí con người trở nên dũng mãnh trong túng thiếu, cảnh bi đát làm người ta kiêu hãnh, đau khổ như dòng sữa mạnh nuôi dưỡng những tâm hồn lớn lao.
Trong cuộc đời của Mariuyt, có một lúc anh phải tự quét lấy cửa phòng, phải mua một xu pho mát Bơri của cô hàng hoa quả, đợi sẩm tối lẩn vào hàng bánh mua một chiếc bánh mì, lén lét mang về cái gác xép như một thằng ăn cắp. Đôi khi ta thấy một anh thanh niên vụng về, rụt rè, bực tức cắp mấy quyển sách lách vào cửa hàng thịt ở góc phố, giữa đám chị bếp giễu cợt chen lấn; anh bước vào cửa hàng, nhấc mũ để lộ cái trán đẫm mồ hôi, kính cẩn chào các chị hàng thịt ngơ ngác, chào anh pha thịt, hỏi mua một miếng sườn cừu sáu bảy xu, lấy giấy bọc và cắp vào nách giữa hai quyển sách rồi bước ra. Chính anh thanh niên ấy là Mariuyt.
Anh mang miếng sườn cừu ấy về tự nấu và ăn được ba ngày: ngày đầu ăn thịt, ngày thứ hai ăn mỡ, ngày thứ ba gặm xương.
Bà dì Gilơnormăng mấy bận mò gửi đến cho anh món tiền sáu chục đồng pistôn, lần nào anh cũng gửi trả lại và bảo rằng anh không thiếu gì.
Anh hãy còn để tang cha anh khi sự chuyển biến cách mạng mà chúng ta vừa kể xảy ra trong tư tưởng anh. Từ lúc ấy anh không rời bộ quần áo đen. Nhưng quần áo lại bỏ anh mà đi. Đến lúc, anh không có áo ngoài. Cái quần còn mặc tạm được. Làm thế nào? Có lần anh cũng giúp được Cuốcphêrắc đôi việc. Cuốcphêrắc cho anh một cái áo ngoài cũ. Mariuyt nhờ người gác cổng lộn lại, mất ba mươi xu, thế là được một cái áo mới. Nhưng áo lại màu xanh, từ đấy Mariuyt đợi trời tối mới ra phố cho áo thành ra đen. Muốn để tang mãi, anh dùng đêm tối làm màu tang.
Trong lúc ấy, anh được nhận làm luật sư. Anh lấy địa chỉ ở phòng Cuốcphêrắc cho ra vẻ. Cuốcphêrắc có một cái tủ sách đựng một số sách luật; tủ sách có vẻ đầy đủ vì được bổ sung với một số cuốn tiểu thuyết đã nát. Quy chế của nghề luật sư bắt buộc phải có một tủ sách. Thư từ của anh đều gửi đến chỗ Cuốcphêrắc.
Khi anh làm luật sư, anh gửi một bức thư lạnh lùng nhưng kính cẩn cho ông. Lão Gilơnormăng tay run run cầm thư mở đọc rồi xé làm tư, vứt vào sọt. Hai ba hôm sau bà dì Gilơnormăng nghe thấy ông bố nói một mình ở trong phòng, lão thỉnh thoảng cũng nói một mình như vậy khi có việc gì xúc động. bà Gilơnormăng lắng tai, nghe thấy lão đang nói:
- Nếu mày không là một thằng ngốc thì mày phải biết là một nam tước không thể đồng thời là một luật sư.
***
II
MARIUYTX NGHÈO
Nghèo túng cũng như mọi cái khác, lâu dần rồi cũng chịu được và cũng quen. Cuối cùng rồi cảnh nghèo túng cũng ổn định. Sống lay lắt, nghĩa là heo hắt, cằn cỗi nhưng vẫn là sống. Cuộc sống của Mariuyt đã được xếp đặt như thế này: Mariuyt đã qua được một chút. Cần cù, can đảm, nhẫn nại, cương quyết, anh đã kiếm được vào khoảng bảy trăm phơrăng một năm. Anh đã học được tiếng Anh và tiếng Đức. Nhờ Cuốcphêrắc giới thiệu với người bán sách, Mariuyt có vai trò khiêm tốn là người hữu ích trong ngành văn học – thư – quán ấy. Việc làm cũng tạp nham: viết quảng cáo, dịch báo, chú thích những tác phẩm xuất bản, sưu tầm tiểu sử… Khi hơn khi kém đổ đồng bảy trăm phơrăng một năm. Sống tạm đủ. Như thế nào?
Chúng tôi xin nói: Mariuyt ở trong cái nhà nát Gorbô, một gian buồng tồi tàn, không lò sưởi, chỉ có một vài thứ đồ gỗ cần thiết mệnh danh là phòng luật sư, một năm thuê ba mươi phơrăng. Những đồ gỗ ấy là của anh. Anh thuê ba mươi phơrăng mụ trông nhà để mụ quét dọn buồng và sáng sáng cho anh một ít nước nóng, một quả trứng tươi và một xu bánh. Trứng với bánh ấy là bữa sáng của anh. Mỗi bữa mất từ hai đến bốn xu tùy trứng đắt hay rẻ. Sáu giờ chiều anh xuống phố Xanh Giắc ăn cơm chiều ở hàng cơm Rutxô, đối diện cửa hàng bán tranh Bátxê phố Matuyranh. Anh không ăn xúp. Anh lấy một đĩa thịt sáu xu, nửa đĩa rau ba xu và một món tráng miệng ba xu. Thêm ba xu nữa thì có bánh ăn tùy thích. Nước lọc thay rượu. Khi trả tiền ở quầy của bà Rutxô, hồi đó bà ta vẫn béo tốt và còn có vẻ tươi tắn, anh cho người hầu bàn một xu, bà Rutxô bệ vệ đằng sau quầy cho anh một nụ cười. Mất mười sáu xu anh được một nụ cười và một bữa ăn.
Ở cái hàng ăn Rutxô ấy người ta dốc nhiều nước mà ít rượu, cái hàng ấy làm cho đỡ dạ hơn là no lòng. Ngày nay, cái hàng cơm ấy không còn nữa. Chủ hàng lúc bấy giờ được tặng một cái danh hiệu khá đẹp: Lão Rutxô ở nước.
Sáng ăn bốn xu, chiều ăn mười sáu xu, mỗi ngày Mariuyt ăn mất hai mươi xu, một năm là ba trăm sáu mươi nhăm phơrăng. Cộng với ba mươi phơrăng tiền nhà, ba mươi phơrăng cho mụ già trương nhà và vài món đồ chi tiêu lặt vặt thành bốn trăm năm mươi phơrăng, thì Mariuyt có chỗ ở, ăn và người quét dọn. Quần áo ngoài mỗi năm may độ một trăm phơrăng, quần áo lót năm mươi phơrăng, tiền giặt năm mươi phơrăng, tất cả không quá sáu trăm năm mươi phơrăng. Còn thừa năm mươi phơrăng. Thế là Mariuyt giàu rồi. Khi bạn cần, anh có thể cho mượn mười phơrăng. Cuốcphêrắc, có lần vay được của anh sáu mươi phơrăng. Còn củi sưởi, vì buồng không có lò sưởi nên Mariuyt giảm được món tiêu ấy.
Mariuyt có hai bộ quần áo: một bộ cũ mặc thường ngày, một bộ mới tinh dành cho những buổi long trọng. Cả hai bộ đều đen. Anh chỉ có ba cái sơ mi: một chiếc mặc, một chiếc để trong tủ, một chiếc ở nhà thợ giặt. Khi rách nát thì lại may. Sơ mi của anh thường rách, nên bao giờ anh cũng cài khuy áo ngoài lên đến tận cổ.
Muốn sống tươi như vậy, Mariuyt đã phải trải qua những năm dài gay go, khó nhọc, có khi vất vả lắm mới vượt nổi. Nhưng không bao giờ anh chùn bước. Anh đã chịu đựng mọi thiếu thốn, khổ cực. Anh đã làm tất cả, trừ có vay nợ. Anh có thể tự hào là không bao giờ thiếu ai một xu. Anh cho rằng mang nợ là bắt đầu làm nô lệ, anh tự bảo là chủ nợ còn ghê hơn là chủ nô, chủ nô chỉ là chủ cái thân thể của mình, chủ nợ có trong tay cả cái phẩm giá con người của mình và có thể xúc phạm nó. Thà anh nhịn đói chứ không vay nợ. Anh đã nhiều ngày nhịn đói. Hiểu rằng cùng cực này liền với cùng cực khác, rằng nếu người ta không cẩn thận thì sự sa sút tiền tài sẽ đưa đến sự sa đọa về tâm hồn, nên Mariuyt hết sức giữ gìn phẩm giá của mình. Một lời nói, một cử chỉ lúc khác thì biểu lộ sự kính thì những lúc này anh cho là hèn hạ, anh hết sức tránh, anh ngẩng cao đầu lên. Anh không làm gì phiêu lưu vì không muốn lùi. Sắc mặt anh lúc nào cũng ửng một màu đỏ nghiêm lạnh. Anh rụt rè đến mức thành ra nghiêm khắc.
Trong tất cả những thử thách ấy, anh thấy như có một lực lượng bí mật, thầm kín nào đó trong lòng anh, khuyến khích, nâng đỡ anh. Tâm hồn nâng đỡ xác thịt, có lúc như nhấc bổng nó lên. Chỉ có thứ chim ấy là nâng được cái lồng nhốt mình.
Trong tâm khảm của Mariuyt, bên cạnh tên cha anh, có ghi tên một người nữa: Tênácđiê. Bản chất nồng nhiệt và nghiêm túc, Mariuyt coi cái tên Tênácđiê, tên người đội trưởng dũng cảm đã cứu sống đại tá cha anh giữa chiến trường Oateclô, trong khói đạn, như một cái tên rực rỡ hào quang. Anh không bao giờ quên tên người đó mỗi khi tưởng nhớ đến cha anh, anh kết hợp hai cái tên đó trong sự ngưỡng mộ của anh. Một tín ngưỡng, hai bàn thờ: bàn thờ lớn cho đại tá Pôngmecxi, bàn thờ nhỏ cho Tênácđiê. Biết Tênácđiê đang lâm vào cảnh cùng khổ, lòng nhớ ơn của anh càng thấm thía. Mariuyt đến Môngphecmây đã biết người chủ hàng ăn sa sút, vỡ nợ như thế nào. Từ ngày ấy, anh lặn lội khắp nơi để tìm dấu vết của Tênácđiê, cố tìm đến chỗ cùng cực tối tăm mà hắn đang chìm đắm. Anh đã lùng khắp vùng ấy: nào Senlơ, nào Bôngđê, nào Guốcnay, nào Nôgiăng, nào Lanhi. Ba năm ròng anh tìm kiếm mài miệt, dành dụm được ít tiền là tiêu vào việc đó hết. Chẳng ai cho anh biết được tung tích của Tênácđiê. Người ta ngờ hắn đã đi ra nước ngoài. Chủ nợ của hắn cũng lùng hắn chẳng kém gì Mariuyt tuy không thương mến bằng, nhưng cũng không nắm được hắn, Mariuyt cho là anh có lỗi và hầu như tự trách mình sao không thành công trong cuộc tìm kiếm đó. Cha anh chỉ để lại cho anh có một món nợ duy nhất ấy, anh quyết trả cho xong, đó là món nợ danh dự. Anh nghĩ: Vô lý! Khi cha ta nằm hấp hối giữa bãi chiến trường, Tênácđiê đã tìm được cha ta trong khói đạn mịt mù và xốc cha ta lên vai, cứu sống cha ta, mà Tênácđiê có mang ơn gì cha ta đâu! Còn bây giờ chịu ơn nặng với Tênácđiê như vậy mà sao ta lại không tìm được ra Tênácđiê trong chỗ nghèo khổ tối tăm mà ông ta cũng đang chới với, tìm được và cứu ông ta thoát khỏi cái chết như ông ta đã cứu cha ta. Không thể thế được, nhất định phải tìm cho ra – Mariuyt, có thể hy sinh đứt một cánh tay để tìm thấy Tênácđiê, đổ cả máu anh để cứu Tênácđiê khỏi chỗ cùng khổ. Tìm thấy Tênácđiê, giúp đỡ Tênácđiê, nói với Tênácđiê: ông không biết tôi nhưng tôi, tôi biết ông. Tôi đây, ông muốn gì tôi cũng xin tuân theo – đó là cái ước mơ êm ái nhất mà cũng huy hoàng nhất của Mariuyt.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 5 - Chương 3 + 4

MARIUYTX TRƯỞNG THÀNH

Bấy giờ Mariuyt hai mươi tuổi. Anh đã xa rời ông anh ba năm. Quan hệ giữa hai người không có gì thay đổi, không ai nghĩ đến chuyện hòa hợp, đến chuyện tìm gặp nhau. Vả lại gặp nhau để làm gì? Để rồi lại xung đột hay sao? Ai sẽ thắng ai? Mariuyt là cái lọ đồng, nhưng lão Gilơnormăng là cái bình sắt.
Nhưng phải nói là Mariuyt không hiểu lòng ông anh. Anh cho rằng ông anh chưa bao giờ yêu anh, cái con người cộc lốc, phũ phàng, cười cợt, luôn mồm văng tục, la hét, giận dữ, luôn luôn giơ gậy chực đánh người ta, chỉ có thể có cái cảm tình hời hợt và khắc khổ của những lão Giêrôngtơ hài kịch. Nhưng Mariuyt lầm. Có những người cha không yêu con, không có người ông nào không yêu cháu.
Thực ra, như chúng tôi đã nói, lão Gilơnormăng yêu say mê Mariuyt nhưng yêu theo cái lối của lão: vừa yêu vừa mắng mỏ, có khi đánh đập nữa. Đứa cháu đi mất, lão thấy trong lòng một lỗ hổng tối đen. Lão cấm không ai được nói đến thằng cháu ấy, nhưng lão lại tiếc là mọi người tuân lệnh lão triệt để quá. Lúc đầu lão nghĩ rằng cái thằng tín đồ của Buyônapáctơ ấy, cái thằng Giacôbanh, cái thằng khủng bố, cái thằng sát nhân tháng chín ấy sẽ trở lại. Nhưng hết tuần này đến tuần khác, hết tháng này đến tháng khác, hết năm này đến năm khác, lão Gilơnormăng thất vọng thấy cái thằng khát máu không trở về. Lão bảo: “Ta cũng không thể nào không đuổi nó đi được” và lão tự hỏi: “Nếu phải làm lại như thế, ta có đuổi nó nữa không?”. Lòng tự ái bảo ngay lão: đuổi; nhưng cái đầu bạc phơ của lão lắc bảo: không. Nhiều lúc lão thấy chán nản. Lão thiếu Mariuyt. Người già cần sự trìu mến quấn quít như cần ánh nắng. Sự trìu mến cũng nóng ấm. Mặc dầu bản chất lão vững chãi, sự vắng mặt của Mariuyt cũng làm lão thay đổi trong người. Lão thề nhất định không tự mình dịch đến cái “thằng nhãi kỳ quặc” ấy, nhưng lão đau khổ. Lão không hỏi thăm tin tức cháu, nhưng lão luôn nghĩ đến cháu. Càng ngày lão càng sống riêng lẻ, xa mọi người, trong cái nhà ở xóm Mare. Lão vẫn vui tính và vẫn cộc cằn như xưa, nhưng cái vui của lão có cái gì cứng rắn bất thường như bên trong có lẫn đau khổ, giận dữ và mỗi khi gắt gỏng xong lão lại chán nản, âm thầm. Thỉnh thoảng lão nói: hừ nếu thằng nhãi ấy mà về đây thì phải xem cái tát của ta.
Còn bà dì, bà này có suy nghĩ gì đâu mà biết yêu cho lắm. Đối với bà, Mariuyt chỉ còn là một cái bóng đen mờ mờ, bà nghĩ đến con mèo, con vẹt mà chắc bà có nuôi, nhiều hơn là nghĩ đến Mariuyt.
Mối đau buồn kín đáo của lão Gilơnormăng càng tăng vì lão chất chứa bên trong, không để lộ cho ai biết tí gì. Nỗi buồn của lão như những cái lò mà người ta mới chế, đốt luôn cả khói. Thỉnh thoảng có người quan tâm một cách vô duyên nhắc đến Mariuyt và hỏi: ông cháu cụ bây giờ ra sao, hay bây giờ làm gì? Ông lão tư sản già ấy gặp lúc đang buồn thì thở dài mà trả lời, gặp lúc muốn ra vẻ vui thì vừa búng tay áo vừa nói: - Ngài nam tước Pôngmecxi đang làm thầy cò thầy kiện ở một xó nào đấy.
Trong khi ông lão hối tiếc thì Mariuyt lại vui thích. Đối với những con người tốt, sự đau khổ làm cho lòng bớt hờn oán. Anh nghĩ đến ông mà không giận, nhưng anh đã quyết định không nhận một xu nào của con người đã xử tệ với cha anh. Cái phẫn uất lúc đầu của anh đã dịu đi chỉ còn thế thôi. Hơn nữa, anh thấy vui thích trong sự đau khổ và muốn đau khổ hơn nữa. Đau khổ vì cha anh. Anh thỏa mãn và thích thú sống kham khổ như vậy. Anh vui vẻ, tự nhủ rằng thế là còn ít đây: rằng đó là một cách chuộc tội và nếu không chịu đau khổ như vậy, thì sau này anh sẽ bị trừng phạt cách khác vì anh đã thờ ơ bội bạc với cha anh, một người cha như vậy. Không lý nào cha anh phải chịu tất cả đau khổ, còn anh thì thảnh thơi sung sướng! Việc làm của anh, sự thiếu thốn của anh thấm vào đâu so với cuộc đời anh dũng của cha anh? Chỉ có một cách gần gụi được tâm hồn của cha anh, giống cha anh, là dũng cảm chống với nghèo khổ như cha anh đã anh dũng chống kẻ thù. Chắc cha anh cũng đã nghĩ như vậy khi giối lại cho anh: con tôi sẽ xứng đáng. Những lời nói ấy, Mariuyt vẫn mang ở trong lòng, tuy anh không đeo ở trên ngực cái bút tích của cha anh đã bị mất.
Cái ngày ông anh đuổi anh, anh còn là một đứa trẻ, bây giờ anh đã là người lớn. Anh cảm thấy như thế. Sự nghèo khổ đã giúp ích cho anh. Nghèo khổ trong tuổi trẻ có cái tốt là hướng tất cả nghị lực vào sự cố gắng và làm cho tâm hồn vươn lên. Nghèo khổ bóc trần cuộc sống vật chất ra trước mặt, làm cho người ta khao khát cuộc sống lý tưởng. Người thanh niên giàu có sẵn trăm trò tiêu khiển sang trọng và thô bỉ: đua ngựa đi săn, nuôi chó đẹp, hút thuốc lá cờ bạc, tiệc tùng và tất cả những cái khác nữa, thỏa thích cái phần thấp kém của tâm hồn và làm hại cái phần cao quý thanh tao. Anh thanh niên nghèo khổ kiếm bữa ăn đã nhọc nhằn, ăn xong chỉ còn có cái thú mơ mộng. Anh đi dự những cuộc giải trí mà Chúa cho không phải mất tiền: anh nhìn trời xanh, không gian, trông sao, ngắm hoa, nhìn những đứa trẻ thơ, nhìn loài người trong đó có anh đau khổ, nhìn thiên nhiên trong đó anh được thảnh thơi. Nhìn mãi nhân loại thấy được lòng người, nhìn mãi thiên nhiên thấy được Chúa. Anh mơ mộng và cảm thấy mình lớn lao, anh lại mơ mộng nữa và cảm thấy lòng dạt dào tình cảm. Từ cái ích kỷ của người đau khổ anh tiến lên chỗ cảm thông của người suy tưởng. Một mối tình cảm cao quý nảy nở trong tâm hồn anh: quên mình và thương xót mọi người. Anh nghĩ đến những thích thú vô cùng mà thiên nhiên dành cho, phung phí cho những tấm lòng rộng mở và không ban cho những tâm hồn khép kín và người triệu phú tinh thần ấy đâm ra thương hại những kẻ triệu phú tiền bạc, ánh sáng tràn vào trí tuệ đến đâu thì căm hờn tan dần đến đấy. Vả lại anh có khổ thật không? Không. Cái cảnh nghèo khổ của một thanh niên không bao giờ là sự khốn khổ đáng thương, bất cứ một người trai trẻ nào dù nghèo khổ đến đâu, với thân thể cường tráng, lành mạnh, bước chân nhanh nhẹn, cặp mắt tinh ranh, dòng máu sôi nổi, mớ tóc đen nhánh, đôi má mơn mởn, miệng cười hồng tươi, hàm răng trắng ngà của anh, cũng làm cho vị hoàng đế già nua cằn cỗi phải thèm thuồng. Mỗi ngày anh mỗi làm việc để kiếm bữa ăn cho ngày ấy; bàn tay anh càng lao động để có ăn chừng nào thì sống lưng anh càng đứng thẳng lên kiêu hãnh, khối óc anh giàu thêm tư tưởng chừng ấy. Công việc làm xong, tâm hồn anh lại chơi vơi trong nguồn vui vô tận của thiên nhiên, lại mơ tưởng, chiêm ngưỡng những cảnh đẹp, lòng vui không tả được. Chân anh bước trong đau khổ, khó khăn, trên gạch đá, trên chông gai, có khi trong bùn thối, nhưng đầu anh vươn lên trong ánh sáng. Anh cương nghị, thanh thản, êm ái, dịu hiền, nghiêm nghị, thoải mái, dễ dàng, rộng lượng. Và anh cảm tạ Chúa đã ban cho anh hai nguồn phong phú mà kẻ giàu không có được: lao động làm cho con người tự do và tư tưởng làm cho con người xứng đáng.
Đó là những điều đã xảy ra đối với Mariuyt. Nói cho đúng, anh cũng hơi quá trầm tư. Từ ngày sinh kế của anh đã có phần chắc chắn, anh không làm hơn nữa, anh thấy rằng thiếu thốn một chút cũng hay, anh làm ít đi để suy nghĩ nhiều hơn. Nghĩa là có những khi cả ngày anh tư lự, trầm ngâm để tâm hồn chìm đắm say sưa trong cõi mênh mông của nội tâm. Anh đã đặt vấn đề đời anh như thế này: làm công việc cụ thể ít nhất để làm những việc vô hình nhiều nhất, nói cách khác là chỉ dành cho cuộc đời thực tại vài giờ còn tất cả để mơ tưởng trong vô tận. Anh cho rằng anh không thiếu gì và không nhận ra rằng mơ mộng kiểu như vậy chung qui chỉ là một hình thức lười biếng, rằng anh mới chỉ khắc phục những yêu cầu đầu tiên của cuộc sống, đã muốn nghỉ ngơi sớm quá.
Nhưng đối với tâm hồn cương nghị và giàu tình cảm của Mariuyt, tình trạng ấy chỉ là chốc lát thôi, khi gặp những rắc rối tất yếu của số mệnh, anh sẽ tỉnh dậy ngay.
Tuy là luật sư anh không biện hộ cho ai cả, cũng không làm thầy cung thầy cò cho ai như lão Gilơnormăng tưởng. Anh còn mải mơ mộng. Gặp gỡ bọn thầy cò, ra tòa án, tìm khách hàng, anh chán những việc ấy lắm. Để làm gì? Không có lý do gì để thay đổi công ăn việc làm cả. Cái cửa hàng sách không tên tuổi kia đã cho anh một việc làm chắc chắn, một việc làm nhẹ nhàng mà anh cho là đủ rồi.
Một trong các chủ hiệu sách đã giao công việc cho Mariuyt là ông Maginen, ngỏ ý muốn Mariuyt đến ăn ở nhà ông ta, ông sẽ có công việc đều đặn cho Mariuyt làm và trả một nghìn năm trăm phơrăng một năm. Đành là tốt! Nhưng mất tự do! Làm một anh làm công! Một văn sĩ làm mướn! Mariuyt nghĩ rằng nhận lời thì đời sống sẽ được khá hơn những cũng hèn hơn, thêm no đủ những bớt phẩm giá. Đem cái đời nghèo khổ trọn vẹn và đẹp đẽ mà đổi lấy một cuộc sống lúng túng xấu xa, khả ố; tựa như một người mù mà hóa chột. Anh không nhận.
Mariuyt sống cô đơn. Anh vốn thích không dính líu đến cái gì và cũng vì bị bất ngờ, bỡ ngỡ, anh quyết định không gia nhập nhóm Ănggiônrátx. Nhưng họ vẫn là những người bạn tốt sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Mà cũng có thế thôi. Mariuyt có hai người bạn thân: một trẻ là Cuốcphêrắc, một già là ông Mabớp. Anh ưa ông Mabớp hơn. Nhờ ông mà có sự biến đổi cách mạng trong người anh, nhờ ông mà anh biết và yêu cha anh. Anh bảo rằng Mabớp đã chữa anh khỏi bệnh thong manh.
Cái ông quản lý nhà chung ấy đã thực sự có tác dụng quyết định.
Tuy nhiên ông cũng chỉ là con người thừa hành bình thản, yên lặng, ý đồ của thượng đế. Như một cái đèn có người mang đến, ông đã soi cho Mariuyt thấy những điều đó mà ông không ngờ; ông là cái đèn chứ không phải là người cầm đèn.
Còn sự biến đổi chính trị trong con người Mariuyt ông Mabớp không thể hiểu được, ông cũng không thể muốn được như vậy và lái đi như vậy.
Sau này ta còn gặp ông Mabớp, cho nên cũng cần nói vài lời về ông ta.
***
IV
ÔNG MABỚP
Cái ngày ông Mabớp bảo Mariuyt: “Chắc chắn là tôi tán thành những xu hướng chính trị” ông đã nói thật cái tâm trạng ấy của ông. Ông bàng quan với tất cả xu hướng chính trị, ông tán thành tất cả, không phân biệt gì, quý hồ là ông được yên tĩnh, cũng như những người Hy Lạp xưa gọi các vị nữ thần Phẫn nộ là những thần Ơmêniđơ, nghĩa là những “nữ thần đẹp tốt và xinh”. Còn xu hướng chính trị của ông Mabớp là yêu say mê cây cối và nhất là yêu sách. Ông cũng có cái hậu tố Ixtơ, không có nó thì không ai có thể sống được trong cái thời đại của ông, nhưng ông không phải là royalixia (bảo hoàng) không phải là bônapáctixtơ (phía bônapactơ theo Napoleon) không phải là sactixtơ (phái hiến chương), cũng không phải là oóctêanixtơ (phái bảo hoàng theo dòng họ Oóclêăng); ông là bukinxtơ (theo nghĩa của tác giả muốn giữ cái hậu tố iste; phái yêu sách vở).
Ông không hiểu được vì sao con người ta có thể căm thù nhau vì những chuyện viển vông như là hiến chương dân chủ, chính thống, quân chủ, cộng hòa… trong khi trên đời có bao nhiêu loài rêu, loài cỏ, loài cây để cho người ta ngắm nghía và bao nhiêu sách in gấp 2 đến gấp 32, mà người ta có thể giở. Nhưng ông luôn muốn làm được việc có ích: giữ sách nhưng mà cũng đọc sách, là nhà thực vật học, nhưng vẫn làm vườn khi quen ông Pôngmecxi, giữa ông và ông đại tá, có một mối đồng cảm vì ông Pôngmecxi chăm các cây hoa, còn ông thì chăm các cây quả. Ông Mabớp đã trồng được những cây lê giồng hạt mà quả ngon như lê Xanh Giécmanh; nhờ ông phối hợp cây mà đã tạo được giống mận mùa hè. Ông đi lễ Chúa vì ưa thích sự êm dịu hơn là vì mộ đạo, cũng bởi vì yêu nét mặt con người, nhưng ghét tiếng ồn ào của họ, chỉ có ở nhà thờ ông mới thấy người tập họp đông mà im lặng.
Hiểu rằng phải có chức vụ gì của Nhà nước, ông đã chọn cái chức vụ quản lý nhà thờ. Và ông cũng không bao giờ yêu được một người đàn bà bằng một củ tuylipơ, hay một người đàn ông bằng một cây endêvia. Ông đã quá sáu mươi tuổi từ lâu, khi có người hỏi ông: - Ông đã lấy vợ bao giờ chưa? – Tôi quên mất rồi – ông đáp. Cũng có đôi khi – ai chẳng có lúc ước mơ như vậy – ông ước: - Giá ta giàu có! Ấy không phải là lúc ông đang nhòm một cô gái xinh, như lão Gilơnormăng, nhưng là đang ngắm một cuốn sách quí giá. Ông sống một mình, có một người ở gái già. Ông mắc bệnh thống phong tuy nhẹ. Khi ông ngủ những ngón tay già tê thấp của ông còng khoằm dưới tấm chăn ông đắp. Ông đã soạn và in được một bộ “Thực vật vùng Côtơrê”, với những tranh phụ bản in màu khá được người đọc ưa thích, bản khắc đồng ông giữ và sách tự ông bán lấy. Một ngày hai ba lần có người đến kéo chuông nhà ông ở phố Mêdiê để mua sách. Mỗi năm ông thu được hai ngàn phơrăng cũng là gần tất cả gia tài của ông. Tuy nghèo, nhưng với thời gian, với sự kiên trì, thắt lưng buộc bụng, ông đã tập hợp được một tủ sách quí đủ loại. Ông ra phố bao giờ cũng cắp trong tay một quyển sách và khi về thường cắp hai. Chỗ ở của ông gồm bốn gian buồng ở tầng nền với một mảnh vườn. Vật trang trí chỉ có những tranh bách thảo lồng khung và những bức danh họa cổ. Nhìn thấy một thanh gươm, một khẩu súng làm ông đủ lạnh toát người. Suốt đời ông không đến cạnh một cỗ đại bác, dù là đại bác trưng bày ở điện Anhvalit. Ông có một bộ máy tiêu hóa bình thường, một người anh là cha xứ. Tóc ông đã bạc, không còn răng trong mồm và trong trí tuệ, người lúc nào cũng run run, giọng nói xứ Pica, một nụ cười của trẻ con, ông dễ sợ hãi và hiền như một con cừu già. Ngoài ra ông không có bạn bè không có chỗ quen nào khác trong xã hội người sống, trừ một ông lão bán sách tên là Roayônở cửa ô Xanh Giắc. Ông mơ ước du nhập giống cây chàm vào nước Pháp. Người ở gái già của ông cũng là một loại người ngây thơ nữa. Bà già ấy vẫn là cô gái đồng trinh. Con mèo của bà, bà gọi là Xuyntăng, nó có thể meo meo bản “Xin thương” của Alêgi ở nhà nguyện Xichxtin, đủ chiếm tất cả trái tim bà và thỏa mãn tất cả yêu cầu tình cảm của bà. Tất cả những ước mơ của bà chưa bao giờ bà vượt quá con mèo của bà. Bà cũng có râu như con mèo đó. Tất cả tự hào của bà là ở cái mớ mũ chụp của bà, lúc nào cũng trắng tinh. Ngày chủ nhật đi lễ về, bà kiểm điểm lại quần áo dài bà mua, những cái áo đã cắt nhưng chưa bao giờ đưa may. Bà biết đọc. Ông Mabớp đã đặt tên cho bà là mụ Pluytác (nhà viết sử nổi tiếng của Cổ Hy Lạp, thế kỷ thứ nhất sau công nguyên).
Ông Mabớp ưa Mariuyt vì Mariuyt trẻ và hiền, làm cho tuổi già của ông thêm ấm áp và cái tính nhút nhát của ông không bị kinh động. Tuổi trẻ và tính hiền dịu đối với ông già như ánh nắng mà không gió. Khi Mariuyt đã ngợp cả lòng về chiến công, vinh quang, thuốc súng, hành quân tới lui và tất cả những trận đánh kỳ diệu mà cha anh đã giáng và bị trả những nhát kiếm ghê gớm thì anh đến thăm ông Mabớp và ông Mabớp kể chuyện người anh hùng trong việc trồng hoa.
Người anh ông, linh mục Mabớp chết hồi 1830, tức thì như khi đêm đến, cả chân trời tối sầm lại trước mắt ông. Viên chưởng khế của ông vỡ nợ, thế là ông mất hết cả món tiền mười nghìn phơrăng gia tài của anh ông và của ông góp lại. Cách mạng tháng bảy đưa ngành sách vào một cuộc khủng hoảng. Trong thời kỳ eo hẹp kinh tế, sách Thực vật là loại hàng người ta ít mua nhất. Tập Thực vật vùng Côtơrê ế hẳn. Hàng tuần không có một khách hàng mua. Đôi khi ông Mabớp rùng mình sung sướng nghe thấy tiếng chuông. Mụ Pluytác buồn bã bảo: “Thưa ông người gánh nước đấy ạ”. Rốt cuộc, một hôm ông Mabớp rời cái phố Mêdie, từ chức quản lý nhà thờ, bỏ Xanh Xuynpixơ, bán một phần, không phải sách mà những bức họa của ông – cái mà ông thiết tha ít hơn – và đến ở một cái nhà ở đại lộ Môngpácnaxơ. Ông cũng chỉ ở đấy có ba tháng vì hai lý do: một là cái tầng dưới và cái vườn một tháng phải trả ba trăm phơrăng, mà ông thì không dám chi quá hai trăm vào khoản tiền thuê nhà; hai là nhà ở gần trường bắn Phatu, cả ngày nghe tiếng súng ông không chịu nổi.
Ông dọn quyển thực vật, các bản khắc đồng, các tập bách thảo sưu tầm, các tập tài liệu và sách và đến ở gần khu Xanpêtrie, trong một cái nhà tranh ở làng Austéclit, tiền nhà năm mươi êquy một năm. Nhà có ba buồng, một cái vườn, một hàng rào, có giếng nước. Nhân dịp dọn nhà này, ông bán hết cả đồ đạc của ông. Hôm dọn đến chỗ ở mới này, ông rất vui và chính tay ông đóng lên tường những chiếc đanh treo các bản khắc và các tập bách thảo. Hôm đó còn thì giờ, ông cuốc vườn và buổi chiều thấy mụ Pluytác ủ rũ và nghĩ ngợi, ông vỗ vai, mỉm cười bảo: “Ái chà! Chúng ta có cây chàm kia mà!”.
Chỉ có hai người khách, ông lão bán sách ở cổng Xanh Giắc và Mariuyt, được tiếp ở túp lều làng Austéclit (trận chiến thắng lớn nhất của Napoleon, thắng liên quân Nga – Áo năm 1805), cái tên quá huyên náo làm ông khó chịu.
Vả lại, như chúng tôi vừa mới chỉ ra, những khối óc quá đam mê một đạo đức hay một cuồng vọng, hoặc cũng thường cả hai, thì rất khó thấm những chuyện thực tế ở đời. Cả số phận của họ, họ cũng không để ý tới. Những sự chuyên chú ấy, đẻ ra một thái độ tiêu cực rất giống như là một triết lý sống nếu là có ý thức. Bóng xế dần, xuống dần như nước trôi đi, rồi người ta sụp đổ mà không biết. Cuối cùng thì người ta cũng thức tỉnh, nhưng muộn màng. Trong khi chờ đợi, người ta hình như giữ thái độ trung lập trong cuộc thách thức giữa hạnh phúc của họ và tai họa của họ. Chính bản thân họ là món đặt cược, thế mà họ lại thờ ơ.
Chính vì thế mà trong khi tất cả hy vọng tắt dần trong cái bóng tối bao phủ xung quanh ông, ông Mabớp vẫn bình thản, cái bình thản có vẻ ngây ngô những rất sâu sắc. Nếp sống tinh thần của ông đều đặn như cái quả lắc đồng hồ đung đưa; khi một ảo tưởng đã lên giây cái đồng hồ thì quả lắc cứ chạy rất lâu, cả khi ảo tưởng đã mất. Đồng hồ không đứng lại tức khắc khi người ta đánh mất cái chìa khóa.
Ông Mabớp có những sự giải trí ngây thơ, những giải trí rẻ tiền và bất ngờ, do những chuyện tình cờ mang đến. Một hôm mụ Pluytác đọc một quyển truyện trong một góc buồng. Mụ đọc to, y như đọc to thì hiểu hơn ấy. Đọc to tức là khẳng định cho mình là mình đọc đây. Có những người đọc rất to như cam đoan với mình những điều mình đang đọc.
Mụ Pluytác đang đọc với tất cả cái năng lực ấy cuốn truyện mụ cầm trên tay. Ông Mabớp nghe lơ đãng.
Đây là chuyện một sĩ quan khinh kỵ binh với một cô gái. Mụ Pluytác đọc đến câu này: “…người yêu phật ý và sĩ quan đầu rồng”… (chữ dragon trong quân đội Pháp chỉ binh chủng khinh kỵ binh, lại có nghĩa thường là con rồng). Rồi mụ ngừng đọc để lau kính.
Ông Mabớp nhắc lại nho nhỏ:
- Phật và rồng, đúng rồi, ngày xưa có một con rồng, từ đáy hang của nó phun lửa ra đốt cháy cả trời. Nhiều ngôi sao đã bị thiêu cháy. Con quái vật này lại có vuốt như vuốt hổ. Phật đã vào trong hang con rồng và đã giác ngộ được con quái vật. Mụ đang đọc một quyển sách hay đấy, mụ Pluytác ạ. Chẳng có chuyện thần thoại nào hay hơn.
Thế rồi ông để trí ông chìm đắm trong một giấc mơ êm ái.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 5 - Chương 5 + 6

NGHÈO, LÁNG GIỀNG GẦN CỦA KHỔ

Mariuyt có nhiều cảm tình đối với ông già chất phác ấy. Ông lão mỗi ngày một thêm nghèo túng và ông bắt đầu lấy làm lạ, ngày càng lấy làm lạ, tuy vậy cũng chưa buồn phiền. Mariuyt thỉnh thoảng gặp Cuốcphêrắc và tìm đến Mabớp. Tuy vậy mỗi tháng cũng… đôi lần.
Mariuyt thích đi dạo chơi lâu một mình ở những đại lộ phía ngoài trung tâm thành phố hay ở quảng trường Săng đơ Mác, hay ở những đường vắng người vườn Luychxămbua. Có khi cả buổi anh đứng ngắm một cái vườn rau, những luống xà lách, đàn gà bới đống phân hay nhìn một con ngựa kéo xe nước. Người qua đường ai cũng phải để ý đến anh, có người thấy anh khả nghi, có dáng đen tối. Chỉ là một chàng thanh niên nghèo đứng vơ vẩn đó thôi.
Một hôm dạo chơi như vậy anh tìm thấy căn nhà Gorbô. Cái nhà hẻo lánh và rẻ tiền ấy hợp với anh, anh đến đấy ở. Những người cùng nhà chỉ biết anh là ông Mariuyt.
Một vài vị tướng chỉ huy của cha anh, một vài bạn cũ của cha anh khi biết anh thì mời anh đến chơi. Mariuyt nhận lời ngay, anh không bỏ lỡ một dịp nào để nhắc đến cha anh; thỉnh thoảng anh đến thăm bá tước Pagiôn, tướng Benlavenơ, tướng Phơririông, điện Anhvalit, cũng ca nhạc và khiêu vũ với họ. Những buổi tối ấy, Mariuyt mặc áo mới; nhưng anh chỉ đến các buổi dạ hội, các buổi vũ ấy những ngày giá buốt vì không có tiền đi xe và chỉ muốn đến với đôi giầy bóng như gương.
Anh thường nói, giọng không có gì chua chát:
- Con người ta như vậy, trong một phòng khách, khắp cả người anh có thể vấy bùn, nhưng đôi giầy thì chớ. Ở đây, muốn được tiếp đón niềm nở, chỉ cần có một điều đừng để ai chê: lương tâm ư? Không, đôi giầy.
Khi người ta mơ mộng thì quên cả mọi thứ say mê, trừ có chuyện lòng thôi. Những cơn sốt chính trị của Mariuyt đã tan biến trong mơ màng. Những ngày cách mạng 1830 đã làm cho anh thỏa mãn, anh dịu đi và cũng giúp vào đó một phần. Anh vẫn giữ nguyên xu hướng của anh nhưng nó êm dịu đi. Nói cho đúng thì anh cũng chẳng còn xu hướng gì rõ rệt, chỉ là một thứ cảm tình thôi. Anh chẳng ở đảng phái nào, đảng phái của anh là đảng nhân loại. Trong nhân loại anh hướng về nước Pháp, trong nước Pháp anh hướng về nhân dân, trong nhân dân anh thiên về phụ nữ. Tất cả lòng thương xót của anh dành cho phụ nữ. Anh ưa lý tưởng hơn hành động, thích một nhà thư hơn một anh hùng, phục một quyển sách kiệt tác như Giốp hơn một sự kiện như Marănggô.
Hơn nữa, sau một ngày trầm tư, khi anh trở về nhà, đi dọc các đại lộ nhìn qua những cành lá, anh thấy không gian vô tận, những ánh sáng không tên, vực thẳm, bóng tối, huyền bí, anh cảm thấy tất cả những gì không thuộc về con người đều thật là nhỏ bé.
Anh tin – và có lẽ được như thế - là anh đã đạt tới sự thật về cuộc đời và triết học của con người, và bây giờ anh chỉ nhìn trời, cái duy nhất mà chân lý có thể nhìn thấy từ đáy giếng. Tuy vậy anh vẫn xây dựng hết kế hoạch này đến mưu đồ khác, những kiến thiết này đến những dự định tương lai khác. Trong trạng thái mơ mộng của Mariuyt ấy, nếu con mắt nào có thể nhìn được vào lòng anh thì sẽ bị chói lòa bởi cái trong sáng của tâm hồn ấy. Thật vậy nếu những con mắt thịt của chúng ta có thể nhìn vào ý thức của người khác, thì ta có thể đánh giá đúng một con người qua những ước mơ hơn là qua ý nghĩ của người ấy. Trong suy nghĩ có ý chí, trong ước mơ thì không có. Ước mơ, điều rất hồn nhiên bao giờ cũng vẫn giữ nguyên hình dạng của tâm hồn ta, cả trong cái lớn lao và trong cái lý tưởng, không có cái gì xuất phát trực tiếp và chân thật nhất từ đáy lòng ta hơn là những khao khát tự nhiên, không suy nghĩ và vô biên vô tận, tới những ánh sáng huy hoàng của số phận. Chính ở những khát vọng ấy hơn là ở những ý nghĩ thận trọng, có lý lẽ và hệ thống, mà người ta nhận thức được bản lĩnh của mỗi người. Ảo vọng của chúng ta giống chúng ta nhất. Mỗi người ước mơ cái không biết được, cái không thể được, theo bản chất của mình.
Vào khoảng giữa năm 1831, mụ già giúp việc quét dọn cho Mariuyt kể với anh rằng người ta sắp đuổi vợ chồng Giôngđơret, cái gia đình nghèo khổ ở ngay sát vách buồng của anh. Mariuyt hàng ngày vắng nhà từ sáng đến tối cũng không hay rằng có cái gia đình ấy là hàng xóm của anh. Anh hỏi mụ già:
- Sao người ta lại đuổi họ?
- Vì họ thiếu tiền nhà, họ thiếu hai kỳ rồi.
- Hai kỳ là bao nhiêu tiền?
- Hai mươi phơrăng.
Mariuyt có ba mươi phơrăng để dành trong ô kéo.
- Này bà, hai mươi phơrăng đây, bà trả tiền nhà cho họ và cho họ năm phơrăng, nhớ đừng bảo là của tôi.
***
VI
NGƯỜI THAY CHÂN
Tình cờ cái trung đoàn của trung úy Têôđuyn về đóng ở Paris. Việc ấy làm cho bà dì Gilơnormăng nảy ra một sáng kiến thứ hai. Lần trước bà đã nghĩ ra việc nhờ Têôđuyn theo dõi Mariuyt, lần này bà âm mưu đem Têôđuyn thế chân Mariuyt.
Cầu may phòng khi người ông muốn cần một gương mặt trẻ trong nhà – những tia sáng bình minh đôi khi cũng êm ái giữa cảnh hoang tàn đổ nát – cũng nên có Mariuyt khác. Cô Gilơnormăng nghĩ: thế cũng hay, một sự đính chính như trong các cuốn sách mình vẫn thấy; Mariuyt xin đọc là Têôđuyn.
Cũng là cháu cả, cháu gọi bằng ông cụ thì cũng gần như cháu ngoại, không có thằng cháu luật sư thì có thằng cháu khinh kỵ binh cũng chẳng sao.
Một buổi sáng khi ông lão Gilơnormăng đương đọc một tờ báo, hình như là tờ Côtiđiêng, bà con gái vào và nói với giọng êm ái nhất, vì nói về đứa cháu nuông của bà:
- Thưa cha, sáng nay Têôđuyn sẽ đến thăm và chào cha.
- Têôđuyn, ai thế?
- Têôđuyn cháu gọi là ông cụ đó mà.
Lão Gilơnormăng mới nhớ ra:
- À.
Rồi lão lại đọc báo, mà chẳng nghĩ gì đến người cháu Têôđuyn nào ấy nữa; mỗi khi đọc báo, lão thường hay bực tức. Tờ báo lão đang đọc là một tờ báo bảo hoàng – tất nhiên rồi – đăng tin rằng ngày hôm sau sẽ có một buổi họp của sinh viên trường thuốc và trường luật ở quảng trường Păngtêông, vào giữa trưa. Sinh viên sẽ thảo luận về vấn đề những cỗ pháo của đội cảnh vệ quốc gia, bàn về mâu thuẫn giữa ông thượng thư bộ binh và “Thành đội dân quân” về vấn đề những cỗ súng đại bác đặt ở trong sân điện Lơ Luvrơ. Sinh viên phải thảo luận về vấn đề này. Cái tin như vậy đủ làm cho lão Gilơnormăng nổi nóng.
Lão nghĩ đến Mariuyt, Mariuyt cũng là sinh viên, chắc Mariuyt cũng sẽ đến “thảo luận giữa trưa ở quảng trường Păngtêông”.
Lão Gilơnormăng đang tưởng tượng cái điều buồn bực ấy thì trung úy Têôđuyn vào. Anh mặc thường phục kiểu thị dân, để cho vừa mắt lão; bà cô nhẹ nhàng dẫn cháu vào. Chàng trung úy nghĩ thầm: lão trượng không đặt hết tiền vào quỹ thực lợi chung thân, thỉnh thoảng hóa trang như thế này cho vừa ý lão cũng có khi lợi.
Bà cô Gilơnormăng cất cao tiếng, nói với cha:
- Cháu Têôđuyn của cha đây.
Và bà nói nhỏ với Têôđuyn:
- Cứ tán thành tất nhé!
Rồi bà trở ra.
Trung úy Têôđuyn không quen có những cuộc gặp gỡ trịnh trọng như vậy, rụt rè nói:
- Lạy ông ạ.
Và chào, bắt đầu theo kiểu nhà binh, kết thúc theo kiểu thị dân.
- À, cháu đấy à, được, cháu ngồi chơi, lão Gilơnormăng nói.
Lão nói thế rồi quên phắt thằng cháu kỵ binh.
Têôđuyn ngồi xuống, lão Gilơnormăng đứng lên. Lão đi đi lại lại trong phòng, hai tay bỏ túi, nói oang oang một mình, những ngón tay bứt rứt luôn luôn mân mê hai chiếc đồng hồ ở trong hai cái túi con.
- Hừ, cái bọn nhãi ranh ấy! Cái ngữ ấy bàn họp nhau ở quảng trường Păngtêông! Bọn nhãi nhép hôm qua hãy còn ôm vú mẹ! Giá bóp mũi chúng thì sữa lại toài ra! Thế mà ngày mai lại họp hội nghị thảo luận giữa trưa! Thế này rồi sẽ đến đâu? Sẽ đến đâu? Rõ ràng là đến vực thẳm! Đó bọn tháng Mười đã đưa chúng ta đến đó. Pháo binh nhân dân! Bàn về pháo binh nhân dân, ra giữa quảng trường thảo luận về những tiếng đì đẹt của quốc dân quân! Bàn với ai? Chủ nghĩa Giacôbanh dẫn người ta đến chỗ ấy đấy, thấy không? Tôi dám đánh cuộc một triệu đổi một cọng rác là ở đó chỉ có bọn đầu trộm đuôi cướp, bọn khổ sai mãn hạn. Cộng hòa và tù khổ sai cũng như mũi với khăn. Cacnô hỏi: Mi muốn ta đi đâu? Quân phản bội! Phousê đáp: Mi muốn đi đâu thì đi, đồ ngu! Đấy bọn cộng hòa là như thế đấy.
- Thưa ông đúng thế.
Lão Gilơnormăng khẽ quay đầu, nhìn Têôđuyn rồi lại tiếp:
- Nghĩ đến cái thằng ngốc đi theo bọn cộng hòa mà tức! Sao lại bỏ nhà tao mà đi? Để làm một tên cộng hòa à? Chào! Dân chúng có ưa gì cái cộng hòa ấy, dân chúng đứng đắn, dân chúng thừa biết rằng bao giờ cũng có vua, dân chúng biết rằng dẫu sao mình chỉ là dân, họ thiết gì cái thứ cộng hòa của chúng mày, đồ ngốc, nghe chưa. Ghê tởm chưa! Cái trò chơi ấy. Mê lão Đuysênơ (tên một tờ báo cực tả hồi cách mạng Pháp 1789. Trong cách mạng 1848 và 1871- công xã Paris cũng có những tờ báo lấy tên này). Liếc mắt đưa tình cho cái máy chém, đàn và hát dưới bao lơn của 93, ta muốn phỉ nhổ vào cái bọn nhãi ranh ấy. Sao chúng nó ngu xuẩn thế! Chúng nó đều đi đến đấy cả, không đứa nào thoát! Chỉ thở cái không khí ngoài đường là chúng mày đủ hóa rồ rồi. Cái thế kỷ XIX này rất độc. Thằng nhãi con nào cũng để cái kiểu râu dê già ấy, rồi cho là mình ghê lắm, rồi chẳng kể gì cái thứ cha mẹ già này. Thế là cộng hòa đấy, thế là lãng mạn đấy. Lãng mạn là cái gì, anh hãy bảo hộ tôi lãng mạn là cái gì? Tất cả mọi thứ điên cuồng. Một năm trước họ đổ xô đi xem kịch Hecmaini (kịch lãng mạn của tác giả, xem phần tiểu sử, chung quanh kịch này có những cuộc tranh luận kịch liệt). Hecmaini là cái thứ kịch gì hử? Những phản đề, những ngu xuẩn cũng không phải viết bằng ngôn ngữ của nước Pháp nữa. Rồi thời đại này những chuyện cướp đường như thế đấy.
- Thưa ông, ông nói rất phải – Têôđuyn nói xen vào.
Lão Gilơnormăng tiếp:
- Đại bác ở trong sân viện Bảo tàng! Hừ! Thưa để làm gì? Ông Súng, ông đến đấy làm gì! Để bắn vào tượng Apôlông Benvêđe à? Còn các ông thuốc súng thì có việc gì với nàng Vênuytx đời mêđixi (những tượng thần nổi tiếng ở viện bảo tàng Lơ Luvrơ) chứ? Cái bọn thanh niên ngày nay, thật là quân kẻ cướp. Còn ai vô nghĩa lý bằng cái tên Bengiamanh Côngxtăng của chúng! Cái bọn chúng không vô lại thì là ngốc! Chúng tự làm cho xấu đi, quần áo lôi thôi lốc thốc, không ra hình người, trông thấy phụ nữ thì mất vía, ve gái thì như van xin làm cho các cô ả không nín cười được. Đúng là những thằng mê gái thiểu não. Chẳng ra cái dáng dấp gì và cũng ngu đần như nhau nên bổ sung cho nhau. Chúng luôn mồm nhắc những trò chơi chữ của Tiexôlăng và Pôchiê, khoác những cái áo thùng thình những chiếc ghi lê của mã phu, áo sơ mi vải thô, những quần dạ thô, những giầy da thô, người làm sao thì chiêm bao làm vậy, lời ăn tiếng nói của chúng có thể lấy để thay những đế giầy tã của chúng. Thế mà tất cả cái bọn nhãi ranh ấy lại làm chính trị. Phải cấm hẳn không cho chúng nó có chính kiến. Chúng nó bịa đặt những lý thuyết này nọ, chúng muốn thay đổi xã hội, chúng muốn tiêu diệt chế độ quân chủ, chúng vứt bỏ cả pháp luật, chúng đảo lộn tất cả đầu xuống đít, đít lên đầu, cho thằng gác cổng làm vua. Chúng xô đẩy cả châu Âu, chúng muốn nhào nặn lại trái đất, mỗi khi nhìn trộm được hai cái bắp chân của những ả thợ giặt đang trèo lên xe bò thì chúng cho đó là những hạnh ngộ về ái tình. Chao! Mariuyt, cái thằng khố rách đi hò hét giữa đường. Rồi thảo luận, rồi quyết nghị những biện pháp! Chúng gọi những cái đó là biện pháp, quỉ thần ơi! Cái hỗn độn cũng thấp bé đi rồi và trở thành ngu ngốc rồi. Lão đã từng thấy hỗn độn, bây giờ lão thấy tường nát đây. Bọn trẻ ranh thảo luận về đội cảnh vệ quốc dân quân, bọn mọi ôgibêva và cađôđaxơ cũng không làm thế! Bọn mọi rợ trần truồng đội mũ như quả cầu bông, một cái chùy buộc vào cẳng, cũng không ngu độn như những cậu tú tài ấy! Những đồ nhãi đáng 4 xu, mà nào “xét rằng” nào “quyết nghị” và thảo luận, cãi lẽ! Trời sắp đổ sụp, đến lúc tận thế rồi! Cái trái đất khốn khổ này sắp chết. Phải có một cơn nấc lên, chính nước Pháp đương thở cái hơi thở dốc cuối cùng ấy. Thảo luận, cứ thảo luận nữa đi các con ạ. Chúng còn đọc báo dưới vòm nhà hát Olêông thì chúng còn thảo luận. Chúng mất một xu thôi và mất cả lẽ phải, mất cả lương tri, mất cả lý trí, tình cảm, cả tâm hồn, mất cả gia đình. Báo chí toàn là đồ thổ tả, cả Cờ trắng (báo bảo hoàng nhưng theo Gilơnormăng thì chưa bảo hoàng đúng mức) nữa. Thực ra Máctanhvin là một tên giacôbanh. Trời ơi! Mariuyt, mày có thể đi khoe khoang rằng mày đã làm cho ông mày thất vọng.
- Thật đúng quá. – Têôđuyn nói.
Trong khi lão Gilơnormăng còn phải ngừng lại để lấy hơi, chàng khinh kỵ binh lợi dụng thời có dõng dạc nói tiếp:
- Phải cấm hết tất cả các tờ báo, chỉ để Mônitơ và chỉ cho đọc một quyển sách: quyển Niên biểu nhà binh.
Lão Gilơnormăng nói tiếp:
- Cũng như cái thằng cha Xiêdét của chúng. Giết vua để rồi làm một nguyên lão nghị viên. Bọn chúng rồi thế cả. Mày, tao, đồng chí, rồi cuối cùng lại: thưa ngài bá tước. Ngài bá tước to bằng cánh tay, bọn sát nhân tháng chín! Nhà triết học Xiêdét! Lão phải công bằng với chính mình để nói rằng chẳng bao giờ lão coi những triết học của tất cả bọn triết gia ấy hơn cặp kính của tên hề ở Tivôli. Ta đã thấy trên bến Malake bọn nguyên lão nghị viên mặc áo khoác nhung tím thêu ong, với những cái mũ kiểu Hăngri IV. Thật là dị hợm. Có thể nói đó là những chú khỉ ở triều đình cọp. Các ngài công dân này, lão tuyên bố cái tiến bộ của các anh là điên cuồng, nhân đạo của các anh là mơ mộng, cách mạng của các anh là tội lỗi, cộng hòa của các anh là một con quái vật, nước Pháp non trẻ đồng trinh của các anh từ nhà thổ mà ra. Dù các anh là nhà báo, là nhà kinh tế, nhà luật pháp, nhà gì đi nữa, dù các anh có làu thông về tự do, bình đẳng, bác ái hơn cái lưỡi máy chém, ta cũng nói thẳng vào mặt các anh như thế. Các anh nghe chưa.
Chàng trung úy hô to lên:
- Chao ôi! Thật là tuyệt, thật là chân lý rực rỡ.
Lão Gilơnormăng bỗng dừng cánh tay đương ra bộ, quay lại, nhìn vào mắt chàng khinh kỵ binh và nói:
- Anh là một thằng ngốc!


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 6 - HAI NGÔI SAO GẶP NHAU

Chương 1 + 2

BIẾM DANH: CÁCH HÌNH THÀNH CỦA TÊN TỘC HỌ

Mariuyt hồi ấy là một chàng trai xinh đẹp, người tầm thước, tóc dày và đen nhánh, trán cao và thông minh, hai lỗ mũi rộng, say sưa, vẻ chân thật và bình tĩnh: tất cả diện mạo tỏa ra một tinh thần tự cao, trầm tưởng và thơ ngây. Trông nghiêng thì đường nét của chàng tròn trịa nhưng vẫn rắn rỏi. Gương mặt chàng có cái dáng hiền dịu. Nhật-nhĩ-man đã qua con đường Andát Lôrên mà thấm vào vẻ mặt Pháp. Gương mặt đó không mang góc cạnh, khiến người ta dễ nhìn ra người Nhật-nhĩ-man giữa những người La Mã và đó cũng là điểm khác nhau giữa giống sư tử và giống phượng hoàng. Chàng đang ở cái mùa đời mà trí tuệ của con người có suy nghĩ gồm cả hai phần sâu sắc và thơ ngây bằng nhau. Gặp việc quan trọng, chàng dễ ngớ người ra; nhưng khi quay được cái chìa khóa giải quyết, thì chàng có thể trở thành rất cao sâu. Cử chỉ của chàng dè dặt, lạnh lùng, lễ phép, ít cởi mở. Vì miệng chàng rất có duyên, môi thắm nhất, răng trắng nhất thiên hạ, cho nên nụ cười của chàng sửa chữa được vẻ nghiêm nghị trên mặt. Có lúc cái nụ cười say đắm ấy, phản lại một cách lạ lùng vầng trán trắng trong. Mặt chàng nhỏ, nhưng cái nhìn thật lớn.
Trong thời kỳ túng thiếu nhất, chàng thấy mỗi khi chàng đi qua, con gái ngoảnh lại nhìn, thế là chàng rảo bước đi nhanh hay trốn tránh, lòng tê tái; chàng cho rằng họ cười bộ quần áo cũ của chàng; sự thực thì những cô gái ấy nhìn chàng vì thấy chàng xinh trai và mơ ước thầm trong lòng.
Sự hiểu lầm thầm lặng về những cô qua đường xinh xắn ấy làm cho chàng lạnh lùng, khó tính; chàng không để ý đến một phụ nữ nào vì lẽ rất dễ hiểu là chàng lẩn tránh tất cả. Cuộc sống ấy cứ kéo dài mãi, Cuốcphêrắc cho chàng là ngu độn.
Cuốcphêrắc còn bảo chàng: - Thôi mày đừng làm ra vẻ mô phạm nữa (họ đã bắt đầu gọi nhau mày tao biểu hiện của tình bạn trẻ trung). Tao khuyên mày bớt vùi đầu vào sách vở, hãy ngẩng nhìn bọn con gái một chút, họ cũng có lắm cái hay, Mariuyt ạ. Cứ đỏ mặt và lẩn trốn hoài rồi mày đến thành đần độn mất.
Nhiều khi Cuốcphêrắc gặp chàng chào:
- Kính chào ông tu viện trưởng.
Mỗi khi Cuốcphêrắc nói với Mariuyt tương tự như thế thì Mariuyt tám ngày liền tránh không gặp một người đàn bà nào, trẻ hay già cũng vậy và càng tránh Cuốcphêrắc.
Nhưng dưới gầm trời mênh mông, có hai người đàn bà mà Mariuyt không tránh mặt và cũng không để ý tới. Đáng ra nếu ai bảo đó là đàn bà thì chắc Mariuyt rất ngạc nhiên. Một người là mụ già có râu vẫn quét dọn buồng chàng - Cuốcphêrắc thường nói đùa: thấy mụ người ở mang râu rồi, Mariuyt không mang nữa – Người kia là một cô gái nhỏ mà Mariuyt gặp luôn nhưng không nhìn bao giờ.
Từ hơn một năm nay, Mariuyt thấy trong vườn Luychxămbua, ở cái lối đi vắng vẻ nhất, dọc theo bờ tường khu Ươm cây, một người đàn ông và một cô gái nhỏ, lúc nào cũng ngồi với nhau trên một chiếc ghế dài ở đầu đường ít người qua lại, về phía phố Uét. Mỗi lẫn đi chơi ở vườn Luychxămbua, ngẫu nhiên – sự ngẫu nhiên của những người đi dạo để trầm tư – mà Mariuyt bước chân vào cái lối đi ấy, bao giờ chàng cũng gặp hai người đó. Người đàn ông trạc độ sáu mươi tuổi, có vẻ buồn rầu và nghiêm nghị, với cái vóc dáng khỏe mạnh và mệt mỏi của con nhà lính đã giải ngũ; giá có đeo một cái huy chương thì Mariuyt tin chắc là một sĩ quan về hưu. Trông ông ra vẻ hiền lành, nhưng khó đến gần, ông không để mắt nhìn một ai cả. Ông mặc một cái quần xanh, một áo dài xanh, đội một cái mũ rộng vành, lúc nào cũng như mới cả, một cái cà vạt đen và một cái sơ mi của người quê-cơ (giáo sĩ của một giáo phái đạo Tin lành thịnh hành ở Mỹ, Anh) nghĩa là trắng toát nhưng bằng vải thô. Một cô ả lẳng lơ một hôm qua đấy nói: ông lão góa này trông cũng sạch mắt đấy. Tóc ông đã bạc cả.
Lần đầu tiên Mariuyt gặp cô gái đến cùng ông già ngồi trên chiếc ghế quen thuộc của họ thì cô bé mới trạc độ mười ba, mười bốn tuổi, gầy gầy đến nỗi trông ra xấu, vụng về, chẳng có ý vị gì, chỉ có đôi mắt hứa hẹn sẽ khá đẹp. Nhưng đôi mắt đó lúc nào cũng mở to nhìn không chút e lệ cho nên khó chịu. Quần áo thì nửa là bà già, nửa là trẻ con, kiểu quần áo của con gái ở nhà tu, cái áo dài len thô màu đen, may cắt vụng. Hai người có vẻ là hai bố con.
Hai ba hôm Mariuyt để ý nhìn hai bố con người ấy, người bố tuy già nhưng chưa ra vẻ ông lão, cô con gái thì chưa ra vẻ người lớn. Về sau chàng không để ý đến họ nữa. Còn hai người đó thì hình như không trông thấy Mariuyt, họ nói chuyện với nhau bình tĩnh, thản nhiên. Cô bé thì cười nói luôn mồm, ông già ít nói, thỉnh thoảng đăm đăm nhìn cô bé với tất cả lòng trìu mến khó tả của một người cha.
Theo thói quen, Mariuyt luôn luôn dạo chơi ở lối đi ấy. Không lần nào chàng không gặp hai cha con ông già.
Sự việc diễn ra thế này.
Mariuyt thường hay đi từ đầu cái lối đi mà ở cuối lối có ghế họ vẫn ngồi. Anh đi suốt dọc lối đó, qua mặt họ rồi lại quay trở lại cho đến nơi xuất phát và cứ thế làm lại. Trong mỗi cuộc đi dạo chơi, anh đi đi lại lại như vậy năm sáu lần và mỗi tuần anh đi dạo năm sáu bận. Nhưng chưa bao giờ anh với họ trao đổi một lời chào hỏi. Nhân vật ấy và người con gái, mặc dù có vẻ tránh con mắt mọi người, hoặc giả chính vì thế cũng nên, vẫn được năm sáu sinh viên tự nhiên chú ý, những sinh viên thỉnh thoảng đi dạo chơi dọc lối khu Ươm, bọn chăm học thì sau buổi lên lớp, bọn khác thì sau cuộc bi-a. Cuốcphêrắc ở trong số những anh ham chơi, có quan sát họ một độ, sau thấy cô bé xấu xí, thì vội vàng và cẩn thận lảng đi. Anh chạy trốn như người kỵ sĩ, dừng trước đà đao, phóng lại một cái tên chế giễu. Cuốcphêrắc chú ý cái áo dài đen của cô bé và mái tóc bạc của ông già, nên gọi cô gái là cô La Noa và ông già là ông Lơ Blăng (cô Đen; ông Trắng); không ai biết tên họ hai cha con người ấy, cái tên biếm La Noa và Lơ Blăng thành ra tên của họ. Bọn sinh viên bảo nhau: - Ồ! Ông Lơ Blăng đã đến ngồi ghế rồi – Mariuyt cũng thuận mồm gọi ông già không quen ấy là ông Lơ Blăng.
Chúng tôi cũng theo họ gọi ông Lơ Blăng cho tiện kể.
Hầu như hôm nào cũng vậy, Mariuyt gặp họ vào một giờ bất di dịch ở cái ghế ấy, suốt năm đầu. Chàng thấy ông già người cũng dễ ưa, nhưng cô bé mặt mày khó mến.
* * *
II
ÁNH SÁNG ĐÃ ĐẾN
Năm thứ hai, là lúc câu chuyện của chúng ta đến quãng này, tự nhiên Mariuyt không đi dạo chơi ở vườn Luychxămbua nữa. Chàng cũng chẳng biết vì lẽ gì có sự thay đổi ấy. Sáu tháng liền chàng không để chân trên cái lối đi cũ trong vườn. Nhưng một hôm, một buổi sáng hè tươi đẹp chàng lại tới đó. Mariuyt thấy lòng vui vẻ trước cảnh trời tươi đẹp. Lòng chàng rộn rã những tiếng chim hót trên cành và tươi sáng như những mảnh trời xanh sau kẽ lá.
Chàng tiến thẳng đến lối cũ của mình, đến cuối đường chàng lại thấy, cũng trên cái ghế cũ, hai người quen thuộc. Đi gần đến nơi chàng nhận rõ vẫn ông già ấy, không thay đổi gì, nhưng cô gái thì hình như không phải cô bé năm trước. Cô gái bây giờ là một cô gái lớn và đẹp, có cái hình dáng xinh xắn của người đàn bà mà vẫn còn vẻ thơ ngây của tuổi nhỏ, nàng đang ở cái tuổi dậy thì thoáng qua, trong sáng: cái tuổi mười lăm. Mái tóc nàng hung nâu đẹp vô cùng với những đường vân vàng óng ả, trán nàng trắng như cẩm thạch, má mơn mởn như cánh hồng, thắm nhạt và trắng mượt mà, miệng xinh nở nụ cười trong sáng, giọng nói êm như tiếng đàn, cái đầu đáng làm mẫu cho Raphanen vẽ Maria đặt trên cái cổ mà Giăng Gugiông ưng tạc cho Vênuytx. Để tăng thêm vẻ hấp dẫn cho bộ mặt xinh tươi ấy, cái mũi không đẹp nhưng mà xinh, cái mũi không thẳng, không cong, không giống mũi người Ý cũng chẳng giống mũi người Hy, cái mũi của người thiếu nữ thủ đô thông minh, thanh tao, trong trẻo và không mẫu mực làm cho họa sĩ thất vọng và nhà thơ say mê.
Khi Mariuyt đi qua gần nàng, chàng không nhìn thấy mắt nàng, vì mắt nàng luôn luôn nhìn xuống. Chàng chỉ trông thấy hàng mi hung nâu kín đáo và e lệ.
Nhưng người thiếu nữ vẫn mỉm cười nghe ông già tóc bạc nói chuyện; không gì đẹp bằng nụ cười khi đôi mắt e lệ nhìn xuống.
Lúc đầu Mariuyt cho rằng thiếu nữ là một cô con gái khác của ông già, chắc hẳn là chị cô bé năm trước. Nhưng theo thói quen đi dạo, Mariuyt lần sau lại đến gần chiếc ghế, chàng nhận rõ vẫn là cô bé năm trước. Sáu tháng qua, cô gái nhỏ đã thành một thiếu nữ, thế thôi. Chuyện cũng rất thường. Có lúc những cô gái nhỏ nở bừng ra như những đóa hồng. Hôm qua còn là trẻ con, hôm nay đã làm cho người ta bối rối. Cô gái không những lớn lên, còn duyên dáng xinh đẹp lên nữa. Tiết tháng tư, chỉ cần ba hôm là một cái cây phủ đầy hoa, sáu tháng đủ cho cô kia khoác một lốt đẹp.
Một đôi khi có những người nghèo khổ, hèn mọn bỗng nhiên như bừng tỉnh, từ nghèo hèn trở thành sang trọng, tiêu tiền như nước, rộng rãi, huy hoàng. Đó là vì họ đã lĩnh được lợi tức. Kỳ lĩnh đến hôm qua. Cô thiếu nữ này cũng vậy. Cô đã lĩnh được khoản lục cá nguyệt bổng.
Không phải là cô nữ sinh ký túc với cái mũ nhung xù, cái áo len thô, đôi giầy học trò và bàn tay đỏ nữa. Nàng đẹp ra và lại thêm ý nhị, ăn mặc thanh nhã, sang mà giản dị, không kiểu cách, nàng mặc một cái áo nhiễu đen, một cái áo khoác cùng một thứ hàng, mũ trắng cũng bằng nhiễu. Đôi găng trắng để lộ rõ bàn tay búp măng, đang mân mê một cái cán dù bằng ngà Trung Hoa, đôi giày lụa nhỏ che đôi chân xinh xắn. Người nàng tỏa một mùi hương trẻ trung và thấm thía.
Còn ông già thì vẫn không thay đổi gì.
Lần thứ hai, Mariuyt đến gần nàng, người thiếu nữ ngẩng mặt lên; mắt nàng xanh thăm thẳm như da trời, nhưng trong cái màu trời xanh che đậy đó vẫn còn ánh của tuổi thơ. Nàng thản nhiên nhìn Mariuyt cũng như nhìn đứa bé đang chạy chơi dưới hàng cây sung hay chiếc bình cẩm thạch in bóng trên ghế nàng ngồi; còn Mariuyt thì vẫn bước đi thơ thẩn nghĩ đến chuyện khác.
Chàng đi qua như vậy bốn năm lần nữa trước ghế của nàng, nhưng chẳng hề quay đầu nhìn.
Những ngày sau, chàng vẫn dạo chơi ở vườn Luychxămbua, vẫn gặp “ông bố và cô gái” nhưng không để ý đến nữa. Chàng không để ý đến người thiếu nữ đẹp bây giờ cũng như không để ý đến cô gái nhỏ xấu trước kia. Chàng vẫn theo thói quen đi gần sát chiếc ghế.


PHẦN 3 - QUYỂN 6 - Chương 3 + 4

VÌ MỘT NGÀY XUÂN

Một hôm trời ấm, vườn Luychxămbua đầy bóng râm và ánh nắng, trời trong vắt như có một toán thiên thần đã rửa sạch lúc sớm mai. Chim hót ríu rít trong cành cây dẻ. Mariuyt mở rộng tâm hồn chào đón cảnh vật, chàng không tư lự gì, hồn nhiên hít thở và tận hưởng cuộc sống. Chàng đi qua gần chiếc ghế quen. Thiếu nữ ngẩng đầu nhìn chàng, hai cặp mắt gặp nhau.
Ánh mắt của thiếu nữ lần này ngụ ý gì? Mariuyt không sao nói được. Không ngụ ý gì mà cũng là tất cả. Thật là một tia chớp lạ lùng.
Nàng cúi mặt, còn chàng thuận bước cứ đi.
Cặp mắt chàng vừa thấy không phải là cặp mắt thơ ngây chất phác của trẻ con, nhưng là một cái vực thẳm huyền bí thoáng mở ra rồi khép lại.
Trong đời mỗi thiếu nữ đều có một đôi lần đôi mắt nhìn như vậy. Tai họa cho người nào đứng đó.
Cái khóe mắt đầu tiên của một tâm hồn còn tự tìm mình ấy chẳng khác gì ánh bình minh trên trời, một cái gì chói lọi và bí ẩn đang dâng lên. Không sao tả được cái vẻ quyến rũ nguy hiểm của tia sáng bất ngờ vừa rọi trên những bóng tối êm ái đáng yêu, sức quyến rũ của một thứ tình hôm nay còn thơ ngây nhưng ngày mai sẽ say đắm. Đó là một thứ trìu mến mơ hồ, ngẫu nhiên nảy nở và chờ đợi, là một cạm bẫy vô tình của tuổi thơ, không chủ tâm bẫy những trái tim mà cũng không hay rằng có những trái tim đã vướng mắc. Một cô gái đồng trinh với cái nhìn của một thiếu phụ.
Một khóe mắt như vậy rơi vào đâu chẳng khỏi gây nên mơ mộng. Tất cả trong trắng, tất cả say mê chung đúc trong các tia sáng thần tiên có sức quyến rũ mãnh liệt ấy, hơn tất cả những khóe mắt đưa tình tinh luyện của những ả lẳng lơ, có phép nhiệm màu làm bừng nở trong đáy lòng người bông hoa ngào ngạt hương thơm mà cũng ngấm ngầm chất độc: bông hoa tình ái.
Chiều hôm ấy, trở về gian phòng tồi tàn, Mariuyt nhìn lại quần áo của mình và lần đầu tiên, chàng nhận thấy chàng lại có thể thô tục, vô ý, ngớ ngẩn đến mức ấy, đi dạo chơi ở vườn Luychxămbua với bộ áo “hàng ngày” ấy, một cái mũ nát, một đôi giầy phu xe, một cái quần đen bạc thếch ở đầu gối, một cái áo đen khuỷu đã phai màu.
* * *
IV
BẮT ĐẦU TƯƠNG TƯ
Ngày hôm sau, đến giờ thường lệ, Mariuyt mở tủ lấy chiếc áo mới, chiếc quần mới, chiếc mũ mới và đi đôi giầy mới, mặc tất cả bộ đồ đầy đủ ấy, đeo găng tay, xa xỉ phẩm bậc nhất của chàng và đi đến vườn Luychxămbua.
Giữa đường chàng gặp Cuốcphêrắc nhưng làm như không nhìn thấy. Cuốcphêrắc về nhà nói với bạn: tao vừa gặp cái mũ mới, chiếc áo mới của Mariuyt và hắn ta ở trong đó. Chắc Mariuyt đi dự kỳ thi, trông nó đến ngớ ngẩn.
Đến vườn Luychxămbua, Mariuyt dạo một vòng xung quanh bể nước, nhìn những con thiên nga lượn trên mặt nước, rồi đứng trầm ngâm rất lâu trước pho tượng đầu đen những mốc và đã mất một bên hông. Gần bể nước có một người tư sản trạc bốn mươi tuổi, bụng phệ, dắt tay một đứa nhỏ chừng năm tuổi, ông ta bảo con: - “Con hãy nhớ phải tránh những điều quá trớn, nên ở lưng chừng giữa chuyên chế và vô chính phủ”. Mariuyt để ý nghe người tư sản nói rồi chàng lại đi vòng bể nước một lần nữa. Cuối cùng chàng tiến về phía cái “lối đi của chàng”, lững thững, như có ý e ngại, hình như có cái gì lôi kéo chàng đi mà cũng có cái gì cản chàng lại. Chàng vô tình không nhận thấy gì và tưởng rằng cũng đi như mọi ngày thôi.
Bước vào lối đi, chàng thấy ở đầu kia, trên cái ghế quen thuộc, ông Lơ Blăng và thiếu nữ. Chàng cài khuy áo lê đến tận cổ, ưỡn ngực cho áo phẳng không nếp nhàu, nhìn khoái chá hai ống quần óng ánh tuyết len và tiến về phía chiếc ghế dài. Cái dáng tiến lên của chàng như có vẻ tấn công và muốn chinh phục; có thể nói chàng tiến đến chiếc ghế như Anniban tiến vào La Mã.
Nhưng chàng vẫn bước đi tự nhiên như vậy, óc nghĩ đến những công việc đang làm. Chàng nghĩ đến quyển sách Khóa trình tú tài, chàng cho là quyển sách thật ngớ ngẩn, những người soạn sách chắc ngu dốt đặc biệt vì họ phân tích coi đó là kiệt tác của nhân loại ba bi kịch của Raxin và độc một hài kịch của Môlie thôi. Đi gần đến chiếc ghế, chàng ưỡn ngực cho căng thẳng nếp áo và đăm đăm nhìn thiếu nữ. Hình như tất cả một đầu lối đi vì nàng mà sáng rực lên một ánh sáng lam mờ.
Càng tiến đến gần, chàng càng bước chậm lại. Đến một quãng, cách cuối lối còn khá xa, chàng dừng lại và cũng không biết vì sao, chàng quay trở lại. Chàng cũng không hề tự nhủ chàng đừng đi đến cuối lối. Thiếu nữ mới thoáng thấy chàng ở xa và thoáng thấy cái vẻ lịch sự của chàng trong bộ áo mới. Còn chàng thì bước đi rất ngay ngắn để cho ra vẻ, phòng khi có ai ở đằng sau chú ý nhìn theo mình.
Mariuyt đi tới đầu kia lối đi, rồi quay trở lại và lần này tiến đến gần chiếc ghế hơn. Chàng đến chỉ còn cách ba gốc cây, nhưng đến đấy chàng bỗng thấy không thể tiến xa hơn nữa và chàng do dự. Chàng thấy hình như thiếu nữ nghiêng mặt về phía chàng. Chàng gắng hết nghị lực, khắc phục do dự, cương quyết tiến lên phía trước. Vài giây sau chàng đi qua chiếc ghế, ngay ngắn, nghiêm nghị, đỏ mặt tía tai, không dám nhìn ngang, nhìn ngửa, tay đút trong ngực áo như một chính khách. Khi chàng đi ngang qua “khẩu đại bác ở quảng trường”, chàng thấy tim đập một cách dễ sợ. Thiếu nữ vẫn mặc chiếc áo nhiễu và đội cái mũ nhiễu như hôm trước. Chàng nghe thấy giọng nói êm ái vô cùng chắc phải là “tiếng của nàng”. Nàng nói chuyện tự nhiên như không có gì. Nàng xinh quá, Mariuyt cảm thấy như vậy tuy chàng không dám nhìn nàng. Chàng chợt nghĩ chắc nàng không thể không đem lòng yêu mến và kính trọng chàng, nếu nàng biết rằng chính chàng là người đã làm bài nghị luận về Maccôt Ôbơrêgông đơ và Rôngđa mà ông Phơrăngăngxoa đơ Đơnơsatô đã để ở đầu bàn Gin Bơlát và ký tên ông (tiểu thuyết phong tục nổi tiếng của nhà văn Pháp Lesage thế kỷ XVII, XVIII).
Chàng vượt qua chiếc ghế, đi tới đầu lối đi cũng gần đấy, rồi quay lại và đi qua trước mặt người đẹp. Lần này mặt chàng tái hẳn đi. Chàng thấy trong người rất khó chịu. Chàng bước xa chiếc ghế, xa thiếu nữ, quay lưng lại nàng, nhưng ngờ rằng nàng đang nhìn theo chàng, chàng bối rối, bước thấp bước cao.
Chàng không muốn đến gần chiếc ghế nữa. Đến khoảng giữa lối đi, chàng đứng lại và ngồi xuống, chưa bao giờ chàng ngồi như vậy, chàng nhìn ngang và mơ hồ nghĩ từ trong đáy lòng rằng người mũ trắng và áo đen mà chàng ngầm khen ngợi không thể hông để ý đến chiếc quần còn óng ánh tuyết và chiếc áo mới của chàng.
Mười lăm phút sau chàng đứng dậy như sắp lại đi về phía chiếc ghế bao phủ hào quang, nhưng chàng đứng yên lặng. Đã mười lăm tháng rồi, lần đầu tiên bây giờ Mariuyt mới nghĩ rằng có lẽ ông già hàng ngày vẫn ngồi trên ghế kia với cô gái chắc cũng phải để ý đến chàng: chắc ông phải lấy làm lạ rằng chàng luôn qua lại nơi này như vậy.
Cũng lần đầu tiên chàng cảm thấy sự bất kính của mình đối với ông già lạ ấy khi gọi ông, tuy rằng chỉ gọi thầm, với cái tên hiệu ông Lơ Blăng.
Chàng đứng như vậy mấy phút liền cúi đầu nhìn xuống, tay cầm chiếc gậy nhỏ vẽ vẽ trên mặt cát. Rồi chàng ngoắt hẳn lại phía đối lập chỗ ông Lơ Blăng và con gái, đi thẳng về nhà.
Hôm ấy chàng quên đi ăn, tám giờ tối chàng mới nhớ đến bữa, vì muộn rồi không xuống phố Xanh Giắc được, chàng chỉ ăn một miếng bánh mì.
Chải xong chiếc áo ngoài, gấp cẩn thận rồi chàng mới lên giường ngủ.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ


PHẦN 3 - QUYỂN 6 - Chương 5 + 6

SÉT NỔ TRÊN ĐẦU MỤ BUGÔNG

Ngày hôm sau mụ Bugông kinh ngạc thấy Mariuyt lại mặc bộ áo mới đi ra phố. Tên mụ trương nhà chính kiêm gác cổng, kiêm làm bếp ở cái nhà nát Gorbô là Buyêcgông, nhưng cái ông mãnh Cuốcphêrắc chẳng tha ai, đã xuyên tạc tên mụ và gọi là mụ Bugông.
Mariuyt lại đến vườn Luychxămbua nhưng chàng có rời ghế cũng không đi quá quãng giữa lối đi. Chàng ngồi xuống ghế như hôm trước và từ xa chàng vẫn nhìn thấy rõ ràng cái mũ trắng, cái áo đen và nhất là cái ánh sáng xanh lam. Chàng không đi đâu cả và cứ ngồi đó cho đến lúc người ta đóng cổng vườn Luychxămbua mới đứng dậy ra về. Chàng không thấy ông Lơ Blăng và cô con gái đi về. Chàng đoán là họ đã ra về phía cổng phố Uet. Mấy tuần lễ sau, chàng không nhó chiều hôm ấy chàng ăn ở đâu.
Ngày hôm sau một tiếng sét nữa lại nổ trên đầu mụ Bugông, Mariuyt lại mặc áo mới ra phố. Mụ kêu lên:
- Ba ngày liền.
Mụ cố theo dõi Mariuyt, nhưng Mariuyt đi nhanh và bước rất dài. Đúng con hà mã đuổi theo con sơn dương. Chỉ hai phút là mất hút Mariuyt, mụ trở về thở hết hơi, hen suyễn nổi lên, mụ căm giận lắm lẩm bẩm một mình: ngày nào cũng diện áo mới và để cho người ta đuổi theo bở hơi tai thế này thì quả là mất hết lương tri.
Mariuyt đến vườn Luxembourg.
Thiếu nữ đang ngồi với ông Lơ Blăng. Mariuyt cố lại gần hết sức, làm bộ cầm quyển sách đọc, nhưng chàng cũng còn ở khá xa, rồi lại quay về ngồi ở chiếc ghế cũ; chàng ngồi liền trong bốn tiếng đồng hồ nhìn những con chim sẻ nhảy nhót như có ý chế giễu chàng.
Nửa tháng qua như vậy. Mariuyt đến vườn Luychxămbua không phải để dạo chơi nữa nhưng để ngồi ở chỗ cũ, chàng cũng chẳng biết ngồi đấy để làm gì.
Đến đấy, là chàng ngồi yên đấy, không cử động nữa. Sáng nào chàng cũng thắng bộ áo mới nhưng không chường mặt, hết ngày này sang ngày khác.
Quả thật là nàng rất đẹp. Chỉ có một nhận xét có thể coi như một lời phê bình là miệng nàng cười tươi mà cặp mắt thì lại buồn, làm cho vẻ mặt có phần nào lạc điệu, thành đôi khi diện mạo hiền từ ấy có vẻ lạ lùng tuy vẫn đẹp tươi.
* * *
VI
THÀNH TÙ BINH
Một ngày cuối tuần thứ hai, Mariuyt như thường lệ ngồi trên chiếc ghế dài, tay cầm quyển sách mở rộng, đã hai tiếng đồng hồ, chàng chưa lật một trang. Bỗng nhiên chàng giật mình. Một biến cố đã xảy ra ở cuối lối đi. Ông Lơ Blăng và cô gái đã đứng dậy đi từ từ về phía giữa lối đi, chỗ cái ghế của Mariuyt, cô con gái nắm cánh tay ông lão.
Mariuyt gấp sách rồi lại mở, cố đọc. Chàng run. Vừng hào quang đang tiến về phía chàng. Chàng nghĩ thầm: trời hại mình, ngồi đứng thế nào bây giờ cho trông được. Ông lão tóc bạc và thiếu nữ cứ tiến lại gần. Chàng thấy cái giây phút ấy lâu như một thế kỷ. Người lại đây làm gì? Nàng sẽ qua trước mặt! Chân nàng sẽ bước trên mặt cát này, trên lối đi này, ngay sát mặt ta! Chàng thấy bối rối, chàng muốn mình thật đẹp, muốn mang một huân chương. Chàng nghe thấy những bước chân êm đềm và nhịp nhàng tiến tới. Chàng hình dung như ông Lơ Blăng đang nhìn chàng giận dữ. Ông ta sẽ hỏi gì ta chăng? Chàng cúi đầu, khi ngẩng lên thì hai người đã đến sát chàng.
Thiếu nữ đi qua và nhìn chàng. Nàng nhìn chàng chăm chú với một vẻ mặt trầm ngâm êm ái làm cho chàng rung động từ đầu đến chân. Chàng cho rằng khóe mắt ấy như muốn trách móc chàng sao bấy lâu không đến với nàng, hình như nàng bảo: “Em đến tìm anh đây”. Mariuyt thấy trước đôi mắt sáng ngời và sâu thẳm của nàng.
Đầu óc chàng nóng như than hồng. Nàng đã đến bên chàng! Diễm phúc nào bằng! Nàng nhìn ta, trìu mến làm sao! Chưa bao giờ nàng đẹp như bây giờ! Đẹp kiêu mị, đẹp thần tiên, đẹp cái đẹp trọn vẹn có thể khiến Pêtrác ca ngợi và Đăngtơ phủ phục. Chàng thấy mình đang chơi vơi trong khoảng trời xanh. Nhưng chàng lại ngượng nghịu vô cùng thấy đôi giầy bám bụi.
Chàng chắc rằng nàng để ý đến cả đôi giầy của chàng.
Chàng nhìn theo thiếu nữ mãi cho đến khi nàng đi khuất. Rồi chàng đi lại trong vườn Luychxămbua, như điên dại. Hình như có lúc chàng nói nói cười cười một mình. Chàng đi gần những chị giữ trẻ, vẻ mặt quá mơ màng, khiến chị nào cũng tưởng anh chàng mê mình.
Chàng ra khỏi vườn Luychxămbua, mong gặp lại nàng ngoài phố.
Chàng gặp Cuốcphêrắc dưới cổng rạp Côđêông:
- Đi ăn với mình đi.
Mariuyt kéo Cuốcphêrắc đến tiệm ăn Rútxô, hai người ăn hết sáu phơrăng. Mariuyt ăn như hùm. Chàng thưởng cho đứa trẻ hầu bàn sáu xu, khi ăn tráng miệng chàng hỏi Cuốcphêrắc:
- Đã đọc nhật báo chưa? Bài diễn văn của Đơ Puyravô tuyệt nhỉ!
Mariuyt yêu như si như dại.
Ăn xong chàng bảo Cuốcphêrắc:
- Tao thết mày một tối xem hát.
Hai người đến rạp Poóctơ Xanh Mactanh xem tài tử Phêđêrich trong vở Ôbecgiơ đê Ađơrê. Mariuyt thích thú hết sức.
Nhưng Mariuyt đồng thời cũng trở nên khó tính. Ở rạp hát ra, gặp một cô thợ may áo kiểu bước qua cái rãnh nước để lộ đùi, chàng ngoảnh mặt không nhìn và gần như tởm khi nghe Cuốcphêrắc bảo: Cô ả này đáng được vào kho tao.
Ngày hôm sau Cuốcphêrắc lại rủ Mariuyt đi ăn sáng ở tiệm Vonte. Mariuyt ăn nhiều hơn hôm trước. Chàng nghĩ ngợi nhiều và rất vui, nghe cái gì cũng bật lên cười được; anh trìu mến ôm choàng lấy một ông quê ở tỉnh nhỏ và được người ta giới thiệu. Một đám sinh viên túm lại chung quanh bàn ăn, bàn tán xôn xao về việc chính phủ vứt tiền để cho mấy ông giáo sư ba hoa vớ vẩn trên bục trường Xoócbon, rồi lại bàn đến những sai lầm và thiếu sót trong những từ điển và sách âm luật cảu nhà xuất bản Kisơra. Mariuyt ngắt lời mọi người và nói to lên:
- Thế mà có một chiếc huân chương cũng vẫn thú!
Cuốcphêrắc bảo thầm Giăng Pruve:
- Sao nó ngớ ngẩn thế?
- Không ngớ ngẩn đâu. Nghiêm trọng đấy.
Nghiêm trọng thật. Mariuyt đang bước vào những giờ phút say mê, - kích động, bắt đầu một mối tình sâu sắc.
Tất cả chỉ vì một khóe mắt.
Khi mìn đã nhồi thuốc, đám cháy đã sẵn sàng, thì chẳng còn khó khăn gì. Một khóe mắt là tia lửa châm ngòi. Thế là xong. Mariuyt đã yêu một người đàn bà. Cuộc đời chàng đi vào chỗ vô tri vô định.
Ánh mắt phụ nữ như một bộ phận bánh xe trong máy móc, có vẻ yên lặng mà ghê gớm. Ngày ngày anh đi bên cạnh rất bình yên, không xảy ra việc gì, không nghi ngờ gì. Thậm chí lâu dần anh đến quên là có cái máy ấy ở đấy. Anh đi, anh lại, anh mơ màng, anh cười nói. Thình lình anh thấy mình bị tóm. Thế là hết. Bánh xe nắm anh, khóe mắt giữ anh. Nó tóm anh không biết do chỗ nào, bằng cách nào, chắc do một bộ phận tư tưởng lê la, hoặc vì một phút lơ đãng. Nhiều lực lượng kết hợp và bí ẩn chiếm giữ anh. Anh vùng vẫy vô ích. Không có sức lực trần gian nào có khả năng cứu anh. Anh sắp rơi từ khớp bánh xe này đến khớp bánh xe khác, từ khắc khoải này đến khắc khoải khác, từ giày vò này đến giày vò khác; người anh, trí tuệ anh, gia sản anh, tương lai anh, cả linh hồn anh cũng bị cuốn vào đó. Và tùy theo anh ở dưới quyền lực của một nhân vật độc ác hay thanh cao, anh chỉ thoát khỏi cỗ máy ghê gớm ấy hoặc là xấu xí đi vì nhơ nhuốc, hoặc là đẹp đẽ hẳn lên vì tình yêu.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 6 - Chương 7 + 8

CHUYỆN CỦA CHỮ U THEO PHỎNG ĐOÁN

Cuộc đời cô đơn, thoát ly tất cả, bản tính kiêu hãnh ưa độc lập, yêu cảnh vật thiên nhiên, sự rỗi rãi hàng ngày, lối sống thầm lặng, những khát khao thầm kín của thể xác, lòng say mê trước Tạo hóa, tất cả những cái đó đã tạo cho Mariuyt một tâm hồn sẵn sàng đón nhận một tình yêu đam mê. Lòng sùng bái người cha ngày càng tôn nghiêm như một tín ngưỡng và dần dần ẩn sâu vào tận đáy tâm hồn như mọi tín ngưỡng. Phải có gì chiếm lĩnh cõi ngoài của lòng chàng. Tình yêu đã đến chiếm cứ phần tâm hồn ấy.
Một tháng ròng trôi qua, không ngày nào Mariuyt không đến vườn Luychxămbua. Đúng giờ thì đi, không gì ngăn giữ được chàng. Cuốcphêrắc thường nói: “Mariuyt đi làm đấy”. Mariuyt sống tràn trề, say sưa. Chắc hẳn là thiếu nữ đã nhìn chàng.
Mariuyt dần trở nên mạnh dạn hơn, chàng tiến lại gần chiếc ghế. Nhưng tính rụt rè và thận trọng của người si tình khuyên chàng chớ nên đi ngang qua trước mặt nàng. Chàng nghĩ không nên để người cha chú ý tới. Chàng tính toán rất khôn khéo để đứng ở chỗ nào, đằng sau những gốc cây, những chân tượng nào để người cha ít trông thấy chàng, nhưng để thiếu nữ trông được chàng rõ nhất. Có lúc hàng nửa tiếng đồng hồ liền chàng đứng yên lặng dưới bóng một pho tượng Lêôniđát hay một pho tượng Spacticuýt, tay cầm một quyển sách, mắt ngẩng lên dịu dàng nhìn về phía thiếu nữ ngoảnh mặt xinh tươi nhìn chàng với một nụ cười mơ hồ. Vừa nói chuyện rất thản nhiên với ông lão tóc bạc, nàng vừa gửi qua cặp mắt trinh bạch và say mê tất cả những ước mơ của lòng nàng cho Mariuyt: lối đưa tình trao duyên từ ngày xưa của nàng Evơ ngày khai thiên lập địa và của mỗi người đàn bà từ buổi đầu yêu đương. Miệng nàng trả lời cho cha, mắt nàng trả lời cho Mariuyt.
Chắc rằng ông Lơ Blăng mãi rồi cũng phải nghi ngờ điều gì vì nhiều khi thấy Mariuyt tới, ông đứng dậy đi lại. Ông đã rời bỏ chiếc ghế cũ và đến ngồi chiếc ghế ở đầu kia lối đi, bên cạnh pho tượng người Lực sĩ La Mã, hình như ông lão thử xem Mariuyt có theo không. Mariuyt không đoán ra dụng ý của ông. Chàng cũng theo đến phía ấy. Thế là một lần hớ. Ông già không đến đều đều tất cả mọi ngày nữa và nhiều khi không dắt cô con gái theo. Có khi ông đến một mình. Hôm ấy Mariuyt không ở lại vườn Luychxămbua. Thế là hai lần hớ.
Mariuyt không để ý đến những triệu chứng ấy. Từ giai đoạn e dè, chàng đã bước sang giai đoạn mù quáng, sự tiến hóa ấy là tất nhiên không sao tránh được. Mối tình ngày càng mạnh. Không đêm nào chàng không mơ tưởng. Lại thêm một sự may mắn không ngờ, như dầu đổ vào lửa, càng khiến chàng mù quáng: một buổi chiều, trời đã nhá nhem tối, chàng nhặt được trên chiếc ghế ông Lơ Blăng và cô con gái vừa rời bỏ một chiếc khăn tay. Một chiếc khăn giản dị, không thêu thùa gì, nhưng rất trắng, rất nhỏ sợi, chàng thấy đượm một mùi hương khó tả. Chàng hối hả nhặt lấy. Chiếc khăn có hai chữ U.F. Mariuyt hông biết gì về thiếu nữ xinh đẹp ấy, không biết tên, biết họ, biết nhà, hai chữ tắt này là điều đầu tiên chàng được biết về nàng; bao nhiêu ức đoán bắt đầu được xây dựng về hai cái chữ đáng yêu này. Chắc hẳn U là Uyếcxuyn, tên riêng, cái tên sao mà dịu dàng thế! Chàng đưa chiếc khăn tay lên môi hôn, hít hương thơm, ấp chiếc khăn trên tim, trên da thịt ban ngày và ban đêm chàng nằm ngủ, chiếc khăn trên môi.
Mariuyt sung sướng reo lên:
- Cả tâm hồn thơm ngát của nàng ở đây!
Chiếc khăn ấy chỉ là của ông lão để rơi.
Những ngày sau hôm nhặt được chiếc khăn tay, chàng đến vườn Luychxămbua, không lúc nào rời chiếc khăn, đưa lên môi hôn và ấp trên trái tim. Thiếu nữ xinh đẹp không hiểu ra sao và ra hiệu kín đáo với chàng.
Mariuyt nghĩ thầm:
-Trời! E lệ dễ thương chưa!
* * *
VIII
THƯƠNG BINH CŨNG CÓ THỂ SUNG SƯỚNG
Vì chúng tôi đã nói đến tiếng e lệ và chúng tôi không giấu giếm gì, cho nên chúng tôi phải nói là cũng có một lần nàng Uyếcxuyn của Mariuyt đã làm cho chàng giận dữ khi chàng đang mê mải say sưa. Hôm ấy nàng bảo ông Lơ Blăng đứng dậy đi dạo chơi trên lối đi. Một làn gió mạnh cuối xuân làm xao động những ngọn cây ngô đồng. Ông cha và cô con gái cắp tay nhau đi qua chiếc ghế Mariuyt ngồi. Mariuyt bàng hoàng đứng dậy nhìn theo bóng hai người.
Bỗng nhiên một luồng gió mạnh như vui vẻ làm sứ giả cho mùa xuân thổi lên từ phía vườn Ươm, thổi vào lối đi, bọc người thiếu nữ trong một luồng rung động thần tiên và lật cái áo dài thiêng liêng lên đến giữa vế; một cái đùi nõn nà hiện ra. Mariuyt nhìn thấy, chàng bực tức và giận dữ.
Thiếu nữ đã vội vàng kéo vạt áo xuống bằng một cử động bẽn lẽn đẹp như thần tiên. Nhưng Mariuyt vẫn phẫn uất. Có một mình chàng ở lối đi đã đành thế. Những cũng có thể có người khác, nếu có người khác thì sao? Chịu sao nổi được một chuyện như vậy! Cái việc nàng vừa làm thật là ghê tởm. Nhưng nàng có làm gì đâu, tội phạm chỉ là luồng gió thôi.
Nhưng tên Bácthơlô (nhân vật ghen tuông trong vở kịch “Anh phó cạo thành Xêvin” nổi tiếng của Bômacse thế kỷ XVIII) lờ mờ đã gầm gừ trong lòng chú tiểu thiên thần, Mariuyt dứt khoát lấy làm bất bình và đang ghen bóng ghen gió. Sự ghen tuông xốn xang và lạ lùng của xác thịt nổi dậy trong lòng người và ngự trị lắm khi không hợp pháp như thế đấy. Tuy nhiên, ngoài chuyện ghen tức, cái đùi xinh xắn kia chẳng gợi cho Mariuyt một cảm hứng gì; được nhìn thấy chiếc bít tất trắng của bất kỳ một phụ nữ nào, chàng còn lấy làm thú vị hơn.
Khi nàng Uyếcxuyn của chàng đi hết lối đi rồi quay trở lại cùng với ông Lơ Blăng, đi qua chiếc ghế Mariuyt, chàng nhìn nàng với con mắt bất bình, giận dữ. Thiếu nữ nẩy người nhẹ nhẹ ra phía sau, mắt ngước lên, như có ý hỏi: Sao? Có chuyện gì thế?
Đây là lần xung đột đầu tiên giữa hai người.
Mariuyt vừa tỏ ý giận dữ với nàng như vậy thì có một người đi qua. Đấy là một ông lão thương binh: lưng còng, mắt dăn deo, tóc râu trắng xóa, mặc binh phục kiểu Lui XV, trên ngực đeo cái huy chương chiến binh Xanh Lui bằng miếng da hình bầu dục thêu hai chiếc gươm chéo. Ông lão thương binh cụt một tay mang hàm giả và chân gỗ. Mariuyt thấy ông lão thương binh ra vẻ thỏa mãn lắm. Hình như cái ông già khập khiễng ấy nháy mắt thân mật và vui vẻ với Mariuyt, như hai người đã đồng mưu và vừa vớ được một món bở gì. Cái “lão tướng võ tàn phế” ấy có cái gì mà vui vẻ thế. Cái chân gỗ này với cái đùi kia có liên quan gì với nhau chăng? Lòng ghen tức của Mariuyt lên đến cao độ. Lão ta cũng ở đấy lúc nãy chăng? Chắc lão đã trông thấy…! Mariuyt muốn đập chết lão thương binh.
Nhưng rồi thời gian cũng làm mòn tất cả những mũi nhọn. Lòng ghen tức của Mariuyt đối với Uyếcxuyn tuy có lý và chính đáng nhưng rồi cũng nhạt dần và mất đi. Cuối cùng chàng tha thứ, tuy rằng không phải dễ dàng lắm đâu. Chàng đã giận dỗi ba ngày liền. Qua những cái đó và vì những cái đó mối tình càng sâu nặng thêm và trở thành tình si.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 3 - QUYỂN 6 - Chương 9

MẤT HÚT

Ta vừa thấy Mariuyt khám phá, hoặc tưởng đã khám phá, tên Nàng cách thế nào.
Biết được tên người yêu đã là nhiều lắm rồi. Nhưng quen mui bén mùi, Mariuyt hãy còn chê ít. Chỉ sau ba hay bốn tuần lễ chàng ngốn hết cái diễm phúc đó nên muốn được cái may mắn khác. Chàng muốn biết nàng ở đâu.
Mariuyt đã hớ một lần: đó là việc rơi vào cái bẫy ở chiếc ghế bên cạnh pho tượng Lực sĩ; chàng lại hớ lần thứ hai: không ở lại vườn Luychxămbua khi ông Lơ Blăng đến một mình. Chàng lại hớ lần thứ ba, hớ to lắm: chàng đi theo “Uyếcxuyn”.
Nàng ở phố Uet, ở quãng vắng vẻ nhất trong một cái nhà mới ba tầng, cái nhà có vẻ tầm thường.
Từ đó Mariuyt không những được diễm phúc gặp nàng ở vườn Luychxămbua, chàng còn được theo nàng đến tận nhà.
Càng ăn càng thấy đói. Biết tên, tuy chưa biết họ, một cái tên rất xinh đẹp, rất phụ nữ; biết chỗ ở; bây giờ chàng lại muốn biết nàng là ai.
Một buổi chiều, theo nàng về đến tận nhà, thấy hai người đi khuất vào trong cổng rồi, chàng theo vào và đánh bạo hỏi người gác cổng:
- Ông già ở tầng một vừa về phải không bác?
Người gác cổng trả lời:
- Ông già ở tầng ba chứ?
Thế là biết thêm một tí. Mariuyt mạnh dạn hỏi thêm:
- Đàng trước phải không?
- Rõ hay chửa, làm gì có gác sau.
Mariuyt lại hỏi tiếp:
- Ông lão làm gì nhỉ?
- Tiêu tiền lợi tức quốc trái. Ông lão hiền lành lắm, không giàu nhưng hay làm phúc.
Mariuyt hỏi thêm:
- Tên ông lão là gì?
Người gác cổng ngẩng đầu lên nói:
- Ông là mật thám đấy à?
Mariuyt lảng đi, bẽn lẽn, nhưng rất sung sướng. Có tiến bộ. Chàng nghĩ thầm: nàng là Uyếcxuyn, nàng là con một người sống về lợi tức quốc trái, nàng ở phố Uet, tầng ba.
Ngày hôm sau ông Lơ Blăng và cô con gái chỉ đến vườn Luychxămbua có một lát, trời còn sớm đã về. Mariuyt đi theo như mọi ngày đến phố Uet. Đến cổng ông Lơ Blăng để con gái vào trước, đứng lại ở ngưỡng cửa, rồi bỗng nhiên quay lại nhìn thẳng vào mặt Mariuyt.
Ngày hôm sau, hai người không đến vườn Luychxămbua nữa. Mariuyt đợi cả ngày chẳng thấy.
Đến tối chàng tới phố Uet, thấy cửa sổ tầng ba có ánh đèn. Chàng đi đi lại lại dưới cửa sổ ấy cho đến khi đèn trên gác tắt.
Ngày sau nữa, không ai đến vườn Luychxămbua, Mariuyt chờ hết ngày, rồi lại đến “gác đêm” dưới cửa sổ cho đến mười giờ khuya, không kể gì đến bữa cơm tối. Người sốt không biết đói, người yêu quên ăn.
Tám hôm liền, ông Lơ Blăng và cô con gái không đến vườn Luychxămbua. Mariuyt hết đoán thế này lại đoán thế khác, những điều phỏng đoán đều buồn. Chàng không dám rình mò trước cửa nhà nàng ban ngày, chỉ buổi tối chàng mới đến dưới cửa sổ, ngắm nhìn qua những khung cửa kính có ánh sáng đo đỏ. Thỉnh thoảng chàng nhác thấy những bóng thấp thoáng lại qua, ngực chàng đánh trống.
Ngày thứ tám, khi đến chàng không thấy ánh sáng ở cửa sổ nữa. Chàng ngạc nhiên: “Chưa thắp đèn à? Trời tối lâu rồi kia mà! Hay là đi vắng?” Chàng đợi đến mười giờ đêm, đến một giờ sáng vẫn không có ánh đèn lòe lên trên cửa sổ tầng ba và cũng không có ai về cả. Chàng bỏ đi, rầu rĩ.
Ngày hôm sau, - Mariuyt chỉ sống vì ngày hôm sau chứ ngày hôm nay không có nghĩa gì với chàng – ngày hôm sau vẫn không ai đến vườn Luychxămbua, chàng cũng chắc mẩm như thế rồi. Trời tối, chàng lại đến phố Uet. Cửa kính vẫn tối om, cửa chớp đóng im ỉm… tầng ba tối đen.
Mariuyt gõ cổng vào nhà và hỏi người gác cổng:
- Ông già tầng ba có nhà không?
- Dọn đi rồi.
Mariuyt lảo đảo một lát, nói không ra tiếng.
- Từ bao giờ?
- Hôm qua.
- Dọn đi đâu?
- Ai biết được.
- Ông ấy không để địa chỉ mới lại à?
- Không.
Người gác cổng ngẩng đầu lên nhận ra Mariuyt:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét