Trang

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2019

NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ - Phân 2 (Quyển 5-8)



NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 5: ĐÀN CHÓ PHẢI THẦM LẶNG TRONG CUỘC SĂN ĐUỔI TỐI TĂM

Chương 1

CHIẾN LƯỢC QUANH CO

Bạn đọc nên chú ý một điểm trước khi đọc những trang tới và nhiều trang về sau nữa.
Tác giả rất tiếc là phải nói đến bản thân mình, nhưng thấy cần phải nói. Đã bao năm nay, tác giả xa Paris. Từ độ ấy, Paris có nhiều thay đổi. Paris ngày nay là một thành phố mới, đối với tác giả hầu như xa lạ. Tác giả không cần nói mình yêu Paris, Paris đã là quê hương tinh thần của tác giả. Paris đã qua bao nhiêu sự phá hoại, bao nhiêu sự kiến thiết, cái thành phố Paris thừi tươi trẻ của mình, cái thành phố Paris mà mình kính cẩn mang hình ảnh bên lòng, Paris ấy bây giờ đây là một Paris của dĩ vãng. Bạn đọc hãy cho phép tác giả nói đến cái Paris xưa ấy như là nó đương còn hiện tại. Có khi tác giả đưa bạn đến một khu vực nào đó và nói: “ở con đường phố ấy có ngôi nhà thế kia” thì ngày nay phố chẳng có, mà nhà cũng không. Bạn đọc sẽ soát lại xem nơi kia nơi nọ có còn như cũ không, nếu chịu mất công. Riêng về phần tác giả, tác giả không quen thuộc với Paris mới. Tác giả viết truyện này với ảo ảnh của Paris ngày xưa trước mắt, một ảo ảnh muôn phần đáng quí. Thật dễ chịu biết bao nhiêu khi tác giả mơ tưởng là giờ đây, vẫn còn dấu vết của những sự vật mình đã trông qua trong những ngày còn ở quê cha đất tổ, là không phải mọi vật đều đã tan biến như mây khói. Ngày nào còn đi đi lại lại ở quê hương thì anh còn tưởng rằng những con đường phố ấy, những mái nhà, những cánh cửa ấy chẳng dính dáng gì đến anh, những cây cối ấy giống như muôn nghìn cây cối khác, những ngôi nhà anh không bước chân vào ấy chẳng có ích lợi gì cho anh, những phiến đá lát đường anh giẫm chân lên chỉ là những phiến đá. Đến khi anh xa quê hương, anh mới nhận thấy những con đường kia là thân thiết, anh nhớ những mái nhà, những cánh cửa ấy, anh thấy những bức tường kia cần cho đời anh, những cây cối kia là bạn lòng của anh; những ngôi nhà anh không đặt chân đến, bây giờ anh thấy thật ra anh đã vào ra hàng ngày và những phiến đá lát đường, anh đã trải ruột gan, anh đã dội máu nóng của con tim anh lên trên ấy. Đối với hình ảnh những nơi ấy mà anh không đến nữa, - có lẽ không bao giờ anh còn được đến lại nữa, - đối với những hình ảnh ấy say mê một cách xót xa. Những hình ảnh ấy đã đến mãi với anh, rầu rầu như một bóng mơ, nó làm cho quê hương thiêng liêng hiển hiện trước mắt. Có thể nói đó là hình dung của nước Pháp, anh yêu những hình ảnh ấy, anh gợi nó lên nguyên hình, như hệt ngày xưa, anh bám chặt lấy nó, anh không muốn thay đổi một tí gì cả, bởi vì anh quý chuộng vẻ mặt tổ quốc cũng như vẻ mặt mẹ anh.
Bởi thế tác giả xin được phép nói về sự vật quá khứ như còn hiện tại, bạn đọc nhớ cho và cho phép tác giả kể tiếp.
Giăng VanGiăng rời bỏ ngay đại lộ và đi vào các đường phố. Ông cố rẽ ngoặt rất nhiều bận, một đôi khi ông quay trở lại một quãng, đột ngột, để xem cho chắc là không ai đuổi theo mình.
Đó là mánh khóe của con nai bị săn đuổi. Cách ấy có nhiều cái lợi, cái thứ nhất là nó đánh lừa người đi săn và chó săn bằng những vết chân chồng dấu ở những chỗ đất mềm. Gặp trường hợp như thế, trong đạo săn bắn, người ta gọi lóng là con nai đã trườn.
Đêm hôm ấy là một đêm trăng tròn. Giăng VanGiăng thấy như thế rất lợi bởi vì mặt trăng còn thấp, trong các đường phố bóng tối và ánh sáng in thành hai mảng Vangiăng có thể tiến men theo các dãy phố, bên phía bóng tối và nhìn rõ ra phía sáng trăng. Ông quen nghĩ rằng như thế thì ông cũng chẳng thấy gì bên phía bóng tối. Và ông tin chắc rằng không có ai lần mò theo ông trong các ngõ ngách quanh phố Pôlivô.
Côdét không hỏi một câu nào cả, lặng lẽ di theo. Sáu năm đau khổ trong tuổi thơ ấu đã rèn luyện cho nó một tâm hồn cam chịu. Vả lại nó đã làm quen với tính kỳ quặc của Vangiăng, nó cũng quen thấy những cái bất ngờ của số mệnh. Hơn thế, có Vangiăng, thì cd chẳng thấy có gì đáng sợ nữa.
Giăng VanGiăng cũng không hơn gì Côdét, ông không biết mình đi đâu. Ông tin cậy Chúa cũng như Côdét tin cậy ông. Ông cảm thấy bàn tay ông cũng đương ở trong tay một người lớn hơn, một người vô hình, người ấy đương dắt dẫn ông đi. Ông không óc ý định, không có chương trình, không dự tính. Ông cũng chưa tin chắc rằng đó là Giave. Mà nếu có Giave thì chắc gì Giave đã nhận ra Giăng VanGiăng? Ông không cải trang là gì? Người ta cho là ông đã chết rồi kia mà! Những mấy ngày gần đây có những hiện tượng không thường. Thế là đủ cho Giăng VanGiăng quyết định không trở về nhà Gorbô nữa. Ông tìm một cái hốc để trốn tạm như một con thú bị đuổi khỏi hang, trong khi chưa tìm ra một xó nào để ở.
Giăng VanGiăng qua lại lui tới quanh có trong khu phố Muphơta. Hàng phố ngủ sớm cả, im lìm, như còn đương sống trong pháp chế trung cổ với cái luật giới nghiêm khắc nghiệt. Ông qua lại nhiều đường phố chằng chịt, theo những chiến thuật cao kỳ. Có những nhà trọ đây đó nhưng ông không vào vì nhà trọ không thích hợp với ông. Ông tin chắc rằng nếu vạn nhất có gười nào theo dấu ông thì người ấy cũng chưa mất dấu đâu.
Ông đi qua phố Pôngtoa, ngang đồn cảnh sát ở số nhà 14, khi đồng hồ nhà thờ Đuymông đổ mười một tiếng. Mấy phút sau vẫn theo linh tính ông quay mặt lại. Nhờ ánh đèn trước cửa đồn cảnh sát, ông trông thấy rõ ràng có ba người theo chân ông, lần lượt đi qua dưới ánh đèn, về phía bóng tối của đường phố. Một người trong bọn đi vào cổng đồn. Người đi đầu trông dáng rất khả nghi. Ông bảo với Côdét:
- Đi đây con.
Rồi ông vội vã rời bỏ phố Pôngtoa. ( Pontoire)
Ông mở một con đường cung đi vòng cổng Patơriắc đã đóng, bước sải qua phố Êpê Đơ Boa và phốAcbalét và tiến vào phố Pốt.
Ở chỗ ấy có một ngã tư ngày nay có trường Rônlanh (Roland). Phố mới Xanhtơ Giơnơvievơ (Sainte Geneviève) bắt đầu từ ngã tư này. (Chẳng cần phải nói là phố mới Xanhtơ Giơnơvievơ là một phố cổ và đến mười năm cũng không có một chuyến xe trạm qua phố Pốt. Cái phố Pốt này hồi thế kỷ 13 con người làm đồ gốm và chính tên của nó là phố Pô (Pô: pot, tiếng Pháp chỉ các thứ bình, lọ, vại bằng đất nung hay bằng sắt. Pốt:( postes, tiếng Pháp nghĩa là trạm bưu điện).
Trăng rằm dội ánh vằng vặc xuống ngã tư. Vangiăng nấp vào một cái cửa. Ông đồ rằng nếu như bọn chúng còn theo dõi ông thì khi chúng đi qua dưới ánh trăng, ông sẽ trông thấy chúng rõ mồn một.
Đúng như ông đoán, không đầy ba phút sau, bọn ấy hiện ra, bây giờ là bốn người chứ không phải ba nữa. Tên nào cũng cao lớn, cũng mặc áo khoác đen dài, đầu đội mũ tròn, tay cầm gậy lớn. Hình vóc cao lớn và bàn tay hộ pháp của chúng trông cũng dễ sợ như dáng đi hắc ám của chúng, chúng có vẻ là bốn con ma hóa trang làm người thành thị.
Chúng dừng lại giữa ngã tư và chụm đầu như thể hội ý. Chúng có vẻ do dự. Cái tên ra dáng cầm đầu quay lại và chỉ rất nhanh về hướng vg đi. Một tên khác có vẻ nhất quyết chỉ hướng ngược lại. Khi tên thứ nhất quay lại thì ánh trăng rọi vào ngay mặt nó. Giăng VanGiăng (Jean Valjean) nhận ra quả thị là Giave. (Javert)


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 5 - Chương 2

MAY MÀ CẦU AUSTÉCLIT (Austerlitz) CÓ XE CỘ ĐI LẠI

Giăng VanGiăng không còn phân vân gì nữa. Nhưng cũng may chính bọn chúng còn đương do dự. VanGiăng lợi dụng sự do dự của chúng. Những phút chúng mất đi vì do dự như thế lại rất có lợi cho ông. Ông ra khỏi chỗ nấp và tiến sâu vào phố Pốt, hướng về khu vườn Bách thảo mà đi. Côdét bắt đầu đuối sức, ông phải ẵm nó trong tay và cứ thế đi. Ngoài đường không một bóng người qua lại. Trời sáng trăng, người ta cũng không đốt đèn phố.
VanGiăng rảo bước đi lên.
Chỉ mấy sải chân ông đã đến trước xưởng gốm Gôbơlê. Ánh trăng chiếu rõ những câu chiêu hàng từ xưa khắc ở trước cửa xưởng:
Đây là xưởng gốm
Của Gôbơlê con,
Hãy đến mua cong.
Chậu, bô và hũ.
Cái gì cũng đủ:
Ống máng, gạch hoa…
Khách hàng gần xa,
Đều tiếp niềm nở.
Ông đi qua phố Cơlê, đi khỏi giếng may Xanh Vichto, theo những phố thấp dọc vườn Bách thảo và đến bờ sông. Đến đây ông dừng lại, quay đầu trông. Bờ sông vắng vẻ, phố xá không bóng người. Đằng sau ông không có ai cả, ông thở ra nhẹ nhõm.
Ông tiến đến cầu Austeclít.(Austerlitz)
Thuở ấy thuế cầu chưa bỏ.
Ông đến buồng người thương binh thu thuế, đưa một xu.
Người ấy bảo:
- Phải hai xu mới được. Ông bế một đứa bé đi dạo nên cứ phải trả hai xuất.
Ông trả ngay hai xu và lấy một bực dọc vì có người để ý.
Đã đi trốn thì phải trót lọt, trơn tru, không va vấp vào đâu.
Một cỗ xe tải to đi qua cầu sông Xen (Seine)một lần với vàingười và cũng đi sang bờ bên phải. Cái đó có lợi cho ông, ông lẩn trong bóng xe mà đi qua cầu.
Đến giữa cầu Côdét thấy tê chân, đòi xuống đi. Ông để nó xuống và cầm tay nó dắt. Ông vượt khỏi cầu thì thấy về bên phải có mấy công trường. Ông nhằm hướng đó mà đi. Muốn đến khu vực công trường, phải liều lĩnh đi qua một khoảng trống sáng ngời ánh trăng, nhưng ông không ngần ngại. Bọn người đuổi theo ông chắc chắn là mất dấu rồi. Ông cho là đã thoát nạn. Ông tin là chúng nó sục tìm, nhưng không theo dõi được nữa.
Một đường phố nhỏ là phố Sơmanh Ve Xanh Angtoan chạy dài giữa hai công trường bọc vách. Phố ấy hẹp và tối tăm, tuồng như xây dựng sẵn để chờ ông. Trước khi tiến vào, ông ngoái nhìn lại đằng sau.
Ở vị trí ông có thể trông rõ suốt chiều dài cầu Austeclít. Ông thấy có bốn bóng đen vừa đi lên cầu. Bốn bóng đen ấy quay lưng về phía vườn Bách thảo và đi sang bờ phải.
Bốn bóng đen ấy chính là bốn tên đã đuổi theo ông, Giăng VanGiăng rùng mình kinh hãi y như con thú chạy sổng vừa bị bắt gặp lại.
Ông còn một hy vọng là lúc ông dắt tay Côdét đi qua khoảng đất trống vằng vặc ánh trăng, có lẽ bọn ấy chưa lên cầu và như thế thì vẫn chưa nhìn thấy ông. Trong trường hợp ấy, nếu ông đi vào con đường phố nhỏ trước mặt, nếu ông đến được khu vực công trường rồi vùng ao đầm, vườn tược và những khoảnh đất chưa có nhà thì ông thoát nạn.
Ông cảm thấy đi vào cái phố nhỏ lặng lẽ ấy có thể yên thân được. Ông đi vào phố.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 5 - Chương 3

XEM BẢN ĐỒ PARIS NĂM 1727

Đi độ ba trăm bước, Giăng VanGiăng đến một chỗ rẽ. Đường phố chia làm hai, một chệch về bên trái, một chệch về bên phải như hai nhánh của một chữ Y. Chọn đường nào?
Ông không do dự, rẽ về bên phải.
Tại sao vậy?
Là vì nhánh trái đi về ngả ngoại ô, tức là khu vực có người, còn nhánh phải đưa về cánh đồng vắng.
VanGiăng và Côdét không đi nhanh được nữa. Bước đi của Côdét làm chậm chân VanGiăng. Ông lại ẵm nó. Nó gục đầu vào vai ông không nói một tiếng.
Chốc chốc ông ngoái cổ nhìn lại: ông vẫn chú ý đi về mé bóng tối. Đằng sau ông, con đường phố thẳng tuột, mấy lần nhìn lại, ông vẫn không thấy bóng dáng ai. Vẫn yên tĩnh hoàn toàn, ông cũng có phần yên dạ. Nhưng khi ngoảnh lại lần sau cùng, thình lình ông thấy như có vật gì động đậy ở đằng xa trong bóng tối. Ông không đi nữa, ông lao mình lên phía trước. Ông hy vọng tìm thấy một lối ngang để lẩn vào và làm cho săn người phải lạc hướng một lần nữa.
Cuối phố, ông gặp một bức tường.
Nhưng bức tường không chắn lối đi lên của ông. Bức tường ấy nằm dọc theo một ngõ phố ngang ở cuối con đường phố ông vừa đi qua.
Đến đây cũng phải dứt khoát chọn đường một lần nữa: đi bên phải hay bên trái?
Ông nhìn về bê phải. Ngõ phố chạy dài một đoạn giữa những nhà xe và vựa một lúc rồi hết lối. Ông nhìn thấy rõ ràng bức tường trắng nằm cuối ngõ.
Ông nhìn sang bên trái. Ngõ phố bên ấy thông. Cách chỗ ông đứng chừng vài trăm bước, nó đổ ra một phố to như một chi lưu đổ về sông cái. Lối thoát là ở phía ấy.
VanGiăng vừa định rẽ sang bên trái để cố đi đến con đường phố lớn lờ mờ đầu kia thì cũng vừa thấy ở góc phố ấy một vật gì lù lù như một pho tượng đen không nhúc nhích.
Đó hẳn là một người nào người ta vừa cắt ra gác ở đấy. Người ấy đón lối đi và chờ Giăng VanGiăng tới.
Giăng VanGiăng lùi lại. Cái nơi mà Giăng VanGiăng đang đứng, giữa ô Xanh Angtoanơ và khu La Rapê là một khu vực Paris bị đảo lộn hoàn toàn trong những cuộc xây dựng mới, người thì cho là xấu đi, người thì cho là đẹp hẳn lên.
Đất trồng trọt, xưởng gỗ đá, những ngôi nhà cũ đã biến hết. Bây giờ là những phố lớn mới, những rạp hát ngoài trời, rạp xiếc, trường đua ngựa, những ga xe lửa, một cái nhà tù Mada. Bộ mặt của tiến bộ như ta thấy đấy, cùng với món vạ của nó.
Cách đây nửa thế kỷ, trong ngôn ngữ bình dân thông dụng, người ta cứ nhất định gọi Viện khoa học là “Nhà tứ lộc”, Nhạc hí viện là Viện Phâyđô, thì cái nơi mà Giăng VanGiăng vừa tới thì được gọi là Pơti Pichpuýt. Cổng Xanh Liacơ, cổng Paris, cửa ô Xecgiăng, Lê Poócsơrông, La Galiôtơ, Lơ Xêlextanh, Lê Capuyxanh, Lơ Mêla, La Buốcbơ, Lácbơtơ đơ Cơracôvi, La Pơtitơ Pôlônhơ, Lơ Pơti Pichpuýt. Đó là những tên của Paris cổ, nổi lềnh bềnh trên Paris mới. Ký ức của nhân dân còn bám vào những tàn tích của thời xưa.
Khu phố Pơti Pichpuýt thực ra cũng chưa bao giờ thành hình hẳn hoi. Nó có cái vẻ mặt tu viện của một thành phố Tây Ban Nha. Đường ít lát đá, phố xá lơ thơ. Ngoài hai ba phố mà chúng tôi sẽ nói đến, toàn là tường cao và bãi vắng. Không có cửa hàng, không có xe cộ, lác đác một ngọn đèn trong khung cửa sổ. Đèn lửa tắt hết từ mười giờ đêm. Vườn tược, tu viện, xưởng gỗ đã, đầm, đìa, một vài cái nhà thấp, rất hiếm và những bức tường lớn cao bằng nhà.
Đó là bộ mặt của khu phố ấy một thế kỷ trước. Cách mạng đã bạc đãi nó, viên chức cộng hòa của thành phố đã phá hủy, chọc chỗ này, đục chỗ kia. Gạch ngói, vôi vữa phá hủy dồn đống đây đó.
Cách đây nửa thế kỷ, khu phố cũ không còn gì mấy dưới những đường vạch ngang dọc của nhà cửa mới. Ngày nay thì nó đã được xóa hẳn. Những bản đồ mới bây giờ không còn ghi dấu vết của khu Pơti Pichpuýt, nhưng bản đồ năm 1727 của nhà xuất bản Đơni Chiery ở Paris, phố Xanh Liacơ, đối diện với phố Đuy Pơlatơrơ và bản đồ của nhà xuất bản Giăng Giranh ở Lyông, phố Mecxierơ, ở La Pơruyđăngxơ, vẫn còn ghi rõ rệt khu phố này. Khu Pơti Pichpuýt như chúng tôi đã nói có một phố chữ Y, gồm phố Sơmanh và Xanh Ăngtoanơ, tách ra thành hai nhánh, nhánh trái tên là phố nhỏ Pichpuýt, nhánh phải là phố Pôlôngxô. Hai cái nhánh chữ Y ấy nối với nhau trên ngọn bằng một cái gạch ngang, ấy là phố Đơroamuyrơ. Phố Pôlôngxô đến đây thì hết, còn phố nhỏ Pichpuýt thì đi xa hơn nữa, ngược lên chợ Lơnoa. Người đi từ bờ sông Xenơ tới đầu phố Pôlôngxô sẽ thấy phố Đơroamuyrơ ở bên tay trái; và đi ngoặt thước thợ sẽ thấy bức tường dài của phố ấy trước mặt và bên phải thêm một khúc cụt của phố Đơroamuyrơ, không có lối thoát, gọi là ngõ cụt Giăngrô.
Giăng VanGiăng đang ở chỗ ấy.
Như chúng tôi vừa nói ở trên, khi nhìn thấy cái bóng đứng gác ở góc phố Đơroamuyrơ và phố nhỏ Pichpuýt. Giăng VanGiăng lùi lại. Chắc chắn là cái bóng đen ấy đang rình ông.
Làm thế nào bây giờ?
Quay trở lại thì không kịp nữa. Cái vật động đậy trong bóng tối ở đàng sau ông mấy phút trước đây, bây giờ ông đoán ra là Giave và đồng đội. Khi VanGiăng đến đầu này đường phố, có lẽ Giave đã vào đầu kia. Cứ như thế thì chắc Giave rất thuộc cái khu phố mắc cửi này và hắn đã cắt người chắn lối thoát rồi. Những điều ước đoán chắc nịch ấy quay cuồng trong đầu óc khổ sở của VanGiăng, như một nắm bụi tung trong gió lốc. Ông nhìn kỹ ngách Giăngrô; ngách bị nghẽn thật sự. Bóng sẫm của người canh nằm sóng sượt trên mặt đường giãi ánh trăng. Đi lên tức là sa vào người ấy. Quay trở lại sẽ rơi vào tay Giave. Giăng VanGiăng thấy mình như sa vào một cái lưới đương từ từ thắt lại.
Thất vọng, ông ngẩng lên nhìn trời.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 5 - Chương 4

MÒ MẪM ĐỂ TRỐN

Để hiểu những điều xảy ra sau này, phải hình dung một cách chính xác cái ngõ Đơroamuyrơ và đặc biệt cái góc tường ở bên tay trái. Khi người ta đi từ phố Pôlôngxô để vào cái ngõ này. Ngõ Đơroamuyrơ bên tay phải, cho đến cái phố nhỏ Pichpuýt, hoàn toàn chỉ có những ngôi nhà trông có vẻ nghèo, xấu, bên tay trái thì chỉ có một ngôi nhà trông nghiêm nghị, gồm nhiều nhà ở, cứ cao dần lên, một hai tầng gác cho đến phố nhỏ Pichpuýt, như thế là ngôi nhà này rất cao về phía phố nhỏ Pichpuýt, còn về phía phố Pôlôngxô thì lại khá thấp và đến chỗ ấy, chỗ cái góc tường mà chúng tôi đã nói đến, nó hạ thấp đến mức chỉ còn có một bức tường. Bức tường này không chạy thẳng ra phố, nó thành một cái vách lùi vào trong mà hai góc tường nhô ra, cho nó khuất đi, khiến cho hai người quan sát ở phố Pôlôngxô và ở phố Đơroamuyrơ không trông thấy nó được.
Từ hai góc tường này, bức tường kéo dài ra phố Pôlôngxô đến ngôi nhà số 48 và ra phố Đơroamuyrơ, những đoạn tường này ngắn hơn nhiều, đến một ngôi nhà tối tăm mà chúng tôi đã nói đến, ở một đầu hồi của nhà này, thành ra lại có một góc tường lõm vào ở đây. Cái đầu hồi này trông u ám, chỉ có một cái cửa sổ, hay nói đúng hơn, hai cánh cửa sổ bọc một tấm kẽm và lúc nào cũng đóng kín.
Tình hình những địa điểm mà chúng tôi mô tả ở đây hoàn toàn chính xác và chắc chắn phải gợi cho những người đã ở khu này trước kia một kỷ niệm rất rõ rệt.
Toàn bộ bức vách lùi vào kia bị che bởi một cái gì như một cánh cổng lớn tiều tụy. Đó là những tấm ván ghép vuông góc một cách thô sơ không ra hình thù gì, ván phía trên rộng hơn ván phía dưới, bằng những nẹp sắt ngang. Bên cạnh có một cái cổng cho xe ra vào, kích thước bình thường; mới đục ra, chắc chưa quá năm mươi năm.
Một cây bồ đề xòe cành lá trên vách tường và phía phố Pôlôngxô lại có cây leo phủ kín.
Trong giây phút nguy hiểm đang đe dọa Giăng VanGiăng, ngôi nhà tối tăm có vẻ hoang vắng này hấp dẫn ông. Ông nhìn thoáng tất cả ngôi nhà và tự bảo, nếu vào được ngôi nhà này thì có thể thoát nạn. Ông vụt nghĩ như vậy và hy vọng. Lưng chừng bề mặt ngôi nhà quay ra phố Đơroamuyrơ này, ở tất cả các cửa sổ các tầng gác, đều có những chậu hình phẫu bằng chì. Một cái ống chính chia thành nhiều nhánh dẫn đến những chậu kia, như hình một cái cây. Những ống ấy với hàng trăm nhánh cong queo của nó giống như những cành nho già trụi lá quằn quèo trước cửa những vườn trại cũ.
Cái cây kỳ quặc mọc trên tường ấy với những cành bằng tôn và bằng sắt là vật liệu đập vào mắt Giăng VanGiăng. Ông đặt Côdét dựa vào một cái trụ bên đường, dặn em bé ngồi im lặng và chạy tới chỗ cái ống sà xuống sát mặt đất. May ra có thể leo lên từ đó và trèo vào trong nhà. Nhưng cái ống đã nát không dùng được nữa và gắn rất lỏng lẻo vào tường. Vả lại tất cả những cửa sổ của ngôi nhà im lặng này đều bịt gióng sắt dày, cả những cửa sổ sát mái cũng vậy và ánh trăng đang dọi vào mặt này của ngôi nhà ấy, người theo dõi ở đầu phố đàng kia có thể nhìn thấy Giăng VanGiăng trèo lên đấy. Rồi con Côdét thì làm sao? Làm thế nào đẩy Côdét lên một mái nhà gác ba tầng?
Giăng VanGiăng đành bỏ ý định leo lên theo cái ống kia và ông đi men theo tường để trở về phố Pôlôngxô.
Khi tới cái vách tường lùi vào, nơi ông đã đặt Côdét, ông nhận ra rằng ở đó không ai có thể nhìn thấy ông. Như chúng tôi đã giải thích ở trên, ở chỗ này không ai có thể nhìn thấy Giăng VanGiăng, dù người ấy đứng ở đâu. Thêm vào đó ông ta lại đang ở trong bóng tối. Và ở đó có hai cái cửa, may ra có thể xô hai cái cửa ấy mà vào. Bức tường trên có cây bồ đề và cây leo chắc là giáp với một cái vườn mà ông có thể ẩn mình được, tuy rằng lúc này cây chưa có lá và ông có thể ở đấy cho đến hết đêm.
Thời gian trôi qua, cần phải hành động nhanh. Ông đẩy thử cái cổng xe và nhận ra ngay là nó bị chặn ở cả hai phía trong và phía ngoài. Ông lại gần cổng lớn với nhiều hy vọng hơn. Cái cổng đã mục nát, rất tồi tàn và vì nó rộng quá cho nên lại càng không chắc, các tấm ván đã mục, các nẹp sắt – chỉ có ba nẹp thôi – đã rỉ hoen cả. Ông tin là có thể chọc thủng cái cổng mọt ấy. Nhưng xem kỹ ông thấy cái cổng ấy không phải là một cái cổng. Không có chốt, không có nẹp sắt, không có khóa, không có kẽ hở ở giữa. Những nẹp sắt chạy ngang cả mặt cổng, không có chỗ nào đứt quãng. Qua những lỗ hổng của những tấm ván ấy, nhìn thấy những viên đá to, đá nhỏ gắn xi măng một cách xơ sài mà người qua đường cách đây mười năm còn trông thấy. Cuối cùng ông kinh hoàng nhận ra rằng cái hình thức cổng ấy chỉ là cái vỏ bên ngoài bằng gỗ của một bức tường xây. Có thể dễ dàng dứt đi một tấm ván, nhưng người ta sẽ chạm trán với một bức tường.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 5 - Chương 5

NẾU ĐƯỜNG PHỐ THẮP ĐÈN KHÍ THÌ KHÔNG THỂ THẾ ĐƯỢC

Bây giờ có tiếng động nặng nề, nhịp nhàng từ xa dội lại. Giăng VanGiăng ló đầu ra ngoài góc phố nhìn thử thì thấy bảy tám tên lính xếp thành đội ngũ tiến vào phố Pôlôngxô. Lưỡi lê sáng loáng, chúng tiến lên phía ông. Tên đi đầu vóc dáng cao lên nom đúng là Giave. Chúng đi chậm chạp và thận trọng. Chúng thường hay đứng lại. Rõ ràng là chúng soát xét từng nếp tường, từng hốc cửa, từng ngõ ngách.
Đây hẳn là một đội lính tuần tra mà Giave gặp và trưng tập, điều ước đoán này chắc không sai.
Hai tên tùy tùng của Giave cũng đi trong hàng lính.
Tiếp theo cái đà ấy và hay đứng lại như thế thì cũng phải mất mười lăm phút chúng mới đến chỗ Giăng VanGiăng. Giây lát ấy thật hãi hùng. Chỉ còn mấy phút là Giăng VanGiăng lại sa vào vực thẳm ghê rợn một lần thứ ba. Lần này thì vào ngục không phải chỉ là vào ngục, mà còn có nghĩa là mất Côdét, là sống cái đời sống tối tăm cô quạnh như ở trong mồ.
Chỉ còn một cách khả dĩ thoát thân.
Giăng VanGiăng có cái này là đặc biệt: có thể nói ông có hai bị: một bị đựng những ý nghĩ hiền từ của một vị thánh, một bị nhốt những ngón tay tài lạ ghê gớm của một tên tù khổ sai. Tùy lúc mà ông lục tìm trong bị này hay bị nọ.
Một trong những ngón hay ấy là ngón leo trèo. Nhờ nhiều lần vượt ngục Tulông, ông đã trở nên một tay thánh trong cái thuật leo khó tưởng tượng ấy, là leo độc bằng gân cốt, không dây, không thang, không mấu. Ở một góc tường nào đấy, ông chỉ vận dụng vai, gáy hông và gối, thỉnh thoảng mới nương vào một mảnh đá họa hoằn nhô ra, cứ thế nếu cần, ông leo lên tầng thứ sáu của một ngôi lầu, theo cái thuật đã làm góc sân nhà từ La Côngxiecgiơri ở Paris nổi tiếng và đáng sợ vì ở đó hai mươi năm trước tên tù Batơmôlơ đã vượt ngục.
Trên bức tường trước mặt, một cây bồ đề tỏa cành lá. Giăng VanGiăng nhìn tường, ước lượng chiều cao khỏang sáu mét. Tường đâm vào chái của một ngôi nhà lớn, làm thành một hình góc khay, nhưng người ta đã xây bịt đoạn dưới góc tường ấy bằng một trụ vôi hình tam giác, có lẽ để cho bọn lang thang nghèo hèn khỏi vào ẩn náu. Cách bít góc tường chống bọn lang thang như thế là chuyện thường ở Paris.
Cái trụ vôi cao độ trên một mét rưỡi. Từ đỉnh trụ lên đến ngọn tường, khoảng cao chỉ còn hơn bốn mét.
Trên tường là một tảng đá bằng phẳng. Cái khó khăn là Côdét. Côdét trèo tường thế nào được? Bỏ nó lại ư? Vangiăng không bao giờ tính đến chuyện ấy. Mang nó đi thì leo làm sao! Leo tường theo kiểu lạ lùng ấy, leo một mình đã phải dùng hết sức lực rồi. Nếu thêm một sức nặng nào nữa, trọng tâm sẽ chệch ra ngoài và người leo sẽ nhào xuống.
Có một cái dây thì giải quyết được, nhưng Vangiăng không có! Tìm đâu cho ra một mẩu dây lúc nửa đêm ở phố Pôlôngxô? Lúc ấy Vangiăng sẵn sàng đổi cả một vương quốc để lấy một sợi dây.
Trong cảnh cùng đường, có những tia chớp có khi làm lòa mắt ta, có khi rọi sáng trí ta. Con mắt tuyệt vọng của Vangiăng bắt gặp cây trụ đèm ở ngách Giăngrô.
Thuở ấy đường phố chưa có đèn khí, đêm đến người ta thắp đèn lồng cách từng quãng; đèn lồng buộc vào dây để kéo lên kéo xuống; dây chạy luồn vào một cái rãnh khoét trong một giá tra vào trụ đèn và nằm ngang qua đường. Trục quay dây đặt vào một hòm bằng sắt nhỏ dính liền với trụ, chìa khóa do người thắp giữ. Cái dây cũng luồn trong một ống bằng kim khí.
Giăng VanGiăng vận dụng hết nghị lực trong cuộc chiến đấu quyết liệt. Ông nhảy phóc qua đường vào ngách Giăngrô, lấy mũi dao nhọn cạy hòm sắt ở trụ đèn. Một lát sau ông trở lại chỗ Côdét với một cuộn dây. Các bác thánh xoay này, khi các bác đương đầu với số mệnh thì các bác nhanh tay khiếp lắm!
Chúng tôi đã nói là đêm ấy đèn đường không thắp. Đèn lồng ở ngách Giăngrô tất nhiên cũng không thắp như mọi đèn khác, cho nên dù có đi sát một bên trụ đèn cũng không ai thấy đèn treo không đúng chỗ.
Canh khuya, cảnh lạ, bóng đêm mờ tối. Vangiăng bận rộn lo âu và có những cử động kỳ dị, Côdét trông thấy cảnh tượng ấy bắt đầu lo lắng. Một đứa trẻ khác thì đã kêu khóc từ lâu rồi, nhưng Côdét thì chỉ kéo áo Vangiăng. Đội tuần tra đến gần, tiếng đi nghe càng rõ, Côdét khe khẽ nói:
- Cha ơi, con sợ quá! Ai đi đấy?
- Im! Mụ Tênácđiê đấy.
Côdét rùng mình. Vangiăng nói tiếp:
- Đừng nói gì cả. Để mặc cha. Mụ Tênácđiê chực bắt con đấy, nếu con kêu khóc thì mụ ấy biết ngay.
Thế rồi Vangiăng cởi cà vạt buộc quanh mình Côdét, phía dưới nách. Ông rất cẩn thận để khỏi trượt da con bé. Rồi ông buộc múi vào đầu sợi dây, theo kiểu nút én của người đi biển. Xong ông cắn đầu dây kia, cởi giày và bít tất ném qua tường rồi trèo lên trụ vôi và bắt đầu leo lên tường vững vàng, chắc chắn như có nấc thang để bước và để bám tay vào. Mọi công việc ông làm không vội vàng hấp tấp, nhưng mỗi việc làm rồi là rồi, không làm lại. Trong giờ phút nguy nan như thế, khi đội tuần tra của Giave có thể xuất hiện lúc nào không biết, sự tỉnh táo, sự nhanh nhẹn và chính xác của ông thật là đáng phục. Không đầy nửa phút sau ông đã quỳ trên ngọn tường.
Côdét không nói không rằng, kinh ngạc nhìn lên. Cái tên Tênácđiê và lời dặn của Vangiăng làm cho em khiếp đảm.
Thình lình nó nghe Vangiăng gọi nho nhỏ trong họng:
- Côdét, lại tựa lưng vào tường.
Côdét ngoan ngoãn làm theo.
- Đừng nói gì cả, đừng sợ.
Thế là Côdét thấy người nhấc bổng lên khỏi mặt đất. Chưa hiểu đầu đuôi ra sao, em đã lên đến ngọn tường.
Vangiăng cõng Côdét sau lưng, dùng bàn tay trái giữ hai tay nó. Ông nằm bẹp trên ngọn tường và trườn đi cho đến chỗ có mảnh tường xẻ. Như ông đã đoán, ở đấy có một mái nhà đi từ ngọn hàng rào gỗ, nằm là là cành lá cây bồ đề và xuống thoai thỏai đến cách mặt đất không cao lắm. Rất may là ngọn tường về phía này cao hơn về phía ngoài phố nhiều. Giăng VanGiăng nhìn thấy mặt đất rất sâu ở dưới chân tường.
Vangiăng chuyền qua mái nhà, tay chưa rời khỏi mặt tường thì đã nghe tiếng la ó của đội tuần tra. Giọng Giave vang dội:
- Soát cái ngách cụt này. Phố Đơroamuyrơ đã bị chắn, phố nhỏ Pichpuýt cũng thế. Tôi cam đoan hắn ở trong ngách này.
Bọn lính xông vào ngách Giăngrô.
Trong khi ấy Giăng VanGiăng theo mái nhà tụt xuống, tay vẫn giữ Côdét. Đến cây bồ đề, ông bám lấy nhảy xuống đất. Từ đầu, Côdét không nói một tiếng, không biết vì gan góc hay vì quá sợ hãi. Tay nó hơi bị trầy da.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 5 - Chương 6

BÍ MẬT BẮT ĐẦU

Giăng VanGiăng như lọt vào một khu vườn rộng, cảnh tượng trông lạ lùng, buồn bã, một thứ vườn hình như xếp đặt để ngắm vào những đêm trường hay ngày đông tháng giá. Vườn hình bầu dục, phía sau có một hàng bạch dương. Ở mấy góc vườn có những lùm cây đại thụ khá cao lên, ở giữa có một khoảng thoáng. Trong khoảng ấy có một cây cổ thụ lẻ loi, rất lớn và vài cây ăn quả quằn quẹo và xù xì như những bụi rậm, mấy khoảnh ray, một bể chứa cũ, một đám dưa bở, lồng bọc dưa loang loáng dưới ánh trăng. Đây đó có vài chiếc ghế đá mốc thếch như rêu. Hàng cây nhỏ thẳng đuột và đen sẫm đứng hai bên các lối đi một nửa phủ cỏ, một nửa phủ rêu xanh.
Vangiăng đã leo qua mái nhà để xuống đất. Cái nhà ấy bây giờ đứng lù lù bên cạnh ông cùng với một đống củi bó. Sau đống củi có một pho tượng đá dựa vào tường, mặt mũi sứt mẻ lờ mờ hiện ra trong bóng đêm.
Cái nhà hình như đổ nát, các gian phòng đã dỡ ván. Có một gian chừng để dùng làm nhà xe, bề bộn đồ đạc.
Mặt sau tòa nhà phố Đơroamuyrơ mở vào vườn thành hai mặt châu vào nhau hình thước thợ. Mặt sau còn ảm đạm hơn mặt trước nữa. Bao nhiêu cửa sổ đều chắn song sắt. Không có ánh đèn. Ở các tầng trên có những lồng cu như ở nhà pha. Bóng một mặt nhà ngả phủ lên mặt nhà kia và trải xuống đất như một tấm dạ đen.
Không thấy có nhà nào khác nữa. Phía đằng sau vườn mờ mịt trong sương mù và đêm tối. Nhưng người ta cũng nhìn thấy lờ mờ có những bức tường ngang dọc, tuồng như đằng sau tường có trồng trọt những thứ gì nữa. Phía sau tường, san sát những mái nhà thấp thấp ở phố Pôlôngxô.
Không thể tưởng tượng có một cảnh nào cô quạnh và rợn người hơn cảnh vườn ấy. Không có bóng người thì đã đành vì khuya khoắt như thế ai còn đi lại làm gì. Nếu chỉ vắng bóng người thì cũng không cần nói, đằng này, hơn thế, người ta có cảm giác là chỗ ấy không phải là chỗ để cho con người qua lại, dù là qua lại giữa ban trưa.
Việc đầu tiên của Giăng VanGiăng là tìm giầy mang vào, rồi cùng Côdét đi lẩn vào nhà xe, bởi vì người đi trốn không bao giờ cho rằng mình trốn đã kín. Côdét thì cứ nghĩ sợ mụ Tênácđiê nên cũng đồng tình chịu trốn. Nó run sợ và nép người vào Giăng VanGiăng. Đội tuần tra đương sục sạo tìm kiếm trong ngách Giăngrô, tiếng huyên náo dội vào trong vườn, đó là tiếng báng súng dộng vào đá, tiếng Giave thét gọi bọn mật thám đứng gác và tiếng hắn nguyền rủa lầm bầm cái gì nghe không rõ.
Mười lăm phút sau, cơn náo động bắt đầu xa dần. Từ lâu Vangiăng nín thở và để nhè nhẹ bàn tay lên miệng Côdét.
Tuy vậy, cảnh vắng vẻ ở đây hoàn toàn, sự náo động khủng khiếp bên ngoài dù gần cũng không làm cho ai chột dạ. Tuồng như những bức tường kia xây bằng thứ đá điếc mà Kinh thánh đã nói đến.
Bỗng nhiên lại có tiếng vọng lên trong vắng lặng. Một thứ tiếng cao cả, thiêng liêng, huyền diệu, nó làm cho lòng người kinh rợn. Đây là một bản hợp tụng trong bóng tối, một bài kinh nhạc mê hồn trong cảnh vắng lặng của đêm sâu. Giọng tụng này là giọng phụ nữ, nó là sự hòa hợp giữa giọng trong trẻo của những người đồng trinh với giọng thơ ngây của các em bé. Thứ tiếng ấy không phải là tiếng ở thế gian này, nó giống thứ tiếng mà trẻ sơ sinh hãy còn nghe thấy và người nhắm mắt cũng bắt đầu nghe. Tiếng ấy vọng ra từ ngôi nhà tăm tối. Có lẽ đây là khúc hợp xướng của thiên thần dịch lại trong bóng đêm để thay cho tiếng náo động của lũ quỷ vừa bay xa.
Côdét và Giăng VanGiăng vội vàng quì xuống.
Họ không biết tiếng ấy là tiếng gì, họ không biết chỗ này là chỗ nào. Tuy vậy người luống tuổi hối lỗi ấy và em bé trong trắng này, cả hai đều cảm thấy phải quì xuống kính cẩn.
Tiếng ấy vẫn không làm cho ngôi nhà bớt vắng lặng; nó là một khúc hát thiên đường trong một tòa nhà không người ở.
Trong khi nghe hát, Giăng VanGiăng quên hết mọi ưuphiền. Ông không thấy đêm tối, ông chỉ thấy trời xanh. Ông cảm thấy hình như đôi cánh thiên thần ở trong người ông từ từ mở ra.
Tiếng hát dứt. Khúc hát ngân lên đã lâu chưa, Vangiăng không nói được. Những giờ ngây ngất đắm say chỉ ngắn bằng giây phút.
Quang cảnh đã trở lại yên lặng. Không còn gì ngoài phố, không còn gì trong vườn nữa. Mối đe dọa, niềm an ủi cũng đều tan biến hết. Gió thổi trên ngọn tường, mấy cây cỏ khô cọ vào nhau phát ra một tiếng động nhè nhẹ, thê lương.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 5 - Chương 7

BÍ MẬT CÒN TIẾP

Gió đêm thổi lên hây hẩy, nghĩa là có thể đã đến một hai giờ khuya. Con bé Côdét vẫn im lặng. Em ngồi xuống bên cạnh Vangiăng. Vangiăng tưởng em đã ngủ, cúi xuống nhìn. Nhưng không, Côdét vẫn mở mắt thao láo. Vẻ mặt ưu tư nghĩ ngợi của em làm cho Vangiăng thấy nhói trong tim. Em vẫn còn run bần bật.
- Con có buồn ngủ không?
- Con rét quá.
Một lát sau em hỏi:
- Bà ấy vẫn còn ở đây ư?
- Bà nào?
- Bà Tênácđiê ấy mà.
Giăng VanGiăng đã quên bẵng cái chuyện đem mụ Tênácđiê dọa cho Côdét im lặng.
- Ồ! Mụ ấy đi rồi. Con đừng sợ gì nữa.
Côdét thở ra nhẹ nhõm, như cất một gánh nặng trên ngực.
Đất ẩm ướt, nhà xe trống trải, gió đêm càng khuya càng lạnh. Vangiăng cởi áo khoác ngoài phủ lên mình Côdét.
- Thế này con có thấy đỡ rét không?
- Ồ, đỡ lắm cha ạ.
- Bây giờ hãy đợi ở đây, cha đi một lát lại về ngay.
Ông ra ngoài, đi men theo tòa nhà lớn để tìm một chỗ trú tốt hơn. Ông thấy nhiều cửa, nhưng đều đóng cả. Ở các cửa sổ tầng dưới, cửa nào cũng có song sắt.
Khi ông ra khỏi góc nhà, thì thấy có những cửa sổ cuốn có ánh đèn, ông kiễng chân dòm vào. Tất cả các cửa sổ cuốn ấy là của một gian nhà rộng, lát đá tảng to, đầy những vòm cuốn và cột trụ. Ánh sáng heo hắt làm cho từng mảng bóng tối lay động trên nền, trên vách. Ánh sáng tỏa ra từ một chiếc đèn chong ở một xó. Không một dáng người, không một tiếng động, gian phòng hoàn toàn vắng lặng.
Nhìn mãi Vangiăng thấy ở nền nhà có vật gì như một người đang đắp vải liệm. Hình ấy nằm sấp, mặt úp xuống đất, tay dang chữ thập, trong đó có cái dáng bất động của người chết. Trên nền nhà, một vật gì ngoằn ngoèo, hình như cái hình thù ghê rợn ấy có dây ở cổ.
Cảnh rùng rợn càng tăng vì cả gian phòng chập chờn trong lù mù của ánh sáng.
Về sau, Vangiăng thường nói là trong đời, ông đã thấy nhiều cảnh ghê rợn, nhưng ông không bao giờ thấy có cái gì ghê rợn và kinh khủng bằng cái hình thù bí mật đương thực hiện một phép huyền bí gì trong gian phòng mập mờ đêm hôm ấy. Nghĩ rằng đó là người chết đã là khủng khiếp, nghĩ rằng có lẽ là người sống lại càng khủng khiếp hơn.
Vangiăng mạnh dạn dòm sát vào cửa kính để rình xem hình thù ấy có động đậy không. Ông đứng một thời gian chừng như lâu lắm mà vẫn không thấy nó cử động.
Thình lình ông cảm thấy khiếp sợ quá, vội bỏ chạy. Ông chạy một mạch về phía nhà xe, không dám ngoái cổ lại. Ông có cảm giác là nếu ông quay đầu lại, ông sẽ thấy cái thây ma ấy sải bước đuổi theo ông, hai tay ve vẩy.
Giăng VanGiăng về đến nhà xe, thở hổn hển. Đầu gối ông muốn gấp lại, mồ hôi đầm đìa sau lưng.
Nơi này là nơi nào? Ai tưởng tượng được giữa Paris lại có một thứ mộ địa kiểu ấy? Cái nhà kỳ quái này là nhà gì? Nó đầy rẫy những nhà bí ẩn của bóng đêm. Nó đem giọng thiên thần kêu gọi linh hồn người ta trong đêm tối, rồi khi người ta đến, nó lại cho người ta xem một cảnh tượng ghê rợn như thế kia. Nó hứa hẹn mở cửa thiên đình xán lạn, nhưng nó lại mở cửa mộ địa tối tăm. Ấy thế mà rõ ràng là một ngôi nhà nhìn ra đường có mang biển số. Đâu có phải là một giấc mơ! Giăng VanGiăng phải sờ đến các phiến đá xây ngôi nhà ấy mới tin là mình không mơ ngủ.
Vừa rét, vừa sợ, vừa lo, lại luôn luôn bị xúc động mạnh từ ban tối, Giăng VanGiăng thấy như trong người lên cơn sốt và các ý nghĩ trên kia quay cuồng trong đầu óc ông.
Ông lại gần Côdét. Côdét đã ngủ.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 5 - Chương 8

BÍ MẬT CÀNG TĂNG

Côdét gối đầu lên một phiến đá và ngủ thiếp từ bao giờ.
Giăng VanGiăng ngồi xuống bên cạnh ngắm nhìn nó. Càng nhìn, ông càng thấy trí óc dần dần bình tĩnh và ông điềm nhiên suy nghĩ.
Ông tìm thấy một sự thật, là Côdét mà còn ở đấy, còn ở bên cạnh ông, thì ông có cần cái gì cũng là vì Côdét mà cần, có sợ cái gì cũng là vì Côdét mà sợ. Nó là ý nghĩa của đời ông. Bỏ áo ra để đắp cho Côdét, ông vẫn không thấy rét, mặc dù trời rét.
Trong cơn suy nghĩ miên man, ông nghe văng vẳng một tiếng gì là lạ. Nó như một tiếng nhạc rung từ trong vườn lại, nghe rất rõ, tuy chỉ văng vẳng thôi. Nó giống như tiếng nhạc đồng buộc cổ những con cừu, con dê ăn đêm trên đồng cỏ.
Ông quay lại. Nhìn ra, ông thấy có bóng ai trong vườn.
Một sinh vật giống hình người đương đi giữa các luống dưa. Nó ngẩng lên, cúi xuống, dừng lại đều đều như kéo một vật gì hay trải cái gì dưới đất. Hình như nó thọt chân.
Vangiăng rùng mình. Lúc nào ông cũng run sợ như tất cả mọi người cùng khổ. Cái gì đối với họ cũng là thù nghịch và khả nghi. Họ ngại ban ngày vì ban ngày họ dễ bị nom thấy; họ ngại ban đêm vì ban đêm họ có thể bị tóm mà không hay. Lúc nãy, Vangiăng rùng mình vì cảnh vườn vắng vẻ, bây giờ ông rùng mình vì vườn có bóng người.
Hết lo sợ vì tưởng tượng, ông lại lo sợ vì thực tại. Ông cho là bè lũ Giave còn lẩn quất đâu đây và có lẽ chúng có cắt người ở lại quan sát. Cái người đi trong vườn này mà thấy Giăng VanGiăng tất sẽ kêu có trộm và ông sẽ bị lộ. Nghĩ thế, Vangiăng se sẽ ẳm Côdét lên, mang ra sau đống bàn ghế cũ nát ở xó nhà khuất nhất. Côdét không cựa.
Từ trong xó ấy, Vangiăng theo dõi hành tung người kia và thấy có điều rất lạ là tiếng nhạc rung theo cử động của hắn. Hắn lại gần, tiếng nhạc nghe gần, hắn ra xa, tiếng nhạc ngân xa. Khi hắn cử động nhanh thì cả một tràng nhạc rung theo cử động. Khi hắn đứng lại, tiếng nhạc cũng im bặt… Thật quá rõ là người ấy đeo nhạc trên người. Thế là thế nào? Người ấy là người gì mà đeo nhạc y như con bò, con chiên vậy.
Vangiăng vừa tự hỏi như thế vừa sờ tay Côdét. Tay em bé lặng ngắt, Vangiăng buột miệng kêu: “Trời ơi!” – Ông gọi khe khẽ:
- Côdét, con!
Côdét không mở mắt.
Ông lay mạnh em bé. Em bé vẫn không thức giấc. Vangiăng lẩm nhẩm:
- Có lẽ nó chết chăng!
Ông đứng phắt lên, toàn thân rung động.
Ông liên miên nghĩ đến những điều rủi ro rùng rợn. Có những lúc những phỏng đoán ghê rợn nhất như một đoàn cuồng quỉ bao vây và đột ám vào trí óc ta. Với những người ta yêu quí, ta quá lo xa cho nên tưởng tượng ra những điều điên dại.
Ông sực nhớ là người ngủ ngoài trời một đêm rét có thể chết được.
Con Côdét xanh xao lại ngã sóng sượt dưới đất bên chân ông, không động đậy.
Vangiăng cố nghe hơi thở của Côdét. Em vẫn thở, nhưng ông tưởng thấy hơi thở mỏng manh như một sợi tơ và sắp đứt.
Làm thế nào sưởi cho nó ấm lại? Làm thế nào cho nó tỉnh. Vangiăng chỉ lo có chừng ấy, mọi nỗi lo ngại khác đã bay biến. Hoảng quá, ông bổ nhào ra khỏi nhà xe.
Phải làm thế nào cho Côdét có giường nằm, có lửa sưởi trong mười lăm phút!


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 5 - Chương 9

NGƯỜI ĐEO NHẠC

Giăng VanGiăng đi xăm xăm lại chỗ có người lạ. Ông rút cuộn giấy bạc trong túi ghi lê ra, cầm lăm lăm trong tay.
Người kia đương cúi, không trông thấy ông lại gần. Ông sải mấy bước đã đến bên hắn ta. Ông hét:
- Một trăm phơrăng.
Người kia giật mình đánh thót một cái, ngẩng nhìn lên.
Vangiăng tiếp:
- Cho tôi trọ đêm nay, tôi biếu một trăm quan.
Trăng soi ngời ngời vẻ mặt hoảng hốt của Vangiăng.
- Ô kìa! Bác Mađơlen!
Con người xa lạ trong đêm tối ở cái nơi không quen thuộc này, sao lại gọi cái tên ấy? Vangiăng lùi lại.
Ông đã dự kiến hết, nhưng việc này thật quá bất ngờ!
Người kia là một ông già còm và thọt, ăn mặc từa tựa như nông dân. Ở đầu gối trái của lão, có một tấm da bọc gối, trên ấy treo lủng lẳng một chiếc nhạc. Mặt lão khuất bóng đêm, trông không rõ.
Lão cất mũ run rẩy kêu:
- Trời đất ơi! Làm sao bác lại ở đây, hở bác Mađơlen? Lạy Chúa! Bác vào bằng cái ngõ nào thế? Bác từ trên trời rơi xuống đấy ư? Cái đó cũng không lạ, bác mà rơi thì tất là phải từ trên trời rơi xuống. Ôi chao ơi! Sao bác ra cơ sự thế kia? Bác không có cà vạt, không có mũ, không có áo ngoài. Bác có biết là tướng bác trông dễ sợ lắm không, ai không quen bác mà gặp bác hôm nay tất phải chết khiếp. Chúa cao cả ôi! Phải chăng là những bậc thánh ngày nay đều hóa điên cả? Thế nhưng bác làm thế nào mà lọt vào chỗ này mới được chứ?
Lời tiếp lời không ngớt, ông già ba hoa như một người nông dân nhưng không lộ ý gì đáng ngại. Trong giọng nói của ông có sự kinh ngạc lẫn vẻ niềm nở thật thà. Vangiăng hỏi:
- Ông là ai? Nhà này là nhà gì?
- Ôi chao ôi! Cái này mới thật là kỳ quặc! Tôi là người bác đưa vào làm ở đây và nhà này là nhà bác đưa tôi vào làm, chứ còn người nào, nhà nào nữa! Mà thật vậy ư? Bác không nhận ra tôi thật ư?
- Không. Còn ông thì tại sao mà ông biết tôi?
- Bác đã cứu sống tôi.
Ông già ngoái đầu, ánh trăng soi rõ sống mặt. Vangiăng nhận ra ông già Phôsơlơvăng.
- Ô hay! Bác đấy ư? Ờ phải, tôi nhận ra bác rồi.
- Quí hóa chưa! – Ông già nói có vẻ trách móc.
- Thế bác làm gì ở đây?
- Thì đấy! Tôi che dưa bở.
Quả vậy, ông Phôsơlơvăng đương lấy tranh rạ đậy lên mấy luống dưa. Từ lúc ra vườn dưa đến giờ, ông đã trải được một số tranh rồi. Những cử động lạ lùng Vangiăng đã trông thấy, chính là công việc che dưa.
Ông Phôsơlơvăng nói tiếp:
- Tôi tự bảo: trăng sáng thế này chắc là sắp rét giá, dưa sẽ bị lạnh, dễ ta phải mang áo ra cho chúng.
Ông Phôsơlơvăng vừa nhìn Vangiăng vừa cười hà hà nói tiếp:
- Gặp phải bác, chắc bác cũng làm thế thôi! Nhưng bác làm thế nào mà vào được đây?
Thấy ông già Phôsơlơvăng biết mình, dù là chỉ biết với cái tên Mađơlen, Giăng VanGiăng cũng trở nên dè dặt thận trọng. Ông hỏi han ông già dồn dập. Vai trò thay đổi, chính người khách lạ lại chất vấn chủ nhân:
- Bác đeo cái nhạc gì ở đầu gối thế?
- Nhạc này ư? Ấy, để cho họ biết mà tránh tôi.
- Thế nào? Để cho họ tránh bác?
Ông Phôsơlơvăng nheo mắt một cách khó tả:
- Ấy! Ở trong nhà này chỉ có đàn bà, phần nhiều là thiếu nữ. Hình như họ cho là gặp tôi là nguy hiểm thế nào ấy. Cho nên tôi phải đeo cái nhạc này để báo hiệu cho họ biết: nghe tôi đến thì họ lẩn tránh đi.
- Nhà này là nhà gì?
- Ô hay! Bác biết lắm chứ.
- Không, tôi không biết.
- Bác giới thiệu cho tôi đến đây coi vườn mà lị!
- Bác cứ coi như là tôi chưa biết gì hết và trả lời cho tôi.
- Thế thì đây là nhà tu kín Pơti Pichpuýt.
Vangiăng lần hồi nhớ lại việc cũ. Sự tình cờ, nghĩa là bàn tay Chúa đã ném ông vào chính cái tu viện mà hai năm trước, ông đã giới thiệu lão Phôsơlơvăng vào làm, sau khi lão này trở nên tàn tật vì xe kẹp. Ông lẩm nhẩm như nói một mình:
- Tu viện Pơti Pichpuýt!
- Mà này, bác Mađơlen, bác làm thế quái nào mà vào được tu viện này? Bác thì là bậc thánh đấy, nhưng bác vẫn là đàn ông, mà đàn ông thì không được vào đây.
- Chứ còn bác thì sao?
- Chỉ có mình tôi đặc cách.
- Thế mà tôi cứ phải ở lại trong này đấy!
- Ôi trời! – Phôsơlơvăng kêu.
Giăng VanGiăng nhích lại một bên ông già, nghiêm trang bảo:
- Ông Phôsơlơvăng, tôi đã cứu ông.
- Ấy tôi nhớ ra chuyện ấy trước bác kia.
- Ngày nay ông có thể cứu tôi cũng như tôi đã cứu ông ngày trước.
Ông Phôsơlơvăng đưa hai bàn tay nhăn nheo nắm lấy bàn tay rắn chắc của Vangiăng, nghẹn ngào không nói. Mãi sau, ông mới kêu:
- Ôi! Tôi mà báo bổ được phần nào thì quả thật là ơn Chúa. Tôi cứu được ông ư, ông thị trưởng? Nếu thế thì ông cứ sai bảo lão già này đi. – Nét mặt ông Phôsơlơvăng trở nên rạng rỡ lạ thường. Ông hỏi:
- Bác định khiến tôi làm gì đây?
- Tôi sẽ nói kỹ. Hiện giờ thì tôi muốn biết bác có một căn buồng không?
- Tôi có một cái nhà nhỏ trơ trọi ở đầu kia, trong hóc khuất đằng sau cái nhà đổ nát ấy. Nhà có ba buồng.
Thật vậy, cái nhà nhỏ này khuất sau cái nhà cũ kỹ kia, không ai trông thấy. Vì thế Vangiăng không biết có nó.
- Tốt lắm. Bây giờ tôi nhờ bác hai việc.
- Việc gì, ông thị trưởng?
- Thứ nhất, bác không nói gì với ai hết về tung tích của tôi. Thứ hai là bác cũng đừng tìm hiểu gì thêm về tôi.
- Được rồi. Tôi tin bác làm việc gì cũng là việc lương thiện cả. Bao giờ bác cũng là người con của Chúa nhân hậu. Với lại chính bác đã đưa tôi vào làm ở đây. Đây là việc của bác. Bác cứ sai khiến.
- Được rồi. Bây giờ thì bác đi với tôi, đến tìm đứa bé.
- Ơ! Có một đứa bé!
Ông không nói thêm gì nữa, lủi thủi bước theo Giăng VanGiăng như chó theo chủ.
Côdét được sưởi lửa, đối má lại hồng hào và nửa giờ sau, em ngủ yên trên giường ông lão. Giăng VanGiăng thì đã buộc lại cà vạt và mặc áo khoác. Chiếc mũ cũng đã tìm thấy. Phôsơlơvăng cởi cái nịt gối đeo nhạc, mắc bên cạnh một cái giỏ treo, như một vật trang trí trên tường. Hai người chống tay trên bàn ngồi sưởi lửa. Phôsơlơvăng đem ra một ít bánh khô, một miếng bánh sữa, một chai rượu với hai cái cốc. Ông để tay lên đùi Giăng VanGiăng, nói:
- Bác Mađơlen ơi! Mãi bác mới nhìn ra tôi! Bác cứu sống người ta, rồi bác quên người ta đi. Bậy thật! Người ta thì vẫn nhớ bác. Bác là một người bội bạc!


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 5 - Chương 10

VÌ SAO GIAVE ĐI KHÔNG VỀ RỒI

Những sự việc – mà chúng ta vừa được thấy như là cái phía sau đó – đã xảy ra một cách rất dễ hiểu.
Đêm hôm sau cái hôm Giave bắt Giăng VanGiăng bên cạnh thi thể của Phăngtin, Vangiăng vượt ngục Môngtơrơi. Sở cảnh sát dự đoán là anh ta vào Paris. Paris là một cái vực xoáy trên cạn, một cái rốn xã hội, cái gì cũng chìm đắm, cũng mất tăm ở đấy như trong rốn bể. Không có khu rừng nào che giấu con người ta kín đáo bằng cái rốn người đông đặc ấy. Những kẻ đào tị, bất kỳ loại nào, cũng đều biết như thế. Họ tìm đến Paris để trầm mình vào trong ấy vì có khi trầm mình là sống. Cảnh sát cũng biết như thế, cho nên mất gì ở đâu, họ cũng vào Paris mà tìm. Cứ thế họ tìm ông nguyên thị trưởng Môngtơrơi. Giave được gọi về Paris để giúp các cuộc lùng xét. Quả Giave đã giúp một tay đắc lực vào việc nã bắt Giăng VanGiăng. Nhờ thông minh và mẫn cán, Giave được ông bí thư sở cánh sát là Sabuiê chú ý, Ông này là bí thư thời bá tước Ăngơlét làm giám đốc. Vả lại ông Sabuiê cũng đã che chở cho Giave từ lâu. Ông thuyên chuyển viên thanh tra Môngtơrơi về sở cảnh sát Paris. Ở Paris, Giave đã tỏ ra là người hữu ích trong loại công việc này cũng lạ lùng.
Giave không nghĩ đến Vangiăng nữa. Đối với bọn chó săn nhà nghề ấy, con sói đánh hơi được hôm nay át mất hơi bám con sói ngày hôm qua. Tháng chạp năm 1823, tình cờ Giave đọc một tờ báo, mặc dầu ít khi hắn đọc báo. Lần này Giave đọc báo là vì hắn là một người bảo hoàng, hắn muốn biết chi tiết cái việc “hoàng thân đại tướng” vào thành phố Bêiôn một cách vinh quang ntn. Đọc xong bài báo ấy, Giave để ý đến tên một người ở cuối trang. Tên người ấy là Giăng VanGiăng, tin báo nói tên khổ sai Giăng VanGiăng chết. Lời báo rõ ràng, dứt khoát khiến Giave không nghi ngại gì hết. Hắn chỉ nói: “Nhà giam ấy mới thật là một nhà giam chắc chắn”. Rồi hắn vứt tờ báo và không nghĩ đến chuyện ấy nữa.
Cách đây ít lâu, sở cảnh sát Paris nhận được một báo cáo của sở cảnh sát quận Xen về việc một đứa bé ở làng Môngphecmây bị bắt đi mất một cách rất lạ. Báo cáo nói có một đứa bé độ bảy tám tuổi bị bắt trộm đem đi; trước đây mẹ đứa bé gửi nó cho một người chủ quán nuôi hộ. Tên nó là Côdét, mẹ nó là Phăngtin; nghe nói Phăngtin chết ở nhà thương phúc, không biết lúc nào và ở đâu. Giave thấy báo cáo ấy đâm ra nghĩ ngợi.
Hắn rất quen cái tên Phăngtin. Hắn nhớ ra hắn đã phì cười khi nghe Giăng VanGiăng xin khoan cho ba ngày để đi mang đứa con của con đĩ ấy về; hắn cũng nhớ Vangiăng bị bắt ở Paris đúng khi đáp chuyến xe đi Môngphecmây. Hơn nữa nhiều triệu chứng là Vangiăng đi Môngphecmây lần ấy là lần thứ hai, đêm trước hắn đã đi Môngphecmây, nhưng chỉ lùng quanh làng chứ chưa vào. Hắn ta đi Môngphecmây làm gì, người ta không đoán ra. Bây giờ đây Giave mới hiểu: con của Phăngtin ở đấy, Vangiăng đến tìm nó. Thế mà ngày nay con của Phăngtin bị một kẻ lạ mặt mang đi. Người lạ mặt là Giăng VanGiăng chăng? Nhưng không, Vangiăng đã chết rồi. Tuy vậy Giave cũng đáp xe đi Môngphecmây, chẳng nói cho ai biết.
Hắn đi là để cho biết rõ đầu đuôi; đến đây hắn lại càng mù mịt.
Sự thật, những ngày đầu, vợ chồng Tênácđiê mất ăn nổi cáu có nói lung tung. Việc mất con Sơn ca thế là đồn đại xa gần. Có nhiều giả thuyết tung ra, thuyết cuối cùng là Sơn ca bị bắt cóc. Vì thế nên đã có bản báo cáo của quận cảnh sát. Tuy vậy qua cơn giận dữ lúc đầu, linh khiếu của Tênácđiê báo cho hắn biết rằng đụng tới ông biện lý chẳng bao giờ có lợi. Hắn mà rêu rao kia nọ thì chỉ tổ làm cho con mắt sáng quắc của công lý trước hết đâm vào nhiều công việc của chính hắn ta. Loại cứ trước hết sợ ánh đèn người ta mang tới. Việc này mà động đến sở cảnh sát thì món tiền nghìn rưởi quan ấy nuốt cũng không trôi, đừng có nói gì đến chuyện khác. Hắn cắt đứt ngay câu chuyện và cấm vợ mách lẻo. Hắn làm bộ ngạc nhiên khi người ta nói đến việc mất con Sơn ca. Hắn nói hắn thật không hiểu. Ừ thì lúc đầu hắn cũng có phàn nàn làm sao người ra vội “bắt” con bé yêu đi như thế. Trìu mến con bé đã quen, hắn cũng muốn giữ lại thêm vài ba hôm. Nhưng chính là “ông” con Côdét thân đến đem nó về thì bảo làm sao được! Cái tiếng “ông con Côdét” thế mà có hiệu lực, nó làm cho ai cũng tưởng thật. Đến Môngphecmây, Giave nghe được chuyện này. “Ông con Côdét” đã đánh tan sự nghi ngờ của Giave về Giăng VanGiăng.
Nhưng Giave cũng hỏi Tênácđiê một đôi câu thăm dò ý tứ. Ông con Côdét là ai, tên gì? Rất tự nhiên, Tênácđiê đáp: một phú ông. Tôi có xem giấy thông hành của ông ấy. Tôi nhớ như tên là Guyôm Lămbe.
Lămbe là một cái tên hiền lành. Giave yên tâm trở về Paris. Hắn tự bảo:
- Thằng cha Giăng VanGiăng ấy đã chết đứt đi rồi. Mình quả là ngớ ngẩn.
Hắn lại quên câu chuyện.
Vào tháng ba năm 1824, một hôm hắn nghe nói đến một nhân vật kỳ quặc. Nhân vật ấy ở trong giáo khu Xanh Mêđa. Người ta gọi hắn là “người ăn mày hay bố thí”. Họ nói hắn sống về lợi tức công thải. Không ai biết tên hắn, hắn ở một mình với một con bé tám tuổi con này cũng chỉ biết một điều là nguyên từ Môngphecmây đến. Môngphecmây! Cái tên này vẫn lởn vởn trong trí óc Giave và làm cho hắn vểnh tai cảnh giác. Một người hành khất già kiêm mật thám, nguyên là lao công trong nhà thờ thường xin tiền của nhân vật ấy, cho Giave biết thêm một vài chi tiết. Người ấy bảo cái nhân vật này khó lại gần lắm, tối đến hắn mới ra phố. Hắn không nói chuyện với ai, trừ một đôi khi trao đổi với người nghèo đói. Không ai bắt chuyện với hắn được. Hắn mạt một chiếc áo khoác vàng xấu xí nhưng đáng giá mấy triệu vì khâu đầy giấy bạc. Chi tiết này làm cho Giave hết sức chú ý. Muốn cho nhân vật kỳ quái ấy khỏi kinh sợ ddeer xem cho rõ mặt, một hôm Giave mượn bộ đồ rách của ông hành khất già mặc vào mình, ngồi thay vào chỗ ông. Ở chỗ ấy, lão hành khất già kiêm mật thám đêm đêm vẫn tụng và nom dòm những người qua lại.
Đúng như dự đoán, nhân vật khả nghi đến gần Giave và bố thí cho hắn. Lúc ấy Giave ngẩng lên: Giăng VanGiăng nhận ra Giave, giật mình. Giave cũng giật mình vì nhận ra Giăng VanGiăng.
Nhưng Giave nghĩ rằng mình có thể nhận lầm. Cái tin Giăng VanGiăng chết đã chính thức kia mà. Giave là người thận trọng, khi còn nghi ngại, Giave chẳng bắt ai.
Hắn theo con mồi cho đến nhà Gorbô. Hắn gợi chuyện với bà già nấu ăn cho Vangiăng. Bà già cũng bảo là chiếc áo khoác có khâu bạc triệu và kể luôn câu chuyện cái giấy bạc một nghìn phơrăng chính mắt mụ đã nhìn thấy, tay mụ cũng đã mó vào! Giave thuê gian buồng bên cạnh và ngay tối ấy hắn dọn đến. Hắn nghiêng tai bên cửa Vangiăng để chờ nghe giọng nói của ông. Nhưng qua lỗ khóa, Vangiăng trông thấy ánh đèn của hắn, cho nên không nói một tiếng. Giave chờ hoài công.
Ngày hôm sau, Vangiăng dọn đi. Nhưng tiếng rơi của đồng năm phơrăng làm cho bà già chú ý. Bà nghe tiếng tiền leng keng, đoán là Vangiăng dọn đi, vội vã báo với Giave. Đếm đến, lúc Vangiăng ra đi, Giave đem theo hai người, cùng đnưgs rình sau bóng cây.
Giave đã xin người ở sở cảnh sát, nhưng hắn không nói là để bắt ai! Hắn giữ bí mật vì ba lý do: trước hết nếu lộ một tí gì, Vangiăng sẽ đề phòng; sau nữa bắt được một tên khổ sai lâu năm vượt ngục mà ai cũng đinh ninh là chết rồi, một tên tội phạm mà hồ sơ tư pháp liệt ê vào hạng nguy hiểm nhất, bắt được một nhân vật như thế là một kỳ công mà chắc chắn là bọn cảnh sát cũ ở đây không để dành cho một tên mới đến như Giave; Giave rất sợ người ta phỗng tay trên con mồi của hắn, lý do cuối cùng là Giave như một nghệ sĩ, hắn thích chuyện bất ngờ. Hắn chúa ghét những thành tích không còn sốt dẻo vì bị người ta kháo trước nhiều quá. Hắn ưng xây dựng tác phẩm trong bóng tối để rồi cuối cùng kéo bức màn cho tác phẩm hiện ra thình lình trước mắt công chúng.
Giave lần mò từ gốc cây nọ qua gốc cây kia, từ góc phố này đến góc phố khác để đuổi theo Vangiăng. Không một phút nào hắn mất dấu con mồi. Ngay những lúc mà Vangiăng tưởng là yên ổn nhất, Vangiăng cũng vẫn ở trong tầm con mắt vọ của Giave.
Tại sao Giave không bắt Giăng VanGiăng? Tại vì hắn cong nghi ngại.
Bạn đọc nên nhớ rằng thuở ấy cảnh sát rất lúng túng. Quyền tự do báo chí làm rầy cho họ lắm. Báo chí đã tố cáo một vài vụ bắt bớ vô nguyên tắc, làm chấn động các nghị viện, do đó sở cảnh sát đâm ra rụt rè.
Vi phạm quyền tự do cá nhân bị coi là một sai lầm nghiêm trọng. Vì thế, người lính cảnh sát rất sợ nhầm. Ông giám đốc sẵn sàng trách cứ họ, hễ nhầm lẫn là tức khắc bị cách. Hãy tưởng tượng tiếng dội của một tin ngắn như thế này mà một tờ báo đăng tin, tức khắc hai mươi tờ đăng lại: “Hôm qua một ông cụ già tóc bạc bị bắt giải về trại giam của sở cảnh sát trong khi ông đi chơi với một em bé tám tuổi, cháu ông. Người ta bảo ông là một tên khổ sai vượt ngục. Thật ra thì ông ấy là một người tử tế, sống bằng lợi tức công thải”.
Cũng nên nhớ rằng Giave còn có những nỗi băn khoăn của riêng lòng mình. Những lời dặn dò của lương tâm cộng vào với những lời dặn dò của ông cảnh sát trưởng. Thật tình là hắn còn nghi ngại lung lắm.
Giăng VanGiăng quay lưng lại, bước đi trong bóng tối.
Dáng đi của Giăng VanGiăng rất không bình thường chính Vangiăng cũng không biết. Đó là vì ông buồn, ông lo, ông sợ hãi, ông chán nản, ngoài ra còn có cái đau xót phải đương đêm trốn đi, nỗi lo lắng tìm đâu ra chỗ tạm trú, sự cần thiết phải bước hết sức chậm để cho Côdét theo kịp. Tất cả những thứ ấy làm cho người Vangiăng còm xuống, già cọm hẳn đi, đến nỗi Giave là hiện thân của cảnh sát cũng phải nhầm. Giave thì không thể đến quá gần, mà bộ áo quần thầy giáo già luân lạc của Vangiăng, cái việc Tênácđiê nói quả quyết người mang Côdét đi là ông nội của nó, sau hết cái tin Vangiăng đã chết, tất cả cái ấy càng làm cho đầu óc Giave hoang mang.
Có một lúc hắn nảy ra cái ý hỏi giấy Vangiăng đột ngột. Nhưng cũng không lợi. Nếu người ấy không phải là Giăng VanGiăng, cũng không phải là một ông già nhàn nhã lương thiện, thì tất phải là một tên đầu trộm đuôi cướp, dính dáng trong cái mạng nhện tội ác của thành phố Paris, một tên trùm lưu manh, đi bố thí cho người nghèo để che mắt thiên hạ, một trò cũ rích. Hẳn nó phải có những tòng phạm, những tay chân, những nhà phòng hờ để lẩn tránh khi cần đến. Cách nó tìm những đường phố quanh co mà đi, đủ chứng tỏ nó không phải là một anh già chất phác. Như thế thì bắt nó quá sớm cũng bằng “giết thịt con gà đẻ trứng vàng”. Chờ một tí nữa thì có mất gì? Tên gian phi thoát lưới làm sao được!
Giave vừa đi vừa suy nghĩ lung tung và đặt rất nhiều câu hỏi về con người bí mật ấy.
Mãi sau, nhờ ánh đèn rất sáng của một quán rượu phố Pôngtoa, Giave mới nhìn ra đúng là Giăng VanGiăng. Trên đời này có hai sinh vật có cái rung động ghê gớm: người mẹ tìm thấy con và con hổ bắt lại được mồi. Giave thấy toàn thân rung động như thế. Chạm tránh một người nguy hiểm như Vangiăng hắn thấy bọn hắn có ba người là quá ít, hắn bèn xin thêm người ở đồn cảnh sát phố Pôngtoa. Trước khi mó vào một cái cây gai góc, phải mang găng tay mới xong.
Việc dừng lại xin người cùng với việc hội ý ở ngã tư suýt nữa làm cho chúng mất dấu Vangiăng, Giave cúi đầu suy nghĩ như con chó săn dí mũi xuống lối đi để đánh hơi con vật. Bản năng của hắn thật là linh diệu. Hắn đoán ngay ra Vangiăng thế nào cũng vượt qua cầu để lấy con sông chắn những người đuổi theo mình. Hắn đến thẳng cầu Austéclit. Chỉ hỏi người gác cầu một câu thôi là hắn rõ sự thật: “Bác có thấy một người đi qua cầu cới một con bé không?” – “Tôi vừa bắt hắn trả hai xu đấy!” Giave lên cầu kịp lúc ở bờ bên kia, Vangiăng dắt Côdét đi qua khoảng trống vằng vặc ánh trăng. Hắn thấy Vangiăng vào phố Xanh Angtoan; hắn nghĩ đến ngõ cụt Giăngrô nằm ở đó sẵn sàng như một cái bẫy và cái lối thoát độc nhất từ phố Đơroamuyrơ ra ngõ phố Pichpuýt. Hắn lo đón ngách như những người săn: hắn vội phái một tên thuộc hạ đi tắt đến chắn lối đi ra phố Đơroamuyrơ. Hắn trưng tập một đội tuần tra trên đường về Binh xưởng và dắt theo hắn. Trong những ván bài như thế, lính là con chủ. Vả lại muốn hạ một con lợn rừng, phải có cả cái thông thạo của người thợ săn lẫn răng móng của một đàn chó.
Xếp đặt xong đâu vào đấy, Giave yên trí rằng Vangiăng thế là bị nghẽn đường, ở bên phải vấp vào ngách cụt Giăngrô, bên trái gặp người của hắn, đằng sau lưng thì có chính hắn. Giave đương đuổi tới. Khoan khoái Giave hít một hồi thuốc lá.
Rồi hắn muốn đùa giỡn một tý; giờ phút ấy là giờ phút khoái trác tàn ác nhất của hắn. Hắn cứ để cho con mồi lao tới trước. Hắn biết là hắn đã nắm chắc con mồi, nhưng hắn muốn hãy hoãn lại cái phút đưa tay ra tóm lấy nó. Biết nó đã bị bắt mà còn thấy nó tung tăng hắn lấy làm sung sướng- Con nhện để cho con ruồi vùng vaayyx, con mèo để cho con chuột chạy đi, con nhện, con mèo kia có những khoái cảm gì thì Giave có những khoái cảm đó. Những cái vũng vẫy, những cử động không đưa đến đâu hết của con vật bị bắt là nguồn nhục cảm gớm ghiếc cho móng vuốt của lũ ăn thịt. Còn gì làm cho chúng say sưa bằng sự vùng vẫy ngột ngạt ấy.
Giave rất khoái. Mắt lưới của hắn hết sức chắc chắn, thắng lợi đã rõ ràng, chỉ còn mỗi việc nắm bàn tay tóm cổ con mồi.
Giave cho rằng dù Vangiăng rất khỏe, dù Vangiăng cả gan và tuyệt vọng, Vangiăng cũng không thể chống cự được, vì hắn có đông tùy tùng đến vậy.
Giave tiến từng bước, hắn thăm dò soát xét mỗi một ngóc ngách nhỏ như lục túi mộh thằng ăn cắp.
Thế mà lúc đến giữa rốn lưới, hắn không tìm thấy con ruồi nữa.
Hãy tưởng tượng xem Giave tức tối thế nào!
Hắn tra hỏi người thuộc hạ canh giữ ở góc phố Pichpuýt. Người ấy vẫn canh giữ vị trí, những không thấy Vangiăng đi qua.
Trong đạo đi săn, cũng có lúc cả đàn chó đeo bên chân con nai mà con nai vẫn cứ chạy thoát, khiến những tay săn bạc đầu trong nghề cũng không còn biết nói sao. Cả Đuyviviê, Linhivin và Đêpơrê cũng bó tay. Trong một trường hợp không may như vậy, Actônggiơ đã kêu lên:
“Phải đâu là nai, nó là một con tinh đấy!”
Giave cũng rất muốn kêu như thế.
Hắn thất vọng gần như phát cuồng lên.
Napoleon đã phạm lầm lỗi trong chiến dịch đánh Nga, Alêchxăng trong cuộc viễn chinh Ân Độ, Xêda trong việc xâm lược châu Phi, Xiruýt trong chiến tranh Xiti; Giave cũng có lẫm lỗi trong trận đánh Giăng VanGiăng. Lúc đầu, không quyết đoán người đi trốn là Giăng VanGiăng là sai. Đúng lý ra, nhìn thấy lần đầu là phải cầm chắc! Không bắt Vangiăng ngay trong nhà là sai. Ở phố Pôngtoa, Giave biết đích xác là Vangiăng rồi, mà không bắt tức tốc là sai. Hội ý với người thuộc hạ giữa ngã tư, dưới ánh trăng vằng vặc cũng là sai. Đã đành rằng hỏi han người thuộc hạ là tốt, cũng như người đi săn thường tìm hiểu ý những con chó đuổi hay; nhưng người đi săn lành nghề cũng không nên quá cẩn thận khi đuổi những con thú đa nghi như con sói hoặc thằng tù khổ sai. Vì quá chăm cho đàn chó đuổi theo đúng dấu, Giave đã làm cho con mồi đánh hơi được đoàn săn và phóng mất. Cái sai lầm nghiêm trọng nhất của Giave là khi đã tìm lại được dấu của Vangiăng trên cầu Austeclít, hắn còn muốn bố trí cái trò mèo bắt chuột ghê gớm mà thơ ngây ấy. Hắn đánh giá tài năng của hắn quá cao, tưởng bắt hổ dễ như bắt chuột. Đồng thời hắn cũng có phần tự ti: ấy là lúc hắn xin viện trợ. Cẩn thận đến nước ấy thì thật là tai hại, là làm mất bao nhiêu thời giờ vàng ngọc. Giave phạm những lỗi lầm ấy, nhưng Giave vẫn là người thám tử thông thạo và hợp cách nhất từ xưa đến nay. Đúng hắn là một con chó hay, như người ta thường gọi trong săn bắn.
Ai mà toàn thiện toàn mỹ được? Những nhà thao lược thiên tài nhất trong lịch sử cũng còn có lúc lú lẫn.
Những điều ngu muội lớn nhất thường cũng như những cái dây thừng to, tết bằng vô số sợi nhỏ. Tách cái dây thừng ra từng sợi, tách rời những nhân tố nhỏ bé và quyết định, bạn có thể biết được chúng rất dễ từng cái một và bạn sẽ bảo: Chỉ thế thôi ư! Nhưng bện nó lại, quấn nó lại, nó sẽ ghê gớm. Đó là chuyện Atila do dự giữa Mácxieeng ở đông và Valăngtinieeng ở tây, chuyện Aniban là đà ở Capu, Đăngtông ngủ quên ở Acxi xuya Ôbơ.
Mặc dù thế nào, khi thấy Vangiăng mất tích, Giave vẫn không rối trí. Hắn tính chắc là Vangiăng còn lẩn quẩn đâu đấy chứ chưa thể cao bay xa chạy. Hắn bố trí người rình, gác, hắn tổ chức những bẫy sập, hắn lùng ngang dọc trong khu phố suốt đêm. Trước hết hắn nhaanjt hấy chiếc đèn lồng nằm không đúng chỗ, dây treo đèn bị cắt… Đó là một tang chứng quý báu thật, nhưng cái tang chứng ấy lại làm cho Giave lạc hướng.
Hắn chăm chú tìm tòi lục soát quanh ngách Giăngrô. Ở trong ngách ấy, có những bức tường thấp, sau tường là vườn tược; qua khỏi các khu vườn này thì đến nhiều đám đất mênh mông bỏ hoang. Hắn nghĩ tất nhiên Vangiăng đào tẩu theo hướng ấy! Thật vậy, nếu trước đấy, Vangiăng tiến sâu vào ngách Giăngrô thì hẳn ông đã chạy về hướng ấy, và bây giờ đã bị nguy rồi. Bởi vì Giave thăm dò các khoảnh vườn và các đám đất quanh đấy tỉ mỉ như tìm một cây kim rơi.
Sáng sớm hôm sau, Giave đặt hai thuộc hạ khôn ngoan quan sát ở đấy, còn hắn thì lui về sở, xấu hổ như một anh thám tử bị kẻ trộm lừa.



NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 6: NHÀ TU PƠTI PICHPUÝT

Chương 1

NGÕ PICHPUÝT, SỐ 62

Cái cổng lớn số nhà 62, trong ngõ Pichpuýt, cách đây nửa thế kỷ, cũng giống như mọi cổng lớn khác. Thường ngày, cổng vẫn hé mở, khiến ai cũng phải nhòm vào; nhìn vào cũng không có gì thảm đạm lắm: một cái sân có tường bao quanh, phủ đầy lá nho xanh, một khuôn mặt bác gác cổng đang đi thơ thẩn. Phía trong cùng, những chòm cây to vươn lên khỏi bờ tường. Những khi vườn hé chút ánh nắng hay khuôn mặt bác gác tươi cười vì có chút hơi men thì khách qua đường, ai cũng cảm thấy lòng vui phơi phới. Thế mà ngôi nhà số 62 là một nơi vô cùng u uất, mà chúng ta đã được nhìn qua.
Ngoài cửa thì vui tươi, trong nhà thì chỉ nghe thấy tiếng cầu kinh và tiếng khóc.
Nào mấy ai đã qua được bác gác mà vào nhà; muốn qua được bác, phải biết một câu thần chú như kiểu “úm ba la mở cửa ta vào”; khi qua được bác, ta thử rẽ vào căn phòng nhỏ ở phía tay phải; một cái thang gác chật hẹp giữa hai bức tường, chỉ vừa đủ một người đi; màu vôi vàng sẫm thật dễ sợ; cầu thang đánh bóng, màu nâu. Nếu ta có gan mạo hiểm leo lên, ta sẽ qua chỗ quặt đầu tiên, chỗ quặt thứ hai, rồi ta đến một cái hành lang; vẫn cái màu vàng đùng đục, vẫn cái chân tường màu sô-cô-la theo dõi ta. Hai cái cửa sổ xinh đẹp chiếu sáng xuống cầu thang và chiếu vào hành lang. Đến một chỗ quặt thì hành lang tối sầm lại. Nếu ta cứ bước thêm vài bước nữa, ta sẽ thấy một cái cửa bí mật, bí mật chính bởi vì nó không đóng lại. Đẩy cửa vào thì là một căn buồng chừng ba mét vuông, lát đá hoa; lau chùi sạch sẽ, lạnh lẽo, tường trải thứ giấy hoa xanh mười lăm xu một cuộn. Bên trái, choán hết chiều ngang cái buồng, một cái cửa kính ô nhỏ để lọt vào một thứ ánh sáng nhàn nhạt. Mắt nhìn không thấy một bóng người; tai nghe không thấy một bước chân đi, không một tiếng thì thào. Tường trần trụi không bọc gì, buồng không có đồ đạc, đến một cái ghế cũng không.
Nhìn mãi mới thấy ở bức tường trước mặt một cái lỗ hình vuông, độ ba tấc vuông, chăng một hàng chấn song sắt màu đen, đan chéo nhau, sần sùi, chắc chắn. Các song sắt ngang dọc làm thành những hình vuông có thể nói những mắt lưới vuông đường huyền năm sáu phân. Những bông hoa vẽ màu xanh trên tường cứ thản nhiên và đều đặn kéo đến gần những ô sắt, không tỏ vẻ gì khiếp sợ và rối loạn. Ta có thể tưởng tượng một con người gầy đét dù lọt ra, hay lọt vào qua lại ô vuông ấy, thì những cái gióng sắt kia sẽ cản lại. Nó không để thân thể lọt qua, nhưng để cho mắt lọt, nghĩa là tinh thần. Hình như người ta đã nghĩ đến điều đó vì ta thấy họ đã đóng thêm một tấm thiếc vào tường ở phía sau một ít, tấm thiếc đục hàng ngàng lỗ nhỏ li ti, nhỏ hơn lỗ môi hớt bọt.
Ở phía dưới tấm thiếc có đục thủng một khe nhỏ như miệng hòm thư. Bên phải cái khe, treo thòng lọng một mẩu dây để kéo chuông.
Cầm dây giật, tức thì một tiếng nói ngay sát đấy làm ta phải rùng mình.
- Ai đấy.
Tiếng ấy là tiếng đàn bà, một tiếng nói nhẹ nhàng, vì nhẹ nhàng quá nên nghe ra thảm đạm.
Nơi này, cũng phải biết một câu thần chú thì cửa mới mở. Nếu không, tiếng nói sẽ lại câm lặng, bức tường im lìm, tưởng như phía bên kia tường chỉ có bóng tối khủng khiếp nơi mộ địa.
Nếu ta biết câu bí mật, tiếng nói kia sẽ tiếp:
- Rẽ sang tay phải.
Nhìn sang bức tường phía tay phải, đối diện với cửa sổ, ta thấy một cái cửa lắp kính, sơn màu xám, bên trên là một khung kính. Nhấc cái chốt bước qua cửa, ta có cảm tưởng hệt như khi ta bước chân vào cái buồng con ở rạp hát khi chấn song chưa hạ xuống và đèn chưa thắp lên. Buồng này quả giống như một buồng con trong rạp hát, chỉ có ánh sáng phía cửa kính tỏa xuống mờ mờ, hẹp, kê hai cái ghế cũ và một cái đệm rơm đã xơ xác, đứng như một cái buồng rạp hát, phía trước có một cái bàn nhỏ bằng gỗ đen. Phòng đó tứ bề có chấn song, nhưng không phải thứ chấn song bằng gỗ thếp vàng trong rạp Ôpêra ở Paris, mà lại là một thứ chấn song sắt khủng khiếp chằng chịt, đóng vào tường bằng những chốt to tướng trông như những nắm tay.
Mấy phút qua, khi mắt đã quen với thứ bóng tối mờ mờ như ở dưới hầm ấy, ta thử đi qua lớp chấn song; nhưng được vài bước, lại có một hàng cửa ván đen ngòm chắn ngang trước mặt. Cửa thì đầy những then ngang của hàng chấn song và lúc nào cũng đóng im ỉm.
Một lát sau, một tiếng nói từ sau cửa vọng ra gọi khách và hỏi:
- Tôi đây, người cần gì ở tôi?
Tiếng nói ấy là tiếng nói của một người thân mến, nhiều khi là tiếng nói của người yêu. Không thấy bóng người. Đến một hơi thở cũng không nghe thấy. Hình như hồn ma nào từ dưới mồ vọng lên chuyện trò với khách.
Có khi, trong những trường hợp hiếm hoi, một cánh cửa mở ra trước mặt khách, hồn ma ấy hiển hiện lên. Sau lưới sắt, bên trong cửa sổ, có một cái đầu, nhưng chỉ nhìn thấy miệng và cằm, còn thì là một cái khăn voan đen kín mít. Thấp thoáng một cái yếm đen, một hình người phủ mảnh vải liệm đen. Cái đầu ấy nói chuyện với khách, nhưng không nhìn khách và chẳng bao giờ hé một nụ cười.
Ánh sáng từ phía cửa sổ soi vào, khiến khách thấy cái đầu ấy trắng xóa, còn khách chỉ là một cái bóng đen ngòm. Ánh sáng ấy có một ý nghĩa tượng trưng.
Qua lỗ hổng, mắt khách chăm chăm nhìn vào khoảng tối âm u, tĩnh mịch. Tứ bề xung quanh cái hình người mặc đồ tang, chỉ là một thứ không khí mơ hồ thăm thẳm. Mắt khách chăm chú tìm tòi xem trong khoảng mơ hồ ấy có nhận được vật gì, ngoài bóng ma không. Một lát sau mới nhận ra là chẳng trông thấy gì hết. Chỉ thấy đêm tối, khoảng không trống rỗng, bóng đen mù mịt, một thứ sương mù quyện với hơi sương lạnh lẽo ngoài bãi tha ma; và yên lặng ghê người, không thấy gì hết, không có cả đến hơi thở dài não nuột; toàn là bóng tối, không thấy cả đến bóng ma vơ vẩn.
Nơi ấy là nhà tu kín.
Nhà tu ảm đạm, khắc khổ này thuộc dòng thánh Becna, gọi là nhà tu “Chầu mình Thánh hàng ngày”. Cái “buồng xem hát” vừa rồi, là phòng tiếp khách; tiếng nói đầu tiên với khách là tiếng nói của một nữ tu giữ cửa, lúc nào cũng ngồi lặng thinh, ở phía tường bên kia, gần cái cửa vuông nhỏ có hàng chấn song sắt và tấm thiếc đục nhiều lỗ bảo vệ đến hai lần.
Cái phòng khách bịt lưới sắt tối om, vì chỉ có một cửa sổ để lọt ánh sáng từ ngoài vào, còn phía nhà tu thì không có. Con mắt trần tục không được nhìn vào nơi thiêng liêng kia.
Tuy đây là bóng tối, nhưng bên kia vẫn có ánh sáng. Trong cõi chết này vẫn có một cuộc sống. Nhà tu này là nhà tu kín cổng cao tường nhất, nhưng ta cứ thử vào và đưa bạn đọc vào để xem đời sống bên trong ra sao và thuật lại có chừng mực những điều xưa nay chưa ai từng thấy, do đó cũng chưa kể bao giờ.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 6 - Chương 2

TIỂU TU VIỆN CỦA MÁCTANH VÉCGA

Cái tiểu tu viện ấy, hồi 1824 đã có từ lâu ở ngõ Pichpuýt, là một tu viện của các nữ tu sĩ Becnađin, thuộc dòng của Mactanh Vécga. Như thế là những tu sĩ ấy không phụ thuộc vào tu viện Cơlécvô như những nam tu sĩ dòng Bênêđichtanh, nói khác đi là họ không thờ thánh Xanh Bécna mà thờ thánh Xanh Bơnoa.
Ai đã đọc một ít bộ sách lớn đều biết rằng Mactanh Vécga năm 1425 đã sáng lập một giáo hội nữ tu sĩ Becnađin – bênêđichtin mà tu viện chính là Xalamăngcơ và tu viện phụ là Ancala.
Hội nữ tu ấy đã phát triển chi nhánh khắp các nước châu Âu theo đạo Giatô.
Ghép một dòng tu này với một dòng tu khác là việc thường diễn ra trong nhà thờ La tinh. Chỉ kể dòng thánh Bơnoa của Mactanh Vécga còn bốn giáo hội nữa: hai ở Ý, giáo hội Mông Caxanh và giáo hội nữ thánh Giuyxtin đơ Pađu; hai ở Pháp, giáo hội ở Cơluyni và giáo hội Xanh Môrơ và chín nhánh nữa: Valôngbơrôđa, Gơramông, Xêlextanh, Camăngđan, Sáctơrơ, Uymiliê, Ôlivatơ, Xinvextơranh, cuối cùng là Xitô, bởi vì chính cả Xitô, thân cây trổ ra nhiều nhánh, cũng chỉ là một nhánh đối với thánh Bơnoa. Xitô được sáng lập từ thánh Rôbe, giáo sĩ ở Môlexmơ, trong khu Lăngrơ, năm 1098. Chính là từ năm 529 con quỷ ác, về ẩn ở xa mạc Xuybiacô (quỷ già, hắn muốn làm nhà ẩn dật chăng?) đã bị đuổi khỏi đền thờ cũ của Apôlông bởi thánh Bơnoa, lúc bấy giờ mới mười bảy tuổi.
Sau luật khổ hạnh của nữ tu sĩ dòng Cácmêlít, đi chân đất, đeo một tấm giáp mây trước ngực và không bao giờ ngồi, luật khổ hạnh nghiêm khắc nhất là luật của dòng nữ tu sĩ Becnađin – bênêđichtin của Mactanh Vécga. Họ mặc áo đen với một cái yếm cứng lên đến tận cằm, theo đúng quyết nghị của thánh Bơnoa. Một cái áo dài xecgiơ, ống tay rộng, một vuông len che mặt lón, cái yếm cứng lên đến tận cằm và xén thẳng ngang ngực, cái băng trán che đến sát mắt, đó là y phục của họ. Tất cả đều đen, trừ chiếc băng trán là trắng. Nữ tu sĩ tập sự cũng mặc như thế, nhưng màu trắng. Những nữ tu sĩ đã tuyên thệ đeo thêm một chuỗi tràng hạt bên hông.
Nữ tu sĩ Becnađin – bênêđichtin của Mactanh Vécga thực hành “Chầu mình Thánh hàng ngày”, cũng như những nữ tu sĩ Becnađin mang tên là nữ tu sĩ “Thánh thể”; đầu thế kỷ này ở Paris có hai tu viện, một ở khu Tăngpơlơ, một ở phố Nơvơ Xanhtơ Giơnơvievơ. Vả lại những nữ tu sĩ Becnađin – bênêđichtin của tu viện Pơti Pichpuýt thuộc một dòng khác hẳn các nữ tu sĩ “Thánh thể” trong những nhà tu kín ở phố Nơvơ Xanhtơ Giơnơvievơ và ở khu Tăngpơlơ. Có nhiều chỗ khác nhau trong kỷ luật, khổ hạnh. Trong y phục các nữ tu sĩ Becnađin – bênêđichtin ở Pơti Pichpuýt mặc yếm đen, các nữ tu sĩ theo “Thánh thể” ở phố Nơvơ Xanhtơ Giơnơvievơ mặc yếm trắng và ở trên ngực còn đeo một cái mình thánh, cao tám phân, bằng bạc mạ vàng hay bằng đồng mạ vàng. Nữ tu sĩ ở Pơti Pichpuýt không đeo mình thánh. Việc Chầu mình thánh hàng ngày là một kỷ luật chung của tu viện Pơti Pichpuýt và tu viện Tăngpơlơ, còn ngoài ra hai dòng hoàn toàn khác nhau. Chỉ có sự giống nhau ấy trong kỷ luật hành lễ giữa các nữ tu sĩ Thánh thể và các nữ tu sĩ Becnađin của Mactanh Vécga, cũng như có sự giống nhau trong học tập và ngợi ca những điều thuộc thuở thơ ấu, đời sống và cái chết của Giêsu Cơrít và thuộc về Đức mẹ đồng trinh giữa hai dòng rất xa nhau và có khi thù địch nhau: phái Nhà nguyện Itali do Philip đơ Nêri lập ở Phơlorăngxơ và Nhà nguyện Pháp do Pie đơ Bêruyn lập ở Paris. Dòng Nhà nguyện Paris tự cho là đứng trên và Philip đơ Nêri chỉ là Thánh, còn Bêruyn là giáo chủ.
Ta hãy quay về cái kỷ luật khổ hạnh Tây Ban Nha của Mactanh Vécga.
Các bà Becnađin – bênêđichtin của dòng này cả năm đều kiêng ăn thịt, nhịn ăn những ngày tuần chay và nhiều ngày khác do họ định riêng; đêm đêm sau giấc ngủ đầu tiên, họ thức dậy từ một giờ cho đến ba giờ để đọc kinh và tụng bài kinh sớm. Bốn mùa họ nằm trên ổ rơm, đắp chăn len thô, không tắm, không đốt lò sưởi, mỗi thứ sáu tự lấy roi vọt đánh mình, giữ kỷ luật im lặng, chỉ nói với nhau trong những giờ giải lao ngắn ngủi, mặc áo lót thô, suốt sáu tháng, từ ngày 14 tháng 9 là ngày suy tôn Thánh giá, cho đến ngày lễ Phục sinh. Sáu tháng thế là đã giảm nhẹ rồi, kỷ luật bắt cả năm, nhưng cái áo lót mình thô ấy, trong những ngày hè nóng bức, không sao chịu nổi, nó gây sốt và động kinh, nên phải hạn chế việc mặc. Tuy có sự châm chước, ngày 14 tháng 9, khi các nữ tu sĩ bắt đầu mặc cái áo ấy, họ cũng lên cơn sốt ba bốn ngày. Phục tùng, nghèo khó, trinh bạch, suốt đời sống giữa bốn bức tường, đó là những lời nguyện của họ mà kỷ luật còn làm nặng nề thêm nhiều.
Mẹ nhất ba năm một lần được bầu lên bởi các mẹ gọi là “mẹ tư vấn” bởi vì các mẹ ấy được có ý kiến, có thẩm quyền. Mẹ nhất chỉ được bầu lại hai lần, như thế nghĩa là quyền hành của mẹ chỉ lâu nhất là chín năm.
Họ không bao giờ được nhìn linh mục chủ lễ, có một tấm màn xecgiơ cao hơn hai mét rưỡi che khuất. Khi giảng đạo, linh mục giảng đạo ở trong nhà nguyện, các mẹ phải buông tấm khăn che mặt. Lúc nào cũng phải nói khẽ, đi thì mắt luôn nhìn xuống và đầu cúi. Chỉ có một người đàn ông được vào trong tu viện, đó là vị tổng giám mục địa phận.
Cũng có một người đàn ông nữa, đó là người làm vườn. Những người ấy bao giờ cũng là một ông già và để lúc nào ông già ấy cũng trơ trọi một mình trong vườn và để các nữ tu sĩ biết trước mà tránh lão, người ta buộc vào đầu gối lão một chiếc nhạc con.
Các bà phải phục tùng mẹ nhất một cách tuyệt đối và thụ động. Đó là sự phục tùng theo phép đạo với tất cả tinh thần nhẫn nhục của nó. Như phục tùng lệnh của Chúa Cơrít (Từ đây đến hết đoạn tác giả có chua thành ngữ Latinh bên cạnh tiếng Pháp), tuân theo cử chỉ, theo dấu hiệu, phục tùng tức khắc, một cách hân hoan, một cách kiên nhẫn, hầu như một cách nhắm mắt, như cái đũa trong tay người thợ, không được đọc, không được viết một tí gì nếu không được phép rõ rệt.
Lần lượt mỗi bà phải làm cái họ gọi là đền tội. Đền tội tức là cầu nguyện để chuộc tất cả các tội, tất cả các lỗi, tất cả các sự rối trật tự, tất cả các sự vi phạm, tất cả các sự bất công, mà loài người đã phạm phải trên trái đất này. Suốt 12 giờ liền, từ 4 giờ chiều đến 4 giờ sáng, hay từ 4 sáng đến 4 giờ chiều, bà phước đền tội quỳ trên phiến đá, trước Thánh thể, chắp hai tay và cổ buộc chiếc dây thừng; khi mệt mỏi không chịu được nữa thì họ nằm rạp xuống, mặt áp đất, hai cánh tay dang chữ thập, chỉ làm thế thôi để đỡ mệt mỏi. Trong cái tư thế như vậy họ cầu nguyện cho tất cả những người phạm tội trong vũ trụ. Thật là cao cả đến tuyệt vời.
Vì lễ cầu nguyện ấy tiến hành trước một cái cột, trên có thắp một cây nến, nên người ta gọi là lễ đền tội cũng được, hay đứng cột cũng được. Các bà vì tinh thần tự hạ, lại thích cách gọi sau này đơn vị nó có hàm ý chịu tội, ý xả thân.
Đền tội là một hành vi thu hút tất cả tâm hồn. Dù sấm nổ sau lưng, bà phước đứng cột cũng không quay đầu lại.
Ngoài ra lúc nào cũng có một nữ tu sĩ quỳ trước Thánh thể. Mỗi người quỳ như thế một tiếng đồng hồ và thay phiên nhau như lính thay phiên gác. Đó là lễ Chầu mình thánh hàng ngày.
Các mẹ nhất và các mẹ hầu hết đều mang những cái tên có một ý nghĩa nghiêm trang đặc biệt, gợi lại không phải những vị thánh hay các vị tử vì đạo, mà nhắc lại những giai đoạn trong cuộc đời của Giêsu Cơrít, như mẹ Giáng sinh, mẹ Đồng Trinh, mẹ Tiến dâng, mẹ Thương khó. Tuy vậy cũng không cấm mang tên các vị nữ thánh.
Khi ta nhìn họ thì bao giờ cũng chỉ nhìn thấy cái mồm. Răng ai cũng vàng cả. Không bao giờ có một cái bàn chải răng được vào trong tu viện. Đánh răng là bậc thang trên cùng của một cái thang mà bậc cuối cùng là: mất linh hồn.
Họ không bao giờ bảo của tôi. Họ không có cái gì riêng và cũng không được gắn bó với cái gì cả. Cái gì họ cũng bảo là của chúng tôi, thí dụ như cái màn che mặt của chúng tôi, cái chuỗi hạt của chúng tôi; giá nói đến cái áo lót mình họ cũng sẽ bảo: cái áo lót mình của chúng tôi. Đôi khi họ cũng quyến luyến một cái gì nho nhỏ. Quyển Kinh nhật khóa, một thánh tích, một cái ảnh thánh. Nhưng khi họ bắt đầu thấy họ quyến luyến vật ấy thì họ đem cho đi ngay. Họ vẫn nhớ câu nói của thánh Têredo trả lời một bà mệnh phụ, bà này khi sắp đi theo dòng tu của thánh Têredo, đã thưa: “Cho phép con sai người đi mang đến cho con quyển thánh kinh mà con thích lắm”. “Thế à! Thế ra bà còn thích một cái gì à. Thế thì bà đừng vào đây với chúng tôi”.
Cấm không ai được ở riêng ra một mình, có một chỗ ở riêng, một phòng riêng. Tuy phòng họ lúc nào cũng mở cửa. Khi họ gặp nhau, một người nói: Ngợi khen thờ kính Thánh thể rất thiêng liêng, người kia trả lời: Đời đời. Khi họ gõ cửa buồng nhau cũng vậy. Vừa thấy tiếng gõ nhẹ, phía trong đã nghe một giọng êm dịu, vội vàng nói: Đời đời. Với thói quen, điều này trở thành một việc làm như máy. Đôi khi người này chưa kịp nói cái câu khá dài Ngợi khen và thờ kính Thánh thể rất thiêng liêng thì người kia đã vội đáp: Đời đời.
Với dòng tu Viđităngdin, thì người gõ cửa nói: Ave Maria, người trong buồng nói: Đầy duyên phúc. Đó là lời chào của họ, cũng “đầy duyên” phúc thật (Chữ grâce tiếng Pháp có hai nghĩa: ơn phúc và xinh đẹp, duyên dáng. Tác giả dùng nghĩa thứ hai ở đây).
Mỗi giờ chuông tu viện, sau hồi chuông báo giờ, lại đánh thêm ba tiếng. Nghe hiệu tiếng ấy, tất cả mọi người: mẹ nhất, các mẹ tư vấn, các bà đã khấn nguyện, các bà phục vụ, các bà tập sự, các bà còn đợi vào dòng, tất cả đang nói gì, đang làm gì đều ngừng cả lại và tất cả đồng thanh nói, thí dụ nếu là năm giờ: Lúc năm giờ và tất cả mọi giờ, ngợi ca và thờ kinh Thánh thể rất thiêng liêng. Nếu là tám giờ: Lúc tám giờ và tất cả mọi giờ… và cứ thế tùy theo mỗi giờ.
Cái tập tục nhằm mục đích bất cứ lúc nào, cũng cắt đứt dòng tư tưởng, để quy nó về với Chúa, trong nhiều dòng tu đều có, chỉ có lời tụng là thay đổi, thí dụ như dòng tu Giêsu Hài đồng thì người ta nói: Ở giờ này và tất cả mọi giờ lòng tôi luôn nghĩ đến Chúa Giêsu!
Những bà Becnađin – bênêđichtin dòng Mactanh Vécga từ năm mươi năm nay ở trong nhà tu kín Pơti Pichpuýt, đều hát theo một điệu nguyện kinh trầm, điệu hát hành lễ cổ truyền, lúc nào cũng đều đều, suốt các buổi lễ. Mỗi khi trong sách hát có một dấu sao, họ đều dừng lại một lát và nói sẽ: Giêsu, Maria, Giôdép. Lễ cầu hồn người chết, họ hát giọng thấp đến mức ít có giọng nữ nào thấp đến thế và tạo ra một cảm giác xúc động và thê thảm.
Các nữ tu sĩ Pơti Pichpuýt xây một cái hầm mộ ngay dưới nền bàn thờ chính để chôn người chết của họ. Nhưng chính phủ, như họ nói, không cho phép đặt quan tài dưới đó. Vì vậy khi họ chết cũng phải đưa xác ra ngoài tu viện. Điều đó làm họ buồn và kinh sợ như phạm một tội nặng.
Họ xin được chôn vào một giờ riêng trong nghĩa địa cũ Vôgira, ở một miếng đất xưa kia là của dòng họ. Tuy nhiên ân huệ đó cũng chẳng an ủi họ được mấy.
Thứ năm họ nghe lễ lớn, kinh chiều và các lễ khác, cũng như ngày chúa nhật. Họ còn làm đầy đủ tất cả mọi lễ khác mà người ngoài đời hầu như hoàn toàn không biết, những lễ mà trước kia nhà thờ Pháp đặt ra rất nhiều, nay ở Tây Ban Nha và Ý vẫn còn giữ. Thì giờ họ ở trong nhà nguyện thật là vô tận, còn số kinh họ nguyện và thời gian mỗi lần họ nguyện kinh chúng tôi chẳng thể nào nói đúng hơn là lời nói hồn nhiên của một người trong bọn họ: “Những bà tập sự nguyện kinh thì thật là ghê sợ, những bà mới vào dòng càng ghê sợ hơn và những bà đã khấn thì càng ghê sợ hơn nữa”. Mỗi tuần một lần, tập hợp tất cả tu viện. Mẹ nhất chủ tọa, các “mẹ tư vấn” tham dự. Mỗi bà phước, lần lượt ra quỳ trên phiến đá và trước mặt cả mọi người, cất tiếng to xưng thú tất cả các lầm lỗi, các tội đã phạm trong tuần. Các “mẹ tư vấn” trao đối với nhau sau mỗi lời thú tội và cất tiếng tuyên bố những hình phạt.
Ngoài việc thú tội công khai rộng rãi như vậy dành cho các lỗi hơi nặng, còn những lỗi nhẹ thì có hình thức khác gọi là làm cunpơ. Làm cunpơ là quỳ áp bụng xuống đất suốt buổi lễ, trước mặt mẹ nhất, cho đến khi mẹ nhất – mà bao giờ cũng phải gọi là mẹ chúng tôi – gõ một tiếng nhỏ vào tay chiếc ghế ngồi của mẹ, báo cho kẻ thú tội biết là được đứng dậy. Một tí gì cũng phải làm cunpơ. Đánh vỡ một cái cốc, làm rách một khăn che mặt, vô tình đến dự lễ chậm vài giây, hát sai một nốt ở nhà thờ… thế là đủ để làm cunpơ. Làm cunpơ là việc tự nhiên tự phát, chính người phạm tội (dùng theo nghĩa từ nguyên của chữ cunpơ) tự xét xử mình và tự trừng phạt mình. Những ngày lễ và ngày chủ nhật, có bốn mẹ hát nguyện trước một cái giá sách bốn ngăn. Một hôm một mẹ xướng một bài tụng bắt đầu bằng chữ Exê, nhưng mẹ lại không nguyện Exê mà lại hát to ba nốt nhạc ut, si, sol. Vì sự lơ đãng ấy, mẹ phải làm cunpơ suốt buổi lễ. Lỗi càng thêm nặng vì cả tu viện đã cười ồ.
Khi một nữ tu sĩ được gọi lên phòng khách, dù là mẹ nhất, cũng phải buông khăn che mặt để người ta chỉ trông thấy cái miệng thôi, như ta đã biết.
Chỉ có mẹ nhất được tiếp xúc, nói chuyện với người ngoài. Những bà khác chỉ được gặp người thật thân cận trong gia đình mình và cũng rất ít khi thôi. Nếu ngẫu nhiên một người ngoài đến xin gặp một nữ tu sĩ mà họ đã biết hay yêu ngoài đời, thì phải qua cả một cuộc thương thuyết. Nếu là một phụ nữ thì đôi khi còn được phép. Nữ tu sĩ ấy đi ra và người đến thăm chỉ được nói chuyện qua khung cửa, cánh cửa chỉ mở cho mẹ hay chị thôi. Tất nhiên không bao giờ người ta cho phép một người đàn ông vào.
Đó là kỷ luật của thánh Bơnca và thánh Vécga đã làm cho thêm nghiêm ngặt.
Những nữ tu sĩ này không vui tươi, hồng hào như ở các dòng tu khác. Họ xanh xao và nghiêm nghị. Từ 1825 đến 1830 có ba người đã hóa điên.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 6 - Chương 3

NHỮNG ĐIỀU NGHIÊM KHẮC

Đợi được vào dòng ít nhất phải hai năm, nhiều khi bốn năm; thời gian tập sự phải bốn năm. Rất hiếm có những bà được khấn nguyện trước tuổi hăm ba, hăm bốn. Dòng tu Becnađin – bênêđichtin của Mactanh Vécga không nhận vào dòng mình những phụ nữ góa chồng.
Ở trong tu phòng, họ tự dằn vặt, tự đầy đọa xác thịt một cách lạ lùng mà không bao giờ nói với ai. Ngày được chính thức khấn nguyện người nữ tu sĩ mặc những quần áo đẹp nhất, đầu chít một vành hoa hồng trắng; người ta chải dầu thơm và tết tóc cho bà, rồi bà quỳ xuống; người ta phủ lên mình bà một tấm màn đen và hát bài cầu hồn. Bấy giờ các tu sĩ phân ra thành hai hàng, một hàng đi sát bà và nói với một giọng rầu rĩ “Người chị em của chúng ta đã chết” và hàng người kia trả lời với một giọng âm vang “Sống trong lòng Giêsu Cơrít”.
Thời kỳ xảy ra câu chuyện này, trong tu viện có một nhà lưu trú. Nhà lưu trú dành cho các con gái quý tộc, phần lớn là giàu; trong số đó có tiểu thư Xanhtơ Olerơ, tiểu thư Đơ Bêlixen và một cô gái người Anh, mang cái tên nổi tiếng trong giới công giáo là Tanbô. Những cô gái được các tu sĩ nuôi dạy trong bốn bức tường kín, lớn lên với lòng ghê sợ xã hội và ghê sợ cuộc đời: một cô trong số đó có lần nói với chúng tôi: “Chỉ nhìn thấy cái lề đường cũng đủ làm cho tôi ghê sợ rùng mình từ gáy đến chân”. Các cô gái ấy mặc quần áo màu xanh, đội mũ chụp trắng và mang một hình Chúa Thánh Thần bằng bạc hay đồng mạ vàng trước ngực. Vào một số ngày lễ lớn, đặc biệt là vào ngày lễ Xanhtơ Mactơ, tu viện cho phép họ, coi như là một đặc ân và một hạnh phúc lớn lao, mặc áo như các nữ tu sĩ, đi dự lễ và thực hiện mọi biện pháp tắc của thánh Bơnoa suốt một ngày. Lúc đầu các tu sĩ cho họ mượn quần áo đen của mình. Nhưng như thế có phần phàm tục nên mẹ nhất cấm. Chỉ có các tu sĩ mới nhập dòng mới được phép mượn quần áo. Đáng chú ý là những chuyện ấy, có lẽ được xem như bình thường và khuyến khích ở trong tu viện vì một nhiệt tình truyền đạo và để cho các cô gái nhỏ ấy sớm ưa thích cái bộ áo thiêng liêng, lại là một hạnh phúc thực sự và một điều giải trí đối với họ. Các cô gái nhỏ ấy vui thích một cách hồn nhiên. Đó là một cái mới lạ, nó làm cho họ thay đổi. Thật là những lý do thơ ngây của tuổi trẻ, không thể làm cho chúng ta, những người lớn, trải đời, hiểu được cái sung sướng được cầm cái cần rẩy nước thánh và đứng hàng giờ, tay bốn cùng hát tụng trước giá Kinh.
Những nữ sinh lưu trú này, trừ phần kỷ luật khắc khổ, cũng phải theo hết các tập tục của tu viện. Có cô đã trở về nhà và đi lấy chồng mấy năm rồi mà vẫn chưa bỏ được thói quen nói vội vàng “đời đời” khi nghe có tiếng người gõ cửa. Cũng như các nữ tu sĩ, những cô gái lưu trú chỉ được gặp người nhà ở phòng khách. Những bà mẹ của họ cũng không được phép ôm hôn con. Đây là một ví dụ chứng tỏ sự nghiêm ngặt ấy có thể đến mức như thế nào. Một hôm một cô gái có người mẹ đến thăm, đi cùng với em gái cô, mới ba tuổi. Em bé khóc và muốn hôn chị. Không thể được. Cô gái lưu trú chỉ xin phép cho em cô đưa bàn tay nhỏ qua chấn song để cô có thể hôn bàn tay em. Điều này cũng bị từ chối gần như tàn nhẫn.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 6 - Chương 4

NHỮNG NIỀM VUI

Tuy vậy những cô gái lưu trú ấy cũng đã để lại trong nhà tu nghiêm nghị này những kỷ niệm tươi vui.
Có những lúc tuổi trẻ chói sáng ngời ngời trong nhà tu kín này. Giờ ra chơi vừa điểm. Một cánh cửa quay trên bản lề. Chim trên cành bảo nhau: đây! Các bạn nhỏ đây! Tuổi trẻ vui tươi bỗng như nước phun lên, tràn ngập cái vườn có cây thập tự giống như một tấm vải liệm. Những khuôn mặt rạng rỡ, những vầng trán trắng tinh, những cặp mắt ngây thơ đầy ánh sáng tươi vui, tất cả các thứ ánh bình minh tỏa ra giữa bóng đêm đen tối ấy. Sau những giờ nguyện kinh, những tiếng chuông, những hồi chuông gọi, những tiếng chuông báo tử, những buổi lễ, bỗng nhiên nổ tung ra cái tiếng ồn ào của các cô gái nhỏ và mỗi con ong mang mật của nó đến. Chơi đùa, gọi nhau, túm năm, tụm ba, chạy nhảy, những hàng răng ngọc ngà xinh xắn, bi bô ở từng góc. Những tấm màn che mặt, từ đằng xa, giám sát các tiếng cười, bóng tối đang rình tia sáng. Nhưng mặc kệ, các em vẫn tươi vui, sáng rỡ, nói nói cười cười. Bốn bức tường thê thảm ấy có những phút sáng ngời.
Như được ánh chói của bao nhiêu vui tươi làm cho trắng lên, chúng đứng chứng kiến những đàn ong kia bay lượn êm đềm. Đúng là một trận mưa hoa hồng đổ xuống một cảnh tang tóc. Các em gái nhỏ bay lượn dưới con mắt của các bà tu sĩ. Cái nhìn của nghiêm túc tuyệt đối không làm cho ngây thơ phải lúng túng. Nhờ có những em gái nhỏ ấy mà giữa bao nhiêu giờ phút nghiêm khắc kia có một giờ thơ ngây. Các em gái bé nhảy nhót, các em gái lớn nhảy múa. Ở nhà tu kín này trong nô đùa của trẻ con như có trời xanh. Không gì tươi sáng và huy hoàng, đường bệ, như những linh hồn tươi mát như hoa nở ấy. Omerơ cũng muốn đến đây cười đùa với Perô (Homere: nhà thơ cổ đại Hy Lạp, tác giả những chiến hùng ca Iliat và Ođixê nổi tiếng; Perrault: nhà thơ Pháp thế kỷ 17, tác giả những chuyện thần tiên nổi tiếng viết cho trẻ con như chuyện Em bé tí hon) trong cái vườn đen tối này có tuổi trẻ, có lành mạnh, có tiếng động, có tiếng kêu, có sự quay cuồng vui nhộn, có thú vui, có hạnh phúc, có thể làm cho tất cả những bà cố của anh hùng ca, của cổ tích, của ngai vàng, cũng như của lều tranh, từ Hêquýbơ đến Marơ Gơrăng, phải vui cười, giảm hết vết nhăn trên mặt.
Trong cái nhà này, có lẽ hơn bất cứ ở đâu, người ta được nghe nhiều những lời trẻ con lúc nào cũng ý nhị làm cho mọi người cười và mơ mộng. Chính ở giữa bốn bức tường ảm đạm này, một em gái nhỏ năm tuổi một hôm thốt lên câu này: “Mẹ ơi! Một chị lớn vừa bảo con rằng chỉ còn phải ở đây 9 năm 10 tháng nữa thôi. Sung sướng quá nhỉ!”
Cũng ở đây người ta đã được nghe những câu đối thoại đáng ghi nhớ mãi mãi này:
Một mẹ tư vấn: - Con ơi sao con khóc?
Em gái nhỏ (sáu tuổi) nức nở: Con bảo Alixơ rằng con thuộc lịch sử Pháp. Alixơ cứ bảo là con không thuộc, thế mà con thuộc thật.
Alixơ (em lớn, chín tuổi): Không, nó không thuộc đâu.
Mẹ: Con ơi! Thế nào là nó không thuộc?
Alixơ: Nó bảo con là cứ mở quyển sử ra, bất cứ trang nào và hỏi nó một câu có ở trong sách, nó sẽ trả lời được cho coi.
- Thế rồi sao?
- Nó không trả lời được.
- Xem nào, con hỏi nó câu gì?
- Con đã mở quyển sách như nó bảo và đã hỏi nó câu hỏi đầu tiên con thấy.
- Thế câu hỏi ấy là câu hỏi gì?
- Như thế này: Sau đó thì thế nào?
Cũng ở đây, ta nghe thấy một lời nhận xét sâu sắc về một con vẹt hơi tham ăn của một bà lưu trú:
- Con vẹt này mới ngộ chứ. Nó ăn cái phần nhân trên bánh, như là người ấy.
Cũng ở trên một viên đá lát nhà tu kín ấy, người ta đã nhặt được những lời thú tôi sau đây của một kẻ phạm tội lên bảy tuổi chép trước vào giấy để khỏi quên.
“- Thưa cha, con tự thú đã mắc tội hà tiện.
“- Thưa cha, con tự thú đã mắc tội ngoại tình.
“- Thưa cha, con tự thú đã mắc tội ngửa mặt lên nhìn đàn ông”.
Cũng ở trên một chiếc ghế đá trong vườn này, một cái miệng hồng sáu tuổi đã đặt ra câu chuyện nhỏ này mà những cặp mắt xanh bốn, năm tuổi nghe chăm chú:
- Ngày xưa có ba con gà sống ở một xứ có nhiều hoa. Chúng nó hái hoa bỏ vào túi. Xong rồi chúng nó hái lá để vào đồ chơi của chúng. Trong xứ ấy có một con chó sói và ở đấy có nhiều rừng; con sói thì ở trong rừng. Và con sói đã ăn thịt mấy con gà sống nhỏ.
Và còn bài thơ nhỏ này nữa:
Xảy ra câu chuyện đánh một gậy
Ấy là Pôlisinen đã đánh cho con mèo một gậy
Chuyện ấy không tốt cho Pôlisinen, chuyện ấy đã làm hại nó.
Thế là một bà lớn bắt Pôlisinen bỏ tù.
Ở đấy có một em bé gái bị bỏ rơi, được tu viện nhặt nuôi làm phúc. Khi em nghe các bạn khác nói đến mẹ các bạn ấy, em ngồi trong xó thì thầm câu nói hiền dịu và xót xa này:
- Em thì khi em ra đời, mẹ em không có ở đây.
Có một nữ tu sĩ phụ trách liên lạc với người ngoài to béo. Lúc nào người ta cũng thấy bà lật đật - ở các hành lang với chùm chìa khóa, tên bà là Agatơ. Các em gái lớn, hạng mười tuổi trở lên, đặt cho bà ấy cái tên Agatôcơlê (Agatheclas: đồng âm với Agatthe aux cléc: Agatơ chữa khóa).
Nhà ăn, một gian rộng, vuông, ánh sáng chỉ lọt qua một hành lang có cột, liền ngay với vườn tu viện, thì lúc nào cũng tối và ẩm và như lời các trẻ nhỏ vẫn nói: đầy những sâu bọ. Tất cả các góc nhà xung quanh đều có sâu bọ bò đến, do đó mỗi góc có một cái tên riêng tiêu biểu trong ngôn ngữ của các cô gái nhỏ: có góc nhện, góc sâu, góc bò cạp, góc dế; góc dế thì gần bếp và các em gái nhỏ rất thích góc ấy. Ở đấy không lạnh bằng các chỗ khác. Những tên ấy, từ nhà ăn đã lan sang nhà lưu trú và được dùng để phân biệt bốn “dân tộc” như ở trường Madaranh cũ. Mỗi em gái đều thuộc một trong bốn “dân tộc” ấy tùy theo góc phòng em vẫn ngồi bữa ăn. Một hôm Đức Tổng giám mục, trong một cuộc kiểm tra, thấy một em gái xinh, hồng hào, với một bộ tóc vàng tuyệt đẹp, đi vào trong lớp ngài đang thăm. Ngài hỏi một em gái lưu trú xinh xắn khác tóc đen, đang ngồi cạnh ngài:
- Em gái nào đấy?
- Thưa Đức giám mục, đấy là một con nhện.
- Thế à, còn em kia?
- Một con dế.
- Và em này?
- Một con sâu.
- Thực ư: thế con cháu?
- Thưa Đức giám mục, cháu là một con bò cạp.
Mỗi một tu viện như tu viện này đều có những nét riêng biệt của nó. Đầu thế kỷ này, Ecuen là một trong những cái nhà ấy, xinh tươi và nghiêm nghị, ở đó các cô gái nhỏ lớn lên, dưới một bóng mát thiêng liêng. Ở Ecuen, những cô gái được xếp hàng vào đám rước Mình Thánh, chia ra những “cô gái đồng trinh” những “cô gái hoa”. Rồi còn những “cô gái lọng”, những “cô gái bình hương” là những cô cầm đài lọng, những cô đốt hương trước Mình Thánh. Hoa thì các cô “gái hoa” được quyền giữ lấy. Bốn “cô gái đồng trinh” đi đàng trước. Buổi sáng ngày lễ lớn ấy, người ta thường nghe thấy ở trong phòng ngủ các em gái nhỏ hỏi nhau:
- Đứa nào trinh đấy?
Bà Căngpăng nhắc lại lời một em nhỏ bẩy tuổi nói với một em lớn mười sáu tuổi, cô lớn đi đầu đám rước, còn cô nhỏ đứng ở đàng đuôi:
- Chị thì trinh, còn em thì không trinh.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 6 - Chương 5

NHỮNG TRÒ GIẢI TRÍ

Phía trên cửa vào phòng ăn, có viết bằng chứ lớn màu đen bài Kinh này mà người ta gọi là Patơnôtơrơ trắng, nó có cái mầu nhiệm đưa thẳng người ta lên thiên đường:
“Patơnôtơrơ trắng nhỏ, mà Chúa làm, mà Chúa đọc, mà Chúa đặt lên thiên đường. Buổi tối tôi đi nằm, tôi trông thấy (nguyên văn) ba thiên thần nằm “ngị” ở giường tôi, một ở chân giường, một ở đầu giường và ở giữa là Đức mẹ đồng trinh Maria. Đức Mẹ bảo tôi cứ nằm “ngị” ở giường và đừng “ngị” gì. Chúa là cha tôi, Đức mẹ đồng trinh là mẹ tôi, ba đấng tông đồ là anh tôi, ba nữ đồng trinh là chị tôi. Chiếc áo lót đỡ mình Chúa khi Chúa ra đời bao bọc thân tôi. Thập tự giá Xanhtơ Mácgơritơ vẽ trên ngực tôi. Đức Mẹ đồng trinh đi ra đồng, Chúa khóc lóc tìm “thấy” ngài Xanh Giăng. Ngài Xanh Giăng, ngài ở đâu đến đấy? Tôi ở lễ Avê Xaluyxơ đến. Ngài có trông “thấy” Chúa không? Có không? Chúa ở trong cây thập tự, hai chân buông thõng hai tay đóng đanh, một chiếc mũ gai nhọn trắng trên đầu. Ai đọc ba lần lời cầu nguyện này buổi chiều, ba lần buổi sớm, sẽ lên thiên đường chắc chắn”.
Năm 1827 lời nguyện ấy đã biến mất dưới ba lần vôi trắng. Bây giờ lời nguyện ấy cũng đang mờ dần trong ký ức của vài người, hồi ấy là thiếu nữ, bây giờ là bà già.
Một cây thập tự lớn treo ở tường, hoàn thành việc trang trí phòng ăn này, mà cái cửa sổ ra vào duy nhất, như chúng tôi đã nói, mở ngay ra vườn. Hai chiếc bàn hẹp với mỗi bên có ghế dài gỗ, làm thành hai dẫy dài song hành, đi từ đầu đến cuối phòng ăn. Tường trắng, bàn đen; chỉ có hai màu tang đó thay đổi nhau trong các tu viện. Các bữa cơm cũng có vẻ khắc khổ và thức ăn cho chính các trẻ lưu trú cũng kham khổ. Một món thôi: thịt trộn rau, hay cá muối, thế là sang đấy. Cái thực đơn thường ngày ngắn ngủi ấy dành riêng cho các cô gái lưu trú, cũng là một biệt lệ. Các em nhỏ ăn và im lặng, dưới sự canh gác của mẹ trực tuần; nếu có một con ruồi vô cớ bay vo ve trái phép tắc thì mẹ ấy mở và đóng ồn ào một quyển sách bìa gỗ. Cái im lặng ấy có pha thêm những đoạn sự tích các vị thánh, đọc to, trên một cái bàn nhỏ, ở dưới chân cây thánh giá. Người đọc là một học trò lớn trực tuần. Từng quãng, từng quãng, đặt trên bàn không có khăn phủ, những cái chậu đất đánh bóng để học trò rửa bát đĩa, hay đôi khi vứt thức ăn bỏ đi, miếng thịt rắn hay miếng cá ươn. Làm như thế là bị trừng phạt. Người ta gọi những cái chậu đất ấy là những “khoanh nước”.
Em nào làm ồn phải thực hiện “chứ thập lưỡi”. Ở đâu? Ở dưới đất. Em đó liếm đất. Cát bụi, kết thúc mọi vui sướng trên đời, có trách nhiệm trừng phạt những chiếc lá nhỏ đáng thương của cánh hồng vi phạm tội líu lo.
Ở trong tu viện có một quyển sách xưa nay chỉ in có một bản, mà người ta cấm đọc. Đó là cuốn Kỷ luật của thánh Bơnoa. Thâm cung mà không con mắt ngoài đời nào được dòm ngó tới “Nemo regulas seu constitutiones nostras, externis communicabit” (Châm ngôn Latinh có nghĩa là: Không ai có quyền công bố cho nước ngoài biết hiến pháp, luật lệ của ta).
Thế mà các cô gái lưu trú một hôm lấy trộm được quyển sách ấy và họ đọc ngốn ngấu, đọc liên tục, thỉnh thoảng phải dừng lại và đóng sập quyển sách vì sợ bị bắt gặp. Tuy nhiên sự nguy hiểm lớn lao đó chỉ đem lại cho họ một sự thích thú xoàng. Vài trang rất tối nghĩa về những tội của các cậu trai trẻ tuổi, đó là những điều “lý thú nhất” mà các cô gái nhỏ này đọc được.
Họ chơi đùa trên một lối đi trong vườn, hai bên có hàng cây ăn quả, khẳng khiu. Mặc dù có sự canh gác rất nghiêm ngặt và những sự trừng phạt rất nặng nề, khi gió mạnh rung cây, họ cũng có thể nhặt được một quả táo xanh, một quả mơ thối hay một quả lê sâu. Bây giờ tôi nhường lời cho một bức thư mà tôi đang có ở trước mắt, một bức thư viết cách đây đã 25 năm, của một cô gái lưu trú, bây giờ là bà công tước…, một trong những phụ nữ lịch sự nhất ở Paris. Tôi xin kể nguyên văn: “Chúng tôi cất giấu quả lê hay quả táo bằng mọi cách. Khi lên gác đeo màn che mặt để chuẩn bị ăn tối, chúng tôi giấu nó dưới gối, đến lúc đi ngủ thì đem ra ăn trong giường. Nếu không làm thế được thì ăn trong lúc đại tiểu tiện”. Đó là một niềm khoái chá lớn nhất của họ.
Một lần, cũng trong một dịp Đức Tổng giám mục đến thăm tu viện, một thiếu nữ, tiểu thư Busa, có một chút máu Momôrăngxy đánh cuộc rằng sẽ xin Đức Tổng giám mục cho phép nghỉ một ngày. Đó là một chuyện quái gở trong một tu viện nghiêm ngặt như vậy. Người ta nhận cuộc, nhưng không một ai tin cả. Đến giây phút quyết định, khi Đức Tổng giám mục đi ngang qua mặt các cô gái lưu trú, tiểu thư Busa, trước sự hãi hùng của tất cả các bạn, ở trong hàng tiến ra và nói: “Thưa Đức Tổng giám mục, con xin phép một ngày”. Tiểu thư Busa, tươi trẻ và cao, có gương mặt hồng hồng xinh nhất trên đời. Đức Đức Tổng giám mục Đơ Kêlen cười và nói: “Con yêu quý của cha, thế nào, một ngày thôi à! Cho con nghỉ ba ngày, con bằng lòng chứ? Cha cho con nghỉ ba ngày”. Mẹ nhất không biết nói năng làm sao cả khi Đức Tổng giám mục đã phán. Thật là một sự đảo lộn kỳ quặc trong tu viện. Nhưng các cô gái lưu trú thì vui sướng hết sức. Ta hãy tưởng tượng cảnh xúc động.
Nhà tu kín khắc khổ như thế mà bốn bức tường cũng vẫn không đủ kín để cho những đam mê ngoài đời, những bi kịch, những tiểu thuyết không thể thâm nhập vào đây. Để chứng minh điều này, chúng tôi chỉ ghi nhận ở đây và kể ngắn gọn một sự việc thực, không ai phủ nhận được. Tuy nhiên, bản thân sự việc cũng không có một quan hệ gì, dây dợ gì với câu chuyện kể trong bộ sách này. Chúng tôi chỉ kể lại sự việc để độc giả hình dung được đầy đủ bộ mặt của tu viện này.
Thời kỳ ấy, trong tu viện có một nhân vật bí mật không phải là tu sĩ, nhưng được đối xử một cách rất kính trọng. Người ấy tên là bà Anbectin. Người ta không biết gì về bà cả, chỉ biết là bà ấy điên và ở ngoài đời thì người ta coi như bà ấy đã chết rồi. Trong uẩn khúc của việc này, theo dư luận thì có những xếp đặt cần thiết để tiến hành một cuộc hôn nhân lớn.
Người phụ nữ ấy chưa đầy 30 tuổi, da hơi nâu, khá đẹp, hai mắt đen to, nhìn lúc nào cũng mơ màng. Bà ấy có trông thấy gì không? Không chắc đã trông thấy gì. Bà lướt nhẹ qua hơn là bước chân đi. Bà không bao giờ nói một lời. Người ta không biết chắc là bà có thở hay không. Đôi cánh mũi sát vào nhau xanh xao như người mới tắt thở. Cầm tay bà như mó vào tuyết lạnh. Bà có cái dáng xinh đẹp lạ kỳ của một bóng ma. Bà lướt chân vào đâu thì người bỗng thấy lạnh lạnh. Một hôm một bà phước thấy bà đi qua, nói với một bà phước khác: - Bà ấy đi như người chết rồi. Bà kia trả lời: - Có lẽ thế thật.
Người ta kháo về bà ta hàng trăm chuyện. Bà ấy là điều tò mò vô tận của các cô gái lưu trú. Ở trong nhà nguyện có một chỗ ngồi trên cao gọi là cửa mắt bò. Chính ở chỗ ấy, chỉ có một cái lỗ hổng tròn, một mắt bò, bà ta vẫn ngồi một mình để dự các buổi lễ, điều cấm đối với các bà xơ khác trong tu viện. Một hôm có một linh mục cao cấp trẻ đến thuyết giáo: Công tước Rôăng, nghị sĩ thượng viện Pháp, sĩ quan ngự lâm pháo thủ đỏ hồi năm 1815, khi ông còn là hoàng thân Lêông, chết năm 1830 với chức hồng y giáo chủ và Tổng giám mục địa phận Bơdăngxông. Hôm ấy là lần đầu tiên ngài Đơ Rôăng truyền đạo ở tu viện Pơti Pichpuýt. Thường thường bà Anbectinơ vẫn dự các buổi thuyết giáo một cách bình thản và im lặng hoàn toàn. Hôm ấy khi trông thấy ngài Đơ Rôăng, bà nhổm người dậy và nói to trong cái yên lặng của nhà nguyện: “Kìa Ôguyxtơ!”. Tất cả mọi người ngạc nhiên quay nhìn về phía bà. Người giảng đạo ngước mắt lên, nhưng bà Anbectinơ lại ngồi xuống và trở về với cái im lặng thường ngày của bà. Một hơi gió nhẹ của cuộc đời, một tia sáng của sự sống thoáng qua giây lát trên khuôn mặt đã tắt và lạnh như băng, thế rồi tất cả lại tan biến và người đàn bà điên ấy lại trở lại là một cái xác chết.
Nhưng hai tiếng kia đã làm cho tất cả những ai có thể nói được trong tu viện đều bàn tán. Bao nhiêu điều trong hai tiếng“Kìa Ôguyxtơ!” ấy, bao nhiêu bí ẩn phơi bày. Ngài Đơăng tên tục là Ôguyxtơ thật. Và chắc là bà Anbectinơ thuộc một tầng lớp rất cao sang, bởi vì bà quen ngài Đơ Rôăng và riêng bà cũng có một địa vị cao sang, vì bà gọi một cách thân mật thế một vị quý tộc lớn như vậy. Giữa bà và ngài Đơ Rôăng chắc có một dây liên lạc, có thể là họ hàng và chắc là gần gụi lắm, vì bà biết cả tên “cúng cơm” của ngài Đơ Rôăng.
Hai bà công tước nghiêm nghị, bà công tước Soadơn và bà công tước Xêrăng thường đến thăm tu viện mà hai bà được vào vì có cái đặc quyền “Maganates mulieres” (Quyền của những bà lớn).
Hai bà đến làm cho các cô gái lưu trú rất sợ hãi. Khi hai bà già ấy đi qua, những cô gái nhỏ đáng thương kia run lên và cúi gầm mặt.
Ngài Đơ Rôăng vô tình không biết là các cô gái lưu trú thường để ý đến ngài. Lúc bấy giờ, trong khi chờ đợi được phong giám mục, ngài mới được cử làm phụ tá cho Đức Tổng giám mục Paris. Ngài Đơ Rôăng thường hay đến hát tụng trong các buổi lễ trong nhà nguyện của tu viện Pơti Pichpuýt. Không một cô gái lưu trú nào được thấy mặt ngài Đơ Rôăng vì tấm màn xécgiơ che khuất. Nhưng ngài có một giọng nói êm dịu, thanh thanh mà các cô gái ấy có thể nhận ra và phân biệt được. Ngài đã là một ngự lâm pháo thủ; người ta kể rằng ngài khéo làm dáng, với bộ tóc đẹp, màu hung hạt dẻ uốn thành cuốn xung quanh đầu, ngài có một cái dây lưng rộng, đen, rất đẹp và cái áo choàng đen của các cô gái nhỏ mười sáu tuổi ấy luôn luôn vấn vương hình ảnh ngài.
Không có một tiếng động nào bên ngoài vọng vào trong tu viện. Thế mà có một năm một tiếng sáo đã len lỏi vào đây. Thật là một biến cố và các cô gái lưu trú hồi ấy còn nhớ đến nay.
Có một người thổi sáo ở quanh gần đấy. Cây sáo luôn luôn thổi một điệu, một điệu ngày nay đã xa xưa lắm: “Nàng Đêtuynbê của ta ơi! Hãy đến đây ngự trị trên âm hồn ta”. Một ngày hai ba lần điệu sáo ấy véo von.
Suốt mấy tháng trời, các cô gái trẻ chú ý nghe tiếng sáo hàng giờ, các mẹ thì xôn xao, các bộ óc làm việc mạnh, các hình phạt đổ xuống như mưa. Các cô gái lưu trú ít nhiều ai cũng mê chàng thổi sáo bí mật. Mỗi cô đều mơ mình là nàng Đêtuynbê. Tiếng sáo thì phía phố Đơroamuyrơ vọng tới. Các cô gái sẵn sàng cho tất cả, làm tất cả mọi việc phiêu lưu, thử mọi biện pháp, để có thể trông thấy, dù chỉ một giây thôi, hoặc thoáng “Chàng trai trẻ” chơi sáo cũng đã vô tình rỡn với tất cả các tâm hồn ấy. Có cô gái lẻn ra ngoài, qua cái cổng sau và leo lên gác ba trông ra phố Đơroamuyrơ để nhìn qua những kẽ hở gần mái. Cũng chẳng thấy gì. Một cô gái giơ cánh tay lên trên đầu, qua song sắt cửa và phất một chiếc khăn tay trắng. Hai cô táo bạo hơn nữa đã tìm cách trèo lên được mái nhà, liều mạng và cuối cùng nhìn thấy “Chàng trai trẻ” ấy. Đó là một ông quý tộc già, xuất cảnh trở về (Trong thời kỳ cách mạng 1789, giới quý tộc chống nước Pháp sang sống lưu vong ở các nước phong kiến khác ở châu Âu) nay mù và sa sút. Ông ta thổi sáo trong cái gác xép, sát mái nhà để giải muộn.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 6 - Chương 6

TU VIỆN NHỎ

Trong phạm vị tu viện Pơti Pichpuýt có ba ngôi nhà riêng biệt hẳn với nhau: Đại tu viện các nữ tu sĩ ở, nhà lưu trú của các cô học trò nhỏ và ngôi nhà vẫn gọi là tiểu tu viện. Đây là một ngôi nhà có vườn, trong đó ở chung đụng tất cả cá tu sĩ già của nhiều dòng tu, những người còn sót lạ của các nhà tu kín mà Cách mạng đã xóa bỏ. Một tập hợp xáo trộn của tất cả các màu đen, xám, trắng của tất cả các dòng hội, tất cả các loại có thể có, mà người ta có thể gọi – nếu được phép ghép hai chữ này – một thứ tu viện Aclơcanh (Arlequin: tên một vai hề trên sân khấu nước Ý ngày xưa, vẫn mặc một cái áo may bằng các mụn vải nhiều màu chắp lại).
Từ ngày lập Đế chế, những nữ tu sĩ phân tán, lạc loài đáng thương này đã được trở về đây ẩn náu dưới cánh của các bà Becnađin – bênêđichtin. Nhà nước cho họ một phụ cấp nhỏ. Các bà Pơti Pichpuýt đã sốt sắng đón họ về. Thật là một sự pha trộn kỳ lạ. Mỗi người theo kỷ luật riêng của dòng mình. Đôi khi các cô học trò lưu trú được phép, coi như một buổi giải trí lớn, đến thăm họ, vì vậy mà ký ức của các cô gái trẻ này còn nhớ với nhiều kỷ niệm khác, kỷ niệm của các mẹ Xanh Badin, mẹ Xanhtơ Scôlaxtin và mẹ Giacốp.
Một trong những người ở đậu ấy đã gần như trở về nhà mình, đó là một nữ tu sĩ dòng Xanhtơ Orơ, người duy nhất của dòng này còn sót lại. Tu viện Xanhtơ Orơ, từ đầu thế kỷ mười tám chính là cái nhà Pơti Pichpuýt này, về sau trở thành sở hữu của các bà Bênêđichtin của Mactanh Vécga. Con người rất ngoan đạo này tiều tụy, nghèo khổ nên không mặc bộ áo trắng rực rỡ với cái yếm đỏ của dòng tu nữa, mà chỉ giữ bộ áo đó mặc cho một người gỗ mà đôi khi bà vui vẻ phô cho mọi người xem và khi chết bà để lại cho tu viện. Năm 1824, cả dòng tu ấy chỉ còn một người, ngày nay chỉ còn lại một con nộm.
Ngoài các mẹ đáng kính ấy, một vài phụ nữ già ngoài đời, cũng như bà Anbectin, đã được phép mẹ nhất vào ngụ trong tiểu tu viện. Trong số những người này có bà Bôpho Đôpun và bà nam tước Đuyphơrên. Một bà nữa mà ở tu viện người ta chỉ biết vì cái tiếng ồn ào khi bà xỉ mũi. Các cô học trò đã đặt cho bà cái tên “Xỉ mũi to”.
Vào những năm 1820 hay 1821 bà Gienlixơ, hồi đó bà đang biên tập môt tập san định kỳ tên là Dũng cảm, cũng xin vào lưu trú ở tu viện Pơti Pichpuýt, công tước Đooclêăng giới thiệu bà. Cái tổ ong xôn xao lên; các mẹ tư vấn cũng run sợ. Vì bà Gienlixơ đã từng viết tiểu thuyết. Nhưng bà bảo rằng bà là người đầu tiên ghét những tiểu thuyết của bà, vả lại bà đã đến một cái tuổi say mê đạo ghê gớm. Chúa phù hộ và nhờ ông hoàng kia nữa, bà được nhận vào ở tu viện. Nhưng chỉ sáu tháng hay tám tháng sau bà xin ra, với lý do là vườn tu viện ít bóng mát. Các bà tu sĩ thì rất mừng. Tuy đã rất già, bà Gienlixơ vẫn chơi thụ cầm và chơi rất hay.
Khi ra đi bà còn để lại dấu vết của bà trong phòng. Bà Gienlixơ mê tín và giỏi chữ Latinh. Hai nét đó phác họa hình ảnh bà khá tốt. Chỉ cách đây vài năm, người ta còn thấy dán ở trong một cái tủ nhỏ ở phòng bà, cái tủ bà vẫn cất tiền và đồ trang sức, năm câu thơ chữ Latinh này mà chính tay bà đã viết bằng mực đỏ trên giấy vàng, năm câu thơ mà bà cho là có phép làm cho kẻ trộm sợ hãi.
Những tội khác nhau treo trên ba thân cây.
Dimas và Gesmas quyền phép Chúa đứng trung gian.
Xét xử cả Dismas kiêu hãnh và Gesmas thấp hèn.
Quyền phép tối cao gìn giữ chúng ta và lợi ích chúng ta.
Hiến dâng những thứ đó phải đâu là mất mát thiệt thòi.
(Nguyên văn Latinh như sau:
Imparibus meritis pendeat tria corpora ramls
Dismas et Gesmas, media ét divina potestas
Alta petie Dismas, infelix, imfima, Gesmas
Nos et res nostras conservet summa potestas
Nos veus dicas, ne tu furto tua perdas).
Những câu thơ ấy viết theo tiếng Latinh thế kỷ thứ sáu nêu lên một vấn đề: có phải hai tên kẻ trộm trên núi Canve tên là Dismas và Gesmas hay là Dismas và Gestas, như thông thường người ta nói: cái chính tả mới này có thể không vừa ý ngài tử tước De Gestas thế kỷ trước. Ngài tự xưng mình là dòng dõi của tên ăn trộm xấu xa kia. Ngoài ra cái phép mầu nhiệm của những câu thơ ấy là một điều tin tưởng chắc chắn đối với dòng Cứu thế.
Nhà thờ của tu viện, xây dựng đặc biệt để ngăn cách hẳn đại tu viện với nhà lưu trú, tất nhiên là nhà thờ chung của đại tu viện, tiểu tu viện và của nhà lưu trú. Cả người ngoài cũng có thể vào lễ nhà thờ này bằng một lối cửa riêng mở ra ngoài phố. Nhưng nhà thờ đã được xếp đặt để không một người nào trong tu viện có thể nhìn được mặt một người ở ngoài. Ta hãy hình dung một cái nhà thờ mà sàn hát bị một bàn tay khổng lồ kéo lên và gấp lại, nên không như ở trong các nhà thờ thường là một gian tiếp sau bàn thờ, mà là một cái buồng hay cái hang tối ở bên tay phải người đứng làm lễ. Gian buồng ấy được che lại bởi cái màn cao hơn hai mét đã nói ở trên; trong bóng tối của cái màn ấy, hãy dồn xếp trên những chiếc ghế gỗ, các bà tu sĩ hát kinh ở bên trái, những cô gái lưu trú bên phải, rồi những bà phục vụ, những bà mới vào dòng ở trong cùng, thế là bạn có một hình ảnh những nhà tu hành trong tu viện Pơti Pichpuýt trong một buổi lễ thánh. Cái hang tối ấy, mà người ta vẫn gọi là sàn hát, thông sang nhà tu kín bằng một dãy hành lang. Nhà thờ chỉ có cửa nhìn ra vườn. Mỗi lần các bà tu sĩ đi dự lễ, mà kỷ luật bắt buộc phải yên lặng, thì người ngoài chỉ có thể biết được sự có mặt của họ qua tiếng va chạm của cái gờ gỗ dưới ghế nhô lên hay hạ xuống.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 6 - Chương 7

VÀI HÌNH DÁNG CỦA CÁI BÓNG TỐI ẤY

Trong khoảng thời gian sáu năm, từ 1819 đến năm 1825, mẹ nhất của tu viện là tiểu thư Đo Bolomo, mà tên đạo là mẹ Inoxangto. Mẹ thuộc dòng họ Magorit de Bolomo tác giả quyển sách: Sự tích các thánh dòng Xanh Bonoa, Mẹ đã được tái cử. Mẹ trạc sáu mươi, người thấp béo, "Hát như một cái chĩnh rẻ", như nói trong một bức thư mà chúng tôi đã nhắc đến, ngoài ra thì rất tốt, người duy nhất vui tính trong tu viện mà cũng vì thế mà được kính mến.
Mẹ Inoxangto thừa hưởng cái thông thái của bà tổ trong dòng họ Magorit, bà Dacier của dòng tu (Anne Lefebvre Dacier, một phụ nữ thông thái giỏi tiếng Hy Lạp và tiếng Latin, đã dịch các tác phẩm Iliade và Odyssec, 1656-1720). Mẹ giỏi văn chương, uyên thâm, bác học, hiểu biết nhiều, lại là một sử gia kiểu riêng, một bồ chữ Latin, một bồ chữ Hy Lạp, một bồ chữ Hebro, nên là một benedictan hơn là một benedictin (những tu sĩ benedictin (nam) có truyền thống uyên thâm, bác học).
Mẹ nhì là một tu sĩ già, người Tây Ban Nha, hầu như lòa, gọi là mẹ Xineredo.
Những mẹ tư vấn đáng kể là mẹ Xanhro Onomo thủ quỹ, mẹ Xanhto Gietoruydo, giáo nhất của các bà mới nhập dòng; mẹ Xanhto Anggio, giáo nhì; mẹ Anongxiaxiong, giữ kho đồ lễ của nhà thờ; mẹ Xanhto Oguyxtanh y tá, người duy nhất độc ác trong tu viện, rồi đến mẹ Xanhto Mechtindo (tiểu thư Govanh), rất trẻ, có một giọng hát tuyệt hay; mẹ Dedanggio (tiểu thư Dorue), trước đã ở tu viện Phio Dio và tu viện Turedo, giữa hai tỉnh Gido và Manhi; mẹ Xanh Giodep (tiểu thư Gogoluydo); mẹ Xanto Adelaide (tiểu thư Dovecnay); mẹ Midericoocdo (tiểu thư De Xiphuyato bị lôi cuốn bởi khổ hạnh); mẹ Congpaxiong (tiểu thư Minchiero, sáu mươi tuổi còn được nhập dòng, tuy là trái với điều lệ, rất giàu); mẹ Porevidangxo (tiểu thư Do Lodiniero); mẹ Poredangtaxiong (tiểu thư Di Xinghenda) năm 1847 là mẹ nhất, và cuối cùng mẹ Xanhto Xelinbo (chị của nhà điêu khắc Xeraki), sau đó hóa điên; và mẹ Xanto7 Sangtan( tiểu thư De Xuydong) cũng hóa điên.
Trong số những bà đẹp nhất còn có một thiếu nữ hai mươi ba tuổi rất xinh, người ở đảo Buocbong, con cháu của Hiệp sĩ Rodo, nhưng ở đây tên là mẹ Axonxiong.
Mẹ Xanhto Mechtindo phụ trách việc hát và đoàn hợp xướng của nhà thờ, thường huy động các cô học trò lưu trú. Thường mẹ huy động cả một nhóm đầy đủ nghĩa là bảy em, từ 10 đến 16 tuổi thôi, giọng hát và tầm vóc hợp nhau, mẹ bảo đứng hát, xếp hàng cạnh nhau, theo lứa tuổi, từ cô bé nhất đến cô lớn nhất, như là một bộ sáo thiếu nữ, một thứ sáo sống của thần Păng, xếp bằng những thiên thần.
Trong các bà phục vụ, những người mà các cô học trò lưu trú quý nhất là bà Xanhto Ophoradi, bà Xanhto Magorit, bà Xanhto Macto có bệnh thần kinh và bà Xanh Misen, có một cái mũi dài làm các học trò cười.
Tất cả các bà đều rất hiền dịu đới với các em gái nhỏ ấy. Họ chỉ nghiêm khắc đối với bản thân họ. Chỉ nhà lưu trú mới đốt lửa sưởi. Món ăn hàng ngày của nhà lưu trú so với bữa ăn của tu viện là món ăn sang. Thêm vào đó trăm sự săn sóc khác. Nhưng khi một em nhỏ đến gần một nữ tu sĩ và nói với bà, thì không bao giờ bà trả lời.
Cái kỷ luật im lặng ấy đã đem lại hậu quả là trong tu viện người ta lấy mất tiếng nói của con người và trao cho những vật vô tri vô giác. Khi thì quả chuông của nhà thờ lên tiếng, khi thì chiếc nhạc của người làm vườn. Một cái chuông rất kêu, đặt bên cạnh bà gác và có thể nghe thấy bất cứ ở đâu trong tu viện, với những nhịp khác nhau như một thứ máy viễn thoại; báo tất cả mọi hoạt động trong sinh hoạt vật chất của tu viện. Nó cũng có thể dùng để gọi, khi cần, người này hay người khác lên buồng khách; mỗi người, mỗi vật đều có tín hiệu riêng. Mẹ nhất là một một, mẹ nhì là một và hai, sáu năm là giờ lên lớp. Thành ra học trò không báo giờ bảo: vào lớp học, mà chỉ nói: đi sáu năm. Bốn bốn là tín hiệu của bà Do Gienlixo. Tín hiệu này, nghe thấy luôn. Những người nào không phúc hậu, thương người thì bảo: đồ quỷ bốn! Mười chín tiếng báo hiệu một sự việc lớn lao, đó là việc mở cổng khóa, một tấm sắt ghê rợn lô nhô những chốt, chì quay trên bàn lễ khi nào Đức Tổng Giám Mục đến tu viện.
Trừ Đức Tổng Giám Mục và người làm vườn như chúng tôi đã nói, không có một người đàn ông nào vào được tu viện. Các cô gái lưu trú còn được hai người nữa: cha tuyên úy, giáo sĩ Banexo, già và xấu, mà các em có thể nhìn thấy qua sàn hát, qua một chấn song sắt; người nữa là thầy dạy vẽ, ông Anxio mà bức thư chúng tôi sơ lược nhắc đến đã gọi là ông Anxio và đặt tên là lão già còng kinh tởm.
Rõ ràng là những người đàn ông này đều đã được chọn lọc.
Đó là cái nhà tu kỳ lạ ấy.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 6 - Chương 8

SAU QUẢ TIM ĐÁ

(Nguyên văn Latinh: Post corda lapides)
Sau khi đã mô tả cái vẻ mặt tinh thần, cũng nên nói vài lời về hình dáng vật chất của tu viện Pơti Pichpuýt. Độc giả cũng là mường tượng được ít nhiều.
Tu viện Pơti Pichpuýt Xanh Angtoanơ chiếm hầu hết diện tích cái hình thang tạo nên do các phố Pôlôngxô, Đơroamuyrơ, phố nhỏ Pichpuýt và cái ngõ cụt còn thấy ghi tên Ômare trong các bản đồ cũ. Bốn phố này bao quanh các hình thang ấy, như một cái hào. Tu viện gồm có mấy tòa nhà và một cái vườn. Ngôi nhà chính, nhìn toàn diện là sự nối tiếp của nhiều ngôi nhà lai tạp, nếu đứng trên cao nhìn xuống thì những ngôi nhà đó vẽ thành hình một cái giá treo cổ này là cả cái khúc nằm dài theo phố Đơroamuyrơ, từ phố nhỏ Pichpuýt đến phố Pôlôngxô; gọng nhỏ của cột treo cổ là cái mặt tiền của một nhà cao, màu xám, trông nghiêm nghị, có gióng sắt nhìn ra phố nhỏ Pichpuýt: cái cổng lớn số nhà 62 ở cuối cái gọng nhỏ này. Vào khoảng giữa mặt tiền ngôi nhà có một cái cửa cũ thấp, hình tò vò, bụi tro đã làm bạc màu, đầy mạng nhện, chỉ mở một hai tiếng đồng hồ ngày chủ nhật và trong những trường hợp hãn hữu đưa quan tài một nữ tu sĩ, ra ngoài tu viện. Đó là cái cổng ra vào công khai của nhà thờ. Cái khuỷu của giá treo cổ là một gian buồng vuông, nơi làm lễ mà các bà xơ gọi là Đêpăngxơ. Cái gọng dài là phòng ở của bà mẹ, các bà và khu các bà mới vào dòng. Gọng ngắn là nhà bếp, nhà ăn, song song với nhà tu kín và nhà thờ. Giữa cổng số nhà 62 và góc ngõ cụt Ômare là nhà lưu trú của các cô gái nhỏ mà ngoài đường không trông thấy được. Diện tích còn lại của hình thang là khu vườn, thấp hơn mặt đường phố Pôlôngxô rất nhiều, thành ra những bức tường bao quanh nhìn từ bên trong cao hơn là từ bên ngoài. Mặt vườn hơi nhô lên một ít ở giữa một mô đất, trên mô đất có một cây thông đẹp, nhọn, hình chóp nón; từ cây thông ấy, như từ cái núm tròn của một cái mộc, xuất phát bốn lối đi lớn và tám lối đi nhỏ, cứ hai lối nhỏ nằm giữa hai lối lớn, thành ra nếu tu viện hình tròn thì bản đồ các lối đi sẽ là hình một cái thập tự đặt trên một bánh xe. Các lối đi dài ngắn đều dẫn tới các bức tường lô nhô, không đều, bao quanh khu vườn và đều có trồng phúc bồn tử. Cuối vườn có một lối đi lớn trồng những cây bạch dương to, chạy từ ngôi nhà nát của tu viện cũ ở góc phố Đơroamuyrơ đến ngôi nhà của tiểu tu viện, ở góc phố Ômare. Trước mặt tu viện nhỏ có một khu vườn vẫn gọi là vườn nhỏ. Thêm vào đấy một cái sân và tất cả những góc, những xó hình thành giữa các ngôi nhà, những bức tường nhà giam, thêm vào toàn bộ viễn cảnh và xung quanh, cái dẫy mái nhà đen, bên kia phố Pôlôngxô, thì có thể hình dung được trọn vẹn nhà tu Pơti Pichpuýt của các bà Bênêđichtin cách đây bốn mươi lăm năm. Cái nhà tu thiêng liêng này đã được dựng trên một bãi đánh cầu nổi tiếng từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI mang cái tên: Sòng bạc của mười một ngàn con quỉ.
Tất cả những phố ấy là những phố cổ nhất của Paris. Những cái tên Đơroamuyrơ, Ômare rất xưa; những đường phố mang những cái tên ấy lại còn xưa hơn. Ngõ Ômare trước đã mang tên ngõ Môgu; phố Đơroamuyrơ từng mang tên phố Êglăngchiê (Eglantiers: tầm xuân), vì Chúa đã làm cho nở hoa trước khi con người đẽo đá.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 6 - Chương 9

MỘT THẾ KỶ SAU TẤM MẠNG

Vì chúng tôi đang kể lại một số chi tiết về lịch sử của tu viện Pơti Pichpuýt và đã mạnh dạn trổ một cái cửa sổ để nhìn vào cái nhà kín đáo này, chúng tôi cũng xin độc giả cho phép kể một chuyện nhỏ nữa, không liên quan đến cuốn sách này, nhưng tiêu biểu và bổ ích vì chuyện ấy cho chúng ta hiểu rằng nhà tu kín này cũng có những nhân vật độc đáo của nó.
Ở trong tu viện ngày trước có một bà già một trăm tuổi ở nhà tu Phôngtơvơrô đến. Trước cách mạng bà đã sống trong xã hội thượng lưu. Bà thường nhắc đến ngài Đơ Mirơmexnin, thượng thư bộ Tư pháp dưới triều vua Lui XVI và một bà Chánh án mà bà rất quen thuộc. Điều thích thú và tự hào của bà là luôn nhắc đến hai cái tên ấy trong bất cứ câu chuyện nào. Bà nói rất nhiều điều kỳ diệu về tu viện Phôngtơvơrô, bà bảo nó như là một thành phố và ở trong tu viện có cả những đường phố.
Bà nói giọng Pica làm cho các cô lưu trú buồn cười. Năm nào bà cũng khấn nguyện lại một lần và khi làm lễ khấn nguyện, bà nói với vị linh mục chủ lễ: “Đức cha Xanh Phơrăngxoa đã trao cho Đức cha Xanh Giuyliêng, Đức cha Xanh Giyliêng đã trao cho Đức cha Xanh Ơđebơ, Đức cha Xanh Ơđebơ đã trao cho Đức cha Xanh Pơrôcôpơ… và như thế con xin trao cho cha”. Các cô gái lưu trú tha hồ cười, không phải cười thầm, mà cười sau tấm mạng che mặt. Những tiếng khúc khích đáng yêu nén lại khiến các mẹ tư vấn cau mày.
Một lần khác bà lão trăm tuổi ấy kể lại chuyện xưa. Bà bảo khi bà còn trẻ , các tu sĩ dòng Becnađanh chẳng chịu thua bọn lính ngự lâm pháo thủ. Thật là một thế kỷ ồn ào, nhưng đó là thế kỷ 18. Bà kể lại tục của xứ Săngpanhơ và xứ Buôcgônhơ uống bốn thứ rượu. Trước cách mạng khi một nhà quyền quí, một vị thống chế, một ông hoàng, một công tước, một ông nghị đi ngang qua một thành phố xứ Buôcgônhơ hay xứ Săngpanhơ, thì phái đoàn thành phố đến chúc mừng và dâng rượu trong bốn cái bát hình con thuyền bằng bạc, đựng bốn thứ rượu khác nhau. Bát thứ nhất ghi Rượu khỉ, bát thứ hai: Rượu sư tử, bát thứ ba: Rượu cừu và bát thứ tư: Rượu lợn. Bốn chữ ghi chú đó nói lên bốn bậc thang mà người say rượu lần lượt tụt xuống. Độ say thứ nhất làm cho người ta vui cười, độ say thứ hai làm cho người ta tức giận, độ say thứ ba làm cho người ta đần độn, độ say thứ tư làm cho người ta hóa súc vật.
Bà giấu ở trong một cái tủ luôn luôn khóa một vật bí mật mà bà quí lắm. Kỷ luật nhà tu Phôngtơvơrô không cấm điều đó. Bà không cho ai xem vật quí ấy. Bà đóng cửa phòng, kỷ luật của dòng tu cho phép và bà giấu mọi người, mỗi khi bà muốn ngắm vật ấy. Nếu ngoài hành lang có tiếng người đi, tức thì bà đóng cửa tủ hết sức nhanh với đôi bàn tay già yếu của bà. Nếu ai nhắc đến vật đó, thì bà im lặng ngay, tuy bà xưa nay vẫn hay nói. Những người tò mò nhất cũng đành chịu thua trước sự im lặng của bà và những người bền bỉ nhất cũng phải lùi trước quyết tâm của bà. Chuyện ấy cũng là đầu đề bàn tán của tất cả những ai vô công rồi nghề, hay buồn chán trong tu viện. Vật quí báu và bí mật ấy, cái kho tàng của bà lão trăm tuổi ấy là cái gì? Chắc là một quyển thánh kinh, một chuỗi tràng hạt đặc biệt, một thánh tích nào chăng? Người ta tha hồ phỏng đoán. Khi bà lão chết, người ta chạy vội đến cái tủ, vội vượt cả lễ độ, người ta mở tủ và tìm thấy vật đó, bọc trong ba lần vải như một hình thánh. Nó là một cái đĩa Phaăngđa có vẽ hình những thần ái tình bay bổng lên trời và bị một đoàn dược sĩ đuổi theo những ống tiêm khổng lồ. Cuộc săn đuổi này điểm xuyết không ít vẻ mặt cau có và nhiều dáng điệu khôi hài: một thần ái tình xinh xắn đã bị xiên thủng, giãy giụa, đập đôi cánh nhỏ, cố chạy thoát. Nhưng thằng hề kia cười một cách quỉ quái, ghê rợn. Ý nghĩa: ái tình thua cơn đau bụng. Cái đĩa ngộ nghĩnh này, cái đĩa có lẽ đã gợi cho Môlierơ một màn hài kịch năm 1845, vẫn hay còn bày bán ở cửa hàng bán đồ cũ phố Bômácse.
Bà già không muốn tiếp khách nào bên ngoài, bởi vì, theo ý bà, cái phòng tiếp khách buồn quá.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 6 - Chương 10

NGUỒN GỐC DÒNG “CHẦU MÌNH THÁNH HẰNG NGÀY”

Vả lại cái phòng khách gần như nhà mồ ấy mà chúng tôi đã phác họa, chỉ là một đặc điểm riêng của tu viện này: phòng nói chuyện của các tu viện khác không nghiêm nghị như vậy. Đặc biệt ở tu viện phố Tăngpơlơ, thực ra thì thuộc một dòng tu khác, cửa ván đen được thay bằng những màn cửa màu nâu và cả phòng nói chuyện nữa là một phòng khách có sàn gỗ, cửa sổ có viền sa trắng và ở trên tường có đủ tất cả các thứ khung ảnh, một chân dung của một bà bênêđichtin mặt không có mạng che, những tranh hoa sơn dầu và cả cái “Đầu Thổ” nữa (dụng cụ thể thao hình đầu một người Thổ Nhĩ Kỳ, có lò xo, để đo sức đập của cánh tay).
Tu viện phố Tăngpơlơ này trước là tu viện của các bà bênêđichtin dòng tu “Chầu mình Thánh hàng ngày”, khác các bà bênêđichtin thuộc phái Xitô. Dòng tu “Chầu mình Thánh hàng ngày” không lâu đời lắm, lịch sử của nó không quá hai trăm năm. Năm 1649 Thánh thể bị xúc pham hai lần, chỉ cách nhau vài ngày ở trong hai nhà thờ thành phố Paris, nhà thờ Xanh Xuynpixơ và nhà thờ Xanh Giăng Gơrevơ, một sự xúc phạm ghê gớm và hiếm thấy làm cho nhân dân cả thành phố xúc động. Đức giám mục Xanh Giécmanh đê Pơrê đã phải ra lệnh tổ chức một đám rước thánh trọng thể có đủ mặt các giáo sĩ địa hạt ngài và có Đức cha sứ thần tòa thánh làm lễ. Nhưng sự chuộc tội ấy, đối với hai bà ngoan đạo đáng kính, bà Cuôctanh, hầu tước Đo Búc và bà hầu tước Satôviơ thì vẫn không đủ. Việc xúc phạm đến “thánh thể rất thiêng liêng”, tuy rằng chốc lát, vẫn luôn ám ảnh linh hồn mộ đạo của hai bà. Đối với hai bà tội ấy chỉ có thể chuộc lại với một sự “Chầu mình Thánh hàng ngày” trong một tu viện nữ: Cả hai bà, một bà năm 1652, một bà năm 1653, đã tặng cho mẹ Catơrin đơ Bar, còn gọi là mẹ Thánh thể, nữ tu sĩ dòng bênêđichtin, những số tiền lớn để lập, với mục đích sùng đạo ấy, một trưởng viện dòng Xanh Bơnoa. Lệnh đầu tiên cho phép mẹ Catơrin đơ Bar lập tu viện do Đức cha Đơ Mê, viện trưởng tu viện Xanh Giécmanh ký với điều kiện là những cô thiếu nữ “chỉ được vào tu viện này nếu đem tới một lợi tức ba trăm phơrăng”, nghĩa là phải có một cái vốn sáu ngàn phơrăng. Sau lệnh của Đức cha Xanh Giécmanh thì có sắc chỉ cho phép của nhà vua và tất cả hiến chương, quy chế của tu viện với sắc chỉ của nhà vua đều đã được đăng ký năm 1654 ở Viện quản lý tài chính quốc gia trong Pháp viện nhà vua.
Đó là nguồn gốc và sự công nhận chính thức của tu viện “Chầu mình Thánh hàng ngày” ở Paris. Tu viện thứ nhất của dòng này được xây dựng hoàn toàn mới ở phố Caxetơ với tiền của hai bà Đơ Buc và Đơ Satôviơ.
Dòng tu này, như người đã biết, không phải cùng một dòng với các bà bênêđichtin gọi là dòng Xitô. Dòng này thuộc tu viện trưởng Xanh Giécmanh đê Pơrê, cũng như các bà Xacơrê Cơ thuộc sự chỉ huy của các bề trên Giêduytơ và các bà phúc thiện thuộc sự chỉ huy của các bề trên dòng Ladarixtơ.
Dòng này cũng khác hẳn dòng các bà Becnađin của tu viện Pơti Pichpuýt mà chúng tôi vừa phác họa cảnh bên trong. Năm 1657 giáo hoàng Alêcxăngđơrơ VII đã cho phép trong một thông lệnh đặc biệt, các bà Becnađin ở tu viện Pơti Pichpuýt “Chầu mình Thánh hàng ngày” như các bà bênêđichtin dòng “Thánh thể”. Tuy vậy hai dòng tu này vẫn đứng riêng rẽ.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - QUYỂN 6 - Chương 11

TU VIỆN PƠTI PICHPUÝT KHÔNG CÒN NỮA

Đầu thời kỳ quân chủ phục hưng, tu viện Pơti Pichpuýt suy tàn, trong sự suy tàn chung của cả dòng tu này sau thế kỷ 18, cùng với tất cả các dòng tu công giáo nói chung. Chiêm ngưỡng cũng như cầu nguyện trời là một nhu cầu tinh thần của nhân loại; nhưng cũng như tất cả cái gì mà cách mạng đã tác động đến, nhu cầu này cũng sẽ thay đổi và từ chỗ chống lại sự tiến bộ xã hội, nó đã trở thành thuận lợi cho sự tiến bộ ấy.
Tu viện Pơti Pichpuýt vắng vẻ đi rất nhanh. Năm 1840 tu viện nhỏ không còn nữa. Nhà lưu trú cũng không còn. Không còn những bà già, cũng không còn những cô gái bé. Loại này thì chết. Loại kia thì đi. Volaverunt (Họ đã bay đi).
Kỷ luật của dòng“Chầu mình Thánh hàng ngày” khắc khổ quá làm cho mọi người sợ: người ta ngại không muốn vào dòng. Dòng không thêm được tín đồ. Năm 1848, đây đó còn một vài bà phục vụ, nhưng xướng thánh kinh thì không còn ai. Trước đây bốn mươi năm còn gần một trăm bà, cách đây mười lăm năm chỉ còn hai mươi tám. Bây giờ còn được bao nhiêu? Năm 1847, mẹ nhất còn trẻ, điều này chứng tỏ là phạm vi những người được chọn rút hẹp đi. Mẹ nhất chưa đầy bốn mươi tuổi. Càng vắng thì càng mệt nhọc; công việc của mỗi người nặng nhọc hơn. Bây giờ người ta thấy đã đến gần cái thời kỳ chỉ còn độ mươi mười hai đôi vai đau khổ và cúi khom để gánh vác cái kỷ luật nặng nề của Xanh Bơnoa. Cái gánh nặng khắc nghiệt ấy vẫn nguyên vẹn khi tu viện vắng vẻ cũng như lúc đông người. Nó nặng trĩu, nó đè bẹp con người cho nên họ chết dần. Khi tác giả cuốn sách này còn ở Paris, hai bà đã chết, một người hai mươi lăm tuổi, một người hai mươi ba tuổi. Bà này có thể nói cái lời của Giuylia Anpinuyla:
“Tôi nằm đây, tôi đã sống hai mươi ba năm tròn (Hic jaceo, vixi annos viginti et tres). Vì sự suy đồi ấy mà tu viện đã thôi không đảm nhận việc giáo dục các cô gái nhỏ.
Chúng tôi không thể đi qua cái nhà kỳ lạ này, cái nhà không ai biết, tối tăm, mà không vào, không dắt theo những người cùng đi với chúng tôi, những người đang nghe chúng tôi kể câu chuyện buồn thảm của Giăng VanGiăng, chắc cũng có một vài bạn thấy là bổ ích cho họ. Chúng ta đã nhìn qua vào cái tu viện đầy rẫy những tục hành đạo cũ kỹ mà rất mới lạ đối với chúng ta bây giờ. Đó là cái vườn cấm: Hortus conclusus (Vườn cấm, vườn kín). Chúng ta đã kể chi tiết của nơi này một cách tỉ mỉ và kính cẩn, trong chừng mực kính cẩn và tỉ mỉ có thể dung hòa nhau được. Chúng tôi không hiểu được tất cả mọi điều, nhưng chúng tôi không thóa mạ cái gì. Chúng tôi đứng ở giữa, cùng cách xa cái tung hô của Giôdep đơ Mextơrơ, dẫn tới thần thánh hóa kẻ đao phủ và cái cười ngạo nghễ của Vonterơ chế giễu cả cây thập tự.
Lý luận không hợp lý của Vonterơ, nói qua một chút thôi; bởi vì Vonterơ cũng có thể bào chữa cho Giêsu như đã bào chữa cho Calaxơ và đối với cả những ai không tin tưởng ở những chuyện đầu thai của thần thánh thì ý nghĩa của thập tự giá là gì? Là bậc hiền bị giết hại.
Ở thế kỷ XIX ý thức tôn giáo trải qua một cuộc khủng hoảng. Người ta quên đi nhiều chuyện, như thế là đúng, quý hồ là khi quên cái này thì học được cái khác. Đừng để chỗ hổng trong trái tim con người. Có phá đổ, đó cũng là một việc tốt, nhưng với điều kiện phải có xây dựng tiếp theo.
Trong khi chờ đợi, ta hãy nghiên cứu những cái không còn nữa. Cần phải hiểu những cái đó, dù chỉ để tránh những cái đó thôi. Những cái bắt chước quá khứ mang những tên giả và dễ dàng tự nhận là tương lai. Cái bóng ma hiện về ấy là quá khứ đã trình giấy thông hành giả. Chúng ta phải thấy cái bẫy đó và phải đề phòng. Quá khứ có một bộ mặt; sự mê tín và một cái mặt nạ là sự giả dối. Ta hãy vạch rõ bộ mặt kia và hãy giật bỏ cái mặt nạ nọ.
Còn các tu viện, đó là một vấn đề phức tạp. Vấn đề văn minh: văn minh kết án các tu viện; vấn đề tự do: tự do bảo vệ các tu viện.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 7: TRONG DẤU NGOẶC ĐƠN

Chương 1

NHÀ TU, Ý NIỆM

Quyển sách này là một tấm thảm kịch mà nhân vật thứ nhất là vô biên.
Con người là nhân vật thứ hai.
Thế rồi, vì trên con đường của chúng ta có một nhà tu, chúng ta phải đi vào nhà tu ấy. Vì sao? Bởi vì nhà tu, phương đông có, phương tây có, ngày xưa có, ngày nay cũng có, đạo thiên nhiên, đạo Phật, đạo Hồi cũng như đạo Giatô cũng có. Nhà tu là một bộ máy quang học mà con người dùng để soi vào vô biên.
Đây không phải là chỗ khai triển quá mức độ một vài ý niệm, tuy vậy, mặc dầu gìn giữ triệt để sự dè dặt, những giới hạn và cả niềm công phẫn, chúng tôi phải nói rằng, mỗi khi gặp trong một con người cái vô biên, được hiểu đúng hay hiểu sai, chúng tôi cũng cảm thấy một niềm tôn kính. Ở trong nhà thờ Do Thái, trong thánh thất đạo Hồi, trong chùa Phật, trong miếu mạo của người da đỏ, ở đâu cũng có một mặt xấu xa mà ta ghê tởm và một mặt cao siêu mà ta tôn thờ. Một sự chiêm ngưỡng cho trí tuệ, một sự mơ mộng vô biên; ánh sáng phản chiếu của Chúa, trên các bức tường nhân loại!


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 7: TRONG DẤU NGOẶC ĐƠN

Chương 2

NHÀ TU, SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Đứng về phương diện lịch sử, phương diện lý trí và chân lý chế độ nhà tu đều bị kết án.
Các nhà tu, khi quá đông trong một nước, là những cái nút làm nghẽn giao thông, những tổ chức kềnh càng vướng vít, những trung tâm lười biếng ở những chỗ phải có những cơ sở lao động. Những nhà tu đối với tập thể rộng lớn của xã hội cũng như tầm gửi mọc trên cây sồi, như cái mụn cóc mọc trên thân người. Nó mà phát triển, phình ra, thì xã hội nghèo khổ đi. Chế độ nhà tu, tốt trong thời kỳ phát triển đầu tiên của các nền văn minh, cần thiết để làm giảm bớt bằng tinh thần cái phần tàn bạo, man rợ, trở thành có hại cho các dân tộc đang thời tráng kiện. Và đến lúc nó đã lỏng lẻo và đi vào thời kỳ rời rã, vô kỷ luật, mà vẫn được coi là những tấm gương, thì nó trở thành xấu xa vì tất cả những lý do đã khiến nó có lợi ích trong thời kỳ trong sáng của nó.
Cái tục tu kín đã hết thời. Các nhà tu kín, có ích trong giai đoạn sơ khai của công việc giáo dục trong nền văn minh hiện đại, đã trở thành trở ngại cho sự lớn mạnh và có hại cho sự phát triển của văn minh. Đứng về mặt tổ chức xã hội và phương thức đào tạo con người, những nhà tu có bổ ích hồi thế kỷ thứ X, đã trở thành phải ngờ vực ở thế kỷ XV và đến thế kỷ XIX thì đáng ghét. Cái bệnh phong nhà tu ấy đã gặm gần đến tận xương tủy hai quốc gia rực rỡ: nước Ý và nước Tây Ban Nha, một nước có ánh sáng, một nước là vinh quang chói lọi của cả châu Âu trong nhiều thế kỷ. Thế mà ngày nay hai quốc gia nổi tiếng này mới bắt đầu phục hồi nhờ cái chế độ điều dưỡng tốt lành và mạnh mẽ của 1789 (Cách mạng Pháp 1789).
Đặc biệt nhà tu Tây Ban Nha thì thật thê thảm. Trong bóng tối, dưới những vòm đầy sương mù, những mái tròn đầy bóng đen, sừng sững những bàn thờ đồ sộ như tháp Baben, cao như những nhà thờ; trong nhà tu ấy có những dây xích lủng lẳng trong bóng tối với những thập tự giá trắng khổng lồ; trong nhà tu ấy những tượng Giêsu lớn, bằng ngà voi, trần truồng nằm trên gỗ mun đen; không chỉ rớm máu mà đầm đìa máu; vừa ghê rợn, vừa huy hoàng, với khuỷu tay giơ xương, với bánh chè chằng chịt, với những vết thương giơ thịt, đầu đội mũ gai bạc, đóng đanh vàng, với những máu trên trán bằng ngọc hồng bảo và trong mắt những giọt nước mắt bằng kim cương. Những hạt kim cương, những hạt hồng bảo như ướt, khiến cho những con người, mặt che mạng, quỳ ở dưới, khóc trong bóng tối, những con người mà lưng, sườn thâm tím bởi những mũi nhọn của chiếc dây lưng, của chiếc roi da, mà đôi vú ép nát dưới mảnh giáp mây đan, đầu gối loét vì mãi quỳ cầu nguyện. Những người phụ nữ ấy tưởng mình là vợ, những bóng ma tưởng mình là thiên thần. Những người phụ nữ ấy có suy nghĩ không? Không. Có ước muốn không? Không. Có yêu thương không? Không. Có sống không? Không. Thần kinh của họ đã trở thành những khúc xương; xương của họ đã trở thành đá. Mạng che mặt của họ đan bằng bóng đêm dày đặc. Hơi thở của họ dưới tấm mạng tương tự như hơi thở bi thảm của cái chết. Mẹ nhất, một hồn ma, thần thánh hóa họ và khủng bố họ. Tinh thần trinh khiết của Chúa ở đó, cứng nhắc dữ dội: những nhà tu xưa của Tây ban Nha là thế đó. Hang ổ của sự tín ngưỡng kinh khiếp. Hang hầm của gái đồng trinh, những chốn những nơi hung dữ.
Tây Ban Nha gia tô còn La Mã hơn chính La Mã. Nhà tu kín Tây Ban Nha là nhà tu thuần túy gia tô. Người ta thấy ở đó hơi hướng của phương đông. Đức Tổng giám mục là một thứ kislar – aga của trời. Khóa chặt và rình mò cả cái cung cấm giam giữ những linh hồn giành cho Chúa. Cô mụ là cung nữ, giáo sĩ là hoạn quan. Trong mơ những cô gái sùng đạo được chọn hầu chăn gối Chúa. Ban đêm, người thanh niên trẻ, đẹp, trần truồng, từ trên thập tự giá bước xuống và làm cho cả phòng tu kín khoái lạc. Những bức tường cao ngăn cách nàng vương phi mộ đạo kia – mà Chúa thượng là người bị đóng đanh trên cây thánh giá với mọi lạc thú của cuộc đời. Một cái nhìn lọt ra ngoài là một sự thất tiết. Cái in paxơ thay thế cho cái bọc da. Ở phương đông người ta ném xuống biển, ở phương tây người ta vùi xuống đất, cả hai nơi, người phụ nữ quờ quạng đôi cánh tay: người này dìm giữa dòng người, người kia vùi trong hố. Đây người chết chìm, kia người chết chôn. Một cảnh song hành kinh khủng.
Những kẻ bào chữa cho quá khứ, ngày nay không thể chối cãi những điều đó, đã giả tảng cười xòa. Người ta đã phổ biến một biện pháp tiện lợi và lạ lùng, là bưng bít, thủ tiêu tất cả những phát hiện của lịch sử, phủ nhận những điều bình luận của triết học, lẩn tránh tất cả những sự việc làm cho họ lúng túng và tất cả những chuyện đen tối. Một số người tinh ranh bảo: “Chỉ để khoa trương”. Một số thằng khờ lặp lại: “Khoa trương”. Giăng Giắc Rútxô: khoa trương. Điđơrô: khoa trương. Vonterơ nói về Calaxơ, La Barơ và Xiêcven: khoa trương. Tôi không biết gần đây ai đã chứng minh rằng Taxitơ là một kẻ khoa trương, rằng bạo chúa Nêrông là một nạn nhân và nhất là bảo phải rỏ nước mắt xót xa cho số phận “của gã Hôlôphecnơ đáng thương”.
Những sự việc không phải dễ đảo ngược, sự việc cứ kiên trì tự báo. Người viết quyển sách này, chính mắt đã trông thấy cách Bơxuyxen tám dặm – nơi đó là dấu vết của thời kỳ trung cổ mà ai cũng có thể mó tay được, ở nhà tu Đơvilơ, những cái hố “bỏ quên” giữa cánh đồng cỏ, trước đây là sân nhà tu và ở bên bờ sông Đilơ, bốn cái hầm đá, nửa ngầm sâu dưới đất nửa mặt nước. Đó là những in pace (Nguyên văn Latinh: nơi yên nghỉ). Mỗi cái hầm ấy còn một mảnh cửa sắt, một hố xí và một cái cửa sổ có gióng sắt, bên ngoài cao hơn mặt nước sáu tấc, bên trong cao hơn mặt đất hai mét. Gần mét rưỡi nước chảy bên ngoài tường. Đất lúc nào cũng ẩm ướt. Người ở trong cái in pace nằm ngay trên mặt đất ẩm ấy. Trong một cái hầm có một khúc gông gắn vào tường, trong một cái hầm khác có một thứ hộp vuông làm bằng bốn tấm đá, ngắn không đủ để nằm, thấp không đủ để đứng. Người ta bỏ vào đó một con người và đậy lên một nắp đá. Tất cả cái đó có thực, sờ sờ trước mắt, dưới tay. Có thực, những cái in pace ấy, những cái hầm ấy, những cái bản lề sắt, những chiếc cùm, những cái cửa sổ cao, nước sông chảy bên cạnh ngang tầm, cái hòm đá với nắp đá đóng kín như một cái mồ, chỉ khác ở chỗ xác ma ở đây là người sống – cái đất bùn ấy, cái hố tiêu ấy, những bức tường rỉ nước ấy “khoa trương làm sao!”

Nhà tu, như trước kia ở Tây Ban Nha và bây giờ ở Tây tạng, đối với văn minh là một thứ bệnh lao. Nó chặn đứng mạch sống. Nó làm cho dân số sụt hẳn đi, làm vãn người đi. Vào nhà tu kín cũng như bị hoạn. Nhà tu kín đã là một tai họa ở châu Âu. Phải thêm vào đó tất cả những áp bức kiềm chế lương tri, những vụ khấn nguyện miễn cưỡng, chế độ phong kiến dựa vào chế độ nhà tu kín, chế độ trưởng nam dốc vào nhà tu kín cái số con thừa trong gia đình, những cảnh tàn bạo ta vừa nói đến, các cái in pace, những cái miệng gắn xi, những bộ óc bưng kín, bao nhiêu trí tuệ thông minh xấu xố bị giam giữ trong lời khấn nguyện vĩnh viễn, cái trò “mặc áo dòng” chôn sống những linh hồn đang sống. Cộng những nhục hình cá nhân vào những suy đồi dân tộc, thì bất cứ bạn là người thế nào, bạn sẽ phải rùng mình ghê tởm trước cái áo thầy tu và cái màn che mặt, hai tấm vải liệm do con người sáng chế ra.
Thế mà ở một vài điểm, ở một vài nơi, bất chấp triết học, bất chấp sự tiến bộ, cái tinh thần nhà tu kín vẫn tồn tại dằng dai, giữa thế kỷ XIX và một sự tái khởi kỳ quặc của khuynh hướng khổ hạnh đang làm cho chế độ cổ hủ cứ muốn tồn tại mãi mãi giống như lọ nước hoa đã trở mùi vẫn đòi được thoa vào mái tóc, con cá ươn vẫn muốn được người ăn, chiếc áo trẻ con vẫn đòi mặc vào cho người lớn và sự âu yếm của những xác chết muốn trở về ôm hôn người sống.
Chiếc áo cũ bảo: Đồ vô ơn, ta đã che chở cho người trong những ngày gió mưa, lạnh rét, sao bây giờ người không thèm nhờ ta nữa? Con cá bảo: Ta từ biển khơi về đây. Mùi hương hả bảo: Xưa ta là hoa hồng. Xác chết bảo: Ta đã yêu dấu các người. Tu viện nói: “Ta đã làm cho các người văn minh hơn”.
Chỉ có một câu trả lời cho tất cả những câu nói ấy: “Vâng, xưa kia!”
Mơ ước sự tồn tại vô tận của những cái đã chết và quyền thống trị của những xác ướp, khôi phục lại những nguyên lý đã tàn tạ, thếp vàng lại những cái khung đã nhạt, tô đắp lại những nhà tu kín, ban phúc lại những hộp thánh vật, trang hoàng lại cho những tà giáo, tiếp sức cho những cuồng tín, tra cán lại cho những cần rẩy nước thánh và những thanh gươm, khôi phục chế độ nhà tu kín và chế độ quân phiệt, tin tưởng rằng càng nhiều kẻ ăn bám thì xã hội loài người sẽ được cứu vớt, đặt cái ách của quá khứ lên cổ hiện tại, thật là kỳ lạ. Thế mà cũng có những lý thuyết gia bảo vệ những lý thuyết ấy. Họ cũng là những người thông thái, trí tuệ lớn, họ sử dụng một biện pháp rất đơn giản: họ quét lên quá khứ một nước sơn mà họ gọi là trật tự xã hội, quyền của Chúa, đạo lý, gia đình, tôn kính tổ tiên, uy quyền xưa, truyền thống thiêng liêng, tôn giáo và họ bô bô lên khắp nơi: Hãy coi đây, hỡi những người lương thiện, những người hiểu biết, hãy dùng cái này. Cái kiểu lý luận ấy đã cũ rích. Những thầy cúng La Mã vẫn dùng, họ quét vôi lên mình một con bò cái đen và tuyên bố: đây con bò cái trắng! Boc cretatus (Tiếng Latinh).
Về phần chúng tôi, đôi khi ở nơi này, ở nơi khác, chúng tôi tôn trọng quá khứ và bất cứ ở đâu chúng tôi cũng giữ kín không động chạm đến quá khứ, chỉ cần là quá khứ đã chết thì cứ nằm yên. Nếu nó cứ muốn sống lại thì chúng tôi đả phá nó và chúng tôi cố gắng giết chết nó.
Dị đoan, mê tín, nước đôi, giả đạo đức, thành kiến, những con trùng ấy mặc dù là trùng, vẫn cố bám lấy cuộc sống, những cái hình dáng hơi khói ấy có cả nanh và cả vuốt. Phải vật lộn với chúng, tuyên chiến với chúng và đánh chúng không ngừng, vì đây là một cái tai họa oan nghiệt của nhân loại: là mãi mãi phải đánh với những bóng ma. Bóng ma thì khó mà tóm được cổ, khó mà quật ngã.
Một nhà tu kín ở nước Pháp, giữa cái giờ chính ngọ của thế kỷ 19, đó là một đàn cú đối đầu với ánh sáng ban ngày. Một nhà tu kín, một tội phạm quả tang về khổ hạnh giữa cái xã hội của 89 của 1830 và 1848 (Cách mạng 1789, 1830 và 1848). La Mã nở rộ giữa Paris, quả là một điều lầm lẫn về thời đại. Bình thường, để làm tan một lầm lẫn về thời đại, chỉ cần bảo nhắc lại cái số nghìn trong niên đại thôi. Nhưng chúng ta không sống trong thời bình thường.
Hãy chiến đấu!
Chiến đấu nhưng có phân biệt. Bản chất của chân lý là không bao giờ cực đoan. Chân lý có cần gì phải cường điệu. Có cái phải tiêu diệt, có cái chỉ cần soi sáng và nhìn vào. Nhìn nghiêm chỉnh và độ lượng, có sức mạnh nào bằng! Không phải đem lửa đến nơi chỉ cần có ánh sáng soi rọi.
Vậy nên, vì sống ở thế kỷ 19, nói chung, chúng tôi phản đối chế độ tu kín khổ hạnh bất cứ ở một dân tộc nào, bất cứ ở châu Á, ở châu Âu, ở Ấn Độ hay ở nước Thổ. Nói nhà tu nghĩa là nói ao đầm lầy lội. Uế khí ở đây là dĩ nhiên và ao tù làm hại vệ sinh; hơi nước bốc men làm các dân tộc lên cơn sốt, khô héo dần, những nhà tu lan tràn khắp nơi trở thành mụn nhọt Ai Cập. Chúng ta không thể không rùng mình kinh sợ khi nghĩ đến những nước mà bọn thầy tu, phakia và đecvisơ nhúc nhúc như là sâu bọ.
Nói như vậy xong, vẫn có vấn đề về tôn giáo. Vấn đề này có những mặt huyền bí hầu như ghê gớm. Ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề này.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 7: TRONG DẤU NGOẶC ĐƠN

Chương 3

TÔN TRỌNG QUÁ KHỨ VỚI ĐIỀU KIỆN NÀO

Nhà tu, như trước kia ở Tây Ban Nha và bây giờ ở Tây tạng, đối với văn minh là một thứ bệnh lao. Nó chặn đứng mạch sống. Nó làm cho dân số sụt hẳn đi, làm vãn người đi. Vào nhà tu kín cũng như bị hoạn. Nhà tu kín đã là một tai họa ở châu Âu. Phải thêm vào đó tất cả những áp bức kiềm chế lương tri, những vụ khấn nguyện miễn cưỡng, chế độ phong kiến dựa vào chế độ nhà tu kín, chế độ trưởng nam dốc vào nhà tu kín cái số con thừa trong gia đình, những cảnh tàn bạo ta vừa nói đến, các cái in pace, những cái miệng gắn xi, những bộ óc bưng kín, bao nhiêu trí tuệ thông minh xấu xố bị giam giữ trong lời khấn nguyện vĩnh viễn, cái trò “mặc áo dòng” chôn sống những linh hồn đang sống. Cộng những nhục hình cá nhân vào những suy đồi dân tộc, thì bất cứ bạn là người thế nào, bạn sẽ phải rùng mình ghê tởm trước cái áo thầy tu và cái màn che mặt, hai tấm vải liệm do con người sáng chế ra.
Thế mà ở một vài điểm, ở một vài nơi, bất chấp triết học, bất chấp sự tiến bộ, cái tinh thần nhà tu kín vẫn tồn tại dằng dai, giữa thế kỷ XIX và một sự tái khởi kỳ quặc của khuynh hướng khổ hạnh đang làm cho chế độ cổ hủ cứ muốn tồn tại mãi mãi giống như lọ nước hoa đã trở mùi vẫn đòi được thoa vào mái tóc, con cá ươn vẫn muốn được người ăn, chiếc áo trẻ con vẫn đòi mặc vào cho người lớn và sự âu yếm của những xác chết muốn trở về ôm hôn người sống.
Chiếc áo cũ bảo: Đồ vô ơn, ta đã che chở cho người trong những ngày gió mưa, lạnh rét, sao bây giờ người không thèm nhờ ta nữa? Con cá bảo: Ta từ biển khơi về đây. Mùi hương hả bảo: Xưa ta là hoa hồng. Xác chết bảo: Ta đã yêu dấu các người. Tu viện nói: “Ta đã làm cho các người văn minh hơn”.
Chỉ có một câu trả lời cho tất cả những câu nói ấy: “Vâng, xưa kia!”
Mơ ước sự tồn tại vô tận của những cái đã chết và quyền thống trị của những xác ướp, khôi phục lại những nguyên lý đã tàn tạ, thếp vàng lại những cái khung đã nhạt, tô đắp lại những nhà tu kín, ban phúc lại những hộp thánh vật, trang hoàng lại cho những tà giáo, tiếp sức cho những cuồng tín, tra cán lại cho những cần rẩy nước thánh và những thanh gươm, khôi phục chế độ nhà tu kín và chế độ quân phiệt, tin tưởng rằng càng nhiều kẻ ăn bám thì xã hội loài người sẽ được cứu vớt, đặt cái ách của quá khứ lên cổ hiện tại, thật là kỳ lạ. Thế mà cũng có những lý thuyết gia bảo vệ những lý thuyết ấy. Họ cũng là những người thông thái, trí tuệ lớn, họ sử dụng một biện pháp rất đơn giản: họ quét lên quá khứ một nước sơn mà họ gọi là trật tự xã hội, quyền của Chúa, đạo lý, gia đình, tôn kính tổ tiên, uy quyền xưa, truyền thống thiêng liêng, tôn giáo và họ bô bô lên khắp nơi: Hãy coi đây, hỡi những người lương thiện, những người hiểu biết, hãy dùng cái này. Cái kiểu lý luận ấy đã cũ rích. Những thầy cúng La Mã vẫn dùng, họ quét vôi lên mình một con bò cái đen và tuyên bố: đây con bò cái trắng! Boc cretatus (Tiếng Latinh).
Về phần chúng tôi, đôi khi ở nơi này, ở nơi khác, chúng tôi tôn trọng quá khứ và bất cứ ở đâu chúng tôi cũng giữ kín không động chạm đến quá khứ, chỉ cần là quá khứ đã chết thì cứ nằm yên. Nếu nó cứ muốn sống lại thì chúng tôi đả phá nó và chúng tôi cố gắng giết chết nó.
Dị đoan, mê tín, nước đôi, giả đạo đức, thành kiến, những con trùng ấy mặc dù là trùng, vẫn cố bám lấy cuộc sống, những cái hình dáng hơi khói ấy có cả nanh và cả vuốt. Phải vật lộn với chúng, tuyên chiến với chúng và đánh chúng không ngừng, vì đây là một cái tai họa oan nghiệt của nhân loại: là mãi mãi phải đánh với những bóng ma. Bóng ma thì khó mà tóm được cổ, khó mà quật ngã.
Một nhà tu kín ở nước Pháp, giữa cái giờ chính ngọ của thế kỷ 19, đó là một đàn cú đối đầu với ánh sáng ban ngày. Một nhà tu kín, một tội phạm quả tang về khổ hạnh giữa cái xã hội của 89 của 1830 và 1848 (Cách mạng 1789, 1830 và 1848). La Mã nở rộ giữa Paris, quả là một điều lầm lẫn về thời đại. Bình thường, để làm tan một lầm lẫn về thời đại, chỉ cần bảo nhắc lại cái số nghìn trong niên đại thôi. Nhưng chúng ta không sống trong thời bình thường.
Hãy chiến đấu!
Chiến đấu nhưng có phân biệt. Bản chất của chân lý là không bao giờ cực đoan. Chân lý có cần gì phải cường điệu. Có cái phải tiêu diệt, có cái chỉ cần soi sáng và nhìn vào. Nhìn nghiêm chỉnh và độ lượng, có sức mạnh nào bằng! Không phải đem lửa đến nơi chỉ cần có ánh sáng soi rọi.
Vậy nên, vì sống ở thế kỷ 19, nói chung, chúng tôi phản đối chế độ tu kín khổ hạnh bất cứ ở một dân tộc nào, bất cứ ở châu Á, ở châu Âu, ở Ấn Độ hay ở nước Thổ. Nói nhà tu nghĩa là nói ao đầm lầy lội. Uế khí ở đây là dĩ nhiên và ao tù làm hại vệ sinh; hơi nước bốc men làm các dân tộc lên cơn sốt, khô héo dần, những nhà tu lan tràn khắp nơi trở thành mụn nhọt Ai Cập. Chúng ta không thể không rùng mình kinh sợ khi nghĩ đến những nước mà bọn thầy tu, phakia và đecvisơ nhúc nhúc như là sâu bọ.
Nói như vậy xong, vẫn có vấn đề về tôn giáo. Vấn đề này có những mặt huyền bí hầu như ghê gớm. Ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề này.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 7: TRONG DẤU NGOẶC ĐƠN

Chương 4

NHÀ TU VỀ PHƯƠNG DIỆN NGUYÊN TẮC

Nhiều người họp nhau và sống chung với nhau. Căn cứ trên quyền gì? Quyền tự do lập hội.
Họ đóng cửa ở trong nhà của họ. Theo quyền gì? Quyền của mọi người mở hay đóng cửa nhà mình.
Họ không đi ra ngoài. Theo quyền gì? Quyền tự do đi lại, trong đó vô hình chung có quyền ở trong nhà của họ. Ở đấy, ở trong nhà họ, họ làm gì?
Họ nói sẽ, họ luôn luôn nhìn xuống, họ lao động, họ từ bỏ cuộc đời xa hoa, từ bỏ thành thị, những cái vui thể xác, lạc thú, hư danh, kiêu hãnh, quyền lợi riêng. Họ mặc đồ len gai hay đồ vải thô. Không một ai trong bọn họ có cái gì là của riêng. Khi vào đấy, kẻ giàu trở thành nghèo, của riêng họ có, họ đem cho mọi người. Kẻ mà người ta vẫn gọi là quý phái, quý tộc, ngài lãnh chúa phong kiến, ở đây bình đẳng với người nông dân. Buồng tu của mọi người đều giống nhau. Mọi người đều húi tóc, đều mặc một thứ áo tu, đều ăn một thứ bánh đen, ngủ trên một thứ ổ rơm và chết trên cùng một thứ tro. Cùng một cái bị trên lưng, cùng một sợi dây thừng quanh cật. Nếu kỷ luật là đi đất, tất cả mọi người đều đi đất. Có thể có một ông hoàng trong bọn họ, ông hoàng ấy cũng là cái bóng âm thầm như những cái bóng người khác. Không còn tước vị gì nữa. Tên họ cũng mất, chỉ còn có tên riêng thôi. Tất cả mọi người cúi đầu như nhau, dưới những cái tên rửa tội bình đẳng. Họ đã thủ tiêu cái dây họ hàng ruột thịt và dựng lên trong tập thể của họ cái dây họ hàng tinh thần. Họ không có họ hàng nào ngoài loài người nói chung. Họ cứu giúp người nghèo, họ trông nom người ốm. Họ bầu lên những người điều khiển họ. Họ xưng hô với nhau: anh tôi.
Bạn ngắt lời tôi và kêu lên: thế là một nhà tu lý tưởng rồi.
Chỉ cần là một nhà tu thôi, cũng đủ cho tôi phải chú ý rồi. Vì thế trong quyển trên của bộ sách này tôi đã nói đến một nhà tu một cách kính cẩn. Nếu ta không nói đến thời kỳ Trung cổ, không nói đến châu Á, không bàn đến vấn đề lịch sử và chính trị, nếu chỉ nhìn vấn đề về phương diện thuần túy triết học, bỏ tất cả những chuyện tranh cãi, vận động và với điều kiện là nhà tu dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự giác và chỉ có những ngời tự nguyện gia nhập, thì tôi luôn luôn nhìn tập thể nhà tu đó với một sự chú ý nghiêm chỉnh và kính cẩn về vài phương diện. Ở đâu có sự sống chung là có công xã; và ở đâu có công xã là có công quyền. Nhà tu là sản phẩm của công thức: bình đẳng, bác ái. Chao ôi! Tự do sao mà vĩ đại thế! Ôi! Sự biến hóa huy hoàng biết bao! Chỉ cần Tự do là đủ để biến nhà tu thành một chính thể cộng hòa.
Ta hãy bàn tiếp:
Những người đàn ông ấy, những người đàn bà ấy, sống bên trong bốn bức tường này, họ mặc quần áo len thô, họ bình đẳng, họ gọi nhau là “anh em”. Hay lắm. Nhưng họ còn làm cái gì khác nữa chứ?
Phải.
Cái gì?
Họ nhìn ngắm bóng tối. Họ quỳ gối xuống. Họ chắp tay lại.
Thế là nghĩa gì?


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 7: TRONG DẤU NGOẶC ĐƠN

Chương 5

SỰ CẦU NGUYỆN

Họ cầu nguyện.
Cầu nguyện ai?
Chúa Trời.
Cầu nguyện Chúa Trời. Cầu ấy có ý nghĩa gì?
Có cái vô biên ở ngoài chúng ta không? Cái vô biên ấy có phải là nhất thể không, có tự nó tồn tại không. Có vĩnh cửu không? Có phải nhất định nó có thể chất bởi vì nó là vô biên và nếu nó thiếu thể chát thì nó bị giới hạn ở đấy? Có phải nhất định nó có trí tuệ bởi vì nó là vô biên và nếu nó thiếu trí tuệ thì nó bị giới hạn ở đấy? Cái vô biên ấy có gọi trong đầu óc ta ý niệm bản chất, trong khi ta chỉ cho ta có ý niệm hiện tồn thôi không? Nói cách khác, có phải nó là cái tuyệt đối mà ta là cái tương đối của cái tuyệt đối ấy?
Trong khi có cái vô biên ở ngoài chúng ta, có một cái vô biên ở trong chúng ta không? Hai cái vô biên ấy (ôi, cái số nhiều kinh khủng) có chồng khít lên nhau không? Cái vô biên thứ hai có phải nằm liền sát dưới cái vô biên thứ nhất không? Nó có phải là tấm gương, phản ảnh, tiếng vang, vực thẳm đồng tâm của một cái vực thẳm khác không? Cái vô biên thứ hai là trí tuệ như cái vô biên thứ nhất không? Nó có tư duy không? Nó có yêu không? Nó có ý chí không? Nếu cả hai cái vô biên đều có trí tuệ, mỗi cái đều có một cái nguyên tố tự quyết và có một cái “tôi” trong cái vô biên ở trên cũng như một cái “tôi” trong cái vô biên tầng dưới: cái “tôi” tầng dưới là linh hồn, cái “tôi” tầng trên là Chúa. Thông qua tư duy, làm cho cái vô biên tầng dưới tiếp xúc với cái vô biên tầng trên, thế là cầu nguyện.
Ta đừng tước đi của trí tuệ con người một cái gì cả… Hủy bỏ đi là không tốt! Phải cải tạo và cải biến. Có những năng khiếu của con người hướng về Cõi vô tri: tư duy, mơ mộng, cầu nguyện. Cõi vô tri là đại dương. Lương tri con người là cái gì? Là địa bàn trong Cõi vô tri. Tư duy, mơ mộng, cầu nguyện, đó là những tia huyền bí. Hãy tôn trọng những tia ấy. Những tia huy hoàngấy của linh hồn đi tới đâu? Tới bóng tối, nghĩa là tới ánh sáng.
Cái vĩ đại của chế độ dân chủ là không phủ định, không phủ nhận cái gì của nhân loại. Bên cạnh quyền Người, ít ra có quyền của Linh hồn.
Chà đạp những tín ngưỡng cuồng điên và tôn sùng vô biên, đó là luật đời. Chúng ta không tự giới hạn chúng ta ở việc quỳ gối trước cái gốc cây “Tạo hóa” và chiêm ngưỡng những cành lá mênh mông, đầy tinh tú của nó. Chúng ta có một bổn phận: rèn cặp linh hồn con người bảo vệ cái huyền bí chống cái “phép màu”, tôn thờ cái điều ta không thể hiểu và gạt bỏ cái vô lý, chỉ thừa nhận là không thể lý giải được cái gì cần thiết, làm cho tín ngưỡng trở nên lành mạnh, dọn sạch hết mê tín dị đoan chồng chất lên tôn giáo. Tóm lại bắt sâu cho cây của Chúa.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 7: TRONG DẤU NGOẶC ĐƠN

Chương 6

CẦU NGUYỆN LÀ MỘT ĐIỀU HAY TUYỆT ĐỐI

Còn cách thức cầu nguyện, mọi cách thức đều tốt quý hồ là chân thành. Có thể mở ngược sách nhưng hãy đi vào vô biên.
Chúng ta biết là có một thứ triết học phủ nhận cái vô biên. Cũng có một thứ triết học, xếp vào loại bệnh tật, phủ nhận mặt trời, cái triết học ấy tên gọi là mù.
Đem một giác quan ta không có dựng lên thành một nguồn chân lý, chỉ người mù mới có cái tự tin lạ lùng ấy. Kỳ lạ là cái triết học mò ấy lại lấy những dáng điệu kiêu ngạo, trịnh trọng và thương hại người ta, khi đứng trước cái triết học nhìn thấy Chúa. Người ta tưởng như nghe thấy một con chuột chũi kêu to: “Ôi! Thương hại thay bọn họ với cái mặt trời của họ”.
Chúng ta biết có những nhà triết học vô thần nổi tiếng và có uy thế mạnh. Những con người này, nhờ cái sức mạnh tư duy của họ đã trở lại được với chân lý. Thực ra họ cũng chưa tin hẳn họ là vô thần. Đối với họ cũng cần chỉ là một vấn đề định nghĩa và trong tất cả mọi trường hợp, nếu họ không tin Chúa, vì họ là những trí tuệ lớn, thì chính họ chứng minh là họ có Chúa.
Chúng ta nghiêng mình chào họ là những nhà triết học nhưng vẫn phê bình nghiêm khắc triết học của họ.
Ta hãy bàn tiếp.
Điều đáng phục nữa là họ dùng ngôn ngữ một cách rất tùy tiện. Một trường phái triết học phương Bắc, cũng hơi bị sương mù bao phủ, đã tưởng làm được một cuộc cách mạng trong sự hiểu biết của con người, bằng việc thay từ Sức mạnh bằng từ Ý muốn.
Nói rằng: cái cây muốn mà không nói cái cây lớn lên, điều đó có vẻ như là sáng tạo phong phú thật nếu người ta nói thêm: Vũ trụ muốn. Vì sao? Bởi vì có thể rút ra điều này: cái cây muốn như thế nghĩa là cái cây có một “cái tôi”, vũ trụ muốn, vậy thì có một Chúa.
Còn chúng tôi, khác hẳn với trường phái này, chúng tôi không gạt bỏ cái gì trước khi cân nhắc, đối với chúng tôi thì việc nhận là cái cây có ý chí, như trường phái ấy thừa nhận, còn khó hơn là nhận rằng vũ trụ có một ý chí, điều mà trường phái ấy phủ nhận.
Phủ nhận ý chí của vô biên, nghĩa là Chúa, điều này chỉ có thể ý niệm được với điều kiện là phủ nhận cái vô biên. Chúng tôi đã chứng minh điều đó.
Sự phủ nhận vô biên đã dẫn thẳng tới chủ nghĩa hư không. Tất cả trở thành một “khái niệm của trí tuệ”.
Với chủ nghĩa hư không thì không thể bàn luận gì được. Bởi vì người theo chủ nghĩa hư không không tin rằng người đối thoại của mình có thực và cũng không dám chắc chắn là mình có thực nữa.
Theo quan điểm ấy thì rất có thể rằng chính bản thân người ấy, đối với người ấy, cũng chỉ là một “khái niệm của trí tuệ của người ấy” mà thôi!
Chỉ có một điều là người ấy không nhận ra rằng tất cả những điều người ấy phủ nhận thì người ấy lại thừa nhận gọn một cách trọn vẹn, bởi vì người ấy đã nêu lên cái danh dự “trí tuệ”.
Nói tóm lại, không có một con đường nào mở ra cho tư tưởng, trong một thứ triết học đưa tất cả mọi vấn đề đến một chữ độc âm: - Không.
Đối với chữ không ấy, chỉ có một tiếng trả lời: - Có.
Chủ nghĩa hư không không có tác dụng gì.
Không có hư không. Con số “không” không có – Tất cả đều là một cái gì đó. Chẳng có cái gì lại không phải là gì cả. Con người sống bằng khẳng định hơn là sống bằng “bánh mì”.
Nhìn ra và vạch rõ, cả như thế cũng chưa đủ. Triết học phải là một năng lực. Nỗ lực và kết quả của nó là cải thiện con người. Xôcrat phải nhập vào Ađam và sản sinh ra Mác Oren. Nói cách khác là từ con người của phúc hạnh phải làm nảy ra con người của sự hiểu biết. Phải đổi vườn Eden thành Lixê (Eden: vườn hạnh phúc, trong Kinh thánh, nơi Chúa Trời đã cho giáng sinh người đàn ông đầu tiên Ađam và người đàn bà đầu tiên Evơ; Lycde: nơi nhà triết học Hy lạp Aristote đến giảng dạy cho môn đồ ở thành Athènes)? Khoa học phải là một liều thuốc bổ. Hưởng thụ, ôi mục đích buồn thay và khát vọng yếu đuối thay! Con thú lo hưởng thụ. Tư duy, đó là thắng lợi thực sự của linh hồn. Đưa tư duy cho con người đang khát, trao cái khái niệm Chúa cho tất cả mọi người như một chất rượu bổ, làm cho lương tri và khoa học hòa hợp như anh em trong tâm hồn họ, làm cho họ trở nên nhân nên chính, bởi vì sự đối chiếu huyền bí ấy, đó mới là nhiệm vụ của triết học thực sự. Luân lý là sự khai hoa của những chân lý. Chiêm duy dẫn đến hành động. Cái tuyệt đối phải có tác dụng thực tế. Lý tưởng phải là cái gì thở được, uống được và ăn được cho trí tuệ con người. Chính lý tưởng mới có quyền nói: “Hãy ăn đi! Đây là thịt của ta, đây là máu của ta”. Hiểu biết là một sự giao cảm thiêng liêng. Chỉ với điều kiện ấy nó mới không còn là một sự yêu say khoa học khô khan không kết quả, để trở nên một phương thức duy nhất và cao đẹp tập hợp, đoàn kết loài người và từ một triết học trở thành một tôn giáo.
Triết học không nên là cái bao lơn, dựng trên huyền bí để nhìn vào huyền bí cho thoải mái, không có tác dụng gì khác hơn là tạo thuận lợi cho tính tò mò.
Về phần chúng tôi, chúng tôi chờ một dịp khác sẽ tiếp tục phát triển tư tưởng của chúng tôi. Chúng tôi chỉ giới hạn ở điểm là chúng tôi không quan niệm con người là một khởi điểm, tiến bộ là mục đích nếu thiếu hai cái sức mạnh này là hai động lực: tin và yêu.
Tiến bộ là mục đích, lý tưởng là điển hình.
Lý tưởng là gì? Là Chúa.
Lý tưởng, Tuyệt đối, Hoành chỉnh, Vô biên: những từ đồng nhất.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 7: TRONG DẤU NGOẶC ĐƠN

Chương 7

PHẢI THẬN TRỌNG KHI CẢNH CÁO

Lịch sử và Triết học có những bổn phận muôn đời, đồng thời cũng là những bổn phận giản dị: đả kích Caiphơ giám mục, Đơracông quan tòa, Tơrimanxion nhà lập pháp, Tiberơ hoàng đế; điều đó rõ ràng, trực tiếp và trong suốt, không có một chút bóng tối nào. Nhưng cái quyền sống riêng biệt, với tất cả những trở ngại và lạm hành của nó, cần được xét nhận và kiêng nể. Chế độ nhà tu là một vấn đề của con người.
Khi nói đến những nhà tu, những nơi trú ngụ của lầm lỗi, nhưng cũng là của thơ ngây trong trắng, của sai lạc nhưng cũng là của thiện chí, của ngu dốt nhưng cũng là của tinh thần tận tụy hy sinh, của hình phạt nhưng cũng là của tinh thần tử vì đạo, hầu như lúc nào cũng phải tỏ rõ tán thành hay phản đối.
Một nhà tu là một sự mâu thuẫn. Mục đích là cứu vớt, biện pháp lại là hy sinh. Nhà tu là sự ích kỷ tối cao dẫn tới sự nhẫn nhục tối sao. “Thoái vị để trị vì” hình như là châm ngôn của chế độ nhà tu.
Ở nhà tu kín người ta chịu đựng đau khổ để hưởng thụ, người ta ký một hối phiếu về cái chết. Người ta chiết khấu ánh sáng trên thiên đường bằng đêm tối dưới mặt đất. Ở nhà tu ta chịu đựng địa ngục để sớm lên thiên đường.
Nhận phủ màn che mặt hoặc áo khoác nhà tu là một sự tự sát được trả giá với một cuộc sống vĩnh viễn.
Chúng tôi nghĩ rằng đối với một vấn đề như thế, sự chế giễu không thích hợp chút nào. Tất cả ở đây đều là vấn đề nghiêm chỉnh, cái tốt cũng như cái xấu.
Người chính trực có thể cau mày nhưng không bao giờ mỉm nụ cười nhạo báng. Giận dữ ở đây có thể hiểu được, nhạo báng thì không.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 7: TRONG DẤU NGOẶC ĐƠN

Chương 8

LÒNG TIN, KỶ LUẬT

Xin nói thêm vài lời.
Chúng ta phê phán, kết án nhà thờ, khi nhà thờ đầy những mưu đồ ám muội; chúng ta khinh bỉ cái tinh thần còn ham say thế tục, nhưng ở đâu chúng ta cũng kính trọng con người suy tưởng.
Chúng tôi cúi chào con người quỳ gối cầu nguyện. Một lòng tin, đó là cái cần thiết cho con người. Tai họa cho ai không tin tưởng cái gì.
Không phải là vô công rồi nghề khi người ta tư lự. Có cái lao động trông thấy và cái lao động không trông thấy.
Chiêm duy là cày đất, tư duy là hành động. Khoanh tay cũng là lao động, chắp tay là hành động. Ngước nhìn trời cao là một sự nghiệp.
Talexơ bốn năm ngồi im. Ông đã xây dựng nền triết học.
Đối với chúng tôi tu sĩ không phải là những kẻ vô công rồi nghề và người ẩn dật không phải là những kẻ lười biếng.
Suy nghĩ về bóng tối là một điều nghiêm chỉnh. Không phủ nhận một điều gì những cái chúng tôi vừa nói, chúng tôi nghĩ rằng luôn luôn nhớ tới nấm mồ là một điều cần thiết đối với người sống. Về điểm này vị linh mục và nhà triết học, nhất trí với nhau. Con người phải chết. Viện trưởng dòng Torapơ đã trả lời đích đáng Oraxơ (Dòng Torapơ: dòng tu hết sức khổ hạnh, thế kỷ 12; Horace: nhà thơ La Mã thế kỷ 1 trước công nguyên làm những bài thơ tươi vui ca ngợi hạnh phúc sống).
Để cho cái chết luôn luôn ít nhiều có mặt trong cuộc sống là kỷ luật của con người hiền triết và cũng là kỷ luật của người khổ hạnh. Về mặt này người tu khổ hạnh và nhà hiền triết gặp nhau.
Có sự lớn mạnh thể chất. Chúng ta muốn có sự lớn mạnh ấy. Cũng có sự cao cả tâm hồn. Chúng ta thiết tha với sự cao cả ấy.
Những người không suy nghĩ và nông nổi nói:
- Cần gì đến những bộ mặt bất động ấy bên phía tín điều: họ dùng làm gì? Họ làm được gì?
Than ôi! Đứng trước cái bóng tối bao bọc chúng ta và chờ đón chúng ta, không biết được sự phân tán mênh mông kia sẽ làm chúng ta thành cái gì, chúng ta trả lời: Có lẽ không có sự nghiệp nào cao cả hơn sự nghiệp của các linh hồn ấy. Và chúng ta nói thêm: có lẽ không có việc làm nào có ích hơn.
Phải có những con người luôn luôn cầu nguyện cho những con người không cầu nguyện bao giờ.
Đối với chúng tôi, vấn đề là có ba
o nhiêu tư duy hòa vào cầu nguyện.
Lephiđơ cầu nguyện, cái đó vĩ đại. Vonte tôn sùng, cái đó là đẹp: Đeo orexti Voltare (Vonte đã làm Chúa xúc động).
Chúng tôi là những người cho những bài truyền đạo là nghèo nàn và tin ở tính cao cả của cầu nguyện.
Vả lại trong cái giờ phút mà chúng ta đang trải qua lúc này, giờ phút may thay sẽ không để lại hình dáng của nó trong thế kỷ XIX, trong cái giờ mà bao nhiêu người trán cúi thấp tâm hồn không vươn cao, giữa bao nhiêu người lấy hưởng thụ làm đạo lý và luôn luôn bận rộn vì những cái nhất thời và quái dạng của vật chất, bất cứ ai lẩn tránh cuộc đời đều đáng kính. Nhà tu là một sự tự nguyện từ chối hưởng thụ. Hy sinh vì một mục đích sai lầm cũng vẫn là hy sinh. Làm bổn phận thì dù bổn phận đó có là một sai lầm cũng vẫn có cái vĩ đại nhất định.
Cứ xoay quanh chân lý, nhận xét một cách vô tư và triệt để tất cả mọi phương diện, ta phải thấy rằng nhà tu, nhìn riêng bản thân nó và trên lý tưởng, nhất là nhà tu nữ - vì trong xã hội chúng ta người phụ nữ phải chịu đau khổ nhất và trong cái cảnh tù đầy của nó, có hàm một sự phản kháng – nhà tu nữ có một vẻ uy nghiêm nào đó, không thể bàn cãi được.
Cuộc sống giam cầm khắc nghiệt và ảm đạm đến như thế, như chúng ta vừa mô tả một vài đoạn, không phải là sự sống nữa vì không phải là tự do; nó không phải là nấm mồ vì không phải là cảnh viên mãn tối hậu; nó là một nơi kỳ lạ, từ đó người ta nhìn thấy, như đứng trên một ngọn núi cao, một bên cái vực thẳm ta đang sống, một bên cái vực thẳm ta đang sống, một bên cái vực thẳm ta sẽ ở sau này; nó là cái ranh giới nhỏ hẹp, mờ sương chia cách hai thế giới, cái ranh giới vừa được chiếu sáng, vừa bị che tối vì cả hai cái thế giới ấy, ở đấy, ánh sáng yếu ớt của cuộc sống hòa lẫn với những tia lờ mờ của cái chết; đó là nơi trnah tối tranh sáng cạnh mồ.
Về phần chúng tôi, chúng tôi không tin tưởng những điều mà các người phụ nữ đó tin tưởng, như họ, chúng tôi cũng sống với tín ngưỡng, chúng tôi không bao giờ không cảm thấy trong lòng một thứ ghê sợ thiêng liêng trìu mến, một niềm thương hại pha lẫn thèm muốn khi chúng tôi nghĩ đến những con người cúc cung tận tụy ấy, những con người vừa run sợ, vừa tin cậy, những linh hồn thấp bé và oai nghiêm, dám sống trên bờ của huyền bí, trong sự chờ đợi giữa cuộc đời đã đóng kín và cửa trời chưa mở, quay về một cái ánh sáng không trông thấy, chỉ được có cái hạnh phúc là nghĩ rằng họ biết họ đang ở đâu, khao khát mong đợi vực thẳm và huyền bí, mắt đăm đăm nhìn vào bóng tối, yên lặng, quỳ gối, say mê, rung động cả tâm thần, đôi khi như được thấy luồng gió sâu xa của vĩnh cửu nhấc bổng người lên.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 8: AI CHO CÁI GÌ, NGHĨA ĐỊA NHẬN CÁI ẤY

Chương 1

VÀO NHÀ TU BẰNG CÁCH NÀO?

Giăng VanGiăng đã “rơi từ trên trời xuống cái nhà tu này”, như lời Phôsơlơvăng.
Ông đã vượt qua cái tường vườn nhà tu làm nên góc phố Pôlôngxô. Tiếng hát giữa đêm khuya mà ông tưởng là tiếng hát của thiên thần, chính là tiếng hát chầu lễ sớm của nữ tu sĩ. Cái căn nhà lờ mờ trong bóng tối thực ra là nhà nguyện của nhà tu. Còn cái bóng ma nằm phủ phục trên mặt đất chỉ là một nữ tu sĩ đang đền tội. Tiếng nhạc lạ lùng chỉ là tiếng nhạc buộc vào đầu gối lão làm vườn Phôsơlơvăng.
Lúc Côdét đã ngủ yên, Giăng VanGiăng và Phôsơlơvăng uống một hớp rượu vang và ăn một miếng phó mát trước ngọn lửa rừng rực cháy; gian nhà chỉ có độc một cái giường Côdét nằm, nên mỗi người nằm phịch xuống một bó rơm. Trước khi nhắm mắt ngủ, Giăng VanGiăng nói với Phôsơlơvăng: “Từ nay, tôi phải ở lại đây với bác”. Câu nói ấy cứ nhảy nhót trong đầu óc Phôsơlơvăng suốt đêm làm ông già không tài nào ngủ được.
Thực ra đêm ấy không ai chợp mắt lúc nào.
Giăng VanGiăng thấy mình đã lộ tung tích và Giave đang theo mình từng bước; ông nghĩ rằng không thể nào cùng Côdét trở về Paris được nữa, về thì nguy. Cơn gió số mệnh vừa qua đã thổi ông đến nhà tu này, ông chỉ còn một ý nghĩ, là ở lại đây. Đối với một con người khốn khổ trong hoàn cảnh này, nhà tu đây là một nơi nguy hiểm nhất mà cũng là một nơi trú chắc chắn nhất! Nguy hiểm nhất, bởi vì nơi này, không một người đàn ông nào được đặt chân tới, người ta mà bắt quả tang Giăng VanGiăng ở đây, thì từ nhà tu đến nhà tù, chỉ có một bước; chắc chắn nhất, bởi vì nếu được vào đây và được ở đây, thì ai còn đến đây tìm mình? Ở được một nơi không ai được ở, tất là thoát thân.
Về phần Phôsơlơvăng, ông cụ cũng suy nghĩ tợn. Thoạt tiên ông thú thật không thể nào hiểu được đầu đuôi ra sao cả. Ông thị trưởng Mađơlen làm thế nào mà vượt tường vào được đây? Không ai lại nhảy qua tường nhà tu bao giờ? Làm sao lại đèo thêm cả một con bé nữa? Làm thế nào ôm một đứa bé mà leo được bức tường dựng đứng? Đứa bé ấy là ai? Hai người từ đâu lại? Từ ngày Phôsơlơvăng vào nhà tu, ông không nghe nói đến Môngtơrơi Xuya Me, ông không hề biết chuyện gì đã xảy ra ở đó nữa. Trông vẻ mặt ông Mađơlen, thấy cũng không nên hỏi chuyện gì thêm; vả lại, ông cụ tự bảo: “Ai lại gạn hỏi một bậc thánh bao giờ!”. Đối với ông cụ, ông Mađơlen vẫn là ông Mađơlen đầy đủ uy tín ngày xưa. Nhưng, nghe qua mấy tiếng Giăng VanGiăng buột miệng nói ra, ông cụ đoán là có lẽ gặp thời buổi khó khăn, ông Mađơlen đã phá sản, bị chủ nợ săn bắt; hoặc ông là can phạm chính trị, nên phải trốn tránh; nghĩ đến đấy, ông cụ thấy càng thích, bởi vì ông cũng như nhiều nông dân miền Bắc trong thâm tâm vẫn có cảm tình với phái Bônapac. Ông Mađơlen muốn tìm đến nhà tu mà trốn tránh, nên ông có muốn ở lại đây, điều đó cũng dễ hiểu. Có điều không tài nào hiểu được, mặc dù lão đã nát óc suy nghĩ, là làm thế nào mà ông vào được đây, mà lại đèo thêm một đứa bé. Ông nhìn Giăng VanGiăng và con bé, mó vào người họ, chuyện trò với họ, thế mà vẫn không thể tin được là chuyện có thật. Cái vô lý vừa đột nhập vào túp nhà lão Phôsơlơvăng. Phôsơlơvăngcứ mò mẫm đoán mà vẫn thấy tối mò mò. Chỉ có một ý nghĩ này là rõ rệt: “Ông Mađơlen đã cứu sống ta”. Chỉ một ý nghĩ xác đáng ấy cũng đủ để ông già quyết định. Ông tự bảo: “Lúc ông Mađơlen chui xuống dưới gầm xe để kéo mình ra, ông ấy có đắn đo như mình đâu!” Ông nhất quyết cứu cho được ông Mađơlen.
Mặc dù vậy, ông cụ vẫn tự đặt cho mình nhiều câu hỏi rồi lại tự trả lời mình: “Ông đã cứu sống mình như thế, nhưng nếu ông là một thằng trộm cướp thì mình có cứu không? Tất phải cứu. Nếu là một đứa giết người thì mình có cứu không? Cũng phải cứu. Ông đã là một bậc thánh thì mình có cần cứu không? Càng phải cứu”.
Nhưng giữ ông Mađơlen ở lại trong nhà tu là một chuyện khó khăn quá! Trước cái dự định gần như ảo vọng ấy, Phôsơlơvăng không hề nao núng. Người nông dân đáng thương miền Picacđi ấy chỉ có cái thiện ý, một tấm lòng hy sinh tận tụy và chút ít, sự tinh ý cố hữu của nông dân, lần này dùng làm một việc hào hiệp. Ông quyết tâm khắc phục tất cả những khó khăn không bờ bến và vượt qua những kỷ luật khắt khe của nhà tu dòng thánh Bơnoa. Ông ta vốn suốt đời ích kỷ, nhưng lúc trở về già gần kề miệng lỗ, lại què quặt, không còn sinh thú gì ở đời nữa, nên khi thấy việc phúc đức thì lăn vào làm, như thể một người sắp chết thấy một cốc rượu ngon chưa hề được uống bao giờ thì hăm hở cầm lấy mà nốc một hơi. Vả lại, bao nhiêu năm trời, thở không khí trong nhà tu, ông ta như đã mất hết tính cố hữu, ông thấy cần phải ra tay làm một việc phúc đức.
Thế là ông cụ nhất quyết tận tụy hy sinh cho ông Mađơlen.
Chúng tôi đã gọi Phôsơlơvăng là một người nông dân đáng thương miền Picacđi. Gọi như thế đúng nhưng chưa đủ. Đến đây, tưởng cũng nên kể thêm chút ít về lai lịch lão. Vốn ở nhà quê, nhưng đã có lần ông làm lục sự, nên sẵn tinh ý, ông lại có mánh khóe; sẵn chất phác, ông lại thêm sâu sắc. Thế rồi, vì nhiều nguyên nhân, ông thất bại nhiều lần, từ chân lục sự, ông trở thành bác đánh xe ngựa và lao động chân tay. Nhưng mặc dù mắng chửi ngựa, quất ngựa vun vút, vì ngựa cần những thứ ấy, hình như ông vẫn giữ được cốt cách của một ông lục sự. Ông bẩm sinh khá thông minh; ông không ăn nói hay vui miệng chuyện trò. Nhiều người khác vẫn bảo ông cụ ăn nói có vẻ như một ông tư sản. Phôsơlơvăng quả là thuộc cái hạng người mà mấy chục năm nay người ta thường gọi một cách hỗn xược, vu vơ là hạng người nửa tỉnh nửa quê mà những ẩn dụ của ngôn ngữ quý tộc đã ghi vào lý lịch người bình dân: nửa nhà quê, nửa kẻ chợ, tiêu muối. Phôsơlơvăng mặc dù lăn lộn nhiều, thất bại lắm, bây giờ còn trơ cái xác không, nhưng vẫn giữ được cái tính hồn nhiên, phải gì làm nấy. Như thế là ông vẫn giữ được cái bản chất của con người tốt. Ông có những tật xấu này khác, nhưng chỉ ở bề ngoài, những ai biết xem tướng thì thấy nét mặt ông không có những nếp nhăn trên chỏm trán của hạng người độc ác hoặc ngu độn.
Sáng tinh mơ hôm ấy, sau khi đã nghĩ ngợi suốt một đêm ròng, ông Phôsơlơvăng mở mắt thì thấy ông Mađơlen ngồi trên đệm rơm nhìn Côdét đang ngủ. Ông đứng nhỏm dậy hỏi:
- Bây giờ bác đã ở đây rồi, thì bác liệu làm thế nào mà vào đây được? – Câu nói đầy đủ ý nghĩa thức tỉnh Giăng VanGiăng đang mơ mơ màng màng.
Hai người bèn bàn luận với nhau. Phôsơlơvăng nói:
- Trước hết, bác đừng có bước chân ra khỏi cái buồng này. Cả cháu bé nữa. Bước một bước ra ngoài, tất cả chúng ta đi đời cả.
- Đúng thế.
- Bác Mađơlen ạ, bác đến vừa dịp may… nghĩa là không may cho nhà tu, là có một bà nữ tu sĩ ốm nặng. Thế là người ta ít nhòm ngó phía đằng này. Hình như bà ta sắp chết. Phải cầu kinh bốn mươi tiếng đồng hồ. Họ bận cả. Cái bà sắp đi là một bậc thánh. Thực ra ở đây chúng tôi là thánh hết! Chỉ có khác một điều là các bà ấy thì nói: cái buồng của chúng tôi, còn tôi nói: túp lều của tôi. Người ta sắp cầu nguyện cho người hấp hối, rồi cầu nguyện cho người chết. Thế là hôm nay ta có thể yên ổn được; nhưng mai thì không thể nói trước được.
- Thế nhưng cái nhà này ở một góc tường, trước mặt lại có cái đống gạch đổ nát, cây cối um tùm, trên nhà tu nhìn xuống làm sao được?
- Lại thêm các bà nữ tu sĩ không bao giờ đến gần đây.
- Thế thì?
Cái chấm hỏi đặt sau hai tiếng “thế thì” của Giăng VanGiăng có nghĩa: tôi tưởng như thế thì còn sợ gì nữa? Phôsơlơvăng trả lời đúng chỗ hỏi:
- Có lũ trẻ con.
- Lũ trẻ con nào?
Phôsơlơvăng vừa há mồm định giải thích thì chuông nhà tu buông một tiếng. Ông nói:
- Bà ấy chết rồi. Tiếng chuông báo tử vừa đánh đấy.
Ông già ra hiệu cho Giăng VanGiăng chú ý nghe.
Chuông đánh tiếng thứ hai:
- Bác Mađơlen, tiếng chuông báo chết lần thứ hai. Trong suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, cứ cách một phút, chuông lại đánh một tiếng, cho đến khi đưa xác ra khỏi nhà thờ. Bác nghĩ xem, đến giờ chơi, bọn chúng nô đùa ghê lắm. Chỉ cần một quả bóng lăn lại đây là bọn chúng xông vào tìm nhộn cả lên. Bọn thiên thần ấy nghịch như quỷ.
Giăng VanGiăng hỏi:
- Bọn nào thế bác?
- Bọn trẻ con. Đây, rồi chẳng mấy chốc, bác bị lộ ngay. Bọn chúng sẽ kêu lên: “A, có một người đàn ông!” Nhưng hôm nay không có giờ chơi. Cầu kinh cả ngày. Bác nghe chuông mà xem, cứ mỗi phút một tiếng. Tiếng chuông báo tử.
- Tôi hiểu rồi bác Phôsơlơvăng ạ, ở đây có trẻ ở ký túc.
Và Giăng VanGiăng nghĩ bụng:
- Thật tiện cho Côdét ăn học.
Phôsơlơvăng kêu lên:
- Trời, bọn trẻ mà trông thấy bác, chúng sẽ thét lên mà chạy trốn cho mau. Ở trong này, làm người đàn ông thì cũng giống như mắc bệnh dịch hạch. Bác xem, tôi đeo ở chân một cái nhạc, chẳng khác gì một con thú dữ.
Giăng VanGiăng mỗi lúc một thêm suy nghĩ. Ông lẩm bẩm một mình: “Nhà tu này sẽ cứu được hai ông con mình”. Rồi ông cất tiếng nói:
- Phải, cái khó là làm sao ở lại đây.
- Không, là ra khỏi đây.
Giăng VanGiăng cảm thấy như máu trào lên ngực:
- Ra khỏi đây!
- Vâng, phải ra khỏi đây rồi mới quay trở vào được.
Rồi Phôsơlơvăng nói tiếp, sau một tiếng chuông rền rĩ bên ngoài.
- Không thể để người ta thấy bác lù lù ở đây được. Bác vào đường nào! Tôi biết bác lắm nên tôi cho là bác rơi ở trên trời xuống, chứ đối với các nữ tu sĩ thì họ cho là bác phải vào đằng cổng kia.
Bỗng một hồi chuông khá phức tạp của một chiếc chuông thứ hai. Phôsơlơvăng nói:
- À, tiếng chuông gọi các mẹ tư vấn đi họp. Khi có người chết là họ họp. Bà ấy chết lúc sáng tinh mơ. Thường họ chết vào lúc sáng tinh mơ. Nhưng này, bác vào lối nào, thì nay bác có ra bằng lối ấy được không? Không phải hỏi thế mà chơi đâu, bác vào lối nào chứ?
Giăng VanGiăng xám xanh mặt lại. Nghĩ rằng phải leo tường ra cái lối khủng khiếp kia, Giăng VanGiăng rùng mình ghê sợ. Ta vừa thoát khỏi một khu rừng đầy hùm beo, thử tưởng tượng nay lại có người bạn khuyên mình trở lại khu rừng đó. Giăng VanGiăng nghĩ đến một khu phố nhung nhúc những mật thám, những tên chỉ điểm đang rình mò, những lính tuần, những bàn tay khủng khiếp lúc nào cũng sẵn sàng tóm lấy cổ mình, còn Giave thì có lẽ đứng chờ ở một xó ngã tư đường. Ông nói:
- Không thể được, bác Phôsơlơvăng ạ, cứ coi như tôi rơi từ trên trời xuống.
- Tôi tin như vậy, tôi tin như vậy, bác chả cần nói. Đức Chúa Trời chắc muốn giữ lấy bác để ngắm cho kỹ rồi lại thả bác ra. Chúa muốn đặt bác vào một nhà tu nam. Nhưng rồi Chúa nhầm chỗ. Đấy, lại một tiếng chuông. Tiếng chuông này báo cho bác gác cổng đi báo tòa thị chính cử ông y sĩ coi việc người chết đến đây để chứng kiến. Đấy, lễ nghi cái chết phải như thế. Các bà ở đây nào có ưa gì cái việc khám xét ấy. Là y sĩ thì chẳng tin gì cả. Họ lật tấm vải phủ diện lên; có khi lật cả cái khác. Lần này, sao các bà ấy cho đi báo sớm thế. Chắc có việc gì. Cháu bé vẫn ngủ. Cháu tên là gì nhỉ?
- Côdét.
- Con bác à? Trông thì ai cũng bảo cháu gọi bằng ông, có phải không bác?
- Phải.
- Cho cháu ra khỏi đây cũng dễ. Tôi ra vào có cái cửa riêng ăn liền với sân trước. Cứ gõ cửa là bác gác mở. Tôi vẫn đeo cái giỏ đằng sau lưng: nhét cháu vào giỏ là xong. Thế là cứ việc đi ra. Ai chả bảo là lão già Phôsơlơvăng đeo giỏ ra phố. Bác nhớ dặn cháu đừng có cựa quậy. Tôi đậy tấm vải bạt lên trên. Đến nhà bà bạn bán hoa quả ở phố Sơmanhve, tôi sẽ gửi cháu ở đấy. Bà ấy điếc, nhà có một chiếc giường nhỏ. Tôi sẽ chõ vào tai bà mà thét nó là cháu gái tôi, nhờ bà trông hộ một hôm. Thế rồi bác sẽ lại đem cháu vào đây. Tôi sẽ tìm hết cách đưa bác vào. Nhưng bác có cách nào ra khỏi đây được không?
Giăng VanGiăng lắc đầu:
- Làm sao cho đừng một ai trông thấy tôi, có thế thôi. Bác thử xem có cách nào đưa tôi ra như đưa Côdét được không. Cũng nằm trong giỏ đậy bạt.
Phôsơlơvăng lấy ngón tay giữa gãi gãi dưới tai, tỏ vẻ vô cùng bối rối.
Một hồi chuông thứ ba làm câu chuyện đứt quãng.
- Đấy, ông y sĩ đi rồi đấy. Ông ấy xem xong, nói: “Bà ấy chết rồi, được”. Khi ông y sĩ đã chuẩn bị tờ giấy thông hành lên thiên đường thì bọn tang lễ mang áo quan đến. Nếu là một mẹ thì các mẹ liệm; nếu là một bà phước thì các bà phước liệm. Xong đâu đó đến lượt tôi đóng áo quan. Ấy, cũng là một phần việc làm vườn. Kẻ làm vườn cũng ít nhiều là người đào huyệt. Quan tài thì đặt trong một cái buồng thấp ngoài nhà thờ, trông ra phố. Trừ ông y sĩ, không một người đàn ông nào được bén mảng tới. Không kể tôi và những phu đòn, chúng tôi không được coi là đàn ông. Tôi đóng quan tài ở đấy. Phu đòn đến khiêng ra, thế là xe tang quất ngựa! Đấy, đường lên trời chỉ có thế. Lúc mang đến thì hòm không, lúc mang đi thì hòm có. Đám ma là như thế. De profundis (Xin siêu độ, tiếng Latinh, đọc ở cuối kinh cầu hồn).
Một tia nắng sớm rọi ngang qua mặt Côdét đang ngủ say: miệng nó hé mở như một thiên thần đang uống ánh sáng. Giăng VanGiăng nhìn nó từ lâu. Ông không nghe Phôsơlơvăng nói nữa.
Không được nghe, đấy không phải là một lý do để người ta không nói nữa. Lão làm vườn trung hậu vẫn cứ việc lải nhải:
- Đào huyệt ở nghĩa trang Vôgira. Cái nghĩa trang này, người ta bảo sắp bỏ đi. Nghĩa trang cũ từ đời nào, không đúng luật lệ, không ra vẻ gì cả, sắp cho hưu đến nơi. Kể cũng tiếc, vì nó được cái tiện. Ấy tôi có một người bạn làm ở đấy, lão phu huyệt Métchiên ấy mà, các bà nữ tu sĩ ở đây hưởng biệt đãi là được chôn cất vào lúc sẩm tối. Quận có cả một nghị định riêng cho các bà. Nhưng từ hôm qua đến nay, sao lắm chuyện thế! Mẹ Cơruyxiphixiông thì chết, ông Mađơlen thì…
- Thì đã chôn vùi.
Giăng VanGiăng vừa nói vậy, vừa mỉm cười buồn bã. Phôsơlơvăng láy lại tiếng chôn vùi:
- Trời! Nếu bác ở hẳn đây thì cũng chẳng khác gì chôn vùi.
Hồi chuông thứ tư lại vang lên. Phôsơlơvăng vội vàng với cái đai bịt đầu gối có nhạc treo trên tường, buộc vào chân:
- Lần này đến lượt tôi. Mẹ nhất gọi tôi đấy. Được để tôi buộc đã. Còn bác, bác chớ có đi đâu một bước đấy nhé, phải chờ tôi. Có cái gì lạ đây. Bác có đói thì lấy rượu, bánh với phó mát mà ăn.
Rồi vừa đi ông già vừa nói: “Nào thì đi, nào thì đi”.
Giăng VanGiăng thấy lão cố sức lê nhanh cái chân thọt qua vườn, ghé mắt nhìn mấy luống dưa.
Lão đi đến đâu, nhạc rung đến đấy, khiến các bà phước chạy tán loạn. Chưa đầy mười phút, lão đến một cái cửa, khe khẽ gõ một tiếng. Một giọng nói dịu dàng trả lời: đời đời. Đời đời nghĩa là Cứ vào.
Cái cửa này là cái cửa phòng dành riêng để tiếp lão làm vườn mỗi khi có việc. Phòng ấy giáp với phòng họp của các mẹ. Phòng chỉ có độc một cái ghế tựa. Mẹ nhất ngồi ghế đợi ông Phôsơlơvăng.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 8 - Chương 2

CỤ PHÔSƠLƠVĂNG ĐỨNG TRƯỚC KHÓ KHĂN

Có những người, khi gặp hoàn cảnh khó khăn thì nét mặt trở thành băn khoăn và nghiêm nghị, đó là do tính người như thế hoặc do nghề nghiệp, đặc biệt là ở những linh mục và tu sĩ. Khi Phôsơlơvăng vào thì mẹ nhất cũng đang ở tình trạng ấy. Nét mặt mẹ vừa băn khoăn vừa nghiêm nghị. Mẹ vốn có duyên và học thức rộng, thường ngày tươi cười. Mẹ chính là tiểu thư Đơ Bơlêmơ tức mẹ Inôxăngtơ.
Ông già làm vườn khúm núm chào và đứng lại ở cửa phòng. Mẹ nhất đang lần tràng hạt, bỗng ngước mắt nhìn lên, nói:
- À! Lão Phôvăng đấy à?
Trong nhà tu này, người ta quen gọi là Phôvăng cho gọn.
Phôsơlơvăng chào lại một lần nữa.
- Lão Phôvăng ạ, tôi cho gọi lão.
- Bẩm mẹ, con đến hầu mẹ.
- Tôi cần nói chuyện với lão.
Phôsơlơvăng cố lấy giọng mạnh bạo và tự mình cũng đâm sợ sự mạnh bạo ấy:
- Còn con, con cũng định thưa với mẹ tôn quí một việc.
Mẹ nhất nhìn lão:
- Thế ra lão cũng có một việc cần báo với tôi?
- Cần cầu xin với mẹ.
- Cứ nói đi.
Phôsơlơvăng, nguyên lục sự, thuộc vào hạng nông dân tự tín. Có khi dốt nát một cách khôn khéo lại là một sức mạnh. Người ta không ngờ vực mình, do đó mà dễ thành công. Hơn hai năm trời sống trong nhà tu, Phôsơlơvăng đã thành công. Suốt năm đơn độc, làm việc trong khoảnh vườn, ông chẳng còn gì khác ngoài việc tò mò tìm hiểu nhà tu. Nhìn xa những người đàn bà trùm khăn kín mít qua lại trước mặt, ông chỉ thấy như những bóng đen lảng vảng. Ông già cố sức chăm chú để tìm hiểu, nên những bóng ma ấy, dần dần lão đã thấy có da có thịt: những xác chết ấy có một đời sống. Ông giống như người điếc mắt càng trông xa, hay như người mù nghe rất thính. Ông đã biết tường tận mỗi hồi chuông nói gì trong nhà tu bí mật, lặng lẽ này, nên ông không thấy có gì là lạ hết. Cái chuông ấy là một con nhân sư (Nhân sư theo truyền thuyết Ai Cập là một con quái vật thường ra những câu đố khó giải cho khách qua đường) rất khó hiểu nhưng đối với ông thì ngày ngày nó thủ thỉ bên tai tất cả những điều bí mật trong tu viện. Biết bao nhiêu, ông càng giấu kín bấy nhiêu. Đấy, bí quyết nghệ thuật của ông là ở chỗ ấy. Cả tu viện tưởng ông ngây ngô, đần độn. Trong giáo hội, thì đây là một đức lớn. Các mẹ tư vấn quý ông. Rõ là một anh tọc mạch câm. Ai cũng tin ông. Vả ông luôn luôn tôn trọng nội quy, ông chỉ ra phố khi phải mua cái gì cần thiết lắm cho khu vườn quả hay vườn rau. Hành tung kín đáo ấy cũng được đánh giá tốt. Tuy nhiên ông vẫn khêu gợi cho hai người múa môi khua lưỡi: trong nhà tu thì là bác gác cổng, thế là ông biết mọi chuyện trong phòng tiếp khách; ngoài nghĩa trang thì là bác phu đào huyệt, thế là ông biết tất cả những chuyện lạ về tang ma. Như vậy, sống giữa những người tu hành, ông có hai nguồn ánh sáng, một soi vào cảnh sống, một soi vào cõi chết. Tuy biết vậy mà ông chẳng làm gì quá đáng bao giờ. Tất cả thánh hội đều tin ở ông. Ông vừa già lại què, mắt mờ, hình như lại nghễnh ngãng nữa, biết bao nét tốt! Khó lòng mà tìm được một người như ông Phôsơlơvăng.
Thế là hôm nay, trước mắt mẹ nhất, tự biết mình được mọi người tin cậy, ông già ấy mạnh dạn bắt đầu nói một câu chuyện quê mùa, dài dòng nhưng sâu sắc ý nghĩa. Ông kể lể mãi về việc tuổi ông đã già, lại mang tật nó chứng kia; mỗi năm mỗi yếu đi, mà công việc vườn tược mỗi ngày một nhiều; nào vườn thì rộng, nào phải đêm hôm làm lụng, như đêm vừa qua, nhân có trăng, ông phải cặm củi trải rơm che vườn dưa. Thế rồi ông kết thúc câu chuyện như sau: ông có một người em trai (mẹ nhất cựa mình) – người em đã có tuổi (mẹ nhất cựa mình lần thứ hai, nhưng cựa mình yên tâm) – nếu được phép, người em sẽ đến cùng với ông để giúp việc làm vườn bởi vì hắn ta làm vườn rất giỏi, - thánh hội sẽ được công được việc. Còn như nếu thánh hội từ chối thì ông bắt buộc và hết sức lấy làm tiếc là phải xin nghỉ việc, nởi vì ông đã già nua lại tật bệnh, - người em ông lại có một đứa cháu gái nhỏ sẽ mang theo, đứa bé sẽ được giáo dục trong lòng Chúa và sau này biết đâu nó không trở thành một bà xơ trong nhà tu.
Ông vừa dứt lời thì mẹ nhất ngừng tay lần tràng hạt, bảo:
- Từ giờ đến chiều, lão có kiếm đâu được một thanh sắt to không?
- Để làm gì ạ?
- Để bẩy.
- Bẩm mẹ, được ạ.
Mẹ nhất liền đứng dậy, không nói thêm nửa lời – mẹ sang buồng bên cạnh là buồng họp hình như có các mẹ khác đang tụ tập ở đây. Phôsơlơvăng còn lại một mình trong phòng.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 8 - Chương 3

MẸ INÔXĂNGTƠ

Mười lăm phút trôi qua. Mẹ nhất trở lại phòng, ngồi trên chiếc ghế.
Trong cuộc đối thoại, hai người đều có vẻ lo âu. Chúng tôi xin cố gắng ghi đúng câu chuyện trao đổi như sau:
- Lão Phôvăng ạ.
- Bẩm mẹ dạy gì?
- Lão biết nhà nguyện chứ?
- Hàng ngày con vẫn được lên cái buồng nhỏ để nghe kinh và xem lễ.
- Thế lão có vào sàn hát bao giờ không?
- Bẩm, con có vào vài ba lần.
- Phải bẩy một tảng đá.
- Bẩm có nặng không ạ?
- Tảng đá bên cạnh bàn thờ.
- Bẩm tảng đá đậy cái hầm ấy à?
- Phải.
- Giá được hai người đàn ông thì tốt quá.
- Mẹ Atxăngxiông sẽ giúp lão một tay, bà ấy khỏe chẳng kém gì đàn ông.
- Đàn bà thì chẳng bao giờ khỏe bằng đàn ông.
- Chúng ta chỉ có một phụ nữ để giúp lão thôi. Bà ấy sẽ cố gắng, làm được chừng nào hay chừng ấy. Linh mục Mabiông kể bốn trăm mười bảy thư của thánh Bécna, còn Méclônuyt Hoócchiuyt chỉ được có ba trăm sáu mươi bảy, không vì thế mà tôi coi nhẹ Méclônuyt Hoócchiuyt.
- Con cũng vậy.
- Làm hết sức mình là đáng quí rồi. Nhà tu đâu có phải là công trường.
- Và đàn bà cũng chẳng phải là đàn ông. Chú em tôi nó khỏe lắm.
- Lão còn có đòn để bẩy kia mà.
- Vâng, phải có thứ chìa khóa ấy mới mở nổi cái loại cửa ghê gớm kia.
- Tảng đá còn có cái vòng sắt nữa.
- Con sẽ luồn đòn bẩy qua cái vòng ấy.
- Và tảng đá xoay được.
- Bẩm mẹ, được. Con sẽ mở hầm.
- Có bốn mẹ sẽ đỡ việc lão.
- Thế mở xong thì làm gì ạ?
- Rồi phải đóng lại.
- Thế là xong ạ?
- Chưa.
- Bẩm mẹ, xin mẹ cứ dạy.
- Lão Phôvăng ạ. Các mẹ tin lão lắm.
- Con xin làm tất.
- Và phải giữ kín tất.
- Bẩm vâng.
- Mở cửa hầm xong…
- Con sẽ đóng lại.
- Nhưng trước đó…
- Gì cơ ạ?
- Phải đưa xuống hầm một cái gì.
Im lặng một lát. Mẹ nhất, hơi bĩu môi dưới ra như ngập ngừng, rồi nói:
- Lão Phôvăng ạ.
- Lão biết là có một mẹ vừa qua đời sáng nay chứ?
- Bẩm không.
- Thế lão không nghe thấy chuông báo à?
- Ở cuối vườn chỗ con, chẳng nghe thấy gì hết.
- Thật à?
- Con nghe được hồi chuông gọi con cũng đã khó nhọc lắm.
- Mẹ ấy tịch lúc sáng sớm.
- Vả lại sáng nay, gió không thổi về phía con.
- Đó là mẹ Cơruyxiphixiông. Mẹ là một bậc thánh.
Mẹ nhất ngừng lại nói, môi hơi mấp máy như để khẽ cầu nguyện, rồi lại tiếp:
- Ba năm trước đây, chỉ thấy mẹ Cơruyxiphixiông cầu kinh thôi mà bà Đơ Bêtuym phải cải quy đạo Cơ đốc, trước bà ta theo phái Giăngxênit!
- Ái chà! Bẩm mẹ, bây giờ con mới nghe thấy chuông báo tử.
- Các mẹ đã khiêng mẹ Cơruyxiphixiông sang buồng nhà xác, thông với nhà thờ.
- Bẩm vâng.
- Ngoài lão ra, không một người đàn ông nào được vào buồng ấy. Lão phải trông chừng đấy, một người đàn ông nào vào thì chả ra làm sao đâu!
- Hơn thế!
- Cái gì?
- Hơn thế.
- Lão nói gì vậy?
- Con bảo: Hơn thế.
- Hơn thế là hơn cái gì?
- Thưa mẹ bề trên, con không nói hơn thế cái gì. Con nói hơn thế.
- Ta chẳng hiểu lão nói gì cả. Tại sao lão nói hơn thế?
- Bẩm mẹ, để nói như mẹ.
- Ta không nói hơn thế.
- Mẹ không nói như thế, nhưng con nói như thế để nói như mẹ.
Lúc ấy chuông điểm 9 giờ.
Mẹ nhất cầu nguyện:
“Chín giờ sáng và tất cả mọi giờ, ngợi khen và thờ lạy thánh thể rất thiêng liêng”.
- Amen, Phôsơlơvăng nói.
Chuông điểm đúng lúc, nó cắt đứt cái chuyện “Hơn thế” nếu không thì mẹ nhất và Phôsơlơvăng không làm thế nào gỡ được cái cuộn chỉ rối ấy.
Phôsơlơvăng lau mồ hôi trán.
Mẹ nhất lại lầm rầm khe khẽ trong miệng như khấn vái, rồi mẹ nói to:
- Lúc sinh thời, mẹ Cơruyxiphixiông cải tôn biết bao nhiêu người. Mất đi, chắc hẳn mẹ làm nhiều phép nhiệm mầu lắm.
- Bẩm, hẳn mẹ sẽ làm nhiều phép nhiệm mầu.
Phôsơlơvăng nói theo và cố gắng giữ hết sức để khỏi hớ lần nữa.
- Lão Phôvăng ạ, tất cả giáo hữu đã được ban phúc qua mẹ Cơruyxiphixiông. Nhất định không phải ai cũng được chết như giáo chủ Đơ Bêruyn trong lúc giảng kinh và gửi hồn lên Chúa khi cầu nguyện Hone igitur oblationem (Vậy xin dâng của lễ này). Tuy không được hạnh phúc ấy, mẹ Cơruyxiphixiông cũng chết một cách quí hóa. Cho tới phút tắt thở mẹ vẫn tỉnh táo. Mẹ còn chuyện trò với chị em chúng ta, rồi mẹ còn cầu kinh nữa. Mẹ đã cho chị em chúng ta những mệnh lệnh cuối cùng. Giá lão là người sùng đạo hơn và giá lão cũng được vào buồng mẹ Cơruyxiphixiông lúc ấy, thì mẹ chỉ sờ vào chân lão, lão đã khỏi tật. Mẹ mỉm miệng cười, tựa như phục sinh trong lòng Chúa. Thật như có thiên đường trong cảnh chết ấy.
Phôsơlơvăng tưởng như nghe thấy bài kinh cầu siêu chấm dứt. Lão nói:
- Amen.
- Lão Phôvăng ạ, người chết muốn sao, ta phải làm như vậy.
Mẹ nhất lần tràng hạt. Lão Phôsơlơvăng im lặng.
Bà lại tiếp:
- Về vấn đề này ta đã xin ý kiến nhiều vị giáo sĩ phục vụ và lo về cuộc sống trong đạo và đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp.
- Thưa mẹ bề trên, ở đây nghe rõ tiếng chuông báo tử hơn là ở ngoài vườn.
- Vả chăng mẹ Cơruyxiphixiông không phải là một người quá cố bình thường, mẹ là một vị thánh.
- Bẩm cũng như mẹ.
- Từ hai mươi năm nay, mẹ vẫn nằm trong cái áo quan riêng của mẹ do giáo hoàng Pi VII cho phép.
- Người đã làm lễ đăng quang cho Hoàng… Bônapac.
Phôsơlơvăng vốn tinh ranh là thế mà buột miệng nói theo điều ghi nhớ của mình như thế cũng thật rầy. Cũng may mẹ nhất đang bận suy nghĩ không nghe thấy gì.
Mẹ nói tiếp:
- Lão Phôvăng.
- Bẩm mẹ dạy?
- Thánh Điôđorơ, tổng giám mục Capađôxơ, ngỏ ý muốn người ta chỉ ghi mộ mình một chữ này: Acarú, nghĩa là con giun đất. Người ta đã làm theo ý thánh như vậy, có phải không?
- Thưa mẹ vâng.
- Thánh Mêđôcanơ toàn thiện toàn phúc, viện trưởng ở Akila, muốn được chôn dưới một cái giá treo cổ. Điều đó đã được thực hiện.
- Thưa vâng.
- Thánh Têrăngxơ, giám mục địa phận Pô trên cửa sông Tibơrơ vùng bờ bể, muốn người ta khắc trên bia mình cái dấu ghi trên mả những đứa giết cha, mong rằng khách qua đường ai cũng nhổ nước miếng trên mả mình. Điều đó cũng được thực hiện. Phải tuân lệnh người chết.
- Cầu Chúa cho như thế.
- Thi hài của Bécna Ghiđôni, sinh ở nước Pháp, gần Rôdơ Abây, đã được đưa vào nhà thờ dòng Đôminicanh ở Limôgiơ, theo lệnh của Người và mặc dù vua Caxtiơ phản đối, tuy rằng Bécna Ghiđôni là giám mục Tuy ở Tây Ban Nha. Ai nói trái được.
- Nhất định không ạ. Bẩm mẹ.
- Điều này đã được Pơlăngtavít Đơ la Phôxơ chứng thực.
Mẹ lại yên lặng lần thêm vài hạt nữa. Rồi mẹ nói tiếp:
- Lão Phôvăng ạ. Phải chôn mẹ Cơruyxiphixiông trong chiếc quan tài mẹ vẫn nằm từ hai mươi năm nay.
- Như thế là phải ạ.
- Vẫn là tiếp tục ngủ thôi.
- Con sẽ đóng quan tài ấy lại?
- Phải.
- Còn chiếc quan tài của sở thì để lại ạ?
- Đúng thế.
- Con xin tuân lời thánh hội muôn vàn tôn kính.
- Bốn mẹ trong ban đồng ca sẽ giúp lão.
- Giúp việc đóng quan tài ấy à? Bẩm mẹ chả cần ạ.
- Không. Là nói giúp việc đưa quan tài xuống cơ.
- Xuống đâu ạ?
- Xuống hầm.
- Hầm nào ạ?
- Hầm dưới điện thờ.
Lão Phôsơlơvăng giật nảy mình:
- Cái hầm dưới bàn thờ ấy à?
- Đúng, dưới bàn thờ.
- Nhưng…
- Có cái thanh sắt để bẩy mà.
- Vâng, nhưng…
- Luồn thanh sắt vào cái vòng mà bẩy.
- Nhưng…
- Phải tuân lệnh người đã chết. Mẹ Cơruyxiphixiông Chỉ có một nguyện vọng lớn nhất là được chôn cất ở trong hầm mộ dưới bàn thờ nhà nguyện, không phải nằm nơi trần tục. Mẹ muốn yên nghỉ ở nơi lúc sống mẹ thường vẫn cầu kinh. Mẹ đã nói thế, tức là lệnh của mẹ vậy.
- Nhưng, người ta cấm…
- Người trần cấm, nhưng Chúa ra lệnh.
- Nhỡ lộ việc thì sao?
- Chúng ta tin ở lão.
- Con thì sẽ lặng thinh như hòn đá trong vách này.
- Hội đồng đã họp. Các mẹ tư vấn đang bàn và ta cũng vừa hỏi ý kiến xong, các mẹ đã nhất quyết chôn mẹ Cơruyxiphixiông trong áo quan của mẹ, ở cái hầm mộ dưới bàn thờ. Lão Phôsơlơvăng này, hãy nghĩ xem, nếu phép nhiệm màu mà diễn ra ở đây thì thế nào? Vinh quang thay cho tu viện ta từ trong lòng Chúa. Phép mầu từ mộ mà lên đấy.
- Nhưng, bẩm chỉ sợ nhân viên ban vệ sinh…
- Về việc mai táng. Thánh Bơnoa II đã chống lại hoàng đế Côngstăngtanh Pôgôna.
- Thế nhỡ ông cầm…
- Một trong bảy ông vua Đức xâm nhập các xứ Gôlơ dưới triều vua Côngstăng là Cônôdơme đã chính thức công nhận quyền của người tu sĩ được chôn cất trong lòng đạo, tức là dưới bàn thờ.
- Nếu ông thanh tra quận…
- Trước thánh giá, người trần tục không có quyền gì hết. Máctanh, giáo trưởng thứ mười một dòng tu Sáctơrơ, đã nêu cái phương châm này cho dòng tu của mình: Stat crux dum volvitur orbis (Tiếng Latinh: cây thánh giá đứng yên trong lúc trái đất xoay vần).
Phôsơlơvăng cầu:
- Amen.
Đó là đối phó bất di bất dịch của lão mỗi khi nghe ai đọc tiếng Latinh.
Đối với một người đã im lặng quá lâu thì gặp bất cứ ai cũng là một dịp để nói hết những điều muốn nói. Nhà hùng biện Gimnatôrát hôm ở tù ra, trong người đầy ắp những lưỡng đoạn luận và tam đoạn luận bị nén, đứng lại trước gốc cây đầu tiên gặp trên đường và đem tất cả tài hùng biện ra để thuyết phục gốc cây đó. Mẹ nhất thường ngày bị kỷ luật im lặng khống chế, bụng đầy những giáo điều, đứng dậy nói thao thao như mở cống:
- Bên phải ta là Bơnoa, bên trái là Bécna. Bécna là ai? Là tu viện trưởng đầu tiên của Cơlécvô. Phôngtenơ đơ Buôcgônhơ là cái xứ sở được phúc Chúa vì là sinh quán của ngài. Cha ngài là Têxơlanh và mẹ ngài là Aletơ. Ngài đã bắt đầu ở Xitô và sau ở Cơlécvô. Ngài đã được phong viện trưởng do giám mục Ghiômơ đơ Săngpô địa phận Salông suya Xônơ, ngài có bảy trăm tu sĩ tập sự và đã dựng 160 nhà tu. Người đã đánh gục Abêla ở hội nghị Xăngxơ năm 1140 và Pierơ đơ Bơruy và Hăngri môn đệ của Pierơ đơ Bơruy và một loại lầm đường khác, bọn Apôxtôlic; ngài đã khuất phục Acnô đơ Bơrexơ, quật ngã như sét đánh linh mục Raun; tên đồ tể giết dân Do Thái; ngài khống chế cả hội nghị Ranhxơ năm 1184, ngài làm cho Ginbe đơ la Pôrê, giám mục Poachiê và Eông đơ Lêtôalơ bị kết án; ngài dàn xếp xích mích của các vua chúa, chỉ bảo cho vua Lui Lơ Giơnơ, làm cố vấn cho giáo hoàng Ơgienơ III, ghép vào quy chế giáo hội Lơtăngpơlơ, kêu gọi thập tự viễn chinh, làm 250 phép màu trong đời mình và có lần 39 phép màu trong một ngày. Bơnoa là ai? Là thánh tổ của Mông Caxanh, là người sáng lập thứ hai của Tính thiêng của tu viện, là Badilơ của giáo hội phương Tây. Dòng đạo của người đã sản sinh 40 giáo hoàng, hai trăm giáo chủ, năm mươi thánh tổ, một nghìn sáu trăm tổng giám mục, bốn nghìn sáu trăm giám mục, bốn hoàng đế, mười hai đế hậu, bốn mươi sáu vua, bốn mươi mốt hoàng hậu, ba nghìn sáu trăm vị được phong thánh và tồn tại từ một nghìn bốn trăm năm nay. Một bên thánh Bécna, một bên viên chức vệ sinh; một bên thánh Bơnoa, một bên viên thanh tra lục lộ. Nhà nước, sở lộ chính, sở tang tế, luật lệ cơ quan hành chính, chúng ta không biết. Bao nhiêu người sẽ phẫn nộ trước sự đối xử với chúng tôi. Họ tước cả của chúng tôi các quyền hiến dâng cát bụi của chúng tôi cho Giêsu Cơrít! Vệ sinh của các anh là một bịa đặc của cách mạng. Chúa trời phụ thuộc viên cảnh sát trưởng! Thời thế như thế đấy. Im đi thôi, lão Phôvăng!
Dưới trận mưa rào ấy, Phôsơlơvăng rất lúng túng. Mẹ nhất nói tiếp:
- Ai mà chối cãi được quyền chôn cất tu sĩ của các tu viện? Chỉ có bọn tà đạo và bọn lạc đường phủ nhận nó thôi. Chúng ta đang sống trong một thời đại hỗn loạn ghê gớm. Người ta không biết những điều phải biết mà lại biết những điều không nên biết. Ngu muội và vô đạo. Trong thời đại này có những người lầm vị thánh Bécna tối cao tối đại với Bécna gọi là “Bécna của những người Giatô nghèo”, một giáo sĩ hiền từ ở thế kỷ XIII. Có kẻ phỉ báng đến nỗi liên hệ máy chém chém Lui Xvi với thập tự giá đóng đinh Giêsu Cơrít. Lui XVI chỉ là một ông vua. Phải coi chừng Chúa. Không còn cái gì công bằng, cái gì là bất công nữa. Người ta biết tên Vonte mà không biết tên Xêda đơ Buy; thế mà Xêda đơ Buy là một bậc hằng phúc, còn Vonte thì là một tên khốn khổ. Vị tổng giám mục cuối cùng, giáo chủ Pêrigo, không biết cả rằng Sáclơ đơ Gôngđơren đã kế tục Bêruyn, Buôcgoanh đã kế tục Gôngđơren, Giăng Phơrăngxoa Xơnôn kế tục Buôcgoanh và cha Xanhà tuơ Máctơ kế tục Giăng Phơrăngxoa Xơnôn. Người ta nhớ tên linh mục Côtông, không phải vì ông là một trong ba người đã góp phần sáng lập dòng Oratoarơ, mà là vì vua đạo cải cách Hăngri IV đã hay văng tục với cái tên ông ấy. Còn Xanh Phơrăngxoa đơ Xan người đời thích vì ngài ấy hay gian lận trong cờ bạc. Người ta đả kích tôn giáo. Vì sao? Vì đã có những linh mục xấu, vì Xagite, giám mục Gap là anh em của Xalôn, giám mục Ăngbơren và cả hai đã đi theo Mommon. Điều đó có làm sao? Có phải vì thế mà Máctanh đơ Tua không phải là Thánh và không cắt đôi tấm áo khoác cho một người nghèo? Người ta khủng bố các vị thánh, người ta nhắm mắt trước chân lý. Đêm tối đã thành thói quen. Những con thú dữ tợn nhất là những con thú mù. Chẳng ai nghĩ đến địa ngục! Ôi! Cái quần chúng xấu xa độc ác! Lệnh vua bây giờ là lệnh của cách mạng. Người ta không còn biết phải làm gì cho người chết. Cấm không được chết một cách tinh thành. Mồ mả là chuyện hành chính. Ghê tởm quá. Giáo hoàng Xanh Lêông II đã gửi thông điệp đặc biệt, một cho Pierơ Note, một cho vua của người Vidigốt, để phản đối và bác bỏ quyền hành của quan thái thú và quyền vô thượng của Hoàng đế trong vấn đề tang lễ. Côchiê, giám mục Xalông về vấn đề này đã đương đầu với Ôtông, công tước Buôcgônhơ. Các vị thẩm phán xưa cũng đồng tình. Ngày xưa chúng tôi có quyền phát biểu về cả việc đời. Viện trưởng tu viện Xitô, trưởng dòng, là thẩm phán chỉ định của tòa thượng thẩm Buôcônhơ. Chúng tôi được toàn quyền xếp đặt những người chết của chúng tôi. Cả thi hài của thánh Bơnoa chẳng chôn ở tu viện Phơlơry, còn gọi là Xanh Bơnoa Xuya Loarơ ở đất Pháp là gì, mặc dù ngài chết trên đất Ý, ở Mông Caxanh, ngày thứ bảy 21 tháng 3 băm 543? Tất cả những sự việc ấy là hiển nhiên không chối cãi được. Ta ghét những kẻ cầu nguyện giả dối, ta thù những quân tà đạo, nhưng ta còn thù ghét hơn kẻ nào nói trái những điều đó. Chỉ cần đọc lại Acnun Viêng, Gabơrien Buyxơlanh, Tơritemơ, Môrôliquyt và Luych Đasơri.
Mẹ nhất nghỉ để thở, rồi quay lại bảo Phôsơlơvăng:
- Lão Phôvăng, thế là được chứ?
- Bẩm mẹ, vâng, được ạ.
- Trông cả ở lão được chứ?
- Con xin tuân lệnh.
- Tốt lắm!
- Con xin hết lòng với tu viện.
- Được rồi. Lão đóng quan tài. Các bà khiêng quan tài vào nhà nguyện. Cầu kinh xong họ trở lại nhà tu. Khoảng giữa mười một giờ và nửa đêm, lão sẽ mang thanh sắt đến. Việc gì cũng tiến hành hết sức bí mật. Ở nhà nguyện chỉ có bốn mẹ trong ban đồng ca, mẹ Atxăngxông và lão thôi.
- Và bà xơ đứng cọc.
- Bà ấy sẽ không quay mặt lại.
- Bà ấy sẽ nghe thấy.
- Bà ấy không lắng tai nghe. Vả lại điều nhà tu kín biết thì người đời không biết.
Mẹ nhất nghỉ một lần nữa rồi mới nói tiếp:
- Lão sẽ cởi bỏ chiếc nhạc. Không cần để cho bà đứng cọc biết là có lão ở đấy.
- Bẩm mẹ rất kính…
- Gì thế?
- Ông y sĩ đến khám chưa ạ?
- Bốn giờ rưỡi chiều hôm nay. Đã có hiệu chuông cho người đi báo. Thế ra lão không nghe tiếng chuông hiệu lệnh nào cả ư?
- Con chỉ chăm chú nghe hiệu chuông gọi con thôi.
- Cái đó tốt, lão Phôvăng ạ.
- Bẩm mẹ chắc phải kiếm cái đòn dễ đến vài mét.
- Kiếm đâu được?
- Có song sắt làm rào là có đòn. Ở góc vườn, con có chất cả một đống.
- Khoảng mười một giờ mười lăm tối nay, chớ có quên.
- Bẩm mẹ rất kính…
- Gì?
- Nếu có công việc khác như thế này nữa thì chú em con rất khỏe. Khỏe như vâm!
- Lão phải lo làm hết sức nhanh, càng nhanh càng hay.
- Con không làm nhanh lắm được. Con có tật. Vì vậy nên cần có người giúp. Con thọt.
- Thọt không phải là một tội lỗi. Có khi là một điều phúc cũng nên. Hoàng đế Hăngri II, người đã chống lại ngụy giáo hoàng Gơrêgoa và khôi phục Bơnoa VIII có hai biệt hiệu Vua thánh và Vua thọt.
Phôsơlơvăng tai hơi nghễnh ngãng, lẩm bẩm:
- Đến hai áo khoác, tốt quá nhỉ.
- Lão Phôvăng này, ta đã nghĩ. Cho trọn một giờ đi. Không đến nỗi nhiều quá đâu. Lão hãy có mặt bên cạnh bàn thờ chính với cái thanh sắt vào 11 giờ. Buổi lễ bắt đầu lúc 12 giờ đêm. Mười lăm phút trước là phải xong xuôi hết cả.
- Con sẽ làm hết sức để tỏ lòng nhiệt thành của con với tu viện. Dứt khoát như thế. Con đóng nắp áo quan. Mười một giờ đúng con sẽ ở trong nhà nguyện. Các mẹ trong ban đồng ca ở đấy rồi. Mẹ Axăngxiông cũng có mặt. Giá được hai người đàn ông thì hay hơn. Nhưng thôi được, con sẽ mang thanh bẩy. Chúng con sẽ mở hầm mộ, đưa áo quan xuống, rồi đậy lại nắp nhà mồ. Thế là xong, không còn dấu vết gì nữa. Chính phủ sẽ không nghi ngờ gì. Thôi mẹ tôn kính, thế là xong xuôi cả phải không ạ?
- Không.
- Còn cái gì nữa ạ?
- Còn cái quan tài trống.
Ngừng một lát. Phôsơlơvăng nghĩ ngợi. Mẹ nhất nghĩ ngợi.
- Lão Phôvăng này, làm thế nào với cái quan tài ấy?
- Cứ việc mang đi chôn.
- Khiêng trống không à?
Lại im lặng. Lão Phôsơlơvăng vẫy vẫy bàn tay trái như muốn xua đuổi một ý nghĩ gì làm cho lão lo sợ.
- Bẩm mẹ, tay con đã đóng quan tài ấy lại; có ai được vào đấy đâu; thế rồi con cứ phủ tấm vải che lên trên.
- Thế còn bọn phu đòn, lúc họ khiêng quan tài lên xe, rồi lúc hạ huyệt, họ thấy nhẹ không.
Ông Phôsơlơvăng bỗng rủa to:
- Ôi chao! Qu…!
Mẹ nhất giơ tay làm dấu thánh và đăm đăm nhìn Phôsơlơvăng. Ông nghẹn cổ, nuốt vào cổ mấy âm quỉ sứ.
Ông vội vàng nghĩ ra một mưu kế để đánh lảng câu nguyền rủa:
- Bẩm mẹ, con sẽ cho đất vào quan tài. Cũng sẽ nặng nặng như có người ấy.
- Phải đấy. Đất thì cũng như người thôi. Thế là lão sẽ thu xếp cho xong việc cái quan tài rỗng ấy nhé?
- Cứ để mặc con.
Nét mặt mẹ nhất từ nãy bối rối, lo âu bỗng trở nên sáng sủa. Bà ra hiệu cho kẻ bề dưới được ra ngoài. Phôsơlơvăng đi ra phía cửa. Ông vừa định bước chân ra, thì bà dịu dàng lên tiếng:
- Lão Phôvăng, tôi bằng lòng lắm. Ngày mai, sau khi đưa tang, lão dẫn em lão đến đây, bảo mang cả con bé lại nữa.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 8 - Chương 4

GIĂNG VANGIĂNG CÓ VẺ ĐÃ ĐỌC LẦU ÔTSTANH CATSTILEGIÔ

Người thọt dẫu có bước nhanh thì cũng như người chột muốn liếc mắt nhìn ngang: không làm sao đến đích cho nhanh được. Vả lại, tâm thần Phôsơlơvăng rối tung. Phải đến mười lăm phút, ông mới lê được về đến căn nhà nơi góc vườn. Côdét đã dậy. Giăng VanGiăng đặt nó ngồi bên đống lửa. Vừa lúc Phôsơlơvăng bước vào nhà thì Giăng VanGiăng đang chỉ cái giỏ treo trên tường mà bảo:
- Con ạ, con nghe kỹ đây này. Bây giờ hai bố con mình phải ra khỏi nhà này: ra rồi lại trở vào, ở đây tha hồ sướng. Ông già này sẽ cho con vào giỏ để mang con ra. Con đợi bố ở nhà một bà quen biết. Bố sẽ đến đón. Nhớ kỹ, con phải vâng lời mà nín thin thít không thì mụ Tênácđiê lại đến bắt cho mà xem.
Côdét nghiêm trang gật đầu.
Thấy tiếng Phôsơlơvăng đẩy cửa, Giăng VanGiăng quay lại:
- Thế nào bác?
- Xong xuôi cả, thế mà lại chưa đâu vào đâu. Đã được phép đưa bác vào ở đây. Nhưng phải đưa bác ra trước đã. Thế mới kẹt chứ! Cháu bé thì dễ lắm.
- Bác mang cháu đi à?
- Cháu có im được không?
- Bác cứ tin ở tôi.
- Thế còn bác, bác Mađơlen ơi?...
Sau một lát yên lặng nặng nề, ông Phôsơlơvăng kêu lên:
- Bác vào lối nào thì cứ lối ấy mà ra chứ sao!
Giăng VanGiăng chỉ trả lời gọn lỏn như lần trước: “Không thể được”.
Phôsơlơvăng lầm bầm như muốn nói một mình chứ không phải nói với Giăng VanGiăng:
- Có một việc khác làm mình dằn vặt. Mình nói mình sẽ đổ đất vào. Ấy thế nhưng mà mình nghĩ lại thấy đất mà thay cho xác chết thì chẳng giống tí nào. Không ổn đâu, đất xê dịch, đất động đậy, người khiêng sẽ nhận thấy điều đó. Bác Mađơlen hiểu chứ, bọn phu nhận thấy được chính phủ cũng sẽ nhận thấy.
Giăng VanGiăng nhìn thẳng vào mắt lão và tưởng lão mê sảng.
Lão lại nói:
- Bác ra cách đếch nào bây giờ? Mai là phải xong xuôi cả. Mai tôi phải dẫn bác vào đây rồi. Mẹ nhất chờ bác đấy.
Nói xong, ông cắt nghĩa cho Giăng VanGiăng biết là được như thế, bởi vì ông đã giúp giáo hội được một việc và người ta thưởng công cho ông ta: là ông cũng được dự phần chôn cất mẹ Cơruyxiphixiông; là ông đóng áo quan và giúp việc hạ huyệt. Còn mẹ Cơruyxiphixiông qua đời sáng nay, theo yêu cầu của mẹ, thì đặt trong quan tài riêng mà bà vẫn nằm và chôn ngay trong hầm mộ dưới bàn thờ của nhà nguyện. Sở cảnh sát cấm ngặt việc này. Nhưng mẹ Cơruyxiphixiông thuộc loại nữ tu sĩ muốn gì cần phải được nấy. Mẹ nhất và các mẹ khác đều nhất định làm theo ý nguyện của người đã chết, còn thì mặc kệ chính phủ. Lão Phôsơlơvăng này sẽ đóng cái quan tài trong buồng riêng, rồi mở nắp hầm mộ ra mà chôn dưới hầm. Mẹ nhất đền ơn ông lão bằng cách, cho người em lão và đứa cháu gái được ở trong nhà tu, ông làm vườn, cháu đi học. Người em ấy, chính là ông Mađơlen, đứa cháu gái là Côdét. Mẹ nhất bảo chiều mai phải dẫn hai người vào, sau cuộc đưa ma giả. Nhưng làm thế nào để dẫn ông Mađơlen vào được, khi ông Mađơlen vẫn ở trong này. Đấy là điều lúng túng thứ nhất; thứ hai là còn chiếc quan tài rỗng.
Giăng VanGiăng hỏi:
- Cái quan tài rỗng là thế nào?
- Cái quan tài của Nhà nước ấy mà.
- Quan tài nào? Nhà nước nào?
- Có một mẹ chết. Người y sĩ thành phố đến khám và bảo có một mẹ chết. Thế là chính phủ đưa một cái quan tài đến. Ngày hôm sau, chính phủ lại đưa xe và phu đòn đến để đưa ra nghĩa trang. Phu đến, khiêng quan tài lên, sẽ thấy nhẹ bỗng.
- Cứ nhét cái gì vào đấy.
- Một xác chết à? Tôi làm gì có.
- Không.
- Thế cái gì?
- Một người sống.
- Ai cơ?
- Tôi.
Phôsơlơvăng giật bắn người đứng dậy, như thể có pháo nổ ngay dưới ghế.
- Bác ấy à?
- Chứ sao?
Giăng VanGiăng mỉm cười, - cái mỉm cười hãn hữu như một tia sáng trong bầu trời mùa đông.
- Bác Phôsơlơvăng này, bác chả vừa nói: Mẹ Cơruyxiphixiông chết, mà tôi chả nói thêm “còn lão Mađơlen thì phải chôn đi” à? Thế mà thành sự thật đấy.
- Bác chỉ hay nói bóng.
- Nói thật đấy chứ. Phải ra khỏi đây phải không?
- Vâng.
- Tôi đã bảo bác cũng phải kiếm cho tôi cái giỏ và tấm bạt.
- Thế sao?
- Giỏ thì giỏ gỗ thông, còn bạt thì là tấm chăn liệm đen.
- Không, khăn trắng chứ. Đám tang các nữ tu sĩ tuyền trắng hết.
- Ừ thì trắng.
- Bác Mađơlen, bác thật khác người.
Thấy những điều tưởng tượng như vậy, những điều tưởng tượng đó vốn chỉ là những phát minh tự nhiên và táo bạo trong tù, vượt qua sự yên ổn thường nhật, can thiệp vào nề nếp của tu viện, đó là những điều khiến lão Phôsơlơvăng kinh ngạc, đó là những người qua đường nhìn thấy chim hải âu bắt cá trong rãnh nước phố Xanh Đơni. Giăng VanGiăng nói tiếp:
- Cần phải ra khỏi đây mà không bị lộ. Cách ấy cũng tiện. Nhưng tôi hỏi bác cái này. Công việc tiến hành thế nào? Cái quan tài ấy để đâu?
- Cái quan tài rỗng ấy à?
- Phải.
- Ở dưới kia, dưới nhà xác. Quan tài đặt trên hai cái giá, phủ một cái chăn liệm.
- Quan tài dài bao nhiêu?
- Hai thước.
- Nhà xác là thế nào?
- Đấy là một buồng ở tầng nền, có một cửa sổ trông ra vườn, căng lưới sắt, muốn đóng cửa phải đứng phía ngoài mà đóng; và có hai cửa ra vào, một thông với nhà tu, một thông ra nhà thờ.
- Nhà thờ nào?
- Nhà thờ ngoài phố đấy, nhà thờ chung của dân.
- Bác có chìa khóa hai cửa ấy không?
- Không. Tôi chỉ giữ chìa khóa cửa vào nhà tu; còn chìa khóa cửa kia thì bác gác giữ.
- Lúc nào thì bác gác mở cửa?
- Chỉ mở một lần cho phu đòn vào khiêng quan tài xong lại đóng ngay.
- Ai đóng quan tài?
- Tôi.
- Ai phủ khăn liệm?
- Tôi.
- Chỉ có một mình bác?
- Phải, ngoài tôi và ông y sĩ của sở cảnh sát không người đàn ông nào được vào buồng ấy. Trên tường, có viết hẳn hoi như thế.
- Đêm nay, lúc nhà tu ngủ cả, bác có cách nào giấu tôi vào buồng ấy được không?
- Không: nhưng có một cái kho hẹp thông với nhà xác, để dụng cụ chôn cất; có thể giấu bác ở đấy được. Tôi giữ kho ấy, lại có chìa khóa.
- Mấy giờ mai xe tang đến đưa quan tài đi?
- Độ ba giờ chiều. Chôn ở nghĩa địa Vôgira, lúc sẩm tối. Cũng khá xa.
- Tôi sẽ trốn trong buồng kho suốt đêm nay và buổi sáng sớm. Còn ăn uống thì thế nào. Bị đói mất.
- Tôi sẽ mang cái ăn đến cho bác.
- Thế là đến hai giờ trưa, bác đến đóng quan tài của tôi lại.
Phôsơlơvăng lùi lại một bước, bẻ khúc tay kêu răng rắc.
- Không làm thế được.
- Có gì đâu, cứ việc cầm búa mà nện cho đinh ăn phập vào tấm ván mà!
Điều đối với Giăng VanGiăng thật giản dị thì Phôsơlơvăng lại thấy dị thường. Giăng VanGiăng đã từng gặp nhiều khúc eo nguy hiểm hơn. Đã ở tù thì ai cũng biết cái nghệ thuật tài tình là thu mình cho lọt tất cả những khe hở để mà trốn thoát. Kẻ tù nhân bao giờ cũng mong vượt ngục, cũng như người ốm tất gặp lúc lên cơn, một là sống hai là chết. Vượt ngục, tức là khỏi bệnh này. Muốn khỏi bệnh thì làm gì chẳng phải làm? Để người ta đóng đinh lên quan tài mình nằm, rồi để người ta khuân đi như khuân một kiện hàng, sống khá lâu trong cái hòm kín mít, thở trong một nơi không có không khí, biết cách hà tiện hơi thở hàng mấy giờ liền, biết cách chịu ngạt mà không chết; đấy là tất cả tài nghệ não lòng của Giăng VanGiăng. Nhưng một cái áo quan đựng một người sống, mưu mẹo của một tù nhân khổ sai cũng là mưu mẹo của một vị hoàng đế. Nếu tin lời linh mục Ôtstanh Catstilêgiô, đây là cái mẹo của Sáclơ Canh dùng sau khi ông đã thoái vị để gặp lại một lần cuối cùng La Pôlômbơ: bằng cách ấy người ta đã đưa nàng kia vào trong tu viện Xanh Giuyt, rồi lại đưa ra.
Phôsơlơvăng đã hơi hoàn hồn, ông nói:
- Làm thế nào để thở được?
- Tôi thở được.
- Trong cái hòm ấy à? Tôi chỉ nghĩ đến cũng đủ chết ngạt rồi.
- Chắc là bác có mũi khoan; bác khoan cho tôi mấy lỗ nhỏ quanh chỗ mồm và lúc đóng ván thiên, bác chớ đóng khít quá.
- Được, thế nhỡ bác ho hay hắt hơi thì sao?
- Đã đi trốn thì không ho, cũng không hắt hơi.
Giăng VanGiăng lại nói thêm:
- Bác ạ, ta phải nhất quyết đi thôi: một là bị bắt ở đây hai là phải chui vào xe tang mà ra.
Chắc ai cũng nhận thấy giống mèo ưa cái thú dừng lại quẩn quanh giữa hai cánh cửa hé mở. Ai chả bảo con mèo thì mày vào đi. Người cũng vậy, có những kẻ đứng trước một khó khăn vừa chợt tới thì cũng hay lưỡng lự giữa hai thái độ, để đến nỗi có khi số mệnh chợt ấp xuống nghiền nát mình và kết thúc sự kiện. Những kẻ quá thận trọng, mặc dù cẩn thận như mèo và chính vì họ là mèo, đôi khi gặp nguy hiểm hơn là những kẻ táo bạo. Phôsơlơvăng thuộc vào hạng người hay lưỡng lự như thế. Nhưng dù sao, sự gan dạ của Giăng VanGiăng cũng thắng được ông. Ông lầm bầm:
- Ngoài cách ấy cũng không còn cách nào khác.
Giăng VanGiăng lại nói:
- Tôi chỉ ngại có một điều là ra ngoài nghĩa địa không biết công việc sẽ thế như nào.
- Ấy, cái ấy tôi lại không lo. Nếu bác biết cách nằm trong quan tài vô sự, thì tôi, chắc chắn là tôi sẽ lôi được bác lên khỏi huyệt. Cái lão đào huyệt, tôi quen thân, lúc nào cũng say bí tỉ. Lão Métchiên ấy mà. Lão đào huyệt bỏ người chết trong huyệt mà tôi thì tôi bỏ lão đào huyệt trong túi tôi. Công việc thế nào, để tôi nói bác rõ. Đến nghĩa trang lúc sắp tối, khoảng bốn mươi nhăm phút trước khi nghĩa trang đóng cổng. Xe tang đi đến tận huyệt; việc của tôi là phải đi theo xe. Tôi sẽ bỏ túi một cái búa, một cái đục và một cái kìm. Lúc xe đỗ, bọn phu đòn lấy thừng buộc quan tài lại, hạ bác xuống huyệt. Linh mục cầu kinh, làm dấu, rẩy nước thánh rồi chuồn. Thế là chỉ còn tôi với lão Métchiên. Ấy, bạn nối khố đấy nhé. Chỉ có hai điều, một là hắn say túy lúy, hai là không say. Không say thì tôi chỉ bảo: “Này, quán Bông-quăng còn mở đấy, ra làm một tợp đi”. Thế là cứ việc kéo hắn đi, rồi đổ rượu cho hắn say. Lão Métchiên thì chỉ một chốc là say mềm vì lúc nào hắn cũng đã sẵn ngà ngà. Lúc ấy tôi sẽ đặt hắn nằm xuống gầm bàn rồi lấy tấm thẻ của hắn để vào nghĩa trang một mình. Thế là chỉ còn một mình tôi với bác. Còn nếu hắn đã say sẵn thì chỉ việc bảo: “Thôi, cút đi, không ai khiến, mình làm hộ cho”. Hắn đi là tôi cứ việc kéo bác ở dưới hố lên.
Giăng VanGiăng chìa bàn tay ra, ông Phôsơlơvăng ôm chầm lấy với tất cả tấm tình nồng nàn, chất phác.
- Cứ thế, bác Phôsơlơvăng nhé. Rồi ổn cả.
Phôsơlơvăng nghĩ thầm:
- Miễn là không gặp trở ngại gì. Không thì nguy lắm.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 8 - Chương 5

NGHIỆN RƯỢU CHƯA ĐỦ ĐỂ TRỞ THÀNH BẤT TỬ

Ngày hôm sau, vào lúc xế chiều, khách bộ hành thưa thớt trên đại lộ hạt Mennơng ngả mũ chào một chiếc xe tang kiểu cũ kỹ. Xe chạm trổ những đầu lâu, xương ống chân và những giọt lệ. Trong xe, đặt một cái quan tài phủ chăn trắng có một chữ thập đen lớn nằm dài trông như một xác chết, tay buông thõng. Theo sau là một cái xe song mã, có một linh mục bận áo lễ ngắn và một chú bé giúp lễ đội mũ chụp màu đỏ. Hai người phu đòn bận đồ xám viền đen đi hai bên chiếc xe tang. Phía sau là một ông già mặc quần áo thợ đi khập khiễng. Đám tang đi về phía nghĩa trang Vôgira.
Ở túi áo ông già, thấy thò ra một cái cán búa, một lưỡi đục và hai cái kìm.
Nghĩa trang Vôgira là một nghĩa trang đặc biệt ở Paris. Nó có những tập tục riêng, lại có hai cổng, một cổng cho xe đi và một cổng xép. Trong xóm các cụ già cứ quen lối gọi cũ là cổng ngựa và cổng bộ. Các mẹ trong nhà tu Pơti Pichpuýt được chôn ở một khu riêng, chôn vào buổi tối. Khu này nguyên trước thuộc về giáo hội của họ. Bởi vậy, những phu đào huyệt ở nghĩa trang này có công việc phải làm thêm vào chiều tà nếu là mùa hè, vào đêm nếu là mùa đông, theo một kỷ luật riêng. Các nghĩa trang ở Paris thời ấy, cứ tối đến là đóng cổng; đấy là lệnh chung của thành phố nên nghĩa trang Vôgira cũng phải tuân theo. Cái cổng ngựa và cổng bộ đều là cổng sắt, giáp liền với nhau. Kế liền đó là một cái chòi do nhà kiến trúc Peronnê xây nên và để cho bác gác cổng ở. Cứ lúc mặt trời khuất sau nóc nhà điện Anhvalit thì cánh cổng sắt lại nhất thiết quay rít trên bản lề. Chẳng may lúc ấy có bác phu đào huyệt nào còn vẩn vơ trong nghĩa trang thì chỉ có một cách duy nhất để ra ngoài là trình tấm thẻ do cơ quan trông nom việc tang ma của nhà nước cấp phát. Có một cái hòm như hòm thư treo ở cửa sổ nhà bác gác. Bác phu cứ việc ném cái thẻ của mình vào hòm, tức thì bác gác nghe thấy, bác kéo cái dây và cổng bộ từ từ mở. Nếu có ai quên thì bác gác đôi khi đã vào ngủ liền trở dậy ra nhận mặt, rồi mở khóa cổng. Người phu quên thẻ được ra nhưng phải nộp mười lăm phơrăng tiền phạt.
Cái nghĩa địa này với những cái độc đáo ngoại lệ không khớp với cảnh cân đối hành chính cho nên người ta đã hủy bỏ nó ít lâu sau 1830. Nghĩa địa Môngpácnaxơ, cũng gọi là nghĩa địa Nam thay thế cho nó và thừa hưởng cái quán rượu nổi tiếng sát vách với nghĩa địa Vôgira. Quán rượu này trên mái có một quả thị vẽ sơn dầu trên một tấm ván. Quán này quay một phía ra các dãy bán rượu, một phía ra các hàng mồ mả, với mộ cái biển: Quán Bông-quăng (Auboncoing: quả mộc qua ngon).
Nghĩa trang Vôgira có thể gọi là một nghĩa trang đã đến lúc tàn, không hợp thời nữa. Cỏ hoa đã chết từ lâu chỉ còn rêu phong lan dần khắp chỗ. Những người có của không thiết gì được chôn cất ở Vôgira. Vì nó mang cái dáng kẻ nghèo. Nghĩa trang Pe Lasedơ thì nói gì! Được chôn ở Pe Lasedơ chẳng khác gì trong nhà có bàn ghế gụ. Thanh lịch gặp nhau ở đấy. Còn nghĩa trang Vôgira là một nơi cổ kính; vườn trồng theo kiểu cũ. Đường đi thẳng tắp, trồng nào hoàng dương, nào tùng, nào bách, nào ô rô, với những ngôi mộ cổ dưới bóng thông già, cỏ mọc cao vút. Chiều đến thì phong cảnh thê lương, nổi lên những đường nét vô cùng ảm đạm.
Lúc xe tang phủ khăn trắng có chữ thập đen đi vào đại lộ nghĩa trang Vôgira thì mặt trời chưa khuất hẳn. Người khập khiễng sau xe tang chính là Phôsơlơvăng.
Việc chôn cất mẹ Cơruyxiphixiông nơi hầm mộ dưới bàn thờ, việc đưa Côdét ra ngoài, việc Giăng VanGiăng trốn vào nhà xác, tất cả mọi việc đều trôi chảy, không gặp khó khăn gì.
Cũng nói qua rằng việc chôn cất mẹ Cơruyxiphixiông dưới bàn thờ của tu viện, chúng tôi coi là một điều vi phạm nhỏ thôi. Đây là một tội lỗi có vẻ như một nhiệm vụ. Các bà nữ tu sĩ đã làm như vậy không những không chút xao xuyến gì mà lại còn như được lương tâm tán thưởng. Trong nhà tu kín, cái gọi là “Chính phủ” thì chỉ là một sự can thiệp vào quyền hành nhà tu, một sự can thiệp khó thừa nhận. Quy tắc trước đã, còn luật pháp thì sau hẵng hay. Các ngươi hãy cứ làm ra luật này, luật khác tha hồ, nhưng hãy giữ những luật pháp ấy cho các người. Thuế qua đường trả cho nhà vua chỉ là phần thừa thuế nộp cho Chúa Trời. Một nguyên thủ không có nghĩa lý gì đối với một nguyên tắc.
Phôsơlơvăng kéo lê chân theo xe tang, lòng khấp khởi mừng thầm. Cả hai điều bí mật, cả hai vụ mưu mô song sinh – một về các mẹ, một về Giăng VanGiăng, một mang quyền lợi nhà tu, một chống lại kỷ luật nhà tu, - cả hai đều thành công. Giăng VanGiăng thì bình tĩnh, cái bình tĩnh mãnh liệt ấy lan sang lão làm vườn. Phôsơlơvăng chắc mẩm sẽ thành công đến đầu đến đũa. Chỉ còn một vài việc dễ như trở bàn tay. Hai năm nay, ông đã từng làm cho Métchiên say rượu đến hàng chục lần, - cái lão má phị, lành như cục đất, làm gì mà chẳng được, thật dễ như bỡn. Lừa thế nào mà Métchiên chẳng mắc. Như xỏ mũi mà dắt. Lão Phôsơlơvăng hoàn toàn yên tâm.
Lúc đám tang vừa rẽ vào đại lộ nghĩa trang. Phôsơlơvăng sướng quá, nhìn xe tang rồi xoa xoa hai bàn tay thô kệch, nói một mình:
- Thật là một trò hề!
Bỗng xe dừng lại, đã đến cổng. Phải trình giấy tờ. Người trông nom đám ma nói gì với bác gác cổng. Trong lúc hai người nói chuyện với nhau, đám tang dừng lại một, hai phút, bỗng có ai, một người lạ mặt, tiến đến đứng ngay sát Phôsơlơvăng, đằng sau xe tang. Trông như một người thợ, hắn mặt một cái áo có túi to tướng, tay xách một cái cuốc.
Phôsơlơvăng nhìn kẻ lạ mặt, hỏi:
- Bác là ai nhỉ?
Người kia trả lời:
- Kẻ đào huyệt.
Phôsơlơvăng sửng sốt như kẻ vừa sống sót sau khi bị đạn đại bác bắn trúng ngực.
- Đào huyệt à?
- Phải.
- Bác ấy à?
- Phải.
- Ông Métchiên cơ mà!
- Trước thì thế.
- Trước là thế nào?
- Ông ấy chết rồi còn đâu!
Phôsơlơvăng ngờ gì thì ngờ, chứ không thể ngờ được rằng một kẻ chôn người mà cũng phải chết. Ấy, nhưng sự thật cứ thế; kẻ đào huyệt cũng chết như ai. Đào hố cho người mãi, rồi cũng đến lúc mở cái hố cho mình.
Phôsơlơvăng há hốc mồm. Ông cố lắp bắp mấy tiếng khe khẽ:
- Không thể như thế!
- Thế mà như thế đấy.
- Nhưng ông Métchiên mới là người đào huyệt cơ mà?
Lão Phôsơlơvăng gắng gượng nói, gần như đuối hơi.
- Sau hoàng đế Napoleon là vua Lui XVIII. Sau Métchiên là Gơribiê. Bác nhà quê này, tôi là Gơribiê.
Mặt Phôsơlơvăng xám xanh lại; ông nhìn kỹ anh chàng Gơribiê. Một người cao lêu nghêu gầy gò, xanh mét, thật là hình ảnh của tang ma. Hắn có vẻ là một người thầy thuốc bất thành tài xoay ra đào huyệt.
Phôsơlơvăng bật cười:
- Lắm việc quái lạ thật. Lão Métchiên mà cũng chết. Lão Métchiên chết nhưng lão Lơnoa vạn tuế! Bác biết lão Lơnoa là cái gì không? Cái vò vang đỏ thượng hảo hạng! Cái vò rượu của Xuyrexnơ chính cống của Paris. Ái chà! Lão Métchiên chết rồi à. Kể cũng tiếc. Lão biết cái thú sống ở đời lắm. Mà này bác, bác hẳn cũng biết cái thú nhậu nhẹt phải không? Chốc, hai chúng mình làm một hớp rượu nhé.
Người kia trả lời:
- Tôi chân học trò, tôi đã học hết năm thứ tư. Tôi không uống rượu bao giờ.
Cái xe tang lại từ từ lăn bánh trên con đường lớn trong nghĩa trang.
Phôsơlơvăng đi chầm chậm lại. Ông càng khập khiễng, vì lòng rối như tơ vò, chứ đâu chỉ vì chân mang tật.
Anh chàng Gơribiê đi phía trước.
Phôsơlơvăng lại ngắm kỹ cái thằng cha Gơribiê bất ngờ một lần nữa.
Hắn thuộc loại người còn trẻ nhưng đã có vẻ già, gầy nhưng rất khỏe.
Phôsơlơvăng gọi:
- Ông bạn ơi!
Anh chàng quay lại:
- Tôi là người đào huyệt của nhà tu đây.
- Bạn đồng nghiệp của tôi – hắn đáp.
Tuy ông Phôsơlơvăng không có học thức nhưng ông rất tinh ý. Ông biết ngay là gặp phải một tay cừ khôi, một anh chàng lém miệng.
Ông lầm bầm:
- Thế là lão Métchiên chết rồi.
Anh chàng kia trả lời:
- Chết đứt rồi. Chúa Trời đã tra sổ thiên tào, đến lượt Métchiên mà lị. Lão Métchiên chết rồi.
Phôsơlơvăng nhắc lại như cái máy:
- Chúa Trời…
Anh kia dõng dạc:
- Chúa Trời. Các nhà triết học thì gọi là Thượng đế, các người Giacôbanh gọi là Đấng cao cả.
Phôsơlơvăng ấp úng:
- Chúng mình làm quen với nhau đi thôi chứ!
- Quen rồi còn gì. Ông là một nông dân. Tôi thì là người Paris.
- Chưa cùng nhau uống chén rượu thì gọi là quen biết làm sao được. Có cạn chén mới cạn lòng. Rồi bác cùng đi với tôi nhé. Chắc bác chẳng tiện từ chối.
- Nhưng làm xong việc đã.
Phôsơlơvăng nghĩ thầm: chết bỏ mẹ rồi.
Chỉ còn một vài vành bánh xe nữa là đến con đường nhỏ đi vào khu mộ các mẹ.
Anh chàng Gơribiê nói:
- Bác ạ, tôi phải nuôi bảy đứa nhỏ. Chúng nó phải ăn, tất mình phải nhịn rượu.
Thế rồi hắn nói thêm, ra vẻ đắc ý vì đã tìm được một câu nói ý vị:
- Chúng nó no thì tôi khát, no, khát thù nhau.
Xe tang lượn quanh lùm cây trắc bá, rời con đường lớn rẽ vào con đường nhỏ, rồi vào một khu những mộ đất đầy cỏ dại. Đã đến sát huyệt.
Phôsơlơvăng đi chậm lại, nhưng không sao giữ cái xe đi chậm lại được. Cũng may, đất thì xốp, mưa lại nhiều nên bánh xe quánh những bùn, nặng nhọc lắm mới tiến lên được.
Ông già đến gần anh chàng kia, thì thầm:
- Có rượu Acgiăngtơi ngon lắm.
- Cái bác nhà quên này! Xin nhớ cái nghề chôn người này không phải là nghề tôi nhé. Ông cụ nhà tôi trước gác cổng ở trường thiếu sinh quân. Ông cụ định cho tôi theo nghề văn. Nhưng chẳng may, nhà gặp nạn, bị thua lỗ ở Sở giao dịch. Thế là tôi bỏ nghề văn, nhưng vẫn viết mướn.
Phôsơlơvăng thấy có cành cây mỏng mảnh có thể cứu mình, ông bám lấy:
- Thế bác không phải làm nghề đào huyệt à?
- Cả hai; ai cấm tôi kiêm nhiệm cả hai?
Ông Phôsơlơvăng không hiểu “kiêm nghiệm” là gì. Ông nói:
- Đi uống rượu đi.
Cần phải chú ý điều này. Mặc dù Phôsơlơvăng đang rối bời cả ruột gan, khi ông rủ anh chàng kia đi uống rượu, ông không nói rõ một điều là ai sẽ trả tiền. Cứ thói thường thì Phôsơlơvăng là người rủ đi, còn Métchiên thì trả tiền. Bây giờ thì khác rồi. Người đào huyệt mới gây ra một tình thế mới do đó cần thiết phải mời rượu hắn. Nhưng tuy đứng ra mời, Phôsơlơvăng cứ lờ tít cái khoản ai trả tiền đi. Xúc cảm thì xúc cảm, ông vẫn không thiết bỏ tiền ra trả bữa rượu.
Gơribiê nói tiếp, miệng mỉm cười ra vẻ đàn anh:
- Phải ăn đã chứ. Tôi xin vào kế vị cụ Métchiên. Khi đã được cắp quyển sách đế trường thì phải sống cho ra nhà triết học chứ. Ngoài việc viết mướn, tôi lại bắt cánh tay làm việc nữa. Cửa hàng viết của tôi ở ngoài chợ phố Xevơrơ. Bác biết chứ? Chợ Ô ấy mà. Các chị nấu bếp ở Hội Hồng thập tự, chị nào cũng nhờ tay tôi cả. Các chị nhờ tôi thảo thư tình gửi cho các chú quyền ở doanh trại. Sáng viết thư tình, chiều đào huyệt. Đời là thế đấy, bác ạ.
Xe tang vẫn tiến, Phôsơlơvăng vô cùng lo lắng, nhìn tứ phía chung quanh. Mồ hôi nhỏ giọt từ vầng trán.
Anh chàng kia lại tiếp:
- Thế nhưng bắt cá hai tay cũng không xong. Một là chọn quản bút, hai là cái cuốc. Cái cuốc làm bàn tay tôi hư đi.
Xe tang dừng lại.
Chú bé giúp lễ xuống trước, linh mục xuống sau.
Bánh xe trước đã leo lên đống đất sát liền ngay miệng hố trống hốc.
Phôsơlơvăng thất kinh, nhắc lại một câu nói trước:
- Thật là một trò hề!


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 8 - Chương 6

GIỮA BỐN TẤM VÁN

Ai nằm trong quan tài, ta đã biết: Giăng VanGiăng.
Giăng VanGiăng xoay xở để cố sống trong quan tài; ông thở tạm được.
Thật là lạ lùng, khi lòng người ta đã yên tĩnh thì mọi việc khác đều trôi chảy dễ dàng. Tất cả những mưu chước mà Giăng VanGiăng nghĩ ra, đến nay đều thực hiện xuôi thuận cả; từ hôm qua, mọi việc đều không vấp váp. Cũng như Phôsơlơvăng, ông trông ở lão Métchiên. Ông không nghi ngại gì về sự kết thúc cả. Hoàn cảnh thì vô cũng gay go mà tâm hồn ông lại vô cũng yên tĩnh.
Bốn tấm ván tỏa ra một thứ yên lành khủng khiếp. Giăng VanGiăng nằm yên lặng, tưởng như phảng phất một giấc yên nghỉ cuối cùng đang thấm dần vào người.
Nằm dưới đáy quan tài, ông đã theo dõi được tất cả những diễn biến của tấn kịch kinh khủng mà ông đóng cùng với cái chết.
Sau khi Phôsơlơvăng đóng tấm ván thiên, Giăng VanGiăng cảm thấy người ta nhấc bổng mình lên, rồi lăn đi. Lúc ít xóc hơn, tức là xe đã bỏ con đường đá mà đi vào con đường đất, nghĩa là từ những phố nhỏ, rẽ ra đại lộ. Lúc nghe tiếng ù ù, ông đoán là người ta qua cầu Austéclit. Lần nghỉ đầu tiên là đã đến nghĩa trang; lần nghỉ thứ hai, ông tự bảo: Huyệt đây rồi.
Bỗng ông nghe có bàn tay giữ lấy quan tài, rồi một tiếng cọ soàn soạt vào ván; ông biết người ta buộc dây thừng quanh quan tài để dòng xuống hố.
Thế rồi ông choáng váng cả người.
Có lẽ bọn phu đòn và người đào huyệt đang thòng dây hạ huyệt, đầu đưa xuống trước. Lúc đã thấy mình nằm thẳng lại và nằm yên chỗ, ông mới lại tỉnh táo như trước. Đến đáy huyệt rồi.
Ông cảm thấy lạnh lạnh.
Một giọng nói trịnh tọng và lạnh toát ở trên. Ông nghe đọc thong thả, rõ mồn một những tiếng Latinh mà không hiểu nghĩa:
- Qui dormiunt in terroe pulvere, evigilabunt; alit in vitam oeternam, et alii in opprobrium, ut videant semper (Để luôn thấy rằng những ai ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, có người được hưởng sự sống vĩnh cửu và có kẻ bị sỉ nhục hổ thẹn).
Một tiếng trẻ con nói:
- De profundis (Từ vực sâu).
Tiếng nói trịnh trọng tiếp:
- Requiem oeternam dona ei Domine (Xin Chúa cho họ được nghỉ ngơi đời đời).
Tiếng nói trẻ con trả lời:
- Et lux perpetua luce tiei (Và được sự sáng chiếu soi mãi mãi).
Sau đó, ông nghe thấy trên tấm ván thiên mấy tiếng lách tách như hạt mưa rơi. Có lẽ là nước thánh.
Ông nghĩ bụng: “Sắp xong rồi. Kiên nhẫn chút nữa thôi. Linh mục sắp về rồi. Bác Phôsơlơvăng sẽ dẫn Métchiên đi uống rượu. Còn lại một mình mình. Thế rồi bác ta trở lại một mình và ta sẽ chui ra. Chừng một tiếng đồng hồ nữa thôi”.
Cái giọng trầm trầm lại cất lên:
- Requisecat in pace (Cầu hồn yên nghỉ).
Và tiếng chú bé:
- Amen.
Giăng VanGiăng lắng tai nghe, thấy cái gì như bước chân xa dần, xa dần. Ông nghĩ thầm:
- Họ đi cả rồi. Còn trơ một mình mình.
Bất thần, ông nghe thấy ngay trên đầu một tiếng như sét đánh.
Đó là một xẻng đất hắt lên quan tài.
Rồi một xẻng thứ hai rơi xuống.
Một cái lỗ thông hơi bị lấp kín.
Xẻng đất thứ ba rơi xuống.
Rồi xẻng thứ tư.
Có những thế lực ghê gớm thắng cả con người dũng mãnh nhất. Giăng VanGiăng ngất đi.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 8 - Chương 7

NGUỒN GỐC THÀNH NGỮ: KHÔNG ĐỂ MẤT THỂ

Đây là việc xảy ra bên trên chiếc quan tài của Giăng VanGiăng.
Lúc xe tang đã đi xa và thầy trò ông linh mục cũng đã lên xe đi rồi, Phôsơlơvăng vẫn không rời mắt nhìn anh chàng Gơribiê. Ông thấy hắn cúi xuống, nắm lấy cán xẻng, lưỡi xẻng đã cắm phập vào ụ đất.
Thế là Phôsơlơvăng có một quyết định tối hậu. Ông đứng chắn giữa hắn ta và lỗ huyệt, tay khoanh lại và nói:
- Tôi trả tiền mà!
Anh chàng kia ngạc nhiên nhìn ông trả lời:
- Cái gì cơ?
Phôsơlơvăng nhắc lại:
- Tôi trả tiền mà!
- Tiền gì?
- Tiền rượu.
- Rượu nào?
- Rượu Acgiăngtơi.
- Rượu Acgiăngtơi ở đâu?
- Ở quán Bông-quăng.
- Thôi xê ra.
Hắn hắt một xẻng đất xuống quan tài.
Một tiếng đùng đục ở dưới quan tài vọng lên. Phôsơlơvăng lảo đảo, suýt ngã chúi xuống huyệt. Ông thét lên, tiếng khò khè như tắc thở:
- Bác ơi, quán Bông-quăng sắp đóng cửa rồi.
Anh chàng kia lại xúc đất vào xẻng. Phôsơlơvăng nói tiếp:
- Tôi trả tiền.
Rồi nắm lấy tay hắn ta:
- Bác ơi, bác nghe tôi. Tôi là người đào huyệt ở nhà tu. Tôi đến giúp bác một tay. Lấp cái huyệt này, để đến tối. (Không biết uống vào hắn có say không chứ?).
Anh chàng kia bảo:
- Cái bác này, nếu nhất định bắt uống thì uống, được. Nhưng chốc hẵng hay. Làm xong việc đã. Chưa xong thì chưa uống.
Thế rồi hắn vung xẻng đất. Phôsơlơvăng giữ tay hắn lại:
- Acgiăngtơi thượng hảo hạng.
- Úi chà! Cái bác này chỉ có mỗi nghề kéo chuông. Boong binh boong, bác chỉ biết từng ấy tiếng, bác đến rầy rà.
Rồi hắn hất xẻng đất thứ hai.
Phôsơlơvăng lâm vào tình trạng mình không còn biết mình nói gì nữa.
- Cứ đi đi, đã bảo tôi trả tiền mà lị.
- Phải cho trẻ ngủ đã.
Hắn hắt xẻng thứ ba.
Rồi hắn lại cắm xẻng xuống đất, nói thêm:
- Bác xem, đêm nay trời rét lắm; mình mà cứ bỏ mặc bà ấy ở đây không đắp cho bà ấy, rồi bà ấy oán chết.
Lúc ấy hắn cúi xuống xúc đất, túi áo hắn mở toang hoác.
Mắt Phôsơlơvăng đang lơ láo bỗng dán chằm chằm vào cái túi áo anh chàng Gơribiê.
Mặt trời chưa khuất hẳn! Hãy còn chút ánh sáng có thể nhận được vật gì trăng trắng trong cái túi đang há hốc miệng.
Con mắt Phôsơlơvăng ngời hẳn lên, như tất cả cái tinh anh của ông lão nông dân vùng Picacđi đều tập trung vào đấy. Một ý nghĩ vừa thoáng qua.
Ông thò tay vào túi hắn móc cái vật trăng trắng ở tận tít dưới đáy; hắn mải mê với xẻng đất không hay biết gì hết!
Anh chàng trút xẻng đất thứ tư xuống hố.
Lúc hắn quay lại để xúc xẻng thứ năm thì Phôsơlơvăng điềm tĩnh nhìn hắn và bảo:
- Này bác tân binh kia, có mang thẻ không đấy?
- Thẻ gì.
- Mặt trời sắp lặn rồi.
- Lặn thì lặn, mặt trời cứ việc trùm chăn mà đi ngủ đi.
- Cổng nghĩa trang sắp đóng rồi đấy.
- Thế thì sao?
- Bác có mang thẻ không?
- À, cái thẻ ấy à?
Hắn lục túi áo.
Lục một túi, rồi lục hai túi. Cả túi ghi lê nữa; cái thì xem xét kỹ lưỡng, cái thì lộn hẳn ra. Hắn nói:
- Không, không mang. Quên rồi chắc.
- Mười lăm phơrăng phạt thôi.
Anh chàng xanh mặt lại. Những người nước da tái nhợt, khi họ tái mặt thì màu da hóa xanh lục.
Hắn kêu lên:
- Trời Ngọc hoàng thượng đế, nhật nguyệt hai vầng ơi! Mất toi mười lăm phơrăng phạt rồi còn gì!
- Ba đồng một trăm xu! – Phôsơlơvăng nói.
Anh chàng buông rơi cái xẻng.
Bây giờ mới đến lượt Phôsơlơvăng lên nước. Ông nói:
- Này chú lính mới, chớ có thất vọng. Chả nên tự tử chú ạ. Chả nên lợi dụng cái hố này. Mười lăm phơrăng chỉ là mười lăm phơrăng. Vả cũng còn có cách khỏi phải nộp phạt. Tôi thì đã già, bác thì mới vào làm. Tôi biết đủ các cái mánh, cái khóe, cái xoay, cái xở. Để tôi bảo giúp bác. Điều chắc là bây giờ mặt trời sắp lặn, mặt trời đã xuống đến mái điện Anhvalit, chỉ năm phút nữa là nghĩa trang đóng cổng.
- Đúng thế.
- Năm phút thì lấp thế đếch nào được, sâu bỏ mẹ ra ấy. Lại còn phải chạy từ đây ra cổng cho kịp.
- Đúng thế.
- Thế là cứ việc nộp phạt mười lăm phơrăng.
- Mười lăm phơrăng.
- Nhưng vẫn còn thì giờ… Bác ở đâu nhỉ?
- Cách cửa ô hai bước. Đi mất mười lăm phút. Phố Vôgira, số nhà 87.
- Đủ thì giờ để vắt chân lên cổ mà chạy thì kịp ra cổng.
- Phải rồi.
- Ra khỏi cổng, bác phóng về nhà, lấy tấm thẻ rồi trở vào đây, lão gác sẽ mở cổng. Có thẻ thì chả phải nộp gì hết. Thế là bác tha hồ mà đắp đất cho người chết. Còn tôi, tôi canh xác chết hộ bác, nhỡ nó chạy trốn thì phiền.
- Thật bác cứu sống tôi.
- Thôi cút cho nhanh.
Anh chàng vô cùng biết ơn, rung rung bàn tay ông Phôsơlơvăng rồi chạy biến.
Bóng hắn khuất sau bụi rậm. Ông Phôsơlơvăng đợi đến lúc không còn nghe tiếng bước chân nữa, mới cúi xuống huyệt khe khẽ gọi:
- Bác Mađơlen ơi!
Không có tiếng trả lời.
Phôsơlơvăng rùng mình. Lão tụt vội xuống hố, nhảy lên phía đầu cái quan tài và hét lên:
- Bác có đấy không?
Trong quan tài, im lặng.
Phôsơlơvăng run bắn lên đến không thở được nữa. Ông lấy cái đục và cái búa nậy tung nắp ván thiên lên. Khuôn mặt Giăng VanGiăng mờ mờ trong bóng chiều tà, xanh nhợt, mắt nhắm nghiền.
Tóc ông Phôsơlơvăng dựng đứng cả dậy. Ông đứng lên rồi khuỵu xuống, lưng tựa vào thành hố, suýt gục xuống chiếc quan tài. Ông nhìn Giăng VanGiăng.
Giăng VanGiăng nằm sóng sượt, im lìm, da tím lại.
Phôsơlơvăng nói thầm, khe khẽ như một hơi thở:
- Thế là bác ấy chết rồi.
Ông đứng dậy, khoanh riệt hai tay lại đến nỗi nắm tay cụng vào vai rồi kêu lên:
- Đây tôi cứu bác ấy như thế này đây.
Rồi ông già chất phác nức nở. Ông nói một mình – nói một mình là một việc rất tự nhiên, ai cho độc thoại là giả tạo, chính là nói bậy, những cơn xúc động mãnh liệt thường tự thốt lên thành lời thành tiếng:
- Chỉ tại lão Métchiên thôi. Tại sao lão ta lại chết đi, cái lão ngốc ấy? Chưa chi đã vội toi xác, ai khiến? Bác nằm trong quan tài rồi. Người ta đã khiêng bác ra đây, đủ lễ rồi. Thế là hết. Đấy, đời là thế, còn có nghĩa lý gì. Trời ơi, bác Mađơlen chết rồi. Thế còn con bé biết làm thế nào? Nói làm sao với bà hàng quả ấy bây giờ? Một người như thế lại chết như thế, có thể thế được không hả trời? Cứ nghĩ đến việc bác ấy chui xuống gầm cỗ xe ngựa! Bác Mađơlen ới, bác Mađơlen ơi, tôi đã bảo là ngạt mất mà, bác có nghe tôi đâu, cái trò ác đã hoàn thành đẹp đẽ thật. Bác ấy chết rồi. Không ai tốt bụng tốt dạ như bác ấy trong số người nhân hậu của Chúa nhân từ. Còn đứa con bác. Thôi mình không về nhà đâu, mình cứ ở đây. Mình đã làm một việc tai hại như thế! Thật là đứa già mà dại. Nhưng làm sao mà bác ấy vào được nhà tu chứ? Bắt đầu từ ấy đấy. Ai lại làm thế bao giờ! Bác Mađơlen ơi, bác Mađơlen ơi, ông Mađơlen ơi, ông thị trưởng ơi. Ông ấy có nghe thấy gì đâu. Làm thế nào đây trời!
Ông Phôsơlơvăng bứt đầu bứt tóc.
Phía xa xa, trong lùm cây, có tiếng rít ken két. Cổng nghĩa trang đã đóng. Ông Phôsơlơvăng cúi xuống nhìn Giăng VanGiăng, bỗng nảy người lên, lùi mãi về phía sau, đến tận cuối huyệt. Hai con mắt Giăng VanGiăng mở trừng trừng nhìn ông.
Trông thấy cái chết sợ thế nào thì trông thấy người sống lại cũng gần sợ như thế. Phôsơlơvăng toàn thân cứng như đá, da tái xanh lại, mắt lấm la lấm lét nhìn. Những xúc cảm mãnh liệt làm ông rối loạn cả tâm thần, ông không biết là ông đang đứng trước người sống hay người chết. Ông nhìn Giăng VanGiăng đang nhìn ông.
- Tôi vừa thiếp đi.
Giăng VanGiăng nói, rồi ngồi nhỏm dậy.
Phôsơlơvăng ngã quị xuống:
- Lạy đức mẹ đồng trinh! Bác làm tôi sợ quá.
Rồi ông đứng dậy:
- Cảm ơn bác, bác Mađơlen!
Giăng VanGiăng chỉ ngất đi thôi. Ra ngoài hông khí ông hồi tỉnh dậy.
Sau cơn khủng khiếp là nỗi vui tràn ngập. Cũng như Giăng VanGiăng, Phôsơlơvăng phải một lúc mới hoàn hồn:
- Thế là bác chưa chết. Bác tinh khôn thật. Gọi bác ghê lắm bác mới tỉnh lại đó. Lúc ấy mắt bác nhắm nghiền, tôi bảo: bác bị chết ngạt rồi. Bác mà chết thật thì dễ tôi phát điên cuống điên cuồng lên, điên vào loại phải cùm kia đấy. Tưởng đến phải vào nhà thương điên thực sự. Bác mà chết thì không biết tôi sẽ ra sao. Còn con bé cháu nữa. Nhà bà hàng hoa quả rồi chẳng hiểu xơ múi thế nào nữa. Vứt con bé vào tay người ta, rồi bảo ông nó chết rồi. Rõ chuyện! Trời đất thiên địa ơi, rõ chuyện! Bây giờ bác lại sống rồi, tuyệt quá!
Giăng VanGiăng bảo:
- Tôi thấy rét quá!
Câu nói của Giăng VanGiăng làm Phôsơlơvăng trở về thực tế, thực tế khẩn cấp lúc ấy! Hai người tuy đã hoàn hồn tỉnh lai, nhưng tâm thần vẫn còn rối loạn.
Phôsơlơvăng nói to: - Ra ngay, mau lên.
Ông già lục túi, lấy ra một cái bình:
- Làm một tợp rượu đã.
Lúc nãy, không khí làm cho Giăng VanGiăng hồi sinh, bây giờ thì men rượu làm cho ông tỉnh táo ra. Ông uống một ngụm rượu mạnh, sức khỏe trở lại bình thường.
Ông chui ra khỏi quan tài rồi cùng với Phôsơlơvăng đóng ván thiên lại.
Ba phút sau hai người lên khỏi huyệt.
Phôsơlơvăng vẫn điềm tĩnh, dáng điệu thong thả. Cổng nghĩa trang đã đóng. Không sợ anh chàng Gơribiê trở lại nữa, cái “chú lính mới” ấy đang ở nhà, tha hồ mà tìm thẻ, tìm làm sao được, nó đã nằm gọn lỏn trong túi áo Phôsơlơvăng. Không có thẻ, đừng có hòng vào được nghĩa trang.
Phôsơlơvăng cầm cái xẻng, còn Giăng VanGiăng cầm cuốc, hai người đắp mộ cho cái quan tài rỗng.
Xong đâu đấy, Phôsơlơvăng bảo Giăng VanGiăng:
- Thôi, ta đi thôi. Tôi cầm cái xẻng, bác giữ lấy cái cuốc.
Trời tối hẳn.
Giăng VanGiăng cử động và bước đi thấy vướng ngượng. Nằm trong quan tài, ông hóa cứng cả người và gần trở thành xác chết; ở giữa bốn tấm ván, các khớp xương dần dần cứng lại như người chết thật. Phải làm tan băng giá nơi mộ địa.
Phôsơlơvăng nói:
- Bác bị cóng rồi… Tiếc rằng tôi thọt. Nếu không chúng ta lê gót đi đều.
- Úi chà, đi mấy bước là dẻo chân ngay đấy mà!
Hai người lại đi những con đường xe tang đi lúc nãy.
Đến cổng sắt và cái chòi bác gác, Phôsơlơvăng tay cầm sẵn tấm thẻ của anh chàng kia, liền bỏ thẻ vào hòm, bác gác chéo sợi dây và cổng mở. Hai người ra ngoài, Phôsơlơvăng bảo:
- Thế là tốt đẹp cả; mưu bác tài tình quá, bác Mađơlen ạ!
Họ vượt qua cửa Vôgira thản nhiên, giản dị như ngàn người khác. Quanh nơi nghĩa trang, còn giấy thông hành nào hơn là cái xẻng và cái cuốc.
Phố Vôgira vắng tanh vắng ngắt.
Ông Phôsơlơvăng vừa đi vừa ngước mắt nhìn dãy nhà bên phố. Ông nói:
- Bác Mađơlen ạ, bác tinh mắt, bác chỉ cho tôi nhà số 87.
- Đây, vừa đúng nhà này.
- Phố chẳng có ai. Bác đưa tôi cái cuốc; đợi tôi vài phút nhé!
Phôsơlơvăng vào căn nhà số 87, đi thẳng lên gác, ông cứ đi thẳng lên tận gác trên cùng; bản năng bao giờ cũng chỉ cho người nghèo lên thẳng gác xép mái nhà. Trong bóng tối mò mò, ông gõ vào cánh cửa một căn gác hẹp. Có tiếng trả lời:
- Cứ vào.
Tiếng ấy là tiếng Gơribiê.
Phôsơlơvăng đẩy cánh cửa. Cái gian gác xép này cũng giống như tất cả những gian buồng tồi tàn khác, không có lấy một đồ đạc nào mà vẫn bề bộn. Một cái hòm đóng hàng, hay là một cái áo quan – dùng làm tủ; một cái hũ đựng bơ dùng để chứa nước; một cái ổ rơm làm giường; sàn gạch dùng thay bàn ghế. Trong một góc buồng, có một người đàn bà gầy gò và trẻ con nhung nhúc một đống, ngồi yên trên một manh tải rách, nguyên là mảnh thảm cũ. Tất cả căn buồng tồi tàn ấy còn giữ dấu vết một cuộc xáo trộn bữa bãi. Tưởng như riêng nơi đây vừa trải qua một cơn động đất. Nắp với vung bừa bãi; giẻ rách vứt tứ tung; bình xách nước thì vỡ, người đàn bà vừa mới khóc, trẻ hình như mới phải một trận đòn. Đấy là những dấu vết của một vụ soát xét kịch liệt, gắt gao. Rõ ràng là anh chàng đào huyệt đã ra công sức tìm cái thẻ và đổ tội cho tất cả, từ cái bình nước đến người vợ. Hắn có vẻ tuyệt vọng rồi.
Nhưng Phôsơlơvăng còn mải nghĩ đến kết quả tốt đẹp của công việc, nên chẳng để ý gì đến cái mặt không vui này của nó.
Ông bước vào và nói:
- Tôi mang trả bác cái cuốc với cái xẻng.
Gơribiê sững sờ nhìn lão.
- Lão đấy à?
- Sáng mai, bác đến ông gác ở nghĩa trang mà nhận thẻ.
Rồi ông đặt xẻng cuốc xuống sàn.
Gơribiê hỏi:
- Thế là thế nào?
- Nghĩa là bác đánh rơi thẻ, lúc bác về tôi nhặt được ở dưới đất; tôi đã chôn xong người ta. Đắp đất tử tế rồi. Tôi làm giùm bác, ngày mai bác ra ông gác mà lấy thẻ, chả phải nộp phạt mười lăm phơrăng đâu. Chỉ có thế thôi, chú tân binh ạ.
Gơribiê sung sướng quá reo lên:
- Cám ơn bác quá. Lần sau để tôi trả tiền rượu.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 8 - Chương 8

VIỆC XÉT HỎI THÀNH CÔNG

Một tiếng đồng hồ sau. Lúc trời đã tối như mực, hai người lớn và một đứa trẻ đến số nhà 62 phố Pichpuýt. Người cao tuổi nhất giơ cái búa, gõ cửa.
Ba người ấy là Phôsơlơvăng, Giăng VanGiăng và Côdét.
Hai người vừa đến nhà bà hàng hoa quả ở phố Sơmanhve, xin đón Côdét về, con bé gửi ở đấy từ hôm qua. Suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, con bé chẳng hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, nó chỉ ngấm ngầm run sợ. Cứ chưa khóc được là còn run. Nó chẳng ăn uống gì mà cũng không chợp mắt lúc nào. Bà hàng hoa quả đáng mến hỏi hàng trăm câu, nó cũng không trả lời một tiếng, nó chỉ rầu rĩ nhìn, lần nào cũng thế. Nó chẳng hé răng để lộ một tí gì về những việc nó đã nghe thấy, trông thấy từ hai hôm nay. Nó đoán là đang gặp một nạn lớn, trong thâm tâm, nó cảm thấy rằng cần phải “ngoan”. Ai chẳng biết sức tác động vô cùng to lớn của mấy tiếng nói như dọa nạt bên lỗ tai đứa bé con nhỏ dại chỉ biết có run sợ: “Chớ nói gì hết”. Sợ thì câm. Vả lại, ai mà giữ bí mật giỏi hơn con trẻ!
Sau hai mươi bốn giờ đồng hồ bi đát, khi nó lại được trông thấy Giăng VanGiăng, nó reo lên một tiếng vui mừng. Những ai hay suy nghĩ, nghe tiếng reo vô cùng hớn hở ấy sẽ đoán thấy đó là tiếng reo của kẻ vừa thoát khỏi vực sâu.
Phôsơlơvăng là người của nhà tu nên hiểu hết các ám hiệu. Mọi cửa đều mở.
Thế là đã giải quyết được hai việc ghê gớm: ra và vào.
Bác gác, đã được dặn dò từ trước, mở cái cổng dành riêng cho người nhà, - cửa này thông thẳng vào trong vườn, cách đây hai mươi năm, ở ngoài phố cũng trông thấy, nó ở bức tường cuối sân, đối diện với cổng lớn. Người gác cổng đưa cả ba người ấy để vào buồng khách đặc biệt mà tối hôm qua Phôsơlơvăng nhận mệnh lệnh của mẹ nhất.
Mẹ nhất đợi họ, chuỗi hạt cầm trong tay. Một mẹ tư vấn, mặt phủ màn đứng bên cạnh. Một ngọn nến lờ mờ tỏa ánh sáng yếu ớt.
Mẹ nhất xem xét Giăng VanGiăng. Chả con mắt nào quan sát kỹ hơn con mắt nhìn xuống.
Xong bà hỏi Giăng VanGiăng:
- Bác là em à?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm vâng ạ.
- Tên bác là gì?
- Bẩm Uyntim Phôsơlơvăng.
Ông ta quả có một người em tên là Uyntim nay chết rồi.
- Bác ở đâu?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm ở Pichkinhi, gần Amiêng.
- Bao nhiêu tuổi?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm năm mươi ạ.
- Sinh sống nghề gì?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm làm vườn.
- Có ngoan đạo không?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm trong họ con, ai cũng ngoan đạo cả.
- Đứa bé này là người nhà bác?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm mẹ, vâng.
- Con bác à?
Phôsơlơvăng trả lời:
- Bẩm cháu nội.
Mẹ tư vấn khe khẽ bảo mẹ nhất:
- Bác ấy ăn nói khá đấy ạ.
Giăng VanGiăng chưa hề nói một lời.
Mẹ nhất chăm chú nhìn Côdét rồi khẽ bảo bà mẹ bên cạnh:
- Ngày sau, con bé này sẽ xấu xí.
Hai mẹ thì thầm với nhau mấy phút trong góc phòng rồi mẹ nhất quay lại nói:
- Lão Phôsơlơvăng ạ, kiếm một cái đai nhạc đầu gối nữa. Bây giờ cần hai cái.
Thế là ngày hôm sau, người ta nghe thấy tiếng hai chiếc nhạc trong vườn. Các nữ tu sĩ không thể không hé một góc tấm màn che mặt. Ở cuối vườn, dưới lùm cây, hai người đàn ông đứng cạnh nhau đương đào đào xới xới; lão Phôsơlơvăng và một người lạ. Một việc trọng đại. Không khí im bỗng xào xào những tiếng khẽ bảo nhau: một người phụ việc làm vườn.
Các mẹ tư vấn nói thêm: em trai lão Phôvăng.
Giăng VanGiăng quả đã chính thức thụ chức: ông đeo một cái đai đầu gối bằng da và một chiếc nhạc; ông đã là người của nhà tu. Tên ông là Uyntim Phôsơlơvăng.
Cái nguyên nhân quyết định việc ông được vào làm ở nhà tu là câu nhận xét về Côdét của mẹ nhất: con bé sẽ xấu xí.
Sau lời dự đoán ấy, mẹ nhất tỏ lòng quyến luyến ngay con bé; bà cho nó ở cùng với bọn trẻ làm phúc.
Việc ấy chẳng có gì là khó hiểu cả. Vốn dĩ trong nhà tu không có gương soi những đàn bà thì không cần gương cũng biết nét mặt mình. Những cô gái có nhan sắc thì khó lòng mà tu được. Vốn từ xưa, càng xấu xí hơn là các cô xinh đẹp. Do đó là có sự mến ưa đặc biệt những cô gái xấu xí.
Sau câu chuyện lạ lùng trên, uy tín Phôsơlơvăng tăng lên nhiều lắm. Thắng lợi bề ba mặt: Giăng VanGiăng cảm kích vì được lão cứu sống và cho nơi trú thân; Gơribê thì tự bảo mình: nhờ lão mà ta thoát khoản phạt; nhà tu thì chôn cất được xác mẹ Cơruyxiphixiông ở dưới bàn thờ, vừa trót lọt được vòng pháp luật vừa hợp ý Chúa.
Một áo quan có thi hài ở Pơti Pichpuýt, một áo quan rỗng ở nghĩa đại Vôriga. Trật tự xã hội đã bị đảo lộn ghê gớm, nhưng không hay biết gì. Còn tu viện thì biết ơn Phôsơlơvăng rất nhiều. Lão trở thành người phục vụ tốt nhất và người làm vườn quý nhất! Lần Đức Tổng giám mục đến thăm tu viện ngay sau đó mẹ nhất đã kể chuyện cho ngài nghe, thú tội thì ít mà khoe khoang thì nhiều. Đức Tổng giám mục ở tu viện đã nói nhỏ với ý tán dương với ngài Đơ Latin, linh mục của đức ông sau làm tổng giám mục Ranhxơ và giáo chủ. Sự khâm phục lão Phôsơlơvăng đi rất xa, đến cả La Mã. Chúng tôi đã được đọc một lá thư nhỏ của Giáo hoàng Lêông XII đương vị gửi cho một người bà con, sứ thần của Giáo hoàng ở Paris và cùng đội tên Đơlagiăngga như ngài. Trong thư viết: “Hình như ở trong một cái tu viện ở Paris có một lão làm vườn tuyệt tốt, một con người có thánh chất tên là Phôvăng”. Những cái vinh quang kia, lão Phôsơlơvăng ở trong túp lều của lão không hề hay biết gì. Lão vẫn ghép cây rẫy cỏ và che dưa, không biết gì về cái tuyệt diệu và cái thánh chất của lão. Lão không biết gì về cái vinh dự của lão cũng như con bò giống Đuyram hay Xuyray không hình dung được in trên tờ họa báo “Tin tức Luân đôn” với lời chú thích: “Con bò đã được giải thưởng cuộc thi các súc vật có sừng”.


NHỮNG NGƯỜI KHỐN KHỔ

PHẦN 2 - CÔDÉT

QUYỂN 8 - Chương 9

NƠI CẤM ĐỊA

Ở nhà tu, Côdét vẫn im lặng không nói hở điều gì.
Côdét một cách tự nhiên tưởng mình là con gái Giăng VanGiăng. Nó chả biết gì hơn mà nói: vả lại ví dụ nó có biết gì thì đố ai cạy răng nó ra được. Côdét cực khổ quá nên cái gì nó cũng sợ, sợ cả nói, sợ cả thở. Nó đã từng thấy một lời nói cũng đủ làm cả một trận sấm sét lôi đình đổ vào đầu nó. Từ ngày ở với Giăng VanGiăng, nó mới bắt đầu hơi yên dạ. Nó cũng chóng quen với đời sống nhà tu. Nó chỉ tiếc con Catơrin, nhưng không dám nói. Một hôm nó bảo Giăng VanGiăng: - Giá biết thế này thì con đã mang nó theo.
Được ăn ở trong nhà tu, Côdét phải mặc quần áo như các học sinh khác. Giăng VanGiăng xin được phép mang bộ quần áo cũ của Côdét về nhà. Bộ ấy là bộ đồ tang đen nó mặc hôm rời bỏ quán ăn Tênácđiê ra đi. Chưa cũ lắm. Giăng VanGiăng tìm ở đâu được một cái vali, cốt để đựng bộ quần áo, đôi tất len với đôi giày. Ông bỏ trong vali rất nhiều băng phiến và các thứ lá cây thơm chẳng thiếu gì ở các tu viện. Ông để vali trên một cái ghế bên cạnh giường nằm, chìa khóa lúc nào cũng đeo trên người.
Một hôm Côdét hỏi ông:
- Bố ơi cái hộp gì mà thơm thế?
Ông già Phôsơlơvăng, ngoài cái tiếng tốt với mọi người như đã kể trên, mà chính ông cũng không biết, còn được nhiều cái lợi khác: trước hết, lão thấy sung sướng trong lòng; sau là nhờ có Giăng VanGiăng đỡ tay nên công việc nhẹ hẳn đi; sau cùng, vốn nghiện thuốc lá, ngày nay lão hút gấp ba lần trước kia, mà khoái chá hơn vô kể, vì tiền đã có ông Mađơlen trả.
Các bà không thừa nhận cái tên Uyntim và gọi Giăng VanGiăng là lão Phôvăng kia.
Nếu các bà có con mắt như con mắt của Giave, hẳn các bà rồi cũng nhận thấy rằng cứ khi nào có việc hay ra phố mua thức gì dùng vào việc vườn tược thì bao giờ cũng lão Phôsơlơvăng anh đi, lão Phôsơlơvăng già, lão Phôsơlơvăng có tật, lão què chân ấy. Nhưng hoặc vì các bà mải nhìn lên Thượng đế, nên không có con mắt của người thám tử, hoặc vì các bà thích rình mò nhau hơn, nên chẳng ai để ý đến việc ấy cả.
Thực ra Giăng VanGiăng cứ việc im tiếng, không động đậy thế mà tốt. Giave đã rình ở khu ấy hơn một tháng trường.
Bây giờ, cái nhà tu đối với Giăng VanGiăng như một hòn đảo, xung quanh là vực thẳm. Từ nay, bốn bức tường là cả một thế giới. Trên đầu khoảng trời xanh khá rộng nên lòng ông trong sáng; bên mình có Côdét nên ông thấy sung sướng.
Đời ông lại bắt đầu êm ả.
Ông ở chung với Phôsơlơvăng trong túp lều ở cuối vườn. Lều xây bằng vôi gạch vụn, năm 1845 hãy còn, gồm ba buồng, buồng nào cũng trống trơ chỉ có bốn bức vách. Phôsơlơvăng nhất định nhường gian buồng to nhất cho Giăng VanGiăng, Vangiăng từ chối thế nào cũng không được.
Trên tường gian phòng ấy, ngoài hai cái đinh để treo cái dây buộc nhạc và cái sọt, còn có một vật trang trí: đó là tờ tín phiếu của phe bảo hoàng hồi 1793, đóng vào tường bên trên lò sưởi, nguyên văn ghi như sau:
Quân đội công giáo hoàng gia
Theo chỉ dụ hoàng thượng
Tín phiếu mười đồng
Về quân nhu cung cấp cho bộ đội
Thanh toán ngày hòa bình
Đợt 3 STOFFET số 10390
Các tín phiếu của quân Văngđêăng này đã được đóng trên tường do tay người làm vườn trước, nguyên là lính suăng, hắn đã chết trong tu viện và Phôsơlơvăng đã thay chân hắn.
Suốt ngày Giăng VanGiăng cặm cụi ở ngoài vườn, làm được vô khối việc có ích. Xưa ông làm nghề xén cây nên bây giờ làm vườn cũng thích. Ta còn nhớ, ông biết nhiều phương pháp và những bí mật nhà nghề của việc trồng trọt. Hầu hết các cây quả trong vườn trước mọc như cây dại. Bây giờ, ông xén, ông ghép nên cây nào cũng kết quả ngon lành.
Côdét hàng ngày được về chơi với ông một tiếng đồng hồ. Các bà thì buồn rười rượi còn ông thì tốt, nên con bé cứ so sánh, lại càng thương yêu ông hơn. Đến giờ là nó chạy ngay về nhà. Con bé vừa bước chân vào nhà, căn nhà như rạng rỡ cảnh thiên đường. Giăng VanGiăng lòng tươi như hoa nở, ông càng cảm thấy đời sống đầy hạnh phúc vì Côdét cũng thấy được sung sướng đó bên ông. Nỗi vui sướng của người ta có cái quý là nó không như ánh sáng phản xạ bao giờ cũng mờ nhạt đi; Vangiăng nhìn Côdét chơi đùa, chạy nhảy; cứ nghe nó cười là ông nhận ra ngay.
Bởi vì bây giờ Côdét đã cười rồi.
Nét mặt nó cũng đổi khác, nó không ủ ê như trước nữa. Tiếng cười cũng như mặt trời đuổi tan giá lạnh trên nét mặt con người.
Côdét không đẹp nhưng dễ thương biết mấy. Nó nói những điều dễ nghe, giọng nó dịu dàng thơ ngây. Hết giờ chơi, Côdét về trường, Giăng VanGiăng nhìn cửa sổ lớp học; và ban đêm thì ông trở dậy nhìn cửa sổ buồng ngủ.
Và Chúa cũng có đường lối của Chúa. Tu viện cũng như Côdét duy trì và bổ sung trong lòng Giăng VanGiăng tác dụng của giám mục Mirien. Có một điều chắc chắn là con đường của đạo đức có một lối dẫn tới kiêu ngạo. Ở đây có sẵn một chiếc cầu do quỷ dữ bắc. Giăng VanGiăng, vô tình, có lẽ đang ở khá gần cái lối này và cái cầu này khi trời xui khiến ông rơi vào tu viện Pơti Pichpuýt. Khi trước, tự so sánh mình với người thường và lòng kiêu ngạo nảy nở. Biết đâu đấy ông sẽ không dần dà trở về với lòng hằn thù.
Tu viện đã giữ ông lại trên cái dốc ấy. Đây là nơi cấm cố thứ hai mà ông thấy. Hồi tuổi thơ, trong cái thời gian ông bước vào đời và về sau mới gần đây ông đã biết một nơi cấm cố khác, kinh khủng, dễ sợ, với những kỷ luật khắc nghiệt mà ông vẫn coi là những bất công của công lý và tội lỗi của luật pháp. Sau nhà tù khổ sai, bây giờ ông gặp nhà tu kín. Nghĩ rằng ông đã trở thành một thành viên của nhà tù khổ sai và bây giờ đang chứng kiến cảnh nhà tu kín, ông đối chiếu hai nơi đó trong trí ông một cách tư lự hãi hùng.
Nhiều khi ông tựa vào cán mai, chìm đắm trong những uẩn khúc của mơ mộng và không cùng.
Ông nhớ lại những người bạn tù ngày xưa. Họ khốn khổ quá chừng: vừa mới tinh mơ đã dậy, làm đến tối mịt mới về. Người ta có để cho họ chợp mắt được mấy chốc; ngủ thì ngủ trên mấy tấm phản, đệm lót mỏng dính, kê trong những gian buồng trống trải, suốt năm chỉ đốt củi vài tháng rét nhất. Áo thì áo choàng màu đỏ trông gớm ghiếc. Nhờ ân trên, những ngày nóng nực, họ được mặc quần vải thô và những ngày đông tháng giá, họ được khoác một cái áo kiểu áo phu xe bằng len. Chỉ những ngày đi bệnh viện mới được hớp rượu, miếng thịt vào miệng. Họ không có tên nữa, cứ số mà gọi, họ hầu như chỉ còn là những con số. Họ sống, mắt nhìn xuống, tiếng nói se sẽ, đầu trọc lốc, sống trong tủi thẹn, dưới đòn roi.
Thế rồi Giăng VanGiăng nghĩ đến những người hiện đang sống ở nhà tu, ngay trước mặt ông.
Những con người ấy cũng đầu trọc, mắt cúi gầm, tiếng nói se sẽ. Họ không sống trong tủi thẹn, nhưng sống giữa những lời nhạo báng của người đời; lưng họ không lằn vết gậy đòn, nhưng vai họ chín rạn vì những kỷ luật nặng nề. Đối với mọi người, tên tuổi của họ cũng không còn nữa, chỉ còn những tên gọi khắc khổ. Họ không uống rượu ăn thịt bao giờ; họ thường nhịn đói suốt từ sáng tinh mơ đến chiều. Họ không mặc áo đỏ nhưng khoác cái khăn liệm bằng len màu đen, mùa hè thì loại nặng, mùa đông thì loại nhẹ; họ không có quyền thay đổi áo quần gì hết. Sáu tháng ròng, họ phải mặc cái áo trong bằng xécgiơ đến chết ngốt. Họ không ở những gian buồng đốt lửa mấy tháng buốt lạnh nhất; buồng họ không bao giờ có lửa. Giường họ không trải nệm mỏng manh mà trải rơm. Ngủ cũng không được ngủ; đêm đêm, sau một ngày mệt nhọc, vừa đặt mình, chưa ấm chỗ, vừa chập chờn thiếp đi trong giấc ngủ nặng nề, thì đã phải dậy, rồi vào nhà nguyện lạnh lẽo, âm u cầu kinh hai chân quỳ trên nền đá. Có những ngày lần lượt mỗi người phải quỳ mười hai giờ liền trên nền đá hay phủ phục xuống đất, hai tay gấp hình chữ nhật.
Hạng người trên toàn là đàn ông; hạng dưới toàn đàn bà.
Bọn đàn ông đã làm gì? Họ cướp bóc, gian lận, đầu độc, đốt nhà, giết người, giết bố. Còn bọn đàn bà? Họ không làm gì hết.
Một bên giết người cướp của, gian lận, xảo trá, hung bạo, dâm dục, nghĩa là tất cả những tội ác, tất cả những hành động hại người; một bên là trong trắng chỉ có trong trắng mà thôi.
Vô tội hoàn toàn, như được nhấc bổng lên trong một cuộc thăng thiên huyền bí, phần đạo đức thì còn dính với đời, mà phần thiêng liêng thì đã vượt lên trời.
Một bên thì thầm với nhau những mưu mô, tội lỗi, một bên mạnh dạn thú nhận những lầm lạc. Tội lỗi thì ghê gớm, lầm lạc thì chẳng có gì! Một bên là uế khí ghê tởm, một bên là mùi hương tuyệt vời. Một bên là dịch họa tinh thần, giam giữ, canh gác dưới những mũi súng đại bác, gặm tiêu dần những kẻ mắc bệnh; một bên là những linh hồn cùng cháy bùng thanh khiết trong một lò lửa. Kia là đêm tối dày đặc; đây là một bóng tối, nhưng một bóng tối đầy ánh sáng, những ánh sáng chói lọi hào quang.
Hai thế giới nô lệ. Một bên còn có cơ hội giải phóng: pháp luật còn có tháng ngày hạn định, lại còn có khả năng vượt ngục. Một bên là cả một cuộc đời vô cùng tận, trong tương lai xa vời, chỉ còn một chút ánh sáng le lói của niềm hy vọng về tự do là cái chết.
Những người thứ nhất chỉ còn xiềng xích trói buộc. Những người sau, có lòng tín ngưỡng trói buộc.
Trong nhà tù, bốc lên cái gì? Một lời nguyền rủa tràn trề, tiếng răng nghiến lại, lòng căm thù, lòng hiểm độc tuyệt vọng, một tiếng kêu phẫn nộ chống lại xã hội loài người, một tiếng cười chua chát đắng cay hướng lên trời.
Còn ở nhà tu? Chỉ có lời khấn nguyện và tấm lòng yêu Chúa.
Hai nơi ấy thật giống nhau mà cũng thật khác nhau; hai hạng người khác nhau một vực một trời lại cùng chung một nhiệm vụ là chuộc tội.
Giăng VanGiăng hiểu vì sao những tù nhân phải chuộc tội, họ chuộc tội cho họ. Nhưng ông không hiểu vì sao những nữ tu sĩ phải chuộc tội; những con người ấy không tội tình gì, không một vết nhơ. Ông run sợ tự hỏi: chuộc tội gì? Chuộc tội nào?
Ông như nghe thấy lương tâm ông trả lời lòng nhân đạo thiêng liêng nhất, sự đền tội cho người.
Chúng tôi gạt bỏ ở đây mọi lý thuyết của riêng mình. Chúng tôi chỉ là người kể chuyện. Chúng tôi đứng ở quan điểm của Giăng VanGiăng và nói lên cảm tưởng của ông.
Ông được nhìn thấy cái đỉnh cao cả của nhẫn nhục, cái đỉnh cao nhất mà đạo đức có thể vươn tới được. Vô tội tha thứ tội lỗi cho người và đền tội thay cho người; sự chịu đựng, sự thừa nhận tra khảo, sự đòi hỏi hình phạt của những tâm hồn không hề sa ngã để cho những tâm hồn sa ngã thoát khỏi những đau khổ ấy. Lòng yêu người hòa vào lòng kính Chúa, những vẫn đứng riêng và khẩn cầu. Những con người yếu ớt mang cái khổ đau của kẻ bị trừng phạt và cái nụ cười của những người được ban thưởng. Và ông nhớ rằng đã có lúc ông dám kêu ca.
Có khi giữa đêm ông thức dậy để lắng nghe lời cầu nguyện tạ ơn Chúa của những con người vô tội và bị đè nặng dưới bao nhiêu khắc khổ ấy và thấy lạnh toát trong mạch máu khi nghĩ rằng những kẻ bị trừng phạt một cách chính đáng chỉ cất tiếng nói lên để nguyền rủa trời và ông, một thằng khốn nạn, đã giơ nắm tay căm thù lên cho Chúa.
Điều nổi bật làm cho ông suy nghĩ sâu sắc như là một sự cảnh báo thầm của trời: trèo tường, vượt rào, liều chết, bám, leo kinh khủng, ghê sợ, tất cả những cố gắng ấy để khỏi cái nơi đền tội kia, ông cũng đã phải làm để vào cái nơi đền tội này. Phải chăng là một biểu tượng của số mệnh?
Nhà tu này cũng là một nhà tù, cũng thê thảm như cái nhà tù ông trốn khỏi, nhưng ông không hề nghĩ rằng có sự giống nhau.
Giăng VanGiăng như trông thấy lại những bức rào, những cái khóa, những chấn song sắt để cầm giữ ai? Những thiên thần.
Những bức tường cao vót trước kia ông thấy giam cầm hùm beo; nay nó bao bọc đàn cừu vô tội.
Nơi đây, người ta chuộc tội, chứ không bị trị tội. Thế nhưng nó khắc khổ hơn, ảo não hơn, cay nghiệt hơn. Những cô trinh nữ còn bị đè nén nặng nề hơn bọn tù khổ sai. Trước kia, một cơn gió lạnh buốt xương đã làm tê cóng tuổi thanh niên của Giăng VanGiăng, cơn gió thổi qua cái hầm nuôi diều hâu căng lưới sắt, khóa xích sắt; bây giờ, một cơn gió bấc tàn nhẫn hơn, đau đớn hơn, thổi qua chuồng chim bồ câu.
Tại sao?
Nghĩ đến tất cả những việc trên, toàn bộ tâm trí Giăng VanGiăng như chìm vào một nơi cao siêu huyền bí. Lòng kiêu ngạo tan đi trong những suy nghĩ ấy. Ông tìm mọi cách tự kiểm điểm mình; ông tự thấy yếu hèn và nhiều lần ông đã khóc. Tất cả những gì đi và ở cuộc đời của ông từ sáu tháng nay đưa ông trở lại những lời khuyên nhủ thiết tha của giám mục: Côdét dẫn dắt ông bằng tình người, tu viện bằng đức nhún nhường.
Đôi khi buổi chiều, lúc hoàng hôn, khi khu vườn vắng lặng, người ta thấy ông quỳ giữa lối đi, bên cạnh nhà nguyện, trước cái cửa sổ mà ông nhòm qua đêm ông mới vào đây. Ông quay mặt về phía bà đền tội đang phủ phục cầu nguyện và quỳ gối trước bà ấy mà cầu nguyện.
Hình như ông không dám quì hẳn trước mặt Chúa.
Tất cả cảnh vật xung quanh, từ khu vườn yên tĩnh đến những bông hoa thơm ngát, những đứa trẻ reo vui, những người đàn bà trang nghiêm, giản dị, nhà tu lặng lẽ, tất cả thấm dần vào người ông. Tâm hồn ông cũng lặng lẽ như nhà tu này, cũng thơm tho như những đóa hoa kia, cũng yên tình như khu vườn, giản dị như các người đàn bà, vui tươi như đàn trẻ.
Vả ông nghĩ là hai cái nhà của Chúa đã liên tiếp đón ông ở hai giai đoạn gay go của đời ông, giai đoạn đầu khi tất cả mọi cửa đóng chặt và xã hội loài người xua đuổi ông, giai đoạn thứ hai khi xã hội loài người lùng bắt ông và nhà tù khổ sai chờ ông. Không có cái nhà trước, ông sẽ lại rơi vào tội lỗi, không có cái nhà sau, ông lại rơi vào hình phạt. Cả trái tim ông dạt dào lòng biết ơn càng yêu người thêm hơn nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét