Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Trận chiến cuối cùng (1)

- Tác phẩm : Trận chiến cuối cùng
- Nguyên bản :  Last Battle - Xuất bản năm 1966
- Tác giả : Cornelius Ryan (1920-1974)
 - Người dịch : QUEENIEQ
 - Nguồn Voz Forum
 - Số hóa : Huytop


THE LAST BATTLE – TRẬN CHIẾN CUỐI CÙNG
       Khi nói về chiến tranh, tôi không mạo hiểm nói lên những thông tin ngẫu nhiên, cũng không nói lên quan điểm của riêng mình; tôi chỉ mô tả lại những gì chính mắt tôi nhìn thấy, hoặc biết được từ những người tôi đã hỏi kỹ càng. Đây là một nhiệm vụ vất vả, vì các nhân chứng của cùng một sự kiện thường kể lại khác nhau khi nhớ lại, hoặc chỉ quan tâm đến hành động của phe này hoặc phe kia. Và rất có khả năng là tính tuân thủ lịch sử nghiêm túc của bản tường thuật của tôi sẽ làm bạn chán chẳng buồn nghe. Nhưng nếu ai muốn thấy một bức tranh chân thực về những sự kiện đã diễn ra nhận thấy rằng những gì tôi viết là hữu ích, thì tôi sẽ rất thỏa mãn.

                                                            THUCYDIDES
                                        Peloponesian War, tập 1, năm 400 TCN.

      Cuốn sách này dành để tưởng nhớ ký ức của một cậu bé sinh ra ở Berlin trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

      Tên người đó là Peter Fechter.

      Năm 1962, Peter đã bị chính người dân mình bắn chết khi cậu ta tròn 17 tuổi. Thi hài Peter nằm bên biểu tượng bi kịch nhất dành cho chiến thắng của quân Đồng Minh.

      Bức tường Berlin


LỜI TỰA

       A-Day, thứ Hai ngày 16 tháng 4 năm 1945.

       Cuộc chiến giành Berlin, cuộc tấn công cuối cùng chống lại Đệ tam Quốc xã của Hitler, bắt đầu đúng 4 giờ sáng thứ Hai ngày 16 tháng 4 năm 1945 – hay quân Đồng minh phương Tây còn gọi là A-Day. Vào lúc đó, cách thủ đô không đầy 38 dặm, lửa đỏ bừng cháy trên bầu trời đêm trên sông Oder đang dâng cao, khai hỏa một cuộc pháo kích mạnh mẽ và là mở đầu cho cuộc tiến công vào thành phố của quân Liên Xô.

       Cùng lúc đó, các thành phần trong Tập đoàn quân 9 của Mỹ đang quay trở lui khỏi Berlin – hướng về phía tây để đánh chiếm các vị trí mới dọc sông Elbe, nằm giữa Tangermunde và Barby. Ngày 14 tháng 4, tướng Eisenhower đã quyết định dừng cuộc tiến quân của liên quân Anh-Mỹ vào nước Đức. Ông nói, ―Berlin không còn là một mục tiêu quân sự nữa. Khi các nhánh quân Mỹ nhận được tin này, một số đoàn quân chỉ cách Berlin có 45 dặm.


       Khi cuộc tấn công bắt đầu, những người dân Berlin chờ đợi trong thành phố bị đánh bom đổ nát, tê liệt và hoảng sợ, bám víu vào niềm tin duy nhất còn lại – niềm tin sống sót. Cái ăn trở nên quan trọng hơn tình yêu, đào bới còn đáng giá hơn chiến đấu, chịu đựng còn có ý nghĩa quân sự hơn chiến thắng.

       Những gì xảy ra sau đó là câu chuyện về cuộc chiến cuối cùng – cuộc tấn công và chiếm đóng Berlin. Dù cuốn sách này có nhiều phần kể lại cuộc chiến, nhưng đây không phải là một bản báo cáo quân sự. Đúng hơn thì nó là câu chuyện của những người bình thường, cả binh lính và người dân, những người bị mắc kẹt trong nỗi tuyệt vọng, sụp đổ, kinh hoàng và sự cưỡng đoạt trong thất bại và chiến thắng.

I-THÀNH PHỐ
     1.
Ở những vùng phía Bắc, bình minh đến sớm. Ngay khi những kẻ đánh bom rút khỏi thành phố, những tia sáng ban mai xuất hiện ở đằng đông. Trong cái tĩnh lặng của buổi sớm mai, những cột khói đen sừng sững bốc lên ở quận Pankow, Weissensee và Lichtenberg. Trên những đám mây sà xuống thấp, thật khó phân biệt giữa ánh ban mai mờ ảo với ánh lửa sáng rực chiếu lên từ một Berlin vừa bị đánh bom.

     Khi khói chầm chậm tan đi trên những đống đổ nát, thành phố bị đánh bom nhiều nhất nước Đức lừng lững đứng đó, ảm đạm và rùng rợn. Cả thành phố đen kịt vì tro bụi, lỗ chỗ hàng nghìn hố bom và điểm xuyết những cây cột xoắn từ các tòa nhà đổ nát. Toàn bộ các khu căn hộ đều biến mất, và ở trung tâm thủ đô, toàn vùng đã bị xóa sổ. Ở vùng đất trống đó, những gì từng là đại lộ và đường phố giờ biến thành đường mòn gồ ghề, đi xuyên qua những ngọn núi đổ nát. Khắp nơi là những tòa nhà không mái, không cửa sổ, nội thất bị phá hủy hoàn toàn há miệng đứng nhìn trời.

      Sau cuộc đột kích, một cơn mưa bụi tro đổ xuống, phủ lên đống hoang tàn, và trong những hẻm núi gạch và thép vụn, chỉ thấy bụi bốc lên. Bụi cuộn xoáy dọc theo phần mở rộng của đại lộ Unter den Linden, những hàng cây nổi tiếng giờ đây trơ trụi, chồi non héo úa trên cành cây. Chỉ một số ít ngân hàng, thư viện và cửa hàng sang trọng nằm trên đại lộ nổi tiếng này không bị hư hại. Nhưng ở đầu phía tây con đường, biểu tượng nổi tiếng nhất Berlin, Cổng Brandenburg cao ngang tòa nhà tám tầng, via triumphalis (con đường khải hoàn), vẫn đứng vững trên 12 cây cột Doric khổng lồ, dù đầy vết sứt mẻ.

      Ở gần Wilhelmstrasse, những mảnh kính vỡ từ hàng nghìn khung cửa sổ chất đống xung quanh các tòa nhà chính phủ và cung điện, sáng lấp lánh giữa đống gạch vụn. Ngôi nhà số 73, cung điện bé nhỏ xinh đẹp từng là nơi sống chính thức của các thủ tướng Đức thời trước Đệ tam Quốc xã đã bị thiêu rụi hoàn toàn bên trong. Cung điện này từng được mô tả là một Versailles mini; giờ đây, các bức tượng nữ thần biển của đài phun nước lộng lẫy ngoài sân trước vỡ tan thành từng mảnh, nằm cạnh mấy chiếc cột ngoài cổng trước, còn hai bức tượng trinh nữ Rhine sinh đôi đặt trên mái nhà sứt mẻ thủng lỗ chỗ thì nghiêng về phía sân trong đầy gạch vụn, đầu đã bị sứt mất.

       Cách đó một dãy nhà, tòa nhà số 77 lại không hề hấn gì mấy, chỉ sứt mẻ sơ sơ. Những khối gạch chất chồng quanh tòa nhà ba tầng hình chữ L này. Lớp sơn ngoài màu vàng nâu bị tróc nhiều chỗ, và mấy con đại bàng bằng vàng sáng chói có hoa văn chữ thập trên móng đặt ở mấy cái cổng bị trầy xước, sứt mẻ đến là thảm hại. Phần ban công đường bệ nhô ra bên trên, nơi một bài diễn văn điên cuồng từng được diễn thuyết cho cả thế giới nghe. Reichskanzlei, tòa nhà văn phòng của Thủ tướng Đức, vẫn còn đứng đó. Phía trên Kurfurstendamm, Đại lộ thứ năm của Berlin, hàng đống khung biến dạng của Nhà thờ Tưởng niệm Kaiser-Wilhelm vốn từng rất lộng lẫy nằm ngổn ngang. Kim đồng hồ dừng đúng 7:30 trên mặt đồng hồ đã cháy thành than; vốn đã bị như thế từ năm 1943, khi bom quét sạch một nghìn mẫu Anh của thành phố chỉ trong một đêm tháng mười một.

       Cách gần 100m là Sở thú Berlin danh tiếng thế giới, giờ chỉ còn là một khu rừng đổ nát. Hồ cá đã bị hủy hoại hoàn toàn. Các khu nuôi bò sát, hà mã, kangaroo, hổ và voi cũng bị hư hại nghiêm trọng, cùng với các tòa nhà bị thủng toang hoác khác. Công viên Tiergarten nổi tiếng rộng 630 mẫu Anh nằm xung quanh đó giờ thành vùng đất không người, chỉ còn trơ lại những hố bom to bằng cả căn phòng, những hồ nước đầy gạch vụn và tòa đại sứ đã hư hại một phần. Công viên từng là một khu rừng thiên nhiên đầy kỳ hoa di thảo. Giờ những cái cây quý giá ấy đã bị thiêu trụi, trơ lại mấy gốc cây xấu xí.

      Góc đông bắc của công viên Tiergarten là phế tích đáng chú ý nhất Berlin, không bị bom đạn của quân Đồng minh phá hủy mà bị chính trị Đức hủy diệt. Tòa nhà Reichstag đồ sộ, nơi tổ chức họp Nghị viện, đã bị Đảng Nazi thiêu cháy vào năm 1933, và vụ hỏa hoạn được vu cho phe cộng sản, giúp Hitler có cớ được toàn quyền độc tài. Trên phần mái đổ nát nằm bên trên cổng vào có sáu chiếc cột, nhìn ra biển gạch vụn đang muốn nhấn chìm tòa nhà, là mấy chữ màu đen rõ ràng, ― DEM DEUTSCHEN VOLKE – Vì nhân dân Đức.
       Phía trước tòa nhà Reichstag từng có một tổ hợp tượng. Tất cả đã bị hủy, trừ một pho tượng duy nhất – một pho tượng bằng đồng và cẩm thạch màu đỏ thẫm cao hơn 60m, đặt trên một cái bệ khổng lồ chạm khắc cột xung quanh bệ. Sau vụ hỏa hoạn năm 1933, Hitler đã ra lệnh di dời nó. Bây giờ, nó nằm cách đường Charlottenburger Chaussée một dặm, gần trung tâm trục Đông-Tây – chuỗi đường cao tốc nối nhau băng qua thành phố từ sông Havel phía tây đến cuối đường Unter den Linden ở phía đông. Khi mặt trời mọc vào sáng ngày tháng ba này, ánh nắng chiếu lên bức tượng vàng trên đỉnh trụ: một bức tượng nữ thần có cánh, một tay cầm vòng nguyệt quế, tay kia cầm cây trượng chạm huân chương Chữ Thập Sắt. Nổi lên giữa vùng đất hoang tàn, không suy suyển mặc bom rơi đạn lạc, đó chính là biểu tượng thanh nhã, mảnh mai của Berlin – tượng đài Chiến thắng.

      Trên khắp thành phố vừa bị đột kích, còi báo động bắt đầu rền rĩ báo hiệu nguy hiểm đã qua. Cuộc tấn công thứ 314 của quân Đồng minh vào Berlin đã kết thúc. Trong những năm đầu của cuộc chiến, các cuộc tấn công xảy ra rời rạc, nhưng giờ thủ đô đang phải chịu dội bom gần như liên tục – quân Mỹ thả bom ban ngày, Không lực Hoàng gia thả bom ban đêm. Số liệu thiệt hại tăng lên từng giờ; vào thời nay chúng có thể khiến người ta choáng váng.

       Những vụ nổ đã xóa sổ hơn 10 dặm vuông ở những quận đã được xây dựng – gấp 10 lần phần diện tích bị phá hủy ở London trong trận Luffwaffe. Gần 85 triệu m3 gạch đá chất ngổn ngang trên đường phố - đủ tạo thành một ngọn núi cao hơn 300m. Gần một nửa trong số 1.562.000 người dân Berlin bị thương, và một phần ba nhà cửa bị hủy hoại hoàn toàn hoặc không thể ở được nữa, nhưng ít nhất 52.000 người chết và gấp đôi số đó bị thương nặng – gấp 5 lần số người chết và bị thương nặng trong trận đánh bom London. Berlin đã trở thành một Carthage (1) thứ hai – và cơn đau sau cùng vẫn còn chưa đến.

      Trong cái tiêu điều của sự tàn phá, cần nhận thấy rằng con người vẫn có thể sống sót – nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường đến điên rồ giữa đống hoang tàn. Mười hai nghìn cảnh sát vẫn thực hiện nhiệm vụ. Nhân viên bưu chính vẫn đưa thư; báo vẫn ra mỗi ngày; dịch vụ điện thoại và điện báo vẫn tiếp tục. Rác rến được thu gom. Một số rạp chiếu phim, nhà hát và thậm chí một phần sở thú bị tàn phá được mở cửa. Dàn nhạc giao hưởng Berlin đang dần kết thúc mùa biểu diễn.

      Các cửa hàng bách hóa khuyến mãi rầm rộ. Các tiệm bánh mì và tiệm ăn mở cửa mỗi sáng, và các tiệm giặt ủi, giặt khô, các salon làm đẹp cực đắt hàng. Xe điện ngầm và tàu lửa trên không vẫn chạy; một số nhà hàng và quán bar thời thượng không bị phá hủy thu hút lượng lớn khách đến. Và trên khắp mọi nẻo đường, tiếng rao lanh lảnh của những người bán hoa dạo nổi tiếng ở Berlin vẫn vang vọng như trong thời bình.

      Có lẽ đáng chú ý nhất là hơn 65% số nhà máy lớn của Berlin vẫn hoạt động bằng một cách nào đó. Gần 600.000 người có việc làm – nhưng giờ để đến được nhà máy là cả một vấn đề. Thường phải mất hàng giờ. Giao thông bị đình trệ, xe cộ chết máy, bị chậm và phải đi đường vòng. Hậu quả là người dân Berlin phải dậy sớm. Mọi người đều muốn đi làm đúng giờ bởi vì người Mỹ, vốn dậy sớm, thường “làm việc” với thành phố vào khoảng 9 giờ sáng.

      Vào sáng hôm nay, một ngày sáng sủa, trong 20 quận đầy ngổn ngang của thành phố, người dân Berlin tiến về phía trước như người tiền sử trong thời đồ đá. Họ túa ra từ đường hầm xe điện, từ những hầm trú ẩn dưới các tòa nhà công cộng, từ những căn hầm nằm dưới ngôi nhà thảm hại của mình. Dù họ hi vọng hay sợ điều gì, dù lòng trung thành hay niềm tin chính trị của họ nằm ở đâu, người dân Berlin đều có một điểm chung: họ là những người đã sống sót thêm một đêm nữa, để sống thêm một ngày khác.

      Có thể nói điều tương tự cũng đúng với đất nước này. Trong năm thứ sáu của WWII, nước Đức của Hitler đang liều mạng đánh để sống sót. Đế chế Đức đã kéo dài một thiên niên kỷ đang bị xâm lăng từ cả hai hướng đông và tây. Liên quân Anh-Mỹ đang càn quét sông Rhine vĩ đại, đã vượt qua phòng tuyến ở Remagen, và đang tiến về Berlin. Họ chỉ còn cách 300 dặm về phía tây. Bờ đông sông Oder còn cấp bách hơn, và rõ ràng là đáng sợ hơn, mối đe dọa đã thành hình. Quân Nga đứng đó, cách không đầy 50 dặm.

       Vào thứ tư ngày 21 tháng 3 năm 1945, ngày đầu tiên của mùa xuân. Sáng hôm đó, trên đài phát thanh toàn thành phố, người dân Berlin nghe bài hát mới nhất: “Đây sẽ là một mùa xuân vô tận.”

..................................... 
   - (1).Carthage là một đô thị cổ, thuộc Tuynisia ngày nay, từng phát triển rất huy hoàng, mở ra một nền văn minh Punic. Sau nhiều lần đem quân xâm lược các nước thù địch là Syracuse và La Mã. Carthage đã bị quân La Mã san bằng vào năm 146 trước Công nguyên. Sau đó người La Mã đã tái thiết lại thành phố (ND)
    
       2.
Về các mối nguy hiểm đang đe dọa mình, mỗi người dân Berlin phản ứng theo một cách riêng. Một số ngoan cố xem nhẹ hiểm họa, hi vọng rồi nó sẽ biến mất. Một số chờ đợi nó. Những người khác phản ứng trong sợ hãi hoặc giận dữ - và một số, tuyệt vọng khi đã bị dồn vào chân tường, lại dũng cảm ngẩng cao đầu đối mặt với số phận.

       Ở tây nam quận Zehlendorf, người giao sữa Richard Poganowskathwsc thức dậy lúc bình minh như thường lệ. Trong mấy năm qua, lịch làm việc hàng ngày của ông có vẻ khá đơn điệu. Giờ đây ông lại thấy biết ơn vì điều đó. Ông làm việc cho nông trại Domane Dahlem, đã có 300 năm hoạt động, nằm ở vùng ngoại ô Dahlem của quận Zehlendorf, cách trung tâm thủ đô có mấy dặm. Nếu là ở các thành phố khác, nơi sản xuất sữa nằm ở chỗ này sẽ bị xem là kỳ quặc, nhưng ở Berlin thì không.

       Một phần năm diện tích thành phố là các công viên và rừng cây, cùng với các hồ nước, kênh đào và suối. Dù vậy, Poganowska và các nhân công khác của nông trại Domane vẫn ước gì nông trại nằm ở chỗ nào khác, cách thành phố thật xa, tránh khỏi nguy hiểm và những trận đánh bom liên tục.

       Hôm qua, Poganowska cùng vợ ông, Lisbeth và ba đứa con lại tiếp tục qua đêm trong hầm của tòa nhà chính trên đường Konigin-Luise Strasse. Ngủ là một chuyện không tưởng, vì tiếng pháo cao xạ dồn dập và tiếng bom nổ. Như mọi người dân Berlin khác, người giao sữa 39 tuổi cao lớn cảm thấy hết sức mệt mỏi trong mấy ngày này.

      Ông không biết đêm qua thả bom ở đâu, nhưng ông biết không có quả nào rơi gần mấy chuồng bò lớn của nông trại Domane. Đám bò sữa quý giá vẫn an toàn. có vẻ như chẳng có gì có thể làm 200 con bò đó phải bận tâm. Giữa tiếng bom nổ và tiếng pháo cao xạ ầm vang, chúng vẫn kiên nhẫn đứng đó, yên lặng nhai lại, và diệu kỳ thay vẫn tiếp tục cho sữa. Poganowska luôn ngạc nhiên khi thấy thế.

       Rất buồn ngủ, ông chất sữa lên chiếc xe chở sữa màu nâu và lên chiếc rơ mooc, buộc hai con ngựa vào xe, con Lisa và con Hans màu lông cáo, còn chú chó pomeran Poldi lông xám thì ngồi chễm chệ bên cạnh ông, chuẩn bị lên đường. Xe chạy lộc cộc trên mặt sân rải sỏi, rồi ông rẽ phải vào đường Pacelli Allee và đi theo hướng bắc, về phía Schmargendorf. Lúc đó là sáu giờ sáng. Thường thì phải chín giờ tối ông mới xong việc.

       Mệt mỏi, thèm được ngủ, Poganowska vẫn không đánh mất tính thô lỗ hài hước của mình. Ông đã trở thành một hình mẫu đạo đức cho 1.200 khách hàng của mình. Tuyến đương giao sữa của ông nằm ở rìa của ba quận chính: Zehlendorf, Schöneberg và Wilmersdorf. Cả ba đều bị dội bom nặng nề; Schöneberg và Wilmersdorf, nằm gần trung tâm thành phố nhất, gần như bị xóa sổ. Chỉ riêng quận Wilmersdorf đã có hơn 36.000 ngôi nhà bị phá hủy, và gần một nửa trong số 340.000 người dân trong hai quận này trở thành vô gia cư. Trong hoàn cảnh đó, một gương mặt tươi cười thật hiếm thấy và đáng được chào mừng.

      Dù còn sớm, Poganowska vẫn thấy có người chờ ông ở mấy ngã tư. Những này này, mọi người phải xếp hàng khắp nơi - ở tiệm thịt, tiệm bánh mì, thậm chí là để lấy nước khi đường ống chính bị vỡ. Dù khách đang xếp hàng đợi, Poganowska vẫn rung một hồi chuông lớn, thông báo là ông đã tới. Ông bắt đầu làm thế từ hồi đầu năm, khi các cuộc công kích ban ngày tăng lên, làm ông không thể giao sửa đến từng nhà được nữa. Đối với các khách hàng của ông, tiếng chuông đã trở thành một biểu tượng, cũng giống như bản thân Poganowska.

       Sáng nay cũng không khác mấy. Poganowska chào khách và bắt đầu phát phần bơ sữa của họ. Ông đã quen mặt vài người trong số họ suốt gần chục năm nay, và họ biết ông có thể kiếm thêm cho họ một chút. Bằng cách tráo mấy tấm thẻ khẩu phần, Poganowska có thể kiếm thêm được chút sữa hoặc kem cho những dịp đặc biệt như lễ rửa tội hay đám cưới. Rõ ràng, như thế là bất hợp pháp và liều lĩnh – nhưng mọi người dân Berlin đều phải liều trong những ngày này.

       Càng ngày, các khách hàng của Poganowska càng mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng hơn. Chẳng mấy người nói chuyện về chiến tranh nữa. Chẳng ai biết chuyện gì đang diễn ra, và cũng chẳng ai có thể làm được gì trong chuyện này cả. Bên cạnh đó, đã có đủ mấy chuyện tầm xàm để nói. Poganowska không khuyến khích thảo luận tin tức. Bằng cách chìm trong công việc kéo dài 15 tiếng một ngày này và từ chối nghĩ về chiến tranh, ông cũng như hàng nghìn người dân Berlin khác, đã tự miễn dịch với nó.

       Giờ mỗi ngày Poganowska tìm kiếm những dấu hiệu chắc chắn giúp ông khỏi mất lòng tin. Ít nhất mấy con đường vẫn còn mở. không có rào chắn hay xe tăng mai phục trên các con đường chính, không có mấy mảnh pháo hay xe tăng bị chôn vùi, không có lính đóng ở các điểm trọng yếu. Không có gì cho thấy chính quyền e ngại quân Nga tấn công hay Berlin đang bị bao vây cả.

       Có một dấu hiệu nhỏ nhưng đáng chú ý khác. Mỗi sáng khi Poganowska đánh xe qua phường Friedenau, nơi có một vài vị khách nổi trội của ông sinh sống, ông liếc nhìn căn nhà của một đảng viên Nazi nổi tiếng, một quan chức có cỡ trong sở bưu điện Berlin. Qua các ô cửa sổ phòng khách, ông có thể thấy bức chân dung cỡ lớn lồng trong bộ khung thật to. Bức tranh Adolf Hitler lòe loẹt, toát lên vẻ kiêu căng hết sức, vẫn còn ở đó. Poganowska biết rõ kiểu cách của mấy vị quan chức của nền Đệ tam Quốc xã; nếu tình hình thật sự nghiêm trọng, chỗ thờ phụng ngài Quốc trưởng sẽ biến mất ngay.

       Ông khẽ giục mấy con ngựa và tiếp tục đi. Mặc cho mọi thứ ông thấy được, chẳng có lý do gì phải lo sợ quá mức.

       Không nơi nào trong thành phố có thể hoàn toàn thoát khỏi mấy trận đánh bom, trừ Spandau, quận lớn thứ hai Berlin và nằm ở cực tây, đã thoát được loại hình tấn công mà mọi người sợ nhất: đánh bom rải thảm. Hết đêm này qua đêm khác, dân trong quận đều chờ vụ đánh bom xảy ra. Họ rất ngạc nhiên là chẳng có đánh bom gì cả, trong khi Spandau là trung tâm công nghiệp quân sự to lớn của Berlin.

       Ngược lại với các quận trung tâm thành phố phải chịu 50 đến 70% tổn thất, Spandau chỉ bị hư hại 10% nhà cửa. Dù điều này có nghĩa là hơn 1000 căn nhà bị phả hủy hoặc không thể ở được nữa, xét theo tiêu chuẩn của những người dân Berlin đang phải chịu công kích dữ dội thì đó chỉ là một vết cắn ngưa ngứa mà thôi. Trong những vùng hoang tàn đen kịt vì bom ở các quận trung tâm lưu hành một câu bình luận độc địa: “Die Spandauer Zwerge kommen zuletzt in die Särge” – Bọn lùn Span-dauites sẽ là mấy thằng cuối cùng bước vào quan tài.

        Ở rìa phía tây Spandau, trong phường Staaken yên tĩnh như ở thôn quê, Robert và Ingeborg Kolb cảm thấy vô cùng biết ơn khi được sống trong một vùng nước lặng. Mấy quả bom duy nhất rơi gần chỗ này là mấy quả nhắm trượt sân bay gần đó – và thiệt hại cũng khá nhỏ. Căn nhà vữa hai tầng màu nâu - cam của họ, với hành lang bằng kính cùng thảm cỏ và khu vườn bao quanh, vẫn không hư hại gì. Cuộc sống tiếp diễn gần như bình thường – ngoại trừ một điều là Robert, vị giám đốc kỹ thuật 54 tuổi của một nhà máy in nhận thấy rằng việc đi tới chỗ làm ở trung tâm thành phố trở nên khó khăn hơn hẳn. Việc này có nghĩa là phải đi qua loạt đột kích ban ngày. Điều đó là mối lo thường trực của bà Ingeborg.

       Tối nay như thường lệ, gia đình nhà Kolb định nghe bản tin tiếng Đức của đài BBC, dù việc này đã bị cấm từ lâu.

      Họ đã theo dõi bước tiến của quân Đồng minh trên từng cây số từ cả phía đông và phía tây. Bây giờ, Hồng quân chỉ cần lái một chuyến xe buýt là tới được vùng ngoại ô phía đông thành phố. Thế nhưng, do bị bầu không khí thanh bình xung quanh ru ngủ, họ thấy mối đe dọa sắp xảy ra với thành phố là chuyện không tưởng, chiến tranh có vẻ quá xa xôi và không thực. Ông Robert Kolb tin rằng họ vẫn an toàn, còn bà Ingeborg thì tin ông luôn luôn đúng. Nói cho cùng, ông là một cựu chiến binh từ WWI. Ông Robert bảo đảm với bà, “Chiến tranh sẽ chỉ đi lướt qua chúng ta mà thôi.”

     Khá chắc chắn là dù có chuyện gì xảy ra họ cũng sẽ không bị ảnh hưởng gì, gia đình nhà Kolb bình tĩnh chờ đợi tương lai. Mùa xuân đã đến rồi, ông Robert đang phải quyết định sẽ mắc cái võng chỗ nào trong vườn. Bà Ingeborg có nhiều công việc nhà phải làm: bà định trồng rau bina, mùi tây, xà lách và khoai tây đầu mùa. Có một vấn đề lớn: bà nên trồng khoai tây đầu mùa vào đầu tháng 4 hay chờ qua tháng 5, khi thời tiết mùa xuân ổn định hơn?

                                          * * * * * * * * *
       Ở trụ sở đặt trong một ngôi nhà vữa ba tầng màu xám nằm ngoài ngoại ô Landsberg, cách sông Oder 25 dặm, Nguyên soái quân Liên Xô Georgi K. Zhukov ngồi bên bàn làm việc, cân nhắc một số kế hoạch của mình.

       Trên tường, một tấm bản đồ Berlin cỡ lớn vẽ chi tiết các hướng tấn công dự tính của Zhukov để đánh chiếm thành phố. Trên bàn làm việc đặt ba chiếc điện thoại dã chiến. Một chiếc dùng cho mục đích thông thường, một chiếc khác kết nối với người đồng nghiệp của ông: các Nguyên soái Konstantin Rokossovskii và Ivan Stepanovich Koniev, các vị tư lệnh của các đoàn quân lớn ở sườn phía bắc và phía nam quân của ông. Chiếc thứ ba nối trực tiếp tới Moscow và Tư lệnh Tối cao, Josef Stalin. Vị tư lệnh 49 tuổi có bộ ngực vạm vỡ của Mặt trận Belorussia Số một nói chuyện với Stalin hàng đêm, vào lúc 11 giờ, báo cáo lại tình hình tiến quân trong ngày.

       Vào lúc này, Zhukov đang băn khoăn không biết khi nào Stalin sẽ ra lệnh chiếm Berlin. Ông hi vọng mình vẫn còn thời gian. Có lúc Zhukov nghĩ mình có thể chiếm được thành phố ngay lập tức, nhưng ông chưa đủ sẵn sàng. Ông đã lập kế hoạch sẽ tấn công vào khoảng cuối tháng 4, dù chưa chắc chắn lắm. Nếu may mắn, ông nghĩ mình có thể tới được Berlin và giảm thiểu mọi sự chống cự trong vòng 10 đến 12 ngày. Người Đức sẽ chiến đấu chống lại ông trên từng tấc đất – ông nghĩ thế. Có lẽ bọn chúng sẽ chiến đấu dữ dội nhất ở phía tây thành phố. Ở đó có tuyến đường thoát hiểm duy nhất của lực lượng phòng vệ quân Đức, theo như ông thấy. Nhưng ông định tấn công chúng từ cả hai phía khi chúng cố thoát ra. Đến tuần đầu tiên của tháng 5, ông tính sẽ tàn sát hoàn toàn quận Spandau.

      Trên căn hộ ở tầng hai nằm trong quận Wilmersdorf của mình, Carl Johann Wiberg mở ô cửa chớp kiểu Pháp trong phòng khách, bước ra ngoài cái ban công nhỏ và liếc nhìn trời. Đứng bên cạnh ông là hai người bạn đồng hành quen thuộc: chú Otto và cô Effie, hai chú chó Dachshund màu nâu sậm đi lạch bạch. Chúng nhìn ông đầy vẻ trông đợi, chờ ông đưa đi dạo buổi sáng.

      Những ngày này ông Wiberg chẳng làm gì khác ngoài đi dạo. Người dân trong khu rất thích vị doanh nhân 49 tuổi người Thụy Điển này. Họ coi ông trước hết là một “người Berlin”, rồi mới tới là người Thụy Điển: ông đã không ròi khỏi thành phố như nhiều người ngoại quốc khác khi những trận đánh bom bắt đầu. Hơn nữa dù ông Wiberg chưa bao giờ than vãn về các rắc rối của mình, mấy người hàng xóm của ông biết ông đã gần như trắng tay. Vợ ông mất năm 1939. Các nhà máy keo dán của ông bị đánh bom phải ngừng hoạt động. Sau 30 năm làm một nhà doanh nghiệp nhỏ ở Berlin, ông chẳng còn lại gì ngoài hai con chó và căn hộ. Theo ý của mấy người hàng xóm, ông là một người tốt hơn cả một người Đức chân chính.

       Ông Wiberg nhìn xuống cậu Otto và cô Effie. Ông nói, “Đến lúc ra ngoài rồi.” Ông đóng cửa sổ và bước qua phòng khách vào phòng nghỉ nhỏ bên cạnh. Ông mặc chiếc áo bành tô được may đo đẹp đẽ rồi đội chiếc mũ mềm được đánh bóng cẩn thận. Ông mở ngăn kéo của chiếc bàn gỗ gụ bóng loáng, lấy ra một đôi găng tay da lộn, rồi ngây người một lúc, đứng ngắm một bức tranh in thạch bản lồng khung đặt trong ngăn kéo.

       Bức tranh in có màu sắc rực rỡ, hình một kỵ sĩ mặc giáp kín mít, cưỡi một con ngựa chiến màu trắng đang lồng lên. Cây giáo của kỵ sĩ gắn một dải cờ hiệu phấp phới. Qua tấm che mặt ở phần mũ áo giáp, ánh mắt kỵ sĩ thật dữ dội. Một lọn tóc rủ trước trán; người kỵ sĩ có đôi mắt sắc bén và hàng ria nhỏ màu đen. Trên lá cờ hiệu phấp phới là dòng chữ “Der Bannerträger”- Nhà lãnh đạo. Ông Wiberg chầm chậm đóng ngăn kéo. Ông giấu tấm tranh in vì những bài đả kích chế nhạo Hitler bị cấm trên toàn nước Đức. Nhưng ông Wiberg không muốn bỏ nó đi; bức biếm họa đó quá buồn cười, làm ông không nỡ vứt.

       Nắm xích của bọn chó, ông khóa cửa trước cẩn thận, rồi đi xuống hai dãy cầu thang và bước ra đường phố ngổn ngang gạch vụn. Ông ngã mũ chào mấy người hàng xóm sống gần căn hộ, và với mấy con chó dẫn đầu, ông đi dọc theo con đường, bước cẩn thận tranh mấy ổ gà. Ông không biết Der Bannerträger đang ở đâu khi kết cục đã cận kề. Ở Munich chăng? Ở ngôi biệt thự Eagle’s Nest của ông nằm trên dãy Berchtesgaden? Hay ở đây, ngay tại Berlin này? Có vẻ chẳng ai biết – dù điều đó cũng chả có gì là lạ. Nơi ở của Hitler luôn là một bí mật lớn.

        Sáng nay, ông Wiberg quyết định ghé qua quán bar ưa thích của mình, Harry’s Rosse ở số bảy đường Nestorstrasse – một trong số ít những quán còn mở cửa trong quận. Khách hàng của quán khá đa dạng: những nhân vật quan trọng của đảng Nazi, những viên chức người Đức, và một số ít doanh nhân. Ở đó luôn có những cuộc nói chuyện hay ho và người ta có thể hóng hớt được tin tức mới nhất – đêm qua bom nổ ở đâu, nhà máy nào bị trúng bom, Berlin đang chống chịu như thế nào. Ông Wiberg thích gặp mấy ông bạn già trong bầu không khí vui vẻ và ông cũng quan tâm đến mọi khía cạnh của cuộc chiến, nhất là tác động của những vụ đánh bom và đạo đức của người Đức.

      Ông đặc biệt muốn biết Hitler đang ở đâu. Khi băng qua đường, ông lại ngả mũ chào một người quen cũ. Mặc dù các câu hỏi đang dày đặc trong đầu ông, Wiberg biết một số chuyện có thể làm mấy người hàng xóm của ông kinh ngạc. Quý ngài Thụy Điển còn đậm chất Đức hơn cả dân Đức này còn là một thành viên của Phòng Chiến lược tối mật của Mỹ (Office of Strategic Services). Ông là một điệp viên của quân Đồng minh.

      Trong căn hộ tầng trệt ở Kreuzberg, nhà thần học Arthur Leckscheidt, linh mục dòng Phúc âm của nhà thờ Melanchthon, đang chìm trong đau khổ và tuyệt vọng. Nhà thờ Gothic có tháp đôi của ông đã bị phá hủy và giáo dân của ông tiêu tan cả. Qua cửa sổ, ông có thể thấy phần còn lại của nhà thờ. Mấy tuần trước nó bị trúng bom trực tiếp, và chỉ mấy phút sau đó, mấy quả bom lửa bốc cháy rừng rực. Mỗi lần nhìn nhà thờ ông lại thấy đau lòng không dứt. Vào lúc cao điểm của cuộc đột kích, mặc kệ an nguy của bản thân, Linh mục Leckscheidt chạy ào vào nhà thờ đang bốc cháy. Mặt sau nhà thờ và chiếc đàn organ lộng lẫy của nó vẫn chưa bị suy suyển. Chạy thật nhanh qua qua lới đi hẹp đến chỗ đặt cây đàn, ông chỉ có một ý nghĩ duy nhất: vĩnh biệt cây đàn organ thân yêu, vĩnh biệt nhà thờ của ông. Hát khe khẽ cho bản thân nghe với đôi mắt đầy lệ, nhà thần học dạo khúc đàn vĩnh biệt của mình. Khi bom nổ trên khắp Kreuzberg, bệnh nhân trong bệnh viện thành phố gần đó và người trú ẩn trong các căn hầm sát bên đã nghe thấy cây đàn organ Melanchthon ngân lên một thành thánh ca cổ, “From Deepest Need I Cry to Thee.”

      Bây giờ, ông đang nói tạm biệt theo kiểu khác. Trên bàn làm việc của ông là bức thảo một lá thư luân chuyển mà ông sẽ gửi cho nhiều giáo dân đã rời thành phố hoặc đang ở trong quân đội. Ông viết, “Dù chiến trận ở phía đông và phía tây khiến chúng ta căng thẳng, thủ đô của nước Đức vẫn luôn là trung tâm không kích… các con thân mến, các con có thể tưởng tượng xem, thần chết sắp kiếm được một vụ mùa bội thu rồi. Quan tài đã trở nên khan hiếm. Một phụ nữ nói với ta là bà ấy đã phải đổi cho người ta 20 pound mật ong để kiếm một cái mà chôn người chồng đã mất.”

      Ông Leckscheidt cũng giận dữ nữa. Ông viết “Không phải lúc nào các mục sư chúng ta cũng được gọi đến để chôn cất cho các nạn nhân bị không kích. Thông thường, Đảng sẽ chịu trách nhiệm lo việc tang ma mà không có lấy một mục sư… không có những lời của Chúa.” Và hết lần này đến lần khác trong thư, ông nhắc đến tình trạng bị tàn phá của thành phố. “Các con đã không thể tưởng tượng nổi Berlin bây giờ trông ra làm sao đâu. Những tòa nhà đẹp đẽ nhất đã sụp đổ thành đống gạch vụn… Chúng ta thường bị cắt gas, điện hoặc nước. Chúa giúp chúng ta tránh khỏi nạn đói! Hàng hóa chợ đen có giá trên trời.” Và ông kết lá thư với sự bi quan cay đắng: “Đây có lẽ là lá thư cuối cùng trong một thời gian dài sắp tới. Có lẽ chúng ta sẽ sớm bị cắt mọi hình thức liên lạc. Liệu chúng ta có gặp lại nhau được chăng? Tất cả đều tùy thuộc trong tay Chúa.”

       Đi lòng vòng có chủ đích trên các con đường ngổn ngang gạch đá ở Dahlem, một giáo sĩ khác, Cha Bernhard Happich, quyết định sẽ tự xử lý công chuyện. Ông đã lo lắng về một vấn đề nhạy cảm suốt nhiều tuần nay. Hết đêm này qua đêm khác, ông đã cầu nguyện được chỉ dẫn và suy ngẫm về con đường mà ông phải chọn. Bây giờ ông đã có quyết định.

       Người ta đang có rất cần sự phục vụ của các giáo sĩ, điều này đặc biệt đúng với Cha Happich. Vị tu sĩ 55 tuổi, người có tấm chứng minh thư mang con dấu “Tu sĩ dòng Tên: không phù hợp phục vụ cho quân sự” (những người Do Thái và những kẻ gây rối nguy hiểm khác cũng có một con dấu của Đảng Nazi giống như vậy), còn là một dược sĩ có trình độ cao. Một trong các chức trách của ông là Cha Giám Mục của Haus Dahlem, một trại trẻ mồ côi, bệnh viện phụ sản kiêm nhà nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi do các Nữ Tu Dòng Thánh Tâm điều hành. Chính Mẹ Bề trên Cunegundes và các giáo dân của bà đã mang rắc rối này đến cho ông, và khiến ông phải đưa ra quyết định.

       Cha Happich không ảo tưởng về đảng Nazi hay về cái kết chắc chắn của chiến tranh. Từ lâu ông đã quyết định rằng Hitler và mệnh lệnh mới tàn bạo của ông ta chính là tai họa mà vận mệnh đem lại. Giờ đây, cuộc khủng hoảng đang áp sát cực nhanh. Chuyện gì sẽ xảy đến với Dahlem và những vị xơ tốt bụng ở đó, vốn chưa trải việc đời?

       Với gương mặt nghiêm trọng, Cha Happich sải bước về nhà. Tòa nhà chỉ bị hư hại bề mặt và các xơ tin rằng những lời cầu nguyện của mình đã được Chúa nghe thấy. Cha Happich không phải là bất đồng ý kiến với họ, nhưng là một người thực tế, ông nghĩ rằng sự may mắn và xui xẻo của tay xạ kích mới là nguyên nhân.

      Khi đi qua tiền sảnh, ông nhìn lên bức tượng lớn, mặc trang phục màu xanh và vàng kim, tay giơ cao thanh kiếm – Thánh Michael, “Người hiệp sĩ của Chúa chiến đấu chống lại mọi quỷ dữ.” Các xơ rất có niềm tin vào Thánh Michael, và Cha Happich rất mừng là mình đã có quyết định. Như tất cả mọi người, ông đã nghe từ những người dân chạy nạn đã chạy trốn trước khi quân Nga tiến đến, về nỗi kinh hoàng đã xảy ra ở miền đông nước Đức. Ông chắc chắn là nhiều chuyện có lẽ đã được thổi phồng, nhưng có một số chuyện ông biết là thật. Cha Happich đã quyết định cần cảnh báo cho các xơ. Bây giờ ông cần chọn thời điểm thích hợp để nói cho họ, và trên hết, ông cần tìm lời lẽ phù hợp. Cha Happich rất lo lắng về việc đó. Làm sao bạn có thể nói với sáu mươi bà xơ cùng các phụ nữ không theo Giáo hội rằng họ đang phải chịu nguy cơ bị cưỡng hiếp?
      3.
       Nỗi sợ bị tấn công tình dục treo lơ lửng trên thành phố như một tấm vải phủ quan tài, vì sau gần sáu năm chiến tranh, Berlin giờ hầu như chỉ toàn phụ nữ.

         Thời đầu cuộc chiến, năm 1939, thủ đô có 4.321.000 cư dân. Nhưng những thương vong khổng lồ trong chiến tranh, lệnh tổng động viên cả đàn ông và phụ nữ cùng với cuộc tản cư tình nguyện của một triệu dân đến vùng nông thôn an toàn hơn vào năm 1943 – 1944 đã làm dân số giảm hơn một phần ba. Bây giờ, những người đàn ông duy nhất còn lại với số lượng đáng kể là trẻ em dưới 18 tuổi và người già trên 60. Nhóm nằm trong độ tuổi từ 18-30 tổng cộng không tới 100.000 người và phần lớn trong số đó được miễn quân dịch hoặc bị thương.

       Vào tháng 1/1945, dân số của thành phố được ước tính vào khoảng 2.900.000 người, nhưng giờ đây, vào giữa tháng ba, con số đó chắc chắc là quá cao so với thực tế. Sau 85 cuộc công kích trong không đầy 11 tuần và với hiểm họa bị bao vây đang phủ lên thành phố, hàng nghìn người đã ra đi. Chính quyền quân sự ước tính rằng dân số của Berlin giờ còn khoảng 2.700.000 người, trong đó hơn 2.000.000 người là nữ - và đó chỉ là phỏng đoán.

        Sở dĩ khó ước tính dân số thực là do làn sóng di dân khổng lồ từ những tỉnh miền đông bị Liên Xô chiếm đóng. Một số người ước tính số dân di cư đã lên đến 500.000 người. Buộc phải bỏ xứ ra đi, mang theo của cải trên lưng hoặc trên những chiếc xe ngựa hoặc xe đẩy, thường do gia súc kéo, những người chạy nạn làm tắc đường dẫn tới Berlin trong nhiều tháng liền.

       Phần lớn bọn họ không ở lại thành phố, mà tiếp tục đi về phía Tây. Nhưng theo gót chân họ, một kho chuyện kinh dị được kể lại; những câu chuyện mà họ đã trải qua lan rộng khắp Berlin như bệnh dịch, làm nhiều cư dân hoảng sợ.

        Những người chạy nạn kể về bọn xâm lăng tham lam, bạo lực và tràn đầy thù hận. Nhiều người tản cư từ những nơi xa như Ba Lan, hoặc từ những vùng bị chiếm đóng ở Đông Phổ, Pomerania và Silesia, xác nhận đầy cay đắng về kẻ thù không biết tha chết là gì.

       Thực sự thì, dân chạy nạn khẳng định, cơ quan tuyên truyền của Nga đang giục Hồng quân không được tha một ai. Họ nói đến một bản tuyên ngôn, được cho là do chính nhà tuyên truyền hàng đầu nước Nga, Ilya Ehrenburg đã viết, đang được truyền đến Hồng quân qua đài và qua truyền đơn.

       Bản tuyên ngôn viết, “Giết! Giết! Bọn Đức toàn là quỷ dữ!... Theo lời dạy của đồng chí Stalin. Nghiền nát bọn quái vật phát xít tại hang ổ của chúng một lần và mãi mãi! Dùng sức mạnh và đạp đổ lòng tự hào chủng tộc của bọn đàn bà Đức đó. Cứ xem chúng là chiến lợi phẩm hợp
pháp của các đồng chí. Giết! Hãy giết chúng trên đường hành quân! Hỡi những người lính hào hiệp của Hồng quân.” (*)

      (*) Lời dẫn của tác giả:

      Tôi chưa được xem truyền đơn của Ehrenburg. Nhưng nhiều người tôi phỏng vấn thì đã từng xem qua. Hơn thế nữa, nó được nhắc tới nhiều lần trong các tài liệu chính thức của Đức, các nhật ký chiến tranh và trong rất nhiều sự kiện lịch sử, phiên bản hoàn chỉnh nhất xuất hiện trong cuốn Hồi ký của đô đốc Doenitz, trang 179. Tôi không hề nghi ngờ rằng truyền đơn đó có tồn tại. Nhưng tôi thắc mắc không biết liệu phiên bản trên, được dịch từ tiếng Nga sang tiếng Đức, liệu có bị sai lệch cố ý hay không.

      Ehrenburg có viết những truyền đơn khác cũng kinh khủng như thế, như bất kỳ ai xem qua những bài viết của ông có thể thấy được, đặc biệt là những bài được Liên Xô chính thức xuất bản bằng tiếng Anh trong cuộc chiến, trên tờ Tin tức Chiến tranh Soviet, giai đoạn 1941-1945, tập 1-8. Chủ đề “GIết bọn Đức” của ông được lặp lại hết lần này tới lần khác – và rõ ràng là có sự chấp thuận hoàn toàn của Stalin. Vào ngày 14/4/1945, trong một bản in chưa từng có tiền lệ của tờ báo quân sự Soviet Sao Đỏ, ông chính thức bị bộ trưởng bộ tuyên truyền, Alexandrov, quở trách, ông viết: “Đồng chí Ehrenburg đang phóng đại…chúng ta không phải đang chiến đấu  chống lại nhân dân Đức, chỉ chống lại bọn phát xít trên thế giới.” Lời quở mắng đó sẽ là thảm họa đối với các nhà văn Soviet khác, nhưng không phải với Ehrenburg. Ông vẫn tiếp tục điệp khúc tuyên truyền “Giết bọn Đức” như thể chưa có gì xảy ra – và Stalin nhắm mắt cho qua. Trong tập 5 của cuốn hồi ký của mình, Nhân dân, Năm tháng và Cuộc đời, xuất bản tại Moscow năm 1963, Ehrenburg đã quên đi những gì mình đã viết trong chiến tranh. Ông viết ở trang 126: “Tôi đã nhấn mạnh trong rất nhiều bài viết rằng chúng ta không được phép, mà thực sự thì chúng ta không thể, săn đuổi người dân – rằng chúng ta là nhân dân Soviet, chứ không phải bọn phát xít.” Nhưng phải nói thế này: dù Ehrenburg đã viết gì, nó cũng không thể nào tệ hơn những gì do bộ trưởng bộ tuyên truyền của Nazi, Goebbels phát hành – một sự thật mà nhiều người Đức cũng đã thoải mái quên đi nốt.

       Dân chạy nạn kể lại rằng những đoàn quân đang tiến tới từ tiền tuyến rất kỷ luật và biết điều, nhưng những đoàn quân theo sau lại là một đám hèn hạ vô tổ chức. Bọn lính Hồng quân say xỉn điên loạn này giết chóc, cướp bóc và hãm hiếp. Họ khẳng định chắc nịch rẳng các vị tư lệnh Nga dường như bỏ qua hành vi của thuộc cấp. Ít nhất thì họ cũng chẳng làm gì để ngăn chặn lính của mình. Từ nông dân tới tầng lớp thượng lưu ai cũng kể giống nhau, và trong cơn lũ nạn dân, khắp nơi phụ nữ đều kể lại những câu chuyện rùng rợn về những vụ tấn công bạo lực – bị dí súng bắt cởi quần áo và rồi bị cưỡng hiếp hết lần này tới lần khác.

       Có mấy phần thật, mấy phần giả? Người dân Berlin không chắc lắm. Những người biết về tội ác và vô số vụ giết chóc mà quân SS của Đức đã gây ra ở Nga – và có hàng nghìn người biết – e là những câu chuyện đó là thật. Những người biết chuyện gì đã xảy ra với người Do Thái ở các khu trại tập trung – một khía cạnh mới mẻ và khủng khiếp của Chủ nghĩa xã hội Quốc gia mà thế giới tự do vẫn chưa được biết – cũng tin lời dân chạy nạn.

       Những người dân Berlin am tường này tin rằng kẻ áp bức giờ thành người bị áp bức, rằng bánh xe báo thù đã quay đủ một vòng. Nhiều người biết quy mô tội ác mà nền Đệ tam Quốc xã đã gây ra cảm thấy chẳng còn cơ hội nào. Các quan chức cao cấp và các thành viên cao cấp của đảng Nazi đã lặng lẽ đưa gia đình ra khỏi Berlin hoặc đang trong quá trình làm vậy.

        Những kẻ cuồng tín vẫn ở lại, và những thường dân Berlin, vốn không được chia sẻ nhiều thông tin và không biết tình hình thực tế, cũng ở lại.

        Họ không thể hoặc không định ra đi. Erna Saenger, một bà nội trợ 65 tuổi và là mẹ của sáu đứa con, viết trong nhật ký: “Ôi nước Đức, nước Đức, Tổ quốc của tôi. Niềm tin đem lại sự thất vọng. Tin tưởng chân thành đồng nghĩa với ngu ngốc và mù quáng…nhưng…chúng tôi sẽ ở lại Berlin. Nếu ai cũng ra đi như những người hàng xóm thì quân thù sẽ có được những gì chúng muốn. Không – chúng tôi không muốn thất bại kiểu đó.”

       Rất ít người Berlin có thể nói rằng mình không hay biết gì về tình hình nguy hiểm. Gần như ai ai cũng nghe chuyện. Một cặp vợ chồng sống ở Kreuzberg, Hugo và Edith Neumann, đã được báo tin bằng điện thoại. Mấy người họ hàng sống trong vùng bị Nga chiếm đóng đã liều mạng cảnh báo vợ chồng Neumann trước khi mọi liên lạc bị cắt đứt không lâu, rằng quân xâm lược đang cưỡng hiếp, giết chóc và cướp bóc không chùn tay. Nhưng vợ chồng Neumann vẫn ở lại. Nhà máy điện của ông Hugo vừa bị trúng bom, nhưng bỏ nó lại là chuyện không thể nào.

        Những người khác chọn cách bỏ ngoài tai các câu chuyện, vì những lời tuyên truyền, dù do dân chạy nạn loan truyền, hay do chính quyền khởi xướng, đều chẳng còn mấy ý nghĩa với họ nữa. Từ lúc Hitler ra lệnh vô cớ xâm lăng nước Nga năm 1941, tất cả người dân Đức đều liên tục bị nhồi những lời tuyên truyền đầy thù hận. Người Liên Xô bị tô vẽ thành những kẻ man rợ chẳng giống người. Khi thế cờ thay đổi và quân Đức buộc phải rút lui trên mọi mặt trận ở Nga, Tiến sĩ Joseph Goebbels, ngài bộ trưởng bộ tuyên truyền bị tật ở chân càng tăng cường nỗ lực hơn nữa – đặc biệt là ở Berlin.
        Trợ lý của Goebbels, Tiến sĩ Werner Naumann, từng riêng tư thừa nhận, “Về việc thêm thắt rằng quân Nga đáng sợ ra sao, rằng chúng sẽ gây ra những gì cho người dân Berlin, cơ quan tuyên truyền của chúng tôi đã thành công tới mức chúng tôi đã khiến người dân Berlin chỉ còn biết sợ hãi. Đến cuối năm 1944, Naumann cảm thấy là: “Chúng tôi đã làm quá tay – lời tuyên truyền giờ lại thành gậy ông đập lưng ông.”

       Bây giờ giọng điệu của bài tuyên truyền đã thay đổi. Khi đế chế của Hitler đang bị xén từng mảnh một, khi Berlin bị tàn phá từng khu nhà một, Goebbels bắt đầu đổi từ gieo rắc sợ hãi sang cam đoan; giờ mọi người được nghe rằng chiến thắng đã cận kề. Tất cả những gì Goebbels làm được là tạo cho người dân thành thị Berlin một bức tranh kỳ quặc, một câu chuyện hài đáng sợ. Nó giống như một cái bĩu môi tập thể dành cho bản thân họ, cho lãnh đạo của họ và cho cả thế giới.

        Dân Berlin nhanh chóng sửa khẩu hiệu của Goebbels, “Quốc trưởng ra lệnh, chúng ta theo sau,” thành “Quốc trưởng ra lệnh, chúng ta gánh chịu những gì theo sau.” Khi vị bộ trưởng bộ tuyên truyền hứa hẹn về chiến thắng cuối cùng, những kẻ bất kính trang trọng giục mọi người “Tận hưởng chiến tranh đi, hòa bình sẽ rất khủng khiếp.”

       Trong bầu không khí gần như kinh hoàng do lời kể của dân chạy nạn tạo ra, sự thật và nguyên do bị bóp méo khi lời đồn lan đi. Những câu chuyện về mọi loại tội ác lan truyền khắp thành phố. Người Nga được miêu tả như dân Mông Cổ mắt xếch tàn sát phụ nữ và trẻ em trong tầm mắt. Người ta đồn các giáo sĩ bị thiêu sống bằng súng phun lửa; các nữ tu bị cưỡng hiếp và phải thoát y đi ngoài đường; phụ nữ phải đi theo đoàn quân và toàn bộ đàn ông bị bắt tới Siberia làm nô lệ. Thậm chí còn có một bản tin trên đài nói rằng quân Nga đóng đinh
ghim lưỡi của các nạn nhân lên bàn. Những người ít bị ảnh hưởng thấy các câu chuyện quá khó tin.

        Những người khác thì biết rõ những gì sắp xảy ra. Bác sĩ Anne Marie Durand-Wever, tốt nghiệp đại học Chicago và là một trong những bác sĩ phụ khoa nổi tiếng nhất châu Âu, ngồi trong phòng khám tư ở Schöneberg của mình, bà biết sự thật là gì. Vị bác sĩ 55 tuổi, nổi tiếng với quan điểm chống Nazi (bà là tác giả nhiều cuốn sách đòi nữ quyền, bình đẳng giới và kế hoạch hóa sinh đẻ - tất cả đều bị đảng Nazi cấm), đang giục bệnh nhân rời khỏi Berlin. Bà đã khám cho nhiều phụ nữ chạy nạn và kết luận rằng, có một điều là những câu chuyện về tấn công tình dục đã được nói giảm đi nhiều.

       Bác sĩ Durand-Wever định ở lại Berlin, nhưng giờ bà luôn mang theo một viên thuốc cyanua nhỏ, tác dụng nhanh bên mình dù có đi đâu. Sau bao nhiêu năm làm bác sĩ, bà không chắc mình có thể tự tử được không. Nhưng bà vẫn để viên thuốc trong ví – vì nếu quân Nga chiếm được Berlin bà nghĩ nữ giới từ 8 cho tới 80 tuổi đều sẽ bị cưỡng hiếp.

        Bác sĩ Margot Sauerbruch cũng đang chờ đợi điều tồi tệ nhất. Bà làm việc cùng chồng, giáo sư Ferdinand Sauerbruch, bác sĩ phẫu thuật xuất sắc nhất nước Đức, tại bệnh viện lớn nhất và lâu đời nhất Berlin, bệnh viện Charité ở quận Mitte. Vì có quy mô lớn cũng như vị trí nằm gần ga xe lửa, bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp thương vong nặng nhất của dân chạy nạn. Sau khi tự khám cho các nạn nhân, bác sĩ Sauerbruch không còn ảo tưởng gì về sự tàn bạo của Hồng quân khi chúng phát cuồng lên. Bà biết rằng những vụ cưỡng hiếp chắc chắn không phải là lời đồn đại.

        Margot Sauerbruch khiếp sợ trước con số nạn dân định tự tử - kể cả rất đông phụ nữ vẫn chưa bị quấy rối hay xâm hại. Kinh hoàng trước những gì tai nghe mắt thấy, nhiều người đã cắt cổ tay. Một số thậm chí còn cố giết con mình. Không ai biết được bao nhiêu trong số họ đã thành công kết liễu sinh mạng của mình – bác sĩ Sauerbruch chỉ gặp được những người đã thất bại – nhưng rõ ràng là một làn sóng tự tử sẽ xảy ra ở Berlin nếu quân Nga chiếm được thành phố.

       Đa phần các bác sĩ khác cũng đồng tình với quan điểm này. Ở Wilmersdorf, bác sĩ ngoại khoa Gunther Lamprecht viết trong nhật ký “chủ đề chính – ngay cả giữa các bác sĩ – là cách tự tử. Các cuộc nói chuyện kiểu này ngày càng khó chịu đựng nổi.”

        Điều đó còn hơn là hội thoại đơn thuần nữa. Kế hoạch tìm đến cái chết đã sẵn sàng thực hiện. Ở khắp các quận, các bác sĩ bị bao vây bởi bệnh nhân và bạn bè, hỏi họ cách tự tử nhanh chóng và hỏi xin toa thuốc độc. Khi các bác sĩ từ chối giúp, mọi người lại quay qua những người bán thuốc. Bị kẹt trong làn sóng sợ hãi, hàng nghìn người dân Berlin quẫn trí đã quyết định sẽ chết bằng mọi giá còn hơn nộp mạng cho Hồng quân.

      Christa Meunier, 20 tuổi, nói riêng với bạn mình là Juliane Bochnik rằng, “Ngay khi thấy đôi ủng Nga đầu tiên, mình sẽ tự tử ngay.”

       Christa đã chuẩn bị sẵn thuốc độc. Cô bạn của Juliane là Rosie Hoffman và ba mẹ cô ấy cũng vậy. Gia đình Hoffman đã chán nản đến tột cùng và chẳng hề trông đợi vào lòng nhân từ của quân Nga. Dù lúc đó Juliane không biết rằng, gia đình Hoffman có liên quan tới Thống chế Heinrich Himmler, người đứng đầu Gestapo và lực lượng SS, người chịu trách nhiệm cho hàng triệu cái chết trong các trại tập trung.

      Thuốc độc – nhất là cyanua – là cách tự tử được ưa chuộng. Một loại viên nhộng có tên là viên “KCB”, đang có nhu cầu rất lớn. Hợp chất hydrocyanic cô đặc này mạnh tới mức cái chết sẽ đến ngay trong khảnh khắc – ngay cả mùi của nó cũng có thể gây chết người. Với tính lo xa của người Đức, một số cơ quan chính phủ đã sản xuất một lượng lớn thuốc ở Berlin.

       Các thành viên của đảng Nazi, các quan chức cao cấp, những người đứng đầu các cơ quan nhà nước và thậm chí cả những công chức cấp thấp hơn có thể kiếm được thuốc độc cho bản thân, gia đình và bạn bè họ mà chẳng mấy khó khăn. Các bác sĩ, người bán thuốc, nha sĩ và nhân viên nhà máy cũng có thể tiếp cận với các loại thuốc viên hoặc thuốc con nhộng. Một số họ thậm chí còn làm tăng hiệu lực của thuốc. Bác sĩ Rudolf Huckel, giáo sư khoa bệnh lý học ở đại học Berlin và là nhà bệnh lý học về ung thư nổi tiếng nhất thành phố, đã thêm axit acetic vào viên nhộng cyanua của mình và vợ. Ông bảo đảm với bà là khi họ cần dùng đến, axit acetic sẽ làm chất độc phát tác nhanh hơn.

       Một số người dân Berlin, không thể tìm được cyanua tác dụng nhanh, bắt đầu tích trữ thuốc ngủ hoặc các dẫn xuất của cyanua. Diễn viên hài Heinz Ruhmann, thường được gọi là “Danny Kaye của nước Đức”, lo sợ cho tương lai của người vợ xinh đẹp là diễn viên Hertha Feiler và đứa con trai bé nhỏ của hai người đến mức ông đã giấu một lọ thuốc chuột trong bình hoa, phòng khi cần.

       Cựu đại sứ của Nazi tại Tây Ban Nha, trung tướng đã về hưu Wilhelm Faupel, định độc chết mình và vợ bằng cách dùng thuốc quá liều. Viên tướng này bị bệnh tim. Những khi lên cơn, ông dùng một liều thuốc kích thích có chứa mao địa hoàng. Ông Faupel biết là dùng thuốc quá liều sẽ khiến tim ngừng đập và nhanh chóng kết thúc mọi chuyện. Ông thậm chí còn để dành thuốc đủ cho mấy người bạn.

        Với những người khác, một viên đạn nhanh gọn có vẻ là cái kết tốt nhất và dũng cảm nhất. Nhưng một số phụ nữ, đông đến kinh ngạc, đa phần ở tuổi trung niên, lại chọn cách đẫm máu nhất – dùng dao cạo. Trong gia đình Ketzler ở Charlottenburg, bà Gertrud, 42 tuổi, bình thường là một phụ nữ vui vẻ, giờ luôn mang theo một lưỡi dao cạo trong ví – cũng giống chị gái và mẹ chồng của bà. Bạn của bà Gertrud, Inge Ruhling, cũng có một lưỡi dao cạo, và hai người phụ nữ lo lắng thảo luận cách nào để chết hiệu quả hơn – cắt ngang cổ tay hay rạch theo chiều dọc động mạch.

       Luôn luôn có một cơ hội sẽ khiến người ta không cần thực hiện các biện pháp quyết liệt ấy. Phần lớn người dân Berlin vẫn trông chờ vào một tia hi vọng cuối cùng. Quá khiếp sợ Hồng quân, phần đông dân cư, nhất là phụ nữ, mãnh liệt mong rẳng liên quân Anh-Mỹ sẽ chiếm được Berlin.

                                                                     * * * * * * * * *
         Đã gần trưa. Đằng sau phòng tuyến của quân Nga, ở thành phố Bromberg, đội trưởng Sergei Ivanovich Golbov mở đôi mắt lờ đờ nhìn quanh căn phòng khách rộng lớn xa hoa trong căn hộ nằm ở tầng ba mà anh và hai đồng đội Hồng quân khác vừa mới “giải phóng” . Golbov và hai người đồng đội đang vui vẻ say sưa. Hàng ngày, họ lái xe từ trụ sở ở Bromberg đến mặt trận cách đó 90 dặm để nhận tin tức, nhưng vào lúc này mọi thứ quá yên tĩnh; chả có gì nhiều mà báo cáo cho tới khi cuộc tấn công Berlin bắt đầu. Trong lúc đó, sau nhiều tháng lăn lộn ngoài chiến trường, anh chàng Golbov 25 tuổi đẹp trai đang hết sức vui vẻ.

      Cầm chai rượu trong tay, anh đứng đó ngắm nhìn đồ nội thất sang trọng. Anh chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì giống vậy. Những bức tranh nặng nề đóng trong khung bằng vàng tô điểm các bức tường. Cửa sổ có rèm viền sa tanh. Đồ nội thất được phu vải thêu kim tuyến đắt tiền. Sàn nhà trải thảm Thổ Nhĩ Kỳ dày cộp, và những chùm đèn treo to đùng treo trên phòng khách và phòng ăn ở bên cạnh. Golbov khá chắc chắn rằng căn hộ này hẳn phải thuộc về một gã Nazi cao cấp.

       Có một cánh cửa nhỏ để khép hờ ở cuối phòng khách. Golbov đẩy cửa ra và thấy đó là phòng tắm. Một đảng viên Nazi mặc đồng phục đầy đủ đã treo cổ bằng một sợi dây thừng móc lên tường. Golboz nhìn lướt qua cái xác. Anh đã thấy hàng nghìn xác chết của dân Đức, nhưng cái xác chết treo này có vẻ lố bịch. Golbov gọi đồng đội đến, nhưng họ đang vui vẻ quá mức trong phòng ăn nên chẳng thể đáp lời. Họ đang ném mấy món đồ pha lê của Đức và Venice lên chùm đèn treo – và ném vào nhau.

        Golbov quay trở lại phòng khách, định ngồi xuống cái ghế sofa dài nằm ở đằng kia – nhưng giờ anh thấy nó đã có người chiếm chỗ. Một xác chết phụ nữ, mặc bộ đầm dài kiểu Hy Lạp có tua rua quanh eo, nằm dài trên ghế. Cô còn khá trẻ, và đã chuẩn bị cho cái chết khá cẩn thận. Tóc cô được thắt bím và để trên vai. Đôi tay chắp trước ngực. Hớp một ngụm, Golbov ngồi xuống một cái ghế bành và ngắm cô. Đằng sau anh, tiếng cười và tiếng thủy tinh vỡ trong phòng ăn vẫn tiếp tục vang lên. Cô gái này có lẽ mới ngoài đôi mươi, và Golbov đoán có thể là cô đã uống thuốc độc, đôi môi cô tái xanh.

       Đằng sau chiếc sofa nơi cô nằm là một cá bàn có để mấy khung ảnh bằng bạc – bọn trẻ đang mỉm cười cùng với một đôi vợ chồng trẻ, có lẽ là ba mẹ chúng, và một cặp vợ chồng già. Golbov nghĩ về gia đình mình.

      Khi Leningrad bị bao vây, ba mẹ anh, sắp chết đói tới nơi, đã cố nấu súp từ một loại dầu công nghiệp. Nó giết chết cả hai người họ. Một người anh trai bị giết từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến. Người còn lại, Mikhail 34 tuổi, một thủ lĩnh dân quân, đã bị bọn SS bắt, bị trói vào cột và đem thiêu sống. Cô gái nằm trên sofa này đã chết khá yên bình, Golbov nghĩ. Anh nốc một ngụm lớn, bước lên sofa và túm lấy cái xác. Anh bước tới ô cửa sổ đang đóng. Đằng sau anh, giữa tiếng cười chói tai, chùm đèn treo trong phòng ăn rớt xuống đất đánh rầm một tiếng. Golbov làm vỡ khá nhiều kính khi anh quăng cái xác của cô gái thẳng qua cửa sổ.
      4.
      Hầu như ngày nào người dân Berlin cũng muốn đấm bọn thả bom, thường xuyên phải đau lòng khi gia đình, người thân hoặc bạn bè đã qua đời trong các cuộc không kích hoặc hy sinh ngoài chiến trường, giờ họ nói về người Anh và người Mỹ đầy nồng nhiệt, xem đó là “giải phóng quân” chứ không phải bọn xâm lăng. Đó là một trạng thái đối lập kỳ lạ và suy nghĩ này dẫn tới nhiều kết quả khiến người ta phải tò mò.

        Maria Kockler, người dân quận Charlottenburg, không muốn tin là người Anh và người Mỹ sẽ để Berlin rơi vào tay người Nga. Bà thậm chí còn muốn hỗ trợ quân Đồng minh phương Tây. Bà nội trợ 45 tuổi có mái tóc muối tiêu nói với bạn bè rằng bà “sẵn sàng ra ngoài và chiến đấu chống lại Hồng quân cho tới khi ‘những người bạn’ đến được đây.”

        Nhiều người Berlin chống lại nỗi sợ bằng cách nghe đài BBC và ghi chép lại từng diễn biến của cuộc chiến ở mặt trận phía Tây đang tan tành tới nơi – như thể đang dõi theo bước tiến của một đoàn quân Đức thắng trận đang trên đường giải phóng Berlin.

        Giữa những đợt không kích, hàng đêm cô kế toán Margarete Schwarz ở với mấy người hàng xóm, tỉ mỉ dự tính đà tiến quân của liên quân Anh-Mỹ qua miền tây nước Đức. Với cô, đoàn quân tiến thêm một dặm có nghĩa là giải phóng gần thêm một bước. Liese-Lotte Ravene cũng nghĩ vậy. Cô dành hầu hết thời gian ở lì trong căn hộ chất đầy sách của mình ở Tempelhof để cẩn thận đánh dấu bước tiến mới nhất của quân Mỹ lên một tấm bản đồ lớn rồi mãnh liệt mong những người bạn mau đến. Cô Ravene không muốn nghĩ tới chuyện gì có thể xảy ra nếu quân Nga đến trước. Cô là một người tàn tật một nửa – với mấy chiếc vòng thép đặt quanh hông và chạy dài dọc chân phải.

        Hàng nghìn người chắc chắn rằng những người bạn sẽ đến được Berlin trước. Niềm tin của họ có vẻ hơi trẻ con – mơ hồ không rõ ràng. Cô Annemaria Huckel, có chồng là bác sĩ, bắt đầu xé mấy lá cờ Nazi cũ để dùng làm băng cứu thương cho cuộc chiến vĩ đại mà cô mong sẽ xảy ra vào cái ngày quân Mỹ đến. Brigite Weber, 20 tuổi, người dân quận Charlottenburg, một cô vợ trẻ vừa kết hôn được 3 tháng, chắc chắn rằng quân Mỹ đang đến và cô nghĩ mình biết họ định sống ở đâu. Brigite nghe nói là người Mỹ có mức sống cao và thích những thứ đồ tốt. Cô dám cá họ đã cẩn thận chọn quận Nikolassee giàu có.

        Hầu như chả có quả bom nào rơi xuống đó. Những người khác, dù hy vọng điều tốt đẹp nhất, nhưng vẫn chuẩn bị cho cái tồi tệ nhất. Pia van Hoeven, bằng một cái đầu tỉnh táo, cùng với mấy người bạn của cô là Ruby và Eberhard Borgmann đã miễn cưỡng đưa ra kết luận rằng chỉ có phép màu mới ngăn quân Nga không tới được Berlin trước.Vì thế, họ nhảy cẫng lên khi được Heinrich Schelle, một người bạn thân vui tính có đôi má béo phệ mời tới ở cùng cả nhà anh khi cuộc chiến chiếm thành phố bắt đầu. Schelle quản lý nhà hàng Gruban-Souchay, một trong những quán rượu và nhà hàng nổi tiếng nhất Berlin, nằm ở tầng trệt bên dưới căn hộ của gia đình Borgmann. Anh đã biến một căn hầm của mình thành một chỗ trú ẩn lộng lẫy, trang bị thảm trải sàn kiểu phương Đông, quần áo và đồ dự trữ để cầm cự trong cuộc bao vây. Thức ăn chẳng có gì ngoài khoai tây và cá ngừ hộp, nhưng lại có cả đống rượu của Pháp và Đức thuộc hàng ngon và hiếm nhất trong hầm rượu bên cạnh – chưa kể rượu cognac Hennessy và hàng lốc thùng sâm banh. Anh nói với họ, “Trong khi chúng ta chờ đợi Chúa biết chuyện gì, ít ra ta vẫn có thể sống thoải mái.” Rồi anh thêm: “Nếu hết nước thì còn có sâm banh.

       Bà Biddy Jungmittag, 41 tuổi và là mẹ của hai đứa con gái, nghĩ rằng những gì người ta nói về chuyện người Anh và người Mỹ sắp tới thật là “quá sức nhảm nhí” – nguyên văn lời bà nói. Sinh ra ở Anh rồi kết hôn với một người Đức, bà biết đảng Nazi quá rõ. Chồng bà bị tình nghi là thành viên của một nhóm kháng chiến người Đức, đã bị xử tử 5 tháng trước. Bà nghĩ đảng Nazi sẽ chiến đấu dữ dội chống lại quân Đồng minh phương Tây cũng như chống lại quân Nga, và chỉ cần liếc qua bản đồ là đủ thấy khả năng quân Anh-Mỹ đến được Berlin trước thấp hơn hẳn quân Nga. Nhưng dù Hồng quân sắp đến thì bà Biddy cũng không quá lo sợ. Họ sẽ không dám đụng tới bà. Theo lối suy nghĩ tinh tế của người Anh, bà Biddy định cho những người Nga đầu tiên bà gặp xem tấm hộ chiếu quốc tịch Anh cũ của mình.

       Có những người thấy không cần dùng giấy tờ để bảo vệ mình. Họ không chỉ nghĩ rằng quân Nga sẽ đến mà họ đang mong chờ được chào mừng quân Nga. Đó sẽ là khoảnh khắc ước ao mà những nhóm nhỏ người Đức đã hoạt động và lên kế hoạch suốt cuộc đời mình để biến giấc mơ thành hiện thực. Bị Gestapo và hình cảnh truy lùng và tấn công liên tục, một vài phần tử cứng cựa vẫn sống sót bằng cách nào đó. Đảng Cộng sản Đức và những người ủng hộ đang chờ vị cứu tinh từ phương Đông đến trong tâm trạng phấn khởi.

       Dù hết lòng muốn lật đổ chủ nghĩa Hitler, những người cộng sản ở Berlin bị phân tán quá mức nên hiệu quả hoạt động của họ - đối với quân Đồng minh phương Tây, ở mức độ nào đó – là rất nhỏ. Tổ chức Cộng sản bí mật quả thật có tồn tại, nhưng chỉ nhận lệnh từ Moscow và hoạt động trong mạng lưới tình báo Soviet.

        Hildegard và Eddy đã sống chung từ năm 1939. Họ đã sống bí mật ở Prieros trong gần 10 tháng. Hildegard nằm trong danh sách truy nã của Nazi, nhưng cô đánh lừa được Gestapo hết lần này đến lần khác. Vấn đề lớn nhất của cô, cũng giống như những người cộng sản khác trong vùng, là thực phẩm. Kiếm được tem phiếu khẩu phần cũng có nghĩa là bị lộ và bị bắt ngay lập tức. Thật may là Eddy dù là một người ủng hộ cộng sản nhưng lại không bị truy nã và có khẩu phần quy định hàng tuần.
       Nhưng khẩu phần đạm bạc ấy còn chẳng đủ cho một người ăn (Tờ báo chính thức của đảng Nazi, tờ Völkischer Beobachter, đăng rằng khẩu phần một tuần của người lớn là 4,25 pound bánh mì; 2 pound thịt và xúc xích; 5 ounce mỡ; 5 ounce đường; và mỗi 3 tuần có 2,25 ounce phô mai và nửa ounce cà phê loại hai). Thông thường, hai người phụ nữ có thể kiếm đủ đồ ăn bằng cách mua bán thận trọng từ chợ đen,nhưng giá cả cực kỳ cắt cổ - chỉ riêng cà phê đã có giá 100 đến 200 đô-la một pound. Hildegard luôn bận tâm với hai ý nghĩ thường trực: Thực phẩm và Hồng quân đến giải phóng. Nhưng chờ đợi thật khó khăn, chỉ sống sót không thôi cũng ngày càng khó hơn trong những tháng qua – như cô ghi lại trong nhật ký một cách có hệ thống.

        Ngày 13/2/1945, cô viết: “Đã đến lúc quân Nga cần đến đây ngay… bọn chó săn vẫn chưa bắt được tôi.”

       Ngày 18/2: “Không có báo cáo nào từ Zhukov về mặt trận Berlin kể từ ngày 7/2 và chúng tôi đang rất mong chờ họ đến. Đến đây mau lên, các đồng chí, các bạn đến đây càng sớm thì chiến tranh càng nhanh kết thúc.”

       Ngày 24/2: “Hôm nay đến Berlin. Uống cà phê trong bình thủy; một miếng bánh mì khô. Có ba người đàn ông cứ nhìn tôi nghi ngờ trong suốt chuyến đi. Thật dễ chịu khi có Eddy bên cạnh. Chẳng kiếm được gì để ăn nữa. Eddy đã đi nhận thuốc lá bằng tấm tem phiếu mua được ngoài chợ đen – được 10 điếu thuốc lá. Trong cửa hàng còn không đủ, nên cô ấy nhận được năm điếu. Cô ấy hi vọng có thể đổi một chiếc áo đầm lụa và hai đôi tất dài lấy thứ gì dùng được. Nhưng chẳng ích gì. Đến bánh mì chợ đen cũng không còn nữa.”

         Ngày 25/2: “Đã hết ba điếu thuốc lá. Vẫn chưa có liên lạc gì từ Zhukov. Cả Koniev cũng không.”

        Ngày 27/2: “Tôi bắt đầu lo lắng vì phải chờ đợi thế này. Một người đang làm việc trong lo lắng mà lại bị nhốt ở đây thì thật là tai họa.”

        Ngày 19/3: “Một bữa trưa tuyệt vời – khoai tây với muối. Bữa tối ăn bánh kếp khoai tây chiên bằng dầu gan cá tuyết. Vị không cay lắm.”

        Bây giờ, vào ngày đầu tiên của mùa xuân, Hildegard vẫn đang chờ đợi và nhật ký của cô viết rằng “gần phát điên vì chuyện kiếm đồ ăn.” Vẫn chẳng có báo cáo gì từ mặt trận của quân Nga. Tất cả những chuyện cô có thể tìm để viết vào nhật ký là “những cơn gió đang xua mùa đông đi khỏi những cánh đồng và bãi cỏ. Hoa giọt tuyết đang ra bông. Mặt trời tỏa nắng rực rỡ và khí trời thật ấm áp. Những cuộc không kích thường lệ… qua tiếng nổ, có thể đoán là máy bay đang đến gần chỗ chúng tôi.”

        Và sau đó cô nhận thấy quân Đồng minh phương Tây đang ở bên bờ sông Rhine và theo như cô đoán, có thể “tới được Berlin trong vòng 20 ngày,” cô cay đắng viết rằng người dân Berlin “mong những kẻ đến từ các nước tư bản đến hơn.” Cô hi vọng là người Nga sẽ nhanh chóng đến, và Zhukov sẽ tấn công vào lễ Phục Sinh.

        Cách Prieros khoảng 25 dặm về phía bắc, ở Neuenhagen thuộc rìa phía đông Berlin, một nhóm Cộng sản khác đang chờ đợi trong kiên định. Những thành viên của nó cũng đang sống trong nỗi lo sợ thường trực về việc bắt bớ và chết chóc, nhưng họ giỏi chiến đấu và được tổ chức tốt hơn những người đồng chí ở Prieros, và họ còn may mắn hơn nữa: họ chỉ cách sông Oder có 35 dặm và biết rằng nơi họ ở sẽ là một trong những quận đầu tiên bị chiếm.

        Những thành viên trong nhóm đã làm việc hàng đêm ngay trước mũi Gestapo để chuẩn bị một kế hoạch hoàn hảo cho ngày giải phóng. Họ biết tên và nơi ở của mọi đảng viên Nazi, quan chức SS và Gestapo trong vùng. Họ biết ai sẽ hợp tác còn ai thì không. Một số người được đánh dấu là cần bị bắt ngay, những người khác sẽ bị trừ khử. Nhóm này được tổ chức tốt đến mức họ thậm chí còn lên kế hoạch quản lý thành phố nhỏ này trong tương lai.

        Mọi thành viên trong nhóm đều đang lo âu chờ đợi quân Nga đến, chắc chắn rằng những đề nghị của mình sẽ được chấp nhận. Nhưng không ai lo lắng hơn Bruno Zarzycki được. Ông đang bị mấy vết loét hành hạ tới mức không nuốt nổi gì, nhưng ông cứ nói là mấy vết loét sẽ biến mất vào ngày Hồng quân đến, ông biết thế.

       Thật khó tin, trên khắp Berlin, trong những căn phòng ngủ và phòng để đồ nhỏ tí, trong những căn hầm ẩm ướt và gác xép thiếu khí, một số nạn nhân bị Nazi tra tấn dữ dội nhất và có lòng căm thù sâu nhất đang kiên trì bám víu cuộc sống và chờ đợi cái ngày họ có thể thoát khỏi cảnh trốn tránh. Họ không quan tâm ai sẽ tới trước, miễn có người tới là được, và nhanh một chút. Một số sống thành nhóm 2-3 người, một số sống chung cả gia đình, và thậm chí có cả những cộng đồng nhỏ. Phần lớn bạn bè tưởng họ đã chết – và trên một mặt nào đó thì đúng là vậy. Có những người đã nhiều năm liền không được thấy mặt trời, hoặc chưa được dạo bước trên đường phố Berlin.

         Họ không được để bị ốm vì điều đó có nghĩa là cần gặp bác sĩ, những câu hỏi ngay lập tức sẽ xuất hiện và có thể bị lộ. Ngay cả trong những đợt không kích dữ dội nhất họ cũng ở yên trong chỗ trốn, vì họ có thể bị nhận diện ngay lập tức trong các hầm trú ẩn. Họ duy trì sự bình tĩnh lạnh lùng, vì từ lâu họ đã học cách không còn sợ hãi. Họ còn giữ được mạng là nhờ khả năng dập tắt gần như mọi cảm xúc. Họ tháo vát, ngoan cường và sau sáu năm chiến tranh và gần 13 năm sống trong lo sợ và phiền nhiễu ngay giữa thủ đô của Đế chế Đức của Hitler, gần 3000 người trong số họ vẫn sống sót. Những chuyện họ đã làm là một bằng chứng về lòng can đảm của một lượng lớn những người theo đạo Cơ Đốc của thành phố, không một ai trong số họ từng nhận được sự công nhận tương xứng vì đã bảo vệ những kẻ bị khinh ghét nhất của trật tự xã hội mới – người Do Thái. (*)

       Siegmund và Margarete Weltlinger, đều đã gần 60, đang ẩn nấp trong một ăn hộ nhỏ ở tầng trệt trong quận Pankow. Một gia đình theo dòng Christian Science, gia đình nhà Mohring, đã liều mạng che giấu họ. Ở đây khá đông đúc. Vợ chồng nhà Mohring, hai đứa con gái và vợ chồng Weltlinger cùng sống chung trong một căn hộ hai phòng. Nhưng gia đình Mohring vẫn chia sẻ khẩu phần của họ và những thứ khác với vợ chồng Weltlinger và chẳng bao giờ phàn nàn gì. Hai vợ chồng Weltlinger chỉ dám ra ngoài một lần trong nhiều tháng liền: bà Margarete bị đau răng, buộc họ phải đi ra ngoài, và vị nha sĩ nhổ răng đã chấp nhận lời giải thích của bà Margarete rằng bà là “một bà chị họ ghé thăm.”
................................
  (*) Lời dẫn của tác giả:

       Ước tính số người Do Thái sống sót được lấy từ số liệu của Thượng viện Berlin do Tiến sĩ Wolfgang Scheffler của Đại học Tự do Berlin. Một số chuyên gia người Do Thái vẫn còn bàn cãi về điều này – trong số đó có Siegmund Weltlinger, Vụ trưởng Vụ Do Thái trong chính phủ hậu chiến tranh. Ông cho rằng số người sống sót chỉ vào khoảng 1.400 người. Ngoài những người sống trong bí mật, tiến sĩ Scheffler khẳng định rằng ít nhất 5.100 người Do Thái khác đã kết hôn với người theo đạo Cơ Đốc đang sống tam gọi là hợp pháp trong thành phố.

        Nhưng sự quên lãng đó giống như một cơn ác mộng, vì những người Do Thái đó không bao giờ biết được mình sẽ bị bắt khi nào. Ngày nay, có 6.000 người Do Thái sống tại Berlin – một phần quá nhỏ bé so với con số 160.564 người Do Thái vào năm 1933, năm Hitler nắm quyền. Về con số đó, không ai biết được bao nhiêu người Berlin gốc Do Thái đã rời khỏi thành phố, di cư khỏi nước Đức, hay bị trục xuất và thủ tiêu trong các trại tập trung.
        Họ đã gặp may cho tới tận năm 1943. Dù ông Siegmund bị đuổi khỏi thị trường chứng khoán năm 1938, không lâu sau ông lại được giao nhiệm vụ đặc biệt trong Cục Cộng đồng Do Thái ở Berlin.

        Trong những ngày đó, dưới sự lãnh đạo của Heinrich Stahl, Cục chuyên đăng kí tài sản của người Do Thái; sau đó Cục cố gắng thương lượng với đảng Nazi để giảm bớt những khốn khổ của người người Do Thái trong trại tập trung. Stahl và Weltlinger biết rằng việc Cục bị đóng cửa chỉ là chuyện sớm muộn – nhưng họ vẫn can đảm tiếp tục công việc.

       Và rồi, vào ngày 28/2/1943, Gestapo đóng cửa Cục. Stahl mất tích trong trại tập trung Theresienstadt còn vợ chồng Weltlinger thì bị ra lệnh dời đến một “căn nhà Do Thái” có 60 gia đình ở Reinickendorf. Hai vợ chồng ở lại Reinickendorf đến đêm. Sau đó họ bỏ Ngôi sao David ra khỏi áo khoát rồi biến mất trong màn đêm. Kể từ đó, họ sống với gia đình Mohring.

       Hai năm nay, thế giới bên ngoài đối với họ chỉ là một mảnh bầu trời bị vây giữa các tòa nhà – cùng với một cái cây duy nhất mọc giữa mảnh sân trong tối tăm nằm đối diện với cửa sổ phòng bếp của căn hộ.

      Cái cây đã trở thành một cuốn lịch trong những ngày bị giam hãm của họ. Bà Margarete nói vói chồng, “Mình đã thấy cây dẻ phủ trong tuyết hai lần, thấy lá ngả sang nâu hai lần, và giờ nó lại ra hoa lần nữa.” Bà đang tuyệt vọng. Liệu họ có phải ẩn nấp thêm một năm nữa không? Bà nói với chồng, “Có lẽ Chúa đã bỏ rơi chúng ta.”

       Ông Siegmund an ủi bà. Họ có nhiều lý do để sống: hai đứa con – một con gái 17 tuổi và con trai 15 tuổi – đang ở Anh. Hai vợ chồng không gặp lại con từ lúc ông Siegmund đưa chúng ra khỏi nước Đức năm 1938. Ông mở cuốn Kinh thánh ra bài Thánh thi thứ 91 và chầm chậm đọc: “Dù tả hữu có ngàn người quỵ ngã, dù hai bên có chết cả vạn người, riêng phần bạn, tuyệt nhiên không hề hấn.” Tất cả những gì họ có thể làm là chờ đợi. Ông nói với vợ: “Chúa ở bên chúng ta. Hãy tin tôi, ngày giải phóng đang ở rất gần.”

       Năm ngoái, hơn 4.000 người Do Thái đã bị Gestapo bắt trên các đường phố Berlin. Nhiều người trong số đó đã liều trước nguy cơ bị phát hiện vì hết chịu nổi cảnh giam hãm.

       Hans Rosenthal, 20 tuổi, vẫn đang trốn ở Lich-tenberg, đã quyết định sẽ ra ngoài. Anh đã ở 26 tháng trong một căn buồng không đầy 1,8m bề dài và 1,5m bề rộng. Thực tình thì nó là một cái chuồng gia súc nhỏ sau lưng một căn nhà của một người bạn cũ của mẹ Hans. Sự tồn tại của Rosenthal cho tới bây giờ là một mối nguy hiểm. Ba mẹ anh đã chết và lúc 16 tuổi anh bị đưa vào một trại lao động.

       Tháng 3/1945, anh trốn thoát và bắt một chuyến tàu tới Berlin, tá túc chỗ người bạn của mẹ mình mà không có giấy tờ gì. Ở chỗ trú ẩn giống căn buồng giam của anh không có nước và ánh sáng, và cách duy nhất để đi vệ sinh là dùng một cái bô kiểu cũ. Anh đổ cái bô vào ban đêm giữa các cuộc không kích, thời điểm duy nhất anh dám ra khỏi chỗ trốn. Trừ một cái ghế dài, căn buồng trống không. Nhưng Hans có một cuốn Kinh thánh, một cái radio nhỏ và một tấm bản đồ được đánh dấu cẩn thận treo trên tường. Dù hi vọng quân Đồng minh phương Tây sẽ đến, nhưng anh thấy có vẻ quân Nga sẽ chiếm được Berlin.

       Điều đó làm anh lo lắng, dù nó có nghĩa là anh sẽ được giải thoát. Nhưng anh tự an ủi mình bằng cách nói đi nói lại, “Mình là một người Do Thái. Mình đã sống sót khỏi bọn Nazi và mình cũng sẽ sống sót trước Stalin.”

       Cũng ở quận này, tại khu Karlshorst, Joachim Lipschitz sống trong một căn hầm dưới sự bảo vệ của Otto Kruger. Thường thì trong căn hầm của nhà Kruger khá yên tĩnh nhưng đôi khi Joachim nghĩ anh có nghe tiếng súng của quân Nga nổ xa xa. Âm thanh đó rất khẽ, nghe như tiếng khán giả vỗ tay một cách buồn chán với bàn tay đeo găng. Anh nghĩ đó chắc là do mình tưởng tượng ra – quân Nga phải ở rất xa đây mới đúng.

       Anh vốn chẳng lạ gì tiếng đại bác Nga. Là con trai của một bác sĩ Do Thái và một bà mẹ Cơ Đốc, anh bị đưa vào lực lượng vũ trang Wehrmacht. Năm 1941, ở mặt trận phía đông, anh bị mất một cánh tay ngoài chiến trường. Nhưng việc phục vụ cho nước Đức cũng không cứu được anh khỏi cái tội sinh ra với dòng máu Do Thái. Tháng 4/1944, anh bị lên danh sách cho vào trại tập trung. Anh đã lẩn trốn từ lúc đó.

      Joachim, 27 tuổi, tự hỏi điều gì sẽ xảy ra khi cao trào của cuộc chiến đang đến gần, Hàng đêm, cô con gái cả của gia đình Kruger là Eleanore lại đi xuống hầm để thảo luận tình hình bên ngoài với anh. Họ đã yêu nhau từ năm 1942 và do không hề giấu diếm mối quan hệ này mà Eleanore đã bị loại khi nộp đơn vào một trường đại học vì có liên hệ với một người “không xứng đáng.” Giờ hai người chỉ mong chờ cái ngày họ có thể cưới nhau.

       Eleanore tin rằng Nazi trắng tay về mặt quân sự và sự sụp đổ sẽ đến rất nhanh. Joachim thì tin điều ngược lại: người Đức sẽ chiến đấu tới cùng và Berlin chắc chắn sẽ biến thành bãi chiến trường – có lẽ sẽ là một trận Verdun khác. Họ cũng bất đồng ý kiến về việc quân nào sẽ chiếm được thành phố. Joachim nghĩ là quân Nga, còn Eleanore lại cho là quân Anh-Mỹ. Nhưng Joachim nghĩ rằng họ nên dần chuẩn bị cho cả hai khả năng. Vậy nên Eleanore đang học tiếng Anh còn Joachim thì học tiếng Nga.

        Không ai mong chờ Berlin sụp đổ trong thống khổ hơn Leo Sternfeld, vợ ông Agnes và cô con gái 23 tuổi của họ, Annemarie. Gia đình Sternfeld không phải lẩn trốn, vì họ theo đạo Tin Lành. Nhưng mẹ của ông Leo là người Do Thái, nên ông bị Nazi xem là có một nửa dòng máu Do Thái. Kết quả là ông Leo và cả nhà đã sống trong thắc thỏm suốt cuộc chiến, vì bọn Gestapo cứ chơi trò mèo vờn chuột với họ. Họ được cho phép sinh sống ở nơi mình muốn, nhưng nỗi lo bị bắt cứ treo lơ lửng trên đầu.

        Chiến tranh càng đến gần thì mối họa ấy ngày càng lớn, và ông Leo phải cố hết sức mới giữ vững tinh thần cho vợ con. Đêm qua, một quả bom đã phá hủy bưu điện gần đó, nhưng ông Leo vẫn còn đùa về chuyện này được. Ông nói với vợ, “Bà sẽ chẳng cần đi xa để gửi thư nữa. Bưu điện giờ nằm ngay bên bậc thềm chứ đâu.”

       Khi ông rời khỏi căn nhà ở Tempelhof vào buổi sáng tháng ba này, Leo Sternfeld, một cựu doanh nhân giờ bị Gestapo buộc phải làm người lượm rác, biết rằng mình đã trì hoãn việc thực thi kế hoạch quá muộn.

       Họ không thể rời khỏi Berlin, và cũng chẳng còn thì giờ cho việc đi trốn nữa. Nếu Berlin mà không bị chiếm trong vài tuần tới thì họ coi như tiêu. Ông Leo đã nghe nói là Gestapo định bắt hết tất cả những ai có chút huyết thống Do Thái trong người vào ngày 19/5.

                                       * * * * * * * * *

         Cách đó khá xa về phía tây, trong đại bản doanh của Quân đoàn 2 của Anh ở Walbeck, gần biên giới với Hà Lan, vị quân y cao cấp, Chuẩn tướng Hugh Glyn Hughes đang cố đoán trước những vấn đề y tế mà ông có thể phải đương đầu trong vài tuần tới – đặc biệt là khi họ tới được Berlin. Trong thâm tâm, ông sợ dịch sốt Rickettsia sẽ bùng nổ.

      Đã có một số người dân chạy nạn băng qua tiền tuyến, và viên trợ lý của ông đã báo cáo rằng họ mang theo rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm. Cũng như mọi bác sĩ khác trong mặt trận Đồng minh, Chuẩn tướng Hughes đang cẩn thận theo dõi các diễn biến; một bệnh dịch nghiêm trọng có thể biến thành thảm họa.

      Ông khẽ vuốt râu và tự hỏi phải đối phó với dân chạy nạn làm sao khi mà dòng chảy nhỏ giọt biến thành cơn lũ. Và có Chúa mới biết được họ sẽ tìm thấy thứ gì khi tới được Berlin.

      Vị Chuẩn tướng cũng lo lắng về một vấn đề liên quan khác: các trại tập trung và trại lao động. Họ thu được một số thông tin về những trại này qua các nước trung lập, nhưng chẳng ai biết các khu trại này được điều hành ra sao, chứa bao nhiêu người trong đó hay điều kiện sống ở đó như thế nào. Giờ đây có vẻ như Quân đoàn 2 sẽ là đoàn quân đầu tiên băng qua một khu trại tập trung.

       Trên bàn làm việc của ông có một bản báo cáo rằng có một trại tập trung nằm ngay trên đường tiến quân của họ, ở phía bắc Hannover. Chẳng có thông tin gì khác về nó.

      Chuẩn tướng Hughes băn khoăn không biết họ sẽ tìm thấy những gì. Ông hi vọng người Đức sẽ chứng tỏ sự cẩn thận thường thấy của mình về mặt y tế, và tình hình y tế ở đó vẫn nằm trong vòng kiểm soát. Ông chưa bao giờ nghe nói tới nơi đó. Chỗ đó gọi là Belsen.
      5.
       Đội trưởng Hekmuth Cords, 25 tuổi, một cựu chiến binh ở mặt trận Nga, từng được trao huân chương Thập Tự Sắt vì lòng dũng cảm. Anh đang bị giam ở Berlin – và có lẽ anh sẽ không sống nổi đến lúc được thấy chiến tranh kết thúc. Đội trưởng Cords là thành viên của một nhóm tinh nhuệ - một nhóm nhỏ sống sót trong số 7.000 người Đức bị bắt vì âm mưu ám sát Hitler tám tháng trước, vào ngày 20/7/1944.

      Hitler đã điên cuồng trút giận đầy tàn bạo; gần 5.000 người bị tình nghi đã bị xử tử, dù có tội hay không. Nhiều gia đình đã bị xóa sổ. Hễ ai có dính líu tới mưu phạm đều bị bắt và hầu hết bị xử tử. Họ bị giết theo một cách do chính Hitler nghĩ ra. Ông ta ra lệnh, “Chúng phải bị treo lên như bọn gia súc.” Những kẻ đầu đảng bị treo lên đúng y như thế - bằng móc treo thịt. Đa số bọn họ bị treo lên bằng dây đàn piano thay vì dây thừng.

       Bây giờ, ở Cánh B của Nhà tù Lehterstrasse có hình ngôi sao, nhóm mưu phạm cuối cùng đang chờ đợi. Họ đều thuộc phe bảo thủ và cộng sản; họ là các sĩ quan quân đội, bác sĩ, giáo sĩ, giáo sư đại học, nhà văn, cựu nghị sĩ, công nhân và nông dân. Một số họ không biết sao mình lại bị giam; họ chưa bao giờ bị phán tội chính thức. Một số ít đã được xét xử, và đang chờ tái thẩm. Một số người đã thực sự được chứng minh là vô tội, nhưng vẫn còn bị giam. Những người khác được xét xử vờ vịt, bị tuyên án vội vàng, và đang chờ hành quyết. Không ai biết chính xác có bao nhiêu tù nhân ở Cánh B – một số người đoán có khoảng 200, người lại bảo không đầy 100. Chẳng có cách nào đếm được. Mỗi ngày đều có tù nhân bị đưa đi, và không bao giờ còn nhìn thấy họ. Tất cả đều tùy thuộc vào ý thích bất chợt của một người: thủ lĩnh Gestapo, Thống chế lực lượng SS Heinrich Muller. Những người bị tống giam chẳng trông đợi chút lòng nhân từ nào từ ông ta. Cho dù quân Đồng minh có tới ngay cổng trại giam, họ tin là Muller vẫn sẽ tiếp tục cuộc tàn sát.

        Cords nằm trong số những người vô tội. Vào tháng 7/1944, anh đang trú quân ở Bendlerstrasse, làm một sĩ quan cấp thấp trong ban tham mưu của Tham mưu trưởng quân dự bị, Đại tá Claus Graf von Stauffenberg. Chỉ có một vấn đề về vị trí phân công này, mà sau này mới biết: vị đại tá 36 tuổi có bề ngoài khác người này – anh chỉ còn một cánh tay và đeo một miếng băng đen trên mắt trái – là nhân vật chủ chốt trong âm mưu ngày 20/7, người tình nguyện đi giết Hilter.

       Ở trụ sở của Quốc trưởng tại Rastenburg, Đông Phổ, trong một cuộc họp quân sự dài lê thê của Hitler, Von Stauffenberg đã đặt một chiếc cặp tài liệu có chứa một quả bom hẹn giờ dưới tấm bản đồ dài gần chỗ Hitler đứng. Vài phút sau khi Von Stauffenberg chuồn ra khỏi phòng để quay về Berlin, quả bom phát nổ. Thật kỳ diệu là Hitler sống sót trong vụ nổ. Vài giờ sau ở Berlin, Von Stauffenberg, không hề được hưởng một cuộc xét xử chính thức, bị bắn chết ở sân trong của sở chỉ huy Bendlerstrasse cùng với ba nhân vật quân sự chủ chốt khác trong âm mưu này. Những người có dính líu dù rất xa xôi tới anh ta đều bị bắt – trong đó có Helmuth Cords.

       Hôn thê của Cords là Jutta Sorge, cháu gái của cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Gustav Stresemann, cũng bị bắt và bỏ tù. Ba mẹ cô cũng vậy. Tất cả bọn họ, kể cả Helmuth Cord, đều bị giam không qua phiên toàn xét xử nào.

       Hạ sĩ Herbert Kosney, bị giam ở cùng tòa nhà, thậm chí còn biết về vụ việc ngày 20/7 ít hơn cả Cords. Nhưng Kosney vô ý vướng vào vụ việc. Anh là một thành viên trong nhóm cộng sản kháng chiến, và sự tham gia của anh trong vụ mưu sát chính là đưa một người đàn ông không rõ danh tính đi từ Lichterfelde đến Wannsee.

       Dù không phải là một người cộng sản, Herbert đã ở trong nhiều nhóm Soviet bí mật từ 1940. Vào tháng 11/1942, trong khi anh đang công tác ở ngoài Berlin, người anh trai Kurt của anh, một đảng viên của Đảng Cộng sản từ năm 1931, đã mạnh mẽ ngăn Herbert trở lại mặt trận: anh ta đã bắn vào tay Herbert bằng một khẩu súng lục, đưa anh vào một bệnh viện quân sự và giải thích với người ta rằng anh ta phát hiện ra một người lính bị thương nằm dưới chiến hào. Vụ việc qua trót lọt. Herbert không quay lại chiến trường nữa. Anh được phân tới một tiểu đoàn dự bị ở Berlin và mỗi 3 tháng lại có một giấy chứng nhận y tế mới từ bác sĩ Alnert Olbertz giúp anh chỉ được giao “việc nhẹ.” Bác sĩ Olbertz cũng là thành viên của một nhóm cộng sản kháng chiến.

       Chính Olbertz đã khiến Herbert bị bắt giam. Vài ngày sau vụ mưu sát Hitler, Olbertz bảo Herbert đi với anh ta làm một nhiệm vụ vận chuyển gấp. Họ lái một chiếc xe cứu thương, đón một người đàn ông mà Herbert không biết là ai – một sĩ quan cao cấp trong Gestapo, Đại tướng Artur Nebe, Cục trưởng Hình cảnh, đang bị truy nã để thẩm vấn. Một thời gian sau Nebe bị bắt; cả Olbertz và Herbert cũng bị. Olbertz tự tử; Nebe bị xử tử; còn Herbert thì bị một phiên tòa dân sự xét xử và tuyên án tử hình. Nhưng vì anh vẫn còn trong quân đội, nên cần có một phiên tái thẩm của toà án quân sự. Herbert biết đó chỉ là thủ tục cho có – và thủ tục vốn chẳng mấy ý nghĩa đối với thủ trưởng Gestapo Muller. Khi anh nhìn ra ngoài ô cửa sổ phòng giam, Herbert Kosney tự hỏi không biết khi nào mình sẽ bị hành hình.

        Cách đó không xa, một người đàn ông khác cũng đang ngồi tự hỏi tương lai sẽ giành cho anh ta điều gì – người đó là anh của Herbert, Kurt Kosney. Anh đã bị Gestapo thẩm vấn nhiều lần, những vẫn không nói gì về các hoạt động cộng sản của mình với chúng. Tất nhiên, anh càng không để lộ điều gì có thể buộc tội em trai mình. Anh rất lo cho Herbert. Chuyện gì đã xảy ra với nó? Hai anh em chỉ cách nhau có mấy buồng giam. Nhưng cả Kurt và Herbert đều không biết họ bị giam ở cùng chung một nhà tù.

      Dù không bị giam, một nhóm tù nhân khác cũng đang sống tại Berlin. Phải rời xa gia đình, bị buộc phải bỏ quê hương, họ chỉ có một mong ước – giống như nhiều người khác – là nhanh chóng được giải thoát, bởi ai cũng được. Họ là những lao động nô lệ - đàn ông và phụ nữ đến từ hầu khắp đất nước mà Nazi đã càn quét qua. Họ là người Ba Lan, Czech, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Ba Tư và Nga.

      Tính tổng cộng, Nazi đã buộc nhập khẩu gần 7 triệu người – gần tương đương với toàn bộ dân số của thành phố New York – để làm việc trong các gia đình và nhà máy của Đức. Một số quốc gia bị bòn rút gần như sạch sẽ: 500.000 người đã bị đưa ra khỏi đất nước Hà Lan nhỏ bé (dân số 10.956.000 người) và 6.000 đến từ Luxembourg bé tí (dân số 296.000 người). Chỉ riêng ở Berlin đã có hơn 100.000 công nhân ngoại quốc – chủ yếu là người Pháp và Nga – làm việc.

        Lao động ngoại quốc có trong mọi loại hình công việc có thể tưởng tượng được. Nhiều quan chức Nazi cao cấp đòi các cô gái Nga làm người hầu trong nhà. Các kiến trúc sư có liên quan đến các công trình chiến tranh kiếm những tay vẽ kỹ thuật trẻ tuổi người ngoại quốc làm nhân viên cho văn phòng của mình. Ngành công nghiệp nặng kiếm đủ chỉ tiêu thợ điện, công nhân ngành thép, thợ tiện, công nhân cơ khí và lao động tay nghề thấp từ số người bị bắt giữ này. Các công ty công cộng cung cấp gas, nước và dịch vụ vận tải “thuê” thêm hàng nghìn người – mà gần như không trả lương. Ngay cả sở chỉ huy quân sự Đức ở Bendlerstrasse cũng có phiên chế nhiều nhân công ngoại quốc. Một người Pháp tên Raymond Legathière đã làm việc toàn thời gian ở đây, có trách nhiệm thay các ô kính cửa sổ ngay khi chúng bị bom nổ làm vỡ.

       Tình hình nhân công ở Berlin đã trở nên trầm trọng tới mức Nazi công khai coi thường Hiệp định Geneva, dùng tù binh chiến tranh cũng như công nhân ngoại quốc cho các công trình chiến tranh quan trọng. Vì Nga không ký kết Hiệp định, các tù binh Hồng quân bị người Đức sử dùng theo bất kỳ cách nào mà họ thấy là phù hợp. Thực sự thì có chút khác biệt giữa các tù binh chiến tranh với công nhân ngoại quốc. Khi tình hình xấu đi từng ngày, các tù binh bị đưa đi xây các boong-ke chống không kích, giúp xây lại các doanh trại quân đội bị trúng bom và thậm chí là xúc than trong các nhà máy điện công nghiệp. Bây giờ, sự khác biệt duy nhất giữa hai nhóm này là công nhân ngoại quốc được tự do hơn – và ngay cả điều đó cũng còn tùy thuộc vào khu vực và loại hình công việc nữa.

       Những người ngoại quốc sống trong các “thành phố” gồm các tòa nhà giống như trại lính bằng gỗ nằm gần, hoặc nằm ngay trong các khu nhà máy; họ ăn cơm trong những khu sảnh chung hỗn độn và mang huy hiệu nhận diện. Một số người quan tâm thì nhắm mắt trước các quy định và cho phép các công nhân ngoại quốc của mình được sống ngoài khu vực, chỉ cần ở trong Berlin là được. Nhiều người được tự do đi lại trong thành phố, đi xem phim hoặc các nơi giải trí khác, miễn là họ chấp hành giờ giới nghiêm (*).
..................................  
      (*) Lời dẫn của tác giả: Có một loại người lao động khác – những công nhân ngoại quốc tình nguyện. Hàng nghìn người châu Âu – một số là những người ủng hộ mạnh mẽ của đảng Nazi, một số thì tin rằng họ đang giúp đỡ những người Bolshevich, trong khi đa số toàn là những kẻ cơ hội – đã đáp lại những tin tuyển dụng về việc làm tại Đức được trả lương cao đăng trên các tờ báo Đức. Những người này được sống khá tự do gần nơi làm việc.
        Một số đội canh gác biết chuyện gì sẽ xảy ra nên có thái độ khá thoải mái. Nhiều công nhân ngoại quốc – đôi lúc có cả tù binh chiến tranh – phát hiện ra họ có thể thỉnh thoảng trốn một ngày làm việc. Một lính canh chịu trách nhiệm về 25 người Pháp vào thành phố làm việc hàng ngày bằng tàu điện ngầm, giờ dễ chịu đến mức chả buồn đếm số tù binh xuống xe. Anh ta không quan tâm có mấy người đã bị “lạc” trên đường đi – miễn là mọi người có ở ga tàu điện ngầm Potsdamer Platz vào lúc 6 giờ chiều để lên đường về trại.

        Không phải công nhân ngoại quốc nào cũng may mắn như vậy. Hàng nghìn người bị quản chế chặt chẽ, gần như chẳng hề có tự do. Điều này đặc biệt đúng trong các nhà máy của chính phủ hoặc thành phố. Những người Pháp làm việc trong công ty gas ở Marienfelde, nam Berlin có rất ít quyền lợi và được đãi ngộ rất nghèo nàn so với công nhân ở các nhà máy tư nhân. Nhưng ít ra họ vẫn còn tốt hơn chán so với những người những người Nga có cùng số phận. Một người Pháp tên André Bourdeau viết trong nhật ký rằng viên đội trưởng đội lính canh, Fesler, “không bao giờ đưa ai đến trại tập trung,” và để cải thiện khẩu phần ăn, vào mỗi ngày chủ nhật, “cho phép bọn tôi ra đồng để đào một hai củ khoai tây.” Bourdeau vui mừng là mình không phải người đến từ phía Đông: anh viết rằng trại của công nhân Nga “Đông đến khủng khiếp, đàn ông, phụ nữ và trẻ em cùng ở chung một chỗ... hầu hết mọi lúc đồ ăn của họ đều không thể nuốt nổi.” Ở những chỗ khác, trong một số nhà máy tư nhân, công nhân người Nga cũng được ăn uống ngang với những người phương Tây.

      Thật kỳ lạ, công nhân phương Tây trên khắp Berlin đều nhận thấy một sự thay đổi của những người Nga, gần như là qua từng ngày. Trong nhà máy hóa chất Schering ở Charlottenburg, người Nga, đáng lý ra phải phấn khởi trước tình hình diễn biến, thì ngược lại, lại rất thất vọng. Đặc biệt là các phụ nữ UkraineBelorussia có vẻ khổ sở trước viễn cảnh thành phố sắp bị đồng bào họ chiếm đóng.

      Khi đến đây vào 2-3 năm trước, những người phụ nữ đều mặc bộ quần áo kiểu nông dân đơn giản. Dần dần họ thay đổi, ăn mặc cầu kỳ và kiểu cách hơn. Nhiều người bắt đầu dùng mỹ phẩm lần đầu tiên trong đời. Kiểu tóc và trang phục đã thay đổi đáng kể: các cô gái Nga bắt chước các phụ nữ Pháp và Đức xung quanh họ. Giờ người ta thấy hầu như chỉ sau một đêm họ đã đổi sang quần áo nông dân như cũ. Nhiều công nhân nghĩ rằng họ đoán trước được sự trả thù của những người lính Hồng quân – dù họ bị đưa ra khỏi nước Nga ngoài ý muốn. Rõ ràng là những người phụ nữ nghĩ mình sẽ bị trừng phạt vì đã tây hóa quá mức.

       Tinh thần của các công nhân phương Tây đang tăng cao trên khắp Berlin. Ở nhà máy Alkett quận Ruhleben, nơi 2.500 công nhân người Pháp, Bỉ, Ba Lan và Hà Lan làm việc trong các dây chuyền sản xuất xe tăng, ai ai cũng đang lập kế hoạch cho tương lai, trừ người Đức. Đặc biệt là các công nhân Pháp, họ cực kỳ phấn khởi. Họ dành hàng đêm nói chuyện về những bữa ăn phong phú mà họ sẽ ăn ngay khi đặt chân lên nước Pháp, và hát những ca khúc nổi tiếng: bài “Ma Pomme” và “Prospère” của Maurice Chevalierlà những bài được yêu thích nhất.

       Jean Boutin, một công nhân cơ khí 20 tuổi người Paris, thấy đặc biệt vui vẻ; anh biết mình đang đóng vai trò nhất định trong sự sụp đổ của nước Đức. Boutin và một số công nhân Hà Lan đã phá hoại các bộ phận xe tăng trong mấy năm nay. Quản đốc người Đức đã nhiều lần dọa sẽ đưa bọn phá hoại đến trại tập trung, nhưng ông ta chẳng bao giờ làm thế - và có một lý do rất hợp: nhân lực đang thiếu trầm trọng, nên nhà mấy đang phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các công nhân ngoại quốc. Jean nghĩ tình hình đang khá vui vẻ. Anh phải làm xong mỗi ổ bi trong 54 phút. Anh cố gắng không bao giờ nộp một chi tiết máy hoàn thành trong vòng 24 giờ - và nó thường có lỗi nào đó. Ở Alkett, những lao động không tự nguyện có một quy tắc đơn giản: mỗi bộ phận lỗi họ làm ra qua mặt quản đốc mang chiến thắng và sự sụp đổ của Berlin đến gần thêm một bước. Và chưa có ai bị bắt được bao giờ.
       6.
       Rõ ràng, mặc cho có đánh bom thường xuyên, mặc cho bóng ma Hồng quân bên sông Oder, mặc cho sự run sợ của bản thân nước Đức khi quân Đồng minh tiến vào từ cả phía Đông lẫn phía Tây, vẫn có người kiên quyết không nghĩ đến khả năng tai ương sắp đến. Họ là những đảng viên Nazi cuồng tín. Phần lớn bọn họ dường như xem tình hình khó khăn mà mình đang phải trải qua là một kiểu chuộc tội – một sự tôi luyện và tinh lọc sự dâng hiến của mình với chủ nghĩa Quốc xã và những mục đích của nó. Một khi họ đã bày tỏ lòng trung thành của mình, mọi chuyện chắc chắn sẽ ổn hết; họ không chỉ tin rằng Berlin sẽ không bao giờ gục ngã, mà còn tin chiến thắng chắc chắn sẽ thuộc về nền Đệ tam Quốc xã.

       Đảng Nazi chiếm một vị trí đặc biệt trong đời sống của thành phố. Người Berlin chưa bao giờ hoàn toàn chấp nhận Hitler hay sự truyền giáo của ông ta. Quan điểm của họ vừa phức tạp vừa mang tính quốc tế. Thực sự thì, khiếu hài hước cay độc của người Berlin, sự chỉ trích về chính trị và gần như hoàn toàn thiếu lòng nhiệt tình dành cho ngài Quốc trưởng cùng nội các của ông từ lâu đã đầu độc đảng Nazi. Mỗi lần có diễu binh rước đuốc hoặc các cuộc thao diễn khác của đảng Nazi để gây ấn tượng với thế giới được tổ chức ở Berlin, hàng nghìn quân xung kích từ Munich được điều đến để bổ sung cho đám đông đi diễu hành. Người Berlin mỉa mai, “Bọn họ đóng phim thời sự hợp hơn chúng ta đấy, và chân họ cũng to hơn nữa kia!”.

        Dù đã cố gắng, Hitler vẫn không thể giành được trái tim người dân Berlin. Khá lâu trước khi thành phố bị phá hủy bởi bom đạn của quân Đồng minh, Hitler, giận dữ và nản chí, đã định xây dựng lại Berlin và quy hoạch thành hình ảnh của Nazi. Ông ta còn định đổi tên Berlin thành Germania, vì ông ta chưa bao giờ quên rằng trong các cuộc bầu cử tự do trong những năm 30, người Berlin đã loại ông ta. Trong cuộc bỏ phiếu kín năm 1932, khi Hitler chắc chắn mình sẽ hất cẳng Hindenburg, Berlin là nơi bầu cho ông ta thấp nhất – chỉ 23%. Bây giờ, những kẻ cuồng tín trong toàn thể công dân rất quyết tâm biến Berlin, thành phố ít mang tính Nazi nhất nước Đức, pháo đài cuối cùng của chủ nghĩa Quốc xã. Dù chỉ chiếm thiểu số, họ vẫn đang nắm quyền kiểm soát.

      Hàng nghìn kẻ cuồng tín đang độ tuổi thiếu niên, và giống như hầu hết những người khác trong cùng thế hệ, họ chỉ biết một vị chúa duy nhất – Hitler. Ngay từ khi còn nhỏ, họ đã bị nhồi nhét mục đích và hệ tư tưởng của chủ nghĩa quốc xã. Một số đông còn được huấn luyện để bảo vệ và duy trì chính nghĩa, dùng các loại vũ khí từ súng lục tới loại súng chống tăng giống bazooka có tên Panzer-fäuste. Klaus Kuster là một điển hình trong nhóm thiếu niên này. Là thành viên của Đoàn Thanh niên Hitler (có hơn 1000 đoàn viên tại Berlin), cậu có biệt tài bắn xe tăng trong vòng 60 yard đổ lại. Klaus còn chưa đầy 16 tuổi.

       Những người máy quân sự cống hiến nhất là các thành viên của lực lượng SS. Họ tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng và hết lòng với Hitler tới mức những người Đức khác chảng thể hiểu nổi thần kinh của họ. Sự cuồng tín của họ mạnh mẽ đến nỗi đôi khi nó có vẻ như đã ăn sâu vào tiềm thức. Bác sĩ Ferdinand Sauerbruch làm việc tại bệnh viện Charité, từng mổ cho một mật vụ SS bị thương nặng vừa được chuyển từ mặt trận sông Oder về, được gây mê ngay lập tức. Trong sự yên tĩnh của phòng mổ, dù đang hôn mê sâu, người mật vụ SS bắt đầu nói mê. Anh ta lặp đi lặp lại, khẽ khàng và rành mạch, “Heil Hitler!... Heil Hitler!... Heil Hitler!” (Hitler muôn năm!)

      Dù đó là những người cực đoan quá khích, nhưng cũng có hàng trăm nghìn công dân cũng giống như vậy. Một số bọn họ là những bức biếm họa biết đi, minh họa hình tượng một tên Nazi cuồng tín mà thế giới tự do hình dung ra. Một trong số đó là ông Gotthard Carl, 47 tuổi. Dù ông Gotthard chỉ là một công dân bé nhỏ, một kế toán tạm thời của Không quân, ông vẫn mặc bộ đồng phục không lực màu xanh biển với tất cả niềm tự hào và kiêu hãnh của một phi công chiến đấu tài ba. Mỗi chiều tối khi bước vào căn hộ của mình, ông lại đứng chụm gót, giơ cánh tay phải lên cao và hét to, “Heil Hitler.” Màn biểu diễn đã này kéo dài nhiều năm nay.

       Vợ ông, bà Gerda, đã ngán đến tận cổ sự cuồng tín của ông chồng, nhưng bà rất lo lắng và băn khoăn khi phải bàn với ông về kế hoạch sống sót của hai người. Bà chỉ ra rằng quân Nga đang đến rất gần Berlin. Ông Gotthard cắt lời bà. Ông nổi đóa, “Chỉ là lời đồn tầm phào! Là lời đồn thôi! Do kẻ thù cố tình tung ra.” Trong thế giới Nazi méo mó của ông Gotthard, mọi thứ vẫn đang diễn ra đúng theo kế hoạch. Chiến thắng chắc chắn thuộc về Hitler. Bọn Nga sẽ không bao giờ tới được cửa vào Berlin.

      Còn có những người đầy nhiệt huyết và dễ bị ảnh hưởng – những người chưa từng nghĩ đến khả năng thất bại – ví như Erna Schultze. Vị thư ký 41 tuổi trong sở chỉ huy Oberkommando der Kriegsmarine (Bộ Chỉ huy Hải quân Tối cao) vừa mới nhận ra tham vọng của đời mình: Bà vừa được thăng làm thư ký của đô đốc và đây là ngày làm việc đầu tiên của bà.

     Shell House, nơi đặt sở chỉ huy, đã bị trúng bom nặng trong 48 giờ qua. Nhưng đám gạch vụn và khói bụi chẳng làm bà Erna bận tâm – bà cũng không bị mệnh lệnh vừa đưa tới bàn làm việc làm cho lo lắng. Mệnh lệnh yêu cầu đốt mọi hồ sơ Geheime Kommandosache (tối mật). Nhưng Erna rất buồn vì vào cuối ngày làm việc đầu tiên này, bà và các nhân viên khác phải “rời đi vô thời hạn” và séc trả lương của bọn họ sẽ được gửi sau.

       Bà Erna vẫn không lay chuyển. Niềm tin của bà mạnh mẽ tới mức bà không tin bản thông cáo chính thức về thất bại của nước Đức. Bà tin tinh thần toàn Berlin vẫn rất tốt, và việc đế chế Đức chiến thắng chỉ là vấn đề thời gian. Ngay cả vào lúc này, khi bước ra khỏi tòa nhà, bà Erna vẫn khá chắc chắn là trong vài ngày tới Hải quân sẽ gọi bà quay lại.

      Còn có những người khác quá tin tưởng và liên quan quá sâu với tầng lớp cao cấp trong bộ máy của đảng Nazi đến mức họ chẳng mấy nghĩ ngợi về chiến tranh hay những hậu quả của nó. Giữa bầu không khí hăng say và sự quyến rũ của vị trí đặc quyền của mình, họ không chỉ cảm thấy an toàn mà còn thấy được bảo vệ hoàn hảo, trong sự tận tụy mù quáng với Hitler. Kathe Reiss Heusermann với đôi mắt xanh hấp dẫn là một ví dụ điển hình.

       Ở số 213 Kurfurstendamm, cô Kathe 35 tuổi, tóc vàng, tính tình sôi nổi đang ngập trong công việc làm trợ lý cho Giáo sư Hugo J. Blaschke, nha sĩ hàng đầu của các lãnh đạo Nazi. Nhờ phục vụ cho Hitler và nội các từ năm 1934, giáo sư Blaschke đã được trao quân hàm Brigadeführer (chuẩn tướng) của lực lượng SS và đứng đầu khoa nha của Trung tâm Y tế SS Berlin. Là một đảng viên Nazi hăng hái, giáo sư Blaschke đã tận dụng mối quan hệ giữa mình với Hitler vào phòng khám tư lớn nhất và hái ra tiền nhất Berlin. Bây giờ ông đang chuẩn bị tận dụng thêm một bước nữa. Không giống Kathe, ông có thể thấy rõ những gì sắp xảy ra – và ông đã lập kế hoạch rời khỏi Berlin ngay khi có cơ hội. Nếu ở lại, quân hàm SS và vị trí của ông có thể gây rắc rối: Dưới mắt người Nga, huy hoàng ngày hôm nay có thể trở thành nguy cơ của ngày mai.

       Kathe gần như chẳng biết gì về tình hình. Cô quá sức bận. Từ sáng sớm đến tối mịt, cô xoay tít mù, hỗ trợ giáo sư Blaschke ở các bệnh viện và sở chỉ huy hoặc ở phòng khám tư của ông ở quận Kurfurstendamm. Có năng lực và được nhiều người quý mến, Kathe được các tinh anh của đảng Nazi tin tưởng hoàn toàn tới mức cô đã phục vụ gần hết tùy tùng của Hitler – và một lần cho ngài Quốc trưởng.

       Lần đó chính là mốc son trong sự nghiệp của cô. Vào tháng 11/1944, cô và giáo sư Blaschke được triệu tập khẩn cấp đến sở chỉ huy của Quốc trưởng ở Rastenburg, Đông Phổ. Ở đó, họ thấy Hitler đang bị đau dữ dội.

      Sau này cô nhớ lại, “Mặt ông ấy, nhất là má bên phải bị sưng khủng khiếp. Răng ông ấy cực lỳ tệ. Tổng cộng, ông ấy có ba cầu răng giả. Ông ấy chỉ còn tám cái răng hàm trên và ngay cả mấy cái đó cũng đã được trám bằng vàng. Một cầu răng giả đã hoàn thiện hàm trên của ông và nó được giữ yên một chỗ bởi mấy cái răng có sẵn. Một trong số đó, cái răng khôn bên phải, bị sâu cực nặng.” Giáo sư Blaschke nhìn qua cái răng và bảo Hitler rằng nó cần phải nhổ, chẳng có cách nào chữa được. Giáo sư Blaschke giải thích rằng ông cần nhổ hai cái răng – một cái răng mọc lệch ở phía sau răng giả và thứ hai là cái răng sâu nằm bên cạnh. Điều đó có nghĩa là cần cắt xuyên qua cầu răng giả bằng vàng và bằng sứ ở đằng trước cái răng mọc lệch, cần phải khoan và cưa khá nhiều. Rồi sau khi nhổ cái răng cuối cùng, vài ngày sau ông sẽ làm một cầu răng giả mới hoặc gia cố lại cái răng cũ.

        Giáo sư Blaschke khá lo lắng về ca phẫu thuật: nó quá rắc rối và không biết được Hitler sẽ phản ứng ra sao. Các vấn đề phức tạp còn trở nên phiền hơn vì Hitler không thích gây mê. Kathe nhớ là ông ta nới với giáo sư Blaschke rằng ông ta chỉ chấp nhận “một lượng tối thiểu.” Cả giáo sư Blaschke và Kathe đều biết ông ta sẽ đau đớn không chịu nổi; hơn nữa ca phẫu thuật có thể kéo dài từ 30 đến 45 phút. Nhưng họ chẳng thể làm gì khác.

        Giáo sư Blaschke tiêm một mũi cho Hitler vào hàm trên và ca phẫu thuật bắt đầu. Kathe đứng bên cạnh ngài Quốc trưởng, một tay kéo căng má ông ta, tay kia cầm một cái gương. Mũi khoan ken két của giáo sư Blaschke nhanh chóng khoan vào cầu răng giả. Rồi ông đổi một chút và bắt đầu cưa. Hitler ngồi im – cô nhớ lại, “như bị đóng băng.” Cuối cùng, giáo sư Blaschke làm sạch cái răng và nhanh chóng nhổ. Sau này Kathe nói, “Suốt ca phẫu thuật, Hitler không hề cử động, cũng không thốt một lời. Thật là phi thường. Bọn tôi thắc mắc không hiểu sao ông ấy có thể chịu nổi cơn đau.”

       Lần đó đã là năm tháng trước; có cảm giác như chưa từng có chuyện gì về cầu răng giả lung lay của ngài Quốc trưởng. Ngoài những người trực tiếp thân cận với Hitler, rất ít ai biết về ca phẫu thuật. Một trong các quy tắc cốt yếu cho những ai làm việc cho ngài Quốc trưởng là mọi chuyện về ông ta, đặc biệt là bệnh tình, là tối mật.

        Kathe rất giỏi giữ bí mật. Ví dụ như, cô biết rằng một bộ răng giả đặc biệt đã được làm cho vị đệ nhất phu nhân chưa kết hôn nổi tiếng của đế chế Đức. Giáo sư Blaschke định sửa cái răng vàng lần tới khi bà ta đến Berlin. Tình nhân của Hitler, Eva Braun, chắc chắn rất cần nó.

       Cuối cùng, Kathe biết một trong những bí mật được bảo vệ cẩn thận nhất. Cô có trách nhiệm gửi bộ dụng cụ nha khoa hoàn chỉnh đến bất cứ nơi nào Quốc trưởng đi tới. Ngoài ra, cô đang chuẩn bị một cầu răng giả mới có mấy thân răng bàng vàng cho một trong bốn thư ký của Hitler: Johanna Wolf, 45 tuổi, béo ú và lùn tịt. Kathe sẽ nhanh chóng chỉnh sửa bộ cầu răng giả mới cho “Wolfie”, ở trong phòng phẫu thuật của điện Reichskanzlei. Cô đã qua lại giữa phòng phẫu thuật của giáo sư Blaschke và điện Reichskanzlei gần như hàng ngày trong suốt chín tuần qua. Adolf Hitler đã ở đó kể từ ngày 16/1.

       Khi đêm mùa xuân khép lại, thành phố có vẻ vắng lặng. Berlin đổ nát trông ma quái và thảm thương, trải dài dưới một ánh trăng mờ ảo, là một mục tiêu rõ ràng cho quân thù trong đêm. Bên dưới mặt đất, người dân Berlin đang chờ đợi những kẻ đánh bom và tự hỏi sáng mai ai trong số họ sẽ còn sống.

      Vào lúc 9 giờ tối, Không lực Hoàng gia quay lại. Còi báo động rền vang lần thứ tư trong 24 giờ qua, và cuộc tấn công lần thứ 317 vào thành phố bắt đầu. Trong sở chỉ huy quân sự ở Hohenzollerndamm, Thiếu tướng Hellmuth Reymann bình tĩnh ngồi bên bàn làm việc, không chú ý nhiều đến tiếng hỏa lực phòng không và tiếng bom nổ ầm vang. Ông đang liều mạng chạy đua với thời gian – vốn chẳng còn lại bao nhiêu.

       Chỉ mới 16 ngày trước, điện thoại nhà riêng ở Dresden của tướng Reymann đã đổ chuông. Ở bên kia đầu dây là Đại tướng Wilhelm Burgdorf, sĩ quan hành chính của Hitler. Tướng Burgdorf nói, “Quốc trưởng đã chỉ định anh làm tư lệnh quân sự của Dresden.”

       Thoạt đầu, Reymann thậm chí không thể đáp lời. Thủ phủ của bang Saxony từ thế kỷ 16 với những ngọn tháp nhọn, những con đường rải sỏi và những tòa lâu đài trong truyện cổ tích, đã bị phá hủy gần như hoàn toàn trong ba cuộc không kích lớn. Đau lòng trước cảnh tàn phá của thành phố cổ thân yêu, tướng Reymann đã nổi giận. Ông hét lên, “Đi nói với ông ta là ở đây chẳng còn gì mà bảo vệ ngoài gạch vụn cả,” rồi gác máy. Những lời giận dữ của ông chỉ là nóng giận nhất thời. Một tiếng sau, tướng Burgdorf gọi lại và nói, “Quốc trưởng đổi lại, chỉ định anh làm tư lệnh Berlin.”

       Ngày 6/3, tướng Reymann nhận lệnh. Trong vòng vài giờ, ông phát hiện ra sự thật kinh hoàng. Dù Hitler đã tuyên bố Berlin là một Festung (pháo đài), pháo đài này chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của ngài Quốc trưởng. Thành phố chẳng được chuẩn bị gì để chống lại các cuộc tấn công. Không có kế hoạch, không có lực lượng phòng vệ và gần như không có quân đội. Tệ hơn, không có lương thực dự trữ cho cư dân trong thành phố; còn kế hoạch di tản phụ nữ, người già và trẻ em đơn giản là không tồn tại.

        Bây giờ, tướng Reymann đang chạy đua với thời gian để cố gỡ rối tình hình. Những vấn đề của ông rất nan giải: ông phải kiếm quân lính, súng ống, đạn dược và thiết bị để bảo vệ thành phố ở đâu? Rồi các kỹ sư, máy móc và vật liệu để xây công trình phòng ngự? Ông có được phép di tản phụ nữ, trẻ em và người già? Nếu không, làm sao ông cung cấp thực phẩm và bảo vệ cho họ khi cuộc bao vây bắt đầu? Và hết lần này tới lần khác đầu óc ông quay lại với câu hỏi lớn nhất: thời gian – còn bao nhiêu thời gian?

       Nội việc bảo vệ các sĩ quan cấp cao đã đủ khó khăn. Đến tận bây giờ, vào lúc cuối ngày, tướng Reymann mới bổ nhiệm một tham mưu trưởng, Đại tá Hans Refior. Đại tá Refior vừa đến Berlin vài giờ trước, và ông còn giật mình trước sự hỗn loạn của Berlin hơn cả tướng Reymann. Mấy ngày trước, trên tờ tạp chí ảnh Das Reich, đại tá Refior đã đọc một bài báo khẳng định rằng Berlin là không thể đánh chiếm được. Ông đặc biệt nhớ một dòng nói thế này: “Với hàng phòng thủ này, Berlin như một con nhím xù lông.” Nếu vậy thì, hệ thống phòng thủ đó được cất giấu kỹ quá. Đại tá Refior đếm chẳng được mấy cái.

      Trong suốt bao nhiêu năm làm một quân nhân chuyên nghiệp, tướng Reymann 53 tuổi có mái tóc hoa râm chưa bao giờ tưởng tượng ra mình có ngày phải đối mặt với một nhiệm vụ như vậy. Ông vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho từng vấn đề - và phải nhanh chóng. Liệu có thể cứu được Berlin không?

       Tướng Reymann quyết làm mọi điều mình có thể. Có vô số ví dụ trong lịch sử quân sự thế giới về những chiến thắng khi mà thất bại tưởng như là không thể tránh khỏi. Ông nghĩ đến Vienna đã phòng thủ thành công trước người Thổ Nhĩ Kỳ năm 1683, và Đại tướng Graf von Gnei-senau, tham mưu trưởng của Blucher, người đã giữ vững Kolberg năm 1806. Đúng vậy, đó là những so sánh không tương xứng, nhưng có lẽ chúng đem lại chút hi vọng. Tướng Reymann biết mọi chuyện đều phụ thuộc vào quân Đức trấn giữ mặt trận sông Oder, và vào viên tướng chỉ huy họ.

       Những người vĩ đại nhất đã không còn – Rommel, Von Rundstedt, Von Kluge, Von Manstein – những nhà chỉ huy tài ba có tên tuổi nổi tiếng. Họ đều đã biến mất, đều đã chết, bị mất tín nhiệm hoặc bị buộc phải nghỉ hưu. Giờ đây, hơn bao giờ hết, đất nước và quân đội đang cần một người chỉ huy – một Rommel táo bạo, một Von Rundstedt tỉ mỉ. Sự an toàn của Berlin và có lẽ cả khả năng sống sót của nước Đức sẽ tùy thuộc vào điều này. Nhưng người đó đang ở đâu?
     *************************                                                                           
 II- VỊ TƯỚNG
     1.
       Ngày 22/3, bình minh mờ sương và lạnh lẽo. Phía nam thành phố, đường Reichsstrasse 96 chạy dài qua các rừng thông đẫm sương, những giọt sương sáng lấp lánh trên mặt đường nhựa. Vào buổi sớm mai se lạnh của ngày thứ hai của mùa xuân, giao thông trên con đường này cực kỳ đông đúc – và dù đang thời chiến, chất lượng giao thông ở Đức vẫn tuyệt đến không tưởng. Vài chiếc xe tải hạng nặng chạy trên đường, chở theo những chiếc tủ hồ sơ kềnh càng, những hòm tài liệu, thiết bị văn phòng và thùng các tông. Những chiếc xe tải khác thì chất
cao các tác phẩm nghệ thuật – đồ nội thất đẹp đẽ, tranh ảnh, đồ đồng, đồ sứ và tượng. Có một chiếc xe tải chở đằng sau một pho tượng bán thân của Julius Caesar đang lúc lắc qua lại.

      Xen kẽ giữa mấy chiếc xe tải là những chiếc xe hơi đủ loại cỡ lớn – những chiếc Horch, Wanderer và limousine Mercedes. Tất cả đều mang huy chương chữ vạn mạ bạc, là xe của Đảng Nazi. Xe nào cũng chạy dọc theo đường Reichsstrasse 96 theo cùng một hướng: hướng nam. Trong xe là các quan chức cao cấp trong đảng Nazi của Đệ tam Quốc xã – hay “những con chim trĩ bảy màu,” những người được vinh dự trao tặng huân chương chữ vạn mạ vàng, tượng trưng cho những tinh hoa của đảng Nazi. Những con chim trĩ bảy màu, cùng với vợ con và gia sản, đang đi di tản. Gương mặt cứng nhắc và lạnh lùng trong bộ đồng phục màu nâu, những người đàn ông này nhìn thẳng tắp về phía trước, như thể bị ám ảnh về khả năng bị chặn đường và bắt quay lại nơi mà họ không muốn về: Berlin.

     Ở phần đường bên kia, một chiếc xe sĩ quan, dòng Mercedes cỡ lớn, có gắn lá cờ kim loại màu đỏ, trắng và đen kẻ ô vuông của một vị Tư lệnh lục quân trên tấm chắn bùn bên trái, đang chạy nhanh về hướng bắc. Trong xe, Thượng tướng Gotthard Heinrici, mặc áo da cừu cũ, cổ choàng khăn, đang khom người ngồi cạnh viên tài xế, nhìn ra ngoài đường đầy vẻ chán chường. Ông biết con đường cao tốc này, giống như mọi vị tướng khác của đế chế Đức. Anh họ của tướng Heinrich, Nguyên soái Gerd von Rundstedt, từng mỉa mai con đường này là “der Weg zur Ewigkeit” – con đường dẫn đến sự vĩnh cửu. Nó đã đưa nhiều người từ một sĩ quan cao cấp thành kẻ bị lãng quên, vì Reichsstrasse 96 là đường dẫn trực tiếp đến Tổng bộ chỉ huy quân sự Đức cách Berlin 18 dặm. Ngoài các tướng tá có quân hàm cao, rất ít người Đức biết được vị trí của tổng bộ này. Ngay cả cư dân trong vùng cũng không biết rằng cơ quan đầu não quân sự của nước Đức của Hilter nằm ngay bên ngoài thị trấn Zossen cổ xưa có từ thế kỷ XV của họ, nằm sâu trong rừng và được ngụy trang cẩn thận. Zosen là điểm đến của tướng Heinrici.

       Nếu như dòng xe cộ, bằng chứng ồn ào cho thấy các cơ quan chính phủ đang trên đường di dời, có gây ấn tượng gì với vị tướng, thì ông cũng không nói ra điều đó với viên sĩ quan phụ tá 36 tuổi của mình, đại úy Heinrich von Bila, đang ngồi đằng sau cùng với người lính cần vụ của ông, Balzen. Trước khi bình minh lên, họ đã khởi hành từ bắc Hungary, nơi tướng Heinrici đã chỉ huy đoàn quân thiết giáp số 1 và các đoàn quân số I của Hungary. Họ đã bay từ đó tới Bautzen, gần biên giới Đức – Tiệp, và từ đây tiếp tục đi bằng xe hơi. Và giờ đây, mỗi giờ đồng hồ trôi qua lại đưa vị tướng Heinrici 58 tuổi, một trong những chuyên gia phòng thủ của quân đội Đức, đến gần hơn với bài kiểm tra lớn nhất trong sự nghiệp quân sự 40 năm của ông.

      Tướng Heinrici sẽ được biết chi tiết về nhiệm vụ mới của mình ở Zossen – nhưng ông đã biết trước là mình không cần quan tâm đến quân Đồng minh phương Tây, mà là kẻ thù cũ của ông, quân Nga. Đó là một nhiệm vụ rất ác liệt, và với Heinrici, rất kinh điển: ông được bổ nhiệm chỉ huy Tập đoàn quân Vistula cùng với mệnh lệnh cầm chân quân Nga bên bờ sông Oder và cứu lấy Berlin.

      Thình lình, còi báo động không kích vang lên ầm ĩ. Tướng Heinrici giật mình quay lại nhìn mấy căn nhà gỗ mà họ vừa chạy ngang qua. Chẳng hề có dấu hiệu nào của một cuộc thả bom hay của máy bay Đồng minh. Hồi còi báo động vẫn kéo dài, rồi nhỏ dần đằng sau họ. Thứ làm ông giật mình không phải âm thanh đó. Ông chẳng lạ gì các cuộc đánh bom. Điều khiến ông ngạc nhiên là ông nhận ra sâu trong lòng nước Đức, ngay cả những ngôi làng nhỏ thế này cũng có báo động không kích.

      Tướng Heinrici chầm chậm xoay người lại. Dù ông từng chỉ huy các đội quân từ đầu cuộc chiến năm 1939, đầu tiên ở mặt trận phía Tây, rồi sau đó là ở Nga năm 1941, ông đã không có ở Đức trong hơn hai năm qua và ông không rõ ảnh hưởng của toàn bộ cuộc chiến lên mặt trận gia đình. Ông nhận ra mình như một người khách lạ ngay giữa đất nước mình. Ông thấy chán nản; ông không hề mong đợi những thứ như thế này.

      Rất ít tướng lĩnh Đức từng trải qua cuộc chiến này nhiều hơn ông – và ngược lại, rất ít người có quân hàm tương tự lại có thành tựu ít hơn ông. Ông không phải là Rommel táo bạo, có các chiến công được người Đức ca ngợi và rồi được Hitler, vốn nhạy bén về mặt truyên truyền, vinh danh bằng một cây gậy chỉ huy của nguyên soái. Ngoài các mệnh lệnh trên chiến trường, tên của tướng Heinrici hiếm khi xuất hiện trên các tài liệu. Danh vọng và vinh quang mà mọi người lính đều theo đuổi đã lảng tránh ông, vì trong nhiều năm làm tư lệnh đánh trận ở mặt trận phía đông, ông đã chiến đấu với quân Nga trong một vai trò mà các đặc điểm của nó đã quẳng ông vào chỗ bị lu mờ.

       Những cuộc hành quân của ông không có được vinh quang tiến quân thần tốc, mà chỉ có nỗi tuyệt vọng khi phải rút quân đầy gian nan. Chuyên môn của ông là phòng thủ, và ở mặt này ông có rất ít người ngang tầm. Là một chiến lược gia thận trọng, chuẩn xác, một vị tư lệnh có cung cách nho nhã dễ khiến người ta mắc lừa, tuy vậy tướng Heinrici lại là một vị tướng cứng rắn, xuất thân từ một ngôi trường quý tộc lâu đời, từ lâu ông đã học cách trấn giữ phòng tuyến với số quân tối thiểu và với các giá thấp nhất.

      Một trong số các sĩ quan tham mưu của ông từng nhận định, “Heinrici chỉ rút quân khi tình hình đã quá xấu – và chỉ sau khi đã cân nhắc kỹ càng.” Trong một cuộc chiến mà đối với ông là một cuộc rút lui chậm chạp và đau khổ từ ngoại ô Moscow đến dãy Carpathian, tướng Heinrici đã trấn giữ hết lần này tới lần khác trong những tình thế gần như là vô vọng.

       Ngoan cố, ngang ngạnh và yêu cầu cao, ông đã nắm lấy mọi cơ hội – ngay cả khi đó chỉ là trấn giữ thêm một dặm trong một giờ nữa. Ông chiến đấu ác liệt tới mức các sĩ quan và lính của ông đặt cho ông một biệt danh đầy tự hào “Unser Giftzwerg” (*) – thằng cha bé nhỏ gan góc của chúng ta .

      Khi gặp ông lần đầu, họ thường lúng túng trước lời mô tả “gan góc.” Ông thuộc kiểu thấp bé nhẹ cân, với đôi mắt xanh trầm lặng, mái tóc vàng sáng và hàng ria mép gọn ghẽ, thoạt trông Heinrici giống một ông giáo hơn là một vị tướng – và còn là một ông giáo ăn mặc xoàng xĩnh.

      Đó là một mối lo ngại lớn của viên sĩ quan phụ tá của ông, đại úy Von Bila, vì tướng Heinrici không quan tâm mấy về việc trông cho giống một ông thượng tướng. Đại úy Von Bila thường khó chịu về vẻ ngoài của tướng Heinrici – nhất là đôi ủng và áo khoác. Tướng Heinrici ghét mang ủng cao tới gối được đánh bóng loáng vốn phổ biến trong giới sĩ quan Đức.

      Ông thích mang ủng thấp, cùng với quần bó bằng da có khóa bên hông giống thời Thế chiến thứ nhất. Còn về áo khoác, ông có mấy cái, nhưng ông lại thích cái áo da cừu cũ kỹ, và không chịu tách rời nó bất chấp mọi nỗ lực của đại úy Von Bila. Tương tự, tướng Heinrici thường mặc mấy bộ đồng phục cho tới khi chúng đã mòn xơ cả chỉ mới thôi. Và vì ông tin rằng cần mang hành trang gọn nhẹ, tướng Heinrici hiếm khi mang theo nhiều hơn một bộ đồng phục – ngoài bộ mang trên lưng.
     ...............................
        (*) “Unser Giftzwerg” nghĩa đen là “người lùn độc địa của chúng ta” – và từ này thường được áp dụng cho Heinrici với ý nghĩa này bởi những người không thích ông.
      Đại úy Von Bila luôn là người khơi mào khi nào thì tướng Heinrici cần trang phục mới – và anh phát khiếp mấy cuộc đọ sức này, vì anh thường thua cuộc. Lần cuối đại úy Von Bila liều mình khơi dậy chủ đề, anh tiếp cận một cách thận trọng. Anh ngập ngừng thăm dò Heinrici, “Thưa Thượng tướng, chúng ta có nên tìm lúc nào đó may đồng phục mới không ạ?” Tướng Heinrici nhìn Von Bila qua cặp kính mắt và nhẹ nhàng hỏi, “Anh thực sự nghĩ vậy à, Bila?” Nhất thời, đại úy Von Bila nghĩ mình đã thành công. Rồi Giftzwerg lạnh lùng hỏi, “Để làm gì?” Kể từ đó, đại úy Von Bila không bao giờ nhắc lại chuyện này nữa.

      Nhưng nếu như Heinrici trông không giống một vị tướng, thì ông hành động đúng như một vị tướng. Ông là một người lính đến từng centimet, và với những đội quân mà ông chỉ huy, đặc biệt là sau thời gian kháng cự ở Moscow, ông là một huyền thoại.

      Vào tháng 12/1941, cuộc tấn công chớp nhoáng của Hitler vào nước Nga cuối cùng đã bị chặn đứng cứng ngắc ngay trước cửa ngõ vào Moscow. Khắp trận tuyến của quân Đức, hơn 1.250.000 lính quân trang gọn nhẹ đã bị mắc kẹt trong mùa đông khắc nghiệt đến sớm. Khi quân Đức loạng choạng tiến lên trong băng tuyết, các đội quân Nga mà Hitler và các chuyên gia của ông ta vẫn luôn coi thường bỗng bất thình lình xuất hiện giống như từ trên trời rơi xuống. Trong một trận chiến sống còn, quân Soviet đã huy động 100 sư đoàn gồm những người lính đã quen với mùa đông nơi đây chống lại quân xâm lược.

      Quân Đức bị đẩy lui với những thất bại đáng kinh ngạc, có lúc nó giống như cuộc rút lui khủng khiếp của Napoleon vào năm 1812 được lặp lại - ở quy mô lớn hơn và đẫm máu hơn.

      Phòng tuyến cần được gia cố. Tướng Heinrici bị giao cho trấn giữ khu vực gay go nhất. Ngày 26/1/1942, ông được giao cho chỉ huy phần tàn dư của đoàn quân số IV, trấn giữ khu vực ngay chính diện Moscow, là nòng cốt trong phòng tuyến của Đức. Bất kỳ cuộc rút lui nghiêm trọng nào tại khu này cũng sẽ gây nguy hiểm cho các cánh quân hai bên sườn và có thể châm ngòi cho một cuộc hỗn loạn.

      Tướng Heinrici nhận nhiệm vụ vào một ngày đặc biệt lạnh; nhiệt độ xuống dưới - 41ºC. Nước đóng băng ngay trong nồi hơi xe lửa; súng máy không bắn được; không thể đào chiến hào và hố cá nhân vì mặt đất cứng như sắt. Những người lính với trang bị mong manh của tướng Heinrici đang chiến đấu trong tuyết cao tới thắt lưng, với các trụ băng dính trên mũi và lông mi. Sau này ông nhớ lại, “Tôi được ra lệnh phải trấn thủ tới khi cuộc tấn công lần đó chắc chắn chiếm được Moscow. Đã thế người của tôi đang chết dần chết mòn – và không chỉ vì đạn của quân Nga. Phần lớn họ đều chết rét.”

       Họ trấn thủ gần 10 tuần. Tướng Heinrici dùng mọi cách có thể, cả chính thống lẫn phi chính thống. Ông hô hào quân mình, thúc giục họ, thăng chức, giáng chức – và hết lần này tới lần khác không tuân theo mệnh lệnh kéo dài bất di bất dịch của Hitler, “Starre Verteidigung”- chống cự thật nhanh. Mùa xuân đó, ban tham mưu của đoàn quân số IV ước tính là trong suốt mùa đông dài, Giftzwerg đã có nhiều lúc bị quân thù áp đảo ít nhất là một chọi mười hai.

      Bên ngoài Moscow, tướng Heinrici đã phát triển một kỹ thuật giúp ông nổi tiếng. Khi ông biết quân Nga sắp tấn công vào một quân khu cụ thể, ông sẽ ra lệnh cho quân của mình rút lui vào đêm hôm trước đến các vị trí mới ở đằng sau 1-2 dặm. Những loạt pháo của quân Nga sẽ bắn vào tiền tuyến trống không. Như Heinrici đã chỉ ra: “Nó giống như đập vào cái túi rỗng. Cuộc tấn công của quân Nga sẽ đánh mất tốc độ của nó, vì người của tôi sẽ sẵn sàng mà chưa bị tổn hại gì. Rồi quân của tôi trong những quân khu chưa bị tấn công sẽ tiến vào và giành lại tiền tuyến ban đầu.” Bí quyết là phải biết được khi nào quân Nga chuẩn bị tấn công. Từ các báo cáo tình báo, quân tuần tra và thẩm vấn tù binh, cùng với giác quan thứ sáu phi thường, tướng Heinrici đã xác định thời gian và địa điểm chính xác như làm toán.

      Không phải lúc nào cũng có thể áp dụng những phương pháp đó, và khi làm, tướng Heinrici phải hết sức cẩn trọng – Hitler đã bỏ tù và thậm chí bắn vài viên tướng vì đã bỏ ngoài tai lệnh cấm rút lui của ông ta. Sau này Heinrici nói, “Trong khi chúng tôi hầu như không thể dời một lính gác từ cửa sổ tới cửa ra vào mà không được ông ta cho phép, nhưng những lúc có thể, một số trong đám chúng tôi vẫn tìm ra cách để tránh né mấy mệnh lệnh ngày càng mang tính tự sát hơn của ông ta.”

     Vì những lý do rõ ràng, Heinrici chưa bao giờ là người được Hitler hay nội các của ông ta ưa thích. Lai lịch quân sự bảo thủ và cao quý của ông đòi hỏi ông phải chấp hành nghiêm chỉnh lời tuyên thệ trung thành của mình với Hitler, nhưng tiếng gọi của một nền độc tài cao hơn luôn đến trước. Từ đầu cuộc chiến, tướng Heinrici đã đối nghịch với Quốc trưởng vì quan điểm tôn giáo của mình.

      Là con trai của một giáo sĩ Tin Lành, mỗi ngày tướng Heinrici đọc một đoạn Kinh thánh, đi lễ ngày chủ nhật và khăng khăng đòi đoàn quân của mình phải tuần hành trong nhà thờ. Mấy chuyện này không hợp ý Hitler lắm. Một vài dấu hiệu rõ ràng đã được chỉ cho Heinrici rằng Hitler nghĩ một vị tướng mà lại bị thấy công khai đi nhà thờ thì không được khôn ngoan.

      Trong chuyến đi cuối cùng đến Đức, trong lúc rời khỏi thị trấn Munster, Westphalia, tướng Heinrici được một quan chức cấp cao trong đảng Nazi đặc biệt từ Berlin tới nói chuyện với ông. Tướng Heinrici, vốn chưa bao giờ là thành viên của đảng Nazi, được thông báo rằng “Quốc trưởng thấy các hoạt động tôn giáo của ông không phù hợp với mục đích của chủ nghĩa quốc xã.” Tướng Heinrici lạnh lùng nghe lời cảnh báo. Chủ nhật sau đó, ông và vợ con vẫn đi nhà thờ như thường lệ.

     Sau đó, ông được thăng chức rất chậm và đầy miễn cưỡng. Nếu không phải có tài lãnh đạo tyệt vời không thể phủ nhận chắc ông cũng không được thăng chức, và sự thật là nhiều vị tư lệnh mà ông từng ở dưới quyền – đặc biệt là Nguyên soái Günther von Kluge – luôn nhấn mạnh là ông cần được thăng chức.

       Cuối năm 1943, tướng Heinrici chịu sự thù địch của Thống tướng Hermann Goering, một lần nữa vì vấn đề tôn giáo. Tướng Goering phàn nàn kịch liệt với Hitler rằng trong lần rút lui của đoàn quân số IV ở Nga, Heinrici đã không tuân theo chính sách tiêu thổ của Quốc trưởng. Ông ta đặc biệt nhấn mạnh rằng vị tướng đã cố tình không tuân theo mệnh lệnh “đốt cháy và phá hủy mọi ngôi nhà có người sống” ở Smolensk; trong số những tòa nhà còn lại có Đại thánh đường của thị trấn.

      Heinrici đã nghiêm trang giải thích rằng “nếu Smolensk bị phá hủy thì lực lượng của tôi đã không thể rút quân qua đó được.” Câu trả lời không làm cả Hitler và Goering vừa lòng, nhưng nó có đủ logic quân sự để ông không phải ra Tòa án binh.

     Tuy nhiên, Hitler không quên việc này. Tướng Heinrici, bị trúng hơi độc trong Thế chiến thứ nhất, từ đó bị nhiều chứng rối loạn dạ dày. Vài tháng sau vụ việc với Goering, Hitler viện cớ mấy căn bệnh này đã đưa Heinrici vào danh sách không điều động vì “lý do sức khỏe.” Ông nghỉ hưu trong một nhà điều dưỡng ở Karls- Bad, Tiệp Khắc, và ở đó, theo lời của Heinrici là, “Bọn họ đơn giản là để tôi ngồi yên đó.” Vài tuần sau khi ông bị cách chức, lần đầu tiên quân Nga vượt qua được đơn vị cũ của ông, đoàn quân số IV.

     Trong những tháng đầu của năm 1944, Heinrici vẫn ở Karlsbad, làm một khán giả từ xa trước những sự kiện lớn lao đang từ từ đưa đế chế Hitler đến bên bờ sụp đổ: cuộc xâm chiếm Normandy của quân Đồng minh phương Tây vào tháng 6; liên quân Anh-Mỹ tiến vào đất nước hình chiếc ủng, Italy và chiếm được Rome; vụ ám sát hụt Hitler ngày 20/7; thế công mạnh mẽ của quân Nga khi chúng tiến qua Đông Âu. Khi tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn, Heinrici thấy cảnh ăn không ngồi rồi của mình thật bực đến không chịu nổi. Nếu nài xin Quốc trưởng, chắc ông cũng được chỉ huy một Tập đoàn quân, nhưng ông lại không chịu làm thế.

      Cuối cùng, vào cuối mùa hè năm 1944, sau tám tháng nghỉ hưu cưỡng chế, Heinrici được cho quay về nhiệm vụ - lần này đến Hungary và chỉ huy binh đoàn thiết giáp số 1 cùng các Tập đoàn quân Hungary số I đang gặp nguy khốn.

      Ở Hungary, Heinrici lại quay trở về cung cách cũ. Vào cao điểm của cuộc chiến ở đó, Thượng tướng Ferdinand Schörner, được Hitler chống lưng, và là thượng cấp của Heinrici ở Hungary, đưa ra một quy tắc là bất kỳ người lính nào bị phát hiện ở lại đằng sau mặt trận không theo mệnh lệnh “sẽ bị xử bắn ngay lập tức và bêu xác làm gương.” Quá ghê tởm trước mệnh lệnh đó, tướng Heinrici giận dữ vặn lại: “Những phương pháp như thế chưa từng được sử dụng dưới quyền của tôi, và sẽ không bao giờ có.”

       Dù bị buộc phải rút lui từ bắc Hungary về Tiệp Khắc, ông đã chiến đấu ngoan cường đến mức vào ngày 3/3/1945, ông được thông báo rằng Thập tự Hiệp sĩ của ông vừa được trang trí thêm Thanh gươm Lá sồi – một lời khen tặng đáng ghi nhận đối với một người vốn bị Hitler chán ghét mãnh liệt. Và bây giờ, chỉ hai tuần sau đó, ông đang hối hả tới Zossen, với tờ công văn trong túi áo ra lệnh cho ông chỉ huy Tập đoàn quân Vistula.

      Khi quan sát con đường Reichsstrasse 96 bị bỏ lại đằng sau chiếc Mercedes đang lao vun vút của mình, tướng Heinrici tự hỏi con đường này sẽ đưa ông đến đâu. Ông nhớ lại phản ứng của ban tham mưu của mình khi họ biết được lệnh điều động của ông, và ông được lệnh phải báo cáo với Đại tướng Heinz Guderian, người đứng đầu Tổng bộ tham mưu của OKH (Oberkommando des Heeres) – Chỉ huy Cao cấp của Quân đội. Họ đều bị sốc. Viên tham mưu trưởng của ông hỏi, “Ông có thực sự muốn công việc đó không?”

      Đối với các thuộc cấp đang lo lắng, tướng Heinrici thẳng tính có vẻ như đâm đầu vào rắc rối rồi. Là tư lệnh mặt trận sông Oder, phòng tuyến chủ chốt cuối cùng của hàng phòng ngự giữa quân Nga và Berlin, ông sẽ thường xuyên bị đặt dưới sự giám sát của Hitler và “mấy thằng hề trong cung” – như một trong số các sĩ quan của Heinrici gọi bọn họ.

     Tướng Heinrici chưa bao giờ làm một kẻ nịnh nọt, và cũng chưa từng học cách bóp méo sự thật; làm sao ông có thể tránh va chạm với những kẻ quanh Quốc trưởng? Và ai cũng biết chuyện gì sẽ xảy đến với những người bất đồng ý kiến với Hitler.

      Tận tâm hết mức có thể, các sĩ quan thân cận với Heinrici đã đề nghị ông nên tìm cớ không nhận nhiệm vụ này – có lẽ là “lý do sức khỏe.” Thật đáng ngạc nhiên, tướng Heinrici đơn giản đáp lại rằng ông sẽ tuân theo mệnh lệnh – “giống như một binh nhì Schultz hay Schmidt nào đó.” Bây giờ ông đã đến ngoại ô Zossen, tướng Heinrici không thể chịu nổi khi nhớ lại cảnh tượng lúc ông khởi hành, Ban tham mưu của ông nhìn ông “như thể tôi là một con cừu non sắp bị đưa đi giết mổ.” 
       2.
       Ở cổng chính của căn cứ, xe của tướng Heinrici nhanh chóng được thông qua. Hàng rào bảo vệ sơn hai màu đỏ đen bên trong được kéo qua, và chiếc xe chạy vào sở chỉ huy Zossen giữa hàng người đứng chào xôn xao. Có cảm giác như họ vừa bước vào một thế giới khác. Về một mặt nào đó thì đúng là như thế - một thế giới quân sự, kỷ luật, được ngụy trang và che giấu kỹ càng, chỉ có một số ít người biết và được nhận dạng bằng các mật danh “Maybach I” và “Maybach II.”

      Khu liên hợp mà họ vừa lái xe qua là Maybach I – trụ sở của OKH, Bộ Chỉ huy Cao cấp của Quân đội, đứng đầu là Đại tướng Guderian. Ông chỉ huy các đội quân ở mặt trận phía Đông từ nơi này. Cách đó một dặm về phía trong là một khu hoàn toàn tách biệt: Maybach II, trụ sở của OKW, Bộ Chỉ huy Cao cấp của các Lực lượng Vũ trang. Dù cái tên được đánh số hàng thứ hai nhưng Maybach II lại có thẩm quyền cao hơn – trụ sở của Tư lệnh Tối cao, Hitler.

      Không giống Đại tướng Guderian, người trực tiếp chỉ huy từ trụ sở OKH của mình, đội hình bậc thang cao nhất của OKW – Tổng tham mưu của OKW, Nguyên soái Wil-helm Keitel, và Tổng giám sát, Thượng tướng Alfred Jodl – luôn kề cận bên Hitler dù ông ta có đi đâu. Chỉ có bộ máy vận hành của OKW là nằm lại Zossen. Keitel và Jodl chỉ huy các đội quân ở mặt trận phía tây thông qua đó, ngoài ra còn dùng nó làm cơ quan thu thập và phân phối thông tin đưa mọi mệnh lệnh của Hitler đến toàn bộ các lực lượng vũ trang của Đức.

     Do vậy, Maybach II là thần của các vị thần, hoàn toàn tách biệt khỏi sở chỉ huy của Guderian đến mức rất ít sĩ quan của ông được phép vào trong đó. Sự phong bế kín kẽ tới mức hai Sở chỉ huy còn được ngăn cách về mặt vật lý bằng những dãy hàng rào kẽm gai thường có lính gác đi tuần. Hitler đã tuyên bố vào năm 1941 rằng không ai có thể biết nhiều hơn phận sự của mình. Trong sở chỉ huy của tướng Guderian, mọi người nói rằng “nếu quân địch có chiếm được OKW thì chúng ta vẫn sẽ ổn và đi làm bình thường thôi: chúng ta có biết gì về chỗ đó đâu.”

     Bên dưới sự bảo vệ của tán rừng, chiếc xe của tướng Heinrici chạy theo một trong số mấy con đường đất nhỏ hẹp đan chéo qua khu liên hợp. Rải rác giữa những gốc cây không ngay hàng thẳng lối là những tòa nhà bê tông thấp. Khoảng cách giữa các căn nhà thưa tới mức chúng hoàn toàn được các ngọn cây che phủ, nhưng để cho chắc chắn, chúng được sơn ngụy trang màu xanh lá, nâu, đen u ám. Các phương tiện đi lại đậu phía ngoài mấy con đường – bên cạnh những tòa nhà trông như trại lính phủ lưới ngụy trang. Lính gác đứng khắp nơi, và ở những điểm chiến lược quanh khu trại, những gò đất thấp nhô lên trên, chứa các boongke có lính ở trong.

      Đó là phần nổi của cơ sở ngầm mở rộng bên dưới toàn khu trại, phần ngầm của Maybach I và Maybach II còn rộng hơn cả phần trên mặt đất. Mỗi tòa nhà có ba tầng hầm, nối với nhau bằng các hành lang. Cơ sở ngầm lớn nhất là “Exchange 500” – tổng đài thông tin liên lạc bằng radio quân sự, điện báo và điện thoại lớn nhất nước Đức. Nơi này hoàn toàn tự vận hành, có hệ thống điều hòa không khí (gồm một hệ thống lọc đặc biệt nhằm chống tấn công bằng hơi độc), hệ thống cấp nước, bếp và không gian sinh hoạt riêng biệt. Nó nằm sâu 20m dưới lòng đất – tương đương một tòa nhà bảy tầng dưới đất.

      Exchange 500 là cơ sở vật chất duy nhất mà OKH và OKW dùng chung. Ngoài việc kết nối hai Sở chỉ huy và Berlin với mọi tư lệnh lục quân, không quân và hải quân cấp cao ở xa, nơi đây còn là tổng đài liên lạc chính của chính phủ Đức quốc xã và các cơ quan điều hành. Nó được hoàn thành vào năm 1939, được thiết kế để phục vụ cho một đế chế rộng bao la.

      Trong phần thân chính hay phòng đặt các đường dây nối đi xa, hàng dãy nhân viên trực ngồi trước những tấm bảng có đèn nhấp nháy; trên mỗi tấm bảng có một tấm thẻ nhỏ ghi tên một thành phố nào đó – Berlin, Prague, Vienna, Copenhagen, Oslo,… Nhưng đèn của một vài bảng điều khiển đã tắt – những tấm bảng đó vẫn còn ghi tên của Athens, Warsaw, Budapest, Rome và Paris.

     Mặc dù đã cẩn thận ngụy trang, khu liên hợp Zossen đã từng bị đánh bom. Tướng Heinrici có thể thấy bằng chứng rõ ràng khi xe của ông dừng bên ngoài tòa nhà chỉ huy của tướng Guderian. Khu vực này lỗ chỗ hố bom, cây bị bật gốc, và có mấy tòa nhà bị hư hại nặng. Nhưng hậu quả của cuộc đánh bom đã được giảm thiểu tối đa nhờ kiến trúc kiên cố của các tòa nhà – một số có tường dày tới 1m (*).    
      (*) Lời dẫn của tác giả:

      Thực sự thì, Zossen đã bị quân Mỹ đánh bom dữ dội chỉ bảy ngày trước đó, vào ngày 15/3, theo yêu cầu của người Nga. Thông điệp từ Nguyên soái Sergei V. Khudyakov của Ban tham mưu Hồng quân gửi đến Đại tướng John R. Deane, trưởng Phái bộ Quân sự Hoa Kỳ tại Mos-cow, giờ đang được lưu tại Washington và Moscow, và xuất hiện ở đây lần đầu, trong một tài liệu đầy ngạc nhiên vì nó cho thấy quy mô của tình báo Nga tại Đức: “Đại tướng Deane thân mến: Theo nguồn tin mà chúng tôi có được, Bộ tổng tham mưu của Quân đội Đức nằm cách Berlin 38km về phía nam, trong một khu hầm ngầm được gia cố đặc biệt mà người Đức gọi là ‘Thành lũy.’

      Khu hầm ngầm nằm cách Zossen 5,5 - 6km về phía nam-đông nam và cách con đường cao tốc gần đó 1-1,5km về phía đông

      Theo cùng nguồn tin đó thì việc khởi công xây công sự ngầm này bắt đầu từ năm 1936. Vào năm 1938 và 1939, khả năng chịu bom không kích và súng phun lửa của khu công sự được người Đức kiểm tra. Tôi mong ngài, thưa ngài Đại tướng thân mến, sẽ không từ chối ra lệnh cho không lực của quân Đồng minh đánh bom ‘Thành lũy’ càng sớm càng tốt bằng bom hạng nặng. Tôi chắc chắn kết quả là… Bộ tổng tham mưu của Đức, nếu nó vẫn nằm ở đó, sẽ chịu nhiều thiệt hại và tổn thất khiến nó không thể làm việc bình thường… và [có thể] phải di dời. Vì thế, người Đức sẽ mất một Sở chỉ huy và trung tâm thông tin liên lạc được tổ chức tốt. Đính kèm theo đây là một tấm bản đồ có vị trí chính xác của [trụ sở] Bộ tổng tham mưu Đức.”

      Trong tòa nhà chính, bằng chứng của cuộc tấn công còn rõ ràng hơn. Người đầu tiên mà tướng Heinrici và đại úy Von Bila gặp là Trung tướng Hans Krebs, Tham mưu trưởng của tướng Guderian, đã bị thương trong cuộc không kích. Chiếc kính một mắt đeo bên mắt phải, ông ngồi sau bàn làm việc trong một văn phòng gần văn phòng của tướng Guderian, đầu quấn băng trắng. Tướng Heinrici không quan tâm nhiều về tướng Krebs. Dù vị Tham mưu trưởng này cực kỳ thông minh, tướng Heinrici thấy ông ta “là một người đàn ông không chịu tin sự thật, người có thể đổi trắng thay đen để làm giảm thiểu tình hình thực sự cho Hitler nghe.”

      Tướng Heinrici nhìn ông ta. Bỏ qua sự tinh tế, ông đột ngột hỏi:
     “Ông bị thương làm sao vậy?”.

      Tướng Krebs nhún vai. Ông đáp:
      “Ồ không có gì. Không có gì đâu.”

      Krebs vẫn luôn thản nhiên như thế. Trước cuộc chiến, ông từng là tùy viên quân sự Đại sứ quán Đức tại Moscow, và ông nói tiếng Nga gần như hoàn hảo. Sau khi ký Hiệp ước Trung lập Nga-Nhật năm 1941, Stalin đã ôm Krebs và nói, “Chúng ta sẽ luôn là bạn.” Giờ đây, trong lúc ngẫu nhiên nói chuyện với Heinrici, Krebs nói rẳng mình vẫn đang học tiếng Nga. Ông nói, “Mỗi sáng tôi đặt một quyển từ điển trên một cái kệ bên dưới tấm gương và học vài từ trong lúc cạo râu.” Heinrici gật đầu. Krebs sẽ thấy mớ tiếng Nga của mình hữu dụng nhanh thôi.

     Vào lúc đó, Thiếu tá Freitag von Loringhonven, sĩ quan phụ tá của tướng Guderian, cùng nhập hội với bọn họ. Đi cùng ông là Đại úy Gerhard Boldt, một thành viên khác trong ban tham mưu cá nhân của tướng Guderian. Họ trịnh trọng chào Heinrici và Von Bila, rồi đi cùng hai người tới văn phòng của Đại tướng. Với Von Bila, có vẻ như ai cũng mặc bộ đồng phục chiến trường màu xám được cắt may và ủi cẩn thận, mang ủng cao bóng loáng, cùng với phù hiệu màu đỏ mang quân hàm trên cổ áo. Heinrici, đi phía trước thiếu tá Von Loringhonven, có vẻ lạc quẻ về mặt trang phục như thường lệ - đặc biệt là nhìn từ đằng sau. Chiếc áo khoác da cừu cổ viền lông làm Von Bila nhăn mặt vì ngượng.

     Thiếu tá Von Loringhonven đi vào văn phòng của Đại tướng, một lát sau quay lại và để cửa mở cho tướng Heinrici. Khi tướng Heinrici đi vào, ông thông báo “Ngài Thượng tướng Heinrici.” Von Loringhonven đóng cửa lại và rồi nhập bọn cùng Boldt và Von Bila trong phòng chờ.

     Tướng Guderian đang ngồi đằng sau một cái bàn lớn ngập giấy. Khi Heinrici đi vào, ông đứng dậy, nồng nhiệt chào vị khách, chỉ cho ông một cái ghế và nói chuyện về chuyến đi của Heinrici một lúc. Heinrici thấy rằng Guderian đang căng thẳng và cáu kỉnh. Bờ vai rộng, chiều cao trung bình, với mái tóc hoa râm mỏng và hàng ria lộn xộn, tướng Guderian trông già hơn cái tuổi 60 của mình. Ông là một vị tướng bệnh tật, dù không nhiều người biết, với chứng cao huyết áp và bệnh tim – một bệnh tình không thể thuyên giảm trước tâm trạng chán nản thường trực của ông. Những ngày này, người sáng tạo ra lực lượng thiết giáp lớn nhất của Hitler – tài năng vũ khí của ông từng đem lại cuộc chiếm đóng nước Pháp năm 1940 chỉ trong 27 ngày và gần như chưa từng đạt được thành tựu tương tự ở Nga – thấy mình hầu như chẳng còn quyền lực gì. Dù là người đứng đầu Tổng bộ tham mưu, ông cũng không còn ảnh hưởng gì mấy tới Hitler nữa. Là một sĩ quan nóng tính hầu hết mọi lúc, Heinrici nghe nói bây giờ tướng Guderian gặp nhiều trở ngại tới mức ông thường nổi cơn lôi đình.

     Khi họ nói chuyện, tướng Heinrici nhìn quanh. Văn phòng khá đơn giản: một cái bàn bản đồ lớn, vài cái ghế dựa lưng thẳng, hai cái điện thoại, một cái đèn ngủ bóng màu xanh lá đặt trên bàn làm việc, và trên bức tường màu be không có gì khác trừ một bức chân dung đóng khung thông thường của Hitler, treo trên cái bàn bản đồ. Người đứng đầu Tổng bộ tham mưu thậm chí còn chẳng có lấy một cái ghế êm ái.

       Dù Guderian và Heinrici không phải là bạn bè thân thiết, họ cũng đã biết nhau nhiều năm, tôn trọng tài năng của nhau và đủ gần gũi để trao đổi tự do và thoải mái. Ngay khi vào chủ đề công việc, Heinrici nói thẳng. Ông nói, “Đại tướng, thời gian qua tôi chỉ ở vùng hoang dã của Hungary. Tôi chẳng biết gì về Cụm Tập đoàn quân Vistula, nó bao gồm những thành phần nào hay tình hình bên sông Oder ra làm sao cả.”

     Tướng Guderian cũng thẳng thừng tương tự. Ông mạnh mẽ đáp lại, “Tôi phải nói với anh, Heinrici à, Hitler không muốn giao anh quyền chỉ huy này đâu. Ông ta nghĩ đến người khác trong đầu rồi.”

      Heinrici vẫn im lặng.

      Guderian tiếp tục: “Tôi chịu trách nhiệm việc này. Tôi đã nói với Hitler rằng anh là người cần thiết. Thoạt tiên ông ta không chịu anh đâu. Cuối cùng, tôi đã khiến ông ta đồng ý.”

      Guderian nói chuyện theo kiểu thẳng thừng, đậm tính công việc, nhưng vì có thiện cảm với người trước mặt mà tông giọng của ông thay đổi. Dù là 20 năm sau, Heinrici vẫn còn nhớ chi tiết của bài chỉ trích sau đó.

     Guderian gầm gừ, “Himmler. Hắn là vấn đề lớn nhất. Phải thoát khỏi kẻ mà anh vừa thay thế - Himmler!”

     Ông đột ngột đứng dậy khỏi ghế, đi quanh bàn và bắt đầu rảo bước trong phòng. Heinrici chỉ vừa mới biết gần đây là Thống chế Heinrich Himmler là tư lệnh của Cụm Tập đoàn quân Vistula. Tin tức đó khiến ông ngạc nhiên tới mức thoạt đầu ông không tin. Ông biết Himmler là một thành viên trong nội các của Hitler – có lẽ là người quyền lực nhất nước Đức sau Quốc trưởng. Ông không hề biết rằng Himmler có kinh nghiệm gì trong việc điều binh khiển tướng ngoài chiến trường – chứ đừng nói tới việc chỉ huy hoạt động của một Cụm Tập đoàn quân.

      Tướng Guderian cay đắng kể lại hồi tháng 1, khi Ba Lan sụp đổ trước cơn thủy triều Hồng quân, ông đã liều lĩnh thúc giục thành lập Cụm Tập đoàn quân Vistula như thế nào. Vào lúc đó, nó được hình dung là một tổ hợp các quân đoàn phía bắc trấn giữ phòng tuyến chủ chốt giữa sông Oder và Vistula, đại khái từ Đông Phổ đến một điểm phía nam nơi nó sẽ liên kết với một Cụm tập đoàn quân khác. Nếu phòng tuyến giữ được, nó sẽ ngăn quân Nga tràn như tuyết lở vào trung tâm nước Đức, qua vùng hạ Pomerania và thượng Silesia, rồi qua cổng Bran-denburg và cuối cùng – là Berlin.

      Guderian đã đề nghị cho Thống chế Freiherr von Weichs chỉ huy tập đoàn quân này. Guderian nói, “Vào lúc đó ông ấy là người phù hợp nhất. Chuyện gì đã xảy ra? Hitler nói Von Weichs quá già. Jodl cũng có mặt tại cuộc họp và tôi mong ông ta có thể ủng hộ mình. Nhưng ông ta đưa ra vài nhận xét về quan điểm tôn giáo của Von Weichs. Thế là xong chuyện.”

      Guderian lớn tiếng chửi, “Thế rồi, chúng ta có ai nào? Hitler bổ nhiệm Himmler! Trong số bao nhiêu người – là Himmler đấy!”

      Guderian, theo lời ông, đã “tranh luận và nài xin bãi bỏ vụ bổ nhiệm kinh khủng và vô lý” của một người không hề có kiến thức quân sự. Nhưng Hitler rất cứng rắn. Dưới quyền Himmler, mặt trận chỉ có sụp đổ chứ chẳng có gì khác. Hồng quân đã di chuyển đúng như Guderian dự đoán. Một khi quân Nga vượt qua được Cụm tập đoàn quân Vistula, một phần lực lượng của họ đi về phương Bắc tới biển Baltic ở Danzig, tách ra và chạy vòng quanh khoảng 20-25 sư đoàn chỉ riêng ở Đông Phổ.

      Phần còn lại của quân đội Soviet băng qua Pomerania và thượng Silesia, rồi tới được sông Oder và sông Neisse. Khắp nơi dọc theo mặt trận miền đông, phòng tuyến của Đức bị áp đảo. Nhưng không có khu nào sụp đổ nhanh như của Himmler. Thất bại của ông ta đã mở toang cánh cổng vào con đường chính đi qua nước Đức và kết nối với quân Đồng minh phương Tây. Hơn hết thảy, nó đặt Berlin vào trong tình thế nguy hiểm.

      Guderian nói với Heinrici rằng, chỉ 48 giờ trước đó, ông đã lái xe đến sở chỉ huy của Cụm tập đoàn quân Vistula ở Birkenhain, cách Berlin khoảng 50 dặm về phía bắc, cố thuyết phục Himmler bỏ quyền chỉ huy. Ở đó, ông được thông báo rằng Himmler đang bị bệnh. Ông cuối cùng cũng tìm được vị tư lệnh SS cách đó 20 dặm, gần thị trấn Lychen, “nằm co ro trong viện điều dưỡng, mà chả bị gì ngoài một cơn cảm lạnh.”

      Guderian nhanh chóng nhận thấy “căn bệnh” của Himmler có thể tận dụng thành lợi thế. Ông bày tỏ sự cảm thông với ngài Thống chế, và nói có lẽ ông ta đã làm việc quá sức, rằng số chức trách mà ông ta nắm giữ sẽ “là gánh nặng lên sức mạnh của bất kỳ người đàn ông nào.” Ngoài là tư lệnh của Cụm tập đoàn quân Vistula, Himmler đầy tham vọng còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Thủ lĩnh Gestapo, lực lượng cảnh sát và an ninh của Đức; đứng đầu lực lượng SS, và là tư lệnh của Huấn luyện quân. Sao không bỏ bớt một chức trách, Guderian đề nghị - để coi, Cụm tập đoàn quân Vistula?

      Himmler tóm ngay lấy lời đề nghị đó. Ông ta nói với Guderian, quá đúng; việc ông ta có quá nhiều chức vụ thực sự đòi hỏi sức chịu đựng lớn lao. Himmler hỏi, “Nhưng làm sao tôi có thể nói với Quốc trưởng là tôi muốn từ bỏ Vistula?” Guderian nhanh nhảu nói với Himmler là nếu được cho phép, ông ta sẽ đề xuất việc này. Himmler mau lẹ đồng ý. Guderian nói thêm, đêm hôm đó, “Hitler đã làm nhẹ bớt gánh nặng của vị Thống chế đã làm việc quá sức và có quá nhiều gánh nặng này, nhưng chỉ sau khi đã càu nhàu một thôi một hồi và hết sức miễn cưỡng.”

       Guderian ngừng lại, nhưng chỉ trong một lúc. Lời thuật lại tai họa đầy gay gắt của ông chấm dứt bằng một cơn thịnh nộ trào dâng. Bây giờ ông nổi giận trở lại. Giọng run rẩy vì giận dữ, ông nói: “Chúng ta đang ở trong một đám hỗn loạn lạ kỳ. Cái cách cuộc chiến đang diễn ra thật là không thể tin được. Không thể tin được!”

      Guderian nhớ lại, qua mấy tháng trước, ông đã cố thuyết phục Hitler hiểu rằng “nguy cơ thật sự nằm ở mặt trận phía Đông,” và “cần có biện pháp mạnh.” Ông thúc giục một loạt rút quân chiến lược từ các nước quanh biển Baltic – đặc biệt là từ Courland ở Latvia – và từ các nước ở bán đảo Balkan, và thậm chí còn đề nghị từ bỏ Na Uy và Italy. Cần rút ngắn phòng tuyến các nơi; mỗi sư đoàn được rút bớt có thể tăng tốc hướng về mặt trận với Nga. Theo tin tình báo, quân Nga có số sư đoàn đông gấp đôi quân Đồng minh phương Tây – chưa kể số sư đoàn Đức chiến đấu ở phía Đông ít hơn phía Tây. Hơn nữa, những sư đoàn thiện chiến nhất của Đức đang đối đầu với Eisenhower. Nhưng Hitler không chịu tiếp tục phòng thủ; ông ta không tin những tin tức và số liệu đặt trước mặt mình.

     Thế rồi, Guderian tuyên bố, “Có lẽ Hitler đã mắc phải sai lầm lớn nhất đời.”

     Tháng 12/1944, ông ta phát động cuộc tấn công ồ ạt vào lực lượng Đồng minh phương Tây, một lần đánh cược cuối cùng, ở những cánh rừng tại cao nguyên Ardennes của Bỉ và miền bắc Luxembourg. Hitler huênh hoang rằng cuộc tấn công sẽ đập tan quân Đồng minh và thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến. Ông ta đưa ba đoàn quân vũ trang tận răng tấn công vào trung tâm của phòng tuyến quân Đồng minh – tổng cộng có 20 sư đoàn, trong đó có 12 sư đoàn có vũ trang. Mục tiêu của họ là: vượt qua phòng tuyến, đến được Meuse, và rồi tiến về hướng bắc để chiếm được cảng tiếp tế sống còn ở Antwerp. Bị đánh úp bất ngờ, quân Đồng minh choáng váng và phải rút lui với tổn thất nặng nề. Nhưng không lâu sau cuộc tấn công đuối dần. Hồi phục nhanh chóng, quân Đồng minh đẩy lùi các đội quân kiệt sức của Hitler về sau biên giới Đức chỉ sau năm tuần.

      Guderian nói, “Khi thấy rõ là cuộc tấn công đã thất bại, tôi đã năn nỉ Hitler rút quân khỏi Ardennes và đưa họ đến mặt trận phía Đông, nơi chúng ta đoán quân Nga sẽ tấn công bất cứ lúc nào. Nhưng chả ích gì – ông ta không chịu tin phỏng đoán của chúng tôi về sức mạnh của quân Nga.”

     Ngày 9/1, Guderian nói với Hitler là người Nga có thể sẽ phát động tấn công từ Baltic tới Balkan bằng một lực lượng khổng lồ vào cỡ 225 sư đoàn và 22 quân đoàn có vũ trang. Dự đoán tình hình do Đại tướng Reinhard Gehlen, Trưởng cục tình báo của Guderian chuẩn bị. Dự báo cho thấy về mặt bộ binh, quân Nga sẽ áp đảo quân Đức theo tỷ lệ 11 đánh 1, về quân có vũ trang là 7 đánh 1, về cả pháo và máy bay thì ít nhất là 20 đánh 1.

      Hitler đập bàn và điên cuồng chửi bới tác giả của bản báo cáo. Ông ta rống lên, “Thằng nào chuẩn bị mớ rác này hả? Dù nó có là ai, nó cũng sẽ bị đưa vào nhà thương điên!” Ba ngày sau quân Nga tấn công, và tướng Gehlen cho thấy ông đã đúng.

      Guderian nói với Heinrici, “Mặt trận hầu như sụp đổ, đơn giản là vì phần lớn lực lượng thiết giáp của chúng ta đang kẹt ở phía Tây. Cuối cùng Hitler cũng đồng ý chuyển một số binh chủng thiết giáp, nhưng ông ta không chịu để tôi dùng xe tăng để tấn công quân Nga đang chĩa mũi nhọn về phía đông Berlin. Ông ta đã đưa chúng đi đâu? Tới Hungary, nơi chúng bị quăng vào một cuộc tấn công hoàn toàn vô ích để dành lại mấy mỏ dầu.”

      Ông nổi điên lên, “Ngay cả bây giờ, không hiểu sao vẫn còn 18 sư đoàn đang ngồi ở Courland – kẹt cứng ở đó, chả làm gì. Ở đây cần họ - chứ không phải ở vùng Baltic! Nếu chúng ta muốn sống sót, cần đưa mọi thứ đến mặt trận Oder.”

       Guderian ngừng lại và cố trấn tĩnh bản thân. Rồi ông nói: “Quân Nga đang nhìn xuống cổ họng chúng ta. Chúng đã dừng tấn công để tái cơ cấu tổ chức. Chúng tôi đoán là anh có 3 đến 4 tuần để chuẩn bị – trước khi mấy cơn lũ tràn tới. Vào lúc đó, quân Nga sẽ cố thiết lập những vùng mới chiếm ở bờ Tây và mở rộng những cái họ đã có. Cần đẩy lùi những nơi đó. Dù nơi khác có xảy ra chuyện gì, quân Nga cần phải bị chặn đứng bên sông Oder. Đó là hi vọng duy nhất của chúng ta.”
      3.
      Tướng Guderian gọi người mang bản đồ vào. Trong căn phòng chờ bên ngoài, một trong số mấy sĩ quan phụ tá cầm lấy vài tấm bên trên một chồng đã chuẩn bị sẵn, đem vèo trong văn phòng và trải ra trên chiếc bàn bản đồ trước mặt hai vị tướng.

       Đây là lần đầu tướng Heinrici nhìn qua tình hình tổng thể.

      Hơn một phần ba nước Đức đã mất – bị nuốt chửng bởi đà tiến quân của phe Đồng minh từ cả đông lẫn tây. Tất cả những gì còn lại nằm giữa hai rào chắn lớn bằng nước: ở phía tây là sông Rhine; còn ở phía đông là sông Oder và sông nhánh của nó, sông Neisse. Và tướng Heinrici biết là những vùng công nghiệp lớn của đế chế Đức chưa bị chiếm thì đang bị đánh bom đêm ngày.

      Ở phía Tây, quân đội của Eisenhower, như tướng Heinrici có nghe được, thực sự đã tới bên bờ sông Rhine, phòng tuyến tự nhiên vĩ đại của nước Đức. Lực lượng của liên quân Anh-Mỹ trải dài gần 500 đặm dọc theo bờ tây – đại khái từ Biển Bắc tới biên giới Thụy Sĩ. Thậm chí một cứ điểm ở sông Rhine đã bị chọc thủng. Ngày 7/3, quân Mỹ đã chiếm được một cây cầu ở Remagen, phía nam thành phố Bonn, trước khi quân Đức kịp hoàn toàn phá cầu. Bây giờ, quân Mỹ chiếm một vùng quanh đầu cầu rộng 20 dặm, sâu 5 dặm nằm dọc bờ đông. Những giao điểm khác đang chống đỡ từng giây từng phút.

     Ở phía Đông, quân Soviet đã ùn ùn vượt qua Đông Âu và trấn giữ một mặt trận dài hơn 800 dặm – từ biển Baltic tới biển Adriatic. Ở Đức thì quân Nga đang đứng dọc sông Oder-Neisse tới tận biên giới với Tiệp Khắc. Guderian nói với Heinrici, bây giờ, quân Nga đang ráo riết chuẩn bị tiếp tục tấn công. Máy bay trinh sát đã phát hiện ra quân tiếp viện đang túa về mặt trận. Mọi ga đầu mối đều đầy ắp súng và trang thiết bị. Mọi con đường đều kẹt cứng xe tăng, những đoàn xe ngựa kéo và máy kéo, và các đoàn quân đang di chuyển nhanh như vũ bão.

      Sức mạnh của Hồng quân vào lúc tấn công sẽ lớn tới đâu, không ai có thể đoán nổi, nhưng đã nhận dạng được ba Tập đoàn quân hiện diện tại Đức – tập trung chủ yếu ở ngay đối diện Cụm tập đoàn quân Vistula.

      Nhìn vào mặt trận để lại cho ông, tướng Heinrici lần đầu thấy được cái mà sau này ông mô tả là “toàn bộ sự thật choáng váng.”

      Trên bản đồ, đường màu đỏ uốn lượn đánh dấu vị trí của Vistula kéo dài 175 dặm – từ bờ biển Baltic tới chỗ sông Oder và sông Neisse gặp nhau ở Silesia, nơi nó kết nối với lực lượng của Thượng tướng Schörner. Phần lớn mặt trận nằm trên bờ Tây sông Oder, nhưng có ba đầu cầu lớn vẫn còn nằm trên bờ đông: ở phía bắc là Stettin, thủ phủ có từ thế kỷ XIII của Pomerania; ở phía nam là thị trấn Küstrin và thành phố cổ Frankfurt bên sông Oder – cả hai đều nằm trong quân khu quan trọng ngay đối diện Berlin.

       Để ngăn quân Nga chiếm được thủ đô và tiến thẳng vào trung tâm nước Đức, tướng Heinrici phát hiện ra mình chỉ có trong tay hai quân đoàn. Trấn thủ cánh phía bắc của mặt trận là Quân đoàn Thiết giáp số 3, do Đại tướng Hasso von Manteuffel nhỏ con chỉ huy – có lẽ là chiến thuật gia thiết giáp vĩ đại nhất của quân đội Đức sau tướng Guderian và Rommel. Ông trấn giữ các vị trí kéo dài khoảng 95 dặm – từ phía bắc Stettin đến giao điểm của kênh Hohenzollern và sông Oder, cách Berlin khoảng 28 dặm về hướng đông bắc. Phía dưới đó, cách ngã ba sông Neisse 80 dặm, lực lượng phòng thủ do Đại tướng Theodor Busse, 47 tuổi, mang kính cận cùng với Quân đoàn 9 của ông phụ trách.
       Chán nản trước bức tranh toàn cục, tướng Heinrici không quá ngạc nhiên trước số lượng đông đảo của quân địch nữa. Ở mặt trận phía Đông, đánh trận mà không có không quân yểm hộ là chuyện bình thường, chỉ có vài chiếc xe tăng ít ỏi, và còn bị áp đảo số lượng ít nhất là một chọi chín hoặc mười. Nhưng tướng Heinrici biết, mọi chuyện đều tùy thuộc vào năng lực của các đội quân. Giờ điều làm ông lo lắng là làm sao kết hợp hai quân đoàn này.

      Đối với tướng Heinrici có kinh nghiệm trận mạc đầy mình, tên của một sư đoàn và tư lệnh của nó thường biểu lộ lịch sử và khả năng chiến đấu của nó. Giờ đây, ngồi xem xét bản đồ, ông thấy mặt trận phía đông có rất ít sư đoàn chính quy mà ông có biết. Thay vì được đánh số thông thường, phần lớn các sư đoàn ở đây lại có tên khá kỳ quặc, kiểu như “Gruppe Kassen,” “Döberitz,” “Nederland,” “Kurmark,” “Berlin” và “Müncheberg.”

      Heinrici tự hỏi kết cấu của các lực lượng này là thế nào. Họ có phải là quân tàn dư – đơn giản là quẳng phần còn lại của các sư đoàn vào với nhau? Tấm bản đồ của tướng Guderian không vẽ nên một bức tranh rõ ràng cho ông. Ông cần chính mắt thấy, nhưng ông nghi từ đầu là mấy lực lượng này chỉ là sư đoàn về mặt danh nghĩa. Heinrici không nói gì về sự nghi ngờ của mình, vì tướng Guderian có những vấn đề khác, khẩn cấp hơn để thảo luận – đặc biệt là Küstrin.

      Quân đoàn lớn nhất của tướng Heinrici là Quân đoàn 9 của tướng Busse, tấm khiên chắn ngay trước Berlin. Từ những dấu chấm đỏ trên bản đồ, có thể thấy rõ là tướng Busse đang phải đối mặt với sức ép lớn lao. Guderian nói, quân Nga đang tập trung ngay đối diện Quân đoàn 9. Chúng đang phi thường nỗ lực để quét sạch hai đầu cầu của Đức bên bờ đông tại Küstrin và tại vùng Frankfurt. Tình hình tại Küstrin nguy ngập hơn.

      Trong mấy tuần qua tại quân khu này, Hồng quân đã mấy lần thành công vượt sông Oder và giành được mấy vị trí vững chắc bên bờ tây. Đa số những cố gắng đó đều bị đẩy lui, nhưng quân Nga vẫn đóng quanh Küstrin bất chấp các nỗ lực phòng ngự. Chúng đã chiếm được những vùng quanh đầu cầu với quy mô lớn cả hai bên thành phố. Giữa những công sự tạm chiếm vây quanh thành thế gọng kềm đó, trơ lại một hành lang đơn độc, nối quân phòng thủ tại Küstrin với Quân đoàn 9. Một khi gọng kềm đó xiết lại, Küstrin sẽ sụp đổ và mối liên kết giữa hai đầu cầu sẽ là tấm ván dậm nhảy lớn bên bờ tây cho quân Nga lấy đà tiến về Berlin.

      Và giờ đây, tướng Guderian tung cho tướng Heinrici một quả bom nữa. Ông nói, “Hitler đã quyết định sẽ phát động một cuộc tấn công để quét sạch đầu cầu phía nam Küstrin, và Đại tướng Busse đang chuẩn bị đấy. Tôi tin nó sẽ xảy ra trong 48 giờ tới thôi.”

      Theo như tướng Guderian phác thảo, kế hoạch là cuộc tấn công sẽ phát động từ Frankfurt, dưới Küstrin 13 dặm. Năm sư đoàn Đặc nhiệm Thiết giáp sẽ vượt sông vào đầu cầu của Đức rồi từ đó tấn công bờ đông và đánh từ đằng sau vào đầu cầu của Nga ở phía nam Küstrin.

      Tướng Heinrici nghiên cứu tấm bản đồ. Thành phố Frankfurt nằm ở cả hai bên sông Oder, với phần lớn thành phố nằm bên bờ tây. Một cây cầu duy nhất nối hai bờ thành phố. Đối với vị tư lệnh mới của Cụm tập đoàn quân Vistula, có hai sự thật rất rõ ràng: địa hình nhiều đồi núi bên bờ đông tạo điều kiện lý tưởng cho pháo binh Nga – chúng có thể bắt chết quân Đức từ các ngọn đồi. Nhưng tệ hơn, đầu cầu trên sông quá nhỏ để năm sư đoàn cơ giới cùng hội lại một chỗ.

       Tướng Heinrici nghiền ngẫm tấm bản đồ một lúc. Trong đầu ông không còn nghi ngờ gì nữa rằng việc các sư đoàn Đức hợp lại sẽ bị phát hiện ngay, và sau đó sẽ bị đập tan bằng trọng pháo, rồi bị máy bay tấn công. Nhìn tướng Guderian, ông nói đơn giản:
      “Đó là chuyện bất khả thi.”

      Guderian cũng đồng ý. Ông giận dữ nói với tướng Heinrici rằng cách duy nhất mà các sư đoàn có thể hợp lại là “nằm sấp trên cầu, từng người từng người một – làm thành một cây cột bằng lính và xe tăng dài chừng 15 dặm.” Nhưng Hitler khăng khăng đòi tấn công. Ông ta nói với tướng Guderian, “Nó sẽ thành công, vì bọn Nga sẽ không ngờ tới một cuộc hành quân liều lĩnh và phi chính thống như thế.”

      Tướng Heinrici vẫn tiếp tục nghiên cứu tấm bản đồ, ông thấy khu vực nằm giữa Küstrin và Frankfurt dày đặc quân Nga. Cho dù cuộc tấn công có thể xuất phát từ đầu cầu đó đi nữa, quân Nga mạnh đến mức các sư đoàn Đức sẽ không bao giờ tới được Küstrin. Heinrici nghiêm nghị cảnh báo: “Lính của ta sẽ bị dồn về sông Oder. Đó sẽ là thảm họa.”

      Tướng Guderian không bình luận gì – chả có gì để nói cả. Đột nhiên, ông liếc nhìn đồng hồ, rồi bực bội nói:
       “Chúa ơi, tôi phải quay về Berlin để dự cuộc họp của Quốc trưởng vào lúc ba giờ.”

       Chỉ cần nghĩ tới chuyện này cũng đủ làm một cơn thịnh nộ khác bùng nổ. Guderian thở phì phò:
      “Chẳng thể làm việc nổi. Cứ ngày hai lần phải đứng hàng giờ mà nghe cái đám xung quanh Hitler nói tầm xàm ba láp – có thảo luận gì đâu! Tôi chẳng thể nào làm xong việc gì! Tôi tốn toàn bộ thì giờ để di chuyển trên đường hoặc ở Berlin nghe mấy lời ngớ ngẩn!”

      Cơn lôi đình của tướng Guderian lớn tới mức khiến tướng Heinrici giật mình. Gương mặt vị Tham mưu trưởng đổi sang màu đỏ bầm, nhất thời Heinrici sợ là tướng Guderian sẽ lên cơn đau tim mà chết. Trong khi tướng Guderian tìm cách bình tĩnh lại, căn phòng trở nên yên tĩnh trong lo lắng. Rồi ông nói: “Hitler sẽ thảo luận về cuộc tấn công Küstrin. Có lẽ anh nên đi với tôi.”

      Tướng Heinrici từ chối. Ông nói:
      “Nếu tôi phải phát động cuộc tấn công điên rồ này ngay ngày mốt, thì tôi sẽ quay trở về sở chỉ huy của mình càng sớm càng tốt.”

      Rồi ông cứng cỏi nói thêm:
     “Hitler có thể chờ thêm vài ngày nữa để gặp tôi.”

     Trong phòng đợi, Heinrich von Bila đang tính giờ của cuộc họp thông qua đống bản đồ và biểu đồ đang thấp dần đi vì được mang vào văn phòng tướng Guderian. Chỉ còn lại một hai tờ, anh nghĩ, vậy là buổi chỉ dẫn sắp xong. Anh đi qua chỗ chiếc bàn và nhìn lơ đãng vào tấm bản đồ. Nó cho thấy toàn bộ nước Đức, nhưng đường nét trên đó có vẻ hơi khác. Đại úy Von Bila định quay đi thì có một thứ đập vào mắt anh. Anh nhìn gần hơn. Tấm bản đồ này khác với những cái khác. Những dòng chữ trên đó khiến anh chú ý – nó viết bằng tiếng Anh. Anh cúi xuống và bắt đầu nghiên cứu cẩn thận.      
       4.
      Khi tướng Heinrici đầy mệt nỏi về được trụ sở của ông tại Birkenhain, gần Prenzlau thì đã gần sáu giờ chiều.

      Suốt gần hai tiếng rưỡi đồng hồ ngồi xe từ Zossen về, ông không nói một lời. Có lúc đại úy Von Bila cố khơi chuyện bằng cách hỏi ông đã xem tấm bản đồ đó chưa. Anh đoán là tướng Guderian đã cho tướng Heinrici xem một bản sao khác của tấm bản đồ này và giải thích nội dung của nó. Nhưng thực sự thì tướng Heinrici không hề biết gì về nó cả, và đại úy Von Bila không có được câu trả lời nào. Ngài thượng tướng chỉ ngồi mím môi và lo âu. Von Bila chưa bao giờ thấy ông chán nản đến thế.

      Sau khi nhìn thoáng qua trụ sở mới của mình lần đầu tiên, tướng Heinrici thậm chí còn chán nản hơn nữa. Nơi công tác của tư lệnh Cụm tập đoàn quân Vistula gồm một dinh thự uy nghi đường bệ, hai bên có các trại lính bằng gỗ. Tòa nhà chính được xây khá kỳ quặc – một tòa nhà rộng lớn, trang trí công phu với một hàng cột quá khổ nằm dọc mặt tiền. Nhiều năm trước, Himmler đã cho xây dựng nơi này như một chỗ ẩn náu cá nhân. Trên một đường tàu tránh gần đó là chiếc tàu lửa xa hoa được dành riêng cho ông ta, chiếc “Steiermark.”

      Giống như ở Zossen, trụ sở này cũng được rừng che phủ, nhưng sự so sánh đến đây là chấm dứt. Không hề có sự hối hả rộn ràng mà tướng Heinrici nghĩ trụ sở của một Cụm tập đoàn quân đang hoạt động phải có. Trừ một viên hạ sĩ SS đứng trong nhà nghỉ của tòa nhà chính, nơi này dường như cực kỳ vắng vẻ. Viên hạ sĩ hỏi tên của họ, đưa họ đến một chiếc trường kỷ rồi biến mất tăm.

      Mấy phút trôi qua, rồi một trung tướng SS ăn vận hoàn hảo không chê vào đâu được xuất hiện. Ông giới thiệu mình là Tham mưu trưởng của Himmler, Heinz Lammerding, và giải thích trơn tru rằng ngài Thống chế “đang có một cuộc thảo luận quan trọng” và “không thể bị làm phiền vào lúc này.” Lịch sự nhưng lạnh lùng, Lammerding không hề mời tướng Heinrici vào đợi trong văn phòng mình, cũng không có một cử chỉ mến khách thông thường nào. Ông ta quay gót đi và để tướng Heinrici cùng đại úy Von Bila đợi trong phòng nghỉ. Suốt bao năm là một sĩ quan cấp cao, tướng Heinrici chưa bao giờ bị đối xử một cách bất cẩn như thế.

       Ông kiên nhẫn đợi 15 phút, rồi nói nhỏ với Von Bila, “Đi nói với Lammerding là tôi không định ngồi ngoài đây thêm một phút nào nữa. Tôi cần gặp Himmler ngay.” Vài giây sau, tướng Heinrici được tháp tùng đi xuống một hành lang vào văn phòng của Himmler.

      Himmler đang đứng bên cạnh bàn làm việc. Ông ta có vóc người trung bình, lưng dài hơn chân – một viên sĩ quan của tướng Heinrici nhớ lại là giống như “hai cái chân sau của con bò đực.” Ông ta có gương mặt nhỏ, cằm thụt, cặp mắt lác đằng sau đôi kính có dây đeo đơn giản, một hàng ria mép nhỏ và đôi môi mỏng. Bàn tay ông ta nhỏ nhắn, mềm mại và ẻo lả với những ngón tay dài thanh mảnh. Tướng Heinrici nhận thấy nước da của ông ta “xanh xao, phù thũng và có cảm giác xốp như miếng bọt biển.”

      Himmler bước về phía trước, chào hỏi rồi ngay lập tức nói một tràng giải thích dài. Ông ta nắm tay tướng Heinrici và nói, “Anh phải hiểu là rời khỏi Cụm tập đoàn quân Vistula là một quyết định khó khăn vào bậc nhất của tôi.” Vừa nói, ông ta vừa ra dấu cho tướng Heinrici ngồi vào ghế. “Nhưng như anh biết đó, tôi có quá nhiều chức trách, quá nhiều việc phải làm – và vì thế, sức khỏe tôi không được tốt lắm.”

      Ngồi đằng sau chiếc bàn, Himmler ngả người ra sau và nói: “Bây giờ, tôi sẽ nói cho anh tất cả mọi chuyện đã diễn ra. Tôi đã bảo đem mọi bản đồ và báo cáo vào đây.” Hai người lính SS bước vào phòng; một là người viết tốc ký, người kia mang một đống bản đồ. Đằng sau họ là hai sĩ quan tham mưu.

      Tướng Heinrici vui mừng khi thấy hai viên sĩ quan mặc đồng phục quân đội, chứ không phải của lực lượng SS. Một trong hai là Trung tướng Eberhard Kinzel, Phó Tham mưu trưởng; còn người kia là Đại tá Hans Georg Eismann, Giám sát trưởng. Tướng Heinrici đặc biệt vui khi gặp Eismann, ông biết đây là một sĩ quan tham mưu cực kỳ có năng lực. Tướng Lammerding không có mặt.

      Himmler chờ đến khi mọi người ngồi xuống. Rồi ông ta bắt đầu một bài biện hộ cá nhân rất kịch tính. Đối với tướng Heinrici, nó giống như “ông ta bắt đầu kể chuyện Adam và Eve,” rồi đi vào những chi tiết thanh minh đầy gian khổ mà ông thấy là “mấy lời ông ta nói chả có nghĩa lý gì.”

       Cả Kinzel và Eismann đều biết là Himmler có thể nói thế hàng giờ. Sau đó vài phút, Kinzel chuồn mất vì “có công việc gấp.” Eismann ngồi quan sát Himmler và Heinrici, âm thầm so sánh hai người họ. Ông thấy tướng Heinrici là “một quân nhân lớn tuổi âm trầm và bền bỉ - một người đàn ông nhỏ bé, lặng lẽ, nghiêm túc và lúc nào cũng nhã nhặn,” phải hứng chịu một màn huênh hoang màu mè của một kẻ mới phất không hề có đặc tính quân nhân, “một kẻ chẳng đọc nổi thước chia độ trên bản đồ.”

      Nhìn cái cách Himmler khoa chân múa tay “lặp đi lặp lại mấy chuyện ít quan trọng nhất trong bài diễn văn đầy phô trương,” ông biết là tướng Heinrici hẳn đang vừa choáng váng vừa chán ghét.

      Eismann chờ lâu hết mức có thể, rồi cả ông cũng kiếm cớ vì “có nhiều việc phải làm.” Mấy phút sau, tướng Heinrici nhận thấy viên tốc ký, không thể theo kịp bài nói của Himmler, đã đặt cây bút chì xuống. Quá sức chán nản, Heinrici ngồi im, để cơn lũ ngôn từ ào qua ông.

      Thình lình, điện thoại trên bàn làm việc của Himmler reng. Himmler nhấc máy và nghe một lúc. Trông ông ta có vẻ giật mình. Ông ta đưa điện thoại cho Heinrici và nói, “Anh là tư lệnh mới. Anh nên nghe cú điện này.”

      Người gọi là Đại tướng Busse, tư lệnh Quân đoàn 9. Tướng Heinrici cứng người lại khi nghe. Tai họa đã xảy ra trong nhiệm vụ mới của ông. Quân Nga đã do thám được công tác chuẩn bị cho cuộc tấn công Küstrin của tướng Buss. Sư đoàn Thiết giáp 25, một trong những sư đoàn thiện chiến nhất của tướng Busse, nhiều tháng nay trấn thủ hành lang để mở giữa các đầu cầu của Nga nằm hai bên Küstrin, đã lặng lẽ rút khỏi vị trí nhằm chuẩn bị cho cuộc tấn công.

       Một sư đoàn khác là Sư đoàn Thiết giáp 20 đã đến thế chỗ Sư đoàn 25. Quân Nga đã nhận thấy sự thay đổi và tấn công từ cả hai hướng bắc và nam. Gọng kềm đã khép lại nghe răng rắc, đúng như tướng Heinrici đã lo sợ. Sư đoàn Thiết giáp 20 bị đánh tan, Küstrin bị cô lập – và quân Nga giờ đã có được một đầu cầu lớn để tấn công Berlin.

     Tướng Heinrici cúp máy và dứt khoát nói cho Himmler nghe tin này. Vị Thống chế trông có vẻ lo lắng và nhún vai. Ông ta nói, “Ừm, anh mới là tư lệnh của Cụm tập đoàn quân Vistula mà.”

      Tướng Heinrici nhìn chòng chọc. Ông nói bén nhọn, “Giờ nhìn đây này. Tôi không biết một thứ chết tiệt gì về Cụm tập đoàn quân này. Tôi thậm chí còn không biết tôi có những người lính nào, hay ai cần ở đâu.”

     Himmler ngây ngốc nhìn tướng Heinrici và Heinrici thấy ông chẳng thể trông đợi sự giúp đỡ nào. Ông quay lại chiếc điện thoại và ngay lập tức ra lệnh cho tướng Busse phản công, cùng lúc đó hứa hẹn với vị tư lệnh của Quân đoàn 9 là ông sẽ đến mặt trận sớm hết mức có thể. Khi đặt ống nghe xuống, Himmler một lần nữa bắt đầu bài diễn văn dông dài như thể chưa có gì xảy ra.
      Nhưng bây giờ tướng Heinrici đang cực kỳ cáu tiết. Ông thẳng thừng cắt lời. Ông nói với Himmler là ông cần nghe ý kiến xem xét của ngài Thống chế về tình hình tổng thể cũng như về tương lai của nước Đức. Sau này ông nhớ lại, câu hỏi đó “rõ ràng không thú vị mấy” đối với Himmler. Vị Thống chế đứng dậy khỏi ghế, bước quanh bàn và nắm lấy tay Heinrici, đưa ông đến một chiếc sofa cách đó một khoảng xa trong phòng, ngoài tầm nghe của viên tốc ký. Rồi bằng một giọng khẽ khàng, Himmler quăng ra một quả bom. Ông ta bật mí, “Tôi đã thực hiện các bước cần thiết để bắt đầu đàm phán với các nước phương Tây thông qua một nước trung lập.” Ngừng lại một chút, ông ta nói thêm: “Tôi nói với anh chuyện này là vì tuyệt đối tin tưởng anh đó, anh hiểu chứ.”

      Im lặng kéo dài. Himmler nhìn Heinrici đầy trông đợi – có lẽ đang chờ một lời bình luận. Tướng Heinrici choáng váng. Đây là tội phản quốc – phản bội nước Đức cùng quân đội và những người lãnh đạo của nó. Ông cố đấu tranh để kiểm soát suy nghĩ của mình. Liệu Himmler có nói thật không? Hay đó là một thủ đoạn để gài ông nói lời hớ hênh? Tướng Heinrici tin là một Himmler tham vọng có thể làm mọi thứ - ngay cả phản quốc để giành lấy quyền lực cho bản thân. Vị tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc ngồi yên lặng, đến cả sự hiện diện của Himmler không thôi cũng đã làm ông thấy ghê tởm.

      Thình lình cửa mở và một sĩ quan SS xuất hiện. Himmler có vẻ nhẹ nhõm khi thấy có người cắt ngang. Viên sĩ quan thông báo, “Thưa Thống chế, ban tham mưu đã tập hợp lại để nói lời tạm biệt.” Himmler đứng dậy và bước ra khỏi phòng mà không thốt một lời nào nữa.

      Đến 8 giờ tối thì Himmler cùng các sĩ quan SS và cận về của ông ta đã đi. Balzen, người lính cần vụ của tướng Heinrici, nhanh chóng phát hiện ra bọn họ mang theo mọi thứ, bao gồm mấy món đồ dẹt, đĩa, kể cả ly tách và đĩa uống trà trong tòa dinh thự. Sự khởi hành của bọn họ hoàn chỉnh tới mức giống như Himmler chưa từng đặt chân tới trụ sở này. Trên chiếc tàu lửa xa hoa của mình, Himmler nhanh chóng biến vào màn đêm, rời xa khỏi mặt trận sông Oder, hướng về phía Tây.

       Ông ta để lại sau lưng một Heinrici đang giận điên người. Cơn giận dữ và ghê tởm của vị tư lệnh mới càng tăng lên khi ông nhìn quanh trụ sở của mình; một sĩ quan của ông nhớ lại là “tâm trạng tức giận của Heinrici tăng thêm mấy độ” khi ông kiểm tra sự trang hoàng đầy nữ tính trong dinh thự của Himmler. Văn phòng rộng rãi và mọi thứ trong đó đều có màu trắng. Phòng ngủ được trang trí màu xanh lục nhạt – từ rèm cửa, thảm, vải bọc đồ gỗ đến cả chiếc chăn bông và khăn trải giường. Tướng Heinrici chua chát nhận thấy nơi này “thích hợp cho một quý bà tao nhã hơn là một người quân nhân đang cố chỉ huy một đội quân.”

      Đêm hôm đó, tướng Heinrici gọi điện cho vị cựu Tham mưu trưởng của ông ở Silesia, như ông đã hứa, và kể cho ông ta nghe chuyện gì đã xảy ra. Ông đã kiểm soát lại được cảm xúc của mình, và có thể suy nghĩ về cuộc gặp mặt một cách tỉnh táo hơn. Ông quyết định là tiết lộ của Himmler quá là không tưởng để có thể tin được. Tướng Heinrici quyết định quên chuyện này đi. Trên điện thoại, ông nói với người đồng nghiệp cũ tại Silesia, “Himmler quá sức vui sướng khi ra đi. Ông ta chỉ ngại không thể ra khỏi đây đủ nhanh. Ông ta không muốn chịu trách nhiệm khi sự sụp đổ đến. Không. Ông ta chỉ muốn một vị tướng đơn giản chịu thay – và tôi là con dê tế thần.”

       Trong căn phòng được phân cho mình, viên sĩ quan phụ tá của tướng Heinrici, Đại úy Heinrich von Bila, rảo bước lên xuống không ngừng. Tâm trí anh không thể thoát khỏi tấm bản đồ anh đã thấy ở sở chỉ huy của tướng Guderian ở Zossen. Anh nghĩ thật là kỳ quặc khi không có ai ngăn cản anh nghiên cứu nó – tấm bản đồ đó rõ ràng là một tài liệu mật của tư lệnh.

      Tướng Guderian hẳn đã cho ông xem, nhưng tướng Heinrici chẳng bình luận gì. Hay có thể là tấm bản đồ không quan trọng như anh đã nghĩ? Có thể là nó được chuẩn bị tại chính sở chỉ huy của tướng Guderian – như là một dự đoán của người Đức về ý định của quân Đồng minh thì sao? Dù vậy đi nữa, Von Bila vẫn thấy khó chấp nhận – sao nó lại in bằng tiếng Anh mà không phải là tiếng Đức?

       Chỉ có một cách giải thích khác: đó là nó là một tấm bản đồ của quân Đồng minh, bị tình báo của Đức làm sao đó mà lấy được. Nó có thể đến từ đâu khác chứ? Nếu điều này là thật – và Von Bila không thể nghĩ ra câu trả lời nào khác – thì anh muốn tìm cách cảnh báo cho vợ và ba đứa con của anh. Theo tấm bản đồ đó, nếu nước Đức bị đánh bại, gia đình anh ở Bernberg sẽ nằm trong vùng do Nga kiểm soát. Trừ khi Von Bila đang tưởng tượng ra chuyện này, anh đã thực sự thấy được một kế hoạch tối mật về cách mà quân Đồng minh định chiếm và phân chia nước Đức.
     5.
       Cách đó 50 dặm, bản gốc của tấm bản đồ và các tài liệu đi kèm của nó nằm ở một chỗ an toàn ở Auf dem Grat 1, Dahlem, Berlin – sở chỉ huy khẩn cấp của Thượng tướng Alfred Jodl, Tư lệnh Hành quân của OKW (Bộ Tư lệnh Cấp cao của Các lực lượng Vũ trang). Và trong số tất cả các bí mật ngoài sức tưởng tượng từng lọt vào tay Cục Tình báo Đức trong cuộc chiến, tập hồ sơ bìa đỏ này là tài liệu tiết lộ bí mật tàn khốc nhất mà tướng Jodl từng đọc.

      Tập hồ sơ chứa một lá thư và một bản ghi nhớ về các thông tin cơ bản khoảng 70 trang; cùng hai tấm bản đồ in rời đính vào bìa sau, mỗi tấm vào cỡ 18x20 inch và vẽ theo thước đo 1 inch tương ứng với 29 dặm. Tướng Jodl tự hỏi không biết quân Đồng minh đã biết việc một bản sao của lời mở đầu cho một trong những chỉ đạo chiến tranh tối mật của họ đã bị thất lạc hay chưa. Tập hố sơ này lấy được từ quân Anh hồi cuối tháng 1, trong những ngày cuối cùng của cuộc tấn công ở cao nguyên Ardennes.

       Kế hoạch của quân Đồng minh được Hitler cho là quá dễ gây kích động tới mức chỉ có một số ít người ở sở chỉ huy OKW được phép xem. Vào tuần đầu tiên của tháng 2, sau khi dành nguyên một buổi tối nghiên cứu tập hồ sơ, Quốc trưởng đã xếp tài liệu này vào loại “Trạng thái Tối mật.” Các cố vấn quân sự của ông ta và những sĩ quan tham mưu của bọn họ có thể nghiên cứu kế hoạch, ngoài ra thì không còn ai khác. Ngay cả các thành viên trong nội các của ông ta cũng không được cho biết. Nhưng, bất chấp những hạn chế đó, một thường dân đã được xem tài liệu và bản đồ: đó là bà Luise Jodl, vợ mới cưới được vài tuần của tướng Jodl.

       Vào một buổi tối, ngay trước hôn lễ của bọn họ, tướng Jodl quyết định cho vị hôn thê của mình xem qua tài liệu này. Nói cho cùng, bà là người nhận của nhiều bí mật quân sự: bà từng là một thư ký đáng tin cậy của Bộ Tư lệnh cấp cao của Đức. Bỏ toàn bộ hồ sơ vào trong chiếc cặp tài liệu, tướng Jodl đem nó tới căn hộ của bà, cách Sở chỉ huy của ông một khối nhà. Gần như ngay khi cánh cửa trước được khép lại an toàn đằng sau, ông đưa tập tài liệu ra và nói với vị hôn thê của mình: “Đây là những gì quân Đồng minh định làm với nước Đức.”

       Bà Luise cầm lấy tập hồ sơ bìa đỏ đặt lên bàn và bắt đầu đọc. Từ lâu bà đã học cách đọc tài liệu và bản đồ quân sự, nhưng trong trường hợp này thì kỹ năng đó không cần thiết lắm – tài liệu này đã quá rõ ràng. Tim bà chùng xuống. Thứ bà đang cầm trong tay là kế hoạch chi tiết cho sự chiếm đóng Tổ quốc của bà sau khi nước Đức thất bại. Bà nghĩ, một số người ở sở chỉ huy của Eisenhower có khuynh hướng đầy thù hận khi chọn các mật danh. Trên bìa tập hồ sơ là tựa đề ớn lạnh, “Chiến dịch Nhật thực.”

       Lấy lại tập hồ sơ, tướng Jodl giở mấy tấm bản đồ ra và trải lên bàn. Ông cay đắng nói, “Em xem đi, nhìn mấy đường biên giới xem.”

       Bà Luise im lặng nghiên cứu những đường biên giới in đậm vẽ ngang dọc trên tấm bản đồ. Vùng phía bắc và tây bắc có dòng chữ “U.K.” Phía nam, xứ Bavaria mang dòng chữ “U.S.A.,” và phần còn lại của đế chế Đức, đại khái là toàn bộ vùng trung tâm và từ đó tới miền đông, có nhãn “U.S.S.R.” Bà mất tinh thần nhận thấy ngay cả Berlin, cũng được ba ông lớn chia chác. Nằm giữa khu vực của người Nga, Berlin được khoanh tròn riêng biệt và được phe Đồng minh chia làm ba: Mỹ có phần phía nam; Anh được phía bắc và tây bắc; còn Liên Xô thì có phần phía đông và đông bắc. Vậy ra đây là cái giá của thất bại, bà nghĩ. Bà Luise nhìn vị hôn phu. Bà nói, “Chuyện này giống như một cơn ác mộng.” Dù biết tấm bản đồ này là thật, bà Luise vẫn thấy nó khó chấp nhận được. Bà hỏi, hồ sơ Nhật thực này từ đâu ra? Dù bà đã biết tướng Jodl nhiều năm, bà biết ông có thể rất kín miệng về nhiều chuyện. Bà luôn nghĩ rằng ông Alfred “là người lãnh đạm, giấu mình sau mặt nạ, ngay cả với tôi.” Bây giờ, câu trả lời của ông cũng đầy lảng tránh. Dù khẳng định các tài liệu và bản đồ là thật, ông không nói làm sao lấy được chúng, trừ lời lưu ý rằng “chúng ta lấy được chúng từ một sở chỉ huy của Anh.”

        Khá lâu sau, sau khi tướng Jodl đã quay lại sở chỉ huy của mình, bà Luise chợt nhận ra một khía cạnh đáng sợ khác của Chiến dịch Nhật thực. Nếu Đức thua, những người bà con của bà ở dãy Harz sẽ sống trong vùng bị Nga chiếm đóng.

       Dù bà yêu Alfred Jodl và hoàn toàn trung thành với đất nước mình, bà Luise đã có một quyết định mang đậm tình người. Vào lúc này, bà sẽ bất chấp lời cảnh báo của ông rằng không bao giờ được tiết lộ bất kỳ điều gì bà đã thấy, đọc hay nghe thấy. Bà không thể để chị dâu và bốn đứa cháu của bà rơi vào tay quân Nga.

      Bà Luise quyết định chớp lấy cơ hội. Bà biết số điện thoại mật ưu tiên của tướng Jodl. Cầm lấy điện thoại, bà nói chuyện với nhân viên tổng đài và gọi cho người bà con. Mấy phút sau, đường dây nối thông.

      Sau một đoạn nói chuyện ngắn gọn và tẻ nhạt với bà chị dâu đang ngạc nhiên, bà Luise lưu ý một cách bình thường khi kết thúc cuộc nói chuyện, “Chị biết đó, mấy này này gió đông rất mạnh. Em thực sự nghĩ là chị và bọn nhỏ nên chuyển về phía tây, sau con sông.”

      Bà chầm chậm đặt ống nghe xuống – hi vọng là bà chị dâu có thể hiểu thông điệp mã hóa vụng về của mình. Ở đầu dây bên kia, bà chị dâu nghe thấy tiếng lách cách khi người nhận đã đổi. Bà băn khoăn sao bà Luise lại gọi trễ như vậy. Nghe tin tức của cô ấy thì tốt, nhưng bà không hiểu bà Luise nói cái gì. Bà chẳng buồn suy nghĩ thêm nữa.

      Tướng Jodl và bà Luise kết hôn ngày 6/3. Kể từ lúc đó, bà Luise vẫn luôn lo lắng liệu chồng bà có thể phát hiện ra cuộc điện thoại hay không. Bà không cần quan tâm chuyện này. Viên thượng tướng đầy gánh nặng này có nhiều vấn đề cấp bách hơn.

       Cho tới giờ, tướng Jodl và các sĩ quan tham mưu của mình đã nghiên cứu và phân tích Chiến dịch Nhật thực kỹ tới mức họ gần như thuộc lòng từng đoạn một. Dù nó không phải là một tài liệu về chiến lược – nó không cảnh báo về những bước đi sắp tới của quân địch để quân Đức có thể đưa ra các biện pháp đối phó – kế hoạch Nhật thực cũng quan trọng tương tự.

       Có một điều, nó giúp trả lời một chuỗi câu hỏi đã làm tướng Jodl và OKW phiền muộn nhiều năm: họ đã băn khoăn rằng quan hệ đồng minh giữa phương Tây và Liên Xô mạnh đến mức nào? Liệu nó có tan vỡ khi bọn họ ngồi chia chiến lợi phẩm? Giờ đây, quân Nga đang nắm giữ phần lớn Trung Âu, liệu tuyên bố “đầu hàng vô điều kiện” của Churchill và Roosevelt sau Hội nghị Casablanca 1943 có còn hiệu lực? Và liệu quân Đồng minh có định nghiêm túc bắt một nước Đức thất bại phải chấp nhận những điều khoản đó? Khi tướng Jodl và Bộ Tư lệnh Cấp cao nghiên cứu hồ sơ Nhật thực, tất cả những câu hỏi như thế về ý định của phe Đồng minh đã biến mất. Tài liệu này của phe Đồng minh đã trả lời vấn đề bằng những điều khoản không thể nào lầm lẫn.

        Tuy nhiên, phải đến tuần thứ hai của tháng 2, tướng Jodl mới nhận ra toàn bộ tầm quan trọng của hồ sơ này - đặc biệt là, của những tấm bản đồ của nó. Vào ngày 9/2 và trong ba ngày sau đó, Roosevelt, Churchill và Stalin đã gặp gỡ trong một hội nghị bí mật tại Yalta. Mặc cho những nỗ lực tình báo nhằm tìm hiểu chính xác chuyện gì đã diễn ra tại hội nghị, nhưng tất cả những gì tướng Jodl biết được là từ bản thông cáo chính thức được đưa ra tại buổi họp báo quốc tế ngày 12/2 – nhưng thế là đủ. Bản thông báo khá mơ hồ và rất kín kẽ về mặt thông tin, nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, các tài liệu và bản đồ của Nhật thực là mấu chốt trong những ý định đã thông báo của phe Đồng minh.

Có một đoạn trong bản thông cáo chính thức khẳng định: “Chúng tôi đã đồng thuận về nhiều chính sách và kế hoạch nhằm thúc đẩy các điều khoản đầu hàng vô điều kiện mà chúng tôi sẽ cùng đưa ra… Các điều khoản này sẽ không được thực hiện chừng nào chưa tới thất bại cuối cùng của nước Đức… Theo kế hoạch đã được nhất trí, mỗi bên lực lượng của Tam Quyền sẽ chiếm một phần nước Đức riêng biệt…” Phe Đồng minh không cần nêu ra các “điều khoản” nữa – tướng Jodl đã đọc qua trong hồ sơ Nhật thực rồi. Và dù bản thông cáo Yalta không tiết lộ các khu vực chiếm đóng dự định, tướng Jodl cũng đã biết nốt. Vị trí và ranh giới chính xác của mỗi vùng đều có trên tấm bản đồ của Chiến dịch Nhật thực.

       Có thể suy ra nhiều kết luận khác, nhưng có một cái đặc biệt cay đắng đối với tướng Jodl. Rõ ràng là dù có chuyện gì khác đã xảy ra ở Yalta, kế hoạch của phe Đồng minh đối với nước Đức đã đơn thuần được thông qua ở cuộc họp của ba ông lớn. Trong khi bản thông cáo Yalta tạo ấn tượng là kế hoạch chi tiết về việc chiếm đóng và chia cắt khởi nguồn từ hội nghị, ngày tháng trên tập tài liệu và bản đồ Chiến dịch Nhật thực chứng minh rằng không cần nghi ngờ, những quyết định cơ bản đã đạt được nhiều tháng trước đó. Lá thư đi kèm với bản ghi nhớ thông tin cơ bản của Chiến dịch Nhật thực được ký vào tháng giêng.

       Mấy tấm bản đồ đã được chuẩn bị trước đó: chúng được in từ cuối năm 1944 và có ngày tháng đề tháng 11. Chiến dịch Nhật thực, được định nghĩa là “kế hoạch và vận hành của cuộc chiếm đóng nước Đức,” đơn giản là không thể nào được đưa ra trừ phi đã có sự nhất trí hoàn toàn trong phe Đồng minh – một sự thật tỉnh táo làm khô héo một trong những niềm hy vọng cuối cùng của nước Đức.

      Từ giây phút Hồng quân vượt qua biên giới phía đông của đế chế Đức, Hitler và các cố vấn quân sự của ông ta đã chờ đợi vết mẻ bất đồng đầu tiên giữa phe Đồng minh với nhau xuất hiện. Họ tin là điều này chắc chắn sẽ xảy ra, vì phương Tây sẽ không bao giờ để nước Nga Soviet thống trị Trung Âu. Tướng Jodl cũng có đồng quan điểm. Ông đặc biệt nghiêng về phía người Anh, vì ông cảm thấy rằng họ sẽ không bao giờ chịu nổi tình hình như thế (*). Nhưng đó là trước khi ông xem qua Chiến dịch Nhật thực. Nhật thực cho thấy rõ là quan hệ Đồng minh đó vẫn không suy suyển và Yalta đã chứng thực điều đó.

      Hơn thế nữa, ngay đoạn đầu của lá thư đi kèm – một lời nói đầu cho toàn bộ hồ sơ – đã cho thấy sự nhất trí hoàn toàn trong phe Đồng minh. Lá thư viết: “Để thực hiện các điều khoản đầu hàng mà nước Đức phải chịu, chính phủ của Hoa Kỳ, Liên Xô và Vương quốc Anh (ở Liên Xô là nhân danh nhà nước nắm quyền) đã đồng ý rằng nước Đức sẽ bị các lực lượng vũ trang của ba thế lực chiếm đóng (**). Và không cần bàn cãi gì về độ đáng tin của lá thư nữa. Nó được ký vào tháng 1/1945, tại Sở chỉ huy của Tập đoàn quân 21 của Anh, và tại Bỉ, bởi một người có địa vị không kém Thiếu tướng Sir Francis de Guingand, Tham mưu trưởng của Thống chế Montgomery.

        Lời dẫn của tác giả:

        (*): Ở cuộc họp ngày 27/1/1945, Hitler đã hỏi Goering và Jodl: “Các anh có nghĩ là sâu trong lòng bọn người Anh rất hăng hái trước những diễn biến của Nga không? “ Jodl trả lời mà không hề ngập ngừng. Ông đáp, “Chắc chắn là không. Kế hoạch của họ khá là khác… sau đó… họ sẽ hoàn toàn nhận ra được.” Goering cũng rất tự tin. Ông nói, “Chắc chắn là họ không dự tính được là chúng ta lại cầm chân họ trong khi quân Nga chinh phục khắp nước Đức. Họ không tin là chúng ta… cầm chân họ ở phía tây như mấy thằng điên, trong khi quân Nga tiến vào đất Đức ngày càng sâu.” Jodl hoàn toàn đồng ý, chỉ ra rằng người Anh “đã luôn luôn nghi ngờ người Nga.” Goering thì hết sức chắc chắn là người Anh sẽ cố dàn xếp một số thỏa hiệp với Đức, thay vì thấy trái tim của châu Âu rơi vào vòng quỹ đạo cộng sản, ông nói: “Nếu cái đà này cứ diễn ra, chúng ta sẽ nhận được một bức điện tín [từ người Anh] trong vài ngày tới.”

      (**): Có thể có một số sai khác nhỏ giữa bản dịch này với tài liệu gốc. Khi Chiến dịch Nhật thực rơi vào tay người Đức, nó được dịch ra tiếng Đức và sao chụp lại. Phiên bản trên là một bản dịch của tài liệu bị thất lạc đã được người Anh lấy lại.

        Đòn mạnh nhất dành cho tướng Jodl là sự nhấn mạnh lặp đi lặp lại về việc đầu hàng vô điều kiện; nó được nhắc hết lần này tới lần khác. Lúc đầu, người Đức tin chắc là lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chỉ là hành động tuyên truyền nhằm nâng cao nhuệ khí của hậu phương của phe Đồng minh. Giờ họ đã biết rõ hơn: phe Đồng minh rõ ràng có ý định đó. Chiến dịch Nhật thực nói rằng, “Câu trả lời khả thi duy nhất để có thể cất khúc khải hoàn cho toàn bộ cuộc chiến là đánh bại và chiếm đóng hoàn toàn… Phải làm rõ là người Đức sẽ không được quyền đàm phán, theo nghĩa của từ này.”

       Ý định của phe Đồng minh hứa hẹn sẽ không có chút hi vọng, chút tương lai nào cho nước Đức. Rõ ràng là dù Đức có muốn đầu hàng đi nữa thì cũng không có cách nào ngoại trừ đầu hàng vô điều kiện. Với tướng Jodl, điều này có nghĩa là Đức không còn lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu đến cùng (***).

     Lời dẫn của tác giả:

      (***): Ở phiên tòa xét xử của tướng Jodl tại Nurenberg năm 1946, ông được hỏi sao không khuyên Hitler đầu hàng từ đầu năm 1945. Tướng Jodl nói: “Lý do rất đơn giản… đầu hàng vô điều kiện… và dù chúng tôi có chút nghi ngờ về thứ mình phải đối mặt, thì nó cũng đã hoàn toàn biến mất khi chúng tôi lấy được bản Chiến dịch Nhật thực bằng tiếng Anh.” Vào lúc đó, khi đang khai trước Tòa án, tướng Jodl nhìn mấy vị sĩ quan Anh đang có mặt tại đó và nói với một nụ cười nửa miệng, “Các quý ông của phái đoàn Anh quốc sẽ biết đó là cái gì.” Sự thật là những người Anh tại phiên tòa không hiểu được lời nói đó: Chiến dịch Nhật thực được giữ bí mật tới mức họ không biết gì về nó. Chính lời ám chỉ bí ẩn đó, cộng thêm vài cuộc phỏng vấn với bà Jodl, đã đưa tác giả đến với Chiến dịch Nhật thực và nội dung của nó, lần đầu công bố tại cuốn sách này.

        Vài ngày sau – vào ngày chủ nhật trước Lễ Phục sinh, ngày 25/3 – Thượng tướng Jodl kiểm tra bản đồ của Chiến dịch Nhật thực một lần nữa. Ông có đủ lý do để làm vậy. Các đơn vị trong Quân đoàn 3 của Đại tướng George S. Patton của Mỹ đã vượt sông Rhine vào đêm thứ năm ở ngôi làng chuyên làm nông Oppenheim, gần Mainz, và giờ đang tiến về Frankfurt. Ngày hôm sau, ở miền bắc, các lực lượng của Thống chế Montgomery càn quét qua sông trong một cuộc tấn công quy mô lớn trên một mặt trận dài 25 dặm. Bất chấp mọi thứ, phòng tuyến sông Rhine đang sụp đổ - và quân Đồng minh phương Tây đang tiến cực nhanh. Giờ đây, tướng Jodl đang lo lắng kiểm tra lại mấy tấm bản đồ của Chiến dịch Nhật thực, tự hỏi phe Đồng minh định tiến sâu vào nước Đức đến mức nào. Đó là một câu hỏi mà bản ghi nhớ thông tin cơ bản của Chiến dịch Nhật thực không trả lời. Tướng Jodl ước gì ông có các phần khác của kế hoạch – đặc biệt là phần có kế hoạch hành quân.

        Dù vậy, mấy tấm bản đồ vẫn cung cấp một gợi ý. Ông thậm chí từng đề cập chuyện này với vợ. Đó chỉ là linh cảm, nhưng tướng Jodl nghĩ là mình đã đúng. Mấy tấm bản đồ vẽ đường ranh giới giữa liên quân Anh-Mỹ và quân Nga chạy dọc sông Elbe từ Lübeck đến Wittenberge, và từ đó cuộn xoắn về phía nam tới vùng lân cận Eisenach, rồi qua phía đông tới biên giới với Tiệp.

      Liệu đường vẽ đó, ngoài là đường ranh giới khu vực, còn là điểm dừng của đà tiến quân của liên quân Anh-Mỹ hay chăng? Tướng Jodl gần như chắc chắn là như thế. Ông bảo vợ rằng ông không nghĩ là quân Anh và Mỹ sẽ đến Berlin; ông tin là bọn họ đã quyết định để việc chiếm thủ đô cho Hồng quân thực hiện. Trừ khi bản đồ của Chiến dịch Nhật thực đã bị thay đổi, đối với tướng Jodl, có vẻ như các lực lượng của Eisenhower sẽ dừng chân tại đường ranh giới của Chiến dịch Nhật thực.

       Trong tuần cuối cùng của tháng ba – ngày chính xác thì không ai còn nhớ được nữa – Đại tướng Reinhard Gehlen, Trưởng ban tình báo của tướng Guderian, lái xe đến Prenzlau để gặp vị tư lệnh mới của Cụm tập đoàn quân Vistula.

        Trong cặp tài liệu của ông là một bản sao Chiến dịch Nhật thực. Tướng Gehlen chỉ ra các bố trí mới nhất của quân Nga bên sông Oder mà họ biết được cho tướng Heinrici, rồi ông đưa cho tướng Heinrici tập hồ sơ Chiến dịch Nhật thực và giải thích đó là cái gì. Tướng Heinrici chầm chậm xem qua các trang giấy. Rồi ông giở mấy tấm bản đồ ra. Ông nghiên cứu chúng một lúc lâu. Cuối cùng, Heinrici nhìn Gehlen và tóm tắt lại ý nghĩa của tài liệu này, ý nghĩa mà ai Bộ Tư lệnh Cấp cao cũng biết, bằng một câu duy nhất. “Das ist ein Todesurteil” – Đây là một bản án tử hình.

                          ***********************
III-MỤC TIÊU

      1.
       Gần đến nửa đêm ngày chủ nhật trước Lễ Phục sinh, một chiếc xe sĩ quan Mỹ dừng bên ngoài sở chỉ huy xây bằng đá xám của Sư đoàn Dù 82 ở Sissonne, miền bắc nước Pháp. Hai sĩ quan bước ra ngoài. Một người mặc đồng phục của Mỹ, người kia mặc quân trang của Anh nhưng không mang phù hiệu. Người thứ hai gầy và cao lêu nghêu, đội một chiếc mũ nồi xanh gọn gàng, tương phản rõ rệt với mái tóc vàng hoe của ông, nuôi bộ râu đỏ trông rất dữ tợn. Tên của ông thật sự khó mà phát âm nổi đối với cả người Mỹ lẫn người Anh: Arie D. Bestebreurtje. Ông thường được biết đến bằng cái tên “Arie”, hay “Đại úy Harry.” Ngay cả những cái tên này cũng thay đổi qua từng nhiệm vụ, vì ông dành phần lớn thời gian đằng sau các phòng tuyến của Đức. Arie là một đặc vụ của Lực lượng Đặc biệt và là một thành viên của Cục Tình báo Hà Lan.

      Mấy ngày trước, Arie được thượng cấp gọi đến Brussels và bảo rằng ông vừa được phân đến Sư đoàn Dù 82 để thực hiện một công tác đặc biệt. Ông sẽ phải báo cáo với vị Thiếu tướng trẻ tuổi James M. Gavin, 38 tuổi, tư lệnh của Sư đoàn Dù 82, để tham gia vào một chỉ thị tối mật. Bây giờ, Arie và viên sĩ quan tháp tùng đi vào sở chỉ huy, rảo bước lên một dãy cầu thang để lên tầng hai rồi đi dọc theo một hành lang đến một căn phòng bản đồ được canh gác cẩn mật. Tại đây, một quân cảnh kiểm tra giấy ủy nhiệm của họ, sau đó anh ta chào họ rồi mở cửa.

      Vào trong phòng, Arie được tướng Gavin và Tham mưu trưởng của ông, Đại tá Robert Wienecke chào đón nồng nhiệt. Arie thấy phần lớn người trong phòng đều là bạn cũ: ông từng kề vai chiến đấu cùng họ trong cuộc tấn công của sư đoàn 82 tại Nijmegen, Hà Lan. Mấy vị thượng cấp của ông tại Bỉ đã không phóng đại các biện pháp an ninh tại đây. Chỉ có 15 sĩ quan có mặt –tư lệnh các trung đoàn và một số thành viên nhất định trong ban tham mưu của họ, rõ ràng tất cả đều được chọn rất kỹ lưỡng. Bản thân căn phòng khá đơn giản. Chỉ có vài băng ghế dài và mấy cái bàn, cùng một số biểu đồ trên tường. Ở cuối phòng có một tấm bản đồ lớn cỡ bức tường, được phủ rèm.

      Một sĩ quan an ninh gọi tên từng người để đối chiếu với bảng phân công; rồi tướng Gavin nhanh chóng mở màn. Đứng bên tấm bản đồ phủ rèm, ông ra dấu cho mọi người đến xung quanh. Ông bắt đầu:

     “Chỉ có mấy người các anh là có lý do nhất định để đến buổi chỉ thị này, và tôi phải nhấn mạnh rằng, trừ khi có mệnh lệnh khác, các anh không được để những thứ được nghe trong tối nay lọt ra khỏi căn phòng này. Nói cách khác, các anh sẽ huấn luyện người của mình trong bóng tối, vì các anh không được cho họ biết mục tiêu. Thực sự thì, các anh đã phần nào huấn luyện bọn họ rồi, dù phần lớn các anh không biết điều đó. Trong mấy tuần qua, các anh cùng với người của mình đã nhảy dù xuống hoặc bay đến một khu vực huấn luyện đặc biệt, được đánh dấu có chủ đích và bố trí mô phỏng theo quy mô thực tế của mục tiêu tấn công kế tiếp của chúng ta.

      Thưa các quý ông, chúng ta sắp tham gia một vụ tiêu diệt. Đây sẽ là một cú nốc ao.”

     Ông giật mạnh sợi dây thừng ở bên cạnh tấm bản đồ. Tấm rèm được kéo qua, để lộ mục tiêu: Berlin.

      Arie nhìn kỹ gương mặt các sĩ quan trong khi họ nhìn chăm chăm tấm bản đồ. Ông nghĩ ông thấy được sự hưng phấn và đề phòng. Ông không ngạc nhiên lắm. Mấy vị tư lệnh này đã chán nản suốt nhiều tháng nay. Phần lớn bọn họ từng cùng đơn vị nhảy dù xuống Sicily, Italy, Normandy và Hà Lan, nhưng gần đây sư đoàn lại được giao cho các nhiệm vụ trên bộ, chủ yếu là ở cao nguyên Ardennes trong trận chiến Bulge. Ông biết rằng với tư cách là những binh đoàn dù xuất sắc, họ cảm thấy bị phủ nhận vai trò chính của mình: tấn công mục tiêu trước các tập đoàn quân đang tiến đến rồi trấn giữ ở đó cho đến khi được điều đi nơi khác. Sự thật là đà tiến quân của quân Đồng minh quá nhanh nên các kế hoạch nhảy dù cứ bị hoãn hết lần này đến lần khác.

      Tướng Gavin giải thích, cuộc tấn công Berlin sẽ là một phần trong chiến dịch của Tập đoàn quân Dù Đồng minh I, do ba sư đoàn thực hiện. Sư đoàn 82, được chỉ định là “Lực lượng Tác chiến A,” sẽ nắm vai trò chủ chốt. Mở lớp phủ trong suốt bên trên tấm bản đồ ra, tướng Gavin chỉ vào một chuỗi hình vuông và oval được đánh dấu bằng bút chì đen, phác họa các mục tiêu và khu nhảy dù rộng lớn. Ông nói, “Theo như kế hoạch, Sư đoàn dù 101 sẽ chiếm sân bay Gatow, phía tây thành phố. Một lữ đoàn từ Quân đoàn Dù 1 của Anh sẽ chiếm sân bay Oranienburg ở phía tây bắc.” Ông ngừng lại một chút rồi nói tiếp. “Mục tiêu của chúng ta nằm ngay giữa Berlin – sân bay Tempelhof”.

       Mục tiêu của Sư đoàn 82 có vẻ quá nhỏ. Với diện tích 321 dặm vuông của thành phố cùng các vùng lân cận, sân bay này giống như một con tem – một vệt xanh rộng không đầy một dặm vuông rưỡi, nằm trong một vùng nhà cửa dày đặc. Ở rìa phía bắc, đông và nam của sân bay có không ít hơn chín nghĩa trang, quả thực hơi giống điềm gở. Tướng Gavin nói:

      “Hai trung đoàn sẽ trấn giữ vành đai, và trung đoàn thứ ba sẽ di chuyển vào các tòa nhà phía bắc sân bay, về hướng trung tâm Berlin. Chúng ta sẽ chờ ở chỗ này cho tới khi các lục quân tới được đó. Sẽ không lâu lắm đâu – vài ngày là cùng.”

      Tướng Gavin nói, cần tăng cường huấn luyện “mù” cho các lính dù. Mô hình phỏng theo địa thế sân bay Tempelhof và các vùng lân cận sẽ được dựng trong một căn phòng “an ninh” của sở chỉ huy; các tư lệnh trung đoàn cùng ban tham mưu sẽ được tiếp cận với các ảnh chụp khu vực đổ bộ, các đánh giá tình báo và các thông tin khác để lên kế hoạch chi tiết. Tướng Gavin nói:

       “Chúng ta thật là may khi có được sự phục vụ của Đại úy Harry. Anh ấy là một chuyên gia về Berlin đấy – nhất là ở Tempelhof và vùng phụ cận. Anh ấy sẽ nhảy dù cùng với chúng ta và từ đây trở đi cũng sẽ có mặt ở các buổi chỉ thị để trả lời thắc mắc của các anh.”

      Tướng Gavin ngừng lại lần nữa và nhìn các sĩ quan:

     “Tôi dám chắc là tất cả các anh đều muốn biết đáp án của câu hỏi lớn nhất: Khi nào? Cái đó thì tùy bọn Đức. Kế hoạch không vận đã đi vào hoạt động từ hồi tháng 11 vừa rồi. Thường xuyên có thay đổi và chúng ta phải biết là sẽ còn thay đổi nhiều nữa trước khi có ngày cụ thể.

Ngày đó đã được xác định là ‘A-Day,’ sẽ tùy thuộc vào tốc độ tiến quân về Berlin của quân Đồng minh. Chắc chắn là việc nhảy dù sẽ không được lên kế hoạch chừng nào lục quân vẫn còn cách xa thành phố. Nhưng A-Day có thể sẽ đến chỉ trong 2-3 tuần nữa. Cho nên chúng ta không có nhiều thời gian đâu. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói cho các anh vào lúc này.”
      Tướng Gavin lui xuống và nhường cuộc họp lại cho các sĩ quan tham mưu của mình. Họ phân tích từng giai đoạn của chiến dịch, còn tướng Gavin ngồi nghe bọn họ nói. Sau này nhớ lại, ông rất tiếc là yếu tố bảo mật đã ngăn không cho ông nói ra đầy đủ chi tiết. Ông không hoàn toàn ngay thằng, vì ông chỉ mới nói cho người của mình một phần của chiến dịch Nhảy dù số 1 của quân Đồng minh – phần chiến dịch chịu trách nhiệm kết hợp cùng các mũi tiến quân của Đồng minh tấn công Berlin.

      Phần ông chưa đề cập là cuộc nhảy dù có thể phải tiến hành trong một điều kiện quân sự khác: nước Đức và các lực lượng vũ trang Đức đầu hàng hoặc sụp đổ đột ngột. Nhưng phần đó của kế hoạch vẫn còn là tối mật. Đó là phần mở rộng hợp lý của Chiến dịch Lãnh chúa – cuộc xâm chiếm châu Âu – và có giai đoạn được biết đến dưới cái tên Chiến dịch Rankin, Phương án C, và sau này là Chiến dịch Lá bùa.

       Tên chiến dịch được đổi lần cuối vào tháng 11/1944, vì lý do bảo mật. Bây giờ nó mang mật danh là Chiến dịch Nhật thực.

      Chiến dịch Nhật thực bí mật tới nỗi ngoài các sĩ quan tham mưu cao cấp ở Sở chỉ huy Tối cao, chỉ có một số tướng lĩnh được phép nghiên cứu về chiến dịch. Đó là tư lệnh của các tập đoàn quân và quân đoàn hoặc những người thuộc các bộ phận khác có trách nhiệm tương đương. Rất ít tư lệnh sư đoàn được biết điều gì về Chiến dịch Nhật thực. Tướng Gavin chỉ được biết một số mục tiêu của kế hoạch và các phần có liên quan tới ông cùng sư đoàn của mình.

      Trong mấy tháng qua, Đại tướng Lewis H. Brereton, Tư lệnh của Tập đoàn quân Dù Đồng minh I, và cấp trên trực tiếp của tướng Gavin là Thiếu tướng Matthew B. Ridgway, Tư lệnh của Quân đoàn 18 đã tham gia vô số cuộc họp, ở đó Chiến dịch Nhật thực được xem là kế hoạch chiếm đóng nước Đức. Nó trình bày chi tiết các bước hành quân sẽ diễn ra ngay sau khi Đức đầu hàng hoặc sụp đổ. Các mục tiêu chính của chiến dịch là ép Đức đầu hàng vô điều kiện cùng với giải giáp và kiểm soát mọi lực lượng của Đức.

      Theo các hoàn cảnh của Chiến dịch Nhật thực, kế hoạch không vận tấn công vào Berlin yêu cầu các lính dù phải di chuyển thật nhanh để “giành kiểm soát thủ đô của địch cùng với các trung tâm vận chuyển và hành chính cao nhất… và phô diễn sức mạnh quân đội của chúng ta.” Họ sẽ phải hạ gục những nhóm cuồng tín còn sót lại, chúng có thể vẫn tiếp tục chống cự; giải cứu và chăm sóc cho các tù binh chiến tranh; thu giữ các tài liệu, hồ sơ và băng hình tối mật trước khi chúng bị phá hủy; kiểm soát các trung tâm thông tin như các sở bưu chính và viễn thông, trạm phát thanh, tòa báo và các nhà máy in; bắt giữ các tội phạm chiến tranh và các nhân vật chủ chốt còn sống sót của chính phủ, và thiết lập luật và quy định mới. Các đội quân dù sẽ khởi xướng tất cả các bước này, cho tới khi lục quân và các nhóm lãnh đạo trong quân đội đến nơi.

      Tướng Gavin chỉ được nghe chừng đó về Chiến dịch Nhật thực. Còn phần kế hoạch về cách chiếm đóng và phân chia Đức và Berlin sau khi chiến thắng thì ông không được biết. Ngay bây giờ, mối quan tâm duy nhất của tướng Gavin là chuẩn bị sẵn sàng cho sư đoàn 82.

      Nhưng vì các yêu cầu của kế hoạch, ông cần chuẩn bị cho hai kế hoạch riêng biệt. Cái thứ nhất là tấn công để chiếm thành phố. Cái thứ hai, tiến hành theo hoàn cảnh của Chiến dịch Nhật thực, yêu cầu các đơn vị dù phải đổ bộ xuống Berlin với tư cách là quân canh gác, nhưng chỉ thực hiện các hoạt động của cảnh sát.

       Tướng Gavin đã nói với các vị tư lệnh dưới quyền hết mức dám nói – dù ông biết là nếu cuộc chiến đột ngột kết thúc thì toàn bộ nhiệm vụ không vận này sẽ thay đổi rất lớn. Với đà diễn biến hiện tại thì nhiệm vụ của ông rất rõ ràng. Ông cần làm theo kế hoạch của chiến dịch và làm sư đoàn 82 sẵn sàng cho một cuộc tấn công không vận nhằm chiếm đóng Berlin.

      Tướng Gavin chợt nhận ra là viên sĩ quan tình báo Hà Lan đang kết thúc phần của ông ta trong buổi chỉ thị. Đội trưởng Harry nói, “Tôi phải lặp lại là nếu các anh có hy vọng sẽ được ai đó ở Berlin giúp đỡ thì hãy quên đi. Liệu các anh có tìm được những người hướng dẫn sẵn lòng giúp đỡ?

      Câu trả lời là: Không.

      Liệu có cơ sở ngầm như chúng ta đã có ở Pháp và Hà Lan không?

      Câu trả lời là: Không.

      Dù có một số người dân Berlin có cảm tình riêng với chúng ta, thì họ cũng quá sợ hãi nên sẽ không dám biểu lộ điều đó. Chúng ta có thể thảo luận chi tiết về các vấn đề này sau, nhưng ngay bây giờ tôi đảm bảo với các anh điều này: đừng có ảo tưởng gì rằng các anh sẽ được chào đón bằng sâm banh và hoa hồng như những anh hùng giải phóng. Quân đội, lực lượng SS và cảnh sát sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, và rồi bọn chúng sẽ bước ra ngoài, tay giơ lên đầu, nói với các anh rằng toàn bộ chuyện này chỉ là một hiểu lầm khủng khiếp, rằng mọi chuyện là lỗi của Hitler và cảm ơn các anh vì đã đến được thành phố trước người Nga.”

       Quý ông Hà Lan cao kều vuốt râu. Ông nói:

      “Nhưng chúng sẽ chiến đấu như mấy thằng điên, và có thể sẽ mất kha khá thời gian đấy. Nhưng cũng đáng thôi, và tôi rất tự hào được đồng hành cùng các anh. Các bạn thân mến, khi chúng ta chiếm được Berlin, chiến tranh sẽ kết thúc.”

      Tướng Gavin biết là chiếm được Berlin không hề dễ dàng, nhưng ông nghĩ rằng cú sốc tâm lý về cuộc tấn công có khi cũng đủ hạ gục hàng phòng ngự của Đức. Đó sẽ là một trong những cuộc tấn công không vận lớn nhất cuộc chiến. Theo kế hoạch ban đầu, chiến dịch có 3.000 máy bay bảo vệ, 1.500 máy bay vận chuyển, có lẽ hơn 1.000 tàu lượn và khoảng 20.000 lính dù – hơn cả lực lượng đã đổ bộ xuống Normandy vào D-Day. Tướng Gavin nói với các sĩ quan của mình khi cuộc họp kết thúc:

      “Tất cả những gì ta cần bây giờ là một quyết định và một từ - Xuất phát.”

     Cách đó 30 dặm, tại Mourmelon-le-Grand, Sư đoàn Dù 101 cũng đang huấn luyện và sẵn sàng cho bất cứ chiến dịch nào, nhưng không ai trong sư đoàn 101 biết sư đoàn nào sẽ được ra lệnh. Sở chỉ huy cấp cao hơn đã đưa ra quá nhiều kế hoạch tấn công bằng lính dù đến nỗi vị tư lệnh của sư đoàn, Thiếu tướng Maxwell D. Taylor, cùng trợ lý của ông là Chuẩn tướng Gerald J. Higgins và Ban tham mưu thấy mình đang trong tình trạng lúng túng. Họ phải chuẩn bị cho mọi kế hoạch, nhưng họ nghiêm túc tự hỏi liệu có kế hoạch nhảy dù nào sẽ xảy ra hay không.
  
      Ngoài kế hoạch ở Berlin, còn có các kế hoạch tấn công không vận vào một căn cứ hải quân Đức ở Kiel (Chiến dịch Núi lửa phun); kế hoạch nhảy dù hàng loạt tại các trại tù binh chiến tranh (Chiến dịch Hân hoan); và kế hoạch tấn công nhằm chiếm các mục tiêu trước Tập đoàn quân VII của Mỹ khi đoàn quân này tiến về Rừng Đen (Chiến dịch Sẵn sàng). Còn có nhiều chiến dịch khác đang được nghiên cứu – và có một số cái khá là ngoài sức tưởng tượng. Sở chỉ huy của sư đoàn 101 đã biết rằng Ban tham mưu của Tập đoàn quân Dù Đồng minh I thậm chí đang cân nhắc việc nhảy dù xuống vùng núi quanh Berchtesgaden, ở Bavaria, để tấn công biệt thự Eagle’s Nest nằm ở Obersalzberg cùng với chủ nhân của nó, Adolf Hitler.

       Rõ ràng không phải cuộc nhảy dù nào cũng có thể được lên kế hoạch. Như tướng Higgins nói với ban tham mưu: “Nếu nếu tiến hành mọi chiến dịch thì sẽ không đủ máy bay vận tải để đáp ứng nhu cầu không vận. Dù gì thì chúng ta cũng không quá tham lam – chúng ta chỉ cần một cái thôi!” Nhưng quân dù sẽ tiến hành chiến dịch nào – và nhất là vai trò của sư đoàn 101 là gì? Đổ bộ xuống Berlin là nhiều khả năng nhất – ngay cả tư lệnh hành quân, Đại tá Harry Kinnard, cũng nghĩ đó sẽ là “một vụ kinh khủng.” Mọi người trong sư đoàn 101 đều bực bội vì trong cuộc đổ bộ xuống Berlin, người của sư đoàn 101 sẽ chiếm sân bay Gatow, trong khi địch thủ số một của bọn họ là sư đoàn 82 lại được giao cho mục tiêu chính, Tempelhof. Dù vậy thì Berlin vẫn là mục tiêu lớn nhất của cuộc chiến; thế cũng đủ cho mọi người rồi.

       Đối với Đại tá Kinnard, một cuộc đổ bộ không vận có vẻ là cách hoàn hảo để kết thúc chiến tranh tại châu Âu. Ông thậm chí còn vẽ một đường màu đỏ từ khu vực tập kết ở Pháp đến vùng đổ bộ của sư đoàn 101 tại Berlin lên tấm bản đồ chiến tranh: thủ đô của Đức chỉ cách có 475 dặm. Nếu được bật đèn xanh, ông nghĩ những người Mỹ đầu tiên có thể đến được Berlin chỉ trong có năm tiếng đồng hồ.

      Tướng Taylor, Tư lệnh sư đoàn 101 và trợ lý của ông là tướng Higgins vừa phấn khích về cuộc tấn công, vừa tự hỏi liệu cuộc nhảy dù này có cơ hội xảy ra hay không. Tướng Higgins rầu rĩ nghiên cứu tấm bản đồ. Ông nói, “Nhìn cái cách lục quân đang di chuyển thì có lẽ họ sẽ để chúng ta ngồi chầu rìa đây.”

      Cùng ngày, chủ nhật ngày 25/3, các lãnh đạo quân đội của phe Đồng minh phương Tây nhận được tin tức hài lòng từ Sở chỉ huy Tối cao của Lực lượng Viễn chinh Đồng minh (SHAEF). Tại Washington và London, Đại tướng George C. Marshall, Tổng tham mưu của Mỹ và Nguyên soái Sir Alan Brooke, Tổng tham mưu Hoàng gia, nghiên cứu một bức điện từ Đại tướng Dwight D. Eisenhower vừa đến đêm qua.

       “Chuỗi chiến thắng vừa qua ở phía tây sông Rhine đã đạt được đúng như kế hoạch, tiêu diệt được một phần lớn quân địch có ở Mặt trận phía Tây. Dù không muốn lạc quan thái quá, tôi tin rằng tình hình hiện tại đưa ra cơ hội mà chúng ta đã chiến đấu để giành được và cần nắm ngay lấy… Cá nhân tôi tin rằng sức mạnh của quân thù… đang bị kéo căng quá mức, cho nên đà thâm nhập và tiến quân sẽ sớm chỉ bị giới hạn do phía chúng ta mà thôi… Tôi ra lệnh hành động mạnh mẽ trên mọi mặt trận… Tôi định củng cố mọi thành công với tốc độ nhanh nhất.”
      2.
      Từ độ cao 240m nhìn xuống, những hàng người và xe cộ có vẻ dài bất tận. Ngó ra ngoài chiếc Piper Cub không vũ trang của mình, chiếc máy bay trinh sát Miss Me, Trung úy Duane Francies say mê nhìn cảnh tượng ngoạn mục bên dưới. Cả vùng dày đặc lính, xe tăng và các xe cộ khác. Từ cuối tháng ba, khi những đội quân cuối cùng vượt qua sông Rhine, Francies đã quan sát các bước tiến của đoàn quân.

      Giờ con sông lớn đã nằm lại đằng sau, và phóng tầm mắt nhìn trái nhìn phải, nhìn xa hết mức đằng trước, Francies chỉ thấy một bức tranh toàn cảnh mênh mông một màu vàng nâu. Francies đẩy cần gạt về phía trước và chiếc Miss Me sà xuống dọc theo ranh giới giữa Tập đoàn quân 2 của Anh và Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ. Anh chao đôi cánh, thấy đoàn quân bên dưới vẫy tay đáp lời, rồi hướng về phía đông để thực thi nhiệm vụ làm “đôi mắt” cho những hàng xe tăng đang dẫn đầu Sư đoàn Thiết giáp 5. Chiến thắng đã ở rất gần, anh chắc chắn như thế. Không gì có thể chặn bước tiến của đoàn quân này. Đối với anh chàng phi công 24 tuổi này, có vẻ như “đến cả vỏ Trái Đất cũng phải rung chuyển và đoàn quân đang ồ ạt tiến về sông Elbe,” hàng rào chắn bằng nước cuối cùng chặn trước Berlin.

      Những gì Francies thấy chỉ là một phần nhỏ xíu của cuộc tấn công vĩ đại của Đồng minh. Suốt nhiều ngày nay, trong cái lạnh cắt da cắt thịt, trong mưa tuôn xối xả và lội qua bùn lầy, trong mưa đá và vượt qua băng tuyết, dọc theo Mặt trận phía Tây từ Hà Lan tới gần biên giới Thụy Sĩ, một hàng người, đồ tiếp tế và máy móc rộng 350 dặm đang đổ về vùng đồng bằng của Đức. Cuộc tấn công lớn cuối cùng đã bắt đầu. Để hủy diệt sức mạnh quân sự Đức, 7 tập đoàn quân hùng mạnh – gồm 85 sư đoàn lớn, trong đó có 5 sư đoàn dù và 23 sư đoàn thiết giáp, cùng 4.600.000 lính Đồng minh phương Tây – đang đổ dồn vào nước Đức để thực hiện cuộc tiêu diệt.

      Những lá cờ đầu hàng tự chế - khăn trải giường, khăn tắm hoặc mảnh vải trắng – treo khắp nơi. Trong các thành phố và làng mạc, từ các ô cửa sổ vỡ tan tành và các cửa ra vào, những người dân Đức sợ hãi, vẫn còn choáng váng bởi những trận chiến vừa quét qua chỗ họ, nhìn chăm chăm đầy kinh ngạc vào sức mạnh khổng lồ của quân Đồng minh đang ào qua. Chiến dịch này thật vĩ đại, tốc độ của nó làm người ta nghẹt thở.

      Những đoàn xe tăng, súng tự động, trọng pháo, xe bọc thép, xe chở súng Bren, xe chở đạn dược, xe cứu thương, xe tải chở xăng và xe chở dầu diesel to lớn kéo theo những toa xe rơ-mooc chất đầy thiết bị - những đoạn cầu, thuyền phao, xe ủi đất bọc thép và thậm chí cả tàu đổ bộ đang nện bước xuống mọi nẻo đường. Sở chỉ huy của các sư đoàn cũng đang di chuyển, bằng những chiếc xe jeep, xe sĩ quan, xe mooc chỉ huy và xe tải phát  thanh cỡ lớn có cả rừng ăn ten rung rung ló ra bên trên. Và những đoàn lính, như những cơn sóng nối tiếp nhau, làm rung chuyển mọi nẻo đường, ngồi trên xe tải và xe bọc thép chạy bên cạnh những hàng xe cơ giới, hoặc nặng nề đi qua những cánh đồng cạnh đó.

       Họ tạo nên một đoàn diễu binh hoa mỹ và hung bạo, ở giữa đoàn quân là những lá cờ chiến, huy hiệu và phù hiệu riêng của các trung đoàn đã làm nên lịch sử trong Thế chiến thứ hai.
       Trong các sư đoàn, lữ đoàn và trung đoàn là những vệ binh đã làm quân tập hậu trong cuộc di tản ở Dunkirk, là những người lính đặc công râu ria xồm xoàm, đội chiếc mũ nồi xanh đã bạc màu, là những cựu binh của lữ đoàn của Lord Lovat từng tấn công vào các bờ biển bị chiếm đóng tại châu Âu trong những năm tháng đen tối của chiến tranh, là những người Canada can trường của Sư đoàn 2 danh tiếng từng đổ bộ xuống Dieppe trong cuộc diễn tập đẫm máu trong cuộc xâm lăng Normandy.

      Trong những hàng xe thiết giáp, cờ đuôi nheo bay phấp phới, có mấy chiếc từng thuộc đội “Chuột Sa mạc” của Sư đoàn Thiết giáp 7, từng khiến Thống chế Erwin Rommel chịu thất bại ở vùng sa mạc Lybia.

       Và lấn át tiếng ầm ĩ kéo dài của hàng người và vũ khí là tiếng kèn te te của “Quỷ mặc váy,” Sư đoàn Cao nguyên 51, những chiếc kèn túi của họ đang dạo khúc mở đầu trận chiến, như họ vẫn luôn làm vậy.

      Trong những đội hình sát cánh của quân Mỹ là các sư đoàn với cái tên khá xấc cùng những huyền thoại đầy màu sắc – Sư đoàn “Chiến đấu 69,” Sư đoàn Thiết giáp 5 “Sư đoàn Chiến thắng,” “Những kẻ phá đường ray” của Sư đoàn Bộ binh 84, Sư đoàn Bộ binh 4 “Sư đoàn Thường xuân.” Còn có Sư đoàn Thiết giáp 2, “Địa ngục trên bánh xe,” có những chiến thuật xe tăng độc đáo từng khiến quân Đức từ khắp vùng suối cạn Bắc Phi cho tới bờ sông Rhine phải hỗn loạn. Còn có Sư đoàn 1, “Anh cả đỏ,” với kỷ lục số lần đổ bộ tấn công nhiều hơn mọi đơn vị khác của Mỹ: Sư đoàn 1, cùng với một trong những lực lượng lâu đời nhất của Mỹ, Sư đoàn 29 “Xám Xanh” can trường, đậm tính truyền thống, đã từng kiên trì giữ một dải đất hẹp trên bờ biển Normandy có tên là “Omaha,” khi mà tất cả tưởng chừng như đã mất.

       Có một đơn vị, Sư đoàn Bộ binh 83 lừng lẫy, đang di chuyển nhanh như một đội quân thiết giáp, gần đây được các phóng viên đặt biệt danh là “Rạp xiếc rách rưới.” Vị tư lệnh tháo vát của sư đoàn, Thiếu tướng Robert C. Macon, từng ra lệnh hỗ trợ việc vận chuyển của sư đoàn bằng mọi thứ có thể di chuyển được; “không cần hỏi gì thêm.”

      Giờ, Rạp xiếc rách rưới đang chạy nhanh hết sức bằng một tổ hợp lạ kỳ, gồm những chiếc xe Đức bị chiếm được sơn lại vội vàng: xe jeep quân đội, xe sĩ quan, xe tải chở đạn, xe thiết giáp Mark V và Tiger, xe mô tô, xe buýt và hai chiếc xe cứu hỏa. Ở hàng đầu, với lính bộ binh ngồi kín, là một trong hai chiếc xe cứu hỏa. Trên tấm chắn sau của nó là một tấm băng rôn lớn bay phấp phới. Trên đó viết: TRẠM DỪNG KẾ: BERLIN.

       Có ba Cụm tập đoàn quân lớn. Giữa Nijmegen ở Hà Lan và Düsseldorf bên sông Rhine, Cụm tập đoàn quân 21 của Thống chế Sir Bernard Law Montgomery đã vượt sông Rhine vào ngày 23/3 và giờ đang băng băng qua đồng bằng Westphalia, phía bắc Thung lũng sông Ruhr rộng lớn, động lực công nghiệp chính của Đức. Dưới quyền Thống chế Montgomery và nắm giữ cánh phía bắc của ông là Tập đoàn quân 1 của Canada, do Trung tướng Henry D. Crerar chỉ huy. Ở trung tâm là Tập đoàn quân 2 của Anh do Trung tướng Sir Miles Dempsey chỉ huy (là tập đoàn quân đậm tính “đồng minh” nhất của quân Đồng minh; Tập đoàn quân 2 ngoài các đơn vị người Anh, Scotland và Ireland còn có quân Ba Lan, Hà Lan, Bỉ, Tiệp – và cả một sư đoàn Mỹ: Sư đoàn Dù 17). Dọc cánh phía nam của Cụm tập đoàn quân là lực lượng thứ ba của Montgomery: Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ hùng mạnh, do Trung tướng William H. Simpson chỉ huy. Các lực lượng của Thống chế Montgomery đã bỏ lại sông Rhine đằng sau gần 50 dặm.

      Kế đó, trong hàng quân Đồng minh, trấn giữ mặt trận khoảng 125 dặm dọc sông Rhine, từ Düsseldorf đến Mainz, là Cụm tập đoàn quân 12 dưới quyền Đại tướng Omar N. Bradley. Cũng giống Thống chế Montgomery, tướng Bradley có ba tập đoàn quân. Tuy nhiên, một trong số đó, Tập đoàn quân 15 Hoa Kỳ do Trung tướng Leonard Gero chỉ huy, là một tập đoàn quân “ma”; nó được chuẩn bị cho các nhiệm vụ chiếm đóng và hiện tại gần như không có hoạt động gì, chỉ trấn giữ bờ tây sông Rhine, ngay phía trước sông Ruhr, từ vùng Düsseldorf đến Bonn.

      Sức mạnh của tướng Bradley nằm trong Tập đoàn quân 1 Hoa Kỳ và Tập đoàn quân 3 Hoa Kỳ hùng mạnh, tổng cộng có tới 500.000 người. Tập đoàn quân 1 Hoa Kỳ của Đại tướng Courtney Hodges – “con ngựa thồ” của chiến trường châu Âu và là tập đoàn quân đã đi tiên phong trong cuộc xâm lăng Normandy – đang tràn về phía nam sông Ruhr, tiến về phía đông với một tốc độ chóng mặt.

     Kể từ khi chiếm được cầu Remagen vào ngày 7/3, tướng Hodges đã dần dần mở rộng đầu cầu ở bờ đông sông Rhine. Các sư đoàn liên tục dồn vào đó. Rồi vào ngày 25/3, người của Tập đoàn quân 1 đã ào ra khỏi nơi đóng quân tạm thời đó với lực lượng khổng lồ. Giờ đây, chỉ sau đó ba ngày, họ còn cách điểm bắt đầu tấn công có 40 dặm.

     Tràn qua miền trung nước Đức như vũ bão bên cạnh Tập đoàn quân 1 là Tập đoàn quân 3 Hoa Kỳ danh tiếng của Đại tướng George S. Patton. Tướng Button ưa tranh cãi và dễ nổi nóng – niềm kiêu hãnh của ông là Tập đoàn quân 3 của mình đang tiến ngày càng xa hơn, nhanh hơn, có diện tích giải phóng được và số quân Đức giết được hoặc bắt được nhiều hơn bất cứ đội quân nào khác – lại đạt được một cái nhất nữa. Ông đã phỗng tay trên của Montgomery bằng cách bí mật vượt sông Rhine trước cuộc tấn công nổi tiếng ngày 23/3 của Cụm tập đoàn quân 21 gần 24 giờ đồng hồ. Bây giờ, những hàng xe tăng của tướng Patton đang tiến về phía đông với tốc độ 30 dặm một ngày.

       Kề với tướng Patton và ở bên phải đoàn quân của tướng Bradley là lực lượng lục quân thứ ba của Đồng minh, Cụm tập đoàn quân 6 của Đại tướng Jacob Devers. Hai tập đoàn quân của tướng Devers – Tập đoàn quân 7 Hoa Kỳ của Trung tướng Alexander Patch và Tập đoàn quân 1 của Pháp do Đại tướng Jean de Lattre de Tassigny chỉ huy – trấn thủ cánh phía nam mặt trận, đại khái 150 dặm. Các tập đoàn quân của tướng Patch và tướng Patton đang gần như cùng sóng vai tiến quân.

       Tập đoàn quân của tướng De Tassigny đang chiến đấu tại một trong những vùng có địa hình mấp mô nhất trên toàn mặt trận, trên vùng núi Vosges và Rừng Đen. Quân của ông, Tập đoàn quân 1 hậu giải phóng của Pháp, sáu tháng trước còn chưa tồn tại. Giờ, 100.000 người lính của nó hi vọng trước khi chiến tranh kết thúc họ vẫn còn đủ thời gian để báo thù bọn les boches (*).

      Ai cũng có món nợ phải đòi. Nhưng dọc theo Mặt trận phía Tây, Lục quân Đức hiếm khi tồn tại thành một lực lượng có tổ chức và gắn kết. Bị tiêu hao nhiều trong cuộc tấn công Ardennes, các đội quân một thời hùng mạnh của Đức quốc xã cuối cùng đã bị đập tan trong chiến dịch kéo dài một tháng giữa sông Moselle và sông Rhine.
..........................................
 (*): Dùng để chỉ lính Đức trong WWI hoặc WWII, kết hợp từ allemand (tiếng Pháp, chỉ nước Đức) và caboche (tiếng lóng nghĩa là thủ cấp) – ND.
      Quyết định của Hitler cho quân chiến đấu ở phía tây sông Rhine thay vì rút các lực lượng tơi tả của mình về đóng bên bờ đông đã chứng tỏ là một thảm họa; nó sẽ được ghi nhận là một trong những sai lầm quân sự lớn nhất của cuộc chiến. Gần 300.000 người bị bắt và 60.000 thương vong. Tổng cộng, tổn thất của quân Đức tương đương hơn 20 sư đoàn đầy đủ.

      Ước tính dù Đức còn hơn 60 sư đoàn, nhưng đó hầy hết là các sư đoàn trên giấy, mỗi sư đoàn chỉ có khoảng 5.000 lính, trong khi một sư đoàn có quân số đầy đủ thì phải đạt 9.000 – 12.000.

     Thực sự thì, có thể tin là Đức chỉ còn không đầy 26 sư đoàn hoàn chỉnh ở phía Tây, mà ngay cả những sư đoàn này cũng chỉ có trang bị tồi tàn, thiếu đạn dược, đặc biệt thiếu xăng và phương tiện di chuyển, cùng với pháo và xe tăng. Thêm nữa, đó chỉ là phần tàn dư gồm các sư đoàn, các nhóm SS rời rạc, lính phòng không, hàng nghìn lính không quân (Không quân Đức gần như đã biến mất), các tổ chức về một mặt nào đó có thể gọi là quân đội, các đơn vị Lực lượng phòng vệ Hậu phương Volkssturm gồm người già và thiếu niên chưa qua huấn luyện, và thậm chí cả những nhóm học viên trường sĩ quan tuổi thiếu niên.

      Vô tổ chức, thiếu sự liên lạc và thường không có người lãnh đạo đủ khả năng, Lục quân Đức không thể ngăn chặn, thậm chí là trì hoãn đà tấn công dữ dội có hệ thống của các tập đoàn quân của Eisenhower.

       Trong khi cuộc tấn công ở sông Rhine trôi qua chưa được một tuần, các tập đoàn quân đang tiến quân thần tốc của nguyên soái Montgomery và tướng Bradley đã đến gần thành trì cuối cùng của nước Đức: con sông Ruhr được phòng thủ nghiêm ngặt.

     Cùng lúc với mũi tiến công nhanh chóng về phía đông, ba tập đoàn quân của Mỹ đột ngột quay lại để đánh vào vùng phụ cận sông Ruhr từ hai hướng bắc-nam. Phía bắc, Tập đoàn quân 9 của tướng Simpson đổi từ hướng chính đông sang bắt đầu hành quân theo hướng đông nam. Phía nam, Tập đoàn quân 1 của tướng Hodges và Tập đoàn quân 3 của tướng Patton, di chuyển song song, tướng Patton đi phía ngoài, cũng quay lại và tiến về hướng đông bắc để liên kết với quân của tướng Simpson.

       Cái bẫy đang khép lại nhanh tới mức quân Đức – chủ yếu là Cụm tập đoàn quân B của Thống chế Walter Model, một lực lượng gồm không ít hơn 21 sư đoàn – có vẻ như không hề biết gì về gọng kềm đang xiết dần quanh họ. Giờ đây, bị đe dọa trước cuộc bao vây, bị kẹt trong một cái ngõ cụt rộng 55 dặm, dài 70 dặm – một cái ngõ cụt mà tình báo của Đồng minh nói là chứa nhiều lính và thiết bị hơn cả số mà quân Nga đã chiếm được ở Stalingrad.

      Trong kế hoạch tổng thể nhằm đánh bại nước Đức, công cuộc vượt sông Rhine và chiếm sông Ruhr luôn là được xem là các mục tiêu thiết yếu nhất – và khó khăn nhất. Lòng chảo công nghiệp sông Ruhr, với các mỏ than, nhà máy lọc dầu, nhà máy thép và nhà máy vũ khí chiếm diện tích gần 4.000 dặm vuông. Quân Đồng minh từng nghĩ chiếm được nơi này cũng phải mất mấy tháng – nhưng đó là trước khi quân Đức ở sông Rhine tan rã hoàn toàn.

       Giờ, gọng kềm – mưu kế của vị tướng người Missouri trầm lặng, Omar Bradley – đang được thực thi với tốc độ nghẹt thở. Quân Mỹ đang tiến nhanh tới mức giờ tư lệnh các sư đoàn nói việc hoàn thành bao vây chỉ là chuyện tính bằng ngày. Một khi sông Ruhr bị bịt kín, Đức sẽ chẳng còn lại bao nhiêu sức mạnh để mà ngăn cản đà tiến công của quân Đồng minh. Thậm chí bây giờ quân địch đã rệu rã tới mức không có nổi phòng tuyến liền mạch nữa.

       Thực sự thì quân Đức đã vô tổ chức tới mức Thiếu tướng Isaac D. White, chỉ huy Sư đoàn Thiết giáp 2 Hoa Kỳ, ra lệnh cho người của mình bỏ qua bất kỳ kháng cự nào và tiếp tục lên đường. Sư đoàn 2, mũi nhọn của gọng kềm của Tập đoàn quân 9 dọc vành đai phía bắc sông Ruhr, nhờ đó đã tiến được hơn 50 dặm chỉ trong không đầy ba ngày.

      Quân Đức tại các vùng bị cô lập chiến đấu dữ dội, nhưng Sư đoàn 2 lại gặp rắc rối từ các cây cầu đã bị hủy, các chốt chặn dựng vội, những bãi mìn và địa hình xấu nhiều hơn là từ các hành động của quân thù. Hầu như chỗ nào cũng gặp cảnh này. Trung tá Wheeler G. Merriam, dẫn đầu mũi tấn công chớp nhoáng của Sư đoàn 2 bằng Tiểu đoàn Trinh sát 82 của mình, đang gặp phải một đám lộn xộn lớn và rất ít kháng cự. Ngày 28/3, khi những chiếc xe tăng của ông dàn hai bên tuyến đường sắt chính chạy theo hướng đông tây, trung tá Merriam yêu cầu dừng để báo cáo vị trí mới. Khi người đánh điện radio của ông cố liên lạc với Sở chỉ huy, Merriam nghĩ ông vừa nghe thấy tiếng đầu máy hơi nước. Thình lình, một chiếc tàu lửa Đức, chở đầy ắp quân lính và mấy toa xe chở hàng chất đầy xe thiết giáp và súng, đang phụt khói chạy trên đường ray, chạy ngang qua ngay trước mặt đơn vị của ông. Quân Mỹ và quân Đức nhìn nhau chằm chằm vì kinh ngạc. Merriam nhìn lên đám lính Đức đang nhoài ra khỏi cửa sổ toa tàu, gần tới mức ông có thể nhận thấy rõ ràng “từng sợi râu trên mặt bọn chúng ở mấy chỗ chưa cạo.” Người của ông sửng sốt nhìn chăm chăm đằng sau chiếc tàu khi nó chạy về hướng Tây. Cả hai bên không bắn một viên đạn nào.

       Cuối cùng, kích động biến thành hành động, trung tá Merriam chộp lấy điện đài. Cách đó vài dặm về hướng tây, Tư lệnh Sư đoàn, Thiếu tướng White, thấy đoàn tàu xuất hiện trong tầm mắt gần như cùng lúc ông nghe trung tá Merriam phấn khích cảnh báo qua chiếc đài trên xe jeep của ông. Tướng White thấy một quân cảnh đang chỉ huy hàng người của mình, thình lình dừng việc băng qua đường ray – và rồi tướng White, cũng giống trung tá Merriam, đứng ngẩn người khi đoàn tàu lăn bánh qua.

       Mấy giây sau, cầm điện thoại dã chiến trong tay, ông yêu cầu bắn pháo. Trong vài phút, Trung đoàn Pháo binh 92, đóng ở đằng xa phía tây, bắn một loạt đạn pháo khiến đoàn tàu bị cắt làm đôi. Sau đó, họ phát hiện ra trên các toa xe chở hàng chất cả đống súng chống tăng, pháo và một khẩu trọng pháo 16 inch. Đám lính trên tàu bị bắt nói rằng họ đã hoàn toàn không biết đà tiến của quân Đồng minh. Họ cứ nghĩ quân Anh và Mỹ còn ở phía tây sông Rhine.

      Hỗn loạn vừa là bạn, vừa là thù. Trung tá Ellis W. Williamson của Sư đoàn Bộ binh 30 đang đi nhanh tới mức quân của ông thậm chí còn bị pháo binh của một sư đoàn Đồng minh khác bắn. Họ tưởng quân của trung tá Williamson là quân Đức đang rút về miền đông. Trung úy Clarence Nelson của Sư đoàn Thiết giáp 5 cũng có một trải nghiệm kỳ lạ tương tự.

      Chiếc xe jeep của anh bị bắn trúng, và Nelson nhảy qua một chiếc half-track đang bị công kích dữ dội. Anh ra lệnh cho một chiếc xe tăng đến tấn công chỗ có hỏa lực mạnh của quân địch. Chiếc xe chạy lên tới đỉnh đồi và bắn hai phát – vào một chiếc xe thiết giáp của Anh. Người trong xe giận dữ nhưng không bị thương. Họ đang nằm chờ, hi vọng tìm được mục tiêu cho riêng mình. Và giáo sĩ Ben L. Rose của Trung đoàn Kỵ binh Cơ giới 113 nhớ lại là một sĩ quan chỉ huy xe tăng từng báo cáo rất nghiêm túc với trung đoàn trưởng là: “Chúng ta vừa tiến được mấy trăm mét rồi, thưa ngài. Kháng cự từ quân địch lẫn đồng bạn đều rất ác liệt.”
      Thế tiến công quá mau lẹ cùng với việc hàng phòng thủ của Đức sụp đổ quá chóng vánh đã khiến nhiều vị tư lệnh lo lắng về các rủi ro từ tai nạn trên đường còn hơn là từ hỏa lực quân thù. Đại úy Charles King của Sư đoàn Thiết giáp 7 danh tiếng của Anh đã năn nỉ lính của mình “phải cẩn thận khi lái xe trên mấy con đường này.” Anh cảnh báo, “Giờ mà chết vì tai nạn thì thật là đáng tiếc.” Mấy tiếng sau, đại úy King, một trong những thành viên ban đầu của Chuột Sa mạc, đã chết; chiếc xe jeep của anh bị trúng một quả địa lôi của Đức.

       Phần lớn mọi người đều không biết mình đang ở đâu hay đội quân nào đang ở bên cạnh họ. Các đơn vị đằng trước đã bắt đầu bị thiếu bản đồ. Những chiếc máy bay trinh sát của Tiểu đoàn Trinh sát 82 không hề quan tâm chuyện này chút nào.

       Họ đang sử dụng bản đồ khẩn cấp: mọi phi công chiến đấu đều được cung cấp bản đồ thoát hiểm của Không lực Hoa Kỳ to bằng chiếc khăn tay lụa từ đầu cuộc chiến, nhằm giúp họ thoát khỏi lãnh địa của kẻ thù nếu như bị bắn hạ. Máy bay trinh sát của Tiểu đoàn 82 xác định vị trí của mình đơn giản bằng cách kiểm tra các biển chỉ đường của Đức. Trong khu vực của Sư đoàn 84, Trung tá Norman D. Carnes phát hiện ra toàn bộ tiểu đoàn của ông còn có hai tấm bản đồ để theo dõi đà tiến quân dự định. Ông cũng không lo lắng mấy – miễn là radio của ông còn hoạt động và ông có thể giữ liên lạc với sở chỉ huy. Trung tá Arthur T. Hadley, một chuyên gia tâm lý chiến tranh đi cùng Sư đoàn Thiết giáp 2, giờ đang phải dùng mấy tấm bản đồ trong một cuốn sổ tay du lịch cũ dành cho du khách. Và Đại úy Francis Schommer của Sư đoàn 83 luôn biết anh đang dẫn tiểu đoàn của mình đi đâu. Anh cứ tóm lấy người Đức đầu tiên gặp được, dí súng vào mạn sườn người đó, và hỏi mình đang ở đâu bằng tiếng Đức rất lưu loát. Anh chưa từng phải nhận một câu trả lời sai.

       Đối với người của các sư đoàn thiết giáp, cuộc tiến quân từ sông Rhine cũng là một loại chiến tranh. Những hàng xe thiết giáp ngoằn ngoèo đột kích, vượt qua, bao vây và đục khoét các đội quân và thành phố Đức là một ví dụ kinh điển của các chiến thuật thiết giáp tài tình nhất. Một số người cố mô tả cuộc đua của những chiếc xe thiết giáp về miền đông trong thư.

       Trung tá Clifton Batchelder, tư lệnh Tiểu đoàn 1, thuộc Trung đoàn Thiết giáp 67, nghĩ rằng cuộc tiến công “có được mọi nghị lực và can đảm của các chiến dịch kỵ binh vĩ đại trong cuộc Nội chiến.” Trung úy Gerald P. Leibman nhận thấy khi Sư đoàn Thiết giáp 5 vượt qua quân địch, hàng nghìn lính Đức đằng sau đang chiến đấu trong những vùng bị cô lập, viết một cách hài hước rằng “Chúng tôi dạo chơi ở hậu quân của địch sau khi đã chọc thủng những vị trí ở tiền phương của chúng.”

       Đối với Leibman, cuộc tấn công gợi nhớ lại cuộc đột phá của đoàn xe thiết giáp của tướng Patton ở hàng rào Normandy mà anh cũng từng tham gia. Anh viết, “Chẳng ai ăn uống ngủ nghê gì. Tất cả những gì chúng tôi làm là tấn công rồi đi tiếp, tấn công rồi đi tiếp. Ở đây cũng giống như ở Pháp – trừ một chỗ, lần này cờ bay trên mỗi ngôi nhà không phải cờ ba màu của Pháp, mà là cờ trắng đầu hàng.” Trong cuộc đua giữa Trung đoàn Devonshire với Sư đoàn Thiết giáp 7 của Anh, Trung úy Frank Barnes kể với bạn mình là Trung úy Robert Davey là “thật tuyệt khi lúc nào cũng được tiến về phía trước.” Cả hai đều thấy phấn chấn, vì trong buổi chỉ thị trước cuộc tấn công, họ nghe rằng đây là lần cuối hành quân và mục tiêu sau cùng là Berlin.

      Thống chế Montgomery vẫn luôn biết Berlin là mục tiêu sau cùng. Dễ nổi nóng, thiếu kiên nhẫn khi bị trì hoãn, tính khí thất thường và thường thiếu lịch thiệp, nhưng luôn thực tế và can đảm, Montgomery đã chú mục vào Berlin từ chiến thắng vĩ đại của ông ở sa mạc El Alamein. Người đàn ông này đã từng nói “Xuất phát” khi mà thời tiết xấu có thể làm trì hoãn cuộc xâm lăng Normandy, giờ đòi được bật đèn xanh lần nữa. Thiếu quyết định rõ ràng từ Tư lệnh Tối cao, Montgomery đã tự thông báo quyết định của riêng mình.

       Vào lúc 6:10 chiều thứ ba ngày 27/3, trong một thông điệp mã hóa gửi Bộ chỉ huy Tối cao, ông trình bày với Đại tướng Eisenhower rằng: “Hôm nay, tôi đã phát lệnh cho các tư lệnh lục quân rằng cuộc hành quân về phía đông giờ đây bắt đầu… Ý định của tôi là tấn công mạnh vào phòng tuyến sông Elbe bằng Tập đoàn quân 2 và Tập đoàn quân 9. Cánh phải của Tập đoàn quân 9 sẽ hướng về Magdeburg và cánh trái của Tập đoàn quân 2 hướng về Hamburg…Tập đoàn quân của Canada sẽ hành quân… đến miền Tây Bắc Hà Lan và Tây Hà Lan và vùng ven biển bắc nằm ở ranh giới bên trái của Tập đoàn quân 2…

      Tôi đã ra lệnh cho Tập đoàn quân 2 và Tập đoàn quân 9 đưa các lực lượng thiết giáp và cơ động của họ tiến về phía trước ngay lập tức để đến được sông Elbe bằng tốc độ cao nhất. Tình hình có vẻ tốt và các việc trên nên bắt đầu tiến hành nhanh chóng trong vài ngày tới.

       Sở chỉ huy chiến thuật của tôi sẽ dời tới tây bắc Bonninghardt vào thứ năm ngày 29/3. Sau đó… sở chỉ huy của tôi sẽ di chuyển đến Wesel-Münster-Wiedenbrück-Herford-Hanover – rồi từ đó đi theo xa lộ đến thẳng Berlin, tôi hi vọng thế.”

                                    * * * * * * * * *

       Chầm chậm quay đầu trong khi cổ bị buộc dây, Cô Effie và Cậu Otto nhìn chăm chăm khoảnh sân Berlin ngổn ngang gạch vụn đầy rầu rĩ. Từ ban công đằng sau của căn hộ ở tầng hai trong quận Wilmersdorf của mình, Carl Wiberg nói khẽ khích lệ mấy con chó Dachshund và kéo chúng lại cho an toàn. Ông đang dẫn chúng đi qua lối thoát hiểm không kích mà ông đã dựng nên, và sau nhiều tuần huấn luyện, bọn chó đã thích nghi rất tốt. Mấy người hàng xóm của ông Wiberg cũng vậy, dù họ cho là ông người Thụy Điển này lo cho bọn thú cưng có hơi quá.

Mọi người dần quen với cảnh Cô Effie và Cậu Otto mặc áo choàng lấp lánh và chải chuốt, chạy lên xuống qua mấy ô cửa sổ. Cũng không có ai để ý tới mấy sợi dây thừng lủng lẳng, đó chính là cái mà ông Wiberg muốn. Một ngày, nếu bọn Gestapo có ập vào, ông có thể sẽ phải ra cái ban công đằng sau và trốn thoát bằng chính mấy sợi dây đó.

        Ông đã cẩn thận suy tính mọi thứ. Chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể khiến việc ông là gián điệp Đồng minh bị lộ, và giờ đây, khi mà dân Berlin ngày càng nghi ngờ và lo âu nhiều hơn, ông Wiberg không còn nhiều cơ hội. Ông vẫn chưa tìm ra nơi trú ẩn của Hitler. Những câu hỏi thông thường và có vẻ ngây ngô của ông bề ngoài không gây nghi ngờ gì, nhưng chúng cũng chẳng đem lại thông tin gì nốt. Ngay cả đám bạn ông làm lớn trong quân đội và không quân cũng không biết gì. Wiberg bắt đầu tin là Quốc trưởng và nội các của ông ta không có tại Berlin.

      Thình lình, khi ông dẫn mấy con chó lên ban công, chuông cửa vang lên. Ông Wiberg thấy căng thẳng; ông không hề mong có khách, và ông sống trong lo sợ phập phồng rằng sẽ có lúc đi ra cửa và thấy cảnh sát đứng đó. Ông cẩn thận mở dây buộc cho bọn chó và rồi bước ra cửa. Bên ngoài là một người khách lạ. Ông ta cao to, mặc đồ lao động và khoác áo da. Vai phải ông ta vác một thùng các tông.

      Ông ta hỏi, “Ông là Carl Wiberg hả?”

      Ông Wiberg gật đầu.

      Người khách lạ ném cái thùng vào trong nhà. Ông ta mỉm cười nói:
     “Đây là một món quà nhỏ từ mấy người bạn ở Thụy Điển của ông.”

      Ông Wiberg cảnh giác hỏi:
      “Mấy người bạn ở Thụy Điển của tôi ư?”

      Người khách lạ nói,
      “Ồ, ông biết rõ cái thứ chết tiệt này là gì mà.”

      Ông ta quay lại và đi nhanh xuống lầu.

      Ông Wiberg chầm chậm đóng cửa. Ông đứng ngây ra đó, nhìn xuống cái thùng. “Món quà” duy nhất ông từng nhận được từ Thụy Điển là đồ tiếp tế cho công tác gián điệp ở Berlin. Đây là cái bẫy chăng? Liệu cảnh sát có ập đến căn hộ này khi ông mở hộp không? Ông nhanh nhẹn băng qua phòng khách và cảnh giác nhìn xuống dưới đường phố. Trống không. Không thấy dấu hiệu gì của vị khách.

      Ông Wiberg quay lại bên cánh cửa và đứng nghe ngóng một lúc. Ông không nghe thấy thứ gì bất thường. Cuối cùng, ông bê cái thùng các tông đặt lên chiếc sofa trong phòng khách và mở nó ra. Cái thùng được mang đến một cách thông thường này chứa một cái máy phát radio lớn. Wiberg chợt nhận ra mình đang đổ mồ hôi.

      Mấy tuần trước, ông Wiberg đã được thượng cấp của mình, một người Đan Mạch tên Hennings Jessen-Schmidt, thông báo là từ nay trở đi ông sẽ là “chủ tiệm” của mạng lưới gián điệp tại Berlin. Kể từ đó, ông đã nhận được một lượng lớn đồ tiếp tế thông qua mấy người đưa thư. Nhưng cho tới nay ông luôn được báo trước, và việc chuyển phát luôn được thực hiện với cảnh giác cao độ. Điện thoại của ông sẽ reng hai lần rồi dừng lại; đó là dấu hiệu sắp có đồ đưa tới.

       Đồ tiếp tế chỉ đến khi trời tối, và thường vào lúc có không kích. Ông Wiberg chưa bao giờ được người khác tiếp cận vào ban ngày. Ông điên lên. Sau này ông nói, “Ai đó đã hành động quá mức ngây thơ và nghiệp dư và có vẻ muốn phá hoại toàn bộ chiến dịch.”

       Vị trí của ông Wiberg đang dần trở nên nguy hiểm hơn; ông không thể gánh nổi một cuộc viếng thăm của cảnh sát. Vì bây giờ trong căn hộ của ông là cả một kho thiết bị do thám. Mấy căn phòng của ông trữ một lượng lớn tiền, mấy bảng mã và một đóng thuốc và độc dược – từ những viên thuốc nhỏ “knockout” tác dụng nhanh, có thể khiến người ta bất tỉnh trong những khoảng thời gian khác nhau, cho đến các loại hợp chất cyanua độc.

      Trong hầm chứa than của ông và trong một garage thuê gần đó là một kho vũ khí nho nhỏ chứa súng trường, súng lục và đạn. Ông Wiberg thậm chí còn có một va li chứa thuốc nổ dễ bay hơi. Mấy cuộc không kích làm ông rất lo lắng cho kho hàng hóa ký gửi này. Nhưng ông và Jessen-Schmidt đã tìm ra một nơi cất giấu hoàn hảo. Mớ thuốc nổ giờ được cất trong một két an toàn lớn nằm trong hầm của Ngân hàng Deutsche Union.

       Căn hộ của ông Wiberg đã tồn tại một cách diệu kỳ qua các cuộc không kích cho tới tận bây giờ, nhưng ông chết khiếp khi nghĩ đến hậu quả nếu như nó bị trúng bom. Ông có thể bị lộ ngay lập tức.

      Jessen-Schmidt đã bảo Wiberg rằng vào đúng thời điểm, các món đồ tiếp tế sẽ được đưa đến các nhóm gián điệp và phá hoại khác nhau sắp đặt chân đến Berlin. Cách hoạt động của các điệp viên đã được chọn này là bắt đầu nhận một tín hiệu gửi qua radio hoặc qua mạng lưới người đưa thư từ London. Ông Wiberg mong chóng đến lúc phân phối đồ. Jessen-Schmidt đã được cảnh báo là cần chờ tin trong vài tuần nữa, vì công việc của nhóm sẽ trùng với lúc chiếm đóng thành phố. Theo thông tin mà Jessen-Schmidt và Wiberg nhận được, quân Anh và Mỹ sẽ đến được Berlin vào khoảng giữa tháng tư.



     3.
      Trong không khí yên tĩnh của phòng làm việc của mình tại số 10 đường Downing, Winston Churchill ngồi khom xuống trong chiếc ghế da ưa thích, điện thoại khum bên tai. Ngài Thủ tướng đang nghe Tổng tham mưu của mình,  Đại tướng Sir Hastings Ismay, đọc một bản sao của thông điệp của Montgomery gửi cho Tư lệnh Tối cao. Lời hứa hẹn của vị Thống chế về “tốc độ cao nhất và tấn công quyết liệt” thực sự là tin tốt; nhưng lời tuyên bố định tiến về Berlin của ông thậm chí còn tốt hơn. Ngài Thủ tướng nói với tướng Ismay, “Montgomery đang có bước tiến đáng kể.”

       Sau nhiều tháng thảo luận sôi nổi giữa các lãnh đạo quân sự của Anh và Mỹ, chiến lược của phe Đồng minh có vẻ như bắt đầu vận hành trơn tru. Kế hoạch của Đại tướng Eisenhower, được phác thảo vào mùa thu năm 1944 và được Hội đồng Tham mưu trưởng ở Malta chấp thuận vào tháng 1/1945, yêu cầu Cụm tập đoàn quân 21 của Thống chế Montgomery làm mũi tiến công chính ở hạ lưu sông Rhine và bắc sông Ruhr; đây là lộ trình mà Churchill, trong một lá thư gửi cho Roosevelt, đã gọi là “con đường ngắn nhất dẫn tới Berlin.”

       Ở phía nam, quân Mỹ sẽ vượt sông và tiến về khu vực Frankfurt, thu hút quân địch khỏi Montgomery. Mũi tiến quân hỗ trợ này sẽ thành mũi tấn công chính nếu cuộc tấn công của Montgomery thất bại. Nhưng dù Churchill lo lắng hết mức, chuyện đã được sắp xếp xong. Cuộc “Thập tự chinh Vĩ đại” đã gần đi đến hồi kết, và Churchill cực kỳ hài lòng vì trong số các vị tư lệnh của Đồng minh, có lẽ ý trời đã định cho người hùng của trận El Alamein chiếm được thủ đô của kẻ thù. Cụm tập đoàn quân 21 đã được đặc biệt tăng cường cho cuộc tấn công, được ưu tiên hàng đầu về binh lính, không lực để hỗ trợ, đồ tiếp tế và thiết bị. Tổng cộng, trong tay Montgomery có gần một triệu quân thuộc 35 sư đoàn và các đơn vị đi cùng, bao gồm Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ.
       Bốn ngày trước, Churchill đã đi cùng Đại tướng Eisenhower sang Đức để chứng kiến giai đoạn mở đầu của cuộc tấn công vào phòng tuyến bên sông. Khi đứng bên bờ sông Rhine quan sát cuộc tấn công lịch sử mở màn, Churchill nói với Eisenhower, “Đại tướng thân mến của tôi ơi, bọn Đức tiêu rồi. Ta đã tóm được chúng. Bọn chúng xong đời rồi.”

       Và quả vậy, thật đáng ngạc nhiên là ở hầu hết các nơi, quân địch chống cự rất yếu ớt. Tại quân khu của Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ, nơi 2 sư đoàn – khoảng 34.000 người – đang vai kề vai hành quân với quân Anh, chỉ có 31 thương vong. Giờ, Montgomery dẫn hơn 20 sư đoàn và 1.500 xe tăng vượt sông tiến về sông Elbe. Con đường dẫn đến Berlin – nơi Churchill từng gọi là “mục tiêu đích thực và quan trọng nhất của liên quân Anh-Mỹ” – có vẻ khá rộng mở.

        Con đường này còn rộng mở về mặt chính trị nữa. Chưa từng có một cuộc thảo luận nào giữa ba ông lớn xem quân của ai sẽ chiếm thành phố. Berlin là một mục tiêu để mở, nằm đó chờ đội quân Đồng minh đầu tiên tới chiếm.

        Tuy nhiên, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc chiếm đóng phần còn lại của quốc gia đối địch này – như mấy tấm bản đồ của Chiến dịch Nhật thực đã phân chia. Và các quyết định về việc chiếm đóng nước Đức có ảnh hưởng quan trọng đến việc chiếm Berlin và tương lai chính trị của thành phố. Ít nhất một vị lãnh đạo của phe Đồng minh đã nhận thấy điều này ngay từ đầu. Ông đã nói, “Chắc chắn sẽ có một cuộc đua giành lấy Berlin.” Người đó là Franklin Delano Roosevelt.

      Trước đó 17 tháng, vào ngày 19/11/1943, vấn đề này đã được trình bày cho Roosevelt. Lần đó, ngài Tổng thống ngồi chủ tọa trong một phòng họp thuộc dãy buồng của Đô đốc Ernest J. King trên tàu chiến U.S.S. Iowa. Ngồi cạnh ông là các trợ lý và cố vấn, trong đó có Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ. Roosevelt đang trên đường tới Trung Đông để dự hội nghị ở Cairo và Teheran – cuộc họp thứ năm và thứ sáu trong thời chiến của các lãnh đạo phe Đồng minh.

       Đó là những ngày trọng yếu trong cuộc đấu tranh với phe Trục trên toàn cầu. Ở mặt trận Nga, quân Đức đã phải chịu thất bại nặng nề và đẫm máu nhất của chúng: Stalingrad, bị bao vây và cô lập trong 23 ngày, đã sụp đổ, và hơn 300.000 lính Đức bị giết, bị thương hoặc bắt làm tù binh. Ở Thái Bình Dương, nơi hơn một triệu quân Mỹ đang chiến đấu, quân Nhật đang bị đẩy lui trên mọi mặt trận. Ở phương Tây, Rommel bị đánh tan tác tại Bắc Phi. Italy, bị xâm chiếm từ châu Phi qua đường Sicily, đã đầu hàng. Và giờ liên quân Anh-Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch cho coup de grace – Chiến dịch Chúa tể, cuộc xâm chiếm toàn diện châu Âu.

      Trên tàu Iowa, Roosevelt đang rất bực bội. Các tài liệu và bản đồ trước mặt ông là phần cốt yếu trong một kế hoạch tên là Chiến dịch Rankin, Phương án C, một trong các nghiên cứu được phát triển có liên quan với cuộc xâm chiếm sắp tới. Rankin C cân nhắc các bước cần thực hiện nếu quân địch bất ngờ sụp đổ hoặc đầu hàng. Trong trường hợp đó, kế hoạch này đề nghị rằng nên chia nước Đức và Berlin thành nhiều phần, mỗi ông lớn chiếm một vùng. Điều khiến ngài Tổng thống thấy khó chịu là khu vực mà những kế hoạch gia người Anh đã chọn cho đất nước ông.

       Rankin C được lập ra dưới hoàn cảnh đặc thù và khó khăn. Người chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi các điều khoản của nó sẽ là Tư lệnh Tối cao của Đồng minh tại châu Âu. Nhưng vị tư lệnh này còn chưa được chỉ định. Nhiệm vụ khó khăn phải cố lập kế hoạch trước cho Tư lệnh Tối cao – đó là, vừa chuẩn bị cho cuộc tấn công thông qua eo biển Manche, Chiến dịch Chúa tể, vừa chuẩn bị kế hoạch trong trường hợp nước Đức sụp đổ, Chiến dịch Rankin – được giao cho Trung tướng Frederick E. Morgan của Anh (*), được biết đến với mật danh “COSSAC” (Chief of Staff to the Supreme Allied Com-mander – Tham mưu trưởng cho Tư lệnh Đồng minh Tối cao, đề cử). Đó là một công việc bạc bẽo và mệt mỏi. Khi ông được chỉ định làm nhiệm vụ này, Sir Alan Brooke, Tham mưu trưởng của Ban tham mưu Hoàng gia, đã nói với tướng Morgan là: “Thôi thì thế đó; tất nhiên là nó chả đi vào hoạt động đâu, nhưng anh phải làm thật tốt vào!”

       Trong lúc chuẩn bị Chiến dịch Rankin C, tướng Morgan đã phải cân nhắc mọi tình huống không lường trước. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu quân địch đầu hàng đột ngột tới mức quân Đồng minh bị mất thăng bằng, như họ từng bị hồi Thế chiến thứ nhất khi không đoán trước được Đức sẽ đầu hàng vào tháng 11/1918? Quân của từng bên sẽ đi đâu? Ai sẽ chiếm Berlin? Đó là các câu hỏi cơ bản, và chúng cần được giải quyết một cách quyết đoán và rõ ràng, nếu như quân Đồng minh không muốn bị bất ngờ trước sự sụp đổ bất ngờ của địch.

       Vào lúc đó, vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào về kết cục cuộc chiến được lập ra. Dù ở Mỹ và Anh, nhiều cơ quan Chính phủ đã thảo luận các vấn đề sẽ xuất hiện khi đình chiến, nhưng việc lập nên chính sách chung vẫn không mấy tiến triển. Chỉ có một điểm nhất trí duy nhất: cần chiếm đóng đất nước của địch.

       Ngược lại, Nga không khó khăn gì trong chuyện đưa ra chính sách. Josef Stalin luôn xem chiếm đóng là chuyện đương nhiên, và ông luôn biết chính xác mình sẽ làm điều đó như thế nào. Hồi tháng 12/1941, ông đã thẳng thắn nói với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, Anthony Eden, về các yêu cầu hậu chiến của mình, chỉ ra các vùng lãnh thổ mà ông định chiếm đóng và thôn tính. Đó là một danh sách ấn tượng: theo gót giày chiến thắng của mình, Stalin muốn được thừa nhận chủ quyền của ông với Latvia, Lithuania và Estonia; một phần của Phần Lan mà ông đã chiếm khi ông tấn công Phần Lan vào năm 1939; tỉnh Bessarabia của Rumania; miền đông Ba Lan, nơi quân Soviet đã tràn qua vào năm 1939 theo thỏa thuận với Nazi; và phần lớn vùng Đông Phổ. Khi ông bình tĩnh đưa ra các điều khoản này, súng nổ cách điện Kremlin có 15 dặm, ở ngoại ô Moscow, nơi quân Đức vẫn đang chiến đấu dữ dội.

        Dù người Anh coi các yêu cầu của Stalin năm 1941 là còn quá sớm để nói (**), đến năm 1943 thì họ cũng chuẩn bị kế hoạch cho riêng mình. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh, Anthony Eden, đã đề xuất là Đức phải bị Đồng minh chiếm đóng hoàn toàn và phân chia thành ba vùng.

        Ngay sau đó, một cơ quan ở trong nội các là Ủy ban Đình chiến và Hậu chiến được thành lập, dưới quyền Phó Thủ tướng Clement Attlee, chủ tịch Đảng Lao động. Nhóm Attlee đưa ra một đề xuất công khai, trong đó cũng chủ trương chia ba nước Đức, và Anh sẽ chiếm vùng tây bắc giàu có về thương mại và công nghiệp. Họ cũng đề xuất để cả ba phe cùng chiếm Berlin. Phe Đồng minh duy nhất gần như không có kế hoạch nào với nước Đức bại trận là Mỹ. Quan điểm chính thức của Mỹ là các thỏa thuận hậu chiến nên để đến gần chiến thắng sau cùng rồi hãy tính. Chính sách chiếm đóng chủ yếu liên quan tới quân sự mà thôi.
..................................
        (*): Hình thành ban đầu vào năm 1943, Chiến dịch Rankin thực sự có ba phần: Phương án A là trường hợp Đức yếu tới mức chỉ cần một “Chiến dịch Chúa tể mini” là đủ; Phương án B đặt giả thiết Đức sẽ rút lui chiến lược tại một số nơi ở các quốc gia bị chiếm đóng trong khi vẫn để lại lực lượng lớn dọc bờ biển châu Âu nhằm chống xâm lược; và Phương án C đối phó với tình huống Đức đột ngột sụp đổ trước, trong hoặc sau cuộc xâm lăng. Các Phương án A và B đã sớm bị hủy bỏ, và theo tướng Morgan nhớ lại, chỉ nhận được sự cân nhắc ngắn ngủi.

      (**): Churchill nghe được các yêu cầu của Stalin khi ông đang băng qua Đại Tây Dương trên con tàu chiến H.M.S. Duke of York trên đường gặp Roosevelt. Mỹ vừa mới bước vào cuộc chiến và Churchill băn khoăn liệu có nên đưa ra vấn đề này với đồng minh mới hùng mạnh vào lúc này hay không. Ông đánh điện cho Eden: “Dĩ nhiên, anh không được lỗ mãng với Stalin. Chúng ta không đến Mỹ để ký các hiệp ước đặc biệt và bí mật. Tiếp cận Tổng thống Roosevelt với mấy lời đề nghị đó sẽ chỉ chuốc lấy lời từ chối cộc lốc và có thể gây rắc rối kéo dài… Cho dù có đặt vấn đề một cách không chính thức đi chăng nữa… thì theo ý tôi vẫn là không phù hợp.” Bộ Ngoại giao Mỹ có nghe về cuộc trò chuyện giữa Eden và Stalin, nhưng không có bằng chứng gì cho thấy có ai bận tâm đến việc nói cho ngài Tổng thống Mỹ biết vào lúc đó cả. Nhưng đến tháng 3 năm 1943, Roosevelt được thông báo đầy đủ và theo Eden, người thảo luận vấn đề này với ông, ngài Tổng thống đoán trước là sẽ không có khó khăn lớn gì với Liên Xô. Ông Eden nói: “Câu hỏi lớn đang ngự trị trong đầu Roosevelt là liệu có thể làm việc với Nga vào bây giờ và sau chiến tranh được không.”
       Nhưng giờ, khi mà sức mạnh kết hợp của Đồng minh bắt đầu rõ rệt trên mọi mặt trận và nhịp độ tấn công của Đồng minh ngày càng tăng cao, yêu cầu cần lập kế hoạch chính trị thống nhất ngày càng cấp bách. Tháng 10/1943, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao tại Moscow, bước thăm dò đầu tiên được thực hiện nhằm định ra chính sách hậu chiến chung của Đồng minh. Các phe Đồng minh chấp nhận ý tưởng cùng chịu trách nhiệm kiểm soát và chiếm đóng nước Đức, và thành lập một cơ quan giữa ba bên, Hội đồng Cố vấn châu Âu (EAC), để “nghiên cứu và đưa ra đề xuất cho ba chính phủ về các vấn đề ở châu Âu có liên quan tới sự kết thúc giao tranh.”

       Nhưng cùng lúc đó, tướng Morgan đã đưa ra bản kế hoạch của ông – một bản kế hoạch chi tiết sơ thảo về việc chiếm đóng nước Đức – sau này ông giải thích, “chỉ được chuẩn bị sau khi đã bói bằng cầu thủy tinh cả đống lần.” Ban đầu, không có chỉ dẫn chính trị, tướng Morgan chỉ đưa ra bản kế hoạch chiếm đóng có giới hạn. Nhưng kế hoạch Rankin C sau cùng của ông phản ánh kế hoạch do ủy ban của Attlee đưa ra, vốn phức tạp hơn.

       Tướng Morgan đã chia nước Đức thành ba phần theo toán học trên một tấm bản đồ, “phác thảo sơ qua bằng chì xanh dọc theo ranh giới của các tỉnh có sẵn.” Rõ ràng là người Nga, đến từ phía đông, phải chiếm một phần ở phía Đông. Việc chia chác giữa Nga với Anh-Mỹ trong kế hoạch Rankin C (bản đã được sửa lại) là một đường chạy từ Lübeck bên bờ biển Baltic đến Eisenach ở miền trung nước Đức và từ đó tới biên giới với Tiệp.

       Quy mô khu vực của Nga lớn cỡ nào không phải là chuyện Morgan bận tâm. Ông đâu có được ra lệnh phải cân nhắc chuyện đó, vì đó “đương nhiên là chuyện của người Nga, họ đâu có ở trong ban COSSAC của chúng ta". Nhưng Berlin khiến ông phiền não, vì nó sẽ nằm trong khu vực của Nga. Ông tự hỏi, “Liệu chúng ta có tiếp tục xem đó là thủ đô hay là, nói cho cùng, có cần có một thủ đô nữa không? Tính quốc tế của chiến dịch đã đề xuất rằng việc chiếm Berlin hay bất cứ thủ đô nào khác, nếu có, phải được chia đều giữa ba bên, quân Mỹ, Anh và Nga mỗi bên một sư đoàn.”

       Về khu vực của Anh và Mỹ, đối với tướng Morgan, mối liên hệ Bắc-Nam của chúng có vẻ chỉ được định trước bởi một sự thật nghe thì kỳ cục nhưng lại có liên quan: vị trí các căn cứ của Anh và Mỹ và các sở chỉ huy tại Anh. Từ lúc những lính Mỹ đầu tiên đặt chân lên Vương quốc Anh, đầu tiên họ được cấp chỗ ở Bắc Ireland, rồi sau đó ở nam và tây nam nước Anh. Các lực lượng của Anh đóng ở miền bắc và đông nam. Do đó, sự tập trung binh lính, đồ tiếp tế và thông tin liên lạc cũng tách biệt – quân Mỹ luôn ở bên phải, Anh bên trái đối diện với châu Âu lục địa.

       Vì Morgan đã đoán trước sẽ có Chiến dịch Chúa tể, bản kế hoạch này tiếp tục băng qua eo biển Manche đến các bờ biển xâm chiếm được ở Normandy – và có lẽ là băng qua châu Âu để đến trung tâm nước Đức. Anh sẽ đến miền bắc nước Đức và giải phóng Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy. Phía bên phải, quân Mỹ đi theo đường tiến quân qua Pháp, Bỉ và Luxembourg, cuối cùng sẽ đến các tỉnh miền nam nước Đức.

       Sau này Morgan nói, “Tôi không tin là vào lúc đó có người có thể nhận ra ngụ ý sau cùng và đầy đủ của quyết định phân chia vùng chiếm đóng – trong mọi khả năng, lại do các quan chức cấp thấp của Bộ Chiến tranh đưa ra. Nhưng toàn bộ phần còn lại đều bắt nguồn từ đó.”

       Trên tàu Iowa, ngài Tổng thống Mỹ nhận ra ngụ ý sau cùng và đầy đủ khá rõ. Những ngụ ý đó chính là điều ông không thích về kế hoạch Rankin C. Ngay khi buổi họp chiều bắt đầu lúc 3 giờ, Roosevelt khơi mào chủ đề, và ông thực sự điên tiết. Bình luận về bản ghi nhớ đi kèm mà mấy vị Tham mưu trưởng đã hỏi xin chỉ thị về kế hoạch đã chỉnh sửa của tướng Morgan, Roosevelt quở trách các cố vấn quân sự của mình vì đã “đưa ra các giả thuyết nhất định” – đặc biệt là việc Mỹ nên chấp nhận đề nghị của Anh chiếm miền nam nước Đức. Ngài Tổng thống tuyên bố, “Tôi không thích sắp xếp kiểu này.” Ông muốn phần tây bắc nước Đức. Ông muốn các cảng biển Bremen và Hamburg, cũng như các cảng ở Đan Mạch và Na Uy. Và Roosevelt rất kiên quyết về một vấn đề khác: quy mô vùng chiếm đóng của Mỹ. Ông nói, “Chúng ta nên đi tới Berlin. Mỹ phải có được Berlin.” Rồi ông nói thêm: “Liên Xô có thể lấy phần lãnh địa miền Đông.”

        Roosevelt cũng không hài lòng về một khía cạnh khác của kế hoạch Rankin C. Ở phía nam, Mỹ sẽ phải chịu gánh một cục trách nhiệm gồm Pháp, Bỉ và Luxembourg. Ông khá lo lắng về Pháp, nhất là vị lãnh đạo của tổ chức Nước Pháp Tự do, Đại tướng Charles de Gaulle, người ông vẫn luôn xem là “một mối đau đầu về chính trị.” Khi tiến quân vào nước Pháp, ngài Tổng thống nói với các cố vấn, De Gaulle sẽ “ở sau quân ta một dặm,” sẵn sàng chiếm chính quyền. Hơn hết thảy Roosevelt sợ nội chiến sẽ bùng nổ ở Pháp khi chiến tranh kết thúc. Ông nói không muốn bị dính líu “trong công cuộc khôi phục nước Pháp.” Ngài Tổng thống tuyên bố rằng, “Pháp là một em bé người Anh.”

       Và không chỉ có Pháp mà thôi. Ông thấy nước Anh nên chịu trách nhiệm với cả Bỉ và Luxembourg nữa – và cả miền nam nước Đức luôn. Về khu vực của Mỹ - theo như ngài Tổng thống hình dung, nó phải quét qua miền bắc nước Đức (bao gồm cả Berlin), gồm một dải từ Stetttin cho tới sông Oder. Và một lần nữa, cân nhắc lời lẽ, ông nhấn mạnh rằng mình rất không hài lòng trước cách phân chia vùng chiếm đóng đề xuất. Roosevelt nói, “Người Anh định để Mỹ lấy phần miền nam, và tôi không thích thế.”

        Ý kiến của ngài Tổng thống làm các cố vấn quân sự của ông giật mình. Ba tháng trước, tại Hội nghị Quebec, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ đã chấp nhận cơ bản kế hoạch này. Cả Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ cũng thế. Vào lúc đó, Tổng thống Roosevelt tỏ ra rất quan tâm đến việc phân chia nước Đức và gia tăng trọng lượng lời nói của ông trong việc thúc giục lập kế hoạch bằng cách bày tỏ mong muốn rằng các đội quân nên “sẵn sàng tới Berlin sớm ngang với Nga.”

        Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ tin rằng các vấn đề có trong kế hoạch Rankin C đều đã được sắp đặt xong xuôi. Sỡ dĩ họ đưa chuyện này lên tàu Iowa chỉ vì nó có liên quan tới các vấn đề kinh tế, chính trị và quân sự. Giờ ngài Tổng thổng không chỉ chính thức phản đối kế hoạch chiếm đóng mà còn phản đối cả nội dung cơ bản của Chiến dịch Chúa tể nữa. Nếu phải thay đổi vùng chiếm đóng để đáp ứng mong muốn của ngài Tổng thống, sẽ phải thay đổi tình hình bố quân ở Anh trước khi tiến hành xâm chiếm.

        Điều này sẽ làm trì hoãn – thậm chí gây thiệt hại – cho cuộc tấn công qua eo biển Manche, một trong những chiến dịch phức tạp nhất từng có trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Đối với các cố vấn quân sự, rõ ràng là ngài Tổng thống Roosevelt hoặc là không hề hiểu được các quy tắc vận hành logic mênh mông trong đó – hoặc là hiểu rất rõ và đơn giản là sẵn sàng trả một cái giá phi thường đắt để nước Mỹ có được vùng tây bắc và Berlin. Trong quan điểm của họ, cái giá đó quả thực không thể trả nổi.

        Đại tướng Marshall bắt đầu tỉ mỉ phân tích tình huống về mặt ngoại giao. Ông đồng ý là “chuyện phải thế mới đúng.” Nhưng, ông nói, những đề xuất của kế hoạch Rankin C bắt nguồn từ các suy tính quân sự cốt yếu nhất. Ông giải thích từ góc độ logic, “Chúng ta phải đóng quân bên phải… mọi chuyện lại quay trở về vấn đề cũ, các cảng biển của Anh.”

       Đô đốc Ernest King, Tổng Tư lệnh hành quân của Hải quân Hoa Kỳ, ủng hộ tướng Marshall; ông nói rằng, kế hoạch xâm chiếm đã được phát triển quá sâu rồi, muốn chấp nhận dù chỉ một thay đổi về cách triển khai quân là chuyện phi thực tế.

       Vấn đề này rộng lớn tới mức tướng Marshall tin rằng dù chỉ hoán đổi các đội quân không thôi cũng cần có một kế hoạch mới hoàn toàn – một kế hoạch đủ linh hoạt để áp dụng cho “bất kỳ giai đoạn phát triển nào” nhằm đạt được những gì ngài Tổng thống muốn ở Đức.

  Roosevelt không nghĩ vậy. Ông thấy rằng nếu Đức quốc xã của Hitler hoàn toàn sụp đổ thì Mỹ phải đưa quân vào Đức càng nhiều càng tốt, và ông cho là có thể đưa một phần quân vào Đức “thông qua Scotland” – từ đó vào Đức từ phía bắc. Chính vì điểm này mà ông chắc chắn là các phe trong Đồng minh sẽ đua nhau giành lấy Berlin; trong trường hợp đó, các sư đoàn Mỹ phải đến được đó “sớm nhất có thể.” Harry Hopkins, cố vấn và đồng thời là tâm phúc của Roosevelt, đang có mặt trên tàu Iowa, cũng có cùng cảm giác cấp bách như thế: ông nghĩ rằng Mỹ cần “sẵn sàng đưa một sư đoàn dù đến Berlin trong vòng hai giờ sau khi sụp đổ xảy ra.”

        Hết lần này tới lần khác, các cố vấn quân sự của ngài Tổng thống cố nhấn mạnh với ông tầm nghiêm trọng của việc một thay đổi trong kế hoạch Rankin C sẽ dẫn tới hậu quả gì. Roosevelt vẫn cương quyết.

       Cuối cùng, ông kéo một tấm bản đồ nước Đức của National Geographic đang đặt trên bàn về phía mình và bắt đầu vẽ. Đầu tiên, ông vẽ một đường cắt qua biên giới phía tây nước Đức tới Düsseldorf và xuôi về phía nam sông Rhine tới Mainz. Từ đó, bằng một nét đậm, ông cắt nước Đức ra làm đôi dọc theo vĩ tuyến 50, đại khái từ Mainz ở miền tây chạy về phía đông tới thị trấn Asch nằm bên biên giới với Tiệp. Rồi ngòi bút của ông chạy về phía đông bắc tới Stettin nằm bên sông Oder. Mỹ sẽ có vùng nằm trên đường này, Anh có vùng bên dưới.

       Nhưng theo như Roosevelt phác thảo, ranh giới phía Đông của khu vực của Mỹ và Anh sẽ tạo thành một cái nêm. Đỉnh của nó nằm ở Leipzig; từ đó nó chạy theo hướng đông bắc tới Stettin và về phía đông nam tới Asch.

        Ngài Tổng thống không nói ra, nhưng cái tam giác nông này rõ ràng là khu vực dành cho Liên Xô. Nó không bằng một nửa khu vực chia cho Nga như trong kế hoạch Rankin C đề xuất. Berlin cũng không còn nằm trong phần lãnh địa mà ông để lại cho Nga nữa. Nó nằm trên đường ranh giới giữa khu của Nga và Mỹ. Tướng Marshall hiểu rằng ngài Tổng thống định để quân Anh, Mỹ và Liên Xô đồng chiếm giữ Berlin.

        Tấm bản đồ cho thấy những gì có trong đầu ngài Tổng thống, không lầm đi đâu được. Ngài Tổng thống nói với các tướng lĩnh quân sự cấp cao của mình rằng, nếu quân Mỹ lấy phần phía nam như lời đề nghị của COSSAC theo kế hoạch Rankin, thì “người Anh sẽ xen vào mọi bước đi của chúng ta.” Roosevelt nói, rõ ràng là “các suy tính chính trị của Anh đứng đằng sau những điều khoản này.”Cuộc thảo luận chấm dứt mà không có quyết định rõ ràng nào, nhưng Roosevelt khiến các tướng lĩnh quân sự cấp cao của ông không còn chút nghi ngờ gì về việc ông muốn gì.

       Để Mỹ chiếm đóng như cách Roosevelt vạch ra có nghĩa là cần đóng một triệu quân ở châu Âu “trong ít nhất một hoặc hai năm.” Kế hoạch hậu chiến của ông cũng tương tự cái cách Mỹ đến với cuộc chiến – dốc toàn lực nhưng với thời gian và sự dính dáng tối thiểu vào các vấn đề của châu Âu. Ông đã đoán trước sẽ có một cuộc đột phá thành công và nhanh chóng vào vùng trung tâm của địch – “một cuộc xâm lược nước Đức bằng đường sắt mà không cần chiến đấu gì nhiều” – quân Mỹ sẽ  lao theo cuộc tấn công này vào vùng tây bắc và từ đó tới Berlin. Hơn hết thảy, ngài Tổng thống Mỹ quyết tâm có được Berlin (*).

                                       * * * * * * * * *
       Đó được xem là kế hoạch cụ thể đầu tiên của Mỹ với nước Đức. Chỉ có một rắc rối duy nhất. Roosevelt, thường bị chỉ trích vì cướp việc của Ngoại trưởng của mình, không hề nói gì về quan điểm của ông với ai khác ngoài mấy tướng lĩnh quân sự cấp cao của mình. Họ đã bỏ quên kế hoạch đó gần bốn tháng.

       Sau cuộc họp trên tàu Iowa, Đại tướng Marshall đưa tấm bản đồ của Roosevelt – bằng chứng hữu hình của tư duy điều hành về việc chiếm đóng nước Đức – cho Thiếu tướng Thomas T. Handy, Cục trưởng Cục Hành quân, Bộ Chiến tranh. Khi tướng Handy quay lại Washington, tấm bản đồ được lưu trữ trong đống hồ sơ tối mật của Cục Hành quân. Sau này ông nhớ lại, “Theo tôi biết, chúng tôi chưa bao giờ nhận được chỉ thị nào bảo chuyển nó cho bất kỳ ai ở Bộ Ngoại giao.”

          Việc các cố vấn quân sự của Roosevelt xếp xó kế hoạch của chính ông chỉ là một trong chuỗi đánh giá sai lầm kỳ quặc và đắt giá đã xảy ra trong giới quan chức Mỹ trong khoảng thời gian sau cuộc họp trên tàu Iowa. Những sai lầm này có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của Berlin và nước Đức.

         Ngày 29/11, Roosevelt, Churchill và Stalin gặp nhau lần đầu tại Hội nghị Teheran. Trong cuộc họp này, ba ông lớn đã chỉ định các đại diện ngồi vào Ủy ban Cố vấn châu Âu (EAC) tại London đầy quan trọng – cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo các điều khoản đầu hàng cho Đức, định ra các vùng chiếm đóng, và lập kế hoạch điều hành đất nước cho phe Đồng minh.

       Anh chỉ định bạn thân của Anthony Eden, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Sir William Strang vào EAC. Nga chọn một tay thương lượng cứng đầu, nổi tiếng về tính ngoan cố - Fedor T. Gusev, Đại sứ Liên Xô tại Vương quốc Anh. Roosevelt bổ nhiệm phái viên của mình trong Điện St. James, John G. Winant, một người tận tụy nhưng thường nhút nhát và không có tài ăn nói. Winant chưa bao giờ được chỉ dẫn tường tận về công việc mới của ông, cũng không được cho biết các mục tiêu tại Đức của ngài Tổng thống.
.........................................
     (*): Lời miêu tả các sự kiện trên tàu Iowa đến từ biên bản viết tay do Đại tướng George C. Marshall viết. Bản ghi nhớ thực sự không chứa các trích dẫn trực tiếp, chỉ ghi lại các điểm chính của cuộc họp. Tôi đã trực tiếp trích dẫn lời ngài Tổng thống và những người khác ở những chỗ có nói rõ là họ đã nói thế.
      
      Tuy vậy, cơ hội để vị Đại sứ biết được mình phải tán thành chính sách gì tại EAC nhanh chóng xuất hiện – nhưng rồi lại mất đi. Tại Hội nghị Cairo (Roosevelt, Churchill, Chiang Kai-shek) từ ngày 22-26/11; cuộc họp tại Teheran (Roosevelt, Churchill, Stalin) bắt đầu ngày 28/11 và kéo dài đến ngày 1/12; sau cuộc họp tại Teheran, Roosevelt và Churchill gặp nhau lần nữa ở Cairo vào ngày 4/12. Đêm đó, trong một bữa ăn tối kéo dài với Churchill, Eden và Tham mưu trưởng của Tổng thống, Thủy sư Đô đốc William D. Leahy, một lần nữa Roosevelt lại bày tỏ sự phản đối kế hoạch Rankin C.

       Ông nói với những người Anh – hình như là không tiết lộ nội dung tấm bản đồ của mình hay những điều ông đã sửa lại – rằng ông thấy Mỹ nên có vùng tây bắc nước Đức. Churchill và Eden mạnh mẽ phản đối lời đề xuất đó, nhưng vấn đề được giao cho Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ nghiên cứu. Đến lượt mình, Hội đồng lại đề nghị để cho COSSAC, tướng Morgan xem xét khả năng sửa lại kế hoạch Rankin C.

       Dù là một đại biểu tại Cairo, Winant lại không được mời tới bữa gặp mặt ăn tối này và dường như không bao giờ được cho biết về những vấn đề được thảo luận hôm đó. Khi Roosevelt quay về nhà, Winant bay về London để tham gia cuộc họp đầu tiên của EAC, chỉ biết áng chừng về ý muốn thật sự của ngài Tổng thống và ban lãnh đạo.

       Mỉa mai thay, cách Đại sứ quán Hoa Kỳ tại London có vài dặm, tại Điện Norfolk ở Quảng trường St. James, có một người biết rất rõ Tổng thống Roosevelt muốn gì. Trung tướng Sir Frederick Morgan, sửng sốt trước mệnh lệnh mới yêu cầu ông kiểm tra lại bản kế hoạch Rankin C của mình trên quan điểm hoán đổi khu vực của Anh và Mỹ, bắt ban tham mưu khốn khổ của ông phải làm việc ngay lập tức. Ông nhanh chóng kết luận rằng đây là chuyện không tưởng – ít nhất là cho tới khi Đức bại trận. Ông báo cáo lại với thượng cấp – và sau này ông nhớ lại, “thế là chấm dứt vấn đề” mà ông đã lo lắng.

                                        * * * * * * * * *
         Trong khi đó, các tướng lĩnh quân sự của Mỹ, dù phản đối rằng họ không muốn dính líu vào chính trị, thực tế lại thành người quyết định chính sách hậu chiến của Mỹ tại châu Âu. Với họ, việc phân chia và chiếm đóng nước Đức là các vấn đề quân sự thuần túy, cần được Vụ Dân sự của Bộ Chiến tranh giải quyết. Kết quả không tránh khỏi là Bộ Chiến tranh mâu thuẫn với Bộ Ngoại giao về vấn đề nước Đức. Điều này làm dấy lên một cuộc chiến, và trong quá trình đó, mọi hi vọng đạt được một chính sách nhất quán, chặt chẽ cho Mỹ về vấn đề này đều bị dập tắt và không thể cứu vãn.

       Đầu tiên, ai cũng thấy rõ là cần làm gì đó để để chỉ đạo ngài Đại sứ Winant trong cuộc thương lượng với EAC tại London. Để hợp nhất các quan điểm mâu thuẫn nhau của Mỹ, một nhóm đặc biệt gọi là Ủy ban Hoạt động An ninh được thành lập tại Washington vào đầu tháng 12/1943, với các đại diện đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Chiến tranh và Bộ Hải quân. Các đại diện của Bộ Chiến tranh, là các quan chức thuộc Vụ Dân sự, thực ra ban đầu đã từ chối không ngồi vào ủy ban – hoặc là, không công nhận sự cần thiết của EAC.

        Các sĩ quan lục quân này kiên trì ý kiến là toàn bộ chuyện nước Đức đầu hàng và bị chiếm đóng đơn thuần là một vấn đề quân sự và sẽ được Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ quyết định vào thời điểm thích hợp, và “ở một mức độ quân sự.” Vì tình cảnh lố bịch này mà các thủ tục bị trì hoãn hai tuần. Trong khi đó, Winant ngồi ở London mà chẳng được chỉ dẫn gì.

        Cuối cùng, mấy vị quân nhân đồng ý tham gia các cuộc họp và ủy ban bắt đầu sắp xếp làm việc – nhưng chẳng đạt được mấy. Mỗi nhóm trong ủy ban phải giải thích rõ các đề xuất cho thượng cấp trong bộ của mình trước khi đánh điện cho Winant ở London. Tệ hơn, lãnh đạo mỗi bộ có thể phủ quyết một chỉ thị được đề xuất ra – một đặc quyền mà Bộ Chiến tranh sử dụng rất nhiều lần.

       Sau này, Quyền Chủ tịch Ủy ban, Giáo sư Phillip E. Mosely của Bộ Ngoại giao, người sẽ là Cố vấn Chính trị của Đại sứ Winant, bình luận rằng các sĩ quan trong Vụ Dân sự “đã được nghiêm khắc chỉ thị không được đồng ý chuyện gì, hoặc gần như thế, mà chỉ có thể báo cáo lại tình hình thảo luận cho cấp trên của họ. Hệ thống đàm phán độc lập, với các chỉ đạo cứng nhắc và việc thực hiện quyền phủ quyết này giống với quy trình của các nhà đàm phán Liên Xô, dù Liên Xô có thể thức cứng nhắc hơn.”

        Nguyên tháng 12/1943, tình trạng tranh cãi tiếp diễn. Theo ý kiến của quân đội, các vùng chiếm đóng có thể được xác định ít nhiều dựa trên vị trí sau cùng của các đoàn quân khi ký kết hiệp ước đầu hàng. Dưới tình huống đó, các đại diện của quân đội thấy việc cho phép Winant đàm phán bất cứ thỏa thuận nào về vùng chiếm đóng với EAC là thiếu khôn ngoan.

       Các quân nhân ngoan cố tới mức họ thậm chí còn bác bỏ một kế hoạch của Bộ Ngoại giao, dù khá tương tự với kế hoạch của Anh – nó cũng chia Đức thành ba phần bằng nhau – nhưng có một điểm thêm vào khá quan trọng: một hành lang nối Berlin, nằm sâu trong vùng chiếm đóng của Liên Xô với vùng của phương Tây. Tác giả của hành lang này là Giáo sư Mosely. Sau này ông giải thích, ông nghĩ Liên Xô sẽ phản đối nhưng ông nhấn mạnh ở phần kết luận là “Tôi tin rằng nếu kế hoạch được trình bày trước tiên với sự kiên quyết mạnh mẽ, nó có thể cân nhắc khi Liên Xô bắt đầu trình bày đề xuất của họ.” Ông dám chắc, “Điều khoản này phải được thực hiện để có thể trực tiếp và tự do tiếp cận Berlin về mặt lãnh thổ từ phía Tây.”

        Kế hoạch của Bộ Ngoại giao được đưa tới Vụ Dân sự thuộc Bộ Chiến tranh để nghiên cứu trước cuộc họp toàn  ủy ban. Nó bị đình trệ một thời gian. Cuối cùng, giáo sư Mosely đến gặp mấy quan chức của Vụ Dân sự và tìm vị đại tá có thẩm quyền với vấn đề này. Ông hỏi viên sĩ quan này là ông ta đã nhận được kế hoạch chưa. Vị đại tá mở ngăn kéo dưới cùng của bàn làm việc và nói, “Chắc là nó cũng nằm trong đây.” Kế hoạch này chưa từng được gửi đến chỗ Winant.

       Tại London, EAC gặp không chính thức lần đầu vào ngày 15/12/1943, và với Đại sứ Winant, có vẻ như buổi họp chỉ thương lượng về các quy định và thủ tục. Ông vẫn chưa nhận được chỉ đạo chính thức. Từ nguồn tin của Anh, ông được biết một cách không chính thức về bản kế hoạch đã làm Roosevelt phiền lòng, nhưng ông không biết đó là kế hoạch Rankin C của tướng Morgan: ông chỉ nghe đó là Kế hoạch Attlee. Ông cũng được biết, và cũng theo con đường không chính thức (qua Trợ lý Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Mỹ John J. McCloy), rằng Tổng thống muốn vùng tây bắc. Winant không nghĩ là người Anh sẽ đổi kế hoạch (*). Dự đoán của Winant hoàn toàn đúng.
.......................................
      (*): Trong thư gửi Đại tướng Marshall ngày 12/12 McCloy viết, “Người Anh đã có ảnh hưởng kinh tế lâu dài với vùng đông bắc, và Winant nói với tôi là kế hoạch đó được đưa ra sau khi đã tham khảo các nhân vật quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và chính trị của họ. Tôi không biết Tổng thống muốn có vùng đó tới mức nào khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Anh… Tổng thể thì tôi thích vùng đông bắc, nhưng tôi không cho là nó đáng để tranh giành một phen lớn.” Dường như Bộ Ngoại giao không bận tâm đến cách này hay cách khác. Trong thư, McCloy nói thêm là Cordell Hull đã gọi điện và nói rằng “ông ấy không đặc biệt thích miền nam hay miền bắc.”

          Ngày 14/1/1944, Đại tướng Dwight D. Eisenhower, Tổng tư lệnh Tối cao mới được bổ nhiệm, đến London để thực hiện nhiệm vụ, và toàn bộ bộ máy tham mưu quân sự, trước đó nằm trong tay tướng Morgan, giờ chính thức thuộc quyền của ông.

        Nhưng có một kế hoạch mà đến ông cũng không có ảnh hưởng gì trong những ngày muộn màng này. Sau hôm tướng Eisenhower đến, tại cuộc họp chính thức đầu tiên của EAC, kế hoạch Rankin C của tướng Morgan được Sir William Strang trình bày với Đại sứ Winant và vị phái viên của Nga Fedor Gusev. Người Mỹ, vì cứ đình trệ ở Washington, đã đánh mất tiên cơ. Cái này thì chẳng bao giờ giành lại được.

      Sau này, Strang viết rằng ông đã có một lợi thế trước các đồng nghiệp, “trong khi họ phải đánh điện xin chỉ thị từ một chính phủ ở xa và đôi khi còn không thông cảm và thấu hiểu, còn tôi thì ở ngay trung tâm mọi chuyện, thường nhanh chóng có chiến lược hành động vạch ra cho tôi. Tôi có một lợi thế lớn hơn là chính phủ tôi đã bắt đầu lập kế hoạch hậu chiến vào thời điểm phù hợp một cách có trình tự.”

         Ngày 18/2, tại cuộc họp chính thức thứ hai của EAC, bằng một quyết định chắc chắn đã lập kỷ lục trong ngoại giao của Liên Xô, Đại sứ Gusev khó nhìn thấu đã nghiêm trang chấp thuận đề xuất phân chia khu vực của Anh mà không hề bàn cãi gì.

       Đề xuất của Anh phân cho Liên Xô gần 40% diện tích nước Đức, 36% dân số và 33% nguồn tài nguyên sản xuất. Dù Berlin được phân chia giữa các phe Đồng minh nhưng lại nằm sâu trong vùng chiếm đóng của Liên Xô, cách ranh giới Anh-Mỹ 110 dặm. Sau này Strang nhớ lại, “Điều khoản đưa ra có vẻ rất công bằng, và nếu như nó có vẻ hơi thiên về phía có lợi cho Liên Xô, nhưng nó lại phù hợp với mong muốn của các lãnh đạo quân sự của chúng tôi, vốn lo lắng về thiếu hụt nhân lực sau chiến tranh, không muốn có một vùng chiếm đóng lớn hơn mức cần thiết.” Còn có nhiều lý do khác. Một trong số đó là nỗi sợ của các lãnh đạo Anh và Mỹ rằng Nga có thể thiết lập hòa bình riêng với Đức. Một mối lo khác, đặc biệt là giới quân sự Mỹ, là sợ Nga sẽ không tham gia cuộc chiến chống Nhật. Và cuối cùng, Anh tin là nếu không chặn trước thì Nga có thể đòi tới 50% nước Đức vì đã phải chịu nhiều tổn thất trong chiến tranh.

        Như Mỹ đã lo ngại, có vẻ như đã là bút sa gà chết. Dù Ba ông lớn vẫn phải chấp nhận kế hoạch của Anh, có một sự thật khó nuốt đối với Mỹ là cả Anh và Nga cùng nhất trí với nhau (*). Nói cách khác, đây là việc đã rồi và Winant chẳng thể làm gì khác ngoài báo cáo lại cho chính phủ của mình.

       Sự chấp nhận nhanh chóng của Liên Xô trước kế hoạch của Anh khiến Washington và ngài Tổng thống bị mất thăng bằng. Roosevelt vội vã gửi một bức thư ngắn cho Bộ Ngoại giao. Ông hỏi, “Bản phác thảo phân chia khu vực chiếm đóng của Anh và Nga là như thế nào, và chúng ta nhận được phần nào? Tôi phải biết nó có đúng với cái tôi đã quyết định mấy tháng trước hay không.”

       Các quan chức Bộ Ngoại giao bối rối vì một lý do rất chính đáng: họ đâu được biết những quyết định mà Roosevelt đã đưa ra ở Hội nghị Teheran và Cairo về phân chia vùng chiếm đóng.

      Có một cơn mưa điện thoại giữa Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao trước khi trình thông tin lên cho Tổng thống. Rồi vào ngày 21/2 sau khi xem qua kế hoạch của Anh và Nga, Roosevelt phản ứng lại. Ông thẳng thừng tuyên bố trong một thư báo gửi Bộ Ngoại giao, “Tôi không đồng ý với cách phân chia ranh giới của Anh.” Ông không đề cập đến khu vực của Liên Xô, nhưng thay vào đó, một lần nữa bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ về phần được chia cho nước Mỹ, thậm chí còn lặp lại mạnh mẽ hơn nữa những điều ông đã nói với các cố vấn quân sự của mình trên tàu Iowa. Với Bộ Ngoại giao, bản thư báo của ngài Tổng thống đã tiết lộ cho họ một chuyện chưa được biết trước đó.

       Ông viết, “Mục tiêu cơ bản của chúng ta không phải là tham gia vào các vấn đề nội bộ ở Nam Âu, mà là tham gia tiêu diệt nước Đức vì nó có thể là nguyên nhân tiềm năng của một cuộc Thế chiến lần thứ ba. Chúng ta có nhiều chỗ khó khăn trong việc di dời quân… từ mặt trận Pháp đến mặt trận miền bắc nước Đức – được gọi là một trò chơi ‘nhảy cừu.’ Các mục tiêu này bề ngoài có vẻ hợp lý, vì dù quân Anh và quân Mỹ có đóng ở đâu vào ngày Đức đầu hàng đi nữa, thì các cánh quân này cũng dễ dàng đi bất cứ đâu – về phía đông, bắc hay là nam… Cân nhắc tới mọi thứ, và hãy nhớ là nguồn tiếp tế tới từ một nơi cách đó 3.500 dặm hoặc hơn bằng đường biển, Mỹ phải sử dụng các cảng miền bắc nước Đức – Hamburg và Bremen – và… Hà Lan… Do đó, tôi nghĩ chính sách của Mỹ là phải chiếm được miền tây bắc nước Đức…Nếu cần thêm điều gì để chứng minh cho sự bất đồng với người Anh… tôi chỉ có thể thêm rằng các suy tính chính trị ở Mỹ đã tạo nên quyết định cuối cùng của tôi.”

       Rồi sau đó, để chắc chắc tuyệt đối là ngài Ngoại trưởng của mình thực sự hiểu được ông muốn gì, Roosevelt thêm, có gạch dưới các dòng chữ: “Nếu những gì nói trên chưa hoàn toàn rõ ràng thì anh có thể gặp tôi nói chuyện.”
      Bằng một giọng điệu hài hước hơn, ông giải thích lập trường của mình với Churchill. Ông viết cho ngài Thủ tướng, “Làm ơn đừng bảo tôi phải để lại một đội quân Mỹ nào trên đất Pháp. Tôi đơn giản là không làm thế được! Như tôi đã đề nghị trước đó, tôi kịch liệt phản đối việc phải ‘làm cha’ của Pháp, Bỉ và Italy. Ngài thực sự cần phải tự nuôi nấng và dạy dỗ ‘con cái’ mình. Với quan điểm là chúng có thể làm bức tường chắn cho ngài trong tương lai, ít nhất bây giờ ngài cũng nên trả tiền học phí!”

      Dường như các tham mưu trưởng của Mỹ cũng được nghe từ ngài Tổng thống. gần như ngay lập tức, các sĩ quan quân đội từ Vụ Dân sự rút khỏi Ủy ban Hoạt động An ninh. Vài ngày sau cuộc họp của EAC tại London, một vị đại tá xộc vào văn phòng của giáo sư Mosely trong Bộ Ngoại giao và trải một tấm bản đồ ra trước mặt ông.

       Ông ta nói, “Đây là điều Tổng thống thực sự muốn.” Giáo sư Mosely nhìn tấm bản đồ. Ông không biết nó đã được chuẩn bị khi nào hay là trong hoàn cảnh nào. Ông chưa bao giờ thấy qua nó – mọi người khác ở Bộ Ngoại giao cũng chưa. Tấm bản đồ này là cái mà Tổng thống Roosevelt đã đánh dấu trên tàu Iowa.
...............................
       (*): Một trong những bí ẩn lớn xuất hiện từ cuối Thế chiến thứ hai là Roosevelt lại là người chịu trách nhiệm cho việc phân chia vùng chiếm đóng. Sự thật là từ đầu chí cuối kế hoạch này là của Anh. Kế hoạch này do Anthony Eden khởi xướng, do Ủy ban của Attlee phát triển (dùng tư tưởng quân sự nghiêm khắc của tướng Morgan làm phương tiện), do Churchill và nội các của ông chấp thuận, và do Strang trình bày ở EAC. Nhiều nguồn tin của Anh và Mỹ xem điều khoản phân chia khu vực là kế hoạch của Nga. Kết luận sai lầm này xuất phát từ sự thật là khi Gusev chấp thuận đề xuất của Anh tại buổi họp thứ hai, ông ta cũng đưa ra một bản phác thảo của Liên Xô về các điều kiện đầu hàng cho nước Đức. Có một phần nói về phân chia khu vực: nó y chang kế hoạch của Anh.
    
      Kể từ đó, tấm bản đồ của Roosevelt lại biến mất khỏi tầm nhìn, cũng bí ẩn như khi nó xuất hiện. Giáo sư Mosely đoán nó sẽ được đem ra tại cuộc họp tới của ủy ban tại Washinton. Nhưng chẳng bao giờ có. Nhiều năm sau, giáo sư Mosely nói, “Tôi không biết nó có chuyện gì. Lần kế bọn tôi gặp nhau, mấy sĩ quan ở Vụ Dân sự đưa ra một tấm bản đồ mới toanh, họ giải thích sự thay đổi này là dựa trên chỉ dẫn của Tổng thống. Tôi chẳng bao giờ biết được ai là người nhận được các chỉ thị đó.”

     Ý tưởng mới có phần tương tự tấm bản đồ trên tàu Iowa của Tổng thống, nhưng không nhiều lắm. Khu vực của Mỹ vẫn nằm ở vùng tây bắc, Anh nằm ở phía nam, nhưng đường ngăn cách giữa hai bên dọc theo vĩ tuyến 50 giờ ngừng trước biên giới với Tiệp một đoạn. Hơn nữa, ranh giới phía đông của khu vực của Mỹ chạy răng cưa về phía đông, bên trên Leipzig để chiếm được nhiều lãnh thổ hơn.

      Còn có một sự thay đổi nữa, quan trọng hơn hết thảy: Berlin không còn nằm trong vùng chiếm đóng của Mỹ nữa. Trong phiên bản ban đầu của Roosevelt, ranh giới phía đông của khu vực của Mỹ kéo dài vượt qua cả thủ đô; giờ đường ranh giới chạy về phía tây thành một đường bán nguyệt quanh thành phố. Có phải Roosevelt – sau khi khăng khăng với các tướng lĩnh quân sự của ông là “Chúng ta phải tới Berlin” và “Mỹ phải có được Berlin” – giờ đã đổi ý? Các sĩ quan của Vụ Dân sự không nói gì. Nhưng họ yêu cầu rằng đề cuất mới phải được chuyển tới London ngay, và Winant phải yêu cầu EAC chấp nhận nó!

       Dù gì đi nữa thì đó cũng là một đề xuất vô lý, và Bộ Ngoại giao biết thế. Theo kế hoạch mới, cả Anh và Nga đều có vùng chiếm đóng nhỏ hơn; có vẻ họ sẽ khó lòng chấp nhận một thỏa thuận như thế sau khi vừa đồng ý một điều khoản lãnh thổ vừa ý hơn trước đó. Các sĩ quan Vụ Dân sự đã đưa ra đề xuất này mà không có một bản ghi nhớ đi kèm nào để hỗ trợ Winant hợp lý hóa nó trước mặt EAC; Cho đến khi được yêu cầu chuẩn bị tài liệu kèm theo thì họ từ chối và nói đó là việc của Bộ Ngoại giao. Cuối cùng, bản đề xuất được đưa đến tay Winant mà không có bất cứ tài liệu đi kèm nào. Ngài Đại sứ hốt hoảng đánh điện để được hướng dẫn chi tiết hơn. Vì không có tài liệu hướng dẫn, ông đành xếp xó kế hoạch; nó không bao giờ được đưa ra.

       Đó là nỗ lực cuối cùng để đưa ra một kế hoạch của Mỹ. Roosevelt tiếp tục trì hoãn việc chấp thuận kế hoạch của người Anh cho đến tận cuối tháng 3/1944. Lúc đó, George F. Kennan, cố vấn chính trị của Đại sứ Winant, bay tới Washington để giải thích các vấn đề xuất hiện ở EAC vì sự trì hoãn này cho ngài Tổng thống nghe.

      Roosevelt xem lại tình hình và sau khi kiểm tra đề xuất của Anh một lần nữa, ông nói với Kennan là “cân nhắc mọi thứ, đó có thể là một quyết định công bằng.” Sau đó, ông chấp thuận vùng chiếm đóng của Liên Xô và tổng thể kế hoạch, nhưng với một điều kiện: ông nhấn mạnh là Mỹ phải có được vùng tây bắc. Theo như bản báo cáo mà Kennan đưa cho giáo sư Mosely sau đó, khi buổi gặp kết thúc, Kennanđã hỏi ngài Tổng thống rằng chuyện gì đã xảy ra với kế hoạch ban đầu của ông. Roosevelt cười. Ông nói, “Ồ, đó chỉ là một ý kiến thôi mà.”
      Trong suốt những tháng quan trọng đó của năm 1944, khi quân Anh-Mỹ tiến vào lục địa, quét sạch quân Đức ra khỏi nước Pháp và bắt đầu tiến về Đức, những cuộc chiến chính trị trong hậu trường cứ thế tiếp diễn. Roosevelt kiên quyết giữ nguyên yêu cầu của mình về vùng tây bắc nước Đức. Churchill cũng mạnh mẽ từ chối phải rời khỏi vị trí của mình.

      Vào tháng 4, Winant đã thông báo miệng với EAC về quan điểm của chính phủ của mình, nhưng ông không đề cập với các đại biểu về mong muốn của ngài Tổng thống bằng văn bản ngay lập tức. Ngài Đại sứ vẫn chưa sẵn sàng làm thế, chừng nào ông còn chưa nhận được chỉ thị về một vấn đề mà ông cho là rất quan trọng. Trong kế hoạch của Anh, vẫn không có một điều khoản nào về đường vào Berlin của phương Tây.

       Người Anh đoán trước là sẽ không có vấn đề gì trong việc đi đến Berlin. Họ cho là khi giao tranh chấm dứt, một số quan chức của Đức sẽ ký kết hiệp định đầu hàng và điều hành đất nước dưới sự kiểm soát của Tư lệnh Tối cao. Không vùng nào có thể tách biệt khỏi các vùng khác, và theo quan điểm của Strang, sẽ có “một số người Đức được tự do qua lại giữa các vùng và từ vùng của phương Tây qua thủ đô… các nhân viên dân sự và quân sự của phe Đồng minh nếu có mục đích chính đáng cũng sẽ được tự do qua lại trong nước Đức.”

      Hơn nữa, những khi chủ đề này được nhắc tới trong EAC, Gusev của Nga luôn đảm bảo trơn tru với Strang và Winant rằng ông thấy không có khó khăn gì. Gusev nói đi nói lại, nói cho cùng, nội sự có mặt của quân Anh và Mỹ cũng đã tự động đem lại quyền tiếp cận Berlin rồi. Đó là chuyện đương nhiên, một loại thỏa thuận giữa các quý ông. Tuy vậy, Winant nghĩ là cần vạch rõ điều khoản đó ra. Ông tin rằng cần đưa vào các “hành lang” như ban đầu Mosely đã đề xuất trước khi Ba ông lớn chính thức chấp nhận kế hoạch của Anh. Ông định trình bày đề xuất này cùng lúc với việc chính thức đưa ra quan điểm của ngài Tổng thống về vùng chiếm đóng cho EAC. Ông muốn được bảo đảm về các tuyến đường sắt, đường cao tốc và đường không nhất định qua khu của Liên Xô tới Berlin.

      Vào tháng 5, ngài Đại sứ bay về Washington, gặp Tổng thống, và rồi phác họa điều khoản hành lang của mình với Bộ Chiến tranh. Vụ Dân sự đã thẳng thừng bác bỏ kế hoạch của Winant (*).

      Các sĩ quan ở đó trấn an ông rằng tiếp cận Berlin “chỉ đơn thuần là một vấn đề quân sự” và sẽ do các tư lệnh địa phương xử lý thông qua các kênh quân sự khi Đức bị chiếm đóng. Bị đánh bại, Winant trở về London. Ngày 1/6, ông chính thức đồng ý kế hoạch của Anh và khu vực dự kiến được chia cho Nga, với một điều kiện là Mỹ phải có được vùng tây bắc. Tài liệu này không chứa điều khoản nào về quyền tiếp cận Berlin (**).
..................................................
     Lời dẫn của tác giả:

     (*): Những trao đổi giữa Roosevelt và Winant trong cuộc gặp, hay lập trường của ngài Tổng thống về vấn đề Berlin không được tiết lộ. Việc Bộ Chiến tranh phản đối hay đồng ý kế hoạch “hành lang” của Winant cũng rất mù mờ. Thiếu tướng John H, Hildring, Vụ trưởng Vụ Dân sự, được cho là từng nói với Winant rằng “cần bảo đảm quyền tiếp cận Berlin.” Cuốn sách này phản ánh quan điểm của ba sử gia chủ chốt của Mỹ trong giai đoạn này:

       Giáo sư Phillip Mosely (The Kremlin and World); Herbert Feis (Churchill Roosevelt Stalin); và William M. Franklin, Giám đốc Văn phòng Lịch sử của Bộ Ngoại giao (Zonal Boundaries and Access to Berlin—World Politics, tháng 10/1963). Franklin viết, “Winant dường như không hề ghi lại các đoạn hội thoại đó… Tuy nhiên, có điều này rất rõ ràng: Winant không hề được ai ở Washington chỉ thị hay khuyến khích đặt vấn đề với Nga.”

       (**): Vì một số lý do không bao giờ được làm rõ, lập trường của Winant về quyền tiếp cận Berlin đã thay đổi sau khi ông trở lại từ Washington.

       Nhà ngoại giao kỳ cựu Robert Murphy nhớ lại là không lâu sau khi gia nhập Bộ chỉ huy Tối cao vào tháng 9/1944, ông có dùng bữa trưa với Winant ở London và đã thảo luận về việc tiếp cận Berlin. Murphy giục Winant nên giở lại vấn đề. Ông viết trong cuốn hồi ký của mình, Ngoại giao giữa các chiến binh, như sau:

       Winant tranh luận rằng quyền tự do tiếp cận Berlin của chúng ta ẩn bên trong quyền hiện diện tại đó. Người Nga… có khuynh hướng dù thế nào cũng hoài nghi động cơ của chúng ta và nếu chúng ta cứ khăng khăng về vấn đề chuyên môn này thì chỉ càng làm cho lòng nghi ngờ của họ sâu thêm.” Theo Murphy, Winant không muốn ép EAC về chuyện này.
    
      Ít ra, trong trạng thái thăm dò, phe Đồng minh đã quyết định tương lai của thành phố: khi chiến tranh chấm dứt, nó sẽ thành một hòn đảo do các bên cùng chiếm đóng nằm ở trung tâm khu vực do Liên Xô nắm giữ.

     Cuộc đấu tranh quyền lực giờ nhanh chóng đi vào hồi kết. Cuối tháng 7/1944, Gusev phấn khởi hợp thức hóa những gì Liên Xô giành được tại EAC, cố tình đưa vấn đề lên đỉnh cao tranh cãi. Ông nhẹ nhàng nói, trừ khi bất đồng giữa Anh và Mỹ được dàn xếp ổn thỏa để Ba ông lớn có thể ký kết thỏa thuận, còn không thì Liên bang Xô viết thấy không có lý do gì để tiếp tục thảo luận ở EAC. Ngụ ý đe dọa sẽ rút khỏi Hội đồng Cố vấn, qua đó khiến công sức nhiều tháng qua thành công dã tràng, rốt cuộc mong muốn đó đã có hiệu quả.

      Hai bên bờ Đại Tây Dương, các nhà ngoại giao và cố vấn quân sự đang lo lắng thúc giục lãnh đạo của mình nhượng bộ. Cả Churchill và Roosevelt vẫn ngoan cố. Có vẻ như Roosevelt là người dao động ít nhất trước lời đe dọa của Liên Xô. Winant nghe nói là ngài Tổng thống không thể hiểu nổi tại sao “còn cần thảo luận thêm với Liên Xô vào lúc này,” vì Mỹ đã đồng ý với vùng chiếm đóng của Liên Xô rồi.

       Nhưng giờ Roosevelt đang chịu sức ép từ mọi phía. Trong khi các cuộc tranh cãi ầm ĩ về chính trị tiếp diễn, các đội quân Anh-Mỹ đang lũ lượt kéo vào nước Đức. Vào giữa tháng 8, Đại tướng Eisenhower đánh điện cho Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ, cảnh báo rằng họ
có thể phải “đối mặt với việc chiếm đóng nước Đức sớm hơn dự kiến.” Một lần nữa, như tướng Morgan đã dự đoán trước ngay từ đầu trong kế hoạch Rankin C của mình về cách bố trí quân, các kế hoạch gia lại điên đầu về việc này: quân Anh bên cánh trái đang tiến về miền bắc nước Đức, còn quân Mỹ bên cánh phải đang tiến về miền nam.

       Bây giờ, Eisenhower đang xin chỉ đạo chính trị về khu vực chiếm đóng – ông là quân nhân Mỹ đầu tiên làm thế. Ông nói, “Tất cả những gì chúng ta có thể làm là tiếp cận vấn đề trên cơ sở thuần quân sự” và điều đó có nghĩa là duy trì “cách bố trí quân hiện tại.” Eisenhower nói thêm: “Trừ khi chúng ta nhận được chỉ thị ngược lại, còn không thì chúng ta phải chấp nhận tình hình… cân nhắc các tình huống chúng ta có thể phải đương đầu và việc thiếu quyết định cơ bản về khu vực chiếm đóng.”

      Cuộc khủng hoảng, vốn từ lâu đã là không thể tránh được, giờ đã xuất hiện. Bộ Chiến tranh và Bộ Ngoại giao Mỹ, từng hoàn toàn nhất trí với nhau, giờ đối mặt với một tình trạng tiến thoái lưỡng nan: không ai sẵn sàng lật lại vấn đề với ngài Tổng thống lần nữa.

      Trong bất kỳ trường hợp nào, vấn đề này cũng sẽ được thảo luận tại cuộc họp mới giữa Roosevelt-Churchill dự kiến vào mùa thu; bất cứ quyết định cuối cùng nào cũng phải hoãn cho tới lúc đó. Trong khi đó, kế hoạch của Eisenhower không thể trì hoãn lâu hơn được nữa. Vì các Tham mưu trưởng của Mỹ đã chuẩn bị sẵn kế hoạch chiếm đóng tại miền nam hoặc miền bắc, vào ngày 18/8, họ khuyên Eisenhower là họ “hoàn toàn nhất trí” với giải pháp của ông. Do đó, dù Roosevelt vẫn chưa thông báo quyết định của mình, giả thuyết Mỹ sẽ chiếm miền nam được giữ nguyên.

      Roosevelt và Churchill gặp nhau lần nữa tại Quebec vào tháng 9/1944. Roosevelt đã thay đổi rõ rệt. Ngài Tổng thống vốn đầy sức sống giờ trông có vẻ xanh xao yếu ớt. Căn bệnh bại liệt của ông, xưa nay được che đậy bởi sức quyến rũ nổi tiếng và sự thân mật dí dỏm giờ hiện rõ trong từng bước đi khập khiễng và đau đớn.

      Nhưng còn hơn thế nữa. Ông đã tại vị từ năm 1933 – lâu hơn bất kỳ một Tổng thống Mỹ nào khác – và giờ vẫn tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư. Chiến dịch tranh cử, hoạt động ngoại giao trong nước và ở nước ngoài, những gánh nặng căng thẳng trong những năm tháng chiến tranh, tất cả đang gây tổn hại cho ông rất mau. Dễ thấy tại sao các bác sĩ, gia đình và bạn bè ông đều năn nỉ ông đừng tranh cử nữa.

      Đối với đoàn đại biểu Anh, Roosevelt có vẻ đang yếu đi rất nhanh. Tham mưu trưởng của Churchill, Đại tướng Sir Hastings Ismay, bị sốc trước vẻ ngoài của Roosevelt. Ông nói, “Hai năm trước, ngài Tổng thống là hiện thân của sức khỏe và sinh khí, nhưng giờ ông ấy đã gầy đi quá nhiều tới mức ông giống như bị co rút lại vậy: áo khoác của ông chùng trên bờ vai rộng và cổ áo trông như lớn hơn vài cỡ. Chúng tôi biết bóng tối đang đến gần.”

      Mệt mỏi, chán nản, mắc kẹt giữa các tình huống và sức ép từ các cố vấn của mình cũng như Churchill, ngài Tổng thống cuối cùng cũng nhượng bộ và chấp nhận miền nam. Người Anh cũng thỏa hiệp với ông. Cùng với các nhượng bộ khác, họ đồng ý để Mỹ kiểm soát các cảng lớn và các khu vực tập kết của quân đội tại Bremen và Bremerhaven (*).

       Cuộc gặp cuối cùng trong thời chiến của Ba ông lớn diễn ra ở Yalta, vào tháng 2/1945. Đó là một hội nghị quan trọng. Chiến thắng đang ở phía trước, nhưng rõ ràng là mối liên hệ giữa các nhà lãnh đạo Đồng minh đang yếu đi khi mà các suy tính chính trị dần thay thế các tình hình quân sự thực tế. Càng tiến sâu vào trung tâm nước Đức, Nga càng kiêu ngạo và đòi hỏi nhiều hơn. Churchill, từ lâu đã ghét Chủ nghĩa Cộng sản, đặc biệt quan ngại cho tương lai của các quốc gia như Ba Lan, mà Hồng quân đã giải phóng và đang kiểm soát.

       Roosevelt, hốc hác và yếu hơn nhiều so với hồi ở Quebec, thấy mình vẫn ở vị trí Đại Thẩm phán. Trong quan điểm của ông, một thế giới hòa bình sau chiến tranh chỉ có thể có được nếu như Stalin chịu hợp tác. Ông từng bày tỏ chính sách của mình đối với nhà lãnh đạo Liên Xô qua các lời sau: “Tôi nghĩ rằng nếu tôi đưa cho ông ta mọi thứ mình có thể đưa và không cần nhận lại gì, kẻ quyền cao chức trọng thì phải rộng rãi với người khác, ông ta sẽ không cố thôn tính thêm nữa và sẽ hợp tác với tôi vì một thế giới dân chủ và hòa bình.”

       Ngài Tổng thống tin rằng Mỹ có thể “hòa thuận với Nga” và ông từng giải thích rằng ông có thể “kiềm chế Stalin” dựa trên “nền tảng giữa những người đàn ông với nhau… Bác Joe (**)… có thể thân cận được.” Dù ngài Tổng thống ngày càng quan ngại về các dự định của Liên Xô sau chiến tranh, ông có vẻ vẫn khá lạc quan.

      Tại Yalta, các quyết định lớn sau cùng trong thời chiến được đưa ra. Trong số đó, có một quyết định trao cho Pháp quan hệ đối tác toàn diện trong việc chiếm đóng nước Đức. Vùng chiếm đóng của Pháp tại Đức và Berlin sẽ được cắt ra từ vùng của Anh và Mỹ; Stalin, vốn phản đối việc Pháp tham chiến, từ chối không cắt phần của Nga. Vào ngày 11/2/1945, Ba ông lớn chính thức chấp thuận khu vực tương ứng của mình.

      Vậy là, sau 16 tháng mơ hồ và đầy tranh cãi, cuối cùng Mỹ và Anh cũng nhất trí với nhau. Kế hoạch chiếm đóng, dựa trên một kế hoạch ban đầu có tên Rankin C giờ được giới quân sự biết đến bằng cái tên Chiến dịch Nhật thực, có một điều lãng quên đầy ngạc nhiên: không có một điều khoản nào về đường tới Berlin của Anh và Mỹ.
.............................
       (*): Tại Hội nghị, một cuộc tranh cãi khác đã nổ ra giữa ngài Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, Henry Morgenthau, dẫn đến một kế hoạch kinh tế khắt khe và khó đạt được dành cho nước Đức, biến Đức thành một quốc gia nông nghiệp và không có công nghiệp. Ban đầu Churchill tán thành kế hoạch này, nhưng sau đó lại thay đổi lập trường dưới sức ép từ các cố vấn của ông. Mấy tháng sau, Roosevelt cũng bác bỏ kế hoạch gây tranh cãi của Morgenthau.
     (**): Chỉ Josef Stalin - ND.
      Stalin mất có sáu tuần để vi phạm thỏa thuận Yalta. Trong vòng ba tuần diễn ra cuộc hội nghị, Nga đã lật đổ chính phủ của Rumania đang do Liên Xô chiếm đóng. Trong tối hậu thư gửi đến Vua Michael, Liên Xô thẳng thừng ra lệnh chỉ định Petru Groza, người đứng đầu Đảng Cộng sản Rumania làm Thủ tướng. Ba Lan cũng bị mất nốt: cuộc bầu cử tự do hứa hươu trước đó không hề diễn ra.

      Stalin có vẻ đã khinh khỉnh quay lưng lại cốt lõi của hiệp ước Yalta, trong đó khẳng định là các bên trong phe Đồng minh sẽ hỗ trợ “nhân dân giải phóng khỏi ách thống trị của Đức Quốc xã và… các nước chư hầu trước đó của phe Trục… để lập nên các cơ quan dân chủ do chính mình bầu ra.” Nhưng Stalin thấy là các điều khoản trong hiệp ước Yalta có lợi cho mình – ví dụ như sự chia cắt nước Đức và Berlin – cần được thực thi cẩn trọng.

      Roosevelt đã thường xuyên được Đại sứ của ông tại Moscow, W. Averell Harriman, cảnh báo về tham vọng lãnh thổ tàn nhẫn của Stalin, nhưng giờ đây, sự vi phạm niềm tin trắng trợn của nhà lãnh đạo Liên Xô khiến ông bị sốc. Vào chiều thứ bảy ngày 24/3, trong một căn phòng nhỏ trên tầng thượng Nhà Trắng, Roosevelt vừa dùng xong bữa trưa với bà Anna Rosenberg, người đại diện cá nhân của ông, có trách nhiệm nghiên cứu các vấn đề về các cựu binh đi lính trở về, thì nhận được điện tín từ Harriman về tình hình tại Ba Lan.

       Ngài Tổng thống đọc tin báo và rồi điên lên vì giận dữ, liên tục vỗ lên tay vịn xe lăn. Sau này bà Rosenberg nhớ lại, “Khi đập vào xe, ông ấy cứ lặp đi lại lại: Averell đã đúng! Chúng ta không thể bàn chuyện làm ăn với Stalin được! Ông ta đã phá vỡ mọi hứa hẹn của mình tại Yalta (*)!”

     Tại London, Churchill phiền não trước sự chệch hướng của Stalin khỏi tinh thần hiệp ước Yalta tới mức ông nói với viên thư ký của mình là ông sợ thế giới sẽ cho là “Ông Roosevelt và tôi đã tán thành một hiệp ước lừa dối.” Khi quay về từ Yalta, ông nói với người dân Anh rằng “Stalin và các nhà lãnh đạo Liên Xô muốn sống trong mối quan hệ bình đẳng và tình bạn danh dự với các nền dân chủ phương Tây. Tôi thấy… lời của họ chính là khế ước.” Nhưng cũng trong ngày thứ bảy đó, ngày 24/3, ngài Thủ tướng đang lo lắng đã nhận xét với người phụ tá của mình rằng: “Tôi thật không muốn chia cắt nước Đức cho tới khi mối nghi ngờ của tôi về các ý định của Nga trở nên rõ ràng.”

       Khi mà các bước đi của Liên Xô trở nên “rõ như ban ngày,” Churchill thấy là lực lượng đàm phán mạnh nhất của phe Đồng minh phương Tây sẽ là sự hiện diện của quân Anh và Mỹ sâu trong lòng nước Đức, để họ có thể gặp quân Nga tại “càng xa về phía đông càng tốt.” Do đó, tin nhắn của Nguyên soái Montgomery báo rằng ông định tiến nhanh về sông Elbe và Berlin thực sự là tin tức đầy khích lệ: với Churchill, việc nhanh chóng chiếm được Berlin giờ là yếu tố sống còn. Nhưng, bất chấp thông điệp của Montgomery, không tư lệnh nào ở mặt trận phía Tây được ra lệnh chiếm lấy thành phố. Mệnh lệnh đó chỉ có thể đến từ một người: Tư lệnh Tối cao, Đại tướng Eisenhower.



      4.
      Cuộc tấn công khiến hàng phòng thủ Berlin gục ngã hoàn toàn vì quá bất ngờ. Gần 11 giờ trưa thứ tư ngày 28/3, những chiếc máy bay đầu tiên xuất hiện. Ngay lập tức, pháo binh toàn thành phố khai hỏa, nã pháo lên trời. Tiếng súng nổ ầm ĩ huyên náo, cộng thêm tiếng còi báo động không kích rền rĩ muộn màng càng ồn thêm gấp bội, nghe muốn thủng màng nhĩ. Những chiếc máy bay này không phải của Mỹ. Các cuộc không kích của Mỹ thường dễ đoán trước: chúng thường xảy ra vào lúc 9 giờ sáng và rồi một lần nữa vào lúc giữa trưa. Cuộc tấn công này lại khác. Nó đến từ phía đông, và cả nhịp độ lẫn chiến thuật đều mới lạ. Đông đảo lính Nga thét lên muốn bể nóc nhà, nã đạn vào các đường phố.

       Ở Potsdamer Platz, người ta chạy đủ hướng. Trên đường Kurfürstendamm, những người bán hàng nhào ra cửa, chạy tới lối đi xuống ga tàu điện ngầm, hoặc chạy vào khu phế tích của Nhà thờ Tưởng niệm Kaiser-Wilhelm. Nhưng một số người dân Berlin đang đứng xếp hàng mấy tiếng liền trong hàng người dài dằng dặc, chờ mua khẩu phần ăn hàng tuần, không thèm nhúc nhích.

       Ở Wilmersdorf, y tá 36 tuổi Charlotte Winckler kiên quyết phải lấy được thực phẩm cho hai đứa con, Ekkehart 6 tuổi và Barbara 9 tháng. Ở Adolf-Hitler-Platz, Gertrud Ketzler và Inge Rühling, bạn lâu năm với nhau, đang cùng những người khác bình tĩnh chờ đợi trước một cửa hàng tạp hóa. Mới nãy, cả hai vừa quyết định sẽ tự tử nếu quân Nga tới được Berlin, nhưng giờ họ không nghĩ đến chuyện đó nữa. Họ định nướng một cái bánh cho lễ Phục sinh, và đã đi mua sắm nguyên vật liệu cần thiết suốt mấy ngày nay.

      Ở Köpenick, bà Hanna Schultze 40 tuổi mập mạp đang hi vọng kiếm thêm được ít bột mì để làm một cái bánh bông lan cẩm thạch cho dịp lễ. Trong buổi mua sắm hôm nay, bà Hanna còn hi vọng kếm được một thứ nữa: một đôi dây đeo quần cho chồng bà, ông Robert. Đôi dây đeo cuối cùng của ông gần như không xài được nữa.
...............................
      (*): Tôi nghe việc này trong một cuộc trò chuyện riêng tư với bà Rosenberg (giờ là bà Paul Hoffman). Bà Roosevelt cũng có mặt; sau này hai người phụ nữ so sánh với nhau và nhất trí về từng lời chính xác mà ngài Tổng thống đã nói.

       Trong các cuộc không kích, bà Erna Saenger luôn lo lắng cho “Papa,” cách bà gọi ông chồng Konrad của mình. Ông luôn ngoan cố không chịu đến hầm trú ẩn ở Zehlendorf, và như thường lệ, ông đang ở ngoài. Ông Konrad đang bước chậm chạp về phía nhà hàng ưa thích của mình, nhà hàng Alte Krug trên đường Königin-Luise Strasse. Chưa có cuộc không kích nào có thể ngăn người cựu chiến binh 78 tuổi này đến gặp các đồng đội từ thời Thế chiến thứ nhất vào thứ tư hàng tuần. Và hôm nay cũng không ngoại lệ.

       Có một người Berlin đang thực sự tận hưởng từng giây phút của cuộc tấn công. Cậu nhỏ Rudolf Reschke, đội chiếc mũ lính cũ, chạy tới chạy lui từ cửa ra đường và ngược lại, cố tình trêu chọc mấy chiếc máy bay tầm thấp ở Dahlem. Mỗi lần như thế, Rudolf lại vẫy tay với các phi công. Một trong số họ, có lẽ đã thấy được trò hề của cậu, bèn sà xuống chỗ Rudolf. Khi Rudolf chạy đi, một tràng súng nổ lia qua vỉa hè đằng sau. Đó chỉ là một phần trong trò chơi của Rudolf. Trong chừng mực của cậu, chiến tranh là điều vĩ đại nhất từng xảy ra trong 14 năm đời mình.

        Máy bay hết đợt này tới đợt khác tấn công vào thành phố. Ngay khi các phi đội này hết đạn, chúng lại tách ra bay về phía Đông, để những đội khác đang lũ lượt kéo tới thay thế.

        Cuộc không kích bất ngờ của Nga vẽ thêm một nét khủng khiếp mới vào cuộc sống tại Berlin. Thương vong rất nặng nề. Nhiều cư dân bị thương không phải vì trúng đạn của địch mà là vì hỏa lực đáp trả của lực lượng phòng ngự của thành phố. Để hạ mấy chiếc máy bay ở dưới thấp nằm trong tầm nhìn, các đội phòng không phải hạ nòng súng xuống gần ngang ngọn cây. Kết quả là, thành phố bị bao phủ trong mảnh bom đạn bị nung đỏ rực. Những mảnh bom chủ yếu xuất phát từ sáu tháp phòng không lớn nhô cao khỏi thành phố ở Humboldthain, Friedrichshain, và từ sở thú Berlin.

       Những pháo đài chịu bom khổng lồ này được xây dựng vào năm 1941-1942, sau những cuộc tấn công đầu tiên của quân Đồng minh vào thành phố. Mỗi tháp đều rất hùng vĩ, nhưng lớn nhất trong số đó là hệ thống phức hợp phòng không xây gần khu nuôi chim của sở thú, dù xây tại đó không hợp lý cho lắm. Đó là một tòa tháp đôi. Tháp nhỏ hơn, gọi là Tháp L, là một trung tâm điều hành thông tin, có ăng ten radar chi chít. Cạnh đó là Tháp G, những khẩu pháo trên tháp đang nhả đạn.

      Tháp G rộng khủng khiếp. Nó chiếm diện tích gần bằng một khối nhà trong thành phố và cao hơn 40m – ngang với một tòa nhà 13 tầng. Các bức tường bê tông kiên cố dày hơn 2,5m, có một hàng lỗ hổng cắt sâu bên hông, được đậy lại bằng các lá thép dày khoảng 7-10 cm. Trên mái, một ụ pháo gồm 8 khẩu pháo 127 ly đang khạc đạn liên hồi, và tại bốn tháp pháo ở bốn góc, các khẩu pháo phòng không tự động nhiều nòng có thể bắn liên thanh đang nã đạn lên trời.

      Tiếng ồn trong pháo đài thật không thể chịu nổi. Ngoài tiếng bắn của các ụ pháo, còn có tiếng ầm ầm liên hồi của các trục nâng đạn pháo đang vận chuyển dòng đạn pháo vô tận từ một kho đạn dược dưới đất đến chỗ từng khẩu pháo. Tháp G không chỉ được thiết kế làm bệ bắn pháo mà còn là một khu nhà kho, bệnh viện và nơi trú không kích cao 5 tầng. Tầng thượng, nằm ngay dưới mấy ụ pháo, có một đơn vị đồn trú gồm 100 lính.

     Bên dưới là một bệnh viện không quân có 95 giường bệnh, có phòng chụp X quang và hai phòng phẫu thuật đầy đủ trang thiết bị. Bệnh viện có 6 bác sĩ, 20 y tá và khoảng 30 hộ lý.

      Tầng kế tiếp, tầng ba, là một kho tàng. Các nhà kho ở đây chứa những món đồ triển lãm đắt giá của các bảo tàng hàng đầu Berlin. Tại đây có các bức tượng Pergamon nổi tiếng, thuộc bệ thờ thiêng vĩ đại do Vua Eumenes II của Hy Lạp cổ đại xây dựng vào khoảng năm 180 TCN; các món đồ cổ Ai Cập, Hy Lạp và La Mã đa dạng, gồm có tượng, phù điêu, chậu và bình; có “Kho báu vàng của Priam,” một bộ sưu tập khổng lồ gồm các món vòng tay, dây chuyền, hoa tai, bùa hộ mệnh, đồ trang trí và trang sức bằng vàng và bạc, do nhà khảo cổ người Đức Heinrich Schliemann khai quật năm 1872 tại thành cổ Troy. Còn có các tấm thảm thêu Gobelin vô giá, một số lớn tranh vẽ – trong đó có các bức chân dung của họa sĩ Đức thế kỷ 19 Wilhelm Leibl – và bộ sưu tập tiền xu khổng lồ của Kaiser Wilhelm.

     Hai tầng dưới cùng của tháp là chỗ trú ẩn không kích rộng mênh mông, có các kho thực phẩm và nhà bếp rộng lớn, và doanh trại khẩn cấp của đài phát thanh Đức, Deutschlandsender.

    Hoàn toàn tự túc, Tháp G có nguồn nước và năng lượng riêng, và dễ dàng đủ chỗ cho 15.000 người khi có không kích. Hệ thống này có lượng tiếp tế và đạn dược đầy đủ tới mức đơn vị quân sự đồn trú tại đây tin là dù phần còn lại của Berlin có gặp phải chuyện gì thì tòa tháp sở thú cũng có thể cầm cự được một năm nếu cần.

     Cuộc không kích chấm dứt, cũng đột ngột hệt như lúc mở đầu. Các khẩu pháo trên Tháp G từ từ ngừng lại. Khắp Berlin, khói đen bốc lên cuồn cuộn từ các đám cháy do trúng đạn. Cuộc không kích chỉ kéo dài hơn 20 phút. Các đường phố Berlin đông đúc trở lại, cũng nhanh như lúc trở nên trống trơn. Ngoài các khu chợ và cửa hàng, người vừa rời khỏi hàng giờ giận dữ cố đòi lại vị trí xếp hàng trước đó từ những người đang từ chối nhường chỗ, cũng ngang ngạnh không kém họ.

      Bên trong sở thú, một người đàn ông vội vã ra ngoài ngay khi các khẩu pháo của Tháp G ngừng bắn. Sau mỗi lần không kích ông đều lo lắng như thế, ông Heinrich Schwarz, 63 tuổi, chạy đến khu chuồng chim, mang theo một xô thịt ngựa nhỏ.

      Ông gọi, “Abu, Abu.” Một tiếng kêu kỳ quặc phát ra từ bờ ao gần đó. Rồi một con chim bề ngoài kỳ dị, đến từ sông Nile, có bộ lông màu xanh xám và cái mỏ to giống như một chiếc giày gỗ Hà Lan lật úp, nhẹ nhàng bước ra khỏi mặt nước bằng đôi chân khẳng khiu như cây cà kheo và bước tới chỗ ông. Ông Schwarz thấy nhẹ nhõm hẳn đi. Con cò Abu Markub (Cò mỏ giày) quý hiếm vẫn an toàn.

      Dù không có không kích đi nữa, càng ngày, việc gặp mặt con cò hàng ngày càng mang tính thử thách hơn với ông Schwarz. Ông giơ xô thịt ngựa ra. Ông nói, “Tao phải cho mày ăn cái này thôi. Tao có thể làm gì được? Tao không còn cá nữa. Mà có muốn ăn không?” Con chim nhắm mắt lại. Ông Schwarz buồn bã lắc đầu. Con cò mỏ giày ngày nào cũng từ chối kiểu đó. Nếu cứ tiếp tục cứng đầu, chắc chắn con cò này sẽ chết. Nhưng ông Schwarz chẳng thể làm được gì. Lon cá ngừ hộp cuối cùng đã hết và không thể tìm ra cá tươi ở Berlin – ít nhất không phải dành cho sở thú Berlin.

      Trong số lũ chim chóc còn lại, con cò mỏ giày này là thú cưng của tổ trưởng tổ giữ chim Schwarz. Những con chim yêu thích khác của ông đã mất từ lâu – con vẹt Arra 75 tuổi mà ông Schwarz đã dạy nó nói “Papa,” đã được chuyển tới Saar hai năm trước vì lý do an toàn. Nguyên cả lũ đà điểu châu Phi đã chết vì bị sốc trong các cuộc không kích. Chỉ có con Abu còn ở lại – và nó đang từ từ chết đói. Ông Schwarz điên lên vì lo lắng. Ông nói với vợ, bà Anna: “Nó càng ngày càng gầy trơ xương. Mỗi lần tôi cố cho nó ăn, nó lại nhìn tôi như muốn nói, ‘Chắc chắn là ông nhầm rồi. Thứ này tôi đâu ăn được.’”

      Trong số 14.000 con thú, chim chóc, bò sát và cá có tại sở thú vào năm 1939, giờ chỉ còn lại tổng cộng 1.600 con. Trong sáu năm chiến tranh, sở thú này – trong đó có một khu thủy cung, một vườn côn trùng, các chuồng voi và bò sát, nhà hàng, rạp chiếu phim, phòng khiêu vũ và tòa nhà điều hành – đã bị trúng hơn một trăm quả bom có sức công phá cao. Cuộc không kích khủng khiếp nhất là vào tháng 11/1943, khiến hàng trăm hàng ngàn con vật chết đi. Không lâu sau đó, phần lớn những con thú còn sống sót đã được sơ tán tới các sở thú khác trong nước. Kiếm đồ ăn cho hơn 1.600 con thú và chim chóc còn lại càng ngày càng khó khăn giữa một Berlin đang theo chế độ khẩu phần thực phẩm.

       Nhu cầu của sở thú, dù là cho bầy thú đã cắt giảm số lượng đi nữa, cũng rất lớn: không chỉ cần một lượng lớn thịt ngựa và cá, mà còn cần 36 loại thực phẩm khác nhau, từ mì, gạo và lúa mì xay cho tới hoa quả đóng hộp, mứt cam và ấu trùng kiến. Cỏ khô, rơm, cỏ ba lá và rau quả tươi thì có khá nhiều, nhưng những thứ khác thì gần như không thể kiếm ra được. Dù đã dùng các thực phẩm khác thay thế, nhưng từng con chim con thú đều chỉ còn không đầy nửa khẩu phần ăn trước kia – và hãy nhìn xem.

      Trong số chín con voi của sở thú, giờ chỉ còn mỗi một con. Lớn da xám của nó chùng xuống thành những nếp nhăn lớn, giờ Siam nóng tính tới mức những người giữ thú không dám vào trong chuồng nó. Rosa, con hà mã bự con, còn thảm hơn, da nó khô lại và nứt nẻ, nhưng đứa con hai tuổi của nó, Knautschke, cục cưng của mọi người, thì vẫn giữ được sự vui vẻ trẻ thơ. Pongo, con khỉ đột nặng 240 kg, bình thường rất tốt tính, đã sụt hơn 22 kg, thường ngồi bất động hàng giờ trong chuồng, rầu rĩ nhìn mọi người chăm chăm. Năm con sư tử (trong đó có hai con sư tử con), mấy con gấu, ngựa vằn, linh dương, khỉ và mấy con ngựa hoang quý hiếm, đều đang có dấu hiệu sụt cân.

      Còn có một mối đe dọa thứ ba đối với sự tồn tại của những con vật trong sở thú. Người giữ thú Walter Wendt thường xuyên báo cáo rằng mấy con thú quý hiếm bị mất tích. Chỉ có một kết luận khả dĩ duy nhất: một số người dân Berlin đã ăn trộm và xẻ thịt bọn thú để bổ sung vào khẩu phần ăn èo uột của mình.

       Giám đốc sở thú Lutz Heck đang đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan – một tình thế mà ngay cả tình bạn của ông với Thống tướng Hermann Goering, hay là với ai khác đi nữa cũng không thể giải quyết. Trong cuộc bao vây kéo dài, bọn chim và thú chắc chắn sẽ chết đói. Tệ hơn, những con vật nguy hiểm – như sư tử, gấu, cáo, linh cẩu, mèo Tây Tạng và con khỉ đầu chó đắt giá của sở thú, một con thú quý hiếm mà cá nhân ông Heck đã đưa về từ Cameroon – có thể trốn thoát trong trận đánh. Ông Heck tự hỏi, khi nào thì ông nên giết con khỉ đầu chó và năm con sư tử mà ông hết mực yêu quý đây?

     Gustav Riedel, người giữ chuồng sư tử, từng cho hai con sư tử con Sultan và Bussy chỉ mấy tháng tuổi bú bình, đã quyết định một chuyện: dù có được lệnh như thế nào, ông cũng sẽ cứu hai con sư tử con. Không chỉ có ông Riedel thấy thế. Gần như người giữ thú nào cũng định cứu con vật mình yêu quý. Tiến sĩ Katherina Heinroth, 74 tuổi, vợ của giám đốc thủy cung, nơi bị trúng bom tan tành, đang chăm nuôi một con khỉ con tên là Pia trong căn hộ của mình. Người giữ thú Robert Eberhard thì bị ám ảnh bởi việc bảo vệ cho mấy con ngựa và ngựa vằn quý hiếm do mình chăm sóc. Mối bận tâm lớn nhất của Walter Wendt là mười con bò rừng châu Âu – họ hàng gần với bò rừng châu Mỹ. Chúng là niềm tự hào và hạnh phúc của ông. Ông đã dùng những thứ tối tân nhất của công nghệ gây giống trong ba mươi năm qua để tạo ra lũ bò này. Chúng rất độc đáo và đáng giá hơn một triệu mark – khoảng 250.000 dollar.

      Đối với Heinrich Schwarz, người giữ chuồng chim, ông không thể chịu nổi khi thấy con cò mỏ giày phải khốn khổ. Ông đứng bên bờ ao, gọi con chim thêm lần nữa. Khi nó bước tới, ông Schwarz cúi xuống và nhẹ nhàng bế nó lên. Từ nay trở đi nó sẽ sống – hoặc chết – trong phòng tắm nhà ông.

      ***************
     Tại phòng hòa nhạc Beethoven sơn đỏ và vàng kim theo phong cách Baroque, tiếng cây gậy điều khiển gõ đánh “cách” khiến khán phòng đột nhiên lặng hẳn đi. Nhạc trưởng Robert Heger giơ tay phải lên rồi đứng yên. Ngoài kia, đâu đó giữa thành phố điêu tàn, tiếng còi xe cứu hỏa rền rĩ xa xa. Heger cứ đứng yên như thế một hồi lâu. Rồi ông hạ cây gậy điều khiển xuống và, được báo trước bằng bốn tiếng trống trầm thấp, bản Violin Concerto của Beethoven vang lên êm dịu từ những nghệ sĩ của Dàn nhạc giao hưởng Berlin. Khi bộ gỗ bắt đầu đoạn nhạc trầm lắng của mình bằng tiếng trống, nghệ sĩ solo Gerhard Taschner chờ đợi, dán mắt vào người nhạc trưởng. Phần đông thính giả đang phủ kín phòng hòa nhạc chưa bị hư hại nằm trên đường Köthenerstrasse đến đây để nghe nghệ sĩ violin tài hoa mới 23 tuổi này, và khi những nốt nhạc trong trẻo như tiếng chuông ngân thình lình vang lên từ cây violin của anh, rồi nhỏ dần và mạnh mẽ vang lên lần nữa, họ lắng nghe trong mê ly ngây ngất. Một số người có mặt tại buổi hòa nhạc chiều hôm đó, vào tuần cuối cùng của tháng ba nhớ lại rằng, một số người dân Berlin đã quá xúc động trước màn biểu diễn của Taschner mà âm thầm rơi lệ.

      Trong suốt cuộc chiến tranh, dàn nhạc giao hưởng gồm 105 người này đã giúp người dân Berlin có được sự thanh thản hiếm hoi giữa nỗi sợ hãi và tuyệt vọng, và được hoan nghênh nhiệt liệt. Dàn nhạc trực thuộc Bộ Tuyên truyền của Joseph Goebbels, và các thành viên trong đây đều được miễn quân dịch, vì đảng Nazi thấy Dàn nhạc giao hưởng này có ích cho tinh thần người dân. Người dân Berlin hoàn toàn đồng ý về điều này. Đối với những người yêu âm nhạc, Dàn nhạc giống như một liều thuốc an thần giúp họ thoát khỏi chiến tranh và sự khủng khiếp của nó trong thoáng chốc.

      Có một người luôn xúc động sâu sắc khi nghe dàn nhạc chơi, đó là Bộ trưởng Bộ Vũ khí và Sản phẩm Chiến tranh của Hitler, Albert Speer, giờ đang ngồi tại vị trí quen thuộc của mình giữa dàn nhạc. Speer, người có văn hóa nhất trong bộ máy quyền lực của Nazi, hiếm khi bỏ lỡ một buổi biểu diễn. Hơn bất cứ thứ gì khác, âm nhạc giúp ông xoa dịu ưu phiền – và ông chưa bao giờ cần điều đó nhiều hơn là lúc này.

      Bộ trưởng Speer đang phải đối mặt với vấn đề lớn nhất trong sự nghiệp. Trong suốt cuộc chiến, bất chấp mọi thất bại có thể hình dung được, ông vẫn luôn giữ nền công nghiệp Đức tiếp tục sản xuất.

      Nhưng lâu nay các số liệu và kế hoạch của ông đã cho thấy một điều không thể tránh khỏi: những ngày cuối cùng của nền Đệ tam Quốc xã đang được đếm ngược. Khi quân Đồng minh tiến vào nước Đức ngày càng sâu, ngài Speer vốn thực tế là vị bộ trưởng duy nhất trong nội các dám nói thật với Hitler. Ông viết cho Quốc trưởng vào ngày 15/3/1945, “Chúng ta thua rồi. Nếu chúng ta thua, thì đất nước này cũng sẽ diệt vong.”

       Ngày 19/3 Hitler đưa ra một mệnh lệnh điên rồ: nước Đức phải bị phá hủy hoàn toàn. Phải cho nổ hoặc thiêu cháy mọi thứ - các nhà máy năng lượng, các công trình nước và khí đốt, đập nước và cửa cống, cảng và kênh rạch, các hệ thống công nghiệp và mạng lưới điện, tất cả số tàu thuyền và cầu, mọi chiếc tàu hỏa và các công trình liên lạc, mọi phương tiện giao thông và các cửa hàng đủ loại, thậm chí là cả đường cao tốc quốc gia.

        Speer đã khẩn khoản nài xin Hitler. Ông đã đánh liều xin rút lại chính sách này. Nếu Hitler hủy diệt thành công các công trình kiến trúc cùng với ngành công nghiệp và thương mại của Đức, ông ta sẽ phá hủy kha khá công trình của chính Speer xây dựng nên – những cây cầu, đường cao tốc rộng lớn, những tòa nhà cao tầng. Hơn bất kỳ ai khác, ông là người có trách nhiệm giúp các công cụ chiến tranh khủng khiếp của Hitler không bị hủy hoại toàn bộ. Nhưng ông còn có một mối bận tâm khác quan trọng hơn. Speer nói với Hitler rằng, dù chế độ có gặp phải chuyện gì, “chúng ta cũng phải làm mọi thứ có thể để duy trì một nền tảng cho đất nước này tồn tại, dù là theo một cách nguyên thủy đi chăng nữa… Chúng ta không có quyền phá hủy những thứ có thể ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của nhân dân…”

       Hitler không mảy may suy suyển. Ông ta đáp lại, “Không cần phải cân nhắc đến nền tảng của một sự tồn tại dù là nguyên thủy nhất nữa. Ngược lại, tốt hơn là phá hết đi, và phải tự tay phá nó. Quốc gia này đã cho thấy nó quá yếu đuối…” Bằng những lời đó, Hitler đã xóa sổ nhân dân Đức. Như ông ta đã giải thích với Speer thì, “những kẻ còn lại sau trận chiến đều là đồ thấp kém, vì những người tài thì đã hi sinh.”

      Speer thấy kinh hoàng. Những con người đã chiến đấu anh dũng vì lãnh tụ của mình có vẻ như giờ chẳng có ý nghĩa gì với Quốc trưởng. Nhiều năm nay, Speer đã nhắm một mắt mở một mắt trước sự tàn bạo trong các chiến dịch của Nazi, tin rằng bản thân ông không nằm trong số đó, ít nhất về mặt trí tuệ. Giờ, ông bắt đầu nhận ra điều mà ông đã từ chối đối mặt suốt mấy tháng nay. Như lời ông nói với tướng Alfred Jodl, “Hitler hoàn toàn điên rồi… phải ngăn ông ta lại.”
      Từ ngày 19-23/3, một chuỗi mệnh lệnh “tiêu thổ” tuôn ra từ sở chỉ huy của Hitler, gửi đến các tỉnh trưởng và các tư lệnh quân sự trên toàn nước Đức. Những ai chậm chạp làm theo thì bị đe dọa xử bắn. Speer lập tức hành động. Biết rõ mình đang đặt mạng sống vào vòng nguy hiểm, ông định ngăn chặn kế hoạch của Hitler, với sự hỗ trợ của một số ít bạn bè là các quan chức quân sự cấp cao. Speer gọi điện thoại cho các nhà tư bản công nghiệp, bay tới các đơn vị quân sự đồn trú, gặp gỡ các quan chức cấp tỉnh, đâu đâu ông cũng nhấn mạnh là kế hoạch của Hitler sẽ đặt dấu chấm hết vĩnh viễn cho nước Đức, dù người ông gặp có là những tay Nazi bảo thủ nhất.

       Cân nhắc đến mục đích nghiêm trọng của chiến dịch của ngài bộ trưởng, sự hiện diện của ông tại buổi hòa nhạc này có lẽ khá là ngớ ngẩn – nếu không phải vì điều sau: trong số những thứ mà Speer cố duy trì và bảo vệ, Dàn nhạc giao hưởng này thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu.

     Mấy tuần trước, tiến sĩ Gerhard von Westermann, giám đốc dàn nhạc, đã nói với nghệ sĩ violin Taschner, vốn là nghệ sĩ yêu thích của Speer, rằng hãy nhờ ngài bộ trưởng giúp bảo vệ dàn nhạc. Trên lý thuyết, các nghệ sĩ được miễn quân dịch. Nhưng mắt thấy trận chiến ở Berlin đang cận kề, tiến sĩ Von Westermann sợ là một ngày nào đó cả dàn nhạc sẽ được lệnh sung vào Lực lượng Phòng vệ Địa phương, Volkssturm.

       Mặc dù dàn nhạc do Bộ Tuyên truyền của Joseph Goebbels điều hành, nhưng tiến sĩ Von Westermann biết là không thể hi vọng gì vào sự giúp đỡ từ cơ quan đó.

     Ông nói với người nghệ sĩ violin, “Cháu phải giúp chúng ta. Goebbel đã bỏ quên chúng ta rồi… hãy tới chỗ Speer và nhờ ông ấy giúp… tất cả chúng ta cùng quỳ gối cầu xin cháu.”

      Taschner cự kỳ miễn cưỡng: hễ nói tới chuyện lẩn trốn hay bỏ chạy đều bị xem là phản quốc và có thể bị cách chức hay bỏ tù. Nhưng cuối cùng anh cũng đồng ý.

      Khi gặp Speer, Taschner do dự mở đầu. Anh nói:
      “Thưa ngài Bộ trưởng, tôi muốn nói với ngài về một vấn đề hơi nhạy cảm. Tôi hi vọng ngài sẽ không hiểu lầm… nhưng những ngày này, có một số chuyện hơi khó nói…”

       Nhìn anh với ánh mắt sắc bén, Speer nhanh chóng trấn tĩnh anh, được khích lệ, Taschner bèn kể cảnh ngộ của dàn nhạc. Ngài bộ trưởng chú tâm lắng nghe. Sau đó, Speer nói với Taschner rằng tiến sĩ Von Westermann không cần phải lo lắng. Ông đã nghĩ ra một kế hoạch có thể làm được nhiều hơn là giúp các nghệ sĩ không phải vào Volkssturm. Ông định bí mật di tản toàn bộ 105 người trong dàn nhạc vào những giây phút tận cùng.

      Giờ Speer đã thực hiện phần đầu trong kế hoạch. 105 người ngồi trên sân khấu của Phòng hòa nhạc Beethoven đang mặc comple đen công sở, thay vì veston lễ phục như thường lệ, nhưng trong số thính giả ngồi đây, chỉ có Speer là biết rõ lý do. Những bộ veston – cùng với những cây đàn piano, đàn harp, những cây kèn Tuba danh tiếng và các bản nhạc của dàn nhạc – đã được âm thầm chuyển đi khỏi thành phố bằng xe tải ba tuần trước. Số hàng hóa quý giá này được giấu ở Plassenburg, gần Kulmbach, cách Berlin 240 dặm về phía tây nam – ngay trên đường tiến quân của Mỹ.

       Phần thứ hai trong kế hoạch của Speer – cứu người – phức tạp hơn thế. Bất chấp các cuộc không kích dày đặc, cùng với việc quân xâm lược đang cận kề, Bộ Tuyên truyền vẫn không hề cắt giảm lịch biểu diễn của dàn nhạc. Các buổi hòa nhạc được lên lịch ba đến bốn lần một tuần, giữa các cuộc không kích, kéo dài đến hết tháng 4, khi mùa biểu diễn chính thức kết thúc.

      Muốn di tản các nghệ sĩ trước thời điểm đó là bất khả thi: Goebbels chắc chắc sẽ quy cho họ tội đào ngũ. Speer quyết định sẽ di tản dàn nhạc về phía Tây; ông tuyệt đối không định để họ rơi vào tay quân Nga. Nhưng kế hoạch của ông hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ hành quân của phe Đồng minh phương Tây: ông hi vọng quân Anh-Mỹ sẽ giành được Berlin trước mũi quân Nga.

       Speer không định chờ tới khi quân Đồng minh phương Tây vào được thành phố. Ngay khi quân Đồng minh còn cách thành phố một khoảng bằng một tuyến xe buýt chạy đêm, ông sẽ ra lệnh di tản. Mấu chốt của kế hoạch là tín hiệu di tản. Các nghệ sĩ sẽ phải rời đi cùng lúc, và vào lúc trời tối. Điều đó có nghĩa là cuộc bỏ trốn phải bắt đầu ngay sau buổi hòa nhạc. Vì lý do bảo mật, tín hiệu di tản cần được giữ kín càng lâu càng tốt. Speer đã đưa ra một cách tuyệt diệu để báo động cho các nghệ sĩ: vào phút chót, nhạc trưởng sẽ thông báo có thay đổi trong chương trình và dàn nhạc sẽ chơi một danh sách đặc biệt do chính Speer đã chọn. Đó sẽ là ám hiệu cho các nghệ sĩ; ngay sau buổi biễu diễn họ sẽ đi lên một đoàn xe buýt đang chờ bên ngoài Phòng hòa nhạc Beethoven trong bóng tối.

      Trong tay tiến sĩ Von Westermann là các bản nhạc mà Speer đã chọn làm ám hiệu. Khi chuyên gia văn hóa của Speer đưa các bản nhạc này đến chỗ ông, Von Westermann không giấu nổi ngạc nhiên. Ông hỏi viên trợ lý của Speer:
       “Tất nhiên là anh không lạ gì âm nhạc của những giờ phút cuối cùng. Anh biết đó, chúng khắc họa cái chết của các vị thần, sự hủy diệt điện Vallhalla và kết thúc của thế giới. Anh có chắc đây là cái ngài Bộ trưởng đã chọn không?”

       Không có lầm lẫn nào cả. Speer đã chọn bản Die Götterdämmerung ¬của Wagner – Hoàng hôn của các vị thần – dành cho buổi hòa nhạc cuối cùng của Dàn nhạc giao hưởng Berlin.

       Von Westermann không biết rằng, trong lựa chọn này có một gợi ý cho kế hoạch cuối cùng và cũng là kế hoạch tham vọng nhất của Speer. Ngài bộ trưởng với quyết tâm cứu được càng nhiều phần của nước Đức càng tốt, đã quyết định rẳng chỉ còn một con đường duy nhất. Suốt nhiều tuần nay, Albert Speer, con người theo chủ nghĩa hoàn hảo này đang cố tìm cách thích hợp để ám sát Hitler.

                                        * * * * * * * * *    
      Dọc theo mặt trận phía Đông, các đoàn quân đông đảo của Nga đang tập trung lại, nhưng còn lâu họ mới sẵn sàng mở màn cuộc tấn công vào Berlin. Các tư lệnh Liên Xô phát cáu vì trì hoãn. Sông Oder là một rào chắn kiên cố và băng tan mùa xuân lại khá chậm: mặt sông vẫn bị băng bao phủ một phần. Bên kia bờ là hàng phòng ngự của Đức – các boongke, bãi mìn, hào chống tăng và các khẩu pháo vùi lấp bên trong. Mỗi ngày trôi qua quân Đức lại mạnh thêm, và điều này khiến các tướng lĩnh Hồng quân lo lắng.

     Không ai tha thiết muốn bắt đầu hơn Thượng tướng Vasili Ivanovich Chuikov, 45 tuổi, tư lệnh của Tập đoàn quân Cận vệ 8 tài ba, rất nổi tiếng ở Liên Xô vì đã từng chỉ huy phòng thủ ở Stalingrad. Chuikov đổ lỗi việc trì hoãn cho phe Đồng minh phương Tây. Sau cuộc đột kích của Đức tại cao nguyên Ardennes vào tháng 12, quân Anh và Mỹ đã yêu cầu Stalin giải tỏa áp lực bằng cách đẩy nhanh tiến độ hành quân của Hồng quân từ phía Đông. Stalin đã đồng ý và mở cuộc tấn công vào Ba Lan sớm hơn dự định. Sau này Chukov nói ông tin là “nếu các đường dây liên lạc của chúng tôi ở hậu phương không quá dàn trải như thế, chúng tôi đã có thể hạ được Berlin từ tháng hai.”

      Nhưng quân Liên Xô vượt qua Ba Lan nhanh tới mức khi các đoàn quân tới được sông Oder thì họ nhận ra mình chạy nhanh hơn nguồn tiếp tế và đường dây liên lạc của mình. Cuộc tiến công buộc phải ngừng lại, theo Chuikov, vì “chúng tôi cần đạn được, nhiên liệu và cầu phao dể vượt sông Oder, dòng chảy nằm chắn trước Berlin.” Việc phải tái cơ cấu và chuẩn bị đã cho quân Đức thời gian gần hai tháng để tổ chức lực lượng phòng thủ. Chuikov cảm thấy thật cay đắng. Chờ đợi hàng ngày có nghĩa là đội Cận vệ của ông sẽ chịu nhiều thương vong hơn khi cuộc tấn công bắt đầu.

     Thượng tướng Mikhail Yefimovich Katukov, tư lệnh Tập đoàn quân Xe tăng Cận vệ 1, cũng phấn khích tương tự, mong chờ cuộc tấn công bắt đầu, nhưng ông lại thấy mừng trước sự trì hoãn này. Lính của ông cần nghỉ ngơi, còn các đội bảo trì thì cần thời gian để sửa chữa các chiếc xe thiết giáp.

     Ông nói với một vị tư lệnh sư đoàn của mình là tướng Đại tướng Getman, sau khi họ tới được sông Oder, “Tính theo đường chim bay, đội xe tăng đã đi được khoảng 570 km.” Rồi ông tiếp, “Nhưng Andreya Levrentevich à, công tơ met của họ cho thấy họ đã đi hơn 2.000 km. Nhưng con người thì không có công tơ met và ai mà biết được có những hao mòn và hư hại gì trong người mình chứ.”

      Getman đồng tình. Ông tin chắc quân Đức phải bị tiêu diệt và Berlin sẽ bị chiếm, nhưng ông cũng rất vui khi có cơ hội để tái tổ chức. Ông nói với Katukov, “Đồng chí Thượng tướng, điều cơ bản trong chiến tranh nói rằng hạ được các thành trấn không làm nên chiến thắng, mà là phải tiêu diệt kẻ thù. Năm 1812, Napoleon đã quên mất điều đó. Ông ta đã thua tại Moscow – mà Napoleon đâu phải tay lãnh đạo dạng vừa đâu.”

      Các Sở chỉ huy khác trên toàn mặt trận cũng có tình trạng giống thế. Dù mất kiên nhẫn vì trì hoãn, ai cũng hào hứng khi có dịp nghỉ ngơi, vì trận đánh dữ dội sắp tới không phải là ảo ảnh. Các nguyên soái Zhukov, Rokossovskii và Koniev đã nhận được những bản báo cáo rùng rợn về những thứ họ có thể sẽ phải đương đầu. Các ước tính tình báo của họ cho thấy có hơn một triệu lính Đức trong lực lượng phòng thủ và gần ba triệu dân có thể giúp Berlin chống địch. Nếu các báo cáo này là đúng. Hồng quân có thể bị áp đảo ba đánh một.

        Khi nào thì cuộc tấn công sẽ diễn ra? Các vị nguyên soái vẫn chưa biết. Cụm tập đoàn quân đông đảo của Zhukov đã được chọn để chiếm thành phố - nhưng điều này cũng có thể thay đổi. Cũng giống quân Anh-Mỹ bên mặt trận phía tây đang chờ từ “Xuất phát” từ Eisenhower, các tư lệnh Hồng quân cũng đang chờ lệnh từ Tư lệnh Tối cao của mình.

      Điều khiến các nguyên soái lo lắng hơn hết thảy là tiến độ của quân Anh-Mỹ từ sông Rhine. Mỗi ngày trôi qua, bọn họ đang tới gần sông Elbe hơn – và tới gần Berlin. Nếu Moscow không ra lệnh tấn công sớm, quân Anh và Mỹ có thể vào thành phố trước Hồng quân. Vậy mà Josef Stalin vẫn chưa nói ra câu “Xuất phát.” Có vẻ chính ông ta cũng đang chờ đợi.   
                                
                                          * * * * * * * * * * * * * * * * * *

IV-QUYẾT ĐỊNH
     1.
      Một đoàn xe tải chở đồ tiếp tế của quân đội nối đuôi nhau lăn bánh trên con đường chính nhỏ hẹp của thành phố nước Pháp, bụi mù mịt. Những chiếc xe gầm rú xếp thành một hàng dài vô tận, chạy về phía tây bắc trên hành trình chở hàng tới sông Rhine và Mặt trận phía Tây.

      Không chiếc nào được phép dừng lại; xung quanh chỗ nào cũng có quân cảnh đứng để đảm bảo dòng xe luân chuyển thông suốt. Đối với các tài xế, dù sao cũng chẳng có lý do gì để mà dừng lại cả. Đây chỉ là một thành phố buồn chán khác của Pháp, với tòa thánh đường quen thuộc, chỉ là một trạm kiểm soát khác trên đường cao tốc “Red Ball.” Họ không biết rằng vào thời điểm này của cuộc chiến, Reims có lẽ là thành phố quan trọng nhất châu Âu.

      Trong nhiều thế kỷ, các trận chiến liên tục nổ ra để giành giao lộ chiến lược ở miền đông bắc nước Pháp này. Tòa thánh đường xây kiểu Gothic tráng lệ nhô cao ở trung tâm thành phố đã phải chịu vô số trận thả bom, và được xây lại hết lần này tới lần khác. Mọi ông vua Pháp đều được trao vương miện tại đây, từ Clovis vào năm 496 đến vua Louis XVI năm 1774. Trong cuộc chiến này, thật may là thành phố và biểu tượng của nó đã được chừa ra. Giờ đây, tòa thánh đường với hai ngọn tháp đôi hùng vĩ đang phủ bóng xuống sở chỉ huy của một nhà lãnh đạo vĩ đại khác. Tên ông là Dwight D. Eisenhower.

      Bộ chỉ huy Tối cao Lực lượng Viễn chinh Đồng minh nằm trên một con đường nhỏ gần ga tàu hỏa, đặt tại một tòa nhà ba tầng đơn giản và hiện đại. Tòa nhà này là Collège Moderne et Technique, từng là một trường kỹ thuật dành cho nam sinh.

      Có dạng như chiếc hộp, bốn phía tòa nhà vây quanh một cái sân trong, ban đầu ngôi trường xây bằng gạch đỏ này được thiết kế cho hơn 1.500 học sinh theo học. Các thành viên trong ban tham mưu gọi nó là “ngôi trường bé nhỏ màu đỏ.” Có lẽ là vì đối với yêu cầu của SHAEF, nó  khá là nhỏ: bộ chỉ huy đã tăng gần gấp đôi quân số kể từ năm 1944 và giờ có gần 1.200 sĩ quan và khoảng 4.000 biên chế. Kết quả là ngôi trường chỉ có thể đáp ứng được ngài Tư lệnh Tối cao, các tướng lĩnh tham mưu trực thuộc ông và phòng ban của họ. Số còn lại làm việc trong các tòa nhà khác trong thành phố Reims.

      Trong phòng học ở tầng hai mà ông dùng làm văn phòng, ngài Đại tướng đã làm việc cả ngày không nghỉ. Căn phòng nhỏ và khá đạm bạc. Hai ô cửa sổ nhìn ra đường được phủ rèm đen. Có mấy chiếc ghế mềm đặt trên sàn nhà bằng gỗ sồi bóng loáng, thế là hết. Bàn làm việc của Eisenhower, đặt trong một góc phòng thụt vào ở cuối phòng, nằm trên một cái bục nhô cao hơn mặt sàn một chút – từng được giáo viên dùng làm bục giảng.

      Trên bàn có một bộ văn phòng phẩm bằng da màu xanh, một chiếc điện thoại nội bộ, mấy tấm ảnh lồng khung da của vợ con ông, và hai chiếc điện thoại màu đen – một chiếc sử dụng thường ngày, chiếc còn lại đặc biệt dùng để gọi đến Washington và London mà không bị nghe lén. Ngoài ra còn có vài gạt tàn thuốc, vì ngài Tư lệnh Tối cao nghiện thuốc lá một cây, một ngày ông hút hơn 60 điếu (*). Đằng sau bàn là cờ hiệu của ông và ở góc đối diện là quốc kỳ Mỹ.

      Chiều hôm qua, Eisenhower đã có một chuyến bay ngắn tới Paris để dự một buổi họp báo. Tin tức lớn chính là chiến thắng sông Rhine. Ngài Tư lệnh Tối cao thông báo rằng lực lượng phòng thủ chính của địch ở phía tây đã tan tác. Dù Eisenhower nói với các phóng viên là ông không muốn “xem như chiến tranh thế là xong, vì quân Đức sẽ đứng dậy và chiến đấu ở bất cứ nơi đâu có thể,” theo ông thì Đức là “một kẻ thù đang bị thương.” Trong buổi họp báo, có người nhắc tới Berlin. Một phóng viên hỏi ai sẽ tới được Berlin trước, “người Nga hay là chúng ta?” Eisenhower trả lời rằng ông nghĩ “nội phần lợi lộc không thôi cũng đủ để họ làm thế,” nhưng ông nhanh chóng nói thêm là ông “không muốn dự đoán điều gì”; dù quân Nga “có quãng đường chạy ngắn hơn” nhưng họ lại phải đối đầu với “cả đống quân Đức.”

      Eisenhower qua đêm ở khách sạn Raphael; rồi rời Paris khi bình minh vừa lên chưa bao lâu, ông bay về Reims. Lúc 7:45 sáng thì ông đã tới văn phòng và hội ý với Tham mưu trưởng của mình, Trung tướng Walter Bedell Smith. Tướng Smith ngồi đợi Eisenhower, với mấy bức điện mật mà chỉ có ngài Tư lệnh Tối cao mới có thể hồi âm nằm trong chiếc cặp hồ sơ bằng da màu xanh có khóa bên trên.

       Mấy bức điện được đóng dấu tối mật: “Chỉ để Eisenhower xem.” Trong số đó có lời nhắn từ Montgomery, mong được cho phép tiến tới sông Elbe và Berlin. Nhưng bức điện quan trọng nhất là từ cấp trên của Eisenhower, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ, Đại tướng George C. Marshall. Thật trùng hợp là cả hai bức điện của Marshall và Montgomery cùng đến chỗ SHAEF  vào tối hôm qua, cách nhau có hai tiếng đồng hồ - và cả hai đều có ảnh hưởng lớn đến Eisenhower. Vào thứ tư tuần này, ngày 28/3, hai bức điện này sẽ là chất xúc tác cho quyết định cuối cùng của ngài Tư lệnh Tối cao về chiến lược mà ông sẽ áp dụng cho tới khi chiến tranh kết thúc.

      Mấy tháng trước, Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ đã thông báo nhiệm vụ của Eisenhower trong vai trò Tư lệnh Tối cao chỉ bằng một câu: “Anh sẽ đặt chân lên châu Âu lục địa và liên kết với các quốc gia khác trong Hội Quốc Liên (Tiền thân của Liên hợp quốc), thực thi các chiến dịch nhắm vào trung tâm nước Đức và tiêu diệt các lực lượng vũ trang của nó.” Ông đã làm rất tốt chỉ thị này.

       Nhờ vào nhân cách, năng lực lãnh đạo và tài ứng biến của mình, ông đã gắn kết binh lính của hơn 12 quốc gia thành lực lượng mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Ít ai có thể làm được như vậy đồng thời hạn chế sự thù địch giữa các quốc gia xuống mức thấp nhất.

      Eisenhower, 55 tuổi, không phù hợp với khái niệm cổ điển của châu Âu về nhà lãnh đạo quân sự. Không giống như các tướng lĩnh người Anh, ông không được đào tạo rằng xem các mục tiêu chính trị là một phần của chiến lược quân sự. Dù có bằng thạc sĩ khoa học chính trị về thỏa hiệp và xoa dịu, nhưng về mặt chính trị, Eisenhower lại không hề biết gì về giao thiệp quốc tế - và ông tự hào về chuyện đó. Theo truyền thống quân sự của Mỹ, ông được dạy rằng không bao giờ chiếm đoạt uy quyền tối thượng của nhân dân. Tóm lại, ông hài lòng với việc chiến đấu và giành thắng lợi; chuyện chính trị thì để cho các chính khách.

      Thậm chí vào lúc này, tại thời điểm mấu chốt của cuộc chiến, các mục tiêu của Eisenhower vẫn luôn như vậy, chỉ đơn thuần mang tính quân sự. Ông chưa từng đưa ra một chỉ thị chính trị nào về nước Đức sau chiến tranh, ông cũng không coi đó là trách nhiệm của mình. Sau này ông nói, “Việc của tôi là chóng kết thúc chiến tranh… tiêu diệt quân đội Đức càng nhanh càng tốt.”
.......................
  (*): Năm 1948, vì nhịp tim tăng cao đột ngột, các bác sĩ đã bảo ông bỏ thuốc. Từ đó Eisenhower không bao giờ hút thuốc nữa.
 
      Eisenhower có đủ lý do để phấn khởi trước tình hình diễn biến: các đoàn quân của ông đã vượt qua sông Rhine và tràn vào vùng trung tâm nước Đức chỉ trong 21 ngày, nhanh hơn lịch trình dự kiến. Từng bước tiến quân của họ đều là tiêu đề cho các bài báo, được thế giới Tự do hào hứng dõi theo, giờ lại khiến vị Tư lệnh Tối cao phải đưa ra một loạt quyết định chỉ huy phức tạp.

     Tiến độ tấn công nhanh bất ngờ của quân Anh-Mỹ làm cho một số bước chiến lược lập ra từ mấy tháng trước trở nên lạc hậu. Eisenhower phải điều chỉnh kế hoạch của mình để thích ứng với tình hình mới. Điều này có nghĩa là phải thay đổi và định nghĩa lại vai trì của một số tập đoàn quân và tư lệnh của chúng – đặc biệt là Thống chế Montgomery và Cụm tập đoàn quân 21 hùng mạnh của ông.

      Bức điện mới nhất của Montgomery là một lời thúc giục hành động. Vị Thống chế 58 tuổi không hề hỏi phải đánh trận này thế nào; ông chỉ đòi quyền dẫn đầu cuộc tấn công. Trước khi phần lớn tư lệnh kịp nhận ra các ngụ ý chính trị của một tình huống quân sự, Montgomery đã thấy quân Đồng minh nhất thiết phải chiếm được Berlin – và ông tin là việc này nên do Cụm tập đoàn quân 21 thực hiện.

     Bức điện của ông được trình bày đúng như tính cứng đầu cứng cổ của Montgomery, cho thấy rõ là vẫn còn có những khác biệt quan trọng giữa ý kiến của ông và của Tư lệnh Tối cao. Theo tướng Smith và những người khác nhớ lại, phản ứng của Eisenhower trước bức điện của ngài nguyên soái “giống như một con ngựa có cái dằm dưới yên.”

     Khác biệt mấu chốt về lý thuyết quân sự giữa Montgomery và Eisenhower nằm liên quan tới cuộc tấn công đơn lẻ so với chiến lược diện rộng. Suốt nhiều tháng nay, Montgomery và thượng cấp của ông, Tham mưu trưởng Ban tham mưu Hoàng gia, Nguyên soái Sir Alan Brooke, rất kích động muốn thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng vào trung tâm nước Đức. Gần như ngay sau khi Paris sụp đổ, trong khi quân Đức vẫn còn lộn xộn và tháo chạy khỏi Pháp thì Montgomery đã trình kế hoạch của mình lên Eisenhower. Ông viết, “Giờ ta đã đạt đến giai đoạn mà chỉ cần một cuộc tấn công thực sự mạnh vào Berlin là đủ để chấm dứt cuộc chiến với Đức.”

      Montgomery trình bày kế hoạch của mình trong chín đoạn văn ngắn ngủn. Ông lấy lý do là quân Anh-Mỹ thiếu đồ tiếp tế và đội bảo trì để không chia quân thành hai hướng tấn công song song vào Đức. Theo quan điểm của ông, chỉ cần một mũi tấn công – là đội quân của ông – và nó sẽ cần “mọi nguồn lực bảo trì… không hạn chế.” Các chiến dịch khác sẽ phải phù hợp với nguồn hỗ trợ hậu cần còn lại. Montgomery cảnh báo,  “nếu chúng ta cố tìm giải pháp thỏa hiệp và chia cắt lực lượng bảo trì của mình khiến cho không mũi tấn công nào thực sự mạnh, thì chỉ tổ kéo dài cuộc chiến mà thôi.”Thời gian là “yếu tố quan trọng sống còn… nên cần có quyết định ngay.”

      Kế hoạch này khá là giàu trí tưởng tượng, và từ quan điểm của Montgomery, được tính toán thời gian chuẩn xác. Nó cũng đánh dấu một điểm trái ngược lạ kỳ với cách tiếp cận trận đánh thông thường của ngài nguyên soái. Sau này, Trung tướng Sir Frederick Morgan, giờ là Trợ lý Tham mưu trưởng của Eisenhower kể lại: “Nói ngắn gọn thì, Montgomery xưa nay nổi tiếng thận trọng, lại có ý tưởng là nếu được ưu tiên hơn các cụm tập đoàn quân của Mỹ, ông ta có thể vượt qua quân địch, tiến đánh Berlin và nhanh chóng kết thúc chiến tranh bằng trình tự ngắn nhất.”

      Rõ ràng kế hoạch này là một canh bạc lớn. Đưa hai cụm tập đoàn quân lớn có hơn 40 sư đoàn vào nước Đức từ phía đông bắc trong một cuộc tấn công ồ ạt duy nhất có thể đem lại chiến thắng quyết định và nhanh chóng – nhưng nó cũng có thể dẫn tới một thảm họa toàn diện và có lẽ không thể xoay chuyển được. Đối với ngài Tư lệnh Tối cao, các rủi ro đó vượt xa bất kỳ cơ hội thành công nào, và ông đã nói rõ trong một thông điệp lịch thiệp gửi đến Montgomery. Eisenhower nói, “Tôi đồng ý với anh về quan điểm mở một cuộc tấn công hoành tráng vào Berlin, nhưng tôi không cho là nó nên được khởi xướng vào lúc này.”

       Ông thấy rằng trước tiên cần mở các cảng Le Havre và Antwerp “để chống đỡ được một cuộc tấn công quy mô lớn vào sâu bên trong nước Đức.” Hơn nữa, Eisenhower còn nói, “không cần tái phân phối các nguồn lực hiện có của chúng ta cũng đã đủ để thực hiện một cuộc tấn công vào Berlin rồi.” Chiến lược của ngài Tư lệnh Tối cao là tiến vào Đức trên diện rộng, vượt sông Rhine rồi chiếm thung lũng sông Ruhr, nơi có vùng công nghiệp phát triển, trước khi tấn công thủ đô.

      Cuộc trao đổi đó đã diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 9/1944. Một tuần sau, trong một thông điệp gửi đến các vị tư lệnh của ba cụm tập đoàn quân là Montgomery, Bradley và Devers, Eisenhower nói cụ thể hơn về kế hoạch của mình: “Rõ ràng Berlin là mục tiêu chính và nó được quân địch tập trung lực lượng để bảo vệ. Tôi không nghi ngờ gì là chúng ta cần tập trung mọi sức lực vào một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Berlin. Tuy nhiên, chiến lược của chúng ta sẽ phải phối hợp với quân Nga, nên chúng ta cũng phải cân nhắc đến các mục tiêu thay thế.”

      Các mục tiêu khả dĩ, theo như Eisenhower thấy thế, khá đa dạng: các cảng miền bắc nước Đức (“có thể chiếm đóng chúng để bảo vệ bên cánh của cuộc tấn công vào Berlin”); các trung tâm công nghiệp và liên lạc quan trọng ở Hanover, Brunswick, Leipzig và Dresden (“có lẽ quân Đức sẽ trấn giữ ở đây vì chúng che chắn cho Berlin”); và cuối cùng là vùng Nuremberg-Munich ở miền nam, cũng cần phải chiếm (“để cắt đường lui của địch tới Italy và bán đảo Balkan”). Do đó, ngài Tư lệnh Tối cao cảnh báo, “Chúng ta phải chuẩn bị cho một hoặc một số trường hợp sau:

       “A. Chỉ đạo lực lượng của các cụm tập đoàn quân phía bắc và trung tâm tiến về Berlin theo trục Ruhr-Hanover-Berlin hoặc Frankfurt-Leipzig-Berlin hoặc cả hai.

       “B. Nếu Nga tới Berlin trước chúng ta, cụm tập đoàn quân phía bắc sẽ chiếm vùng Hanover, còn quân ở Hamburg của Cụm tập đoàn quân Trung tâm… sẽ chiếm một phần hoặc toàn bộ vùng Leipzig-Dresden tùy vào tình hình tiến quân của Nga.

      “C. Trong bất kỳ trường hợp nào, cụm tập đoàn quân phía nam cũng sẽ chiếm Augsburg-Munich. Vùng Nuremberg-Regensburg sẽ do cụm tập đoàn quân trung tâm hoặc phía nam chiếm… tùy theo tình hình lúc đó.”

       Eisenhower tóm tắt chiến lược của mình bằng mấy lời sau: “Nói đơn giản thì, tôi muốn tiến về Berlin bằng tuyến đường nhanh nhất, trực tiếp nhất, các lực lượng khác sẽ hỗ trợ cho liên quân Anh-Mỹ, đi qua các trung tâm chủ chốt và chiếm các vùng hai bên cánh, trong một chiến dịch có sự phối hợp với nhau.” Ông còn nói thêm, nhưng phải chờ đợi cái đã, vì “vào giai đoạn này thì không thể nói trước được thời gian hay quân lực của các cuộc tiến công trên.”
   
       Dù chiến lược tấn công trên diện rộng có đúng hay sai, Eisenhower cũng là Tư lệnh Tối cao và Montgomery phải chấp hành mệnh lệnh của ông. Nhưng Montgomery cực kỳ thất vọng. Với người Anh, ông ta là quân nhân danh tiếng nhất kể từ trận Wellington; còn đối với lính của mình, Monty là một huyền thoại trong thời của ông.

      Rất nhiều người Anh coi ông là vị tư lệnh chiến trường giàu kinh nghiệm nhất tại châu Âu (ông cũng biết rõ điều này), và việc kế hoạch mà ông tin là có thể kết thúc chiến tranh trong vòng ba tháng bị bác bỏ đã khiến Montgomery buồn phiền sâu sắc (*). Cuộc tranh cãi về chiến lược vào mùa thu năm 1944 đã mở ra sự rạn nứt không bao giờ hàn gắn được hoàn toàn giữa hai vị tư lệnh.

       Trong bảy tháng sau đó, Eisenhower không hề thay đổi ý định về một cuộc tấn công trên diện rộng. Montgomery cũng không ngừng bày tỏ ý kiến rằng nên thắng cuộc chiến này bằng cách nào, tại đâu và bởi lực lượng nào.

      Sau này, Tham mưu trưởng của ông là Thiếu tướng Sir Francis de Guingand viết rằng, “Montgomery… cảm thấy dù có dẫn tới hậu quả gì cũng đáng, miễn là quan điểm của ông thắng thế: thực sự thì, kết thúc chiến tranh xứng đáng với bất kỳ giá nào.” Một trong những hậu quả mà Montgomery đem lại khá là lớn: Tham mưu trưởng Ban tham mưu Hoàng gia, Thống chế Brooke, thấy Eisen-hower là người mập mờ và thiếu quyết đoán. Ông từng tóm lược rằng ngài Tư lệnh Tối cao là một người “có nhân cách thu hút, nhưng đồng thời lại có đầu óc rất, rất hạn chế về quan điểm chiến lược.”

       Eisenhower biết rõ là Cục Chiến tranh và sở chỉ huy của Montgomery đã phát ra nhiều lời bình luận cay đắng. Nhưng dù vụ xầm xì về chính sách chiến lược của ông có làm ông tổn thương, thì Eisenhower cũng không để lộ điều đó. Và ông chẳng bao giờ trả đũa.

       Ngay cả khi Brooke và Montgomery biện hộ cho việc chỉ định một vị “Tư lệnh các lực lượng trên bộ” – một Thống chế nằm kẹp giữa Eisenhower và các Cụm tập đoàn quân của ông – thì vị Tư lệnh Tối cao này cũng không hề nổi giận. Cuối cùng, sau nhiều tháng “ngồi yên không hé răng” – theo cách nói của Đại tướng Omar Bradley – thì Eisenhower cũng nổi điên. Mọi chuyện bùng nổ sau khi quân Đức tấn công qua cao nguyên Ardennes.

      Vì mũi tiến công của địch đã chia cắt mặt trận của quân Anh-Mỹ, Eisenhower buộc phải dồn toàn bộ quân vào đầu phía bắc do Montgomery chỉ huy. Các cánh quân này gồm hai phần ba Cụm Tập đoàn quân 12 của Đại tướng Bradley – là Tập đoàn quân Hoa Kỳ 1 và 9.

       Sau khi đẩy lui được quân Đức, Montgomery đã mở một cuộc họp báo đặc biệt, trong đó nhấn mạnh rằng gần như một tay ông đã giải cứu quân Mỹ khỏi thảm họa. Ngài Thống chế tuyên bố ông đã dọn dẹp sạch sẽ chiến trường, và đã “ngăn chặn… đuổi cổ… và tiêu diệt” quân địch. “Trận chiến khá thú vị. Tôi nghĩ nó có thể là một trong những trận khó khăn nhất… mà tôi từng đánh.” Montgomery nói ông đã “dùng mọi lực lượng khả dĩ của các cụm tập đoàn quân của Anh… do đó, mọi người có thể hình dung ra cảnh các cánh quân Anh chiến đấu hai bên quân Mỹ, vốn vừa chịu một cú đòn nặng.”

       Thực sự thì Montgomery đã chỉ huy cuộc phản công chính từ hướng bắc và hướng đông một cách oai hùng. Nhưng tại buổi họp báo của ngài Thống chế, nói như Eisenhower là “không may là ông ta đã tạo nên cái ấn tượng rằng mình là vị cứu tinh của quân Mỹ.” Mont-gomery đã ỉm đi vai trò của tướng Bradley, Patton và các tư lệnh khác của Mỹ, hay trong trận đánh, cứ mỗi lính Anh chiến đấu thì lại có ba mươi đến bốn mươi lính Mỹ tham gia. Quan trọng hơn hết, ông cũng lờ tịt rằng mỗi thương vong của lính Anh tương ứng với bốn mươi đến sáu mươi lính Mỹ ngã xuống (**).

      Cơ quan tuyên truyền của Đức nhanh chóng khiến mọi chuyện tồi tệ hơn. Đài phát thanh của địch thổi phồng và bóp méo buổi họp báo, rồi phát thẳng về mặt trận quân Mỹ; nhờ đó mà nhiều người Mỹ được nghe vụ này lần đầu.

      Ngay sau buổi họp báo và vụ lùm xùm mà nó gây nên, cuộc tranh cãi ngày trước về một vị tư lệnh các lực lượng trên bộ lại dấy lên, lần này do báo giới Anh tích cực phát động chiến dịch ủng hộ. Tướng Bradley nổi điên. Ông tuyên bố mình sẽ từ chức nếu ngài Thống chế được bổ nhiệm làm Tư lệnh các lực lượng trên bộ. Ông nói với Eisenhower “Sau những gì đã xảy ra, nếu Montgomery được giao trọng trách đó… anh cứ đuổi tôi về nhà cho xong… tôi không thể chịu nổi chuyện này.” Tướng Patton nói với tướng Bradley: “Tôi cũng sẽ đi với anh.”

      Đây là vết rạn nứt chưa từng có trong nội bộ quân Anh-Mỹ. Khi chiến dịch “tuyên truyền cho Montgomery” làm nó trầm trọng thêm – một chiến dịch mà một số người Mỹ cho là bắt nguồn trực tiếp từ Sở chỉ huy của Montgomery – thì cuối cùng vị Tư lệnh Tối cao cũng thấy tình hình đã đến mức không thể chịu đựng nổi nữa. Ông quyết định kết thúc cuộc cãi nhau một lần cho xong: ông sẽ cách chức Montgomery bằng cách đưa toàn bộ vấn đề ra trước Hội đồng tham mưu trưởng Anh-Mỹ.

      Vào lúc đó, Tham mưu trưởng của Montgomery là Đại tướng De Guingand biết chuyện tai họa đang treo lơ lửng trên đầu và vội vàng tìm cách cứu vãn tình đoàn kết Anh-Mỹ. Ông bay đến SHAEF và gặp Tư lệnh Tối cao. Sau này, De Guingand nhớ lại, “Ông ấy đưa tôi xem bức điện ông ấy định gửi cho Washington. Tôi xem mà choáng.” Với sự hỗ trợ của Đại tướng Bedell Smith, ông đã thuyết phục Eisenhower hoãn bức điện thêm 24 tiếng đồng hồ. Eisen-hower đồng ý cực kỳ miễn cưỡng.

      Quay lại sở chỉ huy của Montgomery, De Guingand nói thẳng mọi chuyện với ngài Thống chế. De Guingand nói, “Tôi bảo Monty là tôi đã đọc bức điện của Ike, nó viết rằng ‘Hoặc tôi hoặc Monty.’” Montgomery bị sốc.

      Tướng De Guingand chưa bao giờ thấy ông “cô đơn và xuống tinh thần đến thế.” Ông nhìn vị Tham mưu trưởng của mình và lặng lẽ nói, “Freddie, anh nghĩ tôi nên làm gì đây?” De Guingand đã soạn sẵn một bức điện. Dựa vào đó, Montgomery gửi cho Eisenhower một thông điệp đậm chất quân nhân, trong đó nói rõ là ông không hề có ý bất tuân. Ông nói, “Dù quyết định của ngài là gì, ngài cũng có thể tin ở tôi một trăm phần trăm. Cuối bức điện ký là “Người thuộc cấp tận tụy của ngài, Monty.” (***)
..................................... 
      (*): Niềm kiêu hãnh của ông được phục hồi phần nào không lâu sau việc này, khi người Anh cho thấy họ rất tin tưởng Montgomery và các chính sách của ông bằng cách chỉ định ông làm Thống chế Lục quân. Đối với con người từng lật ngược thế cờ cho quân Anh tại sa mạc và đánh đuổi Rommel ra khỏi Bắc Phi thì vinh dự này đến quá chậm.

       (**): Số liệu do Winston Churchill cung cấp vào ngày 18/1/1945, trong một buổi diễn thuyết trước Viện Thứ dân. Sợ tình hữu nghị giữa hai bên sụp đổ, ông đã thông báo rằng “quân Mỹ đã đảm đương phần lớn cuộc chiến” ở cao nguyên Ardennes, gánh chịu tổn thất “tương đương với cả hai bên của trận Gettysburg cộng lại.” Sau đó, có thể xem như một cú tát thẳng vào mặt Montgomery và những người ủng hộ ông, Churchill cảnh báo quân Anh không được “để bản thân bị bọn người gây bất hòa lợi dụng.”

        (***): Vào năm 1963, Montgomery nói với tác giả “Đáng lẽ tôi không nên tổ chức buổi họp báo đó. Lúc đó, người Mỹ có vẻ quá nhạy cảm và nhiều tướng lĩnh Mỹ không ưa tôi, đến mức tôi nói gì cũng bị coi là sai.” Sau này Eisenhower nói, “Montgomery tin rằng việc chỉ định một tư lệnh chiến trường là vấn đề cốt yếu. Ông ta thậm chí còn đề nghị sẽ phục vụ dưới quyền tướng Bradley nếu tôi chịu chấp thuận.”
    
       Chuyện này kết thúc ở đó – ít nhất thì tạm thời là thế. Nhưng giờ đây, ở sở chỉ huy ở Reims, vào ngày quyết định, ngày 28/3/1945, Eisenhower lại nghe điệp khúc cũ vang lên rõ mồn một: không phải việc ủng hộ chỉ định tư lệnh các lực lượng trên bộ nữa, mà là một vấn đề cũ hơn, căn bản hơn – dùng một mũi tiến công hay dàn trải mặt trận trên diện rộng. Không hề hỏi ý Eisenhower, Montgomery đã “ra lệnh cho các tư lệnh hành quân về hướng Đông”, theo lời Montgomery, và tính mở một cuộc tấn công mạnh mẽ về hướng sông Elbe và Berlin, rõ ràng là định tiến vào thủ đô trong vinh quang.

      Thực sự thì khi tiến hành cuộc tiến công chủ lực vào phía bắc vùng Rhur, Montgomery đã làm đúng theo chiến lược được chấp thuận trước đó – kế hoạch của Eisenhower, được Hội đồng Tham mưu trưởng ở Malta chấp thuận hồi tháng giêng. Những gì Montgomery đang làm đơn giản là mở rộng cuộc tiến công đó một cách hợp lý – một bước đi giúp ông tới được Berlin. Dù hành động có hơi vội vàng, sự phấn khích của ông cũng là dễ hiểu. Cũng giống Winston Churchill và Thống chế Brooke, Montgomery tin là thời gian sắp hết, rằng cuộc chiến sẽ thất bại về mặt chính trị nếu như quân Anh-Mỹ tới Berlin sau quân Nga.

       Mặt khác, ngài Tư lệnh Tối cao lại không hề nhận được chỉ thị gì từ cấp trên của ông ở Washington về cảm giác cấp bách của người Anh. Và dù ông là Tư lệnh Lực lượng Đồng minh, Eisenhower vẫn phải nhận lệnh từ Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ. Khi không có giải thích gì về chính sách từ Washington, mục tiêu của ông vẫn như cũ: đánh bại Đức và tiêu diệt các lực lực vũ trang của nó. Và giờ ông thấy cách nhanh nhất để đạt được mục tiêu quân sự này là thay đổi triệt để kế hoạch mà ông đã trình bày trước Hội đồng Tham mưu trưởng hồi tháng giêng.

       Ban đầu, theo kế hoạch của Eisenhower, Cụm Tập đoàn quân 12 của Đại tướng Bradley ở trung tâm sẽ có vai trò khá hạn chế, hỗ trợ cánh quân chính của Mont-gomery ở miền bắc. Nhưng ai mà biết trước được các tập đoàn quân của tướng Bradley lại thành công rực rỡ kể từ đầu tháng ba? Năng lực lãnh đạo tài tình và vận may đã dẫn đến những kết quả chói lọi đó.

      Thậm chí từ trước cuộc tấn công mạnh mẽ của Montgomery vào sông Rhine, Tập đoàn quân 1 Hoa Kỳ đã chiếm được cầu Remagen và nhanh chóng vượt sông. Xa hơn về phía nam, Tập đoàn quân 3 của tướng Patton vượt sông Rhine gần như không có trở ngại gì. Kể từ đó, quân của tướng Bradley tiến như vũ bão, giành hết chiến thắng này đến chiến thắng khác. Thành quả của họ đã thổi bùng lên trí tưởng tượng của công chúng Mỹ, và giờ tướng Bradley đang tìm một vai trò lớn hơn trong chiến dịch cuối cùng. Về mặt này, Bradley và các tướng lĩnh của ông cũng không khác Montgomery là mấy: họ cũng muốn có uy danh và vinh quang được kết thúc chiến tranh – và nếu có cơ hội thì chiếm Berlin.

       Ngay lúc này, Eisenhower đã hứa sẽ phát động một cuộc tiến công lớn về phía Đông, nhưng ông vẫn chưa xác định cánh quân nào – hay là những cánh quân nào – sẽ đảm nhiệm cuộc tiến công cuối cùng. Giờ, trước khi ra quyết định, Eisenhower phải cân nhắc đến nhiều yếu tố, tất cả đều có ảnh hưởng đến kế hoạch tấn công cuối cùng của ông.

       Đầu tiên là tốc độ tiến quân nhanh không ngờ của quân Nga về hướng sông Oder. Vào lúc ngài Tư lệnh Tối cao lập kế hoạch cho cuộc tấn công sông Rhine và cuộc tấn công của Montgomery vào phía bắc vùng Ruhr, có vẻ như quân Nga sẽ phải mất nhiều tháng liền mới có thể vượt qua được khoảng cách xa xôi dẫn tới Berlin.

       Nhưng giờ Hồng quân chỉ cách thành phố không đầy 38 dặm – trong khi quân Anh-Mỹ vẫn còn cách hơn 200 dặm nữa. Chừng nào thì quân Nga sẽ phát động tấn công? Bọn họ định sắp đặt tấn công ở đâu và như thế nào – Phương diện quân của Zhukov ở trung tâm, đối diện Berlin, hay là cả ba Phương diện quân đồng loạt tấn công? Ước tính của quân Nga về sức mạnh của quân Đức kháng cự là bao nhiêu, và Hồng quân sẽ mất bao lâu để vượt qua hàng phòng ngự đó? Và sau khi vượt sông Oder, quân Liên Xô sẽ mất bao lâu mới tới được Berlin rồi chiếm lấy nó? Vị Tư lệnh Tối cao không thể trả lời được những câu hỏi này, mà tất cả đều cực kỳ quan trọng trong kế hoạch của ông.

       Sự thật đơn giản là Eisenhower hầu như chẳng biết tí gì về ý định của Hồng quân. Không hề có sự phối hợp quân sự hàng ngày giữa các tư lệnh Anh-Mỹ và Liên Xô ngoài chiến trường. Đến cả một đường liên lạc vô tuyến trực tiếp giữa SHAEF và phái bộ liên lạc quân sự Anh-Mỹ tại Moscow cũng không có. Mọi liên lạc giữa hai mặt trận đều trao đổi thông qua các kênh ngoại giao thông thường – một phương pháp hoàn toàn không phù hợp vào lúc này, tình hình diễn biến quá nhanh. Dù Eisenhower biết được sức mạnh ước chừng của quân Nga, ông không biết thứ tự chiến đấu của họ.

       Ngoài các dữ liệu thỉnh thoảng có được từ nhiều nguồn tin tình báo khác nhau – phần lớn có độ chính xác không cao (*) - nguồn tin chính của SHAEF về các bước tiến của quân Nga đến từ các thông cáo của Liên Xô do đài BBC phát sóng mỗi tối.

     Tuy nhiên, có một điều hiển hiện rõ ràng: Hồng quân sắp tới được Berlin. Quân Nga đã tới gần như vậy rồi, liệu ngài Tư lệnh Tối cao có nên cố giành thành phố nữa không?

      Vấn đề này có rất nhiều phương diện. Quân Nga đã dừng ở sông Oder hơn hai tháng, và trừ một vài bước tiến cục bộ cùng các hoạt động tuần tra thì có vẻ như họ đã hoàn toàn ngừng lại. Các kênh tiếp tế và liên lạc của họ hẳn đang bị kéo căng hết mức, và có lẽ họ sẽ không thể tấn công cho tới chừng nào băng tan vào mùa xuân. Trong khi đó, các cánh quân phương Tây lại di chuyển với tốc độ kinh hoàng, đang tiến ngày càng sâu vào trong lòng nước Đức. Trung bình có lúc họ tiến được hơn 35 dặm một ngày. Ngài Tư lệnh Tối cao không định bỏ cuộc, dù kế hoạch của quân Nga có là gì đi nữa. Nhưng ông hơi do dự khi bước vào cuộc đua giành Berlin với Nga. Đó có thể không chỉ là sự bẽ mặt của bên thua cuộc mà còn là tai họa cho cả hai bên, nếu các đoàn quân đang lao tới bất ngờ đụng độ.

       Trước đó quân Nga từng có một cuộc xung đột kinh khủng, khi Nga vẫn còn là đồng minh trên hiệp ước với Đức. Năm 1939, sau cuộc tấn công chớp nhoáng không báo trước của Hitler vào Ba Lan, để rồi sau đó Đức và Nga chia đôi đất nước này, quân Đức tiến về phía đông đã đụng độ Hồng quân đang tiến về phía Tây: đường phân ranh giới vẫn chưa được thiết lập. Kết quả dẫn tới một trận chiến nhỏ, và cả hai bên đều chịu thương vong nặng nề. Giờ một cuộc xung đột tương tự có thể xảy ra, nhưng là giữa quân Anh-Mỹ với quân Nga – và ở quy mô lớn hơn thế nhiều. Đó quả là một cơn ác mộng. Các cuộc chiến đã dần bắt đầu. Rõ ràng cần phối hợp từng bước với Nga, và phải nhanh lên mới được.
...................................
      (*): Ví dụ như, vào ngày 11/3, tình báo của SHAEF báo rằng các mũi nhọn của Zhukov đã tới được Seelow, phía tây sông Oder và chỉ còn cách Berlin có 28 dặm. Khi tác giả phỏng vấn các quan chức quốc phòng của Liên Xô tại Moscow năm 1963, ông mới biết được là tới tận ngày 17/4 Zhukov mới tới được Seelow, trung tâm hệ thống phòng ngự của Đức tại sông Oder.
       Hơn nữa, có một vấn đề chiến thuật cứ luẩn quẩn trong đầu Eisenhower như một đám mây dông. Trong căn phòng bản đồ lớn gần văn phòng ông, có một tấm bản đồ tình báo được vẽ cẩn thận, mang cái tên huyền thoại “Pháo đài quốc gia.” Trên đó là một vùng núi nằm phía nam Munich và trải dài trên vùng núi xứ Bavaria, phía tây nước Áo và phía bắc Italy. Về tổng thể, nó có diện tích khoảng 20.000 dặm vuông. Trung tâm nơi đó là Berchtesgaden. Ở vùng Obersalzberg gần đó – bao quanh bởi các ngọn núi cao từ 2.100 đến 2.700 m, mỗi ngọn đều có những khẩu súng phòng không đã ngụy trang nằm rải rác – là chỗ trú ẩn trên đỉnh núi của Hitler, “Eagle’s Nest.”

       Các chấm đỏ phủ kín bề mặt bản đồ, mỗi cái là một ký hiệu quân sự biểu thị một dạng bố phòng nào đó. Có các kho quân sự tạm thời chứa hóa chất, xăng dầu, đạn dược và lương thực; các trạm năng lượng và vô tuyến; các điểm tập trung quân, trại lính và sở chỉ huy; các đường cứ điểm hình zigzag, từ những công sự bê tông ngầm cho tới các boongke bê tông to lớn; thậm chí có cả các nhà máy ngầm chống bom.

       Giờ cứ mỗi ngày qua lại có thêm nhiều ký hiệu trên tấm bản đồ, và dù tất cả số đó đều có nhãn “chưa xác định,” đối với SHAEF, hệ thống phòng thủ kiên cố ở vùng núi này là mối đe dọa lớn nhất còn lại trong cuộc chiến tại châu Âu. Khu vực này có khi được gọi là Alpenfestung, Pháo đài Alpine hay “Pháo đài quốc gia.”

       Theo tình báo, trong thành lũy hiểm trở này, bọn Nazi, với Hitler là đầu lĩnh, định chiến đấu tới cùng. Thành trì vững chãi này được coi là gần như bất khả xâm phạm và lực lượng cố thủ cuồng tín bên trong có thể cầm cự được chừng hai năm. Có một khía cạnh khác thậm chí còn đáng sợ hơn; là các lực lượng kiểu đặc công được huấn luyện đặc biệt – Goebbels gọi bọn họ là “Người sói” – có thể xông ra từ pháo đài trên núi và gây nguy hiểm cho các đội quân chiếm đóng.

      Liệu Alpenfestung có tồn tại thật không? Có vẻ như giới chức quân sự ở Washington nghĩ vậy. Thông tin được tích lũy từ hồi tháng 9. Năm 1944, trong một bài nghiên cứu chung về miền nam nước Đức, Ban Chiến lược (OSS) đã dự đoán rằng khi chiến tranh gần đi vào hồi kết, quân Nazi có thể sẽ di tản các cơ quan chính phủ nhất định về Bavaria. Từ đó, các báo cáo và đánh giá tình báo liên tục đổ về, từ chiến trường, từ các nước trung lập, thậm chí từ các nguồn tin nằm trong nước Đức. Phần lớn các đánh giá này khá thận trọng, nhưng cũng có một số hơi bị ảo tưởng.

       Ngày 12/2/1945, Bộ Chiến tranh đưa ra một tài liệu phản gián nghiêm trọng, nói rằng: “Các báo cáo về cứ điểm cuối cùng của Nazi có thể nằm ở vùng núi Alps ở Bavaria chưa được coi trọng đúng mức… Câu chuyện thần thoại của bọn Nazi, vốn rất quan trọng khi phải đối phó với những kẻ như Hitler, cần bị tiêu diệt triệt để (*). Cần chú ý là Berchtesgaden, nơi có thể là đại bản doanh, nằm ở khu lăng mộ của Barbarossa, kẻ đã trở về từ cõi chết theo thần thoại Đức.” (**) Bản thông báo giục các tư lệnh chiến trường phải cảnh báo mối nguy “đến cấp quân đoàn.”

       Ngày 16/2, các đặc vụ của Đồng minh ở Thụy Sĩ gửi về Washington một báo cáo kỳ dị, lấy được từ các tùy viên quân sự trung lập ở Berlin: “ Không nghi ngờ gì nữa, bọn Nazi đang chuẩn bị cho một cuộc chiến ác liệt từ pháo đài trên núi… Các điểm cố thủ được liên kết với nhau bằng đường sắt ngầm… chúng trữ sẵn số đạn dược tốt nhất, đủ dùng trong vài tháng, cùng với toàn bộ nguồn hơi độc của Đức. Tất cả những người tham gia xây dựng các cơ sở bí mật sẽ bị giết – kể cả những người dân còn lại ở đó… khi trận chiến thực sự bắt đầu.”

       Dù cả các cơ quan tình báo Anh và OSS đều đưa ra các phát biểu cẩn trọng nhằm làm dịu các bản báo cáo đáng sợ đó, trong 27 ngày sau đó, bóng ma của Pháo đài quốc gia vẫn lan truyền. Đến ngày 21/3, mối đe dọa đã bắt đầu ảnh hưởng đến tư duy chiến thuật. Sở chỉ huy của Cụm tập đoàn quân 12 của tướng Bradley đưa ra một thư báo có tựa đề “Tái định hướng chiến lược”, trong đó khẳng định các mục tiêu của Đồng minh đã thay đổi, nêu rằng “các kế hoạch mà chúng ta làm theo từ lúc còn ở bờ biển giờ đã lỗi thời.” Một trong các thay đổi đó là: tầm quan trọng của Berlin đã giảm đi nhiều. Bản báo cáo viết, “Vùng thủ đô không còn là vị trí quan trọng nữa… mọi dấu hiệu đều cho thấy đầu não quân sự và chính trị của địch đang chuyển về ‘Pháo đài’ ở hạ Bavaria.”

        Để đối phó với mối đe dọa này, tướng Bradley đề nghị thay vì tấn công về phía bắc thì cụm tập đoàn quân của ông sẽ chia đôi nước Đức bằng cách tiến về vùng trung tâm. Điều này sẽ “ngăn quân Đức rút lui” về phía nam “vào trong Pháo đài.” Thêm nữa, nó sẽ đẩy quân địch “về phía bắc, ở đó chúng sẽ bị vây bởi bờ biển Baltic và biển Bắc.” Sau đó, bản báo cáo đề xuất rằng Cụm tập đoàn quân 12 sẽ quay về phía nam để giảm thiểu sức kháng cự còn lại của địch ở Alpenfestung.

      Bản phân tích gây hoang mang nhất xuất hiện vào ngày 25/3, đến từ Trưởng ban Tình báo của Tập đoàn quân 7 của Trung tướng Patch, đang chiến đấu ở cánh phía nam mặt trận. Nó dự báo trong pháo đài có thể có “một lực lượng tinh nhuệ, chủ yếu là SS và quân miền núi, khoảng 200.000 đến 300.000 lính.” Bản báo cáo nói, đồ tiếp tế đã được đưa đến pháo đài bằng “ba đến năm đoàn tàu hỏa cực dài… mỗi tuần (từ tháng 1/1945)… Trong số đó, quan sát thấy có nhiều đoàn tàu có một loại súng mới trên đó…” Thậm chí bản báo cáo còn đề cập đến một nhà máy ngầm chế tạo máy bay “có thể sản xuất… máy bay Messerschmitt.” (***)

     Ngày qua ngày, các báo cáo đổ về SHAEF. Dù các chứng cứ có được phân tích tới lui thế nào, bức tranh còn vẫn y nguyên: dù Alpenfestung có thể chỉ là một trò chơi khăm, nhưng cũng không thể lờ đi khả năng tồn tại của nó. Mối bận tâm của SHAEF được nêu rõ trong một đánh giá tình báo về pháo đài ngày 11/3:
        “Trên lý thuyết… trong pháo đài này… được cả thiên nhiên và các vũ khí bí mật mạnh mẽ nhất vừa được phát minh, sức mạnh từ xưa đến nay đã giúp nước Đức sống sót để rồi phục sinh… Xu hướng phòng thủ chính của Đức có vẻ là bảo vệ vùng núi Alps… Bằng chứng cho thấy một số lượng lớn quân SS và đơn vị đặc biệt đang rút lui có hệ thống về Áo… Có vẻ khá chắc chắn là một số cơ quan và cá nhân quan trọng nhất của bộ máy Nazi đã được thiết lập tại pháo đài… Goering, Himmler, Hitler… được cho là đang rút lui về các thành trì riêng trong núi…”

      Trưởng ban Tình báo của SHAEF, Thiếu tướng Kenneth W. D. Strong của Anh, nhận xét với ngài Tham mưu trưởng:

      “Có thể pháo đài không có ở đó, nhưng chúng ta phải tiến hành các bước nhằm ngăn không cho nó có ở đó.” Bedell Smith cũng đồng ý. Theo ông, có “đủ lý do để tin rằng bọn Nazi định xây chốn cố thủ cuối cùng trong núi.”

       Khi các quan điểm đã cân nhắc của các thành viên SHAEF và các tư lệnh chiến trường của Mỹ nằm chất đống trong văn phòng Eisenhower, thì thông điệp đáng chú ý nhất xuất hiện.
.......................................
       (*): Nguyên văn “requires a Götterdämmerung.” Götterdämmerung tiếng Đức nghĩa là “Hoàng hôn của các vị thần”, tượng trưng cho sự sụp đổ của các vị thần trong trận chiến cuối cùng với quỷ dữ, theo thần thoại Đức. Götterdämmerung còn được dùng để chỉ sự sụp đổ của một thể chế, một xã hội,… (ND).
       (**): Người chuẩn bị tài liệu phản gián này đã có sai sót về nơi yên nghỉ cuối cùng của Barbarossa. Nơi chôn cất Barbarossa (Râu Đỏ) – là họ của vua Frederick I (1121-1190) – không phải ở Berchtesgaden. Theo thần thoại, “ngài không hề chết, mà chỉ ngủ” giữa những ngọn đồi ở Thuringia. Ngài ngồi “trên một cái bàn đá, có sáu hiệp sĩ luôn kề bên, chờ đợi đến khi ngài tỉnh giấc và cứu nước Đức khỏi cảnh tù tội, đưa nước Đức lên trên đỉnh thế giới… bộ râu của ngài đã mọc xuyên qua phiến đá, nhưng phải cuốn bộ râu ba vòng quanh cái bàn trước khi ngài giáng thế lần thứ hai.”
      (***): Messerschmitt là một tập đoàn sản xuất máy bay của Đức, nổi tiếng với dòng máy bay chiến đấu trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, đặc biệt là hai dòng Bf 109 và Me 262. Thời hậu chiến, sau một vài lần sáp nhập, Messerschmitt đổi tên thành Messerschmitt-Bölkow-Blohm, rồi được Deutsche Aerospace (DASA, giờ là một bộ phận của EADS) mua lại vào năm 1989 (ND).
Nó đến từ cấp trên của ngài Tư lệnh Tối cao, Đại tướng Marshall, người Eisenhower tôn kính hơn hết thảy. (*)

      Bức điện của Marshall viết:

     “Từ các báo cáo chiến dịch hiện tại, có vẻ như hệ thống phòng thủ của Đức ở phía tây có thể sẽ sụp đổ. Điều này sẽ cho phép anh đưa kha khá sư đoàn tiến nhanh về phía đông trên một mặt trận rộng lớn. Quan điểm của anh về việc… xem nào, đưa quân tiến nhanh theo trục Nuremberg-Linz hay Karlsruhe-Munich là như thế nào? Ý tưởng đằng sau việc này là… hành động nhanh chóng có thể ngăn ngừa sự hình thành của bất kỳ vùng kháng cự có tổ chức nào. Vùng núi phía nam được xem là một trong những nơi có khả năng.

     “Một trong những vấn đề nổi lên bên cạnh sự kháng cự rời rạc của quân Đức là việc đụng độ quân Nga. Anh nghĩ sao về việc kiểm soát và phối hợp để ngăn các trường hợp không may…? Có một khả năng là thiết lập đường phân ranh thống nhất. Các cách sắp xếp hiện có của ta… chưa tương xứng… cần tiến hành các bước cung ứng liên lạc ngay, không được trì hoãn…”

      Thông điệp với lời lẽ cẩn trọng của Marshall cuối cùng cũng giúp kế hoạch của ngài Tư lệnh Tối cao hình thành. Sau khi cân nhắc mọi vấn đề, hội ý với ban tham mưu, thảo luận tình hình suốt nhiều tuần lễ với ông bạn già và cũng là bạn cùng lớp ở West Point (**), Đại tướng Bradley, và quan trọng nhất là đã quen với các quan điểm của người cấp trên, giờ Eisenhower đã định hình được chiến lược và ra quyết định.

       Vào buổi chiều tháng ba lạnh lẽo đó, ông soạn ba bức điện. Bức đầu tiên rất nổi tiếng trong lịch sử và chưa từng có tiền lệ: nó được gửi đến Moscow, cùng một tin nhắn kèm theo gửi đến Phái bộ Quân sự Đồng minh. Eisenhower viết rằng các chiến dịch của SHAEF đã tới giai đoạn “mà tôi cần được biết kế hoạch của Nga để đạt được thành công nhanh nhất.” Do đó, ông muốn Phái bộ phải “đưa một thông điệp cá nhân từ tôi gửi đến Đại nguyên soái Stalin” và bằng mọi giá “tìm cách hỗ trợ để được hồi âm đầy đủ.”

     Trước đó, ngài Tư lệnh Tối cao chưa từng liên lạc trực tiếp với nhà lãnh đạo Xô Viết, nhưng giờ tình thế rất cấp bách. Ông đã được trao quyền thương lượng trực tiếp với Nga về các vấn đề quân sự có liên quan đến việc phối hợp, vậy nên Eisenhower thấy chẳng có lý do đặc biệt gì cần phải hội ý trước với Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ hay chính phủ Mỹ và Anh. Thực vậy, đến cả Phó Tư lệnh Tối cao là Chánh Thống chế Không quân Sir Arthur Tedder cũng chẳng hề hay biết gì. Tuy vậy, họ vẫn được xem các bản sao đã chuẩn bị sẵn cho mình.

     Ngài Tư lệnh Tối cao chấp thuận bản thảo của bức điện gửi cho Stalin vào lúc 3 giờ hơn. Lúc 4 giờ chiều, sau khi đã mã hóa xong, “Thông điệp cá nhân gửi Đại nguyên soái Stalin” của Eisenhower được gửi đi. Trong đó, ngài Đại tướng hỏi về kế hoạch của ngài Tổng tư lệnh, đồng thời trình bày kế hoạch của mình. Ông viết:
     “Chiến dịch hiện tại của tôi được thiết kế để bao vây và tiêu diệt quân địch đang phòng thủ ở sông Ruhr… Tôi đoán giai đoạn này… sẽ kết thúc vào cuối tháng tư, thậm chí còn sớm hơn nữa, và nhiệm vụ kế tiếp của tôi sẽ là chia cắt lực lượng còn lại của địch bằng cách chung tay với quân của ngài… Tốt nhất là hợp quân theo trục Erfurt-Leipzig-Dresden. Tôi tin là… các cơ quan đầu não trong chính phủ Đức đang chuyển đến vùng này. Tôi định sẽ tấn công chủ yếu dọc theo trục này. Bên cạnh đó, một cuộc tiến công thứ hai sẽ được thực hiện để hợp quân với quân của ngài ở Regensburg-Linz càng sớm càng tốt, từ đó ngăn lực lượng kháng cự của Đức hợp nhất lại ở Pháo đài miền nam nước Đức.

      Trước khi quyết định chắc chắn về kế hoạch của tôi, quan trọng nhất là cần phối hợp… với kế hoạch của ngài, cả về thời gian và phương hướng. Ngài có thể… cho tôi biết dự định của mình và… kế hoạch dự kiến được phác thảo … có phù hợp với hành động sắp tới của ngài không. Tôi thấy nếu chúng ta muốn tiêu diệt hoàn toàn quân Đức không chút chậm trễ, thì việc phối hợp hành động và… hoàn chỉnh đường dây liên lạc giữa các lực lượng đang hành quân của chúng ta… là vô cùng thiết yếu…”

       Sau đó, ông chuẩn bị các bức điện gửi cho Marshall và Montgomery. Các bức điện này được gửi đi vào lúc 7 giờ tối, cách nhau 5 phút. Eisenhower nói với Tham mưu trưởng Hoa Kỳ rằng ông đã liên lạc với Stalin “về vấn đề phải hội quân ở đâu…” Rồi ông chỉ ra rằng “quan điểm của tôi tương tự với ngài, dù tôi cho là vùng Leipzig-Dresden quan trọng hơn…” vì nó là “tuyến đường ngắn nhất để tới chỗ quân Nga” và cũng sẽ “băng qua một vùng công nghiệp còn lại của Đức… được cho là nơi Bộ Tư lệnh Tối cao và các bộ đang chuyển đến.”

       Đối với mối lo ngại của Marshall về “Pháo đài Quốc gia,” Eisenhower báo cáo rằng ông biết rõ “tầm quan trọng của việc chặn trước khả năng để địch hình thành các vùng kháng cự có tổ chức” và sẽ tiến hành “một cuộc tiến công về phía Linz và Munich ngay khi tình hình cho phép.” Về việc phối hợp với quân Nga, Eisenhower nói thêm, ông không cho là “chúng ta có thể ràng buộc bản thân vào một đường ranh giới” nhưng sẽ tiếp cận bọn họ bằng lời đề nghị “khi quân hai bên gặp nhau, mỗi bên sẽ rút về vùng chiếm đóng của mình khi bên kia yêu cầu.”

       Bức điện thứ ba trong ngày của Eisenhower, gửi cho Montgomery, mang theo tin tức khá thất vọng. Ngài Tư lệnh Tối cao nói “Ngay khi anh hội quân với Bradley… [phía đông sông Ruhr]… Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ sẽ chuyển qua cho Bradley chỉ huy. Bradley sẽ chịu trách  nhiệm càn quét vùng Ruhr và đưa mũi tấn công chủ đạo của ông ấy đi theo trục Erfurt-Leipzig-Dresden để phối hợp với Nga trong thời gian ngắn nhất…”

        Montgomery sẽ tiến về sông Elbe; tại đó “Tập đoàn quân 9 sẽ giao lại cho anh chỉ huy để thuận tiện vượt qua chướng ngại vật đó.” Sau khi đọc qua bản thảo, Eisenhower viết thêm một dòng cuối bằng bút chì, “Như anh đã nói, tình hình có vẻ khả quan.”

       Ngài Tư lệnh Tối cao đã sửa đổi kế hoạch của mình về phạm vi này: thay vì tấn công chủ lực vào miền bắc nước Đức như ban đầu đã định, ông đã quyết định tấn công thẳng vào trung tâm. Tập đoàn quân 9 được giao lại cho Bradley, giờ đây nắm vai trò chính. Bradley sẽ phát động cuộc tấn công cuối cùng, nhằm đưa quân đến vùng Dresden, cách Berlin 100 dặm về phía nam.

        Dù Eisenhower đã chấp nhận một số đề xuất của Marshall, tiến trình của ông lại giống với đề xuất của Cụm Tập đoàn quân 12 của Đại tướng Bradley nêu trong bản thư báo “Tái định hướng chiến lược.” Nhưng trong cả ba bức điện của Eisenhower về kế hoạch cho chiến dịch của ông, có một điều bỏ sót đáng chú ý: mục tiêu mà ngài Tư lệnh Tối cao từng xem là “phần thưởng chính.” Ông không hề nhắc tới Berlin.
                                     * * * * * * * * *
........................
     (*): Một tham mưu cao cấp của tướng Marshall, Đại tướng John Hull, Quyền Tham mưu trưởng Chiến dịch của Lục quân Hoa Kỳ vào năm 1945, nói rằng “Ike là người được Marshall bảo trợ, và có lẽ Ike sẽ không bằng lòng nếu tôi nói thế này, nhưng mối quan hệ giữa hai người họ hơi giống cha con.”

       (**): Học viện Quân sự Hoa Kỳ, nằm ở West Point, New York (ND).
      
        Cổng Brandenburg sứt mẻ hiện lờ mờ trong đám bụi. Qua những ô cửa sổ đã bịt một phần bằng ván của tòa biệt thự của mình, Tiến sĩ Goebbels nhìn chăm chăm vào tượng đài. Người đứng đầu cơ quan tuyên truyền của Hitler, có bề ngoài trông như một con quỷ lùn, đứng quay lưng một cách khinh khỉnh với mấy người khách – ít ra thì người đang nói chuyện có vẻ là khách, Sĩ quan chỉ huy Berlin, Thiếu tướng Hellmuth Reymann. Ngài thiếu tướng đang cố xin quyết định về một vấn đề mà ông cho là cấp bách nhất: số phận của cư dân trong thành phố trước khi trận chiến bắt đầu.

        Đây là lần thứ tư trong tháng tướng Reymann cùng Tham mưu trưởng của ông là Đại tá Hans Refior gặp mặt Goebbles.

        Ngoài Hitler, giờ Goebbels, 47 tuổi, là nhân vật quan trọng nhất Berlin. Ông ta không chỉ là Bộ trưởng Bộ Thông tin Quần chúng và Tuyên truyền; mà còn là Tỉnh trưởng Berlin. Ông ta là Ủy viên Bộ Quốc phòng Đức, chịu trách nhiệm về mọi phương diện của cư dân thành phố, tổ chức và huấn luyện Lực lượng Phòng vệ Hậu phương và xây dựng các công sự. Giữa lúc thiếu sự rạch ròi về quyền hạn giữa các cơ quan quân sự và dân sự, khiến các nhà lãnh đạo trong quân và dân phải lúng túng, Goebbels khiến tình hình càng thêm rối rắm.

        Dù hoàn toàn làm ngơ các vấn đề quân sự hoặc đô thị, ông ta lại vạch rõ rằng mình sẽ là người duy nhất có trách nhiệm bảo vệ Berlin. Kết quả là tướng Reymann nhận thấy mình đang ở trong một vị trí tiến thoái lưỡng nan. Ông phải nhận chỉ thị từ ai – từ Bộ chỉ huy quân sự của Hitler hay từ Goebbels? Ông không chắc, và có vẻ chẳng ai muốn làm rõ vị trí chỉ huy là của ai. Reymann muốn phát điên.

        Ở các cuộc gặp trước, Reymann đã đưa ra vấn đề sơ tán. Ban đầu, Goebbels nói “không thể được.” Rồi ông ta nói với viên thiếu tướng rằng đã có sẵn kế hoạch rồi, do “các quan chức SS cấp cao hơn và cảnh sát” chuẩn bị.

        Tham mưu trưởng của tướng Reymann nhanh chóng điều tra ra. Đại tá Refior đã tìm ra kế hoạch đó. Ông nói với Reymann, “Nó gồm một tấm bản đồ, tỷ lệ 1:300.000, trên đó ghi người chịu trách nhiệm là một đại úy cảnh sát, có đánh dấu các tuyến đường sơ tán ra khỏi Berlin theo hướng tây và hướng nam bằng mực đỏ.”

       Ông báo cáo, “Trên đó không hề có trạm y tế, không có kho lương, không có phương tiện vận tải dành cho người đau yếu.”

       Ông nói thêm, “theo như tôi thấy, kế hoạch yêu cầu người tản cư tập hợp trên các tuyến đường đó, chỉ mang theo hành lý xách tay, đi 20 đến 30 km tới các ga tàu hỏa, từ đó họ được đưa tới Thüringen, Sachsen-Anhalt và Mecklenburg. Mọi việc sẽ bắt đầu tiến hành khi Goebbels nhấn nút. Nhưng vẫn chưa rõ tàu sẽ xuất phát từ đâu.”

       Reymann cố thảo luận vấn đề với Hitler. Ông chỉ mới gặp Hitler hai lần: vào ngày nhậm chức và sau đó mấy ngày, khi ông được mời đến sự một buổi họp tối của Quốc trưởng. Trong buổi họp đó, đề tài thảo luận chủ yếu là về mặt trận sông Oder và Reymann không có cơ hội giải thích về tình hình Berlin.

       Nhưng vào một quãng tạm lắng trong buổi họp, ông đã nói chuyện với Hitler và giục ông ta nhanh chóng ra lệnh sơ tán toàn bộ trẻ em dưới mười tuổi của thủ đô. Một sự im ắng đột ngột phủ xuống sau lời đề xuất của Reymann, rồi Hitler quay qua phía ông và lạnh lùng hỏi, “Ý anh là sao? Chính xác thì ý anh là sao?” Rồi ông ta nói, chầm chậm nhấn mạnh từng chữ, “Ở Berlin không còn đứa con nít nào trong độ tuổi đó nữa!” Không ai dám cãi lại ông ta. Hitler nhanh chóng chuyển qua chuyện khác.

      Lời khước từ đó không làm viên sĩ quan chỉ huy Berlin thoái chí. Giờ Reymann quay qua hỏi Goebbels về đề tài tương tự. Ông nói, “Thưa ngài bộ trưởng, làm sao ta hỗ trợ người dân khi bị bao vây? Ta sẽ cung ứng lương thực như thế nào? Lương thực từ đâu mà có? Theo số liệu của thị trưởng thì bây giờ trong thành phố có 110.000 trẻ em dưới mười tuổi cùng với mẹ của chúng. Làm sao ta cung cấp sữa cho em bé?”

       Reymann dừng lại, chờ câu trả lời. Goebbels tiếp tục nhìn ra ngoài cửa sổ. Rồi ông ta gắt gỏng mà không hề quay lại: “Làm sao cung ứng lương thực à? Chúng ta sẽ đưa vật nuôi từ vùng nông thôn xung quanh về đây – đó là cách ta cung ứng lương thực đấy! Về bọn trẻ con, ta vẫn còn một lượng sữa hộp đủ dùng trong ba tháng.”

      Sữa hộp là một tin tức mới đối với Reymann và Refior. Còn vụ vật nuôi có vẻ hơi bị điên. Trong cuộc chiến, bò dễ bị thương hơn người, ít ra người ta còn đi trú được. Goebbels định nuôi chúng ở đâu? Và chúng sẽ ăn cái gì? Reymann sốt sắng:

      “Chắc chắn là ta phải cân nhắc về kế hoạch sơ tán trước mắt cái đã. Ta không thể chờ lâu hơn được nữa. Mỗi ngày trôi qua thì mọi chuyện càng khó khăn thêm. Ít nhất bây giờ chúng ta cũng phải sơ tán phụ nữ và trẻ em – trước khi quá muộn.”

       Goebbels không đáp. Im lặng thật lâu. Ngoài kia trời đang tối dần. Đột nhiên ông ta đứng lên, tóm lấy sợi dây bên cửa sổ rồi kéo mạnh một cái. Tấm rèm tối lạch cạch khép lại. Goebbels quay lại. Bị tật bẩm sinh ở chân, ông ta đi khập khiễng tới chỗ bàn làm việc, bật đèn, nhìn chiếc đồng hồ đeo tay đặt trên mảnh vải lót, rồi nhìn Reymann.

        Ông ta nhẹ nhàng nói:
       “Ngài thiếu tướng thân mến của tôi ơi, tôi là người quyết định khi nào cần sơ tán, và liệu có cần hay không.”

       Rồi ông ta gầm gừ:
      “Nhưng tôi không định khiến cả Berlin sợ hãi bằng cách ra lệnh ngay bây giờ! Còn cả một đống thì giờ! Cả  một đống thì giờ!”

       Và ông ta đuổi khách:
      “Chào tạm biệt các quý ông.”

      Khi Reymann và Refior rời khỏi tòa biệt thự, họ dừng lại một chút chỗ bậc thềm. Tướng Reymann nhìn bao quát thành phố. Dù còi báo động không kích chưa vang lên, đằng xa đã thấy đèn pha dò tìm rọi lên bầu trời đêm.

       Chầm chậm đeo găng tay, Reymann nói với Refior:
      “Chúng ta đang phải đối mặt với một nhiệm vụ mà ta không thể giải quyết được; cũng không có cơ hội thành công. Tôi chỉ có thể hi vọng sẽ có phép màu xảy ra để thay đổi vận mệnh của chúng ta, hoặc là chiến tranh sẽ kết thúc trước khi Berlin bị bao vây.”

       Ông nhìn người Tham mưu trưởng của mình. Rồi ông nói thêm:
     “Nếu không, chì có Chúa mới cứu được Berlin.”

      Không lâu sau đó, tại bộ chỉ huy của mình nằm ở Hohenzollerndamm, Reymann nhận được một cuộc điện thoại từ OKH (Bộ Tư lệnh Lục quân Tối cao).

      Ngoài ngài Tư lệnh Tối cao Hitler và ngài Tỉnh trưởng Berlin Goebbels, giờ Reymann được biết mình còn là thuộc cấp của một người nữa. Ông được cho biết đã có sắp xếp là Vùng Phòng ngự Berlin sẽ do Cụm Tập đoàn quân Vistula và tư lệnh của nó là Thượng tướng Gotthard Heinrici chỉ huy. Reymann thấy tia hi vọng đầu tiên xuất hiện ngay khi nghe đến tên Heinrici. Ông bảo Refior tóm tắt tình hình cho ban tham mưu của Cụm Tập đoàn quân Vistula sớm nhất có thể. Chỉ có một điều làm ông lo lắng. Ông không biết tướng Heinrici thấy thế nào khi vừa phải bảo vệ Berlin, vừa lo cầm cự với quân Nga bên sông Oder. Reymann biết Heinrici khá rõ. Ông có thể tưởng tượng ra phản ứng của Giftzwergs khi ông ta nghe được tin này.

      Heinrici gầm lên, “Thật ngu xuẩn! Quá sức ngu xuẩn!”

      Tham mưu trưởng mới của Cụm Tập đoàn quân Vistula, Trung tướng Eberhard Kinzel, và Tư lệnh hành quân, Đại tá Hans Eismann, nhìn nhau rồi im lặng.

      Chẳng có gì để nói cả. “Ngu xuẩn” là đã nói nhẹ đi rồi. Việc giao Vùng Phòng thủ Berlin cho tướng Heinrici, vốn đang chịu sức ép rất lớn chỉ huy vào thời điểm đặc biệt thế này có vẻ như khiến cả hai sĩ quan không thể hiểu nổi. Họ cũng không thể hiểu làm sao Heinrici có thể chỉ đạo, thậm chí là nhìn qua kế hoạch phòng thủ của Reymann. Nội chuyện khoảng cách cũng đủ khiến nó bất khả thi rồi; Bộ chỉ huy của Vistula cách Berlin hơn 50 dặm. Và rõ ràng là người đề ra ý tưởng này không biết tí gì về các vấn đề khó nhằn mà Heinrici đang phải đương đầu.

      Trước đó, cũng trong tối hôm ấy, các sĩ quan trong ban chiến dịch của OKH (Bộ Tư lệnh Lục quân Tối cao) đã cẩn thận trình bày về việc bảo vệ Berlin với Kinzel. Ý tưởng đó được đưa ra khá rụt rè – gần như một lời đề nghị. Giờ, khi Heinrici rảo bước quanh văn phòng, bùn ở ngoài chiến trường vẫn còn bám trên chiếc xà cạp lỗi mốt, ông làm rõ cho các thuộc cấp hiểu là ông chỉ xem kế hoạch này là một lời đề nghị mà thôi. Cụm Tập đoàn quân Vistula chỉ có một nhiệm vụ: khiến quân Nga dừng bước bên sông Oder. Heinrici nói, “Trừ khi bị bắt buộc, còn không thì tôi không định nhận trách nhiệm về Berlin đâu.”

      Điều đó không có nghĩa là ông không biết gì về tình cảnh tuyệt vọng của dân cư trong thành phố. Thực ra, vận mệnh của gần ba triệu người dân Berlin thường xuất hiện trong suy nghĩ của Heinrici. Ông bị ám ảnh trước khả năng Berlin biến thành chiến trường; ông biết rõ hơn ai hết chuyện gì sẽ xảy ra với người dân bị kẹt lại trước họng pháo và những giao tranh trên đường phố. Ông tin là bọn Nga chẳng có chút lòng thương, và giữa đỉnh điểm cuộc chiến, ông không mong gì là chúng có thể phân biệt giữa dân với lính. Tuy vậy, lúc này ông không thể nào đảm nhiệm vấn đề Berlin và cư dân của nó được.

       Cụm Tập đoàn quân Vistula là rào cản duy nhất giữa Berlin và quân Nga, và như thường lệ, mối quan tâm chính của Heinrici là lính của ông. Giftzwerg hay càu nhàu và hiếu chiến đang điên tiết với Hitler và người đứng đầu OKH, Guderian, vì ông coi đó là hy sinh mạng sống của lính của ông một cách có chủ đích.

       Quay qua Kinzel, ông nói: “Gọi Guderian cho tôi.”

       Từ lúc nhậm chức một tuần trước đó, Heinrici luôn ở ngoài mặt trận. Ông đi lại không biết mệt giữa các Bộ chỉ huy, sắp xếp chiến lược với các tư lệnh sư đoàn, đến thăm lính trong các hầm trú ẩn và boongke.

      Ông nhanh chóng khám phá ra các mối nghi ngờ của mình là đúng: lực lượng của ông chỉ là các tập đoàn quân trên danh nghĩa. Ông kinh hoàng nhận ra phần lớn các đơn vị được đắp vào bằng các nhóm quân rời rạc và phần tàn dư của các sư đoàn danh tiếng một thời nhưng đã bị tiêu diệt từ lâu.

       Trong số đó, Heinrici còn phát hiện ra có những đơn vị không phải là người Đức. Có các sư đoàn mang tên “Na Uy” và “Hà Lan” gồm những tình nguyện viên người Na Uy và Hà Lan theo chủ nghĩa Nazi, và một sư đoàn gồm các tù nhân chiến tranh người Nga, do một quân nhân tài ba, từng phòng thủ ở Kiev lãnh đạo, là Trung tướng Andrei A. Vlasov. Sau khi đầu hàng vào năm 1942, ông được thuyết phục tổ chức một đội quân Nga chống Stalin, ủng hộ Đức. Đội quân của Vlasov khiến Heinrici rất lo lắng: ông nghi họ sẽ đào ngũ ngay khi có dịp.

      Một vài sư đoàn thiết giáp của Heinrici vẫn còn ngon lành, và ông phụ thuộc vào họ khá nhiều. Nhưng bức tranh toàn cảnh vẫn ảm đạm quá đỗi. Các báo cáo tình báo cho thấy quân Nga có khoảng ba triệu lính.

      Heinrici có tổng cộng khoảng 482.000 quân nằm giữa Tập đoàn quân Thiết giáp 3 của tướng Von Mateuffel ở phía bắc và Tập đoàn quân 9 của tướng Busse ở phía nam, và hầu như không có quân dự bị.

       Không chỉ cực kỳ thiếu quân đã qua huấn luyện, Heinrici còn lâm vào cảnh thiếu thốn trang thiết bị và đồ tiếp tế. Ông cần xe tăng, súng tự động, thiết bị liên lạc, pháo, xăng, đạn dược, và cả súng trường nữa. Nguồn tiếp tế thiếu thốn đến nỗi Đại tá Eismann, tư lệnh hành quân, phát hiện ra là thay cho súng trường, người ta đã gửi đến mặt trận mấy khẩu súng chống tăng kiểu bazooka – và trong số vũ khí đó có mỗi một khẩu súng phóng lựu.

      Eismann nói với Heinrici:
      “Điên hết rồi! Làm sao lính của ta có thể đánh tiếp sau loạt đạn đầu tiên? OKH muốn họ phải làm gì cơ chứ - dùng mấy khẩu súng hết đạn làm dùi cui à? Khác gì giết người.”

       Heinrici đồng ý.
      “OKH muốn người ta chờ xem số mệnh sẽ đem đến cho họ điều gì. Tôi thì không.”

      Bằng mọi cách có thể trong quyền hạn của mình, Heinrici đang cố cứu chữa tình hình trang thiết bị của ông, dù nhiều món đã biến mất.

      Thứ ông thiếu nhất là đạn dược. Quân Nga đang bắt đầu xây cầu vượt sông Oder và mấy vùng đầm lầy lân cận. Ở một số chỗ, mực nước sông dâng lên vì lũ, rộng tới hơn hai dặm. Lực lượng hải quân đặc biệt do Heinrici chỉ huy đã thả thủy lôi dọc theo dòng sông để phá hủy các cầu phao, nhưng quân Nga ngay lập tức phản công bằng cách dựng các tấm lưới bảo vệ. Đánh bom mấy chỗ xây cầu từ trên không thì không thể được. Các quan chức không quân đã trình bày với Heinrici là họ không có cả máy bay lẫn xăng để thực hiện nhiệm vụ. Họ chỉ có thể cung cấp máy bay một chỗ ngồi để trinh sát. Chỉ còn một cách để ngăn quân Nga đang xây cầu như điên: dùng pháo. Mà Heinrici lại còn rất ít.

      Để bù cho sự thiếu hụt đó, Heinrici đã ra lệnh dùng súng phòng không thay cho pháo. Dù như thế tức là lớp bảo vệ trước không kích của quân Nga trở nên yếu đi, nhưng Heinrici giải thích là dùng mấy khẩu súng đó ngoài chiến trường sẽ có ích hơn. Và thực vậy, cách này đã làm dịu bớt tình hình.

       Chỉ trong vùng Stettin không thôi, Tập đoàn quân Thiết giáp 3 của tướng Von Manteuffel đã cần tới 600 khẩu súng phòng không. Mỗi cái phải có bệ đỡ bê tông, vì chúng quá lớn và cồng kềnh, nên không thể đặt trên xe cộ bình thường, nhưng chúng cũng giúp lấp đầy chỗ trống. Dù đứng đó đầy vẻ đe dọa, chúng chỉ được bắn khi thực sự cần thiết. Tình hình thiếu hụt đạn dược nghiêm trọng đến nỗi Heinrici quyết phải tiết kiệm số ít ỏi còn lại để dành cho lúc đánh nhau với quân Nga.

        Ông vẫn hay nói với các sĩ quan của mình là “Dù không có đủ súng đạn để ngăn bọn Nga xây cầu, ít ra chúng ta cũng đang níu chân chúng lại.” Đại tá Eismann thấy tình hình bi quan hơn thế. Sau này ông nói, “Cụm Tập đoàn quân này giống như một con thỏ, đang bị thôi miên hoặc nhìn con rắn đang muốn nuốt chửng mình. Nó chẳng thể cử động nổi, chỉ biết chờ con rắn tấn công một cú nhanh như chớp… Tướng Heinrici không muốn thừa nhận sự thật là Cụm Tập đoàn quân này không thể làm được gì hiệu quả bằng chính sức nó nữa.”

      Chỉ trong một tuần chỉ huy, Heinrici đã san bằng hàng tá khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Giống như hồi còn ở Moscow, ông phỉnh phờ và khích lệ quân lính, gầm gừ và khen ngợi họ, nhằm tăng cường ý chí chiến đấu, cũng là giúp ông có thêm thời giờ và giúp họ giữ được mạng. Dù cảm giác của ông ra sao đi nữa, đối với các sĩ quan và quân lính, ông là Heinrici huyền thoại không biết e sợ, không thể gục ngã. Và đúng như tính cách đó, ông vẫn đang chiến đấu với “sự điên rồ và thành kiến” của cấp trên.

       Ngay bây giờ, cơn giận bừng bừng của ông đang nhắm vào Hitler và người đứng đầu OKH, Guderian. Ngày 23/3, Tập đoàn quân 9 của tướng Busse đã tấn công hai lần, nỗ lực đột phá để đến Küstrin đang bị cô lập, quân Nga đã bao vây nơi này từ ngày Heinrici nhậm chức từ Himmler. Heinrici đã đồng ý với chiến thuật của Busse. Ông thấy họ đã có cơ hội duy nhất để giải cứu thành phố trước khi quân Nga kịp củng cố vị trí. Nhưng quân Nga quá mạnh; cả hai cuộc tấn công đều tỏ ra là thảm họa.
       Khi báo cáo tình hình cho Guderian, ông ta nói thẳng thừng: “Phải tấn công thêm lần nữa.” Hitler muốn thế; Guderian cũng vậy. Heinrici cứng rắn đáp, “Thế là điên rồ. Tôi đề nghị lệnh cho các đơn vị thiết giáp ở Küstrin đột phá vòng vây. Đó là cách hợp lý nhất.”

       Guderian nổi cáu. Ông hét lên, “Phải tấn công.” Ngày 27/3, tướng Busse lần nữa đưa quân vào Küstrin. Cuộc tấn công đó mãnh liệt tới mức một vài đơn vị thiết giáp của ông đã đột phá được vào thành phố. Nhưng rồi quân Nga dập tắt cuộc tấn công của quân Đức bằng hỏa pháo. Ở bộ chỉ huy, Heinrici không nói nên lời. Ông nói, “Cuộc tấn công đại bại. Tập đoàn quân 9 phải chịu tổn thất khủng khiếp mà chả được tích sự gì.”

       Ngay cả bây giờ, vào ngày hôm sau, cơn giận của ông vẫn chưa nguôi. Trong lúc chờ gọi điện cho Guderian, ông rảo bước quanh văn phòng, liên tục lẩm bẩm hai chữ “Thất bại!” Không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra cho cá nhân mình, Heinrici định buộc tội cấp trên vì đã gây ra vụ thảm sát tám nghìn người – cuộc tấn công vào Küstrin làm mất gần một sư đoàn – ngay khi Guderian gọi lại.

      Điện thoại reo, Kinzel cầm máy. Ông nói với Heinrici:
      “Lại là ở Zossen.”

      Giọng nói trơn tru của Trung tướng Hans Krebs, Tham mưu trưởng của OKH vang lên, và đó không phải là người Heinrici mong gặp. Ông nói:
      “Tôi đã nói là muốn nói chuyện với Guderian.”

      Krebs lại nói lần nữa. Càng nghe, mặt Heinrici càng nghiêm lại. Hai sĩ quan nhìn ông và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra. Heinrici hỏi “Hồi nào?” Ông lại nghe tiếp, rồi đột ngột nói “Cảm ơn” và cúp máy. Ông quay qua Kinzel và Eismann, lặng lẽ nói:
      “Guderian không còn là người đứng đầu OKH nữa. Hitler vừa cách chức ông ấy chiều nay”.

     Trước sự ngạc nhiên của hai sĩ quan, ông nói thêm:
    “Krebs bảo Guderian bị ốm, nhưng ông ta cũng không biết rõ chuyện gì đã xảy ra.”

     Cơn giận của Heinrici hoàn toàn bốc hơi hết. Ông chỉ nhận xét thêm một điều. Ông trầm ngâm nói:
    “Thế này chẳng giống Guderian chút nào. Ông ấy thậm chí còn không nói lời tạm biệt.”

      Khuya hôm đó, ban tham mưu của Heinrici mới có thể sắp xếp lại toàn bộ vụ việc. Chuyện Guderian bị cách chức diễn ra sau một trong các sự kiện điên rồ nhất từng có trong tòa nhà quốc hội. Buổi họp giữa ngày của Hitler bắt đầu khá lặng lẽ, nhưng trong đó có rất nhiều ý kiến thù địch không hề kiềm nén. Guderian đã viết một thư báo gửi Quốc trưởng, giải thích nguyên nhân thất bại của cuộc tấn công vào Küstrin. Hitler không chỉ khó chịu với giọng điệu của Guderian, mà còn bực bội trước sự bảo vệ của Guderian dành cho Tập đoàn quân 9 và đặc biệt là Đại tướng Busse. Quốc trưởng đã chọn Busse làm vật hy sinh và ra lệnh cho ông ta tham dự cuộc họp và làm một bản báo cáo đầy đủ.

       Như thường lệ, các cố vấn quân sự hàng đầu của Hitler cũng tham dự.

      Ngoài Guderian và Busse, còn có Tham mưu trưởng của Hitler, Keitel; Tư lệnh hành quân của ông ta, Jodl; sĩ quan quản trị của Quốc trưởng, Burgdorf; vài sĩ quan cao cấp khác và nhiều sĩ quan phụ tá.

      Hitler nghe báo cáo tổng quát về tình hình hiện tại trong vài phút, rồi tướng Busse được mời trình bày bản báo cáo của ông. Ông bắt đầu bằng cách tóm tắt sơ bộ cuộc tấn công đã được phát động như thế nào và lực lượng nào đã tham gia. Hitler bắt đầu nổi nóng. Ông ta thình lình hét lên cắt ngang:
      “Sao cuộc tấn công lại thất bại?”

      Không dừng lại, ông ta tự trả lời luôn:
      “Vì kém cỏi! Vì cẩu thả!” Ông ta dùng cả đống lời lẽ để chửi mắng Busse, Guderian và toàn bộ Bộ Tư lệnh Tối cao. Bọn họ đều là lũ “kém cỏi.” Ông ta quát mắng rằng cuộc tấn công vào Küstrin được phát động “mà không được chuẩn bị pháo binh thích đáng!” Rồi ông ta quay qua Guderian:
      “Nếu Busse không có đủ đạn dược như anh nói – thì sao anh không cấp thêm cho ông ta?”

      Im lặng một hồi. Rồi Guderian lặng lẽ nói. “Tôi đã giải thích với ngài rồi…” Hitler phẩy tay ngắt lời. Ông ta hét lên, “Giải thích! Kiếm cớ! Anh chỉ biết có thế! Được! Vậy thì anh hãy nói tôi nghe, ai khiến ta thất vọng ở Küstrin – quân lính hay là Busse?”

       Guderian thình lình sôi máu. Ông lắp bắp:
       “Vớ vẩn! Hết sức vớ vẩn!”

      Ông gần như khạc ra từng chữ. Nổi cơn thịnh nộ, gương mặt đỏ phừng phừng, ông bắn một tràng chỉ trích. Ông rống lên:
      “Busse không có lỗi! Tôi đã nói với ông rồi! Ông ấy chỉ làm theo lệnh! Busse đã dùng toàn bộ số đạn ông ta có thể dùng! Toàn bộ số ông ta có!”

      Cơn giận dữ của Guderian thật khủng khiếp. Ông vật lộn với từ ngữ. Ông nổi điên:
      “Bảo là quân lính có lỗi ư – nhìn thương vong mà xem! Nhìn vào tổn thất kìa! Quân lính đã làm đúng trách nhiệm của họ! Sự hi sinh của họ đã chứng tỏ điều đó!”

      Hitler hét trả. Ông ta rống lên:
     “Chúng đã thua! Chúng đã thua.”

      Guderian rống lên hết cỡ, mặt tím rịm:
     “Tôi yêu cầu ông… Tôi yêu cầu ông không được buộc tội Busse và quân của ông ấy nữa!”

      Cả hai đều đã vượt xa khỏi tranh luận thông thường, nhưng họ không ngừng lại. Họ nhìn nhau, rồi lời qua tiếng lại bằng những lời lẽ giận dữ và kinh khủng tới nỗi các sĩ quan và phụ tá ngây ra vì sốc. Hitler tổng sỉ vả Ban tham mưu, gọi bọn họ là “đồ chết nhát,” “đồ ngu,” và “đần độn.”

       Ông ta quát mắng rằng họ lúc nào cũng “làm mê muội,” “báo tin sai” và “lừa dối” mình. Guderian thách thức Hitler dùng mấy từ “làm mê muội” và “báo tin sai.” Chả lẽ Đại tướng Gehlen trong Ban tình báo của ông đã “báo tin sai” về sức mạnh của quân Nga à? “Không!”

      Guderian rống lên. Hitler vặn vẹo “Gehlen là một thẳng ngu! - Mười tám sư đoàn bị bao vây vẫn đang kẹt ở vùng Baltic và Courland thì sao?". Guderian hét lên, “Ai đã làm ông mê muội về bọn họ hả?” . Ông hỏi Quốc trưởng, “Chính xác thì ông định chừng nào mới giải cứu quân ở Courland?”

      Cuộc tranh cãi ồn ào và dữ dội tới nỗi sau đó không ai nhớ chính xác phần sau của nó nữa . Đến cả Busse, thủ phạm vô tội của cuộc cãi vã, sau này cũng không thể kể cho Heinrici nghe chi tiết những gì đã diễn ra. Ông nói:
      “Chúng tôi gần như đờ ra. Không thể nào tin được chuyện gì đang xảy ra.”

       Jodl là người đầu tiên hành động. Ông tóm lấy Guderian đang la hét, khẩn khoản:
      “Làm ơn! Làm ơn bình tĩnh lại đi.”

      Ông kéo Guderian qua một bên. Keitel và Burgdorf bắt đầu săn sóc cho Hitler, ông ta ngồi sụp xuống ghế, kiệt sức. Viên sĩ quan phụ tá đang kinh hãi của Guderian,

       Thiếu tá Freytag von Loringhoven, chắc chắn là sếp mình sẽ bị bắt nếu ông không đưa Guderian ra khỏi phòng ngay sau đó, chạy ra ngoài và gọi cho Krebs đang ở Zossen, kể cho ông ta nghe chuyện vừa xảy ra. Von Loringhoven van nài Krebs hãy nói chuyện với Guderian qua điện thoại, vờ có tin cấp bách từ mặt trận và nói chuyện với ông ấy cho tới khi ngài Thượng tướng bình tĩnh lại.
    
       Khá là khó khăn, nhưng Guderian cũng bị thuyết phục rời khỏi phòng. Krebs từng là sư phụ về nghệ thuật điều khiển thông tin cho phù hợp với tình hình, dễ dàng thu hút hoàn toàn sự chú ý của Guderian trong hơn mười lăm phút – và đến lúc đó thì Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Lục quân Tối cao đã kiểm soát được trở lại cảm xúc của mình.

       Trong thời gian đó, Hitler cũng đã bình tĩnh lại. Khi Guderian quay lại, Hitler đang chủ trì cuộc họp như thể chưa có gì xảy ra. Thấy ông đi vào, Quốc trưởng ra lệnh mọi người trong phòng ra ngoài, trừ Keitel và Guderian.

       Rồi ông ta lạnh lùng nói:
      “Thượng tướng Guderian, vì lý do sức khỏe, ông cần đi nghỉ dưỡng bệnh sáu tuần ngay lập tức.”

       Bằng một giọng vô cảm, Guderian nói, “Tôi sẽ đi.” Nhưng Hitler vẫn chưa nói xong. Ông ta ra lệnh, “Vui lòng chờ tới khi cuộc họp kết thúc.” Mấy tiếng sau, cuộc họp kết thúc. Vào lúc đó, Hitler tỏ vẻ rất quan tâm lo lắng. Ông ta nói, “Hãy cố mà khỏe lại nhé. Trong sáu tuần, tình hình sẽ rất nghiêm trọng đấy. Đến lúc đó tôi sẽ cần tới anh. Anh định đi đâu?” Keitel cũng muốn biết.

       Nghi ngờ khi thấy bọn họ đột nhiên quan tâm, Guderian thận trọng quyết định không nói cho họ kế hoạch của mình. Ông tìm cớ rời khỏi điện Reichskanzlei. Guderian đã đi. Nhà cải cách công nghệ thiết giáp, người cuối cùng trong số các vị tướng tên tuổi của Hitler đã đi; sự đánh giá đúng đắn trong Bộ Tư lệnh Cấp cao của Đức cũng biến mất theo ông, chẳng còn dấu tích.

       Sáu giờ sáng hôm sau, thứ 5 ngày 29/3, Heinrici đã có lý do để tiếc nuối sự ra đi của Guderian. Ông vừa nhận được một bức điện thông báo rằng Hitler vừa chỉ định Krebs làm Chỉ huy trưởng của OKH. Krebs là một gã dẻo miệng, ủng hộ Hitler mù quáng, bị rất nhiều người căm ghét sâu sắc. Về Ban tham mưu của Vistula, tin tức bổ nhiệm này, cùng với sự ra đi của Guderian khiến bầu không khí trở nên ảm đạm. Tư lệnh hành quân, Đại tá Eismann tổng kết quan điểm phổ biến lúc đó. Sau này ông nhớ lại:
      “Ông ta luôn nở nụ cười thân thiện, làm tôi liên tưởng đến một con hươu… đúng với dự đoán của bọn tôi. Krebs chỉ nói toàn mấy lời tự tin – thế là tình thế lại biến thành màu hồng. Ông ta sẽ ủng hộ Hitler hơn hẳn Guderian.”

      Heinrici không bình luận gì về vụ bổ nhiệm. Sự bảo vệ mạnh mẽ của Guderian dành cho Busse đã cứu được ông này và sẽ không còn một cuộc tấn công tự sát nào vào Küstrin nữa. Vì thế, Heinrici cảm thấy biết ơn Guderian, dù trước đây ông vẫn hay bất đồng ý kiến với ông ta. Ông sẽ nhớ Guderian, vì ông biết Krebs từ hồi xưa, và không trông mong ông ta giúp được gì. Sẽ không còn một Guderian trực tính để chống lưng cho Heinrici mỗi khi ông gặp Hitler để thảo luận tình hình ở mặt trận sông Oder nữa. Ông sẽ phải gặp Quốc trưởng trong một cuộc họp kéo dài cả ngày vào thứ sáu ngày 6/4.

       Vào lúc chín giờ hơn sáng 29/3, một chiếc xe hơi dừng bên ngoài tòa đại bản doanh chính của Cụm Tập đoàn quân Vistula, và viên Tham mưu trưởng Berlin có bờ vai rộng cùng thân hình cao hơn mét tám bước ra.

       Đại tá Hans “Teddy” Refior mạnh mẽ đang rất mong được gặp Tham mưu trưởng của tướng Heinrici, Trung tướng Kinzel. Ông rất hi vọng là cuộc gặp sẽ diễn ra trôi chảy; được tướng Heinrici chỉ huy sẽ là điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra đối với Vùng Phòng thủ Berlin. Mang theo một mớ bản đồ và biểu đồ, đại tá Refior, 39 tuổi, to con vạm vỡ, bước vào trong nhà. Sau này ông viết trong nhật ký, dù đơn vị đóng ở Berlin khá nhỏ, nhưng Refior tin là tướng Heinrici “sẽ vui vẻ khi tăng thêm quân.”

       Ngay khi gặp ngài Tham mưu trưởng thì ông bắt đầu dấy lên những tia nghi ngờ đầu tiên. Lời chào của Kinzel khá thận trọng, dù không đến nỗi thiếu thân thiện. Refior đã hi vọng là ông bạn học cũ của mình là Đại tá Eismann sẽ có mặt – họ đã cùng bàn bạc về tình hình Berlin trong mấy tuần qua – nhưng chỉ có một mình Kinzel đón tiếp ông. Tham mưu trưởng của Vistula có vẻ căng thẳng, cử chỉ của ông lộ vẻ thiếu kiên nhẫn. Được Kinzel gợi ý, Refior mở mấy tấm bản đồ, biểu đồ ra và nhanh chóng bắt đầu tóm lược tình hình. Ông giải thích rằng việc tướng Reymann không có cơ quan thẩm quyền chủ chốt để chỉ thị đã tạo ra một tình thế gần như bất khả thi trong việc chỉ huy Berlin. Ông nói thêm:
     “Khi bọn tôi hỏi OKH có phải bọn tôi thuộc quyền của họ không, thì họ bảo ‘OKH chỉ chịu trách nhiệm về mặt trận phía đông.Các anh thuộc quyền của OKW [Bộ Tư lệnh Tối cao của các Lực lượng Vũ trang].’ Thế là bọn tôi chạy qua OKW. Họ nói, ‘Sao lại đến chỗ bọn tôi? Mặt trận Berlin đối diện với mặt trận phía đông, mấy anh thuộc trách nhiệm của OKH mà.’”

       Khi Refior nói, Kinzel xem xét mấy tấm bản đồ và cách bố trí các lực lượng ở Berlin. Đột nhiên Kinzel ngẩng lên nhìn Refior và lặng lẽ nói với ông quyết định của tướng Heinrici vào đêm hôm trước, rằng sẽ không nhận trách nhiệm bảo vệ thành phố. Rồi theo như Refefior nhớ lại, Kinzel nói vắn tắt về Hitler, Goebbels và vị chóp bu khác. Ông nói, “Theo tôi, mấy thằng điên ở Berlin đó sẽ phải gieo gió gặt bão thôi.”

      Trên đường quay về Berlin, Refior thấy lòng hăng hái sôi nổi của mình vụn vỡ, lần đầu hiểu được tình cảnh của “một đứa trẻ mồ côi bị từ chối.” Ông yêu Berlin. Ông từng theo học Học viện Quân sự, rồi kết hôn và có hai đứa con – một trai, một gái – tại thủ đô. Giờ đây, có vẻ là như ông đang làm việc trong sự cô đơn ngày một tăng để bảo vệ thành phố mà ông từng có những năm tháng hạnh phúc nhất đời tại đây. Không có ai trong chuỗi mắt xích của bộ tư lệnh muốn đưa ra quyết định mà theo Refior thấy là quyết định tăm tối nhất: trách nhiệm phòng thủ và bảo vệ Berlin.

      Tất cả những gì còn lại phải làm là cho ít đồ đạc trên bàn làm việc vào một cái vali nhỏ. Ông đã nói lời tạm biệt với ban tham mưu của mình, tóm lược tình hình cho người kế nhiệm, Krebs, giờ là Thượng tướng.

      Heinz Guderian đã sẵn sàng rời khỏi bộ chỉ huy ở Zossen, điểm đến sắp tới của ông là một bí mật được bảo vệ rất kỹ. Tuy nhiên, trước tiên ông định cùng vợ đi đến một viện điều dưỡng gần Munich, để điều trị cho trái tim ốm yếu của ông.

       Sau đó ông định đến nơi duy nhất còn bình yên ở Đức: Nam Bavaria. Những hoạt động duy nhất ở đó xoay quanh các bệnh viện quân đội và các nhà an dưỡng, những tướng lĩnh đã nghỉ hưu hoặc bị cách chức, các quan chức chính phủ đi sơ tán và các cơ quan của họ.

       Ngài đại tướng đã lựa chọn rất cẩn thận. Ông sẽ ngồi ngoài cuộc chiến trong bầu không khí chẳng hề giống chiến tranh, giữa những ngọn Alps xứ Bavaria. Là nguyên Chỉ huy trưởng của OKH, Guderian biết tuyệt đối sẽ không có chuyện gì xảy ra ở đó.
       2.
       Hôm đó là ngày Thứ sáu Tuần Thánh, ngày 30/3, ngày đầu tiên của tuần lễ Phục sinh. Ở Warm Springs, Georgia, Tổng thống Roosevelt vừa đến nghỉ tại Nhà Trắng Mini; một đám đông đứng giữa trời nắng chang chang để chào mừng ông như thường lệ ở gần ga tàu hỏa. Khi ngài Tổng thống vừa xuất hiện, đám đông xì xầm kinh ngạc. Ông được một đặc vụ mật dìu ra khỏi tàu, đi đứng rất chậm, cơ thể nghiêng hẳn một bên. Không còn cái vẫy tay vui vẻ, không có những lời hài hước với đám đông. Với nhiều người, Roosevelt như sắp hôn mê tới nơi, chỉ mơ hồ biết được chuyện gì đang diễn ra. Bị sốc và e sợ, mọi người đứng nhìn trong yên lặng khi chiếc limousine của tổng thống chầm chậm chạy đi.

       Moscow, thời tiết êm dịu một cách lạ lùng. Từ căn hộ ở tầng hai trong tòa Đại sứ ở đường Mokhavaya, Thiếu tướng John R. Deane nhìn chăm chăm ra bên ngoàiquảng trường, lướt qua những mái vòm Byzantine xanh lục và những ngọn tháp của điện Kremlin. Deane, Trưởng Phái bộ Quân sự Hoa Kỳ, cùng người đồng cấp người Anh của ông là Đô đốc Ernest R. Archer đang đợi xác nhận từ các đại sứ của họ, W. Averell Harriman và Sir Archibald Clark-Kerr, xem có sắp xếp được một buổi gặp mặt với Stalin hay không. Trong buổi gặp đó, họ sẽ chuyển cho Stalin bức điện “SCAF 252,” đến từ Đại tướng Eisenhower ngày hôm trước (và ngài tổng thống Mỹ đau ốm vẫn chưa xem qua).

       London, Winston Churchill vẫy tay với người đứng ngoài tòa nhà số 10 đường Downing, miệng ngậm một điếu xì gà. Ông đang chuẩn bị đi đến Chequers, nơi ở chính thức rộng 700 mẫu Anh dành cho Thủ tướng Anh ở Buckinghamshire, bằng xe hơi. Dù bề ngoài tỏ ra vui vẻ, Churchill đang rất giận dữ và lo lắng. Trong mớ tài liệu của ông có một bản sao của bức điện mà vị Tư lệnh Tối cao gửi cho Stalin. Lần đầu tiên trong gần ba năm hợp tác khăng khít, ngài thủ tướng nổi cơn giận dữ với Eisenhower.

      Phản ứng của Anh với bức điện của Eisenhower đã leo thang trong hơn 24 giờ qua. Ban đầu, người Anh bối rối, rồi bị sốc, và cuối cùng là giận dữ. Cũng như Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ ở Washington, London về sau mới biết chuyện bức điện – qua các bản sao gửi đến để “cung cấp thông tin.”

      Đến cả Phó Tư lệnh Tối cao người Anh, Chánh Thống chế Không quân Sir Arthur Tedder cũng không được biết trước về bức điện; London chẳng hề được ông báo tin gì. Bản thân Churchill thấy cực kỳ mất cân bằng. Nhớ tới điện tín của Montgomery ngày 27/3 thông báo sẽ tiến về sông Elbe và “tôi hi vọng từ đó sẽ tới Berlin theo đường xa lộ,” ngài thủ tướng nhanh chóng thảo một bức thư ngắn cho Tham mưu trưởng của ông là Đại tướng Sir Hastings Ismay. Ông viết, thông điệp của Eisenhower gửi cho Stalin “có vẻ khác với những gì Montgomery đã nói về sông Elbe. Vui lòng giải thích.” Tạm thời thì Ismay không thể giải thích được.

       Vào lúc đó, Montgomery lại đem đến cho các vị cấp trên của mình một ngạc nhiên nữa. Ông báo cáo với Đại nguyên soái Brooke là Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ hùng mạnh sẽ đổi quyền chỉ huy từ ông sang Cụm Tập đoàn quân 12 của Đại tướng Bradley, lực lượng này thực hiện mũi tấn công trung tâm vào Leipzig và Dresden. Montgomery nói, “Tôi nghĩ chúng ta đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp.”

       Một lần nữa người Anh lại bị chọc điên tiết. Đầu tiên, những thông tin như thế phải do Eisenhower nói, chứ không phải Montgomery. Nhưng tệ hơn nữa, London thấy có vẻ như ngài Tư lệnh Tối cao đang ôm đồm quá nhiều việc. Theo quan điểm của Anh, ông không chỉ vượt quá phận sự bằng cách trực tiếp thương lượng với Stalin, mà còn thay đổi những kế hoạch đã có từ lâu mà không hề báo trước. Thay vì tấn công qua vùng đồng bằng phía bắc nước Đức bằng Cụm Tâp đoàn quân 21 của Montgomery, vốn được đặc biệt thành lập cho cuộc tấn công này, Eisenhower lại đột ngột chọn Bradley thực hiện cuộc tấn công cuối cùng của cuộc chiến tranh vào trung tâm của Đức quốc xã.

      Brooke đã cay đắng tổng kết quan điểm của Anh: “Trước hết, Eisenhower không thể liên lạc trực tiếp với Stalin, mà phải thông qua Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ; thứ hai, ông ta đã gửi một bức điện báo khó hiểu; và cuối cùng, ngụ ý của thông điệp đó có vẻ mơ hồ, và cần phải sửa đổi.” Chiều 29/3, đang cơn giận dữ, Brooke đã gửi một bức thư phản đối sắc bén đến Washington mà không hỏi ý Churchill. Một cuộc tranh cãi dữ dội và cay độc chầm chậm hình thành về SCAF 252.

       Cùng lúc đó, Deane, Trưởng Phái bộ Quân sự Hoa Kỳ tại Moscow, vốn đang thực hiện những bước đầu để sắp xếp một buổi gặp mặt với Stalin, gửi điện khẩn cho Eisenhower. Deane muốn “thêm một số thông tin cơ bản phòng khi Stalin muốn thảo luận chi tiết hơn về kế hoạch của ngài.”

       Sau nhiều tháng thương lượng vô ích với Nga, Deane biết rõ ngài Tổng tư lệnh sẽ hỏi cái gì, và ông nói rõ toàn bộ với Eisenhower:
     “1) Bố trí hiện tại của quân Đồng minh;
       2) Chi tiết hơn về kế hoạch điều động quân;
       3) (Các) Tập đoàn quân nào được dự kiến sẽ là mũi tiến công chính và phụ…;
       4) Tóm lược dự đoán hiện thời về cách bố trí và ý định của địch.”

      SHAEF nhanh chóng chấp thuận. Vào 8:15 tối hôm đó, thông tin tình báo đang trên đường tới Moscow. Deane nhận được thông tin về bố trí của quân Anh-Mỹ và thứ tự tấn công của các đơn vị từ bắc xuống nam. Thông tin đó chi tiết tới mức nó có đề cập cả việc Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ được chuyển lại từ Montgomery cho Bradley.

       Năm mươi mốt phút sau, SHAEF nghe tin từ Montgomery. Ông đang buồn rầu một cách dễ hiểu. Mất đi Tập đoàn quân của tướng Simpson, sức mạnh của ông bị suy yếu và khả năng thành công chiếm được Berlin coi như xong. Nhưng ông vẫn hi vọng sẽ thuyết phục được Eisenhower trì hoãn việc chuyển giao. Ông gửi đến một thông điệp lịch thiệp kỳ lạ. Ông viết:
       “Tôi nhận thấy ngài muốn đổi quyền chỉ huy. Nếu ngài thấy điều đó là cần thiết thì tôi mong ngài sẽ không bắt làm thế cho tới khi nào chúng ta tới được sông Elbe, vì làm thế chẳng ích gì cho cuộc hành quân vừa mới bắt đầu phát triển.”
      
     Các quan chức Washington nhanh chóng khám phá ra rằng mấy vị cấp trên của Montgomery ở Anh thì chẳng còn tâm trạng đâu mà lịch thiệp nữa. Tại Lầu Năm Góc, bức thư phản đối của Brooke được đại diện của Anh trong Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ là Thống chế Sir Henry Maitland Wilson chính thức chuyển cho Đại tướng Marshall. Bức thư lên án quá trình Eisenhower dùng để liên lạc với Stalin và buộc tội vị Tư lệnh Tối cao vì đã thay đổi kế hoạch. Vừa ngạc nhiên vừa lo lắng, Marshall đánh điện ngay cho Eisenhower. Bức điện của ông chủ yếu là tường thuật lại lá thư phản đối của Anh. Ông nói, họ cho rằng nên làm theo chiến lược đã có sẵn – để Montgomery tấn công về phía bắc để chiếm các cảng biển của Đức rồi từ đó “hủy bỏ chiến tranh tàu ngầm trên diện rộng,” và làm thế cũng sẽ giải phóng được Hà Lan, Đan Mạch và mở lại liên lạc với Thụy Điển, tận dụng được “khả năng vận chuyển gần hai triệu tấn của Thụy Điển và Na Uy, giờ đang bỏ không ở các cảng của Thụy Điển.” Marshall trích lời vị Thống chế “thực sự thấy rằng giữ nguyên mũi tấn công chính… qua vùng đồng bằng tây bắc nước Đức với mục tiêu chiếm được Berlin…”

       Để chống đỡ với mấy lời chỉ trích về Eisenhower của Anh và hàn gắn tình đoàn kết Anh-Mỹ càng sớm càng tốt, Marshall định trao quyền và thỏa thuận với cả hai bên. Sự hoang mang và bực bội của ông với hành động của viên Tư lệnh Tối cao được thể hiện trong đoạn cuối của bức điện: “Trước khi anh gửi bức điện SCAF 252, anh đã xem xét về khía cạnh thủy chiến của Anh chưa?” Ông kết thúc bằng câu: “Anh cần hồi âm khẩn cấp.”

       Hơn ai hết, có một người thấy tình hình đang rất cấp bách – và quả thực đang hết sức hỗn loạn. Tâm trạng lo âu của Winston Churchill gia tăng từng giờ. Vụ Eisenhower xuất hiện đúng lúc mối quan hệ giữa ba phe Đồng minh đang không tốt. Đây là giai đoạn khủng hoảng, và Churchill thấy rất cô độc. Ông không biết bệnh tình của Roosevelt ra sao, nhưng trước đó một thời gian, ông thấy việc thư từ qua lại với ngài tổng thống thật khó khăn và khiến ông hoang mang. Sau này ông nói: “Trong mấy bức điện dài tôi gửi, tôi cứ nghĩ mình đang nói chuyện với người bạn và người đồng nghiệp đáng tin cậy… [nhưng] ông ấy không còn đọc hết được nữa… nhiều người khác nhau viết thư trả lời dưới danh nghĩa ông ấy… Roosevelt chỉ có thể đưa ra chỉ thị và chấp thuận chung chung… những tuần lễ đó thật tai hại.”

       Tình hình chính trị giữa phương Tây với Nga đang xấu đi nhanh chóng rõ rệt còn đáng lo hơn. Sự nghi ngờ của Churchill về các mục tiêu hậu chiến của Stalin tăng dần kể từ hội nghị Yalta. Ngài chủ tịch Liên Xô đã coi thường các điều khoản được ký kết ở đó; giờ gần như mỗi ngày đều có khuynh hướng xấu xuất hiện. Liên Xô đang chầm chậm nuốt chửng Đông Âu; máy bay ném bom của Anh và Mỹ, bị tụt lại đằng sau trận tuyến của Hồng quân vì các vấn đề nhiên liệu hoặc kỹ thuật, đang mắc kẹt ở đó cùng phi hành đoàn; các căn cứ và cơ sở hạ tầng không quân mà Stalin từng hứa sẽ cho máy bay ném bom Anh Mỹ sử dụng đột nhiên bị hủy bỏ; và dù có quyền tự do giải phóng các trại tù chiến tranh ở tây Đức để đưa quân của mình về nước, Nga lại từ chối cho phép các đại diện của phương Tây tiến vào, giải cứu hoặc bằng bất kỳ cách nào hỗ trợ lính Anh-Mỹ ở các trại tù Đông Âu.

      Tệ hơn, Stalin cáo buộc rằng “Các cựu tù binh Liên Xô trong nhà tù của Mỹ… bị đối xử không công bằng và bị hành hạ trái luật, trong đó có đánh đập.”

      Khi quân Đức ở Italy cố tìm cách đàm phán đầu hàng bí mật, thì phản ứng của Nga là đưa ra một bức thư lăng mạ, cáo buộc quân Đồng minh phản bội, thương lượng với địch “sau lưng Liên Xô, vốn đang phải gánh vác cuộc chiến…” (*)
      Và giờ lại thêm bức điện Eisenhower gửi cho Stalin. Ở thời điểm mà việc lựa chọn các mục tiêu quân sự có thể quyết định tương lai châu Âu sau chiến tranh, Churchill thấy việc Eisenhower liên lạc với nhà độc tài Liên Xô là một can thiệp tai hại vào chiến lược chính trị và chiến lược toàn thể - những lĩnh vực mà ngài thủ tướng và Roosevelt quan tâm sâu sắc.

      Với Churchill, Berlin rất quan trọng về mặt chính trị, mà có vẻ như giờ đây Eisenhower không định nỗ lực hết mình để chiếm được thành phố nữa.

      Gần nửa đêm ngày 29/3, Churchill điện cho Eisenhower bằng điện thoại cao tần và yêu cầu vị Tư lệnh Tối cao giải thích rõ kế hoạch của mình. Ngài thủ tướng thận trọng tránh đề cập tới bức điện gửi Stalin. Thay vào đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt chính trị của Berlin và tranh luận rằng nên để Montgomery tiếp tục tấn công về hướng bắc. Churchill thấy điều quan trọng nhất là quân Đồng minh phải chiếm được thủ đô trước quân Nga. Giờ, qua ngày 30/3, khi ông bắt đầu chuyến đi 60 dặm có lẻ tới Chequers, ông trầm tư suy nghĩ về câu trả lời của Eisenhower. Vị Tư lệnh Tối cao đã nói, “Berlin không còn là mục tiêu quân sự chính nữa.”

     Ở Reims, cơn giận của Dwoght Eisenhower cũng leo thang theo lá thư phản đối của Anh. Phản ứng dữ dội của London về việc hạn chế cuộc tấn công phía bắc của Montgomery khiến ông ngạc nhiên, nhưng cơn bão giận dữ về bức điện gửi cho Stalin của ông còn khiến ông ngạc nhiên hơn. Ông thấy chẳng có lý do gì để bàn cãi cả. Ông tin hành động của mình là chính xác và cần thiết về mặt quân sự, và ông điên tiết khi thấy quyết định của mình bị thách thức. Vốn dễ nổi nóng, giờ Eisenhower là nhà lãnh đạo giận dữ nhất của quân Đồng minh.

       Sáng 30/3, ông bắt đầu hồi âm các bức điện từ Washington và London. Bước đầu tiên ông làm là gửi một tin ngắn báo đã nhận được bức điện của Marshall đêm qua. Ông hứa sẽ trả lời chi tiết hơn trong vòng vài tiếng nữa, nhưng tạm thời khẳng định mình sẽ không đổi kế hoạch, và lời cáo buộc của Anh “thực sự không có nền tảng… Kế hoạch của tôi sẽ chiếm được các cảng biển và mọi thứ khác ở biển bắc nhanh và chính xác hơn nếu như bức điện Wilson gửi cho ngài không làm tôi phân tâm.”

     Tiếp đó, để hồi âm cho đề nghị qua điện thoại của ngài thủ tướng hồi đêm, ông gửi cho Churchill các chi tiết giải thích rõ những mệnh lệnh đã đưa ra cho Montgomery. “Theo ý định của Nga,” mũi tấn công chính vào Leipzig và Dresden do Bradley chỉ huy là cần thiết để “cắt đôi” quân Đức và tiêu diệt phần lớn lực lượng còn lại của địch ở phía tây. Một khi đã thành công, Eisenhower định “tiến hành càn quét các cảng biển phía bắc.” Ngài Tư lệnh Tối cao nói Montgomery sẽ “chịu trách nhiệm các nhiệm vụ đó, và tôi định tăng cường lực lượng cho ông ấy nếu cần.”

       Một khi “các yêu cầu trên đã được đáp ứng,” Eisenhower sẽ đưa Đại tướng Devers và Cụm Tập đoàn quân 6 của ông đi về hướng đông nam đến vùng Pháo đài “để ngăn ngừa khả năng quân Đức hợp nhất lại ở miền nam, và phối hợp với quân Nga ở đồng bằng sông Danube.”

       Ngài Tư lệnh Tối cao khép lại bằng cách lưu ý rằng các kế hoạch hiện thời của ông “linh hoạt và có thay đổi để thích nghi với những tình hình ngoài dự kiến.” Berlin không được nhắc tới.
.......................
 (*): Sau này Churchill viết rằng, ông đã cho Eisenhower xem bức thư này của Nga vào ngày 24/3 và vị Tư lệnh Tối cao “có vẻ kích động vì giận dữ, cho đó là những cáo buộc vô căn cứ và bất công hết sức về thiện chí của chúng ta.”
  
      Bức điện của Eisenhower gửi cho ngài thủ tướng khá thận trọng và chuẩn xác; nó không biểu lộ sự giận dữ của ông. Nhưng cơn thịnh nộ của ông thể hiện rõ trong bức điện chi tiết gửi cho Marshall như đã hứa trước đó. Eisenhower nói với ngài Tham mưu trưởng Hoa Kỳ rằng ông “hoàn toàn không biết gì về cái ‘thủ tục’ mà lá thư phản đối nói đến. Tôi đã được chỉ thị thương lượng trực tiếp với Nga về phối hợp quân sự với nhau.”

       Về chiến lược của mình, Eisenhower nhấn mạnh lần nữa rằng sẽ không có gì thay đổi. Ông nói, “Hè năm ngoái, các tham mưu trưởng của Anh luôn phản đối quyết định mở… tuyến đường [trung tâm] của tôi, họ nói nó vô ích và… làm giảm bớt sức mạnh của mũi tấn công hướng bắc. Tôi đã luôn nhấn mạnh là cuộc tấn công hướng bắc sẽ là nòng cốt… để cô lập vùng Ruhr, nhưng ngay từ đầu, từ trước D-Day, kế hoạch của tôi… đã liên kết… mũi tấn công chính và phụ… rồi tạo thành một mũi tấn công chủ đạo về phía đông. Ngay cả khi xem lướt qua… cũng thấy mũi tấn công chính… nên hướng vào vùng Leipzig, nơi tập trung phần lớn năng lực công nghiệp còn lại của Đức và dự kiến các bộ ngành của Đức sẽ chuyển tới đó.”

       Quay trở lại sự ủng hộ của Montgomery-Brooke về chiến lược một mũi tiến công, Eisenhower nói: “Đơn thuần làm theo nguyên lý mà Thống chế Brooke suốt ngày hét bên tai, tôi đã quyết tập trung vào một mũi tấn công chính và tất cả những gì bản kế hoạch của tôi làm là để Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ quay trở lại quyền chỉ huy của tướng Bradley vì giai đoạn đó của chiến dịch sẽ là tiến về trung tâm… kế hoạch cho thấy Tập đoàn quân 9 sẽ có thể quay lại hỗ trợ các tập đoàn quân của Anh và Canada để càn quét toàn bộ vùng duyên hải phía tây Lübeck.” Sau đó, “chúng ta có thể đưa quân về phía đông nam để ngăn Nazi chiếm thành trì trong núi.”

       Pháo đài Quốc gia mà Eisenhower gọi là “thành trì trong núi” giờ đã thành mục tiêu quân sự chính – được quan tâm nhiều hơn là Berlin, thực vậy. Vị Tư lệnh Tối cao nói, “Tôi có thể chỉ ra là bản thân Berlin không còn là một mục tiêu đặc biệt quan trọng nữa. Sự hữu ích của nó với người Đức đã bị phá hoại gần hết và cả chính quyền ở đó cũng đang chuyển đến nơi khác. Điều quan trọng bây giờ là tập trung lực lượng của chúng ta để thực hiện một cuộc tấn công duy nhất, và cuộc tấn công này sẽ nhanh chóng khiến Berlin sụp đổ, giải phóng Na Uy và giành được khả năng vận tải của các cảng biển Thụy Điển hơn là phân tán lực lượng ra.”

       Vào lúc Eisenhower viết tới đoạn cuối bức điện, cơn giận của ông với người Anh hầu như không kiềm chế nữa. Ông khẳng định:
      “Ngài thủ tướng và tham mưu trưởng của ông ấy phản đối ‘Anvil’ [cuộc tấn công vào miền nam nước Pháp]; họ phản đối việc tôi cho là nên tiêu diệt quân Đức ở phía tây sông Rhine trước khi vượt sông; và họ khăng khăng là đi theo tuyến đường đông bắc thì sẽ chỉ gặp kháng cự sơ sài ở vùng nông thôn mà thôi. Giờ họ lại muốn tôi thay đổi chiến dịch liên quan đến hàng chục ngàn quân trước khi quân Đức thất bại hoàn toàn. Tôi phải nói là các vấn đề này đã được tôi và các cố vấn nghiên cứu hàng ngày hàng giờ và tất cả chúng tôi đều chung một suy nghĩ là mau chóng thắng cuộc.” (*)

      Sau đó, ở Washington, Đại tướng Marshall và Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ nhận được phiên bản phóng đại của lá thư phản đối hôm qua của ngài Tham mưu trưởng Anh quốc. Phần lớn bức điện thứ hai lặp lạibức thứ nhất nhưng dài dòng hơn, nhưng có thêm hai chỗ quan trọng. Trong thời gian chuyển tiếp, người Anh đã nghe từ Đô đốc Archer ở Moscow nói về những tin tình báo mà SHAEF gửi thêm cho Deane. Anh cực lực cho rằng các thông tin này cần giữ kín với Nga. Khi thấy các cuộc thảo luận đã bắt đầu, London muốn hoãn các cuộc bàn bạc để Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ xem xét lại tình hình.

         Nhưng giờ thì người Anh lại quay ra bất đồng với nhau – không chỉ về tính đúng đắn của bức điện của Eisenhower, mà còn về việc nên công kích những phần nào của bức điện. Ban Tham mưu trưởng Anh quốc đã giấu không cho Churchill xem lá thư phản đối của họ trước khi gửi đến Washington. Và sự phản đối của Churchill thì lại khác với các cố vấn quân sự của ông. Với ông, “điểm đáng phê bình nhất trong kế hoạch mới của Eisenhower là việc nó chuyển trục tấn công chính từ Berlin sang Leipzig và Dresden.” Ngài thủ tướng thấy, theo kế hoạch này thì quân Anh “sẽ bị giao cho một vai trò gần như không đổi ở miền Bắc.” Tệ hơn, “mọi khả năng để quân Anh tiến vào Berlin cùng Mỹ coi như bị xóa sổ.”

      Trong tâm tưởng ngài thủ tướng, Berlin vẫn luôn là tối quan trọng. Có vẻ như ông thấy Eisenhower “có thể sai lầm khi coi Berlin không quan trọng lắm về mặt quân sự hay chính trị.” Dù các cơ quan chính phủ đã “chuyển phần lớn về phía nam, nhưng không nên bỏ qua cảm giác của người Đức khi Berlin sụp đổ.” Ông bị ám ảnh trước mối nguy của việc “bỏ qua Berlin và để nó cho Nga.” Ông khẳng định: “Chừng nào Berlin còn chống cự và đứng vững trong đống đổ nát trước cuộc bao vây, mà rất có khả năng thế, thì sự chống cự của Đức vẫn sẽ được khích lệ. Sự sụp đổ của Berlin có thể khiến gần hết dân Đức tuyệt vọng.”

     Trong khi đồng ý về cơ bản với các tranh cãi của ban tham mưu, Churchill thấy họ dồn sự phản đối của mình vào “nhiều vấn đề thứ yếu không liên quan.” Ông chỉ ra rằng “danh tiếng của Eisenhower đối với Ban Tham mưu Hoa Kỳ rất là cao… người Mỹ sẽ thấy vì ông ta là Tư lệnh Tối cao danh giá, nên ông ta có quyền, và thực sự cần cố gắng tìm… thời điểm thích hợp nhất để quân phương Đông và phương Tây liên lạc với nhau.” Churchill sợ là sự phản đối của Anh sẽ chỉ tạo ra “khả năng tranh cãi… với Ban tham mưu Hoa Kỳ.” Ông đoán họ sẽ “đáp trả nặng nề.” Và thực vậy.

     Thứ bảy ngày 31/3, các đầu lĩnh quân sự Mỹ dành cho Eisenhower sự ủng hộ tuyệt đối. Họ chỉ đồng ý với Anh về hai điểm: Eisenhower nên trình bày kế hoạch của mình cho Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ và nên giữ kín các chi tiết gửi thêm cho Deane.

     Theo quan điểm của các tướng lĩnh Mỹ, “trận chiến ở Đức giờ đã tới lúc mà Tư lệnh Chiến trường là người đánh giá tốt nhất xem biện pháp nào sẽ tiêu diệt quân Đức hoặc năng lực kháng cự của chúng nhanh nhất… Đại tướng Eisenhower nên tiếp tục được tự do liên lạc với Tổng tư lệnh của quân đội Liên Xô.” Đối với giới chức quân sự Mỹ, chỉ có một mục tiêu duy nhất, và nó không bao gồm các cân nhắc chính trị. Họ nói, “Mục tiêu duy nhất là chiến thắng triệt để và nhanh chóng.”

      Tuy vậy, cuộc tranh cãi còn lâu mới kết thúc. Ở Reims, Eisenhower đang căng thẳng vẫn cứ phải giải thích đi giải thích lại về quan điểm của ông. Trong ngày, theo chỉ thị của Marshall, Eisenhower đã gửi cho Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ một bài trình bày kế hoạch dài và chi tiết.

      Sau đó, ông đánh điện đến Moscow và ra lệnh cho Deane giữ kín với Stalin các thông tin thêm mà SHAEF đã gửi. Sau đó ông đảm bảo với Marshall trong một bức điện khác:
      “Ngài có thể chắc chắn là trong tương lai, các bức điện về chính sách trao đổi giữa tôi với Phái bộ quân sự ở Moscow sẽ được sao ra cho Hội đồng Tham mưu trưởng Anh-Mỹ và cho người Anh.”

     Và cuối cùng, ông giải quyết lời cầu khẩn chưa được hồi âm của Montgomery, đến trước đó gần 48 tiếng.

    Không phải chỉ vì tính cấp bách của các bức điện trước mà Eisenhower trả lời Montgomery cuối cùng. Mối quan hệ giữa hai người họ đã trở nên căng thẳng đến mức giờ Eisenhower chỉ liên lạc với viên Thống chế khi thực sự cần thiết.
............................
       (*): Bức điện 1.000 từ của Eisenhower không xuất hiện trong lịch sử chính thống, và bản nằm trong cuốn Crusade in Europe (Cuộc Thập tự chinh ở châu Âu) của ông đã được cắt xén và biên tập lại. Ví dụ, cụm từ “suốt ngày hét bên tai” đã được đổi thành “luôn nhấn mạnh,” còn đoạn cuối đầy giận dữ được trích bên trên thì bị bỏ hoàn toàn. Mỉa mai thay, bức điện ban đầu do một người Anh soạn thảo, Phó Tư lệnh hành quân của SHAEF, Thiếu tướng John Whiteley, nhưng lúc gửi đi từ bộ chỉ huy thì nó có đóng dấu của Eisenhower.
  
     Nhiều năm sau, vị Tư lệnh Tối cao giải thích (*):
    “Montgomery trở nên quá cá nhân, nỗ lực bảo đảm rằng người Mỹ – mà đặc biệt là tôi – không có được danh tiếng, rằng chúng ta chẳng có gì để làm với cuộc chiến, đến mức cuối cùng tôi ngừng nói chuyện với ông ấy.”

      Ngài Tư lệnh Tối cao và Ban tham mưu của mình – thú vị là, gồm có các tướng lĩnh cấp cao người Anh ở SHAEF – thấy Montgomery là một kẻ gây rối ích kỷ, ngoài chiến trường thì quá mức cẩn trọng và chậm chạp.

     Thiếu tướng John Whiteley người Anh, Phó Tư lệnh hành quân của SHAEF nhớ lại, “Monty muốn cưỡi một con ngựa chiến tới Berlin và đội hai cái mũ, nhưng tôi có cảm giác là muốn làm cái gì cho nhanh thì đừng có giao nó cho Monty.”

     Trung tướng Sir Frederick Morgan, Phó Tham mưu trưởng của SHAEF, lại nói cách khác. “Vào lúc đó, Monty là người cuối cùng Ike chọn để tấn công Berlin – Monty sẽ phải cần ít nhất 6 tháng để chuẩn bị mất.”

     Bradley là típ người khác. Eisenhower nói với sĩ quan phụ tá của mình: “Bradley không bao giờ chần chừ, không bao giờ ngừng lại để tái cơ cấu khi thấy có cơ hội tiến lên.”

     Giờ đây, cơn giận dữ của Eisenhower trước những lời chỉ trích về bức điện gửi cho Stalin của ông, cộng thêm sự đối kháng lâu ngày giữa ông và Montgomery, được thể hiện rõ trong bức điện hồi âm của ông cho ngài đại nguyên soái. Nó tràn ngập giận dữ. Ông viết:
       “Tôi phải duy trì quyết định của mình về việc giao Tập đoàn quân 9 cho tướng Bradley… Như tôi đã nói với anh, vào giai đoạn sau của chiến dịch, anh sẽ được giao lại một đội quân Mỹ ở sông Elbe. Anh sẽ thấy tôi không hề nhắc tới Berlin. Với tôi, nơi đó giờ chỉ còn là một địa danh mà thôi, và tôi chưa từng quan tâm đến nơi đó. Mục đích của tôi là tiêu diệt các lực lượng của quân địch…”

      Ngay cả khi Eisenhower đã làm rõ quan điểm của mình với Montgomery, ở Chequers, Churchill đang viết cho vị Tư lệnh Tối cao một lời khẩn cầu lịch sử. Nó gần như đối chọi từng khía cạnh với những lời Eisenhower đã nói với Montgomery. Gần bảy giờ tối, ngài thủ tướng đánh điện cho ngài Tư lệnh Tối cao.
      “Nếu vị trí của địch suy yếu, như anh dự đoán… thì sao ta không vượt sông Elbe và tiến về phía Đông càng xa càng tốt? Điều này có ý nghĩa chính trị quan trọng, vì quân Nga… chắc chắn sẽ vào Vienna và giành lấy Áo. Nếu chúng ta chủ định để Berlin cho bọn họ, ngay cả khi nó nên nằm trong tay chúng ta, cả hai sự kiện có thể sẽ củng cố niềm tin của họ, vốn đã rất rõ ràng, rằng họ đã làm mọi chuyện.

      “Hơn nữa, tôi không nghĩ là Berlin đã mất tầm quan trọng về mặt quân sự và chắc chắc là mặt chính trị cũng không. Sự sụp đổ của Berlin sẽ có hiệu quả sâu sắc về tâm lý lên sự kháng cự của Đức trên toàn đế chế Đức. Chừng nào Berlin còn cầm cự được, cả đống dân Đức sẽ thấy mình có trách nhiệm phải chiến đấu. Ý tưởng cho rẳng chiếm Dresden và phối hợp với quân Nga ở đó là một thành tựu lớn không có ý nghĩa gì với tôi… Chừng nào Berlin còn cắm cờ Đức, theo tôi chừng đó nó còn là điểm mang tính quyết định nhất của nước Đức.
“Do đó, tôi muốn làm theo kế hoạch vượt sông Rhine hơn, cụ thể là Tập đoàn quân 9 Hoa Kỳ nên đi cùng với Cụm Tập đoàn quân 21 đến sông Elbe rồi đến Berlin…”

        Ở Moscow, khi đêm xuống, các đại sứ Anh và Mỹ, cùng với Deane và Archer cùng gặp ngài chủ tịch Liên Xô và chuyển cho ông bức điện của Eisenhower. Cuộc gặp khá ngắn. Theo như Deane nói với ngài Tư lệnh Tối cao sau này, Stalin “rất ấn tượng với phương hướng tấn công vào trung tâm nước Đức” và ông ta nghĩ rằng “cuộc tấn công chính của Eisenhower khá tốt, nó sẽ hoàn thành mục tiêu quan trọng nhất là chia đôi nước Đức.”

       Ông ta cũng thấy “cứ điểm cuối cùng của Đức có thể nằm ở phía tây Tiệp Khắc và Bavaria.” Trong khi chấp thuận chiến lược của Anh—Mỹ, Stalin lại mập mờ về chiến lược của mình. Ngài chủ tịch nói, phải chờ ông hội ý với ban tham mưu của mình rồi mới tiết lộ sự phối hợp cuối cùng của kế hoạch của Liên Xô được. Cuối buổi họp, ông ta hứa sẽ hồi âm cho bức điện của Eisenhower trong vòng 24 giờ.

        Một lát sau khi các vị khách đã đi, Stalin nhấc điện thoại gọi cho Nguyên soái Zhukov và Nguyên soái Koniev. Ông nói gọn lỏn nhưng mệnh lệnh của ông rất rõ ràng: hai vị tư lệnh phải bay về Moscow ngay để họp khẩn vào ngày hôm sau, ngày chủ nhật Phục sinh. Dù không giải thích nguyên do cho mệnh lệnh của mình, Stalin đã quyết định tin là phương Tây đang nói dối; ông chắc chắn Eisenhower đang định đua với Hồng quân để giành Berlin.
      3.
       Chuyến bay cả nghìn dặm từ mặt trận phía Đông về Moscow thật dài và mệt mỏi. Nguyên soái Georgi Zhukov uể oải ngồi dựa ra sau trên chiếc xe sĩ quan màu xám đang xóc nẩy trên con dốc rải sỏi, hướng về Quảng trường Đỏ rộng thênh thang.

       Chiếc xe chạy vù qua Thánh đường St. Basil với những mái vòm có sọc nhiều màu, rẽ trái rồi chạy qua tường bảo vệ của điện Kremlin từ cổng tây. Ở ngay sau Zhukov, trong một chiếc sedan quân đội khác là Nguyên soái Ivan Koniev. Trên mặt đồng hồ của tòa tháp Saviour hùng vĩ đứng sừng sững ở lối vào, kim đồng hồ chỉ gần 5 giờ chiều.

       Băng qua khoảng sân trong lộng gió, hai chiếc xe sĩ quan tiến vào quần thể kiến trúc gồm những tòa lâu đài có bích họa, những thánh đường có mái vòm mạ vàng và những tòa nhà chính phủ sơn màu vàng, nơi từng thuộc về Sa hoàng và các hoàng tử, rồi chạy đến trung tâm của điện Kremlin.

       Đến gần tháp chuông tưởng niệm Ivan Đại đế xây bằng gạch trắng có từ thế kỷ 17, xe chạy chậm lại, lăn bánh qua một hàng đại pháo cổ xưa rồi dừng bên ngoài một tòa nhà dài, cao ba tầng màu cát. Một lát sau, hai người đàn ông mặc đồng phục màu nâu xám may đo cẩn thận, cầu vai bằng vàng nặng nề có một ngôi sao bề ngang khoảng hai phân rưỡi, tượng trưng cho cấp bậc nguyên soái của Liên Xô bước vào thang máy, đi lên văn phòng của Stalin trên tầng hai.

       Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, vây quanh bởi các sĩ quan phụ tá và lực lượng tháp tùng, hai người họ lịch sự nói mấy câu chuyện phiếm. Người bình thường nhìn vào sẽ tưởng họ là bạn thân. Nhưng thực chất, họ là kỳ phùng địch thủ.

      Cả Zhukov và Koniev đều đã đạt tới đỉnh vinh quang nghề nghiệp. Cả hai đều là người theo chủ nghĩa hoàn mỹ, thực dụng và can trường, các sĩ quan đều coi việc được phục vụ dưới quyền họ vừa là một vinh dự, vừa là một trách nhiệm tuyệt vời. Zhukov khá thấp, đậm người, bề ngoài có vẻ ôn hòa và cũng là người nổi tiếng hơn, được cả công chúng thần tượng và được coi là quân nhân vĩ đại nhất Liên Xô. Cũng có những sĩ quan xem ông là một con quái vật.

      Zhukov là một quân nhân chuyên nghiệp, khởi nghiệp từ một binh nhì trong Kỵ binh Hoàng gia của Sa hoàng. Khi Cách mạng Nga nổ ra năm 1917, ông tham gia quân cách mạng; là một kỵ binh Liên Xô, ông đã chiến đấu dũng cảm và ác liệt với những kẻ chống Bolshevik, và sau nội chiến được thăng làm sĩ quan Hồng quân.

      Dù có óc sáng tạo phi thường cùng tài chỉ huy bẩm sinh, Zhukov sẽ vẫn chỉ là một sĩ quan vô danh nếu như Stalin không tiến hành thanh trừng các tướng lĩnh Hồng quân một cách đẫm máu vào những năm ba mươi. Phần lớn số bị thanh trừng đều là cựu binh của cuộc cách mạng, nhưng Zhukov lại thoát, có lẽ vì con người ông thiên về “quân đội” hơn là “đảng phái.” Cuộc trừ khử tàn nhẫn những người cũ mở đường thăng quan tiến chức nhanh chóng cho ông. Đến năm 1941, ông đã lên được vị trí cao nhất trong giới quân sự Liên Xô: Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô.
...............................
(*): Trong một cuộc phỏng vấn có ghi âm khá dài và chi tiết với tác giả.
     
       Zhukov được coi là “người lính của lính.” Có lẽ vì bản thân từng là một binh nhì, ông nổi tiếng là khoan dung với binh lính. Miễn là quân của ông chiến đấu tốt, ông coi chiến lợi phẩm mà họ cướp bóc được là những thứ họ đáng được hưởng. Nhưng với các sĩ quan ông lại rất nghiêm khắc. Các tư lệnh cấp cao khi không hoàn thành nhiệm vụ thường bị sa thải ngay tại chỗ và bị phạt vì đã thất bại. Hình phạt thường là một trong hai kiểu: viên sĩ quan bị đưa đến một tiểu đoàn trừng giới(*), hoặc phục vụ ở nơi nguy hiểm nhất ngoài mặt trận với tư cách là một binh nhì. Đôi khi người đó được lựa chọn.

       Một lần, trong chiến dịch Ba Lan năm 1944, Zhukov cùng với Nguyên soái Konstantin Rokossovskii và Đại tướng Pavel Batov, tư lệnh Tập đoàn quân 66 đứng quan sát đoàn quân hành quân. Đang quan sát bằng ống nhòm, đột nhiên Zhukov hét với Batov: “Đưa thằng tư lệnh quân đoàn với thằng tư lệnh Sư đoàn bộ binh 44 vào tiểu đoàn trừng giới!”

       Cả Rokossovskii và Batov cùng xin cho hai vị tướng. Rokossovskii cứu được vị tư lệnh quân đoàn. Nhưng Zhukov kiên quyết đối với người sĩ quan kia. Vị tướng đó bị giáng chức ngay lập tức, bị đưa ra ngoài trận tuyến và phải chỉ huy một cuộc tấn công tự sát. Ông ta nhanh chóng bị giết. Sau đó Zhukov đề nghị truy tặng người sĩ quan đã hi sinh đó danh hiệu quân sự cao quý nhất của Nga, Anh hùng Liên Xô.

       Zhukov từng ba lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô – và đối thủ cạnh tranh của ông là Koniev cũng vậy. Cả hai nguyên soái đều có hàng đống danh hiệu, nhưng trong khi danh tiếng của Zhukov đã lan rộng khắp Liên Xô, thì Koniev vẫn còn khá vô danh – và điều đó thật khốn khổ.

       Koniev là một người cao ráo, mạnh mẽ, cộc cằn với đôi mắt xanh lấp lánh vẻ sắc sảo. Ông 48 tuổi, nhỏ hơn Zhukov một tuồi, và sự nghiệp của ông cũng giống với Zhukov về một số mặt. Ông cũng từng chiến đấu cho Sa hoàng, rồi chuyển qua quân cách mạng và tiếp tục phục vụ trong quân đội Liên Xô.

        Nhưng có một điểm khác biệt, và đối với những người như Zhukov thì đó là một khác biệt lớn. Koniev bước vào Hồng quân với tư cách một chính ủy, và dù ông đã chuyển qua làm tư lệnh vào năm 1926 và trở thành một sĩ quan bình thường, thì đối với những người lính khác, lý lịch của ông vĩnh viễn có tì vết.

       Các chính ủy luôn bị binh lính căm ghét. Bởi vì, họ có quyền lớn đến nỗi tư lệnh không thể đưa ra mệnh lệnh nào trừ phi đã được chính ủy đồng cấp tiếp ký. Dù trung thành với Đảng, Zhukov chưa từng xem những người từng là chính ủy là quân nhân thực thụ. Trong những năm trước chiến tranh, ông luôn khó chịu khi ông và Koniev cùng chỉ huy một nơi, rồi có quá trình thăng chức tương tự nhau. Stalin đã tự tay chọn họ cho bộ khung tướng lĩnh trẻ tuổi của mình trong những năm ba mươi, và ông ta biết rõ quan hệ đối chọi căng thẳng giữa hai người: ông ta dùng điểm này để kiềm chế cả hai.

      Dù có kiểu cách bộc trực, thô lỗ, giới quân sự thường coi Koniev là người sâu sắc và có học vấn hơn trong hai người. Cực mê đọc sách, ông có một thư viện nho nhỏ trong Bộ chỉ huy của mình và thường khiến các sĩ quan của ông phải ngạc nhiên bằng cách trích dẫn các câu thơ của Turgenev và Pushkin. Từ cấp bậc và hồ sơ của đội quân của ông, có thể thấy ông là người nghiêm khắc chấp hành kỷ luật.

      Nhưng không như Zhukov, ông khá chừng mực với các sĩ quan, và dành cơn thịnh nộ cho kẻ thù. Trên chiến trường, ông có thể rất dã man. Trong một giai đoạn của chiến dịch Dnieper, sau khi quân của ông đã bao vây mấy sư đoàn Đức, Koniev yêu cầu bọn họ đầu hàng ngay lập tức. Khi quân Đức từ chối, ông ra lệnh cho quân Cossack cầm kiếm nhẹ tấn công. Ông nói với Milovan Djilas, trưởng Phái bộ Quân sự Nam Tư tại Moscow vào năm 1944 rằng, “Chúng tôi để quân Cossack chém thỏa thích. Thậm chí họ còn cắt cụt tay mấy kẻ giơ tay xin hàng.”

       Ít nhất về mặt này thì cả Zhukov và Koniev đều giống nhau: họ không thể tha thứ cho tội ác của bọn Nazi. Họ không hề có lòng nhân từ hay thương hại dành cho người Đức.

      Giờ đây, hai vị nguyên soái đi dọc theo hành lang tầng hai về phía dãy văn phòng của Stalin, cả hai đều khá chắc chắn vấn đề sẽ được bàn bạc là về Berlin.

      Kế hoạch dự kiến là Phương diện quân Belorussia số 1 của Zhukov ở Trung tâm sẽ chiếm thành phố. Phương diện quân Belorussia số 2 của Rokossovskii tiến về phía bắc, còn Phương diện quân số 1 Ukraine của Koniev ở phía nam có thể sẽ được yêu cầu hỗ trợ.

      Nhưng Zhukov quyết tự chiếm Berlin. Ông không định xin trợ giúp – đặc biệt là từ Koniev. Tuy nhiên, Koniev cũng suy nghĩ khá nhiều về Berlin. Quân của Zhukov có thể bị địa hình cầm chân – nhất là ở cao nguyên Seelow nằm ngay sau bờ tây sông Oder, vốn được phòng thủ kiên cố. Nếu điều đó xảy ra, Koniev nghĩ mình sẽ có cơ hội phỗng tay trên của Zhukov. Thậm chí ông đã có kế hoạch hành động sơ bộ trong đầu. Tất nhiên mọi chuyện còn phụ thuộc vào Stalin, nhưng lần này Koniev cực kỳ hi vọng có thể đánh bại Zhukov và giành được vinh quang mà ông chờ đợi đã lâu. Nếu cơ hội đến, Koniev nghĩ ông sẽ cùng đối thủ của mình tranh Berlin.

       Đi nửa chừng hành lang trải thảm đỏ, các sĩ quan tháp tùng đưa Zhukov và Koniev vào một phòng họp. Căn phòng đó có trần cao, khá hẹp, chiếc bàn dài vĩ đại bằng gỗ gụ bóng loáng choáng gần hết phòng, có ghế đặt xung quanh. Hai chùm đèn treo nặng nề với những bóng đèn trong suốt treo lủng lẳng bên trên chiếc bàn. Ở một góc căn phòng, có một chiếc bàn làm việc nhỏ và một chiếc ghế da, trên bức tường gần đó treo một bức chân dung Lenin lớn. Cửa sổ được kéo rèm kín và trong phòng không có cờ hay phù hiệu. Tuy nhiên, trong phòng có hai bản in thạch bằng crom, lồng trong các khung màu tối y hệt nhau, của hai tring số các nhà quân sự nổi tiếng nhất của Nga: Đại nguyên soái tài ba Aleksandr Suvorov của Nữ hoàng Catherine II và Đại tướng Mikhail Kutuzov, người đã tiêu diệt đội quân của Napoleon vào năm 1812. Ở đầu kia căn phòng có hai cánh cửa dẫn vào văn phòng riêng của Stalin.

       Hai nguyên soái không lạ lẫm gì với cảnh vật xung quanh. Zhukov từng làm việc trong sảnh này khi ông làm Tổng tham mưu trưởng vào năm 1941; và cả hai từng nhiều lần gặp Stalin ở đây. Nhưng cuộc họp này không phải là một buổi gặp riêng. Trong vòng mấy phút sau khi hai vị nguyên soái đi vào phòng, theo sau họ là bảy người quan trọng nhất của Liên Xô trong thời chiến sau Stalin – các thành viên của Ủy ban Quốc phòng Liên bang, cơ quan toàn quyền ra quyết định của bộ máy chiến tranh Liên Xô.
.............................
       (*) Tiểu đoàn trừng giới (penal battalion, tiếng Nga là Shtrafbat) là nơi những người có tội bị buộc phải phục vụ trong Thế chiến thứ hai. Họ chủ yếu là những người đào ngũ, bị buộc tội hèn nhát, tù nhân chiến tranh của Liên Xô và các tù nhân trong trại lao động Gulag (cả tội phạm thường và tội phạm chính trị) – ND.
       Không có lễ nghi chính thức hay chia theo cấp bậc, các lãnh đạo Liên Xô đi vào phòng:

      Bộ trưởng Ngoại giao Vyacheslav M. Molotov, Phó Chủ tịch Ủy ban.

      Lavrenti P. Beria, một người cận thị có vóc người chắc nịch, lãnh đạo lực lượng cảnh sát mật và là một trong những người được e sợ nhất ở Nga.

     Georgi M. Malenkov, viên thư ký mập mạp của Ủy ban Trung ương của Đảng Cộng sản và là quản lý Cục Hậu cần Quân sự.

      Anastas I. Mikoyan, có gương mặt gầy gầy, sống mũi khoằm, Điều phối viên Sản xuất.

      Nguyên soái Nikolai A. Bulganin, có bề ngoài quý phái và chòm râu dê, Đại biểu của Bộ chỉ huy Tối cao ở mặt trận Liên Xô.

       Lazar M. Kaganovich, tính tình lãnh đạm, có hàng ria mép, Chuyên viên Vận tải, người Do Thái duy nhất trong Ủy ban.

      Nikolai A. Voznesenskii, nhà lập kế hoạch và quản lý kinh tế.

      Đại diện cho bên quân sự là Tổng tham mưu trưởng, Đại tướng A. A. Antonov và Tư lệnh hành quân, Đại tướng S. M. Shtemenko.

       Khi các lãnh đạo hàng đầu của Liên Xô an vị, cánh cửa văn phòng ngài Chủ tịch mở ra và bóng dáng thấp đậm của Stalin xuất hiện.

       Ông ta mặc một bộ đồng phục màu vàng mù tạt đơn giản, không có cầu vai hay phù hiệu cấp bậc; mỗi ống quần có một đường sọc đỏ, mang đôi ủng đen mềm cao tới gối. Phía bên trái bộ quần áo là món trang sức duy nhất ông mang: ngôi sao vàng kim có viền đỏ của Anh hùng Liên Xô. Miệng ông ngậm một điếu thuốc yêu thích: một điếu Dunhill của Anh. Ông dùng rất ít thời gian để chào hỏi theo lễ nghi. Sau này Koniev nhớ lại, “Trước lúc Stalin bắt đầu nói chuyện, chúng tôi hầu như không kịp chào hỏi nhau.”(*)

      Stalin hỏi Zhukov và Koniev mấy câu về tình hình mặt trận. Rồi đột nhiên ông vào thẳng vấn đề. Bằng chất giọng trầm, cùng ngữ điệu ngân nga như hát đặc trưng của Georgia, ông nói nhẹ nhàng với hiệu quả lớn: “Mấy đồng minh bé nhỏ (soyuznichki) định tới Berlin trước Hồng quân.”  Ông chờ một lúc rồi mới nói tiếp. Stalin nói ông đã nhận được thông tin về kế hoạch của Anh-Mỹ, và rõ ràng là “ý định của họ không giống như ‘đồng minh.’” Ông không đề cập tới bức điện của Eisenhower đêm hôm trước, cũng không đưa ra nguồn gốc thông tin đó. Ông quay  qua Đại tướng Shtemenko và nói: “Đọc báo cáo đi.”

      Shtemenko đứng dậy. Ông đọc, các cánh quân của Eisenhower định bao vây và tiêu diệt vùng Ruhr, rồi tiến về hướng Leipzig và Dresden. Nhưng “dọc đường” họ định chiếm luôn Berlin. Viên đại tướng nói, mấy chuyện này “sẽ trông như thể họ giúp Hồng quân vậy.”

       Nhưng rõ ràng “mục đích chính của Eisenhower” là chiếm Berlin trước khi quân Liên Xô tới. Hơn nữa, ông nhấn nhá ngữ điệu, Stavka (Bộ Chỉ huy tối cao của Stalin) vừa biết được là “có hai sư đoàn không vận của Đồng minh đang chuẩn bị đổ bộ xuống Berlin.”(**)

        Sau này khi kể về cuộc họp, Koniev nhớ lại rằng kế hoạch của quân Đồng minh, theo Shtemenko mô tả, có bao gồm một cuộc tấn công do Montgomery chỉ huy về phía bắc vùng Ruhr “theo tuyến đường ngắn nhất dẫn tới Berlin, tách biệt với các cánh quân khác của Anh.” Koniev nhớ là Shtemenko kết thúc “bằng câu ‘theo mọi dữ liệu và thông tin, bộ chỉ huy Anh-Mỹ xem kế hoạch này – tức chiếm Berlin sớm hơn Hồng quân – là hoàn toàn thực tế và công cuộc chuẩn bị cho nó đang hoạt động hết công suất.”(***)

       Nguồn tin của bản báo cáo mà Đại tướng Shtemenko đọc chưa từng được công bố. Theo đánh giá của tác giả, nó có thể là một đánh giá quân sự được phóng đại lên quá cỡ từ bức điện của Eisenhower đêm hôm trước – một đánh giá một phần dựa trên sự nghi ngờ về động cơ của Eisenhower, một phần nhằm đưa ra cơ sở hợp lý cho các mục tiêu của Stalin.

       Khi Shtemenko đọc xong bản đánh giá quân sự, Stalin quay sang hai vị Nguyên soái. Ông nhẹ nhàng nói, “Vậy, ai sẽ chiếm Berlin? Chúng ta hay quân Đồng minh?”.

       Sau này, Koniev tự hào nhớ lại rằng ông là người đầu tiên trả lời. Ông nói:
     “Là chúng ta, và sẽ làm trước bọn Anh-Mỹ.”

      Stalin nhìn Koniev, khẽ mỉm cười. Ông lại nói nhẹ nhàng, bằng cách nói hài hước vụng về:

    “Vậy, anh là kiểu đồng chí như thế đó à?”

     Rồi theo như Koniev nhớ lại, chỉ trong chớp mắt, Stalin trở nên lạnh lùng hơn, giống như đang bàn chuyện làm ăn, đưa ra vấn đề. Chính xác thì Koniev, vốn đang ở phía nam, định làm thế nào để kịp thời chiếm được Berlin? Stalin hỏi, “Không phải là quân của anh sẽ cần một cuộc tái tổ chức trên diện rộng hay sao?”.

       Koniev nhận ra cái bẫy quá trễ. Stalin lại dùng mấy trò cũ của ông ta, lấy người này đấu với người khác, nhưng đến lúc nhận ra điều này thì Koniev đã bắt đầu trả lời rồi. Ông nói, “Thưa đồng chí Stalin, chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết. Chúng tôi sẽ kịp thời tái tổ chức để chiếm Berlin.”
.............................
    (*) Các trích dẫn từ phía Nga, nếu không phải là được cung cấp như các nguồn tài liệu khác của Liên Xô được sử dụng trong cuốn sách này, thì là có được trong chuyến đi nghiên cứu đến Moscow vào tháng 4/1963. Chính phủ Liên Xô cho phép tác giả, có giáo sư John Erickson của Đại học Manchester hỗ trợ, được phỏng vấn những người tham gia vào cuộc chiến Berlin – từ nguyên soái tới binh nhì. Vị nguyên soái duy nhất của Liên Xô mà tác giả bị cấm phỏng vấn là Zhukov. Những người khác – như Koniev, Sokolovskii, Rokossovskii và Chuikov, mỗi người cho phỏng vấn trong khoảng ba tiếng. Ngoài ra, tác giả còn được phép tiếp cận với các hồ sơ lưu trữ quân sự và được phép sao chép và mang ra khỏi Nga các tài liệu đồ sộ, gồm các bản đồ chiến đấu, báo cáo sau khi hành động, công trình nghiên cứu, ảnh và lịch sử quân sự trước đó chỉ lưu hành trong nội bộ chính phủ Liên Xô.

   (**) Tất nhiên, điều này là đúng.

    (***) Buổi họp mang tính quyết định của Stalin cùng các vị nguyên soái được biết đến rộng rãi trong giới quân sự cấp cao của Liên Xô, dù trước đó chưa từng được công bố với phương Tây. Về cuộc họp này, đã có nhiều phiên bản xuất hiện trong lịch sử quân sự Nga và các nhật ký. Trong đó có biên bản cuộc họp của Zhukov dành cho ban tham mưu của ông, được nhà sử họ Nga, Trung tướng N. N. Popiel ghi lại. Nguyên soái Koniev giải thích bối cảnh cuộc họp cho tác giả và cung cấp các chi tiết mà cho tới nay chưa từng được biết. Ông cũng kể lại môt phần các chi tiết trong phần đầu cuốn hồi ký của mình, được xuất bản tại Moscow năm 1965. Có một vài điểm khác biệt giữa bản của ông với của Zhukov. Ví dụ như, Zhukov không nhắc tới cuộc tấn công vào Berlin của Montgomery; Koniev thì không đề cập đến cuộc đổ bộ dự kiến của sư đoàn không vận Anh-Mỹ xuống thành phố.
  
       Đó chính là thời cơ Zhukov đang chờ đợi. Ông hỏi nhẹ nhàng, gần như trịch thượng, “Tôi nói một câu được không?” .Ông không hề đợi câu trả lời. Ông gật đầu với Koniev và nói, “Người của Phương diện quân Belorussia số 1 không cần tái tổ chức. Họ đã sẵn sàng rồi. Chúng tôi đang nhắm thẳng tới Berlin. Chúng tôi cách Berlin gần nhất. Chúng tôi sẽ chiếm Berlin.”

       Stalin yên lặng nhìn hai người. Một lần nữa, ông lại mỉm cười thoáng qua. Ông hòa nhã nói, “Rất tốt. Cả hai anh sẽ ở lại Moscow và chuẩn bị kế hoạch của mình cùng với Bộ tổng tham mưu. Tôi muốn kế hoạch phải sẵn sàng trong 48 giờ. Rồi các anh sẽ quay về mặt trận, khi đó mọi thứ đã được quyết định.”

       Cả hai người đều sốc vì thời gian chuẩn bị kế hoạch quá ngắn ngủi. Cho tới giờ, họ đều biết rằng hạn định tấn công Berlin là đầu tháng 5. Giờ rõ ràng Stalin muốn họ tấn công sớm mấy tuần.

      Nhất là với Koniev, đây là một suy nghĩ khiến ông giật mình. Dù ông đã có kế hoạch dự định, mà ông tin nó sẽ giúp ông đến Berlin trước Zhukov, nhưng ông vẫn chưa viết gì trên giấy. Giờ cuộc họp khiến ông đau đầu nhận thấy có nhiều vấn đề hậu cần quan trọng cần giải quyết nhanh chóng. Phải nhanh chóng vận chuyển mọi thứ trang thiết bị và đồ tiếp tế ra ngoài mặt trận.

       Tệ hơn, Koniev còn bị thiếu quân. Sau trận chiến ở Thượng Silesia, một phần đáng kể quân số của ông vẫn đang ở phía nam. Một số cách Berlin rất xa. Cần đưa những nhóm quân này đi ngay lập tức, thành ra một vấn đề vận chuyển nghiêm trọng nữa.

      Nghe Stalin nói, Zhukov cũng lo không kém. Dù ban tham mưu của ông đã chuẩn bị cho cuộc tấn công, nhưng ông vẫn chưa sẵn sàng. Các tập đoàn quân của ông đã vào vị trí, nhưng ông cũng vẫn đang vội vàng đưa đồ tiếp tế và quân thay thế ra mặt trận để bổ sung cho các lực lượng đã suy kiệt nặng nề của mình. Một số sư đoàn của ông, thường có 9.000 đến 12.000 lính, giờ chỉ còn có 3.500.

      Zhukov tin là chiến dịch Berlin sẽ vô cùng khó khăn và ông muốn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi khả năng. Ban tình báo của ông đã báo cáo rằng “công tác phòng thủ của thành phố cùng các vùng lân cận đã được chuẩn bị cẩn thận và kiên cố. Mỗi con đường, quảng trường, ngã tư, nhà cửa, kênh đào và cầu đều là một phần trong hệ thống phòng thủ chung…” Giờ, cần phải đẩy nhanh tiến độ mọi chuyện nếu ông muốn đánh bại phương Tây trên đường tới Berlin. Chừng nào ông có thể tấn công được? Đó là câu hỏi Stalin muốn được trả lời – và phải nhanh chóng.

       Khi cuộc họp kết thúc, Stalin lại nói tiếp. Giọng ông không có chút ấm áp nào. Ông nhấn mạnh với hai vị nguyên soái: “Tôi phải nói với hai anh là ngày mở đầu chiến dịch là điểm mà chúng ta đặc biệt chú ý đấy.”

      Quan hệ đối địch giữa hai vị tư lệnh, vốn chưa bao giờ bị ẩn giấu quá sâu, giờ lại sôi bùng lên lần nữa. Khẽ gật đầu với mấy người xung quanh, Stalin quay lưng lại và rời khỏi phòng.

       Giờ đây, dù kế hoạch của ông đã bắt đầu tiến hành, vị Chủ tịch Liên Xô vẫn còn phải đối mặt với một nhiệm vụ quan trọng: chi tiết cẩn thận cho lời hồi âm cho bức điện của Eisenhower.

      Stalin bắt đầu làm việc với bản thảo đã soạn sẵn. Đến 8 giờ tối, bức điện hồi âm của ông đã xong và được gửi đi. Stalin viết, “Tôi đã nhận được bức điện của ngài ngày 28/3. Kế hoạch cắt đôi quân Đức bằng cách phối hợp… với quân Liên Xô hoàn toàn phù hợp với kế hoạch của Bộ Tư lệnh Tối cao Liên Xô.”

       Stalin hoàn toàn nhất trí rằng nơi hội quân sẽ là ở vùng Leipzig-Dresden, vì “mũi tấn công chủ lực của quân Liên Xô” sẽ đi “theo hướng đó.” Còn về ngày tấn công của Hồng quân? Stalin đặc biệt lưu ý đến điều đó. Nó sẽ rơi vào “khoảng nửa sau của tháng năm.”

       Phần quan trọng nhất trong bức điện của ông nằm ở đoạn thứ ba. Trong đó, ông nhấn mạnh rằng mình không quan tâm lắm đến thủ đô của Đức. Ông khẳng định, “Berlin đã mất tầm quan trọng chiến lược trước kia của nó.” Thực sự thì, Stalin nói nó đã trở nên kém quan trọng tới mức “Do đó, Bộ Tư lệnh Tối cao Liên Xô định để các lực lượng thứ yếu tiến về Berlin.”

                                   ************
       Winston Churchill đã hội ý với Bộ Tổng tham mưu Anh quốc gần cả buổi chiều. Ông thấy hoang mang và phiền muộn. Sự hoang mang của ông bắt nguồn từ một bức điện của Eisenhower, đã bị bóp méo trong quá trình chuyển đi.

      Trong bức điện Churchill nhận được có một câu rằng: “Montgomery sẽ chịu trách nhiệm tuần tra…”

     Churchill đã sắc sảo hồi âm rằng ông thấy quân lực Hoàng gia của mình đang bị “giao cho… một phạm vi hoạt động hạn chế ngoài dự kiến.” Eisenhower bối rối đánh điện trả lời: “Tôi cảm thấy bất an, nếu không muốn nói là bị tổn thương… Ý của tôi không phải vậy và tôi nghĩ lời lẽ mình đã dùng… không hề thể hiện ý như vậy.”

      Thì ra Eisenhower chưa từng dùng cụm từ “các nhiệm vụ tuần tra.” Ông đã nói là “các nhiệm vụ đó,” và làm sao đó mà cụm từ này bị truyền sai. Churchill khó chịu trước một việc không đáng kể, nhưng lại là giọt nước tràn ly.

      Có một việc không phải không đáng kể, trong mắt ngài thủ tướng, là sự lãnh đạm kéo dài của Mỹ đối với Berlin. Với sự ngoan cường đặc trưng trong cả đời mình, giờ ông phải đương đầu với cả hai vấn đề một lúc – mối quan hệ đồng minh và Berlin. Trong một bức điện dài gửi cho Roosevelt đang đau ốm – bức điện đầu tiên mà ông gửi cho Roosevelt kể từ vụ lùm xùm về bức điện SCAF 252 – thoạt tiên, ngài thủ tướng dành một đoạn dài để biểu thị lòng tin tưởng tuyệt đối của ông vào Eisenhower. Rồi “đã xóa bỏ hết các hiểu lầm giữa những người đồng minh và bằng hữu chân thành nhất từng kề vai sát cánh chiến đấu cùng nhau”.

        Churchill gắng sức nhấn mạnh sự cấp bách cần chiếm thủ đô nước Đức. Ông tranh luận rằng “Không gì có thể tạo nên cảm giác tuyệt vọng với quân Đức… bằng sự sụp đổ của Berlin. Đó sẽ là tín hiệu thất bại tột cùng… Nếu [Nga] chiếm được Berlin, chẳng phải họ sẽ khắc sâu trong tâm trí rằng mình là người góp công lớn nhất vào chiến thắng chung hay sao, và chẳng phải điều này sẽ khiến họ có tâm thế tự cao, gây ra những khó khăn nghiêm trọng trong tương lai? Do đó, cân nhắc điều này trên lập trường chính trị… tôi cho là chúng ta nên chiếm Berlin…”

       Ngày hôm sau, phiền não của Churchill càng sâu thêm khi nhận được bản sao của bức điện Stalin gửi cho Eisenhower. Ngài thủ tướng thấy nội dung của nó rất khả nghi. 10:45 đêm hôm đó, ông điện cho Eisenhower, “Đọc bức điện hồi âm từ Moscow gửi cho ngài xong, tôi càng tin rằng ta cần chiếm Berlin, khả năng này đang để ngỏ cho chúng ta, nhất là ở đoạn thứ ba có viết ‘Berlin đã mất tầm quan trọng chiến lược trước kia của nó.’ Câu này nên được hiểu theo những gì tôi đã nói về khía cạnh chính trị.” Churchill sốt sắng nói thêm là giờ ông thấy rằng “quan trọng là chúng ta nên phối hợp với quân Nga càng xa về phía đông càng tốt…”

       Bất chấp tất cả, quyết tâm của Churchill dành cho Berlin vẫn không suy suyển. Ông vẫn rất lạc quan. Kết thúc bức điện gửi Eisenhower, ông viết: “Có thể sẽ có nhiều chuyện xảy ra ở phương Tây, trước ngày mở đầu cuộc tấn công chủ lực của Stalin”.

      Giờ đây, hi vọng lớn lao của ông là động lực và lòng hăng hái của quân Đồng minh sẽ đưa họ đến Berlin trước ngày Stalin phát động tấn công.

                                ***************
        Ở bộ chỉ huy của Stalin, hai nguyên soái Zhukov và Koniev đang chạy đua với thời gian. Đến thứ ba ngày 3/4, đúng hạn sau 48 giờ, kế hoạch của họ đã sẵn sàng. Họ gặp Stalin một lần nữa.

       Zhukov trình bày trước. Ông đã suy tính về cuộc tấn công nhiều tháng nay và các bước đi dự kiến cho Phương diện quân Belorussia số 1 hùng hậu của ông đã nằm trong lòng bàn tay.

      Ông nói, cuộc tấn công chính sẽ diễn ra trước bình minh, từ đầu cầu dài 44 km trên sông Oder, phía tây Küstrin – ngay chính diện Berlin. Các cuộc tấn công khác ở phía bắc và phía nam sẽ hỗ trợ cho cuộc tấn công này.

     Công tác hậu cần của Zhukov khá là đáng kinh ngạc. Có không ít hơn hai tập đoàn quân xe tăng và bốn tập đoàn quân thường sẽ được sử dụng cho cuộc tấn công chính, còn mỗi cuộc tấn công phụ trợ thì có hai tập đoàn quân.

       Tính cả các lực lượng thứ chính hỗ trợ đằng sau, ông sẽ có 768.100 quân. Quyết không phụ thuộc vào may rủi, Zhukov hi vọng sẽ chiếm được đầu cầu Küstrin bằng cách bố trí tối thiểu 250 khẩu pháo mỗi kilomet – tương đương cứ 4 mét một khẩu! Ông định mở đầu cuộc tấn công với màn nã pháo từ 11.000 khẩu pháo, chưa tính mấy khẩu súng cối có đường kính nhỏ hơn.

      Giờ ông đi vào phần ưa thích trong kế hoạch. Zhukov đã nghĩ ra một mưu kế kỳ lạ và phi chính thống để khiến quân địch hoang mang. Ông sẽ phát động tấn công từ lúc trời còn tối. Ngay lúc đó, ông định khiến quân Đức lóa mắt và mất tinh thần bằng cách chiếu thẳng 140 ngọn đèn pha rọi máy bay công suất lớn vào vị trí của địch. Ông đoán chắc kế hoạch của mình sẽ tạo nên màn thảm sát quân Đức.

      Kế hoạch của Koniev cũng đồ sộ tương tự, nhưng khó khăn và phức tạp hơn, bắt nguồn từ tham vọng của ông.

       Như sau này ông nói: “Với chúng tôi, Berlin là mục tiêu được tất cả mọi người khát khao mãnh liệt, từ lính thường  tới các tướng lĩnh đều muốn được tận mắt nhìn thấy Berlin, được tự tay chiếm lấy nó. Đây cũng là khát khao cháy bỏng của tôi… Tôi đang ngập chìm trong đó.”

       Nhưng sự thật là tính theo điểm gần nhất thì quân của Koniev còn cách thành phố hơn 75 dặm. Koniev mong tốc độ hành quân có thể bù đắp được. Ông đã khôn ngoan điều các đội xe tăng về bên phải, để cho khi nào đột phá được thì ông có thể lăn bánh về phía tây bắc và tấn công vào Berlin, có lẽ sẽ tới được thành phố trước Zhukov.

       Ông đã ấp ủ ý tưởng này nhiều tuần nay. Giờ đây, sau khi nghe Zhukov trình bày, ông hơi do dự phải đọc kế hoạch của mình. Thay vào đó, tạm thời ông đi vào chi tiết chiến dịch. Kế hoạch của ông là sẽ tấn công qua sông Neisse vào lúc bình minh, dưới sự bảo vệ của một màn khói dày đặc do các phi đội máy bay chiến đấu bay tầm thấp thải ra. Ông định dùng năm tập đoàn quân thường và hai tập đoàn quân tăng cho cuộc tấn công – tương đương 511.700 người. Đáng chú ý là ông cũng yêu cầu mật độ pháo dày đặc tương tự với Zhukov – 250 khẩu một kilomet – và thậm chí còn sử dụng nhiều hơn.

       Koniev nhớ lại, “Không như ông bạn tôi đây, tôi định bắn phá tập trung vào từng vị trí của quân thù trong hai tiếng rưỡi.”

      Nhưng Koniev rất cần thêm quân. Trong khi Zhukov có tám tập đoàn quân dọc theo sông Oder, thì bên sông Neisse, Koniev chỉ có năm. Để kế hoạch có thể tiến hành, ông cần thêm hai tập đoàn quân nữa. Sau một hồi thảo luận, Stalin đồng ý giao cho ông Tập đoàn quân 28 và Tập đoàn quân 31, vì “các mặt trận ở Baltic và Đông Phổ đã giảm đi.” Nhưng Stalin chỉ ra rằng sẽ mất nhiều thời gian để hai tập đoàn quân này tới được Phương diện quân Ukraine số 1. Vận chuyển là cả một vấn đề. Koniev quyết định đánh cược. Ông nói với Stalin rằng mình có thể bắt đầu cuộc tấn công trong khi quân tăng viện vẫn còn trên đường đi, rồi khi nào họ tới thì sẽ dùng sau.

      Sau khi nghe qua hai người trình bày, Stalin chấp nhận cả hai phương án. Nhưng Zhukov sẽ chịu trách nhiệm chiếm Berlin. Sau đó, ông sẽ hướng về trận địa ở sông Elbe. Koniev sẽ tấn công cùng ngày với Zhukov, tiêu diệt quân địch dọc mạn nam của Berlin, rồi đem quân tiến về phía Tây để gặp quân Mỹ.

      Cụm tập đoàn quân thứ ba của Liên Xô, Phương diện quân Belorussia số 2 của Nguyên soái Rokossovskii sẽ đi dọc theo hạ lưu sông Oder rồi tiến về bờ biển nằm ở phía bắc của quân Zhukov, không liên quan gì đến cuộc tấn công Berlin. Với 314.000 người, Rokossovskii sẽ tấn công sau, băng qua miền bắc nước Đức để hội quân với Anh. Tổng cộng, cả ba tập đoàn quân của Nga có 1.593.800 người.

      Vậy là Koniev được giao vai trò hỗ trợ trong cuộc tấn công Berlin. Nhưng rồi, cúi xuống tấm bản đồ trên bàn,

       Stalin vẽ một đường ranh giữa quân của Zhukov vầ Koniev. Đó là một ranh giới kỳ lạ. Nó bắt đầu từ mặt trận của Nga, băng qua sông và chạy thẳng tới thành phố Lübben có từ thế kỷ 16 nằm bên sông Spree, cách Berlin khoảng 65 dặm về hướng đông nam. Tại đó, Stalin đột nhiên ngừng vẽ. Nếu ông vẽ tiếp đường ranh đó băng qua nước Đức, thì sẽ tạo thành một ranh giới mà Koniev không được vượt qua, Phương diện quân Ukraine số 1 rõ ràng sẽ không còn tham gia vào cuộc tấn công Berlin nữa.

       Giờ Koniev thấy rất phấn chấn. Sau này ông nhớ lại, dù “Stalin không nói gì… nhưng có thể ngầm hiểu người chỉ huy mặt trận sẽ có khả năng thực hiện trận đánh mở màn.” Quân của Koniev đã được bật đèn xanh tới Berlin – nếu ông có thể, dù không có lời nào được thốt ra. Với Koniev, cứ như thể Stalin đi guốc trong bụng ông vậy. Cuộc họp kết thúc bằng cái mà ông gọi là “tiếng hô bắt đầu tranh tài bí mật… của Stalin.”

       Ngay lập tức, kế hoạch của hai nguyên soái được kết hợp lại thành chỉ đạo chính thức. Sáng hôm sau, hai vị tư lệnh đối thủ cầm mệnh lệnh trong tay, chạy xe tới sân bay Moscow trong màn sương mù dày đặc, mỗi người đều háo hức muốn về bộ chỉ huy của mình ngay.

       Mệnh lệnh của họ yêu cầu phải tấn công trước ngày Stalin nói cho Eisenhower một tháng. Vì lý do bảo mật, văn bản chỉ đạo không nêu ngày, nhưng cả Zhukov và Koniev đã nghe Stalin nói. Cuộc tấn công Berlin sẽ bắt đầu vào thứ hai ngày 16/4.

                                        ************  
       Ngay khi Zhukov và Koniev đã náo nức bắt đầu chuẩn bị đưa 13 tập đoàn quân với hơn một triệu lính vào Berlin, trực giác nổi tiếng của Adolf Hitler lóe lên. Ông ta kết luận rằng cuộc tấn công của quân Nga vào Küstrin, ngay chính diện thủ đô chỉ là một trò lừa. Mũi tấn công chính của Liên Xô sẽ nhắm vào Prague ở phía nam, chứ không phải Berlin. Chỉ có một viên tướng của Hitler là có sự sáng suốt tương tự.

      Thượng tướng Ferdinand Schörner, hiện là tư lệnh của Cụm tập đoàn quân Trung tâm, ở phía nam quân của Heinrici, cũng nhìn thấu được cái bẫy của quân Nga. Schörner cảnh báo, “Thưa Quốc trưởng, điều này đã viết trong lịch sử. Hãy nhớ lời của Bismarck, ‘Ai chiếm được Prague sẽ chiếm được châu Âu.”

       Hitler đồng ý. Schörner hung ác, vị tướng ưa thích của Quốc trưởng và nằm trong số những người kém cỏi nhất trong giới tướng lĩnh Đức, được thăng làm Thống chế ngay lập tức. Cùng lúc đó, Hitler đưa ra một chỉ thị định mệnh. Đêm ngày 5/4, ông ra lệnh chuyển bốn đơn vị thiết giáp kỳ cựu của Heinrici về phía nam – các đơn vị mà Heinrici đang dùng để cản bước quân Nga.
    4.
      Chiếc xe của Thượng tướng Heinrici chầm chậm chạy qua Berlin đổ nát, để đến điện Reichskanzlei dự cuộc họp trang trọng mà Hitler đã ra lệnh trước đó 9 ngày. Ngồi đằng sau vị tư lệnh hành quân của mình là Đại tá Eismann, Heinrici lặng lẽ nhìn chăm chăm ra ngoài đường phố cháy đen. Trong hai năm qua, ông chỉ về thành phố một lần. Giờ cảnh tượng trước mắt khiến ông choáng váng. Ông không thể nhận ra đây lại là Berlin.

      Bình thường, đi từ bộ chỉ huy của ông đến Reich-skanzlei mất khoảng 90 phút, nhưng họ đã đi gần gấp đôi khoảng đó. Đường bị tắc liên tục, buộc họ phải đi đường vòng lằng nhằng hơn. Đến cả mấy đại lộ chính cũng không thể đi qua được. Mấy chỗ khác, có những tòa nhà nghiêng đến phát ghê, chỉ chực đổ sập bất kỳ lúc nào, khiến các con đường đều trở nên nguy hiểm.

      Nước phun ra ồng ộc từ các hố bom to đùng; gas rò rỉ từ các đường ống vỡ; và khắp chốn trong thành phố đều có các khu vực bị cách ly và có biển báo “Achtung! Minen!” đánh dấu vị trí các quả bom do máy bay thả vẫn chưa nổ. Heinrici cay đắng nói với Eismann. “Vậy ra đây là những gì chúng ta có được đấy – một biển gạch vụn.”

      Dù các tòa nhà hai bên đường Wilhelmstrasse đều thành đống đổ nát, nhưng điện Reichskanzlei lại không thay đổi mấy, trừ vài chỗ hư hại nhỏ. Đến cả các lính gác SS ăn vận chỉn chu đứng ngoài cổng vào dường như cũng vẫn như xưa. Bọn họ đứng nghiêm chào khi Heinrici đi vào, Eismann theo sau. Dù bị trì hoãn nhưng viên thượng tướng vẫn đến đúng giờ.

       Cuộc họp với Hitler dự kiến bắt đầu lúc ba giờ chiều, và Heinrici đã suy nghĩ về nó khá nhiều trong mấy ngày qua. Ông định nói với Hitler và đám bậu xậu xung quanh tình hình thực sự mà Cụm Tập đoàn quân Vistula đang phải đối mặt chân thực hết mức có thể. Heinrici biết rõ nếu nói ra sẽ gặp phải nguy hiểm gì, nhưng những hậu quả đó không làm ông bận tâm. Ngược lại, Eismann rất phiền não. Sau này ông nói, “Tôi thấy Heinrici giống như đang định tấn công toàn diện vào Hitler và các cố vấn, và rất ít người có thể làm thế mà vẫn sống sót.”

      Trong đại sảnh, một viên sĩ quan SS, ăn mặc không chê vào đâu được trong chiếc áo vest trắng, quần dài đen và đôi ủng kỵ binh cao cổ bóng loáng, chào Heinrici và đưa ông đến nơi diễn ra cuộc họp trong căn hầm Führerbunker. Heinrici đã nghe nói đó là một mê cung rộng lớn gồm các cơ sở hạ tầng xây ngầm bên dưới tòa nhà thủ tướng, những tòa nhà kế bên và các khu vườn đằng sau, nhưng ông chưa từng vào trong đó. Đi theo người hướng dẫn, ông và Eismann đi xuống dưới hầm và ra ngoài vườn. Dù mặt tiền của điện Reichs-kanzlei không suy suyển gì, nhưng phần sau bị hư hại nghiêm trọng. Ngày xưa, nơi đây là những khu vườn lộng lẫy với một hệ  thống giếng phun. Giờ chúng đã biến mất, cùng với ngôi đình uống trà của Hitler và các nhà kính trồng cây đứng bên cạnh.

      Với Heinrici, noi này giống như một bãi chiến trường, với “những hố bom rộng lớn, những tảng bê tông, các pho tượng vỡ tan tành và những gốc cây bật rễ.” Giữa những bức tường ám đầy muội than của tòa nhà thủ tướng là “những cái hố đen ngòm vốn từng là cửa sổ.” Eismann nhìn cảnh điêu tàn và nhớ tới một câu trong bài “Lời nguyền của người ca sĩ” của nhà thơ Đức Uhland vào thế kỷ 19. Câu thơ đó là “Chỉ có một cây cột cao nói lên vinh quang đã biến mất; nó có thể sụp trong đêm.”

      Heinrici thực tế hơn. Ông thì thầm với Eismann, “Cứ nghĩ xem, ba năm trước Hitler nắm châu Âu trong tay, từ sông Volga tới Đại Tây Dương. Giờ ông ta ngồi trong một cái hố dưới đất.”

      Họ băng qua khu vườn và đi vào một dãy nhà hình chữ nhật có hai lính gác. Họ được yêu cầu kiểm tra giấy tờ, sau đó hai người lính gác mở một cánh cửa thép nặng nề để hai sĩ quan đi qua. Heinrici luôn nhớ rõ, khi cửa khép đánh rầm sau lưng họ, “Chúng tôi bước vào một thế giới ngầm không thể nào tin được.”

      Ở dưới đáy một cầu thang bê tông xoắn có hai sĩ quan SS trẻ tuổi đón họ trong một căn phòng nghỉ sáng trưng. Bọn họ lịch sự cất áo khoác cho hai người, và soát người cũng lịch sự như thế. Nhất là chiếc cặp táp của Eismann rất được chú ý: hồi tháng 7/1944, một chiếc cặp táp chứa bom đã suýt kết liễu mạng sống Hitler. Kể từ đó, các cận vệ của Hitler không cho phép ai tới gần ông ta mà không lục soát trước. Dù hai sĩ quan SS đã xin lỗi, Heinrici vẫn điên người vì sự sỉ nhục này. Eismann cảm thấy “thật nhục nhã khi một vị tướng của Đức lại bị đối xử như thế.”

       Cuộc lục soát kết thúc, họ được đưa vào một hành lang dài và hẹp, được ngăn làm hai khu, cái đầu tiên dẫn vào một căn phòng đợi khá thoải mái. Các chùm đèn hình vòm nhô ra trên trần, phủ sắc vàng lên mấy bức tường vữa màu be nhạt. Trên sàn trải một tấm thảm phương đông mà rõ ràng được đem xuống từ một căn phòng lớn hơn trong tòa nhà thủ tướng, vì các mép được gấp lại.

      Dù căn phòng khá thoải mái, nhưng nội thất – giống như tấm thảm – có vẻ hơi lạc lõng. Có rất nhiều ghế, một số thì đơn giản, số khác lại được bọc rất sang trọng. Một cái bàn gỗ sồi đứng dựa vào tường, mấy bức tranh sơn dầu, tranh phong cảnh lớn của họa sĩ và kiến trúc sư Đức Schinkel treo quanh phòng. Bên phải lối vào có một cánh cửa mở đi vào một phòng họp nhỏ dùng cho cuộc họp.

      Heinrici chỉ có thể ước đoán độ sâu và kích cỡ của Führerbunker. Từ những gì ông được thấy, có vẻ nó khá rộng, có các cánh cửa nằm hai bên hành lang và ở đằng xa cũng có. Từ trần nhà khá thấp, rồi các cánh cửa kim loại hẹp và không có cửa sổ, nơi này giống như hành lang của một con tàu nhỏ - trừ điều đó, theo ước đoán của Heinrici, nơi đây nằm sâu dưới đất ít nhất 12 m.

      Gần như ngay lập tức, một sĩ quan SS cao ráo ăn mặc nhã nhặn xuất hiện. Ông ta là sĩ quan phụ tá riêng kiêm cận vệ của Hitler, Đại tá Otto Günsche. Ông ta vui vẻ hỏi thăm về chuyến đi của họ và mời họ thư giãn; Heinrici chấp nhận uống một tách cà phê.

      Không lâu sau đó, những người dự họp khác cũng lục đục tới. Đầu tiên là sĩ quan quản trị của Hitler, Đại tướng Wilhelm Burgdorf. Eismann nhớ là ông ta chào họ và “ồn ào nói về thành công.” Rồi Thống chế Wilhelm Keitel, Tham mưu trưởng của OKW tới, theo sau là Himmler, Đô đốc Karl Doenitz và người nổi tiếng là tâm phúc thân cận nhất của Hitler, Martin Bormann. Nói theo Eismann, “Tất cả đều cao giọng chào hỏi chúng tôi. Nhìn thấy họ, tôi thực sự tự hào về ngài tư lệnh của mình. Với cử chỉ cứng nhắc quen thuộc của ông ấy, nghiêm túc và chuẩn mực, ông ấy là một quân nhân từ đầu tới chân giữa đám nội các đó.”

       Eismann thấy Heinrici trở nên căng thẳng khi Himmler băng qua căn phòng, đi về phía ông. Vị tướng gầm gừ khe khẽ, “Thằng cha đó sẽ không bao giờ được đặt chân vào bộ chỉ huy của tôi. Nếu thằng chả nói muốn ghé thăm, phải báo sớm cho tôi để tôi còn chuồn trước. Thằng chả làm tôi muốn ói.” Và thực vậy, Eismann nghĩ Heinrici trông hơi xanh khi Himmler bắt chuyện với ông.
      Lúc đó, Đại tướng Hans Krebs, người kế nhiệm Guderian bước vào phòng, và khi thấy Heinrici bèn bước đến chỗ ông ngay lập tức. Trước đó, Heinrici đã nghe Krebs nói về chuyện thuyên chuyển các đơn vị thiết giáp sống còn của ông sang Cụm tập đoàn quân của Schörner. Dù trách Krebs đã không mạnh mẽ phản đối quyết định đó, giờ Heinrici lại có vẻ khá thân mật với vị thủ trưởng mới của OKH. Ít nhất ông không phải tiếp tục nói chuyện với Himmler.

       Như thường lệ, Krebs vẫn khéo léo và tỏ vẻ quan tâm. Ông ta đảm bảo với Heinrici rằng mình không hề nghi ngờ gì là mọi chuyện sẽ ổn cả. Doenitz, Keitel và Bormann cùng nhập hội và nghe Heinrici đề cập đến một số vấn đề của ông. Cả ba cùng hứa sẽ ủng hộ khi Heinrici trình bày với Hitler.

      Bormann quay sang hỏi Eismann, “Anh có ý kiến gì về tình hình của Cụm tập đoàn quân không – vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến Berlin và cả nước Đức nói chung?” Eismann ngẩn ra. Khi mà quân Nga chỉ còn cách thủ đô có 38 dặm, còn quân Đồng minh thì đang tốc hành băng qua nước Đức từ phía Tây, họa có điên mới đi hỏi vậy.

      Ông thẳng thừng đáp, “Tình hình rất nghiêm trọng. Đó là lý do chúng ta ở đây.” Bormann vỗ nhẹ lên vai ông. Ông ta nói với Eismann, “Anh không nên lo lắng quá làm gì. Quốc trưởng chắc chắc sẽ giúp anh. Anh sẽ có được lực lượng anh cần.” Eismann nhìn chằm chằm ông ta. Bormann nghĩ quân từ đâu mà có cơ chứ? Nhất thời, ông có cảm giác khó chịu là mình và Heinrici là những người duy nhất còn tỉnh táo trong phòng.

     Càng lúc càng nhiều sĩ quan và tham mưu bước vào hành lang vốn đã đầy ắp người. Tư lệnh hành quân của Hitler, Đại tướng Alfrd Jodl, và thành viên Ban tham mưu của OKW, chịu trách nhiệm về hậu cần và quân tăng viện, Thiếu tướng Walter Buhle cùng bước vào. Gần như ai cũng có một sĩ quan phụ tá, một lính cần vụ hoặc một người cấp phó đi cùng. Tiếng ồn ào hỗn loạn của bọn họ làm Eismann liên tưởng tới một bầy ong.

       Heinrici đứng yên lặng trong hành lang chật ních người, chủ động lắng nghe tiếng trò chuyện râm ran. Chủ yếu là những chuyện nhỏ nhặt, linh tinh và chẳng có gì liên quan. Căn hầm và bầu không khí nơi đây thật ngột ngạt và không thực.

      Heinrici có cảm giác bất an là những người thân cận với Hitler đã rút vào một thế giới trong mơ, tại đó họ tự huyễn hoặc bản thân rằng phép màu sẽ xuất hiện và thảm họa sẽ tiêu tan. Giờ đây, trong lúc chờ đợi người họ tin sẽ đem lại phép màu, thình lình cả hành lang rúng động. Đại tướng Burgdorf giơ tay lên cao vẫy vẫy ra hiệu im lặng. Ông nói, “Thưa các quý ông, thưa các quý ông, Quốc trưởng sắp đến rồi”.

       “Gustav! Gustav!” Radio vang lên mật mã cảnh báo của Tempelhof khi có máy bay xuất hiện tại quận này. Trong văn phòng của các trưởng ga nằm dọc theo đường tàu điện ngầm U-Bahn, loa phóng thanh kêu to, “Mối nguy hiểm 15!” Một cuộc không kích trên toàn thành phố nữa lại bắt đầu.

        Mặt đất rung chuyển. Kính vỡ bay loạn xạ. Những tảng bê tông đổ ầm ầm xuống mặt đường, và các cơn lốc bụi cuộn xoáy lên từ hàng trăm chỗ, cả thành phố bị bao phủ trong một đám mây xám đen. Đàn ông và phụ nữ nối đuôi nhau chạy, vấp ngã và chen chúc tìm đường vào các hầm trú ẩn.

       Ngay trước khi tới được chỗ trú, Ruth Diekermann nhìn lên trời và thấy các máy bay thả bom đang lớp lớp kéo tới, “giống như một băng chuyền tự động.” Ở nhà máy Krupp und Druckenmüller, Jacques Delaunay, một lao động cưỡng chế người Pháp vứt lại cánh tay người nham nhở ông vừa tìm thấy trong một chiếc xe tăng sứt sẹo mà ông đang sửa chữa, rồi chạy đi tìm chỗ trú.

       Ở Siegesallee (Tượng đài Chiến thắng), các pho tượng cẩm thạch của những nhà cai trị Brandenburg-Phổ rung chuyển rồi đổ xuống trên bệ đỡ; pho thánh giá mà nhà lãnh đạo thế kỷ XII Margrave Albert Gấu giơ cao trên tay bị sứt ra, cắm vào ngực con người lỗi lạc cùng thời với ông, Giám mục Otho ở xứ Bamberg. Tại Quảng trường Skagerrak gần đó, cảnh sát cũng chạy đi ẩn nấp, bỏ lại sau lưng xác một người treo cổ tự tử đang đong đưa trên cây.

        Một loạt bom lửa thả xuống mái khu B của nhà tù Lehrterstrasse, gây ra cả tá đám cháy ma-giê chói lọi trên tầng hai. Các tù nhân được thả ra để dập lửa, điên cuồng chạy qua đám khói cay xè, mang theo mấy xô cát. Bỗng có hai người khựng lại. Người tù ở phòng giam số 244 nhìn chăm chăm người tù ở phòng giam 247. Rồi họ ôm chầm lấy nhau. Hai anh em Herbert và Kurt Kosney giờ mới biết là họ bị giam cùng một chỗ suốt nhiều ngày nay.

       Ở Pankow, trong căn hộ hai phòng ở tầng trệt của gia đình Möhring, nơi gia đình Weltlingler đang lẩn trốn, trong nhà bếp, Siegmund ôm lấy bà vợ Margarete đang khóc lóc. Ông hét át tiếng pháo phòng không ầm ĩ, “Nếu cứ thế này, đến cả người Do Thái cũng có thể thoải mái đi xuống hầm trú ẩn thôi. Giờ người ta sợ bom thế làm sao đuổi bắt ta được nữa.”

       Rudolf Reschke, 14 tuổi chỉ kịp nhìn mấy chiếc máy bay lấp lánh bạc trên bầu trời – quá cao nên không thể chơi trò đuổi bắt nguy hiểm nó vẫn thích chơi với các oanh tạc cơ. Rồi mẹ nó hét lên gần như hoảng loạn, túm nó xuống dưới hầm, nơi đứa em gái 9 tuổi Christa đang ngồi run rẩy và khóc lóc. Dường như toàn bộ căn hầm đang rung chuyển. Vữa trên trần và trên tường rơi xuống; rồi đèn nhấp nháy và tắt phụt. Bà Reschke và Christa bắt đầu cầu nguyện thật to, một phút sau thì Rudolf nhập cuộc, họ cùng đọc bài kinh “Cha chúng ta.”

      Tiếng bom ngày càng khủng khiếp hơn và giờ căn hầm rung chuyển liên hồi. Ba người nhà Reschke từng trải qua nhiều cuộc không kích, nhưng chưa lần nào dữ dội thế này. Bà Reschke vòng tay ôm hai con, bắt đầu nức nở.

     Xưa nay Rudolf hiếm khi thấy mẹ khóc, dù nó biết bà vẫn thường lo âu, nhất là khi cha nó còn đang ở ngoài mặt trận. Đột nhiên nó thấy nổi điên với lũ máy bay vì đã làm mẹ nó sợ - và đây cũng là lần đầu tiên Rudolf thấy sợ. Nó phát hiện ra mình cũng đang khóc.

      Trước khi mẹ nó có thể cản lại kịp, Rudolf lao ra khỏi hầm. Nó chạy lên cầu thang, vào trong căn hộ ở tầng trệt của nhà mình; rồi chạy thẳng vào trong phòng mình, tới chỗ đám lính đồ chơi của nó. Nó chọn cái nhìn oai nhất trong cả đám, có những đường nét khác biệt vẽ trên khuôn mặt bằng sứ. Nó đi vào bếp và lấy con dao phay nặng nề của mẹ. Hoàn toàn quên đi cuộc không kích, Rudolf đi ra ngoài sân của tòa nhà, đặt con búp bê xuống nền, rồi một nhát cắt lìa đầu con búp bê. Nó lui lại và nói: “Đó!” Nước mắt chảy dài trên mặt, nó nhìn xuống cái đầu nghiêm trang của Adolf Hitler mà không hề hối lỗi.

                                        ************
Mục lục"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét