Trang

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

CÁC CỬA Ô CỦA HÀ NỘI TRIỀU NGUYỄN

SỐ LƯỢNG, VỊ TRÍ VÀ TÊN GỌI CÁC CỬA Ô CỦA HÀ NỘI TRIỀU NGUYỄN
***************
(Viet Cuong Sarraut sưu tầm và biên tập).

Ai cho rằng Thăng Long - Hà Nội chỉ có 5 cửa ô xin mời tham khảo bài này:

Theo sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ XIX, Hà Nội có 21 cửa ô. Nhưng sách này không liệt kê tên đầy đủ các cửa ô. Đến khi nhà Nguyễn hạ cấp kinh thành Thăng Long xuống thành một thành phố thuộc tỉnh thành Hà Nội thì số các cửa ô chỉ thấy còn 16.
Theo bản đồ Tòa thành Hà Nội (thành đất), do hai ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến dựng năm 1831, có ghi vị trí và tên 16 cửa ô. Bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 (thời gian trước khi phá thành Hà Nội) đời Tự Đức lại chỉ còn 15 cửa ô, không còn ô Nhân Hòa.
Thời xưa, đây là các cửa ra vào kinh thành. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát sự ra vào kinh thành.
Phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng và sông Tô Lịch: ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hồng có 11 cửa. Lý do là thời đó đường giao thông nối Thăng Long với các vùng khác chủ yếu là đường sông, dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc, nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài tập trung buôn bán.
Tính từ Bắc xuống Nam và theo chiều kim đồng hồ gồm có các cửa ô sau:
1* Ô YÊN HOA vị trí ở ngã 3 đê Yên Phụ với đường Thanh Niên, sau vì tránh húy mẹ vua Thiệu Trị nên đổi thành Ô Yên Phụ..
2* Ô YÊN TĨNH vị trí ở ngã 3 đê Yên Phụ với phố Cửa Bắc, sau đổi thành ô Yên Định rồi là ô Yên Ninh.
3* Ô THẠCH KHỐI vị trí ở đầu dốc Hàng Than, sau đổi là ô Nghĩa Lập.
4* Ô PHÚC LÂM vị trí ở đầu phố Hàng Đậu hay còn gọi là ô Hàng Đậu, sau đổi là ô Tiền Trung.
5* Ô ĐÔNG HÀ hay ô Quan Chưởng ở vị trí đầu phố Hàng Chiếu.
6* Ô TRỪNG THANH vị trí ở bên phải nhà tắm công cộng phố Chợ Gạo cũ.
7* Ô MỸ LỘC vị trí ở ngã 3 Trần Quag Khải - Hàng Mắm.
8* Ô ĐÔNG AN vị trí ở ngã 3 Trần Quang Khải - Hàng Thùng.
9* Ô TÂY LUÔNG vị trí ở Nhà Hát Lớn thành phố., sau đổi là ô Trường Long rồi là ô Cựu Lâu.
10* Ô NHÂN HÒA vị trí ở ngã 3 Trần Quang Khải - Trần Hưng Đạo ( sau bỏ cửa ô này)
11* Ô THANH LÃNG hay ô Đống mác vị trí ở cuối phố Lò Đúc gặp đường Trần Khát Chân, sau đổi là ô Lãng Yên.
12* Ô YÊN NINH hay còn gọi là ô Cầu Dền vị trí ở ngã tư Phố Huế- Đại Cồ Việt- Bạch Mai- Trần Khát Chân sau đổi là ô Thịnh Yên.
13* Ô KIM HOA hay còn gọi là ô Đồng Lầm vị trí ở ngã tư Lê Duân-Xã Đàn-Giải phóng- Đại Cồ Việt.
14* Ô THỊNH QUANG hay còn gọi là ô Chợ Dừa(Cầu Dừa) vị trí ở ngã 6 Tôn Đức Thắng-La Thành- phố Ô Chợ Dừa - Nguyễn Lương Bằng- Xã Đàn- Khâm Thiên. Cửa ô này sau đổi là ô Thịnh Hào.
15* Ô THANH BẢO hay còn gọi là ô Cầu Giấy vị trí ở bến xe ô tô Kim Mã (điểm giao nhau của phố Nguyễn Thái Học-Sơn Tây-Kim Mã)
16* Ô THỤY CHƯƠNG vị trí ở vườn hoa Tây Hồ đầu đường Hoàng Hoa Thám.
Ngoài ra trên tòa thành đất bao bọc vòng ngoài ta còn xác định được hai cửa ô là TRUNG HIỀN vị trí ở ngã tư Bạch Mai-Đại La-Trương Định -Minh Khai và Cửa ô TÂY DƯƠNG vị trí ở trước cây cầu Giấy bắc qua sông Tô.(tôi đã đăng bài về 2 cửa ô này)
Ngày nay tất cả các cửa ô của kinh thành Thăng Long, của Hà Nội không còn, chỉ còn lại duy nhất và nguyên vẹn cửa ô Đông Hà mà được gọi bằng cái tên thân thương là ô Quan Chưởng.Nhưng đến nay người Hà Nội vẫn hàng ngày qua lại vị trí những cửa ô đó và những cái tên cửa ô còn hiện hữu trong tâm thức người Hà Nội như: Ô Yên Phụ, ô Quan Chưởng, ô Đống Mác, ô Cầu Dền, ô Đồng Lầm, ô Chợ Dừa và ô Cầu Giấy.(Tôi đã sưu tầm và đăng riêng cả 7 cửa ô này).
Như vậy, Hà Nội không chỉ có 5 cửa ô, mà là có khoảng trên hai chục cửa ô, bao quanh khu vực nội thành ngày nay. Chắc chắn những thế kỷ trước, mỗi cửa ô đều có điếm canh, có tuần đinh cầm giáo mác, tay thước đứng bảo vệ, ngày mở, đêm đóng.
Nếu nói thay đổi thì Thế kỷ XX Hà Nội mới thay đổi nhiều. Như con tàu chầm chậm lăn bánh, sang Thế kỷ XX nó mới bắt đầu chạy nhanh, nhưng vài chục năm cuối Thế kỷ nó tăng tốc, nó mới bùng nổ một tốc độ phi thường đến mức không thể kiểm soát được. Những cửa ô cũ, những dòng tên cũ còn lại đến bao giờ chắc chưa dám nói trước, nhưng vì dân tộc, vì lịch sử, vì Tổ quốc và vì Hà Nội, nhất định chúng ta phải ra sức giữ gìn những gì nghìn năm để lại dù chỉ là trong hoài niệm.
______________

Bản đồ Thành Hà Nội và vị trí các cửa thành, các cửa ô triều Nguyễn.(Xin cảm tạ ông Lê Viêt Thái đã gửi tặng tôi tấm bản đồ này)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét