Trang

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2020

ĐÀI TƯỞNG NIỆM KHÂM THIÊN

 NHỮNG CHUYỆN ÍT NGƯỜI BIẾT
************
Bài Viet Cuong Sarraut sưu tầm và biên tập
Ảnh : Diệu Lê

Hồi 22h ngày 26/12/1972, Không quân Mỹ đã cho máy bay B52 đến ném bom rải thảm dọc phố và khu chợ Khâm Thiên phá hủy ngay lập tức 534 ngôi nhà. Tội ác Mỹ ngay lập tức làm chết 278 người, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ, 97 nam giới. Số người bị thương là 290 người; 178 trẻ em bị mồ côi ngày đó.
Cũng trong đợt ném bom cao điểm của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm năm 1972, nhiều người trong đội giải cứu phố Khâm Thiên đã kể lại cho nhau nghe về hình ảnh hai mẹ con ở ngôi nhà số 47 Khâm Thiên bị sức ép của bom B52 cướp đi sinh mạng. Người mẹ ấy chết nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt, che chở cho con. Và người con bé bỏng, tuy không còn sống nhưng tấm thân còn mềm, cánh tay vẫn bám chặt vào mẹ như muốn bấu víu vào cuộc sống mỏng manh.

Tuy không có mặt tại hiện trường cuộc giải cứu nhưng khi nghe kể về hình ảnh đau thương ấy, cảm xúc thương xót dâng trào và họa sỹ Nguyễn Tự, lúc đó công tác tại Công ty Mỹ thuật thuộc Sở Văn hóa Hà Nội đã nảy ra ý định làm một điều gì đó để tố cáo tội ác này của giặc Mỹ. Ông quyết định làm bức tượng bằng đất, lấy nguyên mẫu hình ảnh của một phụ nữ người Hà Nội đã bị chết đứng ngay chân cầu thang nhà số 47 đổ nát. “Đó là hình ảnh có giá trị tố cáo tội ác của giặc Mỹ và thể hiện tình thần bất khuất của người dân Việt trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc”,
Bức tượng được họa sỹ Nguyễn Tự khắc họa chân dung, dáng vóc của một người phụ nữ Hà Nội. Tay chị ôm đứa con đã chết. Chị đau khổ vì mất mát, nhưng không khóc lóc, bước chân nhấc lên cao đạp lên bom Mỹ. Đó là hình ảnh người phụ nữ với tinh thần mạnh hơn cái chết, hơn cả sự hủy diệt của bom đạn.

Đầu năm 1973, ngay tại vị trí ba ngôi nhà số 47, 49, 51 bị san bằng, để ghi nhận chiến công của quân dân phố Khâm Thiên, ghi dấu tội ác của giặc Mỹ ném bom hủy diệt giết hại dân thường, UBND thành phố Hà Nội đã cho dựng tấm bia: “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” bằng vật liệu gỗ và cót ép sơn màu trắng. Một thời gian sau, ý tưởng xây dựng tượng đài sao cho xứng đáng với tinh thần của nhân dân Khâm Thiên nói riêng và nhân dân Hà Nội nói chung trong đợt chiến đấu với vũ khí hủy diệt B52 của giặc Mỹ năm 1972 được phát động. Như một cơ duyên, tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Tự được chọn. Bức tượng với sự thuyết phục và mang ý nghĩa tố cáo đã nói lên tinh thần của dân tộc ta trong thời chiến.

Đến năm 1997, tượng đài được đúc bằng đồng theo nguyên mẫu tượng xi măng, đặt lên vị trí tượng cũ và đổi tên là: “Đài tưởng niệm Khâm Thiên”. Tượng xi măng được cất giữ nguyên vẹn vào phòng lưu niệm ngay trên nền của 3 ngôi nhà cùng trưng bày với các ảnh về Khâm Thiên. Đài tưởng niệm bằng đồng hiện nay vẫn đặt trước cột bia căm thù đã thay thế chỗ đặt bức tượng xi măng. Bốn góc chung quanh có trồng 4 cây đại và 2 cây ngâu.

Cuộc sống của người dân Khâm Thiên hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Những khu phố sầm uất, những dãy nhà cao tầng và cuộc sống sung túc đã xóa đi cảnh hoang tàn ngày nào. Trong sự náo nhiệt của cuộc sống hiện đại, ở góc phố Khâm Thiên vẫn còn đó một tượng đài, nơi ghi lại những tội ác mà kẻ thù đã gây nên với người dân vô tội. Tượng đài toát lên một thông điệp: Dù B52 là thứ vũ khí có sức hủy diệt kinh khủng như thế nào cũng không thể so sánh được với tinh thần, ý chí kiên cường của người dân Việt Nam nói chung, người dân Hà Nội nói riêng. Những năm qua, hàng ngày, người dân phường Khâm Thiên vẫn chăm sóc, quét dọn cho khu tưởng niệm sạch sẽ, vẫn thắp hương để tưởng nhớ những vong linh đã ngã xuống như một cử chỉ đền ơn đáp nghĩa.

47 năm qua, Đài tưởng niệm Khâm Thiên vẫn là nơi để những người thân còn sống nhớ về một nỗi đau không gì bù đắp được; nơi để thế hệ trẻ biết đến tội ác của B-52 và những gì thế hệ trước đã trải qua trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; nhắc nhở con người Việt Nam luôn phải biết trân trọng và ghi nhớ công lao của những thế hệ đi trước đã hy sinh để đem lại sự bình yên hôm nay. Đó chính là đạo lý cao đẹp của người dân Việt Nam.
____________

Đài Tưởng niệm Khâm Thiên
Foto by: Diệu Lê
825
 — cùng với Viet Cuong Sarraut.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét