Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2019

Cái chết của ba người lính ngự lâm (Chương 11-23)



CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 11: Đến lúc tác giả buộc phải vẽ chuyện một chút

Trong khi các ông vua và quần thần đang bận tâm lo cho nước Anh như thế - cái nước Anh tự trị, phải khen quá một chút là chưa từng bị cai trị một cách tồi tệ - thì có một nhân vật mà Chúa đã ghé mắt và đặt bàn tay lên một con người có tên tuổi sẽ sáng chói trong sử sách, trước mắt nhân loại, con người ấy đang theo đuổi một sự nghiệp đầy bí ẩn hiểm và táo bạo.

Người ấy tiến bước mà không một ai biết được hắn muốn đi đâu, mặc dù không chỉ riêng nước Anh mà cả nước Pháp, cả châu Âu sẽ nhìn người ấy bước đi vững vàng, đầu ngẩng cao.

Tất cả những gì thiên hạ biết về người ấy, chúng ta sẽ nói ngay đây Monck vừa tuyên bố đồng ý tán thành "tự do hoạt động" cho Nghị viện đầu thừa đuôi thẹo, hay nếu ta thích thì gọi "Nghị viện xương cụt" như thiên hạ vẫn thường nói thế. Cái nghị viện mà tướng Lambert có thời làm phụ tá cho Cromwell, bắt trước theo ông này, vừa cho phong tỏa chặt cứng để ép theo ý

Ông, phong tỏa chặt đến nỗi không một thành viên nào thoát ra được và chỉ có mỗi Pierre Wenwort mới có thể đột nhập vào thôi.

Lambert và Monck, hai nhân vật đủ tư cách đại diện cho tất cả.

Người thứ nhất là đại diện cho chế độ quân chủ chuyên chế, người thứ hai đại diện cho phe cộng hoà chính thống. Hai con người duy nhất này là đại diện chính trị của cuộc Cách mạng mà Charles I đã bị mất ngôi rồi mất đầu sau đó.

Lambert ít ra cũng không che đậy quan điểm của mình, ông tìm cách thiết lập một chính phủ hoàn toàn quân sự và sẽ tự phong làm thủ lĩ của chế độ đó.

Monck, nhân vật cộng hoà cứng nhắc, theo như một số người nói, đã muốn giữ lại cái Rump Parliamenl (1) để làm đại biểu bề ngoài cho chế độ cộng hoà đã suy thoái này. Nhưng theo một số người khác thì Monck đầy tham vọng kín đáo, chỉ muốn nghị viện mà ông bảo vệ đó là một bậc thang vững vàng để ông leo lên vị trí của Cromwell đã bị bỏ trống và nay thì ông vẫn chưa dám ngồi vào đó

Thế là Lambert, người làm nghị viện khốn đốn, và Monck, kẻ tuyên bố bảo vệ nó, trở thành thù địch và tuyên chiến với nhau. Bởi vậy Lambert và Monck đều cũng nghĩ đến việc lập một đạo quân cho riêng mình.

Monck ở Scotland với nhóm mục sư Thanh giáo và phe bảo hoàng, nghĩa là thành phần bất mãn.

Lambert ở London, nơi mà mãi mãi lúc nào cũng có một phe đối lập mạnh chống lại quyền bính trước mặt.

Monck đã lập quân đội bình định Scotland và biến nơi đó thành căn cứ. Monck biết chưa đến ngày Chúa định để làm sự thay đổi lớn, cho nên thanh kiếm của ông ta có vẻ như còn dính cứng trong bao.

Monck không thể nào bị bứng ra khỏi xứ Scotland dữ dằn và hoang vu. Ông lại là tư lệnh - vua của đạo quân mười một ngàn lính dày dạn chiến trận đã hơn một lần được ông dắt qua chiến thắng. Ông còn biết rõ tình hình London hơn cả Lembert đang đóng đô ở vùng Trung tâm. Chính trong vị thế đó mà ông đã tuyên bố đứng về phe Quốc hội khi ông ở cách London đến cả một trăm dặm. Còn Lambert thì ở kinh đô như chúng ta đã nói.

Nơi đây quy tụ mọi hoạt động của ông, nơi ông tập họp quanh mình các bạn bè thân thiết và đám thuộc hạ lúc nao cũng tán tụng, tâng bốc mình. Chính tại London, Lambert nghe nói đến việc Monck đưa lay cho Nghị viện tận từ biên giới Scotland, ông ta tính rằng không nên mất một giây phút nào cả, vì sông Tweed chỉ cách sông Tamise có một khoảng đủ cho một đạo quân bước sải là tới, nhất là khi đạo quân đó có người chỉ huy giỏi. Ngoài ra ông còn biết thêm rằng một khi bọn lính của Monck dần dần xâm nhập vào Anh quốc rồi thì họ sẽ nắn các cục tuyết - quả cầu thường tượng trưng cho vận hên, còn đối với kẻ có tham vọng thì đó là một bậc thang càng ngày càng lên cao dẫn đi đến đích. Thế là ông gom nhặt quân sĩ lại, một đội quân khủng khiếp về chất lẫn lượng để tiến nhanh đến chặn đầu Monck trong khi ông này, như một tay chèo thận trọng lèo lái giữa chốn đá ngầm, đi từng ngày từng ngày một, đánh hơi theo hướng gió, lắng nghe từng động tĩnh từ London đưa đến.

Hai đạo quân này gặp nhau ở gần Newcastle; Lambert đến trước tiên và cho đóng quân ngay trong thành phố.

Monck, luôn luôn cận mật cũng dừng quân lại và đặt đại bản doanh tại Coldstream, trên sông Tweed.

Nhìn thấy Lambert, cả đội quân của Monck hò reo phấn chấn, trái lại khi thấy Monck, đội quân của Lambert lại bấn loạn cả lên. Người ta phải nghĩ rằng mấy tay chiến đấu gan dạ này, đã từng náo động khắp phố phường London cứ tưởng lên đường hành quân sẽ chẳng đụng độ với ai cả. Giờ đây họ thấy đụng phải cả một đạo quân không phải chỉ trương ra một lá cờ mà cả một chính nghĩa, một tôn chỉ, và các chiến binh lì lợm này hôm nay bắt đầu nghĩ ra rằng họ là thứ cộng hoà thua lính của Monck vì bọn này còn ủng hộ quốc hội, trong khi Lambert chẳng ủng hộ ai, ngay cả với chính ông ta nữa.

Về phần Monck, nếu như ông ta phải suy nghĩ hay đã suy nghĩ đến rồi thì chắc ông buồn lắm, vì như lịch sử đã ghi lại, rằng cái ngày ông đến Coldstream, không tìm đâu ra được một con cừu trong cả thành phố. Nếu như Monck chỉ huy quân đội người Anh thì ông đã làm cho cả đạo quân đào ngũ mất rồi.

Nhưng người Scotland thuộc giống người nghèo khổ và thanh đạm, có thể sống bằng một chút ít lúa mạch nghiền giữa hai hòn đá, quậy với nước rồi nấu chín trên đá nóng đỏ.

Sau khi được phát lúa mạch chín rồi thì lính Scotland sẽ chẳng còn lo đến chuyện có hay không có thịt ở Coldstream.

Monck không quen ăn bánh lúa mạch nên còn thấy đói và cả bộ tham mưu, ruột cồn vào chẳng kém gì ông khi nhìn quanh nhìn quất xem còn món ăn gì nữa không. Monck cho người đi thám thính, lính trinh át đến nơi thấy thành phố bỏ hoang và chạn bếp sạch trơn, không tìm được dù chỉ một miếng bánh mì cỏn con để dọn cho Đại tướng.

Dần dần những chuyện kể cứ tiếp nối nhau, không chuyện nào làm yên tâm hơn chuyện nào, và khi nhìn thấy nỗi kinh hoàng và chán nản trên khắp các gương mặt binh sĩ, Monck phải quả quyết rằng ông không đói, vả lại hôm sau ăn cũng được, bởi vì rất có thể Lambert đã ở sẵn đó để đánh nhau và thế là sẽ nộp lương thực nếu như ông ta bị vây hãm trong Newcastle hoặc giả ông ta sẽ giải phóng cho quân của Monck vĩnh viễn khỏi cái đói nếu như ông ta thắng trận.

Cách an ủi này chỉ có hiệu quả với một số ít người, nhưng điều đó không quan trọng lắm đối với Monck vì Monck là con người rất độc đoán dưới vẻ ngoài dịu ngọt tuyệt vời.

Do đó ai cũng phải bằng lòng, hay ít ra cũng tỏ vẻ bằng lòng Monck - Monck cũng đói khát như quân của ông, tỏ vẻ hoàn toàn dửng dưng với việc không tìm ra được con cừu. Ông liền cắt một khúc thuốc lá vấn dài độ nửa phân, của một anh trung sĩ trong đoàn tuỳ tùng, và ông vừa nhai vừa trấn an phụ tá của ông rằng cái đói là một ảo tưởng, hơn nữu cứ có một cái gì đó để vào miệng là không bao giờ thấy đói.

Sự bông đùa này làm thoả mãn một vài người trước đây đã phản kháng lại việc khấu trừ phần ăn lần đầu mà Monck đã kiếm được từ vùng phụ cận của Lambert; số người ương ngạnh ưa chống đối thế là đã bớt đi một ít. Đội phòng vệ được thiết lập, các toán tuần tiễu bắt đầu làm việc và ngài dại tướng lại tiếp tục bữa cơm đạm bạc của ngài dưới mái lều mở toang.

Khoảng giữa trại của ông và của kẻ địch, có một tu viện: ngày nay chỉ còn lại là một vài di tích nhưng lúc đó vẫn còn và được người ta gọi là tu viện Newcastle. Tu viện này được xây cất trên một khoảng đất rộng cách biệt luôn cả đồng bằng lẫn con sông, bởi vì đất đó gần như là một đầm lầy có suối chảy vào và có nước là nhờ trời mưa.

Tuy nhiên, giữa những đầm nước mọc đầy cỏ dại cao lớn và năng sậy, người ta thấy lấn ra những khoảng đất rộng lớn chắn cứng xưa kia được dùng làm vườn rau quả, công viên, sân giải trí và các cơ ngơi phụ khác của tu viện giống như mấy cái chân của con nhện biển khổng lồ vươn ra từ tấm thân tròn trịa của nó.

Vườn rau, một trong những cái chân dài nhất của tu viện, chạy dài tới tận trại của Monck. Khốn khổ thay, lúc này là vào đầu tháng Sáu như chúng ta đã nói, nên vườn rau chẳng cung cấp được bao nhiêu cả.

Monck đã cho canh giữ nơi đó coi như là chỗ thích hợp nhất cho những cuộc đột kích bất ngờ. Người ta thấy rõ từ phía bên kia tu viện, những ngọn lửa trại của ông đại tướng thù địch, nhưng giữa những ngọn lửa đó và tu viện là con sông Tweed đang trải dài các lớp vảy sáng dưới bóng rơp của vài cây sồi to lớn và xanh rì.

Monck hoàn toàn biết rõ vị trí này - Newcastle và các vùng phụ cận đã có lúc được ông sử dụng làm đại bản doanh.

Ông biết rằng, vào ban ngày, kẻ thù của ông không chừng sẽ có thể cho lính thám thính ở nơi các phế tích đó và tìm cách đột kích, nhưng vào ban đêm, hắn ta sẽ không tò mò đến đó đâu.

Vậy là ông có an toàn thật sự.

Thành thử, sau cái mà ông gọi một cách hoa mỹ là bữa cơm tối của ông, nghĩa là sau buổi tập nhai được chúng ta nhắc đến ở đầu chương này, quân sĩ được thấy ông ngủ ngồi trên một cái ghế có phân nửa dưới ánh sáng đèn dầu, phân nửa dưới ánh trăng. Lúc đó đã gần chín giờ rưỡi tối.

Thình lình Monck bị tôi ra khỏi giấc ngủ mơ mơ màng màng đó vì một toán lính vui mừng la hét chạy ùa tới lấy chân đập vào cột lều ông, lào xào như ong vỡ tổ, đánh thức ông dậy.

Đâu có cần ồn dữ như vậy. Ngài đại tướng mở mắt ra.

- Ê! Các chú, chuyện gì thế?

Nhiều tiếng trả lời:

- Thưa Đại tướng, ngài có ăn rồi.

- Ta đã ăn tối rồi, các chú ạ, - ông bình tĩnh trả lời, - và ta đã tiêu hoá bình yên như các chú thấy đấy, nhưng mà, xin mời vào và cho ta biết các chú đến có chuyện gì thế.

- Thưa Đại tướng, tin vui.

- Hừ! Bộ Lambert thông báo cho chúng ta ngày mai đánh nhau à?

- Thưa không ạ, nhưng chúng tôi vừa tóm được một chiếc thuyền chở cá đến trại Newcastle.

- Lầm rồi, các bạn ơi. Các ông London khó tính lắm. Các chú làm họ mất lòng rồi. Đêm nay và ngày mai họ sẽ trở thành tàn nhẫn. Thôi, trả cá và ngư dân cho Lambert đi, trừ khi… - Đại tướng suy nghĩ một lúc rồi tiếp tục - Này, bọn ngư dân đó là ai thế?

- Thuỷ thủ vùng Picardie đánh cá dọc bờ biển Pháp, Hòa Lan và bị một cơn gió lớn thổi tấp vào bờ chúng ta.

- Có người nào trong bọn họ nói tiếng của chúng ta không?

- Gã sếp có nói vài tiếng Anh với chúng tôi.

Ông tướng càng lúc càng nghi ngờ khi theo dõi tin tức.

Ông nói:

- Thôi được Ta muốn gặp những người đó. Hãy đem họ đến đây.

Liền đó một sĩ quan tách ra đi tìm họ. Monck hỏi tiếp:

- Bao nhiêu người? Họ đi bằng thuyền gì?

- Tất cả là mười hay mười hai gì đó, thưa Đại tướng, họ đi trên chiếc thuyền đánh cá loại nhanh mà họ gọi là thuyền rượt con nước còn chúng tôi thì thấy nó là thứ đóng tại Hòa Lan. Chúng tôi phỏng chừng vậy…

- Và họ mang cá đến cho trại ông Lambert à?

- Thưa Đại tướng vâng ạ. Và hình như là họ đánh được một mẻ cá khá lớn đấy.

- Tốt, để xem sao, Monck nói.

Ngay lúc ấy viên sĩ quan đã trở lại dẫn theo người trưởng toán đánh cá nọ. Anh ta tuổi tác ước từ năm mươi đến năm mươi lăm gì đó, nhưng vẻ mặt còn trẻ. Anh có vóc người trung bình, mặc cái áo nịt đến ngang hông bằng len thô, đầu đội mũ không vành trùm xuống tận mắt, một dáng điệu ngập ngừng đặc biệt của dân thuỷ thủ - lối đi mà chính họ cũng không biết là nhờ chiếc tàu lắc lư, nên dù họ bước trên tấm ván hay ở khoang trống không, chân họ cũng vững vàng như cắm đến tận đáy biển vậy. Monck đưa đôi mắt tinh anh và sắc sảo quan sát anh chàng đánh cá một lúc lâu, người này mỉm cười với ông bằng một nụ cười nửa tinh quái nửa ngây ngô đặc biệt của dân quê.

Monck hỏi anh ta bằng tiếng Pháp rất đúng giọng:

- Anh nói tiếng Anh chứ?

- A, tồi lắm, thưa ngài, - người đánh cá trả lời.

Giọng trả lời gấp gáp giật giật là của người dân Miền Nam chứ không phải là của dân miền Tây và miền Bắc nước Pháp, Monck hỏi thêm để có dịp dò xét cái giọng đó lần nữa:

- Nhưng mà anh vẫn nói được đấy chứ!

Người đánh cá trả lời:

- À, những người đi biển như chúng tôi, thì tiếng gì cũng biết được chút ít.

- Vậy ra anh là thủy thủ đánh cá?

- Vâng, thưa ngài. Trong ngày hôm nay là ngư dân và là ngư dân nổi tiếng nữa. Tôi vừa bắt được một con cá vược nặng ít nhất cũng phải ba chục ký và hơn năm chục ký cá đối. Tôi còn có nhiều cá cơm nhỏ, đem lăn bột chiên thì rất tuyệt.

Monck vừa nói vừa cười:

- Tôi thấy là anh đã đi đánh cá trong vịnh Gasconge nhiều hơn là trong biển Manche.

- Đúng vậy, tôi là người miền Nam, điều đó không ngăn tôi thành một người đánh cá giỏi phải không, thưa ngài?

- Không, không. Tôi mua lại hết mẻ lưới của anh. Bây giờ thì hãy nói thật đi: cá này anh định giao cho ai?

- Thưa ngài, tôi không giấu giếm ngài điều chi. Tôi đang đi Newcastle, dọc bờ biển, thì một đám lính cỡi ngựa trên bờ, đi ngược chiều ra dấu cho tôi phải quay ngược trở lại theo đường dẫn đến trại của ngài, nếu không thì sẽ ăn đạn.

Người đánh cá nói thêm vừa cười:

- Và vì tôi không được trang bị để đánh nhau nên đành phải vâng lời.

- Thế tại sao anh lại đến Lambert mà không đến tôi!

- À thì, thưa ngài, tôi đến ngài Lambert vì mấy ông ở thành phố xỉa tiền khá sộp, trong khi các ông, dân Scotland, tín đồ Thanh giáo, mục sư phái Calvin, các người trong tập đoàn ước thệ, muốn tên gì gì đó là tuỳ thích các ông, các ông ăn thì ít lắm lại không trả tiền gì cả.

Monck nhún vai nhưng đồng thời cũng không khỏi cười mỉm.

Còn tại sao ở miền Nam, anh lại đến tận bờ biển của chúng tôi mà đánh cá?

- Tại vì tôi đã trót dại sắp cưới vợ ở Picardie.

- Ừ phải rồi, nhưng Picardie đâu phải là nước Anh?

- Thưa ngài, con người đẩy thuyền ra khơi, nhưng Chúa và gió thì làm phần còn lại và muốn đẩy thuyền đi đâu thì đẩy.

- Vậy là anh không có ý định cập bến ở nước chúng tôi?

- Không bao giờ.

- Anh đi bằng đường nào?

- Từ Ostende, nơi thấy có cả song, chúng tôi trở về thì một ngọn gió Nam mạnh đẩy chúng tôi lạc hướng.

Thấy không đi ngược được, chúng tôi phải xuôi theo nó. Chuyến đánh, cá được quá mà, mất thì uổng, đành phải mang đi bán ở hải cảng nước Anh nào gần nhất. Và hải cảng gần nhất là Newcastle. Lại đúng dịp may vì nghe người ta nói rằng đang có sự tăng dân ở trại, tăng dân ở thành phố, dân nơi nào thì cũng đều là người lịch sự, rất giàu, rất đói - cũng người ta nói cả đấy! Cho nên tôi cho thuyền hướng về Newcastle.

- Còn các bạn của anh, họ đâu rồi?

- Ồ! Các bạn của tôi, họ đều có cả trên thuyền, đó là những thủy thủ chẳng có một tí trình độ gì cả.

- Trong khi anh thì? - Monck hỏi.

Người trưởng toán cười:

- Ô, tôi ấy à! Tôi đã được đi khắp đó đây với cha tôi. Và tôi biết một xu, một đồng louis, một pistole, một louis, một louis kép, một ngôn ngữ của châu Âu gọi tên chúng là gì, cho nên thủy thủ đoàn của tôi nghe tôi như nghe lời thánh dạy và vâng lời tôi như vâng lời một đô đốc vậy.

- Như vậy thì chính anh là người đã nhắm ông Lambert như là khách hàng tốt nhất?

- Thưa đúng như vậy. Xin ngài hãy nói thật đi: tôi có lầm không?

- Sau này rồi anh sẽ thấy.

- Thưa ngài, dù sao nếu có lỗi gì thì đó là của tôi, chớ nên đổ cho các bạn tôi.

Monck nghĩ thầm.

- Đây nhất định là một tên có đầu óc.

Rồi sau vài phút im lặng để dò xét người đánh cá tỉ mỉ hơn, ông tướng hỏi:

- Anh nói anh đến từ Ostende phải không?

- Thưa ngài vâng ạ, tôi đi thẳng một lèo.

- Như vậy anh có nghe nói đến những sự kiện gì mới đây không, vì ta chắc ở Pháp và Hòa Lan người ta đang rộn ràng lên. Cái người tự xưng là vua nước Anh đó hiện giờ làm gì nhỉ?

Người đánh cá kêu lên, ổn ào khoa trương nhưng chân thật:

- Đây mới thật là một câu hỏi đúng chỗ, ngài không thể hỏi ai hơn tôi, bởi vì đúng là tôi có thể đáp lại, bằng một câu trả lời hấp dẫn. Thưa ngài, ngài hãy thử tưởng khi thả neo ở Ostende để bán mớ cá sòng vừa bắt được, tôi thấy cựu hoàng đi dạo trên các đồi cát trong khi chờ đợi lên ngựa đi La Haye: đó là một người cao lớn, xanh xao với mớ tóc đen và một gương mặt khá tiều tuỵ. Ngài có vẻ không được khỏe mạnh và chắc khí hậu ở Hòa Lan không tốt cho ngài.

Monck hết sức chăm chú theo dõi câu chuyện của người đánh cá kể vừa nhanh, vừa hoa mỹ lại dài dòng văn tự, bằng một thứ ngôn ngữ không phải của xứ người ấy. May thay ông ta kể thật xuôi. Người đánh cá, khi thì dùng một tiếng Pháp, khi thì xài một tiếng Anh, khi thì một tiếng có vẻ không thuộc quốc tịch nào cả, và đó là tiếng xứ Gascon.

May thay, đôi mắt của ông đã nói thay và nói một cách thật là lưu loát đến nỗi người ta có thể quên không nhìn miệng, nghe tiếng mà không thể rời ý nơi mắt ông được.

Ông tướng càng ngày càng tỏ vẻ bằng lòng với sự sát hạch của mình.

- Anh có nghe nói người có danh vị mà anh muốn gọi là cựu hoàng đó, sẽ đi về hướng La Haye để làm gì không?

- Ồ có, chắc chắn có rồi, tôi có nghe.

- Nhằm mục đích gì?

Người đánh cá trả lời:

- Thì luôn luôn cũng vẫn như cũ. Không phải là ông ta vẫn có ý định trở về Anh đó sao?

Monck nói, vẻ trầm ngâm:

- Ừ, đúng đấy.

- Nên kể thêm rằng, - người đánh cá nói thêm, - viên Tổng đốc khâm mạng. Ngài biết Guilliaume II đấy chứ, thưa ngài?

- Rồi sao?

- Ông này sẽ hết sức giúp cựu hoàng bằng mọi cách.

- À anh nghe nói như vậy à?

- Thưa không, tôi chỉ nghĩ vậy.

- Hình như anh rất khá về chính trị đấy?

- Ôi thưa ngài, bọn thủy thủ chúng tôi đã có thói quen nghiên cứu trời và nước, nghĩa là hai thứ linh động nhất thế gian, cho nên chẳng còn thứ gì lầm được.

Monck chuyển sang chuyện khác:

- À, mà này, hình như anh sắp sửa cho chúng tôi no nê đấy!

- Thưa ngài, tôi sẽ cố gắng hết sức.

- Trước hết, anh bán cho chúng tôi mẻ cá đó bao nhiêu?

- Tôi chưa ngu mà ra giá đâu, thưa ngài.

- Tại sao vậy?

- Tại vì cá của tôi thuộc về ngài.

- Do quyền gì?

- Quyền của kẻ mạnh.

- Nhưng mà ý của tôi thì muốn mua cho anh.

- Tôi không dám xin gì hơn.

- Anh muốn xin gì nữa?

- Tôi chỉ xin được ra đi.

- Đi đâu? Tới tướng Lambert à?

Người đánh cá kêu lên:

- Tôi ấy à, tôi đến Newcastle làm gì khi tôi chẳng còn con cá nào?

- Muốn gì thì gì, anh hãy nghe tôi nói đây. Một lời khuyên thôi.

- Sao ạ? Ngài muốn trả tiền cho tôi và lại còn cho thêm một lời khuyên tốt nữa à? Ôi, ngài ban ơn cho tôi nhiều quá.

Monck nhìn đăm đăm hơn bao giờ hết khuôn mặt người đánh cá và thấy trên ấy vẫn còn giữ chút gì hoài nghi.

- Vâng. Tôi muốn trả tiền cho anh và cho anh một lời khuyên, vì cả hai điều có liên quan với nhau. Vậy thì, nếu như anh quay trở lại cho tướng Lambert.

Người đánh cá làm một cử chỉ ở đầu và vai có ý nghĩa là "nếu hắn nhất quyết như vậy thì mình không nên làm phật ý hắn".

Monck nói tiếp:

- Anh đừng đi qua phía đầm lầy vì trong mình anh có tiền. Tôi có đặt ở đấy một toán lính Scotland. Họ khó chơi và sẽ không hiểu rõ thứ ngôn ngữ có đến ba thứ tiếng anh dùng. Họ có thể lấy lại những gì tôi vừa cho anh, để rồi khi về xứ, anh lại nói rằng Đại tướng Monck có hai bàn tay, một tay Scotland, một tay Ăng-lê, và ông ta dùng bàn tay Scotland lấy lại những gì mà bàn tay Ăng-lê cho ra.

- Ô! Thưa Đại tướng, tôi sẽ đi bất cứ nơi nào ngài muốn, xin ngài hãy an tâm, - người đánh cá nói với một vẻ sợ hãi lộ liễu đến mức thái quá. - Tôi chỉ xin ngài cho tôi ở lại đây nếu ngài muốn tôi ở lại.

Monck hơi cười nhếch mép nói:

- Tôi tin anh mà, nhưng hiện giờ tôi không thể giữ anh lại đây, trong lều của tôi.

- Thưa ngài, tôi không có ý như vậy, tôi chỉ mong ngài chỉ định cho tôi nơi ở nào thôi. Xin ngài đừng phiền vì đối với chúng tôi một đêm dễ trôi qua lắm.

- Nếu vậy thì tôi sẽ cho người dẫn anh về thuyền.

- Xin tuỳ ngài. Chỉ một điều nếu ngài cho một anh thợ mộc đưa tôi về thì tôi sẽ đội ơn lắm.

- Tại sao vậy?

- Thưa tại vì mấy cái ông trong đội quân của ngài đó. Khi cho cột dây cáp và ngựa kéo thuyền lên bờ họ đã va nó vào đá và làm lủng thuyền, nước vào ít nhất là hơn nửa thước, thưa ngài.

Tôi nghĩ rằng đó lại là thêm một lý do nữa để anh phải trở về trông coi thuyền của anh.

- Thưa, tôi xin tuân lệnh ngài. Tôi sẽ mang mấy giỏ cá lên để nơi nào tuỳ ý ngài rồi ngài trả tiền cho tôi, nếu thấy thích. Ngài cho tôi về nếu như thấy thuận lợi cho ngài. Ngài thấy đấy, tôi là một người sống rất dễ dãi.

- Thôi đi nào, anh đúng là quỷ ranh!

Monck nói, cái nhìn xét nét của ông không tài nào tìm ra một vết mờ nào trong ánh mắt trong suốt của người đánh cá.

- Ê! Digby!

Một người cận vệ xuất hiện.

- Anh hãy đưa anh chàng đáng trọng này cùng các bạn của anh ta đến các lều nhỏ trong quán nước trước các bãi đầm. Từ đấy họ dễ về thuyền hơn mà đêm nay cũng khỏi phải nằm ngủ dưới nước. Chuyện gì vậy, Spithead?

Spithead là anh trung sĩ mà Monck đã mượn một khúc thuốc lá để hút thay cơm ăn.

Ông hỏi thế vì Spithead bước vào lều của Đại tướng mà không có lệnh gọi. Anh ta nói:

- Thưa ngài, có một nhà quý tộc người Pháp vừa đến trình diện ở tiền đồn và ông ta xin được tiếp chuyện với ngài.

Câu chuyện tất nhiên là được trao đổi bằng tiếng Anh. Dù vậy người đánh cá cũng hơi giật mình, có điều Monck bận với người trung sĩ nên không để ý đến. Ông hỏi:

- Ông ta tên gì?

Spithead trả lời:

- Thưa ngài, ông ta có nói, nhưng mà mấy cái tên quỷ quái bằng tiếng Pháp đó thật là khó phát âm ra từ cổ họng Scotland. Tôi không nhớ nổi. Hơn nữa, ông này, theo như các lính cận vệ nói lại, thì cũng là người hôm qua đã trình diện ở trạm tiếp tân, mà ngài không muốn tiếp đó.

- Đúng rồi, lúc ấy ta bận họp các sĩ quan.

- Thưa ngài có định cho ông ta như thế nào không ạ?

- Có. Đưa ông ta đến đây.

- Có cần phải đề phòng gì không? Bịt mắt ông ta lại, chẳng hạn.

- Chi vậy? Ông ta sẽ chỉ nhìn thấy những gì ta muốn cho ông ta nhìn thấy, nghĩa là thấy ta có chung quanh hơn mười một ngàn quân gan dạ không cần đòi hỏi gì hơn là được hy sinh cho nước Scotland và nước Anh.

- Còn ông kia, thưa ngài? - Spithead vừa nói vừa chỉ người đánh cá đang đứng yên đó trong suốt câu chuyện, làm như người có thấy nhưng không hiểu gì cả.

Monck kêu lên:

- À, phải rồi!

Rồi quay sang người đánh cá, ông nói:

- Xin tạm biệt, ông bạn ạ, tôi đã lo chỗ ở tạm cho anh rồi.

- Digby, đưa anh ta đi. Đừng sợ gì cả, tôi sẽ cho gởi tiền đến anh ngay.

- Đa tạ ngài, - người đánh cá nói.

Chào xong, ông ta bước ra, có Digby kèm theo. Cách trại trăm bước, ông gặp lại các bạn đồng hành. Họ thì thầm luôn miệng, thoáng một chút lo lắng, nhưng khi ông ra dấu thì họ có vẻ yên tâm hơn.

- Ô kìa các anh ơi! - Người trưởng toán kêu lên, lại đây các anh! - Ngài Đại tướng Monck đã rộng lượng trả tiền cá cho chúng ta và còn có lòng tốt cho chúng ta ngủ nhờ qua đêm nữa.

Những người đánh cá họp lại với trưởng toán của họ, và do Digby hướng dẫn, họ lên đường về phía các quán nước, là nơi được chỉ định cho họ như đã nói.

Trên đường, những ngư dân này đi ngang qua vùng bóng khuất gần toán cận vệ đang dẫn nhà quý tộc Pháp đến gặp Đại tướng Monck.

Nhà quý tộc này cưỡi ngựa, choàng một áo bành tô rộng lớn cho nên dù rất tò mò muốn biết mặt thì người chủ thuyền cũng không thấy rõ. Còn nhà quý tộc thì không lưu ý đến toán người nhỏ bé ấy, không biết rằng mình đi sát cạnh những người cùng quê hương xứ sở.

Viên sĩ quan cận vệ sắp xếp cho khách ở trong một căn lều khá sạch sẽ của bà chủ quán Ireland vừa phải dọn đi một nơi khác với sáu đứa con của bà, ở đâu được thì ở. Trước lều, một đống lửa to ngọn đốt lên phản chiếu ánh sáng đỏ thẫm trên các vũng nước đầy cỏ dại trong đầm có gió hiu hiu khá mát mẻ thổi gợn sóng lăn tăn. Thu xếp đâu đó xong xuôi, viên sĩ quan cận vệ chúc các thuỷ thủ ngủ ngon và lưu ý rằng từ nơi cửa lều, họ có thể nhìn thấy cột buồm của chuyến thuyền đang lắc lư trên sông Tweed, chứng tỏ nó chưa chìm đến đáy đâu.

Hình như quang cảnh này làm cho người trưởng toán đánh cá rất đỗi vui mừng.

Chú thích:
(1) Nghị viện xương cụt

CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 12: Kho của

Nhà quý tộc Pháp mà Spithead đã báo cáo với Monck đi qua nhiều trạm gác, mắt không liếc nhìn gì chung quanh vì sợ lộ vẻ tò mò. Theo như lệnh ban ra, người ta đưa ông đến căn lều của Đại tướng. Nhà quý tộc được bỏ một mình đợi Monck trong căn phòng nhỏ trước lều, trong thời gian đó, Đại tướng đang lắng nghe nhân viên báo cáo và quan sát gương mặt của người nài xin hội kiến, qua tấm vách ngăn bằng vải.

Hẳn là lời báo cáo của những người hướng dẫn nhà quý tộc Pháp đã tạo cho ông một dáng vẻ bí mật vì cảm giác đầu tiên mà người khách lạ nhận ra là Đại tướng tiếp đón rất cởi mở hơn ông ta tưởng, nhất là vào lúc này và bởi một con người đa nghi như thế. Tuy nhiên, theo thói quen khi Monck đứng trước một người lạ ông đưa đôi mắt sắc sảo, thấu suốt nhìn mãi vào người khách lạ đang đứng yên, không tỏ vẻ khó chịu hay lo lắng gì cả.

Sau vài giây đồng hồ, Đại tướng giơ tay ra, gật đầu ra dấu ông đang chờ đợi. Nhà quý tộc nói bằng tiếng Anh thật giỏi:

- Thưa quý ngài, tôi đã xin phép hội kiến với quý ngài về một việc rất quan trọng.

Monck trả lời bằng tiếng Pháp:

- Thưa ông, đối với một người dân lục địa thì tiếng Anh của ông rất trôi chảy. Tôi xin ông thứ lỗi cho một câu hỏi hơi sỗ sàng: ông có nói tiếng Pháp cũng trôi chảy như thế không?

- Thưa ngài, đâu có chi đáng ngạc nhiên về việc tôi nói tiếng Anh khá thông thuộc. Thời trẻ, tôi có sống tại nước Anh, và sau đó đã qua chơi hai lần rồi.

Những lời đó được nói bằng tiếng Pháp thuần thục để lộ rõ rằng đây là một người Pháp ở vùng phụ cận Tours.

- Ông đã sống qua ở vùng nào trong nước Anh?

- Trong thời niên thiếu thì ở London, thưa ngài, sau đó khoảng 1635 tôi sang chơi Scotland, cuối cùng năm 1648 tôi sống một lúc ở Newcastle và đặc biệt sống nơi tu viện có các khu vườn mà quân đội ngài đang chiếm đóng.

- Xin lỗi ông, chắc ông hiểu tại sao tôi đặt các câu hỏi đó, phải không?

- Thưa ngài, tôi sẽ ngạc nhiên nếu ngài không hỏi như thế.

- Bây giờ, thưa ông, tôi có thể giúp gì cho ông theo ý muốn?

- Thưa ngài, chuyện thế này, nhưng khoan đã, chỉ có tôi và ngài ở đây phải không?

- Hoàn toàn chỉ có mình chúng ta, ông ạ, ngoài lính gác ra.

Vừa nói xong, Monck lấy tay kéo tấm lều lên và chỉ cho nhà quý tộc thấy lính canh đứng cách không quá mười bước có thể tiếp tay ngay lúc vừa có báo động.

- Thưa như vậy thì, - nhà quý tộc nói bằng một giọng thật bình tĩnh như thể ông ta đã có quan hệ tình cảm bạn bè từ lâu với người đối thoại với ông, - tôi quyết định nói cho ngài bởi vì tôi biết ngài là người ngay thẳng. Hơn nữa, tin tức mà tôi sắp mang lại cho ngài, sẽ chứng tỏ lòng tin cậy của tôi đối với ngài.

Monck thật ngạc nhiên vì lối nói có vẻ đặt ông và nhà quý tộc Pháp ngang hàng nhau. Ông ngước đôi mắt sắc sảo nhìn người lạ và nói với giọng mỉa mái chỉ thấy ở sự thay đổi của âm thanh mà không hiện ra nơi khuôn mặt.

- Xin cảm ơn ông, nhưng trước hết xin ông cho tôi biết ông là ai?

- Thưa ngài, tôi đã nói tên tôi cho viên sĩ quan của ngài rồi mà.

- Xin ông bỏ qua cho hắn. Hắn là người Scotland, nên khó mà nhớ được.

- Tôi là Bá tước De La Fère, thưa ngài, - Athos vừa nói vừa cúi đầu chào.

- Bá tước De La Fère à? Monck cố nhớ lại. - Xin lỗi ông, nhưng hình như đây là lần đầu tiên tôi được nghe đến tên này.

Ông có tham gia chức vụ gì trong triều đình nước Pháp không?

- Chẳng có một cái gì cả. Tôi chỉ là một nhà quý tộc bình thường.

- Tước vị gì

- Đức vua Charles Đệ nhất phong cho tôi chức hiệp sĩ với huân chương La Jarretière và Hoàng hậu Anne d Autriche thì tặng tôi huân chương Le Saint-Esprit. Đấy là những huân chương, tước vị của tôi, thưa ngài.

- La Jarretière! Le Saint-Esprit! Ông là hiệp sĩ của hai huân chương đó à?

- Vâng.

- Và ông được ban phát đặc ân đó vì lý do gì?

Hoàn thành nhiệm vụ do Ngài ngự và Lệnh bà giao phó.

Monck sửng sốt nhìn người đàn ông này, một con người theo ông nghĩ vừa giản dị vừa cao quý. Thế rồi, vì ông không muốn đi sâu tìm hiểu sự bí ẩn trong vẻ vừa giản dị vừa cao quý đó và vì ông khách lạ cũng không giải thích thêm, ông nói:

- Có phải hôm qua ông đến đằng tiền đồn phải không?

- Thưa ngài đúng ạ. Và người ta đã từ chối đưa vào.

- Ông ạ, rất nhiều sĩ quan không để cho bất cứ ai vào trại của họ nhất là vào lúc trận chiến có lẽ sắp xảy ra, nhưng tôi, tôi khác các bạn đồng nghiệp của mình, tôi không thích bỏ qua việc gì mà không giải quyết. Mọi sự góp ý đối với tôi đều tốt cả, mọi hiểm nguy là do Chúa định và tôi dùng hết sức lực Chúa ban để ra tay tính toán, cân nhắc nó. Hôm qua ông bị khước từ chỉ vì tôi bận họp. Hôm nay, tôi được rảnh rang, xin ông cứ nói.

- Thưa ngài, tiếp tôi thì càng hay hơn. Chuyện này chẳng dính dáng gì đến trận chiến mà ngài sắp đánh với tướng Lambert, chẳng liên quan gì đến nơi đóng quân của ngài, chứng cớ là tôi nhắm mắt không nhìn lính của ngài, không đến xem ngài có bao nhiêu lều trại. Thưa ngài, tôi đến chỉ vì việc riêng của tôi thôi.

Monck nói:

- Vậy xin ông cứ nói đi.

Athos tiếp tục.

- Vừa rồi tôi có vinh hạnh nói đến ngài biết rằng tôi có cư trú một thời gian lâu tại Newcastle đó là thời của vua Charles Đệ nhất, và lúc mà tiên vương bị người Scotland bắt đem nộp cho ngài Cromwell.

- Tôi biết, - Monck lạnh lùng nói.

- Vào thời điểm đó, tôi có một số tiền lớn bằng vàng, và hôm trước ngày xảy ra chiến tranh, có lẽ do linh cảm thấy trước sự việc sẽ diễn tiến thế nào vào ngày hôm sau, nên tôi đem giấu số vàng đó trong căn hầm chính của tu viện Newcastle, dưới toà tháp mà đứng đây ngài thấy rõ cái đỉnh chóp lóng lánh dưới ánh trăng. Thế là kho vàng của tôi đã được chôn nơi ấy, và hôm nay tôi đến đây yêu cầu ngài cho phép tôi được đào nó lên trước khi xảy ra trận chiến do phía bên kia đem qua. Một quả mìn hay một trò đùa chiến tranh nào đó có thể phá huỷ toà lâu đài làm tứ tán kho vàng của tôi hay làm lộ ra cho đám binh sĩ đến chiếm đoạt hết.

Monck rất am hiểu con người. Nhìn qua tướng mạo, ông thấy người này đủ mọi nghị lực, mọi lý trí, rất là kín đáo, như thế thì điều mà quý tộc Pháp kia tiết lộ là cả một sự tin tưởng hào hiệp, và do đó Monck cảm thấy xúc động thật sự. Ông nói:

- Đúng là ông đã nghĩ tốt về tôi. Nhưng mà số tiền đó có đáng cho ông liều thân không? Hơn nữa, ông có nghĩ rằng nó vẫn còn nằm nguyên nơi ông đã chôn đấy không?

- Vẫn còn nguyên tại đó ngài đừng nghi ngờ gì cả.

- Xong một câu hỏi, nhưng còn câu nữa. Tôi đã hỏi ông rằng số tiền đó có thật lớn lắm để ông phải liều mình như vậy không?

- Nó thật sự rất lớn, vâng rất lớn thưa ngài, vì đó là số tiền một triệu cất kín trong hai cái thùng gỗ.

- Một triệu! - Monck kêu lên, lần này thì đến lượt Athos nhìn ông ta chăm chăm và thật lâu.

Monck nhận ra điều đó, và trở lại nghi ngờ. Ông nghĩ thầm: "À thì ra người này muốn giăng bẫy mình"

- Vậy thì, thưa ông, - Monck lại tiếp, - theo như tôi hiểu thì ông muốn lấy về số tiền ấy, phải không?

- Xin ngài giúp cho.

- Ngay hôm nay?

- Ngay đêm nay, vì tình hình mà tôi vừa giải thích cùng ngài xong.

Monck phản đối:

- Nhưng mà thưa ông, tướng Lambert ở chỗ tu viện ông cần, còn gần hơn là tôi, vậy tại sao ông lại không hỏi nhờ ông ấy?

- Bởi vì, thưa ngài, khi ta hành động trong những tình huống quan trọng, ta phải hỏi nơi bản năng của ta trước hết. Thế mà tướng Lambert không gây cho tôi một cảm giác tin cẩn nào như đối với ngài.

- Thôi được! Tôi sẽ cho tìm lại số tiền của ông với điều kiện nó còn ở đó, tại vì, cũng có thể nó không còn ở đó nữa. Từ 1648, mười hai năm trôi qua rồi và biết bao biến cố đã xảy ra.

Monck nhấn mạnh đến điểm này để xem nhà quý tộc Pháp này có chụp lấy lối thoát giương ra không, nhưng Athos đến cả nhướng mày cũng không. Ông nói quả quyết.

- Thưa ngài, tôi bảo đảm với ngài, rằng hai thùng đó không đổi chỗ cũng không đổi chủ đâu.

Câu trả lời làm Monck mất một nỗi ngờ nhưng điều ngờ khác lại mới phát sinh, chắc người Pháp này là một mật sứ được gửi đến để xúi người bảo trợ của Quốc hội làm điều sai quấy, vâng chỉ là một miếng mồi quyến rũ, và còn chắc chắn hơn nữa là người ta muốn dùng miếng mồi này làm động lòng tham của ngài Đại tướng.

Nhất định không có vàng, Monck định bắt quả tang nhà quý tộc Pháp về tội nói dối, lừa gạt và sau đó ông sẽ rút ra khỏi bước sơ sẩy mà kẻ thù muốn ông chui vào thế là ông sẽ nổi danh ngay.

Xếp đặt ý trong đầu, Monck nói với Athos:

- Thưa ông, ông cho phép tôi được mời ông tối nay chứ?

Athos nghiêng mình trả lời:

- Thưa ngài vâng. Tôi rất hân hạnh được ngài dẫn dắt.

- Còn ông thì càng lịch sự hơn khi nhận lời thành thật như thế. Các đầu bếp của tôi không nhiều và cũng không có kinh nghiệm lắm, toán tiếp tế hôm nay đã đi về tay không, đến nỗi là nếu không có một anh đánh cá cùng quê hương với ông đi quẹo vào căn cứ của tôi thì ông Đại tướng Monck hôm nay sẽ đi ngủ không ăn bữa tối. Theo lời người đánh cá nói thì hôm nay tôi có cá tươi.

Sau khi Monck nói lời xã giao mà không mất vẻ thận trọng như thế, người ta dọn ra trên một cái bàn gỗ thông những thứ mà ta có thể nghĩ là một bữa ăn tối. Ông ra hiệu mời Bá tước De La Fère ngồi vào bàn, đối diện với ông. Chỉ có một món cá nấu nhừ dành cho vị thượng khách nổi tiếng, hứa hẹn nhiều cho cái bao tử đang cồn cào hơn là cho vị giác khó tính.

Trong khi húp, nghĩa là trong khi ăn món cá nấu rượu bìa hạng bét đó, Monck hỏi chuyện về những biến cố mới nhất của vụ loạn Fronde, vụ ngài De Condé làm hoà với nhà vua, chuyện cuộc hôn nhân có lẽ sẽ xảy ra giữa nhà vua và công chúa Marie Thérèse. Nhưng ông né tránh, và chính Athos cũng tránh mọi lời có dính dáng xa gần về quyền lợi chính trị ở giữa Anh, Pháp, Hà Lan đang kết hợp, hay nói đúng hơn, đang làm chia rẽ các xứ này.

Trong buổi chuyện vãn này, Monck nhận ra một điều ông thấy ngay từ lúc mở lời trao đổi, đó là ông đã gặp một người rất có tư cách. Chẳng thể nào là một tên gián điệp, nhưng Monck lại thấy Athos cùng lúc vừa quá tế nhị lại rất cương quyết nên kết luận Bá tước là một tay âm mưu.

Và khi họ rời bàn ăn, Monck hỏi:

- Ông thật sự tin vào kho vàng của ông à?

- Thưa ngài vâng.

- Ông tin chắc là sẽ tìm ra đúng nơi ông đã chôn nó không?

- Tôi nghĩ là thấy.

Monck nói:

- Vậy thì thưa ông, vì tò mò, tôi sẽ đi cùng với ông. Tôi càng cần phải theo ông vì ông sẽ gặp nhiều khó khăn khi đi trong trại mà không có mặt tôi hay phụ tá của tôi.

- Thưa Đại tướng, tôi không chịu làm phiền ngài, nếu tôi thấy không cần ngài đi theo, nhưng vì việc ngài đi theo đối với tôi không những là vinh dự mà còn cần thiết nữa, nên tôi xin nhận lời.

Monck hỏi Athos:

- Có cần đem người theo không?

- Thưa Đại tướng, tôi nghĩ là vô ích, nếu ngài cũng thấy không cần. Hai người và một con ngựa cũng đủ chở hai thùng gỗ xuống chiếc thuyền theo tôi tới đây.

- Nhưng chắc còn phải cuốc, đào, hốt đất, bửa đá, và ông không tính làm một mình phải không?

- Thưa Đại tướng, chẳng cần đào cuốc gì cả. Kho vàng được chôn dưới hầm gian nhà mồ của tu viện, dưới một cục đá được niêm phong bằng một vòng sắt to, khi mở ra thấy có bốn bực cấp thấp. Hai cái thùng nằm trong đó, nối đầu nhau và được trét một lớp thạch cao có hình dáng một quan tài. Ngoài ra còn có một ghi chú cho tôi dễ nhận ra cục đá. Trong công việc tế nhị và cần tin tưởng này, tôi không muốn giữ bí mật gì đối với ngài cả. Đây là lời ghi trên mộ bia:

"Hic jacet venerabilis Petrus Gllillelmlls Scotl, Canon Honorab. Coventlls novi Castelli. Obiit quarlà et decimá die, Feb, ann. Dom. MCCVIII. Requiescal in pace"

(Đại khái: Mộ của một bậc tướng già, chết năm 1028, và lời cầu chúc yên nghỉ).

Monck không thốt lên lời, ông kinh ngạc, phần bởi sự trùng hợp kỳ diệu của thân xác con người này và cách thức cao cả trong vai trò người ấy đóng, phần khác bởi tấm lòng trung thực khi người ấy bày tỏ yêu cầu, trong trường hợp mang một triệu đồng tức là có hi vọng bị ăn dao găm giữa một toán quân coi chuyện cướp bóc như chuyện phục hồi vương quyền vậy.

Ông nói:

- Tôi sẽ đi cùng ông, cuộc phiêu lưu này có vẻ thật kỳ diệu. Để tôi cầm đuốc cho.

Nói xong, Monck đeo kiếm ngắn, súng lục và cử động đó cho thấy bên dưới chiếc áo ngoài có một lớp giáp sắt để bảo vệ cho ông tránh khỏi nhát dao của kẻ sát nhân.

Athos thì làm ngược lại. Ông tháo dao găm ra đặt lên bàn cởi đai đeo gươm ra để nằm bên dao và ông tự nhiên mở áo như để tìm kiếm chiếc khăn tay, nhưng để lộ ra dưới áo sơ mi vải ba-tít mỏng bộ ngực trần của ông, không có cả khí giới tấn công lẫn khí giới tự vệ nào hết.

Monck nghĩ:

- Thật là một con người kỳ lạ, hắn không mang vũ khí nào hết, vậy thì đàng kia hắn có đặt ổ phục kích không?

Như đoán được ý nghĩ của Monck, Athos nói:

- Thưa Đại tướng, chính là ngài muốn chỉ có hai chúng ta cùng đi, thế thì tốt thôi, nhưng mà một người chỉ huy giỏi không bao giờ nên hành động liều lĩnh, trời đã về đêm rồi, đường qua đầm lầy có thể gặp nhiều nguy hiểm, ngài nên cho người cùng đi theo.

- Ông nói có lý, - Monck nói, và gọi - Digby! Năm mươi người với kiếm và súng mút?.

Và ông nhìn Athos.

- Thế thì khá ít, - Athos nói, - nếu có gì nguy hiểm, còn nếu chẳng có gì xảy ra thì quá nhiều.

Monck nói:

- Tôi sẽ đi một mình, Digby! Tôi không cần ai hết. Nào chúng ta đi!

Athos và Monck từ trại đi băng tới sông Tweed, trên phần đất mà Digby đã dẫn những người đánh cá từ sông Tweed đến căn cứ. Quang cảnh nơi đây, những sự thay đổi do con người đem lại, đã tác động mạnh mẽ đến óc tưởng tượng tinh tế và sống động của Athos. Athos chỉ chăm chú nhìn những nơi hoang vắng này, Monck lại chỉ nhìn Athos đang đưa mắt khi thì nhìn lên trời khi thì nhìn xuống đất, tìm kiếm, suy tư, thở dài.

Lúc nhận được lệnh sau cùng của ông Đại tướng, và nhất là nghe theo giọng điệu mà ông ra lệnh, Digby lúc mới đầu có hơi xúc động.

Anh ta bước theo các tay đi dạo đêm ấy khoảng hai mươi bước thì thấy Đại tướng quay lại tỏ vẻ như lấy làm lạ tại sao lại không tuân lệnh ông. Người sĩ quan cận vệ hiểu ra anh đã thiếu kín đáo nên trở về lều.

Anh ta cho là Đại tướng muốn kín đáo đi kiểm tra việc bố trí canh phòng như kiểu bất cứ tay chỉ huy có kinh nghiệm nào cũng phải làm trong đêm trước khi xảy ra chiến trận. Anh ta giải thích trường hợp Athos có mặt là để làm nhiệm vụ người cấp dưới cho chủ tướng nghe những gì chưa hiểu. Athos chắc là một tay gián điệp, và dưới mắt Digby, phải là một tay gián điệp đem tin tức đến cho Đại tướng biết rõ tình hình.

Sau gần mười phút đi giữa các căn lều, các chòi gác càng gần bản doanh càng sít nhau, Monck tiến vào một con lộ chia ra làm ba ngả- lối phía trái bên bờ sông, lối giữa đi đến tu viện Newcastle nằm giữa đồng lầy, lối phía phải đi xuyên qua các hàng phòng thủ ngoài của Monck nghĩa là gần với quân của Lambert nhất.

Bên kia sông có một điểm tiền tiêu của Monck canh chừng quân địch, quân số có một trăm năm chục người Scotland.

Khi có động thì họ bơi qua báo cáo ông. Tuy nhiên vì khoảng sông ấy không có cầu và vì lính của Lambert cũng như lính của Monck chẳng ai ham xuống nước, nên Monck chẳng phải lo lắm về phía này.

Bên này sông, cách tu viện khoảng chưa đầy năm trăm bước, dân đánh cá ở lẫn lộn ngay giữa khu lều của đám lính lân cận cùng ở chung với vợ con trong ấy.

Monck đi với Athos xuyên qua khung cảnh mờ mờ chiếu bằng hai nguồn sáng: nguồn sáng bạc của trăng và nguồn sáng đỏ nhạt của các đống lửa trại đang tàn nằm nơi ngã tư. Đến chỗ này, ông dừng lại và hỏi bạn đồng hành.

- Ông nhận ra đường đi chưa?

- Thưa Đại tướng, nếu không lầm, thì con đường phía phải thẳng ngay tới tu viện.

- Đúng đấy, nhưng chúng ta phải cần ánh sáng khi phải chui xuống đường hầm.

Monck quay mặt lại, nói:

- Ô hình như Digby vẫn theo ta. Thây kệ, bắt hắn đi tìm lửa cái đã

- Thưa Đại tướng, đúng là đằng xa kia có người theo sau ta từ nãy giờ.

Monck kêu lên:

- Digby! Digby! Lại đây ngay đi.

Nhưng thay vì tuân lệnh, bóng đen kia lại có vẻ giật mình, đi thụt lùi mà không tiến tới, rồi khom mình xuống và biến mất phía bờ đê bên trái, theo đường đến chỗ ở của những người đánh Monck nói:

- Hình như không phải Digby.

Cả hai đều nhìn theo cái bóng mất đi kia, nhưng Monck và Athos không quan tâm lắm. Chuyện một người mười một giờ đêm rình mò nơi một trại có mườỉ đến mười hai nghìn người ngủ thì không phải là chuyện lạ.

Monck nói:

- Chúng ta đang cần một ngọn đèn bão, đèn lồng hay một cây đuốc nào đó cũng được để dò bước chân. Trong khi chờ, thì ta đi tìm vậy.

- Thưa Đại tướng, ta đợi có người lính nào đến.

Monck muốn dò xem có sự đồng loã nào giữa bá tước De La Fère và đám ngư dân nên nói:

- Thôi, tôi thích có một ngư dân Pháp trong đám người bán cá cho chúng tôi hồi tối. Ngày mai họ đã đi rồi thì bí mật sẽ được giữ kín hơn. Trong khi đó, nếu tin này lan tràn ra trong đội quân Scotland rằng người ta đã tìm được kho vàng trong tu viện Newcastle thì đám dân hoang dã của tôi sẽ tưởng rằng dưới mỗi miếng gạch đều có một triệu và họ sẽ không để viên đá nào trong toà lâu đài được nằm yên hết.

- Tuỳ Đại tướng, - Athos trả lời bằng một giọng nói rất tự nhiên cho ta thấy rõ ràng rằng dù lính hay ngư dân, tất cả đối với ông cũng như nhau vậy thôi và cũng chẳng tỏ vẻ thích ai hơn Monck đến gần bờ đê nơi người mà Monck tưởng là Digby đã biến mất, ông gặp một toán tuần tiễu sau khi đi rảo quanh các lều bây giờ đang tiến về chỗ tổng hành dinh. Ông và người bạn đồng hành bị chặn lại, đáp xong mật khẩu rồi tiếp tục lộ trình.

Một người lính nghe tiếng ồn, tốc tấm đắp, ngồi dậy nhìn Monck nói vơi Athos:

- Ông hãy hỏi anh ta xem những người đánh cá ở chỗ nào?

- Tôi hỏi thì hắn sẽ nhận ra tôi ngay.

Athos đến gần người lính, được chỉ căn lều, rồi sau Monck và Athos tiến về phía đó.

Ông Đại tướng thấy hình như lúc ông tiến lại gần, có một cái bóng, cũng giống như cái bóng ông đã thấy vừa qua, chui nhanh vào trong căn lều đó. Nhưng lúc đến gần ông nhận ra rằng có thể ông lầm, vì mọi người trong đó đang ngủ lộn xộn, và tay và chân ôm quấn nhau.

Athos, sợ bị nghi ngờ là đồng loã với người đồng hương nên đứng chờ ngoài căn lều. Monck kêu lên bằng tiếng Pháp:

- Ô kìa! Ê thức dậy đi!

Hai hay ba người nhổm lên. Monck tiếp:

- Tôi cần một người đi theo cầm đèn cho tôi.

Tất cả mọi người đều cựa quậy. Một số nhổm lên, một số khác thì đứng dậy hẳn. Người trưởng toán đầu tiên lên tiếng làm Athos giật mình:

- Ngài có thể tin cậy vào chúng tôi. Xin ngài cho biết đi đâu ạ?

- Rồi anh sẽ biết. Cho một ngọn đèn nào nhanh lên?

- Vâng, thưa ngài. Thưa ngài có vui lòng cho phép chính tôi đây được đi hầu ngài không ạ?

- Anh hay người nào khác cũng được, chẳng sao, miễn là có người cầm đèn soi đường cho tôi.

Athos nghĩ thầm:

- Lạ chưa! Người đánh cá này có giọng nói thật đặc biệt!

- Thắp đèn lên, các bạn kia ơi! - Người đánh cá kêu to.

Nhanh lên các bạn. Rồi hạ thấp giọng xuống, ông ta nói với một đồng bạn đứng gần nhất: "Cầm đèn cho họ đi. Đốt lửa lên, Mennevillevà hãy sẵn sàng!"

Một ngư dân dùng đá để bật lửa, lấy bùi nhùi đốt rồi dùng một que diêm châm vào đèn. Ánh sáng tràn ngập khắp lều.

- Ông sẵn sàng chưa, thưa ông? - Monck hỏi Athos, đang quay mặt để khỏi lộ diện ra dưới ánh sáng.

Athos trả lời:

- Thưa Đại tướng, xong rồi.

- Ồ! Nhà quý tộc Pháp - Người trưởng toán đánh cá lẩm bẩm. - Đồ mắc dịch! Menneville, ý kiến tao giao cho mày cầm đèn thật là hay quá. Không thì hắn ta sẽ nhận ra tao ngay. Thắp lên, thắp lên đi.

Các câu trao đổi ở tận cuối căn lều vừa phát ra quá nhỏ nên Monck không thấy gì cả. Với lại ông ta còn mắc nói chuyện với Athos.

Trong thời gian đó, Menneville đã sẵn sàng, hay đúng hơn, là đã nhận lệnh của ông chủ.

- Xong chưa? - Monck hỏi.

Người đánh cá trả lời:

- Xong rồi, thưa Đại tướng.

Monck, Athos và người đánh cá rời khỏi căn lều.

- Kỳ quái thật, - Athos nghĩ thầm, - mình nằm mơ chăng?

Monck bảo người đánh cá:

- Anh đi trước, theo đường chính giữa và rảo bước đi.

Họ đi chưa được hai mươi bước thì cũng cái bóng đen hình như đã chui vào lều lúc nãy bây giờ bước ra, bò đến tận các chân cột để núp dưới đó như dưới một bức tường che và dõi theo bước chân ông Đại tướng.

Cả ba người đều mất trong sương mù. Họ đi về hướng Newcastle đã thoáng thấy các tấm đá trắng trông như những nhà mồ.

Sau vài giây dừng chân dưới cánh cổng, họ bước vào bên trong. Cửa ra vào đã bị đập bể bằng búa. Một toán bốn người đang nằm ngủ yên lành trong một phía hốc vì người ta biết chắc chắn rằng không có cuộc tấn công nào hướng về phía này.

Monck hỏi Athos:

- Những người này chắc không làm phiền ông đấy chứ?

- Thưa ông, trái lại ạ, nếu ngài cho phép thì chúng ta nhờ họ đẩy thùng đi.

- Ông nói có lý đấy.

Toán lính canh dù đang ngủ say như thế cũng giật mình thức dậy vì tiếng bước chân của hai người. Monck nói mật khẩu và bước vào bên trong tu viện, ngọn đèn vẫn tiến về phía trước.

Ông đi sau cùng, trông chừng nhứt cử nhứt động của Athos, chiếc dao găm tuốt trần nằm trong cánh tay áo lúc nào cũng sẵn sàng cắm phập vào lưng nhà quý tộc nếu thấy có cử chỉ nào đáng nghi ngờ. Nhưng Athos đi ngang qua các phòng, bước chân vững vàng và đầy tự tin.

Không còn một cửa ra vào hay một cửa sổ nào cả trong toà nhà này. Các cửa lớn đều bị cháy, có vài cái còn tại chỗ, nhưng bị lửa đốt cháy thành than khuyết mẻ như răng cưa; ngọn lửa tự tắt chắc là vì bất lực không đốt hết đến những khớp nối khổng lồ bằng gỗ sồi có đinh sắt đóng chặt. Các cửa sổ đều đã bị bể nát nên khi ánh đèn soi tới thì bọn chim ăn đêm kinh hoàng vụt chạy trốn qua các lỗ thủng.

Cùng lúc, những con dơi khổng lồ lặng lẽ lượn vòng quanh hai kẻ vào quấy nhiễu, in bóng lung linh trên các bức tường đá cao.

Chẳng cần phải suy nghĩ gì cả, Monck thấy rõ rằng chẳng có ai ở trong tu viện vì các con vật hoang hung dữ này vẫn sống ở đây và tung bay lên khi ông bước đến gần.

Sau khi bước qua đống gạch vụn và bứt nhổ đi các cây leo đang quấn quanh đó như kẻ bảo vệ sự cô tịch, Athos tới chỗ các hầm mộ dưới căn phòng lớn có cửa ra vào thông qua điện thờ.

Ông dừng lại nói:

- Thưa Đại tướng, chúng ta đến nơi rồi.

- Chính là viên đá lót đấy à?

- Vâng.

- Đúng rồi, tôi cũng đã nhận ra chiếc vòng sắt, những chiếc vòng lại được xếp sát vào đá.

- Chúng ta cần một cây đòn.

- Dễ thôi.

Nhìn quanh họ. Athos và Monck nhận thấy một cây trần bì nhỏ đường kính chừng một tấc mọc trong một góc tường, cao đến tận cửa sổ, vươn cành lá che khuất hết.

Monck hỏi người đánh cá:

- Anh có dao đấy không?

- Thưa ngài có ạ.

- Chặt cái cây này đi.

Người đánh cá vâng lời, chặt mẻ cả dao găm. Sau khi đốn ngã cây và đẽo thành đòn, ba người mới đi xuống đường hầm.

Monck chỉ vào một góc hầm mộ nói với người đánh cá:

- Anh đứng vào phía bên kia kìa. Chúng ta có mang thuốc nổ theo mà anh cầm đèn thì thật nguy hiểm.

Người này thất kinh lùi lại, đứng đúng vào nơi chỉ định trong khi Monck và Athos đi vòng qua phía sau một cây cột.

Ánh sáng trăng xuyên qua cánh cửa nhỏ đến chân cột, phản chiếu ngay trên tấm đá mà bá tước De La Fère đã bỏ công lặn lội từ xa đến tìm. Athos chỉ cho viên Đại tướng hàng chữ La tinh.

- Đúng rồi đây.

- Phải rồi.

Monck trả lời xong, lại tiếp, như để cho người Pháp kia một cơ hội thoái thác:

- Ông không để ý là đã có người vào hầm mộ và nhiều bức tượng đã gãy đổ rồi sao?

- Thưa, chắc ngài có nghe dân Scotland sùng tín của ngài ưa để các tượng những người đã khuất đứng canh giữ các của quý mà họ tạo dựng được trong khi còn sống. Vì vậy, bọn lính nghĩ rằng vàng chôn dưới chân tượng và vì thế họ đập tượng, đào đế. Nhưng ngôi mộ của tu viện đáng kính mà chúng ta đến lại không giống với bất cứ công trình nào khác. Nói thật giản dị, và nó còn được đám người Thanh giáơ của ngài sợ bị tội phạm thánh nữa. Chẳng có miếng đá nào bị sờn sứt hết.

Monck nói:

- Đúng vậy.

Athos cầm lấy cây đòn. Monck hỏi:

- Ông có muốn giúp một tay không?

- Xin cảm ơn ngài, tôi không muốn ngài dính tay vào một công việc mà ngài có thể phải chịu trách nhiệm, nếu như ngài biết được hậu quả sau đó.

Monck ngẩng đầu lên, hỏi:

- Ông muốn nói gì thế, thưa ông?

- Tôi muốn nói nhưng mà cái người kia…

Monck nói:

- Đợi một chút, tôi hiểu ông sợ cái gì và tôi phải đi thử đấy - Monck quay về phía người đánh cá thoáng bóng dưới ánh đèn ông nói bằng giọng ra lệnh:

- Come here, friend (Anh bạn lại đây).

Người đánh cá vẫn đứng yên.

- Tốt lắm, hắn không biết tiếng Anh. Xin ông nói bằng tiếng Anh với tôi là được.

Athos trả lời:

- Thưa ngài, tôi thì thấy nhiều người trong một vài trường hợp, nghe hiểu mà không chịu trả lời. Người đánh cá này có lẽ giỏi hơn ta tưởng. Tôi xin ngài hãy đuổi hắn đi chỗ khác.

Monck nghĩ thầm: "Nhất định là ông ta muốn giữ lại một mình ta nơi đây. Chẳng sao, thây kệ, một chọi một, chỉ có hai người với nhau thôi"

Rồi nói với người đánh cá:

- Ông bạn trở lên thang gác chúng ta vừa bước xuống và trông chừng không cho ai được làm rối chúng ta.

Người đánh cá dợm bước, Monck nói:

- Để đèn lại đây. Mang theo, người ta thấy anh và cho anh ăn đạn bây giờ!

Người đánh cá có vẻ chịu lời khuyên nên bỏ đèn xuống đất và biến đi sau vòm thang lầu.

Monck đến cầm cây đèn đặt dưới chân cột và nói:

- Có chắc chắn là tiền nằm dưới mộ này không?

- Thưa ngài, năm phút nữa thì ngài sẽ phải tin.

Cùng lúc, Athos đập mạnh vào lớp vữa làm nứt một lằn chỗ đầu cây đòn. Athos lách cây vào, các mảng vữa tách ra từng mảnh tròn. Ông nói:

- Thưa ngài, đây là phần vữa trát mà tôi đã nói với ngài.

- Nhưng tôi chẳng thấy thùng gỗ đâu hết!

Athos nhìn chung quanh, nói:

- Nếu tôi có cây dao găm thì ngài sẽ thấy ngay. Tiếc là lúc nãy tôi đã bỏ quên nơi lều của ngài rồi.

Monck nói:

- Ông hãy dùng con dao của tôi, tôi chỉ sợ là lưỡi nó quá mỏng không đủ kham công việc ông đòi hỏi.

Athos hình như lo tìm chung quanh một thứ gì thay thế cho con dao găm.

Monck không ngừng theo dõi hai bàn tay của Athos và ánh mắt ông.

- Sao ông không hỏi con dao to bản của người đánh cá. Hắn ta có con dao đó.

Athos nói:

- Đúng rồi, hắn đã dùng nó để chặt cây được mà.

Ông chạy đến bên thang lầu nói với người đánh cá.

- Ném cho tôi con dao to bản của anh! Tôi đang cần.

Tiếng con dao vang lên trên bậc cấp. Monck nói:

- Ông đến lấy đi. Như lúc nãy tôi thấy đó là một dụng cụ rắn chắc lắm. Có bàn tay vững vàng sử dụng thì làm được nhiều việc đấy!

Athos hình như chỉ hiểu lời Monck theo nghĩa bình thường, đơn giản của nó. Ông cũng không thấy rằng, hay ít ra là ông cũng tỏ vẻ không chú ý rằng, khi ông quay trở lạỉ, Monck tránh bước và đặt bàn tay phải lên báng súc lục, bàn tay trái đã nắm sẵn con dao găm. Athos bắt đầu công việc, lưng quan về phía Monck không đề phòng gì ông ta cả.

Trong chỉ vài giây, ông đập lớp vữa trông thật chính xác khiến cả khối tách làm đôi và do đó Monck nhìn thấy hai cái thùng gỗ đặt nối đầu nhau, cả khối nặng nằm im trong lớp bọc bằng vữa hồ.

Athos nói:

- Thưa ngài, ngài thấy không, tôi có linh cảm đúng thật.

Monck trả lời:

- Vâng thưa ông, đúng thật. Và nhất định là ông bằng lòng lắm phải không?

- Nhất định là thế. Tôi thật đau đớn hết sức nếu mất số tiền này. Nhưng tôi chắc rằng Chúa thường che chở cho chính nghĩa, Chúa sẽ chẳng bao giờ để cho người ta lấy đồng vàng giúp cho chính nghĩa thành công này.

Monck nói:

- Tôi xin lấy danh dự mà nói rằng ông là người bí mật trong lời nói và cả trong hành động. Vừa rồi khi ông nói rằng ông không muốn đổ trách nhiệm công việc làm hôm nay lên đầu tôi, thì tôi hiểu không rõ lắm. Thế rồi bây giờ ông lại nói đến chính nghĩa nữa. Ông hiểu cái từ chính nghĩa đó là thế nào thưa ông? Trong lúc này, ở nước Anh, chúng tôi tranh đấu cho năm hay sáu chính nghĩa thế, mà cũng không ngăn được việc mọi người ai cũng cho chính nghĩa của mình không phải chỉ là chính đáng hơn mà còn là chính đáng nhất nữa. Chính nghĩa của ông là gì? Ông có vẻ thiết tha với nó lắm, xin ông cứ mạnh dạn nói đi xem thử chúng ta có đồng ý với nhau được không?

Athos nhìn Monck thật lâu như thách đố với đối tượng về việc không cần phải giấu giếm ý nghĩ của mình.

Thế rồi, ông giở nón ra, giọng nói trang nghiêm trong khi người đối thoại đặt tay lên mặt, để những ngón tay dài run run xoắn lấy bộ râu trong khi đôi mắt đờ đẫn buồn rầu nhìn lặng lờ dưới tận đáy hầm sâu. Bá tước De La Fère nói:

- Thưa ngài, ngài là một nhà quý tộc Anh, một con người trung thực. Ngài đang nói chuyện với một nhà quý tộc Pháp, một con người tình cảm. Đống vàng trong hai thùng gỗ này, tôi đã nói là của tôi, tôi thật có lỗi. Đây là lời nói dối đầu tiên trong đời tôi nói dối trong một lúc thôi, đúng vậy. Nhưng thật ra vàng là của cải vua Charles Đệ nhị, đang bị đày xa xứ. Ông bị đuổi khỏi lâu đài của ông, mồ côi cha và cũng không có ngai vàng, mất cả niềm hạnh phúc đau buồn là quì xuống hôn tấm đá mà sáu gã sát nhân đã khắc lên dòng chữ: "Đây là nơi nằm của Charles I".

Monck hơi tái mặt, một cảm giác ớn lạnh chạy qua dưới làn da và làm dựng bộ râu xám của ông lên. Athos tiếp tục:

- Tôi, Bá tước De La Fère đây là người duy nhất, người trung thành cuối cùng còn lại của ông hoàng khốn khổ bị bỏ rơi. Tôi đã hứa với ông hoàng sẽ đến tìm con người nắm vận mệnh nước Anh hôm nay và tôi đã đến thật, tôi đang đứng trước mặt người ấy, tôi xin trao trọn vẹn thân xác cho người ấy để nói:

Thưa ngài, đây là tài sản cuối cùng của ông hoàng chủ của ngài theo ý Chúa, vua của ngài theo tộc hệ; cuộc sống, tương lai của ông hoàng đó tuỳ thuộc vào ngài, chỉ mình ngài thôi. Ngài có muốn dùng số tiền này để xoa dịu những nỗi đau khổ của nước Anh sau bao nhiêu năm hoảng loạn không? Nói cách khác, ngài có muốn giúp hay không? Hiện nay ngài là người chủ, là ông vua, chủ và vua toàn năng toàn quyền, vì đôi khi số mệnh đã phá đi công trình của thời gian và của Chúa.

Thưa ngài, bây giờ chỉ có mình tôi với ngài, nếu ngài sợ thành công có người chia xẻ, nếu sự đồng loã của tôi làm ngài nặng lo thì đây, ngài có vũ khí sẵn sàng và một ngôi mộ đã đào xong xuôi.

Còn trái lại, lòng hân hoan vì chính nghĩa của ngài làm ngài ngây ngất, nếu ngài là con người như chính ngài bộc lộ, nếu bàn tay quyết định của ngài vâng lời trí óc của ngài và trí óc của ngài vâng lời trái tim của ngài, thì đây là phương tiện để tiêu diệt tận gốc cái chính nghĩa của kẻ thù Charles Stuart của ngài, xong ngài hãy giết luôn người đang đứng trước mặt ngài bởi vì hắn sẽ không quay trở về với người đã cử hắn ta đi nếu không mang lại cho người ấy số hàng được cất giữ mà Charles Đệ nhất, cha người ấy, đã uỷ nhiệm và, ngài hãy giữ số vàng này, nó sẽ có thể hữu ích cho việc duy trì cuộc nội chiến.

Than ôi! Thưa ngài, đó là tình trạng ác nghiệt của vị hoàng tử đau khổ đó. Hoặc ông phải chịu tàn tạ hoặc ông phải là sát nhân bởi vì tất cả đều chống lại ông, tất cả đều xua đuổi ông, tất cả đều thù nghịch với ông trong lúc đó ông lại là người có dấu ấn thiên định, cho nên để khỏi dối gạt dòng giống, ông hoặc phải lấy lại ngai vàng, hoặc chịu chết trên đất nước nhà thiêng liêng.

Thưa ngài, ngài đã nghe tôi nói xong. Bất cứ ai khác ngoài con người danh tiếng đang nghe lời tôi đây, chắc tôi phải nói:

Thưa ngài, ngài là người nghèo. Đức vua biếu ngài một triệu đó như là tiền đặt cọc một món hàng kếch sù; ngài hãy cầm lấy đi và phụng sự vua Charles Đệ nhị như tôi đã phụng sự Charles Đệ nhất, và tôi tin chắc rằng Chúa đang nghe chúng ta, thấy chúng ta, chỉ riêng Chúa là nhìn thấy ở ngài trái tim khép kín đối với nhân loại dung thường. Tôi tin chắc rằng Chúa sẽ ban cho ngài một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu sau một cái chết an lành.

Nhưng với Đại tướng Monck, con người tiếng tăm mà tôi nghĩ có tấm lòng cao thượng, thì tôi nói: Thưa ngài, trong lịch sử các dân tộc và các vua, có dành cho ngài một chỗ đứng sáng chói, một vinh quang đời đời bất diệt, thật đặc biệt, không để đổi lại quyền lợi nào khác hơn là sự an lành cho quê hương của ngài và ích lợi của công lý, ngài phải là cột trụ của Đức vua của ngài. Đã có rất nhiều kẻ là người đi chinh phục, những người tiếm vị quang vinh. Riêng ngài, ngài sẽ bằng lòng làm người đạo đức nhất, liêm khiết nhất và anh minh nhất trong các con người: ngài đã cầm trong tay một vương miện và thay vì đặt nó ngay ngắn trên đầu ngài, ngài sẽ đặt nó lên đầu của người chủ nó. Ôi! Thưa ngài, hãy hành động như thế đi và ngài sẽ truyền lại cho hậu thế một tên tuổi ai cũng thèm muốn mà không ai xứng danh như thế cả.

Athos ngưng lại. Trong suốt thời gian nhà quý tộc danh giá thao thao bất tuyệt, Monck không tỏ dấu tán thành hay phản đối gì cả, dù là suốt bài diễn thuyết hăng say đó, người ta thấy mắt ông hơi sáng lên ánh khích động chứng tỏ ông có hiểu biết.

Bá tước De La Fère buồn bã nhìn ông và khi thấy gương mặt ảm đạm, Bá tước cảm thấy một nỗi chán chường xâm chiếm tận đáy lòng. Sau cùng Monck có vẻ như khích động và lên giọng dịu dàng trang trọng phá tan sự im lặng:

- Ông ạ, để trả lời ông, tôi sẽ sử dụng chính ngay lời nói của ông. Nếu ai khác ngoài ông, tôi sẽ trả lời bằng sự tống khứ, bằng nhà tù hay một cái gì lệ hơn nữa. Bởi vì rõ ràng ông vừa cám dỗ vừa trấn áp tôi. Nhưng chỉ vì ông là một trong những người mà người ta không thể không chú ý đến và không thể nào không tôn trọng đúng mực. Ông là một nhà quý tộc dũng cảm, tôi nói và biết rõ như vậy, vừa rồi, ông cho tôi biết về số hàng cất giữ mà tiên vương để lại cho ông ta, vậy ra có phải ông là một trong những người Pháp mà tôi nghe nói, đã muốn giải thoát Charles Đệ nhất lúc ở White-Hall không?

- Thưa ngài vâng ạ, chính tôi là người đã núp dưới đài lúc sắp hành quyết, chính tôi đã nhận lên trán tôi một giọt máu của vị vua chịu khổ hình, vì không thể chuộc ngài lại được. Đồng thời cũng chính tôi nhận được lời nói cuối cùng của Charles Đệ nhất: "Remember", là để dành cho tôi, lời nói ám chỉ số tiền đang nằm dưới chân ngài đây.

Monck nói:

- Tôi đã nghe nói rất nhiều về ông, nhưng tôi rất lấy là sung sướng rằng tôi đã mến phục ông trơớc nhờ chính linh cảm của tôi chớ không phải bởi ký ức của tôi. Cho nên, tôi sẽ nói với ông những điều tôi chưa hề nói với ai và ông sẽ thấy rõ tôi coi ông khác với những người đưa tôi đến đây là thế nào.

Athos khẽ gật đầu, sẵn sàng vội vã tiếp nhận từng lời một thoát ra từ cửa miệng Monck, những lời nói hiếm có và quý giá như giọt sương trong sa mạc.

- Ông đã kể cho tôi nghe về vua Charles Đệ nhị, nhưng xin hỏi ông: cái ông vua ma đó có quan hệ gì với tôi? Tôi đã già đầu trong chiến tranh và trong chính trị, hai thứ hoạt động này đang liên hệ khăng khít với nhau, cho nên mọi tay kiếm đều phải biết chiến đấu cho quyền lợi của mình hay cho tham vọng của mình chứ không phải chỉ mù quáng núp sau sĩ quan như các cuộc chiến bình thường. Tôi đây, hiện nay có lẽ không ham muốn gì hết nhưng lại lo sợ rất nhiều. Trong cuộc chiến hiện nay có đặt cả tự do của nước Anh và có lẽ cả tự do của từng người Anh nữa. Tại sao ngài muốn tôi đang hưởng tự do như thế này lại giơ tay đón chào bàn tay xiềng xích của một người ngoại quốc. Charles đối với tôi chỉ là thế đó thôi, ở đây ông ta đã thua trận, vậy ông ta là một chỉ huy tồi. Ông ta chẳng thành công trong một cuộc thương thuyết nào, vậy ông ta là một nhà ngoại giao dở. Ông ta mang sự cùng khốn của ông đi khắp châu Âu, vậy ông là một con người yếu đuối, nhu nhược. Chẳng có gì là cao sang, vĩ đại, chẳng có gì là dũng mãnh trong con người kỳ tài đó đang muốn cai trị một nước hùng mạnh nhất trên trái đất này. Tôi chỉ biết ông Charles đó dưới khía cạnh xấu thôi, thế thì làm sao tôi, một con người có trình độ như ông nói, làm sao tôi lại tự nguyện làm nô lệ cho một người thua kém tôi đủ mặt về quân sự, về chính trị và về tư cách nữa? Thưa ông, không được. Khi nào tôi thấy được Charles chứng tỏ được một hành động cao cả nào, có lẽ tôi sẽ công nhận ông xứng đáng được hưởng chiếc ngai mà chúng tôi đã truất khỏi người cha vì người ấy đã không có những đức tính ngay đến người con bây giờ cũng không có. Cho đến lúc này, tôi chỉ nhận có quyền lực của tôi thôi. Cách mạng đã phong cho tôi làm Đại tướng, nếu tôi muốn thì thanh gươm của tôi sẽ để lôi làm kẻ bảo trợ nền dân chủ.

Hãy để Charles tự chứng tỏ đi, hãy xuất hiện để chịu đựng một cuộc khảo hạch công khai chứng tỏ mình có tài năng - mà còn phải nhớ rằng ông ta thuộc một dòng giống mà tài năng phải cao hơn người khác mới được. Cho nên, thưa ông, chúng ta chấm dứt đi, tôi không bác bỏ cũng không chấp nhận. Tôi dè dặt chờ đợi.

Athos biết Monck đã được thông báo quá rõ về tất cả tình hình gì liên quan đến Charles II nên không đưa câu chuyện xa hơn nữa được. Không phải lúc, không phải chỗ. Ông nói:

- Thưa ngài, thế thì tôi chỉ còn có việc cám ơn ngài thôi.

- Về việc gì, thưa ông?

- Về điều ông đã nhận xét đúng về tôi và về điều tôi hành động theo đúng như ông nghĩ?

Ô! Thật là phiền phải không? Số vàng này mà ông sắp đem đến cho vua Charles tôi sẽ lấy đó làm sự thử thách ông ta: Khi nào thấy ông ta biết dùng nó làm gì, tôi chắc sẽ có một quan điểm mà trước kia tôi chưa từng có.

- Trong lúc đó ngài không sợ tôi để lọt số tiền này vào tay kẻ thù à?

- Kẻ thù? Ồ, tôi không có kẻ thù ông ạ. Tôi phục vụ Nghị viện, Nghị viện ra lệnh tôi đi chiến đấu chống lại tướng Lambert và vua Charles là kẻ thù của Nghị viện chứ không phải của tôi. Vậy là tôi chiến đấu. Nếu trái lại Nghị viện ra lệnh cho tôi treo cờ ở hải cảng London, tụ họp binh sĩ tại bến, tiếp rước Charles Đệ nhị.

- Ngài vâng lệnh chứ? Athos sung sướng kêu lên.

- Xin ông thứ lỗi cho. - Monck vừa cười, vừa nói, - tôi tôi sẽ đi, đầu óc quay cuồng giống như thời trai trẻ làm việc khùng điên.

- Vậy là ngài không vâng lệnh? - Athos hỏi.

- Cũng không hẳn như vậy nữa. Phải đặt tổ quốc trên hết. Chúa đã cho tôi sức lực thì Chúa chắc cũng sẽ muốn rằng tôi dùng sức có ích cho tất cả mọi người, đồng thời, người cũng ban cho tôi luôn cả sự biết phân biệt phải trái. Nếu Nghị viện ra lệnh cho tôi hành động như thế thì tôi sẽ suy nghĩ lại.

Athos sa sầm nét mặt:

- Thôi, tôi hiểu rồi, nhất định là ngài không muốn ủng hộ vua Charles Đệ nhị rồi.

- Nãy giờ ông Bá tước luôn luôn chất vấn tôi, giờ xin đến phiên tôi đây.

- Vâng, xin mời ngài, và mong rằng Chúa khởi ý cho ngài đáp ứng thành thật như tôi đáp ứng cho ngài vậy.

- Khi mang cho ông hoàng của ông số tiền một triệu này, ông sẽ khuyên ông ta như thế nào?

Athos nhìn thẳng vào mặt Monck, dáng ngạo nghễ và dứt khoát.

- Thưa ngài, với một triệu đó nhiều người khác có lẽ sẽ dùng để thuyết thuyết, tôi thì muốn xin Đức vua nên thành lập hai trung đoàn rồi tiến vào ngả Scotland, nơi ngài vừa bình định xong, nơi ngài vừa cho dân chúng sự chân thành mà cách mạng đã hứa mang lại cho họ nhưng đã không hoàn toàn giữ lời.

Tôi sẽ khuyên Đức vua đích thân chỉ huy đạo quân bé nhỏ rồi nó sẽ lớn dần lên đó, ngài cứ tin thế đi. Tôi sẽ khuyên Đức vua chết trong tư thế tay cầm cờ, kiếm nằm trong bao và kêu lên: "Hỡi người Anh, đây là vị vua thứ ba của giống dòng nhà ta mà các người đã giết chết. Các người hãy coi chừng sự phán xét của Chúa".

Monck cúi đầu xuống dáng đăm chiêu rồi nói:

- Nếu ông la thành công, điều này thật khó tin, nhưng không phải là không thể xảy ra được, bởi vì mọi thứ đều có thể có được trên thế gian này, nếu thế thì ông sẽ khuyên ông ta những gì?

- Khuyên ông ta nghĩ rằng mất ngai vàng là do ý trời, nhưng lấy lại được là do lòng dân.

Mặt Monck thoáng hiện một nụ cười mỉa mai.

- Thưa ông, khổ thay những kẻ làm vua không bao giờ biết nghe theo một lời khuyên phải.

Đến lượt Athos cười, sắc diện khác hẳn với Monck.

- Charles Đệ nhị không phải là ông vua như thế.

- Thôi ta nói gọn đi Bá tước ạ, ông muốn như thế phải không?

Athos nghiêng mình xác nhận.

Tôi sẽ cho người đem hai thùng này đến nơi nào ông muốn. Ông trú nơi nào?

- Thưa ngài, nơi một xóm nhỏ ở cửa sông.

- Ồ tôi biết rồi. Ở đó có năm hay sáu ngôi nhà gì đó phải không?

- Đúng vậy. Tôi trú ở ngôi nhà thứ nhất chung với hai người đan lưới. Tôi đã lên bờ bằng thuyền của họ đấy.

- Thế còn thuyền của ông đâu?

- Thuyền của tôi thả neo cách biển một phần tư hải lý và chờ đấy.

- Ông có vẻ như chưa muốn đi ngay phải không?

- Thưa, tôi còn muốn thử thuyết phục ngài một lần nữa ạ.

Monck trả lời:

- Ông sẽ không đạt được mục đích đâu. Điều quan trọng là ông phải rời Newcastle sao cho không để lại dấu vết, khỏi có hại cho ông cũng như cho tôi nữa. Các sĩ quan của tôi tin rằng ngày mai thì Lambert sẽ tấn công. Tôi thì trái lại, tôi bảo đảm là hắn ta không nhúc nhích gì hết. Chuyện đó không thể nào xảy ra được Lambert trông coi một đạo quân không thuần nhất, một mớ tạp nhạp như thế không thể gọi là một đạo quân được. Tôi đã dạy cho lính đặt quyền bính của tôi dưới một quyền bính cao hơn. Điều này khiến cho họ còn kỳ vọng ở một cái gì sau tôi, chung quanh tôi, dưới bậc tôi. Cho nên, nếu tôi chết đi, chuyện cũng thường thôi, đội quân tôi sẽ không mất tinh thần ngay. Cho nên, ví dụ khi tôi đi như tôi đã làm chơi vài lần, thì trong binh trại của tôi sẽ không có lo âu hay rối loạn chút nào. Lambert đang chỉ huy mười tám ngàn tên đào ngũ. Thế mà ông biết rõ là tôi không nói điều đó với sĩ quan của tôi. Phải để cho một đạo quân luôn luôn có ý nghĩ là chiến trận sắp xảy ra ngay, ai lấy cũng đều tỉnh táo, trông chừng hết. Còn tôi nói với ông điều này là để cho ông thật an tâm. Ông chớ nên vội vượt biển về ngay: tám ngày nữa chắc có sự kiện mớỉ, hoặc là đánh nhau, hoặc là có sự dàn xếp. Lúc bấy giờ, vì để cám ơn ông đã nhận xét tốt về tôi và tin cậy mà thổ lộ bí mật với tôi, chừng ấy tôi sẽ mời ông đi thăm nơi nào ông muốn. Vậy xin ông chớ đi chừng nào tôi chưa có ý kiến, tôi xin nhấn mạnh lời mời đó một lần nữa.

- Tôi xin hứa, thưa Đại tướng - Athos kêu lên, trong lòng vui sướng nên dù bản tính thận trọng, ông vẫn để lộ ánh mắt mừng rỡ.

Monck bắt gặp ánh mắt sáng rực ấy và ông dập tắt nó bằng một cái nhếch mép mà ông thường dùng để chặn những người đối thoại cứ tưởng là hiểu thấu được ông. Athos nói:

- Như vậy, ngài cho tôi cái hẹn là tám ngày.

- Vâng, thưa ông, đúng tám ngày.

- Thế tôi làm gì trong tám ngày đó?

- Nếu có đánh nhau thì xin ông tránh xa đi. Tôi biết rằng người Pháp tò mò muốn xem cái trò giải trí này lắm. Ông muốn biết chúng tôi đánh nhau thế nào và rồi ông sẽ lãnh vài viên đạn lạc lính Scotland chúng tôi bắn dở lắm, còn tôi thì không muốn một nhà quý tộc danh giá như ông lại trở về đất Pháp mà có mang vết thương trong mình. Tôi cũng không muốn buộc phải thay thế ông mang triệu bạc cho ông hoàng của ông vì người ta có thể nói một cách có lý là tôi trả công cho ông hoàng muốn giành ngôi bằng số tiền ông ta dùng gây chiến với Quốc hội. Thôi ông ạ, cứ như chúng ta đã thoả thuận là được.

Athos kêu lên:

- Ôi thưa ngài, tôi thật sung sướng làm người đầu tiên được ghé vào trái tim cao quý đang đập dưới tấm áo choàng này!

Monck đáp, không thay đổi nét mặt hơi vui của mình:

- Ông lại cứ quả quyết rằng tôi có nhiều điều bí mật lắm! Này, ông nghĩ xem có điều bí mật gì lại ở trong cái đầu rỗng tuếch của dân võ biền? Nhưng thôi khuya rồi đèn sắp tắt, để gọi người đi theo chúng ta đến đây. Này anh đánh cá?

Người đánh cá đã cóng vì đêm lạnh đáp lại bằng một giọng khàn khàn để hỏi các ông muốn ông ta làm gì. Monck nói:

- Anh lại trạm gác, nói thừa lệnh tướng Monck bảo viên hạ sĩ quan đến đây ngay.

Nhiệm vụ đó thật dễ thực hiện vì người hạ sĩ quan tò mò muốn biết ông Đại tướng làm gì trong cái tu viện hoang vắng này nên đã từ từ nhích tới và lúc đó chỉ cách người đánh cá có vài bước.

Monck bảo:

- Kiếm một con ngựa và hai người.

Viên trung sĩ lặp lại:

- Thưa một con ngựa và hai người?

- Ừ! Anh có cách nào kiếm được ngựa có giá thồ không?

- Thưa được, ở khu người Scotland cách đây một trăm bước thôi.

- Tốt.

- Thưa Đại tướng, tôi lấy ngựa rồi làm gì nữa.

- Lại đây.

Người trung sĩ bước xuống ba bốn bậc cấp và xuất hiện dưới vòm đá.

- Anh thấy hai thùng gỗ này không?

- Thưa thấy rõ ạ.

- Hai thùng này, một đựng thuốc súng, một dựng đạn. Anh đem chuyển hai thùng gỗ này đến cái xóm nhỏ bên bờ sông và phải có hai trăm tay súng gác. Việc này phải thật kín, nó quan trọng đến sự thành bại của chúng ta đấy.

Anh trung sĩ lẩm bẩm:

- Ồ, thưa Đại tướng, vâng ạ.

- Tốt lắm. Anh cho cột hai thùng trên mình ngựa và anh với hai người nữa đi theo bảo vệ chúng đến nhà ông quý tộc này, bạn thân ta đó. Nhớ nhé. Không ai được biết hết.

Người trung sĩ nói:

- Nếu có đường thì tôi đi xuyên qua vùng đầm lầy.

Athos nói:

- Tôi biết đường không rộng mà chắc chắn nó làm trên sàn gỗ cứ cẩn thận là được.

Monck nói:

- Anh cứ theo lời ông này.

Người trung sĩ thử nhất một thùng lên.

- Ối cha, thùng nặng quá! Mỗi thùng chừng bốn trăm ký. Nếu đúng là thứ đó phải không ông?

Athos trả lời:

- Cỡ chừng đó.

Người trung sĩ đi tìm ngựa, người. Monck đứng một mình với Athos cố tình chỉ nói chuyện không đâu, mắt lơ đãng quan sát khu hầm mộ. Rồi khi nghe tiếng chân ngựa, ông bắt tay Athos và nói:

- Thôi tôi trở về để ông đi với họ, ông cứ an tâm.

Athos nói nhỏ:

- Ôi, giá như ngài muốn!

- Suỵt! Chúng ta đã giao hẹn là không nói nữa mà.

Chào Athos xong, ông bước lên đến khoảng giữa bậc đá thì gặp những người lính đang bước xuống.

Chưa đi khỏi tu viện hai mươi bước, ông đã nghe thấy tiếng còi nhỏ và kéo dài vọng từ đằng xa. Ông dừng chân nghe ngóng, nhưng không thấy gì, ông lại bước đi. Thế rồi chợt nhớ tới người đánh cá, ông nhìn quanh quất tìm kiếm nhưng anh ta đã biến mất. Nhưng nếu chú ý kỹ thì chắc ông sẽ thấy người đó đang khom người trườn mình như con rắn len lỏi giữa các hòn đá rồi lạng trên mặt đầm, mất hút sau màn sương mù. Nếu chú ý hơn nữa, qua tấm màn sương mù đó ông sẽ thấy chuyện lạ: chiếc thuyền của những người đánh cá đã rời chỗ và tiến đậu gần bờ sông hơn trước.

Nhưng Monck không thấy gì và nghĩ rằng không phải lo sợ gì nên ông cứ tiến bước trên con đường vắng lặng hướng về bản doanh.

Lúc ấy, nghĩ lại ông thấy lạ về việc người đánh cá biến đâu mất và trong tâm trí bắt đầu nổi lên sự nghi ngờ. Ông vừa trao cho Athos tốp lính độc nhất bảo vệ ông. Và bây giờ đi về bản doanh thì phải qua cả một dặm đường.

Sương mù bốc lên dày đặc nên khó có thể thấy rõ vật gì cách xa mười bước. Monck cảm thấy có tiếng mái chèo khua trong đầm phía bên phải ông. Ông la lên: "Ai đấy?"

Nhưng không ai trả lời cả. Ông vội lên đạn, rút gươm cầm tay, bước gấp nhưng vẫn không muốn gọi người tới. Gọi trong trường hợp chẳng cần quá như thế thật là không xứng với ông chút nào.

CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 13: Ngày hôm sau

Bảy giờ sáng. Những tia nắng mai đầu tiên rơi xuống các ao đầm, phản chiếu hình ảnh của mặt trời như một quả cầu đỏ ối.

Athos thức dậy, mở chiếc cửa sổ phòng ngủ nhìn ra hướng bờ sông. Bỗng ông thấy cách đó khoảng mười lăm bước, viên trung sĩ và những người lính đã theo ông về nhà đêm qua, và đã trở về trại theo lề đường bên phải - sau khi cất kỹ những cái thùng trong nhà ông.

Vì sao, sau khi trở về trại rồi, những người này lại quay trở lại? Câu hỏi đó đột ngột nảy ra trong đầu Athos.

Viên trung sĩ, đầu ngẩng cao, có vẻ đang ngóng đợi ông xuất hiện để hỏi han điều gì. Athos không giấu được sự ngạc nhiên khi gặp lại họ. Viên trung sĩ nói:

- Thưa ngài, điều này không có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì hôm qua Đại tướng đã căn dặn tôi bảo vệ an toàn cho ngài, và tôi phải thi hành lệnh này.

- Đại tướng hiện đang ở trong trại phải không? - Athos hỏi.

- Thưa ngài, hẳn là thế, bởi vì hôm qua ngài đã từ giã ông ấy ngay tại đó.

- Vậy, anh hãy đợi tôi một chút, tôi sẽ đi đến đó để báo cáo rằng anh đã sốt sắng làm tròn nhiệm vụ, và để lấy lại thanh gươm mà tôi đã bỏ quên trên bàn hôm qua. viên trung sĩ nói:

- Ý định của ngài đến thật đúng lúc, vì chúng tôi cũng sắp yêu cầu ngài điều này.

Athos thoáng nhận thấy một vẻ ân cần hơi lạ trên gương mặt người trung sĩ, nhưng có lẽ cuộc phiêu lưu dưới đường hầm vừa qua đã tác động đến anh ta, và như thế không có gì đáng ngạc nhiên nếu anh ta do xáo động tâm trí mà bộc lộ một ít cảm xúc. Thế là Athos cẩn thận đóng các cửa ra vào và gởi chìa khoá cho Grimaud- ông này đã chọn chỗ ở của mình ngay trong căn chái dẫn đến căn hầm chứa các thùng tiền. Viên trung sĩ đi kèm sát bên Bá tước De La Fère đến tận đại bản doanh. Nơi đó, một toán lính khác đang chờ sẵn để thay thế bốn người.

Toán lính mới này do người sĩ quan tuỳ tùng tên là Digby chỉ huy, và trên đường đi, anh chàng này nhìn Athos phải tự hỏi do đâu có sự canh chừng nghiêm ngặt này - trong khi hôm qua ông đã được hoàn toàn tự do.

Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục đi về phía bản doanh, giữ kín không để lộ ra ngoài những nhận xét và ý nghĩ của mình. Trong căn lều của Đại tướng, nơi ông đã được đưa đến hôm qua, Athos gặp ba sĩ quan cao cấp: Người phụ tá của Monck và hai viên đại tá ông cũng nhận ra thanh gươm của mình, vẫn còn nằm ngay chỗ cũ ở trên bàn của Đại tướng.

Không một sĩ quan nào biết chuyện xảy ra ở đây vào ngày hôm trước, do đó không người nào biết mặt ông. Người phụ tá của Monck hỏi đây có phải đúng là nhà quý tộc đã cùng đi ra khỏi lều với Đại tướng không.

Viên trung sĩ đáp:

- Thưa ngài, phải. Đúng là ông ta đấy.

Athos nói với giọng cao ngạo:

- Này tôi có chối đâu. Còn bây giờ đến phiên tôi: xin quý vị cho tôi được biết tất cả những câu hỏi vừa rồi của quý vị có mục đích gì, và nhất là xin quý vị giải thích vì sao quý vị đặt những câu hỏi đó với một cái giọng như thế.

Người phụ tá của Monck nói:

- Thưa ông, chúng tôi hỏi là vì chúng tôi có quyền, và nếu chúng tôi hỏi ông với cái giọng như thế, là vì cái giọng này, xin ông hãy tin tôi, nói thích hợp với tình thế này.

Athos nói:

- Thưa quý vị, quý vị không biết tôi là ai, nhưng tôi phải cho quý vị biết điều này: tại đây tôi chỉ nhìn nhận có Đại tướng Monck ngang hàng với tôi thôi. Ông ấy ở đâu? Yêu cầu hãy đưa tôi đến gặp, và nếu chính ông ấy có điều gì muốn hỏi, tôi sẽ trả lời.

- Kìa? - Người phụ tá thốt lên, - tôi nghĩ là ông biết rành hơn chúng tôi rằng ông ấy hiện đang ở đâu chứ.

- Dĩ nhiên là ông.

Athos nói:

- Thưa ông, tôi không hiểu ông muốn nói gì.

- Thưa ông, rồi ông sẽ hiểu, và trước hết, yêu cầu ông thấp giọng hơn. Hôm qua Đại tướng đã nói gì với ông?

Athos mỉm một nụ cười khinh thị. Một trong hai viên đại tá giận dữ kêu lên:

- Chúng tôi không muốn ông cười, chúng tôi muốn ông trả lời.

- Và tôi, thưa quý vị, tôi khẳng định rằng tôi sẽ không trả lời cho quý vị một điều gì cả nếu không có mặt Đại tướng.

Viên đại tá vừa nói khi nãy lặp lại:

- Nhưng ông biết rõ là ông đòi hỏi một điều không thể có được.

Athos tiếp lời:

- Đây là lần thứ nhì người ta trả lời một cách kỳ quặc về ý tôi nêu lên. Có phải Đại tướng đi vắng không?

Câu hỏi của Athos có vẻ quá thành thật, và nhà quý tộc lộ một vẻ ngạc nhiên không chút dối trá khiến ba người sĩ quan phải đưa mắt nhìn nhau. Như có một sự thoả thuận mặc nhiên của hai sĩ quan kia, người phụ tá lên tiếng hỏi:

- Thưa ông, hôm qua Đại tướng đã từ giã ông ngay tại ranh giới của tu viện phải không ạ?

- Thưa ông, phải.

- Và ông đã đi!

- Xin để những người lính đã đi theo tôi trả lời câu hỏi đó. Họ là lính của ông, ông hãy hỏi họ xem.

- Nhưng nếu chúng tôi thích hỏi ông thì sao?

- Thế thì, thưa ông, tôi muốn trả lời rằng tôi không thuộc quyền của bất cứ ai đây, rằng ở đây tôi chỉ biết có Đại tướng, và tôi sẽ chỉ trả lời với ông ấy thôi.

- Thưa ông, cũng được. Nhưng vì bây giờ chúng tôi là chủ nhân ở đây, chúng tôi sẽ họp thành toà án quân sự, và khi ông đứng trước các quan toà, ông sẽ bắt buộc phải trả lời họ.

Gương mặt của Athos chỉ biểu lộ sự ngạc nhiên và sự khinh thường thay vì sợ hãi như các sĩ quan muốn gây ra khi họ lên giọng đe doạ như thế. Ông nhún vai nói:

- Những quan toà người Scotland hay người Anh, để xử tôi một thần dân của nước Pháp, tôi là kẻ được danh dự của nước Anh bảo vệ! Các ông điên rồi!

Các sĩ quan nhìn nhau rồi nói:

- Vậy thưa ông, ông bảo rằng ông không biết Đại tướng ở đâu à?

- Thưa ông, về điều này tôi đã trả lời ông rồi.

- Phải, nhưng câu trả lời của ông không thể tin được.

- Tuy nhiên, thưa quý vị, nó là sự thật. Những người thuộc hạng như tôi thường không thể nói dối. Tôi đã nói với các ông: tôi là một người quý tộc, và khi tôi mang gươm bên mình, lưỡi gươm mà hôm qua, do một sự tế nhị quá độ, tôi đã để lại trên cái bàn này, và nó hãy còn nằm kia, thì các ông hãy tin đi, không kẻ nào có thể nói với tôi những điều mà tôi không muốn nghe. Ngày hôm nay, tôi không có vũ khí, nếu các ông tự cho mình là những quan toà thì hãy xét xử tôi đi, nếu các ông chỉ là những đao phủ thì hãy giết tôi đi! Hôm qua tôi đã đến đây để nói chuyện riêng với Đại tướng của các ông về những vấn đề quan trọng. Và ông ấy đã dành cho tôi một sự tiếp đãi không phải bình thường. Những báo cáo của binh sĩ các ông có thể chứng tỏ điều này. Vậy nếu Đại tướng của các ông đã tiếp tôi như thế, hẳn các ông phải biết rõ tôi đáng được tôn trọng đến mức nào. Bây giờ chắc các ông không đòi hỏi tôi sẽ tiết lộ những bí mật của tôi, và lại càng không thể tiết lộ những bí mật của ông ấy nữa.

- Nhưng những cái thùng đó, chúng đựng thứ gì vậy?

- Ông không hỏi binh sĩ của ông sao? Họ đã trả lời các ông thế nào?

- Rằng chúng đựng thuốc súng và đạn.

- Ai cho họ những tin tức này? Chắc họ đã nói cho các ông biết rồi!

- Chính Đại tướng, nhưng chúng tôi không bị lừa đâu.

- Xin ông hãy thận trọng, đây không phải là ông bác bỏ lời khẳng định của tôi nữa, mà là của người chỉ huy các ông đấy.

Các sĩ quan nhìn nhau. Athos tiếp tục:

- Trước binh sĩ, Đại tướng đã bảo tôi chờ trong tám ngày, trong tám ngày nữa tôi sẽ nhận câu trả lời của ông. Tôi có bỏ trốn không? Không, tôi vẫn ở lại đợi.

Người phụ tá kêu lên:

- Đại tướng bảo ông chờ ông ấy tám ngày?

- Thưa ông, ông ấy đã nói với tôi điều đó thật rõ ràng. Tôi có một chiếc tàu nhỏ đang bỏ neo ở cửa sông, và hôm qua tôi đã có thể lên tàu ra đi một cách dễ dàng. Thế nhưng tôi vẫn ở lại, duy nhất chỉ vì muốn làm theo ý muốn của Đại tướng. Ngài đã căn dặn tôi đừng bỏ ra đi trước khi có buổi hội kiến cuối cùng mà chính ngài đã ấn định vào tám ngày sau. Vì thế tôi xin lập lại với ông, tôi đang chờ đợi.

Người phụ tá quay qua hai sĩ quan kia, và hạ thấp giọng:

- Nếu nhà quý tộc này nói thật, chúng ta hãy còn hy vọng. Chắc Đại tướng đang thực hiện vài cuộc thương lượng bí mật đến độ ông nghĩ rằng tiết lộ cho người khác - kể cả chúng ta cũng vậy - là một việc làm thiếu thận trọng. Vậy ông chỉ vắng mặt tối đa là tám ngày thôi.

Đoạn quay về phía Athos, ông ta nói:

- Thưa ông, lời phát biểu của ông có một tầm quan trọng vô cùng lớn lao, vậy ông có vui lòng chịu thề không?

Athos trả lời:

- Thưa ông, tôi vẫn sống trong một thế giới mà mỗi lời nói của tôi dầu là giản dị nhất, đều được xem như lời thề thiêng liêng nhất.

- Thưa ông, tuy nhiên trường hợp này lại trầm trọng hơn bất cứ trường hợp nào ông đã trải qua. Đây là vấn đề sống chết của cả một đạo quân. Xin ông hãy nghĩ kỹ đến điều này: Đại tướng đã mất tích, chúng tôi đang tìm kiếm ông ấy. Sự mất tích này có phải bình thường không? Hay đã có một tội ác xảy ra? Chúng tôi có phải thúc đẩy những cuộc điều tra cho đến cùng không? Hay là chúng tôi phải kiên nhẫn chờ đợi? Trong lúc này, thưa ông, tất cả đều tuỳ thuộc vào lời ông thôi.

- Thưa ông, nếu ông đặt câu hỏi như thế, tôi không còn ngần ngại gì nữa. Phải, tôi đến đây nói chuyện riêng với Đại tướng Monck và yêu cầu ông ấy trả lời về một số vấn đề quan trọng, phải có lẽ vì Đại tướng không thể quyết định được trong khi phải chờ trận đánh sắp tới, nên ông ấy đã yêu cầu tôi nán lại thêm tám ngày nữa trong ngôi nhà tôi đang ở, với lời hứa rằng trong tám ngày nữa tôi sẽ gặp lại ông ấy. Phải, tất cả những điều đó đều đúng sự thật, và tôi xin thề trước Thượng đế, chúa tể tuyệt đối của đời tôi và đời các ông.

Lời Athos thật trang trọng và nghiêm túc khiến ba sĩ quan hầu như không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy vậy, một viên đại tá vẫn cố nói thêm:

- Thưa ông, mặc dầu bây giờ chúng tôi đã tin chắc về sự thật của những điều ông vừa nói, nhưng vẫn thấy còn chưa hiểu một điều thật lạ. Đại tướng là một người rất thận trọng, ông ấy không thể rời bỏ đạo quân của ông ấy trước lúc sắp xảy ra một trận đánh mà không báo trước ít nhất cho một người trong chúng tôi biết. Riêng tôi, tôi thú thật không thể tin rằng không có một sự kiện kỳ lạ nào đó đã gây ra sự mất tích của ông ấy. Ngày hôm qua, có những ngư dân ngoại quốc đến đây bán cá, chúng tôi đã cho họ ngủ trong nhà những người Scotland ở đằng kia, nghĩa là trên con đường mà Đại tướng đã đi để đến tu viện với ông và trở về. Chính một trong những ngư dân này đã cầm một chiếc đèn bão đi theo Đại tướng. Và sáng nay, chiếc thuyền cùng với đám ngư dân đều biến mất, theo dòng thuỷ triều đưa ra khơi trong đêm tối.

Người phụ tá nói:

- Riêng tôi, tôi thấy đó chỉ là chuyện tự nhiên, bởi vì, nói cho cùng, những người đó không phải là tù nhân.

- Dĩ nhiên là không, nhưng tôi lặp lại, chính một trong những người đó đã soi đường cho Đại tướng và ông đây trong đường hầm của tu viện, và Digby đã quả quyết với chúng ta rằng Đại tướng đã có rất nhiều nghi ngờ đối với những người đó. Nhưng ai có thể bảo chúng ta rằng những ngư dân này không thông đồng với ông đây, và khi đã thi hành xong thủ đoạn, ông đây, chắc chắn là người rất can đảm, đã ở lại để trấn an chúng ta bằng sự hiện diện của mình, và ngăn cản không cho những cuộc tìm kiếm của chúng ta đi đúng hướng.

Những lời lẽ này đã có ảnh hưởng mạnh đối với hai sĩ quan kia. Athos nói:

- Thưa ông, xin phép nói với ông rằng những ý suy luận của ông tuy bề ngoài nghe có vẻ hợp lý, nhưng thiếu sự vững chắc về những gì liên hệ đến tôi. Ông cho là tôi đã ở lại để đánh lạc hướng các ông. Thế nhưng, ngược lại, tôi cũng có những điều nghi ngờ như ông, và tôi xin thưa với ông: không thể nào, trước lúc trận đánh sắp diễn ra và Đại tướng có thể bỏ đi không nói gì cho ai biết hết. Phải, có chuyện thật khó hiểu, phải, thay vì ngồi khoanh tay chờ đợi, các ông phải hoạt động mạnh lên, phải làm tất cả những điều gì cần thiết và có thể làm được. Thưa các ông bây giờ tôi là tù nhân của các ông, tù nhân bằng lời hứa hay bằng gì cũng được. Vì danh dự của tôi, tôi rất chú trọng đến những gì đã xảy đến cho Đại tướng Monck, đến độ nếu các ông bảo tôi: Hãy đi đi! Tôi sẽ trả lời: Không, tôi ở lại. Và nếu các ông muốn hỏi ý kiến tôi, tôi sẽ nói thêm: Phải, Đại tướng đang là nạn nhân của một cuộc âm mưu nào đó, bởi vì nếu ông ấy có việc rời trại chắc ông ấy đã báo cho tôi biết. Vậy các ông hãy tìm kiếm, hãy lục soát khắp nơi, trên đất liền, trên mặt biển. Đại tướng đã không hề ra đi, hay ít nhất đã không ra đi theo ý muốn của chính ông ấy.

Người phụ tá ra dấu hiệu với các sĩ quan và nói:

- Không, thưa ông, không, bây giờ lại đến lượt ông đi quá xa. Đại tướng không phải chịu ràng buộc vào những biến cố nào hết, và có lẽ ngược lại, chính ông ấy đã điều khiển chúng. Những gì Monck đang làm hiện nay, ông ấy vẫn đã thường làm. Vậy chúng ta đã sai lầm khi chúng ta hoảng hốt. Chắc chắn ông ấy vắng mặt không lâu đâu, do đó không nên vì một sự mềm yếu mà để Đại tướng sẽ coi như là một trọng tội, không nên tiết lộ sự vắng mặt của ông ấy để khỏi làm mất tinh thần quân đội. Đại tướng đã chứng tỏ sự tin cậy lớn lao của ông ấy nơi chúng ta, chúng ta hãy chứng tỏ mình xứng đáng với lòng tin tưởng đó. Thưa quý vị xin hãy để cho sự im lặng tuyệt đối bao phủ tất cả chuyện này bằng một bức màn dày đặc, chúng ta sẽ giữ ông này lại không phải vì nghi ngờ ông dính dáng đến tội ác nhưng là để bảo đảm một cách hữu hiệu hơn sự bí mật về sự vắng mặt của Đại tướng bằng cách chỉ để nó ở lại giữá chúng ta thôi. Do đó, ông đây sẽ cư ngụ ngay tại đại bản doanh cho đến khi có lệnh mới.

Athos nói:

- Thưa quý vị, quý vị quên rằng đêm qua Đại tướng đã giao cho tôi canh giữ một kho hàng. Quý vị hãy cho bao nhiêu lính để canh giữ tôi cũng được, hãy xiềng tôi lại nếu quý vị thích, nhưng hãy để tôi ở trong căn nhà đó thay cho cái nhà tù. Tôi xin lấy danh dự của người quý tộc thề với quý vị rằng khi Đại tướng trở về, ông ấy sẽ quở trách quý vị, nếu quý vị làm trái ý ông ấy về vấn đề này.

Các sĩ quan hội ý với nhau trong một lúc, sau đó người phụ tá nói:

- Thưa ông, như vậy cũng được, ông hãy trở về nhà ông đi.

Kế đó, họ cho Athos một toán hộ vệ năm mươi người đến giữ ông trong nhà và không rời ông nửa bước. Bí mật đã được giữ kín nhưng từng giờ rồi từng ngày trôi qua mà không thấy Đại tướng trở về và cũng không có tin tức gì về ông ấy cả.

CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 14: Hàng lậu

Hai ngày sau những biến cố chúng tôi vừa kể trên, và trong khi từng giờ từng phút ở đại bản doanh người ta chờ đợi Đại tướng Monck trở về thì một chiếc thuyền nhỏ của Hoà Lan, gồm có mười thủy thủ, đến bỏ neo ngoài bờ biển Schevenigen, cách đất liền khoảng một tầm đại bác. Lúc đó đang giữa đêm và nước thủy triều dâng lên trong bóng tối dày đặc - đây là lúc tốt nhất để đưa hành khách và hàng hoá lên đất liền.

Vịnh Scheveningen làm thành một vòng cung rộng lớn, nó không sâu lắm, và nhất là không được an toàn mấy cho nên người ta chỉ thấy có những chiếc thuyền Flamand và các thuyền Hoà Lan được thủy thủ kéo lên bờ trên các cây lăn - như ngày xưa Virgile đã nói. Khi nước triều lên, đổ dồn vào đất liền, tàu bè không dám đi sát vào bờ, vì dễ bị sa lầy rất khó kéo ra.

Có lẽ vì lý do này mà chiếc xuồng tách ra ngay khi thuyền bỏ neo, và tiến vào bờ với tám thuỷ thủ, ở giữa họ người ta nhận thấý một vật hình thuôn đài như một thùng lớn hay một thứ bành hàng.

Bờ biển vắng vẻ không một bóng người, vài ngư dân nhà ở trên cồn cát đã yên giấc. Người lính canh duy nhất gác bờ biển (một bờ biển không được canh gác kỹ lắm, vì lẽ tàu lớn không thể vào được nơi đây), tuy không thể hoàn toàn noi gương những ngư dân để lên giường nằm, nhưng cũng bắt chước họ đánh một giấc ngay trong chòi canh, cũng ngon lành như những kẻ ngủ trên giường. Vì thế tiếng động duy nhất người ta có thể nghe được là tiếng rít của từng cơn gió đêm lạnh lẽo qua những đám cỏ hoang mọc trên đồi cát. Nhưng những kẻ đang tiến vào bờ hẳn là những con người đầy nghi kỵ, vì cảnh im lặng thật sự và cái vẻ hoang vắng này không hề làm họ yên tâm chút nào; do đó chiếc xuồng của họ, trông chỉ như một điểm đen trên đại dương, lướt sóng không một tiếng động- họ tránh không dùng mái chèo và cặp sát vào đất liền ở nơi gần nhất.

Vừa nghe đáy xuồng chạm đất, một người nhảy ra sau khi đã cho một hiệụ lệnh ngắn ngọn, chứng tỏ ông ta thường quen chỉ huy. Tuân theo lệnh này, nhiều người mang những khẩu sung "mút" lấp lánh dưới ánh sáng yếu ớt của mặt biển phản chiếu lên và cẩn thận khiêng lên bờ cái vật hình thuôn dài đã nói mà trong đó chắc đựng thứ hàng lậu gì. Tiếp đó người đã phóng lên bờ trước nhất kia, liền chạy xéo về phía làng Scheveningen, tiến đến chỗ khu rừng nhô ra xa nhất. Đến nơi, ông ta tìm ngôi nhà mà đã một lần chúng ta thoáng thấy sau lùm cây và đã được giới thiệu như là một nơi tạm trú, một chỗ ở rất khiêm tốn của kẻ được người ta lịch sự gọi là "Vua nước Anh".

Tất cả đều đang yên ngủ cũng như ở những nơi khác, ngoại trừ một con chó lớn - thuộc giống chó mà các ngư dân làng Scheveningen thường dùng để kéo những chiếc xe chở cá của họ đến La Haye - con chó sủa lên dữ dội ngay lúc nó nghe thấy tiếng những bước chân của người lạ mặt vang lên trước các cửa sổ Nhưng những tiếng sủa báo động này thay vì làm cho người mới đến sợ hãi thì trái lại có vẻ làm cho ông ta vui mừng, vì chúng có thể thay tiếng gọi vô hiệu của ông để đánh thức những người ở trong nhà. Vì thế người lạ mặt chờ đợi cho đến khi những tiếng sủa vang rền và kéo dài của con chó đủ để gây hiệu quả, lúc đó ông ta mới cất tiếng gọi. Nghe tiếng ông, con chó càng sủa mạnh hơn. Liền đó bên trong nhà có tiếng người bảo con chó im. Rồi khi nó đã ngưng sủa thì có một giọng yếu ớt khàn khàn và lễ phép đưa ra:

- Ông muốn hỏi ai?

- Tôi muốn gặp Hoàng đế Charles Đệ nhị. - người lạ mặt đáp.

- Để làm gì?

Tôi muốn nói chuyện với ông ấy.

- Ông là ai?

- Ồ! Chán quá, ông hỏi quá nhiều, tôi không thích nói chuyện qua cánh cửa.

- Ông chỉ cần cho tôi biết tên ông là được rồi.

- Tôi cũng không thích xưng tên của mình ngay ngoài đường, hơn nữa, xin ông yên tâm, tôi sẽ không ăn thịt con chó của ông đâu, và tôi cũng cầu nguyện Chúa cho nó đừng ăn thịt tôi.

Người bên trong hỏi tiếp bằng một giọng kiên nhẫn và tò mò, như giọng của một ông già:

- Có lẽ ông mang tin tức đến?

- Tôi mang đến những tin tức rất bất ngờ? Tôi xin trả lời là tôi mang tin tức đến và tin thật bất ngờ nữa. Này, mở cửa đi chứ?

Người già lên tiếng tiếp:

- Thưa ông, ông có thật tin rằng những tin tức đó đáng để đánh thức Nhà vua dậy không?

- Chúa ơi! Ông bạn thân mến của tôi. Hãy kéo then cài cửa ra, tôi bảo đảm rằng ông sẽ không phải hối tiếc đâu. Tôi không phải là kẻ tầm thường, đây là lời nói danh dự của tôi?

- Thưa ông, dầu vậy tôi cũng không mở cửa nếu ông không xưng tên ra.

- Điều này cần lắm sao?

- Đó là lệnh của chủ tôi, thưa ông.

- Thế thì, đây là tên của tôi nhưng tôi xin báo trước rằng tên của tôi sẽ chẳng cho ông biết thêm được điều gì hết.

- Mặc kệ cứ nói đi.

- Được! Tôi là hiệp sĩ d Artagnan.

Ông già ở bên cánh cửa kêu lên:

- Ôi! Chúa ơi, ông D Arlagnan! Còn sung sướng nào bằng! Nãy giờ, tôi vẫn tự bảo rằng giọng nói của ông sao nghe quen thuộc quá.

- Lạ! Người ta biết cả giọng nói của tôi ở đây! Thật hân hạnh quá.

- Ô vâng! Chúng tôi biết chứ, - ông già vừa nói vừa rút then cài cửa ra.

- Và bằng chứng là đây.

D Artagnan bước vào, và trong ánh sáng của chiếc đèn lồng trên tay ông già, ông nhận ra ngay kẻ đối thoại cứng đầu của mình. Ông kêu lên:

- Chúa ơi! Parry đây mà? Đáng lẽ tôi phải biết chứ!

- Vâng, Parry đây, ông d Artagnan thân mến, chính tôi đây! Được gặp lại ông, thật mừng quá!

D Artagnan siết chặt tay ông già:

- Ông đã nói rất đúng: thật mừng quá! Ông sẽ báo cho Nhà vua hay chứ!

- Nhưng thưa ông thân mến, Nhà vua đang ngủ.

- Chán quá! Đánh thức ông ấy dậy, tôi bảo đảm với ông là Nhà vua sẽ không rầy ông đâu.

- Ông bá tước bảo ông đến đây, phải không?

- Bá tước nào?

- Bá tước De La Fère.

- Athos? Không, tôi đến đây là tự ý tôi. Nào, Parry, đánh thức Nhà vua nhanh lên! Tôi cần gặp Nhà vua?

Parry nghĩ không phải chần chừ lâu hơn nữa, ông ta đã biết d Artagnan từ lâu, ông biết, mặc dầu là dân Gascon, ông này không bao giờ hứa quá những gì có thể làm được. Ông băng qua một cái sân và một khu vườn nhỏ, xoa dịu con chó cứ muốn xông vào cắn người hiệp sĩ, rồi đến gõ cửa căn phòng trệt của một biệt thự nhỏ.

Liền đó một con chó nhỏ trong phòng cất tiếng sủa phụ hoạ với con chó lớn ở ngoài sân.

D Artagnan tự nhủ: "Vì vua tội nghiệp! Cận vệ của ông chỉ có bấy nhiêu đó; sự thật là ông đã được chúng bảo vệ rất sốt sắng.

- Có chuyện gì vậy? - ông hoàng hỏi từ cuối căn phòng.

- Thưa ngài, có hiệp sĩ d Artagnan đem tin tức đến.

Liền đó, có tiếng động trong căn phòng, một cánh cửa mở ra và ánh đèn sáng khắp dẫy hành lang cùng khu vườn.

Ông hoàng đang làm việc dưới ánh sáng đèn. Những giấy tờ để rải rác trên bàn giấy, và ông đang thảo một lá thơ. Rất nhiều chữ bị gạch bỏ chứng tỏ ông đã bỏ công rất nhiều khi viết.

Ông quay mặt ra nói:

- Xin mời hiệp sĩ vào. - Rồi trông thấy người ngư dân, ông hỏi, - Parry, anh nói hiệp sĩ d Artagnan ở đâu?

D Artagnan đáp:

- Thưa Hoàng thượng, ông ta đang ở trước mặt ngài đây.

- Ăn mặc thế này à?

- Vâng. Xin Hoàng thượng hãy nhìn tôi: Hoàng thượng không nhận ra tôi là kẻ mà Hoàng thượng đã trông thấy ở Blois, trong phòng ngoài của vua Louis XIV sao?

- Thưa ông có chứ, và tôi cũng còn nhớ đã khen ngợi ông rất nhiều.

D Artagnan nghiêng mình rất lịch sự:

- Đó chỉ là bổn phận của tôi khi biết là công việc có dính dáng đến Hoàng thượng.

- Ông nói là ông đem tin tức đến cho tôi, phải không?

- Thưa Hoàng thượng, phải.

- Chắc là của vua nước Pháp?

D Artagnan đáp:

- Ồ! Thưa Hoàng thượng không, chắc Hoàng thượng cũng đã nhận thấy vua nước Pháp chỉ nghĩ đến mình ông ấy thôi.

Charles II ngước nhìn trời. D Artagnan nói tiếp:

- Không, thưa Hoàng thượng, không. Tôi đem đến những tin tức, sự kiện của cá nhân. Tuy nhiên tôi mong rằng Hoàng thượng sẽ chịu nghe những sự kiện và tin tức này với ít nhiều hảo ý.

Xin ông cứ nói.

- Thưa Hoàng thượng, nếu tôi không lầm thì lúc ở Blois, Hoàng thượng đã nói đến những khó khăn của Hoàng thượng về vấn đề nước Anh.

Charles II đỏ mặt, ông nói:

- Thưa ông, tôi chỉ kể điều đó với một mình vua nước Pháp thôi.

Người ngự lâm lạnh lùng nói:

- Ô! Hoàng thượng hiểu lầm rồi, tôi biết cách nói chuyện với vua chúa khi họ gặp khốn cùng; còn họ, chỉ khi nào bị rơi vào cảnh hoạn nạn họ mới nói chuyện với tôi, và khi được sung sướng rồi, họ không nhìn đến tôi nữa. Vì vậy, tôi với Hoàng thượng bây giờ không những tôi chỉ biểu lộ sự tôn kính lớn nhất mà còn sự tận tâm tuyệt đối nữa, và Hoàng thượng cứ tin tưởng theo tôi, điều này mang một ý nghĩa không phải nhỏ. Và khi nghe Hoàng thượng là một người cao quý, rộng lượng và đang giỏi chịu đựng khốn khổ đấy.

Charles II ngạc nhiên nói:

- Tôi thật không biết nên thích sự tôn kính của ông hay những lời nhận xét quá táo bạo của ông.

D Artagnan nói:

- Lát nữa Hoàng thượng sẽ lựa chọn. Lúc đó Hoàng thượng than thở với người anh em Louis XIV của mình về những khó khăn của Hoàng thượng khi muốn trở về nước Anh để lấy lại ngôi vua mà không có quân đội hay tiền bạc gì cả.

Charles II không kềm chế được một cử chỉ nóng nảy.

D Artagnan nói tiếp:

- Và chướng ngại chính ngăn chặn con đường Hoàng thượng là một viên tướng nào đó chỉ huy các đạo quân của Nghị viện và đóng vai trò của một Cromwell ở tại đó. Có phải Hoàng thượng đã nói như thế không?

- Phải, nhưng tôi xin lặp lại với ông lần nữa rằng những lời đó chỉ giành cho một mình Nhà vua thôỉ.

- Rồi Hoàng thượng sẽ thấy là một điều may mắn khi những lời đó đã rơi vào tai của viên phó quan ngự lâm quân Pháp. Con người gây nhiều khó khăn cho Hoàng thượng đó là Đại tướng Monck; phải đúng là tên của ông ấy không, thưa Hoàng thượng?

- Phải, nhưng xin nhắc lại một lần nữa, là hỏi như thế có ích gì không?

- Ồ! Thưa. Hoàng thượng tôi biết rằng lễ nghi không cho phép đặt những câu hỏi với vua chúa. Tôi hy vọng lát nữa Hoàng thượng sẽ tha thứ cho tôi về tội vô lễ này. Hoàng thượng đã nói thêm với vua nước Pháp rằng nếu Hoàng thượng có thể gặp được viên tướng ấy và thảo luận mặt đối mặt với ông ta, thì Hoàng thượng có thể thắng được ông ta hoặc bàng sức mạnh hoặc bằng sự thuyết phục, thắng được chướng ngại thật sự, duy nhất quan trọng, duy nhất khó vượt qua trên con đường của ngài.

- Thưa ông, tất cả những điều đó đều đã là sự thật; số phận của tôi, tương lai của tôi tối tăm hay rực rỡ, đều tuỳ thuộc vào con người đó. Nhưng ông muốn đưa câu chuyện đến đâu?

Đến một điều duy nhất: nếu Đạị tướng Monck là trở ngại lớn lao cho Hoàng thượng như thế thì phương cách hay nhất là trừ khử ông ta hoặc biến ông ta thành một đồng minh.

- Thưa ông, một ông vua không quân đội cũng không tiền bạc, như ông đã biết cuộc nói chuyện với người anh em của tôi, thì không thể làm được gì một người như Monck hết.

- Thưa Hoàng thượng, đúng đó là ý kiến của Hoàng thượng nhưng thật may mắn cho Hoàng thượng, nó không phải là ý kiến của tôi.

- Sao? Ông nói sao?

- Tôi nói rằng, không cần quân đội và bạc triệu, tôi, chính tôi đã làm được điều mà Hoàng thượng tưởng chỉ có thể làm với quân đội và bạc triệu trong tay.

- Sao? Ông nói gì? Ông đã làm gì thế?

- Tôi đã làm gì à? Thế này, thưa Hoàng thượng tôi đã qua bên kia bắt con người ấy gây khó chịu cho Hoàng thượng đó.

- Ông đã sang Anh bắt Monck?

- Tôi có làm điều gì sai quấy không?

- Ông đã bắt được Monck?

- Thưa Hoàng thượng vâng.

- Ở đâu vậy?

Ngay tại trại quân của ông ấy, ở Newcastle, và tôi mang ông ấy đến đây cho Hoàng thượng, - D Artagnan đáp một cách giản dị.

- Ông mang hắn đến đây xem! - ông hoàng kêu lên hơi bất bình, vì ông tưởng đây là chuyện bịp thôi?

D Artagnan trả lời giọng vẫn bình thường:

- Thưa Hoàng thượng, phải. Tôi sẽ mang đến ngay, ông ấy đang ở ngoài kia trong một cái thùng lớn có khoét lỗ để thở.

- Chúa ơi!

Hoàng thượng cứ yên tâm? Chúng tôi đã săn sóc ông ấy thật chu đáo, Hoàng thượng muốn gặp ông ấy để nói chuyện hay thích ném ông ấy xuống biển?

- Ôl! Chúa ơi! - Charles II lặp lại. - Ôi! Chúa ơi! Thưa ông, ông nói thật đấy chứ? Ông không nói đùa để làm nhục tôi đấy chứ? Ông đã có thể làm được một việc tài tình và táo bạo chưa từng thấy như vậy sao? Không thể được!

D Artagnan nói:

- Hoàng thượng cho phép tôi mở cánh cửa sổ ra nhé?

Nhà vua chưa kịp nói một tiếng, "ừ", thì d Artagnan đã thổi hồi còi kéo dài lanh lảnh, và liên tiếp ba lần trong đêm tối vắng lặng.

- Xong rồi! - ông nói, người ta sẽ đem ông ấy đến cho Hoàng thượng.

CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 15: Những cổ phần của tổ hợp Planchet và công ty

Ông hoàng chưa hết ngạc nhiên, đứng nhìn từ gương mặt tươi cười của người lính ngự lâm đến chiếc cửa sổ mở ra trong đêm tối. Trước khi ông định thần được, thì tám người của d Artagnan - vì có hai người phải ở lại giữ tàu - đã mang vào nhà trao cho Parry cái vật hình thuôn dài chứa đựng cả vận mệnh nước Anh.

Trước khi rời Calais, d Artagnan đã cho đóng một loại hòm khá rộng và khá sâu đủ cho một người có thể day trở dễ dàng trong đó. Đáy và hai thành được lót nệm kỹ, làm thành một cái giường khá êm để cho người nằm trong đó không bị ảnh hưởng của sóng biển. Cái lỗ nhỏ được bịt bằng một miếng vỉ sắt thưa mà d Artagnan đã nói với ông hoàng giống như thứ đã che mắt của một chiếc nón sắt, được khoét ngang tầm với gương mặt của người nằm ở bên trong. Nếu người tù thốt lên một tiếng thì chỉ một cái ấn mạnh qua cái lỗ có thể bóp nghẹt tiếng la, và nếu cần, cả người la.

D Artagnan biết rất rõ các thuộc hạ của ông và ông biết rất rõ người tù nên trong một cuộc hành trình ông chỉ sợ có hai điều: Hoặc viên Đại tướng thích cái chết hơn là bị giam giữ một cách kỳ quặc như vậy nên có thể la hét lên để bị bóp cổ hoặc là những kẻ canh gác có thể bị Monck mua chuộc để thả ông ta ra và bắt d Artagnan nhốt vào chỗ đó.

Do đó, suốt hai ngày và hai đêm, d Artagnan đã ở bên cạnh cái hòm, một mình với viên đại tướng, đưa cho ông ta rượu nho và thức ăn - nhưng ông ta từ chối - và lúc nào cũng tìm cách trấn an ông ta về số phận đang chờ đợi ông ta sau chuyện giam cầm lạ lùng này. Hai khẩu súng lục đặt trên bàn và thanh kiếm tuốt trần đủ cho d Artagnan yên tâm không sợ những người rình rập bên ngoài.

Đến Scheveningen, ông mới hoàn toàn yên tâm. Đám thuộc hạ của ông rất ngại mọi cuộc xung đột với nhà chức trách trên đất liền. Hơn nữa, trong số những người này, ông đã tìm được một gã rất trung thành một phụ tá rất đắc lực mà chúng ta đã nghe gọi tên Menneville. Người này đầu óc không kém cỏi nên phải chịu nhiều rủi ro hơn vì có nhiều lương tâm hơn những người kia. Anh tin rằng phục vụ d Artagnan sẽ được một tương lai tốt đẹp, và do đó anh ta thà chịu bị chém ra từng mảnh hơn là phản bội kẻ chỉ huy mình. Vì thế, sau khi lên đất liền, d Artagnan đã giao cho anh ta trông coi cái thùng chứa viên Đại tướng. Và ông cũng dặn anh ta cùng bảy người khác mang cái thùng lên, ngay sau khi nghe ba hồi còi liên tiếp. Và anh ta đã thi hành lệnh này một cách trọn vẹn.

Sau khi cái thùng được đem vào, d Artagnan mỉm cười nhã nhặn cho đám thuộc hạ lui ra, và bảo họ:

- Các bạn đã giúp được một việc rất lớn cho vua Charles II.

Người sẽ lên ngôi vua nước Anh trong sáu tuần lễ nữa. Tiền thưởng của các bạn sẽ được tăng gấp đôi; bây giờ cac bạn hãy trở về tàu chờ tôi.

Thế là tất cả đều lui ra với những tràng la hét vui mừng làm cho cả con chó cũng phải hoảng hốt.

D Artagnan cho khiêng cái thùng vào tận tiền phòng của Nhà vua. Ông cẩn thận đóng tất cả các cửa phòng rồi mở thùng ra và nói với viên đại tướng:

- Thưa Đại tướng, tôi phải xin lỗi Đại tướng đến cả ngàn lần. Tôi mới được biết những cách thức hành động của tôi thật không xứng đáng với một người như ông. Nhưng tôi cần được ông xem là một chủ thuyền và Anh quốc lại là một xứ mà việc chuyên chở khá bất tiện. Cho nên, tôi hy vọng ông nghĩ đến tất cả những điều đó để tha lỗi cho tôi. Nhưng ở nơi đây thì thưa Đại tướng- D Artagnan nói tiếp, - ông được tự do đứng dậy và đi lại.

Nói xong ông cắt đứt những sợi dây trói hai cánh tay và hai cổ tay của viên đại tướng. Ông này ngồi dậy mang vẻ mặt của một người đang chờ chết.

D Artagnan bèn mở cánh cửa văn phòng Charles II ra và nói với ông hoàng:

- Thưa Hoàng thượng, đây là kẻ thù của Hoàng thượng, ông Monck, tôi đã làm xong việc này để giúp Hoàng thượng, bây giờ xin Hoàng thượng hãy ra lệnh. Ông Monck, - D Artagnan quay về phía người tù nói tiếp, - ông đang đứng trước vua Charles II, vị chúa tể của nước Anh.

Monck lạnh lùng ngước nhìn ông hoàng trẻ tuổi rồi trả lời cứng cỏi:

- Tôi không biết một nhà vua nào của nước Anh hết, tôi cũng không biết một kẻ nào ở đây xứng đáng được gọi là nhà quý tộc, bởi vì nhân danh vua Charles II, một kẻ mà tôi đã lầm tưởng là một người có danh dự đã hèn hạ giăng bẫy bắt tôi. Tôi đã mắc bẫy, tôi đành chịu thôi. Bây giờ, ông, kẻ đã xúi giục.

Ông ta nói với ông hoàng và D Artagran:

- Các ông hãy nhớ những lời tôi sắp nói với các ông: các ông đã bắt được thân xác tôi, các ông có thể giết chết nó, tôi khuyên các ông nên làm điều đó, bởi vì các ông sẽ không bao giờ điều khiển được linh hồn tôi cũng như ý chí của tôi. Và bây giờ, đừng hỏi tôi một lời nào hết, bởi vì kể từ lúc này, tôi sẽ không hề mở miệng ra nữa, dẫu là để la thôi. Tôi nói xong rồi.

Ông ta nói những lời này với vẻ quả quyết mạnh mẽ, không gì lay chuyển nổi của người tín đồ Thanh giáo sùng đạo nhất. D Artagnan nhìn tù nhân của mình với cặp mắt của một người biết rõ giá trị của mỗi lời nói và biết ấn định giá trị tuỳ theo giọng nói. Ông nói nhỏ với ông hoàng:

- Đại tướng thật đúng là một con người cương quyết: đã hai ngày rồi ông ta không chịu ăn một miếng bánh mì nào, cũng chẳng chịu uống một giọt rượu nào, nhưng vì kể từ lúc này chính Hoàng thượng đã quyết định số phận của ông ta, tôi không còn xen gì vào chuyện này nữa, như Pilate (1) nói vậy.

Monck khoanh tay đứng chờ, vẻ mặt tái xanh và chấp nhận, đôi mắt bất động. D Artagnan quay sang ông ta:

- Ông cũng thừa hiểu là lời nói của ông, mặc dầu rất đẹp đấy vẫn không thể có ích lợi gì cho ai, ngay cả cho ông. Khi xưa, Nhà vua muốn nói chuyện với ông, nhưng ông đã từ chối gặp Nhà vua, bây giờ, do một sức mạnh không tuỳ thuộc vào ý muốn của ông, ông bị bắt buộc phải đối diện với Nhà vua, tại sao ông lại khiến chúng tôi phải buộc lòng áp dụng những biện pháp cứng rắn vô lý và không có ích lợi gì? Nói đi, đồ quỷ sứ! Dầu là chỉ để nói một tiếng "không"!

Monck không hé môi. Monck không quay sang chỗ khác.

Monck bận mân mê hàm râu. Tất cả báo hiệu sự việc sắp biến chuyển đến chỗ tồi tệ rồi.

Trong lúc đó, Charles II đang trầm ngâm suy nghĩ. Lần đầu tiên, ông đứng trước mặt người mà ông hằng muốn được gặp, và với cái nhìn tinh tế đặc biệt của Chúa đã dành cho chim ưng và các vì vua, ông đã thấy rõ tâm hồn Monck.

Ông thấy rõ Monck thà chịu chết còn hơn là nói, điều này không có gì lạ đối với một người có giá trị như Monck, huống chi trong lúc này lòng tự ái đang bị tổn thương nặng nề.

Charles II bèn chọn ngay một quyết định, một quyết định thuộc loại có thể làm cho một người thường phải mất mạng, một vị Đại tướng mất hết sự nghiệp, và một nhà vua mất cả vương quốc của mình. Ông nói với Monck:

- Thưa ông, ông hoàn toàn có lý ở một vài điểm nào đó. Vì vậy, tôi sẽ không bắt buộc ông phải trả lời, tôi chỉ yêu cầu ông nghe tôi nói thôi.

Ông hoàng im lặng nhìn Monck một lúc trong khi ông này vẫn giữ vẻ thản nhiên. Ông hoàng nói tiếp:

- Thưa ông, lúc nãy ông đã trách móc tôi một cách thậm tệ ông nói tôi đã phải một người đến Newcastle để gài bẫy bắt ông. Chính ông d Artagnan hiện đang có mặt ở đây cũng không hiểu gì hết về điều ông vừa nói, ông d Artagnan mà trước hết tôi phải chân thành biết ơn vì lòng tận tâm của ông ấy.

D Artagnan kính cẩn nghiêng mình ra dấu cảm tạ. Nét mặt của Monck vẫn không một chút xao động.

- Tôi nói rõ điều này không phải để bào chữa cho tôi: ông d Artagnan đã tự ý sang nước Anh, không do lệnh của tôi, không vì một quyền lợi riêng tư nào, cũng chẳng có một chút hy vọng nào, hành động như một người quý tộc thật sự, chỉ để giúp đỡ một ông vua khốn khổ và chỉ để thêm một hành động đẹp đẽ vào vô số những hành động đẹp đẽ khác của ông trước đây trong cuộc đời D Artagnan hơi đỏ mặt cất tiếng ho để giữ vẻ tự nhiên.

Monck vẫn không hề nhúc nhích. Ông hoàng tiếp lời:

- Ông không tin những điều tôi vừa nói phải không, ông Monck? Tôi hiểu: những tấm gương tận tâm như vậy rất hiếm thấy.

D Artagnan kêu lên:

- Thưa Hoàng thượng, ông Monck sẽ lầm lẫn rất lớn nếu không tin Hoàng thượng. Bởi vì những điều Hoàng thượng vừa nói là tất cả sự thật, và sự thật này chính xác đến độ việc tôi đi tìm đưa Đại tướng về đây có vẻ như là một hành động trái ngược với tất cả những điểm vừa nói trên. Nếu đúng như vậy, tôi thật vô cùng hối tiếc.

- Ông d Artagnan, - ông hoàng kêu lên, vừa nắm lấy tay ông, - Xin hãy tin rằng ông đã giúp tôi một việc lớn như là lấy lại ngôi báu cho tôi vậy, bởi vì ông cho tôi thấy nơi ông một người bạn mà tôi sẽ mãi mãi nhớ ơn và thương mến.

Ông hoàng thân ái siết chặt bàn tay người lính ngự lâm rồi quay sang chào Monck, nói tiếp:

- Và một kẻ thù mà giá trị sẽ được tôi luôn luôn kính phục kể từ đây.

Đôi mắt của người tín đồ Thanh giáo sáng lên một chút, rồi gương mặt sau một thoáng tươi lên lại trở về với vẻ lặng lẽ tối, Charles II nói tiếp:

- Này ông d Artagnan, câu chuyện đã xảy ra như sau: ông Bá tước De La Fère, mà tôi chắc là ông có biết, đã đi Newcastle.

- Athos? - D Artagnan kêu lên.

- Phải, chắc đó là tên ông ấy dùng trong chiến trận. Vậy, Bá tước De La Fère đã đi Newcastle, và có lẽ ông sắp đưa ông lên gặp tôi hay những người thuộc phe tôi để thảo luận, thì ông đã can thiệp vào cuộc điều đình bằng một cách nhìn như không được êm ái lắm.

D Artagnan đáp:

- Chán quá? Có lẽ đúng là Athos vào trong trại, cùng một buổi tối với tôi và các ngư dân của tôi.

Một cái nhíu mày thoáng qua của Monck cho d Artagnan biết ông đã đoán đúng. Ông lẩm bẩm:

- Phải, đúng rồi, lúc ấy hình như tôi có nhận ra hình dáng và tiếng nói của ông ta. Tôi thật đáng bị nguyền rủa? Ôi? Xin Hoàng thượng hãy tha lỗi cho tôi, thế mà tôi tưởng mình đã sắp xếp chương trình hành động một cách thật hoàn hảo rồi.

Ông hoàng nói:

- Thưa ông, chẳng có điều gì sai cả, chỉ có trừ có việc Đại tướng tố cáo tôi đã giăng bẫy để bắt ông ấy. Không, Đại tướng, đó không phải là vũ khí mà tôi có ý định sử dụng để chống lại ông, rồi chốc nữa ông sẽ thấy. Trong khi chờ đợi, xin ông hãy tin ở danh dự quý tộc của tôi, tin đi! Bây giờ, xin ông d Artagnan một câu. Là ông sẵn sàng theo ý tôi phải không?

- Hoàng thượng đã thấy rõ điều đó. Quá rõ!

- Tốt lắm. Một người như ông nói một lời là đủ. Hơn nữa, bên cạnh lời nói còn có những hành động. Đại tướng hãy đi theo tôi, cả ông d Artagnan nữa.

D Artagnan tuân lệnh, hơi ngạc nhiên. Charles II bước ra, Monck đi theo, d Artagnan đi sau Monck. Charles đi theo con đường mà d Artagnan đã đến.

Chẳng bao lâu gió biển mát lạnh đập vào mặt của ba người đi trong đêm. Charles mở một cánh cửa nhỏ và đi được năm mươi bước, họ lên đến đồi cát, lúc nước triều đã rút trông như một con quái vật mệt mỏi đang nằm nghỉ. Charles II bước đi, đầu cúi xuống, vẻ suy tư, tay giữ bên trong chiếc áo choàng.

Monck theo sau, tay buông thõng, dáng mắt lo âu. D Artagnan đi sau rốt bàn tay đặt trên đầu cán gươm.

Charles hỏi người lính ngự lâm:

- Chiếc tàu đã đưa các ông đến đây ở đâu?

- Thưa Hoàng thượng, ở đằng kia, tôi có bảy thuỷ thủ và một sĩ quan đang đợi ngoài chiếc xuồng nhỏ chỉ có một ánh đèn duy nhất soi sáng.

- À! Phải rồi, tôi thấy rồi, chiếc xuồng đã được kéo lên bãi cát, nhưng chắc chắn các ông không đi từ Newcastle đến đây bằng chiếc xuồng đó phải không?

- Thưa Hoàng thượng không, tôi thuê một chiếc tàu nhỏ, hiện đang bỏ neo cách bờ một tầm đại bác. Chúng tôi đã làm cuộc hành trình trên chiếc tàu đó.

Ông hoàng nói với Monck:

- Thưa ông, ông được tự do.

Monck, dầu có ý chí mạnh mẽ đến mấy, cũng không kềm được một tiếng kêu kinh ngạc. Ông hoàng tiếp tục:

- Chúng ta sẽ đánh thức một ngư dân trong làng đem tàu của ông ta chở ông đến nơi nào ông muốn ngay đêm nay. Ông d Artagnan đây sẽ theo hộ tống ông. Ông Monck, tôi đặt ông d Artagnan dưới sự bảo vệ của danh dự ông.

Monck buộc miệng thốt ra một tiếng kêu nhỏ ngạc nhiên và d Artagnan cũng thở dài. Ông hoàng nhìn như không hề chú ý đến điều này, đến gõ cánh cửa gỗ thông của căn nhà gặp đầu tiên trên đồi cát và ông kêu lên:

- Keyser! Thức dậy đi!

- À! Thưa ngài, - Keyser đứng dậy và kêu lên, người hãy còn quấn nguyên chiếc buồm trong đó anh đã ngủ như người ta ngủ trong một chiêc võng, - ngài cần việc gì?

Charles II nói:

- Chủ tàu Keyser, anh cho ra khơi ngay lập tức. Đây là ông khách mướn tàu của anh và sẽ trả tiền cho anh rất hậu, anh hãy phục vụ ông ta thật đàng hoàng.

Rồi ông hoàng lùi ra sau vài bước để Monck được tự do nói chuyện với người ngư dân.

Monck ráng nói tiếng Hòa Lan để người ngư dân có thể hiểu được ông:

- Tôi muốn qua Anh.

- Ngay bây giờ, nếu ông muốn.

Monck hỏi:

- Nhưng có lâu lắm không?

- Thưa ngài, không tới nửa giờ đâu. Con trai lớn của tôi hiện đang chuẩn bị tàu vì lẽ chúng tôi phải đi đánh cá vào lúc ba giờ sáng.

Charles II tiến đến gần hỏi:

- Thế nào việc xong rồi chớ?

Người ngư dân nói:

- Còn vấn đề giá cả?

Charles II nói:

- Vấn đề đó để tôi lo, ông đây là bạn của tôi.

Câu nói này khiến Monck giật nẩy mình nhìn Charles II.

- Được rồi, thưa ngài - Keyser đáp.

Đúng lúc đó, người ta nghe tiếng tù và do con trai lớn của Keyser thổi từ ngoài bờ biển.

Ông hoàng nói:

- Thôi bây giờ các ông hãy lên đường đi.

D Artagnan nói:

- Xin Hoàng thượng vui lòng cho tôi vài phút. Tôi có thuê một số người đi theo, bây giờ đi một mình, thì tôi cần phải báo cho họ biết.

Charles cười:

- Ông hãy huýt sáo kêu họ đến đây.

D Artagnan huýt sáo thật, trong khi ông chủ Keyser lên tiếng trả lời cho người con trai, và bốn thuỷ thủ chạy lại dưới sự hướng dẫn của Menneville.

D Artagnan vừa nói, vừa trao cho họ một cái túi đựng hai ngàn trăm trăm đồng louis vàng.

Đây một số tiền lớn đưa trước cho các anh. Hãy đến Calais chờ tôi, ở nơi mà các anh biết rồi đó.

Rồi d Artagnan thở ra một hơi dài, đặt túi tiền vào tay của Menneville. Các thuỷ thủ kêu lên:

- Sao! Ông rời bỏ chúng tôi sao?

D Artagnan nói:

- Chậm hay nhanh làm sao biết được? Nhưng với hai ngàn năm trăm đồng này và hai ngàn năm trăm đồng các anh đã lãnh trước, tiền thế là đủ rồi, theo như chúng ta đã thoả thuận với nhau. Vậy chúng ta từ giã nhau thôi.

- Nhưng còn chiếc tàu?

- Các bạn đừng lo.

- Đồ đạc của chúng tôi đang để ở trên tàu.

- Hãy lên tàu lấy đi, rồi lên đường ngay.

D Artagnan tiến về phía Monck.

- Thưa ông, tôi đang chờ lệnh của ông, bởi vì chúng ta sẽ đi chung với nhau, trừ phi sự hiện diện của tôi bên cạnh ông không làm ông thích lắm.

Monck nói:

- Trái lại, thưa ông.

Charles II chào viên đại tướng một cách rất trịnh trọng đàng hoàng.

- Ông sẽ tha thứ cho tôi về sự bực mình và sự thô bạo mà ông đã phải chịu đựng, một khi ông biết rõ tôi không phải là kẻ đã gây ra chúng.

Monck nghiêng mình chào, không trả lời. Về phần mình, Charles II làm bộ không nói riêng một lời nào với d Artagnan nhưng lại cao giọng:

- Xin cảm ơn hiệp sĩ một lần nữa, cảm ơn những sự giúp đỡ của ông. Chúa đã đền đáp cho ông, và dành riêng cho tôi những thử thách và đau khổ.

Monck đi theo Keyser và con trai ông ta bước lên tàu.

D Artagnan theo sau họ, nói lẩm bẩm:

- Ôi! Ông bạn Planchet đáng thương của tôi, tôi sợ cú áp phe của chúng ta thất bại quá!

Suốt thời gian vượt biển. Monck chỉ nói chuyện với d Artagnan trong những trường hợp thật cần thiết. Thí dụ, khi d Artagnan trễ giờ ăn, một bữa ăn nghèo nàn chỉ có cá muối mặn và bánh bích quy, thì Monck gọi ông và nói: "Mời ông dùng bữa!"

Chỉ bấy nhiêu đó thôi. Chính vì ông rất ít nói trong những trường hợp quan trọng. D Artagnan không rút ra từ sự kiện đó một ước đoán nào về kết quả của sứ mệnh được giao. Thế rồi, vì có quá nhiều thì giờ nhàn rỗi, ông liền loay hoay tìm hiểu xem bằng cách nào Athos đã gặp Charles II, đã bàn định với ông hoàng như thế nào và bằng cách nào đã vào được đại bản doanh của Monck.

Cuối cùng, sau hai đêm và hai ngày vượt biển, chiếc tàu của Keyser chạm đất liền, ở một nơi theo lệnh Monck - kẻ chỉ huy chiếc tàu suốt thời gian vượt biển.

Nơi này ngay một cửa con sông nhỏ, gần nhà Athos đang ở Trời đã gần tối. Chiếc tàu vẫn tiếp tục chạy ngược lên dòng sông. Nhưng Monck vì quá nôn nóng, nên ra lệnh đổ bộ lên bờ, và chiếc xuồng của Keyser đưa ông và d Artagnan cặp vào bờ sông đầy bùn. d Artagnan, nhẫn nhịn tuân lệnh, đi theo Monck như một con gấu bị xiềng phải đi theo chủ.

Nhưng cảnh ngộ này không khỏi làm ông cảm thấy nhục nhã, và ông càu nhàu nho nhỏ rằng làm việc cho các vua chúa thật là một điều cay đắng.

Monck đi từng bước dài. Trông ông ta có vẻ như chưa hoàn toàn chắc chán đã đặt chân trở lại nước Anh. Chẳng bao lâu người đã trông thấy rõ ràng những ngôi nhà của thủy thủ và ngư dân rải rác dọc theo khu bến cảng nhỏ bé. Bỗng d Artagnan kêu lên:

- Kìa! Có một ngôi nhà đang cháy!

Monck ngước mắt lên. Quả thật, một ngôi nhà đang bắt đầu làm mồi cho thần lửa. Ngọn lửa đã phát ra từ một nhà kho nhỏ sát bên và đã bắt đầu liếm lên mái nhà kho. Hai người lữ hành vội vã chạy đến, họ nghe những tiếng la hét, và khi đến gần họ trông thấy những binh sĩ đang vung vũ khí của mình lên và chĩa nắm đấm về phía ngôi nhà đang cháy. Monck đứng sựng lại trong một lúc, và lần đầu tiên nói lên ý nghĩ của mình:

- Này! Có lẽ họ không còn phải là binh sĩ của tôi nữa, mà là của Lambert đấy!

Những lời này vừa bao hàm một sự đau khổ, một nỗi lo sợ và một sự trách móc mà d Artagnan rất thông cảm. Thật vậy, trong lúc Đại tướng vắng mặt. Lambert có thể đã động binh, đã đánh tan tành đạo quân ủng hộ Nghị viện và đã chiếm đóng căn cứ của Monck. Trước ý tưởng này được truyền từ đầu óc của Monck sang đầu óc của mình. D Artagnan suy luận như sau: "Một trong hai trường hợp sau đây có thể xảy ra: hoặc là Monck nói đúng thì trong vùng bây giờ chỉ còn có những người thuộc phe của Lambert và những kẻ này sẽ tiếp đón tôi một cách nồng hậu bởi vì nhờ tôi mà họ đã chiến thắng, hoặc là tình thế vẫn như cũ, không có gì thay đổi cả và Monck vui mừng thấy trại quân của mình vẫn còn nguyên vẹn, sẽ không tỏ quá cứng rắn trong việc trả thù.

Trong khi suy nghĩ như vậy, hai người lữ hành vẫn tiếp lục đi tới, và tiến đến giữa một toán thuỷ thủ đang đau đớn nhìn ngôi nhà bị cháy nhưng không dám thốt lên một lời nào vì họ sợ những lời đe doạ của đám binh sĩ. Monck hỏi một ngư dân:

- Chuyện gì xảy ra thế?

Người này trả lời, mà không nhận ra Monck là một sĩ quan vì chiếc áo khoác ngoài bao phủ cả người ông ta.

- Thưa ông, trong nhà này có một người lạ ở và các binh sĩ thấy người lạ này có vẻ khả nghi. Họ muốn xông vào nhà để bắt ông ta về trại, nhưng ông ta chẳng hề nao núng trước số đông và đe doạ sẽ bắn chết kẻ nào dám vượt qua bậc thềm, một binh sĩ toan xông vào liền bị người Pháp đó hạ ngay bằng một phát súng lục.

D Artagnan nói, hai bàn tay xoa vào nhau:

- À! Đó là một người Pháp? Được lắm.

Người ngư dân hỏi:

- Sao, được là sao?

- Không, ý tôi muốn nói. Nhưng sau đó thế nào?

- Thưa ông, sau đó các binh sĩ khác đã nổi điên lên như cọp dữ, họ bắn hơn một trăm phát súng "mút! vào nhà. Nhưng người Pháp đó núp đằng sau bức tường, và mỗi lần một sĩ quan muốn xông vào cửa lớn, anh ta liền lãnh ngay một phát đạn rất chính xác, do người đầy tớ của người Pháp bắn. Mỗi lần binh sĩ muốn áp sát cửa sổ, họ được khẩu súng lục của người chủ tiếp đón. Các ông đến đi, có bảy người bị hạ nằm dưới đất kia!

D Artagnan kêu lên:

- A! Người đồng bào dũng cảm của tôi. Hãy chờ một chút, tôi sẽ đến vớì bạn, và chúng ta sẽ cho bọn khốn này một bài học?

Monck nói:

- Khoan đã thưa ông, hãy chờ tôi một chút.

Đoạn ông day qua người ngư dân hỏi với một sự xúc động mà tất cả nghị lực của ông cũng không thể nào đè nén được:

- Ông bạn của tôi ơi, xin ông bạn cho biết những binh sĩ này là của ai?

- Ông muốn họ là của ai nữa nếu không phải là của tên tướng Monck nổi dại lên?

- Vậy là không có trận đánh nhau nào xảy ra cả à?

- Có cần gì đâu? Đạo quân của Lambert tan rã như tuyết tháng tư. Ai cũng đều về với Monck. Trong tám ngày nữa Lambert sẽ không còn đến năm mươi người lính.

Người ngư dân ngưng lại vì một loạt súng khác nã vào nhà và một phát súng lục đáp lại làm một kẻ tấn công liều lĩnh nhất bị hạ. Sự tức giận của toán binh sĩ lên đến tột độ.

Trong khi đó, ngọn lửa vẫn hoành hành, một cụm lửa và khói xoáy tròn trên nóc nhà, d Artagnan không thể giữ kiên nhẫn được lâu, ông liếc xéo Monck và nói:

- Chán quá! Ông là tướng, ông để mặc binh sĩ của ông đốt nhà và sát hại thường dân, và ông vừa nhìn cảnh đó một cách bình thản, vừa sưởi ấm hai bàn tay của ông như thế à?

Monck mỉm cười:

- Ông hãy kiên nhẫn, hãy kiên nhẫn!

- Kiên nhẫn? Kiên nhẫn. Cho đến khi nào người quý tộc dũng cảm đó bị "rô-ti" phải không?

Và d Artagnan lao mình đi.

- Đứng lại! - Monck nói bằng một giọng ra lệnh.

Và ông ta tiến về phía ngôi nhà. Cùng lúc ấy, một sĩ quan cũng đến gần, và nói với kẻ bị vây:

- Nhà cháy rồi, trong một tiếng đồng hồ nữa nhà ngươi sẽ bị nướng! Bây giờ hãy còn kịp; nào, hãy nói những gì nhà ngươi biết về Đại tướng Monck, và chúng tao sẽ tha cho mày sống. Trả lời đi nếu không thì.

Kẻ bị vây không trả lời, có lẽ anh ta đang lắp thêm đạn vào khẩu súng lục. Viên sĩ quan nói tiếp:

- Bọn tao đang gọi thêm quân tiếp viện, trong một khắc nữa sẽ có một trăm quân chung quanh ngôi nhà này.

- Câu trả lời của tôi là - người Pháp nói, - tôi muốn tất cả các binh sĩ phải rút ra khỏi nơi đây, tôi muốn được tự do đi ra, và một mình đi đến đại bản doanh, nếu không tôi sẽ chiến đấu cho đến chết!

D Artagnan kêu lên:

- Trời ơi! Tiếng của Athos! Đồ quân khốn kiếp! - Và thanh kiếm của d Artagnan vung lên sáng lóe ngoài vỏ.

Monck ngăn ông lại và chính ông ta cũng dừng lại, đoạn nói bằng một giọng rất vang:

- Này! Các người đang làm gì ở đấy? Digby sao lại đốt? Sao lại la hét thế này?

- Đại tướng! - Digby kêu lên. Và buông gươm xuống.

- Đại tướng! - Các binh sĩ lặp lại.

Monck nói:

- Sao! Có điều gì đáng ngạc nhiên đâu?

Rồi khi im lặng đã trở lại, ông hỏi tiếp:

- Nào, ai đốt nhà?

Các binh sĩ đều cúi đầu. Monck nói:

- Kìa? Tôi hỏi sao các anh không trả lời? Ngọn lửa vẫn bốc cháy kìa?

Lập tức, hai mươi binh sĩ xông vào dập tắc ngọn lửa, cũng hăng hái như lúc họ đã đốt nó lên. Nhưng trước đó, và trước hết, d Artagnan đã dựng một cái thang vào tường nhà và kêu lớn:

- Athos! Tôi đây, d Artagnan đây! Đừng bắn, bạn thân mến!

Vài phút sau, ông ôm siết bị Bá tước trong tay. Trong lúc đó, Grimaud vẫn bình tĩnh như thường, đi phá bỏ những chướng ngại vật đặt ở nhà dưới, và sau khi đã mở cánh cửa lớn ra, đứng khoanh tay bình thản ngay thềm cửa. Chỉ khi nghe tiếng nói của d Artagnan, ông ta mới thốt lên một tiếng kêu ngạc nhiên. Sau khi ngọn lửa được dập tắt, các binh sĩ, dẫn đầu là Digby, đến trình diện:

- Thưa Đại tướng, xin Đại tướng tha lỗi cho chúng tôi. Chúng tôi làm việc này chỉ vì lòng yêu thương đối với Đại tướng vì cứ ngỡ là ngài đã mất tích rồi.

- Các anh điên rồi. Mất tích à? Một con người như ta có thể mất tích được sao? Nếu ta thích, ta không thể vắng mặt được vài ngày mà không cần phải báo trước sao? Hay là các anh xem ta như một tay trưởng giả ở kinh đô. Một nhà quý tộc, bạn ta, khách của ta, sao lại phải bị truy nã, vây hãm và bị đe doạ giết chết vì bị nghi ngờ? Các anh có hiểu nghĩa của chữ nghi ngờ đó như thế nào không? Chúa hãy trừng phạt ta nếu ta không cho xử bắn hết tất cả những kẻ mà nhà quý tộc dũng cảm đó còn để cho sống sót ở nơi đây!

Digby nói với một vẻ thảm não:

- Thưa Đại tướng chúng tôi có tất cả hai mươi tám người, và tám người đã bị hạ.

Monck nói:

- Ta cho phép Bá tước De La Fère cho hai mươi người còn lại đó theo tám người kia luôn.

Và ông đưa tay ra bắt tay Athos:

- Tất cả về trại đi. Digby, ông sẽ bị phạt giam trong một tháng. Đó là cách dạy cho ông biết từ rày về sau chỉ hành động theo lệnh của ta mà thôi.

- Thưa Đại tướng, tôi làm theo lệnh của ông phó.

- Ông phó không được phép ra cho ông những lệnh như thế, và chính ông ấy sẽ bị phạt giam thay cho ông nếu quả thật là đã ra lệnh cho ông đốt cháy nhà quý tộc này.

- Thưa Đại tướng, ông ấy không phải đã ra lệnh như vậy, ông ấy ra lệnh bắt vị quý tộc này đem về trại; nhưng Bá tước lại không chịu đi theo chúng tôi.

Athos nhìn Monck đầy ý nghĩa:

- Tôi đã không chấp nhận để người ta vào cướp phá nhà, và ông đã hành động.

- Về trại đi, ta đã bảo mà!

Các binh sĩ bước đi, đầu cúi gằm. Monck nói với Athos:

- Bây giờ chỉ còn có chúng ta, xin ông vui lòng cho biết vì sao ông vẫn cứ ở đây, trong khi có một chiếc tàu.

Athos đáp:.

- Tôi đang chờ Đại tướng. Đại tướng đã chẳng hẹn sẽ gặp lại tôi trong tám ngày sao?

Nhìn ánh mắt đầy ý nghĩa của d Artagnan, Monck hiểu rằng hai con người dũng cảm và trung thực này không hề toa rập với nhau để bắt cóc ông. Điều này, ông đã biết rồi.

Monck nói với d Artagnan:

- Thưa ông, ông hoàn toàn có lý. Xin ông vui lòng để tôi nói chuyện với Bá tước De La Fère một chút.

D Artagnan bèn đến chào hỏi Grimaud. Monck yêu cầu Athos dẫn lên phòng. Trong phòng hãy còn đầy khói và những tàn cháy dở. Còn một bàn viết và bình mực. Monck cầm bút lên chỉ viết một hàng chữ đóng dấu lá thư với con dấu được khắc trên chiếc nhẫn của ông, rồi trao cho Athos và nói:

- Xin ông vui lòng mang lá thư này về trao cho vua Charles Đệ nhị, và xin ông hãy đi ngay bây giờ nếu không còn việc gì giữ ông lại đây nữa.

Athos hỏi:

- Còn mấy cái thùng?

- Những ngư dân đã đưa tôi về đây sẽ giúp ông khiêng chúng lên tàu. Ông hãy đi đi trong vòng một giờ nữa thôi nếu có thể được.

Athos nói:

- Thưa Đại tướng, vâng.

Monck thò đầu ra cả sổ gọi:

- Ông d Artagnan!

D Artagnan vội vã chạy lên:

- Ông hãy hôn và nói lời từ giã bạn ông, bởi vì ông ấy sắp trở về Hòa Lan đấy.

D Artagnan kêu lên:

- Về Hòa Lan! Còn tôi?

Monck nói:

- Ông muốn theo ông ấy thì đi, nhưng tôi xin ông vui lòng ở lại đây với tôi, ông có từ chối lời cầu xin của tôi không?

D Artagnan hôn Athos và chỉ kịp nói lời từ giã bạn. Monck đứng nhìn hai người. Đoạn, ông đích thân trông coi việc chuẩn bị cho cuộc khởi hành, việc khiêng những chiếc thùng lên tàu và giúp Athos bước lên tàu. Xong nắm lấy cánh tay của d Artagnan đầy ngạc nhiên và xúc động, ông cùng đi về hướng Newcastle.

Vừa khoác tay Monck bước đi. D Artagnan vừa tự nhủ: "Ờ, ờ, hình như là những cổ phần của công ty Planchet lên giá rồi".

Chú thích:
(1) Tổng trấn La Mã ở vùng Judée năm 26-36 - người được Kinh thánh ghi là đã lên án tử hình Jesus

CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 16: Monck lộ rõ ý định

D Artagnan mặc dầu tự hào đã đặt được thành công tốt đẹp, vẫn không hiểu rõ được tình thế lắm. Chuyến đi của Athos sang nước Anh, sự liên kết giữa ông hoàng Anh với Athos và cả sự trùng hợp kỳ dị giữa ý định của ông với ý định của Athos là một vấn đề quan trọng khiến ông luôn thắc mắc, suy nghĩ. Cách hay nhất là cứ để sự việc diễn biến xem sao. Ông đã phạm phải một điều luống cuống, và mặc dầu đã thành công, sự thành công này vẫn không đem đến cho ông một điều lợi nào.

D Artagnan theo Monck đi vào trại. Sự trở về của Đại tướng đã có tác động đối với các thuộc cấp, vì họ cứ tưởng ông đã tiêu rồi. Nhưng Monck, vẫn giữ gương mặt nghiêm nghị và thái độ lạnh lùng, có vẻ như đang hỏi các sĩ quan và binh sĩ của ông vì sao họ vui mừng như thế. Do đó khi viên phụ tá đến trước mặt ông bầy tỏ sự lo ngại của ông ta trong lúc ông vắng mặt, ông nói:

- Tại sao thế? Tôi có bị bắt buộc phải báo cáo cho các ông biết về những hành động của tôi đâu?

- Nhưng, thưa Đại tướng, con chiên mà không có người chăm thì phải run sợ.

Monck trả lời với giọng bình tĩnh và đầy quyền uy:

- Run sợ à? Ông nói gì vậy! Nếu những con chiên của tôi không có răng và móng vuốt, thì tôi không chịu chăn giữ chúng đâu à! Vậy là ông đã run sợ!

- Thưa Đại tướng, vì ngài đấy.

- Đừng xen vào chuyện không dính dáng gì đến ông, và nếu Chúa đã không cho tôi một bộ óc như của Olivier Cromwell thì Chúa cũng đã cho tôi, dù nhỏ đến đâu đi nữa, tôi cũng bằng lòng với nó.

Viên sĩ quan không trả lời, và vì Monck đã làm cho các thuộc cấp mình phải giữ im lặng như thế, nên tất cả đều tin rằng ông vắng mặt là để thực hiện một công tác quan trọng, hay để thử thách họ thôi.

Trong khi đó, người lính ngự lâm của chúng ta vẫn không ngừng lặp đi lặp lại:

- Lạy Chúa! Ước mong lòng tự ái của ông Monck không lớn bằng của tôi, bởi vì tôi khẳng định, nếu một kẻ nào bắt tôi nhốt trong một cái thùng với một miếng lưới sắt bịt trên miệng và chở tôi qua biển cả như trở một con bê, thì tôi sẽ giữ mãi một kỷ niệm xấu xa về vẻ thảm hại của tôi trong cái thùng, tôi sẽ giữ mãi mối thù hận ghê gớm đối với kẻ đã bắt nhốt tôi. Tôi sợ mấy tên lính ranh đó châm chích rồi bắt chước để nhạo báng dáng tôi nằm trong cái thùng khiến cho tôi chán quá, phải lấy dao thay cho tấm lưới để đâm sâu vào cổ họng hắn, và tôi sẽ đóng đinh hắn trong một cái hòm thật sự để hắn nhớ mãi cái hòm giá tôi nằm đóng mốc trong suốt hai ngày.

D Artagnan rất thành thật khi nói những lời đó, bởi vì anh chàng Gascon của chúng ta có một tâm hồn rất dễ xúc động.

May mắn thay, Monck có những ý nghĩ khác hẳn. Ông ta không hề nói về những chuyện đã qua với kẻ chiến thắng nhút nhát của ông, nhưng ông cho phép d Artagnan quan sát thật kỹ những công trình của ông trong trại, dẫn d Artagnan đi xem xét chỗ này chỗ kia, có lẽ để lấy lại sự kính phục của d Artagnan, điều mà chắc chắn ông mong muốn nhất. D Artagnan đã tỏ ra là một kẻ rất khéo nịnh. Ông ngưỡng mộ tất cả chiến pháp của tướng Monck và cách bố trí trong trại quân này. Ông khôi hài một cách rất thú vị về việc Lambert đã nhọc công rào kín một trại quân cho hai mươi ngàn người, trong khi chỉ một sào đất thôi cũng đủ cho viên hạ sĩ và năm mươi quân cận vệ có lẽ hãy còn trung thành với ông ta.

Tướng Monck, ngay khi trở về, đã nhận lời mời hội kiến của Lambert ngày hôm trước, lời mời mà các sĩ quan của Monck đã chối từ, lấy cớ Đại tướng đang bệnh. Cuộc hội kiến này không lâu và cũng không có gì đáng chú ý. Lambert yêu cầu địch thủ xác định một lập trường. Monck trả lời ông không có lập trường nào khác hơn lập trường của đa số. Lambert hỏi có nên chấm dứt cuộc xung đột giữa hai bên bằng một sự liên minh hơn là bằng một trận đánh không. Về vấn đề này, Monck yêu cầu một thời gian tám ngày để suy nghĩ. Thế mà trước kia Lambert đã bảo ông ta sẽ nuốt chửng đạo quân của Monck? Do đó cuộc hội kiến mà những kẻ theo phe Lambert đã nóng lòng trông đợi, đã chẳng quyết định được gì hết, chằng hoà cũng chẳng chiến. Và thế là sau đó như d Artagnan đã tiên đoán, đạo quân phản loạn của Lambert bắt đầu thích chính nghĩa hơn, và thích Nghị viện dầu là Nghị viện xương cụt hơn là những lời huênh hoang trống rỗng của tướng Lambert.

Hơn nữa, binh sĩ của Lambert nhớ đến những bưa ăn ngon lành có bia và rượu tràn trề mà đám trưởng giả khu Trung tâm đã thết đãi họ, và họ kinh hoàng nghĩ đến, nếu có chiến tranh xảy ra, phải ăn bánh mì đen, dùng nước đục ngầu của sông Tweed, uống thì mặn mà nấu thì quá ít, và họ bảo nhau: "Chúng ta qua phe của tướng Monck không hay hơn sao? Người dân London chẳng dành những miếng rô-ti cho đạo quân của Monck hay sao?"

Từ đó, người ta chỉ nghe nói đến nhửng cuộc đào ngũ trong đạo quân của tướng Lambert. Các binh sĩ tuân theo sức mạnh của những nguyên tắc, cũng giống như kỷ luật, là sợi dây kết hợp chặt chẽ một khối người được thành lập nhằm một mục đích nào đó. Monck bảo vệ Nghị viện, Lambert chống lại.

Monck chẳng ưa ủng hộ Nghị viện hơn Lambert đâu, nhưng vì ông ta đã ghi rõ trên lá cờ của ông, nên những kẻ của phe chống đành chỉ còn có nước viết chữ "phản loạn" trên lá cờ của mình thôi, và điều này khiến dân Thanh giáo nghe chối tai quá.

Vì vậy người ta bỏ Lambert để theo Monck, cũng như những người đánh cá xưa đã bỏ tà thần Baal đến với Chúa vậy.

Monck thử làm một bài tính: cứ một ngàn lính đào ngũ mỗi ngày thì chỉ trong hai mươi ngày, Lambert sẽ không còn một người nào. Nhưng cũng giống như vật rơi càng ngày càng nhanh, cho ngày đầu là một trăm người đi, ngày sau sẽ năm trăm, ngày thứ ba một ngàn. Monck nghĩ là đến mức trung bình rồi. Nhưng từ một ngàn mỗi ngày, số đào ngũ tăng lên hai ngàn, năm ngàn rồi tám ngàn, Lambert thấy mình không còn khả năng chấp nhận một trận đánh, bèn khôn ngoan quyết định bỏ trốn về London giữa đêm tối, bỏ ý định phòng chống Monck bằng sức mạnh của đám tàn quân tập họp lại lần nữa.

Monck không gặp sự cản trở, không có gì phải lo ngại, liền tiến vào London, với tính cách của một kẻ chiến thắng, với một đạo quân nỗi lúc một lớn mạnh lấy từ đám lính lang thang trên đường đi.

Nghị viện cưng quý ông vì tưởng đã trông thấy nơi ông một kẻ bảo vệ trung thành, và dân chúng trông đợi ông vì họ muốn thấy rõ ý định của ông để phán xét. Nhưng Monck biết mình không thể vào London với một ý định thầm kín có sẵn trong đầu mà không gây ra một cuộc nội chiến. Ông định để từ từ rồi tính.

Thế rồi, giữa lúc không ai ngờ, Monck đánh đuổi phe quân nhân ra khỏi London, thừa lệnh của Nghị viện để chiếm đóng khu Trung tâm thành phố giữa đám người trưởng giả. Rồi khi đám trưởng giả kêu gào chống Monck, khi binh lính cũng kêu gào chống chủ tướng, thì Monck thấy mình nắm chắc đa số liền nhường chỗ cho một chính phủ đứng đắn. Monck đưa ra lời yêu cầu này với sự ủng hộ của năm mươi ngàn lưỡi gươm, cộng thêm, ngay chiều hôm đó, với những tiếng hoan hô vui mừng của năm trăm ngàn người dân London. Cuối cùng, giữa lúc dân chúng, sau những bữa tiệc linh đình ăn mừng chiến thắng ngay ngoài đường, đang tìm kiếm xem ai là người chủ mới của họ, thì người ta được tin một chiếc tàu vừa rời khỏi La Haye chở theo vua Charles II và tài sản của ông.

Monck nói với các sĩ quan của ông:

- Quý vị, tôi đi tiếp đón vì vua hợp pháp của chúng ta. Ai thương tôi thì hãy theo tôi!

Một tràng tiếng hoan hô vang rền đón nhận khiến d Artagnan thấy lòng rung động thích thú. Ông nói với Monck:

- Chán quá! Ngài thật là bạo.

Monck nói:

- Ông có cùng đi với tôi không?

- Dĩ nhiên, thưa Đại tướng! Nhưng, xin ngài hãy cho tôi biết ngài đã viết những gì với Athos, nghĩa là với Bá tước De La Fère. Ngài biết trước ngày chúng ta trở về đây?

Monck trả lời:

- Tôi không có điều gì giấu ông, tôi đã viết những chữ này:

"Thưa Hoàng thượng, tôi chờ Hoàng thượng trong sáu tuần lễ nữa ở Douvres".

D Artagnan kêu lên:

- À! Tôi không nói là táo bạo nữa; tôi nói ngài đã sắp xếp thật tài tình. Đây là một cú tuyệt đẹp.

Monck đáp:

- Ông biết rành về những việc này!

Và đây là lời nhắc bóng gió duy nhất của Đại tướng về chuyến đi của ông sang Hòa Lan.

CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 17: Athos và d'Artagnan gặp lại nhau ở khách sạn Sừng Bò

Vua nước Anh tiến vào Douvres, rồi vào London trong sự tiếp đón trọng thể và linh đình; ông đã báo cho các anh em, đem theo mẹ và em gái ông về. Đã từ quá lâu rồi, nước Anh sống trong tình trạng hỗn loạn, dưới một chế độ áp bức, bất lực và vô lý. Do đó, sự trở về của vua Charles II, một ông vua mà người Anh chỉ được biết như là con trai của kẻ họ đã chém đầu, đã được xem như một ngày lễ vui mừng cho cả ba vương quốc. Vì thế tất cả những lời chúc tụng, tất cả những lời hoan hô chào đón sự trở về của vì vua trẻ tuổi đã làm ông xúc động đến độ ông nghiêng đầu nói nhỏ vào tai của Jack d Yok em trai của ông.

- Sự thật, Jack, anh nghĩ hình như đó là lỗi của chúng ta nếu chúng ta đã rời bỏ quá lâu một xứ mà dân chúng yêu mến chúng ta quá như vậy?

Đám rước Nhà vua thật lộng lẫy. Thời tiết tuyệt đẹp càng làm tăng thêm tính trang trọng của buổi lễ tiếp đón. Vua Charles II đã lấy lại tất cả sự trẻ trung, sự vui vẻ của mình: trông Nhà vua như biến đổi hẳn: mọi tấm lòng đều tươi cười đón ông, cũng như ánh sáng mặt trời.

Giữa đám đông ồn ào gồm những cận thần và những kẻ hâm mộ hình như đã quên rằng trước đây chính họ đã đưa cha của Nhà vua lên đoạn đầu đài ở White Hall, một người đàn ông trong bộ quân phục phó quan ngự lâm quân với nụ cười trên đôi môi mỏng và thanh lịch, đưa mãt nhìn đám dân chúng đang hét to những lời chúc lụng, rồi nhìn Nhà vua đang đóng vai kịch cảm động và chào những người đàn bà ném những bó hoa dưới chân ngựa của ông. Người đàn ông đó nói:

- Làm vua là một nghề thật đẹp!

Mải mê theo đuổi những ý nghĩ của mình; ông ta dừng lại giữa đường để cho đám rước đi qua. Thật vậy, đây là một ông hoàng mang trên người đầy vàng kim cương như một Salomon (1) đầy những bông hoa, như một cánh đồng cỏ về mùa xuân. Những thần dân rất trung thành của ông ngày hôm nay- ngày xưa rất chống lại ông - đã góp lại tặng ông một hay hai chiếc xe chất đầy những thoi vàng. Họ ném cho ông những bó hoa nhiều vô số có thể phủ lấp cả người ông. Và cách đây hai tháng, nếu họ gặp ông, chắc chắn ông đã lãnh của họ những viên đạn cũng nhiều như những bó hoa họ tặng ông ngày hôm nay!

Đám rước vẫn diễu qua, và khi Nhà vua đã đi xa, những tiếng hoan hô cũng bắt đầu xa dần về hướng hoàng cung, mặc dầu vậy, vị sĩ quan của chúng ta cũng vẫn bị xô lấn dữ dội.

- Chán quá! - ông ta vẫn tiếp tục lý luận, - biết bao nhiêu kẻ đã giẫm chân lên tôi và nhìn tôi như thể không có gì hết, vì lẽ họ là người Anh còn tôi là người Pháp. Nếu người ta hỏi họ: "ông d Artagnan là ai?", họ sẽ trả lời: "Nescio vos". Nhưng nếu người ta bảo họ: "Kìa Nhà vua đi qua, kìa tướng Monck đi qua", họ sẽ hét lên: "Đức vua vạn tuế! Tướng Monck vạn tuế!" cho tới khi nào phổi của họ đòi đình công mới thôi.

Ông đưa cặp mắt tinh anh và đôi khi kiêu hãnh của mình nhìn làn sóng người trôi qua, và nói tiếp:

- Tuy nhiên, các bạn hãy suy nghĩ một chút về những gì vua Charles của các bạn đã làm, những gì ông Monck đã làm rồi các bạn hãy nghĩ đến những gì mà kẻ lạ mặt đáng thương tên là d Artagnan này đã làm. Sự thật là các bạn không biết, bởi vì ông ta chỉ là một kẻ lạ mặt - có điều này ngăn cản các bạn suy nghĩ. Nhưng có cần gì? Điều này không ngăn cản được Charles II là một ông vua đại tài, mặc dầu ông đã bị lưu đày mười hai năm và cũng không ngăn cản được ông Monck là một tướng tài, mặc dầu ông ấy đã được đi qua nước Pháp trong một cái thùng.

Vậy thì. "Hoan hô vua Charles II! Hoan hô tướng Monck!"

Tiếng hoan hô của ông hoà lẫn với tiếng hoan hô của hàng ngàn công chúng, và để cho mọi người thấy rõ hơn ông là kẻ trung thành với nhà vua. D Artagnan lột chiếc nón của mình và quơ lên không.

Một kẻ nào đó bỗng nắm tay ông lại giữa cơn say mê bảo hoàng tràn trề. D Artagnan kêu lên:

- Athos! Bạn ở đây sao?

Và hai người bạn ôm nhau. Người lính ngự lâm tiếp:

- Bạn ở đây sao! Sao! Người anh hùng của buổi lễ, mà bạn lại không cưỡi ngựa đi bên trái của Nhà vua, như ông Monck cưỡi ngựa đi bên phải! Sự thật, tôi chẳng hiểu gì cả về tính tình của bạn cũng như của ông hoàng đã chịu ơn bạn rất nhiều.

Athos nói:

- Vẫn luôn luôn cười nhạo, bạn d Artagnan thân mến. Bao giờ bạn mới chừa bỏ được cái tật xấu đó.

- Nhưng sao bạn không tham dự vào đoàn tuỳ tùng của Nhà vua?

- Tôi không tham dự vào đoàn tuỳ tùng, bởi vì tôi không muốn.

- Và tại sao bạn không muốn?

- Bởi vì tôi không phải là phái viên, cũng chẳng phải là sứ thần hay người đại diện cho vua nước Pháp, và tôi không thể xuất hiện như vậy bên cạnh một ông vua không phải là vua của tôi.

- Chán quá! bạn đã chẳng xuất hiện bên cạnh vua cha Nhà vua bây giờ sao?

- Đó là việc khác, bạn à: ông vua ấy sắp bị đưa lên đoạn đầu đài.

- Và tuy vậy bạn cũng đã làm cho vua Charles này.

- Tôi đã làm những điều đó bởi vì tôi phải làm. Nhưng, như bạn biết, tôi không thích mọi sự có tính cách trình diễn. Chỉ xin vua Charles II, bây giờ không còn cần đến tôi nữa, hãy để yên cho tôi nghỉ ngơi trong bóng tối, đó là tất cả những gì tôi đòi hỏi ở ông ấy.

D Artagnan thở dài.

Athos hỏi:

- Bạn sao thế? Việc nhà vua sung sướng khi trở về London có vẻ như làm bạn buồn, thế nhưng bạn là người đã giúp Nhà vua ít ra cũng như tôi.

D Artagnan cười theo kiểu dân Gascon:

- Phải chăng tôi cũng giúp cho Nhà vua rất nhiều mà người ta không hay?

Athos kêu lên:

- Ồ! Bạn đã giúp Nhà vua rất nhiều và Nhà vua rất biết rõ điều đó, bạn ạ.

Người lính ngự lâm chua chát hỏi:

- Ông ấy biết ư? Sự thật, tôi không nghĩ tới điều đó, và trong lúc này tôi lại muốn cố quên nó đi.

- Nhưng Nhà vua, bạn ơi, sẽ chẳng quên đâu, tôi bảo đảm với bạn.

- Bạn nói như vậy để an ủi tôi một chút thôi. Athos.

- An ủi bạn về cái gì?

- Chán quá! Về tất cả những số tiền mà tôi đã tiêu xài. Tôi đã ném hết tất cả tài sản của tôi vào công cuộc phục hồi ngai vàng cho ông hoàng trẻ tuổi vừa mới oai vệ cưỡi ngựa đi qua đấy.

- Nhà vua không biết rằng bạn đã bị khánh kiệt, nhưng ông biết rằng ông đã mang ơn bạn rất nhiều.

- Điều này có đem đến được điều gì khá hơn cho tôi không. Athos? Bạn hãy nói đi! Bởi vì cuối cùng tôi phải công nhận bạn đã làm việc một cách không vị lợi. Nhưng tôi, tuy bề ngoài có vẻ như đã làm hỏng sự sắp xếp của bạn, nhưng thật ra chính nhờ tôi mà sự sắp xếp của bạn, nhưng thật ra chính nhờ tôi mà sự sắp xếp đó mới thành công. Bạn hãy nghe tôi tính đây: Có lẽ bạn đã không thể nào thuyết phục được tướng Monck bằng lý luận và bằng cách đối xử êm dịu, trong khi đó tôi đã đối xử với viên tướng thân mến này một cáh thật thô bạo, và nhờ vậy đã cho ông hoàng của bạn cơ hội để tỏ ra mình là người rộng lượng. Sự rộng lượng này làm cho Monck cảm kích, và Monck đã đền đáp bằng cách ủng hộ vua Charles II trở lại ngai vàng.

Athos trả lời:

- Bạn thân mến ơi, tất cả những điều đó đều là sự thật không chối cãi được.

- Nhưng, bạn thân mến, dầu đó là sự thật rành rành đến mấy, tôi cũng vẫn sẽ trở về nước, chỉ mang theo lòng yêu mến của ông Monck - ông này suốt ngày lúc nào cũng gọi là "chưởng quan thân mến", dầu tôi chẳng phải là kẻ thân mến của ông ta và cũng chẳng phải là chưởng quan - và mang theo lòng mến phục của Nhà vua nhưng chắc bây giờ ông ta đã quên mất tên tôi rồi. Tôi cũng vẫn sẽ trở về nước, bị nguyền rủa bởi những binh sĩ mà tôi đã tuyển mộ với lời hứa hẹn sẽ cho họ một số tiền lương thật lớn, và bị nguyền rủa bởi anh chàng Planchet tốt bụng đã cho tôi vay mượn hết một phần gia tài của anh ta.

- Sao vậy? và anh chàng Planchet có dính dấp gì vào những chuyện này?

- À! Có chứ, bạn thân mến: ông vua rất lịch sự, tươi cười và rất được ái mộ này, tướng Monck tưởng chính mình đã gọi ông ta về, bạn tưởng chính bạn đã ủng hộ ông ta, tôi tưởng chính tôi đã đem ông ta về, dân chúng tưởng chính họ đã chiếm lại được cảm tình của ông ta, và chính ông ta tưởng mình đã thương thuyết để được trở lại ngai vàng. Thế nhưng tất cả những điều đó đều không đúng sự thật: Charles II hoàng đế của nước Anh, Scotland và Ireland, đã được đặt trở lại ngôi vua nhờ một thương gia người Pháp hiện ngụ ở đường Lombards và tên là Planchet.

Athos không thể nhịn cười khi nghe câu nói dí dỏm của bạn mình. Ông thân mật siết tay bạn và nói:

- D Artagnan thân mến, bạn không còn là một triết gia nữa sao? Bạn không còn cảm thấy thoả mãn đã cứu được mạng sống của tôi khi may sao bạn cùng với Monck đến nơi đúng vào lúc những tên chó chết thân Nghị viện toan thiêu sống tôi sao?

D Artagnan nói:

- Nhưng trong chuyện này, chính bạn cũng đáng tội lắm, Bá tước thân mến của tôi ạ.

- Sao? Vì đã cứu được số tiền một triệu đồng của vua Charles II à?

- Một triệu đồng nào?

- À. Phải rồi, bạn đã không bao giờ biết được chuyện này, nhưng xin bạn đừng giận tôi, đó không phải là chuyện riêng của tôi Chữ "Remember" mà vua Charles I đã nói khi bước lên đoạn đầu đài - Và chữ đó có nghĩa là "Xin hãy nhớ". Đúng vậy. Chữ đó có ý nghĩa như sau; "Hãy nhớ rằng có một triệu đồng được chôn dưới hầm của lâu đài Newcastle, và một triệu đồng đó thuộc về con trai của ta".

- À! Phải lắm, tôi hiểu rồi. Nhưng tôi cũng hiểu một điều kinh khủng nữa, ấy là mỗỉ khi nhà vua Charles II nghĩ đến tôi, ông ta sẽ tự bảo: "Đó là một người đã suýt làm cho ta không lấy lại được ngôi vua! Nhưng may mắn thay, ta đã tỏ ra rộng lượng, cao cả và nhanh trí khôn". Đó là những gì vua Charles II đã nói về tôi và về chính ông ta, vì vua trẻ tuổi mà trong thời gian còn bị lưu đày, một hôm đã đến trước lâu đài Blois với chiếc áo ngoài màu đen sờn rách và chiếc nón cầm trên tay, để yêu cầu tôi vui lòng chấp thuận cho ông ta vào gặp vua nước Pháp.

Athos nói, vừa đặt bàn tay lên vai người ngự lâm pháo thủ:

- D Artagnan! Bạn không công bằng rồi.

- Tôi có quyền đó.

- Không, bởi vì bạn không tính đến tương lai.

D Artagnan nhìn bạn và phá lên cười. Ông nói:

- Bạn Athos thân mến, bạn có những lời thật đẹp, những lời mà tôi chỉ được nghe nơi bạn và nơi Hồng y Mazarin thôi.

Athos muốn mở lời, d Artagnan cười nói tiếp:

- Xin lỗi bạn, xin lỗi bạn nếu tôi chạm tự ái của bạn.

- Tương lai? Ôi! Những chữ thật là đẹp, những chữ mang thật nhiều hứa hẹn khi không có gì để nói khác! Nhưng chán quá.

- Sau khi đã nghe được quá nhiều chữ hứa hẹn, bao giờ tôi mới gặp được một chữ đem đến ngay cho tôi điều ước muốn? Thôi, hãy gác chuyện đó lại. Bây giờ bạn đang làm gì ở đây. Athos thân mến? Phải chăng bạn làm thủ quỹ cho Nhà vua?

- Sao! Thủ quỹ của Nhà vua?

- Phải, Nhà vua có một triệu đồng thì cần có một thủ quỹ. Vua nước Pháp không có một đồng xu mà cũng có một ông tổng giám tài chánh, ông Fouquet đấy. Nói cho ngay thì bù lại, ông Fouquet có đến hàng triệu đồng, riêng của ông ta.

Đến lượt Athos cười nói:

- Ồ! Một triệu đồng của chúng tôi đã tiêu hết từ lâu rồi.

- Tôi hiểu, một triệu đồng đó đã biến thành nhung lụa, châu báu và những chiếc lông đủ loại, đủ màu sắc. Ông hoàng và bà chúa nào cũng đều rất cần có những người thợ may và những người chuyên lo về vải vóc và y phục. Này! Athos bạn có nhớ chúng ta tiêu xài hết bao nhiêu để trang bị cho chúng ta trong chiến dịch La Rochelle không? Chỉ hai hay ba ngàn đồng thôi. Nhưng một chiếc áo chẽn của vua rộng hơn cần phải một triệu đồng tiền vải. Nhưng này Athos, nếu bạn không được làm thủ quỹ của Nhà vua, ít nhất bạn cũng được Nhà vua trọng đãi chứ?

Athos trả lời một cách giản dị:

- Tôi cũng không biết nữa. Từ khi đến Douvres tôi không gặp Nhà vua nữa.

- Vậy là ông ta quên bạn rồi, chán quá!

- Nhà vua có rất nhiều công việc phải lo!

D Artagnan kêu lên với một cái nhăn mặt đầy ý nhị đặc biệt của riêng ông:

- Sao? Bạn Athos thân mến, Nhà vua không gặp lại bạn sao? Và bạn không cảm thấy tức giận sao?

- Tôi sao à? D Artagnan thân mến, phải chăng bạn tưởng tôi đã hành động như vậy là vì Nhà vua? Vậy, d Artagnan thân mến, xin bạn hãy hiểu rõ điều này: Trước mặt Charles I, tôi đã thề, vào giờ phút chót, sẽ tuyệt đối giữ kín sự bí mật của một kho tàng, phải và sẽ giao lại cho con trai ông ta để giúp đỡ chàng khi cần. Chàng tuổi trẻ đó đã đến tìm tôi, đã kể lại cho tôi nghe nỗi khốn khổ của chàng; và tôi đã làm cho Charles II những gì tôi đã hứa với Charles I, chỉ thế thôi. Như vậy, tôi đâu có cần gì Charles II biết ơn hay không biết ơn tôi!

D Artagnan thở dài:

- Tôi vẫn luôn luôn cho rằng tính không vụ lợi là điều đẹp nhất trên thế gian này.

Athos đáp lại:

- Nhưng này, bạn thân mến, chính bạn cũng không phải như tôi sao? Nếu tôi hiểu đúng những lời nói của bạn, tôi đã để lòng mình xúc động trước nỗi khốn khổ của chàng tuổi trẻ đó, hành động này của bạn còn đẹp hơn hành động của tôi nhiều, bởi vì tôi, tôi có một bổn phận phải làm tròn, trong khi bạn tuyệt đối không có bổn phận gì đối với người con của kẻ bị hành hình. Bạn không phải trả cho chàng ta giá của giọt máu quý báu mà ông ấy đã để rơi xuống trán tôi từ trên đoạn đầu đài. Bạn đã hành động duy nhất theo lệnh của trái tim bạn, trái tim nhân ái và cao quý mà bạn che giấu dưới lớp vỏ ngoài bi quan và dưới những lời giễu cợt chua chát của bạn; bạn đã cống hiến gia tài của một kẻ giúp việc của bạn, và có lẽ luôn cả gia tài của bạn nữa, tôi nghi chắc vậy, và người ta không biết gì đến sự hy sinh của bạn. Nhưng cần gì điều đó. Bạn muốn trả tiền lại cho Planchet phải không? Tôi hiểu điều này lắm, bạn thân mến, bởi vì một người quý tộc không thể mượn tiền kẻ dưới của mình mà không trả lại cho anh ta cả vốn lăn lời. Nếu vậy tôi sẽ bán miếng đất La Fère hay một nông trại nho nhỏ nào đó. Bạn sẽ trả tiền cho Planchet, và bạn hãy tin đi, sẽ vẫn còn đủ thóc lúa trong kho cho hai chúng ta và cho Raoul. Như thế, bạn sẽ không còn gì phải lo lắng nữa, và nếu tôi hiểu rõ bạn, bạn sẽ cảm thấy một sự thoả mãn không phải nhỏ khi bạn tự bảo với mình: "Ta đã đem một ông vua lên ngôi". Tôi nói có đúng không?

- Athos! Athos! - D Artagnan thì thầm, giợng lâng lâng, - tôi đã nói với bạn một lần, ngày nào bạn thuyết giáo, tôi sẽ là người đầu tiên đi nghe. Bạn tốt hơn tôi nhiều, hay nói đúng hơn, tốt hơn tất cả mọi người, và tôi chỉ nhìn nhận mình có một tính tốt duy nhất, đó là tôi không ganh tị. Ngoại trừ tật xấu này, xin Chúa hãy phạt tôi. Nói như người Anh thường nói, tất cả những tật xấu khác tôi đều có

Athos trả lời:

- Tôi chưa được biết một ai đáng giá bằng d Artagnan. Nhưng này, đến nơi tôi ở rồi. Bạn cũng vào với tôi chứ, bạn thân mến?

- Ồ! Nhưng hình như đây là quán Sừng Bò, phải không? - D Artagnan hỏi.

- Thú thật với bạn, tôi đã chọn cái quán này một phần vì nó đã thân thuộc với tôi. Tôi thích gặp lại những người quen biết cũ, tôi thích ngồi lại vào cái chỗ mà tôi đã buông mình ngồi trong mệt mỏi và thất vọng, lúc bạn trở về đây vào buổi chiều ngày 31 tháng giêng, sau khi đã tìm ra nơi ở của kẻ đao phủ bịt mặt. Phải, hôm ấy là một ngày thật ghê gớm!

Hai người bạn bước vào gian phòng khi xưa là phòng dành cho khách. Cái quán nói chung, và gian phòng khách nói riêng, đã chịu nhiều thay đổi lớn. Người chủ quán cũ của các chàng lính ngự lâm trở lên khá giàu rồi, ông ta bèn đóng cửa tiệm không làm chủ quán nữa và biến gian phòng mà chúng ta vừa nói thành một cái kho chứa hàng thực phẩm đem từ các xứ thuộc địa về. Phần còn lại của ngôi nhà, ông ta cho các khách ngoại quốc thuê với luôn cả đồ đạc.

Trong lòng vô cùng xúc động. D Artagnan nhận ra những đồ đạc trong căn phòng ở lầu nhất của bạn bè vẫn y như cũ; những vách gỗ, những tấm thảm và ngay cả tấm bản đồ Porthos đã say mê nghiên cứu trong những lúc nhàn rỗi. Ông kêu lên:

- Mười một năm đã trôi qua! Chán quá. Tôi tưởng như cả một thế kỷ đã trôi qua.

Athos nói:

- Và đối với tôi chỉ mới có một ngày. Bạn thân mến, bạn có thấy chăng nỗi vui sướng của tôi được có bạn bên cạnh, siết chặt bàn tay bạn, ném thật xa thanh kiếm và con dao găm của mình và yên tâm cầm trai rượu "kérès" này lên. Ôi! Nỗi vui sướng này sẽ thật trọn vẹn nếu hai người bạn của chúng ta cũng có mặt ở đây, ngồi ở hai góc bàn này, và Roaul, Raoul yêu mến của tôi đang đứng ở thềm cửa nhìn chúng ta với đôi mắt to, thật trong sáng và thật hiền lành!

- Phải, phải, - D Artagnan cảm động nói, - đúng vậy. Tôi tán thành nhất là phần đầu bạn nghĩ, thật là sung sướng khi nghĩ đến lúc mà chúng ta đã rùng mình lo lắng một cách chính đáng, vì e ngại ông Mordaunt có thể xuất hiện thình lình trước cửa.

Đúng lúc đó, cánh cửa mở ra, và d Artagnan dầu rất can đảm, cũng không kềm chế được một cử động nhẹ.

Athos nói:

- Ông chủ nhà của chúng ta. Chắc ông ấy có thư cho tôi.

- Thưa ngài, phải, quả thật có một lá thư đem đến cho ngài.

Athos vừa lơ đễnh cầm lấy thư, nói:

- Cảm ơn ông, này, ông chủ nhà thân mến của tôi, ông không nhận ra ông bạn đây sao?

Ông già ngước lên nhìn d Artagnan chăm chú.

- Không.

- Đây là một trong những người bạn mà tôi đã nói chuyện với ông, và ông ấy đã ở đây với tôi, cách đây mười một năm.

Ông già đáp:

- Ồ! Ở đây thì nhiều khách lắm?

Chúng tôi đã ở đây đúng vào ngày 30 tháng giêng nãm 1649, - Athos nói thêm vì nghĩ rằng chi tiết này có thể kích thích trí nhớ lười biếng của ông chủ nhà.

Ông ta chỉ mỉm cười:

- Có thể lắm, nhưng chuyện đó đã lâu quá rồi!

Ông ta chào và đi ra. D Artagnan nói:

- Cám ơn bạn, dù bạn có làm lên những kỳ công, thực hiện những cuộc cách mạng, có tìm cách khắc tên bạn trên đá hay trên sắt thép với những thanh gươm cứng cáp mạnh mẽ nhất thì vẫn có một cái gì còn cứng hơn, ngoan cố hơn và dễ quên hơn cả sắt thép và đá, đó là cái sọ già cỗi của một người chủ nhà trọ đã trở nên giàu có. Ông ta không nhìn ra tôi! Nhưng tôi, tôi có thể nhận ra được ông ta đấy.

Athos vừa mỉm cười vừa bóc phong thư ra.

- Ái! Thư của Parry.

D Artagnan nói:

- Ồ! ồ! Đọc đi bạn, chắc lá thư có điều gì mới lạ.

Athos lắc đầu và đọc:

"Thưa Bá tước,

Nhà vua rất lấy làm tiếc đã không có Bá tước ở bên cạnh khi Nhà vua tiến vào London trong ngày hôm nay. Nhà vua ra lệnh cho tôi viết lá thư này để nhắc nhở Bá tước nhớ đến ông.

Nhà vua sẽ chờ đợi ngài ngay tối nay, ở lâu đài Saint James, từ chín giờ đến mười một giờ.

Thưa Bá tước, xin ngài hãy nhận nơi đây lời chào rất tôn kính của tôi.

Parry".

- Bạn thấy đó, d Artagnan thân mến, - Athos nói,

- Chúng ta không nên bi quan về tấm lòng của vua chúa.

D Artagnan trả lời:

- Bạn nói có lý. Tôi sẽ đưa bạn đến tận lâu đài, dĩ nhiên là đến tận cửa, cũng như tôi làm một cuộc dạo mát vậy.

- Bạn sẽ cùng vào với tôi. Tôi muốn nói với Nhà vua.

D Artagnan nói với một vẻ kiêu hãnh thật sự và thẳng thắn:

- Nào? Nào? Còn xấu hơn chính mình đi ăn mày nữa? Người khác ăn mày cho mình. Thôi, đi đi rồi sẽ thấy cuộc dạo mát thật là thú vị. Nhân tiện, tôi muốn chỉ cho bạn thấy ngôi nhà của ông Monck đã cho tôi về ở: một ngôi nhà thật đẹp, tôi nói thật! Làm một ông tướng của nước Anh được nhiều lợi lộc hơn là một ông thống chế ở nước Pháp, bạn có biết không?

Athos để d Artagnan đưa đi, buồn bã trước bề ngoài vui vẻ của ông.

Cả thành phố tràn ngập niềm vui, hai người bạn luôn luôn đụng đầu với những kẻ đầy phấn khởi đến mức cuồng nhiệt yêu cầu hai người cùng la to với họ: "Hoan hô vua Charles!"

D Artagnan đáp lại bằng một tiếng gầm gừ, và Athos thì bằng một nụ cười. Cứ thế, họ đi đến trước ngôi nhà của ông Monck, trên đường đến lâu đài Sanit James, như chúng tôi đã nói.

Trên đường đi, Athos và d Artagnan rất ít nói chuyện với nhau, chính vì họ có quá nhiều điều để nói với nhau. Athos nghĩ rằng, nếu gợi chuyện, ông sẽ có vẻ như chứng tỏ sự vui mừng của mình, điều này có thể làm tổn thương tới d Artagnan. Về phần d Artagnan, ông sợ rằng những lời nói của mình sẽ để lộ ra một vẻ chua chát gây khó chịu cho Athos. Thật là một cuộc đua im lặng kỳ dị giữa sự bằng lòng và sự bực bội: d Artagnan là kẻ đầu tiên phải nhượng bộ sự ngứa ngáy thèm muốn nói chuyện.

Ông nói:

- Athos, bạn có nhớ một đoạn văn trong quyển hồi ký của Đô-bi-nhê (2) trong đó có một kẻ giúp việc trung thành, cũng dân Gascon như tôi, nghèo như tôi, và có thể nói cũng can đảm như tôi, kể lại những chuyện hà tiện của vua Henri IV không? Sao mà tất cả những ông vua thuộc dòng dõi Henri vĩ đại đều giống nhau đến thế!

- Ô! ồ! D Artagnan - Athos nói. - những ông vua của nước Pháp mà hà tiện sao? Bạn thân mến, bạn điên rồi.

- Ồ! Con người hoàn thiện nhắc lại không bao giờ thấy những tật xấu nơi kẻ khác, nhưng sự thật Henri IV là một người hà tiện, Louis XIV, con traỉ của ông ta cũng là một kẻ hà tiện, chúng ta biết chút đỉnh về điều này, phải không? Ganson đã đưa tật xấu này đến một mức độ quá lố, và do đó, về phương diện này, đã làm cho mọi người chung quanh ghét ông, Henri, bà hoàng hậu đáng thương cũng hà tiện: Có những ngày bà đã nhịn ăn và có năm bà không đốt sò sưởi để khỏi tốn củi. Bà đã truyền cái giường này cho con trai của bà, Charles II, cháu của Henri IV, cũng hà tiện như mẹ và ông ngoại. Nào, tôi đã thiết lập đúng gia phả của những kẻ hà tiện chưa? Và tôi còn quên kẻ hà tiện lớn! Người cháu khác của vua Henri IV, vua Louis XIV, chủ cũ của tôi. Ông ta đã hà tiện đến nỗi không cho người anh em Charles của ông ta mượn một triệu đồng! Thôi được! Tôi thấy bạn nổi tức lên rồi. May mắn thay, chúng ta đã đến gần nhà tôi, hay đúng hơn là gần nhà ông Monck của tôi đấy.

- D Artagnan thân mến, bạn không hề làm tôi tức giận, bạn làm cho tôi cảm thấy buồn. Đúng vậy, thật là đau đớn khi thấy một người có giá trị như bạn không đạt được địa vị mà những công trạng của bạn đáng lẽ phải đem đến cho bạn, bạn có lý, một trăm lần có lý.

D Artagnan thở dài, và tiến lên trước dẫn đường cho bạn mình qua chiếc cổng của ngôi nhà tướng Monck ở, giữa khu Trung tâm thành phố. Ông nói:

- Bạn cho phép tôi bỏ lại túi tiền của tôi ở nhà, bởi vì nếu giữa đám đông, có nhưng kẻ cắp tài tình ở London cuỗm mất những đồng écus đáng thương còn lại của tôi thì tôi sẽ không trở về nước Pháp được. Nhưng nếu trước đây tôi vui lòng rời nước Pháp ra đi, thì bây giờ tôi lại cảm thấy sướng điên lên khi được trở về, vì lẽ tất cả những thành kiến từ ngày xưa của tôi đối với nước Anh đã trở lại với tôi, kèm theo nhiều thành kiến mới khác.

Athos làm thinh.

Khi d Artagnan vượt qua khỏi phòng ngoài, một người đàn ông, nửa đầy tớ nửa lính, có nhiệm vụ canh cửa và bảo vệ nhà của tướng Monck, chặn người lính ngự lâm của chúng ta lại và nói với ông bằng tiếng Anh:

- Xin lỗi ngài d Artagnan!

- Sao, chuyện gì nữa đây! Phải chăng Đại tướng cũng đuổi tôi? Tôi chỉ còn thiếu có việc bị ông ta tống cổ ra ngoài thôi!

Những lời này, được nói ra bằng tiếng Pháp, không gây một chút ảnh hưởng nào đối với người lính chỉ nói một thứ tiếng Anh pha lẫn với tiếng Scotland khó nghe nhất.

Người Anh trao cho d Artagnan một lá thư, nói:

- From the General (của Đại tướng gửi đến).

- Tốt lắm, đúng rồi, ông ta đuổi tôi, có nên đọc không, Athos?

Athos nói:

- Chắc bạn lầm rồi, nếu không, tôi chỉ còn biết có mình bạn và tôi là những người đàng hoàng thôi.

D Artagnan nhún vai mở phong thư ra, trong khi người lính Anh, vẫn bình thản, đưa một cái đèn lồng lớn đến gần để soi sáng cho ông đọc.

- Thế nào! Bạn sao vậy - Athos hỏi khi trông thấy vẻ mặt của d Artagnan đổi sắc.

- Này, bạn hãy đọc xem.

- Athos cầm tờ giấy lên:

"Thưa ông d Artagnan,

Nhà vua rất lấy làm tiếc rằng ông đã không đến Saint Paut với đoàn tuỳ tùng. Nhà vua bảo rằng Nhà vua rất nhớ đến ông, cũng như tôi rất nhớ ông, ông chưởng quan thân mến ạ. Chỉ có một cách để chuộc lại tất cả điều đó. Nhà vua chờ tôi lúc chín giờ, tại lâu đài Saint James.

Ông có vui lòng cùng có mặt ở đó một chút với tôi không?

Nhà vua rất quý mến chúng ta ấn định giờ đó để tiếp ông".

Lá thư do Monck viết.

Chú thích:
(1) Salomon, vị vua trong Kinh thánh, nổi danh là công minh có quyền uy
(2) Đô-bi-nhê, nhà thơ, nhà văn phúng thích, chiến hữu của Henri IV


CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 18: Buổi triều kiến

- Thế nào? - Athos kêu lên với giọng trách móc nhẹ khi d Artagnan đã đọc xong lá thư của Monck gởi cho ông.

- Ơ! - D Artagnan đáp, mặt đỏ lên vì vui và cũng vì hơi xấu hổ do đã quá vội vã chỉ trích Nhà vua và Monck, - đó là một lời xã giao lịch sự không hứa hẹn gì hết, thật vậy nhưng dầu sao cũng là một điều lịch sự.

Athos nói:

- Tôi không thể nào tin được ông hoàng trẻ tuổi đó là một người bội bạc.

D Artagnan trả lời:

- Sự thật là hiện nay ông ta hãy còn khá gần với quá khứ của ông ta, nhưng dầu sao, cho đến lúc này, tôi cũng vẫn còn có

- Tôi đồng ý, bạn thân mến, tôi đồng ý. À! Bây giờ bạn lại thấy đời tươi đẹp rồi. Bạn không thể hiểu tôi sung sướng thế nào!

D Artagnan nói:

- Bạn thấy đó. Charles II tiếp ông Monck lúc chín giờ, còn tôi sẽ được tiếp lúc mười giờ; đó là một cuộc triều kiến quan trọng, theo kiểu cuộc triều kiến mà ở điện Louvre chúng ta gọi là sự phân phát nước thánh của triều đình. Nào chúng ta hãy đi ngang để hứng, bạn thân mến, đi đi.

Athos không trả lời, và cả hai rảo bước về phía lâu đài Saint James mà công chúng vẫn còn vây nghẹt chung quanh để được nhìn thấy - qua những khung cửa kính - hình bóng của các cận thần và những hào quang lấp lánh trên người của Nhà vua.

Tám giờ vừa điểm khi hai người bạn ngồi trong gian phòng đầy những kẻ cầu xin ân huệ. Mọi người đều liếc nhìn hai người mới đến trong những bộ y phục giản dị và rất lạ nhưng vẻ mặt thật là cao quý, đầy bản lĩnh và đầy ý nghĩa. Còn Athos và d Artagnan sau khi đã đánh giá tất cả đám người đó chỉ bằng một cái nhìn, cả hai lại chỉ nói chuyện với nhau.

Một đợt ồn ào bỗng nổi lên ở đầu hành lang: Đại tướng Monck đến, theo sau có hai mươi sĩ quan đang cố tìm cách cầu xin ông ban cho một nụ cười, bởi vì mới hôm trước đây ông hãy còn là chủ nhân của nước Anh, và người ta tiên đoán một lương lai huy hoàng đang chờ đợi kẻ đã phục hồi ngai vàng cho dòng họ Stuart.

Monck quay lại nói:

- Thưa quý vị, kể từ đây về sau, yêu cầu quý vị nên nhớ rằng tôi không còn là gì hết. Trước đây, tôi vẫn còn chỉ huy đạo quân chủ lực của chế độ cộng hoà; bây giờ đạo quân này thuộc về Nhà vua, và theo lệnh của Nhà vua, tôi sẽ trao lại vào tay Người tất cả quyền hạn mà tôi có từ những ngày trước đây.

Một sự ngạc nhiên lớn lộ ra trên mọi khuôn mặt, và đám người nịnh bợ, cầu xin bám sát Monck nãy giờ liền từ từ dãn ra xa và cuối cùng lẫn vào đám đông đang cuồn cuộn di chuyển: Monck đến ngồi chờ đợi ở phòng ngoài cũng như mọi người khác d Artagnan không thể ngăn được mình nêu lên điều nhận xét đó với Bá tước De La Fère, khiến ông này phải nhíu mày.

Thình lình cánh cửa văn phòng vua Charles mở ra, và ông vua trẻ xuất hiện, với hai sĩ quan tuỳ viên đi trước. Nhà vua nói:

- Chào quý vị, Đại tướng Monck có mặt ở đây không?

- Thưa Hoàng thượng, tôi đây, - viên tướng già đáp lời.

Charles II chạy đến bên Monck và ân cần nồng nhiệt nắm lấy tay ông ta và nói lớn:

- Đại tướng, tôi vừa mới ký sắc phong xong, bây giờ ông là Công tước Công tước d Albermale, và ý muốn của tôi là không một kẻ nào có gia sản và quyền lực bằng ông trong vương quốc này nơi mà, ngoại trừ ông Montrose cao quý ra, không một kẻ nào có lòng trung thành, dũng cảm và tài năng bằng ông.

- Thưa quý vị, Công tước là Tổng tư lệnh quân lực thuỷ bộ của chúng ta: yêu cầu quý vị hãy bày tỏ lòng tôn kính của quý vị đối với ông ấy trong chức vụ này.

Trong khi mọi người vồn vã chúc mừng, viên đại tướng vẫn luôn luôn giữ vẻ bình thản thường ngày của ông.

D Artagnan nói với Athos:

- Cứ nghĩ rằng cái tước công này, cái chức tư lệnh quân đội trên bộ và trên mặt biển, tóm lại tất cả những vinh quang này đã từng nằm trong một cái thùng dài sáu tấc Anh và rộng ba tấc?

Athos trả lời:

- Bạn thân mến, còn có nhiều vinh quang to lớn hơn nữa mà chỉ được chứa trong những cái thùng còn nhỏ bé hơn và chúng chẳng bao giờ mở ra nữa?

Monck vụt trông thấy hai nhà quý tộc đứng tách riêng đang chờ đợi đám người chúc tụng rút lui. Ông rẽ đám đông tiến lại và bắt gặp hai người đang trao đổi triết lý với nhau, ông mỉm cười nói:

- Các ông đang nói chuyện về tôi.

Athos trả lời:

- Thưa ngài, chúng tôi cũng đang nói về Chúa đấy!

Monck suy nghĩ một lúc và vui vẻ nói tiếp:

- Thưa quý vị, chúng ta cũng nên nói về Nhà vua một chút, bởi vì, theo tôi biết, quý vị sẽ được Nhà vua tiếp kiến đấy.

- Vâng, lúc chín giờ, - Athos nói.

- Lúc mười giờ, - D Artagnan nói.

- Chúng ta hãy vào ngay trong văn phòng này.

Monck trả lời vừa ra dấu cho hai người bạn của mình đi trước, nhưng không người nào chịu.

Trong lúc đó, Nhà vua đã trở lại.

- Ồ! Những người Pháp của tôi. - ông nói, vẫn nói giọng vui vẻ vô tư mà bao nhiêu đau buồn đã không làm mất được nơi ông. - Những người Pháp của tôi, niềm an ủi của tôi!

Athos và d Artagnan nghiêng mình chào.

- Xin Công tước hãy đưa hai vị này vào văn phòng của tôi. Tôi xin tiếp quý vị

Và Nhà vua cho giải tán ngay đám cận thần để trở lại với những người Pháp của ông, theo cách ông gọi họ như thế.

Vừa bước vào, Nhà vua đã nói:

- Ông d Artagnan, tôi rất vui mừng được gặp lại ông.

- Thưa Hoàng thượng, tôi vô cùng vui sướng được đón chào Hoàng thượng ngay trong lâu đài Saint James này.

- Thưa ông, ông đã giúp tôi một việc rất lớn, và tôi, và tôi rất nhớ ơn ông. Nếu tôi không ngại giẫm lên quyền hạn của vị tổng thư lệnh của chúng ta, tôi sẽ tặng cho ông một chức vụ thật xứng đáng với ông bên cạnh tôi.

D Artagnan đáp:

- Thưa Hoàng thượng, khi tôi rời vua nước Pháp thì tôi có hứa với vua của tôi là sẽ không phục vụ cho một ông vua nào khác.

Charles II nói:

- Ồ, điều này thật khổ cho tôi, tôi muốn thưởng ông rất nhiều, tôi rất yêu quý ông.

- Thưa Hoàng thượng!

Charles mỉm cười nói:

- Để tôi xem, tôi có thể làm cho ông thất hứa được không? Công tước, hãy giúp tôi. Nếu người ta tặng cho ông, nghĩa là nếu tôi tặng ông, chức chưởng quan ngự lâm pháo thủ của tôi thì ông nghĩ sao?

D Artagnan nghiêng mình thấp hơn lần trước:

- Tôi rất tiếc phải từ chối những gì mà Hoàng thượng tặng tôi. Một người quý tộc chỉ có một lời, và lời hứa đó, như tôi vừa được vinh hạnh nói với Hoàng thượng là đã được hứa với vua nước Pháp.

- Thôi chúng ta đừng nói đến việc đó nữa.

Nhà vua vừa nói, vừa quay sang phía Athos. Và ông để d Artagnan chìm đắm trong sự thất vọng đau đớn. Người lính ngự lâm nghĩ thầm: "Tôi đã nói đúng lắm mà, những lời nói! Nước thánh của triều đình? Các ông vua luôn luôn có một tài năng tuyệt vời để tặng chúng ta những gì mà họ biết chúng ta sẽ không nhận được, và tỏ ra thật rộng lượng mà không sợ gặp tổn hại. Ngu dại! Ta quả thật là một kẻ ba lần ngu dại vì đã có một lúc hy vọng nơi ông ta".

Trong lúc đó, Charles nắm lấy Athos. Ông nói:

- Bá tước, ông đã đối với tôi như là một người cha thứ nhì, ơn của ông đối với tôi không có tiền của nào đủ để trả được. Mặc dầu vậy tôi vẫn nghĩ đến cách tưởng thưởng ông. Cha tôi đã phong cho ông tước "Hiệp sĩ De La Jarretière", một tước mà tất cả các vì vua ở châu Âu đều không được mang, Hoàng hậu nhiếp chính đã ban cho ông tước "Hiệp sĩ Du Saint Esprit", là một tước không kém vinh dự; tôi tặng thêm cho ông Sợi dây vàng(1) này của vua nước Pháp đã gởi đến tôi, đây là một trong những sợỉ dây vàng mà vua Tây Ban Nha, nhạc phụ của vua Pháp, đã tặng cho chàng rể. Nhưng đổi lại tôi cũng có một việc nhờ ông giúp. Tôi muốn ông, dầu ở trong xứ ông hay ở bất cứ nơi nào, cũng được ngang hàng với tất cả những kẻ được các vua chúa tôn trọng ban cho ân huệ, - Charles vừa nói, vừa tháo sợi dây vàng từ cổ ông ra - Và thưa Bá tước, tôi chắc chắn cha tôi dưới mồ cũng đang bằng lòng với tôi đấy.

D Artagnan tự bảo với mình, trong khi bạn ông đang quì gối nhận phần thưởng cao quý nhất của Nhà vua trao: "Thật là một điều lạ lùng. Thật là khó tin khi ta luôn luôn trông thấy những bổng lộc rơi như mưa xuống những kẻ chung quanh ta, mà chẳng có một giọt nào rơi vào ta cả! Điều này có thể làm bạn phải tức đến bức tóc bức tai nếu bạn có tính ganh tị, thật đấy!"

Athos đứng lên, và Charles II ôm hôn ông một cách âu yếm, Nhà vua nói với Monck:

- Đại tướng - ông dừng lại, cười mỉm. - Xin lỗi, tôi muốn nói: Công tước, ông thấy không, sở dĩ tôi gọi lầm, ấy là vì chữ Công tước còn có ý nghĩa quá ít đối với tôi. Tôi vẫn muốn thêm vào một tước hiệu nào đó để cho nó được dài hơn. Tôi rất thích được trông thấy ông thật gần bên mình, có thể gọi ông, cũng như tôi gọi vua Louis XIV - anh của tôi. Ô! Tôi nghĩ ra rồi, và ông sẽ gần như là anh em với tôi, bởi vì tôi phong cho ông làm phó tướng Ireland và Scotland. Công tước thân mến như thế từ rày về sau, tôi sẽ không còn lầm nữa.

Công tước nắm lấy tay vua như ông làm mọi chuyện khác, không có dáng gì là phấn khởi, vui mừng.

Mặc dầu vậy, ân huệ cuối cùng này đã làm cho ông rung động. Charles II bằng cách khéo léo ban bố ân huệ của mình từ từ đã cho viên công tước có thì giờ để ước muốn mặc dầu ông ta không thể ước muốn nhiều hơn những gì người ta không cho ông. D Artagnan càu nhàu:

- Chán quá! Thế là cơn mưa ân huệ lại tiếp tục. Ồ! Ta đến phải điên đầu mất!

Và ông có một vẻ thiểu não quá khôi hài khiến Nhà vua không thể nén được một nụ cười. Monck sửa soạn từ giã Charles II. Nhà vua nói:

- Ô kìa! Ông đi sao?

- Nếu Hoàng thượng vui lòng cho phép: tôi cảm thấy quá mệt sự xúc động trong ngày đã làm cho tôi kiệt sức, tôi cần phải nghỉ ngơi.

Nhà vua nói:

- Nhưng, tôi mong là ông đi thì sẽ có ông d Artagnan đi theo.

- Tại sao, thưa Hoàng thượng.

- Ông biết rõ là tại sao rồi.

Monck ngạc nhiên nhìn Charles II nói:

- Xin Hoàng thượng vui lòng thứ lỗi cho, tôi không hiểu ý Hoàng thượng muốn nói gì.

- Ồ! Có thể lắm, nhưng dù ông đã quên rồi, ông d Artagnan cũng không quên đâu.

Vẻ ngạc nhiên hiện ra trên gương mãt của người lính ngự lâm.

Nhà vua nói:

- Này Công tước, chẳng phải ông ở chung nhà với ông d Artagnan sao?

- Phải, thưa Hoàng thượng. Tôi được vinh hạnh cho ông d Artagnan ở chung nhà.

- Ý kiến này là do ông nghĩ ra và là riêng của ông phải không?

- Thưa Hoàng thượng phải, chính tự mình tôi.

- Đúng rồi! Phải như vậy, không thể nào khác được kẻ tù nhân bao giờ cũng phải ở chung nhà với kẻ đã chiến thắng mình.

Đến phiên Monck đỏ mặt. Ông nói:

- À! Thật thế, tôi vẫn là tù nhân của ông d Artagnan.

- Dĩ nhiên, Monck ạ, bởi vì ông chưa đóng tiền chuộc. Nhưng ông đừng lo: Chính tôi đã đem ông ra khỏi tay ông d Artagnan, vậy chính tôi sẽ trả tiền chuộc giùm ông.

Đôi mắt của D Arlagnan trở lại vui tươi rạng rỡ; chàng Gascon bắt đầu hiểu. Charles II tiến đến bên ông, nói:

- Ông Đại tướng không giàu và sẽ không thể trả cho ông một số tiền xứng với giá trị của ông ấy. Còn tôi, dĩ nhiên là giàu hơn rồi, nhưng bây giờ ông ấy là Công tước, và nếu không phải là vua, ít nhất cũng gần bằng như vua, nên ông ấy đáng giá một số tiền mà có lẽ tôi không thể trả nổi. Nào, ông d Artagnan ông hãy nhẹ tay cho tôi một chút: Tôi phải trả ông bao nhiêu đây?

D Artagnan, vui mừng trước diễn tiến của sự việc, nhưng vẫn giữ được hoàn toàn bình tĩnh trả lời:

- Thưa Hoàng thượng, Hoàng thượng không có gì phải lo lắng. Khi tôi được may mắn cầm giữ Công tước, ông Monck chỉ là Đại tướng vậy tôi chỉ xin món tiền chuộc của một đại tướng thôi. Nhưng nếu Đại lướng vui lòng trao cho tôi thanh gươm của ông ấy, tôi sẽ xem như số tiền chuộc đã được trả cho tôi rồi, bởi vì chỉ có thanh gươm của Đại tướng mới đáng giá bằng ông ấy thôi.

Charles II kêu lên:

- "Odds - fish" (2) - như cha tôi vẫn thường nói. Đây là một lời nói thật lịch sự, phải không Công tước?

Công tước trả lời:

- Xin thề trên danh dự của tôi? Thưa Hoàng thượng, đúng vậy.

Và ông rút thanh gươm ra nói:

- Thưa ông d Artagnan, đây là thanh gươm mà ông đòi hỏi. Nhiều kẻ đã nắm trong tay những thanh gươm tốt hơn, nhưng dầu gươm của tôi có tầm thường đến mấy, tôi chưa hề bao giờ trao nó cho ai cả.

D Artagnan kiêu hãnh đón lấy thanh gươm vừa mới đưa một ông vua lên ngôi báu. Charles II kêu lên:

- Sao? Để một thanh gươm đã lấy lại ngôi báu cho tôi bị mang ra khỏi vương quốc của tôi và sẽ không còn xuất hiện một ngày náo đó giữa số những bảo vật của tôi ư? Không, tôi thề là điều này không thể xảy ra được? Chưởng quan d Artagnan, tôi trả hai trăm ngàn đồng louis để đổi lại thanh gươm này, nếu số tiền đó quá ít thì cho tôi biết.

D Artagnan trả lời với một vẻ nghiêm trang đặc biệt.

- Thưa Hoàng thượng, thật lá quá ít, và trước hết, tôi không muốn bán nó; nhưng Hoàng thượng muốn thì đó là một cái lệnh, tôi phải tuân. Nhưng lòng tôn kính của tôi đối với một chiến sĩ danh tiếng như Đại tướng buộc tôi phải định giá thanh gươm này mắc hơn một phần ba nữa, phần thưởng của chiến thắng của tôi. Vậy tôi yêu cầu được ba trăm ngàn đồng, hay là tôi tặng không nó cho Hoàng thượng.

Và, hai tay nắm mũi thanh gươm, ông trao nó cho Nhà vua, Charles II cười lên giòn giã.

- Con người lịch sự và vui vẻ, Odds - fish, phải không. Công tước? Phải không, Bá tước? Tôi rất thích và yêu quý ông ấy.

Và, nhà vua tiến lại bàn cầm bút viết một cái "bông" ba trăm ngàn đồng. D Artagnan đưa tay nhận và quay về phía Monck với một vẻ trịnh trọng, nói:

- Số tiền tôi yêu cầu hãy còn quá ít, tôi biết, nhưng xin Công tước hãy tin tôi, tôi thà chịu chết còn hơn là hành động theo sự dẫn dắt của túi tham.

Nhà vua lại cười lớn như người dân London chính hiệu sung sướng nhất trong vương quốc của ông.

- Này Hiệp sĩ, trước khi về nước, ông hãy trở lại đây thăm tôi! Sự vui vẻ của ông sẽ là một liều thuốc bổ tinh thần dự trữ dành cho tôi trong những ngày xa cách những người Pháp quý mến của tôi.

- À! Thưa Hoàng thượng, sự vui vẻ của tôi sẽ không phải như thanh gươm của Công tước, và tôi rất sẵn lòng biếu không nó cho Hoàng thượng - D Artagnan trả lời trong một niềm sung sướng khiến ông có cảm giác hai chân mình như lơ lửng trên mặt đất.

Charles II quay sang Athos:

- Còn ông cũng vậy, Bá tước ạ, ông hãy trở lại đây thăm tôi, tôi có một thông điệp quan trọng sẽ nhờ ông mang về cho Công tước, chào ông.

Monck siết tay của Nhà vua.

- Xin từ giã quý vị, - Charles II vừa nói vừa đưa tay cho hai người Pháp hôn.

- Sao? - Athos hỏi d Artagnan sau khi cả hai đã ra khỏi lâu đài - bạn đã bằng lòng chưa?

Suỵt! - D Artagnan nói, quá xúc động vì vui sướng, - hãy khoan, chờ tôi đến gặp ông thủ quỹ đã.

Chú thích:
(1) Huy chương của Tây Ban Nha, lấy nguồn gốc ở chuyện thần thoại Hy Lạp "Bộ lông cừu bằng vàng" thuật lại sự nghiệp phiêu lưu mạo hiểm của một nhân vật xuất chúng
(2) Con người đặc biệt

CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 19: Những phiền toái của tiền tài

D Artagnan không để mất thì giờ. Ngay khi thuận tiện và đúng lúc, ông liền đến "thăm" viên thủ quỹ của Nhà vua.

Và ông đã được thoả mãn đổi một miếng giấy viết bằng một thứ chữ rất xấu để lấy vô số những đồng louis vừa mới được đúc mang hình Charles II.

D Artagnan thường rất bình tĩnh, thế mà, trong dịp này, ông đã không thể ngăn được mình khỏi nỗi vui mừng mà có lẽ bạn đọc sẽ thông cảm cho ông, nếu bạn có chút lượng thứ đối với một người, từ lúc ra đời đến giờ, chưa bao giờ thấy từng chồng, từng xấp tiền quá nhiều như vậy, sắp xếp kề nhau theo một thứ tự xem thật đẹp mắt.

Viên thủ quỹ bỏ tất cả tiền đó vào trong bao, đóng kín mỗi cái bao lại bằng một con niêm có mang huy hiệu nước Anh - ân huệ mà không phải bất cứ ai cũng nhận được.

Rồi, vẫn luôn luôn bình thản và với một vẻ lễ phép vừa đủ dành cho một người được Nhà vua tôn trọng, viên thủ quỹ bảo d Artagnan:

- Xin hãy mang tiền của ông đi.

"Tiền của ta"? - Những chữ này khiến d Artagnan xúc động. Ông cho chất những cái bao lên một chiếc xe nhỏ và trở về nhà - trong lòng suy nghĩ thật nhiều.

Một kẻ có ba trăm ngàn đồng không thể giữ được vầng trán mình bình lặng nữa: một nét nhăn cho mỗi trăm ngàn đồng, cũng không phải là quá nhiều.

D Artagnan không rời khỏi phòng một bước, bỏ cả bữa ăn tối, từ chối không tiếp bất cứ ai, và để đèn thắp sáng choang, khẩu súng lục lên đạn đặt sẵn trên bàn, ông thức canh suốt đêm và suy nghĩ đến phương cách nào để ngăn cản không cho những đống tiền vàng xinh đẹp, đã từ trong tủ của Nhà vua bước vào trong tủ của mình không bị rơi vào túi của một tên trộm nào đó.

Cách hay nhất mà chàng Gascon đã tìm ra là tạm thời cất kho tàng của mình trong một cái tủ có một ổ khoá khá chắc chắn không một bàn tay nào có thể bẻ gãy nổi và khá tinh vi không một chìa khoá thường nào có thể mở ra được.

D Artagnan nhớ lại rằng người Anh được xem như những bậc thầy trong kỹ nghệ chế tạo những tủ sắt có ổ khoá thật tinh xảo, ông quyết định ngay ngày mai sẽ tìm mua một chiếc tủ sắt.

Ông không phải đi xa lắm. Ông Will Jobson, nhà ở khu Piccadilly lắng nghe những đề nghị của ông và hứa sẽ chế tạo một ổ khoá an toàn, nhất định là cho ông không còn phải lo âu gì nữa. Ông ta nói:

- Tôi sẽ làm cho ông một ổ khoá với một bộ máy vận hành hoàn toàn mới mẻ, khi có kẻ mưu toan chạm vào ổ khoá của ông, một miếng sắt vô hình sẽ tự động mở ra, và một khẩu súng đại bác nhỏ, cũng vô hình, sẽ khạc ra một quả đạn đồng xinh xắn, nặng cỡ một kí lô, làm kẻ bất lương vụng về sẽ ngã lăn quay, gây một tiếng động khá lớn. Ông nghĩ thế nào?

D Artagnan kêu lên:

- Tôi nghĩ đó là một bộ máy thật tinh xảo, tôi rất thích viên đạn đồng nhỏ bé đó. Này, ông thợ khoá những điều kiện của ông thế nào?

Mười lăm ngày thì xong và mười lăm ngàn đồng được trả lúc giao hàng.

D Artagnan nhíu mày. Mười lăm ngàỵ là một thời gian đủ để cho tất cả những tên trộm cắp ở London có thể làm cho ông khỏi cần đến tủ sắt nữa. Còn mười lăm ngàn đồng là một giá quá đắt để đạt được một mục đích mà ông có thể không phải tốn mất đồng nào - chỉ cần chịu khó canh gác kỹ lưỡng một chút thôi. Ông nói:

- Để tôi suy nghĩ lại, xin cảm ơn ông.

Và ông chạy nhanh về nhà; chưa có kẻ nào đến gần kho tàng của ông cả.

Cùng ngày hôm đó, Athos đến thăm bạn và ngạc nhiên thấy ông ta quá lo lắng, ông nói:

- Sao? Bây giờ bạn đã giàu rồi, thế mà cũng chẳng thấy bạn vui tí nào! Bạn đã ao ước được rất nhiều tiền của kia mà?

- Bạn thân mến, những vui thú mà người ta chưa quen gây khó chịu nhiều hơn những đau buồn mà người ta thường chịu đựng. Xin bạn hãy vui lòng giúp tôi một lời khuyên. Tôi có thể yêu cầu bạn điều này, vì bạn là kẻ lúc nào cũng có tiền: Khi người ta có tiền, người ta làm gì với số tiền đó?

- Điều đó còn tuỳ.

- Bạn đã làm gì với số tiền của bạn, để nó không biến bạn thành một kẻ hà tiện nhưng cũng không phải là một kẻ tiêu xài hoang phí? Bởi vì sự hà tiện làm cho quả tim trở nên khô cằn, và sự hoang phí làm cho gã bị chết chìm phải không?

- Fabricius(1) cũng không nói đúng hơn bạn. Nhưng, thật ra, tiền không gây khó chịu cho tôi.

- Phải chăng bạn đem cho vay?

- Không. Bạn biết rằng tôi có một cái nhà khá đẹp và cái nhà này là tài sản lớn nhất của tôi.

- Tôi biết.

- Nếu bạn làm như tôi, bạn cũng sẽ giàu như tôi, lại hơn cả tôi nếu bạn muốn.

- Nhưng còn tiền lời, bạn có thâu tiền lời không?

- Không.

- Chắc bạn giấu tiền trong vách tường?

- Tôi không bao giờ sử dụng đến cái đó.

- Vậy là bạn có một người thân tín nào đó, một người làm ăn phát đạt, trả tiền cho bạn với một lãi suất phải chăng?

- Không có

- Chúa ơi! Vậy thì bạn làm gì?

- Tôi tiêu xài hết cả những gì tôi có, và tôi chỉ có những gì mà tôi tiêu xài thôi, d Artagnan thân mến ạ.

- À! Ra vậy. Nhưng bây giờ bạn cũng gần như một ông hoàng, và mười năm hay mười sáu ngàn đồng lợi tức đối với bạn không ăn thua gì. Hơn nữa bạn còn có những chức vụ.

- Nhưng tôi thấy bạn cũng là ông hoàng không kém gì tôi, bạn thân mến ạ. Số tiền của bạn là vừa đủ cho bạn tiêu xài đấy.

- Ba trăm ngàn đồng! Tôi dư đến hai phần ba lận.

- Xin lỗi, nhưng hình như bạn có nói với tôi hình như tôi đã nghe rằng bạn có một người hùn hạp.

D Artagnan đỏ mặt kêu lên:

- À! Chán quá! Đúng vậy, có Planchet. Tôi quên mất anh chàng Planchet! Vậy là đã thấy mất hết một trăm ngàn đồng của tôi rồi! Thật đáng tiếc, một con số tròn, nghe rất êm tai. Đúng vậy Athos tôi không còn giàu có gì nữa cả. Bạn có trí nhớ thật hay?

D Artagnan càu nhàu:

- Anh chàng Planchet dễ thương này không mơ hoảng đâu. Một áp phe thật ngon lành! Đồ mắc dịch? Nhưng dầu sao, những gì tôi đã nói thì tôi phải làm.

- Bạn sẽ cho anh ta bao nhiêu?

D Artagnan nói:

- Ồ! Anh ta không phải là một con người xấu, rồi tôi cũng sẽ dàn xếp với anh ta ổn thoả thôi; tôi đã phải chịu cực khổ, bạn thấy chứ, và chịu những chi phí, tất cả những cái đó phải được tính vào.

Athos thản nhiên nói:

- Bạn thân mến, tôi biết rõ bạn, và tôi không sợ bạn sẽ làm cho anh chàng Planchet tốt bụng phải thiệt thòi. Những quyền lợi của anh ta sẽ được bảo đảm vững chắc trong tay của bạn hơn là trong tay của anh ta. Nhưng bây giờ bạn không có gì phải làm ở đây nữa, chúng ta sẽ ra đi, nếu bạn nghe theo lời tôi. Bạn sẽ đến cảm ơn Nhà vua, hỏi Nhà vua có lệnh gì cho bạn không, và trong sáu tháng nữa, chúng ta sẽ có thể trông thấy các đỉnh tháp Nhà thờ Đức Bà.

- Bạn thân mến, quả thật tôi đang nôn nóng được trở về nước, và bây giờ tôi đến chào từ biệt Nhà vua.

Athos nói:

- Còn tôi, tôi sẽ đi chào vài người quen trong thành phố, và sau đó tôi sẽ gặp lại bạn.

- Bạn vui lòng cho tôi mượn Grimaud một chút nhé?

- Rất sẵn lòng. Bạn tính nhờ anh ta làm việc gì?

- Một việc rất dễ dàng và không làm cho anh ta mệt gì hết; tôi nhờ anh ta canh giữ giùm những khẩu súng lục đặt trên bàn, bên cạnh mấy cái tủ này.

Athos thản nhiên trả lời:

- Được lắm.

- Và anh ta sẽ không được rời khỏi chỗ này một bước, phải không?

- Cũng như những khẩu súng lục này vậy.

- Thế thì bây giờ tôi đến gặp Nhà vua, chào bạn.

D Artagnan đi đến lâu đài Saint James, trong lúc vua Charles II đang viết thư, để ông đợi suốt một tiếng đồng hồ.

D Artagnan đi đi lại lại trong khu hành lang từ những chiếc cửa lớn đến những chiếc cửa sổ, lại từ những chiếc cửa sổ đến những chiếc cửa lớn. Bỗng ông trông thấy một người mặc một chiếc áo choàng giống như của Athos băng qua phòng thay áo để vào trong; nhưng đúng lúc ông toan nhìn kỹ lại xem có phải không, thì người giữ cửa ra mời ông vào gặp Nhà vua.

Charles II xoa xoa hai bàn tay trong khi ông bạn của chúng ta tỏ lời cám ơn. Nhà vua nói:

- Hiệp sĩ, tôi không xứng đáng nhận những lời cám ơn của ông; tôi trả chưa đến một phần tư cái giá của chuyện ông bỏ vị đại tướng đó đáng mến đó vào trong cái thùng tôi muốn nói đến Công tước d Albermale.

Và nhà vua bật cười lớn.

D Artagnan nghĩ không nên ngắt lời Nhà vua, và ông làm ra vẻ khiêm tốn, Charles nói tiếp:

- Này, ông Monck thân mến của tôi đã thật sự tha thứ cho ông chưa?

- Tha thứ à! Nhưng thưa Hoàng thượng tôi hy vọng ông ấy đã tha thứ cho tôi rồi.

- À! Vì đây là một cú rất đau, odds fish! Nhốt nhân vật đứng đầu của cuộc cách mạng nước Anh vào thùng như một con cá mòi! Hiệp sĩ, nếu tôi là ông, tôi sẽ không tin vào sự tha thứ của ông ấy đâu.

- Xin thưa Hoàng thượng.

- Tôi biết rằng Monck đã gọi ông là bạn của ông ta. Nhưng ông ta có đôi mắt thật sâu chứng tỏ trí nhớ ông ta rất dai, và đôi mắt thật cao chứng tỏ ông ta rất tự kiêu; ông biết chứ, Grand supercilium.

D Artagnan tự nhủ: "Mình phải học tiếng La tinh mới được"

Nhà vua hoan hỉ kêu lên:

- Này! Để tôi dàn xếp cho các ông giải hoà với nhau: tôi sẽ biết cách làm cho d Albermale cắn chặt ria mép:

- Hoàng thượng có cho phép tôi nói thật không?

- Nói đi, Hiệp sĩ cứ nói đi.

- Thưa Hoàng thượng, Hoàng thượng làm tôi sợ hãi ghê gớm. Nếu Hoàng thượng có ý muốn dàn xếp công việc này của tôi thì tôi sẽ không được toàn mạng, Công tước sẽ cho ám sát tôi.

Nhà vua lại cười lớn, khiến sự sợ hãi của d Artagnan biến thành sự kinh hoàng.

- Thưa Hoàng thượng, tôi cầu xin Hoàng thượng hãy để tôi tự lo lấy cái việc dàn xếp này; và nếu Hoàng thượng không còn cần đến tôi nữa.

- Không, Hiệp sĩ. Ông muốn ra đi à? - Charles II trả lời và càng lúc càng cười vui đến độ đáng ngại.

- Nếu Hoàng thượng còn điều gì cần đến tôi nữa.

Charles gần như lấy lại được sự nghiêm túc.

- Hiệp sĩ, đấy là buổi tiếp kiến từ giã của ông; ông có thể ra đi khi nào ông thích.

- Xin cảm ơn Hoàng thượng!

- Nhưng ông nên hoà giải với Monck.

- Ồ! Thưa Hoàng thượng.

- Ông biết tôi có dành riêng một chiếc tàu của tôi cho ông sử dụng không?

- Nhưng, thưa Hoàng thượng, Hoàng thượng ban ơn cho tôi quá nhiều, và tôi sẽ không bao giờ muốn làm phiền đến các sĩ quan của Hoàng thượng.

Nhà vua vỗ vai d Artagnan:

- Không ai phải phiền vì Hiệp sĩ hết, nhưng vì một sứ thần của tôi gởi sang Pháp, và tôi tin ông sẽ vui lòng làm người bạn đường của ông ấy, bởi vì ông rất quen với ông ấy một ông Bá tước De La Fère nào đó, người mà ông gọi là Athos đấy, - Nhà vua kết thúc cuộc nói chuyện như ông đã khởi đầu, bằng một chàng cười vui vẻ nữa. - Xin từ giã Hiệp sĩ, từ giã! Hiệp sĩ hãy thương mến tôi cũng như tôi đã thương mến ông?

Liền đó, Nhà vua ra dấu hỏi Parry có ai đang chờ đợi ông trong văn phòng bên cạnh không, và ông biến mất vào văn phòng này, để chàng hiệp sĩ ở lại một mình, hãy còn bàng hoàng vì cuộc tiếp kiến khác thường này.

Những lời của Nhà vua nói về lòng tự ái của Monck đã gây cho d Artagnan một mối lo ngại không nhỏ.

Trong suốt cuộc đời mình, người phó quan ngự lâm quân đã có một nghệ thuật tuyệt vời để chọn kẻ thù, và khi phải chọn những kẻ thù nguy hiểm và hùng mạnh ấy là vì ông không thể nào làm khác hơn được. Nhưng những quan điểm thường thay đổi rất nhiều trong cuộc đời. Đó là một chiếc đèn kéo quân phơi bày trước mắt con người những hình ảnh thay đổi hằng năm. Do đó, giữa ngày chót của một năm mà bạn trông thấy màu trắng và ngày đầu tiên của năm sau mà bạn trông thấy màu đen, chỉ có khoảng cách của một đêm thôi.

Khi d Artagnan rời Calais với mười người thuộc hạ, ý nghĩa phải chiến đấu với một Goliath(1) người khổng lồ trong Kinh thánh), Nabu chodonosor(2) hay Holopheme (3) cũng không hề làm ông phải lo lắng gì hơn như khi phải so gươm với một tên lính thường, hay khi cãi nhau với bà chủ nhà trọ. Lúc đó ông như một con chim cắt đói bụng sẵn sàng tấn công ngay cả một con cừu. Cái đòn làm cho người ta mù quáng. Nhưng bây giờ d Artagnan đã no, đã giàu, đã chiến thắng và hãnh diện vì đã đạt được một chiến thắng rất khó khăn. D Artagnan sẽ bị mất mát rất nhiều nếu không chịu tính toán thật thận trọng để tránh một sự thất bại có thể xảy ra.

Vì thế, khi triều kiến trở về, d Artagnan chỉ nghĩ đến một điều, đó là tìm cách xoa dịu lòng tự ái của một người có thế lực lớn như Monck, một người mà chính Charles II cũng phải nể vì, dầu Charles là vua, bởi vì, vừa mới được Monck đưa lên ngôi.

Nhà vua vẫn còn có thể cần đến kẻ đã ủng hộ, che chở mình, do đó, nếu cần để làm thoả mãn ông Monck, Nhà vua có thể sẽ không từ chối bắt đày d Artagnan hay bắt nhốt ông trong một cái tháp nào đó của vùng Middlesex hay cho dìm ông xuống biển trong cuộc hành trình từ Douvres về Boulogne.

Những chuyện làm thoả mãn lẫn nhau giữa đám vua và phó vương sẽ không làm cho họ phải e ngại một hậu quả nào hết.

Nhà vua cũng không cần phải tỏ ra chủ động trong việc Monck trả thù. Nhà vua chỉ cần hạn chế vai trò của mình trong việc tha thứ cho vị phó vương Ireland tất cả những gì ông này sẽ làm để chống lại d Artagnan. Để cho lương tâm của Công tước d Albermale được yên ổn, Nhà vua chỉ cần vừa cười vừa nói hai chữ "le absolvo" (tha tha tội cho hắn) hay chỉ cần hí hoáy ba chữ: "Charles, the King" (Hoàng đế Charles) dưới một bản sắc lệnh; và thế là d Artagnan đáng thương sẽ bị vĩnh viễn bị chôn vùi dưới một hầm ngục nào đó.

Và hơn nữa, điều khá đáng ngại, đối với một người biết phòng xa như người lính ngự lâm của chúng ta, là ông cảm thấy mình cô độc, cả tình bạn của Athos cũng không đủ để làm ông yên tâm.

Dĩ nhiên, nếu chỉ là việc so những đường gươm, người lính ngự lâm có thể trông cậy nơi bạn mình; nhưng trong những vấn đề tế nhị với một ông vua, khi một sự tình cờ tai hại nào đó có thể xảy đến để giúp bào chữa cho Monck hay cho Charles II, d Artagnan biết chắc chắn Athos sẽ nghe theo lòng trung thành với vua, để rồi sau đó đổ rất nhiều nước mắt lên nấm mồ của ông và khắc lên mộ bì những lời tiếc thương và ca tụng thật kêu.

"Nhất định rồi", - chàng Gascon nghĩ, và ý tưởng này là kết quả của những suy nghĩ thầm kín trên - "nhất định là ta phải hoà giải với ông Monck, và nắm chắc bằng cớ là ông ta hoàn toàn không còn nghĩ gì đến chuyện đã qua nữa. Nếu ông ta hãy còn tỏ ra bực tức về chuyện này, ta sẽ trao tiền của mình cho Athos mang theo, ta sẽ ở lại nước Anh vừa đủ thời giờ để khám phá những ý định của ông ta, rồi với cặp mắt lanh lẹ và cặp giò nhẹ nhàng của ta, khi nắm được dấu hiệu thù địch đầu tiên của ông ta, ta sẽ chuồn. Chán quá! Ông Monck sẽ không thắng được ta đâu. À, ta còn một ý nữa!"

Chúng ta biết rằng d Artagnan không thiếu gì những ý tưởng trong đầu óc. Trong cuộc đối thoại vừa qua d Artagnan đã "gài nút áo lên tận cằm"; và không có gì kích thích óc tưởng của ông bằng cách thức làm như thế nào theo kiểu người La Mã chuẩn bị đi chiến đấu.

Ông về đến nhà Công tước d Albermale, đầu óc nóng bừng. Ông được nhanh chóng đưa vào gặp vị phó vương - điều đó chứng tỏ ông được xem như người trong nhà rồi.

Monck đang ở trong phòng làm việc, d Artagnan nói với vẻ thành thật mà chàng Gason có biệt tài tạo ra trên gương mặt tinh khôn của mình:

- Thưa ngài, tôi đến xin ngài ban cho một lời khuyên.

Monck cũng chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng như d Artagnan đã "gài nút áo" vậy. Ông trả lời:

- Cứ nói đi, ông bạn thân mến.

Và gương mặt ông ta cũng không kém cởi mở hơn gương mặt của d Artagnan.

- Thưa ngài, trước hết, xin ngài hãy hứa giữ bí mật và khoan hồng đối với tôi.

- Tôi xin hứa với ông bất cứ những gì ông muốn. Có chuyện gì? Ông hãy cho tôi biết đi!

- Thưa ngài, có chuyện là tôi không được hoàn toàn hài lòng về Nhà vua.

- Ồ! Thật vậy sao? Và về việc gì đó, ông phó quan thân mến của tôi?

- Về việc đôi khi Nhà vua nói những lời bông đùa rất có hại cho những kẻ phục vụ mình, và sự đùa cợt, thưa ngài, là một vũ khí làm tổn thương rất nặng đến lòng tự ái của những kẻ cầm gươm như chúng ta.

Monck cố gắng không để lộ những ý tưởng của mình, nhưng d Artagnan đã chăm chú quan sát ông ta rất kỹ nên thoáng thấy đôi má ông ta hơi đỏ lên một chút.

Monck nói với một vẻ rất tự nhiên:

- Nhưng về phần tôi, tôi không phải là kẻ thù của sự bông đùa, ông d Artagnan thân mến ạ. Các binh sĩ của tôi cũng sẽ cho ông hay rằng, nhiều lần, ở trong trại, tôi đã nghe một cách rất bình thản và hơi thích thú nữa, những bài hát châm biếm từ đạo quân của Lambert truyền sang, những bài hát chắc chắn sẽ làm chói tai một ông tướng dễ nổi giận hơn tôi.

D Artagnan nói:

- Ồ! Thưa ngài, tôi biết ngài là một người hoàn toàn, tôi biết từ lâu ngài đã tự đặt mình lên trên mọi sự tồi tệ của con người; nhưng không phải loại bông đùa nào cũng như nhau, và riêng với tôi, có những loại bông đùa làm cho tôi tức giận không thể tả.

- Tôi có thể biết đó là những loại nào không, my dear? (Bạn thân mến).

- Thưa ngài, đó là những câu đùa cợt nhằm vào những bạn thân của tôi hay vào những người mà tôi kính trọng.

D Artagnan thấy Monck hơi biến sắc. Ông ta hỏi:

- Do đâu mà một cú kim găm làm trầy da người khác lại có thể làm ông nhột? Nào, ông hãy kể lại cho tôi nghe.

- Thưa ngài, tôi chỉ xin nói một câu để giải thích thôi: những lời đùa cợt đó là nhằm vào ngài.

Monck bước một bước về phía d Artagnan.

- Nhắm vào tôi?

- Vâng, và đó là điều mà tôi không thể nào hiểu nổi; nhưng cũng có lẽ vì tôi không hiểu rõ tính của Nhà vua. Sao Nhà vua lại nỡ chế nhạo một người đã có quá nhiều công trạng lớn lao đối với mình như vậy? Làm cách nào hiểu được sao Nhà vua lại thích làm cho một con sư tử như ngài nổi giận với một con ruồi con như tôi?

Monck nói:

- Do đó, tôi không hề cho là Nhà vua có ý định như vậy đâu?

- Có chứ! Nếu phải thưởng tôi, Nhà vua có thể thưởng tôi như đối với một chiến sĩ, mà không cần tưởng tượng ra câu chuyện về số tiền chuộc của ngài.

Monck vừa nói vừa cười:

- Không, câu chuyện này không hề làm cho tôi cảm thấy bực tức chút nào, tôi xin thề với ông như vậy.

- Không bực tức tôi, điều này tôi hiểu; ngài biết rõ tôi chứ, tôi kín còn hơn cả miệng bình nữa; nhưng thưa ngài, ngài hiểu chứ?

Monck vẫn một mực:

- Không.

- Nếu một kẻ khác rõ được điều bí mật mà tôi biết.

- Điều bí mật gì?

- À! Thưa ngài, điều bí mật tai hại ở Newcastle.

- À! Số tiền một triệu đồng của ông Bá tước De La Fère, phải không?

- Không, thưa ngài, đó là việc tôi đã âm mưu bắt cóc ngài.

- Ông đã hành động rất giỏi, Hiệp sĩ à, chỉ có thế thôi, chứ không có điều gì cần phải nói nữa. Ông là một chiến sĩ vừa dũng cảm vừa mưu trí, phối hợp được cả đức tính của Fabius(5) và Annibal (6), ông đã sử dụng những phương tiện của ông, sức mạnh và mưu trí như thế không có gì phải nói cả. Tôi cam đoan với ông như vậy.

- Ồ! Tôi hiểu điều đó, thưa ngài, và tôi trông đợi rất nhiều nơi lòng công bằng của ngài. Vì thế, sẽ không có sao hết, nếu chỉ có một mình chuyện bắt cóc thôi, nhưng còn có…

- Cái gì?

- Những cảnh ngộ trong cuộc bắt cóc này.

- Cảnh ngộ nào?

- Thưa ngài, ngài thừa biết những gì tôi muốn nói rồi.

- Không, xin Chúa hãy phạt tôi!

- Thưa ngài! Có chuyện cái thùng quỉ quái đó.

Monck đỏ mặt thấy rõ, d Artagnan nói tiếp:

- Cái thùng bất nhân bằng gỗ đó, ngài biết chứ?

- Ờ! Phải! Tôi quên bẵng mất.

D Artagnan tiếp tục:

- Bằng gỗ thông, có khoét lỗ dành cho cái mũi và cái miệng. Thật ra, thưa ngài, tất cả những cái khác đều vô hại; nhưng cái thùng, cái thùng! Quả thật là một trò đùa quái ác!

Monck bực dọc đi đi lại lại trong phòng. D Artagnan nói:

- Tuy nhiên, nếu như tôi, một tay phiêu bạt giang hồ, phải làm điều đó thì lý do cũng dễ hiểu và dễ hiểu và dễ được tha thứ trong tình thế nghiêm trọng đó, tôi phải đối xử hơi sai quấy đối với ngài; hơn nữa tôi còn là một con người cẩn trọng, dè dặt.

Monck đáp:

- Ồ! Ông d Artagnan, xin ông hãy tin rằng tôi rất hiểu ông và rất cảm phục ông.

Trong khi nói chuyện, d Artagnan không rời mắt khỏi Monck để theo dõi, quan sát mọi phản ứng xảy ra trong đầu óc của viên đại tướng. Ông nói tiếp:

- Nhưng vấn đề không phải là ở nơi tôi.

Monck bắt đầu kiên nhẫn.

- Vậy thì ở đâu?

- Vấn đề là ở chỗ Nhà vua không bao giờ kín miệng.

Monck lắp bắp:

- Nhưng, nghĩ cho cùng, nếu Nhà vua có nói đến chuyện đó thì đã sao đâu?

- Thưa ngài, xin ngài đừng giấu những cảm nghĩ của ngài đối với một người nói chuyện thành thật như tôi. Ngài cứ nổi giận lên, dầu chỉ là nhẹ nhàng thôi. Nào, hãy nghĩ xem, ngài một nhân vật quan trọng, một con người đùa với những vương miện, vương trượng như một kẻ lang thang đùa với quả bóng. Tôi phải nói thế nào nhỉ, một nhân vật quan trọng như ngài đâu phải là để bị nhốt trong một cái thùng, như một vật kỳ lạ của môn vạn vật học. Bởi vì, rốt lại ngài hiểu chứ, điều này có thể khiến cho một kẻ thù của ngài cười một trận đến bể bụng, mà một người quyền lớn, quá cao cả, quá rộng lượng như ngài tất phải có rất nhiều kẻ thù. Điều bí mật này có thể làm cho phân nửa nhân loại phải bò lăn ra cười nếu họ tưởng tượng ra cảnh ngài bị nhốt trong cái thùng đó. Thế mà để cho người ta cười một nhân vật thứ nhì trong vương quốc như ngài thật là một điều không tốt đẹp gì cả.

Monck hoàn toàn mất hết tự chủ khi nghĩ đến cảnh mình bị nhốt trong cái thùng. Như d Artagnan đã đoán rất đúng, sự lố bịch làm tinh thần của ông ta lung lay ghê gớm, điều mà những rủi may của một trận đánh, những tham vọng và cả sự sợ chết nữa, đã không thể nào làm được.

Chàng Gascon nghĩ "Tốt lắm! Ông ta đã biết sợ, thế là ta thoát rồi".

Monck nói:

- Ồ! Về phần Nhà vua, ông d Artagnan thân mến chớ có lo, Nhà vua sẽ không đùa cợt với Monck đâu, tôi xin thề chắc với ông như vậy?

D Artagnan thấy một tia sáng lóe lên trong đôi mắt của Monck. Nhưng vẻ mặt của Monck lại dịu xuống ngay. Ông ta nói tiếp:

- Nhà vua có bản chất quá tốt đẹp, và tấm lòng quá cao cả không thể nào nghĩ đến việc làm hại kẻ đã có công lớn với mình như thế.

D Artagnan kêu lên:

- Ồ! Dĩ nhiên rồi! Tôi hoàn toàn đồng ý với ngài về tấm lòng của Nhà vua. nhưng không đồng ý về đầu óc của Nhà vua; Nhà vua rất tốt bụng nhưng rất hời hợt.

- Nhà vua sẽ không hời hợt đối vối Monck đâu, ông hãy yên tâm.

- Ồ, tôi hiểu ngài, ngài yên tâm về phần Nhà vua. Nhưng chắc ngài không mấy yên tâm về phần tôi?

- Tôi tưởng đã xác nhận với ông rằng tôi tin cậy vào lòng trung trực và sự kín đáo của ông rồi.

- Chắc chắn rồi, chắc chắn rồi, nhưng ngài sẽ nghĩ đến một việc ấy là không phải chỉ có mình tôi, còn những thuộc hạ cùng đi theo tôi trong vụ bắt cóc đó; và họ không phải như tôi?

- Ồ! Phải, tôi biết họ mà.

- Rủi thay, thưa ngài, họ cũng biết ngài nữa.

- Rồi sao nữa?

- Bây giờ họ đang ở tại Boulogne, chờ tôi.

- Và ông sợ?

- Phải, tôi e rằng trong lúc tôi vắng mặt. Dĩ nhiên! Nếu tôi ở bên cạnh họ, tôi bảo đảm với ngài rằng họ sẽ kín miệng. Chẳng biết tôi có lý không khi nói với ông rằng, nếu có nguy hiểm thì nó sẽ không đến từ phía Nhà vua, dầu Nhà vua có tính thích bông đùa đến mấy, nhưng từ phía những người lính của ông, như ông nói. Bị một ông vua chế nhạo, còn chịu đựng được, nhưng bị những tên lính vô lại thì Chúa ơi!

- Vâng, tôi hiểu, không thể chịu đựng được, và thưa ngài đó là lý do tôi đến để thưa với ngài: "Ngài có nghĩ rằng tôi nên trở về Pháp càng sớm càng tốt không?"

- Dĩ nhiên, nếu ông tin rằng sự hiện diện của ông - Làm cho tất cả những tên vô lại đó phải câm mồm?

- Ồ! Thưa ngài về điều này thì bảo đảm lắm.

- Sự hiện diện của ông sẽ không ngăn cản được tiếng đồn loan truyền đi, nếu nó đã được tiết lộ rồi.

- Ồ, chưa bị tiết lộ đâu, thưa ngài, tôi bảo đảm với ngài như vậy. Dầu sao, ngài hãy tin rằng tôi sẽ quyết tâm làm một việc.

- Việc gì.

- Đập bể đầu kẻ trước tiên loan truyền tin này và kẻ trước tiên nghe được tin này. Sau đó, tôi sẽ trở qua nước Anh tìm một chỗ nương thân và có lẽ tìm một việc làm bên cạnh ngài.

- Ô! Ông cứ trở lại đây, cứ trở lại đây đi!

- Nhưng khốn thay, thưa ngài, tôi chỉ biết có một mình ngài ở đây thôi, và có thể tôi sẽ không gặp lại được ngài nữa, hoặc ngài sẽ đã quên mất tôi trong cuộc sống vinh quang của ngài.

Monck trả lời:

- Hãy nghe đây, ông d Artagnan, ông là một người quý tộc nhã nhặn, đầy trí thông minh và lòng cam đảm, ông xứng đáng được hưởng mọi thứ trên thế gian này, hãy đến sống với tôi ở Scotland, và tôi xin thề với ông, tôi sẽ cho ông, trong đất phong của tôi, một địa vị mà bất cứ ai cũng phải thèm muốn.

- Ồ! Thưa ngài, trong lúc này thì không thể được. Trong lúc này tôi có một bổn phận thiêng liêng phải chu toàn, tôi phải lo bảo vệ danh tiếng của ngài, tôi phải ngăn cản không cho bất cứ kẻ vô lại nào làm hoen ố tên luổi ngài trước những người đương thời, và biết đâu, của hậu thế nữa.

- Của cả hậu thế nữa, thưa ông d Artagnan?

- À nhất định rồi. Đối với hậu thế, mọi chi tiết của câu chuyện này đều cần phải được giữ bí mật, bởi vì ngài phải nhìn nhận rằng nếu câu chuyện tai hại về cái thùng gỗ thông được loan truyền đi, người ta sẽ nói rằng Ngài đã đưa Nhà vua lên ngôi không phải theo ý muốn tự do và chính trực của ngài mà là do một cuộc thương lượng ngầm giữa hai người ở Scheveningen. Dầu tôi có nói lên sự thật đã xảy ra thế nào cũng vô ích, người ta sẽ không tin tôi, người ta sẽ bảo rằng tôi đã nhận được phần bánh của tôi và tôi đang ăn.

Monck nhíu mày nói:

- Vậy thì ông hãy về Pháp ngay đi, và để làm cho nước Anh trở nên gần gũi và thú vị hơn đối với ông, tôi xin tặng ông một món quà kỷ niệm. Trên bờ sông Clyde, tôi có một cái nhà nhỏ chung quanh có cây cối, một "cottage" như người ta gọi nó ở đây. Cái nhà này nằm trên một miếng đất rộng năm mươi mẫu, xin ông hãy nhận cho.

- Ô! Thưa ngài - ông sẽ ở nơi đó như ở nhà riêng của ông, và đó sẽ là chỗ trú ẩn mà khi nãy ông đã nói với tôi.

- Thưa ngài, tôi đã chịu ơn của ngài nhiều quá! Sự thật, tôi cảm thấy rất xấu hổ!

- Không đâu, thưa ông, - Monck nói tiếp với một nụ cười tinh quái, - không đâu, chính tôi mới là kẻ chịu ơn ông!

Và ông siết tay người lính ngự lâm, nói:

- Tôi sẽ bảo làm giấy tờ tặng ông.

Rồi ông bước ra.

D Artagnan nhìn theo ông ta, vẻ mặt trầm tư pha lẫn xúc động. Ông nói: "Dầu sao, ông ta cũng có một con người tốt. Chỉ hơi buồn một chút khi nghĩ rằng ông ta đã hành động như thế vì sợ mình hơn là vì cảm mến. Nhưng mình muốn sự cảm mến sẽ đến với ông ta"!

Rồi sau một lúc suy nghĩ càng hơn: "Ồ! Cần gì điều đó? Ông ta là một người Anh mà"!

Bây giờ đến lượt ông bước ra, hơi bàng hoàng vì cuộc đấu trí vừa qua.

"Thế là mình trở thành chủ nhân của một vùng đất, - ông nói - Nhưng làm cách nào để chia nó cho Planchet? Trừ phi ta cho Planchet đất còn ta lấy toà lâu đài, hoặc anh ta lấy toà lâu đài, và ta. Nhưng không được đâu! Ông Monck sẽ không chấp nhận việc chia xẻ một ngôi nhà mà ông ta đã ở cho một chủ hiệu tạp hoá. Ông quá kiêu hãnh nên không thể chịu được điều này!

Hơn nữa, tại sao ta lại nghĩ đến việc này? Ta đã được ngôi nhà này không phải với tiền của công ty mà chỉ với trí thông minh của ta thôi; vậy nó hoàn toàn là của ta. Thôi, bây giờ đi gặp Athos".

Và ông đi về hướng nhà của Bá tước De La Fère.

Chú thích:
(1) một nhân vật lịch sử La Mã
(2) Goliath, người khổng lồ trong Kinh thánh
(3) Nabu Chodonosor, vị vua chinh phục nhiều đất đai ở vùng Cận Đông xưa
(4) Holopheme, tướng của Nabu Chodonosor
(5) Fabius, danh tướng La Mã
(6) Annibal, danh tướng của Cartllage, kẻ thù của La Mã
(7) Cottage - nghĩa thường: nhà dân nghèo, ở đây: biệt thự, với nghĩa khiêm tốn

CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 20

Làm cách nào d Artagnan tính toán tiêu sản, tích sản của tổ hợp

Quả thật, - D Artagnan tự nhủ, - vận may đã đến với ta.

Cái ngôi sao chỉ chiếu sáng trong cuộc đời của mỗi người một lần thôi, cái ngôi sao đã chiếu sáng cho Job và cho Trus, người Do Thái khốn khổ nhất và người Hy Lạp nghèo nhất, sau cùng đã vừa chiếu sáng cho ta. Ta sẽ không làm những việc tiêu phí điên rồ, ta sẽ biết lợi dụng vận may này. Nó đã đến với ta khá trễ khiến ta cần phải tỏ ra khôn khéo và thận trọng mới được.

D Artagnan rất vui khi ăn bữa tối hôm ấy với ông bạn Athos, không tiết lộ gì về ngôi nhà và khu đất được cho, nhưng ông không thể ngăn mình hỏi bạn về những chuyện gieo trồng.

Athos trả lời bạn một cách sốt sắng, như mọi lúc. Ông nghĩ là d Artagnan muốn trở thành chủ đất; tuy nhiên có lúc ông cảm thấy tiếc rằng không còn thấy tính hoạt bát và những câu nói dí dỏm khôi hài nơi người bạn vui tính trước kia. Quả vậy, khác hẳn với thường ngày, d Artagnan rất ít nói, chỉ chăm chú lấy chút mỡ thừa còn dính lại trên đĩa vẽ vạch những hàng chữ số và làm những bài toán cộng tròn trịa thật đáng nể.

Tờ sắc, hay nói đúng hơn giấy phép lên tàu được gởi đến hai người vào buổi tối.

Trong khi Bá tước nhận giấy tàu, một người mang thư khác cho d Artagnan một xấp nhỏ bằng những văn bản đầy những con dấu chứng nhận quyền sở hữu bất động sản trên đất Anh. Athos bắt gặp d Artagnan đang lật những văn bản xác nhận sự chuyển nhượng quyền sở hữu. Ông Monck thận trọng - những kẻ khác có thể nói là ông Monck hào hiệp, đã biến đổi sự chuyển tặng thành một sự buôn bán, và xác nhận đã nhận số tiền mười lăm ngàn đồng là giá bán bất động sản.

Người mang giấy tờ đến đã về rồi mà d Artagnan vẫn còn mải đọc và Athos vẫn mỉm cười nhìn ông. D Artagnan liếc nhìn lên bắt gặp nụ cười của Athos nên vội vã nhét cả xấp giấu vào túi xách. Athos nói:

- Xin lỗi.

Người phó quan ngự lâm quân trả lời:

- Ô! Không có gì đâu, bạn thân mến, tôi muốn…

- Không, xin bạn đừng nói gì cho tôi biết hết, tờ sắc là thứ thiêng liêng mà kẻ nhận không được tiết lộ một lời nào cho đến cả anh em và cha mình nữa. Vì thế, tôi, kẻ nói với bạn như vậy và kẻ thương yêu bạn còn hơn cả anh em, cha và tất cả mọi người.

- Ngoại trừ Raoul của bạn?

- Tôi sẽ thương yêu Raoul nhiều hơn nữa khi nào nó trở thành một người lớn mang tính nết và hành động giống như tôi đã thấy nơi bạn, người bạn thân mến của tôi.

- Vậy là bạn cũng nhận được một tờ sắc nữa, và bạn nhất định không cho tôi biết.

- Phải, d Artagnan thân mến.

Chàng Gascon thở dài nói:

- Đã có một thời, bạn sẵn sàng mở tờ sắc đó ra, đặt lên bàn và nói: "d Artagnan, bạn hãy đọc cái tờ viết nguệch ngoạc này cho cả ba chúng ta, Porthos, Aramis và tôi cùng nghe".

- Đúng vậy. Ô, lúc đó là thời chúng ta còn trẻ, đầy tin tưởng, là thời mà chúng ta tuân theo lệnh của dòng máu hào hiệp bừng sôi tới mức đam mê!

- Này, Athos, bạn có muốn nghe tôi nói điều này không?

- Hãy nói đi, bạn thân mến.

- Cái thời đáng mến đó, cái mùa hào hiệp đó, cái thời ngự trị của máu nóng đó, tất cả những điều chắc chắn là rất đẹp đó, tôi không hề tiếc chúng chút nào: Cũng giống y như cái thời chúng ta còn đi học. Tôi vẫn thường gặp ở một nơi nào đó một anh chàng khờ dại ca tụng với tôi về cái thời của những bài chép phạt, những trận đòn roi, những miếng bánh mì cứng như đá thật kỳ lạ, tôi không bao giờ yêu mến cái thời đó, và mặc dầu rất hiếu động, ăn mặc rất giản dị (bạn biết rõ tôi lúc đó, Athos) tôi cũng vẫn thích những bộ đồ thêu của Porthos không kém hơn là chiếc áo ngài mỏng manh của tôi, chiếc áo để lọt vào da cơn gió lạnh mùa đông và ánh nắng của mùa hè. Bạn thấy không, tôi vẫn luôn luôn nghi ngờ kẻ làm ra vẻ thích sự cực khổ hơn sự sung sướng. Thế mà, thời quá khứ là thời tôi chỉ nếm toàn những nỗi cực khổ, thời mà mỗi tháng tôi thấy chiếc áo của tôi thủng thêm một lỗ, cái túi tiền của tôi mất bớt đi một đồng vàng. Về cái thời đáng ghét của những trò chơi chính trị đu đưa, tôi tuyệt đối chả tiếc cái gì hết, ngoại trừ tình bạn của chúng ta. Chỉ vì trong đó có một quả tim và thật là mầu nhiệm, quả tim tôi đã không bị khô cằn của chiếc áo ngoài, cũng như không bị những mũi gươm đủ loại xuyên qua da thịt, đâm cho tôi tan nát.

Athos nói:

- Bạn đừng tiếc tình bạn của chúng ta, nó chỉ chết khi nào chúng ta không còn sống nữa. Tình bạn được hoàn thiện nhất là bởi những kỷ niệm và những thói quen, và nếu lúc nãy bạn có nói một lời chỉ trích nhẹ nhàng về tình bạn của tôi thì chỉ vì tôi đã ngần ngại không tiết lộ về sứ mạng của tôi ở Pháp. Ôi! bạn rất tốt và rất thân mến của tôi, bạn nên biết rằng từ nay về sau tôi chẳng còn thiết gì đến tất cả những sứ mạng trên thế gian này nữa!

Và ông siết chặt chiếc túi rộng lớn chứa các văn bản.

Athos đứng dậy và gọi chủ trọ để trả tiền. D Artagnan nói:

- Từ khi chúng ta là bạn, tôi không bao giờ phải trả một phần tiền ăn nào hết. Thường thường là Porthos, đôi khi là Aramis và bạn, gần như các bạn đã luôn luôn móc tiền túi ra trả. Bây giờ tôi giàu rồi, để tôi thử trả tiền, xem việc trả tiền có là một cử chỉ oai hùng không.

- Bạn trả đi, - Athos nói, và nhét lại túi tiền vào áo.

Sau đó, hai người đi về phía bến cảng, d Artagnan không quên nhìn lại đằng sau để trông chừng việc chuyên chở những đồng tiền vàng yêu quý của ông.

Đêm tối vừa trải tấm màn dày đặc của nó trên mặt nước sông Tamise. Tiếng động của những thùng hàng hoá và những chiếc ròng rọc báo hiệu tàu đang chuẩn bị rời bến, - những tiếng động đã bao lần làm xao xuyến con tim của những người lính ngự lâm, dù là những nguy hiểm của biển cả không đáng kể gì so với những nguy hiểm mà họ sắp phải đương đầu. Lần này họ sẽ lên một chiếc tàu lớn đang chờ ở Gravescend, và Charles II. - luôn luôn để ý từng việc nhỏ, - đã cho đưa họ ra đấy trên một chiếc du thuyền của ông, cùng với mười hai binh sĩ trong đội cận vệ Scotland của ông, để tạo niềm vinh dự cho vị sứ thần mà Nhà vua phái sang Pháp. Vào lúc nửa đêm, chiếc du thuyền chuyển những hành khách của mình lên chiếc tàu lớn, và đến tám giờ sáng hôm sau, chiếc tàu lớn đã cho vị sứ thần và bạn ông ta lên bờ tại bến cảng Boulogne.

Trong khi Bá tước cùng với Grimaud lo chuẩn bị ngựa để đi thẳng về Paris thì d Artagnan chạy ngay đến nhà trọ nơi đội quân nhỏ bé của ông đang chờ đợi, theo lệnh của ông.

Những người này đang dùng bữa sáng có sò huyết, cá và rượu mùi. Họ rất vui vẻ, nhưng chưa ai say đến độ vượt qua giới hạn của lý trí. Một tràng tiếng hoan hô vui mừng tiếp đón người chỉ huy. D Artagnan nói:

- Tôi đã về đây, chiến dịch chấm dứt rồi. Tôi đem đến cho mỗi người phần lương bổ túc mà tôi đã hứa.

Những cặp mắt đều sáng lên.

- Tôi cá rằng trong túi của kẻ giàu nhất trong các anh hiện giờ không có đến một trăm đồng louis.

Họ đồng thanh kêu lên:

- Đúng vậy!

D Artagnan nói:

- Quý vị, đây là hiệu lệnh chót. Hiệp ước thương mại được ký kết nhờ cuộc tấn công đã giúp chúng ta bắt được nhà tài chính khôn khéo nhất của nước Anh; bởi vì bây giờ tôi phải tiết lộ cho các anh biết, người mà chúng ta bắt cóc đó là viên quản khố của Đại tướng Monck.

Chữ "quản khố" có tác động chút ít đến đội quân của ông.

D Artagnan nhận thấy chỉ duy có đôi mắt của Menneville là không thấy biểu lộ sự tin tưởng hoàn toàn. Ông nói tiếp:

- Tôi đã đem viên quản khố đến một xứ trung lập, xứ Hà Lan. Tôi bắt ông ta ký bản hiệp ước, tôi đích thân đem ông ta trở về Newcastle, và vì ông ta đã rất bằng lòng về những cách đối xử của chúng ta, vì cái thùng bằng gỗ thông được lót nệm và khiêng đi rất êm ái, cho nên tôi đã xin được ông ta cho các bạn một số tiền thưởng đây.

Ông ném một cái bao khá lớn lên tấm vải trải bàn. Tấl cả đều tự động đưa tay ra. D Artagnan nói:

- Hãy chờ một chút đã, đám cừu non của tôi ạ, nếu có những lợi lộc được hưởng, cũng như những trách nhiệm phải lo.

- Ô! ô! - Cả toán xì xào - Này các bạn, chúng ta sẽ lâm vào một tình thế mà những kẻ không đầu óc sẽ rất khó đối phó. Tôi nói trắng đây: Chúng ta đang ở giữa cây cột treo cổ và nhà ngục Bastille đấy.

- Ô! ô! đám người lại kêu lên.

- Điều này rất dễ hiểu. - Cần phải giải thích thế nào với Đại tướng Monck về chuyện người quản khố của ông ta biến mất. Tôi phải chờ đợi đúng lúc may mắn sao vua Charles II, vốn là bạn của tôi, được trở lại ngôi báu.

Đoàn người đáp lại ánh mắt kiêu hãnh của d Artagnan bằng ánh mắt vui mừng.

- Khi nhà vua lấy lại được ngai vàng, tôi trả lại cho ông Monck viên quản khố, hơí bị trầy trụa chút đỉnh, thật vậy, nhưng dầu sao tôi cũng trả lại rồi. Nhưng Đại tướng Monck, trong khi tha thứ cho tôi, đã kèm theo những lời này mà tôi yêu cầu mỗi người trong số các bạn hãy ghi sâu vào trong đầu mình: "Thưa ông, việc đùa này rất hay, nhưng bản tính của tôi không thích đùa cợt; nếu chỉ một lời nào về những điều ông đã làm (Menneville, ông hiểu chứ), thoát ra từ miệng ông hay từ miệng các bạn ông thì tôi có sẵn trong các xứ Scotland và Ireland dưới quyền tôi bảy trăm bốn mươi mốt cây cột treo cổ làm bằng gỗ sồi có lắp chốt sắt và tuần nào cũng được đánh mỡ bóng loáng. Tôi sẽ tặng cho mỗi người trong các ông một cây cột treo cổ đó, và ông hãy nhớ kỹ, ông d Artagnan thân mến, ông ta nói tiếp, (và cũng xin ông Menneville nhớ kỹ) tôi hãy còn lại bảy trăm ba mươi cây để sử dụng khi nào tôi thích. Ngoài ra…"

- Ô! ô! Còn "ngoài ra" cái gì nữa?

Còn một điều khốn khổ nữa: "Thưa ông d Artagnan, tôi gởi đến vua nước Pháp bản giao ước này kèm theo lời yêu cầu Nhà vua tạm thời bắt nhốt vào ngục Bastille rồi gời sang đây cho tôi tất cả những kẻ đã tham dự vào cuộc bắt cóc. Lời yêu cầu này chắc chắn Nhà vua sẽ chấp nhận đấy".

Những tiếng kêu kinh hãi phát ra từ một góc bàn.

D Artagnan nói:

- Ờ! ờ! Nhưng ông bạn Monck đã quên mất một điều là ông ta không biết tên của một ai trong các bạn, chỉ mình tôi biết và tôi không phải là người phản các bạn, các bạn thừa biết điều đó. Về phía các bạn, tôi không nghĩ rằng các bạn không quá dại dột đến độ tự mình tố cáo mình, bởi vì lúc đó, để khỏi tốn tiền nuôi các bạn ăn ở trong tù. Nhà vua sẽ gởi các bạn sang Scotland, đang có bảy trăm bốn mươi mốt cây cột treo cổ chờ đợi sẵn. Đó là tất cả những gì các bạn cần phải biết rõ và nhớ kỹ. Và bây giờ, tôi không còn điều gì phải nói thêm nữa. Tôi chắc là các bạn hiểu đầy đủ, phải không, ông Menneville?

Anh này trả lời:

- Rất đầy đủ.

D Artagnan nói:

- Bây giờ đến lượt những đồng louis vàng? Đóng các cửa lại.

Ông mở một cái bao trên bàn ra làm nhiều đồng tiền vàng xinh đẹp lăn xuống đất. Mỗi người vội nhổm dậy, cúi xuống sàn nhà, d Artagnan kêu lên:

- Khoan đã! Đừng một ai cúi xuống lượm để tôi đếm lại cho đủ.

Và quả thật ông đếm đủ số tiền rồi đưa mỗi người năm mươi đồng louis xinh đẹp, và nhận được những lời cầu chúc cũng bằng với số đồng vàng ông đã cho.

D Artagnan nói:

- Bây giờ, nếu các bạn làm lại cuộc đời để trở thành những nhà trưởng giả tốt bụng và lương thiện.

- Khó quá! - Một kẻ nói.

Một kẻ khác hỏi:

- Nhưng tại sao cần phải thế, ông trưởng?

- Ấy là vì tôi có thể sẽ gặp lại các bạn, và biết đâu thỉnh thoảng sẽ tặng thêm các bạn một món quà bất ngờ nào đó.

Ông ra dấu cho Menneville lúc này đang ngồi nghe tất cả những diều ông nói với vẻ mặt không được tự nhiên lắm.

Menneville đi theo ông, trong khi những tiếng chào của dám thuộc hạ hoà lẫn với tiếng kêu êm tai của những dồng tiền vàng chạm vào nhau trong túi họ.

Khi đã ra đến ngoài đường, d Artagnan nói:

- Menneville, vừa rồi anh không bị gạt, tôi thấy anh có vẻ không sợ những cây cột treo cổ của Monck cũng như ngục Bastille của Hoàng đế Louis XlV, nhưng tôi yêu cầu anh hãy sợ tôi. Này! Nghe đây: Chỉ cần một lời tiết lộ của anh thôi, tôi sẽ giết anh như cắt tiết gà. Tôi sẵn có trong túi lời tha tội của Đức Giáo hoàng đây này.

- Tôi bảo đảm với ngài rằng tôi tuyệt đối không biết gì hết, ngài d Artagnan thân mến ạ.

Người lính ngự lâm nói:

- Tôi biết anh là một người thông minh, tôi chú ý nhận xét anh từ hai mươi lăm năm nay rồi. Tôi cho anh thêm năm mươi đồng vàng nữa, điều này chứng tỏ tôi rất trọng anh. Cầm lấy đi.

Menneville nói:

- Cám ơn ngài d Artagnan.

D Artagnan đáp lại bằng một giọng thật nghiêm trang:

- Với số tiền này anh có thể thật sự trở thành một người đàng hoàng. Thật là xấu hổ để cho một đầu óc như của anh và một cái tên mà anh không còn dám mang nữa, phải bị vĩnh viễn xoá bỏ bởi một cuộc sống xấu xa. Hãy trở nên một con người lịch sự. Menneville, và hãy sống an nhàn một năm với số một trăm đồng tiền vàng này, số tiền khá lớn đấy: gấp đôi tiền lương của một sĩ quan cao cấp. Trong một năm nữa, hãy đến tìm tôi, và chán quá, tôi sẽ làm cho anh trở thành một con người đáng giá.

Menneville thề, cũng như các bạn anh ta rằng anh ta sẽ giữ kín miệng.

Tuy nhiên hẳn là phải có một kẻ nào đã nói ra, và vì chắc chắn không phải chín người lính kia, cũng như chắc chắn không phải là Menneville, hẳn phải là chính d Artagnan, - chàng Gascon vốn có cái lưỡi không bao giờ chịu ở yên. Bởi vì nếu không phải là ông ta thì là ai? Và làm sao có thể giải thích việc câu chuyện bí mật của chiếc thùng gỗ thông có khoét lỗ được chúng tôi biết một cách rất đầy đủ, để có thể kể lại cho bạn đọc nghe đến những chi tiết sâu kín nhất của nó, những chi tiết rọi một ánh sáng vừa mới mẻ vửa bất ngờ vào tất cả phần này của lịch sử nước Anh mà cho đến nay các sử gia đồng nghiệp của chúng ta vẫn còn bỏ quên nó trong bóng tối?

Sau khi đã thanh toán xong tiền bạc và dặn dò kỹ lưỡng đám binh sĩ thuộc hạ, d Artagnan chỉ còn nghĩ đến việc trở về Paris càng nhanh càng tốt. Về phần Athos, ông này cũng nôn nóng muốn trở về nhà để nghỉ ngơi một chút. Sau những mệt nhọc của chuyến đi, người lữ khách nào cũng vui mừng nhận thấy sau buổi chiều tàn, mặc đầu ngày đó rất đẹp, đêm tối sẽ đem đến một giấc ngủ ngon lành. Vì thế, từ Boulogne về Paris, hai người bạn cưỡi ngựa đi bên nhau, mỗi người theo đuổi những ý tưởng riêng tư của mình. Họ rất ít nói chuyện với nhau, chỉ lo thu ngắn đoạn đường dài bằng cách thúc ngựa đi thật nhanh. Bốn ngày sau khi họ rời Boulogne, Athos và d Artagnan về đến Paris. Athos hỏi:

- Bạn đi về đâu, bạn thân mến? - Tôi, tôi đi thẳng về nhà trọ.

- Còn tôi, tôi đi thẳng về nhà người hùn vốn với tôi.

- Nhà của Planchet à?

- Phải ở quán Đùi gà vàng.

- Dĩ nhiên là chúng ta sẽ gặp lại nhau chứ?

- Ừ, nếu bạn ở lại Paris; vì tôi ở lại đây.

- Không. Sau khi hôn Raoul theo như đã hẹn gặp tại nhà trọ, tôi sẽ đi ngay về La Fère.

- Vậy thì xin từ giã bạn người bạn thân mến tuyệt vời của tôi - Tôi không hiểu tại sao bạn không đến ở với tôi tại Blois.

Bây giờ bạn được tự do và bạn giàu rồi, nếu bạn muốn, tôi sẽ mua cho bạn một miếng đất rất đẹp trong vùng Chevemy hoặc trong vùng Bracieux. Một bên, bạn sẽ có những rừng cây đẹp nhất thế giới, tiếp giáp với rừng Chamberd; bên kia, những ao đầm tuyệt vời. Bạn là một người thích săn bắn, và dầu muốn dầu không, cũng có tâm hồn thi sĩ, bạn sẽ có chim trĩ, gà nước và le le, không kể những buổi hoàng hôn và những cuộc đi dạo bằng thuyền có thể làm ước mơ cả Nemrod (1) và Apollon (2). Trong khi chờ đợi, bạn sẽ ở tại La Fère với tôi, và chúng ta sẽ cùng đi bắt chim chích choè trong những vườn nho, như vua Loui XIII đã từng làm. Đó là một thú vui khôn ngoan đối với những kẻ lớn tuổi như chúng mình.

D Artagnan nắm tay Athos, nói:

- Bá tước thân mến, tôi chưa trả lời với bạn rằng ừ hay không. Để cho tôi ở lại Paris một thời gian để giải quyết tất cả công việc của tôi và làm quen dần với ý nghĩ đang chói loà trong đầu óc tôi. Bạn thấy không. Bây giờ tôi giàu rồi, và trong thời gian từ đây cho đến lúc tôi quen thuộc được với sự giàu có, tôi biết tôi sẽ là một con vật rất khó chịu. Thế nhưng, tôi không muốn tỏ ra thiếu tế nhị trước một người bạn như bạn. Athos à, chiếc áo rất đẹp, chiếc áo được nạm vàng lộng lẫy, nhưng nó còn mới quá và các nếp gấp làm cho tôi khó chịu.

Athos mỉm cười nói:

- Tuỳ ý bạn. Nhưng chiếc áo đó, d Artagnan thân mến, bạn có muốn tôi cho bạn một lời khuyên không?

- Ồ! Rất muốn.

- Bạn sẽ không giận nhé!

- Nào, bạn!

- Khi sự giàu có đến với một người quá trễ và bất ngờ, người đó, vẫn không thay đổi, phải tỏ ra hà tiện, nghĩa là không tiêu xài nhiều hơn số tiền mà trước kia anh ta có, hoặc anh ta lại tiêu xài hoang phí, và mắc nợ quá nhiều khiến anh ta trở lại nghèo như cũ.

- Ồ, nhưng điều mà bạn nói đó nghe như nguỵ biện quá, ông triết gia thân mến của tôi ơi.

- Tôi không nghĩ như thế. Bạn có muốn trở thành kẻ hà tiện không?

- Dĩ nhiên là không? Trước kia tôi đã hà tiện rồi, vì tôi chẳng có gì hết.

- Vậy thì bạn hãy ăn xài lớn đi.

- Tôi lại càng không muốn nữa. Chán quá? Nợ nần làm cho tôi kinh sợ. Nhìn những tay chủ nợ, tôi tưởng tượng họ giống như những tên quỷ sứ đang nướng tội nhân, và vì sự nhẫn nhục không phải là đức tính lớn nhất của tôi nên tôi luôn luôn muốn cho những tên quỷ sứ một trận đòn nên thân.

- Tôi biết bạn là người khôn ngoan nhất và bạn không cần ai khuyên hết. Kẻ nào tưởng họ có thể dạy bạn được điều gì, kẻ đó thật là điên rồ? Nhưng phải chăng chúng ta đến đường Saint-Honoré rồi?

- Phải, Athos thân mến.

- Bạn hãy nhìn, bên tay trái, cái nhà nhỏ, dài và màu trắng kia, đó là nhà tôi ở trọ. Nó chỉ có hai tầng thôi. Tôi ở tầng dưới, tầng kia do một sĩ quan mướn, ông này năm nào cũng vắng mặt từ tám đến chín tháng vì bận công vụ, thành ra tôi ở trong nhà trọ này như ở trong nhà riêng của tôi, trừ việc phải trả tiền nhà thôi.

- Ồ! Athos! Bạn biết sắp xếp chỗ ở của bạn thật hay, thật ngăn nắp rộng rãi? Tôi cũng muốn được như bạn vậy. Nhưng biết làm sao được, đó là tính bẩm sinh, và không phải ai muốn có cũng được.

- Đồ nịnh! Thôi, xin từ giã, bạn thân mến. Nhân tiện, cho tôi gởi lời thăm anh chàng Planchet, anh ta vẫn luôn luôn là một con người đầy khôn ngoan đấy chứ?

- Và đầy lòng tốt nữa, Athos, từ giã bạn!

Họ chia tay nhau.

Trong khi nói chuyện, d Artagnan vẫn không rời mắt canh chừng một con ngựa thồ mang những chiếc giỏ trong đó có những cái bao giấu dưới cỏ khô.

Chuông nhà thờ ở Saint Merri điểm 9 giờ; những người giúp việc cho Planchet đang đóng cửa tiệm.

D Artagnan bảo người dẫn con ngựa thồ dừng lại ở góc đường Lombards, dưới một cái chái, và gọi một người giúp việc của Planchet ra canh chừng không những hai con ngựa, mà luôn cả người dẫn ngựa. Ông chủ quán vừa ăn tối xong, và đang lo lăng nhìn tấm lịch trên đó mỗi buổi tối ông ta gạch bỏ một ngày vừa qua. Đúng lúc theo thói quen hàng ngày, Planchet vừa thở dài vừa gạch bỏ thêm một ngày nữa, thì d Artagnan bước vào va những chiếc đinh thúc ngựa vào ngưỡng cửa. Planchet kêu lên:

- Ô! Chúa ơi!

Người thương gia đáng kính không thể nói thêm được gì hơn: anh ta vừa trông thấy bóng dáng người bạn hùn vốn với mình.

D Artagnan bước vào, lưng khom xuống và đôi mắt buồn bã. Chàng Gascon đang có một ý định đối với Planchet.

"Chúa ơi! Ông ấy có vẻ buồn rầu" - người thương gia nhìn d Artagnan thầm nghĩ.

Người lính ngự lâm ngồi xuống, Planchet nói, tim đập thình thịch vì lo sợ:

- Ngài d Artagnan thân mến, thế là ngài đã trở về rồi!

- Ngài có mạnh khỏe không?

D Artagnan thở một hơi dài:

- Khá, khá mạnh, Planchet ạ.

- Chắc ngài không bị thương chứ?

- Ờ!

Planchet nói tiếp, nỗi lo lắng càng lúc càng tăng:

- À! Tôi hiểu chuyến đi rất gian truân, phải không?

D Artagnan đáp:

- Phải.

Planchet ớn lạnh cả mình. Người lính ngự lâm ngẩng đầu lên, vẻ mặt thiểu não:

- Tôi thèm một ly rượu lắm.

Planchet chạy đến tủ rượu và rót cho d Artagnan một ly lớn, d Artagnan nhìn chai rượu, hỏi:

- Loại rượu nho gì vậy?

Planchet đáp:

- Thưa ngài loại mà ngài thích nhất, loại rượu nho Anjou ngon tuyệt.

D Artagnan cười buồn:

- Ồ, bạn Planchet đáng thương của tôi, tôi có còn nên uống rượu ngon nữa không?

- Nào, ông chủ thân mến của tôi - Planchet cố gắng phi thường để thốt lên lời trong khi tất cả những bắp thịt co thắt lại, vẻ tái nhợt và sự run rẩy của anh ta biểu lộ một nỗi lo âu tột độ.

- Nào, tôi đã từng là lính, tôi không thiếu can đảm đâu; vậy xin ngài đừng để tôi phải mỏi mòn chờ đợi. Ngài d Artagnan thân mến: tiền của chúng ta mất toi hết rồi phải không?

D Artagnan để một thời gian hoãn trả lời mà người chủ quán đáng thương tưởng chừng như là một thế kỷ. Nhưng anh ta chỉ có cách day trở trên ghế thôi.

D Artagnan gật gù nói một cách chậm chạp:

- Và nếu đúng như vậy thì bạn sẽ nói sao, hỡi người bạn đáng thương của tôi?

Nét mặt của Planchet chuyển từ màu tái nhợt sang màu vàng. Người ta có thể tưởng anh ta sắp nuốt chửng cả cái lưỡi của mình, vì cổ họng anh ta phồng lên và đôi mắt đỏ chạch. Anh ta lẩm bẩm:

- Hai mươi ngàn đồng! Hai mươi ngàn đồng…

D Artagnan vươn cổ ra, chân duỗi dài, tay buông thõng, trông giống như pho tượng của thần Buồn nản. Một tiếng thở dài đau đớn thoát ra từ những hang hốc sâu thẳm nhất trong lồng ngực của Planchet. Anh ta nói:

- Thôi, tôi hiểu rồi. Chúng ta hãy tỏ ra dũng cảm. Hết tất cả rồi, phải không? Điều chính yếu, thưa ngài, ngài còn mạng sống là được rồi.

- Dĩ nhiên, dĩ nhiên, mạng sống là cái gì quý giá nhưng trong lúc đó thì tôi đã tiêu tan cả sản nghiệp rồi.

Planchet nói:

- Chúa ơi! Thưa ngài, nếu như vậy, xin ngài cũng đừng nên tuyệt vọng. Ngài sẽ buôn tạp hoá chung với tôi, hai chúng ta làm ăn chung với nhau; chúng ta sẽ chia nhau tiền lời, và khi không còn tiền lời nữa thì chúng ta chia nhau hạnh nhân, nho khô, ô mai và chúng ta sẽ cùng gặm chung với nhau miếng pho mát Hà Lan cuối cùng.

D Artagnan không thể kéo dài vở kịch lâu hơn nữa. Ông cảm động kêu lên:

- Chán quá, Planchet, anh thật là một người tốt bụng? Này anh không đóng kịch đấy chứ? Anh không trông thấy con ngựa có mang những cái bao dưới cái chái ngoài đường kia đó sao?

- Con ngựa nào? Những cái bao nào? - Planchet hỏi, tim anh ta thắt lại với ý nghĩ d Artagnan đã điên rồi.

D Artagnan đáp, gương mặt rạng rỡ, hoàn toàn khác hẳn với lúc nãy:

- Ồ chán quá! Những cái bao đem về từ bên nước Anh đó.

Planchet thụt lùi bước đôi mắt sáng rực như lửa của d Artagnan và nghẹn ngào thốt lên:

- Ô! Lạy Chúa!

D Artagnan kêu lên:

- Đồ khốn, bộ anh tưởng ta điên sao! Chúa ơi! Trái lại, chưa bao giờ đầu óc ta tỉnh táo và lòng ta vui vẻ hơn lúc này. Cho mang những cái bao vào đây. Planchet, những cái bao!

- Nhưng Chúa ơi! Những cái bao nào?

D Artagnan đẩy Planchet đến cửa sổ và bảo:

- Dưới cái chái đàng kia, anh có thấy một con ngựa không? Anh có thấy lưng nó vướng nặng kềnh càng không?

- Thấy thấy.

- Anh có thấy một người giúp việc của anh đang nói chuyện với người dẫn ngựa không?

- Phải, phải, có thấy.

- Này? Anh biết tên của người giúp việc của anh, hãy kêu cậu ta đi.

Planchet hét qua cửa sổ:

- Abdon! Abdon!

D Artagnan nhắc nhở:

- Dẫn con ngựa đến dây.

Planchet lại hét lên:

- Dẫn con ngựa đến đây?

D Artagnan nói với giọng như thể đang chỉ huy một cuộc dượt binh:

- Bây giờ, cho người dẫn ngựa mười đồng, hai cậu giúp việc mang hai cái bao đầu tiên lên, hai cậu kia mang hai cái bao còn lại, và nhanh lên, chán quá, hăng hái lên!

Planchet lao mình theo các nấc thang giống như là bị quỷ rượt.

Một lát sau, tốp người trẻ tuổi leo lên cầu thang, thân hình khòm xuống dưới sức nặng của những cái bao. D Artagnan bảo họ đi ngủ, cẩn thận đóng kín cửa lớn lại, và ngỏ lời với Planchet, bây giờ lại đang ngẩn ngơ như người điên:

- Nào, bây giờ hai chúng ta vào việc đi.

Và ông trải xuống đất một tấm mềm lớn, dốc cái bao đầu tiên lên đó. Planchet cũng làm như vậy với cái bao thứ nhì; rồi d Artagnan, run run, dùng dao chọc thủng cái bao thứ ba.

Khi Planchet nghe tiếng động đầy kích thích của vàng và bạc, khi ông ta thấy những đồng tiền vàng lấp lánh tuôn ra khỏi bao như cá ra khỏi lưới, như một cơn nước lớn cứ dâng lên mãi cho đến khi ngập tới bắp chân của mình, anh bỗng cảm thấy đầu óc choáng váng, quay cuồng như một người bị sét đánh và cả thân hình nặng nề rơi đánh ầm lên các đồng tiền bạc.

Planchet bất tỉnh vì vui mừng đến nghẹt thở. D Artagnan bèn đổ ly rượu trắng lên mặt khiến anh ta tỉnh lại ngay.

Planchet đưa tay chùi hàm râu của mình, kêu lên.

- Ôi! Chúa ơi! Ô! Chúa ơi!

D Artagnan nói:

- Chán quá! Thưa ông bạn hùn vốn với tôi, ông được một trăm ngàn đồng. Ông hãy vui lòng lấy phần của ông ra; còn tôi sẽ lấy phần của tôi.

- Ồ! Số tiền kếch sù, thưa ngài d Artagnan, một số tiền kếch sù?

D Artagnan nói:

- Cách đây nửa giờ, ta có ý hơi tiếc phải chia cho anh số tiền đó; nhưng bây giờ, ta không còn tiếc nó nữa, vì anh là một chủ tiệm tạp hoá tốt bụng. Planchet ạ. Chúng ta hãy thanh toán tiền bạc một cách sòng phẳng, bởi vì người ta thường nói sòng phẳng với nhau thì sẽ trở thành người bạn tốt của nhau.

- Ồ! Trước hết xin ngài hãy kể cho tôi nghe tất cả câu chuyện, chắc là hấp dẫn hơn tiền bạc nhiều!

D Artagnan vuốt vuốt hàm ria mép trả lời:

- Ta không từ chối đâu, và nếu có nhà viết sử nào đến nhờ ta cung cấp cho ông ta những sự kiện, ông ta có thể nói ràng mình đã không đi lầm chỗ. Vậy Planchet lắng nghe ta kể đây.

Planchet nói:

- Và trong khi đó, tôi sắp tiền lại thành từng chồng. Hãy bắt đầu đi, ông chủ thân mến của tôi.

D Artagnan cố sức lấy hơi nói:

- Như vầy!

Và Planchet đưa nắm tiền vàng thứ nhất nói:

- Như vầy!

"D Artagnan bằng lòng đảm nhiệm lại chức vụ phó quan ngự lâm quân, liền được Nhà vua trao cho một nhiệm vụ bí mật mà nếu thành công thì hy vọng sẽ được thăng thưởng làm chưởng quan.

Đó là nhiệm vụ đi đến Belle Isleen Mer, lãnh địa của Tổng giám tài chính Fouquet, để quan sát những thành luỹ mà ông này đã cho xây lên ở đó. Theo lời khuyên của Cobler, Louis đâm nghi viên tổng giám tài chính quá giàu mạnh mà Nhà vua ngờ là tham nhĩng và có tham vọng nguy hiểm.

Vừa rồi, hai nhà tài chính, bạn thân của Fouquet, tên Lyodot và d Eymens, bị Colbert bắt đưa ra toà và bị kết án treo cổ vì tội tham nhĩmg. Anh của Tổng giám Fouquet, cha xứ Fouquet, và Gourville, một kẻ thân tín của viên tổng giám, đang tìm cánh cứu hai tử tội.

Chú thích:
(1) Nemrod, vua cổ Lưỡng Hà
(2) Apollon, nhân vật thần thoại
(3) Cobler - nhân vật thứ 2 sau Fouquet từ lúc Mazarin chết đi

CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 21: Kế hoạch chiến đấu

Khi cha xứ Fouquet đến nhà của em mình thì đêm đã quá khuya. Gourville cùng đi với ông ta. Bà người này, sạm mặt trước những biến cố sắp đến, trông giống như ba kẻ mưu phản cùng chung một ý nghĩ dùng bạo lực hơn là ba nhân vật đầy quyền thế lúc ban ngày.

Tổng giám Fouquet đi đi lại lại rất lâu, mắt nhìn đăm đăm xuống xàn nhà, hai bàn tay xoa vào nhau.

Sau cùng, ông thu hết can đảm nói giữa tiếng thở dài:

- Này ông cha xứ, ông vừa nói với tôi về một số người mà ông đang cấp dưỡng phải không?

- Thưa ông phải.

- Những người đó thật ra là những người thế nào?

Người giáo sĩ ngần ngại.

- Này! Đừng có sợ hãi, tôi không đe doạ đâu, nhưng cũng đừng khoác lác vì tôi không đùa đâu.

- Vì ông tổng giám muốn biết sự thật thì đây là sự thật: Tôi có một trăm hai mươi người rất trung thành với tôi.

- Và ông có thể tin tưởng vào họ không?

- Trong tất cả mọi việc.

- Và ông sẽ không bị nghi ngờ vì những việc làm của họ phải không?

- Tôi sẽ không cần phải ra mặt gì hết.

- Họ có cương quyết không?

Họ dám đốt cả thành phố Paris nếu tôi hứa với họ rằng họ sẽ không bị đốt.

Fouquet chùi những giọt mồ hôi trên mặt ông ta, và nói:

- Điều mà tôi yêu cầu cha xứ là cho một trăm hai mươi người của ông tấn công vào những kẻ mà tôi sẽ chỉ cho ông biết, vào một lúc nào đó, được không?

- Chẳng phải là lần đầu họ làm một việc như thế đâu!

- Được lắm, nhưng bọn cướp đó có dám tấn công quân đội không?

- Đó là thói quen của họ.

- Vậy thì hãy tập họp một trăm hai mươi người đó lại đi, ông cha xứ ạ.

- Được! Tập họp ở đâu?

- Trên đường đi Vincennes, đúng hai giờ chiều mai.

- Để giải thoát cho Lyodot và d Eymeris?

- Phải, ông có sợ không?

- Không sợ cho tôi, nhưng cho ông.

- Những người của ông có biết rõ những gì họ làm không?

- Họ quá thông minh, nên đoán biết không mấy khó. Tuy nhiên một tổng giám nổi loạn chống lại Nhà vua của mình, e sẽ gặp nhiều nguy hiểm.

- Điều đó có quan trọng gì đối với ông, nếu tôi trả tiền đủ? Với lại, nếu tôi bị hạ thì ông cũng sẽ bị hạ với tôi.

- Vậy thì có lẽ ta nên thận trọng đừng rục rịch gì hết và cứ để yên cho Nhà vua được chút thoả mãn nhỏ bé đó.

- Ông nên nghĩ đến điều này, rằng Lyodot và Eymeris bị hành hình là mở màn cho sự sụp đổ của gia đình mình. Tôi nhắc lại điều này: Tôi bị bắt là ông sẽ đi ở tù, và tôi bị ở tù là ông sẽ bị lưu đày.

- Ông tổng giám, tôi sẵn sàng theo lệnh của ông. Ông có lệnh nào cho riêng tôi không?

- Tôi đã nói với ông rồi đó! Tôi muốn rằng ngày mai hai nhà tài chính mà người ta muốn xử tội, trong khi có vô số tên tội phạm không bị xử phạt, phải được giải thoát khỏi bàn tay những kẻ thù của tôi. Vậy ông hãy dùng những biện pháp thích hợp. Có thể được không?

- Được - Hãy cho tôi biết kế hoạch của ông.

- Rất giản dị. Thường thường, toán quân có nhiệm vụ bảo vệ những cuộc hành quyết gồm có mười hai cung thủ.

- Ngày mai toán quân này sẽ lên đến một trăm người.

- Tôi đã nghĩ đến điều này; tôi nói còn nhiều hơn nữa, sẽ có đến hai trăm người.

- Như vậy một trăm hai mươi người của ông không đủ phải không?

- Xin lỗi. Trong đám đông gần một trăm ngàn công chúng đi xem, có mười ngàn tên cướp hay tên cắt túi tiền; nhưng họ không dám có ý kiến.

- Vậy thì sao?

- Vậy ngày mai ở quảng trường Grève, nơi tôi chọn làm chỗ tấn công, sẽ có một ngàn người phụ lực cho một trăm hai mươi người của tôi. Cuộc tấn công do những người của tôi khởi đầu sẽ được họ tiếp tay kết thúc.

- Tốt lắm! Nhưng các ông sẽ hành động như thế nào đối với hai tù nhân ở quảng trường?

- Như vầy: Chúng tôi sẽ cho đưa hai tù nhân đó vào một ngôi nhà ở quảng trường; ở nơi đó họ sẽ được bảo vệ kỹ lưỡng.

- À, còn một ý định khác hay hơn nữa: Một số nhà có hai ngõ ra, một ngõ ra quảng trường, ngõ kia ra pố Chí Tử, hay phố Hàng Đan hay phố Hàng Dệt. Các tù nhân, được đưa vào bằng ngõ này, sẽ thoát ra bằng ngõ kia.

- Nhưng ông phải quyết định chi tiết cụ thể chứ!

- Tôi đang tìm.

Fouquet lêu lên:

- Còn tôi, tôi đã tìm ra rồi. Ông hãy nghe kỹ điều tôi vừa nghĩ ra đây.

- Tôi xin nghe.

Fouquet ra hiệu cho Gourville; anh ta có vẻ hiểu.

- Một người bạn của tôi thỉnh thoảng cho tôi mượn chìa khoá của một ngôi nhà anh ta mướn ở đường Baoudoyr, nhà có những khu vườn rộng rãi nằm đằng sau một ngôi nhà ở quảng trường.

Cha xứ nói:

- Đúng cho công việc của chúng ta rồi. Ngôi nhà nào vậy?

- Một cái quán khá đông khách, mà bảng hiệu có mang hình Đức Bà.

Giáo sĩ nói:

- Tôi biết.

- Cái quán đó có cửa sổ nhìn ra phía quảng trường, một lối đi ra sân ăn thông với những khu vườn của bạn tôi qua một cái cửa lớn.

- Tốt lắm!

- Các ông hãy đưa hai người từ vào quán này rồi cho bảo vệ cửa ra vào trong khi đưa họ trốn qua khu vườn ra quảng trường Baudoyer.

- Kế hoạch này thật hay, ông có thể làm một đại tướng xuất sắc như ngài Hoàng thân.

- Ông hiểu chưa?

- Đầy đủ

- Ông cần bao nhiêu tiền để cho những tên cướp của ông nhậu say và thoả mãn lòng tham của họ?

- Ô! Ông tổng giám, ông nói gì vậy! Nếu họ nghe được lời của ông nói, một số người trong bọn họ rất dễ giận đấy.

- Ý tôi muốn nói là ông phải làm sao cho họ không còn phân biệt trời đất gì nữa hết, bởi vì ngày mai tôi sẽ chiến đấu chống lại Nhà vua; và một khi tôi đã chiến đấu là tôi phải chiến thắng, ông hiểu không?

- Tôi sẽ làm theo lời dặn của ông. Xin cho thêm những ý kiến khác.

- Ông tự lo lấy đi.

- Vậy thì xin ông mở hầu bao.

- Gourville, đếm một trăm ngàn cho ông cha xứ.

- Tốt lắm và chúng tôi sẽ hành động không nương tay gì hết, phải không?

- Không nương tay gì hết.

- Tốt lắm!

Gourville dè dặt phản đối:

- Thưa ngài, nếu điều này bị tiết lộ thì chúng ta sẽ mất đầu.

Fouquet trả lời, mặt tím đi vì giận:

- Ồ! Gourville, anh thật đáng tội nghiệp; nên để dành câu nói đó cho anh. Còn cái đầu của tôi vẫn vững chắc trên cổ. Nào, ông cha xứ đồng ý hết rồi chứ?

- Đồng ý rồi.

- Lúc mười hai giờ trưa, bởi vì bây giờ cần phải bí mật chuẩn bị trước những người phụ lực cho chúng ta.

- Cứ cho họ uống hết rượu của ông chủ quán.

Người giáo sĩ cười nhạo:

- Tôi sẽ làm cho ông chủ quán không còn một giọt rượu mà cũng chẳng còn luôn cả cái nhà nữa. Tôi có kế hoạch của tôi, hãy để tôi bắt tay vào việc, rồi ông sẽ thấy.

- Ông sẽ đứng ở đâu?

- Ở khắp nơi, và không ở nơi nào hết.

- Tôi sẽ được thông báo tin tức bằng cách nào?

- Có người liên lạc, anh ta cột ngựa ngay trong khu vườn của người bạn ông. Bây giờ tôi đi báo cho các người lính của tôi hay.

Fouquet nói:

- Gourville, anh hãy đi theo ông cha xứ và đếm tiền cho ông ấy. Khoan đã, ông cha xứ. Hãy khoan, Gourville. Chúng ta sẽ làm cuộc giải thoát tù này dưới hình thức nào?

- Rất giản dị, thưa ông. Một cuộc nổi loạn.

- Nổi loạn vì lý do gì? Bởi vì, dân chúng Paris mà ủng hộ Nhà vua, thì chỉ trong trường hợp ông cho treo cổ những nhà tài chính thôi.

Ông cha xứ nói:

- Tôi sẽ sắp xếp việc này.

- Phải, nhưng ông sắp xếp không nên thì người ta sẽ đoán ra được.

- Không đâu, không đâu. Tôi hãy còn một ý nữa.

- Nói đi.

- Những người của tôi sẽ hô to lên: "Colbert! Hoan hô Colbert!" và họ sẽ xông vào hai người tù như để chém họ ra từng mảnh và không cho họ chịu hình phạt treo cổ, quá nhẹ đi.

Gourville nói:

- À! Đúng là một ý kiến rất hay. Đồ mắc dịch! Cha xứ ạ, ông thật giàu trí tưởng tượng?

Ông cha xứ kiêu hãnh trả lời:

- Thưa ông, chúng tôi rất xứng đáng cùng một dòng họ với ông tổng giám.

- Thật là lạ! - Fouquet nhủ thầm.

Rồi ông ta nói tiếp:

- Ý kiến hay đấy? Ông hãy làm đi và cố gắng đừng gây đổ máu.

Gourville và ông giáo sĩ cùng hối hả ra đi.

CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 22: Quán Hình ảnh Đức Bà

Lúc hai giờ chiều ngày hôm sau, năm mươi ngàn khán giả đã dứng đông nghẹt ở quảng trường, chung quanh hai cây cột treo cổ dựng lên giữa bến Grève và bến Pelletier cái này sát bên cái kia, dựa lưng vào thành bờ sông.

Từ sáng sớm, tất cả những người có nhiệm vụ chính thức loan tin trong thành phố Paris đã đi khắp các khu phố, nhất là những khu chợ và khu ngoại ô, thông báo bằng giọng vang rền không mệt mỏi của họ tin Nhà vua cho thi hành công lý đối với hai tên tham nhũng, hai tên ăn cắp của công làm cho dân chúng đói khổ. Và dân chúng, mà quyền lợi được Nhà vua bênh vực một cách nồng nhiệt như vậy, đã rời cửa tiệm, gian hàng và cơ xưởng để đi bày tỏ một chút lòng biết ơn đối với Louis XIV, giống như những người khách được mời sợ mình tỏ ra vô lễ nếu không đi đến nhà của kẻ đã mời mình.

Theo nội dung của sắc lệnh được những người loan tin đọc lớn cho dân chúng nghe thì hai kẻ thâm lạm tiền bạc của Nhà vua, lạm dụng quyền thế và làm bạc giả sẽ bị xử tử hình ở quảng trường Grère, "với tên của chúng dán lên đầu" - sắc lệnh nói như thế.

Nhưng sắc lệnh không hề nhắc đến những cái tên.

Sự tò mò của người dân Paris lên đến tột độ, và như chúng tôi đã nói, một đám công chúng đông nghẹt đang nóng ruột đứng chờ đợi giờ được ấn định cho cuộc hành hình. Có tin lan truyền rằng hai người tù đã được chuyển đến lâu đài Vincennes, sẽ được đưa từ nhà ngục này đến quảng trường Grère. Do đó khu ngoại ô và con đường Saint Antoine tràn ngập những người đi xem, bởi vì dân chúng Paris, trong những ngày có tử tội bị hành hình, được chia thành hai hạng người: những người muốn nhìn thấy tử tội đi qua - đây là những người nhút nhát, hiền lành, nhưng có đầu óc hiếu kỳ, và những người muốn được xem cảnh hành quyết - đây là những kẻ khao khát cảm giác mạnh.

Ngày hôm đó, d Artagnan, sau khi nhận những mệnh lệnh cuối cùng của Nhà vua và từ giã bạn bè - trong lúc này bạn bè của ông chỉ còn lại có một mình Planchet - ông tự vạch cho mình chương trình hành động trong ngày, như bất cứ kẻ nào bận rộn đều phải làm, bởi vì thời giờ trong trường hợp này rất quý báu đối với họ. Ông nói:

- Cuộc khởi hành được ấn định vào lúc ba giờ sáng; vậy là tôi có mười lăm giờ trước mặt mình. Bỏ ra sáu giờ cho giấc ngủ là rất cần thiết đối với mình đấy, với một giờ để ăn, là bảy, một giờ nữa để thăm Athos, là tám, và hai giờ để dành cho những trường hợp bất ngờ. Tổng cộng mười giờ.

Vậy là còn lại năm giờ.

"Một giờ để lãnh lương, nghĩa là để bị ông Fouquet từ chối; một giờ nữa để đi đến ông Colbert lãnh số tiền này và nhận những câu hỏi với những cái nhăn mặt của ông ta; một giờ để chuẩn bị vũ khí, y phục và đánh bóng đôi giày ống của mình. Vậy mình hãy còn được hai giờ rảnh. Chán quá! Sao mình giàu thế!"

Nói những lời này, d Artagnan cảm thấy một niềm vui kỳ lạ, niềm vui của tuổi trẻ, một mùi hương của những năm tháng đẹp đẽ và sung sướng trước kia tràn ngập và làm say sưa tâm hồn ông.

Người lính ngự lâm nói:

"Trong hai giờ rảnh này, mình sẽ đi thu tiền cho thuê quán "Hình ảnh Đức Bà". Thật là vui. Ba trăm bảy mươi lăm đồng".

Chán Quá! Thật là dáng ngạc nhiên! Nếu đối với một người nghèo chỉ còn trong túi có một đồng và mười hai xu nữa, đó là điều tuyệt hảo cho anh ta; nhưng chẳng bao giờ một món quà bất ngờ như vậy được rơi vào tay người nghèo. Người giàu trái lại, tự tạo thêm những tiền lời với số tiền của anh ta, mà anh ta không hề đụng đến. Đó là trường hợp ba trăm bảy mươi lăm đồng từ trên trời rơi xuống cho mình.

"Vậy là mình sẽ đến quán "Hình ảnh Đức Bà", và mình sẽ uống với người thuê nhà của mình một ly rượu Tây Ban Nha mà chắc chắn anh ta sẽ mời mình.

"Nhưng phải có thứ tự, ông d Artagnan ơi, phải có thứ tự.

"Vậy hãy tổ chức lại thời giờ và sử dụng chúng như sau:

Điều 1: Athos.

Điều 2: Quán "Hình ảnh Đức Bà".

Điều 3: ông Fouquet.

Điều 4- ông Colbert.

Điều 5- Ăn tối.

Điều 6- Y phục, giấy ống, ngựa, vali.

Điều 7- Và cuối cùng – Ngủ.

Căn cứ theo sự sắp xếp này, d Artagnan đi thẳng đến nhà Bá tước De La Fère.

Từ hôm trước, Athos rất lo lắng về việc d Artagnan viếng thăm Nhà vua; nhưng chỉ bốn chữ của d Artagnan cũng đủ làm ông yên tâm. Athos đoán rằng Louis đã giao cho d Artagnan một nhiệm vụ quan trọng nào đó, nhưng ông không tìm cách làm cho bạn tiết lộ điều bí mật của mình. Ông khuyên bạn nên giữ mình cẩn thận, và kín đáo đề nghị để mình cùng đi với bạn nếu có thể được.

D Artagnan đáp:

- Nhưng bạn thân mến, tôi đâu có đi đâu.

- Sao? Bạn đến từ biệt tôi, và bạn bảo không đi đâu hết?

D Artagnan hơi đỏ mặt trả lời:

- Ô! Có chứ, có chứ, tôi đi tậu một miếng đất.

- Đó là chuyện khác. Vậy tôi thay đổi câu nói của tôi. Thay vì nói: "Bạn đừng để mình bị giết", tôi sẽ nói: "Bạn đừng để mình bị lột" - Bạn thân mến, tôi sẽ báo cho bạn hay nếu tôi quyết định chọn một bất động sản nào; rồi xin bạn giúp tôi một lời khuyên.

- Phải, phải - Athos, nói không mỉm cười để giữ ý.

Raoul De Bragelonne bắt chước vẻ dè dặt của cha.

D Artagnan biết rằng từ biệt bạn mà không cho biết con đường mình sẽ đi là một điều quá khó hiểu.

Ông nói với Athos:

- Tôi đã chọn vùng Mans, vùng này có tốt không - Tốt lắm, bạn à.

Bá tước trả lời nhưng không nói cho bạn biết Mans ở cùng hướng với vùng Touraine, và nếu d Artagnan chờ đợi nhiều lắm là hai ngày nữa thôi, sẽ có bạn đồng hành. Nhưng d Artagnan, còn bối rối hơn cả Bá tước, càng giải thích chừng nào lại càng lún sâu vào cái hố bùn mà ông tự tạo ra. Sau cùng, ông nói:

- Tôi sẽ ra đi vào sáng sớm mai. Từ giờ cho đến đó, Raoul, cháu có muốn đến với ta không?

Chàng tuổi trẻ đáp:

- Thưa Hiệp sĩ, vâng, nếu ngài Bá tước không cần đến tôi.

- Không, Raoul; hôm nay ta có cuộc hội kiến với Hoàng đế.

Raoul bảo Grimaud đi lấy ngay thanh gươm cho chàng.

D Artagnan nói, vừa đưa hai tay ra ôm lấy Athos:

- Bây giờ, từ giã bạn thân mến.

Athos hôn ông rất lâu, và người lính ngự lâm, hiểu rõ sự kín đáo của Athos, liền nói nhỏ vào tai bạn:

- Chuyện quốc gia đại sự.

Athos chỉ đáp lại bằng một cái siết tay đầy ý nghĩa hơn nữa.

Rồi hai người rời nhau. Raoul nắm cánh tay của người bạn già dẫn chàng đi theo đường Saint Honeré.

D Artagnan nói với chàng thanh niên.

- Ta sẽ dẫn cháu đến thăm một nhà giàu nứt đố đổ vách, cháu hãy chuẩn bị đi; suốt ngày cháu sẽ được trông thấy những đồng tiền vàng chất đống. Chúa ơi! Quả thật ta thay đổi quá!

Raoul nói:

- Ô! ô! Đường đông người quá.

D Artagnan hỏi một người đi dạo:

- Hôm nay có đám rước, phải không?

Người qua đường trả lời:

- Thưa ông, đám treo cổ.

D Artagnan hỏi:

- Sao? Treo cổ à, ở Grève, phải không?

- Thưa ông, phải.

D Artagnan kêu lên:

- Quỷ tha ma bắt tên trộm bị treo cổ đúng vào ngày ta cần đi thu tiền nhà. Roaul, cháu có thấy cảnh treo cổ lần nào chưa?

- Chưa bao giờ, thưa bác ơn Chúa!

- Đúng là tuổi trẻ. Nếu cháu đang đứng gác ở hầm như ta đã làm, trong khi có một tên gián điệp. Nhưng, xin lỗi cháu, Raoul, cháu thấy không, ta đang nói lẫn rồi. Cháu có lý, xem treo cổ ghê lắm.

- Người ta sẽ treo cổ lúc mấy giờ vậy, thưa ông?

Người đi dạo trả lời một cách kính cẩn, hân hạnh được tiếp chuyện với hai hiệp sĩ:

- Thưa ông, chắc là vào lúc ba giờ.

- Ô, bây giờ mới có một giờ rưỡi, nhanh lên thì mình sẽ đến kịp để lãnh ba trăm bảy mươi lăm đồng và ra đi trước khi tên tử tội đến.

Người đi dạo tiếp lời:

- Những tên tử tội, thưa ông, vì chúng có hai người tất cả.

- Thưa ông, cảm ơn ông rất nhiều, - D Artagnan đáp, bây giờ càng lớn tuổi ông càng lễ độ một cách chí lí hơn.

Và kéo Raoul cùng đi, ông nhanh nhẹn tiến về phía khu phố Grève.

Nếu người lính ngự lâm không quen cách len lỏi giữa đám đông bằng nắm tay cứng rắn và đôi vai luồn lách thì cả hai sẽ không thể nào đến nơi được.

Họ đi dọc theo bến cảng Grève sau khi đã rời đường Saint-Honoré.

D Artagnan đi trước; cùi chỏ, cổ tay và vai của ông làm thành ba mũi dùi rất lành nghề xuyên vào các nhóm người khiến họ phải tách rời nhau ra như những khúc cây.

Nhiều lần ông còn sử dụng thêm cái cán sắt của thanh gươm, ông thọc nó vào giữa xương sườn của những kẻ quá lì, và cái cán gươm có tác dụng như một chiếc đòn bẩy hay một cái kềm đã tách rời người chồng với người vợ, chú với cháu, anh với em. Ông làm tất cả những động tác này một cách rất tự nhiên và kèm theo những nụ cười thật duyên dáng, khiến cho những nạn nhân của ông hoặc phải có những xương sườn cứng như sắt mới không dãn ra nhường lối, hoặc phải có những quả tim quá vô tình mới thản nhiên được trước nụ cười tươi tắn nở trên đôi môi ông.

Raoul vạch lối theo sau. Chàng nhẹ tay với những phụ nữ say mê nhìn chàng nhưng đầy mạnh những người đàn ông ra. Và nhờ vậy cả hai mới vượt qua được đám đông dân chúng dày như nêm.

Họ đến trước hai cây cột treo cổ, và Raoul ghê tởm đưa mắt đi chỗ khác. Riêng d Artagnan không để ý đến chúng, ông đang chăm chú nhìn ngôi nhà của mình đầy những kẻ hiếu kỳ trong cửa sổ. Ông nhận thấy trên quảng trường và chung quanh những ngôi nhà có rất nhiều lính ngự lâm nghỉ phép đang đứng chờ xem cuộc treo cổ. Điều làm ông thích thú nhất là trông thấy ông chủ quán, người thuê nhà của ông, đang bối rối chẳng biết nghe theo ai giữa đám khách uống quá đông.

Ba gã hầu bàn không đủ để phục vụ khách ngồi đầy trong tiệm, đầy trong các phòng, và đầy cả ngoài sân.

D Artagnan nhận xét điều này với Raoul và nói thêm:

- Ông ta sẽ không có lý do gì để không trả tiền nhà cho ta. Cháu hãy nhìn tất cả các khách uống này, Raoul ạ, họ có vẻ là những người đàng hoàng. Chán quá! nhưng ở đây không còn một chỗ nào để ngồi nữa.

Tuy nhiên, d Artagnan nắm được chéo áo tạp dề của ông chủ quán và ông này nhận ra là ai.

Ông chủ quán gần như muốn phát điên, kêu lên:

- À! Thưa Hiệp sĩ, xin Hiệp sĩ vui lòng chờ một phút. Tôi phải lo cho một trăm khách uống đang làm náo loạn cả cái hầm rượu của tôi kia.

- Cái hầm rượu thì được, nhưng cái tủ sắt thì không được.

- Ồ, thưa ông, ba mươi bảy đồng pistole rưỡi tiền nhà của ông đã được đếm đủ sẵn sàng ở trên kia, trong phòng của tôi. Nhưng trong phòng có ba mươi người đang ghé miệng nút nơi lỗ thành thùng rượu porto tôi mới vừa đục hồi sáng đây. Xin ông cho tôi một phút, một phút thôi.

- Được, được!

Raoul nói nhỏ với d Artagnan:

- Cháu đi chỗ khác, cháu không chịu được cảnh thô lỗ này.

D Artagnan nghiêm nghị nói:

- Này cháu, cháu hãy vui lòng ở lại đây. Người lính phải tập làm quen với tất cả mọi cảnh tượng. Khi ta còn trẻ, trong con mắt ta có những sợi dây tình cảm mà ta phải biết làm cho chúng trở nên cứng rắn, và ta chỉ thật sự hào hiệp và tốt bụng khi nào mắt ta đã trở lên rắn rỏi nhưng quả tim ta vẫn dịu mềm. Hơn nữa, cháu Raoul của ta, bộ cháu muốn bỏ ta ở lại đây một mình sao? Nếu vậy cháu sẽ thật là tệ. Này cháu, có cái sân ở ngoài kia, và trong sân có một cái cây; hãy đến ngồi dưới bóng cây, chúng ta sẽ cảm thấy dễ thở hơn trong căn phòng nóng bức, nồng nặc mùi rượu này.

Từ chỗ sân này, d Artagnan và Raoul nghe rõ tiếng rầm rì mỗi lúc một lớn của làn sóng công chúng, đồng thời họ cũng nghe rõ những tiếng cười nói và không bỏ sót một cử động nào của đám khách uống ngồi trong quán.

Nếu d Artagnan muốn tìm một nơi lý tưởng để dễ dàng quan sát và điều khiển một trận đánh, ông không thể tìm được nơi nào tốt hơn.

Raoul và ông ngồi dưới bóng một tàng cây rậm rạp bên cạnh một cái bàn bị khách uống chê vì nó bị mục gẫy nhiều chỗ.

Chúng tôi đã nói từ vị trí này d Artagnan trông thấy được tất cả. Ông đưa mắt quan sát để qua thời giờ, bởi vì ba mươi bảy đồng pistole rưỡi lâu bò tới quá.

Raoul nêu lên nhận xét này:

- Thưa bác, nếu bác không hối thúc người thuê nhà của bác, chẳng bao lâu nữa những tử tội sẽ được dẫn đến. Lúc đó, đám công chúng sẽ dày đặc hơn, và chúng ta sẽ không thể đi ra khỏi nơi này.

Người lính ngự lâm đáp:

- Cháu nói có lý, Ê này, có ai đó không, chán quá.

Nhưng mặc kệ ông gân cổ kêu, và dùng quả dấm đập mạnh xuống bàn làm nó bể vụn ra, chẳng ai đến cả.

D Artagnan toan đứng lên đích thân đi tìm người chủ quán, bỗng cánh cửa lớn của cái sân ăn thông với khu vườn phía sau mở ra, và một người đàn ông mặc y phục kỵ sĩ từ khu vườn bước ra, gươm cầm trên tay. Anh ta vẫn để cánh cửa mở, băng qua sân, và sau khi liếc xéo về phía d Artagnan và Raoul, tiến về phía quán rượu, nhìn láo liên khắp nơi với đôi mắt như muốn đâm thủng cả những vách tường và cả lòng người.

D Artagnan nghĩ thầm: "Ồ, chắc lại là một kẻ hiếu kỳ nào đó muốn xem cuộc treo cổ".

Cùng lúc đó, những tiếng la hét ầm ĩ của đám khách uống trong những phòng trên im bặt. Sự im bặt trong trường hợp này gây ngạc nhiên không kém gì một cuộc náo động lớn gấp đôi khi nãy.

D Artagnan muốn tìm biết nguyên do của sự im lặng đột ngột này.

Ông trông thấy người đàn ông ăn mặc như kị sĩ khi nãy vừa bước vào gian phòng chính của tửu quán đang hô hào với đám khách uống ngồi lắng nghe anh một cách chăm chú.

D Artagnan có thể nghe rõ lời hô hào của diễn giả nếu nó không bị át hẳn đi bởi những tiếng reo hò của đám công chúng. Nhưng diễn giả đã dứt lời, và tất cả đám khách uống trong quán rượu lần lượt đi ra thành từng nhóm nhỏ, trong phòng chỉ còn lại có sáu người: một trong sáu người này, kẻ mang gươm khi nãy, kéo chủ quán ra nói chuyện riêng, trong khi những người kia đốt lên một ngọn lửa lớn trong lò sưởi, một việc làm khá kỳ lạ giữa lúc tiết trời đang nắng nóng này.

D Artagnan nói với Raoul:

- Thật lạ lùng, nhưng bác biết mấy tay này.

- Bác có ngửi thấy mùi khói ở đây không?

D Artagnan trả lời:

- Bác ngửi thấy mùi của một âm mưu thì đúng hơn.

Ông chưa nói dứt lời thì bốn trong số những người đó đã bước ra sân, dáng thản nhiên, đứng canh chừng ở gần cánh cửa sân; thỉnh thoảng họ ném những cái nhìn thật lạ về phía d Artagnan.

D Artagnan nói nhỏ với Raoul:

- Chán quá. Chắc có chuyện gì đây. Cháu có tính tò mò không, Raoul?

- Thưa Hiệp sĩ, cái đó còn tuỳ.

- Còn bác, bác tò mò như một bà già vậy. Đi ra phía trước một tí, để nhìn bao quát được hết quảng trường.

- Nhưng thưa Hiệp sĩ, Hiệp sĩ biết rằng cháu không muốn làm một khán giả thụ động và thản nhiên trước cái chết của hai kẻ khốn khổ đó.

- Còn bác, cháu tưởng rằng bác là một con người man rợ sao? Chúng ta sẽ về nhà đúng lúc cần trở về. Đi!

Thế là hai người tiến về phía nhà chính và đến gần chiếc cửa sổ, lạ lùng thay, lúc này không còn ai cả.

Hai người khách uống cuối cùng còn lại, thay vì đứng nhìn ở cửa sổ, đang đốt giữ lửa.

Khi trông thấy d Artagnan và Roaul bước vào, họ thì thào:

- Chúng ta có thêm viện binh.

D Artagnan hích cùi trỏ vào Raoul, nói:

- Phải các bạn, viện binh đây; chán quá! Một ngọn lửa tuyệt vời. Các bạn muốn thiêu kẻ nào vậy?

Hai người đốt lửa phá lên cười vui vẻ, và thay vì trả lời, họ cho thêm củi vào đống lửa.

D Artagnan nhìn họ mãi không thôi. Một trong hai người kia hỏi:

- Này, người ta đưa các bạn đến đây để nói cho chúng tôi biết lúc nào hành động, phải không?

D Artagnan nói, với dụng ý muốn dò biết sự việc như thế nào:

- Di nhiên. Tôi đến đây để làm gì, nếu không phải vì việc đó?

- Vậy các bạn hãy vui lòng đến cửa sổ quan sát đi!

D Artagnan mìm cười kín đáo, ra hiệu cho Raoul, và vui vẻ đến đứng bên cửa sổ.

CÁI CHẾT CỦA BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM
Chương 23: Hoan hô Colbert

Quang cảnh của quảng trường Grève lúc này trông thật dữ dội.

Nhìn xa chỉ thấy toàn những đầu người trải dài, dày đặc và chuyển động như những bông lúa trong một cánh đồng bao la.

Thỉnh thoảng, một tiếng động lạ hay tiếng rầm rì xa xa làm tất cả những cái đầu lắc qua lắc lại và làm sáng rực lên hàng ngàn đôi mắt.

Đôi khi đám người dồn lại và biến thành những làn sóng mạnh mẽ xô đẩy nhau vào hàng rào toán quân cung thủ bao quanh hai cây cột treo cổ.

Thế là toán lính vung cán giáo lên gập xuống đầu hay vai của những kẻ táo bạo xông vào họ gần nhất; đôi khi thay vì dùng cán toán kính bảo vệ cũng vung vả lưỡi giáo lên khiến cho làn sóng người vội lùi ra xa, dồn ép những kẻ đứng sau vào sát bờ thành của sông Seine.

Từ trong cửa sổ, nhìn bao quát tất cả quảng trường, d Artagnan mừng thầm khi trông thấy những người lính ngự lâm và những vệ binh bị mắc kẹt trong đám đông biết sử dụng những quả đấm và những cán gươm của họ để vạch lối ra. Ông còn để ý thấy, nhờ tinh thần đồng đội làm tăng gấp đôi sức mạnh của người lính, họ đã tập hợp lại thành một toán chừng năm mươi người vừa tầm gọi của ông, trừ một số chừng hơn mười người còn bị lạc rải rác trong đám công chúng.

Nhưng d Artagnan không phải chỉ chú ý đến lính ngự lâm và vệ binh. Chung quanh hai cột treo cổ, có một đám đông đang lăng xăng ồn ào, những gương mặt liều lĩnh và cương quyết xuất hiện rải rác đó đây giữa các gương mặt hiền lành và bình thản, những dấu hiệu được trao đổi với nhau, những bàn tay nắm lấy nhau. Trong những nhóm hoạt động nhất, d Artagnan nhận ra gương mặt của người kỵ sĩ lúc nãy đã vào quán rượu bằng cánh cửa ăn thông với khu vườn của ông và leo lên lầu nhất để hô hoán đám khách uống. Anh ta đang tập họp các toán người lại và ban bố các mệnh lệnh.

D Artagnan tự nhủ: "Chán quá, ta đã không lầm đâu, ta biết anh ta, Menneville! Anh ta làm gì ở đây vậy?".

Những tiếng rầm rì mỗi lúc một lớn mạnh làm ông ngưng suy nghĩ và đưa mắt nhìn về một phía khấc. Tiếng rầm rì này là đo đám cung thủ đông đúc dẫn hai tử tội xuất hiện. Toàn thể đám công chúng bắt đầu la hét vang rền cả quảng trường rộng lớn. D Artagnan thấy mặt Raoul tái nhợt; ông đưa tay đập mạnh vào vai chàng ta.

Nghe tiếng la hét, hai người đang đốt lửa quay lại hỏi sự việc đang diễn tiến đến đâu.

D Artagnan đáp:

- Hai tù tội đã đến!

- Tốt lắm, - họ vừa trả lời, vừa đốt lớn thêm ngọn lửa trong lò sưởi d Artagnan lo ngại nhìn họ: rõ ràng là những người này đang có những ý định kỳ lạ khi họ đốt một ngọn lửa lớn như vậy.

Hai tử tội đã đến giữa quảng trường. Họ đi bộ, người hành quyết đi trước mặt họ, năm mươi cung thủ làm thành hai hàng rào bên phải và bên trái họ, cả hai đều bận đồ đen, vẻ mặt nhợt nhạt nhưng cương quyết.

Từng bước, họ nhón gót và sốt ruột nhìn qua đầu người chung quanh. D Artagnan chú ý đến cử chỉ này và nói: "Chán quá, họ rất nôn nóng muốn được thấy cây cột treo cổ!".

Raoul thụt lùi lại nhưng không rời được khỏi chiếc cửa sổ.

Sự ghê sợ cũng có sự hấp dẫn của nó.

- Giết! Giết! - Năm mươi ngàn tiếng gào lên.

- Phải, giết! - Một trăm người giận dữ đồng thanh la lên theo đám đông.

- Treo cổ! Treo cổ! - Khối người đồng thanh kêu lên - Đức vua vạn tuế!

D Artagnan nói thầm:

- Lạ kìa? Ta tưởng chính là ông Colbert đã ra lệnh treo cổ họ chứ.

Lúc đó, công chúng xô đẩy nhau khiến hai tử tội phải tạm thời đứng lại. Những người có gương mặt liều lĩnh và quả quyết mà d Artagnan chú ý lúc nãy đã xô đẩy, chen lấn và tiến sát đến gần đụng toán cung thủ đứng làm hàng rào.

Toán quân áp dẫn tử tội lại bước đi.

Tình hình, những người mà d Artagnan vẫn theo dõi nãy giờ la lên: "Hoan hô Colbert!" Họ xông vào tấn công toán quân áp giải đang cố gắng chống cự lại một cách vô ích. Đằng sau họ là đám đông công chúng.

Thế là một cuộc hỗn loạn ghê gớm diễn ra giữa những tiếng la hét náo động cả quảng trường. Lần này không phải những tiếng la hét vì nóng ruột chờ đợi hay vì vui mừng mà là những tiếng la hét vì đau đớn.

Thật vậy, những thanh gươm chém xuống, những cây giáo đâm thủng, những khẩu súng "mút" nổ vang.

Trên quảng trường diễn ra một cuộc náo động cực kỳ hỗn loạn, trong đó d Artagnan không còn phân biệt được gì nữa. Rồi tất cả bỗng nhiên lại im lặng như có ai điều khiển rõ rệt. Hai tử tội được cướp khỏi tay đám vệ binh và được dẫn về phía quán "Hình ảnh Đức Bà".

Những kẻ dẫn họ đi la to: "Hoan hô Colbert"!

Dân chúng ngần ngại, không biết nên xông vào tấn công toán cung thủ hay những kẻ cướp tù.

Điều làm dân chúng ngần ngại ấy, là những kẻ cướp tù đang la to: "Hoan hô Colbert"! cũng đồng thời la lên: "Không treo cổ! Đem đốt! Đem đốt! Đốt chết những tên ăn cắp! Đốt chết những tên làm dân chúng đối khổ!".

Những tiếng la đồng thanh này làm dân chúng hân hoan.

Họ đến là để xem hành quyết, thế mà bây giờ họ được tặng cho cơ hội tự tay hành quyết các tử tội.

Đó là điều chắc chắn làm cho họ thích thú nhất.

Vì thế, họ liền đứng dậy ngay về phe những kẻ cướp tù chống lại các cung thủ, và họ cùng la lên với những kẻ đó, lúc đầu là thiểu số bây giờ đã trở thành đa số dày đặc.

- Phải! Phải đem đốt những tên ăn cắp! Hoan hô Colbert!

D Artagnan kêu lên:

- Chán quá! Ta thấy chuyện này quan trọng đấy!

Một trong hai người đốt lửa tiến đến gần cửa sổ, tay cầm khúc củi đang cháy, nói:

- Ồ! ồ! Sự việc bắt đầu gay cấn rồi.

Đoạn quay về phía người kia.

- Dấu hiệu đây!

Rồi thình lình gã dí khúc củi cháy vào một lớp ván.

Quán rượu "Hình ảnh Đức Bà" không phải là một ngôi nhà còn mới lắm, vì thế chẳng cần phải lạy nó mới bắt lửa. Chỉ trong một giây, các lớp ván kêu răng rắc và ngọn lửa bùng lên lách tách. Một tiếng hét lớn từ bên ngoài đáp lại những tiếng la của hai kể đốt nhà.

D Artagnan không trông thấy gì hết và ông đang mải nhìn ra phía quảng trường, bỗng cảm thấy mùi khói làm sặc sụa và hơi nóng của ngọn lửa như muốn nướng ông. Ông quay lại kêu lên:

- Kìa! Kìa! Lửa cháy ở đây à? Các anh điên khùng rồi sao?

Hai người kinh ngạc nhìn ông:

- Sao? Việc này chẳng phải đã được tính trước rồi sao?

- Tính trước rằng các anh sẽ đốt nhà của tôi à? - D Artagnan vừa gầm lên vừa giật lấy khúc củi cháy từ gã đốt nhà và dí vào mặt gã.

Tên kia toan xông đến tiếp cứu bạn mình, nhưng Raoul đã túm lấy hắn, giơ bổng lên và ném qua cửa sổ, trong khi d Artagnan xô bạn hắn lăn xuống cầu thang.

Raoul, được rảnh tay trước tiên, vội vã giật những lớp ván đang cháy bốc khói ném ra khỏi phòng. D Artagnan liếc thấy nguy cơ cháy nhà không còn nữa ông chạy đến phía cửa sổ.

Sự hỗn loạn lên đến tột độ. Đủ tiếng la hét vang lên cùng một lúc: "Đốt đi! Giết đi! Treo cổ chúng đi! Đốt chết chúng! Hoan hô Colbert! Đức vua vạn tuế!".

Nhóm người cướp hai tử tội khỏi tay các cung thủ tiến đến gần nhà của d Artagnan, hình như có ý định dẫn vào đây.

Menneville đi đầu, la lớn hơn ai hết:

- Đem đốt chúng! Đem đốt chúng? Hoan hô Colbert!

D Artagnan bắt đầu hiểu. Người ta muốn đốt các tử tội, và ngôi nhà của ông được chọn làm cái giàn hoả. Ông rút gươm ra cầm tay và đặt một bàn chém lên bờ cửa sổ, la lớn:

- Dừng lại! Menneville, anh muốn gì?

- Thưa ngài d Artagnan, - anh ta la lên, - tránh ra, tránh ra.

- Đem đốt! Đem đốt những tên ăn cắp! Hoan hô Colbert!

Đám đông la lên. Những tiếng la này làm d Artagnan nổi cơn giận. Ông nói:

- Chán quá! Đem thiêu sống những kẻ khốn khổ này trong khi họ chỉ bị xử treo cổ thôi! Đồ hèn!

Trong lúc đó, trước cửa ra vào, đám người hiếu kỳ bị dồn vào vách tường mỗi lúc một đông nghẹt làm nghẽn cả lối đi.

Menneville và nhóm người của anh ta đang lôi hai tử tội đi chỉ còn cách cánh cửa ra vào có mười bước. Menneville tay cầm súng lục, cố sức kêu lên lần cuối:

- Tránh chỗ! Tránh chỗ!

- Thiêu sống đi! - Đám đông lập lại. - Quân tay hãy thiêu sống những tên ăn cắp! Hãy thiêu sống cả hai đứa trong quán "Hình ảnh Đức Bà"!

Lần này không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là họ muốn hoả thiêu luôn cái nhà của d Artagnan. D Artagnan nhớ lại tiếng gọi luôn luôn rất có hiệu quả của ông ngày xưa:

- Hãy đến với tôi, các ngự lâm quân! - ông thét lên bằng một giọng của người khổng lồ, một giọng đã từng chế ngự tiếng gầm của đại bác, của biển cả và của bão tố. - Hãy đến với tôi, hỡi các ngự lâm quân!

Và hai tay đánh đu vào lan can, ông buông mình rơi xuống giữa đám đông làm họ vội vã tránh xa.

Liền đó Raoul cũng phóng xuống bên cạnh ông. Cả hai đều lăm lăm thanh gươm trên tay. Tất cả những người lính ngự lâm ở quảng trường đã nghe tiếng gọi của d Artagnan. Tất cả chạy về phía tiếng gọi và nhận ra ông. Lần này đến lượt họ kêu lên.

- Hãy đến với chưởng quan! Hãy đến với chưởng quan?

Và đám đông dãn ra trước mắt họ như trước mũi của một chiếc tàu. Đúng lúc này, d Artagnan và Menneville đứng đối diện nhau.

- Tránh chỗ! Tránh chỗ! - Menneville kêu lên khi thấy mình chỉ còn đưa cánh tay ra là đụng được vào cánh cửa.

- Không được vào đây! - D Artagnan nói.

- Này, Menneville vừa nói vừa chĩa khẩu súng lục vào người d Artagnan, bấm cò.

Nhưng nhanh như cắt, trước khi viên đạn kịp nổ, d Artagnan đã lấy cán gươm đánh bật cánh tay của Menneville và đâm lưỡi xuyên qua người gã.

- Tao bảo mày hãy ở yên mà? - D Artagnan nói với Menneville đang ngã gục dưới chân ông.

- Tránh ra, Tránh ra! - Những người của Menneville kêu lên. Lúc đầu hoảng sợ nhưng họ liền trấn tĩnh lại ngay khi thấy họ chỉ có hai địch thủ thôi.

Nhưng hai địch thủ này là hai ngươi khổng lồ với một trăm cánh tay, thanh gươm vung lên trong bàn tay họ như lưỡi kiếm rực lửa của thiên thần. Gươm đâm bằng mũi, chém ngược, chém xuôi Mỗi nhát là một người gục gã.

- Vì Đức vua! - D Artagnan kêu lên mỗi khi ông chém một người, nghĩa là mỗi khi một người gục ngã.

- Vì Đức vua! - Raoul lặp lại.

Tiếng kêu này trở thành hiệu lệnh cho những người lính ngự lâm tập họp lại bên cạnh d Artagnan.

Trong khi đó, các cung thủ lấy lại bình tĩnh, mở cuộc tấn công tập hậu vào các nhóm cướp tù. Cuối cùng chỉ còn nghe những tiếng kêu tuyệt vọng xin tha mạng sống của những kẻ chiến bại.

Hai tử tội lại rơi trở vào tay của những cung thủ.

D Artagnan tiến đến gần họ, và trông thấy gương mặt họ nhợt nhạt như người sắp chết. Ông nói:

- Hỡi những kẻ đáng thương, các anh hãy tự an ủi đi, các anh sẽ không phải chịu cuộc hành hình ghê gớm mà những tên khốn nạn kia đã đe doạ các anh. Nhà vua đã xử các anh bị treo cổ. Các anh sẽ chỉ bị treo cổ thôi. Bây giờ hãy đem họ đi treo cổ đi, chỉ thế thôi!

Không còn chuyện gì nữa ở quán "Hình ảnh Đức Bà". Ngọn lửa được dập tắt bằng hai tấn rượu nho, vì không có nước.

Những kẻ âm mưu bạo loạn đã trốn qua ngả khu vườn. Những cung thủ lôi hai kẻ tử tội đến các cột treo cổ.

Cuộc hành quyết không kéo dài lâu. Người hành quyết, không cần biểu diễn theo nghệ thuật, chỉ thi hành nhiệm vụ của mình và kết liễu đời của hai kẻ khốn khổ trong một phút thôi.

Trong khi đó, mọi người xúm xít chung quanh d Artagnan, họ khen ngợi, vuốt ve ông. D Artagnan lau vầng trán đẫm mồ hôi, chùi thanh gươm đầy máu chảy ròng ròng và nhún vai nhìn Menneville đang lăn lộn giẫy chết dưới chân. Và trong khi Raoul đưa mắt đi chỗ khác với một vẻ thương hại, ấy chỉ cho những người lính ngự lâm thấy cây cột treo cổ còn lủng lẳng xác hai tử tội. Ông nói:

- Những kẻ đáng thương! Tôi hy vọng họ đã cảm ơn tôi trong khi chết!

Những lời này lọt vào tai Menneville đúng vào lúc chính gã cũng thở hơi thở cuối cùng. Một nụ cười buồn khổ và nhạo báng nở trên môi gã. Gã muốn trả lời, nhưng côd gắng này làm gã kiệt sức thở hơi cuối cùng. Raoul thì thầm:

- Ồ, tất cả những điều này thật là ghê gớm, chúng ta hãy đi, thưa Hiệp sĩ.

D Artagnan hỏi:

- Cháu có bị thương không?

- Thưa không, cảm ơn.

- Vậy cháu thật là một tay kiếm dũng cảm, chán quá!

Cháu có cái đầu giống cha cháu và hai cánh tay giống Porthos.

- À! Nếu Porthos có ở đây, ông ta sẽ thấy nhiều cái hay lắm.

- Đi, Hiệp sĩ, đi! - Raoul nằn nì.

D Artagnan vừa bước vào quán "Hình ảnh Đức Bà" vừa nói:

- Một phút chót nữa thôi cháu, để ta lấy xong ba mươi bảy đồng rưỡi, ta sẽ đi với cháu. Ngôi nhà này sinh lợi rất khá, nhưng quả thật, ta thích nó ở trong một khu phố khác hơn, dầu nó có phải sinh lợi ít hơn một chút.

Thư mục:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét