Trang

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Những cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia (Chương IX-Chương XII)- Ian Lari

Chương 9

CUỘC HÀNH QUÂN VẤT VẢ - QUÁN CÀ PHÊ TRONG RỪNG CỎ - CÔNG PHÁ PHÁO ĐÀI TRONG RỪNG – ĐÁNH NHAU VỚI LŨ KIẾN - DƯỚI MỘT CÂY NẤM – LỤT LỘI.

Karik và Valia đứng sát bên bờ lá.

Vòm cây rung rinh dưới chân. Xuyên qua những khoảng trống của lá thấp thoáng mặt đất xa vời.

Nhảy xuống dưới ư? Ai dám nhảy từ trên độ cao này?

Valia bấu chặt lấy tay Karik.

Con rùa đỏ đã bò lại rất gần. Chỉ một phút nữa là nó sẽ nhảy xổ vào lũ trẻ, vồ lấy chúng ăn ngấu nghiến …

- Các cháu đừng sợ! Đừng sợ! - Tiếng Ivan Germogenovich bỗng vang lên – Con bọ rùa đấy mà. Nó không đụng đến bọn cháu đâu. Lại đây với bác.

- Nó sẽ không động đến đâu! Valia thì thầm nép sau lưng Karik.

Không rời mắt khỏi con rùa khổng lồ, Karik lùi xa ra.

Giáo sư động viên:

- Nào các cháu dũng cảm lên!

Bọn trẻ quay ngoắt lại, ù té chạy xô cả những con bọ xanh. Thở không ra hơi chúng chạy ba chân bốn cẳng lại phía giáo sư, ngã sõng xoài trên lá rồi lủi ngay vào sau tấm lưng to rộng của Ivan Germogenovich.

Giáo sư noi:

- Nó là con vật rất hiền lành mà! Các cháu việc gì phải sợ.

Valia thở gấp:

- Tuy nó hiền lành, nhưng trông dễ sợ quá đi!

Karik la lên:

- Ôi, bác xem kìa! Cái con hiền lành ấy đang làm trò gì thế kia?

Con bọ rùa lại gần đàn bọ xanh, dừng lại rồi đột nhiên dùng chân quật ngã một con bọ xanh, vơ nó vào lòng, dùng toán thân đè lên rồi ghé miệng vào hút. Chỉ trong chớp mắt con bọ chỉ còn lại bộ da xanh.

Con bọ rùa bắt đầu ăn tiếp những con khác. Nó đè bẹp chúng dưới thân mình rồi cắn như ta cắn hạt dưa.. Ăn xong nó quăng bộ da tỏ ý ghê tởm.

Bọn trẻ chưa kịp hoàn hồn thì trên tấm lá đã không còn một con bọ rệp.

Ăn xong lũ bọ rệp, con bọ rùa đưa cái chân to tướng lên vuốt ria, đá những bộ da dưới chân đi rồi bước lại gần bờ lá. Nó giương tấm áo giáp lên để lộ ra cái đuôi áo mầu kem trong suốt. Tấm áo giáp kêu răng rắc tách ra thành hai cánh trông như hai cái bồn giặt. Sau đó nó lại giương ra thêm hai cánh mỏng trong suốt nữa. Những cánh này quay vù vù như chong chóng, quạt gió vào mặt các khách du lịch. Con bọ rùa từ từ rời chiếc lá bay đi xa mãi trên cánh rừng.

Valia nói:

- Gớm, bọ rùa thế đấy! Ăn sạch rồi bay đi mất.

Ivan Germogenovich nói:

- Thế thì càng tốt chứ sao! Làm thế là tốt và cần thiết.

- Tốt ư bác?

- Cố nhiên rồi… Phải dùng mọi cách để tiêu diệt lũ bọ rệp. Nhưng có lẽ cách tốt nhất để đối phó với chúng là bọ rùa… Ở bên Mỹ người ta đi lượm bọ rùa hàng bao tải, rồi khi mùa xuân đến thả chúng vào các vườn rau có bọ rệp. Những người đi lượm bọ rùa có cả bản đồ đánh dấu những chỗ tụ tập nghỉ đông của những con côn trùng có ích ấy. Người ta lượm chúng ở những chỗ đó.

Valia hỏi:

- Sao lại phải diệt bọ rệp hả bác? Sữa của chúng ngon lắm mà.

Ivan Germogenovich đồng ý:

- Sữa thì đúng là ngon thật. Nhưng bản thân con bọ rệp là loài côn trùng rất có hại. Ngoài ra nó còn là loài sinh sản rất nhanh trên đời. Nếu không có bọ rùa tiêu diệt chúng thì người ta khó mà chống được với lũ bọ rệp.

- Bọ rệp có hại thế nào ạ?

- Chúng tấn công vào những cây ăn trái, vào hoa, vào lá rau. Nói gọn lại là vào mùa hè, khó mà gặp cây cối nào lại không có bọ rệp.

- Thế chúng làm gì ạ?

- Con bọ rệp hút nước của cây cối. Nhưng đó chưa phải là điều tệ hại nhất. Cái hại nhất là sữa của chúng, mà các cháu rất thích ấy, bịt kín lỗ thở của lá cây làm lá cây không thở và lớn lên được. Dễ hiểu là lá cây bị chết. Mà lá cây bị chết thì chẳng có rau cỏ hoa quả gì nữa. Nhưng thôi, nói chuyện láng nháng thế đủ rồi. Nghỉ ngơi rồi - đến lúc phải lên đường thôi. Đi nào các bạn!

Trước khi trèo xuống, Ivan Germogenovich còn đưa mắt tìm kiếm ngọn hải đăng xa xôi ở phía chân trời.

Ở phía tây lá cờ đỏ bay phấp phới trong gió trên những đám rừng cỏ rậm.

Ivan Germogenovich tụt xuống, lẩm bẩm:

- Đường chúng ta đi về phía tây. Phải giữ hướng theo mặt trời.

Giáo sư nhảy xuống đất.

- Đi nào! – Ông gọi to rồi bước đều trong khoảng rừng thưa, cất tiếng hát nghe như gió rít trong ống máng:

Tiến lên! Kèn đang gọi lên đường.

Hỡi các bạn trẻ dũng cảm.

Hãy ngẩng cao đầu và đi đều bước.

Như chim đại bàng cánh lướt trời cao.

Valia nhăn mặt, lấy ngón tay bịt tai.

Karik phảy tay như muốn nói cứ để cho bác ấy hát. Là người ai chả có thiếu sót nào đó.

Giáo sư cũng chỉ là người thôi.

*

* *

Các khách du lịch đang đi trong rừng.

Những cây cao không có cành giống như một cột ăng ten khổng lồ.

Những tia nắng rơi xuống từ trên cao nằm dài trên mặt đất thành từng dải màu vàng óng. Mặt đất giống như một cái chăn vàng rằn ri. Các khách du lịch lúc thì leo lên những dốc núi cao dựng đứng, lúc trượt xuống theo triền núi làm những đám bụi bốc cao mù mịt.

Hết những khe lạch sâu lại đến những đồi cao. Rừng cây bao phủ khắp từ đáy khe lạch cho đến đỉnh núi cao.

Mặt đất lồi lõm nham nhở.

Chân tay giáo sư và bọn trẻ đầy những vết xây xát. Trán Valia bị u một cục xanh rất to. Mũi Karik bị sưng phồng, ngực bị một vết sước tấy đỏ chạy dài suốt lồng ngực.

Bọn trẻ thở hồng hộc nhưng không chịu tụt lại sau giáo sư dù chỉ một bước.

Mặt trời như thiêu đốt vai và tay rất đau. Chốc chốc Ivan Germogenovich lại lấy tay chùi mồ hôi trên khuôn mặt ướt đầm. Valia thì đỏ nhừ như bị luộc nước nóng.

Karik cố nói đùa:

- Cái Châu Phi này ghê thật! Thêm một ngày nữa như hôm nay chắc chúng ta sẽ lột da hết. Ai nấy sẽ rằn ri như ngựa vằn cả.

Ivan Germogenovich và Valia lặng thinh. Họ đi vừa liếm cặp môi khô nẻ vừa chốc chốc lại ngó quanh xem có sông ngòi nước gì ở gần không.

Nhưng không có nước ở đâu cả.

Cuối cùng Valia không chịu nổi, cất tiếng kêu:

- Trời ơi, khát quá đi mất!

Karik đáp lại giọng khản đặc:

- Anh cũng thế thôi, họng cứ như bị đổ đầy ớt ấy.

Giáo sư động viên bọn trẻ:

- Cố lên, đừng có ỉu xìu ra thế! Phải có nước ở gần đâu đây thôi.

Chẳng mấy chốc Valia hoàn toàn kệit sức.

Cứ độ mươi phút cô lại nói:

- Nghỉ một lát đi.

Các khách du lịch nhiều lần dừng lại ngồi nghỉ. Nhưng ngồi trên mặt đất bị nung nóng còn tệ hơn là bước đi. Vừa ngồi một phút là họ lại phải bật dậy, lên đường đi tiếp.

Giáo sư làu bàu:

- Hừm… cứ như là đi trong sa mạc Kara – Kum (1)

Valia bước đi lảo đảo. Cô nức nở:

- Uống nước! Uống nước!

Karik đi như người trong mộng, hết vấp ngã lại xô vào cây.

Rồi đột nhiên qua khoảng trống của rừng bỗng thấp thoáng một dải màu xanh lơ.

- Nước kia rồi! – Valia reo lên, cắm đầu chạy tới.

Giáo sư và Karik quên cả mệt nhọc chạy đuổi theo Valia.

Rừng thưa dần.

Giữa những lùm cây xanh, treo lơ lửng nhiều bông hoa khổng lồ màu xanh lơ. Còn nước thì không thấy đâu cả.

Valia nằm vật xuống đất.

- Cháu chịu thôi… - Cô rên rỉ.

Giáo sư lúng búng nói:

- Sắp có ngay bây giờ đây!

Ông đỡ cô bé dậy.

- Phải đi thôi cháu Valia ạ! Cùng đi nào!

Làn nước trong mát luôn ám ảnh giáo sư và bọn trẻ, làm cho họ luôn ảo giác có nước trên mỗi bước đi. Lúc thấy nước thấp thoáng ở đằng trước, lúc lại thấy ở bên phải hay bên trái.

Các khách du lịch đã kiệt lực, chạy đến chỗ tưởng như có nước, nhưng lần nào cũng chỉ tìm thấy những bông hoa màu xanh lơ.

Valia thều thào:

- Uống nước! Uống nước!

Karik mấp máy cặp môi khô héo.

- Uống nước!

Ivan Germogenovich lảo đảo ngã sấp xuống đất. Bọn trẻ cũng lăn xuống bên cạnh.

Họ nằm thở thoi thóp vì nóng và vì khát.

Những con quái vật rừng cỏ rậm chạy đi chạy lại xung quanh tựa như một ngã tư ồn ào tấp nập trong đường phố lớn… Nhưng các khách du lịch giờ đây chẳng còn hơi sức nào để ý đến chúng nữa. Một con sâu bò qua gần sát, đụng cả vào tay Valia, nhưng Valia không động đậy.

- Uống nước!

- U.. u.. ô.. ố.. ng nước! - Bọn trẻ rên rỉ.

Giáo sư lảo đảo đứng dậy.

Cần phải đi. Nhưng đi đâu bây giờ? Biết ở phía nào có nước?

Ivan Germogenovich tựa mình vào thân cây, cúi đầu xuống sát tận ngực, đưa cặp mắt mờ đục nhìn xung quanh. Đột nhiên một mô đất ngay sát cạnh Ivan Germogenovich động đậy. Sỏi đá lăn xuống ầm ầm. Đỉnh mô đất nứt ra làm đôi. Thấp thoáng những cái râu dài thò lên không trung rồi từ dưới đất hiện ra một cái đầu rất to, tiếp theo là một thân hình màu đen viền vàng bò lên…

Giáo sư reo lên:

- Chúng ta thoát rồi!

Bọn trẻ vội ngóc đầu dậy.

- Dậy ngay! Có nước đây rồi! – Ivan Germogenovich gọi ta. Thu thập hết sức lực còn lại, Karik và Valia nhỏm dậy.

- Cho cháu… một giọt!

- Một phút nữa các cháu sẽ có cả dòng sông. Một người quen thân của bác sẽ đưa ta đến đó.

Giáo sư vẫy tay về phía con quái vật viền vàng đang rũ bụi đất ra khỏi mình. Nó trông giống như con bọ dừa. Nhưng con bọ dừa này to như một cái đầu tàu xe lửa.

Karik thì thầm:

- Con gì thế bác?

- Con bọ niễng đấy mà – Ivan Germogenovich nói bằng một giọng trìu mến tựa như nói về một người thân quen. - cuộc gặp gỡ thật may mắn. Nó sẽ đưa chúng ta tới chỗ có nước. Có điều đừng tụt lại sau nó nhiều quá!

Người bạn quen của Ivan Germogenovich trịnh trọng vểnh bộ râu lên, tựa như hiểu rằng người ta đang nói về mình. Nó quay về phía bên phải cắm đầu đi thẳng, đè bẹp những cây cỏ dưới chân mình.

Mọi người lập tức trở nên vui vẻ.

- Thế nó ngồi dưới đất để làm gì hả bác? Hay là dưới đó có dòng nước ngầm? – Karik hỏi.

Ivan Germogenovich bắt đầu say sưa kể cho bọn trẻ nghe về đời sống và những thói quen của loài côn trùng kỳ lạ này. Ông quên hết mọi chuyện trên đời, không chú ý đến cả cơn khát cháy cổ lẫn con đường gập ghềnh mà họ đang đi. Karik và Valia luôn vấp ngã, có lúc lăn cả xuống hố.

Bọn trẻ lơ đãng nghe Ivan Germogenovich nói. Chỉ khi gặp từ ngữ: “Nước”, chúng mới thở dài buồn bã và rảo bước đi nhanh hơn.

Còn giáo sư, không để ý đến mọi chuyện, tiếp tục kể:

- Loài côn trùng kỳ diệu này đẻ trứng và gắn chúng vào những cây mọc dưới nước. Qua một tháng trứng nở ra ấu trùng, hình dạng giống như con sâu nhưng tính tình lại giống con hổ. Những con ấu trùng liều lĩnh và tham lam ấy lao vào tấn công hầu hết các sinh vật sống dưới nước, kể cả cá, mặc dù cá lớn hơn chúng gấp nghìn lần. Khi ấu trùng lớn lên, nó bò lên bờ, tìm một chỗ yên tĩnh và chui sâu xuống dưới đất. Ở dưới đất, ấu trùng lúc đầu biến thành con nhộng rồi sau thành con bọ niễng to lớn chính cống. Con bọ niễng chui từ dưới đất lên – Các cháu đã trông thấy rồi - lại tìm đến chỗ có nước, về nơi quê hương thân thuộc để làm nghề cướp bóc.

Valia liếm cặp môi khô héo hỏi:

- Làm sao nó biết được ở đâu có nước hả bác?

- Thế làm sao chim lại biết được phương nam ở đâu, để mỗi mùa thu ch1ung lại bay về những miền ấm áp trú qua mùa đông?

Giáo sư nói liên miên không ngừng, ông biết rằng đường đi sẽ ngắn hơn đối với những ai vừa đi vừa nói chuyện. Ivan Germogenovich nói:

- Có lẽ con bọ niễng là con vật tuyệt diệu nhất trên trái đất này. Có thể gặp nó ở bất kỳ hồ chứa nước nào. Khi nào các cháu gặp nó thì cố nhìn xem nó cho kỹ… Các cháu hãy nhớ điều này: nó bơi ở dưới nước nhanh như cái tàu trượt, lặn giỏi như con vịt, có thể ngồi dưới đáy hồ lâu hơn người thợ lặn, du ngoạn dưới nước không kém gì tàu ngầm, bay trong không trung như chiếc máy bay, đi trên mặt đất chẳng khác con người. Không phải dễ gặp được sinh vật như vậy trong thế giới của chúng ta… có một lần bác đã…

- Nước! Valia reo lên.

Bọn trẻ không nghe giáo sư nói nữa, chạy bổ lên phía trước.

Mặt nước trong xanh phẳng lặng như gương đang nằm giữa những lùm cây xanh.

Con bọ niễng lại gần bờ, nhảy tõm xuống nước rồi biến mất. Từng vòng tròn hiện lên mặt nước lan ra xa.

- Nước!

- Nước!

- Nước!

Trên bờ hồ mọc những cây có hoa màu xanh lơ rất lớn. Những chiếc lá màu thẫm phủ bóng mát lên mặt đất. Karik chạy thẳng một mạch đến bờ duỗi tay nhảy tõm xuống nước như con bọ niễng.

Cậu vỗ nước, hớp nước vào miệng, phun ra và cười vang.

Bao nhiêu mệt nhọc tựa như biến mất. Karik gọi to:

- Mau lên! Lại đây mau lên kẻo tôi úông hết nước bây giờ.

Ivan Germogenovich và Valia vấp ngã, khập khễnh chạy lại. Họ nhảy xuống nước làm nước bắn lên tung toé rồi lập tức uống, áp đôi môi khô nẻ xuống nước.

- Chao ôi sướng quá! – Valia ngẩng đầu lên nói.

Mũi cô bị ướt. Nước chảy từng giọt trên má và cằm.

- Tắm thôi! Tắm thôi. – Giáo sư vừa ra lệnh vừa vắt chòm râu ướt đẫm.

Tắm táp thoả thuê xong các khách du lịch lên bờ phơi khô mình dưới ánh nắng. Sau đó họ chui vào bụi rậm trong rừng cỏ, nằm dài dưới bóng mát của những cây có hoa màu xanh lơ.

Họ cứ nằm như vậy không động đậy, chẳng chuyện trò, ngắm nhìn bầu trời xanh qua kẽ lá, lười nhác lắng nghe tiếng rì rào của rừng cỏ.

Đột nhiên giáo sư đứng dậy sửa sang lại quần áo, đến gần một cái cây rồi bám cả hai tay vào cành cây xanh.

Bọn trẻ kêu lên:

- Bác đi đâu đấy?

- Các cháu cứ nằm yên. Bác xong ngay đây…

Giáo sư leo lên cây.

Bọn trẻ đưa mắt nhìn nhau.

- Cả chúng cháu cũng leo lên đây! – Valia nói.

- Chúng cháu leo lên đây!

Chúng chạy lại gần cái cây, nhưng chưa kịp nắm lấy cành thì ở trên cao có tiếng động như xé vải.

- Các cháu bắt lấy nhé!

Karik và Valia ngửa tay ra.

Trong không trung thấp thoáng cái gì đó màu xanh lơ.

Sau khi lười nhác quay tròn trên không, một cái mền to màu xanh rơi thẳng lên đầu bọn trẻ.

Karik kêu lên:

- Cái gì thế bác?

- Một cánh hoa lưu ly! – Giáo sư kêu lên từ trên cao.

- Để làm gì cơ bác?

- Sao lại để làm gì? Chúng ta sẽ khâu những bộ quần áo bằng cánh hoa, sẽ làm những cái dù… không biết các cháu thế nào, chứ khắp lưng bác bị phỏng rộp lên! Bị bỏng nắng!

Giáo sư ném thêm một vài cái lá nữa xuống đất.

Bọn trẻ gom chúng lại xếp thành đống.

Valia đội một cánh hoa lên đầu.

Cánh hoa to và rộng. Nó phủ kín tấm lưng nóng bỏng của cô trượt xuống hai vai giống như một cái áo mưa.

- Thế nào hả các cháu? – Ivan Germogenovich nhảy từ trên cây xuống đất hỏi.

- To quá bác ạ! – Valia đáp.

Giáo sư cầm lấy cánh hoa, cuộn nó trên tay, gập đôi lại sau đó lại gập thêm một lần nữa rồi dùng răng cắn đi một góc.

Ivan Germogenovich nâng niu gỡ cánh hoa ra và nói:

- Cánh hoa chắc quá đi mất.

Giữa cánh hoa hiện ra một cái lỗ có bờ cạnh mấp mô lởm chởm.

Ivan Germogenovich nói:

- Nào, chui đầu vào đây!

Một tấm áo mềm mại, mát rượi phủ lên bên vai bị bỏng rộp vì nắng của Valia.

Cánh hoa phủ kín Valia từ vai đến đầu gối.

Karik tán đồng:

- Được đấy! Giống như cái ao mưa bộ đội.

Giáo sư nói:

- Không pảhi áo mưa bộ đội mà là một cái áo mưa bằng hoa giản dị.

Ông đưa cho Karik một cánh hoa như vậy:

- Nào, cháu cũng mặc vào đi. Nhưng cái áo mưa này sẽ giúp bọn cháu khỏi bị rộp vì nắng lúc ban ngày, khỏi bị lạnh lúc ban đêm.

Bây giờ mấy bác cháu như một gánh xiếc rong. Giáo sư và bọn trẻ mặc áo mưa xanh nhạt đi nối đuôi nhau.

Họ cầm trong tay những cái gậy, trên đầu gậy rung rinh những mẩu cánh hoa lưu ly.

Những cánh dù xanh lơ quạt hơi mát vào mặt che cho các khách du lịch khỏi ánh nắng nóng bỏng. Giáo sư bước đi, miệng huýt sáo một khúc nhạc hành quân. Karik và Valia khẽ hát theo.

Chẳng mấy chốc rừng trở nên thưa dần.

Các khách du lịch bước tới một khoảng rừng thưa đầy nắng.

Những con vật có cánh, to lớn như con bò gầm rú bay ầm ầm trên đầu họ. Chúng phơi bộ cánh trong suốt lấp lánh sà xuống thấp đến nỗi Karik và Valia có lúc phải ngồi thụp xuống hay hoảng sợ dừng bước.

Ivan Germogenovich mỉm cười:

- Các cháu không việc gì phải sợ những côn trùng. Các cháu nên nhớ rằng mỗi loại côn trùng có thức ăn thường xuyên quen thuộc của nó. Thí dụ chuồn chuồn ăn ruồi và bướm ong hút mật hoa. Nhiều loại côn trùng có cánh bay tuyệt nhiên không ăn gì cả. Các cháu thấy đấy, ở đấy cũng an toàn như trên đường phố của bất kỳ thành phố nào. Bác tin rằng không có con côn trùng nào lại định ăn thịt chúng ta...

Giáo sư chưa nói hết lời.

Đột nhiên ông nắm tay Karik và Valia giựt mạnh về phía mình. Bọn trẻ ngã nhào xuống đất. Ivan Germogenovich nằm xuống cạnh chúng.

- Suỵt! – Giáo sư khẽ rít lên, ép chặt người xuống đất.

Ngay lúc đó một con gì rít lên trên đầu các khách du lịch rồi đổ ầm xuống khu rừng.

Các khách du lịch vội vã kéo dù che kín mình.

- Con gì thế?

- Con gì thế bác?

Giáo sư thận trọng hé mình dưới cánh dù.

Cách đó không xa, phía sau một mô đất, một cái lưng màu xanh của con gì đó lấp lánh dưới mặt trời trên đỉnh của cánh rừng. Nó nhô lên rồi lại hạ xuống. Sau đó con vật bò sang bên cạnh, nhảy lên, dương cánh ra ầm ầm và biến mất.

- Con cào cào! – Giáo sư nói, đứng dậy phủi quần áo.

Karik khẽ huých vào cạnh sườn Valia rồi hỏi:

- Chẳng lẽ cào cào cũng ăn thịt người hả bác?

Ivan Germogenovich lúng túng lầu bầu nói:

- Cào cào là loài côn trùng hung dữ. Làm sao bác biết được nó định làm gì? Cẩn thận vẫn hơn các bạn ạ!

Các khách du lịch thong thả lên đường đi tiếp.

Họ đi, khi thì lội qua suối, lúc lại bơi qua đầm nước, rồi lách mình len lỏi qua những cánh rừng rậm rạp. Ivan Germogenovich chỉ cây này cây khác kể cho bọn trẻ nghe những mẩu chuyện lý thú về các cây cỏ. Dường như chẳng có loài cỏ nào, loài hoa nào lại mọc lên mà không mang lại lợi ích gì cho con người.

Đột nhiên, Valia nắm lấy tay giáo sư và kêu lên.

- Bác xem kìa! Bác xem kìa… Có con gì ở đằng kia đó?

Tất cả dừng lại trước những lùm cây rậm rạp.

- Ở đâu nào? Cháu trông thấy con gì?

- Kia kìa! Chúng nó kia kìa! Đang rình mò đó!

Ivan Germogenovich cau mày:

- Bác chẳng nhìn thấy gì cả.

Khum bàn tay trước mắt, ông vươn cổ, kiễng chân, chăm chú nhìn vào bụi cây rậm rạp.

Karik nói:

- Cả cháu! Cả cháu cũng thấy rồi! Chúng nó tròn xoe và đang động đậy.

Ivan Germogenovich lo âu hỏi:

- Các cháu nhìn thấy ở đâu cơ chứ?

Ông bước tới một bước rồi bỗng phá ra cười:

- Chuyện vớ vẩn! Các cháu cũng sẽ phì cười khi lại gần hơn những con quái vật đó. Lại đây nào!

Giáo sư rảo bước tiến lại hang ổ của những con vật đáng sợ.

Bọn trẻ đi theo ông.

Càng lại gần những con quái vật rừng xanh, cành thấy rõ hơn những quả cầu màu nâu treo lủng lẳng trên những cây cỏ. Từ xa chúng giống như những quả bóng da, lại gần mới thấy chúng không bé hơn những quả khinh khí cầu. Vách của những quả khí cầu đó làm bằng những mẩu cây và đất.

Ivan Germogenovich dừng lại hỏi:

- Các cháu đoán xem cái gì đó?

Valia reo lên:

- Ô! Những cái nhà hình tròn! Nhìn xem này, biết bao nhiêu người ở. Đó là khách sạn rừng xanh “Quán trọ của côn trùng”.

Karik phì cười:

- Hay là hiệu ăn “Bí mật căn nhà tròn”!

Trên những bức vách dày dạn cong lồi ra, có những con vật sáu chân màu vàng đang bò. Chúng đụng phải nhau ở cửa vào tối om rồi lười nhác mỗi con bò đi một ngả. Sau đó chúng lại gặp nhau, sờ soạng nhau bằng những sợi râu rồi khập khiễng đi một cách tức cười, biến mất trong những hành lang tối đen của căn nhà tròn.

Karik reo lên:

- Ủa! Bọ rệp đây mà! Chỉ có điều không hiểu sao nó lại màu vàng?

Ivan Germogenovich đáp:

- Điều đó rất đơn giản. Loài bọ rệp thích ứng với màu sắc của nơi sinh sống… Ở phương bắc chim và các động vật khác đều có màu trắng, cùng màu với tuyết. Còn ở phương nam động vật có nhiều màu sắc sặc sỡ, giống như màu sắc những cánh rừng và đồng cỏ ở đó. Lẽ nào cháu lại không biết điều này hay sao?

Karik hỏi:

- Như vậy để chúng dễ trốn tránh ẩn nấp phải không bác?

Giáo sư gật đầu:

- Vừa để trốn tránh, cũng vừa để săn mồi cho dễ. Hươu cao cổ có chấm để nó dễ bề ẩn nấp. Còn bộ da vằn vện của hổ chó phép nó kín đáo lại gần con mồi.

Ivan Germogenovich lại gần căn nhà tròn màu nâu, xem xét kỹ lưỡng từ mọi phía, thậm chí lấy cả cán dù gõ vào vách.

- Một công trình tuyệt diệu! Công phu thật! – Giáo sư nói – Các chú kiến này giỏi thật!

- Kiến ư bác? Chẳng lẽ kiến đã xây căn nhà này?

- Chính thế đấy.

- Thế sao những con bọ rệp lại sống ở đây?

- Bởi vì đây là cái trại sản xuất sữa của kiến…

Giáo sư vung vẩy cái dù xanh rồi nói:

- Cũng như con người nuôi bò sữa, kiến cũng chăn nuôi bọ rệp. Chẳng những chăn nuôi mà còn bảo vệ bọ rệp khỏi những kẻ thù của chúng. Để cho mưa khỏi làm trôi đi những con bọ sáu cẳng, kiến đã xây cho chúng những cái nhà trại này.

- Thế kiến mang sữa ở đây đi bằng cách nào?

- Nó mang đi làm chi? Kiến tự đến đây uống sữa.

Karik cười vui nói:

- Thế thì đâu có phải là trại sữa, mà phải gọi là quán cà phê điểm tâm.

Ivan Germogenovich nói tiếp:

- Một số loài kiến mùa đông bắt bọ rệp về tổ kiến. Suốt mùa đông chúng úông sữa bọ rệp, không ra khỏi tổ.

Karik huýt sáo:

- Khôn thật! Thế mà cháu đọc trong sách viết tựa hồ như kiến ngủ suốt mùa đông không ăn uống gì cả.

- Hoàn toàn đúng! Nhưng không phải kiến nào cũng vậy. Trong tổ kiến có một bộ phận kiến luôn luôn thức. Chính những con này uống sữa bọ rệp.

Valia nói:

- Đó chắc là những con kiến trắng ăn suốt mùa đông. Cháu cũng đọc thấy trong sách. Những con này ở Châu Phi. Người ta gọi chúng là những con mối.

- Valia ơi, cháu lẫn lộn hết rồi! Không, làm gì có kiến trắng. Còn con mối thì không phải là loài kiến, mặc dù chúng xây tổ giống như tổ kiến. Mối gần vối chuồn chuồn hơn là với kiến.

- Như vậy là không có kiến trắng ư bác?

- Không có đâu. Nhưng có kiến đen, kiến màu hung, kiến lửa, kiến đỏ tía, kiến vàng. Có kiến điêu khắc, kiến đào mỏ, kiến thợ nề, kiến chăn nuôi, kiến trồng trọt, kiến mật, kiến dù, kiến cô đơn. Có lẽ không sao kể hết được.

Mải trò chuyện về kiến, các khách du lịch đã đến bờ dốc. Dẫn đến một thung lũng xanh bao bọc bởi những ngọn núi nhỏ.

Những áng mây chạy lướt trên đỉnh đầu.

Những đỉnh núi tràn ngập ánh nắng chiều màu da cam.

Đột nhiên Valia kêu lên:

- Nhìn xem kìa! Kim tự tháp Ai Cập! Nhìn xem kìa!

Giữa thung lũng nổi lên một ngọn núi cao hình tròn.

Nó được xếp bằngnhững miếng gỗ đen phủ đầy đất. Một hành lang treo uốn quanh Kim tự tháp theo hình xoáy trôn ốc từ đỉnh đến chân.

Ivan Germogenovich nói:

- Kiến! Kiến đen đấy! Chủ nhân của những trại sữa mà ta vừa đi qua!

Những con kiến thân dài như thân chó săn chạy lăng xăng xung quanh tổ. Chúng chạy tới chạy lui, chen chúc xô đẩy nhau trong những hành lang treo, ngã xuống rồi lại nhổm dậy chạy. Có cảm tưởng như chúng đang sợ hãi điều gì đó. Chúng khiêng những cái kén khổng lồ vào trong các lối tối om của nơi ở. Những cái kén dài màu trắng như trôi đi trên đầu các chú kiến đen.

- Đó là chúng khiêng trứng đi! Không biết để làm gì thế? – Valia hỏi.

Giáo sư nhún vai, ngước nhìn lên bầu trời rồi nói:

- Chắc là sắp mưa. Thường thường trước khi mưa kiến dấu kén vào trong tổ và lấp kín các lối ra vào… Nhưng ta không nên để mất thời gian: trong khi lũ kiến lo công chuyện của chúng ta phải cố vượt qua thung lũng. Cả chúng ta cũng cần phải kiếm một chỗ trú mưa.

Các khách du lịch bắt đầu tụt xuống dưới. Nhưng vừa đi được mấy bước họ đã nghe thấy tiếng ầm ầm vang rền mỗi lúc một to.

Giáo sư dừng lại:

- Chẳng lẽ mưa rồi sao?

Ông nhìn lên bầu trời.

Bầu trời đen thẫm, xung quanh bao bọc bởi những đám mây đen báo hiệu cơn giông. Rừng cỏ đứng lặng yên. Nhưng chưa có mưa.

- Nhưng cái gì kêu ầm ầm vậy?

Các khách du lịch cảnh giác đề phòng.

Bọn trẻ lo lắng đưa mắt nhìn giáo sư đang chăm chú lắng nghe tiếng động mỗi lúc một tăng, tay vuốt chòm râu bạc.

- Lạ thật. Lạ lùng thật! – Giáo sư lẩm bẩm – bác rất ngại tiếng động này, các cháu ạ!

Đề phòng bất trắc giáo sư và bọn trẻ nấp vào sau những cây cỏ.

Karik thận trọng ghé mắt nhìn qua thân cây to rồi nói:

- Giống như có con gì đang chạy tới!

Tiếng động mỗi lúc một gần. Bây giờ có thể nghe rõ tiếng chân chạy rầm rập giống như có cả một đàn bò đang chạy tới.

Khói bốc lên từ những đỉnh núi phía xa.

Những đám bụi bốc lên che khuất đỉnh núi.

Valia kêu lên:

- Cháu nhìn thấy rồi. Kia! Chúng kia rồi! Nhìn xem kìa! Chúng đang đi! Trời ơi, nhiều quá!

Trên những đỉnh đồi nhấp nhô xuất hiện các chấm đen.

Thoạt tiên chúng tụ tập dọc trên sườn núi, dừng lại giây lát rồi bỗng chạy ào xuống dưới.

Lập tức những trái núi đen thẫm lại. Hàng đàn vô số những con vật đổ tràn xuống dưới và chẳng bao lâu khắp thung lũng cũng động đậy như đang sống động. Từ phía sau núi những đạo quân mới tiếp tục đi tới.

Ivan Germogenovich kêu lên:

- Kiến lửa!

Giáo sư không nhầm.

Đó là những con kiến khổng lồ màu đỏ. Thân hình chắc nịch của chúng như đúc bằng đồng. Chúng đông gấp đôi lũ kiến đen. Còn dáng điệu chúng mới hùng hổ dữ tợn làm sao!

Bọn kiến mới đến lao thẳng vào tấn công các tổ kiến đen.

Chúng bấu lấy các kèo cột bằng những chân khoẻ mạnh và chẳng mấy chốc tràn ngập khắp hành lang.

Chủ nhân của tổ kiến xông ra nghênh chiến.

Khắp hành lang diễn ra trận đánh dữ dội.

Những con kiến lữa như một bầy chó đói, xé xác những con kiến chăn nuôi hiền lành, giết chúng rồi ném xác khỏi hành lang.

Chúng tấn công tổ kiến từ mọi phía.

Những con kiến chăn nuôi chống cự một cách tuyệt vọng.

Hàng trăm chiến sĩ đã ngã xuống, dũng cảm bảo vệ từng lối đi vào căn nhà. Nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch.

Giẫm lên xác những con kiến đen, lũ kiến lửa tiến lên từng bước và cuối cùng đánh bật những người bảo vệ ra, ào ào xông vào trong tổ.

Khắp nơi trong hành lang lăn lóc những xác chết kiến đen.

Phía dưới chân tổ kiến, một cụm kiến đen hãy còn tiếp tục dũng cảm chiến đấu với lũ kiến lửa. Nhưng trận chiến đã kết thúc.

Bọn kiến lửa đánh tan đám kiến đen, xông vào cướp bóc tổ kiến.

Những kẻ chiến thắng lôi những cái kén trắng ra khỏi hầm ngầm, vội vã theo hành lang đi xuống. Chúng tụ tập thành một đám đông ồn ào hỗn độn. Giống như một lũ cướp sau khi phá nhà người ta cũng lôi những của cải cướp được ra.

Karik ngạc nhiên hỏi:

- Sao chúng không chia nhau của cải cướp được?

Ivan Germogenovich thì thầm đáp:

- Cháu không thấy ư? Lũ kiến lửa cướp những cái kén là con cái của kiến đen. Bây giờ chúng sẽ mang về tổ của chúng đợi khi nào kiến đen nở ra sẽ bắt làm nô lệ cho chúng.

- Sao cơ ạ?

Karik nhảy phắt dậy như bị ong đốt.

- Thế tại sao bác cứ im lặng nãy giờ? Cái lũ chủ nô lệ ấy đang cướp bóc mà chúng ta khoanh tay ngồi yên hay sao?

Cậu chộp lấy viên đá, giang tay ném mạnh vào đám đông bọn cướp đang khiêng những cái kén trắng ra khỏi tổ.

- Valia! Đánh chết chúng đi! Sao em đứng ngó chi vậy? Đánh chết bọn ăn bám đi!

Đất đá ném như mưa vào đám kiến lửa.

Không nghĩ gì đến nguy hiểm, bọn trẻ xông ra khỏi thân cây.

Karik ra lệnh:

- Bắn!

Khi hòn đá lao vút đi rơi vào đám đông bọn cướp, Ivan Germogenovich sợ quá giữ tay bọn trẻ lại:

- Khoan đã! Các cháu điên à? Các cháu làm gì thế này? Các cháu muốn bọn chúng nhảy xổ vào chúng ta bây giờ ư?

Valia cau mày:

- Kệ chúng! Cứ cho chúng xông tới. Chúng ta sẽ cho chúng biết thế nào là bắt nô lệ!

Giáo sư cố thuết phục:

- Chúng ta không đỉ sức đánh bọn đó dâu!

Karik tiếp tục bắn đá vào bọn kiến lửa, hùng hổ nói:

- Để xem rồi ai thắng ai!

Bọn trẻ hăng lên không làm sao ngăn chúng được.

Valia la hét giáo sư:

- Cả bác nữa! Đứng khoanh tay mà không xấu hổ ư? Hãy giúp chúng cháu đi!

Cô dúi vào tay giáo sư một viên đá.

Nhưng giáo sư xua tay, đi ra một chỗ khác.

Ông ngồi xuống bờ dốc, thõng chân xuống, bắt đầu đếm những con kiến bị bon trẻ ném ngã.

Không biết ai trong bọn trẻ ném một phát trúng ngay vào đầu một con kiến. Con kiến lảo đảo rồi từ từ, tựa như đang suy nghĩ, ngã lăn xuống. Ngay lập tức một hòn đá thứ hai rít lên đập vào ngực nó. Con kiến giẫy vài cái rồi nằm im. Cái kén rơi lăn xuống chân núi. Một tên cướp khác chạy lại.

Valia hét lên:

- Bác đánh chết chúng đi!

Giáo sư tự mình cũng không ngờ đến, giang tay ném viên đạn vào con kiến.

Vừa vặn lúc đó con kiến đến gần cái kén. Nó định giơ chân bấu lấy cái kén, nhưng hòn đá Ivan Germogenovich ném rơi trúng chân nó.Con kiến quay tròn rồi ngã nghiêng xuống, tập tễnh bò đi thẳng.

- Á, à! Mày hết muốn rồi chứ! – Giáo sư bật cười, cúi xuống nhặt hòn đá khác.

Một con kiến thứ ba chạy lại cái kén. Nó ôm lấy cái kén chạy lại phía đồng đội.

Giáo sư hét lên:

- Giỡn hoài! Đừng hòng!

Ông ném đá chính xác đến nỗi ngay phát đầu tiên đã làm con kiến ngã quay lơ.

Cái kén văng ra xa.

Karik hét lên.

- Đập chết chúng đi! Đánh thế này chưa ăn thua! Giá kéo được cả đội thiếu niên tới đây thì sẽ cho lũ bắt nô lệ này biết tay… Đồ khốn kiếp… Có ai động đến chúng đâu sao chúng lại đánh người khác… Nào, ném cùng một lúc nhé… Toàn khẩu đội, bắn!

Những hòn đá to nặng bay đến lũ kiến lửa.

Valia sung sướng reo lên:

- Hoan hố A! Chúng bỏ chạy rồi!

Cô cúi xúông định nhặt hòn đá nữa thì bỗng một cái mõm kiến dữ tợn hiện ra ngay trước mặt.

Không biết con kiến này làm sao qua được khe lạch? Mà sao không ai nhìn thấy nó?

Nắm lấy một cục đất, cô giơ cao tay đập vào đầu con kiến và la lên:

- Cứu tôi với! Lại đây!

Con kiến lảo đảo, nhưng vẫn xông tới cô bé dũng cảm.

Giáo sư và Karik nhảy vọt đến.

Giáo sư chỉ huy:

- Cháu đánh vào sườn, bác đánh vào phía trước, đập đá vào nó!

- Xung phong! – Bọn trẻ hò reo dũng cảm xông vào con kiến.

Giáo sư giang thẳng tay đập đá vào mắt nó.

Con kiến rùng mình, loạng choạng, chới với đạp những cái chân. Karik đánh nó vào lưng, còn Valia nhảy sát lại gần đập đá vào đầu. Con kiến gục xuống đất.

Valia reo lên:

- Hoan hô!

Cô bé mặt đỏ gay, tay giơ cao hòn đá, hãnh diện nhìn giáo sư và Karik.

Nhưng bây giờ vui mừng thì con sớm!

Cả một toán kiến hung dữ chạy qua khe lạch lại trợ giúp đồng bọn. Chúng chạy, trông nhanh nhẹn, khoẻ mạnh. Ánh nắng chiếu vào thân mình đỏ chói của chúng, lấp lánh như những giáp trụ bằng đồng.

Rừng cỏ rung chuyển vì bước chân nặng nề của toán kiến.

- Valia! Valia! Nhìn đằng sau kìa! – Karik hét lên. Valia ngoảnh lại.

- Ôi, chúng đến cả trăm con! – Cô la lên – Không, còn nhiều hơn kìa. Chúng đang xông đến.

Với chân vào bờ dốc khe lạch, bọn kiến bò lên.

- Chạy thôi! – Giáo sư kêu lên.

Ông nắm tay bọn trẻ cắm đầu chạy không phân biệt đường sá, nhảy qua hố, vấp vào đá.

Gió rít bên tai ù ù.

Lũ kiến đuổi rầm rập ở sau lưng, mỗi lúc một gần hơn.

Chỉ một chút nữa thôi là chúng sẽ đuổi kịp, vồ lấy giáo sư và bọn trẻ xé ra từng mảnh.

Ivan Germogenovich vừa thở vừa chạy, chốc chốc lại ngoái cổ nhìn lũ kiến và lo lắng theo dõi bọn trẻ xem chúng có chịu đựng được cuộc chạy trốn không.

Chắc không thoát được – Giáo sư buồn rầu nghĩ - Chắc không làm sao thoát được!

Nhưng biết làm thế nào? Chịu chết ư? Cả bọn trẻ lẫn ông ư?

Không, không thể chịu thế được!

Hay là dừng lại cản đường lũ kiến? Biết đâu bọn trẻ sẽ kịp trốn thoát, trong khi đánh nhau với bầy kiến?

Giáo sư giả bộ vô tình vấp ngã, và dừng lại.

Trông thấy thế, bọn trẻ cũng dừng lại.

- Cứ chạy đi! Cứ chạy đi! – Ivan Germogenovich xua tay.

Karik và Valia chạy được mấy bước lại dừng lại.

Giáo sư nổi giận:

- Chạy đi chứ! Sao dừng lại thế? Làm sao thế?

- Sông! Ở đây có sông!

- Ở đâu thế?

Giáo sư chạy lại phía bọn trẻ.

Ở phía trước những quả đồi không cao lắm nằm tiếp nối nhau, kéo dài như mắt xích.

Sau những quả đồi là dòng sông xanh.

- Các cháu bơi qua được chứ? – Giáo sư hấp tấp hỏi.

Karik và Valia đưa mắt nhìn nhau đồng thanh trả lời:

- Chúng cháu bơi qua được!

- Nhất định được mà bác!

- Thế thì chạy mau! Chúng ta sẽ thoát!

Giáo sư chạy lên ngọn đồi. Ông kêu lên:

- Lặn xuống nhé! Rồi bơi sang bờ bên kia!

Ông vung tay nhảy từ bờ dốc cao xuống sông.

- Theo bác! – Bọn trẻ nghe thấy tiếng ông.

Không nghĩ ngợi gì nữa, Karik và Valia lặn theo giáo sư.

Nước lạnh làm tỉnh cả người, Karik vọt lên mặt nước như một cái nút chai, hấp tấp ngoái đầu nhìn xung quanh.

Ở phía trước giáo sư đang bơi, miệng phun nước phì phì như con báo biển. Cái đầu hói của ông lấp lánh dưới ánh nắng như một quả bi a được đánh bóng.

Karik và Valia hấp tấp sải tay bơi theo giáo sư.

Nhưng ông tựa như không nhìn thấy bọn trẻ. Vừa nhô đầu khỏi mặt nước, ông ngó quanh ngó quẩn.

- Ê… hê… hề! – Ivan Germogenovich kêu lên – Các cháu ở đâu thế?

- Cháu ở đây!

- Cháu ở đây!

- Đừng có tụt lại sau nhé!

Karik và Valia đập tay trên mặt nước. Chúng ráng hết sức cố đuổi kịp Ivan Germogenovich, nhưng ông tỏ ra là một nhà bơi lội rất giỏi. Khoảng cách giữa ông và bọn trẻ mỗi lúc một tăng thêm. Giáo sư bơi sang tới bờ bên kia rồi mà Karik và Valia còn bì bõm ở giữa sông.

Valia kêu lên cái gì đó, Ivan Germogenovich bèn quay trở lại bơi cùng với bọn trẻ. Ông lo lắng hỏi:

- Thế nào? Có mệt không? Bơi đến nơi được chứ?

Valia thở hắt ra làm nổi lên những bong bóng cố gắng trả lời:

- Bơi được ạ!

Karik ngoái đầu lại phía sau: cậu chỉ sợ bọn kiến lửa cũng nhảy xuống bơi đuổi theo. Karik nhìn thấy chúng lăng xăng ở trên bờ, chạy đến dòng sông, cúi mình xuống mặt nước, thận trọng giơ những cái chân ra tựa như muốn bơi nhưng rồi lại nhảy lùi lại ngay lập tức.

Không một con kiến nào dám xuống nước.

Các khách du lịch mệt rã rời đến được bờ bên kia, bước lảo đảo tới những tảng đá rằn ri.

Bọn trẻ ngồi lên những tảng đá.

Giáo sư vắt râu cho khô nước rồi nói:

- Chiến tranh là thế đấy!

Karik và Valia lặng thinh.

Chúng nhìn đăm đăm sang bờ bên kia, nơi lũ kiến lửa đang chạy đi chạy lại.

Valia lấy tay vuốt nước trên mặt, hỏi:

- Những con kiến ấy… chúng không biết bơi hả bác?

- Không, chúng không biết bơi đâu! – Ivan Germogenovich trấn an cô bé.

Karik thở hổn hển nói:

- Cháu có đọc sách, thấy nói là chúng nối nhau con nọ ôm con kia làm thành cái cầu av2 bằng cách đó đi qua sông.

Ivan Germogenovich gật đầu:

- Đúng thế đấy! Tuy nhiên ở đây chúng không nhiều đến mức có thể làm được cầu.. Và nói chung…

Giáo sư lo lắng ngước nhìn bầu trời bao phủ những đám mây đen nặng nề rồi quay ngoắt lại phía bờ.

- Các cháu ạ, có một nguy cơ khác đang đe doạ chúng ta. Bây giờ sặp đổ xuống một trận mưa rất kinh khủng… Chúng ta phải trú vào một nơi nào đó… Càng nhanh càng tốt.

Valia phì cười:

- Đằng nào thì chúng ta cũng đã ướt sũng rồi, bác còn lo gì nữa?

Ivan Germogenovich nói:

- Các cháu quên rằng bây giờ ngay giọt nước mưa đầu tiên sẽ quật ngã chúng ta, giọt thứ hai sẽ cắm sâu chúng ta xuống đất. Nào các cháu! Nhìn kỹ xem quanh đây có cái mái nào chắc chắn để chúng ta có thể trú qua trận mưa không?

Các khách du lịch chưa kịp rời khỏi con sông thì bầu trời đã đen sẫm lại, gió lạnh thổi ầm ầm trên đỉnh cao của rừng cỏ rồi những giọt mưa bắt đầu rơi lộp độp trên lá.

Nhưng đó mới chỉ là những giọt mưa đầu tiên.

Giáo sư kêu lên:

- Chạy mau theo bác!

Ông lăn tròn mình xuống bờ dốc rồi nhanh nhẹn đứng dậy chạy tiếp.

Bọn trẻ cắm đầu chạy theo giáo sư.

Những cái áo mưa của họ bay phất phới trong gió. Những cái dù rung rinh. Cán dù mỏng manh cong như cánh cung.

Đột nhiên giáo sư rẽ ngoặt sang một phía.

- Lại đây! Các cháu! – Ông kêu lên rồi chạy đến một ảtng đá cao màu xám, nhô cao trên thung lũng như một cái tháp.

Trên tảng đá có một khối đá lớn màu nâu sẫm.

Từ xa tất cả nom giống hệt một cái nấm khổng lồ.

Giáo sư chạy đến chân tảng đá kỳ lạ đó ngẩng đầu lên ngắm nghía rồi xoa tay nói:

- Thật là tuyệt!

Karik và Valia cũng chạy đến nơi đồng thanh kêu lên:

- Cái gì thế bác?

- Tảng đá gì thế bác?

Giáo sư hỏi:

- Các cháu không nhận ra ư? Nào, ngắm kỹ cái vật kỳ diệu đó xem nào!

Tảng đá vươn cao lên trời, càng lên cao càng thu hẹp lại

Ở tít trên cao, khoảng tầng thứ mười của một ngôi nhà cao, có một cái mái tròn rỗ lỗ chỗ như tổ ong. Nó sụp xuống dưới như vánh của một cái mũ khổng lồ bị ướt nước mưa. Bóng đen của mái che đến giữa cái cột.

Valia kêu lên:

- Cây nấm!

Ivan Germogenovich cười vang:

- Cố nhiên là cây nấm rồi!

Karik hỏi:

- Không biết đây là nấm gì bác nhỉ? Nấm bạch dương, nấm giết ruồi hay nấm ruyt-suyn?

Ivan Germogenovich vừa hé miệng định trả lời thì một trận mưa rào đổ xuống. Tiếng của giáo sư chìm trong tiếng mưa ầm ầm.

Cả giáo sư lẫn bọn trẻ chưa từng thấy trận mưa nào như vậy trong đời…

Trong không trung những quả cầu nước nặng nề rít lên rơi xuống đất ầm ầm. Những cục đất văng lên cao tựa như có đan đại bác nổ. Đất bùn chưa kịp rơi xuống đất thì hàng trăm quả cầu nước mới lại gầm rú lao xuống nền đất nổ tung toé khắp nơi.

Những dòng nước đổ xuống đất. Chẳng bao lâu một màu nước đục mờ che khắp mọi cảnh vật xung quanh.

Không khí đột nhiên trở nên lạnh lẽo.

Giáo sư và bọn trẻ đứng co ro như những con ngỗng đứng trên mặt băng.

Gió lạnh buốt thổi tạt ngang sườn, hắt những bụi nước giá lạnh vào các khách du lịch.

Karik, răng đánh lập cập vào nhau, rên rỉ:

- La… ạnh quá!

Ivan Germogenovich cửa động đôi vai nói:

- Gay go thật, các bạn ạ! Thế này thì chúng ta đến chết cóng mất. Phải tìm được phía khuất gió của cây nấm.

Thế này nhé… Karik, cháu đi sang phải, còn Valia, cháu đi sang bên trái. Điểm tập trung là ở đây. Các cháu nhìn kỹ xem có chỗ nào tốt hơn không… Nào, thôi đi đi!

Bọn trẻ run lập cập chạy quanh cây nấm khổng lồ.

Valia chạy quanh một mỏm lồi ra của thân cây nấm. Gió đang thổi vào lưng cô bỗng biến mất.

Sau chỗ lồi ra, gió lặng.

Ngay dưới chân là củi và cành khô lăn lóc. Mặt đất còn ấm. Dẫm bàn chân tê cóng lên đó, Valia cảm thấy ấm áp hẳn lên.

Đó là chỗ khô và ấm nhất dưới cây nấm, chỉ có hơi tối một chút. Ở một chỗ không cao lắm so với mặt đất, thân cây nấm bị nứt ra và vỏ cây treo lủng lẳng như một cái hiên, tạo nên bóng tối lên mặt đất.

Valia chui xuống dưới mái hiên. Cô gọi to:

- Lại đây! Lại chỗ cháu ở đây! Cháu tìm được một cái lều! Ở đây có một cái lều! Lại đây đi!

Giáo sư và Karik chạy lại từ hai phía khác nhau. Ai cũng thích cái góc hẻo lánh có mái che này.

Sau khi xem xét kỹ, Ivan Germogenovich nói:

- Rất tốt! Cái thuỷ tạ này thật thuận tiện cho việc trú mưa.

Ông kéo những thân cây khô dầy dặn đến dưới mái hiên và các khách du lịch ngồi xuống thoải mái.

Karik cao hứng nói:

- Cháu đề nghị đặt tên chỗ trú này của các nhà du lịch là “Cây nấm Valia”.

Valia khoái chí với đề nghị của Karik. Cô nói:

- Cháu không phản đối.

Giáo sư nói:

- Giá bây giờ có được mỗi người một ly trà nóng và…

Ông chưa kịp nói hết câu thì một vật gì rất nặng rơi xuống mái hiên lăn ầm ầm trên đầu mọi người.

Một con rắn trắng có đầu đen uốn cong mình, ngoằn ngoèo thấp thoáng hiện ra trong không trung. Nó đập mình xuống đất, quằn quại dưới chân các khách du lịch như muốn tấn công họ.

Bọn trẻ chạy bổ đến bên giáo sư, trốn sau tấm lưng rộng bè của ông.

Nhưng cả giáo sư cũng sợ hãi bước lùi lại.

Con rắn này to gần gấp đôi Ivan Germogenovich và béo hơn ông nhiều. Cắm cái đầu đen xuống đất như một mũi khoan, nó quay tròn uốn éo thân mình rồi đi biến vào trong đất.

Giáo sư lẩm bẩm:

- À, ra thế!

Các khách du lịch còn chưa kịp hoàn hồn thì ở phía trên xổ xuống một trận mưa rắn trắng. Những con này cũng nhanh chóng biến xuống dưới đất.

Bọn trẻ cắm đầu bỏ chạy.

Giáo sư kêu lên:

- Đứng lại! Chạy đi đâu thế?

Ông nắm tay giữ chúng lại.

Valia thút thít khóc:

- Rắn!

- Rắn nào mà rắn! Chỉ nói nhảm! Cô bạn ơi, đây đâu phải là rắn mà là ấu trùng bình thường của muỗi.

- Muỗi hả bác?

- Chính thế! Ấu trùng của loài muỗi nấm. Các cháu nhìn thấy không – Giáo sư chỉ tay vào cái mái nấm hình cái mũ – Các cháu thấy chúng ăn hư cây nấm không?... Các cháu đừng sợ! Chúng thậm chí không nhìn đến các cháu nữa. Bây giờ chúng còn mải lo chuyện khác… Trong khi đất còn đang ướt và xốp, chúng lại vội vã chui sâu xuống dưới đất để biến thành nhộng ở đó.

Bọn trẻ nghe thế mới yên tâm.

Mọi người lại ngồi xuống dưới mái hiên, nép sát lại bên nhau.

Cơn mưa rào vẫn tiếp tục dội xuống ầm ầm. Rừng cỏ rũ xuống dưới sức nặng của những dòng nước. Mưa rơi như đánh trống lên chiếc mũ nấm, mạnh như sấm rền trên đầu mọi người.

Giáo sư và bọn trẻ lo lắng nhìn lên trên, bất giác rụt cả cổ lại.

Bỗng Karik kêu lên:

- Úi chà, lại một con nữa to quá! Nó đang bò lại kìa!

Một con vật trần trụi, mập ú uể oải bò trên mái. Nó giống như một cái nệm bông bẩn thỉu căng phồng.

Lưng con quái vật bóng loáng như thoa mỡ.

Đề phòng bất trắc, Valia nép vào sau lưng giáo sư rồi hỏi:

- Con gì thế bác?

Ivan Germogenovich bình thản đáp:

- Con sên đấy! Một con sên thông thường.

- Nó cũng sẽ rơi xuống ư bác?

Giáo sư bật cười:

- Không đâu, đừng có hòng nó ngã! Nó bám chắc lắm.

- Nó cũng là côn trùng có hại hả bác?

- Sên ấy à? Sao cháu lại nghĩ thế? Sên là bạn tốt của cây nấm. Tuy nó có ăn nấm, nhưng đồng thời nó lại giúp nấm sinh sôi nảy nở…

- Sao lại vừa có ích, vừa có hại được hả bác?

Giáo sư vuốt râu, chậm rãi trả lời:

- Con sên nuốt những mẩu nấm có chứa nha bào nấm là hạt giống của cây nấm. Nha bào này đi qua dạ dày của sên, khi rơi xuống đất sẽ mọc lên cây nấm. Nhiều loại nấm nếu không nhờ có sên thì đã trở nên rất hiếm chứ không nhiều như hiện nay.

Karik cười nói:

- Ồ, Valia à! Chúng ta đặt tên “nấm Valia”. Còn bây giờ cái mũ nấm sẽ phải gọi là “mũ nấm sên”!

Valia định đáp lại điều gì đó, nhưng ngay lúc đó giáo sư ra dấu bảo im lặng rồi chăm chú lắng nghe cái gì đó, tỏ ý lo ngại.

- Cái gì thế nhỉ? Các cháu có nghe thấy không?

Các khách du lịch đứng cả dậy.

Qua tiếng mưa ầm ĩ họ nghe thấy một tiếng gầm réo xa xôi tựa như ở nơi đâu đó có sóng biển xô vào các tảng đá.

Tiếng sóng nước mỗi lúc một gần hơn và ngày càng to hơn.

Valia lắng nghe, thì thầm nói:

- Tiếng sấm hay sao ấy!

Bỗng trong không trung tiếng gầm rú rền vang. Không hiểu từ đâu nước bỗng ùa tới. Xung quanh những dòng nước đục ngầu mênh mông như biển cả réo sôi ngầu bọt trắng.

Ivan Germogenovich và bọn trẻ đứng trên hòn đảo nhỏ nép sát vào thân cây nấm.

Dòng nước chảy xiết gầm réo cuốn đi tất cả những gì gặp trên đường, làm những cây cỏ đổ rạp xuống mặt đất.

Cây nấm đứng tựa cây tháp trên hòn đảo. Nhưng nước mỗi lúc một dâng cao đe dọa tràn ngập cả đảo lẫn tháp.

Nước đã mấp mé ngay sát dưới chân.

Giáo sư nói:

- Có lẽ gần đây có con suối nào tràn nước qua bờ và thế là…

Ông giang tay ra tỏ ý bất lực.

Valia lo lắng hỏi:

- Thế nước có cuốn chúng ta đi mất không?

Giáo sư lặng thinh không đáp.

Ông cau mày lặng lẽ ngắm nhìn đôi chân mình, cử động những ngón tay đã tê cóng.

Nước dâng lên.

Mặt nước mỗi lúc một nhô cao đe doạ sẽ cuốn các khách du lịch khỏi đảo, lôi tuốt vào trong rừng cỏ rậm rồi dìm chết trong một khe lạch sâu nào ở đó.

Nhìn thấy giáo sư hoang mang bối rối, Karik hiểu rằng Ivan Germogenovich không thể có cách gì cứu vãn được tình thế. Cậu chạm vào bàn tay lạnh giá của giáo sư rồi cả quyết nói:

- Bác Ivan Germogenovich ơi, có lẽ tình hình không đến nỗi tuyệt vọng lắm đâu!

- Cháu có ý kiến gì vậy?

- Phải leo lên cây nấm! – Karik đáp.

- Ừ… ừ… - Giáo sư lơ đãng lẩm bẩm nói - thử trèo lên cây nấm vậy.

Nhưng sau khi nhìn thân cây nấm to tròn, mọc thẳng đứng lên cao, ông lắc đầu thở dài buồn bã: không thể nào leo lên đó được!

Valia ngắm nghía cái vỏ nấm lủng lẳng trên kẽ nứt rồi hỏi:

- Thế nếu leo lên cái mái hiên thì sao? Nó có chịu nổi hay không?

Giáo sư ngó lên cao:

- Tuyệt quá! – Ông sung sướng reo lên – Đó là ý kiến rất hay. Nào, mau lên các bạn! Hay thật đấy!

Ông giúp bọn trẻ leo lên vai ông, rồi từ vai ông chúng bò lên mái hiên. Đầu tiên là Valia, rồi đến Karik.

Valia quỳ xuống cúi đầu ngó qua bờ mái và chìa tay ra cho giáo sư.

- Nào, bác đưa tay ra cho cháu kéo giúp!

Giáo sư âu yếm cháy mắt.

Valia kêu lên:

- Ủa, sao bác lại thế?

- Không sao đâu! Không sao đâu! Bác đứng đây một chút – Ivan Germogenovich nói.

Ông biết rằng bọn trẻ không đủ sức kéo ông lên mái. Vả chăng cái mái cũng không chịu được sức nặng của cả ba bác cháu.

Trong khi đó nước cứ dâng cao mãi. Nó gần như ngập khắp cả đảo và tràn đến chân Ivan Germogenovich. Sóng nước xô vào thân cây nấm, trùm lên đầu giáo sư đang run lên vì lạnh.

Biết làm sao đây?

Bơi đi ư?

Nhưng biết bơi đi đâu?

Chưa đến bờ thì đã chết cóng rồi.

Mà bỏ bọn trẻ một mình sao được?

Giáo sư đứng im, răng đánh vào nhau lập cập, buồn bã nhìn hồ nước đang réo sóng xung quanh.

Nước đã lên đến đầu gối Ivan Germogenovich. Dòng nước chảy xiết như muốn quật ngã ông xuống.

Những cây gỗ lao thẳng vào ông, xô đẩy ông, đập vào đầu gối ông rất đau. Chân Ivan Germogenovich đầy những vết xước rất sâu.

Nước đã tới thắt lưng.

Ông đứng đó, mím chặt đôi môi đã lạnh cóng, cố gắng không nghĩ ngợi gì cả.

Ivan Germogenovich thoáng nghĩ: “Có lẽ bọn trẻ phải tự lo tìm đường về nhà mất!”

(1) Kara- Kum là tên một miền sa mạc ở vùng Trung Á Liên Xô (ND)



Chương 10
KHU RỪNG CHẾT – TÌM CHỖ NGỦ ĐÊM – VALIA TÌM THẤY KHÁCH SẠN RỪNG XANH – GIÁO SƯ TẤN CÔNG CON BỌ SUỐI – ĐÊM ĐẦU TIÊN TRONG THẾ GIỚI MỚI.

- Bác leo lên đây đi! – Bọn trẻ kêu lên, lo lắng nhìn xuống Ivan Germogenovich.

- Không sao, không sao! – Ông đáp, run lên vì lạnh.

Valia nhìn giáo sư, miệng méo xệch như muốn khóc. Karik cau mày, mím chặt môi ngoảnh mặt đi - Cậu không có cách gì giúp được Ivan Germogenovich và cậu cũng không đủ can đảm nhìn bác giáo sư tốt bụng bị chết ngay trước mắt mình.

Ivan Germogenovich nói:

- Các cháu ơi! Nếu có chuyện gì xảy ra với bác thì các cháu đừng quên ngọn hải đăng nhé! Các cháu hãy mau chóng đến đó - Chỉ có cách đó các cháu mới trở về nhà được; bác đã nói kỹ với các cháu rồi. Ngoài ra không có cách nào khác cả.

Không ai đáp lại ông. Bọn trẻ hoang mang bối rối nhìn quanh. Chúng làm bộ tựa như không nghe thấy lời ông. Nhưng cả Karik lẫn Valia đều rưng rưng nước mắt.

Giáo sư chuẩn bị chết.

Chắc chắn ông đã chết, không sống nổi đến chiều, nếu như trận mưa không đột nhiên tạnh hẳn.

Mọi vật xung quanh lập tức trở nên im ắng.

Một vài đám mây còn bay trên cao, nhưng bầu trời đã trở nên quang đãng.

Vầng mặt trời đỏ ối lăn sau những ngọn đồi.

Những giọt mưa thưa thớt hãy còn rơi trên mái nấm. Những buổi chiều hè vui vẻ, tràn ngập ánh sáng mặt trời lặn, đã bừng lên trên mặt đất bốc theo hơi nước ấm áp.

Xung quanh Ivan Germogenovich sóng vỗ ì ầm. Chúng cũng đỏ như mặt trời lặn và cũng tím biếc như bầu trời lúc ban chiều.

Những khúc gỗ và những cây cỏ bật rễ quay lộn, trôi trong dòng nước đục ngầu.

Giáo sư đứng giang rộng hai chân dùng đôi tay tê cóng gạt những thân cây trơn và ướt đang lao vào ông như những con vật sống.

Nước hạ thấp dần.

Một cái cây khổng lồ trôi qua cây nấm, bị sóng xô đẩy từ từ hạ xuống đất. Ivan Germogenovich vội vã đặt đôi chân tê cứng lên thân cây ướt đẫm.

Karik sung sướng reo lên:

- Thế là hết rồi!

Valia vỗ tay reo:

- Nước đi rồi! Đi hết rồi! – Nhìn xem kìa, hết nước rồi, Có thể trèo xuống…

Ivan Germogenovich co ro đôi vai, đổi chân đứng, húng hắng ho rồi nói:

- Phải rồi! Các cháu trèo xuống đi… Phải đi thôi.

Bọn trẻ nhanh nhẹn trèo xuống đất.

Valia nói với giáo sư:

- Chao ôi, bác hoàn toàn lạnh cóng rồi! Bác cháu mình cùng chạy đi. Khi chạy, bao giờ người cũng nóng lên.

Ivan Germogenovich gật đầu:

- Được rồi! Nhưng trước hết cần xem là ta phải đi về hướng nào. Nào, Karik cháu hãy trèo lên cây xem ngọn hải đăng ở đâu.

- Vâng, thưa bác Ivan Germogenovich.

Karik chạy đến một thân cây cao có mấu. Cậu bám vào những mấu cây hãy còn đang ướt, nhanh nhẹn trèo lên cao.

Thân cây lắc lư.

Những dòng nước lạnh chảy theo lá cây như theo ống máng tuôn chảy lên người Karik.

Karik rùng mình, nép sát vào thân cây. Nhưng lập tức cậu giũ nước như con mèo rồi lại trèo tiếp.

Đã lên đến đỉnh cây cỏ.

Đỉnh cây trĩu xuống dưới sức nặng của Karik.

Cậu khẽ lắc lư, quay đầu về bên phải, rồi bên trái.

Ở phía dưới, rừng cây nối tiếp nhau chạy dài đến hết tầm mắt. Nhưng bây giờ rừng không còn giống như trước nữa. Mọi cây cối đều ngả về một phía tựa như bị đốn ngã.

Những cái lá to rộng uốn cong dưới sức nặng của những quả cầu nước khổng lồ trong suốt như đúc bằng thuỷ tinh pha-lê. Mặt trời lặn phản chiếu ánh sáng đỏ tía trên bề mặt những giọt nước.

Khắp khu rừng như có trăm nghìn ngọn lửa đang cháy sáng.

Karik run rẩy vì lạnh, xoay người trên cây nhìn về phía sau.

Xa xa về phía tây cậu nhìn thấy cây cột đơn độc. Trên đỉnh cột lá cờ ướt đẫm treo rũ xuống.

- Nó kia kìa! Karik kêu lên, vungtay về phía tây - phải đi tới đó; về phía đó.

Ở dưới, Valia kêu lên:

- Nhìn thấy rồi, nhìn thấy rồi!

Karik nhanh nhẹn tụt xuống đất.

Các khách du lịch lên đường đi sâu vào trong khu rừng cỏ rậm rạp.

*

* *

Trong khu rừng yên tĩnh.

Thỉnh thoảng những quả cầu nước rơi xuống đất vang động rồi sự tĩnh mịch chết chóc lại trở lại.

Không thấy bóng dáng một con vật sống nào cả. Mọi vật xung quanh tựa như chết trong giấc ngủ say, hệt như vương quốc bị phù phép trong chuyện cổ tích.

Valia hỏi:

- Những cái con… ấy biến đi đâu mất rồi hả bác? Mưa giết chúng hết cả rồi hay sao?

- Những con ấy là những con gì?

- Những con thú khác nhau, những con thú rừng ấy mà…

- Cháu muốn nói những con côn trùng phải không?... Chúng ở quanh đâu đây – Giáo sư co ro xuýt xoa đáp lại – Chúng ần náu ở đâu đây thôi!

- Chúng ngủ ư bác?

- Chúng hong mình cho khô.

Ivan Germogenovich xoa mạnh đôi tay tê cứng và rảo bước đi nhanh hơn – Ông vừa đi vừa nói:

- Tất cả những con biết bay và biết nhảy trong rừng cỏ, sau trận mưa bao giờ cũng chờ mặt trời làm khô thân mình chúng. Lúc đó chúng sẽ lại chạy nhảy và bay đi… Chúng cũng kiên nhẫn ngồi như vậy mỗi buổi sáng, mình ướt đẫm sương đêm, chờ đón mặt trời mọc.

Karik phì cười:

- Như thế càng hay! Cho chúng hong mình cả năm cháu cũng không tiếc.

Valia nói:

- Như vậy chỉ có mỗi mình chúng ta ở trong rừng hả bác? Thế mà cháu cứ sợ lúc mình nằm ngủ chúng sẽ tấn công. Còn bây giờ, cháu chẳng phải sợ gì nữa.

Bọn trẻ vui vẻ hẳn lên.

Chúng vừa đi, vừa chuyện trò ba hoa không ngớt, rồi lại bày đặt trò chơi. Chúng đuổi bắt nhau trong rừng, gọi nhau ầm ĩ và ẩn trốn sau những thân cây cỏ.

Karik có lúc chạy vọt xa lên phía trước, còn Valia liều lĩnh thó mũi vào từng khe vách và cửa hang. Cô muốn nhìn xem bộ dạng những con quái vật của rừng cỏ sau cơn mưa ra sao.

Giáo sư theo dõi Karik và Valia mỗi lúc một lo ngại hơn - Cuối cùng ông giận dữ nói:

- Này, các cháu đừng tưởng rằng tất cả các côn trùng bây giờ sẽ hiền lành ngồi đợi mặt trời mọc… Chỉ cần trời tối hẳn là các ác thú ban đêm sẽ bò ra từ các hang động. Những ác thú ban đêm có lẽ còn đáng sợ hơn ác thú ban ngày… Nói chung các cháu không nên thò mũi vào những khe hở.

Bọn trẻ đưa mắt nhìn nhau. Valia ỉu xìu nói:

- Chúng cháu không biết có những ác thú ban đêm.

Chúng nắm tay nhau đi theo Ivan Germogenovich, không dám tụt lại sau cũng không đám chạy lên trước.

Mặt trời đã lặn hẳn.

Trong rừng tối đen và im ắng khác thường. Cây cối đen xì như bức tường vây quanh các khách du lịch. Gió reo trên đầu buồn não ruột. Thỉnh thoảng những giọt nước rơi xuống đất vang động như tảng đá rơi.

Đi trong đêm tối thật khó khăn.

Giáo sư và bọn trẻ xô phải cây cối mỗi lúc một nhiều hơn, chốc chốc lại vấp ngã.

Cuối cùng Ivan Germogenovich đứng lại nói:

- Khoan đã các cháu! Cứ thế này chúng ta đều lạc mất. Vả lại cũng đến lúc phải lo chỗ ngủ đêm rồi. Bác nghĩ rằng tốt nhất bây giờ chúng ta nên đi dàn hàng ngang ra. Cố nhiên không nên để mất liên lạc với nhau.

Valia thì thầm:

- Tối quá, chúng ta có thể lạc nhau mất.

- Chúng ta sẽ hú gọi nhau luôn.

- Rồi sau thế nào ạ?

- Sau đó phải chăm chú tìm kiếm một chỗ hẻo lánh… Ai gặp chỗ thuận tiện cho việc ngủ đêm, thì gọi to lên… Các cháu đồng ý không nào?

Karik và Valia đồng thanh đáp:

- Đồng ý ạ!

Các khách du lịch tản ra những phía khác nhau.

Valia đi dọc theo con suối rộng. Karik đi kế bên tay trái cô, còn xa hơn nữa là Ivan Germogenovich.

- Các cháu nhìn kỹ vào nhé! - tiếng giáo sư vang lên.

- Hú à! – Valia kêu.

- Hú à! – Karik trả lời.

Bỗng nhiên Valia cảm giác có con gì đang động đậy ở bên cạnh.

Cô bỏ chạy thì lại nghe tiếng chân vội vã đuổi theo sau lưng.

Valia dừng lại nấp vào sau một cái cây. Cô bé hoảng sợ.

- Hú à! – Valia kêu lên.

- Ê… hê… hê! Tiếng hai người đáp lại ở đâu đó sau những bụi cây.

Giáo sư và Karik ở rất gần. Valia yên tâm lại đi tiếp, nhưng ngay lập tức lại nghe thấy tiếng bước chân thận trọng ở phía sau.

- Ai? Ai đó? – Valia kêu lên. Không đợi trả lời, cô bỏ chạy về phía khu rừng tối đen.

Cô chạy vấp nhưng không dám dừng lại cũng không dám ngoái cổ lại nhìn.

Đột nhiên trong bóng tối nhô lên một bức tường cao. Đang đà chạy Valia suýt nữa lao vào tường. May mà cô kịp đưa tay ra phía trước.

Bàn tay cô đụng phải tảng đá lạnh lẽo.

- Hú à! – Valia kên.

- Hú à! – Karik đáp lại ngay.

Valia thở mạnh, bước đi lần theo tảng đá.

Đất dưới chân cô kêu nhóp nhép. Chân thụt trong đám bùn.

Đi được vài bước Valia dừng lại. Trước mặt cô là một vũng nước sâu và rộng.

“Ta đi vòng qua nó từ phía kia vậy!” – Valia nghĩ thế và đi ngược trở lại.

Cô đến được một chỗ khô ráo, lần tay theo vách đá định đi vòng quanh nó. Nhưng đi được vài bước cô bỗng cảm thấy có khoảng trống dưới tay mình.

Valia dừng lại.

Trong bóng đêm hiện ra lối vào hang đen ngòm.

Cô kêu lên:

- Ở đây, ở đây, tìm thấy rồi!

Karik từ sau những lùm cây chạy lại. Cậu ngắm nghía tảng đá rồi nhìn Valia giận dữ nói:

- Thế mà cũng gọi! Đây là một tảng đá. Một tảng đá to… Định chui xuống dưới tảng đá ngủ à?

Valia nói:

- Ngủ ở trong đó chứ! Anh nhìn xem!

Cô đẩy anh lại gần lối vào rộng và tối đen. Lối vào dẫn đi sâu vào trong tảng đá.

Karik lùi xa khỏi tảng đá một chút, ngắm nghía nó với bộ dạng như chuẩn bị mua tậu ngôi nhà. Karik gật gù ra vẻ quan trọng nói:

- Hừ, cũng được đấy! Một khách sạn tươm tất!

Đó là một cấu trúc bằng đá dài dài hơi giống điếu xì gà.

Nó nằm giữa những thân cây có đốt, như thể có một lực sĩ khổng lồ nào trong thần thoại vác nó đến và đặt vào đây.

Karik khum lòng bàn tay lại gọi to:

- Bác I-i-van Ger-mo-ge-no-vich ơi! Chúng cháu tìm thấy rồi!

- Hú à! Bác đi lại đây!

Karik quay lại phía Valia. Cậu vỗ vai cô rồi trịnh trọng nói:

- Em cừ thật! Cái này từa tựa như nhà để máy bay bằng đá… Có lẽ có thể ngủ đêm tại đây thật!... Nào, thử vào trong xem sao!

Ngay trước cửa hang có một thân cây lớn bị mưa làm đổ. Karik trèo lên đó và nhòm vào trong lỗ rộng tối đen.

- Tiếc là không có diêm! - Cậu nói - Chả nhìn thấy gì cả.

Cậu tỳ tay chui đầu và vai vào trong hang.

Valia nóng ruột kéo chân cậu hỏi:

- Thế nào? Có gì trong đó?

Đột nhiên Karik bật lui lại, lăn nhào từ trên thân cây xuống.

Cậu nhảy ra khỏi cái hang, nắm tay Valia vội vã ngồi xuống nấp sau một cái cây.

Karik thì thầm:

- Có người ở rồi! Có một con gì đang ngồi trong đó… to đùng… kinh lắm!

Từ cửa hang tối om thò ra hai cái xúc tu dài và sau đó là một cái đầu tròn đen sì. Nó lắc lư ngó nghiêng bên này, bên kia rồi lại thụt vào.

- Em thấy chưa?

- Thấy rồi! Một con gì râu ria! Có phải đúng là râu không anh?

- Chắc thế! Những con vật ở đây con nào cũng râu ria cả.

Valia thì thầm:

- Phải gọi bác Ivan Germogenovich thôi!

- Hú à! – Karik kêu lên.

- Hú à! – Bọn trẻ nghe thấy tiếng Ivan Germogenovich – Các cháu ở đâu thế? Đi thế nào đây?

- Ở đây ạ! Ở đây!

- Lại đây bác ơi!

Lá cây rì rào trong rừng. Nghe thấy tiếng bước chân nặng nề rồi tiếng ho húng hắng.

Giáo sư bước ra từ sau những cái cây.

- Thế nào? Tìm được cái gì rồi ư?

- Chúng cháu tìm được rồi!

- Dạ! Gần như là đã tìm được rồi!

Valia chỉ tay vào cái hang rồi tự hào nói:

- Cháu tìm thấy đó!

Giáo sư lại gần, lấy cây gậy gõ gõ vào tường đá.

- Bác nhận ra rồi… may mắn đấy!... Chính là cái chúng ta đang cần… một khách sạn hảo hạng cho các khách du lịch như chúng ta.

Ivan Germogenovich đứng lên thân cây đổ ngó vào trong hang.

Karik vội nắm lấy tay ông sợ hãi kêu lên:

- Khoan đã bác! Khoan đã!

- Cái gì nữa thế? Có chuyện gì vậy?

- Các khách sạn đang có người ở… có một con gì đang ngồi ở trong… nó vào đó trước chúng ta…

Valia thì thào:

- Nó có đầu… trông ghê lắm!

Giáo sư bình thản đáp:

- Không sao đâu! Bác biết rõ ông khách này mà… Một người quen biết cũ… Không đầy một phút khách sạn sẽ không có ai ở trong nữa đâu.

Giáo sư đi dọc theo vũng nước, dừng lại ở phía đầu hẹp của tảng đá. Ông ngồi xổm xuống, lần tay trên tường.

Bọn trẻ nghe thấy tiếng ông:

- Thế đấy! Đúng rồi! Mọi chuyện ổn thoả cả!

Ivan Germogenovich lẩm bẩm gì đó nữa rồi đi vào trong đám rừng rậm.

Valia hỏi:

- Bác ấy đi đâu thế nhỉ?

- Anh không biết!

Valia gọi:

- Bác đi đâu thế, bác Ivan Germogenovich?

- Các cháu cứ đứng ở đó. Bác lại ngay bây giờ… - tiếng Ivan Germogenovich vang lên trong bóng tối.

Một phút đã trôi qua, nhưng không thấy giáo sư trở lại. Bọn trẻ nghe thấy tiếng bước chân ông và tiếng ông nói làu bàu gì đó. Nhưng khó mà hiểu được ông đang làm gì ở đấy.

Cuối cùng giáo sư quay trở lại.

Ông kéo theo một cây sào dài và gọi:

- Bác về đây rồi mà!

Lôi cây sào lại tảng đá, giáo sư lại lần tay trên tường sờ thấy một cái lỗ tròn, đút cái đầu nhọn của cây sào vào đó.

Karik và Valia chăm chú theo dõi từng cử động của Ivan Germogenovich nhưng không ai hiểu được ý đồ của ông.

Valia nói:

- Chắc là sắp đánh nhau đây!

- Ừ, chắc thế!

Bọn trẻ cúi xuống, lần tay trên mặt đất. Karik nhấc lên một cái gậy to. Valia tìm được một hòn đá và nắm chắc nó trong tay. Bây giờ chúng sẵn sàng xông tới trợ giúp giáo sư bất kỳ lúc nào.

Ivan Germogenovich đứng thẳng dậy.

- Nào các bạn! Tránh ra một bên đi!

Bọn trẻ không vội vã bước lui ra khỏi cái hang rồi dắt tay nhau đứng sang một bên.

Giáo sư cười vang:

- Bây giờ các cháu hãy xem cái con to lớn kinh khiếp đó chạy biến đi như thế nào nhé.

Giáo sư vặn cây sào sang phải, sang trái rồi đâm nó vào sâu trong khe. Sau đó ông ngoáy đi ngoáy lại cái sào giống như ngoáy que thông lò.

Con quái vật có vẻ không yên.

Cái đầu đen phủ đầy gai nhọn vươn cao trên cửa hang rồi lắc lư cúi xuống thấp.

- Nào, ra nào! – Giáo sư hét lên, toàn thân đè lên cái đầu tày của cây sào.

Con quái vật dãy lên tựa như bị ong châm, thò ra ba cặp chân, đạp cuống quýt chui ra khỏi hang. Nó kéo lê cái thân hình gấp khúc uốn cong, bò lại suối nước.

Bọn trẻ chưa kịp nhìn kỹ nó thì con vật kỳ lạ ấy đã lăn theo bờ dốc nhảy tõm xuống nước. Dòng nước chảy xiết cuốn nó đi biến mất ngay trong bóng tối.

Karik cười vang:

- Gớm, lanh lẹ thật! Bận sau thì chừa cái thói chiếm nhà của người khác.

Ivan Germogenovich vui vẻ làu bàu:

- Thôi mà, cũng chả cần phân giải xem ai chiếm nhà của ai: nó chiếm nhà của ta hay ta chiếm nhà của nó. Trong mọi trường hợp nó cũng sẽ không đi thưa kiện chúng ta đâu.

Karik đoán ra:

- Sao? Thế ra chúng ta chiếm nhà của con vật quái dị này ư bác?

Giáo sư nói:

- Chính là như vậy! Nhưng bây giờ mới hối hận thì cũng muộn rồi! Vả chăng cũng không đáng phải thế!... Nào, bây giờ ta phải ổn định chỗ ngủ thôi. Các cháu hãy khuân cành, lá cây vào đây. Xếp chúng ở cửa hang cho bác.

Công việc tiến hành sôi nổi trong bóng đêm.

Giáo sư và bọn trẻ khuân lá, rễ và thân cây cỏ lại căn nhà.

Công việc rất nặng nhọc.

Một cái lá phải hai người khiêng. Một cánh hoa dày và ẩm ướt nào đó ba người khiêng lặc lè.

Ivan Germogenovich có vẻ vội vã, làm việc luôn tay và thúc giục bọn trẻ:

- Nào, mau lên!... Valia, đừng dẫm vào nước! Karik, bỏ cái lá ấy đi, đằng nào cháu cũng không nhấc nổi nó lên đâu!... Nào, giúp bác khiêng những cành cây này.

Ivan Germogenovich rất hài lòng. Ông cứ sợ phải ngủ ngoài trời, thề mà bỗng nhiên lại gặp may thế này!

Ivan Germogenovich trò chuyện:

- Này, các cháu biết không, hôm nay chúng ta may mắn lắm đấy. Giống như người Anh vẫn nói: chúng ta đẻ ra đã có thìa bạc trong miệng… Rồi các cháu xem… Chui vào nhà rồi các cháu sẽ thấy chúng ta may mắn thế nào.

Karik nói:

- Thế còn trận lụt thì sao? – Karik hỏi – Úi chà… nghĩ đến mà rùng mình! Nó chả giống cái thìa bạc chút nào bác ạ.

- Trận lụt ấy à?... Ừ, đó là những giờ phút đen tối nhất của chúng ta. Nhưng dù sao chúng ta cũng không chết đuối kia mà… Mà các cháu biết không, trận lụt cũng giúp ích nhiều cho ta đó… Nếu không có trận lụt thì bác cũng không biết đêm nay sẽ ngủ ở đâu rồi đêm hôm sẽ xảy ra chuyện gì… Chính là trận lụt đã quăng con bọ suối cùng căn nhà của nó lên bờ.

Valia nói:

- Thậm chí nó cũng không kháng cự nữa! Cái con to thế mà lại hiền.

- Cái gì? Con bọ suối mà hiền ư?

Ivan Germogenovich phá ra cười. Ông nói tiếp:

- Không, nó không hiền lành gì đâu. Ở dưới nước nó có tha ai bao giờ. Cái con ác thú tham lam này ăn các con tôm nhỏ, các ấu trùng của sâu bọ, nhiều khi ăn cả họ hàng bà con của mình.

- Nó tệ như đồ ăn cướp thế ư bác?

- Đúng là tên cướp chính cống… Các cháu xem nó đi săn mồi thế nào. Nó trang bị mới ghê chứ. Cái quân ăn cướp đường ấy chui vào trong vỏ bọc rắn chắc không xuyên thủng được. Các hiệp sĩ đời xưa trang bị cũng không bằng! Hiệp sĩ chỉ mặc có áo giáp và mũ sắt, còn ông lớn này thì mang theo cả một pháo đài.

Valia hỏi:

- Thế là nó ngồi trong đó như xe tăng hả bác?

Ivan Germogenovich nói:

- Cũng không hẳn thế! Các chiến sĩ xe tăng ngồi trong xe tăng đi. Còn con bọ suối cõng chiếc xe tăng trên mình nó.

Valia ngắm nhìn tảng đá rồi lắc đầu:

- Nặng khiếp lênđược!... Chà chà… !

Ivan Germogenovich nói:

- Cũng không phải bọ suối nào cũng có nhà nặng nề thế này. Ở chỗ nào có lau sậy mọc và những mẩu cây khô rơi xuống đấy thì ở đó bọ suối làm nhà trong ruột ống sậy. Còn nếu chỗ nào đầy cát hay đá thì chúng kết nối những mảnh đá, mảnh vỏ ốc, các hạt cát và xây dựng khán đài bằng những vật liệu này. Cũng có khi gặp cả những căn nhà bọ suối làm bằng lá cây khô rơi xuống nước.

- Thế tại sao nhà của chúng lại có hai cửa ra vào: một cửa to và một cửa nhỏ?

Ivan Germogenovich đáp:

- Đó là để cho nước chảy thông qua nhà.

- Như vậy để làm gì hả bác?

Giáo sư ngạc nhiên:

- Sao lại để làm gì? Nhà của bọ suối lúc nào cũng ngập đầy nước. Nếu nước cứ tù hãm không thay đổi rêu mốc sẽ phủ đầy vách nhà, hàng triệu vi khuẩn sẽ công phá pháo đài của con ác thú này ngay. Nước tù hãm đối với vi khuẩn cũng cần thiết như ta cần không khí vậy.

Karik khâm phục nói:

- Bác nghĩ ra mẹo đuổi được nó đi thật hay quá!

Ivan Germogenovich khiêm tốn đáp:

- Ồ, đó đâu phải là phát minh của bác. Bác nhớ hồi còn bé bác và các bạn của bác bắt bọ suối bằng cách này. Thường chỉ cần đút cọng rơm vào cổng hậu thì bọ suối đã thò ra cổng trước rồi. Khẽ lắc lắc là nó đã rơi vào lòng bàn tay.

Karik ngạc nhiên hỏi:

- Bác bắt bọ suối làm gì?

Giáo sư đáp:

- Để làm mồi câu cá. Mồi bọ suối là tốt lắm!

- Câu cá hả bác? – Karik hỏi lại, thậm chí nhảy cả người lên - Thế cá có bắt mồi không bác?

Giáo sư phì cười:

- Cháu cũng hay câu cá à? Úi chà, người bắt nắng đen nhẻm ra kìa!

Karik hoa chân múa tay:

- Úi chà… cá ấy à… cháu có thể ngồi câu suốt cả tháng…

- Thế cây thế nào? Được nhiều cá không?

Karik thành thực thú nhận:

- Không ạ! Không hiểu sao cháu cứ không gặp may.

- Thế à! Nếu vậy thì bác khuyên cháu nên thường xuyên dùng mồi bọ suối. Không có mồi nào tốt hơn đâu.

- Phải thử mới được!

Valia hỏi:

- Thế bây giờ nó sẽ ra sao, cái con bọ suối… mất vỏ ấy? Nó có chết không bác?

Ivan Germogenovich thản nhiên đáp:

- Nó không chết đâu! Trong lúc chúng ta đang trò chuyện thế này thì nó đã làm xong nửa ngôi nhà mới rồi… Cháu đừng lo! Nó không chết đâu… Lớn lên nó còn biến thành con có cánh bay.

- Nó? Bay được?

Ivan Germogenovich nói:

- Chính thế! Nó biến thành con vật rất giống con bướm đêm… Không những nó bay giỏi mà chạy trên mặt đất, mặt nước cũng tài. Đến thời gian đẻ trứng nó xuống nước gắn trứng vào cây cối mọc dưới nước.

Ivan Germogenovich đưa mắt ước lượng đống cành lá lấy được trong lúc nói chuyện và nói:

- Thôi, đủ rồi! Không khéo ta lại bịt mất cả lối vào… Nào, chui vào đi.

Karik và Valia không đợi phải nhắc thêm. Chúng nhảy qua đống cành lá, thận trọng bước vào hành lang tối mờ mờ.

Ở mãi đầu cùng ánh sáng yếu ớt lọt qua khe hẹp.

Bọn trẻ đi trong bóng tối, lần tay theo bức vách. Chân bước lên sàn êm như bước trên thảm.

Tường cũng êm như vậy.

Karik với tay sờ lên trần.

- Cả đây cũng êm nữa! - Cậu ngạc nhiên nói.

Bọn trẻ đi đến tận cùng hành lang, dừng lại trước cái lỗ tròn.

Gió lạnh thổi vào chân.

Karik nói:

- Phải đóng cái cửa sổ này lại. Mẹ bảo không được ngồi chỗ gió lùa!

Karik quay lại, lôi đến một cánh hoa mềm mại. Cậu vo nó lại, đút nút kín cái lỗ.

Valia nói:

- Bây giờ gió không thông nữa, nhưng lại tối quá. Chúng ta quay lại đi.

Bọn trẻ quay lại cửa hang. Ở đó, giáo sư đang loay hoay với đống cành lá.

Ivan Germogenovich hỏi:

- Thế nào? Các cháu có thích căn nhà không? Sống được chứ?

Karik vui vẻ đáp:

- Xung quanh chỗ nào cũng lót thảm. Con bọ suối này sống sang thật.

Ivan Germogenovich đồng ý:

- Cũng khá sang! Những thảm này không phải bình thường đâu. Nếu ai muốn lôi con bọ suối ra khỏi nhà, nó sẽ bấu chắc gai nhọn vào thảm. Lúc đó không sức mạnh nào làm nó nhúc nhích nổi… Nhưng thôi, bắt tay vào việc đi các bạn! Giúp bác bịt cái cửa này lại kẻo đêm tối lỡ có ông khách không mời nào mò vào.

Giáo sư có bọn trẻ giúp sức xếp những rễ cây thành một đống ở cửa hang rồi gác những cành cây lên trên. Ông xếp nhưng cánh hoa lên trênc ùng.

Một chiến lũy thực sự được hoàn thành. Chỉ ở mãi tít trên cao mới chừa lại một khe hẹp cho ánh sáng đêm xanh biếc lọt vào căn nhà.

Giáo sư nói:

- Tốt lắm! Bây giờ thì không con gì mò vào được nữa. Các cháu nằm ra nghỉ ngơi đi thôi.

Bọn trẻ chọn một chỗ tốt trong góc sát tường, nằm dài trên tấm thảm êm ái và nép thật sát lại nhau.

Giáo sư nằm xuống bên cạnh.

Các khách du lịch dũng cảm im lặng lắng nghe gió đêm buồn bã thổi bên ngoài bức tường nhà, các thân cây cọ vào nhau như than vãn.

Những giọt nước nặng như những viên sắt rơi lộp bộp từ những tàu lá ướt xuống mái nhà.

Trong nhà ấp áp và khô ráo.

Giáo sư và bọn trẻ nằm dài trên sàn. Thảm êm như cái đệm lông. Nhưng các khách du lịch nằm mãi không chợp mắt được.

Đó là đêm đầu tiên của họ trong thế giới mới mẻ và kỳ lạ này. Mới một ngày qua mà họ đã trải qua bao nỗi nguy hiểm gian truân.

Bầu trời ban đêm chiếu sáng qua khe hàng rào cản. Những vì sao khổng lồ lấp lánh trên cao.

Valia nằm mở mắt. Cô nhìn mãi ngôi sao xanh treo trên cửa hang. Ngôi sao thật lớn giống như mặt trăng, chỉ khác là luôn luôn lấp lánh.

Cũng hệt như khi ở nhà nằm trên giường ngó qua cửa sổ ngắm ngọn đèn đường to như mặt trăng rung rinh trước mặt.

Valia nhớ lại tiếng động đứt quãng của tàu điện, tiếng còi xe hơi khàn khàn gắt gỏng và những vệt sáng lướt nhanh qua cửa sổ tựa như đuổi bắt nhau.

Valia nhắm mắt lại.

Thoáng một giây lát cô tưởng như mình đang ở nhà, nằm trên giường ấm, lắng nghe tiếng ồn ào vui vẻ ngoài phố.

Cánh cửa sang phòng bên khép hờ, nhưng một vệt sáng vẫn lọt qua khe dưới cánh cửa.

Mẹ đang dọn dẹp trong phòng ăn. Tiếng chén dĩa kêu loảng xoảng, nhưng cái thìa uống nước trà reo vang.

Rửa bát đũa xong, mẹ lau những mẩu vụn trên bàn rồi trải lên bàn chiếc khăn sạch trắng.

Valia thở dài.

Cô nhớ lại mẩu phó mát còn lại trên bàn mỗi buổi sáng sau bữa ăn và nuốt nước miếng.

Chao ôi! Giá mà mang được tới đây, vào trong cái hang này, dù chỉ một mẩu phó mát thơm ngon thôi! Cố nhiên một mẩu đó cũng đủ cho bữa chiều của cả giáo sư lẫn cô và Karik, thậm chí có khi còn thừa đôi chút cho bữa sáng.

Và Valia lại thở dài.

Biết đâu sẽ ở lại vĩnh viễn trong cái thế giới kinh khủng này?

Liệu có trở về nhà được không?

Có gặp lại mẹ nữa không?

Valia khẽ nói:

- Chắc mẹ đang khóc!

Karik đồng tình:

- Đang khóc! Chắc chắn là đang khóc!

Bọn trẻ miên man suy nghĩ.

Giờ đây mẹ đang làm gì?

Có lẽ mẹ đang nằm trên giường, quần áo chưa thay. Mỗi tiếng động đều làm mẹ nhỏm dậy lắng nghe xem có phải các con trở về hay không?

Trên bàn bữa ăn chiều dành cho chúng được đậy điệm cẩn thận. Tiếng đồng hồ tích tắc đều đều trong phòng ăn. Con mèo loay hoay trong góc nhà.

Nước mắt trào ra má Valia. Cô khẽ nắm tay chùi và nhắm chặt mắt cho khỏi khóc:

- Không, dẫu sao mình cũng sẽ không khóc!

Bên ngoài tường của căn nhà gió đêm rít lên uể oải.

Những khách du lịch nằm dài, mỗi người theo cách của mình, nghĩ lại về thế giới rộng lớn mà cách đây không lâu họ còn sống ở đó.

Cuối cùng giáo sư thở dài:

- Chuyện nhảm nhí, không có lẽ nào chúng ta lại không trở về nữa… Các bạn ơi, đừng mất tinh thần, chúng ta sẽ trở về.

Karik và Valia không đáp lại. Chúng đã ngủ thật say.

Lúc đó Ivan Germogenovich ngáp thoải mái, trở mình nằm nghiêng, đặt nắm tay dưới đầu thay cho gối và ngáy vang.

*

* *

Các khách du lịch đã ngủ say đến nỗi không nghe thấy trận mưa rào mùa hạ lại trút xuống vào ban đêm.

Chương 11
KHÔNG KHÍ BẤT THƯỜNG – GIÁO SƯ ĐÃI CÁC BẠN NHỎ MÓN TRỨNG – IVAN GERMOGENOVICH MỞ TIỆM MAY – CON ONG ANDREJEVNA – GIÁO SƯ VÀ KARIK BIẾN MẤT.
Trên mặt đất lạnh lẽo sương mù chạy lan như những làn sóng, giống hệt như đổ sữa lên khu rừng đen im ắng, lấp đầy các khe lạch.
Các ngọn cây cao thấp thoáng ẩn hiện trong sương mù.
Cái lạnh và ẩm ướt của buổi sáng bò lan vào trong hang xuyên qua các khe hàng rào cản và chẳng bao lâu ở đây cũng mát lạnh như ngoài trời. Bọn trẻ ngủ mê, trăn trở. Chúng co đầu gối đến tận cằm, nhưng cũng không vì thế mà được ấm hơn.
Cuối cùng Karik không chịu được, nhổm dậy dụi mắt ngái ngủ co ro và ngơ ngác nhìn lên những bức tường dốc thoai thoải. Những bức tường trắng như bạc tựa như phủ bởi một lớp sương giá. Karik sờ vào nó.
- Không, đó không phải là sương giá, đó là những tấm thảm bằng bạc. Hừ, lạnh quá!
Valia nằm dưới sàn trên tấm thảm co tròn người lại. Cô bé kéo đầu gối lên tận cặp mắt đang nhắm và che đầu bằng cả hai tay. Trong mơ cô vẫn khẽ rên rỉ và thổn thức.
Karik nhảy tại chỗ cố gắng sưởi ấm mình. Sau đó cậu chạy dọc theo tường đến cuối hành lang.
Cậu bé có vẻ được ấm thêm lên.
Cậu quay trở lại và theo đà chạy nhào lộn 1 lần, 2 lần, 3 lần và bỗng té vào chân Valia.
Valia nhẩy phắt dậy, kêu lên:
- Cái gì, cái gì thế? Chúng đã tấn công rồi hay sao? Run rẩy và co ro, cô bé ngước nhìn Karik bằng cặp mắt ngái ngủ và sợ hãi.
Karik ngạc nhiên:
- Em làm sao thế? Anh đấy mà, tỉnh lại đi… Em hoàn toàn bọ rét cóng rồi… Cóng tím ngắt cả người thế này… Thôi nào, chúng ta hãy vật nhau đi. Em sẽ ấm ngay đấy mà, bắt đầu nhé.
Cậu nhảy xung quanh và chọc quấy cô em.
Valia đẩy Karik ra:
- Để em yên!
Nhưng cậu bé khi ngã đã kịp túm lấy cô và chúng lăn trên sàn êm như thảm.
Valia khóc thút thít:
- Bỏ ra! Người ta không động đến mình thì mình đừng có động đến người ta.
- Ôi! Em đúng là một con sên! Anh định sửa ấm cho em đấy mà!
- Còn em thì chỉ muốn ngủ thôi! – Valia làu bàu nói và lại nằm xuống.
Karik bực mình nói:
- Ừ thì cứ ngủ đi.
Ở phía bên kia tường có người nào đó lục đục, đập, gõ, ho sù sụ rồi bỗng cất tiếng hát to vui vẻ:
- Này hỡi chú chim sẻ,
Chú ăn ở đâu thế?
Ăn ở vườn bách thú,
Chuồng cáo có cơm thừa.
Uống nước nhờ hải mã.
Đó chính là giọng hát “khủng khiếp” của giáo sư.
Karik:
- Đấy, em thấy không! Mọi người đã thức dậy ca hát, chỉ có em là còn nằm lăn lóc…
Cậu chạy lại cửa hang và gọi:
- Ivan Germogenovich! Bác ở đâu đấy!
- Ở đây! Ở đây! Dậy đi thôi, các bạn. Bữa ăn sáng đã sẵn sàng.
- Bữa ăn sáng có gì thế bác?
- Một món trứng tuyệt diệu!
- Món trứng ư bác?
Ồ, cái đó thì thú vị hơn nhiều so với việc nằm chịu rét cóng. Bởi vậy Valia nhanh chóng nhỏm dậy.
- Nào, đi thôi!
Bọn trẻ dọn những cành cây lấp lối vào căn nhà của con bọ suối và bước ra ngoài trời. Nhưng khi Valia vừa đặt chân lên mặt đất, cô lập tức hoảng sợ nhẩy lùi lại.
- Cái gì thế Karik, chúng ta ở đâu thế này – Cô bé thì thầm và nắm chặt tay anh.
Đất, trời, rừng rú đều chẳng thấy đâu.
Những đám mây đen của các bong bóng nước lấp lánh trôi bồng bềnh trong không khí. Những bong bóng nước này quay lên, va chạm vào nhau, từ từ hạ xuống rồi lại bay lên cao.
Khắp nơi như một cơn bão tuyết các bong bóng lấp lánh.
Karik kêu lên:
- Bác Ivan Germogenovich ơi! Cái gì, cái gì thế, cái gì quay lộn khắp nơi thế này?
- Sương mù đấy mà.
Bọn trẻ nghe thấy tiếng giáo sư đáp lại – Ivan Germogenovich cũng ở ngay gần đấy, rất gần, nhưng bọn trẻ không trông thấy ông.
Valia hồ nghi hỏi:
- Sương mù mà lại thế này hả bác.
- Phải đấy, cháu Valia ạ, đó chính là sương mù.
Người ta sẽ thấy nó như vậy khi soi dưới kính hiển vi.
Tiếng giáo sư nghe câm đặc tựa như vọng lại từ một hố sâu.
Bọn trẻ thò tay định bắt các bong bóng nhưng chúng vỡ ra và chảy nước lạnh lên các ngón tay.
Từ trong đám sương mù dày đặc Ivan Germogenovich kêu:
- Các cháu mắc kẹt ở đâu thế, chạy lại đây mau lên… ở đây bác có cái này lý thú hơn sương mù nhiều.
Karik và Valia bước thận trọng tiến về phía có tiếng nói của giáo sư.
Valia kêu lên:
- Mà bác có nhiều trứng không cơ chứ?
Ivan Germogenovich đáp lại:
- Nếu các cháu nhanh nhảu lên, may ra cũng có phần đấy. Mau lên không có bác ăn hết bây giờ.
Ở phía xa trong sương mù, một ngọn lửa xanh lấp lánh.
Karik kêu lên:
- Có lửa kìa!
Không lẽ giáo sư đá nhóm được đống lửa? Mà bác ấy lấy được diêm ở đâu kia chứ?
Valia chạy cố sức về phía ngọn lửa.
Cô bé kêu lên:
- Đống lửa cháy, đống lửa cháy! Chúng ta có đống lửa rồi!
Ở phía trước, ngọn lửa cháy nhảy múa xua đi những đám mây bong bóng sương mù.
Cột lửa xanh cao vút đến tận đỉnh của khu rừng đen ẩm ướt. Giáo sư đang ngồi xổm bên đống lửa. Ông dùng một cái gậy lớn cời những cành cây cháy lách tách trên ngọn lửa nghe thật vui tai.
Bọn trẻ la hét:
- Hoan hô!
Chúng chạy đến bên ngọn lửa, nắm lấy tay nhau và bắt đầu nhảy múa một điệu múa man rợ.
Valia vừa nhảy vừa kêu:
- Ô là!
Karik mặt đỏ gay cũng hoà theo:
- Ô là la!
Giáo sư ngăn bọn trẻ lại:
- Khẽ chứ, khẽ chứ! Cứ như vậy các cháu đến làm vỡ hết chén đĩa của bác mất. Tốt hơn hết các cháu hãy ngồi vào ăn đi.
Ngọn lửa toả ra một hơi nóng đến nỗi không thể nào đứng bên dù là ở cách xa. Thế nhưng những cành cây trong đống lửa cũng không có được nhiều lắm. Valia mang lại một ôm cành khô và định ném vào đống lửa. Nhưng Ivan Germogenovich đã ngăn cô lại:
- Không cần! Món trứng đã chín rồi.
- Thế còn đống lửa thì sao? Nó sẽ tắt mất bác ơi.
- Không, nó sẽ không tắt đâu… Nào các bạn hãy ngồi vào ăn sáng.
Ivan Germogenovich vừa nói vừa đặt trước Karik và Valia ngay dưới đất một xoong trắng không lồ với những bờ cạnh mấp mô; chiếc xoong đầy ắp món trứng còn đang bốc khói.
Không đợi mời đến lần thứ hai bọn trẻ nhào tới ăn ngon lành. Chúng nuốt hết miếng này tới miếng khác, vừa ra sức thổi những ngón tay phỏng.
Valia mặt đỏ bừng. Còn mũi của Karik phủ lấm tấm mồ hôi. Chỉ có Ivan Germogenovich là ăn thong thả, dùng một mẩu cánh hoa gấp đôi lại làm thành cái thìa.
Bọn trẻ chưa ăn hết một nửa món trứng đã cảm thấy no kềnh.
Giáo sư chùi bộ râu bằng một mẩu cánh hoa và nói:
- Thế nào, bây giờ hẳn các bạn no rồi chứ?
Karik cười đáp:
- No lắm rồi ạ! Bụng cháu thậm chí bị vẹo sang một bên.
Valia nói:
- Bụng của cháu cũng vậy.
Giáo sư mỉm cười:
- Thế thì tuyệt lắm! Bác rất vui vì các cháu đã thích món trứng.
Valia hỏi:
- Mà bác chế biến món trứng bằng cái gì vậy?
Karik cướp lời:
- Rõ quá rồi, món trứng thì làm bằng trứng chứ sao. Có điều cháu không hiểu làm sao bác nhóm lửa được? Bác lấy diêm ở đâu? Và rồi nữa, tại sao ngọn lửa lại cháy dựng đứng, tại sao nó lại xanh và tại sao đống lửa cháy không cần cành cây?
- Cháu không thích đống lửa thiếu cành cây ư? Được thôi, thế thì ta ném bó cành cây này vào lửa.
Ivan Germogenovich ném những cành cây vào lửa, dùng cây gậy gom chúng lại. Ông vui vẻ nháy mắt với bọn trẻ:
- Các cháu tưởng bác chơi không suốt đêm hay sao? Hoàn toàn không phải thế. Suốt đêm bác đã ăn món giăm bông rán với đậu ve, bánh rán nóng, bít tết, xúp cải bắp, trái cây, bánh ngọt. Nhưng tiếc thay những món ấy bác ăn trong mơ. Tỉnh dậy, bác đói cồn cào. Thế là bác vùng dậy chạy kiếm xem có gì ăn được không. Tuy nhiên bác không dám đi xa khỏi ngôi nhà sang trọng này của chúng ta… Các cháu thấy đấy, sương mù dầy đặc… Cách hai bước vũng chẳng nhìn thấy gì. Lỡ ra bị lạc hoặc tệ hơn lại sa vào một cái vực nào đó… Biết làm sao đây? Đợi trời sáng ư?... Hay là đi liều?... Bác suy nghĩ mãi và quyết định nhóm đống lửa. May thay, ngay từ chiều hôm qua bác đã tìm thấy ở trong rừng hai viên đá lửa. Chính chúng đã giúp bác… Bác gom những cánh khô lại thành một đống và bắt đầu lao động…
Valia thì thầm:
- Hệt như một người tiền sử!
Giáo sư mỉm cười:
- Chính thế! Nói thật với các cháu công việc thật vất vả. Bác loay hoay khổ sở mãi, cuối cùng mới biến được tia lửa thành ngọn lửa… Chỉ bây giờ bác mới hiểu rằng các tổ tiên của ta sống cũng chẳng sung sướng gì.
Karik hỏi:
- Nhưng tại sao ngọn lửa lại xanh hở bác?
- Tại sao ư? Đó là vì khí đốt bị cháy. Khí than bùn – Mêtan bình thường, rất hay phụt lên ở nhiều nơi ở dưới đất… Bác đã gặp may… Tình cờ bác nhóm lửa ở ngay chỗ mà dưới đất có nhiều khí này… Còn món trứng thì tự nó đi đến đống lửa.
Valia ngạc nhiên ồ lên:
- Tự nó đi đến hở bác?
Ivan Germogenovich ngước nhìn Valia, trịnh trọng vuốt râu và nói:
- Ngọn lửa vừa cháy lên thì ở cạnh bác có con vật gì lục đục ầm ầm rồi bỗng một cơn gió mạnh quật ngã bác xuống. Xung quanh gió rít ù ù tựa hồ bác để sổng ra từ dưới đất một cơn bão táp. Đó chính là một con chim. Cánh của nó gây ra cơn bão táp đó. Có lẽ ngọn lửa đã làm nó hoảng sợ và rời tổ.
- Thế nó có bị cháy không bác?
Ivan Germogenovich nói:
- Không, nó bay đi mất, còn bác thì bắt đầu tìm tổ của nó. Vì không phải vô cớ mà con chim lại nằm im như vậy.
- Thế bác có tìm thấy không?
- Cố nhiên là có… Bác đã lấy được trứng ở trong tổ chim này.
- Nó có phải là trứng quạ không bác?
- Không phải. Qua mọi dấu hiệu thì đó là trứng của con chim sâu. Trứng màu tráng lấm chấm. Các cháu có bao giờ từng thấy trứng của chim sâu không?... Chúng chỉ lớn hơn hạt đậu to một chút. Vậy mà bác phải vất vả với nó khá nhiều. Bác phải vần nó như một cái thùng và dọc đường bác phải nghỉ có đến chục lần. Nhưng đập vỡ quả trứng còn khó khăn hơn nữa. Suốt một giờ đồng hồ bác dùng đá đập nó. Cuối cùng thì nó cũng bể ra và suýt nữa thì bác bị chết đuối trong đám lòng trắng trứng… May mà bác kịp nhảy tránh sang một bên.
Giáo sư cười vui nhìn bọn trẻ:
- Còn mọi việc sau đó thì đơn giản thôi. Lòng trắng trứng tự chảy ra hết và bác đã rán lòng đỏ trứng trên cái vỏ trứng như trên chiếc chảo rán vậy.
Karik nghiêng mình lại Valia và thì thầm vào tai cô. Valia gật đầu đồng tình.
- Cứ nói đi.
Karik đứng dậy, sửa lại chiếc áo bằng cánh hoa lưu-ly, giơ tay chào và trịnh trọng báo cáo:
- Thay mặt cho hai em Thiếu niên Tiền phong đội Frunze xin cảm ơn vì món trứng rất ngon và đống lửa!
Giáo sư nghiêng mình đừa cợt:
- Mong rằng tôi sẽ có ích cả trong tương lai!
Sau khi ném thêm một bó cành vào đống lửa, ông nói:
- Các bạn ạ, thực ra ở đây trong thế giới của những người tý hon cũng có thể sống được thoải mái! Các bạn cứ chờ xem, chúng ta sẽ quen dần và rồi sẽ thu xếp cuộc sống ấm cúng hơn.
Karik lo lắng hỏi:
- Thế nào? Chẳng lẽ bác lại nghĩ rằng chúng ta sẽ không trở về nhà nữa và cứ mãi mãi thế này hay sao?
Giáo sư đáp:
- Bác không nghĩ như vậy. Tuy nhiên chúng ta cũng phải chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất… Cây hải đăng của chúng ta có thể bị bão làm đổ. Biết đâu một anh chàng tò mò nào đó lại không nhặt cái hòm gỗ dán đem về nhà nghiên cứu… Biết bao chuyện có thể xảy ra được…
- Lúc đó thì biết làm sao hở bác?
Ivan Germogenovich nhún vai:
- Cũng không có gì đặc biệt cả. Chúng ta sẽ sống như những chàng Robinson… Mà các bạn có biết không, tình cảnh của chúng ta còn tốt hơn nhiều so với Robinson chính cống. Anh ta đã phải gầy dựng cả một cơ nghiệp, còn chúng ta thì cái gì cũng có sẵn: Sữa, trứng, mật ong, mật hoa thơm, quả cây, thịt, chúng ta sẽ sống suốt mùa hè mà không phải vất vả gì. Còn đến mùa đông chúng ta sẽ phơi khô các trái việt quất, dâu tây, nấm, chúng ta sẽ dự trữ mật ong, mứt, bánh mì…
- Bánh mì ư?
- Chính thế, chúng ta sẽ trồng chỉ một hạt lúa mì thôi cũng đủ thu hoạch cho cả mùa đông…
- Thế còn thịt thì chúng ta lấy ở đâu?
- Chúng ta sẽ ăn các côn trùng.
- Côn trùng ư? Lẽ nào người ta lại ăn chúng ư?
Ivan Germogenovich nói:
- Các cháu biết không, thậm chí cả ở thế giới rộng lớn, người ta cũng ăn rất nhiều loại côn trùng… Thí dụ như châu chấu, cào cào. Người ta ăn chúng cả chiên, cả nướng, cả phơi khô, cả ướp muối, cả ngâm dấm.
Giáo sư sực nhớ một điều gì đó bỗng mỉm cười:
- Có một lần người ta hỏi vị quốc vương Ả-rập Oma-Benel-Kotan rằng ông ta nghĩ gì về châu chấu cào cào. Vị quốc vương trả lời: “Tôi mong có đầy một giỏ thứ của quí đó rồi tôi sẽ ăn cho sướng miệng…” Thời xưa, khi châu chấu bay thành những đám mây khổng lồ đến các đất nước Ả-rập thì ở Bát-đa giá thịt bị hạ… Cũng phải nói thêm rằng người ta tẩm bột châu chấu chiên bánh ăn rất ngon.
Valia nhổ nước miếng tỏ ý ghê tởm:
- Ôi, tởm thật!
Ivan Germogenovich phá lên cười:
- Lại nói đến ghê tởm rồi! Chỉ là món ăn chưa quen với cháu thôi… Chính chúng ta ăn cả các loại tôm cua, những con vật chuyên môn ăn xác thú vật chết… Chúng ta ăn rồi lại còn khen ngon nữa… Thế mà người Ả-rập lại nhìn những người ăn tôm cua với sự kinh tởm… Ngoài châu chấu ra người ta còn ăn nhiều loại côn trùng khác. Thí dụ ở Mê-hi-cô những người thổ dân nhặt trứng của những con bọ rệp nước vằn, họ gọi chúng là “hót tơn” và coi chúng là món ăn ngon nhất… Theo ý kiến của những con người sành ăn thì ve sầu cũng rất ngon. Cũng chính con ve sầu mà Anakrêon, nhà thơ cổ Hy Lạp đã từng ca ngợi trong đoản thi của mình.
Ivan Germogenovich hắng giọng, giơ tay cao trên đầu, cất tiếng ngâm nga:
Tuyệt diệu biết bao hỡi chú ve
Có thể sánh ngang cùng thượng đế.
Giáo sư vuốt râu tư lự:
- Thế mà chính những người Hy Lạp bình thường lại rán con ve sầu sánh ngang thượng đế ấy với dầu rán và ăn ngon lành. Thậm chí cả những côn trùng như kiến có khi cũng rơi vào tay các bác đầu bếp. Có một thời ở nước Pháp người ta đã làm nước sốt bằng kiến để ăn với thịt và cá… Phải nói thêm rằng những người da đỏ rất thích những kiến bống. Họ rán chúng trên chảo rán, rắc thêm chút muối; nhưng đôi khi cũng ăn sống luôn.
Valia hỏi:
- Thế người ta có ăn bọ hung không hở bác? Theo cháu, đó là những con vật kinh tởm nhất.
Ivan Germogenovich đáp:
- Ở Ai-cập người ta làm món ăn đặc biệt từ một loại bọ hung. Những người phụ nữ nào muốn mập thì ăn món ăn này.
Karik nói:
- Mọi chuyện thật hay tuyệt, bây giờ thì cháu thấy rằng công việc của chúng ta sẽ tốt đẹp… Chúng ta sẽ hun khói các đùi dế mèn, sẽ làm xúc xích bướm, muối chuồn chuồn trong thùng to… Sẽ phải xây cả một nhà kho. Dưới trần nhà chúng ta sẽ treo thịt đùi và xúc xích còn dọc bên tường chúng ta sẽ để các thùng bọ rệp ngâm dấm.
Valia hỏi:
- Thế còn kiến? Chúng chua lắm!
- Kiến thì chúng ta sẽ làm món dưa góp… Không, tốt hơn là sẽ làm các món gia vị.
Ivan Germogenovich vuốt râu:
- Tuyệt diệu, thật là tuỵêt diệu… Các bạn thấy đấy, tương lai các bạn thật là tốt đẹp. Nếu lỡ xảy ra chuyện gì và chúng ta sẽ sống ở đây sung sướng hơn mọi Robinson trên thế giới.
Valia nói:
- Những chuyện đó thì tốt rồi, nhưng chúng ta sẽ chết cóng vào mùa đông và tất cả những thịt đùi cùng các món ngâm dấm sẽ phí toi vô ích.
Ivan Germogenovich an ủi Valia:
- Không sao đâu chúng ta sẽ tìm thấy các hang động có khí đốt để sưởi. Cuối cùng thì cũng có thể dẫn khí đó bằng các ống lau sậy đến mọi nơi mà chúng ta muốn.
Karik nói:
- Tất nhiên rồi, khí than bùn sẽ cho chúng ta ánh sáng và sự ấm áp… Bác Ivan Germogenovich ơi, chúng ta sẽ có thể xây ở đây hàng loạt xí nghiệp nnà máy.
Ivan Germogenovich mỉm cười:
- Không đâu, anh bạn ơi! Nhưng chúng ta có thể thuần hoá các côn trùng…
Karik reo lên:
- Hoan hô! Chúng ta sẽ dùng chúng để bay, bơi qua các hồ nước…
Valia phụ hoạ theo:
- Chúng ta sẽ bắt chúng đào các hầm ngầm, xẻ những kênh rạch và… và nói chung - bắt chúng phải làm việc.
Karik nói:
- Đúng lắm! Có thể bắt những con sâu cày ruộng, bắt bọ hung đốn cây xẻ gỗ còn chuồn chuồn thì dùng để bay.
Valia thở dài nói:
- Để chúng ta khỏi bị ăn thịt có lẽ phải nghĩ ra các kiểu nhà như của con bọ suối để có thể mang theo người.
Karik phẩy tay:
- Vậy mà cũng đòi nghĩ! Anh đã bảo rằng em là một con sên. Thế mà đúng như vậy.
Valia hỏi:
- Thể thì chúng ta tự bảo vệ bằng cách nào?
- Bác Ivan Germogenovich sẽ chế ra thuốc súng – Karik đáp và ngoảnh lại phía giáo sư. Bác có thể chế ra thuốc súng chứ ạ?
Ivan Germogenovich bật cười:
- Ồ, không… Có lẽ bác không chế ra thuốc súng đâu. Nhưng bác hy vọng rằng chúng ta cũng chẳng làm sao dù không có thuốc súng. Các bạn ơi, bác là nhà sinh vật học cơ mà. Bác biết rõ đời sống của thế giới cung quanh ta và những kiến thức ấy còn mạnh hơn tất cả các chất nổ… Còn bây giờ cháu Karik hãy ném thêm các cành cây vào đống lửa. Khi cành cây cháy nổ lách tách ta cũng thấy dễ chịu hơn.
Karik mang tới một ôm cành cây, ném vào ngọn lửa xanh rồi nằm dài ra đất, trầm ngâm ngắm nhìn đống lửa.
Mọi người đều im lặng.
Cành cây vui vẻ cháy lách tách. Khói dựng thành cột vươn đến tận trời cao.
Các khách du lịch ngồi bên ngọn lửa và mỗi người theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình. Chẳng có việc gì phải vội cả. Chừng nào sương mù còn chưa tan thì không thể di chuyển đi đâu được. Mà biết đi đâu, đi về hướng nào được? Ngọn hải đăng bây giờ ở đâu? Ở phía trước ư? Ở phía sau ư? Giáo sư nói: - Thôi tạm thời không có việc gì làm, ta hát một bài đi. Nhăn mặt lại vì khói và lấy tay che mặt, Karik hướng về phía đống lửa đang bốc khói, vội vã hỏi giáo sư khi ông sắp sửa cất tiếng hát: - Bác Ivan Germogenovich ơi, làm sao bác đoán được chuyện gì xảy ra với bọn cháu và làm sao bác tìm thấy bọn cháu? Giáo sư nói: - Rất dễ thôi cháu ạ. Các cháu đã uống hết của bác gần nửa cốc chất lỏng.. Tất nhiên bác nhận ra ngay điều đó… - Nhưng mà… Ivan Germogenovich bật cười: - Thì bác cũng có một cái “nhưng mà”. Uống thì bọn cháu đã uống rồi, nhưng sau đó thì bọn cháu biến đi đâu?... Suốt một giờ đồng hồ bác bò lê la dưới sàn với chiếc kính lúp trong tay, nhưng… chẳng thấy gì cả… Các cháu có hiểu không? Không một dấu vết nào hết. Có nghĩa là… Valia nói: - Có nghĩa là chúng cháu đã bay đi! Ivan Germogenovich ngăn cô bé lại: - Đó là một kết luận quá vội vã. Valia nói: - Nhưng sự thực thì chúng cháu đã bay đi cơ mà? - Tuy nhiên bác chưa có cơ sở để giả thiết như vậy trước khi con chó của bác thợ chụp ảnh Smith đáng kính tìm thấy đống quần cụt của bọn cháu và nhảy bổ lên bậu cửa sổ… Chính lúc này bác chợt nhớ rằng, khi bác vào phòng làm việc đã thấy có chú chuồn chuồn đậu trên bậu cửa sổ. Bác đoan chắc rằng nghe thấy cả giọng nói nhỏ như tiếng muỗi kêu : “Lại đây, chúng cháu ở đây!”. - Vâng, vâng… Chính chúng cháu đã kêu lên như vậy. - Lúc đầu bác tưởng rằng bác nghe nhầm, nhưng sau đó kết hợp các sự việc với nhau bác hiểu ra rằng con chuồn chuồn đã lôi mấy chú nghịch ngợm đi, và nếu như bác muốn cứu chúng thì phải chạy đến chỗ Đubki tới cái đầm mà người ta thường gọi là “đầm thối rữa”. Karik hỏi: - Nhưng sao bác tới đây? Vì chuồn chuồn cũng có thể lôi bọn cháu đếnr ừng hoặc cánh đồng. Ivan Germogenovich mỉm cười độ lượng: - Không, điều đó không thể xảy ra được. Chuồn chuồn sống ở gần nước. Nó đẻ trứng xuống nước. Ấu trùng của chúng nở ra, sống và lớn lên ở dưới nước. Nhưng đôi khi đuổi theo con mồi, chuồn chuồn có thể bay xa khỏi nơi kiếm mồi thường xuyên. Valia nói: - Xa đến thế kia ạ! Vì từ nhà chúng ta đến vùng Đubki có đến hơn 15 km. - Đối với chuồn chuồn đó là khoảng cách không đáng kể. Nó có thể bay nhanh từ 70 đến 90 km một giờ. Vì vậy 15 cây số đối với nó chỉ là một cuộc dạo chơi nhỏ. - Như vậy bác đã đi tới “đầm lầy thối rữa”… Ivan Germogenovich vuốt râu: - Phải, bác quyết định đi đến đầm lầy thối rữa vì biết rằng sớm muộn gì chuồn chuồn cũng trở về chỗ kếim mồi thường xuyên. May cho tất cả chúng ta, đó là cái đầm duy nhất ở gần thành phố. Thực ra còn có cái đầm nữa nhưng nó ở cách đây xa tới 300 km. Vì vậy bác biết chắc chắn rằng phải tìm bọn cháu ở đâu… Mọi chuyện chỉ có vậy thôi. Còn bây giờ - giáo sư hắng giọng – chúng ta hát nhé các bạn. Valia kêu lên: - Khoan đã bác! - Sao cái gì thế? – Ivan Germogenovich lo lắng nhìn Valia. Valia hỏi: - Thế bác không muốn nghe chuyện gì đã xảy ra với chúng cháu hay sao? - À phải… Tất nhiên rồi… Bác rất vui lòng nghe chuyện của bọn cháu – Ivan Germogenovich nói lúng búng – Nào, nào, các cháu hãy kể đi. Chuyện đó chắc phải lý thú lắm. Ông quàng vai bọn trẻ và duỗi chân về phía ngọn lửa. Karik và Valia tranh nhau kể cho ông nghe chuyện gì đã xảy ra với chúng sau khi chúng uống phải chất lỏng kỳ diệu. Giáo sư lắng nghe bọn trẻ, gật đầu thông cảm và luôn miệng nói: - Đúng như vậy… Bác hiểu… Cuối cùng Karik nói: - Cháu cũng hiểu cả rồi, nhưng còn một chuyện cháu chưa hiểu được… - Thế à? Chuyện gì vậy? - Tại sao trong tổ của con nhện nước, lúc đầu chúng cháu thấy dễ thở, sau đó lại suýt chết ngạt? Ivan Germogenovich đáp: - Dễ hiểu thôi cháu ạ. Theo như cháu kể thì bác nghĩ rằng bọn cháu đã rơi vào tay loài nhện nước Argnironet… Argnironet có nghĩa là “bó sợi bạc”. Người ta còn gọi nó là “nhện bạc”… Nó làm tổ ở dưới nước. Tổ của nó cũng giống như cái chuông lặn. Trước kia những người thợ lặn chui vào những cái chuông lặn ấy để lặn xuống nước. Những cái chuông này thì chỉ bé bằng trái hồ đào… Nó không nổi lên là vì bề mặt quanh bị mạng nhện cột chặt vào các cây cỏ mọc dưới nước. Karik nói: - Úi chà, chúng cháu vất vả lắm mới chui qua được lớp mạng nhện đó. - Nhện mang không khí vào chuông từ mặt đầm. Nó trồi lên trên và phơi ra ngoài cái bụng phệ phủ đầy lông tơ. Chính những lông tơ này đã hút không khí. Khi khoảng không gian giữa các lông tơ đã chứa đầy không khí, nhện bèn phủ lên bụng lớp mạng nhện và mang bình không khí như một bọc cuộn dưới vạt áo về nhà mình. Luôn tiện bác muốn nói là nhiều loại bọ nước cũng đi du lịch dưới nước với các va li đựng không khí. - Thế không khí có đủ cho một thời gian lâu không bác? Ivan Germogenovich đáp: - Không, dự trữ đó không được lâu. Lúc đó căn nhà sẽ ngột ngạt… Các cháu có nhớ là đã bị ngạt thở thế nào chứ? - Có ạ. - Thông thường con Arguironet hung ác phải ngoi lên mặt đầm vài lần để lấy không khí mới… Nếu chịu khó kiên nhẫn ngồi im lặng trên bờ đầm có thể thấy được con Argnironet – “bó sợi bạc” lấy không khí dự trữ như thế nào. Valia hỏi: - Làm sao nhận ra chúng được hả bác? Ivan Germogenovich đáp: - Những con nhện bạc này giống như những viên bi thuỷ ngân có những chấm đen… Thường chúng hay nổi lên cạnh những bụi cây nước… Chúng giơ bụng lên phía trên, còn đầu chúi xuống dưới. Chúng ở trên mặt nước một vài giây, rồi từ từ lặn xuống nước… Nhìn thoáng qua dễ tưởng những con nhện này là những sinh vật hiền lành vô hại. Nhưng thực ra Argnironet là loài vật độc ác… Nó không tha bất kỳ ai dù ở dưới đáy hay trên mặt nước. Valia hỏi: - Thế sao nó không ăn bọn cháu mà lại treo lên trên trần? Karik nói: - Chính thế, cháu cũng muốn biết điều này. Ivan Germogenovich đáp: - May cho bọn cháu là con Argnironet đang no. Vì vậy nó treo bọn cháu lên trần để dành… Phải nói là loài cáo, sóc, con người cũng hành động như vậy, điều này chẳng có gì lạ cả… Nó đã ăn thịt bọn cháu ngay ngày hôm đó, nếu như trời lạnh quá hoặc nóng quá làm các con mồi của nó chạy tản đi mất. Valia nói: - À, cháu hiểu rồi. Con nhện của bọn cháu đang no. Còn con nhện hàng xóm của nó chắc đang thiếu thức ăn nên bò sang tính ăn thịt bọn cháu. Ivan Germogenovich nói: - Ồ, không phải đâu… Mà cháu có biết con gì đến với con nhện của bọn cháu không? Karik bật kêu lên: - Cháu biết rồi! Đó là kẻ thù của nó. Ivan Germogenovich mỉm cười: - Không phải đâu! Chính là.. chàng rể đã đến với nó. Bọn trẻ kinh ngạc: - Chàng rể ư? Làm sao bác biết? Giáo sư nói: - Những con nhện này bao giờ cũng xây nhà dưới nước sát cạnh nhau: nhện đực làm nhà dựa vào nhà của nhện cái. Sau đó con nhện đực cắn thủng tường và vào thăm… Karik tiếp lời: - Cuộc thăm viếng còn gọi là cuộc ẩu đả. - Phải rồi, đôi khi cô dâu bực mình chuyện gì đó xông tới ăn thịt chàng rể. Cũng có đôi khi chàng rể thắng thế ăn thịt được cô dâu. Tuy nhiên thông thường cô dâu tiếp đón chàng rể với thiện cảm và chúng bắt đầu sống rất hòa thuận. Giáo sư đứng dậy: - Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải chuẩn bị lên đường thôi – ông nói – Thôi nào chuẩn bị khăn gói đi thôi. Ông lần tay vào trong bụi cây và lôi ra một cái ba lô bằng da tuyệt đẹp. Valia trố mắt nhìn: - Ối chà! Bác mua cái này ở đâu thế? Ivan Germogenovich mỉm cười: - Không phải bác mua mà đây là quà tặng của một bạn chậm chân quen biết… Trong khi các cháu còn ngủ bác đã rạch đôi cái bị này. Các cháu thấy đấy các ba lô tự tạo cũng tuyệt đấy chứ. Karik gật đầu: - À, vậy là một chú chậm chân nào đó đã tấn công bác. Bác giết nó và lột da chứ gì? Ivan Germogenovich nói: - Hoàn toàn không phải thế. Chú chậm chân không thể nào tấn công bác được. Đó là một con vật nhỏ xíu, không hơn một mi-li-mét. Cả bác cũng không tấn công chậm chân. - Thế còn cái túi bằng da? - Cái túi à… Các bạn có thấy không, chú chậm chân đẻ ra nhiều trứng và để cho trứng khỏi bị con vật khác ăn mất, và nó lột da của mình và đẻ trứng vào đó như vào một cái va li. Valia hỏi: - Còn nó thì chết phải không bác? - Không đâu! Karik nói: - Giống như rắn, chúng cũng lột da. Ivan Germogenovich gật đầu: - Phải rồi, chỉ có điều con rắn vứt bỏ da cũ của mình, còn con chậm chân dùng da của mình để che mưa nắng, gió lạnh cho con cháu. - Bác đã vứt trứng của chúng đi rồi phải không? - Tất nhiên rồi, tiếc thay, trứng đó không ăn được. Giáo sư mở túi ra và đặt vào đó cái xoong bằng vỏ trứng cùng với món trứng ăn thừa mà ông đã cẩn thận gói vào cánh hoa. * * * Gió mát thổi. Sương mù tan dần. Gió đưa sương đi tựa như làn khói trên những cánh đồng và dồn chúng xuống phía dưới vào những khe lạch. Giáo sư lấp phủ đất vào đống lửa. - Nào, có lẽ đi được rồi đấy – Ông nói - Chuẩn bị đi các bạn. Valia nhảy lên: - Chúng cháu đã sẵn sàng rồi mà. - Hừ, - Ivan Germogenovich hấm hứ, hết nhìn Valia lại nhìn Karik suy nghĩ một lát ông nói: - Có lẽ các cháu phải thay quần áo thôi. - Thay bằng gì hở bác? – Valia hỏi vừa ngắm cái váy bằng cánh hoa lưu li của mình. Qua một đêm chiếc váy đã nhàu nát rách lan ra từng mảnh. Ivan Germogenovich nói: - Thay bằng bộ quần áo như của bác đây này. Ông cởi chiếc áo mưa màu xanh dương đã nhàu nát ra và còn lại trong mình bộ quần áo màu bạc bằng mạng nhện. Bọn trẻ bây giờ mới chợt nhớ ra rằng ngày hôm qua Ivan Germogenovich lúc tới mặc bộ quần áo màu bạc lạ lùng. Nhưng khi đó chúng đã không để ý đến. Còn bây giờ chúng ngắm nghía bộ quần áo của giáo sư tựa như mới thấy lần đầu. - Ôi, đẹp quá! Bằng gì thế hả bác? – Valia hỏi. - Bằng mạng nhện. - Cháu cũng muốn một bộ thế này. – Karik nói. - Cả cháu nữa! Valia kêu lên. - Ra đằng này đi – Karik nói - Từ hôm qua cháu đã thấy một đám nhện ở gần đây. Ivan Germogenovich bật cười: - Không đâu, lấy mạng nhện trước mắt con nhện chắc bác không dám đâu. Và các cháu cũng đừng làm thế… Bộ quần áo cho các cháu bác sẽ lấy ở cửa hiệu khác. Hãy đi theo bác. Và giáo sư bước về phía nhà của con bọ suối. Ánh sáng buổi sáng yếu ớt soi lờ mờ căn nhà của con bọ suối. Nhưng bây giờ đã có thể nhận ra rằng cả tường lẫn sàn và trần đều phủ bằng lớp mạng nhện dày đặc. - Đó, bộ quần áo của các cháu đấy – Ivan Germogenovich nói. Ông lại gần một bức tường bấu cả hai tay vào nó. - Dô ta nào! – Giáo sư kêu và kéo tấm mạng nhện về phía mình. Bức tường kêu răng rắc. - Dô ta nào! – Ivan Germogenovich kêu lớn hơn. Mạng nhện tróc ra từng mảng tựa như những giấy bồi tường bị bong ra. Giáo sư vứt vài mảnh cho Karik và Valia. - Các cháu hãy gỡ những tấm mạng nhện này ra, gột cho sạch lớp hồ dán. Bọn trẻ bắt đầu lấy tay vò mạng nhện. Lớp hồ dán đã bị khô vỡ ra và rơi xuống từng mảnh. Karik tìm thấy đầu mối và bắt đầu gỡ ra. Những sợi tơ nhện cuốn từng vòng đều đặn và chẳng bao lâu dưới chân Karik và Valia xếp đầy một đống màu bạc tơ nhện đã được gỡ ra. - Dài quá đi thôi! – Karik nói, vừa gỡ sợi tơ nhện tưởng như dài vô tận. Ivan Germogenovich cười mũi: - Có thứ tơ còn dài hơn nữa kia! Tơ của con tằm chẳng hạn, có thể kéo dài tới cả 3 km. Giáo sư cúi xuống cầm một đầu sợi chỉ bạc và đưa cho Valia. - Cháu hãy mặc vào! - Mặc sợi chỉ vào ư? – Làm sao cháu mặc được hở bác? - Như thế này này… Ivan Germogenovich cuốn sợi chỉ thành một cái thòng lọng quàng lên Valia, rồi nắm lấy hai vai cô bé quay vòng người cô về một chiều. Sợi chỉ run lên và chạy thật nhanh, cuốn vòng quanh Valia như cuốn một cái lõi cuộn chỉ. Ivan Germogenovich ngắm nghía Valia rồi nói: - Tuyệt diệu!... Đẹp tuyệt trần! Bền chắc ấm áp và thuận tiện. Nào bây giờ thì đến cháu, Karik ạ. Nhưng Karik đã tự buộc một đầu tơ nhện quanh thắt lưng và quay tít thân mình như một con quay. Chưa đến năm phút bọn trẻ đã mặc xong cho mình những chiếc áo len dài tay màu bạc. Ivan Germogenovich nói: - Thế là xong! Bây giờ các cháu hãy dạo quanh ngôi nhà, trong khi bác cũng sẽ thay quần áo. Bọn trẻ bước ra. Sương mù đã tan hết. Xung quanh là khu rừng ẩm ướt. Những giọt nước khổng lồ nằm trên các cây cỏ hệt như những quả cầu pha lê. Khi Karik và Valia vừa mới bước qua ngưỡng cửa thì những tia nắng ban mai đầu tiên mới ló trên các đỉnh cao. Và đột nhiên bỗng khắp nơi bừng lên nắng chiếu cháy sáng như muôn ngàn ánh lửa nhiều màu sắc. Sự việc xảy ra đột ngột đến nỗi bọn trẻ phải nheo mắt và bất giác bước lui lại. Mấy phút liền chúng lặng lẽ đứng nheo mắt ngắm nghía khu rừng kỳ lạ treo đầy những quả cầu lóng lánh. Cuối cùng Valia nói: - Giá được chỉ cho mẹ thấy cảnh này nhỉ? Karik thở dài: - Lúc này chắc mẹ đang đun cà phê. Valia buồn bã nói: - Và chị bán sữa chắc cũng đến rồi đấy! Karik lắc đầu: - Không, hãy còn sớm. Chị bán sữa bây giờ mới tới. - Thế bây giờ mấy giờ rồi? - Anh không biết. - Thôi, mấy giờ cũng vậy thôi… Anh Karik à, chúng mình trèo lên cây này đi, xem thử có bò xanh ở đây không? - Nào thì trèo! Bọn trẻ chạy đến một cây trông giống như cây bao bắp và bắt đầu trèo lên ngọn. Nhưng lúc đó Ivan Germogenovich ló đầu ra khỏi hang và kêu lên: - Các bạn ơi, uổng công vô ích thôi! - Tại sao hả bác? - Hôm nay vào giữa ban ngày bọn cháu sẽ chẳng tìm thấy các chú bò xanh đâu. Karik ngạc nhiên: - Thế chúng ở đâu hả bác? Hôm qua bác chả nói là ở cây nào cũng có bọ rệp là gì? Ivan Germogenovich đáp: - À, đấy là ngày hôm qua, hôm qua lúc ban ngày, còn buổi chiều đã có mưa và tất nhiên mưa đã làm trôi sạch hết tất cả bọ rệp… Bác đã xong rồi. Chúng ta đi thôi! Bọn trẻ quay về phía giáo sư. Vừa ngước nhìn ông, bọn chúng bỗng phá ra cười. Ivan Germogenovich ngượng ngùng tự ngắm nhìn mình và hỏi: - Sao thế các cháu? - Ôi!... Bác thật là… - Bác mặc áo thật là… - Bọn trẻ cười ngất. Ivan Germogenovich đứng đó, khắp người cuốn đầy sợi tơ từ cổ đến gót. Tất cả đám mạng nhện lấy được ở trong nhà của con bọ suối, ông đem cuốn hết lên bụng, lên vai, lên cổ. Valia cố nén cười nói: - Bác giống hệt như một cái kén! Giáo sư mỉm cười: - Còn chính cháu, cháu tưởng giống con bướm ư? Cả cháu và Karik bây giờ giống hệt con sâu.. Nào các bạn, chúng ta đi thôi. Karik ngó qua ngó lại hỏi: - Mà đi đâu cơ hở bác? Qua một đêm, nước dâng lên đầy khắp xung quanh. Chỉ có thể đi được một phía. Từ căn nhà của con bọ suối có một dải đất hẹp chạy dài, phủ đầy những bụi cây xanh rậm rạp. Giáo sư ném cái túi lên vai và nói: - Hiển nhiên trước hết phải ra khỏi cái đầm lầy này đã, còn sau đó làm gì sẽ tính sau. Tiến lên nào! Giáo sư vung tay lên và cất tiếng hát: Tiến lên, kèn đang gọi lên đường. Hỡi các bạn trẻ dũng cảm! Hãy ngẩng cao đầu và đi đều bước. Như chim đại bàng cánh lướt trời cao. * * * Những lùm cây rậm rạp của rừng cỏ im ắng. Nhưng quả cầu nước nặng nề treo sát trên đầu những khách du lịch - Phải đi hết sức thận trọng để khỏi ngã vì những giọt nước rơi. Trong khu rừng vắng và âm vang, những quả cầu nước rơi gây nên tiếng động như bom nổ. Một giọt nước rơi trúng ngay các khách du lịch. - Úi chà! – Valia ngã lăn kêu thất thanh. - Ối! – Karik bị bắn về một phía la lên. - Không sao, không sao! Tắm mát buổi sáng cũng rất tốt – Ivan Germogenovich cười vang, vừa lồm cồm đứng dậy. Nhưng bây giờ thì mặt trời đã lên cao trên cánh rừng. Những tia nắng nóng bỏng tựa như đốt cháy mặt đất. Đất bốc hơi mù mịt phủ đầy khu rừng cỏ, không khí trở nên ngột ngạt như trong phòng tắm nước nóng. Đến buổi trưa các khách du lịch đã bước tới bìa rừng. Ờ phiá trước, xuyên qua những khe sáng hiếm hoi của cây cối, thấp thoáng những ngọn đồi màu vàng. Một ngọn đồi nhô cao cái đỉnh nhọn giống như một cái đầu căng đường mà người ta đã mạ vàng một cách phung phí. Ivan Germogenovich nói: - Đó từ cái đỉnh này chúng ta sẽ coi xem ngọn hải đăng của chúng ta ở đâu? - Chạy đi nào! – Valia kêu lên và leo lên phía trước. - Cháu sẽ gọi cái đỉnh này là “Vêzuvi (1) vàng”. Giáo sư và Karik chạy theo Valia. Tuy nhiên đến được đỉnh “Vêzuvi vàng” cũng không phải gần như thoạt tưởng. Những khách du lịch chạy được đến nơi thở hồng hộc, lấy tay vuốt mồ hôi trên mặt. Karik dè bỉu: - Thề mà cũng gọi là “Vêzuvi vàng”. Đó là một trái núi bình thường bằng đá màu vàng. Còn những viên đá kỳ lạ lóng lánh như vàng chẳng qua chỉ là những hạt cát thường gặp. Bám tay vào các viên đá - hạt cát, các khách du lịch bắt dầu leo lên ngọn Vêzuvi vàng. Mặt trời đã ở trên cao. Những làn sóng oi bức nóng bỏng chạy lan trên mặt đất tựa như những dòng sông không khí vô hình. Những viên đá vàng bị nung nóng làm bỏng chân. Ivan Germogenovich, gần như mỗi bước mỗi vấp ngã. Dưới chân ông là dòng đá nóng bỏng lăn xuống kêu rít. Karik và Valia đuổi kịp giáo sư và đi cùng hàng với ông. Dốc lên càng ngày càng dựng đứng. Những nhà leo núi bé nhỏ buộc phải bò, tay bấu lấy từng mỏm đá nhô ra. Giáo sư vừa thở ì ạch vừa nói: - Mệt như leo lên đỉnh núi Everest (2). Cả Karik lẫn Valia đều chưa bao giờ được nghe nói về Everest, nhưng cả hai đều đoán ngay được Everest chắc cũng là ngọn núi lửa như chúng đang leo hiện nay. Thế là đã tới đỉnh rồi. Giáo sư và bọn trẻ vuốt mồ hôi bước lên đỉnh ngọn núi. Ivan Germogenovich đứng thẳng người, khum bàn tay che mắt quay đầu nhìn khắp nơi. - Nào, nào! – Giáo sư lẩm bẩm - thử xem ngọn hải đăng của ta ở đâu, thử… Ông chưa kịp nói hết câu. Đất dưới chân ông bỗng thụt xuống. Giáo sư bị lún xuống đến tận thắt lưng. Bọn trẻ chạy bổ đến cứu. Nhưng quả đồi dưới chân rung chuyển và bỗng chẻ đôi thành một hố sâu. Giáo sư cùng bọn trẻ theo nhau rơi tuột xuống dưới qua một cái ống hẹp. Đất đá lăn theo ầm ầm. Valia kêu thất thanh. Karik rơi lên mình giáo sư và với sức mạnh kinh khủng họ thụt sâu vào một cái đáy lầy ướt át. Người đầu tiên định thần lại được là giáo sư. Vừa xuýt xoa rên rỉ, lội ra khỏi đám lầy đặc sệt, vừa xoa thắt lưng buồn bã pha trò: - Một cuộc nhảy dù không có dù. Cho phép tôi chúc mừng các bạn đã tới mặt đất an toàn. Đứng lên nào các bạn ơi. Ông chùi tay vào bộ quần áo, ân cần nhìn bọn trẻ đang vùng vẫy trong đống bùn và hỏi: - Mọi chuyện ổn thỏa cả chứ? Valia, cháu thế nào? Không bị thương chứ? Valia đứng lên đáp: - Không sao cả, có lẽ cháu chỉ bị xây xát một chút ở cùi tay thôi. - Cháu Karik? - Cháu bị đau ở đầu gối! Xoa tay vào những chỗ bị đau, bọn trẻ sợ hãi ngắm nghía bứa tường đen của cái giếng hẹp. Ivan Germogenovich nói: - Ồ, đó là những chuyện vặt! Còn bác bị mất cái túi lương thực cùng nồi nêu. Điều này thì tệ hại hơn. Valia hỏi: - Chúng ta đang ở đâu thế bác? - Chúng ta biết ngay bây giờ đây – Ivan Germogenovich lầu bầu nói, vểnh bộ râu lên. Tít cao trên đầu bầu trời xa xôi chiếu sáng. Ánh sáng ban ngày nhợt nhạt soi lên những bức tường cao thoai thoải, nhưng dưới đáy lầy toàn tối đen. Karik nói: - Có lẽ chúng ta rơi vào hang của loại nhện đất. Đó là những con nhện rất đáng sợ. Cháu đã đọc về chúng rồi. Valia rùng mình: - Thế nào? Lại nhện nữa à? Ở trên trời, trên mặt đất, dưới nước, dưới đất đều có nhện cả hay sao? Ivan Germogenovich nói: - Cháu cứ yên tâm, loài nhện đào đất mà Karik nói đến sống ở Italia và ở miền Nam nước Pháp, ở ta không có chúng đâu. - Vậy đây là tổ con gì vậy? Giáo sư không đáp, vân vê chòm râu đi quanh giếng, nắm tay gõ vào tường và tư lự nói: - Phải, chính phải rồi… Chính nó… Andrena! Valia khóc thút thít: - Lại còn Andrejevna nào nữa? - Phải, chính phải rồi… Tôi biết mà… Ổn cả rồi các bạn ơi. Không có gì nguy hiểm cả. Lần này chúng ta thụt xuống đất rất đạt. Chúng ta rơi đúng vào hiệu bánh ngọt. Valia tròn mắt ngạc nhiên: - Cả ở đây cũng có bánh bông lan và bánh kem ư? Giáo sư mỉm cười: - Chính thế! - Nhưng mọi thứ ấy ở đâu? Cháu chỉ thấy có bùn thôi! - Hãy kiên nhẫn một chút! Giáo sư gõ nắm tay vào tường: - Vừng ơi hãy mở cửa! Bức tường kêu vang tựa như gõ vào đáy thùng rỗng. Valia liếm môi nói: - Không mở rồi! - Có gì lạ đâu! – Giáo sư mỉm cười - Chỉ trong truyện cổ tích mọi việc mới xảy ra theo phép thần thông biến hoá. Chúng ta phải lao động một chút. Hãy đào đất đi, ở chỗ này. Ivan Germogenovich lại gần bức tường và bắt đầu móc đất như một con gấu, ném ra xung quanh những viên đất nặng và ướt. Karik và Valia nhào tới giúp giáo sư. Karik tích cực đặc biệt. Từ tay của cậu những viên đất đá bay ra liên tiếp. Ivan Germogenovich kêu lên: - Từ từ chứ! Khéo không cháu lấp hết cả chúng ta . Hãy cẩn thận hơn! Đừng vội vàng cháu ạ! Karik muốn đáp lại điều gì đó, nhưng đúng lúc đó bức tường rung lên, đất đá tuôn ra đầy dưới chân các vị khách du lịch và mọi người đều nhìn thấy một cái hốc sâu trên tường. Không khí tràn ngập mùi mật thơm của bánh quế. - Cái gì thế? – Valia nuốt nước miếng – Thơm cứ như là cây thông năm mới. - Thì đó chính là hiệu bánh ngọt mà! Ivan Germogenovich đáp và khom mình xuống – Còn bây giờ các cháu hãy đứng tránh sang một bên… Thế! Được rồi! Ông cho cả hai tay vào trong hốc, dang hai chân ra và bắt đầu kéo cái gì đó về phía mình. - Đây rồi! Đây rồi! – Giáo sư cười vang. Ông cố sức và kéo ra khỏi hốc tường một quả cầu to màu xám, phủ đầy một lớp cát mịn hệt như phấn vàng. - Thế là xong! – Ivan Germogenovich nói và thận trọng đặt quả cầu xuống đất. Dùng một hòn đá nhỏ ông gọt những mảnh đá răm bám vào quả cầu rồi ráng sức cắt ra một cái gì đó màu trắng từ đỉnh quả cầu. Đó là một quả trứng, đại loại như trứng sâu chỉ có điều rất to mà thôi. - Úi chà! – Karik nói - Lại món trứng nữa. - Từ quả trứng này – Giáo sư bật cười – không nấu được món trứng đâu. Chúng ta làm cái này còn hay hơn – Ông đập tay vào quả cầu giống như một cái bánh lớn bằng bột nhồi bơ sữa. - Một cái bánh ngọt hoa! – Ivan Germogenovich nói. Ông chùi tay vào bộ quần áo, véo một cục bột và cho vào miệng. Lông mày giáo sư dướn lên cao. Một nụ cười hài lòng hiện trên khuôn mặt. - Đựoc đấy! – Ông vừa nhai vừa nói - Rất được! Nào các bạn hãy ăn đi. Bột nhồi dẻo toả hương thơm của mật và hoa. Cho vào miệng là cứ tan biến đi thật ngon lành. Valia nói: - Ngon quá! Còn ngon hơn cả bánh kem. Ivan Germogenovich mỉm cười: - Tại cháu đói quá đấy thôi. Mà cũng phải thôi… Chúng ta ăn sáng từ lúc mờ đất, còn bây giờ thì đã sắp trưa rồi. Valia quả quyết: - Không phải đâu bác, ngon thật mà. Karik phồng hai má đầy miệng món bột thơm hỏi: - Nhưng đó là cái gì đấy hả bác? - Một cái phấn hoa có mật! – Giáo sư đáp. - Nhưng tại sao nó lại ở trong giếng? Giáo sư lượm quả trứng màu trắng phủ một lớp da đàn hồi và tung nó trên bàn tay. - Mọi chuyện là như thế này – Ivan Germogenovich nói – cái bánh ngọt là để dành cho ấu trùng sẽ nở ra từ quả trứng này, còn bánh ngọt và quà trứng là do con ong đất Andrena đặt vào. Valia nói: - Nếu nó là con ong đất thì chúng ta phải mau mau ra khỏi nơi đây. Giáo sư mỉm cười, nói: - Con ong Andrena gọi là ong đất chỉ vì nó làm tổ ở dưới đất, còn chính nó lại sống ở bên trên, cùng với chuồn chuồn và ruồi muỗi. Thực ra đôi khi nó cũng làm tổ trên mặt đất trong những thân cây mục hay những cành gãy nhưng thường thì nó làm tổ ở dưới mặt đất. Chính vì vậy mà các nàh bác học gọi Andrena là con ong đất. Giáo sư kể cho Karik và Valia nghe ấu trùng chui ra khỏi trứng, ăn bánh ngọt thơm ngon dành cho nó thế nào rồi biến thành con ong có cánh ra sao. - Những cái bánh gnọt như thế - Ivan Germogenovich nói - thường có vài cái trong một tổ ong Andrena. Nếu các cháu thích bác sẽ kiếm thêm được ngay bây giờ. Bọn trẻ phá lên cười: - Chúng cháu đâu có phải là voi! – Karik nói - chừng này bọn cháu cũng ăn không hết nữa… Tốt nhất chúng ta nên chuồn khỏi đây trước khi con ong Andrejevna trở về. - Trước hết gọi là Andrena chứ không phải là Andrejevna (3) – Ivan Germogenovich sửa lại cho Karik – Sau nữa bác đã nói là sau khi làm tổ, đẻ trứng và chuẩn bị để ăn xong thì con Andrena không bao giờ ngó ngàng tới đây nữa. Nó chẳng có việc gì làm ở đây… Và cả chúng ta nữa, cũng chẳng cần ở đây làm chi. No bụng rồi thì xin từ giã thôi. Giáo sư bước lại gần bức tường nghiêng thoai thoải, bám tay vào các rễ cây bò lên trên. Lũ trẻ nhanh nhẹn như bầy khỉ bò theo sau. Chậm chạp từng bước một, họ bò theo bờ giếng tiến đến lỗ trống rực sáng bầu trời xanh trên cao. Từng lát một họ dừng chân lại nghỉ, rồi lại bò lên phía trước. Đất đá bật lên từ dưới chân lăn lóc cóc xuống dưới tận đáy tổ con Andrena. Giáo sư là người đầu tiên bò đến bờ giếng. Ở đây oi bức và sáng sủa. - Ôi chao! – Ông thở hắt ra nặng nhọc - Dốc ơi là dốc!... Các bạn, sao lại tụt ở phía sau thế?... Bác già rồi còn đến trước các bạn. Ông khom mình xuống miệng giếng tối đen chìa tay xuống dưới. - Để bác giúp nào! Nhưng Karik không kịp nắm lấy tay ông. Ivan Germogenovich bỗng nhảy vọt lên như một quả bóng cao su. Thấp thoáng gót chân của ông cao tít trên miệng giếng rồi ông biến mất. Karik kinh hoàng nép vào tường. - Suỵt! - Cái gì thế? – Valia hỏi. - Bác ấy bị chim cắp đi mất rồi! – Karik thì thầm – Con chim lớn lắm. Cả cánh nữa. Valia rùng mình: - Anh nhìn thấy ư? - Ừ, anh thấy cái cánh… to lắm… như cánh buồm ấy! Bọn trẻ nhìn nhau. Valia rưng rưng nước mắt. Karik nói: - Dầu sao thì bác ấy cũng sẽ thoát khỏi! Valia lặng lẽ khóc. - Thôi, dừng khóc nữa, anh xin em! Bác ấy sẽ thoát ra mà – Karik an ủi em rồi thận trọng nhìn lên từ dưới giếng và gọi to: - Bác Ivan Germogenovich ơi! Không có ai đáp lại cả. Valia lấy tay chùi nước mắt rồi cương quyết nói: - Cần phải bò lên! - Đúng thế! – Karik đồng tình. Bọn trẻ giúp nhau bò ra khỏi giếng. Chúng đứng trên đỉnh của ngọn”Vêzuvi vàng”. Cách đấy không xa lăn lóc cái túi của Ivan Germogenovich cùng với món trứng thừa và cái xoong bằng vỏ trứng. Phía trước trải dài sa mạc với những đồi cát vàng. Phía sau rừng cỏ rì rào như biển xanh mà những khác du lịch đã vượt qua suốt cả buổi sáng. Bên phải và bên trái là những hồ nước xanh lơ cùng rừng sậy cao mọc trên bờ. Nhưng không thấy giáo sư đâu cả. - Bác Ivan Germogenovich, bác ở đâu thế? – Valia gọi to. Cô lắng nghe. Không một tiếng động. - Bác Ivan Germogenovich! Nhưng đáp lại chỉ có tiếng gió rì rầm buồn bã trên đỉnh núi cao cùng tiếng vọng lan ra và tắt sau những ngọn đồi. - Chúng ta cùng đồng thanh kêu nhé! – Karik đề nghị. Bọn trẻ cầm tay nhau, cùng gọi to: - Bác Ivan Germogenovich. “Ô-ê-vich” - Tiếng vọng dội lại rồi tắt dần. Nước mắt Valia chảy như suối. Cô úp tay lên mặt và khóc nức nở. Ngay lúc đó một cơn lốc rít lên bay qua trên đầu cô. Cô bị hất ra một phía lăn trượt trên những tảng đá to. Cuối cùng, khi cô đứng dậy được và nhìn xung quanh không thấy Karik trên đỉnh núi nữa. Thế mà anh ấy vừa đứng ở đây xong, ngay cạnh tảng đá tròn này… Valia hoảng sợ gọi to: - Karik! Anh Karik, anh ở đâu thế? Doạ em làm gì thế? Ở tít trên cao ngay dưới đám mây, ai đó đáp lại tiếng rất nhỏ: - Va-a-lia. (1) Vêzuvi – tên một ngọn núi lửa nổi tiếng (ND). (2) Everest - ngọn núi ở Ấn Độ cao nhất thế giới (ND). (3) Andrejevna là tên phụ danh thường gặp của người Nga. Chương 12 TRONG MÓNG VUỐT CỦA CON QUÁI VẬT CÓ CÁNH – KHÁCH DU LỊCH GẶP NHAU TRONG CÁI LU - NGỌN NÚI BẠCH SƠN BẰNG GỖ - ĐỒ HỘP SỐNG – KARIK VÀ VALIA CHIA TAY GIÁO SƯ.   Valia lo lắng chạy khắp sườn núi. Cô chạy xuống dưới rồi trở lại đỉnh cao, ngó vào miệng giếng tối đen. Cô gọi: - Anh Karik ơi! Bác Ivan Germogenovich ơi! Không một tiếng trả lời. Valia lẩm bẩm: - Trời ơi, họ ở đâu thế này? Cô bé tội nghiệp hoàn toàn kiệt sức. Cô ngồi xuống tảng đá nóng bỏng, hai tay ôm đầu khóc. Qua làn nước mắt tựa như qua một tấm kính bị nước mưa làm mờ cô trông thấy những con vật khổng lồ có cánh chốc chốc lại bay qua. Chúng lượn sát gần Valia. Cánh của chúng gây nên cả một cơn gió lốc. Valia rụt cổ nằm sát đất kinh sợ quan sát những con quái vật có cánh bay lượn. Lúc thì chúng bay lên cao. Lúc lại sà xuống đất. Gập những cánh lấp lánh trong suốt và cong cái bụng vằn xuống, chúng bò vụng về trên cát. Lấy được cái gì đó ở dưới đất chúng lại bay lên cao. Một con trong bọn chúng bò sát gần Valia. Cánh của nó đụng cả vào cô. Bị xô mạnh Valia té từ trên tảng đá xuống đất. Con vật bụng vằn nhanh nhẹn quay lại phía cô và bắt đầu ngắm nghía cô bằng cặp mắt lồi sáng lấp lánh. Valia chết lặng người. Con vật từ từ bò ra xa. Nhưng cô bé vừa động đậy là con quái vật nhảy ngay lại gần, lúc lắc những cái râu ngay trên đầu cô. Valia sợ tái người. Cô bé nín thở tròn mắt vì sợ hãi nhìn những cái râu dài. Cô không nhìn thấy con quái vật nhưng cảm thấy rằng nó ở gần đây, ngay sát cạnh cô. Bắt đầu im lặng, chỉ nghe thấy tiếng thở của mình. Sau đó Valia nghe thấy con quái vật bò đi xa dần, nặng nề di chuyển tấm thân trên mặt đất. Valia nhỏm phắt dậy. Toàn thân cô run rẩy, ướt đẫm mồ hôi. Cô vung tay, thét lên một tiếng rồi nhào xuống dưới chân núi. Nhưng ngay lập tức một cái chân xồm xoàm lông quặp chắc lấy toàn thân cô. Một cây kim nhọn xuyên qua lần áo bằng mạng nhện đâm vào lưng cô. Tuy rất đau nhưng Valia không kịp kêu. Những cái cánh rít lên ầm ầm trên đầu cô và cô bé thấy mình đã ở trên không. Những cái chân rắn chắc ghì sát cô vào cái bụng xồm xoàm lông, lúc thì thót lại lúc thì phình ra như cái bễ lò rèn. Valia cố thử quay đầu nhìn xem con quái vật nào giữ cô ở trong chân của nó. Nhưng cô bé vừa động đậy là cái chân xiết chặt cô lại như hai gọng kìm sắt. Cô bé rên lên vì đau: - Cứu tôi với! – Valia kêulên. Tiếng gió rít át cả giọng nói của cô. Cô kêu khan cả tiếng, mà cũng không nghe thấy tiếng của mình. Ở phía dưới những đồng cỏ và những cánh rừng xanh trôi lướt qua, thấp thoáng những dòng sông và những hồ nước xanh lơ, những dải cát vàng trải dài như vô tận. Valia bay đi mỗi lúc một xa khỏi cái giếng, nơi mà giáo sư và Karik có thể sẽ tìm thấy cô. Cái con thú có cánh kinh khủng này lôi Valia đi đâu bây giờ? Cô biết làm gì một thân một mình trong những rừng cỏ rậm rạp kia? Biết làm sao tìm đường về nhà, biết có bao giờ cô sẽ trở lại thế giới rộng lớn và ấm cúng kia không? Valia xoay trở quay được đầu lại, giận dữ ngoạm răng vào cái chân chắc nịch. Cái chân rắn và trơn như cây gỗ được đánh bóng. Răng của Valia bị trượt không bám được vào nó. Ngay lú đó gọng kìm rắn chắc lại siết mạnh hơn nữa cô bé tội nghiệp. Vật lộn với con quái vật thật là vô ích. Nó có thể bóp cô như một con ruồi. Valia nức nở: - Tôi chết mất, tôi chết mất mà chẳng ai sẽ biết là tôi chết cả. Cô cảm thấy thương thân mình quá, oà lên khóc. Rồi nước mắt cũng khô cạn. Cặp mắt trở nên khô tựa bị vắt kiệt không còn một giọt nước mắt. Khi đó Valia lại bắt đầu giẫy dụa và kêu lên: - Bỏ ra! Sao cứ túm lấy tao làm gì? Tao có động đến mày đâu? Bỏ ra! Cút đi! Để cho tao yên! Nhưng con quái vật có cánh cứ bay mãi về phía trước, rít đôi cánh cứng khoẻ của mình ầm ầm như một xưởng cưa gỗ. Nhưng bỗng nó bay là là xuống đập đôi cánh và giơ chân quặp Valia, đút cô vào một cái lỗ tối đen nào đó, tựa như đút vào lò nướng. Valia va đầu vào một vật gì rắn, cứng và trượt nhanh xuống phía dưới như theo một cái dốc băng. “Mình chết mất thôi!” Valia thoáng nghĩ. Vì sợ hãi cô nhắm mắt lại và bỗng cảm thấy có những chân cẳng nào đó lại chụp lấy cô. - Ôi chao! – Valia vừa kên vừa đấm đá chân tay. Trong nỗi kinh hoàng cô mở mắt ra và nhận thấy rằng chân cẳng giữ cô tuyệt nhiên không phải là chân cẳng mà là tay của vị giáo sư già. - Bác Ivan Germogenovich, bác đấy ư? – Valia kêu lên. - Bác đây, cháu Valia ạ! – Giáo sư âu yếm đáp vừa đặt cô xuống cái sàn dốc. - Cả anh cũng ở đây nứa – Valia nghe thấy giọng nói của Karik. - Tất cả chúng ta ở đâu thế này? – Valia khóc nức nở hỏi. - Thôi mà, thôi mà, chuyện ấy để sau phân giải – Ivan Germogenovich nói – chúng ta tất cả ở cùng một chỗ, bây giờ điều đó là quan trọng nhất. Valia ngơ ngác nhìn xung quanh. Trong tranh tối tranh sáng cô nhìn thấy những bức tường nhẵn, chúng uốn cong lên phía trên. Không có trần. Phía trên những tia mặt trời nhợt nhạt rọi qua một lỗ tròn to. Những hạt bụi bơi trong dải ánh sáng. Nhà tù mà Valia, Karik và giáo sư bị nhốt ở đó giống như một cái lu dài. Có điều cái lu này không đứng thẳng mà lại đứng nghiêng tựa hồ như khi rơi nó bị mắc kẹt vào cái gì đó và treo trong không khí. Valia ngắm nhìn bức tường tối đen, nhìn Karik và giáo sư. Giáo sư và Karik làm sao lại rơi vào đây? Ai nhốt họ vào trong cái lu khổng lồ này? Chẳng lẽ cũng chính con quái vật đã bắt cô – Valia – vào đây hay sao? Cô bắt đầu hỏi han nhưng Ivan Germogenovich ngắt lời. - Chuyện đó để sau đã – ông cau mày nói – bây giờ không phải lúc ba hoa. Nếu như chúng ta không ra khỏi đây ngay bây giờ chúng ta sẽ chết mất thôi. Nào, các bạn trẻ… Chúng ta hãy thử xem. Giáo sư bắt đầu bò chậm chạp theo bức tường trơ nhẵn. Bọn trẻ bò theo ông. Dốc cao thật khó khăn. Chân tay bị trượt như trên mặt băng. Giáo sư gần như đã đến được mép lu, nhưng bỗng đầu gối ông rung động, bàn tay trượt và ông bị lăn lông lốc trở lại đáy, lôi theo bọn trẻ. Ông đứng lên nói: - Thật không may, chúng ta thử một lần nữa. Và những khách du lịch lại bò theo bức tường trơn rồi lại bị trượt lăn xuống dưới. - Chúng ta thử một lần nữa! Nhiều lần họ định leo lên nhưng mọi cố gắng đều vô ích. - Chẳng làm sao thoát khỏi đây được – Valia buồn rầu nói. - Im đi – Giáo sư giận dữ. Ông ước chừng bằng mắt khoảng cách từ mép lu đến sàn, ngắm nghía Karik từ đầu đến chân rồi quả quyết nói: - Nào, trèo lên vai bác đi. Karik nhảy lên như một quả bóng, ôm lấy cổ giáo sư và nhanh nhẹn leo lên vai ông. - Cháu hãy cố với tới bờ trên – Ivan Germogenovich nói. Karik nhẹ nhàng đứng thẳng người lên. Vịn tay vào tường, cậu cố gắng đứng thẳng đầu gối, cuối cùng vươn được cả thân mình. - Bây giờ hãy đặt chân lên lòng bàn tay của bác! – Ivan Germogenovich ngửa tay lên và nói. Karik thoạt tiên đặt một chân lên rồi sau đặt nốt chân kia lên lòng bàn tay giáo sư. - Cháu không ngã chứ? – Giáo sư hỏi. - Cháu không ngã đâu! Giáo sư gắng hết sức ì ạch nâng Karik lên như nâng tạ. - Tới rồi! – Karik kêu lên, bấu tay vào bờ cạnh gồ ghề của cái lu. - Tuyệt diệu! – Ivan Germogenovich nói – Bây giờ cháu đón Valia nhé. Ông nhấc bổng Valia từ dưới sàn lên rồi chuyển cho Karik. Sau đó, ông nhanh nhẹn gỡ đám mạng nhện cuốn trên người. Gỡ được một nửa cái áo, ông làm thòng lọng ở đầu dây. - Các cháu bắt đầu nhé! – Ivan Germogenovich kêu lên vừa ném thòng lọng cho bọn trẻ. Karik bắt lấy đầu dây rồi buộc vào mỏm nhô lên của cái lu. - Xong rồi ạ! – Karik vui vẻ nói. Ivan Germogenovich giật thử cái dây tơ nhện xem có chắc không, rồi túm hai tay lấy nó chậm chạp bò lên cao, đạp chân từng bước ngắn. Thở phì phò nặng nhọc, cuối cùng ông cũng bò được tới miệng lu. Các khách du lịch nhìn xuống dưới. Cái lu mà họ vừa chui ra khỏi, được gắn vào một cành cây khổng lồ, phủ đầy những đám gồ ghề màu hung. Từ cành cây này cho ra những cành nhỏ hơn trên có từng chùm những cây giáo khổng lồ màu xanh. Qua khoảng trống giữa các cành cây thấy được mặt đất ở xa tắp. - Chúng ta rơi vào đâu thế này? – Valia hỏi vừa sợ hãi ngó nhìn xung quanh. Giáo sư mỉm cười: - Chúng ta đang ở trên một cành thông bình thường nhất. - Trên cành cây ư bác? – Valia hỏi lại, lắc đầu nghi ngờ. - Phải rồi, chính trên cành cây thông mà bác hy vọng rằng cháu đã từng thấy hàng ngàn lần rồi. Dĩ nhiên là cành cây xưa nay vẫn như vậy, nhưng cháu thì đã bé đi nhiều lần. Vì vậy cháu cảm thấy lạ lùng. Karik nói: - Vâng, thôi thì cành cây cũng được, nhưng làm sao chúng ta tụt xuống đất đây hả bác? Không có dù thì làm sao nhảy xuống được? Ivan Germogenovich nói: - Thiếu dù cũng chẳng làm sao! Ông vỗ tay vào bộ quần áo của mình rồi vui vẻ nháy mắt bọn trẻ. - Thế mà các cháu lại cứ cười bộ trang phục của bác… Không, các bạn ơi! Đối với các nhà du lịch nghèo khổ như bác cháu mình thì mỗi sợi chỉ cũng là cả một kho báu. Giáo sư bắt đầu gỡ tơ nhện bạc quấn quanh mình. - Chúng cháu cũng cởi ra chứ bác? – Valia hỏi. - Dĩ nhiên rồi! Một bộ quần áo của bác đâu có đủ. Karik và Valia cùng bắt tay vào việc. Chúng gỡ những vòng tơ nhện quanh mình ra, xếp cẩn thận thành từng cuộn ở bên mình. - Mau tay lên các bạn – Ivan Germogenovich thúc giục bọn trẻ - Con vật lôi chúng ta đến đây sắp trở lại rồi đấy. Lúc đó, thì chúng ta đi đời… - Chúng cháu xong rồi! – Valia kêu lên. - Tốt lắm! Bây giờ các cháu hãy thử bện thành dây thừng to. - Nhưng làm thế nào cơ bác? - Dễ không ấy mà! Như thế này này! – Và giáo sư chỉ cho bọn trẻ cách bện dây thừng. Cùng giúp nhau các khách du lịch vội vã bện tơ nhện thành sợi dây thừng rồi kết lại làm một sợi dây cáp. Cuối cùng mọi việc đã sẵn sàng để leo xuống. Ivan Germogenovich gom hết dây cáp lại thành một đống buộc một đầu dây vào chỗ mỏm nhọn của cái lu rồi lấy chân đá đống dây còn lại xuống dưới. Đống dây nặng nề trượt giữa các cành cây lao xuống dưới. Trong khi rơi nó gỡ ra thành một sợi dây cáp dài có những nút buộc thắt. Đầu dây treo trên cành thông ở dưới. Ivan Germogenovich sắp xếp: - Valia leo xuống đầu tiên! - Tại sao lại là cháu ạ? Giáo sư cau mày nói: - Không phải lúc để tranh cãi bây giờ! - Vâng thôi được ạ - Valia vội vã nói – cháu sẽ leo xuống đầu tiên. Bác đừng giận nữa nhé! Cô bé dũng cảm nắm lấy dây cáp nhanh nhẹn tụt xuống dưới. - Chúc lên đường may mắn! – Ivan Germogenovich vẫy tay - xuống đến nơi thì giữ đầu dây nhé. - Cháu sẽ giữ! Valia kên lên vừa tụt xuống. Giáo sư và Karik cúi xuống và lặng lẽ theo dõi người bạn nhỏ tụt xuống. - Dũng cảm lên nhé! – Karik kêu lên. - Nhất định rồi! - Tiếng nói yếu ớt của Valia vọng lên. Cô bé bình tĩnh tụt theo dây cáp từ nút buộc này đến nút khác và đã đến được giữa sợi dây. Đột nhiên lúc này nổi gió lên. Valia bị đung đưa như con lắc. Cô run rẩy bám chặt lấy nút buộc của sợi dây cáp, ngẩng đầu lên, bối rối tìm cặp mắt giáo sư. - Cứ tụt xuống đi! – Giáo sư và Karik đồng thời kêu lên một lượt. Gió lắc sợi dây mỗi lúc một mạnh hơn. Người Valia vẽ thành một vòng cung trên vực thẳm. - Tụt xuống đi! Valia nheo mắt và lại tụt xuống từng nấc một. Cuối cùng chân của cô chạm phải một vật gì rắn. Đó chính là cành thông ở dưới. Cành này to và rộng hơn những cành ở trên. Valia có thể đi dạo trên đó thoải mái như người ta đi trên đại lộ. - Cháu đến nơi rồi! – Valia ngẩng đầu lên kêu. Cái lu treo cao tít trên đầu cô. Trên miệng lu Ivan Germogenovich và Karik đang ngồi và kêu lên điều gì đó. Valia lắng nghe. - Giữ lấy đầu dây! – Karik kêu lên từ bên trên. Valia túm lấy đầu dây. Sợi dây rung lên và căng ra. Karik và tiếp theo đó là giáo sư nhanh nhẹn tụt xuống dưới đứng bên cạnh Valia. - Từ đây xuống đất cũng không còn xa lắm! – Ivan Germogenovich nhìn xuống dưới nói – Nào, ta hãy xem ngọn hải đăng của ta ở phía nào? Ông ngóng nhìn bên phải, bên trái rồi đột nhiên kêu lên: - Nó kia rồi! - Đâu? Đâu hả bác? – Karik và Valia nghển cổ hỏi. Xuyên qua đám gai thông các khách du lịch trông thấy cây sào với lá cờ đỏ ở phía chân trời xa. Nhưng bây giờ sao nó xa vời đến thế! Trông nó nhỏ xíu như lá cờ trên đồ chơi tàu thuỷ. Valia nheo mắt hết nhìn ngọn hải đăng lại nhìn Karik và giáo sư thở dài buồn bã: - Chúng ta chả làm sao đến đó được – cô nói - Một năm cũng chẳng đi tới được! Chúng ta thì bé nhỏ thế còn ngọn hải đăng lại ở xa đến thế! - Ừ! – Giáo sư nghiến răng nói – có lẽ đi bộ cũng phải hai hay thậm chí ba tháng. - Ba tháng ư bác? Nhưng lúc đó sẽ là mùa đông… phải làm nhà mất thôi – Valia hỏi. - Hừ… Cũng có thể… Nhưng sao chúng ta lại đứng đây thế này? Chúng ta hãy đi theo cành đến thân cây thông đi. Giáo sư xem xét cẩn thận một lần nữa rồi vững bước đi phía trước. Bọn trẻ theo sau. Họ bò trên những lớp vỏ thông gồ ghề màu đỏ thẫm, nhảy qua những vệt nứt hẹp và sâu. Cuối cùng các khách du lịch cũng đến được bức vách dựng thẳng đứng. Đó là thân cây. Những lớp vỏ nâu sẫm chồng chất lên nhau, giữa những tảng vỏ là các khe sâu. Ở một vài nơi các khe này mọc đầy lùm cây màu xám trắng. - Nghỉ một chút đi các bạn! – Ivan Germogenovich nói và ngồi xuống – Sau đó chúng ta sẽ tụt xuống theo thân cây như những con kiến vẫn làm. Bọn trẻ nhìn xuống dưới và bất giác lùi cả lại. - Sợ lắm! – Valia nói. - Nhưng dầu sao thì cũng phải xuống! – Ivan Germogenovich nói. Valia tựa vào đám vỏ cây màu đỏ, gục đầu xuống. - Không sao đâu, không sao đâu! – Giáo sư an ủi cô - Ở vùng Kavkaz và Pamir các nhà thể thao leo núi của chúng ta còn leo những dốc núi dựng đứng hơn nhiều. Rồi cũng tụt xuống nữa. Mà những dốc lên xuống đâu có dễ như ở đây! Họ còn gặp những băng hà. Gió làm chảy nước mắt. Và trời lạnh đến nỗi nước mắt đóng băng ngay trên má. Úi chà! Nghĩ đến cũng đủ sợ rồi. Còn ngọn Bạch Sơn bằng gỗ này của chúng ta tụt xuống đâu có nguy hiểm gì lắm. - Thì cũng phải cố tụt xuống thôi! – Valia thở dài buồn bã. - Dĩ nhiên là chúng ta sẽ tụt xuống đến nơi – Karik tiếp lời - Đằng nào thì cũng chẳng có đường khác xuống đất. Vậy thì phải tụt xuống theo thân cây. Giáo sư gỡ thêm một phần bộ quần áo của mình, bện thành một sợi dây chắc chắn và đưa một đầu cho Valia. Ông nói: - Cháu lại đi đầu tiên. Hãy buộc dây quanh thắt lưng và giữ nó cho chắc. Theo sai là Karik. Bác sẽ đi sau cùng. Ivan Germogenovich tết dây thành thòng lọng và quàng lên Karik. - Cháu bỏ tay ra!... Như thế được rồi! Karik giơ tay lên, hạ cái thòng lọng vào quanh thắt lưng và thắt nó chặt hơn. - Thế là xong rồi! – Giáo sư nói. Các khách du lịch leo xuống dưới. Thoạt tiên họ giòng Valia xuống. Cô quờ quạng hai chân và mò thấy chỗ vỏ cây nhô ra. Valia kêu lên: - Cháu đứng được rồi! Thả dây ra một chút! Họ làm chúng sợi dây. Tiếp theo Valia là Karik. Ivan Germogenovich đợi ở phía trên, xoạc hai chân giữ chắc đầu dây bằng cả hai tay. Ông theo dõi từng bước của bọn trẻ. Khi Valia và Karik vừa đứng vững trên bãi đất mới, Ivan Germogenovich ném cho chúng sợi dây, rồi bám chắc từng mố cây ông thận trọng tụt xuống. Họ đi như vậy vượt qua được gần nửa quãng đường nguy hiểm. Mặt đất mỗi lúc một gần hơn. Đã có thể phân biệt được những thân cây sù sì của cánh rừng cỏ. - Tuy vậy cũng còn xa lắm!- Ivan Germogenovich nói - Chắc cũng phải ít nhất hai tiếng đồng hồ nữa chúng ta mới tới nơi được. Cả ba người đều rất mệt. Vai và đầu gối của các khách du lịch đều xây xát thâm tím. Chân và tay run rẩy. Đã đến lúc phải nghỉ một chút. Đến một bãi rộng giáo sư và lũ trẻ dừng lại. - Nghỉ chân ở đây thôi! – Giáo sư ra lệnh và mệt nhọc ngã xuống một bãi trống xù xì. Bọn trẻ cũng ngồi xuống cạnh ông. Ivan Germogenovich nằm thở dài nặng nhọc lấy tay chùi mặt ướt đẫm mồ hôi. Karik và Valia ngồi thõng chân xuống dưới vực. Cả ba người đều im lặng. Đột nhiên Valia nhảy phắt dậy hoa tay nói: - Úi cha, hãy trông kìa. Con gì thế kia? - Cái gì? Cái gì thế? – Ivan Germogenovich đứng lên hỏi. Lúc này giáo sư đã trông thấy một cái đầu khổng lồ phủ đầy cả một rừng râu cứng rậm rạp. Những cái cẳng ngắn nhưng khoẻ mạnh bấu lấy bờ cạnh của cái bãi. Cuối cùng con vật đã bò trên bãi, uốn cái thân dài bù xù lông lá bò trên mô đất, chuyển động vô số chân của mình. Theo sau nó lại xuốt hệin một con khác cũng dài và xù xì lông lá như vậy, rồi lại tiếp thêm nhiều con nữa. - Các cháu đừng sợ - Ivan Germogenovich nói và ngồi xuống mỏm vỏ cây – Đó chỉ là con sâu bướm thông thường, Chúng không đụng đến chúng ta đâu. Valia thì thầm: - Ôi, dầu sao thì cháu cũng sợ chúng lắm. - Sao em nhát quá thế - Karik nói – Đã bảo với em là nó không động đến chúng ta, tức là nó sẽ không động tới… Nó ăn gì hả bác? - Cậu quay sang hỏi giáo sư. - Nó ăn những lá kim xanh và các mầm thông non mềm mại – Ivan Germogenovich đáp. - Đấy, thấy không, đó là loài sâu ăn chay. Thậm chí em có thể sờ tay vào nó. Nhưng Valia vẫn lùi ra xa phòng mọi bất trắc. Giáo sư mỉm cười bước lại gần Valia vỗ vai cô và nói: - Đừng sợ, cháu đừng sợ, cô bạn nhỏ ạ. Bây giờ chúng ta sẽ bò đi xa. Chúng đâu có cần đến chúng ta. Chúng bò đến lá và mầm thông non. Chính cái màu xanh này bị những con sâu ăn chay lông lá ấy ăn hết. Ồ, bác biết chúng rất rõ mà. Có một dạo bác thậm chí viết cả một cuốn sách về chúng. - Một quyển sách về những con sâu ư? – Valia kinh ngạc. - Có gì lạ đâu? – Ivan Germogenovich nhún vai - Những con sâu này là loài châu chấu rừng chính cống. Chúng tụ họp thành từng bầy đông đảo và tàn phá các rừng thông như châu chấu tàn phá lúa mì. Có một lần bác đã trông thấy khu rừng bị bướm thông đi qua. Bác đã đi hàng chục cây số mà không thấy một vệt nhỏ màu xanh nào, chỉ toàn là những cành trụi lá lăn lóc khắp nơi. Nói đến đây giáo sư nhìn lên cao và bỗng mỉm cười như vừa trông thấy người bạn tốt nhất của mình. - A, các chú Microgasternemorum đây rồi! – Ivan Germogenovich nói – Xin nhiệt liệt chào mừng. - Ở đâu? Bác vừa nhìn thấy con gì thế? - Chẳng lẽ các cháu không thấy hay sao? Trong những làn sóng không khí, ngay trên những con bướm thông có những con vật khổng lồ mình hẹp cánh dài và trong suốt bay liệng không một tiếng động. - Những con muỗi! – Valia kêu lên. - Microgasternemorum! – Ivan Germogenovich nhắc lại - Những chàng kỵ sỹ! Những người bạn của cánh đồng và rừng cây. Các cháu hãy xem chuyện gì xảy ra. Nhiều nhà bác học cũng phải ghen tị với các cháu bây giờ! Một chú rồi! – Giáo sư đếm - Một rồi nhé! Rồi! Hai chú! Tuyệt lắm! Rồi! Ba chú! Giỏi thiệt! Các cháu trông kìa! Các chàng kỵ sỹ có cánh từ trên lao xuống những con sâu giống như diều hâu bắt mồi và cưỡi lên lưng của chúng. - Chúng cưỡi kìa! Chúng cưỡi kìa! – Valia cười ầm ĩ – Đúng là những chàng kỵ sỹ thực thụ. Quang cảnh xảy ra giống như một màn xiếc ngộ nghĩnh, trong đó những con chó cưỡi ngựa hay những con chuột sợ run đang phi trên lưng những con mèo. Bọn trẻ vỗ tay reo hò. Nhưng bỗng Valia ngừng tay, nhìn giáo sư, bối rối hỏi: - Những con… Micry… gì ấy đang làm gì thế bác? Cô bé trông thấy những chàng kỵ sỹ giơ bụng lên cao và dùng lưỡi gươm nhọn ở cuối bụng vung lên đâm thẳng vào lưng những con sâu. Đâm xong rồi, chúng lập tức bay lên. - Đánh nhau! – Valia nói – Chúng đánh nhau chứ không phải cưỡi ngựa! - Không phải là đánh nhau mà cũng không phải là cưỡi ngựa! – Ivan Germogenovich đáp - Những chàng kỵ sỹ đâm vòi, đặt trứng của mình vào da con sâu và đẻ trứng dưới làn da của sâu. Qua một thời gian những ấu trùng kỵ sỹ chui ra khỏi trứng và sẽ tiêu diệt những con sâu… Bác cho rằng chúng sẽ ăn thịt sâu trước khi những con này biến thành bướm… Các bạn ạ, giả thử như không có những chàng kỵ sỹ này thì sâu bướm thông đã ăn trụi cả các cánh rừng. Nhưng những con Microgaster không cho chúng sinh sản, vì vậy chúng ta có thể gọi Microgaster là người canh rừng tốt nhất. - Thế có thể nuôi chúng bằng cách nhân tạo không bác? – Karik hỏi. - Những con Microgaster ấy ư?... Có thể đấy! Giáo sư nói. - Thế sao người ta không làm như vậy hả bác? - Người ta có làm thử, nhưng không phải lúc nào những thí nghiệm ấy cũng thành công – Ivan Germogenovich đáp - Tiếc thay, ấu trùng của các kỵ sỹ ấy cũng bị những kỵ sỹ khác đặt trứng của mình vào. Thực ra thì những kỵ sỹ ấy rất nhỏ nhưng trứng của chúng cũng đủ giết chết các con microgaster. - Thật là lũ ăn bám! Chẳng lẽ không thể tiêu diệt lũ nhãi nhép ấy hay sao? - Có thể chứ! Bọn kỵ sỹ tí hon này cũng có kẻ thù, và cũng là những chàng kỵ sỹ. Chúng bé tí xíu. - Ấy đó! – Karik nói – nhưng con này thì cần phải nuôi. - Phải rồi, điều này cố nhiên là hợp lý – giáo sư đồng ý. Nhưng khổ thay có những chàng kỵ sỹ khác đặt trứng của mình vào ấu trùng của những con vật tí hon có ích ấy. Karik bối rối giang tay nói: - Giống như là… chuyện cổ tích về con bò trắng. Đoạn mở đầu thì có mà kết cục thì không. - Chính thế đấy cháu ạ - Giáo sư tiếp lời – Đôi khi tưởng rằng mình tìm thấy chỗ kết thúc và hiểu được tất cả về con vật này hay con vật khác. Nhưng chỉ cần đào sâu một chút và nghiêm túc hơn đi sâu vào thực chất của vấn đề thì lại thấy rằng trong tay mình không phải là đoạn kết mà chỉ là đoạn mở đầu của một chương nghiên cứu mới và hấp dẫn. Giáo sư quên mất là mình đang ngồi trên một mẩu vỏ cây, ông nhỏm dậy và bắt đầu say sưa kể rằng các nhà bác học cũng tựa như Christophe Colomb (1) đi du lịch hàng ngày trong những đất nước chưa ai biết và họ đã phát hiện ta liên tiếp các đại lục mới như thế nào. Những con sâu bướm thông bò ngược lên theo vỏ cây tựa như theo một đường làng rộng rãi. Những con bọ dừa khổng lồ bò xuống gặp chúng. Trên những nẻo đường cây thông nhộn nhịp những con vật có cánh. Những con sâu bướm thông không nể nang xô đẩy giáo sư, bận rộn bò lên phía trên. Một con bọ dừa đen khổng lồ suýt nữa quật ông ngã nhưng ông vẫn tiếp tục nói hoài, nói mãi… Chưa biết Ivan Germogenovich còn đứng trên mẩu vỏ cây như trên mục giảng bao lâu nữa. Có thể cuộc nói chuyện còn kéo dài đến chiều tối. Nhưng bất ngờ một con vật có cánh nào đó phá ngang vào. Nó rơi như một viên đá xuống cạnh giáo sư, cánh đập vào làm ông văng ra một phía. Sau đó giơ cao cái bụng có mũi giáo ngọn dài, sắc, con vật đâm mạnh vào vỏ cây ngay sát đầu giáo sư. Mũi giáo nhọn đâm sâu vào vỏ cây. Bọn trẻ chưa kịp kêu thì con vật đã rút mũi giáo ra và biến mất trong hcớp mắt, cũng nhanh như khi nó xuất hiện. Karik và Valia nép sát vào tảng đá màu đỏ. Chúng thở nặng nhọc, tái người vì sợ hãi. Ivan Germogenovich rời vỏ cây đứng dậy. - Thế đấy, hình như bác ba hoa hơi dài một chút! Chúng ta còn phải tụt xuống đất trước khi trời tối. Ông ngước nhìn Karik và Valia rồi nói: - Không có gì nguy hiểm đâu! Đó chỉ là con Talessa bình thường, hoặc nói giản dị cũng là một chú kỵ sỹ. - Nó đặt trứng vào vỏ cây ư bác? - Sao lại vào vỏ cây? – giáo sư nói – Nó đặt trứng vào ấu trùng của sâu phá hoại cây thông. - Vào ấu trùng ư? – Karik ngơ nágc - Thế ấu trùng ở đâu hả bác? - Ở dưới lớp vỏ cây! - Bác làm sao mà nhìn thấy được? - Bác không nhìn thấy nó, nhưng bây giờ thì bác sẵn sàng đánh cuộc gì cũng được là dưới lớp vỏ cây đang ngọ nguậy ấu trùng của một chú bọ rệp có râu nào đó. - Vậy nghĩa là chàng kỵ sỹ nhìn xuyên qua được lớp vỏ cây ư bác? - Không. Nó không nhìn thấy ấu trùng, nhưng cảm giác thấy nó… Mà chúng ta không hiểu được điều đó đâu. Chúng ta còn biết rất ít về lối sống của các côn trùng. Nhiều cái trong đời sống của những sinh vật đặc biệt này chúng ta còn chưa biết thật rõ, thí dụ như râu của chúng để làm gì? – Ivan Germogenovich nói. Ông đứng dậy thong thả cuộn đầu dây vào tay. - Thôi nào, - Ivan Germogenovich nói - đứng dậy thôi các bạn! Chúng ta đi tiếp nào. Lại bắt đầu công việc leo xuống vất vả và nguy hiểm theo các tầng vỏ cây. Thỉnh thoảng giáo sư và bọn trẻ sau khi chọn những bãi nghỉ lặng lẽ nằm xuống những tảng đá màu đỏ. Duỗi tay chân đã tê cứng, họ xem xét dây có còn lành nguyên không, có nút nào bị rối không để rồi lại lên đường, nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác. Tại một trạm nghỉ các khách du lịch buộc phải ngồi khá lâu. Chỗ đó không còn xa mặt đất bao nhiêu. Giáo sư và bọn trẻ sau khi nghỉ một chút đang chuẩn bị leo xuống tiếp thì bỗng nhiên trên đầu họ ầm ầm tiếng cánh vỗ. Ivan Germogenovich nhìn lên và tái mặt đi. Ông vội vàng kéo tay bọn trẻ lẩn vào một khe hẹp. - Ngồi im! – Giáo sư thì thầm. Một con vật vằn, eo thon và dài bay qua. Thân hình dài ngoẵng của nó phủ những vằn vàng và đen như da hổ. Lướt đôi cánh qua lớp không khí và ép chặt vào bụng con vật gì ngọ nguậy như con rắn nó bay vụt qua thật nhanh. Giáo sư thì thầm: - Con ong vò vẽ Evmena! Con ong vò vẽ bay lại gần cái lu mà Ivan Germogenovich cùng bọn trẻ vừa mới thoát ra, ném con mồi của mình vào đó rồi chui vào trong lu. - Chính nó bắt chúng ta phải không bác? – Valia hỏi. - Chính nó đấy – Ivan Germogenovich gật đầu – Các cháu ạ, bác nghĩ rằng con ong nhầm chúng ta với những con sâu. Nhưng các cháu hãy xem nó đang làm gì thế kia? Con ong vò vẽ chui ra khỏi lu bay vụt xuống đất rồi lập tức bay lên. Quạt một làn gió vào các khách du lịch nó bay qua họ như một cơn lốc theo đường vòng cung rồi đậu xuống chiếc lu. Tất tả bò quanh cái lỗ, con ong vẽ nghí ngoáy những cái chân vừa gõ đầu vào mép lu. Sau đó nó bay đi. Các khách du lịch nhìn thấy lỗ ra vào của cái lu đã bị lấp bởi cái gì đó màu xám. Ở chính giữa gồ lên một viên đá nhọn và to như cái nút chai. - Các cháu thấy không – Ivan Germogenovich nói – Con ong vẽ đã bịt kín cái lu của mình thế nào. Giả sử bác cháu mình không kịp thời chui ra khỏi đó thì chúng ta có thể chết đói ở đấy. - Thế không thể đập tường ra ư bác? - Không được! Con ong vẽ trộn các hạt bụi với nước miếng của nó thành một thứ xi măng thật chắc, đến nỗi những người lớn bình thường cũng không dễ gì dập vỡ được. - Dầu sao cháu cũng không hiểu được – Karik nói – Nó bắt chúng ta, rồi tống chúng ta vào trong lu… nhưng để làm gì? Tại sao nó không ăn thịt chúng ta ngay? - Nó đâu có định ăn thịt chúng ta – Ivan Germogenovich đáp – con ong vẽ ăn mật hoa, còn những con sâu nó bắt là để dành cho con cái… Các cháu có nhận thấy không, nó không giết con mồi. Nó chỉ châm nọc ru ngủ những con giun… biến chúng thành đồ hộp… thành những đồ hộp sống. - Thế sao chúng không ru ngủ chúng ta? – Valia hỏi. - Bác cũng không biết nữa! – Giáo sư nhún vai – Bác không hiểu gì cả… Cũng có thể nọc độc không xuyên qua được lần áo mạng nhện của chúng ta, và cũng có thể nó không có tác dụng với chúng ta. Bác cũng không biết nữa. Nói chung mọi chuyện thật kỳ lạ… Thực ra, bác không hiểu sao nó có thể lẫn chúng ta với những con sâu… Thông thường, những con ong không nhầm lẫn như vậy… Đối với khoa học đó là một trường hợp b1i ẩn hoàn toàn. - Thế ai làm cái lu cho nó? – Valia hỏi. - Tự nó làm đấy – Ivan Germogenovich đáp - bằng loại xi măng của nó. Ở trong những bức tường chắc chắn ấy ấu trùng của ong có thể lớn lên mà không sợ bị con khác ăn thịt hoặc đè bẹp. Thức ăn chuẩn bị vừa đủ cho nó… Khi con ấu trùng chui ra từ quả trứng, nó theo sợi dây tơ bò xuống dưới, rơi lên mình con sâu và bắt đầu ăn thịt chúng. Mà các cháu có biết chúng ăn như thế nào không? Chúng nhấm nháp con mồi hàng tuần lễ, nhưng đến ngày cuối cùng con sâu vẫn sống và thịt vẫn tươi… Sau đó con ấu trùng kéo kén và một thời gian sau con ong đực hay con ong cái bay ra từ cái kén… Từ trong cái lu của chúng ta đáng lẽ con ong đực sẽ bay ra, nhưng bây giờ… - Sao bác biết chắc là con ong đực? - Bác biết chứ! – Ivan Germogenovich đáp – Con ong bỏ vào trong lu ba chúng ta rồi lại đem thêm một con sâu nữa. Bốn con sâu - đó là dự trữ cho con đực. Còn nếu là trứng ong cái thì nó sẽ để mười con sâu. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Con ong cái to hơn con ong đực vì vậy cần để thức ăn cho nó nhiều hơn. - Như vậy có nghĩa là con ong biết đếm đến mười hả bác? – Valia hỏi. - Bác không nghĩ là nó biết đếm thậm chí cho đến hai – Ivan Germogenovich mỉm cười đáp – Cháu có nhớ không, con ong đã bò vào trong lu sau khi chúng ta đi khỏi đó. Đúng không nào? - Vâng, thì nó đã chui vào! - Nó chui vào là đẻ trứng. Như vậy nó đã trông thấy ở trong lu chỉ có một con sâu chứ không phải bốn. Vậy mà nó cứ lấp lu lại, không biết đem thêm ba con sâu nữa. Bây giờ cố nhiên ấu trùng sẽ chết. Giáo sư bước ra khỏi khe núi, nhìn phải nhìn trái và nói: - Nó bay rồi, bây giờ chúng ta có thể yên tâm mà đi. Đến mặt đất không còn xa và chẳng bao lâu các khách du lịch đã xuống tới nơi bình an. Trước mặt họ là sa mạc đá. Bên trái là khu rừng cỏ xanh xa xôi. Trên cánh rừng nhô lên cây sào hải đăng với lá cờ đỏ nhỏ xíu. Các khách du lịch lên đường. Suốt ngày họ đi trên cát qua nhiều rừng núi, lội qua nhiều suối lạch. Đến chiều tối, mệt mỏi và đói mềm, họ dừng lại bên bờ một con sông cuộn sóng. Bọn trẻ không còn sức bơi qua sông, Valia nằm dài bên bờ và nói: - Cháu không sao đi nổi nữa! Hoàng hôn đã buông xuống. Bầu trời thẫm dần. Những áng mây ráng đỏ trên cánh rừng. Trên đầu tiếng chim xào xạc gọi bầy. - Biết làm sao – Ivan Germogenovich nói - buộc phải ngủ đêm lại đây thôi. - Ở trên bờ ư bác? - Thử cố tìm một hang núi hay hang gấu nào đó. Sau một hồi tìm kiếm Karik gặp một tảng đá màu nâu giống như một đống cỏ khô. Ở bên hông có một cái lỗ đen tròn xuyên qua bức tường dày. Karik ngó vào trong và kêu lên: - Lại đây đi! Có lẽ cháu tìm được một căn nhà nào đó. Giáo sư bước lại gần, xem xét kỹ tảng đá, ngẫm nghĩ rồi nói: - Một quả hồ đào rỗng. Căn nhà của một ấu trùng loài mọt bọ dừa. Chui vào đi các cháu. Một khách sạn dùng được. Trời đã tối. Mệt mỏi quá bọn trẻ díp mắt lại. Chân đau ê ẩm. Karik và Valia nhanh nhẹn lẩn vào trong cái lỗ của quả hồ đào, nhào lăn xuống sàn đất xù xì, và lập tức ngủ say như chết. Trong lúc đó giáo sư đi quanh quả hồ đào thở dài thườn thượt. Lỗ ra vào hẹp quá nên Ivan Germogenovich chỉ có thể thò được cái đầu vào, còn vai thì không lọt. - Bực thật! – Giáo sư làu bàu. Giận dữ càu nhàu, ông ngó vào quả hồ đào một lần nữa, lắng nghe tiếng thở đều đều trong mơ của bọn trẻ rồi đi tìm chỗ ngủ khác cho mình. Không xa quả hồ đào ông tìm thấy một vỏ ốc trong hố và xem xét nó. Vỏ ốc rỗng không. Ông cằn nhằn rồi chui vào trong đó. Sàn vỏ ốc tuy nhẵn nhụi nhưng cứng và lạnh. Giáo sư mệt mỏi sau chặng đường dài nên không để ý đến điều đó. Kê tay gối đầu lên ông nằm duỗi thẳng và ngủ ngay tức khắc. Gần nửa đêm trong không trung có tiếng gầm rít. Giáo sư mơ hồ nghe thấy trong giấc ngủ say. Chắc là trời nổi gió. Trời lạnh làm ông tỉnh giấc và mở mắt ra. Bầu trời phủ đầy mây đen. Mặt trăng ngụp lặn trong những đám mây. Giáo sư co ro nằm thu mình lại rồi thiếp đi trong giấc ngủ chập chờn. Trong khi đó ở bên ngoài vỏ ốc, từng cơn gió lạnh thổi giật mạnh như điên khùng làm những cành hoa, lá cỏ và bụi bốc lên khắp mặt đất. Sức ép của gió làm quả hồ đào lung lay. Cuối cùng, sau khi rung rinh lắc lư một hồi nó bị cuốn theo làn gió lăn xuống sông. Một cơn gió mới xô quả hồ đào xuống nước. Nó nhảy múa trên sóng rồi trôi theo dòng chảy. Trong giấc ngủ say bọn trẻ mơ hồ cảm thấy bị lắc như trong nôi trẻ con. Chúng nép sát vào nhau vừa ngủ vừa mỉm cười trong giấc mơ. Trong khi đó dòng sông cuốn quả hồ đào đưa bọn trẻ đi mỗi lúc một xa giáo sư hơn. Christophe Colomb – nhà thám hiểm đi nhiều nơi trên thế giới và được coi là người phát hiện ra Châu Mỹ (ND).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét