Trang

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Chó H’Mông cộc đuôi, chó săn cổ của đại ngàn

“Ở Việt Nam, giống chó nào nổi tiếng nhất?” – “Chó Phú Quốc”. Người dân nào, kể cả cánh hướng dẫn viên, cũng đều trả lời như vậy. Nhưng ít ai biết ở cực Bắc xa xôi  của địa đầu tổ quốc, có giống chó săn cổ H’Mông cộc đuôi của đại ngàn cao nguyên đá Hà Giang cũng ngang ngửa chín mười với chó Phú Quốc.

Chó H'Mông cộc đuôi, giống chó săn cổ của đại ngàn Hà Giang, loại một chín, một mười với giống chó Phú Quốc
Bởi lâu nay chó Phú Quốc đã trở thành thương hiệu lừng danh của Việt Nam, từng tham gia hội thi chó giống quốc tế ở Paris, có tên trong tự điển Larousse. Ngoại hình đẹp, đầu nhỏ, tai vểnh cao, cổ và chân dài, bụng thon, mắt cọp, xoáy dọc sống lưng, chạy nhanh như sóc, bơi như rái cá; dáng dũng mãnh, thông minh, thân thiện với con người. Chó thích đẻ trong hang, khẩu phần ăn luôn có cá.
Nhiều chuyện kể về sự trung thành, tinh khôn và hy sinh cứu chủ của chó Phú Quốc. Là bảo vệ và trợ thủ tuyệt vời của nhiều gia đình, bất kể giàu nghèo. Thời Nguyễn Ánh bôn tẩu vì Tây Sơn, 4 con chó Phú Quốc hết lòng “cứu khốn, phò nguy”, được vua Gia Long phong là “Tá quốc huấn thuần Thần Khuyển đại tướng quân”. Quân khuyển nhà Nguyễn thời đó chủ lực là chó Phú Quốc.
Ít ai biết rằng, ở cực Bắc xa xôi của địa đầu tổ quốc, có giống chó săn cổ của đại ngàn đá Hà Giang, cũng ngang ngửa chín mười với chó Phú Quốc. Giống chó H’Mông này đuôi rất ngắn, chỉ vài phân. Răng thường có từ 6 đến 8 cạnh khác nhau (đây là đặc điểm của loài chó săn cổ xưa, theo kiểu cắn cổ con mồi và xé thịt). Tai hình tam giác luôn dựng đứng, kiểu nằm hai chân trước duỗi thẳng, hai chân sau luôn trong tư thế sẵn sàng tấn công. Tầm vóc trung bình nhưng toàn thân đậm chắc, khung xương rộng, đầu to và ánh mắt biểu cảm. Thể hình hơi góc cạnh, thiếu các nét thanh tú và mềm mại nhưng luôn bộc lộ các đặc điểm về thể lực rất tốt cũng như khả năng chịu đựng các điều kiện thời tiết khắc nghiệt
 
 
Trên các bản của huyện Đồng Văn, Mèo Vạc… vẫn còn những con chó khôn và đẹp như huyền thoại, không bao giờ mua được dù trả bằng vàng
 
Chó H’Mông cộc đôi có bản năng về việc bảo vệ lãnh thổ. Từ xưa giống chó này đã được sử dụng làm chó săn, chó canh gác và hiện tại vẫn tiếp tục đảm nhiệm khá tốt các vai trò này với lực lượng biên phòng Việt Nam. Nhiều dân chơi cả nước đang săn lùng và khao khát sở hữu một chú H'Mông cộc chuẩn, được các tổ chức thế giới nghiên cứu, công nhận mang nguồn gen quý đẳng cấp quốc tế.
Mấy năm gần đây, chó H’Mông đã có mặt và ngày càng khẳng định tầm vóc trong các cuộc thi  chó giống Việt Nam. Tại các thành phố lớn đều có câu lạc bộ chó H’Mông cộc. Từ năm 2012, Hà Nội và TP.HCM liên tục diễn ra các cuộc tranh tài chó H'Mông cộc và Phú Quốc, 2 giống chó bản địa được đánh giá rất cao về  phẩm chất, thể lực.
Ngày 4 - 5.10.2014 vừa qua tại nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM, lần đầu tiên chó H’Mông cộc đã ngoạn mục soán ngôi chó Phú Quốc, giành vương miện quán quân chó giống Việt Nam. Giải thưởng này càng khẳng định những ưu điểm của giống chó săn cổ đại ngàn.
Giống chó H’Mông này đuôi rất ngắn, chỉ vài phân
Không phải tự nhiên mà người chơi lại đam mê dòng chó này như vậy. Giờ đây những cái tên như Nhị Tử, Hắc Tử, Hổ, Báo, Sói, Bão, Mila, Tun, Tom… không ai trong làng chơi H'Mông cộc không biết. Hành trình để một chú chó H’Mông cộc tới tay người chơi là cả quá trình gian nan, lắm lúc làm nản lòng dân chơi chó miền xuôi nhưng cái duyên là điều mà ai cũng công nhận. Vào bản là phải uống rượu, loại rượu ngô đặc sản, uống bằng tô. Nhập gia tùy tục, nhập bản tùy tửu. Nhiều người chưa thấy rõ chó đã say lăn kềnh. Thật lòng mới say, dân bản bảo thế. Chưa thấy ai vào bản không say mà mua được chó.
 
 
Trong cái giá lạnh, có khi dưới 0 độ C của vùng sơn cước, chó con vừa đẻ thường rất dễ bị chết. Con tốt nhất sẽ được chó mẹ cắp vào gần bếp lửa, con ấy sẽ sống và sau này khôn cực
 
Để sở hữu được con chó ưng ý nhiều khi mất hàng tháng trời, không loại trừ cả “khổ nhục kế”. Phải 3 cùng với dân bản, từ ăn ở, lên núi, vào rừng và nhiều sinh hoạt khác. Muốn “mục sở thị” chó xịn phải vào tận bếp người H’Mông. Bếp là nơi quan trọng nhất, nơi giữ lửa, giữ ấm cho mọi người trong gia đình, linh thiêng tựa gian ban (không phải bàn) thờ của người Việt. Với người H'Mông, các vật dụng lao động dựng trong bếp chính là những “vị thần” đã giúp làm ra của cải, nuôi sống họ từ bao đời nay. Vì vậy, con chó nào được nuôi trong bếp là “ISO” chứng tỏ sự tinh khôn, được gia chủ tin yêu và cưng chiều như thần giữ của. Còn những con chạy loăng quăng ngoài sân, hàng rào là chó loại 2, chó ở chợ là chó loại 3, hàng dạt mới đem bán.
Trong cái giá lạnh, có khi dưới 0 độ C của vùng sơn cước, chó con vừa đẻ thường rất dễ bị chết. Con tốt nhất sẽ được chó mẹ cắp vào gần bếp lửa, con ấy sẽ sống và sau này khôn cực. Chủ nhà cũng thường quan sát và chọn con ấy nuôi trong bếp. Những con chó cực khôn như vậy rất hiếm khi có mặt ở chợ phiên.
Người dân vùng cao thì đơn giản, chỉ biết chó cộc là giống chó từ thời cụ kị ông bà kể lại đã có, rất khôn và trung thành. Người lạ gần đến nhà là sủa báo động với chủ. Nếu chủ không có nhà mà khách cứ đi vào thì xông đến sủa dữ dội, quắc mắt, nhe nanh đe dọa, 2 chân cào mạnh xuống đất khiến người ta bạt vía. Chó sẽ tấn công nếu khách cố tình tiến vào nhà hay cầm vật gì đó mang ra.
Để hỏi mua được một chú chó H’Mông cộc đủ chuẩn về thể hình, phẩm chất là điều cực khó. Người dân quý chó hơn vàng. Có chó mang đi cúng nguời nhà bị ốm. Thầy cúng phán “Con chó đấy không được bán hay mổ thịt, nếu làm điều đó, người trong nhà sẽ bệnh chết”. Bởi thế, trên các bản của huyện Đồng Văn, Mèo Vạc… vẫn còn những con chó khôn và đẹp như huyền thoại, không bao giờ mua được dù trả bằng vàng.
Mua được một chú chó H’Mông cộc đủ chuẩn về thể hình, phẩm chất là điều cực khó
Chó H'Mông giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi chó gần đây
Chó H’Mông cộc là loại chó con nhà nghèo, dễ nuôi và giỏi chịu đựng. Nhiều con đã được “hạ sơn” xuống đồng bằng, về thành phố. Ở đâu thì chó vẫn sinh sôi và hết lòng làm đẹp cho đời. Để duy trì nguồn gen quý và nhu cầu, một số dân chơi đã đầu tư và xây dựng trại bảo tồn giống chó H’Mông cộc. Hà Nội có các trại của Anh Dũng, Nguyễn Minh Thoan, Phạm Cường Anh. Hà Giang có trại của Trần Danh Tuyên…
Đại ngàn đá Hà Giang “Đất không 3 bước bằng, nắng không 3 ngày tiếp. Ngước mặt thấy nhau, đi cả ngày chưa gặp”. Nơi 2/3 cư dân vẫn bập bẹ tiếng Việt, còn đậm đà chất hoang dã thiên nhiên. Thương hiệu du lịch đại ngàn đá Hà Giang độc đáo với hoa tam giác mạch Đồng Văn, cúc vàng dại Mèo Vạc, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, đệ nhất đèo Mã Pí Lèng, cực Bắc của tổ quốc với cột cờ Lũng Cú… Càng tuyệt vời thêm với giống chó săn cổ H’Mông cộc, quán quân các giống chó Việt Nam với bao chuyện hấp dẫn, thú vị đang chờ bạn.
Vài hình ảnh về giống chó săn cực hiếm quý của đại ngàn đá Hà Giang:
Giống chó H'Mông cộc có răng từ 6 đến 8 cạnh khác nhau, đây là đặc điểm của loài chó săn cổ xưa, theo kiểu cắn cổ con mồi và xé thịt
Chó mẹ thường cắp những con tốt nhất vào gần bếp lửa, con ấy sẽ sống và sau này khôn cực
Trên các bản của huyện Đồng Văn, Mèo Vạc… vẫn còn những con chó khôn và đẹp như huyền thoại, bạn khó mà mua được dù trả bằng vàng
Bài, ảnh: Nguyễn Văn Mỹ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét