Không phải là cứ có tiền là có thể có được giống chó cộc quý, có người phải ăn chực, nằm chờ cả tháng trời, đi bộ băng rừng lội suối hàng chục km vào tận bản xa, may ra mới tìm được chú chó ưng ý.
Thà chết đói nhất định không ăn cơm của người lạ?
Trong
giới chơi chó H'mông cộc của cả nước không ai không biết tới Hải Anh,
nhà ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Gia tài lớn nhất của chàng chiến sĩ CSGT
này là chú chó H'mông cộc có tên là Tun.
Được
nghe khá nhiều giai thoại về Tun, nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi
“huyền thoại” này có vóc dáng nhỏ thó, chỉ nặng chừng 19kg, cái đuôi nhô
ra dễ cũng chỉ đến 3cm. Mang trên mình bộ lông màu vện lửa, chú chó này
luôn hướng cặp mắt sắc lạnh tựa như con dao quắm không thôi dán dịt vào
đối phương.
Hỏi về giai thoại rằng một đại gia ở Đồng Nai đã trả 130 triệu đồng để mua Tun, Hải Anh mỉm cười và gật đầu xác nhận.
Nhắc
đến kỷ niệm của chú chó H'mông cộc tại nhà Hải Anh, Cường (cũng là một
tay chơi chó H'mông cộc có tiếng ở Hà Nội, nhà tại khu đô thị Vĩnh Phúc)
kể lại một chuyện mà có lẽ Hải Anh cũng ngại nhắc đến. Tôi biết cha con
Hải Anh không ưa giống chó này lắm. Cũng bởi đặc tính của nó là lầm lì
đến khó hiểu.
Thậm
chí hung hăng đến mức đáng sợ, nên chỉ sau ít ngày mang về thuần dưỡng
trong phố, Tun liên tục gây họa cho gia chủ. Sau nhiều lần phải bồi
thường hàng xóm vì chó cắn, bố Hải Anh đã bắt anh phải cho một người bạn
ở Trương Định, cách nhà anh cả chục km.
Vừa
mang nó đi cho buổi tối thì sáng hôm sau đã thấy con Tun đứng chờ ở
cửa. Hải Anh không thể hiểu bằng cách nào mà con chó lại tìm được đường
về nhà bởi đoạn đường vừa xa, vừa phải đi qua rất nhiều ngóc ngách, ngõ
hẻm.
"Thời
gian tôi bắt đầu nuôi chó H'mông cộc, cũng chưa có nghiên cứu khoa học
nào về loài chó này, bản thân tôi cũng không thể lý giải nổi vì sao nó lại lầm lì, không sủa mà lao vào cắn người như vậy. Về sau mới biết dòng chó H'mông cộc này chỉ quen quấn với một chủ.
Khi
có chủ ở cùng thì mọi người đều có thể sờ, vuốt ve nó, nhưng người
khách cầm một thứ đồ trong nhà lên là chúng tấn công ngay. Khách đến nhà
chơi khi không có chủ, chú chó H'mông cộc thực sự trở thành một vệ sĩ
máu lạnh mà mọi diễn tiến diễn ra trong câm lặng, không một tiếng sủa.
Với dòng chó này, chúng sẵn sàng bảo vệ chủ cho đến khi nào chết mới
thôi, chứ nhất định không sợ đối phương đe dọa.
Cũng
theo lời Hải Anh, loại chó này mang đặc tính hoang dã của núi rừng,
chúng có thể ăn được bất cứ loại thức ăn nào từ ngô, khoai sắn đến thịt
sống. Tuy nhiên, những dân chơi ở Hà Nội đa phần không dám cho H'mông
cộc ăn thịt sống để giảm bớt tính hung hãn.
Tay
vuốt dọc sống lưng của con H'mông cộc, Hải Anh nhớ lại kỷ niệm cách đây
chừng gần một năm. Hôm ấy, anh thả chó ra để đi vệ sinh, như thường lệ,
anh ngồi chờ 15 phút sau nó sẽ tự chạy vào nhà. Thế nhưng hôm ấy chờ
đến hơn nửa tiếng vẫn không thấy bóng dáng của con Tun.
Cả
nhà Hải Anh chia nhau đi tìm đến tận tối đêm mà không thấy đâu. Thương
con chó, Hải Anh vẫn tiếp tục đi tìm trong suốt một tuần liền. Và cuối
cùng, anh nhìn thấy con Tun đang co ro trong cũi của một gia đình ...
Từ
một chú chó nặng 19kg, sau gần 1 tuần, Tun chỉ còn da bọc xương, nặng
chừng 7kg, lông dựng đứng, những chiếc xương như thể đâm thủng lớp da
mỏng. Người chủ nhà phân trần, do con chó lạc vào nhà nên giữ lại nuôi.
Tuy nhiên, cũng kể từ đó con chó nhất định không ăn bất cứ thức ăn gì,
dù để thức ăn đến tận miệng.
Biết
là không thể nuôi được, người chủ nhà đành trả con chó cho Hải Anh
nhưng vẫn không quên đòi tiền chuộc là 10 triệu đồng. "Tôi cũng không
thể ngờ rằng nó lại trung thành đến thế. Về nhà, nhìn con chó tội nghiệp
ngoạm từng miếng cơm lớn như sắp chết đói mà thương nó quá. Cũng may là
tôi tìm thấy nó kịp thời, nếu chậm một ngày có khi nó đã gặp tiên tổ
rồi", Hải Anh tâm sự
Chó H'mông cộc đang được nhiều dân chơi săn lùng.
"Thần giữ của" của đồng bào H’mông
Cùng
với chó Phú Quốc, H'mông cộc được xem là loài chó thuần chủng quý hiếm
của người Việt. Sau một thời gian dài nghiên cứu công phu về loài chó
này, trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (bộ Quốc phòng) công bố: Đây là loài
chó bản địa cổ xưa của đồng bào dân tộc H'mông sống chủ yếu ở vùng núi
cao phía Bắc Việt Nam.
Chúng
là loại chó có hình dạng cổ xưa được đồng bào dân tộc H'mông dùng làm
chó săn, chó canh gác và giữ nhà. Hiện nay các đồng chí bộ đội biên
phòng còn dùng làm chó nghiệp vụ vì khả năng tìm và ngửi ma túy rất tốt.
Chúng có khả năng thích nghi với các điều kiện sinh thái khác nhau một
cách rất mềm dẻo.
Trung
tâm Nhiệt đới Việt Nga (bộ Quốc Phòng) công nhận nhiều đặc điểm quý
giá của loài chó này. Và từ những nghiên cứu của trung tâm Nhiệt đới
Việt Nga, VKA (Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam) đã công
nhận giống chó H'mông cộc này thuộc đẳng cấp FCI (đẳng cấp chó giống Quốc tế).
Không phải ai cũng sở hữu được chú chó H’mông cộc.
Chó
H'mông cộc là loại chó có tầm vóc trung bình nhưng toàn thân cơ bắp và
đậm chắc, hơi dài, có khung xương rộng, đầu to và ánh mắt biểu cảm, đặc
biệt là đuôi phải cộc (đuôi của nó chỉ dài từ 3-5cm).
Tổng
thể một con chó H'mông cộc đuôi có thể hình hơi góc cạnh, thiếu các nét
thanh tú và mềm mại, nhưng luôn bộc lộ các đặc điểm về thể lực rất tốt,
cũng như khả năng chịu đựng các điều kiện thời tiết
khắc nghiệt. Chó H'mông cộc đuôi có điểm nổi bật trong tính cách về mức
độ hoạt động thần kinh, tính nhiệt tình và khả năng làm việc rất cao.
Chúng
có hệ thần kinh cân bằng và linh động, với các phản xạ kìm hãm và kích
động xảy ra mạnh. Giống chó này luôn chủ động và mạnh dạn trong các hành
vi ứng xử, nhưng thận trọng với người lạ. Chó có bản năng bẩm sinh về
việc bảo vệ lãnh thổ, bản năng này xuất hiện rất sớm, từ khi chó khoảng 2
đến 3 tháng tuổi.
Loại
chó này được dân sành chơi chó đánh giá rất cao về mức độ hoạt động
thần kinh, tính nhiệt tình và khả năng làm việc rất cao. Chúng có một
trí nhớ tốt, do đó, có khả năng tiếp thu các bài huấn luyện dễ dàng và
rất nhanh ngay từ khi còn nhỏ. Khả năng leo dốc rất nhanh và dễ dàng
vượt qua tất cả các chướng ngại vật. Những ưu điểm này bộc lộ khá rõ ở
chó nhỏ ngay từ độ tuổi 12 tháng.
Anh
Khang, nhà ở phố Nguyễn Khoái, Hà Nội, một tay "nghiện", mê mẩn với
loại chó này tâm sự: "Có nuôi loại chó H'mông cộc này mới thấy mê như
thế nào. Tôi đã nuôi nhiều loại chó Tây nhưng rồi bỏ hết, chỉ còn anh
H'mông cộc này thôi. Chó Việt nhưng tính cách và sự thông minh thì hơn
nhiều loại chó Tây.
Đặc
biệt chúng rất sạch sẽ, không bao giờ “bậy” ra nhà. Có lần tôi đi công
tác hai ngày liền mà nó vẫn “nhịn”, đến khi mở cửa chuồng ra nó mới chạy
một mạch ra ngoài để “giải quyết”. Loại này nuôi để trông nhà thì hết
ý, người H'mông coi là “thần giữ của” của gia đình. Họ rất quý chó này
và thường được nuôi trong bếp, nơi linh thiêng nhất của người H'mông”.
Thành Huế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét