Trong đời sống của người Việt, từ xưa đến nay, chó luôn là loài vật
nuôi thân thiết, thế nên mới có câu “khuyển mã chi tình”. Điều này lại
đặc biệt đúng với giống chó xoáy trên đảo Phú Quốc.
Người dân sinh sống tại đây vẫn xem chó xoáy như một “sản vật” được
thiên nhiên phóng khoáng ban tặng. Và xung quanh giống chó đặc biệt này
cũng có không ít câu chuyện nửa hư nửa thực…
Huyền thoại giống chó lạ
Nhiều
người dân tại huyện đảo Phú Quốc vẫn truyền tai nhau rằng, Rồng sau một
lần bay “lạc” vào vùng biển gần đảo Phú Quốc đã gặp tiểu Kỳ lân vốn
sống trên đảo, cả 2 đã ở cùng nhau suốt 7 ngày, 7 đêm, sau đó Rồng bay
về trời. Kỳ lân ở lại đảo rồi mang thai sinh ra giống chó rừng, được xem
là tiền thân của chó xoáy Phú Quốc ngày nay. Đó là lối lý giải có phần
huyễn hoặc, nhưng còn một lý giải khác có vẻ khoa học hơn khi cho rằng
các thương thuyền Bồ Đào Nha và Hà Lan chở nô lệ đi bán ở châu Á đi
ngang đảo. Cư dân đảo Phú Quốc đã cung cấp lương thực, nước ngọt và được
các thủy thủ trao đổi hoặc tặng những con chó có xoáy trên lưng. Một
giả thuyết khác được cho là có cơ sở thực tế hơn khi lý giải tổ tiên
loài chó xoáy Phú Quốc ngày nay vốn là chó rừng trên đảo, được những cư
dân bắt về thuần dưỡng lâu ngày thành giống chó nhà bây giờ. Nhưng khi
hỏi giống chó rừng trên đảo Phú Quốc từ đâu mà có thì không ai giải
thích rõ ràng được. Chỉ có một điều chắc chắn là vì xa đất liền nên dòng
chó xoáy Phú Quốc tồn tại như một “bộ lạc” sống cách ly và giữ được
nguồn gen tốt, ít bị lai giống.
Vốn được xem là một giống chó khôn, trung thành nên ở đảo Phú Quốc,
người dân địa phương thường kể rất nhiều chuyện hấp dẫn về sự tinh khôn,
gan dạ của giống chó này. Thân hình chó xoáy vốn nhỏ con so với các
loài vật ăn thịt, song chúng lại rất thành thạo để săn heo rừng. Lúc đi
săn trong rừng, nhiều con chó đã từng chiến đấu “một mất một còn” với
loài rắn độc để cứu chủ. Bà con kể rằng, có một con chó đã liều chết tấn
công rắn, mở đường cho chủ chạy. Ba ngày sau, con chó lần tìm về tới
nhà gục chết dưới chân chủ. Chó Phú Quốc còn bơi rất giỏi, từng cứu
nhiều người chết đuối bằng cách cắn cổ áo nạn nhân lôi vào bờ. Một người
nuôi chó ở Cần Thơ kể về bản năng “thủ lĩnh” của giống chó Phú Quốc.
Nhà người chủ này có bầy chó bảy con, trong đó có con chó xoáy. Khi ra
đường, lúc nào con chó Phú Quốc cũng luôn giữ vai trò “chỉ huy” sáu con
chó còn lại. Có lần, một con trong bầy đi quá xa, chủ chỉ tay về hướng
đó ra hiệu, lập tức chó xoáy chạy nhanh đến con chó “mê chơi”, cắn vào
cổ nó lôi về cho chủ. Trên đảo Phú Quốc còn truyền miệng câu chuyện về
trận chiến giữa rắn hổ mây rừng Phú Quốc với sáu con chó xoáy tại suối
Tranh. Hôm đó, rắn dữ xuống uống nước ở suối bị bầy chó phát hiện. Hai
bên hỗn chiến kịch liệt. Bầy chó bao vây con rắn, cắn tới tấp. Cuối
cùng, rắn hổ mây bại trận với những dấu cắn làm gãy lưng. Tuy nhiên, hai
con chó Phú Quốc trong bầy cũng phải bỏ mạng vì nọc độc của rắn dữ.
Nhắc đến chó Phú Quốc, ai cũng tấm tắc khen ngợi. Tên gọi “sói lửa miền
Tây” hay “khuyển vương” thường được gán cho loài chó tinh khôn này. Dân
trên đảo Phú Quốc rất tin yêu và gắn bó với chúng, xem chúng như một
thành viên không thể thiếu trong gia đình. Ông Tư Tài, một cư dân có
kinh nghiệm nuôi chó ở huyện đảo Phú Quốc kể: Một hôm, ông đang ngủ thì
con chó của ông cắn chăn kêu ông dậy. Ông đuổi nó và đắp chăn ngủ tiếp.
Nó cắn quyết liệt cái chăn, ông bực mình bước ra khỏi giường đi theo nó.
Chừng hai cây số, con chó dừng lại đứng bên xác một con khỉ to tướng đã
bị nó cắn chết. “Có những lúc sau khi săn được con mồi, là con khỉ,
thậm chí là con heo rừng, nó đào hang lấp lại để che mắt người khác rồi
mới dắt chủ lên mang con mồi về…” – ông Tư Tài nhắc về chiến tích của
con chó nhà mình một cách hãnh diện. Anh Nguyễn Văn Lộc, một thợ săn nổi
tiếng ở xã Cửa Dương nay đã giải nghệ, nói về hai con chó xoáy giỏi săn
bắt của mình: “Tôi vốn “mê” tiểu thuyết nên chuyến đi săn nào cũng lận
trong người quyển tiểu thuyết ưng ý nhất. Những lúc mệt, tôi ngồi đọc
thì hai con chó vẫn tiếp tục săn mồi. Được con mồi nào thì chúng cắn
ngang cổ mang về cho chủ. Hai con chó săn của tôi còn săn được cả con
nai to. Kéo về không nổi, một con ở lại giữ, một con chạy về báo cho
chủ. Còn chuyện tha rắn về nhà là chuyện thường. Chúng còn biết cắn sao
cho không chết để mang về cho tôi ngâm rượu nữa…”.
Trận thư hùng
giữa siêu khuyển và mãng xà
Ở
đảo Phú Quốc có một loài vật khiến người dân sinh sống tại đây rất e dè
mỗi khi nhắc tới, đó là rắn hổ mây khổng lồ. Mặc dù đó là nỗi ám ảnh
thường trực nhưng người dân sống tại Phú Quốc cũng cảm thấy an tâm hơn
vì sự xuất hiện của chó xoáy. Ông Long, một người dân nhiều năm sống tại
Phú Quốc kể rằng, trước đây Phú Quốc rắn độc nhiều vô kể, người xứ khác
hay tới đây sống bằng nghề bắt rắn. Tuy nhiên, thiện nghệ và liều lĩnh
cỡ nào họ cũng chỉ dám bắt rắn độc như vành nia, rắn hổ mang, mái gầm
chứ gặp rắn hổ mây thì đành tìm cách rút. Rắn hổ mây thường sống có đôi
có cặp, cho nên khi một con bị giết, con kia ắt sẽ tìm đến để báo thù.
Loài rắn hổ mây cũng lạ, chúng di chuyển theo phương thẳng đứng, nọc rất
độc. Mặc dù là nỗi khiếp sợ của nhiều người dân sống trên đảo, nhưng
với chó xoáy, hổ mây không phải là kẻ thù “quá” nguy hiểm. Trong tâm trí
của nhiều người dân sống trên đảo Phú Quốc có lẽ vẫn còn ghi nhớ trận
kịch chiến giữa loại siêu khuyển này với mãng xà khổng lồ cực độc.
Anh Hành, người tận mắt chứng kiến trận đấu “có một không hai” giữa chó
xoáy và rắn hổ mây kể lại: Một ngày, khi anh đang đi qua khu vực Suối
Tranh thì nghe thấy tiếng chú chó xoáy sủa văng vẳng. Nếu gặp thú nhỏ
thì nó đã tóm sống tha về, nên anh Hành tin rằng nó đã “săn” được rắn
độc. Anh tức tốc tìm gậy hình chữ Y (dùng để ấn đầu rắn) cùng với chiếc
bao tải, rồi chạy tới nơi chú chó xoáy đang sủa. Giữa bãi đất trống, chú
chó xoáy của anh Hành sủa liên hồi, khuôn mặt dữ tợn, gầm gừ hướng về
phía gốc cây mục. Anh Hành tiến lại phía chú chó, nhìn theo hướng nó sủa
và lạnh sống lưng khi thấy một con “quái thú” khổng lồ, lưng màu nâu
xám, thân to đúng bằng cái phích, như sợi dây rừng khổng lồ quấn vào
thân cây mục, ngóc cái đầu lên cao, bành miệng, lưỡi thè lè nhìn chú
chó. Lúc này, chân anh Hành cứ ríu lại, không bước nổi nữa chứ đừng nói
đến chuyện xông vào tóm nó. Định thần lại, anh Hành nhận thấy đây chính
là con rắn hổ mây khổng lồ mà người dân sống trên đảo vẫn hay nhắc tới,
ngay lập tức anh chạy về nhà gọi thêm người tới trợ giúp. Thuốc men giải
độc được chuẩn bị, các đồ nghề cũng sẵn sàng.
Đến khi anh Hành cùng nhóm của mình quay lại, con rắn không ngóc đầu
lên nữa mà rúc vào gốc cây mục nằm im. Vây xung quanh nó lúc này không
chỉ mình chú chó xoáy của anh Hành mà còn có sự xuất hiện của 5 chú chó
xoáy khác nữa đang sùng sục quanh “quái thú” để đe dọa, quyết không cho
con mồi một giây phút nghỉ ngơi. Đàn chó xoáy khi tấn công cũng có chiến
thuật đàng hoàng, một con sẽ làm nhiệm vụ “chim mồi” khiến cho con mãng
xà bị phân tán tư tưởng, tạo điều kiện cho các con chó xoáy khác tấn
công kẻ địch. Cuối cùng rắn bị chó cắn gãy lưng chết nhưng nọc độc của
nó cũng đã giết đi hai con chó Phú Quốc tinh khôn. Xác của rắn sau đó
được một người dân trên đảo mua lại ngâm rượu thuốc để trị bệnh. Cho đến
tận bây giờ anh Hành vẫn không thể nào quên được trận đấu kỳ lạ đó, bởi
Vàng (tên chú chó xoáy của anh Hành) chính là một trong 2 chú chó xoáy
đã bị chết bởi nọc độc của rắn hổ mây khi đảm nhiệm vai trò đánh lạc
hướng mãng xà. “Có lẽ tôi sẽ không bao giờ tìm được con chó nào khôn và
trung thành như Vàng, chó xoáy Phú Quốc thuần chủng bây giờ không còn
nhiều, may ra chỉ đếm được trên đầu ngón tay…” – anh Hành buồn bã chia
sẻ.
Vì
thế mà không quá ngạc nhiên khi chó xoáy Phú Quốc trở thành “thương
hiệu” có giá trị kinh tế và là niềm tự hào của người dân xứ đảo nơi cực
Nam đất nước…
Niềm kiêu hãnh
mang tên chó xoáy Phú Quốc
Chó
xoáy Phú Quốc đã được từ điển Larousse của Pháp liệt vào loại chó quý
hiếm và nằm trong số những giống chó tinh khôn nhất thế giới. Lông của
chúng dài không quá hai phân, rất mượt ôm sát thân. Hầu hết chúng đều có
móng đeo, giữa các ngón có miếng da kết nối như màng vịt. Dân “sành”
chó xoáy Phú Quốc thường chọn những con chó “mắt sâu, râu bủa tới”, mỏ
bằng… Đặc biệt, thân hình chó xoáy rất cơ bắp với phần ngực nở nang,
bụng thon chắc. Khác với Béc-giê, chó xoáy Thái Lan, dòng chó xoáy Phú
Quốc hiện nay vẫn duy trì được cuộc sống hoang dã với các hoạt động leo
trèo, săn bắt mồi trong rừng, dưới nước, đào hang làm chỗ ở, đẻ và nuôi
con… Theo thống kê của địa phương, toàn đảo Phú Quốc hiện chỉ còn khoảng
9.100 con chó xoáy và đang có nguy cơ giảm dần vì tuổi thọ cũng như
tình trạng xẻ thịt hiện nay.
Lần
đầu tiên một giống chó ở Việt Nam được sự quan tâm đặc biệt của địa
phương và các nhà khoa học. Thái Lan cũng đã tranh chấp “chủ quyền” chó
xoáy với Việt Nam và cho rằng chó xoáy Phú Quốc có nguồn gốc từ chó xoáy
Thái Lan “Thai ridgeback dog” dựa trên những vết lông xoáy trên lưng
chạy dài từ cổ đến mông. Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Văn Biện, người
tìm hiểu nhiều về dòng chó xoáy Phú Quốc: “Tôi đã nhiều lần ra đảo Phú
Quốc và hai lần sang Thái Lan để tìm hiểu sự khác biệt giữa hai giống
chó này. Chó xoáy Phú Quốc hoàn toàn khác với giống chó xoáy ở Thái Lan.
Chúng ta cần bảo tồn tốt dòng gen thuần của chó xoáy, đừng để lai với
các giống chó khác. Quản lý chặt chẽ sự lưu hành của chó xoáy ra khỏi
đảo. Nên xem đây là tài sản quốc gia để có giải pháp bảo tồn tốt…”.
Không chỉ có giá trị trong nước mà chó xoáy Phú Quốc còn khẳng định
được tên tuổi trên thế giới, nhiều Việt kiều mang chó Phú Quốc thuần
dưỡng về Mỹ bán với giá 2.000-3.000 USD/con, tương đương hoặc cao hơn
giá thị trường chó xoáy hiện nay trên thế giới. Chó Phú Quốc hiện nay đã
được nuôi tập trung ở một số nơi tại đảo Phú Quốc và các địa phương
khác ở phía Nam. Đã có những tranh cãi trên các diễn đàn giữa các nhà
“khuyển học” về nguồn gốc và các tiêu chí chó Phú Quốc. Có ý kiến cho
rằng, chó lông xoáy Phú Quốc bắt nguồn từ Pháp. Khi người Pháp sang Việt
Nam đã mang theo giống chó này và phát triển nhanh trên đảo. Trong khi
đó, một nguồn ý kiến khác cho rằng, chó Phú Quốc bây giờ có nguồn gốc từ
miền Đông của Thái Lan, do ngư dân và những nhà buôn của nước này mang
tới đảo.
Nhưng thực ra, chó Phú Quốc là một loại chó riêng của đảo Phú Quốc,
Việt Nam. Nó có đặc điểm phân biệt với các loại chó khác là các xoáy
lông ở trên sống lưng. Nó là một trong ba dòng chó có xoáy lông trên
lưng của thế giới. Hai loại chó lông xoáy ở lưng còn lại là chó lông
xoáy Rhodesia và chó lông xoáy Thái. Chó Phú Quốc biết đào hang để đẻ và
có biệt tài săn thú, bơi dưới nước giỏi như rái cá nhờ chân có màng như
chân vịt và bộ lông mượt sát (1-2cm) rất ngắn nên khi ướt chó Phú Quốc
chỉ cần lắc mình vài lượt nước sẽ bắn đi, do đó sẽ chóng khô. Mặc dù đã
được thuần dưỡng như vật nuôi, nhưng người dân trên đảo Phú Quốc vẫn
thích những chó xoáy được sinh ra trong hang, vì họ tin như vậy mới đúng
loại chó xoáy Phú Quốc. Có 6 tiêu chí để xác định chó Phú Quốc, đó là:
xoáy lưng, ngực nở, bụng thon, đuôi vót cần câu, lông sát dưới 2cm và
chân màng vịt. Các tiêu chí khác như: tai đứng, đốm lưỡi, có móng đeo
thì các loại chó thường cũng có.
Thương hiệu lớn, giá trị tới đâu?
Mặc dù được xem là loài chó “có một không hai”, và hiện nay đã có nhiều
người, kể cả trong đất liền lập trang trại để nuôi chó Phú Quốc nhằm
kinh doanh. Nhưng số người giàu lên vì loài vật nuôi này không phải
nhiều, nếu không muốn nói là chưa ai giàu cả. Ngay như ông HT., một
trong những chủ trang trại chó Phú Quốc được coi là lớn nhất hiện nay ở
Việt Nam, khi có trên 1.000 con, mỗi tháng ông HT. phải vận chuyển ra
đảo Phú Quốc từ 1,5-1,8 tấn gạo cho chó. Ngoài ra, mỗi ngày ông phải mua
60kg cá tạp từ chợ Phú Quốc, giá 5.000 đồng/kg. Cộng với tiền thuốc,
tiền thuê người trông coi… ông HT. thừa nhận “chỉ cân đối được tiền cơm
hàng ngày cho chó và tiền trả nhân công mà thôi”. Được biết, một con chó
từ 2 – 3kg hiện có giá từ 900 nghìn đến 2 triệu đồng. Cá biệt, có người
mua một con chó xoáy Phú Quốc với giá gần 30 triệu đồng do… xoáy quá
đẹp.
Hiện trang trại chó của ông HT. được coi là hút khách và bán được nhiều
chó nhất trên đảo. Việc bán chó cũng công phu, khách du lịch đến đảo
Phú Quốc, thích con nào thì chụp hình, đặt tiền cọc hoặc trả tiền luôn
và cho địa chỉ, sau đó ông HT. cho người đánh số đưa vào đất liền nuôi
dưỡng, chích thuốc khoảng 10 ngày, sau thấy chó không có biểu hiện gì
khác thường mới chuyển cho chủ mới.
Một người có kinh nghiệm lâu năm như ông HT. nuôi chó xoáy ngay tại đảo
Phú Quốc còn không thể giàu lên vì nghề được thì những người nuôi chó
xoáy tại đất liền còn gặp nhiều khó khăn hơn. Ở Cần Thơ có trang trại
nuôi chó Phú Quốc của Công ty Vương Trung Sơn được thành lập từ năm 1999
với khoảng 300 con chó Phú Quốc. Cán bộ chăm sóc chó ở trại cho biết,
chó Phú Quốc ở đây được nuôi chủ yếu bằng cơm và cá biển. Khi chó sinh
đẻ và chó con thì được uống nước lọc và ăn theo chế độ riêng và được
nuôi dưỡng đặc biệt. Do quy trình nuôi có yêu cầu khá cao vì nếu không
chăm sóc cẩn thận, chó Phú Quốc rất dễ bệnh mà chết vì không hợp “thủy,
thổ”, nên giá thành giống chó này không phải thấp, trừ chi phí, việc
kinh doanh chó Phú Quốc đúng là không thể giàu trong “chớp” mắt được.
Vốn mê nuôi chó, đặc biệt là giống chó xoáy tinh khôn, dũng mãnh của
Phú Quốc, ông H. tại TP HCM đã quyết tâm dành dụm tiền để mua chó Phú
Quốc. Ban đầu chưa có điều kiện ra tận đảo Phú Quốc mua, ông liền xuống
Cần Thơ mua hai con chó Phú Quốc. Nuôi được hai tuần, cả hai con bỗng bỏ
ăn, ói mửa rồi lăn ra chết. Lần kế tiếp, ông H. lặn lội ra tận đảo Phú
Quốc mua về ba con. Nhưng, cũng chỉ độ mươi ngày, mấy con chó cùng rủ
nhau “ra đi”.
Hỏi bác sĩ thú y, được mách nước là phải đem cát, nước từ Phú Quốc vào
cho chó nằm và uống chúng mới cảm nhận môi trường sống không thay đổi.
Ông H lại cất công chở cát và nước từ Phú Quốc về. Thế nhưng, mấy con
chó quý vẫn chết một cách “bí ẩn”. Hết thầy để hỏi, ông H. quay sang mày
mò tìm hiểu sách báo. Dần dà, ông biết được “kẻ chủ mưu” chính là căn
bệnh sài sốt. Ông H. chia sẻ kinh nghiệm: “Chó phải được chích ngừa bệnh
này ngay tại đảo, khoảng hai tuần mới đưa về đất liền. Nhờ vậy, những
con chó Phú Quốc mới có thể sống khỏe mạnh, thích nghi trên đất Sài
Gòn”.
Ông H. may mắn được sự hỗ trợ đắc lực từ người thân cho vay tiền mua
một khu đất rộng ở khu vực ngoại thành, ông liền xây những dãy chuồng
chó làm trại bảo tồn và phát triển chó Phú Quốc. “Gọi là trại cho oai,
chứ đây chỉ là nơi nuôi dưỡng niềm đam mê của tôi mà thôi, ai thích, có
nhu cầu thì tôi mới bán, còn không thì để nuôi cho vui và bảo tồn một
loài vật hiếm, chứ nếu xác định mục tiêu kinh tế thì khó làm lắm…”, ông
H. thành thật chia sẻ. Hiện ông H. đang có đàn chó gần 50 con. Ông thuộc
tính nết từng con và gọi chúng bằng những cái tên thân mật: Vện, Đốm,
Mực,… Ông khoe: “Trước đây, tỷ lệ phối giống không mấy thành công, chỉ
khoảng 50% chó con có xoáy ở sống lưng. Nhưng những lứa sau này, 100%
đều có xoáy”. Trung bình một tháng, chi phí nuôi cả đàn chó khoảng 9
triệu đồng.
Để coi sóc chuồng trại, ông H. thuê thêm 3 người, mỗi tháng trả 11
triệu đồng. Vậy là để bảo tồn nguồn gen quý, mỗi tháng ông H. phải bỏ ra
không dưới 20 triệu đồng. Ông H. bộc bạch: “Tôi luôn có mơ ước sẽ quảng
bá và phát triển đàn chó Phú Quốc, một báu vật của Việt Nam ra thế
giới, để mọi người biết rằng ở nước ta cũng có loài chó còn khôn hơn
Husky khỏe hơn Béc-giê và trung thành hơn cả Rottweiler”. Có thể mọi sự
so sánh đều khập khiễng nhưng rõ ràng giống chó xoáy Phú Quốc thực sự là
niềm tự hào của người Việt…
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét