Trang

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

Làng cổ Đông Môn xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Lộc

Làng Đông Môn là một làng cổ trực thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nằm bên cạnh Thành Nhà Hồ được hình thành từ trước năm 1937- Thời điểm Hồ Qúy Ly cho xây dựng Thành.

Câu đối ghi ở đình làng thấy rõ vị trí của làng:

Phiên âm : “Sở nhân đắc kỳ môn giả,

                  Quần lưu trướng nhi đông chi.”

Dịch:        “Mấy thước nhận thành cửa Đông.

                 Bao dòng nước chắn chảy về Đông.”

Đông Môn ý là “Cửa Đông” ( Đông là phía đông, Môn nghĩa là cửa), vì làng nằm ngay bên cửa Đông của Thành Nhà Hồ nên được đặt tên là Đông Môn, chỉ vị trí của làng theo cách định vị vị trí của Thành. Đây là hiện tượng phổ biến trong cách đặt tên cổ nhân. Chẳng hạn như vùng đất Bồng, dựa vào vị trí của từng làng Bồng so với con sông Mã mà người ta đặt Bồng Thượng (phía trên), Bồng Trung ( ở giữa), Bồng Hạ (nằm phía dưới).       Đông Môn là làng có vị trí địa lý đặc biệt, vị trí đó được thể hiện ở triều Hồ, đóng vai trò là “ phố ngoại thành” của nhà Hồ. Bên cạnh đó điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cư dân nơi đây.

Lịch sử hình thành và phát triển làng Đông Môn gắn liền với vương triều Hồ và thành An Tôn. Thông qua lịch sử vương triều Hồ cho biết Làng được hình tạo và khai phá từ sớm.

Làng Đông Môn nằm ngay cạnh thành nhà Hồ, buổi ban đầu là vùng rừng núi, hẻo lánh, chật hẹp, còn nhiều rừng hoang vu. Trước triều Trần vùng đất này trực thuộc đất quận Nhật Nam, sang triều Hồ nằm trong Động An Tôn. Đến thời Lê Trung hưng thuộc phủ Quảng Hóa và mãi tới thời Tây Sơn mới được gọi là Đông Môn thuộc xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Lộc.

Theo truyền ngôn, khi xây dựng thành An Tôn và vương triều Hồ, Hồ Qúy Ly đưa một số lượng lớn quân lính, tướng lĩnh, nghệ nhân từ Thăng Long, Hải Dương, Hưng Yên,… vào vùng đất An Tôn. Sau khi xây thành xong họ không trở về quê cũ mà ở lại định cư sinh sống ở ven thành. Do địa thế vùng đất nằm trong thế “ thủ hiểm” (nằm giữa hai con sông Mã và Sông Bưởi, Phía Bắc có núi Thổ Tượng, phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam còn là nơi hội tụ của sông Mã và sông Bưởi) nên quân quan binh lính nhà Hồ ở lại sống ven ngoại thành, lúc đầu diện tích làng khá nhỏ do đồi núi còn hoang vu, chưa khai lập rộng nên hầu như mỗi làng chỉ có một ngôi nhà, một cái sân nhỏ chứ không có vườn cây ao cá như mô hình làng Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy lúc đầu dân cư ở lại chủ yếu sinh sống bằng nghề buôn bán và thời kỳ này làng được gọi với cái tên là “ Đông Môn Phố”. Trong suốt thời kỳ nhà Hồ, Đông Môn đóng vai trò là “ phố ngoại thành kinh đô của triều Hồ”. Đến 1407 giặc Minh xâm lược, chiếm thành, Đông Môn phố trở thành khu trại lính.

Tuy là Kinh đô, nhà Hồ còn chọn làng làm nơi tập luyện của binh lính, cất giấu vũ khí, lương thực và là nơi vận chuyển nguyên vật liệu để xây thành (Bằng đường thủy nhờ hệ thồng hào nước do nhà Hồ đào với nhiệm vụ vừa bảo vệ thành, vừa dùng để vận chuyển, đi lại. Hào nước đào vẫn còn, hiện là con kênh chứa nước cho làng), có thương cảng và thuyền bè của các thương nhân buôn bán hàng hóa nhằm phục vụ cho triều đình phong kiến. Ngày nay người ta vẫn còn thấy dấu vết của con đường lát đá qua làng dùng để chở nguyên vật liệu từ Bến Đá vào cổng Đông xây thành.

Khoảng năm 1527 Thành là chiến trường của nhà Lê- Mạc. Khi nhà Mạc sụp đổ (1626) triều đình Lê- Trịnh khẩn hoang, phục hồi kinh tế, làng Đông Môn trở thành trang ấp của nhà Trịnh, thể hiện qua câu đối:

Phiên âm: “Hồ thành đối trĩ giang sơn cựu.

                 Trịnh ấp tung hoành đồng Vũ tân.”

Dịch:         “Thành nhà Hồ đứng sừng sững cùng non sông kỳ cựu.

               Ấp họ Trịnh, tòa ngang, dãy dọc họ Vũ mới xây”.

Nhưng nhà Trịnh lại giao cho ông quan đại thần họ Vũ, tên Vũ Khắc Minh cai quản.

Ông Vũ là người có công chiêu nạp dân chúng khai hoang,lập làng. Sau khi ông mất, nhân dân tôn ông làm Thành hoàng làng được coi là phúc thần của làng, thờ ông ở Nghè Hạ, tôn ông là Thành hoàng làng Đông Môn.

Buổi ban đầu dân cư còn ít ông Vũ cho lập trang ấp cho dân chúng khai hoang sản xuất nên Đông Môn lúc này được gọi với cái tên “ Đông Môn trang”. Sau này do quá trình tụ cư đông đúc, diện tích khai hoang mở rộng nhân dân khắp nơi kéo về tụ cư sinh sống nên làng được đổi tên từ “ Đông Môn trang” sang “ Đông Môn”. Dân trong làng chủ yếu là dòng họ Vũ, hiện nay dòng họ Vũ có tới 14 chi họ, như Vũ Đình, Vũ Duy…. Ngoài ra còn một số dòng họ khác như: Nguyễn, Phạm, Lê, Trịnh….

 Thời Nguyễn, Đông Môn thuộc tổng Bỉnh Bút, sau cách mạng tháng Tám 1945 thành công làng thuộc xã Lưu Phương sau thuộc địa phận Vĩnh Tiến tới năm 1946 Đông Môn chuyển sang là địa phận xã Vĩnh Long.

Làng Đông Môn được coi là “đất học giỏi”, làng sản sinh ra nhiều văn nhân, tú tài… Truyền rằng trước đây làng có nhiều bia đá bằng chữ Hán, chữ Nho đuợc khắc mô phỏng theo các văn bia ở Văn miếu Quốc Tử Giám, những người đỗ đạt cao khi quay trở về làng đều đề thơ, phú lên bia. Tuy nhiên do biến cố thăng trầm của lịch sử cùng với sự tàn phá của con người số lượng bia đá đã mất dần.

Là một làng cổ của huyện Vĩnh Lộc, Đông Môn còn lưu giữ khá nhiều nét đẹp trong truyền thống Văn hóa- Lịch sử, điều đó được thể hiện qua phong tục tập quán và nét văn hóa truyền thống. Cũng như bao làng Việt khác, trước đây làng có những phong tục cổ truyền như lễ mừng cơm mới, lễ tế họ, lễ tế Thành hoàng làng, tục mời trầu trong đám cưới…. đó là những tục lệ tốt đẹp ngày nay vẫn được duy trì.

Đông Môn là một làng cổ tiêu biểu khu vực ven thành nhà Hồ, trước đây làng có đầy đủ các loại hình di tích nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng cho nhân dân như: Nghè Thượng; Nghè Hạ; Đình Đông Môn; Đền thờ Nàng Bình Khương; hệ thống các Bia đá ghi danh, đề thơ, phú… và một số dấu tích của triều Hồ như: Con đường vận chuyển đá từ Bến đá qua cổng phía Đông Thành Nhà Hồ để xây dựng Thành; Mộ và Bia mộ Cống Sinh; Đoạn tường Thành phía Đông; đoạn La Thành, đoạn hào nước thành Nhà Hồ. Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, sự bào mòn của thiên nhiên và con người, một số di tích đã bị tàn phá nay chỉ còn phế tích như: Nghè Thượng (Nghè thờ bia đá, những người có công với làng và thần hoàng làng là ông Vũ Đình Minh người có công khai hoang, chiêu dân, lập làng), Nghè Hạ (Thờ ông Quản Gia Đô Bác), các bia ghi danh, đề thơ phú (đã bị tàn phá, hiện nay không còn dấu tích). Hiện nay một số di tích vẫn còn hiện hữu trong đời sống nhân dân và đã được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa.

Sự ra đời hình thành hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật làng Đông Môn gắn liền với quá trình hình thành phát triển làng Đông Môn và vương triều Hồ. Đó là những bằng chứng hùng hồn về sự phát triển của vương triều Hồ và làng cổ Đông Môn.

Làng cổ Đông Môn ngày nay đang trên đường phát triển, hòa mình theo xu thế chung của đất nước đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi Thành Nhà Hồ được công nhận là di sản văn hóa thế giới tạo điều kiện thuận lợi cho Đông Môn “trở mình” phát triển. Tuy nhiên những giá trị văn hóa, lịch sử quý giá đó của làng càng tô điểm thêm cho lịch sử vẻ vang, hào hùng của làng Đông Môn nói riêng của huyện Vĩnh Lộc nói chung. Làng Đông Môn xứng đáng là làng văn hóa kiểu mẫu của huyện Vĩnh Lộc.

Nguyễn Thị Tình - Phòng VH&TT





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét