Trang

Thứ Hai, 14 tháng 2, 2022

KHU TƯỢNG ĐÁ ĐA BÚT – XÃ VĨNH TÂN - HUYỆN VĨNH LỘC - TỈNH THANH HOÁ

 Quần thể di tích khu tượng đá Đa Bút gồm cả lăng mộ Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm vợ của chúa Trịnh Doanh – nhân dân thường gọi là lăng bà Quốc Mẫu và khu rồng đá. Quần thể di tích này nằm dưới chân núi Mông Cù, thuộc làng Đa Bút, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Xưa kia, nơi đây thuộc vùng đất Biện Thượng, quê hương của nhà Trịnh.

Sau khi vương nghiệp nhà Trịnh được thiết lập, các chúa Trịnh sống và làm việc ở Thăng Long, còn Biện Thượng trở thành đất “Quý hương” của nhà Trịnh, được hưởng nhiều bổng lộc và quyền lợi riêng biệt. Đồng thời cũng trên mảnh đất này các chúa Trịnh nối nghiệp nhau huy động nhân tài vật lực và kỹ thuật tiên tiến đương thời để xây dựng nên nhiều công trình to lớn, uy nghi, đẹp đẽ vào loại nổi tiếng lúc bấy giờ như: Phủ Trịnh, Nghè Vẹt,vv…, chính vì vậy mà lúc bấy giờ giữa Biện Thượng và Thăng Long có sự giao lưu thường xuyên. Đời chúa nào cũng phải có một vài lần về quê “Bái yết tôn lăng”. Chính sự đi lại tấp nập đó mà người xưa có câu “Ngựa xe về Bồng Báo”. Bồng Báo trở thành “Phồn hoa đô hội” thu hút sự chú ý của nhiều người không chỉ là quê hương của các chúa Trịnh mà còn hấp dẫn bởi các công trình kiến trúc nghệ thuật được các chúa Trịnh cho xây dựng ở đây.

Ngày nay, tại vùng đất Biện Thượng xưa (gồm các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Tân, Vĩnh Minh), những di tích liên quan đến nhà Trịnh như: Phủ Trịnh, Nghè Vẹt,…đã được nghiên cứu và công bố. Riêng quần thể di tích điêu khắc đá Đa Bút chưa tìm được một tài liệu chính sử nào đề cập đến một cách đầy đủ về mặt lịch sử. Căn cứ vào những vết tích của nền móng, những di vật còn lại, về cấu trúc di tích và kết hợp với truyền thuyết cùng với lời kể của nhân dân địa phương thì quần thể di tích bao gồm: Lăng mộ bà Quốc Mẫu và khu rồng đá là hai công trình có kiến trúc nghệ thuật điêu khắc đá thế kỷ XVII với quy mô khá lớn.

Nhóm tượng điêu khắc đá Đa Bút được phân bố trên hai khu vực: khu vực Lăng mộ và khu vực Rồng đá. Hai khu vực này cách nhau khoảng 200m, đều được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng nằm ngay dưới chân núi Mông Cù, làng Đa Bút.

Tại khu lăng thờ bà Nguyễn Thị Ngọc Diệm là mẹ chúa Trịnh Sâm, trước sân có 12 pho tượng đá xếp thành hai hàng, mỗi bên 6 pho đối diện nhau trong tư thế đứng canh gác. Mỗi pho cao 1,80m (không kể đế vuông), đều mặc võ phục, đầu đội mũ tròn có chóp. Các pho tượng này được tạo tác theo phong cách tả thực, mỗi pho tượng đá là một tác phẩm tạo hình hoàn chỉnh, được các nghệ nhân điêu khắc tạo tác một cách công phu từ đá nguyên khối, xanh sẫm. Trông từ bốn phía đều có bố cục thay đổi, đẹp bốn mặt khác nhau. Theo lời tả của giáo sĩ Alexandre de Rhodes thì nhóm tượng đá này được tạo tác trang phục võ quan giáp trụ, theo đúng thời chúa Trịnh Tráng (Lịch sử vương quốc đàng ngoài, chương 5 tr 36, bản dịch).

Phía đầu 2 hàng tượng, kề bên có hai phỗng đá hình dáng được tạo tác trong tư thế chầu đợi lệnh, hai chân quặp ra phía sau, hai tay khoanh trước ngực. Tượng cao 1,20m, đầu phỗng to có ngấn, tóc búi quả đào, mũi dô, mắt lồi, miệng rộng….tất cả đều được trau chuốt từng chi tiết ở tư thế trang nghiêm.

Sưu Tầm từ trang Vĩnh Lộc




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét