Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Thực hư dòng họ khoa bảng bậc nhất Việt Nam được thầy địa lý trấn yểm


Ngôi mộ Thám hoa Nguyễn Văn Huy mà cụ Phả Uyên đã phục táng.
Ngoài những nguyên nhân về cả dương cơ và âm phần thì việc phát phúc của một dòng tộc còn phụ thuộc nhiều vào đức lớn của tổ tiên và họ Nguyễn làng Viềng cũng vậy. Cho đến ngày nay, dòng họ vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện thú vị xung quanh sự kiện này.
Từ câu chuyện người Tàu báo ơn
Sau nhiều lần hỏi thăm, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được vào nhà cụ Nguyễn Đình Quát (78 tuổi), hậu duệ đời thứ 14 dòng họ Nguyễn làng Viềng để tìm hiểu rõ thêm sự việc. Cụ Quát kể cho chúng tôi nghe câu chuyện rất thú vị về người Tàu trả ơn. Cụ Phúc Sơn vốn là tổ họ Nguyễn tại làng Viềng, nhà nghèo nhưng lại có tinh thần phóng khoáng, thường xuyên làm việc thiện giúp đời. Sau này cụ rời làng Viềng đi mở hàng nước tại làng Đông Lâu (nay là Đồng Thôn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) để sinh sống.
Tục truyền rằng vào một đêm mưa to gió lớn, cây đa đại thụ bên cạnh quán nước bị gió giật đổ bật gốc. Sớm hôm sau cụ ra xem thì nhìn thấy dưới gốc đa bị bật gốc đó lộ ra ba chĩnh vàng, thấy vậy cụ bèn đưa vào nhà cất giữ. Hai-ba năm sau, có một người Trung Quốc đến gốc đa đó ra chiều tìm kiếm một thứ gì mà mãi không thấy.
Người này hỏi những người sống ở khu vực lân cận thì có nghe loáng thoáng câu chuyện cụ Phúc Sơn bắt được vàng nên tìm đến nhà tự giới thiệu và đưa ra một bản sấm cũ, đồng thời nói rằng: “Tiền nhân chúng tôi có để lại một ít của cải cho con cháu, nay vì nghèo túng nên không quản ngàn dặm đường xa đến để đào lên, ngờ đâu đã bị người khác lấy mất”. Người này nói xong rồi khóc lớn.
Sau khi hỏi han kỹ càng, cụ Phúc Sơn bèn nói: “Số vàng này chính là tôi bắt được, nhưng cứ để nguyên cất đi, không hề lấy một chút nào ra tiêu dùng. Vậy số vàng này vốn là di sản của nhà ông, thì tôi xin hoàn lại ông tất cả”. Người khách thấy vậy nói: “Đúng là số vàng kia của nhà tôi, nhưng trời đã có ý cho ngài, xin ngài giữ lấy mà dùng, tôi chỉ xin một chút đủ dùng trên đường trở lại quê quán mà thôi”.
Cụ Phúc Sơn không đồng ý nói: “Nay vật về chủ cũ là lẽ đương nhiên” và kiên quyết trả lại. Người khách thấy cụ xuất phát từ lòng chân thành nên biếu cụ mười lạng, còn đâu xin mang về.
Sau khi về nước, người khách đem việc ấy kể cho mọi người cùng nghe. Một thầy địa lý nổi tiếng nghe vậy bèn nói rằng: “Không ngờ người nước Nam lại tốt bụng đến vậy, nay ta già rồi, giá ta còn trẻ thế nào ta cũng sang An Nam tìm cho nhà ấy một ngôi đất tốt để đền ơn”.
Người khách thấy vậy khẩn khoản nhờ thầy giúp. Thầy địa lý nói: “Ta có hai học trò có thể làm được việc này”, nói đoạn quay bảo hai người học trò: “Con người ấy vốn có âm đức, trời ắt cho được nhiều điều hay. Ta nay tuổi già không đi được, hai người đi giúp ta một chuyến”. Hai người học trò đều là những thầy địa lý nổi tiếng vui vẻ nhận lời.
Khi người khách Tàu cùng hai người học trò đó sang An Nam, tìm đến nơi cụ Phúc Sơn ở để trả ơn thì cụ đã mất trước đó mấy năm rồi. Gia đình cũng chuyển về làng Vĩnh Kiều (làng Viềng) sinh sống. Người khách sắm một lễ phúng đem đến nhà cụ Phúc Sơn ở làng Viềng để cúng tế. Cúng xong ra đi, không biết đi đâu.
Hơn hai tháng sau, người khách lại bảo với phu nhân cụ Phúc Sơn rằng: “Ngày xưa tôi chịu ân sâu mà chưa báo được đức, nay tìm được minh sư tìm được ngôi đất quý để khỏi phụ ân đức người. Nay hai thầy địa lý tìm được hai huyệt tốt, một ngôi phát đế vương nhưng chỉ một đời, một ngôi phát bảy đời làm rể vua, tùy người lựa chọn”. Cụ bà thấy vậy mong muốn có một huyệt để cho con cháu phát đời khoa cử. Không hiểu thực hư ra sao, quả đúng từ đó về sau, con cháu họ Nguyễn làng Viềng nối nhau đỗ đại khoa và làm quan to trong triều.
Đến chuyện hàn long mạch
Con cháu dòng họ Nguyễn làng Viềng nối nhau đỗ đại khoa với nhiều người  giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình. Cứ như vậy cho đến hết đời thứ 4 thì không còn người đỗ đại khoa nữa và sự hưng thịnh của dòng họ có chiều hướng đi xuống. Theo gia phả còn ghi chép lại được thì đời thứ 5 của dòng họ chỉ có duy nhất một người đỗ trung khoa là cụ Phả Uyên, đỗ nho sinh trúng thức, làm quan tới chức tri phủ mà thôi.

                       Cụ Nguyễn Đình Quát.
Tuy nhiên cụ Phả Uyên lại có may mắn  được hộ tống một đoàn ngoại giao của nước ta sang sứ bên Tàu. Khi sang sứ, cụ Phả Uyên có gặp một thầy địa lý Tàu nổi tiếng xin ý kiến về việc phục táng tổ tiên để con cháu tiếp tục được hưởng phúc ấm và có thêm nhiều người đỗ đạt. Thầy địa lý thấy thế liền nói: “Lấy cùng dòng khí huyết phụ táng bằng nối cánh tay vào, cái cũ đã tiêu nát, sửa thành cái mới, sao lại không nên làm”.
Khi về Việt Nam, cụ Phả Uyên liền đem hài cốt của cụ tổ Nguyễn Văn Huy táng lại theo chỉ dẫn của thầy địa lý Tàu đã mách nước. Không hiểu sao ngay đời con cụ Phả Uyên là cụ Nguyễn Danh Nho đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất 1670, thời Lê Huyền Tông. Đặc biệt hơn là có cụ Nguyễn Nhân Nguyên đỗ cử nhân dưới thời Hậu Lê, làm quan tới chức Hộ Bộ lang trung. Cụ có 7 người con trong đó có 3 người đỗ tiến sĩ là Nguyễn Quốc Ích, Nguyễn Đức Đôn, Nguyễn Công Viên.
Điều đặc biệt là dù tám cha con không đỗ hết tiến sĩ, nhưng tất cả đều làm quan to cho một triều. Đây quả là một thành tích không phải gia đình khoa bảng nào cũng có thể thực hiện được. Cũng từ đó con cháu họ Nguyễn làng Viềng đều có người đỗ đạt, làm quan. Tuy nhiên số người đỗ đại khoa và giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình không nhiều như 4 đời đầu của dòng họ.
Đến đây chúng tôi có hỏi cụ Nguyễn Đình Quát về thực hư chuyện hàn long mạch trong gia phả chép như thế nào, cụ Quát cho biết: “Gia phả các cụ truyền lại cho còn cháu như thế nào thì chúng tôi chỉ biết có vậy. Còn thực hư ra sao tôi cũng không được rõ. Tuy nhiên có một thực tế là mấy đời đầu, các cụ đều giữ những chức vụ rất to trong triều mà con cháu về sau rất ít người vươn tới”.
Không thỏa mãn với câu trả lời, chúng tôi đã tìm gặp chuyên gia phong thủy Phạm Cương và nhận được câu trả lời thấu đáo hơn. Chuyên gia Phạm Cương cho biết: “Phong thủy là khoa nghiên cứu về môi trường sống với con người như hướng nắng, hướng gió, tới mạch khí, mạch nước, cấu trúc sông núi… nên khi một trong những yếu tố này thay đổi sẽ ảnh hưởng ít nhiều cục diện phong thủy của cả một khu vực. Trong phong thủy dương cơ (liên quan đến nhà cửa) và âm phần (liên quan tới mồ mả) có quan hệ rất mật thiết với nhau. Riêng phong thủy âm phần ảnh hưởng sâu đến con cháu của dòng họ đó. Mỗi khi long mạch bị tổn thương do xây dựng đào xới… thì cần thiết phải hàn long mạch.
Đối với chuyện hàn long mạch như truyền thuyết dòng họ Nguyễn làng Viềng  thì chuyên gia Phạm Cương nhận xét: “Hàn long mạch là chuyện có thực, tuy nhiên áp vào trường hợp này thì rất khó nói do chưa có điều kiện tìm hiểu thực tế cũng như lịch sử dòng họ nên tất cả chỉ là võ đoán mà thôi… Thông thường thì việc hàn lại long mạch có xảy ra thì khu đất khó vượng khí như lúc đầu (tỉ lệ này chiếm khoảng 90%). Đối với 10% còn lại là thì việc hàn long mạch lại là chuyện tốt hơn ban đầu, điều này tùy thuộc cấu trúc khu đất đó”.
Chuyên gia phong thủy Phạm Cương cho biết: “Đối với những dòng họ khoa bảng có con cháu nối đời làm quan thì có nhiều nguyên nhân, theo tôi một phần liên quan đến phong thủy, tất nhiên còn có rất nhiều yếu tố khác nữa như phúc trạch tổ tiên hay sự cố gắng cá nhân của mỗi thành viên dòng tộc. Có nhiều mảnh đất thường xuyên nảy sinh ra những nhân tài. Đó là những mảnh đất do khí thiêng sông núi hun đúc nên khí sắc thanh tú, mượt mà thì dễ tạo ra những văn nhân tài tử”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét