Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2020

Đế vương xuất hiện trên đất bị phương Bắc trấn yểm


Thực hư Cao Biền trấn yểm thành Đại La
Theo tư liệu lịch sử và phong thủy, Cao Biền khi sang xâm lấn nước ta đã tiến chiếm thành Đại La và cho đắp lớn thành này cao đến 2 trượng 6 thước, chu vi hơn 1982 trượng, trên thành xây 55 vọng gác, với nhiều điểm phòng vệ quân sự. Để làm rào chắn cho thành Đại La, Cao Biền đã tập trung các hộ ở vây quanh với bốn vạn căn nhà. Là người giỏi về thuật phong thủy, xem địa lý, đoán cát hung, nên Cao Biền đã dò xét rất kỹ vị trí để xây thành Đại La (mà sau này vua Lý Thái Tổ khi dời đô về Thăng Long đã cho xây mới lại) và dò tìm đầu mối long mạch nước ta.
Nhắc đến vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn), nhắc đến thành Đại La và kinh đô Thăng Long, vì đều liên quan đến việc Cao Biền sử dụng những thuật lạ của phong thủy để trấn yểm và tiêu hủy khí tượng đế vương ở nước ta thời ấy theo lệnh của vua Đường Ý tông (860 – 873). Tài liệu ghi, khi Đường Ý tông quyết định cử Cao Biền sang nước ta, đã ngầm bảo: “Trẫm nghe An Nam có nhiều ngôi đất thiên tử, ngươi tinh thâm về địa lý, nên hết sức yểm đi và vẽ hình thế đất ấy đem về cho trẫm xem”.
Vâng lời vua Đường, Cao Biền đến nước ta bỏ công đi khắp nơi, xem xét núi non, rừng biển, sông hồ, chỗ nào địa thế tốt, có khí địa linh, thì đều yểm cả. Riêng núi Tản Viên là Cao Biền không dám đụng tới vì cho rằng đó là chỗ thiêng liêng của chư thần thường ngự, không thể yểm được.
Trong những nơi mà Biền nhắm đến có một điểm khá quan trọng, đó là làng Cổ Pháp – nơi sẽ sinh ra bậc đế vương của trời Nam. Vì thế, sau nhiều ngày chú tâm xem xét về cuộc đất toàn vùng, Cao Biền cùng các thầy pháp và thầy địa lý của Trung Quốc đã ra tay “cắt đứt long mạch” bằng cách đục đứt sông Điềm và 19 điểm ở Phù Chấn để yểm.

La Quý nối chỗ đứt long mạch

Nhưng mưu thâm độc của vua Đường và Cao Biền trong việc phá hủy thế phong thủy và làm tan khí tượng đế vương ở nước ta đã bị một thiền sư thời ấy là ngài La Quý phá tan.

Ngài La Quý là trưởng lão tu ở chùa Song Lâm, thuở nhỏ du phương tham vấn khắp nơi, sau đến gặp pháp hội của thiền sư Thông Thiện liền khai ngộ. Khi đắc pháp, ngài La Quý tùy phương diễn hóa, nói ra lời nào đều là lời sấm truyền. Ngài rất thông tuệ, nhìn xuyên sông núi, biết rõ nguồn gốc phong thủy, biết quá khứ và tiên đoán được tương lai.
Trước khi mất, vào năm 85 tuổi (năm 936), ngài gọi đệ tử truyền pháp là Thiền Ông đến căn dặn: “Ngày trước, Cao Biền đã xây thành bên sông Tô Lịch, dùng phép phong thủy, biết vùng đất Cổ Pháp của ta có khí tượng đế vương, nên đã nhẫn tâm đào đứt sông Điềm và khuấy động 19 chỗ trấn yểm ở Phù Chẩn. Nay ta đã chủ trì lắp lại những chỗ bị đào đứt được lành lặn như xưa”.
“Trước khi ta mất, ta có trồng tại chùa Châu Minh một cây bông gạo. Cây bông gạo này không phải là cây bông gạo bình thường, mà là vật để trấn an và nối liền những chỗ đứt trong long mạch, mục đích để đời sau sẽ có một vị hoàng đế ra đời và vị này sẽ phò dựng chính pháp của chư Phật”.
Vị hoàng đế mà ngài La Quý báo trước là Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn mồ côi từ nhỏ, được sư Khánh Vân đem về chùa nuôi, lớn lên Lý Công Uẩn được thiền sư Vạn Hạnh nuôi dạy và sau này lên ngôi tức vua Lý Thái Tổ, mở ra thời đại hộ pháp hưng thịnh trong lịch sử Việt Nam… Như vậy, thuật phong thủy với khí tượng đế vương của các vùng đất đã liên quan nhiều đến lịch sử Việt Nam từ xa xưa.
Đến đời Lê, có ngài Nguyễn Đức Huyên sinh tại làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tỉnh, là người lặn lội học khoa địa lý phong thủy tận nơi khai sáng của khoa này trên đất Trung Hoa và cũng là người Việt Nam đầu tiên viết sách địa lý lưu truyền đến nay. Ngài là danh nhân có tên gọi quen thuộc không những trong dân gian mà cả giới nghiên cứu nữa: Tả Ao.
Tả Ao đã phân tích, nêu rõ hình các cuộc đất kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, cũng như việc tìm long mạch ra sao. Xin nêu ra đây đoạn nhỏ trong sách “Tả Ao địa lý toàn thư” do Cao Trung biên dịch, đại ý nêu hai mạch: Mạch dương cơ và Mạch âm phần. Mạch dương cơ nếu nhỏ thì dùng làm nhà, nếu lớn hơn làm doanh trại, hoặc rộng và tốt có thể dùng làm thị trấn, xây kinh đô. Còn Mạch âm phần dùng chôn cất.

                     Bệ trang trí vũ công thời Lý
Đại cương là vậy, về chi tiết còn có nhiều loại mạch khác, như Mạch mã tích tức mạch chạy như vết chân ngựa, lúc cạn lúc sâu; Mạch hạc tất tức mạch ở giữa nhỏ, hai đầu to ra dần, như gối của con hạc; Mạch phong yếu tức mạch nhỏ nhắn, phình ra to dần như lưng con ong; Mạch qua đằng tức mạch không chạy thẳng mà ngoằn ngoèo như các thân cây bí cây bầu, có khả năng kết được bên trái hoặc bên phải đường đi của mạch nên được xem là loại mạch quý. Đất kết có hai loại: một loại dùng chôn xương người chết và một loại để người sống ở đều tốt.
Riêng đất để người sống ở, sách Tả Ao địa lý toàn thư đã đề cập đến đất dương cơ liên quan tới lịch sử nước ta: Trừ nhà Hùng Vương được đất quá lớn ra, thì sau đó, nhà Đinh và tiền Lê trở về trước, những triều đại thịnh trị thật ngắn ngủi, không được tới ba đời, nên quốc sư Vạn Hạnh phải tìm một đại địa khác làm kinh đô. Đó là Thăng Long hay Hà Nội. Lý Công Uẩn nghe theo, dời kinh đô về Thăng Long nên nhà Lý làm vua được tám đời; và sau đó nhà Trần và hậu Lê (Lê Lợi) cũng nhờ có đại địa đó làm kinh đô, nên bền vững lâu dài hơn”.
(Nguồn: Duyên dáng Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét