Trang

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

Hội Làng


Hội Làng
Tác Giả: Tô Hoài


    Trong làng, không kể nhà giầu nhà nghèo, người có cái ăn hay người không một đồng xu, cũng không tính các ngày giỗ và đám ma, đám cưới, bốc mộ, “dưng” sao giải hạn, đặt tự ở đền chùa và ốm đau phải cầu cúng, từng nhà cũng như việc làng, việc xã và những ngày giỗ tổ của họ, chi họ, việc hàng giáp, chòm xóm - nghĩa là những dịp phải đóng góp và có động đũa động bát, và cứ kể riêng cái thứ lo tết nhất trong một năm, mỗi nhà theo cho có được bát nước cúng và nén hương, cũng đã vất vả, đã khướt, huống hồ lắm khi lại phải kiếm ra lẻ gạo nếp, miếng thịt lợn và cút rượu đặt lên giường thờ.
    Con người ta làm ra cái ăn đều khó nhọc cả. Hãy đếm những cái Tết trong một năm. Trước tiên, tết Nguyên Đán, tết cả. Kể cho kỹ trước và sau cái tết lớn này, còn có những ngày râu ria mà nhà nghèo rớt mồng tơi cũng phải lo cho có được gói hoa, nén hương. Hai mươi mốt giỗ tổ - tổ nghề giấy, tổ nghề lụa, chẳng biết tổ là ông bà nào nhưng mọi nhà vẫn phải đầy đủ giỗ chạp. Hai mươi hai, ngày sắp ấn. Các quan làng cất triện, nghỉ việc. Làm người bạch đinh chân tràng thì chẳng bận gì thế mà nhà nào cũng cúng lễ sắp ấn. Hai mươi ba, tết ông công - vua bếp hai ông một bà. Chiều ba mươi, lễ tiên thường rồi tối cúng trừ tịch. Cúng trừ tịch tiễn năm cũ và lễ tiên thường khấn mời các cụ dưới âm về sớm sớm kịp mùng một ăn tết với cả nhà con cháu. Thế rồi, mùng một, mùng hai, mùng ba, đến mùng bốn lễ hoá vàng, mùng bảy hạ cây nêu và động thổ, nhà nhà vào khung cửi đưa mấy nhát thoi lấy may. Đến rằm tháng giêng, ngày Phật lên chùa "lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng", mới thật cạn hết những cái tết trong tháng đầu năm.
    Sang mùng ba tháng ba - tết bánh trôi nước, bánh chay cúng ông Giới Tử Thôi bên Tàu chết cháy trong rừng, ngày hôm ấy các nhà phải kiêng lửa. Mùng năm tháng năm, tết Đoan Ngọ, mừng hoa quả mới. Và đến mùa hè nắng nôi oi ả, trời đất toàn những cái khiếp đảm. Cửa đền cửa miếu cứng quan ôn, nấu cháo vảy ra bờ bụi cho các âm hồn bơ vơ lang thang đói khát được hớp nước ngũ cốc, ngọc thực. Kịp đến tháng bảy, tết rằm vong nhân xá tội. Rằm tháng tám, trung thu của trẻ con và của cả người lớn. Rồi gió heo may thổi giải đồng, vào tháng mười, mùng mười gặt hái đến, làng không có một miếng ruộng cũng mừng tết cơm mới. Kể ra đếm đầu cái tết, chứ còn có lo được mọi tết đủ các việc làng, việc họ, việc nhà cùng là các thứ giỗ chạp như thế, không phải nhà nào cũng chạy vạy bằng nhau được. Nhưng mà "sống ở làng, sang ở nước", đến ngày tết ngày kỵ, thấy hàng xóm bốn bên rộn rịch cũng áy náy, không yên. Rồi phải vay mượn, giựt nóng, bán tào bán huyệt. Cùng quá không trông vào đâu được, đành nhịn. Nhưng thế thì là thằng liều không còn mặt mũi nhìn ai, rồi phải đến bỏ làng, tha phương. Những tang thương ấy, các làng ở đâu thế nào thì người thiếu thốn khó khăn ở làng tôi cũng tương tự. Lệ làng, giỗ tết và hội hè đình đám vừa mong ước vừa nghiêm ngặt. Mỗi năm, làng nào cũng có một dịp việc làng. Tế thành hoàng, mở hội hay không, còn tùy. Có làng hội hè linh đình. Cho là có hèn, đói cũng cố phải làm vậy. Có làng chỉ xôi gà qua loa cho xong rồi ông từ đóng cửa đình, cửa đền. Người ta cho là cũng vì cái "sự tích ông thánh" thế. Nhưng thật ra chỉ vì từ xa xưa đã làng thì có, làng thì chẳng bằng ai mà thành lệ. Làng tôi không có hội, kể từ khi tôi biết, cả đời chỉ đi xem hội làng thiên hạ.
    Dưới làng Mọc Cự Lộc, Mọc Quan Nhân tháng giêng vào hội to, có cả đánh cờ người. Sắm sửa xống áo quân cờ cũng phải nhà khá giả mới lo được Các làng này giàu có nhiều quan to và người đi làm việc nhà nước. Cả vùng cơm đùm cơm nắm trảy hội Mọc từ gà gáy, nửa buổi đã tới cống Mọc. Tháng giêng, tháng tám hội đền Ghềnh bên kia sông. Hàng quà có khế cơm không chua không ngọt, bánh đa đường gấp, bà đồng khăn chầu áo ngự về đền, người xem hội càng nô nức. Đền Trại ở Thủ Lệ thì rước kiệu bò. Kiệu bát cống sơn son thếp vàng nguy nga. Mười tám trai kiệu thong dong bốn bên. Người đô tùy nào cũng lực lưỡng cởi trần, đóng khố điều, đầu chít khăn nhiễu tam giang, mắt đeo kính râm. Một tay mở quạt tàu lụa bạch. Lúc cất tiếng hí, kiệu bay kiệu bò, một tay lại xòe quạt che miệng. Nhiều nơi rước xách, song chỉ đến đền Trại mới được xem kiệu bò. Đám rước kiệu bò từ cánh đồng lên cái gò dài song song với hồ nước trước đền mà người ta bảo đấy là lưng con rồng. Rước đến chỗ kiệu bò lên đồi mới là lúc hay nhất, thiêng nhất. Các đô tùy nghỉ ở chân gò được nhấp một chén rượu, mặt đỏ phừng đứng cùng một loạt nhấc đòn kiệu lên vai, cất tiếng hí ran như cả đàn ngựa động đực rồi nâng “kiệu bay” xoay tròn trong cánh đồng.
    Các trai kiệu lần lượt người quỳ người đứng giữ bát nước cúng trên mâm bồng không đổ một giọt, cái kiệu từ từ bò lên mặt gò. Người xem hội đông nghịt khắp đến các chân tre. Trên gò cao đứng xa đến đâu cũng nhìn được cái kiệu bát cống bò được lên gò rực rỡ lộng lẫy, thật sướng mắt.
    Các làng quanh làng cũng có hội. Những hội nhạt nước ốc, chẳng mấy nô nức. Hội bơi ở Đăm, mấy chiếc thuyền đã tróc sơn bơi rào rạt trong cái đìa đầu làng. Vui xem hát, nhạt xem bơi là thế. Hội làng Noi thì, quan viên đi rước quần nâu xắn móng heo. Chỉ đáng xem có mỗi cái kiệu bát cống mà cái năm Tây hạ thành, người Noi đã vào trong thành Cửa Bắc khiêng ra được. Hội làng Đông, làng Hồ được chờ đợi hơn cả.
    Hội Đông Hồ khoảng từ rằm tháng tư trở ra, kéo dài một phiên chợ Bưởi. Nhưng làng Đông cũng chỉ có tế thần và mấy tối chèo hát sân đình. Bên làng Hồ vui hơn.
    Làng Hồ có rước to. Rước về đình từ đền Voi Phục bên kia cống Đõ hay từ cái miếu ở xế cổng xóm Đông Lân không nhớ. Chỉ thấy người xem người cứ đông ngộn lên. Các cô gái làng khiêng long đình. Mỗi cô một cái quạt đào. Chốc lại xòe quạt che miệng, khẽ hí đều một tiếng. Các cô kén đâu được khăn sa tanh, áo dài hoa đào, quần lĩnh tía giầy cườm. Con trai cầm tán, che lọng. Các ông trạc năm mươi, vừa mới lên lão, áo the hoa khăn lượt, bưng đồ bát bửu dùi đồng, phủ việt thong thả bước sau phường bát âm, tiếng trúc thánh thót sinh tiền réo rắt, tiếng nhị cò cử, người gõ cảnh đánh tiêu...
    Trẻ con xúm quanh xem anh đánh trống.
    Chiếc trống cái hai người khiêng. Người thủ hiệu diện khăn nhiễu tây nón dứa chóp mạ kền, quai lụa điều. Mắt đeo kính râm, áo the hoa cặp. Quần là ống sớ. Chân bít tất lụa đào xỏ trong đôi giày Gia Định mõm ngóe đen nhoáng. Tay lót mùi xoa lụa mỡ gà viền chỉ hồng, cầm cái dùi trống sơn đỏ. Khi đánh trống, múa dạo mấy vòng, đổi bên tay mùi xoa, rồi giơ cao, quay người uốn éo, nhô lên cúi xuống thấp thoáng qua lại, mắt kính nghiêng ngả nhìn ra hai bên người đương trầm trồ, tấm tấc khen thủ hiệu múa dẻo. Thế rồi, một tay chống nạnh, nghiêng nghiêng thong thả buông một dùi vào mặt trống. Xong lại lùi ra, hoa dùi lên múa mấy vòng rồi mới đứng yên. Rồi lại đổi mùi xoa lót tay bên kia cầm dùi, bắt đầu múa lại. Tiếng trống nổi. Đằng kia, tiếng chiêng nhịp nhàng đáp. Tùng.., bi.., li... Tùng.., bi.., li.., bi.., li...
    Những người xem càng đông hơn quanh đám phường chèo đóng đường. Các đào kép phường hát đón bên Bắc về đi diễu ban ngày giữa đám hội. Môi son má phấn, mũ giáp, cờ cắm tua tủa sau lưng. Có người đóng ông phễnh đeo chiếc mặt gõ to bằng cái mẹt điệp bạc, áo thụng tay phe phẩy chiếc quạt mo. Trẻ con và bọn con gái thì xán đến trước mặt hai anh trai làng mặc giả gái làm "con đõ đánh bồng”. Áo the đổi vai cánh sen, vạt hoa lý thắt qua gàng, quần lĩnh tía, khăn vuông láng thâm, cũng má phấn môi son trai lơ. Đôi vú độn to bằng cái ấm giỏ phổng lồi trong yếm, vai đeo quai chiếc trống cơm dài ngoằng. Các "cô đĩ bước núng nính, hai bàn tay toẽ cong ngón, đập khe khẽ vào mặt cái trống. Tiếng trống cơm bùng bùng, xàm xạp, ngẩn ngơ. Những cô gái làng càng chen xô vào nhìn tận mặt "con đĩ đánh bồng”, như chưa biết bao giờ, rồi đấm lưng nhau cười rinh rích. Hai anh trai làng đóng đĩ đánh bồng, vẫn thản nhiên núng nính hai tay vỗ bập bùng hai mặt trống cơm, "các anh ả mặt chín lừ" - mấy cô cười tít mắt bấm nhau thế.
    Trẻ con chạy theo à à. Đám rước rồng làng Hồ cuốn hút người hơn cả. Con rồng nhấp nhô mỗi khúc một người đỡ, có đến hơn chục khúc. Người cầm đuôi, người cầm đầu, người múa ngọc và người đánh trống, bốn người được cắt chân quan trọng nhất đám, diện bảnh chọe giống hệt nhau. Khăn nhiễu thiên thanh, áo cánh lụa thâm, thắt lưng điều quần túm ống vào trong xà cạp hoa đào. Chân đi đôi giầy tàu vải thâm. Lại như những chàng trai ăn diện đương thành mốt, mỗi người một đôi kính râm, mắt kính đen kịt.
    Chiếc xe trống cái một người kéo thong thả. Người đánh trống xe, một tay chống nạnh lấy điệu, ngả người nện liên hồi. Con rồng vươn lên vờn ngọc, đầu bắt đuôi vẫy vùng, rồi đuổi ngọc, nhấp nhô trong tiếng trống cái dồn dập.
    Trong sân đình làng có hội thi cây cảnh. Cây cảnh người đem về thi treo quanh hiên ngay cạnh các giải thưởng: vuông vải điều, bánh pháo, chùm dừa. Những quả hồng, quả na, quả bưởi, quả cam bằng sáp nhuộm khéo như thật. Người xem tha thẩn, ngắm nghía. Gần đấy, bên góc sân đình, cánh đu tiên tròn xoe cao hơn ngọn cây ngọc lan. Những người đánh đu trai lẫn gái ngồi trong vòng quay bổng lên, trầm xuống như guồng vè cây suốt. Tiếng mây tre trên đu cọ vào nhau cót két, kĩu kịt giữa tiếng hát inh ỏi. Rạp chèo rung trống từ lúc lên đèn đến nửa đêm. Người chen ra chen vào, đông như nêm cối.
    Mấy ai biết mỗi năm, bên trong đám hội diễn ra biết bao cảnh ganh đua, tranh giành, những cái khổ công đóng góp hàng phe hàng giáp nặng nề đến từng nhà. Người chững chạc vai vế thế nào mới được kén vào cầm bát bửu, cái kích đồng, quả chùy... Con trai nhà ai vào chân thủ hiệu đánh trống, con gái được khiêng kiệu vai trước hay vai sau. Cũng phải ngôi thứ mới được cầm tán, cầm lọng và người được chọn múa đầu rồng, cầm đuôi rồng cũng khác những chân cầm độn các khúc giữa. Anh trai bạch đinh kéo xe trống khác với anh thủ hiệu đánh trống, giầu nghèo cách bức trời vực rồi. Chỉ có mấy gã đeo mặt nạ làm ông phễnh, cầm quạt mo, và người đóng làm đĩ đánh bồng, đấy là những anh ả trơ trẽn ăn chơi đã có tiếng, thì không kể thứ bậc gì. Và những người lép vế mới phải cáng chân khiêng trống, cầm cờ ngũ hành đuôi nheo. Lại còn công phu sắm hay đi mượn, đi thuê đâu kỳ được, xoàng ra cũng phải có tấm áo the mà xỏ tay. Chẳng may phải là người chân trắng, không ai ngó ngàng tới, đóng vai phất phơ len lén đi xem thì thật xấu hổ.
    Tôi được đi xem hội làng Đông, làng Hồ từ khi còn nắm váy bà, đòi bà cõng. Chín mười tuổi thì theo các dì đi hội. Lớn nữa, cùng bạn bè đua đả đi nhông nháo, chim gái, đánh nhau. Trong ngày đám, con trai thường gây gổ như những con gà chọi hay con hoạ mi sĩ diện có mái xùy. Trai làng choảng trai lạ đến ve vãn gái làng. Làng này đánh nhau với làng khác. Chẳng tối nào không có tiếng hô hoán, người chạy ầm ầm. Nhưng ác nỗi vác gậy đi giữ mình, khác nào bảo chúng mày đi ra đây đánh nhau với ông. Như thế, có thể vừa tới cửa đình đã bị ăn đòn vỡ đầu. Thế là chúng tôi thủ thân trong túi mấy hòn đá đường tàu, hòn gạch củ đậu. Hay để sẵn gậy gộc ngoài bờ bụi đường cái. Nghe đâu ồn ào, xô đến. Không bận đến mình cũng đánh hôi. Chẳng biết thằng ấy là thằng nào. Đòn hội chợ, phang lung tung, không phải đầu cũng phải tai.
    Nhưng các trai làng cứ đi hội, không biết hãi. Còn tập võ để đi đánh nhau là đằng khác. Trong vùng có nhiều lò võ, ở làng tôi có lò ông lang Dương, đêm nào cũng đông người đến tập. Đinh tấn, trảo mã tấn, tối tối đái vào bẹn rồi bóp cho săn gân, tập cả mấy tháng vững vàng thế đứng tấn rồi mới đến các món quyền cước. Tôi cũng đi tập võ. Nhưng tôi theo ông Tâm đi tầm sư học đạo bí mật tận lò xa. "Để cho chúng mày thấy ông giỏi võ lúc nào mà không biết", thế mới đặc biệt. Tôi xuống học lò võ ông Hồ ở Thể Giao, cái xóm giữa đầm lầy cạnh hồ Bảy Mẫu.
    Hội quanh vùng chỉ như thế.
    Thế mà đàng tôi chẳng bao giờ có hội hè gì. Chỉ mang máng nhớ đã lâu, tháng hai dưới làng Dâu, Yên Phú các quan viên khăn lượt áo the lên chạ Nghè, chạ Tân rước thần, khênh xuống cái long đình. Mỗi năm vào mùng mười tháng hai, làng "có tiệc", ông từ ra mở cửa đình. Anh mõ Tư Mít vào vườn tre bà hương Nhầm xin cây tre, chặt về, phần đóng cọc, phần làm cột cờ. Lá cờ may bằng vuông nỉ đỏ có chữ thần to tướng, bay lất phất trên bờ sông. Trẻ con đầy sân đình, đánh trống tòm tòm cả ngày. Năm trước, còn có tế, có việc làng. Mỗi năm mổ lợn, có năm tậu bò về thui mổ, chia phần. Những năm sau đói kém thiếu ăn quá, rồi cũng bỏ. Rồi còn kém nữa, sơ sài nữa. Cái năm mất trộm bộ áo thánh, làng chẳng sắm nổi cái áo mới cho ông thành hoàng. Lạy thánh mớ bái, phải lấy vạt cờ đuôi nheo trùm lên ngai làm áo khoác cho thánh. Năm có chèo hát, năm không. Làng Tân, làng Dâu chẳng mấy khi gom nổi tiền đóng phường chèo, chỉ đi xem kẹ chèo hát hội làng bên. Làng Yên Phú đút nút phường tuồng vào cái cầu giữa làng. Phường kiết xác, không đủ hơi ra diễn rạp giữa trời. Một bó giáo thanh gỗ đã tròn vẹt đầu, tróc hết sơn. Có mỗi một cái hòm mộc phải đựng quần áo, mũ mãng. Anh kép gánh đồ, quảy một đứa bé một bên cho cân.
    Chúng tôi chen hẳn vào trong cầu lúc chập tối đã rung trống giáo đầu rồi. Thế nào mà chui ngay chỗ buồng trò nhìn ra. Không biết đương diễn trò gì. Thấy một bác kép đóng, tướng nách cài hai miếng gỗ, cắm sáu lá cờ con con, sặc sỡ như trẻ con đeo bùa túi ngày tết mùng năm tháng năm. Bác kép vừa nghỉ vai, nhảy phắt một phát vào buồng trò che cái chiếu. Bác ấy cởi phăng giáp trụ lôi thôi, hở trần lưng mồ hôi nhễ nhại. Bác vội rút miếng gỗ cắm cờ đằng lưng, gõ lạch cạch mấy cái xuống mặt hòm. Một lũ rệp đói lép kẹp to bằng móng tay đen mờ rơi lả tả trong ánh đèn hoa kỳ nhạt nhẽo. Rệp đã đốt bác từ lúc còn đứng múa hát ngoài kia.
   
Kết Thúc (END)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét