Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 21.22. ĐỚI AN LAN CHỐNG NHẬT Ở MIẾN ĐIỆN

 Người dịch: Dương Đình Giao

Sau khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương bùng nổ, quân Nhật nhanh chóng tiến xuống phía nam, thẳng đường tới Miến Điện. Do lời thỉnh cầu của nhà đương cục nước Anh, ngày 1 tháng 2 năm 1942, liên quân Trung Quốc do Tham mưu trưởng Sử Địch Uy chỉ huy, Vệ Lập Hoàng (sau là La Trác Anh), Đỗ Duyệt Minh làm Phó Tư lệnh đưa hơn mười vạn quân thuộc 9 sư đoàn tới Vân Nam biên giới giáp Miến Điện mở đầu chiến dịch giúp Miến Điện kháng Nhật. Chuyện về Tướng quân Đới An Lan là ở trong bối cảnh này.

Đới An Lan không phải là người An Huy, từ nhỏ đã có ý chí hơn người, dốc lòng chăm chỉ đèn sách. Trong cuộc hỗn chiến giữa các phái quân phiệt, rồi sự xâm lăng điên cuồng của ngoại xâm, tháng 4 năm 1924, ông xếp bút nghiên ra trận, đổi tên mình từ Diễn Công thành An Lan, thể hiện hùng tâm tráng chí qua hình ảnh cơn sóng lớn. Tháng 3 năm 1933, quân Quan Đông của Nhật Bản vây hãm toàn tỉnh Nhiệt Hà, áp sát Trường Thành khiến toàn vùng Hoa Bắc bị đe dọa chỉ trong một sớm một chiều. Chứng kiến cảnh quân Nhật lần lượt xâm phạm, chà đạp lên từng mảnh đất của Tổ quốc, tàn sát đồng bào của mình, trong lòng ông vô cùng đau đớn. Ông quyết định lên ngựa vung đao thu phục giang sơn để “lấy máu rửa vết nhục cho đất nước”.

Ngày 10 tháng 3 năm 1933, lữ đoàn 16 thuộc  sư đoàn 8 của quân Nhật tiến công Cổ Bắc khẩu, Đới An Lan nhanh chóng đưa quân thuộc đoàn 145 tới chi viện. Trong cuộc chiến đấu, Đới An Lan chỉ huy quân Trung Quốc anh dũng kiên cường không sợ thương vong khiến cho quân Nhật xâm lược chịu rất nhiều tổn thất.

Sau sự biến “Thất thất”, cuộc chiến tranh kháng Nhật toàn diện chính thức bắt đầu, Đới An Lan đưa quân lên phía bắc chống Nhật. Khi trên đường qua Thang Âm, Hà Nam, Đới An Lan tới thăm miếu Nhạc Phi, đứng ngắm bức tượng lớn của Nhạc Phi, ông vô cùng xúc động trước tấm gương của người anh hùng thời Nam Tống chống giặc Kim. Đọc bài “Mãn Giang hồng” đã khiến lòng yêu nước của ông dâng trào, ông quyết tâm noi gương anh dũng đầy khí phách của Nhạc Phi trong cuộc chiến đấu chống quân Nhật, lấy lại giang sơn cho đất nước, cống hiến toàn bộ sức lực của bản thân mình.

Ngày 12 tháng 12 năm 1939, Đới An Lan chỉ huy quân tham gia cuộc đại chiến ở Côn Lôn quan để ngăn cản giặc Nhật tiến lên phía bắc. Đêm trước cuộc chiến, Đới An Lan tràn đầy phấn khích, nói: “Thời cổ Trung Quốc có giai thoại về ba tiếng trống giữ Côn Lôn quan, ta cũng quyết giữ bằng được Côn Lôn quan”. Ngày 17, Đới An Lan sử dụng chiến lược đánh vu hồi, chiến thuật bao vây kẻ địch. Phương án tác chiến là “Quan môn đả hổ”, tiến công mãnh liệt để chiếm Côn Lôn quan.

Mùa thu năm 1941, đế quốc Nhật Bản âm mưu thực hiện cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, nhăm nhăm chực nuốt miếng mồi Miến Điện. Kế hoạch này của quân Nhật đã uy hiếp sự sống còn của Trung Quốc và cuộc sống của đông đảo người dân. Vì thế, Đới An Lan chấp hành mệnh lệnh đưa sư đoàn 200 tới Miến Điện chống Nhật.

Ngày 23 tháng 2 năm 1942, sau khi Đới An Lan cùng sư 200 tới Đông Qua, hai liên đội quân Nhật có sự hỗ trợ của 12 đại pháo, cùng với sự yểm trợ của chiến xa và thiết giáp tiến công mãnh liệt vào trận địa của sư đoàn 200. Toàn bộ chiến sĩ của sư đoàn dưới sự chỉ huy của Đới An Lan quyết tâm  chiến đấu, bất chấp sức tiến công mãnh liệt của quân địch phối hợp bộ binh và kỵ binh làm kẻ địch chịu tổn thất ngiêm trọng. Sau đó, do quân cứu viện không tới kịp, sư đoàn 200 bị chia cắt, phải rút khỏi Đông Qua. Đông Qua tuy thất thủ nhưng sư đoàn 200 dưới sự chỉ huy của Đới An Lan, mặc dù không được sự phối hợp đã ngăn cản quân địch với số lượng gấp bốn lần và vũ khí trang bị hơn hẳn, không những đã yểm trợ cho quân Anh rút lui an toàn mà còn làm tiêu hao hơn năm nghìn quân Nhật, viết lên trang sử huy hoàng cho quân đội Trung Quốc trên con đường viễn chinh, có ảnh hưởng rất to lớn tới tinh thần quân đội Trung Quốc ở trong nước.

Do những sai lầm của Tham mưu trưởng Sử Địch Uy và La Trác Anh Tư lệnh quân viễn chinh, quân Nhật chiếm được Đường Cát, hình thành thế bao vây với quân viễn chinh. Dù cho Đường Cát thất thủ, sư đoàn 200 vẫn không nhụt chí, họ quyết tâm giành lại. Rạng sáng ngày 25 tháng 4, sư đoàn 200 được sự yểm trợ mạnh mẽ của quân viễn chinh mở đầu cuộc tiến công mãnh liệt chiếm lại Đường Cát. Sư đoàn trưởng Đới An Lan trực tiếp chỉ huy cuộc tiến công này đã cùng toàn bộ chiến sĩ bước vào cuộc tử chiến. Sau hơn chục giờ chiến đấu anh dũng, quân Nhật ở Đường Cát đã bị tiêu diệt.

Sau khi chiếm lại được Đường Cát, Đỗ Duật Minh Phó Tư lệnh quân viễn chinh đề nghị tiến đánh vào Lôi Liệt để chia cắt quân Nhật đang trên đường tiến về phía bắc. Nhưng La Trác Anh lại ra lệnh tập trung binh lực chuẩn bị cái gọi là “Mãn Đức Lặc hội chiến”. Đỗ Duật Minh buộc phải tuân theo mệnh lệnh cho sư đoàn 200 di chuyển, trong một ngày phải dời khỏi Đường Cát. Do đó, quân Nhật rất dễ dàng chiếm được Lạp Tuất. Ngày 29 tháng 4 đang trong khi quân Nhật từ Lạp Tuất tiến về Mãn Đức Lạp, hoàn thành việc bao vây quân viễn chinh. La Trác Anh hoảng sợ vì sai lầm ra lệnh cho quân viễn chinh rút lui về Bát Mạc. Đới An Lan cùng các chiến sĩ của ông không thể làm gì khác đành chấp hành lệnh rút về phía bắc.

Nửa đêm ngày 18 tháng 5, sư đoàn 200 gặp sư đoàn 56 của quân Nhật ở Lang Khoa. Trong hoàn cảnh giữa rừng sâu và đêm tối, xảy ra cuộc hỗn chiến giữa hai bên, sư đoản 200 trải qua cuộc chiến đấu suốt đêm, thoát được trận địa phục kích của quân Nhật. Nhưng trong cuộc chiến đấu đó, sư đoàn 200 bị tổn thất nghiêm trọng, Đới An Lan bị thương ở ngực và bụng. Ông biết vết thương rất nghiêm trọng nhưng vẫn điềm tĩnh nói với mọi người: nếu ông có mệnh hệ nào, sư đoàn sẽ do Đoàn trưởng 598 Trịnh Đình Cập chỉ huy để trở về Tổ quốc. Sau khi bị trọng thương, ông còn được tin Long Lăng thuộc Vân Nam bị kẻ địch chiếm, Bảo Sơn cũng bị uy hiếp. Ông ra lệnh cho quân sư  đoàn 200  ngày đêm hành quân, nhanh chóng trở về Tổ quốc chi viện bất chấp vết thương nặng cần yên tĩnh để điều trị. Nhưng do thiếu thuốc men, những vết thương của ông đã có dấu hiệu hoại tử, không có cách nào chữa trị. Ngày 26 tháng 5, sư đoàn 200 tới thôn Mao Bang phía bắc Miến Điện, sau 35 ngày dời xa Tổ quốc, Đới An Lan ra lệnh đặt cáng xuống đất. Ông xúc động hướng về Tổ quốc, cất tiếng hô: “Phản công! Phản công! Tổ quốc vạn tuế!”. Ông nhớ về đất nước, nhân dân đã sinh ra và nuôi dưỡng bản thân mình, ông hy vọng cuộc chiến đấu chống quân Nhật bảo vệ Tổ quốc sẽ thành công, non sông gấm vóc sẽ vĩnh viễn trở về. Nhưng ông đã sức cùng lực kiệt, không thể gượng được. Cuộc sống của Đới An Lan vĩnh viễn dừng lại khi ông mới 38 tuổi.

Sự hy sinh lẫm liệt của Đới An Lan khiến toàn thể chiến sĩ trong sư đoàn xúc động, tiếng khóc thương tiếc khôn xiết. Sau khi trở về Tổ quốc, nơi nơi tổ chức lễ tưởng niệm ông. Rất nhiều lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc đã viết thơ, từ ca ngợi tấm gương quên mình vì nước của Đới An Lan. Bài từ của Chu Ân Lai đã ca ngợi ông “Hoàng Phố chi anh, dân tộc chi hồn”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét