Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 21. 21. ĐỚI LẠP

 Người dịch: Dương Đình Giao
Đới Lạp là người đứng đầu tổ chức đặc vụ của Quốc dân đảng. Ông ta vốn là người “bất học vô thuật”, lập thân được nhờ luồn cúi, đem thân mình phục vụ trung thành cho Tưởng Giới Thạch, nương theo chiều gió mà đạt tới chức vụ cao. Sau đây là một vài ghi chép về cuộc đời của  ông ta.
Đới Lạp, tự là Vũ Nông, sinh tháng 5 năm 1897 trong một gia đình địa chủ đã phá sản ở trấn Bảo An, huyện Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang. Năm 1913, khi Đới Lạp 16 tuổi, nhờ người anh Đới Xuân vào học một trường trong tỉnh, nhưng chỉ sau có 3 tháng, vì mang tội trộm cắp mà bị đuổi học. Năm 1915, Đới Lạp 18 tuổi về nhà lấy vợ tên là Mao thị. Về sau, Mao thị bị ruồng rẫy.
Năm Đới Lạp 20 tuổi, buồn chán vì cảnh nhà nghèo túng, làm nghề bạc bịp, bị phát hiện, người ta đánh cho thừa sống thiếu chết, đành lừa một người phụ nữ nông thôn làm quạt giấy, lấy quạt đem bán làm tiền lộ phí đi Hàng Châu, gia nhập đội quân thuộc Sư thứ ba của Chu Phượng Kỳ, từ đó kết giao với một bọn lưu manh. Nhờ quen biết, Đới Lạp tôn Hoàng Kim Vinh, người đứng đầu một bang hội ở Thượng Hải làm thầy. Qua sự giới thiệu của Hoàng Kim Vinh, Đới được vào học khoa kỵ binh của trường Hoàng Phố, nhưng chưa tốt nghiệp đã bị đuổi học.
Đới Lạp từ Quảng Châu trở về Thượng Hải, làm ăn cùng đám lưu manh do Đỗ Nguyệt Thăng, Hoàng Kim Vinh cầm đầu. Cùng lúc đó, Tưởng Giới Thạch thất thế, quay về Thượng Hải. Đới Lạp hàng ngày đều tới nơi Tưởng ở, chủ động nhận nhiệm vụ làm cảnh vệ. Tưởng Giới Thạch hỏi về thân thế, Đới Lạp trả lời:
  • Tôi là học sinh trường võ bị Hoàng Phố, tới đây vì sự an toàn của Hiệu trưởng.
Năm 1928, Tưởng Giới Thạch khôi phục chức vụ Tổng tư lệnh, sau khi nắm được quyền hành, Đới Lạp tự chuyển thành hoạt động đặc vụ chuyên nghiệp, thường làm những công việc đầu sai, tự làm một số việc tình báo, cứ hai ba ngày một lần, đi cửa sau tới giao tin tức cho đầu bếp hay lính gác cửa của Tưởng Giới Thạch, cũng không cần hỏi kết quả ra sao. Những tin tức này phải thông qua Hồ Tĩnh An (tùy tùng của Tưởng Giới Thạch) nên Đới Lạp thường tới nhà Hồ để lấy lòng, coi Hồ Tĩnh An như cha nuôi. Sau mấy lần đọc các tin tình báo, Tưởng bèn cho Đới Lạp một số tiền để chi phí hoạt động. Từ đó về sau, Đới Lạp bắt đầu triển khai các hoạt động, tin tức tình báo cũng nhiều hơn, nội dung cũng đầy đủ hơn. Thấy thế, Tưởng Giới Thạch rất vừa ý bèn cho gặp mặt, tỏ ý khuyến khích, hàng tháng đều cấp cho một khoản tiền. Đới Lạp bèn tiến thêm một bước trong việc tổ chức các hoạt động bí mật có quy mô rộng lớn hơn, nhiều khi trực tiếp gặp Tưởng Giới Thạch để báo cáo và thỉnh thị. Đến năm 1932, sau khi thành lập tổ chức Phục hưng xã, Đới Lạp nghiễm nhiên trở thành đứng đầu tổ chức đặc vụ. Từ đó cho tới khi chết, Đới Lạp đã trải qua 15 năm hoạt động đặc vụ.
Là một người “bất học vô thuật”, học hành hầu như chẳng có gì, nhưng ông ta đã nắm được cái “thuật” riêng. “Thuật” của Đới Lạp là khéo nhìn ra ý đồ của Tưởng Giới Thạch, đây có thể nói là sở trường của ông ta.
Sau sự kiện kháng chiến Tùng Hộ 28.1, Tưởng Giới Thạch đề xuất “tiên an nội nhi hậu nhượng ngoại”, đây là một cơ hội tốt để Đới Lạp phát huy cái “thuật” của mình. Đới Lạp lợi dụng tình hình đó, báo cáo với Tưởng những phần tử chủ trương kháng Nhật trong quân đội Quốc dân, tổ chức giám sát họ và những người Nhật Bản khá đông ở Trung Quốc lúc ấy. Công việc này trúng với ý của Tưởng Giới Thạch. Vì thế, những đề nghị của Đới Lạp đều được chấp nhận, Tưởng còn bổ sung cho ông ta mười người đã tốt nghiệp trường Võ bị Hoàng Phố. Trong tổ chức Phục hưng xã, thành lập tổ chức đặc vụ riêng.
Đới Lạp biết Tưởng Giới Thạch muốn trừ tận gốc những người khác biệt với mình nên đã tổ chức sát hại những người cách mạng và các nhân sĩ tiến bộ cùng những người không tán thành công việc của mình. Tay chân của Đới Lạp có những tên đao phủ vô cùng tàn ác, trước sau đã sát hại nhiều đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc hoặc những người có quan điểm khác với Tưởng Giới Thạch. Dã tâm chính trị của Đới Lạp rất lớn, ông ta có thuật  riêng để khống chế các bộ hạ đủ bằng cả ân và uy. Tay chân của ông ta có thể được hưởng tiền tài, quan chức, cũng có thể ngồi tù. Kẻ ngồi tù có thể được phóng thích, rồi được thăng chức miễn là trở thành công cụ đắc lực chỉ biết thuần phục.
Đới Lạp còn cử một nhóm người đã tốt nghiệp trường Võ bị Hoàng Phố làm cảnh vệ đảm bảo sự an toàn cho Tưởng Giới Thạch. Bọn người này luôn ở bên cạnh Tưởng, nắm được những thói quen sinh hoạt, ý thích, những người thường lui tới, vào những dịp lễ tết đều bỏ tiền mua quà biếu xén để hy vọng họ nói những điều tốt đẹp về mình với Tưởng. Với phụ nữ, Đới Lạp luôn tỏ ân cần, tặng đồ trang sức, với những người bên cạnh Tưởng, dù không có quyền hành gì cũng luôn tỏ ra gẫn gũi, thân cận.
Trong vụ “binh gián’ ngày 12.12 .1936, Đới Lạp cũng tỏ ra trung thành vơi Tưởng, cùng Tống Tử Văn, Tống Mỹ Linh tới Tây An thăm Tưởng Giới Thạch. Trước đó, ở Nam Kinh, Đới Lạp qua những tin tức tình báo cũng đã nói với các nhân viên của mình: “Lần này lành ít dữ nhiều. Tôi phải đi Tây An cùng sống chết với Hiệu trưởng”.
Sau sự biến Tây An, Tưởng Giới Thạch đã khẳng định Đới Lạp là một kẻ trung thành, giao Trương Học Lương, Dương Hổ Thành cho Đới Lạp xử lý. Từ đó, Tưởng ngày càng coi trọng Đới Lạp.
Năm 1938, Đới Lạp được thăng chức Cục trưởng Cụ thống kê điều tra, Quân sự ủy viên hội và Cục trưởng Cục quản lý Tài chính  vật tư. Vì thế cơ quan đặc vụ ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Ngày 17 tháng 3 năm 1946, Đới Lạp đi trên chuyến máy bay số 222 từ Thanh Đảo tới Thượng Hải, do thời tiết bất lợi, máy bay mất liên lạc phải hạ cánh khẩn cấp xuống Nam Kinh nhưng vẫn gặp nạn. Đới Lạp cùng 13 người đi cùng tử nạn. Đới Lạp được chôn cất trên núi Tử Kim ở Nam Kinh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét