Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 20. 12. TÀO TUYẾT CẦN VIẾT “HỒNG LÂU MỘNG”

  Người dịch: Dương Đình Giao
Trường thiên tiểu thuyết Hồng lâu mộng là tiêu biểu cho các thành tựu lớn nhất của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, nó không những nổi tiếng trong nước mà còn là tác phẩm văn học trứ danh được cả thế giới công nhận.
Tác giả của “Hồng lâu mộng” là Tào Tuyết Cần, một tác gia nguời tộc Mãn. Tổ tiên ông vốn là nguời Hán, nhưng vào cuối đời Minh đã vào Nội vụ phủ làm bao y (gia nô) cho Đa Nhĩ Cổn. Gia đình ông từ đời tằng tổ phụ đến đời cha đều làm cao quan trong Giang Ninh chức tạo (1). Hoàng đế Khang Hy năm lần tuần du phương nam thì có bốn lần lưu lại gia đình ông, nói thế để thấy gia đình họ Tào thuộc loại quyền quý, có quan hệ mật thiết với Hoàng tộc.
Thuở nhỏ, Tào Tuyết Cần sống trong hoàn cảnh phú quý giàu sang. Nhưng thời gian này không dài, cha ông bị xử phạt cách chức và tịch thu gia sản nên gia đình nhanh chóng rơi vào khốn khó, bản thân ông cũng bị cuốn vào vòng xoáy của tầng lớp thấp trong xã hội. Cuộc sống khó khăn đã khiến tư tưởng ông có nhiều chuyển biến, ông không thể hòa nhập vào hoàn cảnh đó nên sinh rất bất bình.
Cùng lúc đó, những điều ông đã trải qua, đã tai nghe mắt thấy, những hiểu biết sâu sắc về nỗi thống khổ trong cuộc sống nhân sinh đã khiến ngọn bút ông xúc động. Sau mấy năm tích lũy, tới khi ngoài 20 tuổi, ông bắt tay vào  đặt bút viết những điều đã từng ấp ủ thành một thiên tiểu thuyết bằng bạch thoại.
Để sinh sống, ông phải làm đầy tớ cho Thạch Dực tông học. Ở đó, ông kết giao với hai anh em Đôn Mẫn, Đôn Thành thuộc tông thất tộc Mãn. Tài học của ông khiến Đôn Mẫn, Đôn Thành hết sức khâm phục, coi như tri kỉ. Tào Tuyết Cần tính cách phóng khoáng, không thể quen với  cảnh sống bó buộc của nhà tông học nên phải bỏ đi. Gia cảnh ngày càng khốn khó, không thể ở lại trong thành, ông phải dời đến phía tây ngoại ô Bắc Kinh, ở trong một căn lều cỏ.
Nơi Tào Tuyết Cần ở cách Bắc Kinh rất xa, anh em Đôn Mẫn và Đôn Thành chỉ có thể thỉnh thoảng mới gặp ông. Mỗi khi tới thăm, họ đều mang theo rượu, vì biết rằng, Tào Tuyết Cần giờ đây cái ăn còn chẳng đủ, đâu có tiền để có thể mua rượu.
Một hôm, Đôn Thành vượt dòng suối nhỏ, băng qua rừng trúc tới “Tuyết Cần thảo ốc”. Ông vô cùng kinh ngạc, phát hiện cả nhà Tào Tuyết Cần đang ngồi quanh nồi cháo và một bát rau. Nhìn quanh thấy bốn bức vách trống hoang trống huếch, Đôn Thành nói:
– Cổ nhân nói “ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc, Tuyết Cần huynh sao để thế này?
Tào Tuyết Cần cười, kéo tay Đôn Thành ngồi xuống:
  • Hiền đệ, cổ nhân cũng nói nguời quân tử “an bần lạc đạo” mà.
  • Thấy huynh trong nhà chẳng có gì, sẵn trong nguời có chút ít tiền, huynh cầm tiêu tạm.
Tào Tuyết Cần vẻ mặt không vui,  vội ngăn Đôn Thành lại. Đôn Thành hiểu cái khí khải của bạn, không dám ép. Hai nguời cùng ngồi một lát, Đôn Thành nói:
– Tuyết Cần huynh, có một vị thân vương mới mua được mấy bức cổ họa, muốn tìm nguời giám định xem thật hay giả, cũng có chút thù lao, không biết huynh có thể giúp được ông ấy không?
Tào Tuyết Cần biết Đôn Thành muốn nghĩ cách giúp đỡ mình, trong lòng cảm thấy ấm áp. Ông bèn đồng ý, hẹn ngày cùng Đôn Thành vào thành xem tranh.
Đôn Thành lấy từ trong túi ra mấy cuốn bản thảo “Hồng lâu mộng”, nói với Tào Tuyết Cần:
– Tào huynh viết hay quá, thật không ai bằng. Tôi đem nó về chép lại nhé?
– Còn rất nhiều chỗ phải sửa chữa, tôi còn phải sửa nhiều.
– Vậy Tào huynh sửa đi, tôi sẽ đọc. Giờ thì huynh hãy đưa cho tôi mấy cuốn.
Tào Tuyết Cần tới bàn lấy mấy cuốn đưa cho Đôn Thành. Nhận mấy cuốn sách, Đôn Thành lật giở từng trang, bất ngờ thấy mấy câu bàn về phủ Vinh Quốc.
Đôn Thành không kìm được tiếng cười lớn:
– Ngọn bút của Tào huynh thật “nhập mộc tam phân” (ý nói có sức mạnh)! Khâm phục, khâm phục! Nhưng làm sao phía sau này cũng có chữ?
– Giấy đắt quá, đành phải dùng lại. Tào Tuyết Cần cười giải thích.
Đôn Thành vội bảo:
  • Ngày mai tôi sẽ cho nguời mang giấy đến. Nhìn xung quanh, nói tiếp:
  • Đúng rồi, còn cần bút, mực, nến. Để cho huynh sớm hoàn thành bộ sách này. Tào huynh, thế nào anh cũng không được từ chối nhé.
Tào Tuyết Cần gật đầu, chấp nhận sự giúp đỡ, ông không còn sự lựa chọn nào khác. Con người hôm nay khó có thể tưởng tượng nhà văn xưa sáng tác vất vả như thế nào. Chỉ một cái bàn, một cái ghế đẩu. Thiếu giấy, thiếu mực, bụng đói, thế mà viết nên tuyệt tác  hàng trăm vạn chữ.
Chớp mắt đã tới năm 1763, khu vực Bắc Kinh phát sinh dịch bệnh hàng trăm năm chưa gặp. Thần chết hỏi thăm mọi nhà trong cả kinh thành, đâu đâu cũng nghe thấy tiếng khóc bi thương.
Vận rủi giáng xuống đầu gia đình Tào Tuyết Cần, đứa con duy nhất của ông cũng không tránh khỏi nạn ôn dịch này. Lúc ấy, nguời mắc bệnh phải uống ngưu hoàng, một thứ thuốc rất đắt. Gia cảnh ông khốn khó lấy tiền đâu mua thuốc? Tào Tuyết Cần tận mắt nhìn đứa con ngày một gầy yếu, cho tới khi nó trút hơi thở cuối cùng.
Buồn thương vì đứa con vừa chết do bệnh, lại thêm việc sửa chữa Hồng lâu mộng vất vả khiến thân thể ông ngày càng gầy yếu đến kiệt sức. Cuối cùng ông cũng mang bệnh. Những nguời bạn tốt của ông là anh em Đôn Mẫn, Đôn Thành cũng mang bệnh, trong nhà cũng có tới năm nguời chết vì bệnh. Mải lo việc nhà khiến họ không biết gì về hoàn cảnh của Tào Tuyết Cần để có thể giúp ông một tay.
Đêm giao thừa, nhà nhà vang tiếng cười nói cùng ngồi xung quanh mâm cơm cuối năm. Nguời có tiền trước nhà treo đèn lồng, đốt pháo cầu chúc may mắn cho năm mới. Cũng lúc ấy, dưới chân núi ở ngoại ô Bắc Kinh, trong căn lều rách nát, một ngọn nến leo lét, Tào Tuyết Cần, tác gia thiên tài vĩ đại của Trung Quốc  trút hơi thở cuối cùng trong gió lạnh và nghèo đói.
Sau khi mất, Tào Tuyết Cần chỉ để lại vài gian lều nát cùng mấy chồng bản thảo, ngoài nguời vợ mới tục huyền, ông không có nguời thân thích nào khác. Ba nguời bạn đã góp tiền để chôn cất ông. Được tin, anh em Đôn Mẫn, Đôn Thành vội tới nhưng mọi việc đã xong xuôi.
Bản thảo Hồng lâu mộng chép tay bắt đầu được lưu truyền, nguời nguời đua nhau đọc rồi bàn luận. Một số thanh niên trước  những mối tình nam nữ trong truyện hấp dẫn cảm động đến rơi nước mắt. Nhưng Hồng lâu mộng cũng nhận được những đòn đả kích của Vệ đạo sĩ (3) truyền thống. Nhưng dù bị cấm đoán, Hồng lâu mộng vẫn nhận được sự hoan nghênh của quần chúng. Cho tới nay, nghiên cứu Hồn lâu mộng đã trở thành  một bộ môn khoa học gọi là “Hồng học”.

Chú thích:
  • Nội vụ phủ: Cơ cấu chuyên môn quản lý mọi việc trong cung đình triều Thanh.
  • Giang Ninh chức đạo: quan Khâm sai wor Giang Ninh
  • Vệ đạo sĩ: những nguời kiên trì theo lễ giáo cổ, phản đối tất cả những hành vi và tư tưởng đi ngược lại lễ giáo chính thống.
Chia sẻ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét