Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 20. 11. CHẾ ĐỘ “KIM BÌNH XIẾT THIÊM”

 Người dịch: Dương Đình Giao
Cho tới nay, Tây Tạng là một bộ phận quan trọng hợp thành Trung Quốc. Từ đầu đời Đường, các vương triều Trung nguyên  đã cùng chính quyền Thổ Phồn kiến lập quan hệ gần gũi. Vào triều Nguyên, chính phủ trung ương đã thiết lập Viện Tuyên chính, là cơ quan coi các  công việc sự vụ toàn bộ Tây Tạng, đã phân phong 13 vạn hộ hầu thực hành quyền cai trị ở vùng đất này. Đến đời Minh, ngoài những chính sách đã có từ đời Nguyên, còn phân phong cho các vương tôn giáo, để cho họ quản lý các công việc tăng tục ở Tây Tạng.
Đời Thanh đã thực hiện việc cai trị Tây Tạng một cách toàn diện rất hữu hiệu và triệt để. Sách phong Đạt Lai, Ban Thiền, cử đại thần thường trú và quân đội quốc gia đồn trú lâu dài ở Tây Tạng, xác lập chế độ rút thăm bát vàng (kim bình xiết thiêm) cho các Phật sống truyền đời, tập trung hình thành các chính sách cai trị của chính phủ trung ương ở vùng dân tộc ở biên cương, …là những biểu hiện chủ yếu. Trong đó, Đạt Lai, chế độ rút thăm bát vàng truyền đời Ban Thiền đã có ảnh hưởng sâu rộng, cho tới nay vẫn phát huy tác dụng chính trị, tôn giáo quan trọng.
Từ đời Minh, do sáng kiến của Tông Khách Ba, phái Tân giáo và phái Cách Lỗ của Lạt Ma giáo phát triển mạnh ở Tây Tạng. Hai đệ tử của Tông Khách Ba là Cân Đốn Chu Ba và Khắc Chu Tiết về sau được gọi là Nhất thế Đạt Lai và Nhất thế Ban Thiền, họ kế thừa giáo pháp của Tông Khách Ba, cấm lấy vợ đẻ con, duy trì chế độ truyền thế. Lạt Ma giáo cho rằng, sau khi Phật sống chết, linh hồn sẽ đầu thai truyền thế, tiếp tục một đời Phật sống nữa, đứa trẻ được truyền gọi là “Linh đồng”. Chế độ Phật sống truyền thế này về sau được kéo dài. Phái Cách Lỗ cố gắng phát triển rất nhanh, không lâu sau đã phổ biến hầu khắp khu vực Mông Cổ. Đến đời thứ 5 Đạt Lai thời kỳ La Tang Gia Thố, Đệ ba (1) khống chế Tây Tạng, Tạng Ba hãn vô cùng hống hách, đe dọa quyền uy của Đạt Lai và Ban Thiền. Trong hoàn cảnh ấy, Đạt Lai và Ban Thiền đã cử nguời xin Cố Thủy hãn Thạc đặc Mông Cổ đưa quân tới Tây Tạng, nhờ thực lực quân sự của Cố Thủy hãn, Tạng Ba hãn bị tiêu diệt, xác lập địa vị thống trị của Hoàng giáo là chính giáo hợp nhất. Cho tới cuối triều Minh, Thanh Thái Tông Hoàng Thái Cực đã xưng đế ở Thẩm Dương, chiếm được khu vực đông bắc và Nội Mông Cổ, hình thành một thế lực trong thiên hạ. Đến lúc này,  một Lạt Ma gọi là Trại Thanh Khúc Kết từ Nội Mông Cổ trở về Tây Tạng, kiến nghị với Ngũ thế Đạt Lai, Tứ thế Ban Thiền và Cố Thủy hãn cử ngay Sứ tiết tới Thịnh Kinh, giao hảo cùng với triều Thanh. Sau khi bàn bạc, Đạt Lai và Ban Thiền cho rằng đến khi triều Thanh làm chủ Trung nguyên, việc thay đổi triều đại là không thể tránh được nên đã quyết định cử   Trại Thanh Khúc Kết làm sứ giả tới Thẩm Dương. Tin Trại Thanh Khúc Kết tới truyền đến Thẩm Dương, Hoàng Thái Cực rất vui mừng. Lúc đó, Mông Cổ còn nhiều khu vực chưa quy thuận, họ đều tin theo Hoàng giáo, chỉ cần khống chế được Đạt Lai và Ban Thiền của Hoàng giáo thì chẳng cần tới vũ lực cũng có thể thâu tóm được các bộ ở Mông Cổ.
Năm 1643, Trại Thanh Khúc Kết tới Thẩm Dương, Hoàng Thái Cực lập tức cử chư vương cùng các đại thần nghênh tiếp, khoản đãi sứ thần của Đạt Lai với nghi thức cao nhất. Từ đó, vương triều Thanh cùng Tây Tạng kiến lập quan hệ chính thức.
Năm 1644, quân Thanh nhập quan, vua Thuận Trị trở thành Hoàng đế đầu tiên làm chủ Trung nguyên. Sau khi định đô ở Bắc Kinh không lâu, nhà vua phái sứ giả tới Tây Tạng thăm hỏi Ngũ thế Đạt Lai và Tứ thế Ban Thiền, xây dựng một ngôi chùa lớn ở La Sa. Đạt Lai và Ban Thiền cũng cử sứ gỉa tới Bắc Kinh chúc mừng. Quan hệ giữa hai bên ngày càng trở nên mật thiết.
 Năm 1651, vua Thuận Trị cử nguời đến Tây  Tạng mời Ngũ thế Đạt Lai tới Bắc Kinh gặp mặt. Ngũ thế Đạt Lai nhận lời mời. Năm 1652, Ngũ thế Đạt Lai cùng 3.000 nguời tới Bắc Kinh, được vua Thuận Trị cùng vương triều trung ương nhiệt liệt hoan nghênh. Trong việc bàn chuyện  đón tiếp, xảy ra tranh chấp giữa các đại thần Mãn và Hán. Khi ấy, Khách Nhĩ Khách Mông Cổ còn chưa quy phục, các đại thần Mãn tộc chủ trương vua Thuận Trị phải ra khỏi thành nghênh tiếp thể hiện sự kính trọng hy vọng Khách Nhĩ Khách Mông Cổ sẽ sớm quy phục, nhưng các đại thần Hán tộc theo quan niệm truyền thống của Trung Quốc, Hoàng thượng là chủ của nước, không thể ra đón từ xa, chỉ cần cử một thân vương thay mặt ra đón. Hai bên tranh cãi không dứt, vua Thuận Trị đã rất thông minh tìm được cách giải quyết vấn đề, ông lấy cớ đi săn, giữa đường gặp phái đoàn của Đạt Lai bèn tiện thể đón tiếp.
Tới Bắc Kinh, Đạt Lai được đón tiếp rất long trọng, lại được Hoàng đế sách phong. Từ đó, mới có danh hiệu chính thức “Đạt Lai Ban Thiền”, xác lập địa vị lãnh tụ tôn giáo ở Tây Tạng. Đến thời kỳ vua Khang Hy cai trị, lúc đó, Đệ ba Tang Kết bên ngoài tỏ ý quy thuận triều Thanh nhưng bên trong cấu kết với Chuẩn Cát Nhĩ và Cát Nhĩ Đan. Năm 1682, Ngũ thế Đạt Lai viên tịch ở cung Bố Đa La, Tang Kết giữ kín không phát tang, đến 13 năm sau, triều Thanh mới phát hiện ra. Sau khi câu chuyện bại lộ, Tang Kết không thông qua chính phủ trung ương, đến năm 1696, lập Thương Ương Gia Thố làm Lục thế Đạt Lai.
 Qua mấy năm sau, phương  bắc  và La Tạng hãn Ngạch Đặc Mông Cổ phát sinh xung đột với Tang Kết, giết Tang Kết, lật đổ Lục thế Đạt Lai, lập một Đạt Lai khác.. Đến lúc này, việc lập nguời nào làm Lục thế Đạt Lai nảy sinh mâu thuẫn nghiêm trọng, tình hình Tây Tạng ngày một hỗn loạn. Để ổn định tình hình, tăng thêm sức mạnh cho thế lực Hoàng giáo, năm 1713, vua Khang Hy sách phong Ngũ thế Ban Thiền làm “Ban Thiền Khách Nhĩ Đức Ni”, sau đó phong Đạt Lai theo lệ, thưởng sách vàng, ấn vàng giống như Đạt Lai Lạt Ma. Sách phong Ban Thiền, xác lập địa vị lãnh tụ tôn giáo trong Hoàng giáo ở toàn bộ Tây Tạng. Như vậy, ở Tây Tạng có hai lãnh tụ đều được triều đình trung ương sách phong, tiện cho việc cai trị tăng tục của vương triều trung ương ở Tây Tạng.
Thời vua Khang Hy còn có một đại thần thường trú ở Tây Tạng. Với thiết chế này, quan hệ giữa Tây tạng với chính phủ trung ương được tăng cường. Tình hình Tây Tạng dần được ổn định.
Đầu đời Càn Long, nguời Quách Nhĩ Khách ở Nê-pan hai lần xâm lược Tây Tạng. Tháng 9 năm 1791, nguời Quách Nhĩ Khách tiến công chùa Tháp Thập Luân Bố, Thánh địa của Hoàng giáo, khiến rất nhiều của cải, vàng bạc, châu báu, lương thực đều bị cướp đi. Tháp Thập Luân Bố là ngôi chùa chính của Ban Thiền, quả là đã bị xỉ nhục. Không thể cam chịu như thế, được tin, vua Càn Long quyết tâm trừng trị Quách Nhĩ Khách để vĩnh viễn trừ hậu họa. Ngày 29 tháng 9, đại quân do Phúc Khang An (4) xuất phát từ Bắc Kinh, vượt qua Sơn Tây, Thanh Hải tới Tây Tạng. Việc quân cấp bách, Phúc Khang An hành quân ngày đêm, đến 26 tháng 11 đã đến Tây Ninh, chuẩn bị mọi việc. Ngày 1 tháng 12 tiến thẳng tới Tây Tạng. Từ Tây Ninh đến Tây Tạng khoảng 4.600 dặm, các Lạt Ma Tây Tạng bình thường muốn đi phải mất 130 ngày. Vào lúc này chính là mùa đông, băng tuyết ngập đất, đường núi quanh co, thời tiết khắc nghiệt, hành quân trong giá rét gian khổ không thể tưởng tượng nổi. Nhưng vì việc quân khẩn cấp, Phúc Khang An chỉ huy quân thần tốc chỉ 39 ngày đã tới nơi.
Tới Tây tạng, Phúc Khang An chỉ huy quân tinh nhuệ, thế như chẻ tre, chỉ trong nửa ngày huyết chiến đã đánh bại quân đội của Quách Nhĩ Khách.
Sau khi quân Quách Nhĩ Khách thua trận, Phúc Khang An về tới La Sa, tuân theo chỉ dụ của vua Càn Long tiến hành công việc giải quyết hậu quả. Năm 1792, Phúc Khang An cùng với Đạt Lai, Ban Thiền cùng những nhân vật quan trọng cùng ký kết 29 điều “Khâm định Tây Tạng chương trình”, quy định rõ ràng việc truyền thế Phật sống, tiền tệ Tây Tạng, quyền hạn của đại thần ở Tây Tạng, trách nhiệm của các quan viên, … tất cả đều được đề cập tới.
Chương trình quy định hai Phật sống Đạt Lai, Ban Thiền truyền thế phải dùng những cái thăm có ghi tên các “Linh đồng” thả vào trong cái bình vàng do Hoàng đế ban cho gọi là “Kim bôn ba” (bình vàng), được đại thần đang ở Tây Tạng giám đốc, rút thăm rồi quyết định. Giả sử “Linh đồng” chỉ có một nguời  cũng phải viết tên lên thẻ rồi cho vào bình cùng với một thẻ không có tên. Nếu rút trúng cái thẻ không có tên thì phải tìm một “Linh đồng” khác. Đó chính là chế độ nổi tiếng “kim bình xiết thiêm” (rút thăm bình vàng).
Chế độ này đã ngăn chặn triệt để sự thiên vị, có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn sự thuần khiết của  tôn giáo, đó cũng là một thành công của vương triều Thanh trong việc quản lý tôn giáo. Nó không những phát huy giá trị tích cực lúc ấy mà còn có tác dụng to lớn trong việc ổn định, thống nhất trong đời sống tôn giáo ở Tây Tạng tới ngày nay.

Chú thích:
  • Đệ ba: Tạng ngữ, ý chỉ Tù trưởng.
  • Thẩm Dương: Nay là Thẩm Dương, Liêu Ninh.
  • Trú Tạng đại thần: Trưởng quan quân chính tối cao được triều Thanh cử đến Tây Tạng. Vua Càn Long quy định là nguời đốc biện sự vụ ở Tây Tạng, bình đẳng với Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền.
  • Phúc Khang An (1754 – 1796), nguời Hoàng tộc Thanh Mãn Châu. Tổng đốc Lưỡng Quảng. Năm 1791, tới Tây Tạng diệt Quách Nhĩ Khách, được phong Tấn Vũ Anh điện đại học sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét