Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 19.07. BI KỊCH CỦA TRUNG THẦN VU KHIÊM

 Người dịch: Dương Đình Giao
Tin vua Anh Tông bị bắt làm tù binh đưa về Bắc Kinh, cả cung đình hoảng loạn. Các  đại thần trong triều nghe tin dữ, ai cũng sợ hãi, tụ tập tất cả trong triều khóc than mãi không dứt. Lúc ấy, tàn binh bại tướng ở thành Thổ Mộc cũng lục tục kéo về Bắc Kinh, lòng nguời ở Bắc Kinh càng bất ổn. Nếu Dã Tiên mang quân đánh thẳng tới, không biết mười vạn tàn binh nhược tướng trong thành liệu có chống cự được?
Trong tình hình khẩn cấp, Hoàng Thái hậu lệnh cho em của Anh Tông là Thành vương Chu Kỳ Ngọc làm Giám quốc, tạm coi việc nước.
Một hôm, Chu Kỳ Ngọc triệu tập các đại thần bàn bạc việc đối phó với Ngõa Lạt, mọi người nhìn nhau, chẳng ai đưa ra được ý kiến gì.  Trong khi ấy, một đại thần tên Từ Hữu Trinh nói với Thành vương:
– Quân Ngõa Lạt rất mạnh, dùng tàn binh nhược tướng của chúng ta làm sao chống cự được, chẳng khác gì trứng chọi đá. Mấy hôm nay thần quan sát khí tượng, thấy kinh thành ta sẽ gặp đại nạn. Chúng ta chỉ còn cách dời về phía nam mới có thể tránh được tai họa này.
Từ trong hàng quan văn, một nguời đứng lên, quát:
– Ai dám nói tới việc dời đô, đem chém đầu! Kinh sư là cái gốc của thiên hạ, không thể dễ dàng  dời đô, sẽ làm cho nhân tâm hoảng loạn, vương triều Đại Minh sẽ không đánh mà thua. Các ông đã quên bài học của Nam Tống rồi sao?
Từ Hữu Trinh nghe những lời ấy, cúi đầu đứng sang một bên, không dám nói lại nửa lời.
Nguời vừa nói là Binh bộ Thị lang (1) Vu Khiêm.
Vu Khiêm là nguời Hàng Châu, đỗ Tiến sĩ thời Vĩnh Lạc, đã qua Ngự sử, Tuần vũ (2), là một quan rất có triển vọng. Ông làm việc cẩn trọng, quyết đoán, rất có uy tín. Lần này, đất nước lâm nguy, Vu Khiêm đứng ra, kiên quyết yêu cầu bảo vệ Bắc Kinh, ý kiến của ông được đại da số các đại thần tán đồng. Thành vương cũng rất ủng hộ chủ trương này, thăng ông làm Thượng thư bộ Binh, giao cho  nhiệm vụ trọng yếu lúc này là bảo vệ Bắc Kinh.
“Nước không thể một ngày không có vua”, để an định lòng nguời và đối phó với sự uy hiếp của Ngõa Lạt, tháng 9 năm ấy, Thành vương lên ngôi Hoàng đế, lịch sử gọi là Cảnh Thái Hoàng đế.
Trong tình trạng quốc gia nguy cấp, Vu Khiêm đã đứng ra nhận mệnh vua. Để “nội cổ kinh sư, ngoại trù biên trấn”, một mặt ông ra lệnh các tướng lĩnh trấn thủ các nơi tăng cường phòng bị, một mặt tấu trình Hoàng đế Cảnh Thái phê chuẩn sắc lệnh bộ Công phải nhanh chóng sửa chữa khí giới, chiến cụ. Đồng thời cho quân phòng thủ chín cửa của kinh thành, đưa toàn bộ cư dân vào trong thành nội; thăng một số quan văn có năng lực làm Tuần vũ, thăng Thạch Hanh, Dương Hồng làm Tướng. Ông cũng tự hứa với mọi người: “Không lập chiến công sẽ nhận trừng phạt.”
Hoàng đế Cảnh Thái cũng dành cho Vu Khiêm sự tín nhiệm tối đa, lệnh cho Tướng sĩ khắp nơi phải nhất luật tuân theo sự chỉ huy của Vu Khiêm để chỉ huy cấp dưới. Nếu không tuân  thủ hoặc không làm tròn phận sự sẽ bị “tiền trảm hậu tấu”.
Lúc đó, lực lượng các nơi cũng liên tiếp kéo đến để bảo vệ kinh sư, công việc chuẩn bị cũng đã hoàn tất, nhưng hơn năm mươi vạn quân thảm bại ở thành Thổ Mộc vừa rồi vẫn khiến toàn quân lo sợ. Khi Vu Khiêm triệu tập các Tướng lĩnh nghiên cứu các phương án phòng thủ, Thạch Hanh, nguời chỉ huy cao nhất ở kinh sư đưa ra chủ trương rút tất cả quân đội vào thành nội, đóng chặt cửa thành, làm vườn không nhà trống. Thạch Hanh cho rằng kẻ địch sẽ không có cách nào để phá thành, rồi tự chúng sẽ phải rút lui. Không ít Tướng lĩnh cũng đồng ý với phương án này. Vu Khiêm chỉ ra rằng, cách này chỉ làm tăng thêm sức mạnh của kẻ địch, chỉ đánh bại chúng mới có thể giành được hòa bình. Vì thế, ông chú ý việc điều phối binh lực, ngoài số lính giữ thành, dùng hơn hai mươi vạn nhân mã bày trận ở bên ngoài chín cửa của kinh thành. Ông tự mình cùng Thạch Hanh hạ trại ở bên ngoài cửa Đức Thắng, đối diện với hướng tấn công của địch. Với những Tướng sĩ tỏ ra lo sợ, Vu Khiêm còn ra nghiêm lệnh: Phàm khi lâm trận, quan tướng rút lui trước quân lính, chém đầu quan tướng; quân lính rút lui trước quan tướng, nguời rút sau chém nguời rút trước. Đồng thời, ông hạ lệnh đóng chặt các cửa thành, lấp kín những chỗ có thể rút lui, khiến cho Tướng sĩ thêm quyết tâm tử chiến.
Thượng tuần tháng 10 mùa đông năm ấy, Dã Tiên mang đại quân cùng Anh Tông tiến về phía  nam, đánh phá cửa Tử Kinh, qua Thang Châu (nay là huyện Thang, tỉnh Hà Bắc), đến Lương Hương, thế mạnh khó bề chống đỡ. Tháng 10, trong gió rét gào thét, quân địch vượt qua Lư Cầu Kiều, tiến sát thành Bắc Kinh, quân chủ lực đã áp sát cửa thành phía Tây. Căn cứ vào trận thế của kẻ địch, Vu khiêm điều chỉnh phương án, cử Đô đốc Vương Thông, Ngự sử Dương Thiện phụ trách giữ thành; cử Đô đốc Tôn Đường trấn giữ của thành phía Tây, cử Hình bộ Thị lang Giang Uyên làm Tham quân, còn bản thân mang giáp và chiến bào cùng với Thạch Hanh giữ phía ngoài cửa Đức Thắng, chờ kẻ địch.
Đại bản doanh của Dã Tiên đặt tại phía bắc thành. Để trinh sát tình hình quân địch ở bên ngoài cửa Đức Thắng, Vu Khiêm cử một số thám mã. Để đánh lừa kẻ địch, Vu Khiêm lệnh cho Thạch Hanh lợi dụng những khu dân cư bỏ hoang mai phục, đồng thời, cũng cho một số quân dụ địch tiến công. Dã Tiên thấy quân Minh bố trí bên ngoài có hạn, lệnh cho hơn một vạn nhân mã xông tới. Khi  quân Dã Tiên rơi vào vòng vây, quân Minh đồng loạt ra tay, thương pháo và tên cùng bắn, em của Dã Tiên là Sách La, Đại tướng Mao Na Hài trúng pháo bỏ mạng. Thừa thế kẻ địch hoảng loạn, Thạch Hanh  tay cầm đại phủ, xông vào giữa trận, tung hoành chém giết. Vu Khiêm tự thân đốc chiến. Dã Tiên thấy thế trận không thuận lợi định rút về Thổ thành. Quân Minh đuổi theo, dân chúng thấy quân Ngõa Lạt thua trận, đều trèo lên mái nhà, ném gạch đá vào quân dịch, hò hét trợ uy. Dã Tiên tiến thoái lưỡng nan, chuyển hướng rút chạy về phía tây. Đô đốc Tôn Đường mang quân chặn lại giết được rất nhiều quân địch. Dã Tiên đành phải chuyển sang hướng nam, đến cửa Chương Nghĩa (nay là cửa Phụ Thành, Bắc Kinh) lại gặp Thạch Hanh và con nuôi là Thạch Bưu chặn lại. Thần cơ doanh (3) Đô đốc Phạm Quảng dùng hỏa công trợ chiến. Trong phút chốc, tiếng pháo nổ vang trời, tiếng hô “giết” dậy đất, Vu Khiêm lệnh cho Thạch Hanh xông tới đuổi theo Dã Tiên.
Dã Tiên thấy cuộc tiến công Bắc Kinh bất lợi, biết quân Minh đã có sự chuẩn bị trước, liệu khó thực hiện được mưu đồ, lấy Minh Anh Tông ra  làm con mồi nhưng triều đình cũng không bị lừa. Trước mắt là mùa đông rét buốt, nếu không thể tốc chiến tốc thắng, vạn nhất quân Minh tiếp tục phản công sẽ gặp vô vàn nguy hiểm, vì thế, Dã Tiên bắt đầu tìm đường rút, đầu tiên cho năm vạn quân đánh phá cửa Cư Dung. Thấy quân Ngõa Lạt sắp tiến công, Tướng Minh La Thông giữ thành ngay đêm ấy cho thành ngập nước, mùa đông, nước nhanh chóng đóng thành băng. Phía ngoài tường thành là những khối băng lớn, vừa lạnh, vừa cứng khiến quân dịch không thể nào phá nổi. Dã Tiên không tìm được cách nào, đành buộc vua Anh Tông, rút theo đường cũ.
Biết Dã Tiên ngày 15 sẽ rút quân, ngay đêm ấy Vu Khiêm lệnh cho Thạch Hanh dùng pháo bắn vào các công sự của kẻ địch, giết và làm bị thương hàng vạn tên. Quân địch qua Lương Hương, Thương Hoàng chạy về phía tây, qua các châu huyện đều ra sức cướp bóc. Quân Minh truy kích, tới Thanh Phong điếm, Cố An, … lại tiêu diệt được rất nhiều  kẻ địch. Dã Tiên vội vàng ép Minh Anh Tông qua cửa Tử Kinh, rồi trở về Vệ La Đặc (Ngõa Lạt). Sự uy hiếp của quân Ngõa Lạt với Bắc Kinh cũng được hóa giải.
Dã Tiên thấy triều Minh đã có tân Hoàng đế, biết có giữ Anh Tông lại cũng chẳng có tác dụng gì, bèn cùng với triều Minh giảng hòa. Tháng 8 năm Cảnh Thái nguyên niên, Dã Tiên cho nguời đưa Anh Tông về  Bắc Kinh.
Về tới Bắc Kinh, Anh Tông được làm Thái thượng hoàng, ở tại Nam cung, nhưng ông ta vẫn không nguôi ý đồ muốn trở lại ngai vàng.
Tháng giêng năm Cảnh Thái thứ 8 (1457), vua Cảnh Thái bị bệnh, không cất nổi mình khỏi giường. Đại thần Từ Hữu Trinh, Thạch Hanh nhân cơ hội này phát động chính biến, đưa Anh Tông trở lại ngôi vua. Không lâu sau, Cảnh Đế mất. Vu Khiêm tuy trước kia đã có công bảo vệ kinh thành Bắc Kinh, nhưng vua Anh Tông lại cho rằng chính ông đã giúp đỡ Cảnh Thái nên mình mất ngôi, lại thêm từ Hữu Trinh, Thạch Hanh có mối thù với Vu Khiêm, dèm pha trước mặt Hoàng đế, Anh Tông khép Vu Khiêm vào tội “mưu phản” rồi đem giết.
Thực ra, Vu Khiêm chỉ là vật hy sinh cho những tranh chấp nơi cung đình.
Chú thích:
  • Binh bộ Thị lang: Phó trưởng quan của bộ Binh, chia làm Tả, Hữu.
  • Tuàn vũ: Trưởng quan địa phương, có từ năm thứ 5 đời Minh Tuyên Đức (1430).
  • Thần cơ doanh: biên chế quân sự, một trong ba doanh của đời Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét