Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

TRUNG QUỐC THÔNG SỬ - 19.06. THẢM BẠI Ở THỔ MỘC

 Người dịch: Dương Đình Giao
Thời Anh Tông triều Minh, biên giới phía bắc có một nhánh của bộ tộc Mông Cổ mới mạnh lên. Chi tộc này có tên Ngõa Lạt. Ngõa Lạt và triều Minh thường qua Hỗ Thị ở biên giới để trao đổi hàng hóa. Về sau, do mâu thuẫn ở các Hỗ Thị này mà cuối cùng nảy sinh chiến tranh.
Sự việc xảy ra như thế này:
Năm 1449, Dã Tiên, thủ lĩnh của Ngõa Lạt cử 2.000 nguời tới cùng buôn bán với triều Minh, để có lợi, Dã Tiên nói dối số nguời tham gia buôn bán. Hoạn quan Vương Chấn biết được việc này bèn nói Dã Tiên lừa dối triều đình, đơn phương giảm phần chia, chỉ cho Dã Tiên hai phần năm số tiền, lại còn hạ lệnh cho bộ Lễ không cho nguời tới buôn bán ăn cơm. Dã Tiên vốn đã có ý đồ xâm phạm lãnh thổ của triều Minh, đến lúc này mượn cớ, lập tức cho quân tiến đánh Đại Đồng, Sơn Tây. Quân phòng vệ của triều Minh phải rút lui, tin tức khẩn cấp rất nhanh chóng được báo về Bắc Kinh.
Triều Minh đã cử Phò mã Đô úy Tỉnh Nguyên mang bốn vạn quân tới cứu viện Đại Đồng, nhưng Vương Chấn không muốn xung đột mở rộng. Quê ông ta lại ở gần Đại Đồng, chỉ sợ nguời Ngõa Lạt xâm chiếm sẽ ảnh hưởng đến đất đai của gia đình, lại muốn nhân cơ hội này, nguời ở quê thấy uy phong của mình để thuận tiện lập công, củng cố địa vị của bản thân, bèn ra sức khuyên Minh Anh Tông ngự giá thân chinh.
Tuy nói Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn năm ấy đã 23 tuổi, nhưng nhà vua cũng chỉ như một Thiếu vương tử, làm việc gì của phải đợi dựa vào “Tiên sinh” Vương Chấn. Vương Chấn nói cần phải thân chinh, lại nói nguời Ngõa Lạt không dám tiến công, nhà vua tin ngay là thật, hạ lệnh ba ngày sau sẽ lên đường. Quan viên trong triều nghe Thánh chỉ, nguời nguời quỳ xuống ở Ngọ môn đều nói Ngự giá thân chinh không phải trò đùa, ba tháng cũng chuẩn bị không kịp, muốn Anh Tông thu lại mệnh lệnh. Nhưng nhà vua mãi mãi chỉ tin có Vương Chấn, không chú ý đến kiến nghị của các đại thần, vẫn giữ nguyên mệnh lệnh đã ban ra.
Ngày 7 tháng 7, Minh Anh Tông cùng Vương Chấn mang theo 50 vạn quân chắp vá tạm thời xuất phát. Trước khi lên đường, nhà vua giao Bắc Kinh cho em trai là Chu Kỳ Ngọc trấn giữ, không cần biết địch tình ra sao, cũng không bàn tới phương lược tác chiến. Mọi công việc về hậu cần, bảo vệ cũng không được tính đến, coi cuộc thân chinh của Hoàng đế đơn giản như một chuyến đi chơi của trẻ con.
Đại quân đến cửa Cư Dung rồi qua Tuyên Hóa. Được mấy ngày, mưa gió không ngớt, đường xá lầy lội, nguời ngựa đều khốn khổ, quân lương không đủ, lính tráng ốm hàng loạt, thi thể đầy đường. Tướng quân đều đồng loạt dâng biểu xin tạm dừng để chỉnh đốn, khuyên Minh Anh Tông không nên liều lĩnh. Nhưng Vương Chấn nhất định không nghe, khăng khăng mau chóng tới Đại Đồng. Hễ có ai dâng biểu đều bắt trói trước trại quân để thị chúng.
Đoàn quân mệt nhọc chẳng dễ dàng gì để tới được Đại Đồng, ai cũng như thở không ra hơi, đều muốn được nghỉ ngơi. Nhưng mệnh lệnh truyền tới, cứ tiến về hướng bắc. Các đại thần lo lắng, tìm Vương Chấn can ngăn, nhưng Vương Chấn trợn mắt, điềm nhiên nói:
– Dù có bại trận thì đó cũng là ý Trời!  Hoàn toàn không nghe bất cứ câu nào của nguời khác.
Vừa lúc ấy, phía trước truyền tới một tin xấu: Dã Tiên áp dụng chiến lược dụ địch vào sâu, ở Đại Đồng đã phục kích đội quân tiên phong của Tỉnh Nguyên, Chu Anh và Chu Miên mang quân cứu viện, cũng rơi vào ổ phục kích của Dã Tiên, chỉ qua nửa ngày, hai đội quân của triều Minh đã bị tiêu diệt toàn bộ, thành Đại Đồng đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Ngõa Lạt.
Tin đến nơi, Minh Anh Tông vô cùng sợ hãi, lúc trước, Vương Chấn còn tuyên bố hùng hồn, nay cũng hoang mang lo sợ, lập tức từ chủ trương tiếp tục bắc tiến chuyển thành nhanh chóng rút lui. Lần rút lui này cũng như khi xuất phát đều không có sự chuẩn bị  biến thành hỗn loạn.
Tổng binh (3) Quách Đăng ở Đại Đồng đề nghị rút quân qua cửa Tử Kinh vì cho rằng đây là con đường an toàn nhất. Nhưng Vương Chấn không nghe, buộc toàn quân rút theo đường cũ, còn muốn theo đường ấy đi qua quê của mình. Ai ngờ, khi mới tới gần Lương Sơn, kỵ binh của Dã Tiên đã đuổi gần tới nơi.
Vương Chấn hoảng sợ, vội cử Thành Quốc công Chu Dũng mang 3 vạn kỵ binh chặn hậu, còn mình cùng Hoàng đế chạy về hướng nam. Xa giá của Minh Anh Tông chạy như bay, tối hôm ấy đã tới cách thành Thổ Mộc khoảng hai mươi dặm. Các đại thần thấy thành Thổ Mộc khó chống giữ, lại thiếu nguồn nước, khuyên Minh Anh Tông đừng vào thành. Nhưng lúc ấy, Vương Chấn còn đang ở phía sau chưa tới nơi. Thiếu Vương Chấn nên dù việc nhỏ Minh Anh Tông cũng không thể quyết định, việc có vào thành hay không vẫn phải đợi Vương Chấn mới định liệu. Khi Vương Chấn đến nơi, không muốn tiếp tục đi trong đêm, bác bỏ ý kiến của Binh bộ Thượng thư Quách Dã, quyết định cứ vào thành Thổ Mộc hạ trại đêm ấy.
Dã Tiên là nguời rất am hiểu việc thần tốc trong dụng binh, sau khi tiêu diệt được quân của Chu Dũng hôm trước, ngay trong đêm lại nhanh chóng tiến tới gần thành Thổ Mộc. Buổi sớm hôm sau, Minh Anh Tông còn đang nghĩ tới việc thu trại để đi tiếp, kỵ binh của Dã Tiên đã xuất hiện khắp nơi, bao vây quân Minh ở thành Thổ Mộc.
Bên trong không có lương, bên ngoài không nguời cứu trợ, quân Minh bị Dã Tiên bao vây suốt ba ngày, đành phải liều mạng phá vây ở phía nam. Lệnh phá vây vừa đưa ra, quân Minh đã chẳng còn gì là trận pháp, nguời nguời đua nhau tháo chạy. Kỵ binh của Dã Tiên đã mai phục bên đường, thấy đội ngũ quân Minh kéo tới lập tức tiến công từ hai phía.
Tiếng ngựa hí vang trời, quân Dã Tiên lớn tiếng, quát:
– Cởi giáp, hạ thương, không thì chết!
Quân Minh chẳng còn sức chiến đấu, nghe thấy thế bèn cởi giáp, xuống ngựa. Quân Dã Tiên lập tức bắn tên như mưa vào quân Minh không có gì phòng vệ, phần lớn quân Minh đều trúng tên mà chết, xác chết nào cũng đầy những tên trông chẳng khác gì những con nhím.
Trong tiếng thét kinh thiên động địa, hơn trăm các quan viên đi theo Minh Anh Tông cũng chết cùng  đám loạn quân. Thủ phạm gây tai họa Vương Chấn đang có ý định bỏ chạy, Tướng quân hộ vệ Phàn Trung không nén được tức giận, xông tới trước mặt Vương Chấn, thét:
– Vì thiên hạ, ta phải giết tên gian tặc này!
Tay vung, chùy hạ, chớp mắt đầu Vương Chấn đã lìa khỏi cổ. Rồi hai tay hai chùy, ông xông vào đám quân của Dã Tiên, giết được hơn chục tên. Cuối cùng, ông kiệt sức mà chết.
Chỉ có Minh Anh Tông được sự bảo vệ của các vệ sĩ không một vết thương. Phải đợi tới khi có một Thái giám nói cho, Vua mới biết không thể có cách thoát thân, vội xuống ngựa tìm một gốc cây trốn tạm.
Dã Tiên giành toàn thắng, nhắc nhở quân lính thu dọn chiến trường. Ngoài số khí giới và áo giáp của quân Minh thu được, còn bắt được Minh Anh Tông đang trốn dưới gốc cây. Một tên lính Ngõa Lạt thấy Minh Anh Tông mặc cái áo giáp đặc biệt đi tới ra lệnh cho nhà vua cởi áo giáp. Tuy sợ hãi, Minh Anh Tông cũng vẫn còn biết giữ thể diện của Hoàng đế, không chịu cởi. Tên lính đó định ra tay hạ sát thì tên lính đứng bên cạnh thấy Minh Anh Tông không giống nguời bình thường, giải nhà vua tới gặp Dã Tiên.
Dã Tiên nhận ra nguời bị tên lính áp giải đến chính là Minh Anh Tông, rất vui vẻ như bắt được của quý. Nào ngờ có Hoàng đế trong tay, Dã Tiên  lập tức cho giam lại. Biết có được Hoàng đế trong tay là có được điều kiện quyết định  để thương lượng với vương triều Minh,  Dã Tiên mang theo Minh Anh Tông đưa quân xuống phía nam, bao vây thành Bắc Kinh. Sau trận thành Thổ Mộc, thế lực của triều Minh ngày càng suy yếu, biên giới do Minh Thái Tổ, Minh Thành Tổ xác lập nhanh chóng bị xâm phạm.
Chú thích:
  • Hỗ Thị: Nơi buôn bán giữa triều Minh và nguời Mông Cổ phương bắc. Triều Minh đổi lương thực, tơ lụa cho nguời Mông Cổ lấy súc vật, da thuộc.
  • Vương Chấn ( ? – 1449), nguời Úy Châu, Sơn Tây (nay là huyện Úy, Hà Bắc). Thời Vĩnh Lạc vào cung làm hoạn quan. Khi Anh Tông lên ngôi, làm Tư lễ giám, dần nắm được đại quyền.
  • Tổng binh: Võ quan đời Minh, Tổng trấn một phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét