Trang

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Sử ký, Quyển 34 – Yên Thiệu Công thế gia

Giới thiệu

Yên Thiệu Công thế gia, Sử ký 34


1g3234216-0
Thiệu Công Thích
Thiệu Công Thích là bà con một dòng với nhà Châu, cũng họ Cơ[1]. Châu Võ Vương sau khi diệt Trụ, phong cho Thiệu Công ở Bắc Yên[2].
Vào đời Thành Vương, Thiệu Công ở ngôi Tam công: từ ấp Thiểm sang tây, Thiệu Công cai quản, từ ấp Thiểm sang đông, do Châu Công cai quản. Thành Vương còn bé, Châu Công nhiếp chính, ngồi trên ngai trị nước; Thiệu Công sinh nghi, bèn làm bài Quân thíchQuân thích làm muộn lòng Châu Công, Châu Công bèn tuyên cáo rằng: “Đời Thang nhờ người như Y Doãn mới thấu đến hoàng thiên; đời Thái Mậu nhờ người như Y Trắc, Thần Hỗ, Vu Hàm coi giữ vương tộc, mới động đến lòng Thượng đế; đời Tổ Ất nhờ người như Vu Hiền, đời Võ Đinh nhờ người như Cam Bàn; nhờ công lao họ nhà Ân mới yên bình.” Thiệu Công sau đó mới an dạ.
Thiệu Công cai quản phương tây, rất được lòng triệu dân. Thiệu Công tuần hành hương ấp, gặp nơi có cây đường lê, bèn ngồi xử quyết án ngục và chính sự ngay dưới cây ấy; từ Hầu¸ Báxuống đến thứ nhân đều đúng chức phận, chẳng ai sai trách nhiệm. Thiệu Công mất, chúng dân mến nhớ nền chính trị của Thiệu Công, giữ cây đường lê không dám đốn, đặt lời ca vịnh, làm nên bài Cam đường.
Từ Thiệu Công xuống 9 đời thì đến Huệ Hầu. Yên Huệ Hầu ở ngôi nhằm vào lúc Châu Lệ Vương chạy đến đất Trệ, tức thời Cộng hòa[3].
Huệ Hầu chết, con là Hi Hầu lên thay. Năm ấy, Châu Tuyên Vương vừa lên ngôi. Hi Hầu năm thứ 21, Trịnh Hoàn Công bắt đầu được phong ở Trịnh. Năm thứ 36, Hi Hầu chết, con là Khoảnh Hầu lên thay.
Khoảnh Hầu năm thứ 20, Châu U Vương vì dâm loạn bị Khuyển nhung giết chết. Tần bắt đầu được đứng vào hàng chư hầu.
Năm thứ 25, Khoảnh Hầu chết, con là Ai Hầu lên ngôi. Ai Hầu năm thứ 2, chết, con là Trịnh Hầu lên ngôi. Trịnh Hầu năm thứ 36, chết, con là Mục Hầu lên ngôi.
Mục Hầu năm thứ 7, nhằm Lỗ Ẩn Công năm thứ nhất. Mục Hầu năm thứ 18, chết, con là Tuyên Hầu lên ngôi. Tuyên Hầu năm thứ 13, chết, con là Hoàn Hầu lên ngôi. Hoàn Hầu năm thứ 7, chết, con là Trang Công lên ngôi.
Trang Công năm thứ 2, Tề Hoàn Công bắt đầu làm . Năm thứ 16, Yên cùng Tống và Vệ tiến đánh Châu Huệ Vương. Huệ Vương chạy đến đất Ôn, ba nước lập em trai của Huệ Vương là Đồi làm vương. Năm thứ 17, Trịnh bắt Trọng phụ của Yên và đưa Huệ Vương về lại Châu. Năm thứ 27, Sơn Nhung đánh Yên, Tề Hoàn Công đến cứu, tiến lên phương bắc đánh Sơn Nhung rồi rút về. Vua Yên tiễn Tề Hoàn Công khỏi biên cảnh, Hoàn Công cắt đất từ nơi vua Yên đặt chân đến trở lại tặng Yên. Tề nói Yên tiếp tục triều cống Thiên tử như vào thời Thành châu; và bảo Yên phục tu pháp độ của Thiệu Công. Năm thứ 33, Trang Công chết, con là Tương Công lên ngôi.
Tương Công năm thứ 26, Tấn Văn Công mở hội nghị ở Tiễn thổ, xưng . Năm thứ 31, quân Tần thất trận ở đất Hào. Năm thứ 37, Tần Mục Công chết. Năm thứ 40, Tương Công chết, Hoàn Công lên ngôi.
Hoàn Công năm thứ 16, chết, Tuyên Công lên ngôi. Tuyên Công năm thứ 15, chết, Chiêu Công lên ngôi. Chiêu Công năm thứ 13, chết, Võ Công lên ngôi. Năm ấy Tấn diệt ba Đại phuhọ Khích.
Võ Công năm thứ 19, chết, Văn Công lên ngôi. Văn Công năm thứ 6, chết, Ý Công  lên ngôi. Ý Công năm thứ nhất, Thôi Trữ giết vua là Tề Trang Công. Năm thứ 4, Văn Công chết, con là Huệ Công lên ngôi.
Huệ Công năm thứ nhất, Cao Chỉ nước Tề trốn đến Yên. Năm thứ 6, Huệ Công, vốn lắm sủng cơ, muốn bỏ các Đại phu và thay họ bằng người sủng cơ là Tống. Các Đại phu hợp nhau giết Tống. Huệ Công hoảng sợ, trốn sang Tề.
Bốn năm sau, Cao Yển của Tề đến Tấn, xin hợp quân đánh Yên nhằm đưa vua Yên về nước. Tấn Bình Công nhận lời, cùng Tề đánh Yên, đưa Huệ Công về nước. Huệ Công về đến Yên thì chết. Yên tôn Điệu Công lên ngôi.
Điệu Công năm thứ 7, chết; Cung Công lên ngôi. Cung Công năm thứ 5, chết; Bình Công lên ngôi. Công thất nhà Tấn ngày càng yếu kém, Lục khanh bắt đầu cường thịnh. Bình Công năm thứ 18, Ngô Vương Hạp Lư đánh bại Sở, tiến quân vào Dĩnh. Năm thứ 19, Bình Công chết, Giản Công lên ngôi. Giản Công năm thứ 12, chết; Hiến Công lên ngôi. Tại Tấn, Triệu Ưởng đánh họ Phạm và Trung hàng ở Triều ca. Năm thứ 12, tại Tề, Điền Thường giết vua là Giản Công. Năm thứ 14, Khổng Tử chết. Năm thứ 28, Hiến Công chết, Hiếu Công lên ngôi.
Hiếu Công năm thứ 12, Hàn, Ngụy, Triệu diệt Trí , chia nhau đất họ Trí, Tam Tấn cường thịnh.
Năm thứ 15, Hiếu Công chết, Thành Công lên ngôi. Thành Công năm thứ 16, chết; Mẫn Cônglên ngôi. Mẫn Công năm thứ 31, chết; Hi Công lên ngôi. Năm ấy, Tam Tấn được đứng vào hàng chư hầu.
Hi Công năm thứ 30, Yên đánh Tề, thắng ở Lâm doanh. Hi Công chết, Hoàn Công lên ngôi. Hoàn Công năm thứ 11, chết; Văn Công lên ngôi. Năm ấy, Tần Hiến Công chết, Tần ngày càng thêm hùng cường.
Văn Công năm thứ 19, Tề Uy Vương chết. Năm thứ 28, Tô Tần lần đầu đến ra mắt, thuyết phục Văn Công. Văn Công tặng ông ta ngựa xe, vàng lụa để đi thuyết phục Triệu, được Triệu Túc Hầu nghe lời. Tô Tần nhân đấy lập ước với sáu nước, làm Tung ước trưởng. Tần Huệ Vương gả con gái làm vợ Thái tử nước Yên.
Năm thứ 29, Văn Công chết, Thái tử lên ngôi, tức Dịch Vương.
Dịch Vương khi mới lên ngôi, Tề Tuyên Vương nhân khi Yên đang có tang đến đánh, chiếm 10 thành; Tô Tần đến thuyết phục Tề, khiến Tề giao trả 10 thành ấy cho Yên. Năm thứ 10, vua Yên xưng vương. Tô Tần tư thông với Phu nhân của Văn Công, sợ bị giết, bèn thuyết phục Dịch Vương cho mình đi sứ sang Tề để làm phản gián, nhằm làm loạn nước Tề. Dịch Vương ở ngôi 12 năm thì chết, con là Yên Vương Khoái lên thay.
Yên Khoái lên ngôi, Tề giết Tô Tần. Tô Tần khi còn ở Yên, làm thông gia với Tướng quốc nước Yên là Tử Chi, còn Tô Đại thì kết giao với Tử Chi. Đến khi Tô Tần chết, Tề Tuyên Vương lại dùng Tô Đại. Yên Khoái năm thứ 3, Yên cùng Sở và Tam Tấn đánh Tần, nhưng không thắng phải rút quân. Tử Chi làm Tướng quốc nước Yên, hiển quý quyền trọng, chuyên quyết quốc sự. Tô Đại đi sứ từ Tề về Yên, được Yên Vương hỏi: “Tề Vương thế nào?” Đáp: “Hẳn sẽ chẳng nên nghiệp .” Yên Vương hỏi: “Sao thế?” Đáp: “Vì không tin tưởng bề tôi.” Tô Đại nói thế nhằm kích động Yên Vương đề tôn Tử Chi. Từ đó Yên Vương hết lòng tín cẩn Tử Chi. Tử Chi bèn biếu Tô Đại trăm cân vàng và làm theo lời Đại xúi bảo.
Lộc Mao Thọ nói với Yên Vương rằng: “Chẳng gì bằng đem nước nhường cho Tướng quốc Tử Chi. Người ta khen Nghiêu hiền, là vì Nghiêu nhường thiên hạ cho Hứa Do. Vì Hứa Do không nhận, nên Nghiêu được tiếng biết nhường thiên hạ mà thực tế chẳng hề mất thiên hạ. Nay nếu nhà vua đem nước nhường cho Tử Chi, Tử Chi ắt sẽ không dám nhận, thế thì nhà vua một hạng với Nghiêu vậy.” Yên Vương bèn đem nước phó thác cho Tử Chi, Tử Chi trở nên vô cùng quyền thế. Có người còn nói: “Vũ tuy đề cử Ích, nhưng lại dùng người của Khải làm quan. Đến khi Vũ già, cho rằng Khải không đáng giữ thiên hạ, mới truyền ngôi cho Ích. Thế rồi Khải cùng bè đảng đánh Ích, đoạt ngôi. Thiên hạ nói Vũ tuy tạo tiếng truyền thiên hạ cho Ích, nhưng thực chất khiến Khải tự đoạt lấy. Nay nhà vua tuy nói là giao phó quốc gia cho Tử Chi, nhưng các quan lại chẳng ai không là người của Thái tử. Như thế là tạo danh phó thác cho Tử Chi, nhưng thực chất Thái tử cầm quyền vậy.” Yên Vương bèn thu hồi ấn triện tất cả quan viên trật tam bách thạch trở lên giao cho Tử Chi. Tử Chi thế rồi ngồi hướng mặt xuống phía nam nắm vương sự, còn Khoái vì già lão thôi nghe chính sự, trở thành bề tôi. Tất cả việc nước đều do Tử Chi quyết định.
Trong vòng 3 năm, nước Yên đại loạn, bách tính kinh hãi. Tướng quân Thị Bị hợp mưu với Thái tử Bình đánh Tử Chi. Các tướng nói với Tề Mẫn Vương rằng: “Nếu nhân lúc này dây vào, ắt toàn phá được Yên.” Tề Vương bèn sai người nói với Thái tử Bình rằng: “Quả nhân có nghe đến đạo nghĩa của Thái tử, bỏ tư lo công, chỉnh tu nghĩa lý quân thần, làm rõ cái lẽ cha con truyền vị. Nước của Quả nhân tuy bé, chẳng đủ dùng làm tiên phong hay hậu bị, nhưng dành riêng chờ Thái tử sai khiến.” Thái tử Bình dựa vào đấy lập đảng tụ chúng, cùng Tướng quânThị Bị vây cung điện, đánh Tử Chi, nhưng không thắng. Tướng quân Thị Bị trở mặt đánh Thái tử Bình. Tướng quân Thị Bị chết, bị phơi thây làm gương. Thế là đôi bên gây nên loạn lạc suốt mấy tháng, làm chết đến hàng vạn người, dân chúng kinh hoàng, bách tính lìa tan. Mạnh Kha nói với Tề Vương: “Lúc này mà đánh Yên, tựa như thời cơ của Văn Vương, Võ Vương, chẳng thể để mất.” Tề Vương bèn truyền lệnh sai Chương Tử thống lĩnh quân ngũ đô dựa vào người miền bắc đánh Yên. Sĩ tốt Yên không chống cự, thành trì cũng không đóng cổng; Yên Quân Khoái chết; Tề đại thắng; Tử Chi bỏ trốn. Hai năm sau, người Yên hợp nhau tôn Thái tửBình lên ngôi, tức Yên Chiêu Vương[4].
Yên Chiêu Vương lên ngôi sau khi Yên bị tàn phá, nên nhún mình chiêu đãi hiền sĩ. Chiêu Vương nói với Quách Ngỗi rằng: “Tề nhân khi nước  loạn, đánh úp phá vỡ Yên. Ta biết Yên nước nhỏ thế yếu, không đủ sức báo thù. Nhưng tìm cho ra một hiền sĩ để cùng lo quốc sự, rửa mối nhục Tiên vương, đấy là chí nguyện của . Người nào Tiên sinh thấy làm được điều ấy,  sẽ tự mình phụng sự.” Quách Ngỗi nói: “Nhà vua nếu nhất định muốn trọng dụng hiền sĩ, hãy bắt đầu từ Ngỗi đây. Người nào hiền tài hơn Ngỗi, há còn nề hà ngàn dặm xa xôi ư!” Chiêu Vương bèn xây sửa lầu ốc cho Ngỗi và thờ ông ta làm thầy.  Thế là Nhạc Nghị từ Ngụy đến, Trâu Diễn từ Tề lên, Kịch Tân từ Triệu sang, sĩ nhân tranh nhau đến Yên. Yên Vươngnhún mình phúng điếu người chết, thăm hỏi người cô quả, cùng bách tính đồng cam cộng khổ.
Năm thứ 28, nước Yên giàu có, sĩ tốt nhẹ lòng với chiến tranh; thế rồi cất Nhạc Nghị làm Thượng Tướng quân, cùng Tần, Sở, và Tam Tấn họp mưu đánh Tề. Quân Tề bại trận, Mẫn Vương trốn khỏi kinh thành. Riêng mình quân Yên truy đuổi, tiến vào Lâm truy, đoạt hết bảo khí, đốt phá cung thất, Tông miếu nước Tề. Các thành Tề chưa hạ chỉ còn Liêu, Cử, và Tức mặc, còn lại đều thuộc về Yên suốt 6 năm.
Chiêu Vương năm thứ 33, chết; con là Huệ Vương lên ngôi.
Huệ Vương khi còn là Thái tử, có hiềm khích với Nhạc Nghị; đến khi lên ngôi, nghi ngờ Nghị, bèn sai Kỵ Kiếp thay Nghị làm tướng. Nhạc Nghị chạy đến Triệu. Điền Đan nước Tề thống lĩnh Tức mặc đánh bại quân Yên, Kỵ Kiếp chết trận; quân Yên dẫn nhau rút về, Tề đoạt lại tất cả những thành cũ. Mẫn Vương đã chết ở Cử, con ông ta được tôn lên ngôi, là Tề Tương Vương.
Huệ Vương năm thứ 7, chết. Hàn, Ngụy, Sở cùng nhau đánh Yên. Yên Võ Thành Vương lên ngôi.
Võ Thành Vương năm thứ 7, Điền Đan dẫn quân Tề đánh Yên, hạ Trung dương. Năm thứ 13, Tần đánh bại 40 vạn quân Triệu ở Trường bình. Năm thứ 14, Võ Thành Vương chết, con là Hiếu Vương lên ngôi.
Hiếu Vương năm thứ nhất, Tần vây Hàm đan rồi giải vây rút về. Năm thứ 3, Hiếu Vương chết, con là Hỉ lên ngôi.
Yên Vương Hỉ năm thứ 4, Tần Chiêu Vương chết. Yên Vương sai Tướng quốc Lật Phúc ước thân với Triệu, dùng 500 dật vàng làm quà tặng Triệu Vương uống rượu. Lật Phúc về nước báo lại với Yên Vương rằng: “Trai tráng nước Triệu đã chết cả ở Trường bình, đám con côi chưa lớn, Triệu có thể đánh được.” Yên Vương gọi Xương quốc Quân Nhạc Gian đến hỏi. Đáp rằng: “Triệu là nước bốn mặt chiến trường, dân chúng quen binh bị, chẳng thể đánh.” Yên Vương nói: “Ta dùng năm chọi một.” Đáp: “Vẫn không được.” Yên Vương tức giận, quần thần ai cũng bèn cho là Triệu có thể đánh. Cuối cùng Yên khởi quân hai cánh, chiến xa 2.000 cỗ, dùng Lật Phúc làm tướng đánh đất Hạo, Khanh Tần làm tướng đánh đất Đại. Riêng mỗi Đại phu Tướng Cừ nói với Yên Vương rằng: “Đã thông quan lập ước với người ta, còn đem năm trăm dật vàng làm quà tặng vua người ta uống rượu, thế mà sứ giả mới về báo, lại phản bội đến đánh, là điều bất tường. Quân binh sẽ chẳng nên công.” Yên Vương không nghe, tự dẫn 1.000 quân theo sau tiếp ứng. Tướng Cừ nắm dây thao của Yên Vương kéo lại, nói: “Nhà vua nhất định đừng tự mình đi, vì có đi cũng sẽ chẳng nên công.” Yên Vương tức tối đá Tướng Cừ. Tướng Cừ khóc nói: “Thần làm thế nào phải vì chính mình, mà là vì nhà vua đấy!” Yên Vương đến Tống tử, Triệu dùng Liêm Pha làm tướng, đánh bại Lật Phúc ở Hạo. Nhạc Thừa đánh bại Khanh Tần ở Đại. Nhạc Gian chạy sang Triệu. Liêm Pha truy đuổi quân Yên hơn 500 dặm, bao vây quốc đô nước Yên. Yên xin hòa đàm, Triệu không cho, bắt Yên phải dùng Tướng Cừ đàm phán. Yên chịu dùng Tướng Cừ, Triệu thuận lời Tướng Cừ, mở vòng vây.
Năm thứ 6, Tần diệt Đông và Tây Châu, đặt thành quận Tam xuyên. Năm thứ 7, Tần hạ Du thứ gồm 37 thành của Triệu, đặt quận Thái nguyên. Năm thứ 9, Tần Vương Chính bắt đầu lên ngôi. Năm thứ 10, Triệu sai Liêm Pha cầm quân đánh hạ Phồn dương. Triệu Hiếu Thành Vương chết, Điệu Tương Vương lên ngôi, sai Nhạc Thừa thay Liêm Pha, Liêm Pha không nghe, tấn công Nhạc Thừa, Nhạc Thừa bỏ chạy, Liêm Pha trốn đến Đại lương. Năm thứ 12, Triệu phái Lý Mục đánh Yên, hạ Võ toại. Kịch Tân vốn từng ở Triệu, thân với Bàng Noãn, nhưng rồi trốn sang Yên. Yên thấy Triệu nhiều lần bị Tần làm khốn, Liêm Pha lại đã đi mất, phải dùng đến Bàng Noãn làm tướng, muốn nhân khi Triệu yếu đến đánh. Hỏi Kịch Tân, Tân nói: “Bàng Noãn dễ đối đầu thôi.” Yên sai Kịch Tân làm tướng đánh Triệu, Triệu sai Bàng Noãn đánh trả, bắt được 2 vạn quân Yên, giết Kịch Tân. Tần đánh hạ 20 thành nước Ngụy, đặt thành Đông quận. Năm thứ 19, Tần đánh hạ đất Nghiệp của Triệu gồm 9 thành. Triệu Điệu Tương Vương chết. Năm thứ 23, Thái tử Đan vốn đang làm con tin ở Tần, trốn về Yên. Năm thứ 25, Tần bắt Hàn Vương An làm tù binh, đặt Hàn làm quận Dĩnh xuyên. Năm thứ 27, Tần bắt tù Triệu Vương Thiên, diệt Triệu. Công tử Gia nước Triệu tự lập làm Đại Vương.
Yên thấy Tần sắp diệt 6 nước, quân Tần đã tiến sát sông Dịch, họa sắp đến với Yên. Thái tử Đan ngầm nuôi dưỡng tráng sĩ 20 người, sai Kinh Kha hiến địa đồ đất Đốc kháng cho Tần rồi nhân dịp đâm chết Tần Vương. Tần Vương phát giác, giết Kha, sai Tướng quân Vương Tiễn đánh Yên. Năm thứ 29, Tần đánh hạ thành Kế của Yên, Yên Vương chạy trốn, dời đến ở Liêu đông, chém đầu Đan dâng cho Tần. Năm thứ 30, Tần diệt Ngụy.
Năm thứ 33, Tần đánh hạ Liêu đông, bắt Yên Vương Hỉ làm tù binh, cuối cùng diệt Yên. Năm ấy, tướng Tần là Vương Bôn cũng bắt Đại Vương Gia làm tù binh.
Thái sử công nói: Thiệu Công Thích đáng gọi là người nhân. ‘Cam đường’ còn nhớ đến ông, huống chi là người. Yên phía bắc đè nén người Man hạc, mặt trong ngăn đỡ Tề, Tấn, lặn ngụp trong giới cường quốc, là nước yếu nhỏ nhất, nhiều lần suýt bị diệt. Thế mà Xã tắc được an hưởng đến tám, chín trăm năm, trong số các nước họ Cơ lại bị diệt sau cùng, há chẳng nhờ công tích Thiệu Công đấy ư!
[1] Nhiều sách cổ và chữ khắc đỉnh, chóe đồng đời Châu lại nói Thiệu Công là con người vợ thứ của Văn Vương, tức anh em cùng cha khác mẹ với Võ Vương và Châu Công.
[2] Thực ra người con trưởng của Thiệu Công Thích được phong ở Yên, Thiệu Công được phong ở Thiệu, nằm ở tây nam Kỳ sơn.
[3] Cha con Tư mã Thiên hiểu lầm đây là thời các quan hòa đồng hợp nhau nắm chính trị. Theo khảo cổ với chứng cứ chữ khắc đồ đồng, thời này Cung  Hòa nắm quyền.
[4] Trên thực tế, vẫn còn nhiều hoài nghi Yên Chiêu Vương là ai. Theo Sử ký, Thập nhị chư hầu niên biểu, Yên Vương Khoái, Thái tử, và Tử Chi đều chết trong loạn lạc. Trúc thư kỷ niên cũng chép rằng Tử Chi giết Công tử Bình. Còn Sử ký, Triệu thế gia lại chép: Triệu Võ Linh Vương hay tin Yên có loạn, cho mời Công tử Chức từ nước Hàn đến, lập làm Yên Vương, sai Nhạc Trì đưa về. Triệu thế gia có lẽ lại là đúng nhất, vì gần đây các nhà khảo cổ đào được một số võ khí từ giai đoạn này, trên có khắc “Yên Vương Chức.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét