Trang

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Sử ký, Quyển 33 – Lỗ Châu Công thế gia

Giới thiệu


Lỗ Châu Công thế gia, Sử ký quyển 33


14195841761640
Châu Công Đán
Châu Công[1] Đán, là em của Châu Võ Vương[2]. Khi Văn Vương còn sống, Đán làm con hiếu thảo, nhân từ, trung hậu, hơn hẳn các anh em. Đến khi Võ Vương lên ngôi, Đán thường trợ giúp Võ Vương, nắm nhiều trọng trách. Năm thứ 9, Võ Vương đông phạt tiến quân đến Mạnh tân, Châu Công đi theo phù tá. Năm thứ 11, Võ Vương đánh Trụ, đến Mục dã, có Châu Cônggiúp lập lời Mục thệ. Quân Châu đánh bại nhà Ân, tiến vào cung điện triều Thương.  Sau khi Trụ đã bị giết, Châu Công cầm đại việt, Thiệu Công cầm tiểu việt, đứng hai bên Võ Vương, làm lễ thoa máu nơi đền  tuyên cáo tội trạng của Trụ với trời và dân chúng nhà Ân[3]. Võ Vương thả Cơ Tử khỏi ngục; cắt đất phong cho con của Trụ là Võ Canh Lộc Phụ[4] hòng tiếp tục hương khói nhà Ân, sai Quản Thúc và Thái Thúc phụ tá; và cắt đất phong cho tất cả các công thần cũng như bà con trong họ. Châu Công Đán được phong ở gò cũ của Thiếu Hạo tại Khúc phụ, làm Lỗ Công[5]. Châu Công không đến phong quốc mà ở lại kinh đô phụ tá Võ Vương.
00114320c9e60c2cd58019
Trận Mục dã
Sau khi diệt Ân được hai năm, vì thiên hạ vẫn chưa quy phục tân triều, Võ Vương mang bệnh, tâm trí bất an, quần thần lo sợ, Thái Công và Thiệu Công bèn bói rùa xem hậu vận. Châu Công nói: “Chưa thể nhọc lòng các tiên vương nhà ta[6]. Châu Công bèn lấy bản thân làm tế sinh, lập ba cái đàn[7]. Châu Công đứng hướng mặt lên phía bắc, đeo ngọc bích, bưng ngọc khuê[8], khấn với Thái VươngVương Quý, và Văn Vương, sai người viết lời khấn xuống thẻ tre rằng: “Con cháu dòng đích các ngài là nhà vua Phát, chuyên cần lao lực, nhuốm bệnh vào thân. Nếu ba đức tiên vương còn nợ ở trời một người con, hãy dùng Đán đây thay vào mệnh thể của nhà vua Phát. Đán lanh lợi, khéo tay giỏi nhiều trò, biết cách phụng sự quỷ thần. Còn nhà vua Phát không khéo tay lắm nghề như Đán, chẳng thể phụng sự quỷ thần. Hơn nữa, thân vua còn mang nặng trọng trách thiên đình cai quản tứ phương, vận dụng khả năng an bài con cháu các ngài ở hạ giới; chúng dân nơi nơi chẳng đâu không kính sợ; đã không lơ đễnh sơ xuất mệnh trời, mà các tiên vương cũng vĩnh viễn có nơi nương tựa[9]. Nay Đán xin nhận mệnh truyền thông qua mu rùa[10]. Các ngài nếu chấp thuận lời Đán, Đán sẽ đeo ngọc bích, bưng ngọc khuê về nhà đợi chờ số mệnh. Còn không, Đán sẽ cất đi.”
Châu Công sai sử quan viết lời khấn với với Thái VươngVương Quý, Văn Vương bày tỏ tâm trạng muốn thế thân cho Võ Vương Phát, sau đó đến trước bài vị của ba vị tiên vương xủ quẻ. Những người bói đều nói: “Quẻ cát, cứ mở sách bói mà xem, tin chắc là cát.” Châu Côngmừng rỡ, tháo then ống chứa sách, mở ra thấy quả là cát [11]. Châu Công bèn vào cung chúc mừng Võ Vương rằng: “Nhà vua sẽ vô hại. Đán vừa có lời mệnh từ ba vị tiên vương, ngài sống còn lâu để dựng cho nốt cơ đồ. Lo được việc ấy chỉ riêng mỗi mình ngài. Châu Công cất thẻ ghi lời khấn vào rương sắt, răn người coi giữ cấm không cho nhắc đến. Hôm sau, bệnh tình của Võ Vương thuyên giảm.[12]
Thế rồi Võ Vương mất, Thành Vương bé, vẫn còn bọc trong yếm tã[13]. Châu Công sợ thiên hạ hay tin Võ Vương đã mất sẽ khởi loạn, bèn lên ngôi[14] thay Thành Vương nắm chính sự. Quản Thúc cùng mấy người em tung tin trong nước rằng: “Châu Công sắp hại Thành Vương.” Châu Công bèn tỏ bày với Thái Công Vọng và Thiệu Công Thích rằng: “Sở dĩ ta không hề nề hà thay nhà vua lo chính sự, là vì sợ thiên hạ sẽ phản Châu, thì chẳng còn gì để báo đáp các vị tiên vương Thái VươngVương Quý, và Văn Vương. Ba vị tiên vương vì thiên hạ nhọc trí mất bấy lâu, đến nay cơ sự mới thành. Võ Vương mất sớm, Thành Vương còn bé, vì muốn hoàn thành sự nghiệp nhà Châu, ta mới phải làm thế.” Rốt cuộc ở lại trợ giúp Thành Vương, và sai con trưởng Bá Cầm thay mình đến phong địa ở Lỗ. Châu Công răn Bá Cầm rằng: “Ta là con Văn Vương, em Võ Vương, chú Thành Vương, trong thiên hạ địa vị chẳng thấp.  Nhưng ta mỗi lần gội ba lần giữ tóc, mỗi bữa ăn ba lần nhả cơm, vì phải đứng lên tiếp đãi sĩ nhân, sợ thất thoát hiền sĩ thiên hạ. Mày đến Lỗ, cẩn thận chớ cậy có nước mà kiêu ngạo với người ta.”
Quản, Thái, Võ Canh thế rồi thống lĩnh người Hoài di làm phản. Châu Công phụng mệnh Thành Vương, cất quân đông phạt, viết lời Đại cáo[15]. Cuối cùng chém Quản Thúc, giết Võ Canh, đuổi Thái Thúc. Thu tập tàn dân dư sót của nhà Ân, phân phong Khang Thúc ở Vệ, Vi Tử ở Tống để Vi Tử lo phụng thừa hương hỏa nhà Ân. Bình định đất đai miền đông là vùng người Hoài di, mất 2 năm mới yên ổn. Chư hầu ai cũng thần phục nhà Châu.
Trời ban phước lành, Đường Thúc có cây lúa tuy khác gốc nhưng trổ cùng một bông, bèn đem hiến Thành Vương. Thành Vương lại sai Đường Thúc đem tặng Châu Công đang ở miền đông, sáng tác bài  Quỹ hòa[16]. Châu Công nhận xong cây lúa, rất vừa ý với món quà của Thiên tử, sáng tác bài Gia hòa[17]. Miền đông đã chịu thần phục, Châu Công về triều báo cáo với Thành Vương, bèn làm bài thơ tặng vương, đặt tên là Si hào[18]. Nhưng lúc ấy vương vẫn còn chưa dám ban bảo Châu Công.
Thành Vương năm thứ 7, tháng 2 ngày ất mùi, vương vào buổi sớm từ Châu đi bộ đến Phong[19]. Ông sai Thái bảo Thiệu Công trước tiên đến Lạc dương khảo sát địa thế. Tháng 3 cùng năm ấy, Châu Công đến đấy dựng Thành châu và Lạc ấp. Vốn khi xủ quẻ được quẻ cát, nên lập quốc đô ở đấy.
Thành Vương khôn lớn, bắt đầu biết nghe chính sự.  Châu Công bèn giao trả quyền chính cho Thành Vương, để Thành Vương ngồi lâm triều. Khi Châu Công còn thay Thành Vương trị vì, ngồi hướng mặt phía nam, sau lưng giăng màn phủ y [20], chư hầu đứng chầu[21]. Bảy năm sau, khi trả chính sự về Thành Vương, Châu Công đứng hướng mặt phía bắc, cung cần kính nể.
Trước đó, khi Thành Vương còn bé, có lần lâm bệnh, Châu Công bèn cắt móng tay mình thả xuống sông, khấn với thần linh rằng: “Nhà vua còn bé chưa biết gì, kẻ ngỗ ý đức thần chính là Đán đây.” Thẻ ghi lại lời khấn ấy cũng được cất vào rương. Bệnh tình Thành Vương sau đó thuyên giảm. Đến khi Thành Vương cầm quyền, có người gièm pha Châu Công, Châu Công trốn xuống Sở[22]. Đến khi Thành Vương mở rương, đọc được lời khấn của Châu Công, bèn khó, cho mời Châu Công quay về.
Châu Công trở về, Thành Vương đang tuổi khôn lớn, sợ Thành Vương sinh thói dâm dật biếng nhác, bèn viết nên thiên Đa sĩ và Vô dậtVô dật dạy rằng: “Làm cha mẹ chúng dân, tạo nên sự nghiệp trường cửu, nhưng nếu con cháu kiêu xa quên đi điều đó, sẽ làm mất cơ nghiệp; nên làm con cháu há thể bất cẩn vậy! Ngày xưa vua Trung Tông nhà Ân, nghiêm trang tôn kính mệnh trời, liệu chừng mực trị dân, sợ sệt không dám phóng đảng, nên Trung Tông ở ngôi bảy mươi lăm năm. Đời Cao Tông, lâu ngày lao khổ nơi đồng dã cùng tiểu dân làm lụng, được cất lên ngôi, liền thủ phận cư tang, suốt ba năm im lặng, một khi mở miệng ai ai cũng mừng; không hề dám phóng túng, giữ yên nước Ân, đến nỗi mọi ai bất kỳ lớn nhỏ không hiềm không oán, nên Cao Tông ở ngôi năm mươi lăm năm.  Đời Tổ Giáp, không thích làm vương, lâu ngày quen chung sống với tiểu dân, thấu hiểu nỗi khổ của họ, nên biết bảo bọc, giúp đỡ tiểu dân, nhờ thế Tổ Giáp ở ngôi ba mươi ba năm.” Thiên Đa sĩ dạy rằng: “Từ Thang đến ĐếẤt, không ai không siêng tế tự, phổ cập đạo đức, các đế chẳng ai không xứng mệnh trời. Gần đây truyền đến Trụ, tham dâm thất đạo, không đoái lý trời lòng dân. Người Ân ai cũng cho là đáng giết.” Và nói: “Châu nhiều nhiều nhân sĩ, Văn Vương từ trưa đến xế chiều không thể ngồi xuống dùng bữa, ở ngôi năm mươi năm.” Châu Công viết các thiên ấy nhằm răn dạy Thành Vương.
Thành Vương đóng đô ở Phong, thiên hạ đã an, nhưng hành chính, quan chức nhà Châu chưa thành hệ thống, vì thế Châu Công viết Châu quan, mỗi quan sở có phận sự riêng thích đáng, viết Lập chính, chú trọng lợi ích cho dân. Trăm họ vui mừng.
Châu Công ở Phong, thọ bệnh, sắp mất, nói: “Nhất định phải chôn ta ở Thành châu, chứng tỏ ta không dám xa lìa Thành Vương.” Châu Công mất rồi, Thành Vương cũng khiêm nhượng, mai táng Châu Công ở Tất, chôn theo Văn Vương, bày tỏ mình phận con cháu không dám xem Châu Công là bề tôi.
Khi Châu Công mất, vụ mùa mùa thu chưa thu hoạch, chợt có giông bão sấm chớp, lúa má rạp ngang, đại thụ trốc gốc. Trong nước cả kinh. Thành Vương cùng các Đại phu mặc triều phục, mở rương sắt xem lại các văn bằng, lúc ấy mới thấy bài khấn của Châu Công xin thế thân cho Võ Vương. Hai Đại phu cùng Thành Vương đem hỏi quan chủ quản các viên Chấp sự, chủ quản nói: “Quả thế. Trước đây Châu Công truyền lệnh cấm được nói ra.” Thành Vương cầm di từ khóc và nói: “Không cần bói rùa nữa chăng. Trước đây Châu Công chuyên cần cực lực phù tá vương thất, mà riêng ta thơ dại không rõ. Nay trời mới động uy biểu dương đức độ Châu Công, ta là con cháu phải tiếp nhận, quốc lễgia lễ đều cần sửa đổi cho phù hợp.” Thành Vương ra khỏi thành tế Giao, trời bèn đổ mưa và nổi gió thổi ngược, lúa má lại đứng lên. Hai Đại phu bèn truyền lệnh khắp kinh thành sai trồng lại các cây đã trốc gốc và lèn cho vững. Năm ấy, rất được mùa. Thế là Thành Vương truyền mệnh cho phép nước Lỗ được dùng lễ Giao tế Văn Vương. Lỗ được phép dùng lễ Thiên tử là vì để ca tụng công đức Châu Công vậy.
Châu Công chết, con là Bá Cầm vốn từ trước đã được thụ phong làm Lỗ Công[23]. Lỗ Công Bá Cầm khi mới được phong ở Lỗ, 3 năm sau mới báo cáo với Châu Công về chính trị nước Lỗ, Châu Công hỏi: “Sao mà chậm thế?” Bá Cầm đáp: “Sửa phong tục, cải cách lễ, tang sự phải xong ba năm mới được xóa, nên chậm.” Thái Công cùng lúc được phong ở Tề, sau 5 tháng đã báo cáo về chính trị nước Tề. Châu Công hỏi: “Sao nhanh thế?” Đáp: “Ta giản tiện lễ quân thần, làm gì thì cứ dựa theo phong tục bản địa.” Sau này khi nghe lời Bá Cầm báo cáo, bèn than rằng: “Than ôi, hậu thế nước Lỗ chắc phải ngưỡng mặt thờ Tề! Cai trị mà không giản tiện thì dân không gần; còn công bằng dễ dãi gần gũi với dân, ắt được dân theo.”
Sau khi Bá Cầm lên ngôi, Quản, Thái khởi loạn, người Hoài di, Từ nhung cũng đều nổi lên làm phản. Bá Cầm bèn dẫn quân đánh họ ở Hật, đặt lời Hật thệ, nói: “Chỉnh tề giáp trụ, cấm dám gian mạnh, cấm hại gia súc. Trâu hoang ngựa lạc, tỳ thiếp trốn loạn, cấm rời hàng ngũ đuổi theo đoạt bắt, phải cẩn trọng trả về chủ cũ. Cấm dám cướp bóc, trèo tường khoét vách. Dân Lỗ vùng tam giao, tam toại[24] phải tích cỏ rơm, trữ lương khô, cột ván, cấm dám không hoàn chỉnh. Ta đến ngày giáp tuất sẽ xây lũy đánh Từ nhung. Cấm dám trễ hẹn, sẽ bị tử hình.” Lỗ Công đặt xong lời thề, bèn bình định Từ nhung, giữ yên nước Lỗ.
Lỗ Công Bá Cầm chết, con là Khảo Công Tù lên ngôi. Khảo Công ở ngôi 4 năm thì chết, em là Hi lên ngôi, tức Dương Công.  Dương Công cho xây cổng Mao khuyết. Dương Công ở ngôi 6 năm thì chết, con là Công Tể lên thay. U Công ở ngôi được 14 năm, bị em là Phí giết chết đoạt ngôi, tức Ngụy Công. Ngụy Công ở ngôi 50 năm thì chết, con là Lệ Công Trạc lên thay. Lệ Công ở ngôi 37 năm thì chết, người Lỗ tôn em ông ta là Cụ lên ngôi, tức Hiến Công. Hiến Công ở ngôi 32 năm thì chết, con là Thận Công Tị lên thay.
Thận Công năm thứ 14, Châu Lệ Vương vô đạo, trốn kinh thành chạy đến đất Trệ, Cung Hòa nắm quyền chính. Năm thứ 29, Châu Tuyên Vương lên ngôi.
Năm thứ 30, Thận Công chết, em là Ngao lên ngôi, tức Võ Công.
Võ Công năm thứ 9, mùa xuân, Võ Công cùng con trưởng là Quát, con thứ là Hí vào kinh triều kiến Châu Tuyên Vương. Tuyên Vương mến Hí, muốn lập Hí làm Thái tử nước Lỗ. Phàn TrọngSơn Phụ can Tuyên Vương rằng: “Phế trưởng lập thứ không hợp đạo lý; nếu không nghe lời, là cưỡng mệnh vua; đã cưỡng mệnh vua, ắt phải giết; nên vua đã truyền mệnh thì chẳng thể không nghe. Truyền lệnh mà không tuân, thì khuôn phép không thành; tuân mà trái đạo lý, thì dân lìa bỏ bề trên. Phàm dưới thờ trên, nhỏ thờ lớn, đều nhờ đạo lý. Nay Thiên tử lập vua chư hầu, mà con người con thứ, là dạy dân làm trái lý. Nếu Lỗ tuân lời, chư hầu bắt chước, thì vương mệnh[25] có điều bế tắc; còn nếu bất tuân bị giết, thì hóa tự mình đã giết đi vương mệnh. Giết cũng sai, không giết cũng sai, xin nhà vua hãy tính lại.” Tuyên Vương không nghe, cuối cùng lập Hí làm Thái tử nước Lỗ. Mùa hạ, Võ Công về nước, chết.  lên thay, tức Ý Công.
Ý Công năm thứ 9, con trai của Quát là Bá Ngự hợp với người Lỗ tấn công, giết chết Ý Công, và tôn Bá Ngự lên ngôi. Bá Ngự ở ngôi được 11 năm, Châu Tuyên Vương đánh Lỗ, giết Bá Ngự, và hỏi tìm trong số các công tử nước Lỗ người nào có thể làm gương cho chư hầu để nối dòng nước Lỗ. Phàn Trọng Mục nói: “Em trai Lỗ Ý Công là Xưng, kính cẩn mẫn tiệp, biết thờ phụng ông cha; mỗi lần đánh thuế hay trị tội đều tra cứu di huấn và tiền lệ; cốt không phạm di huấn, không trái tiền lệ.” Tuyên Vương nói: “Được. Người này có thể giáo huấn dân.” Bèn lập Xưng lên ngôi ở Di cung, tức Hiếu Công. Từ đó về sau, chư hầu nhiều người trái vương mệnh.
Hiếu Công năm thứ 25, chư hầu phản Châu, Khuyển nhung giết U Vương. Tần bắt đầu đứng trong hàng chư hầu.
Năm thứ 27, Hiếu Công chết. Con là Phất Hoàng lên ngôi, tức Huệ Công.
Huệ Công năm thứ 30, Tấn giết vua là Chiêu Hầu. Năm thứ 45, Tấn lại giết vua là Hiếu Hầu.
Năm thứ 46, Huệ Công chết, người con lớn tuổi nhất thuộc ngành thứ[26] là Tức tạm thế quyền nắm việc nước, tức Ẩn Công. Trước đấy, Phu nhân của Huệ Công không có con trai, tiện thiếp là Thanh Tử sinh ra Tức. Tức trưởng thành, cưới vợ từ Tống. Con gái nước Tống đến Lỗ, hình dáng xinh đẹp, Huệ Công bèn tự đoạt lấy làm vợ, sinh con trai là Doãn. Huệ Công lập con gái nước Tống làm Phu nhân, Doãn làm Thái tử. Đến khi Huệ Công chết, vì Doãn còn bé, người Lỗ hợp nhau tôn Tức lên thế quyền trị nước, nhưng không nói là ‘lên ngôi.’
Ẩn Công năm thứ 5, đến đất Đường xem đánh cá[27]. Năm thứ 8, Lỗ đổi ấp Banh ở núi Thái vốn thuộc Thiên tử cho Trịnh lấy ruộng Hứa điền, bị người quân tử khiển trách.
Năm thứ 11, mùa đông, Công tử Huy ton hót với Ẩn Công rằng: “Bách tính trọng ngài, ngài nên tức vị. Ta xin giết Doãn giúp ngài, nếu ngài dùng ta làm Tướng quốc.” Ẩn Công nói: “Tiên quân đã có mệnh truyền. Ta vì Doãn hãy còn bé, tạm thế quyền. Khi nào Doãn lớn, ta đang xây ấp ở Thổ cừu để dưỡng lão, hoàn trả quyền chính cho Doãn.” Huy sợ Doãn nghe lại lời ấy sẽ giết mình, bèn trở ngược gièm Ẩn Công với Doãn rằng: “Ẩn Công muốn lên ngôi, bỏ ông, ông nên trừ ông ta. Xin vì ông giết Ẩn Công.” Doãn chấp thuận. Tháng 11, Ẩn Công tế lễ Chung vu, bày đàn ở Xã phố, trọ ở Ngoa thị. Huy sai người giết Ẩn Công ở Ngoa thị, tôn Doãn lên ngôi, tức Hoàn Công.
Hoàn Công nguyên niên, Trịnh lấy ngọc bích đổi lấy ruộng Hứa điền vốn thuộc Thiên tử. Năm thứ 2, Lỗ đưa cái đỉnh Tống tặng vào Thái miếu, bị người quân tử cười chê.
Năm thứ 3, Hoàn Công sai Huy đi đón con gái nước Tề cưới làm Phu nhân. Năm thứ 6, Phu nhân sinh con trai, cùng ngày sinh với Hoàn Công, nên đặt tên là Đồng. Đồng lớn được làm Thái tử.
Năm thứ 16, Lỗ họp với chư hầu ở Tào, đánh Trịnh, đưa Trịnh Lệ Công về nước.
Năm thứ 18, mùa xuân, Hoàn Công muốn cùng Phu nhân đến Tề, họp bàn với các Đại phu; Thân Nhu khuyên can không nên đi, Hoàn Công không nghe, bèn đến Tề. Tề Tương Công tư thông với Phu nhân của Hoàn Công. Hoàn Công giận Phu nhânPhu nhân báo lại với Tề Hầu. Mùa hạ tháng 4 ngày bính tí, Tề Tương Công thết rượu Lỗ Hoàn Công; Hoàn Công say, Tương Công sai Công tử Bành Sinh dìu Hoàn Công lên xe, nhân đấy xiết hai bên sườn của Hoàn Công, Hoàn Công chết trên xe. Người Lỗ báo lại với Tề nói: “Vua côi tệ quốc sợ uy nhà vua, không dám ngồi yên, đến Tề cho trọn lễ giao hảo.  Lễ tất mà không về được, tội không người quy, xin được giao Bành Sinh để xóa tiếng xấu với chư hầu.” Tề bèn giết Bành Sinh để nguôi lòng Lỗ. Lỗ lập Thái tử Đồng lên ngôi, tức Trang CôngPhu nhân, mẹ Trang Công, ở lại Tề, không dám về Lỗ.
Trang Công năm thứ 5 mùa đông, Lỗ đánh Vệ, đưa Vệ Huệ Công về nước.
Năm thứ 8, Công tử Củ nước Tề chạy sang Lỗ. Năm thứ 9, Lỗ đưa Công tử Củ về Tề, nhưng đến muộn hơn Tề Hoàn Công, Tề Hoàn Công cất quân đánh Lỗ, Lỗ nguy kịch, bèn giết Công tử Củ. Thiệu Hốt tự sát. Tề nói với Lỗ đòi tống độ Quản Trọng. Người Lỗ là Thi  nói: “Tề đòi cho được Quản Trọng, hẳn chẳng để giết mà để dùng; hắn nếu được dùng sẽ thành mối lo cho Lỗ. Không bằng giết trước rồi trả thây cho Tề.” Trang Công không nghe, bèn nhốt Quản Trọng vào xe tù đưa sang Tề. Tề lập Quản Trọng làm Tướng quốc.
Năm thứ 13, Lỗ Trang Công cùng Tào Mạt họp với Tề Hoàn Công ở đất Kha. Tào Mạt uy hiếp Hoàn Công, đòi giao trả đất đai Tề đã chiếm của Lỗ, bắt ăn thề rồi mới buông. Hoàn Côngmuốn nuốt lời, Quản Trọng can, cuối cùng Tề trả đất cho Lỗ. Năm thứ 15, Tề Hoàn Công bắt đầu làm . Năm thứ 23, Trang Công đến Tề xem tế Xã.
Năm thứ 32, trước đấy, Trang Công xây đài nhìn xuống nhà họ Đảng, thấy cô con gái trưởng (Mạnh nữ), phải lòng, hứa lập làm Phu nhân, đã cắt ngón tay thề thốt. Người ấy sinh con trai là Ban. Ban lớn, mê con gái nhà họ Lương, bèn đến tìm ngắm. Ngự nhân Lạc[28] từ phía ngoài tường đùa cợt với con gái họ Lương. Ban tức, đánh đòn Lạc. Trang Công nghe nói, nói: “Lạc dũng lực, phải giết đi; chẳng thể chỉ đánh đòn rồi tha.” Nhưng Ban vẫn chưa giết được Lạc. Ngay lúc ấy, Trang Công ngã bệnh. Trang Công có 3 em trai, lớn là Khánh Phụ[29], kế đến là Thúc Nha, kế nữa là Quý Hữu. Trang Công cưới con gái nước Tề làm Phu nhân, là Ai Khương. Ai Khương không có con trai; em Ai Khương là Thúc Khương sinh con trai là Khai. Trang Công không có con đích, lại yêu Mạnh nữ, muốn lập Ban làm Thái tử. Trang Côngbệnh, đem việc kế tự hỏi em là Thúc Nha. Thúc Nha nói: “Mỗi lần sau con nối cha là đến em nối anh[30], đó là lệ thường nước Lỗ. Khánh Phụ còn đó, có thể kế tự, nhà vua sợ gì?”[31]Trang Công sợ Thúc Nha muốn lập Khánh Phụ, cho Thúc Nha lui ra và hỏi Quý Hữu. Quý Hữu nói: “Xin đem cái chết mà lập Ban.” Trang Công hỏi: “Mới đây Thúc Nha muốn lập Khánh Phụ, phải làm thế nào?” Quý Hữu mượn lệnh Trang Công bắt Nha đợi lệnh tại nhà họ Châm vu, và sai Châm Quý buộc Thúc Nha uống rượu độc, nói: “Uống vào thì còn con cháu để được phụng thờ; bằng không, sẽ chẳng còn đứa con cháu nào.” Thúc Nha bèn nuốt rượu độc mà chết, Lỗ lập con ông ta làm họ Thúc tôn. Tháng 8 ngày quý hợi, Trang Công chết, Quý Hữu cuối cùng lập Ban lên ngôi theo di mệnh Trang Công. Trong khi còn đang thị tang, trú ở nhà họ Đảng[32].
Từ trước, Khánh Phụ đã tư thông với Ai Khương, nên muốn lập Khai. Đến khi Trang Côngchết và Quý Hữu lập Ban, tháng 10 ngày kỷ mùi, Khánh Phụ sai ngự nhân Lạc giết Công tửBan tại nhà họ Đảng. Quý Hữu trốn sang Trần. Khánh Phụ bèn lập Công tử Khai, tức Mẫn Công.
Mẫn Công năm thứ 2, tình cảm giữa Khánh Phụ và Ai Khương càng đậm đà. Ai Khương cùng Khánh Phụ mưu giết Mẫn Công đưa Khánh Phụ lên ngôi. Khánh Phụ sai Bặc Nghĩ tập kích giết Mẫn Công ở Võ vi. Quý Hữu được tin, từ Trần cùng em Mẫn Công là Thân đến nước Chu, xin Lỗ đưa về nước. Người Lỗ muốn giết Khánh Phụ. Khánh Phụ hoảng sợ, chạy đến Cử. Quý Hữu bèn đưa Thân về nước tôn lên ngôi, tức Hi Công. Hi Công là con thứ của Trang Công. Ai Khương lo sợ, chạy đến Chu. Quý Hữu hối lộ với Cử để bắt Khánh Phụ; Khánh Phụ về Lỗ, Quý Hữu sai người giết Khánh Phụ, Khánh Phụ xin lưu vong sang nước khác, Quý Hữu không nghe, rồi sai Đại phu Hề Tư vừa đi vừa khóc đến gặp. Khánh Phụ nghe tiếng Hề Tư khóc, bèn tự sát. Tề Hoàn Công được tin Ai Khương cùng Khánh Phụ gây nguy loạn cho Lỗ, sai người đến Chu đưa Ai Khương về Tề và giết đi, đưa thi thể đến Lỗ phanh thây. Lỗ Hi Công xin đem chôn cất.
Mẹ Quý Hữu là con gái nước Trần, nên Quý Hữu chạy sang Trần, Trần cũng vì thế trợ sức Quý Hữu và Thân. Quý Hữu khi sắp sinh, cha là Lỗ Hoàn Công sai bói rùa, được giảng: “Là con trai, tên Hữu, ngôi vị nằm giữa hai tòa , làm phụ bật cho công thất. Nó mà lìa nước, Lỗ sẽ không hưng.” Đến khi ra đời, có chữ trên tay là ‘hữu’, bèn đặt làm tên, hiệu là Thành Quý[33]. Con cháu Quý Hữu sau này trở thành nhà họ Quý, con cháu Khánh Phụ trở thành nhà họ Mạnh[34].
Hi Công nguyên niên, lấy ấp Phí ở phía bắc sông Vấn[35] phong Quý Hữu. Quý Hữu làm Tướng quốc.
Năm thứ 9, Lý Khắc nước Tấn giết vua là Hề Tề và Trác Tử. Tề Hoàn Công dẫn Hi Công trừ loạn giúp Tấn, tiến quân đến Cao lương. Sau đó rút về, lập Tấn Huệ Công lên ngôi. Năm thứ 17, Tề Hoàn Công chết. Năm thứ 24, Tấn Văn Công lên ngôi.
Năm thứ 33, Hi Công chết, con là Hưng lên ngôi, tức Văn Công.
Văn Công nguyên niên, Thái tử nước Sở là Thương Thần giết cha là Thành Vương lên thay. Năm thứ 3, Văn Công đến Tấn triều kiến Tấn Tương Công.
Năm thứ 11, tháng 10, ngày giáp ngọ, Lỗ thắng Địch ở đất Hàm, bắt đầu lĩnh Trường địch là Kiều Như; Phú phụ Chung Sanh dùng qua đâm cổ hắn giết đi, chôn đầu tại cổng Tử câu, và tên hắn được dùng đặt cho Tuyên [36].
Trước đấy, vào thời Tống Võ Công, người Sưu man đánh Tống, Tư đồ Hoàng Phụ cầm quân án ngữ, đánh bại chúng ở Trường khâu, giết đầu lĩnh Trường địch là Diên Tư. Đến khi Tấn diệt Lộ, nhằm năm Lỗ Tuyên Công thứ 15, bắt được em Kiều Như là Phần Như. Tề Huệ Công năm thứ 2, Sưu man đánh Tề, Vương tử Thành Phụ nước Tề bắt em của Kiều Như là Vinh Như, chôn đầu hắn ở cổng bắc. Nước Vệ còn bắt được người em út là Giản Như. Người Sưu man từ đấy bị diệt vong.
Năm thứ 15, Quý Văn Tử[37] đi sứ sang Tấn.
Năm thứ 18, tháng 2, Văn Công chết. Văn Công có hai bà phi: lớn là Ai Khương người Tề, sinh con trai là Ác và Thị; thứ là Kính Doanh, được sủng ái, sinh con trai là Uy. Uy thờ Tương Trọng[38] làm thầy.  Tương Trọng muốn đưa Uy lên ngôi, Thúc trọng[39] không cho. Tương Trọng bèn xin với Tề Huệ Công, Huệ Công mới lên ngôi, muốn giữ Lỗ thân với mình, nên hứa giúp. Mùa đông tháng 10, Tương Trọng giết Ác cùng Thị và tôn Uy lên ngôi, tức Tuyên Công. Bà Ai Khương quay về Tề, khi đi ngang chợ, khóc nói: “Trời ôi! Tương Trọng làm điều bất đạo, giết đích lập thứ! Người ở chợ ai cũng rơi nước mắt, người Lỗ vì thế gọi bà là ‘Ai Khương[40]’. Công thất nước Lỗ từ đó trở nên hèn yếu, còn Tam Hoàn[41] cường thịnh.
Tuyên Công Uy năm thứ 12, Sở Trang Vương hùng mạnh nhất chư hầu, đánh Trịnh. Trịnh đầu hàng, rồi được trả lại nước.
Năm thứ 18, Tuyên Công chết, con là Hắc Quăng lên ngôi, tức Thành Công. Quý Văn Tử nói: “Người khiến nước ta giết đích lập thứ, làm mất lòng nước lớn chẳng ai còn trợ giúp, là Tương Trọng. Khi Tương Trọng lập Tuyên Công, Công tôn Quy Phụ được thân sủng. Tuyên Công muốn đuổi Tam Hoàn, nên Quy Phụ âm mưu với Tấn đánh Tam Hoàn. Đến khi Tuyên Công chết, Quy Phụ bị Quý Văn Tử oán, bèn trốn sang Tề[42].
Thành Công năm thứ 2 mùa xuân, Tề đánh Lỗ chiếm ấp Long. Mùa hạ, Thành Công cùng Khích Khắc nước Tấn đánh bại Tề Khoảnh Công ở đất An, Tề phải trả Lỗ những đất đai đã chiếm[43]. Năm thứ 4, Thành Công đến Tấn, Tấn Cảnh Công bất kính với Lỗ. Lỗ muốn phản Tấn theo Sở, có người can gián, bèn không làm[44]. Năm thứ 10, Thành Công đến Tấn. Tấn Cảnh Công vừa chết, Tấn bèn giữ Lỗ Thành Công ở lại đưa đám, Lỗ kỵ việc này, không chép lại. Năm thứ 15, Lỗ lần đầu tiên họp với Ngô Vương Thọ Mộng ở Chung ly.
Năm thứ 16, Tuyên  báo với Tấn muốn diệt Quý Văn Tử. Văn Tử là người có nghĩa, nên Tấn không chấp thuận.
Năm thứ 18, Thành Công chết, con là Ngọ lên ngôi, tức Tương Công. Lúc ấy Tương Công mới 3 tuổi.
Tương Công nguyên niên, Tấn lập Điệu Công lên ngôi. Mùa đông năm trước đó, Loan Thư nước Tấn giết vua là Lệ Công. Năm thứ 4, Tương Công đến Tấn triều kiến.
Năm thứ 5, Quý Văn Tử chết. Trong nhà thê thiếp không ăn mặc lụa là, ngoài tàu ngựa không nuôi bằng thóc lúa, trong nhà không vàng ngọc, với sự trong sạch ấy ông làm Tướng quốc trải ba đời vua. Người quân tử nói: “Quý Văn Tử liêm khiết, trung thành.
Năm thứ 9, Lỗ cùng Tấn đánh Trịnh. Tấn Điệu Công làm lễ đội mão cho Tương Công ở Vệ, có Quý Võ Tử đi theo, giúp hoàn thành nghi lễ.
Năm thứ 11, Tam Hoàn chia binh đội nước Lỗ làm 3 quân.
Năm thứ 12, Tương Công đến chầu vua Tấn. Năm thứ 16, Tấn Bình Công lên ngôi. Năm thứ 21, Tương Công đến Tấn triều kiến Bình Công.
Năm thứ 22, Khổng Khâu ra đời.
Năm thứ 25, Thôi Trữ nước Tề giết vua là Trang Công, lập em là Cảnh Công.
Năm thứ 29, Diên lăng Quý Tử[45] nước Ngô đi sứ đến Lỗ, xem lễ nhạc nhà Châu và thấu tỏ ý nghĩa, được người Lỗ kính trọng.
Năm thứ 31, tháng 6, Tương Công chết. Tháng 9 năm ấy, Thái tử chết. Lỗ lập con trai bà Tề Quy là Chù làm vua, tức Chiêu Công.
Chiêu Công năm 19 tuổi tính tình vẫn trẻ con, Mục Thúc[46] không muốn tôn lên ngôi, nói: “Thái tử đã mất, nếu có em trai cùng mẹ thì đáng lập, không mới lập người nào lớn tuổi nhất. Nếu nhiều người cùng tuổi thì chọn ai hiền năng. Nếu ai cũng đáng lên ngôi thì bói rùa xin chỉ thị. Nay Chù vốn đã chẳng con đích, đang lúc cư tang tâm trí không âu sầu còn mang dáng vẻ vui mừng. Nếu quả sẽ lên ngôn, hẳn sẽ gây mối lo cho họ Quý. Quý Võ Tử không nghe, cuối cùng đưa Chù lên ngôi. Đến khi chôn cất Tương Công, Chiêu Công thay sô phụcđến 3 lần. Người quân tử nói: Người này hẳn sẽ không sống được trọn đời.
Chiêu Công năm thứ 3, vua Lỗ đến Tấn triều kiến; mới đến sông Hà, Tấn Bình Công từ chối và cho đưa vua Lỗ về nước; Lỗ cho là bị sỉ nhục[47]. Năm thứ 4, Sở Linh Vương họp chư hầu ở Thân, Chiêu Công xưng bệnh không đến. Năm thứ 7, Quý Võ Tử chết. Năm thứ 8, Sở Linh Vương hoàn tất đài Chương hoa, cho triệu mời Chiêu Công[48]. Chiêu Công đến chúc mừng, Sở tặng Chiêu Công bảo khí; nhưng ngay sau đó tiếc, dùng kế lừa lấy lại[49]. Năm thứ 12, vua Lỗ sang Tấn chầu vua Tấn; đến sông Hà, Tấn Bình Công từ tạ và cho đưa về[50]. Năm thứ 13, Công tử Khí Tật nước Sở giết Linh Vương, thay làm vua. Năm thứ 15, Lỗ đến triều kiến Tấn, Tấn giữ vua Lỗ tham dự chôn cất Tấn Chiêu Công, Lỗ cho là bị sỉ nhục. Năm thứ 20, Tề Cảnh Công cùng Yến Tử đi săn ở biên cảnh, nhân dịp ghé đô ấp Lỗ tham khảo về lễ. Năm thứ 21, Lỗ sang chầu Tấn; đến sông Hà, Tấn từ tạ và cho đưa về.
Năm thứ 25 mùa xuân, có loài chim yểng đến Lỗ làm tổ[51] Kỷ nói: “Có được nghe lời đồng dao thời Văn Công, Thành Công rằng: ‘Yểng đến làm tổ, vua ra Càn hầu; yểng vào phòng trong, vua ra ngoài đồng.’”
Họ Quý chọi gà với họ Hậu, họ Quý bôi giới tử[52] lên lông gà, còn họ Hậu gắn mũi đồng lên cựa. Quý Bình Tử[53] nổi giận xâm đoạt nhà họ Hậu, nên Hậu Chiêu  cũng hận Bình Tử. Em họ Tang Chiêu   là Hội[54] đặt điều sàm báng họ Tang, náu ở nhà họ Quý, Tang Chiêu  bắt nhốt người nhà họ Quý. Quý Bình Tử nổi giận, nhốt giữ lão thần nhà họ Tang. Họ Tang và họ Hậu bèn đem thưa với Chiêu Công. Tháng 9 ngày mậu tuất, Chiêu Công đánh họ Quý, tiến đến đô ấp họ Quý. Bình Tử leo lên đài xin: “Nhà vua tin lời gièm đòi giết thần mà không xét tội trạng cho thông, xin được đày đến bên sông Nghi.” Chiêu Công không thuận. Bình Tửxin chịu giam ở ấp Phí, cũng không thuận. Bình Tử lại xin đem 5 cỗ xe đi khỏi nước Lỗ, cũng không thuận. Tử gia Câu nói: “Nhà vua hãy nhận lời đi. Chính sự do họ Quý nắm đã lâu, bè đảng họ nhiều, hẳn sẽ hợp mưu với nhau.” Chiêu Công không nghe. Họ Hậu còn nói: “Nhất định phải giết.” Tôi thần nhà họ Thúc tôn là Lệ hỏi tôi đảng nhà mình rằng: “Còn họ Quý với mất họ Quý, bên nào ích lợi hơn?” Mọi người đáp: “Họ Quý mà mất, họ Thúc tôn cũng chẳng còn.” Lệ nói: “Đúng! Phải cứu họ Quý!” Thế rồi đánh bại quân của Chiêu Công. Mạnh Ý Tửđược tin họ Thúc tôn chiến thắng, cũng giết Hậu Chiêu . Hậu Chiêu  làm sứ giả cho Chiêu Công đến nhà họ Mạnh, nên bị họ bắt được. Ba nhà hợp nhau đánh Chiêu Công, Chiêu Công bèn chạy trốn. Ngày kỷ hợi, Chiêu Công đến Tề; Tề Cảnh Công nói: “Xin dành riêng một ngàn  chiêu đãi nhà vua.” Tử gia nói: “Vứt bỏ cơ nghiệp Châu Công làm tôi nước Tề, sao được?” Chiêu Công mới thôi. Tử gia nói: “Tề Cảnh Công không đánh tin, không bằng đến Tấn càng sớm càng hay.” Chiêu Công không nghe. Thúc tôn Tử đến gặp Chiêu Công, rồi về gặp Quý Bình Tử, Bình Tử khấu đầu tạ lỗi[55]. Ban đầu họ muốn rước Chiêu Công về nước, nhưng nhà họ Mạnh tôn và Quý sau đó lại hối, nên thôi.
Năm thứ 26, mùa xuân, Tề đánh Lỗ, chiếm đất Vận và bố trí Chiêu Công ở đấy. Mùa hạ, Tề Cảnh Công muốn đưa Chiêu Công về nước, truyền lệnh cấm nhận quà biếu từ Lỗ. Thân Phong và Nhữ Giả hứa biếu tôi thần nước Tề là Cao Hột và Tử Tướng 5.000 dữu[56] thóc. Tử Tướng bèn nói với Tề Hầu rằng: “Quần thần không còn thờ được vua Lỗ, nên mới sinh việc quái lạ thế này: Tống Nguyên Công giúp Lỗ đến Tấn xin đưa vua Lỗ về nước, dọc đường đã chết. Thúc tôn Chiêu Tử[57] xin đưa vua về nước, chẳng bệnh tật gì cũng chết. Theo đó mà xét há chẳng biết trời đã bỏ Lỗ rồi ư? Ép Lỗ phải nhận vua là có tội với quỷ thần vậy. Nguyện nhà vua hãy chờ đấy. Tề Cảnh Công nghe lời.
Năm thứ 28, Chiêu Công đến Tấn, xin được đưa về nước. Quý Bình Tử vốn đã lập quan hệ riêng với Lục khanh nước Tấn, Lục khanh nhận quà cáp từ họ Quý, ngăn cản vua Tấn, vua Tấn bèn thôi, an bài Chiêu Công ở Càn hầu. Năm thứ 29, Chiêu Công về Vận. Tề Cảnh Công sai người đưa thư cho Chiêu Công, tự xưng là “Chủ quân[58]. Chiêu Công cảm thấy bị sỉ nhục, nổi giận rời Vận đến Càn hầu. Năm thứ 31, Tấn muốn đưa Chiêu Công về nước, bèn cho đòi Quý Bình Tử. Bình Tử mặc áo vải, đi chân không nhờ Lục khanh tạ tội. Lục khanh xin giúp Bình Tử rằng: “Tấn dù muốn đưa Chiêu Công về nước, lòng người cũng không thuận.” Tấn bèn thôi. Năm thứ 32, Chiêu Công chết ở Càn hầu. Người Lỗ cùng nhau lập em Chiêu Công là Tống lên ngôi, tức Định Công.
Định Công lên ngôi, Triệu Giản Tử hỏi Sử Mặc rằng: “Họ Quý sắp mất chăng?”[59] Sử Mặc đáp: “Không mất. Quý Hữu có công lớn với Lỗ, được cắt phong ấp Phí làm Thượng khanh, đến đời Văn Tử, Võ Tử, cơ nghiệp lại càng ton hơn. Khi Lỗ Văn Công chết, Đông môn Toại giết đích lập thứ, vua Lỗ từ đó đã mất quyền nước. Chính sự nằm nơi họ Quý đến nay đã bốn đời vua. Vua không được dân biết đến, thì còn làm sao đoạt lại nước? Chính vì thế làm vua phải thận trọng với biểu khí và danh hiệu, chẳng thể giao phó cho người.”
Định Công năm thứ 5, Quý Bình Tử chết. Dương Hổ[60] vì oán riêng, bắt giam Quý Hoàn Tử[61], bắt phải ăn thề với mình rồi mới thả[62]. Năm thứ 7, Tề đánh Lỗ chiếm Vận, cấp Dương Hổ làm phong ấp để nắm quyền chính nước Lỗ[63]. Năm thứ 8, Dương Hổ muốn giết hết gia trưởng ba nhà Tam Hoàn và lập những người thân thiện với mình lên thay; Dương Hổ đưa Quý Hoàn Tử lên xe toan giết, Hoàn Tử phải lừa người đánh xe mới thoát thân[64]. Tam Hoàn cùng đánh Dương Hổ, Dương Hổ đến đóng ở Dương quan. Năm thứ 9, Lỗ đánh Dương Hổ, Dương Hổ trốn sang Tề, rồi chạy đến với họ Triệu nước Tấn.
Năm thứ 10, Định Công cùng Tề Cảnh Công họp ở Giáp cốc, Khổng Tử theo giúp về nghi thức[65]. Tề vốn muốn làm vua Lỗ bất ngờ, Khổng Tử leo lên thềm lấy lễ bắt bẻ, sai chém các nhạc công man di của Tề, Tề Hầu sợ, trả lại những đất đai đã chiếm của Tề tạ lỗi. Năm thứ 12, vua Lỗ sai Trọng Do phá hủy thành ốc ba nhà Tam Hoàn, thu đoạt giáp binh của họ. Nhưng họ Mạnh chẳng chịu phá thành, Lỗ đến đánh lại không hạ được, nên đành thôi. Quý Hoàn Tửnhận của biết từ Tề là ban nữ nhạc, Khổng Tử bỏ Lỗ mà đi[66].
Năm thứ 15, Định Công chết, con là Tướng lên ngôi, tức Ai Công.
Ai Công năm thứ 5, Tề Cảnh Công chết. Năm thứ 6, Điền Khất nước Tề giết vua là Nhụ Tử.
Năm thứ 7, Ngô Vương Phù Sai cường thịnh, đánh Tề, đến đất Tăng, đòi Lỗ cấp trăm đầu gia súc chuyên dùng cúng tế. Quý Khang Tử sai Tử Cống thuyết phục Ngô Vương và Thái tể Dĩ, dùng lễ khuất phục họ. Ngô Vương nói: “Thân thể ta xăm trổ đầy mực, chẳng đáng lấy lễ mà trách.” Bèn thôi.
Năm thứ 8, Ngô đánh Lỗ giúp Trâu, tiến quân đến dưới chân đô thành, ăn thề rồi rút đi. Tề đánh Lỗ, chiếm 3 ấp. Năm thứ 10, Lỗ đánh biên giới phía nam nước Tề. Năm thứ 11, Tề đánh Lỗ. Họ Quý dùng Nhiễm Hữu lập nên công trạng, tưởng nhớ đến Khổng Tử, Khổng Tử từ Vệ quay về Lỗ.
Năm thứ 14, Điền Thường nước Tề giết vua là Giản Công ở Từ châu. Khổng Tử xin đánh Điền Thường, Ai Công không nghe. Năm thứ 15, Lỗ sai Tử phục Cảnh , với Tử Cống làm phó,  đi sứ sang Tề, Tề trả lại cho Lỗ đất đai đã chiếm. Đấy là nhờ Điền Thường khi mới làm Tướng quốc, muốn kết tình thân hảo với chư hầu.
Năm thứ 16, Khổng Tử chết.
Năm thứ 22, Việt Vương Câu Tiễn diệt Ngô Vương Phù Sai.
Năm thứ 27 mùa xuân, Quý Khang Tử chết. Mùa hạ, Ai Công sợ Tam Hoàn, muốn nhờ chư hầu uy hiếp họ, Tam Hoàn cũng sợ Ai Công gây họa, nên giữa vua tôi có nhiều hiềm khích. Ai Công đến chơi Lăng phản, trên đường gặp Mạnh Võ , mới hỏi: “Xin hỏi ta đã sắp gặp cái chết chưa?” Đáp: “Không biết.” Ai Công vì thế muốn nhờ Việt đánh Tam Hoàn. Tháng 8, Ai Công đến nhà họ Hình, Tam Hoàn đánh Ai Công, Ai Công chạy sang rồi, rồi rời Vệ đến Trâu, rồi rời Trâu đến Việt. Quốc nhân nước Lỗ đón Ai Công về nước, cuối cùng chết ở nhà Hữu sơn. Con là Ninh lên ngôi, tức Điệu Công.
Vào đời Điệu Công, Tam Hoàn càng thêm hưng thịnh, Lỗ chỉ còn như nước nhỏ, hèn kém với ba nhà Tam Hoàn.
Năm thứ 13, Tam Tấn diệt Trí Bá, chia nhau chiếm hữu đất đai của họ Trí.
Năm thứ 37, Điệu Công chết, con là Gia lên ngôi, tức Nguyên Công. Nguyên Công ở ngôi 21 năm thì chết, con là Hiển lên thay, tức Mục Công. Mục Công ở ngôi 33 năm thì chết, con là Phấn lên thay, tức Cung Công. Cung Công ở ngôi 22 năm thì chết, con là Truân lên thay, tức Khang Công. Khanh Công ở ngôi 9 năm thì chết, con là Yển lên thay, tức Cảnh Công. Cảnh Công ở ngôi 29 năm thì chết, con là Thúc lên thay, tức Bình Công. Lúc bấy giờ, sáu nước đều xưng vương.
Bình Công năm thứ 12, Tần Huệ Vương chết. Năm thứ 22, Bình Công chết, con là Giả lên thay, tức Văn Công. Văn Công năm thứ 7, Sở Hoài Vương chết ở Tần. Năm thứ 23, Văn Công chết, con là Thù lên thay, tức Khoảnh Công.
Khoảnh Công năm thứ 2, Tần đánh hạ Dĩnh đô của Sở, Sở Khoảnh Vương dời đô về đông đến Trần. Năm thứ 19, Sở đánh Lỗ, chiếm Từ châu. Năm thứ 24, Sở Khảo Liệt Vương đánh diệt nước Lỗ. Khoảnh Công bỏ trốn, dời đến ở một ấp nhỏ nơi nước khác, trở thành dân thường, Lỗ thế là tuyệt tự. Khoảnh Công chết ở đất Kha.
Lỗ bắt đầu từ Châu Công truyền đến Khoảnh Công, gồm 34 đời.
Thái sử công nói: Ta nghe Khổng Tử thán: ‘Tột cùng thay, đạo nước Lỗ sa đà! Người miền giữa Thù, Tứ cứ phải miệng lưỡi thiệt hơn!’ Nhìn đến rắc rối thời Khánh Phụ, Thúc Nha, Mẫn Công, sao mà loạn thế? Rồi rắc rối Ẩn với Hoàn; Tương Trọng giết đích lập thứ; ba nhà hướng mặt phía bắc làm tôi nhưng tự thân đánh Chiêu Công, khiến Chiêu Công phải trốn. Đi đến đất ấy, ai cũng thủ lễ vái chào, nhưng hành động sao lại quá bạo tàn?
[1] Gọi là Châu Công vì bản thân ông được phong ở Châu, là nơi Châu Thái Vương lập nghiệp. Con cái Châu Công đến 8 người được phong làm chư hầu, quan trọng nhất trong đó có Lỗ, Châu, Hình. Thiên thế gia này chỉ theo dòng con trưởng của Châu Công.
[2] Theo Tiêu Châu, vì thái ấp của Châu Công Đán là Châu nguyên, nơi ông cố của ông là Châu Thái Công đóng đô (và cũng là nguồn gốc tên nhà Châu), nên được gọi là Châu Công. Theo Quốc ngữ, tước và thụy của ông là Châu Văn Công. Theo Sử ký 35, Châu Công là con thứ 4 của Văn Vương, sinh sau Quản Thúc.
[3] Đây là lễ tế, tế sinh (thường là trâu bò) bị giết tại nơi, máu được dùng thoa lên thần Xã (Xã thần).
[4] Võ Canh là thụy, Lộc Phụ là tên.
[5] Theo Kinh Thi và Tả truyện, Bá Cầm là vua đầu tiên của Lỗ, Takigawa cho rằng người trở thành Lỗ Công là Bá Cầm. Theo Quách Khắc Dục (郭克煜), truyền thuyết Châu Công được phong ở Lỗ lan truyền vào thời Chiến quốc. Tư mã Thiên có lẽ đã dựa trên các nguồn này.
[6] Nguyên văn “Vị khả dĩ thích ngã tiên vương”. Khổng An Quốc cho thích (戚) có nghĩa là “đến gần. Tức chưa thể dùng cái chết để về gần tiên vương.” Còn Trịnh Huyền giải thích rằng: “Hai ông muốn đến miếu Văn Vương chiêm bốc. Nên thích có nghĩa là lo lắng. Chưa thể làm tiên vương nhà ta lo lắng.”
[7] Một đàn cho Thái Vương, một đàn cho Vương Quý, và một đàn cho Văn Vương.
[8] Ngọc bích dẹt, hình tròn, có lỗ ở giữ, ngọc khuê, dạng như cái thẻ, trên nhọn dưới vuông. Theo Khổng An Quốc, “bích để lễ thần, khuê để lễ bề trên.”
[9] Ám chỉ nhà Tông miếu, nơi thờ cúng từ Châu Thái Vương trở xuống.
[10] Qua quẻ bói.
[11] Đoạn này luộm thuộm. Nguyên văn: “Bặc nhơn giai viết cát, phát thư thị chi, tín cát. Châu công hỉ, khai dược, nãi kiến thư ngộ cát.” Nếu ngắt câu như thông thường, thì sau khi bói, Châu Công mở sách đến hai lần. Hậu nhân giải thích có người cho rằng câu cuối vốn là chú thích. Ở đây xin dịch theo cách ngắt câu của Chavanne, vì như thế có lẽ hợp lý nhất.
[12] Câu chuyện này, nguồn của Tư mã Thiên có lẽ là Thượng thư, thiên Kim đằng, và ông thêm bớt một tí.
[13] Theo Lương Ngọc Thằng, Từ Phục Quan và Khuất Vạn Lý, Thành Vương chỉ còn trẻ, không thể bé đến “còn trong yếm tã”. Và nghi rằng câu ấy được người ta viết thêm vào đời Tây Hán.
[14] Vấn đề Châu Công có thực sự “lên ngôi” hay không vẫn còn được tranh cãi. Lương Ngọc Thằng (梁玉繩) trong Sử ký chí nghi (史記志疑) cho rằng Châu Công chưa bao giờ lên ngôi vua trong khi một số khác như Từ Phục Quan, Cố Hiệt Cương cho rằng ông đã lên ngôi. Gần đây, Edward Shaghnessy cho rằng Châu Công chưa bao giờ được thừa nhận là vương khi ông còn sống. (“The Duke of Zhou’s Retirement in the East and the
Beginnings of the Minister-Monarch Debate in Chinese Political Philosophy,” Early China 18 (1993): 41-72)
[15] Có chép lại trong thiên Đại cáo, phần Châu thư, sách Thượng thư.
[16] Quỹ hòa (Tặng lúa), một thiên của Thượng thư nhưng đã thất lạc.
[17] Gia hòa (lúa tốt), cũng không còn tồn tại.
[18] Si hào (鴟鴞 – Cú vọ), còn được chép lại trong Thi kinh – Quốc phong – Bân phong. Bài thơ mô tả tâm sự của một con chim trút hết sức lực ra xây cho xong tổ trước khi mưa gió đến.
[19] Tức từ Hạo đi đến Phong. Văn Vương dựng đô ở Phong, Võ Vương dựng đô ở Hạo, cách nhau chỉ con sông nhỏ, nên có khi còn được gọi chung là Phong hạo. Phong là nơi có miếu đền Văn Vương . Hạo cách Phong chỉ có con sông, nên cả hai nơi được gọi chung là Phong hạo. Phong là ấp do Văn Vương dựng lên, sau này Võ Vương dời đi xây kinh đô mới ở Hạo, bèn dựng miếu Văn Vương ở Phong. Nếu phải đi  bộ tức làm nghi thức lễ tế gì đó, theo Mã Dung, Thành Vương đến miếu Văn Vương trình báo việc dựng kinh đô mới ở Lạc dương.
[20] Phủ y: cái trướng (màn) thêu hình cặp búa biểu thị uy quyền.
[21] Theo Lễ ký, Châu Công thiết triều, ngồi ở nhà Minh đường. Lưng tựa trướng phủ y, đứng hướng mặt phía nam. Trịnh Huyền giải thích: Châu Công thay vương ngồi trên ngai, dùng lễ nghi nhà Minh đường để xem chầu chư hầu. Không thiết triều ở Tông miếu để tránh phạm quyền vua.
[22] Sự kiện Châu Công trốn đến Sở không có trong kinh điển. Theo Tiêu Châu, vì vào đời Tần sách vỡ bị đốt, đến đời Hán người ta tạo dựng lại thời kỳ này nhưng không có bản gốc. dẫn đến nhiều lầm lẫn.
[23] Theo Tác ẩn, con trưởng của Châu Công đi cai trị phong quốc của ông là Lỗ, con thứ ở lại kinh đô phù tá vương thất, thay làm Châu Công, ngoài ra, 6 người được phong ở nước nhỏ, gồm Phàm, Tương, Hình, Mao, Tạc, và Tế.
[24] Theo Vương Túc, sát ngoài thành là giao, sát ngoài giao là toại.
[25] Luật lập con trưởng.
[26] Theo tuổi là con trưởng, nhưng là con vợ bé, nên không phải con đích.
[27] Theo Xuân thu, Ẩn Công đến Đường ‘bắn cá’.
[28] Ngự nhân: người đánh xe.
[29] Khánh Phụ trong nhà vai thứ 2, hàng chữ trọng, nên còn có thụy là Cung Trọng. Thúc Nha tên chỉ là Nha, Thúc là vai thứ 3, còn có thụy là Hi Thúc. Quý Hữu vai út, tên chỉ là Hữu, thụy là Thành Quý.
[30] Truy lại phả hệ nước Lỗ, điều này có vẻ đúng. Dùng (-) là quan hệ cha con, (=) là quan hệ anh em, Lỗ Công Bá Cầm – Khảo Công = Dương Công – U Công = Ngụy Công – Lệ Công = Hiến Công – Thận Công = Võ Công – Ý Công = Hiếu Công – Huệ Công – Ẩn Công = Hoàn Công – Trang Công. Chỉ một lần duy nhất lệ này bị dứt đoạn là từ Huệ Công đến Ẩn Công. Có thể Huệ Công không có em trai, nên truyền ngôi cho con. Từ Trang Công trở đi, lệ này mới dứt.
[31] Đoạn này cha con Tư mã Thiên theo Xuân thu Cốc Dương truyện. Theo Tả truyện, Thúc Nha chỉ trả lời Trang Công: “Khánh Phụ tài năng.”
[32] Tức nhà bên mẹ,
[33] Đúng ta là thụy.
[34] Cũng là họ Trọng tôn.
[35] Nguyên văn: “dĩ Vấn dương Phí phong Quý Hữu”. Giả Quỳ cho rằng Vấn dương và Phí là hai ấp. Tuy nhiên sử sách khi nhắc đến họ Quý chỉ nhắc Phí, không nói đến Vấn dương, Vấn dương còn có nghĩa phía bắc sông Vấn. Phí trong lịch sử nằm ở phía bắc sông Vấn, nên dịch theo ý ấy.
[36] Thúc tôn Đắc Thần (Trang Thúc) là người chỉ huy quân Lỗ, đặt tên cho con là Thúc tôn Kiều Như (Tuyên ).
[37] Quý tôn Hành Phụ, cháu nội Quý Hữu.
[38] Vốn là Công tử Toại, em Hi Công, con Trang Công, được phong ở Đông môn, và làm Chính khanh nước Lỗ nên còn gọi là Đông môn Tương Trọng.
[39] Thúc trọng Huệ Bá Bành Sinh, con Võ Trọng Hưu. Hi Thúc Nha chết, người con trưởng là Tư lập ra họ Thúc tôn, người con thứ là Hưu lập ra họ Thúc trọng. Thúc trọng Bành Sinh là sư phó của Công tử Ác, đối lập Đông môn Tương Trọng và Công tử Uy. Vì thế
[40] Ai nghĩa là bi ai.
[41] Ba nhà Đại phu con cháu Lỗ Hoàn Công: Mạnh thị hoặc Mạnh tôn thị (con cháu Khánh Phụ), Thúc thị hoặc Thúc tôn thị (con cháu Thúc Nha), và Quý thị hoặc Quý tôn thị (con cháu Quý Hữu).
[42] Xuân thu diễn tả phần này rõ ràng hơn. Công tôn Quy Phụ là con trai của Tương Trọng, nên sau khi Tương Trọng đưa Tuyên Công lên ngôi, Quy Phụ nhờ đó được quý sủng. Khi Tuyên Công chết, Quy Phụ đang đi sứ sang Tấn, quay về đến đất Sanh, được tin bèn trốn sang Tề. Người em là Anh Tề nối tự Tương Trọng, lập nên họ Trọng ở Lỗ. Con trai Quy Phụ sau quay về Lỗ lập thành họ Tử gia (Tử Gia là tự của Quy Phụ), tức Tử gia Văn  Tích.
[43] Tề hiếp Lỗ, Vệ; Lỗ, Vệ thông qua Khích Khắc (Khích Hiến Tử) vốn sẳn hiềm khích với Tề cầu cứu Tấn. Tấn sai Khích Khắc cầm quân, cùng, Lỗ, Vệ đánh Tề. Xuân thu chép: “Thành Công năm thứ 2, tháng 6, ngày quý dậu, Quý tôn Hàng Phủ, Tang tôn Hứa, Thúc tôn Kiều Như, Công tôn Anh Tề dẫn quân hợp với Khích Khắc nước Tấn, Tôn Lương Phu nước Vệ, Công tửThủ nước Tào. Bắt kịp Tề Hầu, giao chiến ở đất An. Quân Tề thua bại.” Không hề nhắc đến Lỗ Thành Công. Qua đó có thể đoán rằng những người này mỗi người chỉ huy cánh quân riêng họp với quân Tấn.
[44] Tả truyện: Thành Công đến chầu Tấn Cảnh Công, Cảnh Công có vẻ bất kính. Khi quay về, Thành Công muốn phản Tấn theo Sở, nhưng Quý Văn Tử can.
[45] Quý Trát.
[46] Thúc tôn Mục Tử Báo, em Thúc tôn Tuyên  Kiều Như.
[47] Theo Tả truyện, sự kiện này xảy ra vào năm Chiêu Công thứ 2.
[48] Theo Tả truyện, sự kiện này xảy ra vào năm Chiêu Công thứ 7.
[49] Tả truyện: Sở tặng vua Lỗ cây cung đại khuất. Tặng xong lại tiếc. Vĩ Khải Cường biết, đến gặp vua Lỗ, chúc mừng nói: ”Cây cung quý ấy, Tề, Tấn, Việt đều muốn mà không được.” Lỗ sợ họa chiến tranh, bèn trả.
[50] Sử ký lầm, lúc này Tấn Bình Công đã chết, vua Tấn là Tấn Chiêu Công đã lên ngôi từ năm trước.
[51] Nguyên văn: Cù dục (鸜鵒—Myna, starling, thuộc họ chim sáo) là loài chim miền nam, hiếm ở miền bắc TQ.
[52] Giới tử (芥子):mustard, mù tạt. Tả truyện dùng chữ giới [介], nhiều người cho rằng đây là một loại “áo giáp” cho gà.
[53] Quý Bình Tử Ý Như, con Quý Điệu Tử Hột, cháu nội Quý Võ Tử Túc.
[54] Tang Chiêu  Tứ và Tang Khoảnh  Hội đều là cháu nội Tang Tuyên Thúc Hứa. Tả truyện: Tang Chiêu  sang Tấn, Tang Hội sang báo về việc nhà, úp mở không nói thẳng, Chiêu  sợ ở nhà có việc, quay về, hỏi ra không có việc gì, nổi giận muốn giết Tang Hội. Hội chạy đến nhà họ Hậu, làm việc cho họ Hậu. Tang Hộ có việc vì họ Hậu đến nhà họ Quý, họ Tang cho người phục kích nơi cổng nhà họ Quý xông ra bắt Tang Hội, Quý Bình Tử nổi giận cho bắt đám ấy, vì thế nên giữa họ Quý và họ Tang sinh chuyện.
[55] Chính trị nước Lỗ rắc rối vì không riêng các gia tộc quyền thế lấn vua, và bề tôi các gia tộc quyền thế có người còn lấn cả chủ. Trong khi Tư mã Lệ nhà Thúc tôn giúp họ Quý đánh bại Lỗ Chiêu Công, bản thân gia trưởng nhà Thúc tôn là Chiêu Tử Xúc lại muốn trợ giúp Chiêu Công. Nên sau khi Chiêu Công bỏ nước chạy, Thúc tôn Xúc làm trung gian giữa Chiêu Công và Quý Bình Tử.
[56] 1 dữu = 16 đấu.
[57] Thúc tôn Chiêu Tử Xúc, con Thúc tôn Mục Tử Báo.
[58] Theo Phục Kiền giải thích, Đại phu xưng là ‘Chủ’. Vì vua Tề đặt Chiêu Công ngang hàng với Đại phu của mình, nên xưng là ‘Chủ quân’.
[59] Vì Lỗ lại có vua, hỏi xem họ Quý có bị trả thù.
[60] Còn có tên Dương Hóa, về huyết tộc là con cháu nhà Mạnh tôn, nhưng coi việc cho nhà họ Quý, qua đó nắm quyền nước Lỗ.
[61] Quý Hoàn Tử Tư, con trai Quý Bình Tử Ý Như.
[62] Tả truyện: Quý Bình Tử chết, Dương Hổ muốn lấy ngọc  liệm theo. Trọng lương Hoài, cũng là gia thần họ Quý, không cho, nói: “Ngọc  chỉ có vua đeo, khi nước không vua Bình Tử mới tạm thay vua đeo, nay nước lại có vua, thì phải thay ngọc khác.” Dương Hổ muốn đuổi Trọng lương Hoài, nói với Công sơn Bất Nữu, Bất Nữu không cho. Sau đó Quý Hoàn Tửđến thăm Đông dã, Trọng lương Hoài có ý bất kính, Công sơn Bất Nữu xui Dương Hổ đuổi đi. Theo đó, oán riêng của Dương Hổ là với Trọng lương Hoài, không phải Quý Hoàn Tử. Như vậy Dương Hổ bắt Quý Hoàn Tử ăn thề chỉ để cam chắc việc đánh đuổi Trọng lương Hoài sẽ không sinh hậu quả tai hại cho chính mình.
[63] Tả truyện: Tề trả Lỗ đất Vận và Dương quan. Dương Hổ tự lấy cai trị.
[64] Tả truyện: Quý Ngụ, Công sừ Cực, Công sơn Bất Nữu bất mãn với Quý Hoàn Tử, Thúc tôn Triếp bất mãn với họ Thúc tôn, Thúc trọng Chí bất mãn với Lỗ đều nương theo Dương Hổ, muốn giết gia trưởng ba nhà Tam Hoàn, để Quý Ngụ thay Hoàn Tử, Triếp nối họ Thúc tôn, Dương Hổ nối họ Mạnh tôn. Tháng 10, ngày nhâm thìn, nhân dịp lễ tế tổ tiên nước Lỗ, Dương Hổ đưa Quý Hoàn Tử lên xe đến Bồ phố cúng tổ tiên họ Quý rồi giết luôn. Trước đấy Dương Hổ cho thông báo có chiến xa ra đường vào ngày quý tị, Thành Tể Công liễm Xử Phụ (gia thần họ Mạnh) hỏi gia trưởng họ Mạnh: “Họ Quý báo trước về chiến xa, vì sao?” Mạnh tôn trả lời không biết. Xử Phụ nói sắp có loạn, phải phòng bị, nên ra hẹn đến ngày nhâm thìn thì chuẩn bị binh đội. Dương Hổ đi trước, Lâm Sở đánh xe cho Hoàn Tử theo sau, đám ngu nhân cầm qua thuẫn đi kèm hai bên, Dương Việt chốt hậu. Sắp đến Bồ phố, Hoàn Tử thúc Lâm Sở phóng xe đến nhà họ Mạnh. Dương Việt bắn theo mà không trúng. Hoàn Tử thoát vào nhà họ Mạnh, từ trong cổng có người bắn ra giết Dương Việt. Dương Hổ ép Lỗ Định Công và Thúc tôn Võ Thúc (tên Châu Cừu) đánh họ Mạnh. Công liễm Xử Phụ dẫn người ấp Thành đến cứu, đánh bại Dương Hổ.
[65] Nguyên văn: “Khổng Tử hành tương sự.” Nhiều người cho câu này có nghĩa: Khổng Tử nắm việc Tướng quốc. Sau khi Dương Hổ chết, Khổng Tử trở thành gia thần họ Quý. Khổng Tửtheo giúp vua Lỗ trong cương vị đó.
[66] Nho gia đời sau đa số tin rằng vì Quý Hoàn Tử mê nữ nhạc, không nghe chính sự, Khổng Tử mới bỏ đi. Sự thực không đơn giản như vậy. Lúc này Khổng Tử là gia thần họ Quý, học trò là Trọng Do cũng là gia thần họ Quý làm đến chức Tể, Khổng Tử đề xướng chính danh, muốn tôn vua Lỗ, truất Tam Hoàn, nên thông qua Trọng Do ra chính sách phá bỏ thành trì căn cứ của họ. Thúc tôn Võ Thúc phá bỏ tường thành ấp Hậu. Họ Quý cũng toan phá bỏ tường thành ấp Phí, nhưng Công sơn Bất Nữu, Thúc tôn Triếp, và Phí Tể dẫn dân Phí đánh đô thành nước Lỗ. Khổng Tử lúc ấy làm Tư khấu sai người đánh bại họ, nên tường thành ấp Phí bị phá dỡ. Công liễm Xử Phụ không chịu phá bỏ tường thành ấp Thành của họ Mạnh, quân Lỗ đến đánh lại không thắng. Gió lại trở chiều, các thế tộc muốn thêm tư quyền, chính sách phá sản, nên Khổng Tử phải rời khỏi Lỗ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét