Trang

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

GIỖ CỤ MẠC ĐĨNH CHI

Năm nào ngày 10/2 âm lịch, cũng về cúng giỗ Cụ. Năm nay ở xa không về được, tưởng nhớ Cụ, xem lại bài viết về CỤ và chia sẽ cùng bà con.

MẠC ĐĨNH CHI (chữ Hán: 莫挺之 ), sinh ngày 06 tháng 7 năm Nhâm Thân, tức năm 1272; cha làm nghề dạy học, gọi là Lũng Động Tiên sinh, mẹ là Trần Thị, ngụ tại hương Lũng Động, huyện Chí Linh, xứ Hải Dương (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) [1].
Cụ Tổ 05 đời của Mạc Đĩnh Chi ở Long Động là Mạc Hiển Tích đã nổi tiếng từ thời vua Lý Nhân Tông, đỗ Đệ nhất Giáp Tiến sĩ khoa Bính Dần (1086), làm quan đến Thượng thư; em Cụ là Mạc Kiến Quan cũng đỗ Tiến sĩ, hai anh em làm quan đồng triều.
Mạc Đĩnh Chi mồ côi cha từ nhỏ, mẹ tần tảo nuôi con trong cảnh nghèo khó. May có các môn sinh của cha giúp đỡ, nên mẹ con no đủ, có điều kiện học hành. Mạc Đĩnh Chi thuở ấu thơ hay đau yếu, người nhỏ bé, còi cọc, nhưng chăm chỉ, thông minh, nổi tiếng cả vùng. Bấy giờ Chiêu Quốc công Hoàng Tử nhà Trần mở trường dạy học ở làng bên, nhận Mạc Đĩnh Chi vào học, nhờ đó Ngài càng có cơ hội phát triển tài năng. Năm Giáp Thìn (1293), Mạc Đĩnh Chi đi thi đậu Hội Nguyên, khi vào Đình đối, vua Trần Anh Tông thấy Mạc Đĩnh Chi nhỏ bé, dị tướng, không muốn cho đỗ Trạng nguyên. Mạc Đĩnh Chi bèn làm bài “Ngọc tỉnh liên phú”, tự ví mình như cây Sen trong Giếng ngọc, dâng lên nhà vua. Vua xem xong, biết đây là người thông minh, bản lĩnh, liền cho đậu Trạng nguyên, ban Cờ, Biển vinh quy bái tổ. Năm ấy Ngài 21 tuổi… Sau lễ bái Tổ, bái môn Mạc Đĩnh Chi được Chiêu Quốc công mở tiệc đón mừng và cho Trạng kết duyên cùng Lý Quận chúa, con gái nuôi của Quốc công…
Hơn một tháng sau, có Thánh chỉ triệu Trạng lai kinh cung chức. Trạng bái từ ông bà Chiêu Quốc công, đưa mẹ và vợ vô Kinh. Vua Anh Tông vời vào bệ kiến, hỏi chuyện trị quốc, an dân, bang giao, Trạng đều luận rõ mọi điều, vua rất hài lòng, bổ dụng vào Viện Hàn Lâm; sau này Ngài được phong chức Hàn lâm Đại học sĩ.
Ngài nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực. Giữa năm vỡ đê, lũ lụt mất mùa, vua định xây am Ngọc Vân, Ngài cương quyết khuyên can không xây Am, mà đem tiền của đắp đê, cứu dân… Vua tức giận liền điều Ngài làm quan trông coi đê điều, đi chống lụt. Ngài không từ nan, đi khắp các địa phương nghiệm trị các quan lơ là việc dân, việc nước, khôi phục đê điều, an dân, khuyến nông… Vua nghĩ lại, càng nể trọng Ngài, vời về kinh thăng chức…
Năm 1314, vua Anh Tông mất, vua Minh Tông lên ngôi. Nghe đồn Mạc Đĩnh Chi nổi tiếng thanh liêm; vua muốn thử xem sao, liền sai quan bí mật bỏ tiền vàng vào nhà Ngài. Hôm sau Mạc Đĩnh Chi đem nguyên số tiền, vàng lạ vào tâu vua và nộp cho ngân khố. Vua càng tin tưởng, thăng Ngài lên chức Nhập nội Hành khiển, sau đó lên chức Đại liêu ban Tả bộc xạ (Tể tướng), đứng đầu triều, cai quản nội trị.
Về ngoại giao, năm 1308 vua Trần Anh Tông cử Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, mừng vua Nguyên Vũ Tông mới lên ngôi. Đó là lúc 30 năm sau cuộc xâm lược lần thứ 3 đại bại của quân Nguyên, “Thiên triều” vẫn chưa nguôi hận. Mạc Đĩnh Chi mới 36 tuổi, đi sứ lúc này phải ứng phó với rất nhiều cạm bẫy gian nguy. Cả chính sử và dã sử đã ghi lại nhiều câu chuyện Mạc Đĩnh Chi xuất sắc vượt qua mọi thử thách, khiến vua quan nhà Nguyên nể phục, phong Ngài là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.
Sứ thần Cao Ly chứng kiến cách ứng xử tài giỏi của Mạc Đĩnh Chi, rất kính phục, quý mến, liền mời Trạng sang thăm quý quốc và gả cháu gái cho Ngài làm thiếp. Ngài ở đó chơi 6 tháng.
Năm 1324 Mạc Đĩnh Chi lại được vua Minh Tông cử đi sứ lần thứ 2 sang Trung quốc. Sau khi hoàn thành sứ mệnh vua giao, Ngài lại qua Cao Ly thăm vợ con. Trong Hợp biên Thế phả họ Mạc cho biết Ngài có 2 người con trai ở Đại Việt và 2 người con trai ở Cao Ly.
Mạc Đĩnh Chi làm quan đầu triều qua 3 đời vua: Trần Anh Tông (1293 – 1314), Trần Minh Tông (1314 – 1329), Trần Hiến Tông (1329 – 1341). Sự nghiệp phò vua, giúp nước, nội trị, ngoại giao, coi sóc đê điều, khuyến học, khuyến nông, phát triển văn hóa, chăm lo an dân suốt 45 năm quả là không nhỏ.
Năm 1339, ở tuổi 67, Ngài dâng sớ xin nghỉ, vua giữ không được, nhưng muốn Ngài về nghỉ, vẫn ở Kinh đô để được gần gũi. Nhưng Ngài một mực về quê Lũng Động, ở nếp nhà tranh cũ, mở trường dạy học, sống thanh đạm, gần gũi với dân làng…Thời kỳ 8 năm ở quê hương, Ngài viết nhiều thơ phú, nhưng rất tiếc không còn lưu lại được bao nhiêu.
Năm 1347, Ngài lâm bệnh, mất tại quê nhà, thọ 75 tuổi. Vua Trần Dụ Tông (1341 – 1369) vô cùng thương tiếc, sai các quan về dự tế, phong Ngài làm Phúc Thần, cấp 500 quan tiền cho dân sở tại dựng đền thờ; từ đó đến nay, dân vẫn gọi là Đền Quan Trạng. Ngài cũng được sắc phong là Thành Hoàng.
Năm 1527, cháu 7 đời của Ngài là Mạc Đăng Dung lên ngôi hoàng đế, truy tôn Thủy tổ Trạng nguyên Mạc Hiển Tích là Hồng Phúc Đại Vương; truy tôn Ngài là Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng đế và xây điện Sùng Đức tại nền nhà cũ của Ngài để thờ Tổ tiên. (Rất tiếc Điện Sùng Đức, Đền và Lăng Cụ cũng như các văn bản giấy hay bia ký của Cụ đã bị nhà Lê- Trịnh đốt, phá hết vào năm 1593. Sau này Nhà nước phục dựng lại Đền và Lăng Cụ).
Ngày nay, khắp cả nước, dường như tỉnh nào cũng có đường phố Mạc Đĩnh Chi, có các trường học mang tên Mạc Đĩnh Chi.

Hàng năm, cứ vào ngày Giỗ Ngài, mồng 10 tháng 2 âm lịch, nhân dân địa phương, con cháu họ Mạc khắp nơi và khách thập phương lại về Long Động dâng hương, tưởng nhớ vị Lưỡng quốc Trạng nguyên tài năng kiệt xuất, đạo đức thanh cao, làm vẻ vang cho quê hương, đất nước.
Ngày 30/11/2016
[1] Nhiều nguồn tài liệu khác nhau, nên lấy theo Hợp biên Thế phả họ Mạc, NXB Dân tộc (2001)
MẠC VĂN TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét