Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

PHÉP THI NGHIÊM MẬT

  Xác nhận rằng phép thi đời xưa nghiêm mật không khỏi khiến cho một số người hoài nghi. Nếu đã " nghiêm " sao lại có những vụ bán văn trong trường thi như kiểu Vân Hạc, Đốc Cung trong Lều Chõng của Ngô Tất Tố ? Quan trường mà nghiêm minh sao còn xẩy ra những vụ án chấn động giới sĩ phu như vụ Lê Quý Kiệt đổi quyển thi với Đinh Thì Trung ?
Sự thật, gian lận thời nào cũng có, song Khoa cử ba năm mới tổ chức một lần, tỉ lệ số người đỗ mỗi khoa lại rất ít, người đỗ danh vọng cao, quyền uy nhiều cho nên người học trò đi thi rất dễ bị cám dỗ, miễn sao chóng được thi đỗ để ra làm quan. Song vì một số người gian lận mà chê Khoa cử tổ chức thiếu nghiêm mật e không đúng. Quả thật cha ông ta đã nghĩ hết cách để phòng ngừa, thiết tưởng đời nay chưa chắc đã bằng : không những Thí sinh bị khám xét, canh phòng cẩn mật, mà cả đến quan trường cũng bị giám thị gắt gao. Luật lệ cũ đã ấn định từng chi tiết một.
 
 
I - Thí sinh và những điều kiện dự thi Hương thời nhà Nguyễn 

a ) Thi Hạch
Không phải người học trò nào cũng có quyền thi Hương. Muốn thi Hương phải qua một kỳ thi Hạch, có đỗ mới được dự thi. Thi Hạch được tổ chức mỗi năm một lần, những người đỗ gọi là Khoá sinh, người đỗ hạng nhất gọi là Đầu xứ.
Ai đã đỗ Tú tài trong một khoa thi Hương trước thì được miễn Hạch.
b ) Nộp quyển
Mấy tháng trước kỳ thi Hương, Thí sinh phải nộp quyển cho quan Đốc học tỉnh nhà, coi như thế là ghi tên đi thi.
Khoa cử thời nhà Nguyễn lúc đầu tổ chức còn lạo thảo. Mãi sau mới có định lệ kể từ khoa 1829 học trò ứng thi phải khai đủ tên họ, lý lịch ông cha ba đời trên mặt quyển. Lời khai phải được lý trưởng chứng nhận. Những người có ông cha ba đời làm nghề xướng ca, hay can án trộm cắp, hoặc làm giặc ( làm quan với nhà Tây Sơn hay cả với nhà Lê cũng bị coi là làm giặc ) đều không được đi thi, cho nên nhiều người muốn đi thi đành phải khai man. Thời nhà Lê có khi lýù trưởng còn phải ra tận trường thi để nhận diện Thí sinh, tránh những vụ nhờ người đi thi hộ. Khoa cuối triều Nguyễn, Thí sinh phải dán ảnh (1).
Khoa 1831, tại trường Thừa Thiên, Lê Đức Quang, Phạm Huy ông cha làm quan nhà Nguyễn mà biên lầm là làm quan với nhà Lê đều bị xoá tên trên bảng Cử nhân(2).
Nhiều người ở xa đến kỳ thi không kịp về nguyên quán để thi cũng phải khai gian nên năm 1832 lại có đạo dụ cấm không được đổi tên họ quê quán để đi thi, kẻ phạm tội dẫu đỗ đến Tiến sĩ cũng bị truất (3).
Năm 1841, trường Gia Định, Phạm Duy Hàn mạo nhận quán ở Bình Thuận, bị xoá tên trong sổ Cử nhân, đuổi về quê quán ở Nam Định, suốt đời không được đi thi nữa (4).
Lệ năm 1831 định rằng quyển thi không được có vết tích (e làm dấu hiệu thông đồng với khảo quan). Họ tên, quê quán phải được duyệt xét cho tường tận, đích xác rồi quan Trấn (Tổng đốc) mới đóng ấn triện vào, sau đó Học quan (Đốc học) mới chuyển quyển thi vào trường. Cả hai quan Trấn và Đốc học cùng ký tên vào bản danh sách những người ứng thi trước khi gửi vào kinh. Triều đình theo đó mà ấn định số khảo quan nhiều hay ít (5).
c ) Ngày thi : khám xét
Từ nửa đêm hôm trước các quan mặc áo đại triều lên ghế tréo trước cổng các vi để chứng kiến lễ điểm danh và coi bọn lính Thể sát khám xét không cho Thí sinh mang sách hoặc bài vở làm sẵn vào trường.
Ngay từ khoa thi Hương đầu tiên của nhà Nguyễn (1807) đã có lêänh cấm Thí sinh không được mang sách vào trường, không được dời khỏi lều khác hỏi chữ. Mược người làm bài, hay tự mình làm bài thay đều bị tội đồ (6).
Trước năm 1826 người đi thi phạm tội này chỉ bị đóng gông, đánh trượng rồi đuổi ra, thi Hội cũng chỉ bị đuổi ra thôi (7). Từ 1831 mới định lệ ai phạm tội bị gông một tháng, mãn hạn đánh 100 trượng rồi tha. Những người đỗ Cử nhân, Tú tài, Giám sinh đều bị xoá tên trong sổ, trở thành bạch đinh, lại vĩnh viễn không được làm ở các nha môn. Nếu chỉ lỡ mang giấy có chữ vào trường, không phải văn bài làm sẵn hay kinh sách thì bị đánh 40 roi rồi cho vào thi (8).
Khoa 1897, Phan Bội Châu cũng bị can án " Hoài hiệp văn tư, chung thân bất đắc ứng thí " (mang giấy có chữ vào trường, suốt đời bị cấm không được đi thi) sau phải vào Huế xin phá án nên năm 1900 cụ Phan mới đỗ Thủ khoa trường Nghệ. Lý do vụ này khôâng được rõ rệt vì mỗi người nói một cách (9) còn chính cụ Phan chỉ nhìn nhận có bị can án nhưng không cho biết vì sao.
d ) Trường quy
 
Lễ Xướng-danh khoa Đinh-Dậu (1897) trường Hà-Nam
Biển "Phụng chỉ" ở bên trái, chữ "phụng" trỏ vào ông Phó Chủ-khảo nên được viết nhỏ đi một nửa và lệch về phía hữu, chữ "chỉ" trỏ vào sắc lệnh của vua, được đài lên cao một hàng, viết to và ngay-ngắn chính giữa.
Trường quy được đặt ra với hai mục đích :

- tránh gian lận
- tỏ lòng tôn kính đối với vua và quan trường
Phạm tội nhẹ thì chỉ bị đánh hỏng, tội nặng tên phải nêu ra bảng con, tức là một cái bảng xấu xí bằng phên tre, trét vôi trắng, dài độ 3 thước, ngang độ ba gang, trên ghi tên những người can tội nặng như phạm huý, bất túc v.v...(10).
Nhiều người có tài chỉ vì phạm trường quy không bao giờ đem được tài ra ứng dụng với đời thật là đáng tiếc. Vậy trường quy đích thực là những luật lệ gì ? Xin chỉ nêu ra đây những luật lệ thường được nhắc tới :
& Phạm huý. Trước ngày thi có bảng yết ở cửa các vi những chữ huý mà ai cũng phải tránh, kể cả khảo quan. " Tuyệt bút " là cấm ngặt không được dùng, lúc đọc phải tránh âm, lúc viết phải sửa đổi hay dùng những chữ cận âm, cận nghĩa thay thế. Những chữ huý lại chia làm hai loại : trọng và khinh.
* Trọng huý là tên các vua nhà Nguyễn như :
Miên, Hồng, Đởm, Thì, Ưng v.v...
Nếu :
- gặp chữ " Nhậm " thay bằng chữ " Dụng " (cận nghĩa)
- gặp chữ " Thì " thay bằng chữ " Thìn " (cận âm).
Ngô Thì Nhậm có thể biến thành Ngô Thìn Dụng (11) v.v...
* Khinh huý là khi viết bài gặp tên mẹ, tên bà của vua thì phải bớt đi một nét (tĩnh hoạch) hoặc thêm một nét, hoặc bỏ trống một bên. Nếu phạm tội thi Hương bị đánh 80 trượng, thi Hội bị đánh 90 trượng, thi Đình bị đánh 100 trượng. Người nào không có phẩm trật chỉ bị hỏng tuột, người đã làm quan bị giáng bốn cấp, đổi đi nơi khác(12).
Khoa 1847, Đặng Huy Trước đỗ trúng cách, chỉ vì bài văn sách có câu " gia miêu chi hại " (làm hại luá tốt) mà bị hỏng tuột Cử nhân. Nguyên do " Gia Miêu " là tên làng, quê của vua nhà Nguyễn (huyện Tống Sơn, Thanh Hoá), họ Đặng phạm tội thiếu kính cẩn (13).
Vì phạm huý làm hỏng oan nhiều người nên ngay từ thời Hậu Lê, Lê Quý Đôn đã chủ trương bỏ lệ này và được chúa Trịnh ưng chuẩn. Khoa thi Hội 1772, Lê Quý Đôn làm khảo sát đã chọn đầu bài thi mà không kiêng tên vua Lê, chúa Trịnh :
Kỳ 3 : Dĩ quân đức nhật tân (lấy đức vua ngày một mới).
Kỳ 4 : Đồ giang dư lương (cầu nhỏ cho người đi bộ, cầu to cho xe đi) (14).
Tiếc rằng chủ trương cải cách của Lê Quý Đôn không được nhà Nguyễn noi theo.
& Khiếm trang là bên chữ " vua " không được viết thêm những chữ " hôn ", " sát ", " hung " để có thể hiểu lầm vua u mê, hung dữ, hay bị giết v.v...(15).
& Khiếm tỵ là không được viết tên các cung vua, cung hoàng hậu v.v... Trong Lều Chõng, Đốc Cung bị nêu tên lên bảng con vì đã viết " tam bách niên xã tắc chi trường, ninh phi lại ư thử tai " (xã tắc nhà Đường lâu dài đến 300 năm há chẳng nhờ điều đó hay sao ?). Tuy chữ " trường " ở cuối câu đầu, " ninh " ở đầu câu sau những vẫn bị coi là phạm tội vì đứng sát cạnh nhau và " Truờng Ninh " là tên một cung trong nội.
& Khiếm đài. Để tỏ lòng cung kính, viết bài gặp chữ " Trời " phải đài lên cao ba tầng, tức là trên hàng viết ba chữ, đó là đài lên cao tột bậc. Gặp chữ trỏ vào bản thân vua phải đài lên cao hai tầng, gặp chữ trỏ vào đức tính hay công việc của vua phải đài lên cao một hàng(17). Thí dụ :
" Thiên địa giao miêu ", chữ " Thiên " phải đài lên tột bậc (hàng du cách).
" Hoàng thân ", " long nhan ", phải đài lên cao trên hàng viết hai chữ (đệ nhị cách).
& Khiếm cung. Trongbài làm, khi xưng với vua hay quan phải viết nhỏ lại và lệch sang một bên. Ví dụ :
" Đối thần văn ", xưng với vua, chữ " thần " phải viết nhỏ đi một nửa và lệch sang bên hữu.
" Đối sĩ văn ", xưng với quan trường, cũng viết chữ " sĩ " nhỏ và lệch đi.
Trong chiếc ảnh của Salles chụp cảnh lễ xướng danh khoa Đinh Dậu (1897) ta thấy phía trái, ông Phó Chủ Khảo ngồi bên cái biển " Phụng chỉ ". Chữ " phụng " được viết lệch sang bên phải vì trỏ vào quan Phó Chủ Khảo, còn chữ " chỉ " được viết to ngay ngắn chính giữa vì trỏ vào vua.
& Cấm tì ố. Quyển thi phải giữ sạch sẽ không được có vết mực hay hoen ố, nếu không sẽ bị đánh hỏng. Công dụng của cái ổng quyển mà các Thí sinh trân trọng đeo trước ngực là để che chở cho quyển văn khỏi bị mồ hôi hay nước mưa làm hoen ố.
& " Bất túc ", " bất cập " là viết không đủ quyển, không thành bài. " Duệ bạch " là chỉ viết được vài dòng. Tội này nặng vì chứng tỏ Thí sinh không đủ sức đi thi mà khảo quan duyệt hạnh không kỹ hoặc cố tình nâng đỡ. Trường hợp này cả khảo quan lẫn thầy học cùng bị phạt.
Khoa 1856, Nguyễn Hữu Kiêu, ấm sinh ở Quốc Tử Giám, trước thi Hương viết không đủ quyển, quan ở bộ Lại cho là quan Giám sát hạch không tinh, xin theo lệ Đốc học các tỉnh, mỗi tên học sinh có vết xấu, phạt bổng 9 tháng lương. Vua y(18).
Năm 1835, vua hỏi Phan Huy Thực : " Nghe nói đời Hậu Lê, đầu bài thi Đình rất nhiều, có người làm không xuể, nhúng ướt quyển là tại sao ? " Đáp : " Phép thi thời cựu Lê cốt lấy nhớ nhiều, làm không đủ bài e nhơ đến danh tiến sĩ nên nhúng ướt quyển thi " (để chỉ mắc tội tì ố).
& Thiệp tích. Chung quanh hai dấu " Giáp phùng " và " Nhật trung " không được " đồ, di, câu, cải " (tẩy, xoá, móc, sửa) quá mười chữ. Cũng không được xoá mù tịt, sẽ phạm tội " đồ bất thành tự ". Muốn xoá phải để ba chấm vào mặt chữ cho quan trường nhận rõ nguyên hình (19).
" Giáp phùng " là con dấu đóng giữa trang 2 và 3, trước khi phát quyển cho học trò, để tránh chuyện mang bài làm sẵn vào đánh tráo. Khi làm bài đến chỗ có dấu " giáp phùng " phải viết đè lên trên.
" Nhật trung " là con dấu lấy ở trường thi, sau khi đã bắt đầu viết được độ hai dòng rưỡi thì lên nhà Thập đạo xin dấu chứng thực bài viết trong trường. Chung quanh dấu phải để trống, không được viết.
& Cánh quyển. Nếu lỡ viết lầm nhiều quá hoặc quyển bị tì ố, được phép thay quyển mới, nhưng phải lên nhà Thập đạo xin lại hai dấu " giáp phùng " và " nhật trung ".
& Ngoại hàm. Khoảng 5, 6 giờ chiều thì đánh trống thu quyển. Theo Ngô Tất Tố, phép đánh trống cũng phải theo lệ luật : bày 17 đồng tiền Gia Long lên mặt bàn, nhặt lên từng đồng xong thì đánh một tiếng trống. Lại bày tiền xuống, nhưng mỗi lần sau bớt đi một đồng. Đánh đủ ba hồi chín tiếng thì khoá hòm đựng quyển. Những quyển nộp sau khi hòm đã khoá gọi là " ngoại hàm ", không được chấm nhưng vẫn được đọc kỹ xem có phạm trường quy hay không. " Ngoại hàm " là tội nặng, cũng bị nêu tên lên bảng con.
Khi viết xong bài, phải đếm những chữ xoá, móc v.v... và ghi vào cuối quyển với mấy chữ " cộng quyển nội " rồi mới đem nộp quyển ở nhà Thập đao (20).
 
 
II - Khảo quan

Khảo quan có hai hạng : Giám khảo và Giám sát.
Khoa thi Hương đầu tiên của nhà Nguyễn được tổ chức vào năm 1807, ấn định cách chọn khảo quan như sau :
A. Ban Giám khảo, có phận sự chấm thi, chia làm hai trường :
Nội trường gồm có :
- từ 6 đến 14 ông Sơ khảo, hàng bát tới lục phẩm ;
- từ 4 đến 6 ông Phúc khảo, hàng lục tới tứ phẩm ;
- 2 ông Giám khảo, hàng tứ hay tam phẩm ;
Ngoại trường gồm :
- 1 Đề điệu (Chủ khảo) hàng nhị phẩm ;
- 1 Giám thí (Phó Chủ khảo) hàng tứ tới nhị phẩm ;
- 2 Phân khảo, hàng ngũ phẩm.
B. Ban Giám sát có nhiệm vụ giám thị cả quan trường lẫn Thí sinh, thấy điều gì trái phải đàn hặc, nếu không thì chính mình sẽ bị trừng phạt. Ban này chia làm hai :
Bên trong trường thi có :
- 2 Giám sát hàng Ngự sử, Chưởng ấn (một coi nội trường, một coi ngoại trường)
- 8 viên đội Thể sát, chức xuất đội
- 4 viên Mật sát.
Bên ngoài trường có 600 biền binh và voi ngựa tuần hành.
C. Ngoài ra còn hai quan Đề tuyến Nội và Ngoại trường phụ trách việc rọc phách, kháp phách, kê khai danh sách những người thi, người đỗ, yết bảng v.v...
- và khoảng 40 Lại phòng (thư ký) giúp việc ghi chép, yết bảng.
1/ Chọn lựa Khảo quan
Độ vài tuần trước kỳ thi, triều đình dựa theo bản danh sách Thí sinh mà định số Khảo quan. Từ Phân khảo trở lên chọn các quan Kinh (làm việc tại triều) toàn những người đỗ đạt. Riêng hai ông Đề tuyển lại chọn người ít chữ để không thể sửa bài hộ, vì hai ông này là những người độc nhất biết tên người viết bài thi, khi kháp phách.
Ban Giám khảo được triều đình cử ra rồi đệ lên cho vua chuẩn. Sau đó các ông Chánh, Phó Chủ khảo, làm lễ bái mạng rồi ra bộ Lễ lĩnh cờ " Khâm sai " (Chủ khảo) và biển " Phụng Chỉ " (Phó Chủ khảo). Liền đấy hai quan Giám sát theo chân hai ông Chánh, Phó Chủ khảo về nhà, có Thị vệ canh cổng không cho tiếp xúc với ai nữa để phòng ngừa những chuyện hối lộ.
Ngay từ năm 1448, Lê Khắc Phục, làm Đề điệu ở Quốc Tử Giám muốn ngăn ngừa những chuyện tư túi, đã xin bắt các khảo quan phải uống máu ăn thề. Lệ khảo quan phải thề bắt đầu từ đấy(21).
Các ông Sơ khảo, Phúc khảo kén người địa phương, nhưng người ở tỉnh này phải đổi đi chấm thi ở tỉnh khác. Nếu có con em đi thi cùng tỉnh thì phải làm giấy " hồi tị ", tức là xin cáo không đi chấm trường, nếu không sẽ bị nghiêm trừng.
Các Lại phòng, Thể sát do quan địa phương cử, cũng chọn những người không đỗ đạt nhưng thanh liêm.
2/ Lễ tiến trường của các Khảo quan
Độ một tuần trước ngày thi, các quan ở Kinh ra đến nơi, lập tức đến ra mắt quan Tổng đốc địa phương, rồi làm lễ bái vọng ở Hành cung và lễ tiến trường (các quan ở ngay Kinh thì làm lễ bái mạng).
Ngày tiến trường, cờ quạt cắm suốt từ cổng thành ra đến trường thi. Đám rước đi đầu có cờ quạt, chiêng trống, rồi đến cờ " Khâm sai ", biển " Phụng chỉ " theo sau là võng lọng các quan Chánh, Phó Chủ khảo, rồi theo thứ tự phẩm trật, đến các ông Sơ khảo thì đi bộ, che một lọng, sau đến các Lại phòng xếp hàng đôi, có 8 viên đội Thể sát và một toán lính nai nịt gươm giáo đi đoạn hậu. Đến trường, các quan hàng tỉnh trở về, các khảo quan tiến vào trường. Cổng trường khoá lại, có lính canh gác ngày đêm trong suốt thời gian chấm thi dài độ 5 tuần.
Lệ năm 1807 cấm các quan trường không được mang giấy tờ có chữ và mực đen vào trường (sợ sửa bài hộ học trò). Nội, ngoại trường nếu không có việc không được gặp nhau. Cần dùng thức gì phải trình Giám sát Ngự sử ngoại trường, người độc nhất có quyền giao dịch với quan Tổng đốc bên ngoài nhờ chu biện.
Năm 1876, Phúc khảo Đặng Huy Hoán vì mang hộp mực đen vào trường mà bị phạt 100 trượng và bị cách chức về quê. Giám sát, Giám khảo tâu hạch đều được thưởng(22).
Trên nguyên tắc, các quan trường cũng không được mang theo đầy tớ, mọi phục dịch đã có lính cáng đáng. Song ta vẫn nghe những giai thoại kể chuyện quan trường đem ả đào cải nam trang làm người hầu vào trường thi cho đỡ buồn những khi không chấm bài như trường hợp Nguyễn Công Trứ, Chủ khảo trường Hà Nội khoa 1840(23).
3/ Trường thi
Đại để trường thi chia làm hai phần, phần ngoài dành cho Thí sinh, phần trong cho quan trường.
Phần ngoài lại chia ra làm 4 hay 8 vi, " vi " là nơi dành cho sĩ tử cắm lều. Chính giữa chỗ gặp nhau của hai con đường hình chữ thập, chia phần ngoài ra làm 4, có xây một ngôi nhà gọi là nhà Thập đạo. Đấy là chỗ quan trường họp để ra đầu bài và là chỗ Thí sinh đến xin dấu Nhật trung và nộp quyển.
Phần trong cũng chia ra làm hai, trong cùng là nội trường dành cho các ông Sơ khảo, Phúc khảo và Giám khảo làm việc. Ngoại trường tiếp giáp với khu Thí sinh là chỗ ở và làm việc của các ông Chánh, Phó Chủ khảo và Phân khảo.
Giữa nội và ngoại trường lại có một khu nhỏ xây kín mít chỉ chừa có một lối đi ra ngoại trường. Đấy là khu dành cho các ông Đề tuyển, những khảo quan khác không được bén mảng đến nơi này.
Mỗi khi có chuyện bất đồng ý kiến, các quan nội trường thảo luận tại Giám viện xây chính giữa nội trường ; các quan ngoại trường thảo luận tại Thí viện, chính giữa ngoại trường.
Các Lại phòng, Thể sát cũng đều bị giam lỏng như các quan trường trong suốt thời kỳ 5 tuần.
Trường Nam Định có tới 7 chòi canh. Trước mỗi cổng ngăn cách các khu nội, ngoại và khu Đề tuyển đều có lính canh. Hôm thi, ngoài trường có biền binh cưỡi voi ngựa đi tuần rầm rập suốt ngày.
 
4/ Quyển thi

Quyển thi đóng dấu ấn triện của quan Tổng đốc rồi được gửi vào trường. Các ông Đề tuyển đóng dấu tên Thí trường vào trang đầu và dấu Giáp phùng vào giữa trang 2 và 3, sau đó trộn đều, chia làm 4 hay 8 phần cho 4 hay 8 vi. Lại phòng ghi tên Thí sinh mỗi vi vào sổ rồi làm bảng yết danh ở cửa vi.
Người cùng một nhà không được xếp cùng một vi.
Quyển được giao cho ngoại trường để phát cho học trò hôm thi.
Trước hôm thi một ngày, treo bảng yết danh và trường quy từ sáng sớm ở mỗi cửa vi.
Khoảng nửa đêm, các khảo quan bận triều phục lên ghế tréo trước cổng vi chứng kiến lễ điểm danh và coi lính khám xét học trò trước khi phát quyển cho vào trường. Các ông Giám sát cũng lên chòi canh.
Học trò viết bài được chừng hơn hai dòng phải đến nhà Thập đạo xin dấu Nhật trung (vì lúc ấy vào khoảng giữa trưa). Bài làm xong cũng nộp ở nhà Thập đạo, có lính đóng dấu vào cuối quyển chứng nhận trước mặt các ông Đề tuyển, rồi bỏ vào hòm đựng quyển. Những quyển nộp sau khi khoá hòm gọi là " ngoại hàm ".
5/ Chấm thi
Quyển được giao cho Đề tuyển rọc phách rồi đưa vào nội trường. Giám khảo phải khám xét dấu niêm phong trước khi mở hòm phân phát cho các ông Sơ khảo chấm trước tiên bằng son ta (mầu gạch), xong đến các ông Phúc khảo chấm lại bằng mực xanh, cuối cùng đến Giám khảo duyệt lại lần nữa bằng mầu hồng đơn. Những người chấm thi phải đề rõ tên họ, chức tước, số điểm rồi ký tên lên mặt quyển.
Nội trường chấm xong chuyển qua Đề tuyển đưa ra ngoại trường. Các ông Chánh, Phó Chủ khảo chấm lại những bài được nội trường lấy đỗ. Phân khảo đọc những quyển bị đánh hỏng xem ai đáng vớt thì trình lên Chủ khảo. Ngoại trường chấm bằng son tầu mầu đỏ tươi.
Chữ đẹp có thể được tăng điểm, chữ xấu có thể bị đánh hỏng như trường hợp Nguyễn Văn Siêu (1796-1872) quê làng Kim Lũ, huyện Thọ xương, Hà Nội, thi Hương khoá 1825 đáng đỗ đầu, bị xếp xuống thứ hai, thi Hội khoá 1838 đỗ Tiến sĩ bị xếp xuống Phó bảng chỉ vì chữ " như gà bới ", xấu đến nỗi vua Tự Đức đã phải trêu :
Thần đâu mà chữ xấu như ma,
Lem lọ cho người ngó chẳng ra.
Nếu phải hoạ buà trừ quỷ tặc,
Khôn thiêng thì hãy hộ hoàng gia.(24)
Khi chấm xong, xếp đặt cao thấp rồi mới gửi cho Đề tuyển kháp phách, lập danh sách những người trúng cử, đem yết.
Sau mỗi kỳ thi, Chủ khảo và Giám sát mỗi người phải làm một bản phúc trình đệ về kinh, nếu không sẽ bị phạt. Tất cả các quyển thi, đỗ hay hỏng, kể cả ngoại hàm dều được gửi về kinh duyệt lại. Triều đình có thể lấy thêm người này, đánh hỏng người kia, hay thay đổi thứ bực như trường hợp Cao Bá Quát đỗ Á nguyên (thứ nhì) trường Hà Nội 1831, bị bộ Lễ xếp xuống cuối bảng.

III - Những vụ án nổi tiếng 

Mặc dầu luật lệ phòng ngừa rất nghiêm, nhưng chuyện gian lận vẫn không thể nào tránh khỏi. Cụ Hà Ngại, một người đã từng đi thi trường Thừa Thiên, viết trong Hồi Ký (chưa in) : " Đến Huế, tôi nhờ một người bạn thân làm bài cho anh bạn (dốt) với giá 5 đồng, không phải để mong thi đỗ vì giá làm bài đỗ đến những 50 đồng (1 con gà trị giá 4 đồng). Còn phần tôi, khi ở trường thi thấy có thì giờ, làm một đoạn văn bán được 5 đồng ".
Đấy là thời nhà Nguyễn. Thời nhà Lê xem ra có khi còn tệ hơn với những " Sinh đồ ba quan ", đến nỗi triều đình phải bắt thi lại ít nhất hai lần trên bãi sông Hồng. Nguyên do vì năm 1750, kho quỹ thiếu hụt, chúa Trịnh nghe theo kế hoạch làm tiền của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc, không theo lệ thi Hạch cũ mà cho phép học sinh 10 tuổi trở lên hễ ai nộp ba quan tiền gọi là " tiền thông kinh " (thuộc kinh sách) đều được đi thi. Những người không có học nhưng muốn có một chút danh không ngại bỏ tiền thuê người thi hộ, có những đứa trẻ cũng đổ tam trường, do đó người ta mới gọi giễu là " Sinh đồ ba quan "(25).
Kể ra chuyện gian lận thì thời nào cũng có, xưa hay nay, Đông hay Tây cũng vậy mà thôi. Nhưng vì Khoa cử gian lận có thể đưa đến những hậu quả to lớn : Thí sinh suốt đời bị cấm không được đi thi nữa, khảo quan có thể bị kết án tử hình cho nên sử sách của ta ghi chép rất kỹ. Vũ Trung Tuỳ Bút chép vụ Ngô Thì Sĩ, Phạm Vĩ Khiêm bị quan trường thù ghét đánh hỏng oan, vụ Tao Sơn, Lương Nghị tư túi(26)v.v...
* Đại Nam Thực Lục cũng chép năm 1834, trường Nghệ, có Nguyễn Văn Giao hạng liệt, Nguyễn Thái Đễ hạng Tú tài nhưng có tiếng là danh sĩ. Chủ khảo Nguyễn Tú lấy thêm vào hàng Cử nhân, đổi mặt quyển, phê lại. Bộ Lễ phát hiện tâu lên. Vua ghét làm rối loạn quy luật trường thi sai biền binh truyền chỉ cách chức, bắt Tú và Ngạn xiềng lại giải về kinh. Tú bị tội trảm giam hậu (giam lại đợi ngày hành quyết) Ngạn là tòng phạm chỉ bị xử tội lưu. Giám khảo Nguyễn Duy Hựu, Giám sát Trương Tăng Diễn phải tội đồ, những người khác bị giáng chức, Nguyễn Văn Giao và Nguyễn Thái Đễ nghe quan trường viết lại quyển, phải 100 trượng, cho về làm dân, suốt đời không được thi nữa(27).
* Sách Cương Mục (28) cũng chép khoa 1696, trường Thanh Hoá có Ngô Sách Tuân làm Giám thí. Trước Tuân có tố cáo Tham tụng Lê Hi tư túi, gian lận, gây mối hiềm khích. Nay thấy con Lê Hi đi thi hỏng, muốn xoá bỏ cựu hiềm, lấy lòng Lê Hi, đưa quyển cho Khảo quan lấy đỗ. Đề điệu Ngô Hải giấu hộ nhưng Tham chính Phan Tự Cường phát giác. Ngô Sách Tuân phải xử giảo, Sơ khảo, Phúc khảo bị phạt, Tự Cường được thăng lên Thiêm đô ngự sử.
* Nổi tiếng hơn nữa là vụ án Lê Quý Kiệt / Đinh Thì Trung, Khoa Thi Hội 1775, Lê Quý Đôn điều đình với học trò giỏi của mình là Đinh Thì Trung đổi quyển cho con mình là Lê Quý Kiệt. Kết quả Kiệt đậu Thủ khoa. Khoa ấy vua Lê, chúa Trịnh đánh cuộc, vua Lê cho Thủ khoa sẽ về tay Kiệt vì Kiệt là con Lê Quý Đôn, tất học giỏi ; Chúa Trịnh đã biết học lực Thì Trung nên đánh cuộc Trung sẽ đỗ dầu và định bụng hễ đỗ là sẽ trọng dụng ngay. Chúa Trịnh thua cuộc, không chịu, duyệt lại văn bài, khám phá ra vụ đổi quyển. Thì Trung cáo tố Lê Quý Đôn làm chủ sự. Vì Lê Quý Đôn làm quan to, Trịnh Sâm bỏ đi không phạt và Lê Quý Kiệt chỉ bị giam rồi giáng xuống làm dân thường, Thì Trung bị đầy đi An Quảng. Người đương thời làm câu đối giễu :
Quý Kiệt hoàn dân, tăng Duyên Hà chi đinh xuất
Thì Trung phát phối, chấn An Quảng chi văn phong(29).
* Một vụ án nổi danh không kém là vụ có dính liếu đến Cao Bá Quát. Năm 1841, Cao làm Sơ khảo trường Thừa Thiên, cùng Phan Nhạ lấy muội đèn thay mực sửa bài hộ cho 24 quyển phạm trường quy, vớt được 5 người.
Nguyễn Văn Siêu làm Phân khảo lấy đỗ Trương Đăng Trình, cháu Trương Đăng Quế, đã bị đánh hỏng kỳ hai ở nội trường.
Chủ khảo Bùi Quỹ thấy Quát viết đẹp, gọi ra ngoại trường viết bảng. Siêu giữ Quát ngủ một đêm ở ngoại trường.
Việc bị Giám sát đàn hặc. Án xử :
Quát, Nhạ bị tội tử hình. Siêu phạt trượng và tội đồ. Chủ khảo bị cách chức. Giám khảo bị giáng chức. Vua Thiệu Trị cho là Quát không phải gian lận, chỉ muốn cứu vớt những Thí sinh có tài mà lỡ phạm trường quy, lại thương Quát là người giỏi, tha án xử trảm, giảm xuống " bảo giam hậu " (giam lại đợi lệnh rồi xử giảo), chết được toàn thây, kể như nhẹ hơn bị chặt đầu), sau lại đổi ra " xuất dương hiệu lực " theo một phái đoàn đi Tân Gia Ba lấy công chuộc tội. Siêu được tha tội đồ (đi đầy).
5 người đỗ phải thi lại đủ cả ba kỳ, quyển đều khá, lại trả về bảng Cử nhân. Quyển của Trương Đăng Trinh văn khá thông cũng cho đỗ luôn (30).
 
*
* *

Xem thế đủ thấy sự canh phòng và trừng phạt thời xưa nghiêm nhặt là chừng nào.
Ngày nay nói đến Khoa cử nhiều người lập tức liên tưởng đến những ông Đồ ngâm thơ vịnh nguyệt, những ông quan tham lam đục khoét của dân, những vụ đi thi gian lận, những người bị đánh hỏng oan vì phạm trường quy hay bị quan trường thù ghét v.v...Chuyện tuy có thật, nhưng Khoa cử không phải chỉ có thế mà thôi.
Khoa cử dùng đạo Nho để kén người ra làm quan, giúp vua trị nước. Người quân tử của đạo Nho trị dân bằng đức hơn là bằng quyền uy hay luật pháp, phải thương yêu dân như con nên ta mới gọi những ông quan là " cha mẹ dân ". Người quân tử của đạo Nho phải là người kiêm cả tài lẫn đức chứ không phải trỏ riêng vào người nắm quyền chính lúc đầu, thời nhà Chu. Theo đạo Nho, những người có tài mà vô hạnh đều không được dùng. Tuổi trẻ đỗ cao thường sinh thói kiêu ngạo, coi mình là nhất, khinh rẻ người khác, không còn là người hữu ích cho xã hội nên người xưa coi đấy là cái họa chứ không phải cái phúc. Lê Quý Đôn nổi tiếng thần đồng, 17 tuổi thi Hương đỗ thủ khoa, song thi Hội ba kỳ liền đều hỏng vì giọng văn kiêu căng, sau phải thụ giáo quan Ngự sử họ Vũ để " tày " bớt cái kiêu căng của tuổi trẻ mới đỗ Bảng Nhãn(31).
Nho giáo dạy người quân tử phải " tu thân " trước rồi mới bàn đến chuyện " tề gia, trị quốc " v.v... chứ không dạy người học trò tìm cách chóng ra làm quan để " vinh thân phì gia ". Người học đạo không đến nơi, thiếu đức độ, đi thi thì gian lận, ra làm quan thì đục khoét của dân hẳn không phải lỗi ở đạo mà cũng không phải phép thi thiếu nghiêm cẩn ?
 
Châtenay-Malabry, Tháng 10, 1991
(Văn lang, số 4, tháng 12, 1992)
Chú thích

Nguyễn Tuân, Chuyện Nghề, tr. 176.
Đại Nam Thực Lục XX, tr. 82-3.
Cao Xuân Dục, Quốc Triều Đăng Khoa Lục, tr. 64-5.
Đại Nam Thực Lục XI, tr. 231.
Đại Nam Thực Lục XXIII , tr. 372-3.
Đại Nam Thực Lục X, tr. 293-5.
Đại Nam Thực Lục III, tr. 339-41.
Đại Nam Thực Lục VIII, tr. 28-9.
Đại Nam Thực Lục X, tr. 293-5.
Ông già Bến Ngự, tr. 64 : Theo Tôn Quang Phiệt thì có người bạn, Cử nhân Trần Văn Lương, thấy cụ Phan say rượu, sợ ra thi không nhớ kinh điển nên lén bỏ vào tráp bạn mấy quyển sách. Thuyết này hơi vô lý vì họ Trần đã đổ Cử nhân hẳn phải rõ lệ luật trường thi, và đã là bạn thân thì phải biết rõ tài học và chí hướng của bạn : Phan Bội Châu đỗ Đầu xứ, lại rất khinh rẻ Khoa cử, đi thi chỉ vì nhận thấy không có học vị thì nói chẳng ai nghe, đời nào lại chịu giở sách ra chép trong trường thi ? Huống hồ từ nửa đêm học trò đã phải có mặt ở cổng trường, thế mà họ Phan đã say sưa rồi thì vào trường còn làm trò trống gì được ? Tôi không đọc thấy chỗ nào nói cụ Phan nghiện rượu.
Tr. 152 : Thuyết của Lê Thước có lý hơn : Trước khi thi, Phan Bội Châu đánh nhau với bọn lính Thể sát nên bị họ thù ghét, nhét giấy có chữ vào lều rồi vu oan cho.
Ngô Tất Tố, Lếu Chõng, tr. 169.
Bùi Dương Lịch, Lê Quý Dật Sử, tr. 7.
ĐNTL XXXIV, tr. 77-8.
Cao Xuân Dục, sđd, tr. 97.
Bùi Hạnh Cẩn, Lê Quý Đôn, tr. 185
Ngô Tất Tố, sđd, tr. 175.
Ngô Tất Tố, sđd, tr. 171.
Ngô Tất Tố, sđd, tr. 149.
ĐNTL XXIII, tr. 268.
ĐNTL XI, tr. 258.
Ngô Tất Tố, sđd, tr. 146.
Ngô Tất Tố, tr. 91.
ĐNTL XI, tr. 258.
Ngô Sĩ Liên, Sử Ký Toàn Thư, III,tr. 147.
ĐNTL XXXIII, tr. 312.
Giai thoại làng Nho toàn tập, tr. 265.
ĐNTL XXXIII, tr. 199-200 chép Nguyễn Công Trứ làm Chủ khảo trường Hà, khoa 1840, nhưng không nhắc đến vụ đem ả đào vào trường thi, còn khoa 1825 có Đốc học Hồ Trọng Điển cho học trò thi ăn mặc giả làm người hầu đi lẫn vào.
Công dư tiệp ký III tr. 37, lại chép Nguyễn Thọ Xuân (đỗ Tiến sĩ năm 1831) khi làm Đề điệu trường Nghệ An cho hai thị nữ mặc giả lính hầu đem vào trường. Việc phát giác nhưng chúa Trịnh không nở bắt tội nên ỉm đi hộ.
Vũ Ngọc Khánh, Đỗ Thị Hảo, Giai thoại Thăng Long, tr. 83-4.
Phó bảng là những người thi Hội không đỗ Tiến sĩ nhưng được điểm cao, khác với Bảng nhãn là người đỗ Tiến sĩ thứ nhì của hạng nhất (đệ nhất giáp, đệ nhị danh) chỉ sau có Trạng nguyên mà thôi.
Sinh đồ, sau gọi là Tú tài, là những người thi Hương đỗ được vào tới trường ba (tam trường) nhưng không đỗ cử nhân mà chỉ ở bảng dự khuyết.
Hương cống, sau gọi là cử nhân, là những người đỗ cả bốn trường.
Phạm Đình Hổ, Vũ Trung Tuỳ Bút, tr. 90-7.
ĐNTL XV, tr. 239. 1841 Nguyễn Văn Giao và Nguyễn Thái Đễ xin được thi lại, nhưng Thượng Thư bộ Lễ Phan Huy Thực chê văn dở không cho, sau hai người này cũng đỗ Tiến sĩ.
Cương Mục XVI, tr. 66-7.
Bùi Dương Lịch, sđd, tr. 36 chép khoa 1778.
Quý Kiệt hoàn dân, tăng sổ đinh của làng Duyên Hà (quê của Kiệt) lên
Thì Trung bị đày ra Yên Quảng khiến cho văn phong ở đó dấy lên.
An Quảng = Quảng Ninh. Trong Vân Đài Loại Ngữ, tr. 20, lại chép là " Đông Hải " chứ không phải An Quảng.
Cương Mục XIX, tr. 47.
Giai thoại làng Nho toàn tập, tr. 130.
ĐNTL XXIII, tr. 244-7.
Cao Bá Quát, tr. 22-7.
31. Trần Thị Băng Thanh, Ngô Thì Sĩ, tr. 212.
 
 
Sách tham khảo

Bùi Dương Lịch, Lê Quý Dật Sử, Hà Nội : KHXH, 1967.
Dịch giả : Phạm Văn Thắm.
Bùi Hạnh Cẩn, Lê Quý Đôn, Hà Nội, 1985.
Cao Xuân Dục, Quốc Triều Đăng Khoa Lục, Saigon : Bộ Quốc gia Giáo dục, 1962, Dịch giả : Lê Mạnh Liêu.
Diên Hương, Tự Điển Thành Ngữ, Điển Tích. Houston, Texas : Zieleks tái bản 1981.
Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Hà Nội : Viện Sử Học, 1962-78.
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Hà Nội : Văn Sử Địa, 1957.
Lãng Nhân, Giai thoại làng Nho toàn tập, Saigon : Nam chi tùng thư, 1966.
Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hà Nội : KHXH, 1968.
Ngô Tất Tố, Lều Chõng, Hà Nội : Văn Học tái bản, 1963.
Nguyễn Tuân, Chuyện Nghề, Hà Nội : Tác Phẩm Mới, 1986.
Ông già Bến Ngự, Hồi ký (của nhiều người), Huế : Thuận Hoá, 1987.
Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương, Khoa Mục Chí, Hà Nội : Sử Học 1961. Dịch giả : Đỗ Mộng Khương, Trịnh Đình Rư, Cao Huy Giu.
Phạm Đình Hổ, Vũ Trung Tuỳ Bút, Hà Nội : Văn Học, 1972, Paris : Đông Nam Á tái bản, 1985. Dịch giả : Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến.
Susse, Robert de la, " Les concours littéraires en Annam ". Extrait de la Revue Indochinoise, N° 2, Fév. 1913, Hanoi-Haiphong, Imprimerie d�Extrême-Orient.
Thơ văn Cao Bá Quát, Hà Nội : Văn Học, 1984.
Trần Thị Băng Thanh, Ngô Thì Sĩ, Hà Nội, 1987.
TrầnVăn Giáp, " Lược khảo về Khoa cử Việt Nam ", Khai Trí Tiến Đức tập san, số 2 & 3 Jan.-Juin 1941.
Vũ Ngọc Khánh, Đỗ Thị Hảo, Giai thoại Thăng Long, Hà Nội, 1987.
Vũ Phương Đề, Công dư tiệp ký, Saigon : Bộ Quốc gia Giáo dục, 1962. Dịch giả : Nguyễn Đình Diệm.
 http://chimviet.free.fr/vanhoc/chquynh/loixua1/loixua02.htm#phepthinghiemmat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét