Tuy
tôi sống ở Pleiku từ đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước nhưng những việc
trước đó tôi cũng chỉ biết mang máng vì thế tôi đã gặp các cụ cao niên
đã từng đặt chân lên đất Pleiku này từ những năm 50 để xin các cụ tiết
lộ đôi điều mà chúng ta ít tìm thấy, hoặc không thể tìm đọc trên các tài
liệu in ấn...
1.
Nơi đầu tiên mà bất cứ ai đặt chân xuống một vùng đất lạ đều lưu lại
trong tâm khảm mình một ấn tượng, một kỷ niệm khó phai, có lẽ khá nhiều
người đồng ý, là cái bến xe, điểm dừng của cuộc hành trình đến miền đất
lạ! Các cụ hiện nay đã ở tuổi 84 và các ông bạn cùng lứa tuổi tôi nữa
đều là những người đã từng lên Pleiku sống và lập nghiệp từ năm 1957-58
(thời điểm chính quyền Ngô Đình Diệm đưa dân các tỉnh miền Trung lên các
khu dinh điền ở Pleiku), họ đều nhớ lại và cho biết: vị trí cái bến xe
đầu tiên hồi ấy là cái vườn hoa cạnh chợ chùa đường Sư Vạn Hạnh (tức
vườn hoa Quách Thị Trang trước 75, nay là vườn hoa Kpa Klơng), gần đó là
nơi người dân họp chợ và cũng là nơi các đồng bào dân tộc thiểu số
thường từ làng ra để trao đổi hàng hóa nằm lùi sâu vào phía gần chùa Bửu
Thắng. (Điều đó phù hợp với suy luận, nếu có một chỗ gọi
là bến xe được sử dụng trước khi bến xe Chợ Mới được hình thành và đưa
vào sử dụng phải ở gần nhà làng xã Hội Thương-Hội Phú (dãy nhà cách tiệm
phở Hoàng đường Hùng Vương bây giờ 1 con hẻm), nơi này gần như là trung
tâm thị xã với đường phố chính mang tên Hoàng Diệu đi qua).
Nếu
vào những năm đầu của thập niên 60, trên đường phố Sài Gòn và trên
đường phố của Buôn Ma Thuột, một tỉnh lân cận Pleiku, người ta vẫn còn
thấy những chiếc xe ngựa chở người và hàng hóa và mãi đến năm 65-66 tại
SG mới có chương trình của chính quyền thời bấy giờ hỗ trợ cho các bác
xà ích mua xe Lambretta 175cc và giúp họ thi lấy bằng lái dễ dàng thì
tại Pleiku khoảng những năm từ 1960 trở đi đã vắng bóng xe ngựa mà hồi
ấy người ta đã dùng xe ba gác đạp và xe ba gác gắn máy, sau đó nhanh
chóng tậu ngay chiếc xe Lam ba bánh để sử dụng từ những năm 1963 (vì thế
có tài liệu cũ nói: đến năm 1964, Pleiku đã có khoảng 40 chiếc
trilambretta lưu hành trên các tuyến đường nội thị). Xe ngựa tuy không
xuất hiện trên đường phố chính nhưng ở những nơi thôn quê hẻo lánh có
thể vẫn còn một vài chiếc xe ngựa dùng để chở rơm rạ, còn đa số người
dân hồi ấy đã sử dụng xe bò, xe trâu trong công việc đồng áng.
Sau
đời xe Lambretta này, hãng sản xuất đã cho ra đời các chiếc xe Lambro
550 (nhiều người nhầm tưởng là 550cc nhưng thực tế xe này dung tích
198cc và chở được 550kg, tức khoảng 10 đến 12 người lớn), hiện nay có
chiếc vẫn còn chạy được, nhưng bị đưa vào danh sách xe bị cấm lưu thông
trên đường vì mất an toàn.
2.
Sân bay đầu tiên tại Pleiku, theo các cụ, ban đầu ở cái làng lúc đó có
tên gọi là Trà Nhao (nay là làng Nhao, dưới chân núi Hàm Rồng). Hồi đó
đường băng bằng đất chứ chưa trải bê tông nhựa đường như hiện nay, sau
đó người Pháp chủ sở trà Bầu Cạn mới làm một sân bay tư nhân ở khu vực
hồi đó là làng Gia Tường (ngày nay là Ia Từng). Những năm trước thập
niên 60 các máy bay dân sự của Air VN (Hàng không VN trước 75) vẫn đáp
xuống sân bay này; năm 1961 chính quyền mới xây dựng sân bay quân sự Cù
Hanh và trong đó có dành một khu vực cho máy bay dân sự, ngoài ra còn có
phi trường quân sự AREA... Các cụ cao niên của Pleiku gọi sân bay Cù
Hanh là cái sân bay thứ ba (sau 2 cái sân bay tạm bợ ban đầu vừa kể
trên).
3. Những cư dân người Việt đến Pleiku từ nhiều con đường khác nhau: một số người dân gốc Bình
Định có lẽ là những người Kinh vượt đèo An Khê và đèo Măng Giang để đặt
chân lên đất Pleiku sớm nhất (ít ra là cũng vào thời kỳ ba anh em nhà
Tây Sơn tụ nghĩa ở thôn An Lũy, An Khê-tức là Tây Sơn Thượng Đạo) vì 2
tỉnh ở lân cận nhau, một số khác là người Quảng Nam được đưa lên theo
chương trình Dinh Điền của thời Ngô Đình Diệm (đó là những người dân khu
vực Lệ Cần, Lệ Chí, Nam Giang Hà Bầu v.v) và những người
khác là người Bắc sau cuộc di cư vào Nam năm 1954, nhiều người trong số
họ đặt chân đến Pleiku từ những năm 1957-1958.
Dân số toàn tỉnh Pleiku vào những năm đầu 60 chỉ mới khoảng xấp xỉ 160 ngàn người, trong đó có khoảng 60 ngàn người Kinh.
Ngoại
kiều sống trên đất Pleiku lúc bấy giờ chỉ vào khoảng hơn 30 người một
chút, trong đó có: người Mỹ (có lẽ khoảng 4,5 người gì đó, là gia đình
vị mục sư Tin Lành); người Pháp (khoảng 7,8 người, gồm: bà sơ Nhất (sœur
supérieure), người sáng lập trường Văn Đức (nay là trường Chu Văn An
nằm trên đường Phan Đình Phùng) và trường Thánh Phao Lô; những người
trong gia đình ông chủ sở trà Bầu Cạn...) và số còn lại là người Ấn là
chủ khoảng gần 10 tiệm vải (khoảng trên dưới 20 người ), hồi đó người ta
hay gọi là người Chà Và (do đọc trại từ chữ Java), sau 1975 đa số người
Ấn đã không quay về lại Pleiku nữa, người ta chỉ còn thấy ông cụ chủ
tiệm ăn Mỹ Vị (nay đã mất), có thời gian ông là chủ tịch Câu lạc bộ fan
bóng đá Gia Lai, các con ông nay có người đang bán tại tiệm phở khô
đường Nguyễn Văn Trỗi (tức đường Phó Đức Chính cũ).
Người
Hoa cũng khá nhiều nhưng các tài liệu thường kể gộp chung với người
Kinh nên không có số liệu riêng (quý thân hữu nào có thì xin cung cấp
cho mọi người cùng biết), tuy nhiên nếu suy đoán từ số lượng học sinh
của trường Tuyên Đức chuyên thu nhận các con em người Hoa thì số lượng
người Hoa khoảng từ 300 đến 500 người (?). Thời ấy họ vẫn giữ tục lệ
không gả con gái cho người Việt; những người Việt gốc Hoa này rất đoàn
kết giúp đỡ những người cùng bang hội trong kinh doanh. Rất nhiều người
trong số họ nắm giữ những cửa tiệm, cơ sở kinh doanh to lớn, làm ăn phát
đạt như: rạp Diệp Kính, tiệm ăn và bi da, banh lắc Xuân Lợi, tiệm ăn Mỹ
Tâm, tiệm sâm bổ lượng Nam Viên (đường Phan Bội Châu), tiệm ăn Hiệp
Thành, tiệm ăn Đông Kinh, kho gạo Trần Tỷ, phở Tàu Lý, bi da Hào Huê, cơ
sở chế biến cà phê Đông Sanh, Đông Hưng, tiệm thuốc bắc Bảo Thọ Xuân
(sau 75 vẫn còn ông thầy Mười, người chuyên đứng bốc thuốc bắc, đứng bán
thuốc bắc bằng một cái xe nhỏ đẩy đặt tại ngã tư Phan Bội Châu -Hùng
Vương... được độ vài năm thì ông mất ), Tế Dân, Tế Phước đường, các tiệm
tạp hóa Hưng Phát, Phước Thành đường Hoàng Diệu, tiệm sắt Kim Ngươn,
các tiệm tạp hóa của ông Kim, ông Thìn đầu hẻm chợ nhỏ Lê Lợi...
4.
Rạp chiếu bóng Diệp Kính có từ trước năm 1960 do ông Diệp Kính xây
dựng, bên cạnh rạp là phòng ngủ (nay là khách sạn Hùng Vương) và cây
xăng. Rạp này chuyên chiếu phim Ấn Độ lồng tiếng Việt (tuy thế, hồi bé,
tôi đã được bố tôi dẫn đến rạp này để xem phim Les misérables, lúc ấy họ
dịch là "Những kẻ khốn nạn") và một rạp chuyên để cho các gánh cải
lương, hát bộ đến diễn là rạp Thăng Long, nơi này ban đầu là trụ sở Hội
Liên Đới Phụ Nữ, khoảng 1960 bà Đỗ Thị Quả nhận thầu khai thác, bà đã
sửa chữa, tôn tạo lại thành rạp Thăng Long (nên người ta gọi bà cụ này
là bà Thăng Long); sau này các gánh cải lương lưu diễn thưa dần nên đổi
tên thành rạp Cinéma Thanh Bình. Mãi đến khoảng năm 1965 mới có thêm rạp
Diên Hồng trên chợ Mới, chuyên chiếu phim và cho các trường học thuê
làm nơi diễn văn nghệ và phát phần thưởng cuối năm. (Bà Thăng Long cũng
là người đã tập hợp các bạn bè đồng hương của mình để tôn tạo và xây
dựng một điện thờ theo đạo Mẫu Việt Nam nhưng sau khi tôn tạo vào năm
1961, cư dân Pleiku vẫn gọi điện thờ này là "Am Bà", am này tồn tại đến
khoảng năm 1994 gì đó?).
5. Đất đỏ ba dan phù hợp với cây trà nên ngay từ đầu,
người Pháp đã thành lập ra sở trà Bầu Cạn và sở trà Biển Hồ, Cả 2 đồn
điền trà này đều có trồng cả cây cà phê nhưng sản vật chủ yếu của họ vẫn
là trà. Trong nội thị có vườn cà phê của bà Sơ dòng Mến Thánh Giá trải
dài từ hàng rào giáp ranh với trường Nam Tiểu học Pleiku lên đến hàng
rào trường tư thục Tuyên Đức dành cho con em người Hoa và một số vườn cà
phê nhỏ nữa nằm rải rác dọc đường Phan Đình Phùng (ước lượng toàn bộ độ
5 đến 6 mẫu). Riêng đồn điền IMATZ thuộc quận Lệ Thanh có diện tích
trồng cà phê khoảng 100 mẫu với sản lượng mỗi năm độ 20 tấn và đồn điền
Ia Châm (nằm trên huyện Ia Grai bây giờ) cũng có khoảng hơn 100 mẫu cà
phê cho sản lượng độ 21 tấn. Tuy thế số liệu về cà phê xuất ra khỏi tỉnh
vào thời điểm năm 1963 chỉ có 400 Kg thì e rằng nhầm (vì sản lượng toàn
tỉnh khoảng gần 50 tấn cà phê mà chỉ xuất có 400kg thì ngần ấy người
Pleiku tiêu thụ sao cho hết mấy chục tấn cà phê?).
Nhiều
cụ cao niên từng là công nhân của nhà máy đèn Pleiku và một công nhân
lâu năm của sở trà Bầu Cạn đều nhớ rằng ngày trước người Pháp đã đưa
điện từ nhà máy thuỷ điện Bầu Cạn ( xây dựng năm 1950 ) về bán điện cho
Trung Tâm điện lực Pleiku, mãi đến năm 1963 đường dây điện từ Bầu Cạn về
Pleiku mới bị rỡ bỏ chỉ còn để lại đoạn đường dây 15KV cấp điện cho nhà
máy chế biến chè Bầu Cạn (cái tua bin thủy điện này được coi là cái máy
phát điện lâu năm nhất của Pleiku và đoạn đường dây đưa về nơi chế biến
trà này hiện nay vẫn còn đang vận hành tốt). Còn nguồn nước chính tại
khu trung tâm Pleiku là hầm nước xây bê tông tại cuối dốc lò ba toa (tức
là lò mổ, lò bò, lò sát sinh dưới dốc đường Trần Hưng Đạo hiện nay,
mạch nước ngầm ở đây rất trong, có nhà đào giếng sâu một mét thì nước đã
đầy ắp đến miệng giếng. Hầm nước này hiện nay nằm vị trí trong góc sân
nhà hàng Trầu Cau 1) tại đây có suối Gia Ninh (Ia Kring) chảy qua, các
xe chở xi téc nước cuả quân đội và người dân quanh vùng vẫn hay lấy nước
tại hầm bê tông này, ngoài ra còn có các giếng bơm lắc tay ở rải rác
nhiều nơi (có tài liệu nêu gồm có 28 cái), nhưng cái giếng bơm lắc tay
tập trung đông đảo người dân xếp hàng chờ đến lượt bơm nước cũng như
những người làm nghề gánh nước thuê, chở nước thuê... nhất là cái giếng
ngay sau lưng Am Bà đường Phó Đức Chính (tức Nguyễn Văn Trỗi ngày nay),
có lẽ do nơi đây có cái bóng cây sung đại thụ râm mát cả ngày (?).
Các
thông tin nói trên do những người đã từng ở Pleiku lâu năm kể lại những
vì đa số là người lớn tuổi và một lẽ đơn giản nữa là "tam sao thất bản"
do đó mong các bạn góp thông tin để bổ sung chỉnh sửa.
Nhà Quê (nha que)- pleikucafe.com
Đoạn sau cùng viết không đúng nhen Tác Giả ơi
Trả lờiXóa“các con ông nay có người đang bán tại tiệm phở khô đường Nguyễn Văn Trỗi (tức đường Phó Đức Chính cũ).”