Trang

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Nhuận Hồ triều đại - Quân Minh sang xâm lược

Nhuận Hồ triều đại - Quân Minh sang xâm lược

Bài sử này tiếp theo tuần trước, chép về thời gian trị vì của hai cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương và diễn biến cuộc xâm lăng của quân Minh sang đất Đại Việt, được lược trích từ sách Đại Việt Sử Ký Tiền Biên:

"Quý Mùi (1403) mùa xuân tháng Hai, Hán Thương đưa những người không có ruộng có của về Thăng Hoa (tỉnh Quảng Nam) ở, biên chế thành quân ngũ. Các quan lộ, phủ, châu, huyện, chọn đất cho họ ở, ở châu nào thì thích hai chữ tên châu ấy vào hai cánh tay để nhớ. Năm sau đưa vợ con họ theo sau, giữa đường gặp bão chết đuối, dân chúng nhiều người oán ghét. Hán Thương mộ dân nạp trâu ban tước để cấp cho dân mới dời ở Thăng Hoa.

Hán Thương lấy phủ lộ Thanh Hóa làm Tam phụ (đất thuộc phạm vi kinh đô) của kinh kỳ. Đặt chức Thị giám (quan coi chợ) ban bố cân, thước, thăng, đấu, định giá tiền giấy để trao đổi với nhau. Người buôn bán thời ấy phần lớn không ưa tiền giấy. (Hán Thương) lại lập ra điều luật xử tội (ai) không tiêu tiền giấy, bán giá cao, đóng cửa hàng bao che cho nhau.

Nước Minh sai Ổ Tu sang báo việc vua Minh lên ngôi. Trước đây thái tử của (Minh) Thái Tổ là Ý Văn mất sớm, Thái Tông là Doãn Văn nối ngôi, đặt niên hiệu là Kiến Văn. Yên Vương Lệ là con thứ của Thái Tổ, ngầm nuôi chí khác, đến bấy giờ dấy binh làm phản. Đến đâu cũng đều đón hàng, bèn vào Kim Lăng (nay là thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô bên Tàu), Kiến Văn chạy trốn, Lệ tự lập làm vua đổi niên hiệu là Vĩnh Lạc, tức là Thành Tổ.

Hán Thương sai sứ sang nhà Minh xin phong. Vua Minh sai sứ đem sắc dụ cho kỳ mục trong nước hỏi họ Trần có người thừa kế hay không? Việc người trong nước tôn lập Hán Thương là thực hay giả? Hán Thương liền sai sứ đem đồ tiến cống và xin phong. Sứ Minh về tâu bèn ban chiếu phong cho Hán Thương làm Nam Quốc vương.

Hán Thương sai tướng là Phạm Nguyên Khôi đi đánh Chiêm Thành không được, quay về. Hán Thương cho đóng thuyền đinh thành đội quân thuyền đi đánh Chiêm Thành. Gia phong Nguyên Khôi làm Đại tướng quân...Đỗ Nguyên Thác làm phó. Quân thủy, quân bộ cộng 20 vạn (người), đều theo sự tiết chế của Nguyên Khôi. Người nào ra trận mà sợ giặc thì chém, vợ con tài sản sung công.

Các quân vào đất Chiêm Thành sửa nhiều chiến cụ; vây thành Đồ Bàn sắp lấy được, nhưng vì quân đi đã chín tháng, hết lương thực không thắng đành rút về. Chiêm Thành cầu cứu nhà Minh. Người Minh cho chín thuyền vượt biển đến cứu. Các quân ta trở về, gặp quân Minh ở ngoài biển, người Minh bảo Nguyên Khôi rằng: Phải cấp tốc đem quân về, không được ở lâu. Nguyên Khôi từ Chiêm Thành về, Quý Ly trách rằng: cớ sao không giết được hết quân nhà Minh?

Hán Thương cho phương sĩ là Nguyễn Đại Năng làm Quảng tế tự thừa, đặt quan thuộc Thự Quảng tế (sở y tế) bắt đầu từ đấy. Bấy giờ sứ Minh đi lại nước ta liên tiếp, có lần thì yêu sách, có lần thì trách hỏi, Hán Thương sai tùy tình hình giải quyết. Vất vả vì việc ứng tiếp. Mùa đông tháng 10, Hán Thương giết thân thuộc của bọn Nguyễn Toán làm nội quan ở phía Bắc. Trước kia Minh Thái Tổ thường đòi (đưa sang Tàu) những người bị thiến, tăng nhân, đàn bà xoa bóp, ta thường vì tình cảm mà cho.

Được vài năm cho tăng nhân, con gái về, để người bị thiến (ở) lại sung làm quan thuộc. Đến khi Thành Tổ lên ngôi, có ý xâm lược phương Nam. Sai bọn Nguyễn Toán, Từ Cá, Nguyễn Tông Đạo, Ngô Tín sang sứ thăm hỏi thân thuộc, bí mật bảo người thân rằng: có quân phương Bắc (quân Minh) đến thì dựng cờ vàng ghi là thân thuộc của viên nội quan tên là...thì không bị giết. Việc (ấy) tiết lộ, bị bắt hết giết đi.

Giáp Thân (1404) Hán Thương sai Phan Hoà Phủ đem hai con voi đen trắng sang biếu nước Minh. Trước đây Chiêm Thành cống voi và dâng đất để cầu viện quân, nhưng lại nói điêu với nước Minh rằng: họ Hồ lấn đất và bắt cống voi. Đến bấy giờ nhà Minh sai sứ sang trách hỏi, cho nên đưa biếu voi.

Hán Thương định cách thức thi cử nhân. Cứ tháng tám năm nay thi hương, người đỗ miễn sai dịch. Tháng tám năm sau, thi ở bộ Lễ, người đỗ thì được tuyển bổ. Lại tháng tám năm sau, thi hội, người đỗ thì được sung làm Thái học sinh. Đều ba năm một lần thi. Lúc bấy giờ học trò chuyên nghiệp có chí tiến thủ, nhưng chỉ được thi ở bộ Lễ rồi gặp loạn phải ngừng. Cách thi bắt chước thời nhà Nguyên. Những quân nhân, người phường hát và kẻ phạm tội đều không được dự bổ.

Nhà Minh sai hành nhân là Lý Kỳ sang. Kỳ tự tiện làm oai làm phúc, đánh đập các quan bạn tống và đốc biện, thúc phải đi nhanh không kể ngày đường. Trước kia sứ giả đi từ Đông Đô (Thăng Long) đến Tây Kinh (Thanh Hoá) mất 12 ngày. Kỳ đi tám ngày. Khi đến công quán, xem hết hình thế, Kỳ về, Quý Ly sợ sự tình bị tiết lộ (nên) sai Phạm Lục Tài đuổi theo để giết. Đến Lạng Sơn thì Kỳ đã ra khỏi cửa ải rồi, Kỳ về tâu hạch (với vua Minh rằng) họ Hồ xưng đế và làm thơ có những câu khinh mạn.

Sử thần Ngô Thì Sĩ bàn: Quý Ly đã muốn diệt quân nhà Minh, lại muốn giết sứ nhà Minh. Việc nội trị không tu sửa, việc chống giặc không có chiến cụ mà cứ khư khư khiêu khích nước lớn để chuốc lấy sự giận dữ. Ngu muội đến như vậy sao!

Nhà Minh sai sứ sang đòi cắt châu Lộc thuộc Lạng Sơn. Quý Ly cho hành khiển là Hoàng Hối Khanh làm Cát địa sứ (sứ giả phụ trách việc cắt đất). Hối Khanh đem đất Cổ Lâu gồm 59 thôn trả cho nhà Minh. Quý Ly trách mắng Hối Khanh là đem trả quá nhiều.

Bính Tuất (1406) tháng 9, quân Minh sang xâm lược. Trước đây vua Minh đã phong cho Hán Thương (làm Nam Quốc vương). Bề tôi cũ của nhà Trần là Bùi Bá Kỳ sang nhà Minh cáo nạn. Nguyễn Khang (mạo xưng là con vua Trần Nghệ Tông) lại giả xưng là con cháu nhà Trần, xin quân (nhà Minh sang đánh họ Hồ) để khôi phục nước. Vua Minh mới hối hận là lầm, sai sứ sang hỏi tội (nhà Hồ) cướp ngôi.

Hán Thương sai sứ sang tạ tội, xin đón Thiêm Bình (Nguyễn Khang) về nước. Đến khi bọn Hoàng Trung (tướng nhà Minh) đưa Thiêm Bình đến thì không nộp được. Vua Minh càng giận. Từ trước được nghe bọn Tông Đạo (người nhà Trần bị cống nạp sang Tàu trước đây) nói trong nước giàu có, đã có ý muốn đánh nước Nam nhưng không có cớ (để) gây hấn. Bọn Hoàng Trung về bèn quyết trí sang đánh.

Trước tiên sai Thái tử thái phó Chu Năng đeo ấn "Chinh di tướng quân" đi đánh phương Nam. Năng đến Quảng Tây, lại lấy Trương Phụ làm Chinh di hữu Phó tướng quân. Tây Bình hầu là Mộc Thạnh làm Chinh di tả Phó tướng quân...(cùng vào) xâm phạm cửa ải Phú Lệnh (tỉnh Tuyên Quang), hai đạo quân là 80 vạn (người) xẻ núi, đẵn cây mở đường tiến quân.

Trước kia quân Chu Năng chưa vào biên giới, đã ra bảng kể tội nhà Hồ, lại nói phao lên là sẽ khôi phục tước vương của nhà Trần. Bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh lấy bài gỗ viết thành bảng rồi thả xuôi dòng. Các quân trông thấy cho là đúng, hơn nữa lại chán ghét chế độ hà khắc của nhà Hồ, nên không có lòng chiến đấu. Lúc đó quân Minh đã đến, từ sông Lô trở về phía Bắc lại vườn không nhà trống như xưa.

Tháng 12, quân Minh đánh bật được thành Đa Bang (thuộc Hà Đông, tỉnh Hà Tây), trước đây Quý Ly, Hán Thương cho là quân phương Bắc sẽ đến, ra lệnh cho các lộ từ sông Thao trở xuống đến sông Nhị Hà hai bên bờ trồng hàng rào cho kiên cố, xây đắp thành Đa Bang rất rộng lớn. Khi bọn (Trương) Phụ đã đến, đem quân cướp bờ sông Mộc Hoàn ở Việt Trì và nơi đóng cọc của sông Bạch Hạc.

Đêm mồng chín, quân Minh đánh úp quân Hồ ở châu Mộc Hoàn, tướng của quân (nhà Hồ) là Nguyễn Công Khôi đang vui chơi với rượu, gái, không phòng bị, thuyền bị đốt cháy gần hết, toàn quân suy sụp, tuyệt nhiên không có tiếng giao chiến. Thủy quân trên và dưới không có ai đến cứu. Người Minh bèn qua sông làm cầu phao cho quân sang.

Sáng sớm ngày 12, Trương Phụ nhà Minh đem Đô đốc là Hoàng Trung, Đô chỉ huy sứ là Thái Phúc đánh phía tây bắc thành. Mộc Thạnh đem Đô đốc Trần Tuấn đánh phía đông nam. Xác chết chất cao ngang với thành mà vẫn tiến đánh không ai dám lên. Đêm canh tư, (Trương) Phụ ra lệnh cho quân sĩ vào cầm đuốc thổi còi, vượt hào, bắc thang trèo vào thành. Giặc Minh liều ùa vào thành. Quân ở ven sông tan vỡ, rút về giữ Hoàng Giang.

Giặc Minh vào Đông Đô (Thăng Long) cướp đoạt con gái, của cải, lụa là, lương thực, chia quân việc, chiêu tập dân phiêu bạt làm kế ở lâu dài. Con trai ít tuổi phần lớn bị thiến, của cải ở các lộ bị thu lại rồi chở về Kim Lăng."

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét