Trang

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

BẾN NGHÉ

Trâu non tìm Bến Nghé

Bến Nghé cửa tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuộm màu mây
Hỡi trang dẹp loạn giờ đâu vắng?
Nỡ để dân đen mắc nạn này
(Nguyễn Đình Chiểu)

Bến Nghé còn có tên là Ngưu Chử, là địa danh của một bến sông tại Sài Gòn (nay thuộc quận I, Sài Gòn), sau dùng để đặt tên cho Sông Bến Nghé, trong sách cổ gọi là Ngưu Chử Hà. Nghé là con trâu non, chữ Ngưu viết chung chung nên không phân biệt được trâu già hay trâu non. Còn "Chử" nghĩa là bờ (sông) nhỏ, vậy Ngưu Chử có thể hiểu là Bến Trâu, nhưng ít có ai gọi cái bến sông có lắm trâu non tới ghé đến uống nước bằng Bến Trâu cả.

Theo lời truyền lại rằng tại bến nước này xưa kia thường lai vãng những đàn trâu bò đến tắm mát. Cái tên Bến Nghé còn do thuyết có một bến sông nơi đó có lắm cá sấu tung hoàng ngang dọc. Tiếng kêu của chúng vang trời như tiếng rống của những con trâu nên mới gọi là Ngưu Chử / Bến (cá sấu mà đòi học làm) Nghé.

Hai cách giải thích nguồn gốc của Bến Nghé đều nghe hợp lý cả. Nguồn thứ nhất được trích từ sách Đại Nam Nhất Thống Chí:

"Sông Bến Nghé (Ngưu Chử hà): Ở phía Bắc huyện Bình Dương năm dặm, còn gọi là sông Tân Bình, phát nguyên từ thác lớn Bưng Đàm, chảy theo hướng đông, qua Thủ sở Tầm Phong, đến sông Băng Bọt, sông Bình Đồng, thông đến bến đò trước tỉnh, rồi chuyển theo hướng bắc, chảy xuống phía đông đến ngã ba Nhà Bè, hợp với sông Phước Bình (tức sông Đồng Nai ngày nay), dài 142 đặm, rồi đổ ra biển Cần Giờ (biển Đông).

Sông này có nhiều chi lưu. Phía tây nam là địa giới tỉnh Gia Định, phía đông bắc là địa giới tỉnh Biên Hoà. Sông rộng lại sâu, tàu bè trong nước và ngoài nước đến đậu liền nhau san sát, là chỗ đô hội lớn. Tục truyền sông này khi trước có nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau, kêu như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế.

Buổi đầu Trung hưng, năm Mậu Thân (1788), thu phục Gia Định, sông này nước trong. Năm Gia Long thứ 16 (1817), nước lại đục. Năm Minh Mạng thứ hai (1821), và năm thứ sáu (1825), nước sông có hai lần trong, người ta cho là điềm thái bình. Năm thứ 19 (1838), đúc chín cái đỉnh, khắc hình tượng sông này vào Cao đỉnh (Cao đỉnh là cái đỉnh để ở trước miếu Thế Tổ Cao Hoàng đế (Gia Long) ở Thế Miếu-Huế), Năm Tự Đức thứ ba (1850), ghi vào Tự Điển."

Thuyết thứ hai được trích từ sách Ký Ức Lịch Sử Về Sài Gòn Và Vùng Phụ Cận của học giả uyên bác Trương Vĩnh Ký viết dựa theo lời truyền khẩu được ghi trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức.

"Rạch Chinois trước kia gọi là rạch Bến Nghé, nay người Pháp đặt tên đó vì họ thấy đây là con rạch đưa tới Chợ lớn mà đa số cư dân là Hoa thương. Rạch này cũng dùng vào việc chuyên chở hàng hóa bốc lên các ghe thuyền đậu tại Xóm Chiếu, do đó người Pháp gọi rạch này là Arroyo Chinois (rạch Hoa Kiều).Theo sách Gia Định Thông Chí, đặt tên Bến Nghé vì xưa kia trong rạch có trâu và nhiều trâu nhỏ (nghé) đến tắm.

Trên rạch này chen chúc đủ mọi thứ tàu thuyền, hai bên bờ có nhà sàn tạo thành hai hàng rào dày đặc làm cho lối đi lại trong rạch bị hạn hẹp một chút. Ngôi chợ lớn hơn cả và việc buôn bán sầm uất nhất nằm từ cột cờ Thủ Ngữ (tại Sở Ông Năm-Bến Nhà Rồng) tới đường Mac Mahon (trước năm 75 là đường Công Lý); trên khúc đường này cho tới nhà lao là nơi ở của dãy thầy bói và đường thợ tiện. Nhà cửa trong phố buôn bán này được xây dựng khang trang hơn, đều bằng gỗ tốt và lợp ngói.

Từ đó đến chợ Cầu Ông Lãnh là địa phận thôn Hưng Long, ở đây có nhiều nhà làm trên bờ sông và cả ngoài đường. Trên đường Boresse (nay là Calmette) có một con hẻm tồi tàn mà hai bên là những túp lều của dân nô lệ Lào đã được phóng thích; họ làm những thúng xách nước bằng lá dừa nước. Con rạch từ (Bến Nghé) vào Lò heo gọi là rạch Cầu Ông Lãnh, ngang rạch có chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh (Thăng) ở gần đó cho bắc qua. Chiếc cầu này đã dùng đặt tên cho cả xóm (Cầu Ông Lãnh). ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét