Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Lê Văn Duyệt (1763 hoặc 1764- 1832)- một trong ngũ hổ tướng Gia Định

Lê Văn Duyệt (1763 hoặc 1764- 1832) là một nhà chính trị, quân sự lớn của Việt Nam. Ông cũng là người được biết tới nhiều nhất trong số Ngũ hổ tướng Gia Định khi tham gia phò tá chúa Nguyễn Ánh, trong cuộc chiến của ông này với quân Tây Sơn. Sau khi chiến tranh kết thúc và Nhà Nguyễn được thành lập, ông trở thành một vị quan cấp cao trong triều đình và phục vụ hai triều vua Gia Long (tức Nguyễn Ánh) và Minh Mạng.
Lê Văn Duyệt sinh năm 1763 hoặc 1764 tại vàm Trà Lọt, thuộc làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường, về sau gọi là xã Hòa Khánh thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang).
Cha ông là Lê Văn Toại có tất cả 4 người con trai, Lê Văn Duyệt là con trưởng. Sử cũ mô tả ông là người bị yếm hoạn, từ lúc sinh đã không có ngọc hoàn. Tương truyền vì điều này mà cha ông rất buồn dù cho con trai sinh trưởng và khoẻ mạnh hơn những đứa trẻ khác, một lần ông nhờ một vị thầy bói người Tàu giỏi coi tướng xem cho con trai; vị thầy tướng số sau khi trông mặt Duyệt thì cười nói " thằng bé này tuy bị yếm hoạn nhưng sau này làm nên nghiệp lớn, vợ con thê thiếp đều có đủ cả!". Nghe vậy cha ông mừng lắm mới để ông được ăn học chữ nghĩa đầy đủ, lại cho ông học thêm binh thư theo sở thích.
Năm 1781, một lần chúa Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi chạy đến vàm Trà Lọt, có ngụ tại nhà ông Lê Văn Toại. Nhân dịp này Lê Văn Toại mới thỉnh cầu cho con là Lê Văn Duyệt được theo hầu chúa Nguyễn, chúa Nguyễn bèn thu nhận ông làm thái giám lo việc bảo vệ cung quyến để tạ ơn.
Theo Quốc triều sử toát yếu, thì trong trận đánh tại Đồng Văn ông bị quân Tây Sơn bắt. Tương truyền tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ có ý muốn thu dụng ông, nhưng Lê Văn Duyệt không theo, sau đó tìm cách trốn về được với Nguyễn Ánh, tháng 11 (âm lịch) năm 1784.
Qua nhiều lần bôn tẩu cùng chúa Nguyễn và hai lần cùng chúa sang Xiêm, Nguyễn Ánh nhận ra ông không chỉ là một thái giám tầm thường, mới nhận xét: " tuy sinh ra là người (thái) giám, (nhưng là) người mạnh dữ mà đánh giỏi, có công tùng chinh" từ đó luôn giữ Duyệt bên mình, việc quân cũng đem ra bàn với ông.
Năm 1793, khi theo chúa đi đánh quân Tây Sơn ở Quy Nhơn, Duyệt lập được công lớn nên được phong Thuộc nội vệ úy thuộc quân Thần Sách.
Năm 1795, Lê Văn Duyệt cùng tướng Nguyễn Đức Xuyên đi cứu thành Diên Khánh bị quân Tây Sơn vây. Tướng Tây Sơn là Lê Phong giữ đồn Trung Hội chặt, quân Nguyễn không vượt được. Duyệt liền bàn với tướng Nguyễn Đức Xuyên rằng: "chia quân 2 đạo, tôi đánh thẳng sau đồn, cho giặc chống giữ, ông dẫn quân đến trước đồn đào nát cái lũy, lũy sụt, quân ta đánh trông hò reo mà vào, đồn thế nào cũng bị phá thôi".
Đức Xuyên chần chứ không quyết, Duyệt nói cứng rằng "đã có lệnh rồi, tội vạ gì tôi xin chịu cả". Đức Xuyên mới nghe theo. Quả nhiên quân Tây Sơn bị thua. Tin thắng trận báo về, Nguyễn Ánh liền tới nơi xem. Duyệt bước ra xin nhận tội giả làm lệnh chúa nhưng Nguyễn Ánh cười nói: "Đánh để thắng trận công ấy phải ghi thưởng, có tội gì".
Tháng 11 (âm lịch) năm 1800, ông được cử theo Tiết chế Nguyễn Văn Thành. Hai ông hợp quân đánh thắng một trận lớn, nhưng sau đó nảy sinh hiềm khích. Sách Quốc triều sử toát yếu chép: ...Thành hay uống rượu, lúc gần ra trận, cầm hồ rót rượu, rót cho Duyệt một chén và nói rằng: "Uống rượu để thêm sức mạnh". Ông Duyệt nói: "Ai tánh hay sợ mới uống rượu để cho thêm sức mạnh, còn như tôi thời trước mắt không coi (đó là) trận dữ, cần chi phải uống rượu". Thành có ý thẹn, từ đó giận Duyệt.
Năm 1801 nổ ra trận quyết chiến giữa Tây Sơn và quân Nguyễn ở Thị Nại, Lê Văn Duyệt và tướng Võ Duy Nghi cùng dẫn quân đánh thẳng vào thuỷ trại quân Tây Sơn. Đại Nam liệt truyện chép: “Quân giặc giữ đồn núi chống đánh. Súng đạn như mưa, Di Nguy bị súng giặc bắn ngã xuống nước chết. Duyệt đánh càng khỏe. Vua thấy tướng sĩ nhiều người chết, và bị thương, cho tiểu sai dụ tướng sĩ hãy tạm lui để tránh mũi nhọn của giặc. Duyệt xin liều chết đánh, đối với tiểu sai nói rằng chỉ có tiến không lui, cứ vào không ra, vây quân kíp tiến bèn vào được cửa biển, thuận gió phóng hỏa, đốt hết chiến thuyền của giặc. Giặc cả vỡ, chết rất nhiều, trận này là ngày 16 tháng giêng”.
Trận này được xem là "võ công đệ nhất" của nhà Nguyễn và cũng là trận đánh lớn nhất, lừng lẫy nhất của ông.
Tháng 4 (âm lịch) cùng năm, ông Duyệt theo chúa Nguyễn ra đánh Phú Xuân. Tháng sau, đại binh vào cửa Tư Hiền, ông và Lê Chất phá được đồn quân Tây Sơn ở núi Quy Sơn (tức núi Linh Thái), bắt sống được Phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách. Đến ngày 3 tháng 5 (tức ngày 15 tháng 6 năm 1801), ông cùng chúa Nguyễn Phúc Ánh tiến vào nội thành Phú Xuân sau khi đánh tan đội thủy quân của nhà Tây Sơn, khiến vua Cảnh Thịnh phải tháo chạy ra Bắc.

Sau đó, chúa Nguyễn sai Tiết chế Lê Văn Duyệt (có Lê Chất đi theo) đem quân bộ vào Quảng Nam, Tống Viết Phước (hay Phúc) đem quân thủy, chia đường vào cứu thành Bình Định. Dọc đường, Lê Văn Duyệt đánh thắng nhiều trận, nhưng không kịp cứu Quận công Võ Tánh và Lễ bộ Ngô Tùng Châu. Vì lương hết, hai ông đều đã tuẫn tiết vào cuối tháng 5 (âm lịch) năm 1801. Xét công, chúa Nguyễn phong Lê Văn Duyệt làm "Thần sách quân Chưởng tả dinh Đô thống chế Quận công". Lại cho Lê Chất làm tướng dưới quyền, để cùng mang quân đi thu phục các nơi.
Ngày mồng 1 tháng 5 năm Nhâm Tuất (tức 31 tháng 5 năm 1802), chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi tại Phú Xuân, đặt niên hiệu là Gia Long. Lê Văn Duyệt được phong làm "Khâm sai Chưởng Tả quân dinh Bình tây tướng quân, tước Quận công" để cùng với Lê Chất đem bộ binh ra Bắc truy diệt vua quan nhà Tây Sơn. Theo phối hợp còn có binh thuyền do tướng Nguyễn Văn Trương chỉ huy. Đến tháng 6 (âm lịch), thì quân bộ sang sông Linh Giang (tức sông Gianh ở Quảng Bình) rồi hiệp với quân thủy đánh lấy Nghệ An, Thanh Hóa, và Thăng Long. Đến lúc ấy, nhà Tây Sơn kể như bị diệt.
Tháng 3 (âm lịch) năm 1803, Lê Văn Duyệt phá tan cuộc nổi dậy của người dân thiểu số ở Vách Đá (Quảng Nghĩa, nay là Quảng Ngãi), được vua khen thưởng. Tháng 8 (âm lịch) năm đó, cha Lê Văn Duyệt là Lê Văn Toại được vua cho mời ra Huế ban khăn áo.
Ngoài ra để tưởng thưởng cho công lao của Lê Văn Duyệt, vua Gia Long còn gả một cung nữ cho ông là bà Đỗ Thị Phẫn. Sau này hai ông bà mất được táng cạnh nhau, lăng của ông bà tại Gia Định được gọi là lăng ông bà Chiểu.
Năm 1808, lại sai Lê Văn Duyệt mang quân đến Đá Vách. Thấy Phó quản cơ Lê Quốc Huy, vì nhiễu hại quá, nên dân mới nổi dậy. Lê Văn Duyệt bèn xin lệnh chém chết viên quan này, từ đó Quảng Nghĩa lại được yên.
Tháng 6 (âm lịch) năm 1812, nhà vua cho triệu Tổng trấn Gia Định Thành Nguyễn Văn Nhơn về, cử Lê Văn Duyệt vào thay, và cho Trương Tấn Bửu làm Phó tổng trấn, Ngô Nhân Tịnh làm Hiệp trấn.
Tháng 2 (âm lịch) năm 1813, nhận lệnh vua, Lê Văn Duyệt và Hiệp trấn Ngô Nhân Tĩnh đem 13.000 quân thủy đưa Nặc Chân về nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay). Tại đây, ông thấy quân Xiêm cứ dòm ngó Chân Lạp, bèn xin vua Gia Long cho đắp thành Nam Vang cho vua nước này ở (trước đó ở thành La Bích), đắp thành Lô Yêm để trữ lương, đồng thời lưu binh ở lại bảo hộ (Nguyễn Văn Thoại được cử ở lại). Tất cả đều được vua nghe theo.
Năm 1815, Lê Văn Duyệt được chỉ triệu về kinh để bàn nghị về ngôi Thái tử. Khi ấy Lê Văn Duyệt ủng hộ con của hoàng tử Cảnh kế ngôi thái tử, phản đối truyền ngôi cho Minh Mạng. Nên về sau vua Minh Mạng rất căm giận ông, dù vậy khi ông còn sống vua Minh Mạng vẫn sợ uy ông mà không dám động tới.
Trên triều Lê Văn Duyệt không kiêng nể ai thường có tấu sớ kể tội các quan, nên triều thần nhiều người cũng căm giận ông mà sau này đồng loã với vua Minh Mạng tìm cách trả thù.
Tháng Giêng (âm lịch) năm 1819, Lê Văn Duyệt nhận mệnh đi kinh lược các vùng: Thanh Hóa, Nghệ An và Thanh Bình (nay đổi là Ninh Bình). Vì các nơi ấy thường mất mùa, sinh ra nhiều trộm cướp, quan sở tại không kiềm chế được. Đến nơi, ông dâng sớ về triều "nói việc khổ của dân, xin tha thuế cho dân, lại phải lựa quan trấn để an tập dân", được vua y cho. Ở Thanh Hóa, ông nhận Lê Văn Khôi làm con nuôi. Ông Khôi nguyên là người ở Cao Bằng, vì khởi binh chống Nguyễn, bị quan quân đuổi đánh, phải chạy vào Thanh Hóa, gặp ông Duyệt đang làm Kinh lược ở đấy. Khôi nể Duyệt là người rộng lượng lại xét xử nghiêm minh bèn ra xin đầu thú, Duyệt thấy Khôi là kẻ hữu dũng có thể kế thừa ý chí của mình bèn thu dụng và nhận làm con nuôi.
Tháng 9 (âm lịch), triệu Lê Văn Duyệt về triều. Sang tháng 12 (âm lịch), vua Gia Long cho đòi ông và Phạm Đăng Hưng vào cung lãnh di chiếu, tôn Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi (tức vua Minh Mạng). Đồng thời nhà vua cho ông Duyệt cai quản quân 5 dinh Thần sách.
Tháng 10 (âm lịch) năm 1822, vua Minh Mạng sai Lê Văn Duyệt điều động quân và dân (được hơn 39.000 người) để tiếp tục đào kênh Vĩnh Tế là dự án còn dang dở từ thời Gia Long (đến tháng 5 âm lịch năm 1824 thì xong).
Đêm 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (tức 28 tháng 8 năm 1832), Chưởng tả quân lãnh Gia Định Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất tại chức, thọ 69 tuổi. Sau đó, triều đình truy tặng ông chức "Tá vận công thần đặc tấn Tráng võ tướng quân – Tả quân đô thống phủ chưởng phủ sự, Thái bảo quận công", thụy là "Oai Nghị".
Sau khi Tổng trấn Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng cho bãi chức Tổng trấn Gia Định Thành, và đổi 5 trấn ra thành 6 tỉnh, là: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. Lại đặt các chức Tổng đốc, Tuần phủ, bố chính, Án Sát, Lãnh binh như các tỉnh ở ngoài Bắc. Đến khi Bạch Xuân Nguyên đến làm Bố chính ở Phiên An (tức tỉnh Gia Định), nói rằng phụng mật chỉ truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, rồi đòi hỏi chứng cứ, đồng thời trị tội các tôi tớ của ông Duyệt. Vì bị bức, con nuôi ông Duyệt là Lê Văn Khôi bèn khởi binh chống lại.
Vua Minh Mạng nhân đó cho quan quân đánh dẹp khởi nghĩa Lê Văn Khôi, dẹp xong rồi thì cho đình thần hoạch tội ông. Minh Mạng phán rằng: " Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bửa quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả, chẳng cần gia hình chi cho uổng công. Vậy cho tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn cuốc bỏ núm mộ san bằng mặt đất và khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: "Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ" (Chỗ này là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp)". Án này vạ lây sang những người thân tín với ông trong đó có gia đình tướng Lê Chất. Riêng vợ ông bà Đỗ Thị Phẫn thì được tha vì ông là người yếm hoạn, chiểu theo luật thời ấy bà không bị bắt tội.
Năm Tân Sửu (1841) vua Thiệu Trị lên ngôi, ban lệnh tha tội các thân thuộc của Lê Chất và Lê Văn Duyệt.
Tháng 2 (âm lịch) năm đầu Tự Đức (1848), Đông Các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn dâng sớ xin lục dụng những con cháu của Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Lời tâu làm vua cảm động, bèn cho con cháu ông Thành làm Chánh đội. Tuy nhiên, mãi đến năm tháng 4 (âm lịch) năm 1868, nhà vua mới chính thức ban lệnh truy phục chức hàm cho Nguyễn Văn Thành (là Chưởng trung quân Đại tướng quân Quận công) và Lê Văn Duyệt (là Chưởng tả quân Đại tướng quân), đồng thời cho thờ trong miếu Trung hưng công thần ở Huế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét